Người Hy Lạp cổ đại- Phần 4

Phần IV: Thần thoại, Tôn Giáo, Và Tín ngưỡng

aa

Stephen Batchelor

Trần Quang Nghĩa dịch

Trong phần này . . .

Trong Phần này tôi xem xét những nền tảng của thần thoại Hy lạp và cách thức chúng tạo hình cho những nghi thức tôn giáo và thờ phượng. Một số thần thoại, tín ngưỡng, và sự thờ cúng rất lạ lẫm. Tôi cũng xem xét các triết gia Hy lạp, những con người dám bất đồng với các truyền thống đã được xác lập và đưa ra những câu trả lời độc đáo của riêng mình về ý nghĩa cuộc sống, vũ trụ, và mọi thứ.    

Chương 19 

Trở về Khởi Thủy: Thần Thoại và Thần Linh Xây Dựng Đế Chế

 Trong Chương Này

  • Đánh giá vai trò của thần thoại trong đời sống người Hy Lạp
  • Phân biệt giữa thần thoại và lịch sử
  • Giải thích sự sáng thế và nhiều hơn nữa
  • Tìm hiểu các vị thần Olympus
  • Phân biệt giữa các vị thần Hy Lạp và La Mã

Trong số những điều còn tồn tại từ thời Hy Lạp cổ đại đến ngày hôm nay, thần thoại Hy Lạp chắc chẳn là điều bền bĩ nhất. Đầu tiên được người La Mã nhận lấy và cải biến giữa lúc thế giới Hy Lạp còn tồn tại (khoảng 300 BC), thần thoại và danh sách phân vai các vị thần, người thế tục, và sinh vật đã chứng tỏ là một nguồn cảm hứng to lớn đối với các nghệ sỹ Phục hưng, thi sỹ Anh, và các nhà làm phim thế kỷ 20.

Các thần thoại Hy Lạp cổ đại là những câu chuyện về tình yêu, thói ghen tỵ, thịnh nộ, tính anh hùng, sự hèn nhát, và hầu hết những tâm trạng của con người. Tóm lại,  chúng rực rỡ __ và chương này sẽ cho biết tại sao.

Làm Sáng Rõ bằng Thần Thoại

Thần thoại là trung tâm trong cuộc sống người Hy Lạp. Chúng chi phối các nghi thức tôn giáo của Hy Lạp cổ đại, tô điểm đền thờ và dinh cơ, và xuất hiện trong hầu hết văn chương và thi ca. Lý do cho việc đề cao thần thoại trong văn hóa cổ Hy Lạp thật đơn giản: thần thoại giúp người Hy Lạp cổ biết được họ là ai.

Herodotus, Thucydides, và Xenophon là những sử gia Hy Lạp đầu tiên. Trước họ, Hy Lạp không có lịch sử đúng nghĩa. Họ phải giải thích thế giới chung quanh mình __ cũng như những sự vật mà họ không thể nhìn thấy hoặc hiểu được.

Thoạt đầu, người Hy Lạp dùng thần thoại để trả lời những câu hỏi lớn lao __ như thế giới hình thành thế nào và đàn ông, đàn bà từ đâu mà có. Không có những kiến thức khoa học làm căn cứ, người Hy Lạp đưa ra những cách lý giải đáng kinh ngạc!

Truyền miệng thần thoại

Khoảng trước 750 BC người Hy Lạp không có chữ viết, vì thế họ truyền tụng những câu chuyện thần thoại bằng lời nói, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cuối cùng, những câu chuyện này trở thành một phần của một hệ thống tín ngưỡng được chấp nhận. Các vị thần và anh hùng được mô tả trong đó giống như người thực đối với dân chúng như thợ làm gốm hay chủ quán trọ trong vùng.

Những thần thoại vượt quá nguồn gốc của con người cuối cùng xuất hiện. Các vị thần và anh hùng ngự trị và tham gia vào những câu chuyện phiêu lưu khó tin. Những truyện kể theo năm tháng càng phong phú và phát triển thành các bài hát và thi ca.

Thi sỹ và anh hùng ca

Vào thế kỷ thứ tám BC người Hy Lạp bắt đầu ghi lại các thi phẩm truyền miệng bằng chữ viết. Các tác phẩm của các thi sỹ như Homer và Hesiod được viết ra, và các câu chuyện mà họ kể trở thành một loại hình thần thoại.

Trong nhiều trường hợp, các câu chuyện mà các thi hào sáng tác ra là các thiên anh hùng ca kể về cuộc đời các vị anh hùng và các con cháu của họ. Những câu chuyện này giải thích thời kỳ trước khi có lịch sử viết và cũng trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà biên kịch, thi sỹ, và nghệ sỹ sau này.

Lần theo mọi sự

Tất nhiên, một trong các vấn đề mà thần thoại truyền miệng gặp phải là có quá nhiều phiên bản khác nhau. Thường thường, sự khác biệt này là do vùng miền khi có quá nhiều thị trấn tuyên bố mình là sinh quán của một vị anh hùng hoặc là nơi xảy ra một sự kiện lừng lẫy nào đó. Ví dụ nhân vật thần Pan có đến 14 nhân vật thần thoại khác nhau được gán là thân sinh của ông!

Đối chiếu tất cả những câu chuyện này và các phiên bản của chúng là công việc khó khăn, nhưng cũng có một vài nhà văn đảm đương. Không còn nhiều công trình của họ được lưu lại, sau đây là hai đóng góp nổi bật nhất:

  • Phả hệ thần của Hesiod là một bài thơ dài mô tả những yếu tố xa xưa nhất của thần thoại Hy Lạp và cách thức các vị thần được khai sinh. Tác phẩm này đã được dịch và tải lên mạng cũng như được in ra.
  • Thư mục Thần Thoại Hy Lạp của Apollodorus, một học giả sống ở Alexandria vào thế kỷ thứ hai BC, là một công trình khảo cứu thần thoại sâu rộng. Các bản dịch công trình của Apollodorus vẫn còn được xuất bản và phát hành rộng rãi ngày nay.

Khởi Thủy: Thần Thoại Sáng Thế Hy Lạp

Mọi sự bắt đầu ra sao? Không có gì ngạc nhiên, các nền văn hóa cổ cho ta những phiên nbản khác nhau về thần thoại của sự sáng thế __ và người Hy Lạp cổ đại có một số kịch bản về câu chuyện này.

Phiên bản của Hesiod

Câu chuyện sáng thế được Hesiod mô tả trong Phả hệ thần như sau:

Khởi thủy là sự hỗn mang, nhưng rồi sau đó xuất hiện Mặt Đất mênh mông trên đó mọi sự vật an trú . . . Từ Hỗn Mang đến Đêm Đen và Erebos rồi đến lượt Đêm giao hợp trong tình yêu với Erebos sau đó sinh ra Ngày và Không Gian.

Ý tưởng cho rằng khởi thủy là sựtrống không (Hỗn Mang) từ đó nẩy ra Mặt Đất (gọi là Gaia), Tình Yêu (Eros) và những sinh vật cơ bản khác. Cuối cùng, Gaia sinh ra Uranos trở thành bầu trời; rồi tiếp theo bầu trời thụ tinh với Gaia và Gaia sinh ra nhiều con cái hơn __ các thần Titan.

Chú ý cách thức người Hy Lạp nhân cách hóa một số sự vật mà người ngày nay coi là những khái niệm trừu tượng. Chẳng hạn, tình yêu và bầu trời có những phẩm chất như con người và ngay cả có giới tính. Người cổ Hy Lạp tin rằng sự sáng tạo ra thế giới có thể được giải thích bằng sự tương tác của những lực khác nhau, và tốt nhất là nhân cách hóa những lực này.

Những phiên bản khác

Sau đây là một số phiên bản thú vị:

  • Phiên bản này có thể là một truyền thống nước ngoài, có trước thần thoại Hy Lạp. Theo phiên bản này, Eurynome sinh ra một quả trứng khổng lồ. Con trai Ophion của bà ngổi trên đó và ấp. Từ quả trứng nở ra toàn vũ trụ, trong đó có con người và thần thánh.
  • Trong Homer, sự cặp đôi của hai Titan __ Tethys và anh trai bà là Ocean __ sinh ra tất cả các vị thần.
  • Trong những văn bản mới hơn, vị thần đầu tiên là Đêm (gọi là Nyx). Bà hoặc là sinh ra một quả trứng (như Eurynome) hoặc sinh ra tất cả các vị thần và con người.

Tất cả phiên bản này đều cho thấy thần thoại Hy Lạp rất linh hoạt trong đó những câu chuyện tương tự có thể được kể bằng những lối khác nhau.

Nhớ các Titan

Trong phiên bản của Hesiod về sự sáng thế, Gaia (Mặt Đất) và Uranus (Bầu Trời) sinh ra một nhóm các nhân vật khác nhau tên là Titan, gồm sáu nam và sáu nữ.

Thủ lĩnh các Titan là Kronos xảo quyệt, lấy em gái mình là Rheas. Ông ta thèm khát quyền lực nên bàn mưu tính kế với mẹ Gaia. Trong khi Uranos đang ngủ, Kronos bò tới và cắt bộ phận sinh dục bằng một lưỡi hái! Nó rơi xuống từ tầng trời và trôi bập bềnh cho đến khi giạt đến đảo Cyprus tại đó nó tạo ra một kết quả khá bất ngờ. Theo Hesiod:

Bộ phận sinh dục, cắt bỏ và ném đi ra biển bảo tố, trôi giạt rất lâu trên sóng nước. Những bọt biển ôm ấp thịt da vĩnh cữu, và từ đó hóa thân thành một cô gái . . . và rồi một nữ thần, yêu kiều, được quý trọng, và cỏ xanh mọc quanh bàn chân ngà ngọc của nàng. Tên nàng được nam giới gọi là Aphrodite.

Những hàng chữ cuối cùng tạo cảm hứng cho họa sỹ thời Phục hưng Botticelli vẽ nên tuyệt tác Sự Ra Đời của Venus (xem hình dưới).

1

Kronos trở thành người chỉ huy nhóm Titan, nhưng ông sợ một trong những đứa con của ông sẽ lật đổ ông. Để bảo vệ quyền lực mình, mỗi lần vợ ông Rhea sinh con, ông chụp lấy hài nhi và nuốt chững!

Cuối cùng, Rhea phải thế đứa con trai cuối cùng (tên là Zeus) bằng một tảng đá bọc trong một chiếc chăn, cho Kronos nuốt. Sau đó bà chuốt cho Kronos một loại rượu tẩm chất độc khiến ông ta uống xong phải nôn thốc ra những đứa con trước đây. Zeus liền tập hợp các anh và thách thức Kronos và bọn Titan đánh nhau. Anh em Zeus đánh thắng và đuổi bọn Titan xuống vực thẳm (một khe nứt bên dưới mặt đất có tên là Tartarus). Tầng trời có lãnh tụ mới __ các vị thần Olympus.

Bắc cầu nối kết các vị thần và người

Người Hy Lạp cổ đại cho rằng những sự kiện về nhóm Titan xảy ra trước thời đại của họ rất lâu. Trong khi họ tin tưởng mãnh liệt là các vị thần thực sự tồn tại, nhưng họ chỉ cảm nhận sự hiện diện của họ thông qua những hành động họ gây ra dưới dạng bão tố và hiện tượng thiên nhiên.

Để bắc cầu kết nối giữa các Titan và người trần, người Hy Lạp tin rằng một thời kỳ khác đã tồn tại ở khoảng giữa __ một thời kỳ trong đó các vị thần và người trần sinh sống kề cận nhau. Thời kỳ này được chia làm nhiều giai đoạn, tóm lược như sau:

  • Thời Đại Vàng: Đây là khoảng thời gian bình yên khi đàn ông, đàn bà sống hòa thuận bên cạnh các vị thần, do Kronos cai quản. Giai đoạn này cuộc sống rất sung túc, chỉ dựa vào sản vật của thiên nhiên.
  • Thời Đại Bạc: Khi giống người ở Thời Đại Vàng chết đi một chủng người mới xuất hiện thay thế. Nhưng chủng người này điên đảo và xấu ác, khiến Zeus quyết định hủy diệt họ.
  • Thời Đại Đồng: Trong giai đoạn này con người biết đến chiến tranh và trở nên hiếu chiến đến nổi họ hủy diệt lẫn nhau.
  • Thời Đại các Anh Hùng: Giai đoạn này là giai đoạn mà các bậc anh hùng Hy Lạp vĩ đại __ như Heracles, Thesues, và Achilles __ xuất hiện. Những nhân vật này chiến đấu với nhau và trải qua những cuộc phiêu lưu kỳ bí.
  • Thời Đại Sắt: Đây là giai đoạn mà người Hy Lạp cổ đại cho là mình đang sống trong đó. Đó là giai đoạn mà con người bắt buộc phải làm lụng cực nhọc để mưu sinh.

Hình dung mọi việc xấu hơn từ đâu

Vậy thì nếu liên hệ giữa người và thần hoàn toàn hạnh phúc trong Thời Đại Vàng, tại sao người Hy Lạp lại sợ và kính trọng các vị thần trong thời đại của mình? Sự khác biệt được giải thích bằng Thời Đại Bạc, khi đó Zeus đâm ra nổi cơn thịnh nộ do tâm địa xấu xa của chủng người mà ông tạo ra và quyết định hủy diệt.

Zeus chọn công cụ hủy diệt là một trận đại hồng thủy. Giống như truyện về Noah trong Cựu Ước, chỉ có một người  cùng với gia đình của mình được có cơ may sống qua cơn đại hồng thủy do Zeus giáng xuống. Trong phiên bản Hy Lạp, một Titan tên là Prometheus thương xót con người nên lén báo tin này cho một người tên là Deucalion.

Deucalion cùng gia đình liền đóng một chiếc thuyền lớn và sống sót qua trận mưa lũ kéo dài chín ngày chín đêm cho đến khi mắc cạn trên chóp núi Parnassus gần Delphi. Lúc ấy Zeus đã nguôi cơn giận, bèn cho phép gia đình Deucalion được sống để sinh ra một chủng người mới. Một trong những con trai của gia đình có tên là Hellen, từ đó các hậu duệ của ông, tổ tiên người Hy Lạp cổ, được gọi là dân Hellen.

Prometheus cũng giúp đỡ chủng người Hellen mới bằng cách đánh cắp lửa mang cho loài người, bất chấp sự ngăn cấm của Zeus.

2

Zeus bèn trị tội ông bằng cách xích ông vào một triền đá cho đại bàng đến rỉa thịt. Mỗi ngày đại bàng đến rỉa thịt và moi lá gan của ông ra. Chiều đến vết thương lành lặn như cũ một cách thần kỳ và hôm sau nhục hình lại tiếp diễn. Cuối cùng phải nhờ đến Heracles giải cứu khi ông đi qua trên đường hoàn thành các kỳ công của mình. (Xem thêm Chương 20).   

Câu chuyện về Promeutheus là một thần thoại tuyệt vời củng cố lòng tin của người Hy Lạp về mối liên hệ của người và thần. Người trần nào dám thách thức thần thánh sẽ nhận được sự trừng trị thích đáng. Các bi kịch Hy Lạp cho ta nhiều ví dụ về những nhân vật đã đi quá xa, quá can trường, nhưng cũng đầy cao ngạo, và kết quả là phải gánh chịu những hình phạt khủng khiếp.

Đem các Vị Thần vào Chỗ của Họ

Người Hy Lạp cổ đại yêu quí các thần linh một cách tuyệt đối. Họ thờ rất nhiều thần, và qua những thần thoại phong phú của mình họ biến những sông suối, núi non thành những vị thần rất giàu óc tưởng tượng. Mục này xem xét những quyền năng và trách nhiệm khác nhau của các vị thần, từ góc nhìn của một dân thường Hy Lạp cổ đại.

Tìm hiểu vai trò các vị thần

Thần linh đóng một vai trò cốt lõi trong cuộc sống thường nhật của người Hy Lạp cổ, kể cả những gì họ nghĩ, những gì họ xây dựng, những gì họ vẽ, và những gì họ sáng tác trong thi, kịch, và nhạc.

Đồng thời, dân chúng sống trong nỗi sợ hãi quyền năng các vị thần và cúng tế hay dâng lễ vật cho họ với hy vọng nhận được điều tốt lành đáp lại.

Tôn thờ nhiều vị thần

Sau cuộc nổi dậy chống lại cha mình là Kronos và đánh bại các Titan, các vị thần mà người cổ Hy Lạp nhìn nhận bước vào sân khấu và tiếp tục trị vì trong cõi vĩnh hằng.

Tôn giáo cổ Hy Lạp có tính đa thần, trái với Cơ đốc giáo chỉ thờ một chúa, là loại tôn giáo độc thần.

Định nghĩa thần linh

Người Hy Lạp cổ đại cho các vị thần của mình mang hình dáng con người, chỉ khác là họ có quyền năng siêu phàm và thần kỳ. Đặc biệt, họ:

  • Có thể chống được thương tích và bệnh tật
  • Có thể biến hình thành những người hay sinh vật khác trong nháy mắt
  • Có thể mãi mãi không già
  • Có thể bay lượn

Nói chung, họ như các siêu anh hùng của thời hiện đại. Tất nhiên, người Hy Lạp cổ cũng tin rằng các vị thần của mình cũng hành động theo những động lực giống như người bình thường và trải nghiệm cùng những cảm xúc như con người. Điều này có nghĩa các vị thần cư ngụ trên núi Olympus thường xử sự một cách tàn ác, trẻ con, và vô đạo đức. Theo thần thoại, họ cũng phạm những tội ngoại tình, hiếp dâm, và giết người hầu như nhan nhản và rất thường xuất hiện với vẻ hả hê khi trừng phạt tàn nhẫn những con người yếu đuối, khốn khổ.

Đối với người Hy Lạp không có gì kỳ lạ về những hành động của thần linh. Họ không xem Zeus hay Apollo là những tấm gương về đạo đức phải noi theo. Người Hy Lạp cổ không có khái niệm về tội lỗi hoặc xấu ác xuất thân từ tôn giáo. Tất cả những giới cấm cho tự do của con người đều dựa trên những quy ước xã hội hay luật pháp chứ không trên sự chỉ dạy của tôn giáo.

Thăm Olympus __ nơi cư trú của các vị thần

Theo truyền thống thần thoại, các vị thần sinh sống trên đỉnh núi Olympus miền bắc Hy Lạp. Đây là nơi họ hầu như suốt ngày tiệc tùng hoặc chè chén say sưa, ăn toàn cao lương mỹ vị và uống rượu tiên. Nhờ ăn và uống như thế họ mới duy trì được máu huyết thần thánh và quyền năng siêu việt.

Ngoài những thú vui này, các vị thần thường đi chơi rong, thăm thú các nơi trên trần thế và xen vào những chuyện của con người, và không thiếu những trường hợp họ xung đột nhau vì những chuyện như thế. Chẳng hạn, có lần thần biển cả Poseidon thịnh nộ với Odysseus, ngăn cản chàng về nhà bằng cách tạo ra những trận bão trên biển cả, trong khi  các vị thần khác tìm cách giúp đỡ chàng ta được toại nguyện.

Làm việc như một vị thần: Những quyền hạn thần thánh

Khi các vị thần không chè chén hoặc quậy phá, họ cũng có những trách vụ. Mỗi vị thần có những lãnh vực chuyên môn của mình, mà tôi xem như là quyền hạn của họ,

Hầu như mọi lãnh vực của hoạt động con người đều được một vị thần giám sát. Chẳng hạn, thần Demeter bảo hộ nghề nông, Poseidon bảo hộ những chuyến đi biển, và Asclepius coi về thuốc men và chữa trị.

Trong nhiều trường hợp, các vị thần có nhiều hơn một quyền hạn. Một số có khá nhiều quyền hạn, như thần Apollo và Athena. Có khi những quyền hạn này không ăn nhằm gì với nhau. Chẳng hạn, Athena vừa là nữ thần bảo hộ nghề thủ công, vừa bảo hộ trí tuệ, và chiến tranh.

Thường thì dân chúng nhìn nhận một vị thần là thần bảo hộ cho một lãnh vực nghề nghiệp nào đó của mình. Cũng có khi là do một sự tích nào đó trong thần thoại, chẳng hạn thần Poseidon được chúa thần Zeus giao cho coi sóc biển cả. Dân chúng thờ cúng các vị thần bằng cách dâng lên lễ vật, mong được giáng phúc lành. Trong trường hợp thần bảo hộ nghề nghiệp (như nghề thuốc và đóng tàu), được một vị thần bảo hộ giúp người Hy Lạp thành lập các nghiệp đoàn và tổ chức các lễ hội vinh danh họ.

Phân biệt số phận với sự may rủi

Người cổ Hy Lạp tin rằng họ phải tôn thờ các vị thần nhằm bảo đảm cuộc sống của mình gặp nhiều hanh thông và những điều gỡ không xảy đến cho họ. Triết lý này có thể khiến ta nghĩ rằng người Hy Lạp tin các thần có thể kiểm soát vận mệnh của mình __ nhưng không phải vậy.

Ngoài thần linh, người Hy Lạp tin vào ý nghĩa của số mệnh __ thứ mà cuộc đời của mình đã được an bài và tuân theo một lộ trình bất di dịch. Theo đó, ngày bạn ra đời và ngày bạn chết đã được nhóm ba nữ thần, có tên là Số Mệnh, định sẵn (xem hình dưới).

3

Theo Hesiod, các nữ thần Số Mệnh, con gái của Nyx (Đêm), tháo cuộn chỉ của sự sống ra cho bạn khi cho phép bạn sống và tại một lúc nào đó một nữ thần có tên Atropos lấy kéo cắt đứt sợi chỉ là bạn phải chết.                 

    Vai trò các vị thần là thực thi số mệnh khi nó đến. Trong Iliad Homer mô tả thần Zeus có một bộ cân để cân số mệnh của các anh hùng đang lâm trận, xác định xem ai sống chết ngày hôm đó. Nhưng dù Zeus thực thi những số mệnh này, ông ta thực ra không thể làm gì để  thay đổi chúng, minh chứng rõ nhất là khi con trai phàm trần của ông, Sarpedon, bị giết chết trong một trận đánh. Có lúc Zeus nảy ra ý định cứu sống con mình nhưng rồi ông biết là mình bất lực.

Theo đó, con người hiếm khi xin các thần linh điều gì liên quan đến cái chết của mình hoặc mình sống được bao lâu nữa. Nói chung người Hy Lạp chấp nhận là các thần linh kiểm soát những gì xảy ra trong cuộc sống phàm tục của bạn, chứ không cái chết của bạn. Tôi sẽ xem xét thái độ của người Hy Lạp đối với cái chết trong Chương 21.

Chế giễu thần linh

Mặc dù dân chúng cho rằng các thần linh có quyền năng đáng sợ, họ vẫn thường xem họ là những nhân vật buồn cười và vui nhộn trong nghệ thuật, văn chương, và hí viện. Chẳng hạn, trong Iliad các sự việc trẻ con và buồn cười của các thần linh có tác dụng làm đối trọng với tính quyết liệt không khoan nhượng trong cuộc chiến thành Troy.

Các vở hài kịch thường chế giễu các vị thần. Trong kịch Những Con Cóc của  Aristophanes, hai nhân vật trung tâm, Dionysus và Heracles, là những vị thần bất tử bị đã kích nhiều như các vai còn lại. Có một cảnh trong đó Dionysus nhờ Heracles chỉ dẫn những mẹo phải sử dụng trên đường đi đến Âm ty:

                Tôi tự hỏi liệu ngài có thể chỉ cho tôi một vài mẹo: những giao tiếp cần thiết nào dưới đó, lên thuyền ở đâu, ăn quán nào, tiệm bánh mì nào, tiệm rượu nào,  ngon nhất, nhà thổ nào . . .  tuyệt nhất. Và nhà trọ nào có ít rận nhất.

          Tất nhiên, Aristophanes chỉ dám chế giễu những hành vi mang tính người của các vị thần chứ không đụng đến quyền năng thần thánh của họ. Ngoài ra, ông ta chỉ chế giễu những vị thần tương đối nhỏ bé, chứ không dám đụng đến Zeus hay Apollo.

Điều này cho thấy người Hy Lạp có định ra một thứ bậc cho các vị thần của họ, và mục tiếp theo xem xét những vị thần quan trọng nhất!

Gặp Gỡ những Vị ‘Siêu’ Thần

Chắc chẳn yếu tố quan trọng nhất để nhớ về các vị thần trên đỉnh Olympus là biết được mối liên hệ thân thích của họ. Chẳng hạn:

  • Zeus, Poseidon, và Hades là anh em.
  • Hera là em gái của họ và là vợ của Zeus.
  • Apollo, Artemis, và Hermes là một số ít trong các con cái của Zeus.

Như trong các gia đình, các vị thần cũng có lúc thăng lúc trầm. Nhiều câu chuyện về các vị thần Hy Lạp sinh ra từ những ghen ghét đố kỵ và xào xáo giữa họ. Bảng phân vai các thần được trình bày dưới đây.

Zeus, chúa tể các thần

Zeus là vua tất cả thần. Khi ông đánh bại cha mình là Kronos, ông trở thành chúa tể. Ông hầu hết xuất hiện trong thần thoại như một tay hào hoa đa tình, ngủ với nhiều người phàm lẫn tiên. Zeus không ngừng biến hình thành những sinh vật khác nhau khi làm chuyện này: một con thiên nga (Leda), một con bò mộng (Europa), và ngay cả một trận mưa vàng (Danae)! Hình dưới là pho tượng thần Zeus.

4

Poseidon, thần động đất

Poseidon là anh của Zeus. Khi Zeus làm chúa tể, ông được phong làm thần của mặt đất (do đó ông chịu trách nhiệm gây ra các trận động đất và giám sát biển cả. Poseidon cũng là thần chiến mã và giao phối với ác thần Medusa. Khi Medusa bị anh hùng Perseus giết chết, chiến mã có cánh Pegasus được sinh ra từ cổ bà.

Hades, vua của người chết

Một người anh khác của Zeus là Hades được cắt cho cai quản địa ngục và ông trở thành vua của người chết. người Hy Lạp (và nhất là người La Mã) cũng xem ông là Pluto, nghĩa là ‘giàu có’, vì của cải và sự phì nhiêu xuất phát từ lòng đất. 

Hades nổi tiếng nhất về vụ bắt cóc Persephone (con gái của Zeus và Demeter) về làm vợ ở chốn âm ty. Zeus bắt Hades cho Persephone mỗi năm về cõi trần sáu tháng, mang theo thời tiết ấm áp của mùa xuân và mùa hè.

Hera, nữ hoàng của thượng giới

Hera là trưởng nữ của Zeus và cũng là vợ ông. Bà là nữ thần hôn nhân và người Hy Lạp tôn thờ bà trong tư cách đó. Trong thần thoại và văn chương bà luôn bực mình vì thói tán tỉnh phụ nữ của ông chồng Zeus và tính bạo hành các nhân tình người trần của ông ta. Bà có ba người con với Zeus, trong đó có Ares thần chiến tranh. Bà cũng xuất hiện đều đặn trong các câu chuyện về Heracles (bố trí các thử thách cho ông ta) và Jason (giúp ông ta ăn cắp Bộ Lông Cừu Vàng).

Hestia, con người trầm lặng

Một chị gái khác của Zeus là Hestia, một nữ thần hấp dẫn, ít được biết đến. Bà là nữ thần của tổ ấm và thường được mô tả đang cời một ngọn lửa bất diệt. Bà khước từ tình dục và sống một cuộc đời trinh bạch __ và kết quả là bà không hề được nói tới trong bất kỳ thần thoại nào!

Mặc dù không có vai vế trong văn chương, Hestia chắc chẳn là nữ thần được tôn thờ nhiều nhất vì bà là thần bảo hộ của mỗi gia đình, luôn nhận được lễ vật đầu tiên trong các lượt cúng kiến tại nhà.

Apollo, chúa tể cánh cung bạc

Apollo là con trai sinh đôi của Zeus và Leto, con gái của một trong các Titan (Artemis là em gái sinh đôi của Apollo). Apollo là thần bảo hộ của các cung thủ và được mệnh danh ‘cung thủ tầm xa’ và ‘chúa tể cánh cung bạc’. Apollo là thần tiên tri và cũng liên quan mật thiết với mặt trời và ánh sáng. Ông nổi tiếng vì thành lập Đền thờ sấm truyền Delphia và luôn được mô tả trong nghệ thuật Hy Lạp như là hội tụ của vẻ đẹp và sự cường tráng nam giới.

Aphrodite, nữ thần tình dục

Nữ thần của sắc đẹp, sự quyến rũ, và tình dục, Aphrodite kết hôn với Hephaestus, nhưng họ không có con, và bà thường không chung thủy. Thần thoại nổi tiếng nhất của bà là cách thức bà ra đời (xem lại mục ‘Nhớ các Titan’ ở phần đầu chương). Bà thường xuất hiện trong các câu chuyện khác, xen vào những mối quan hệ của con người, đôi khi cùng với con trai mình là Eros. Bà đóng một vai trò quyết định trong việc tao ra xung đột dẫn đến Cuộc Chiến Thành Troy; xem Chương 20.

Ares, thần chiến tranh

Ares, con trai của Zeus và Hera, là một vị thần thực sự kinh khủng. Không chỉ là thần chiến tranh, Ares đam mê nổi khiếp sợ và hỗn loạn của chiến tranh và được công nhận là người kích thích tính khát máu và dã man nơi người trần. Ông có hai con trai __ Phobos (‘Khiếp đảm’) và Deimos (‘Sợ hãi’). Ông cũng là cha của Eros, một vị thần của dục vọng, tình yêu, và giao hợp, một kết quả từ mối quan hệ lâu dài với Aphrodite. Hình dưới mô tả thần thoại Ares giết con trai của Poseidon.

5

Athena, con người trí tuệ

Athena là con gái của Zeus và được nhận diện vừa là thần chiến tranh vừa là thần thủ công. Sự kết hợp có vẻ như là khập khiễng, nhưng đây chính là hai việc mà nam và nữ thời đó thường làm. Không như Ares, mối liên hệ giữa Athena với chiến tranh là hình thức sử dụng nó một cách tỉnh táo, chân chính để bảo vệ đất nước.

Athena cũng được nhận diện cùng với trí tuệ và thường được mô tả cùng với một con cú. Là thần bảo hộ của thành phố Athens, bà cũng là thần bảo hộ lớn của anh hùng Odysseus trong Odyssey.

             

Artemis, kẻ đi săn

Con gái của Zeus và em gái sinh đôi của Apollo, Artemis là nữ thần săn bắn và phụ nữ __ với trọng tâm đặc biệt dành cho sự sinh nở. Vai trò của bà như một thợ săn bao trùm toàn bộ cuộc sống hoang dã, và vì thế bà được xem là hoang dã và không khuất phục. Trong nghệ thuật bà được mô tả là thợ săn mang cung tên và mặc áo da thú (hình dưới).       

6

Hephaestus, thần của nghề rèn

Hephaestus là thần của lửa và đồ tạo tác kim loại. Ông là con trai của Hera và tàn tật bẩm sinh. Trong một vài phiên bản, ông sinh ra không có cha, mà thoát thai từ lòng sân hận chất chứa của Hera vì sự lang chạ của chồng minh là Zeus. Hera quá xấu hổ vì con đến nổi bà ném nó xuống núi Olympus.

Kết hôn với Aphrodite, Hephaestus bỏ nhiều thời gian trong lò rèn nơi ông đúc được tấm khiêng tuyệt vời cho anh hùng Achilles. Cuối cùng, người Hy Lạp trọng kính ông vì mọi hoạt động chế tạo và kỹ nghệ.

Hermes, thần truyền tin

Là một trong nhiều con trai của Zeus, Hermes là người đưa tin và là sứ giả của các thần. Ông xuất hiện trong thần thoại đi giày xang đan có cánh, khiến ông đi như bay đưa tin từ Olympus đến khắp nơi. Không có gì ngạc nhiên khi ông cũng là vị thần du lịch; dân chúng dâng lễ vật cúng ông trước một chuyến đi xa. Ông cũng được biết đến như một người lừa đảo mưu mẹo __ chắc chắn không phải loại người mà bạn hỏi thăm đường! (Hình dưới)

7

Demeter, người cho cuộc sống

Demeter là nữ thần của cây bắp và do đó được xem là người nuôi dưỡng cuộc sống. Bà là chị gái của Zeus và sinh cho ông ta một cô con gái tên Persephone. Do có liên quan đến mùa màng, bà thường được người Hy Lạp tôn thờ và là trung tâm của việc thờ cúng của họ (xem Chương 21).

Dionysus, thần của hội hè

Dionysus là con trai khác của Zeus và là vị thần của rượu vang và sự say xỉn (hình dưới). Say xỉn được coi như một điều tốt vì nó giúp giải thoát khỏi sự phiền não của kiếp người. Nhậu nhẹt say sưa rất khớp với vai trò khác của ông như một vị thần của sân khấu, nơi đó người ta có thể đeo mặt nạ để thay đổi nhân diện của mình. Dionysus suốt ngày  đi rong trên khắp xóm làng cùng với lũ bạn say xỉn, trong đó có cả những fan nữ cuồng nhiệt.

Trên đây chỉ là bảng tóm tắt các vị thần quan trọng trên Olympus và những câu chuyện nổi cộm nhất của họ. Thần thoại về họ vô cùng phức tạp và rất thường xung khắc với nhau. Điều quan trọng nhất là mối liên kết của thần với hoạt động của người trần khiến họ được dân chúng tôn thờ.

8

Chuyển Giao từ Hy Lạp đến La Mã

Người La Mã công nhận các vị thần của mình rất giống với các vị thần Hy Lạp, khi họ xáp nhập Hy Lạp vào đế chế của mình, chỉ khác là các vị thần mang các tên khác nhau. Bảng 19-1 đối chiếu giữa hai hệ thần, đôi khi rất dễ gây lầm lẫn.

Bảng 19-1: Hệ thần Hy Lạp và La Mã

Tên Hy Lạp                          Tên La Mã                           Quyền hạn người Hy Lạp gán cho

Zeus                                      Jupiter                                  Tầng trời, thời tiết, bão tố, và sấm sét

Hera                                      Juno                                      Hôn nhân và sinh nở

Poseidon                             Neptune                                Đại dương và động đất

Hades                                   Pluto                                     Cái chết và âm ty

Hestia                                  Vesta                                     Tổ ấm, gia đình

Apollo                                 Apollo                                    Tiên tri, dự báo, nghệ thuật

Aphrodite                           Venus                                     Sắc đẹp và tình dục

Athena                                 Minerva                                 Chiến tranh và nghề thủ công

Hephaestus                        Vulcan                                     Lửa và tạo tác kim loại

Ares                                    Mars                                       Chiến tranh

Hermes                                Mercury                                 Truyền tin và du lịch

Demeter                              Ceres                                    Cây bắp

Artemis                               Diana                                     Săn bắn và phụ nữ

Dionysus                             Bacchus                                Rượu vang và say xỉn

Có một thay đổi khi chuyển giao từ Hy Lạp đến La Mã là tầm quan trọng của một vài vị thần. Mars (Ares) quan trọng đến khó tin đối với một dân tộc hiếu chiến như người La Mã, và Vesta (Hestia) có vai trò nổi bật hẳn khi trở thành thần sáng lập giáo phái có tầm ảnh hưởng lớn tên là Vestal Virgins (Nữ Đồng Trinh Vestal) chuyên đào tạo các thiếu nữ trẻ thành các nữ tu.                     

Chương 20  

Pha Trộn Huyền Thoại và Lịch Sử: Troy, Homer, và các Anh Hùng

Trong Chương Này

  • Làm sống lại những vinh quang của Trận chiến thành Troy
  • Tìm kiếm dữ kiện về thành Troy
  • Đánh giá các thiên anh hùng ca Homer
  • Lưu trữ câu chuyện phiêu lưu của các bậc anh hùng khác

Huyền thoại về Trận chiến thành Troy rất nổi tiếng. Qua hàng thế hệ người ta đã thưởng thức các vở kịch, truyện kể, tiểu thuyết, và phim ảnh về các kỳ công của Achilles, Odysseus, Helen, và nhiều nhân vật Hy Lạp đầy mê hoặc khác.

Chắc chẳn bạn đã từng xem qua bộ phim Troy (2004). Bộ phim rất hấp dẫn, đầy ấn tượng về một thiên anh hùng ca giữa các quân đoàn do các bậc anh hùng khôi ngô, uy dũng đánh nhau tại một thành lũy huyền thoại để tranh giành một giai nhân. Khi phim được trình chiếu nhiều người xầm xì không biết những sự kiện xảy ra có thật không. Họ bỏ quên một điều là câu chuyện được mô tả trên phim dựa vào thiên anh hùng ca Iiliad của Homer không hề thực sự xảy ra trong thực tế, mà chỉ là một huyền thoại.    

Tuy nhiên, đối với người cổ Hy Lạp, Trận chiến thành Troy cực kỳ quan trọng. Các phiên bản của họ về trận chiến có tầm ảnh hưởng lớn lao đến cách thức họ sống cuộc đời của mình.

Tách Bạch giữa Huyền Thoại và Lịch Sử

Lịch sử Hy Lạp xa xưa rất khó tách bạch với huyền thoại. Trận chiến thành Troy là một ví dụ điển hình về sự phối hợp giữa hiện thực và giả tưởng.

Người Hy Lạp sẵn sàng chấp nhận câu chuyện thành Troy mặc dù có nhiều phiên bản khác nhau về nó. Người cổ Hy Lạp xem câu chuyện thành Troy là có thật và không đòi hỏi chứng cứ nào hết. Tất nhiên, những bộ óc hiện đại thấy khó chấp nhận câu chuyện nếu không có chứng cứ. Các sử gia cố quân bình chứng cứ khảo cổ với những thông tin có trong tác phẩm văn chương nguyên gốc, trong đó có thiên anh hùng ca của Homer.

Đào xới huyền thoại Trận chiến thành Troy

Huyền thoại Trận chiến thành Troy bao gồm một số lớn nhân vật và sự cố đặt vào thời điểm khoảng thời đại Mycenae (xem Chương 2), có lẽ 1300-1200BC.

Cao điểm của câu chuyện bao gồm những vai lớn và những sự kiện chủ yếu sau:

  • Một trận chiến do tình yêu thúc đẩy: Trong lúc thi hành sứ mạng ngoại giao đến triều đình của vua Menelaus xứ Sparta, Paris, một trong những con trai của vua Priam xứ Trojan, đâm ra yêu người vợ xinh đẹp của Menelaus và trốn chạy cùng nàng về Troy. Chuyện này gây ra một khủng hoảng thực sự vì anh của Menelaus là Agamemnon, vua xứ Mycenea, một vị vua hùng mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất trong tất cả các lãnh tụ của toàn Hy Lạp.
  • Chuyện cá nhân thành xung đột chính trị: Menelaus triệu tập tất cả những nhà quý tộc Hy Lạp khác để kết liên minh trong cuộc tấn công thành Troy trong một nỗ lực nhằm trả thù cho sự sỉ nhục. Agamemnon huy động một đoàn chiến thuyền hùng mạnh dong buồm từ Aulis trên bờ đông Hy Lạp , đổ bộ lên bãi biển bên ngoài thành Troy (ngày nay là một vị trí phía tây Thổ nhĩ kỳ). Và do đó, Helen trở thành ‘dung nhan phát động một nghìn chiến thuyền ra trận’.
  • Các chiến binh xuất chúng: Cả Hy Lạp lẫn thành Troy đều quy tụ những quân đoàn với các anh hùng hàng đầu của thời đại. Siêu sao bên Hy Lạp có Achilles, mà bà mẹ ông là nữ thần đã tắm ông trong dòng sông Styx ở âm ty để khiến da thịt cứng như đồng không gươm giáo nào có thể xâm phạm, trừ gót chân, nơi bà mẹ nắm lấy ông khi nhúng ông vào dòng nước thiêng. Chiến binh vĩ đại nhất bên thành Troy là Hector, trưởng nam của Vua Priam.
  • Một trận chiến tàn khốc: Chiến tranh khốc liệt giữa hai bên kéo dài trong mười năm. Các vị thần và nữ thần đều trợ giúp hoặc ngăn trở mỗi bên; mỗi vị thần chọn một bên để yểm trợ. Nhiều trang anh hùng ở cả hai bên đều bỏ mạng, trong đó có Hector chết dưới tay Achilles. Rồi Paris bắn một mũi tên vào gót chân (nơi duy nhất trong cơ thể ông có thể bị tổn thương), và ông chết.
  • Chiến mã quỷ quyệt: Cuối cùng, trận chiến kết thúc bằng mưu kế do Odyssey, vua xứ Ithaca của Hy Lạp bày ra. Quân Hy Lạp đóng một chiến mã khổng lồ bằng gỗ, để ở bên ngoài cổng thành Troy, và sau đó giả vờ rút quân về nước. Tưởng mình đã thắng trận, quân thành Troy kéo ngựa gỗ vào thành và nhậu nhẹt ăn mừng. Khi đêm xuống đội quân thiện chiến của Hy Lạp trốn sẵn trong lòng ngựa gỗ tụt xuống và mở cổng thành cho quân đoàn bên ngoài cũng vừa quay lại tràn vào. Trong cuộc tắm máu sau đó, thành Troy hoàn toàn bị tàn phá, không bao giờ phục hồi trở lại.

10

Ngựa thành Troy trong bộ phim Helen of Troy 2004, trong đó Brad Pitt đóng vai Achilles.

Sau Trận chiến thành Troy, câu chuyện tiếp tục với những nhân vật khác nhau. Đáng kể nhất là:

  • Menelaus đoàn tụ với Helen.
  • Agamemnon trở về nhà và bị vợ mình là Clytemnestra mưu sát. Vở bi kịch gồm ba tập của Aeschylus, có tên Oresteia, bóc trần các tình tiết của sự phản bội và quyền lực.
  • Odysseus trải qua mười năm nữa lang thang khắp vùng Địa Trung Hải trước khi về được quê hương với người vợ là Penelope đang chờ đợi ở Ithaca.

Phần trên chỉ là một trong nhiều phiên bản khác nhau của huyền thọai. Đối với người Hy Lạp, huyền thoại thay đổi tùy theo bạn là ai và bạn sinh sống ở đâu. Một phiên bản khác của Trận chiến thành Troy cho Helen trốn đến Ai cập trong suốt cuộc chiến, chỉ có hình nhân của nàng ở lại thành Troy.

Tìm hiểu sự thật về thành Troy

Vậy thì các sử gia thực sự hiểu gì về thành Troy? Những gì các sử gia biết được chỉ dựa vào chứng cứ khảo cổ và quá trình suy nghiệm có lý luận. Mặc dù phải tranh cãi, nói chung các sử gia đều nhất trí những điều sau đây:

  • Thời điểm: Người cổ Hy Lạp tin rằng Trận chiến thành Troy xảy ra trong Thời đại các anh hùng, một thời kỳ trước khi người Hy Lạp bắt đầu chép sử khi họ tin rằng các cuộc phiêu lưu của các bậc anh hùng như Heracles, Theseus, và các chiến binh tham sự Trận chiến thành Troy đã xảy ra. Sử gia Herodotus cho rằng chiến tranh xảy ra khoảng 800 năm trước thời đại của ông, tức khoảng 1200 BC.
  • Vị trí: Địa điểm mà các sử gia coi là nơi thành Troy tọa lạc đã là một thành lũy quan trọng trong suốt thời kỳ Minoan và Mycenae. Thành phố được xây dựng trên một ngọn đồi thấp cách bờ biển Agean khoảng tám cây số về phía tây và xa hơn một chút về phía nam của Hellespont. Troy là một vị trí thuận lợi cho giao thương tại hai điểm trên bờ biển và với toàn vùng Tiểu Á và phương đông. Như vậy, thành phố chắc chẳn phải rất thịnh vượng.

Vào thế kỷ 19 một nhà khảo cổ Đức tên là Heinrich Schliemann tiến hành khai quật một vùng rộng lớn tại những địa điểm quanh thành Troy lẫn Mycenae. Ông phát hiện các phế tích của một thị trấn cổ được xây dựng trên bảy tầng địa chất khác nhau.

  • Tầng xưa nhất chứa một số lượng lớn vàng và các đồ tạo tác quý giá.
  • Các tầng gần đây hơn cách xa trung tâm hơn, cho thấy có lẽ một thành phố đã phát triển và mở rộng.
  • Các khai quật vào thế kỷ 20 tìm thấy những tầng gần đây nhất chứa những chứng cứ về một trận hủy diệt qua một biến động địa chất lớn khoảng 1300 BC.

Schliemann tin chắc là địa điểm của ông đúng là thành Troy và kho báu ông tìm được thuộc về vị vua huyền thoại Priam. Ông tuyên bố trước thế giới là mình đã tìm thấy vị trí thành Troy và có chứng cứ là Trận chiến thành Troy đã thực sự xảy ra.

Tuy nhiên, những phát hiện của Schliemann gây tranh cãi. Những khai quật về sau đã chứng tỏ một trận động đất, hơn là một trận chiến quy mô, đã tàn phá những khu vực gần đây hơn. Các dấu hiệu cũng chứng tỏ dân chúng tiếp tục sinh sống trên các tầng địa chất gần đây ngay sau khi bị tàn phá __ không phải tàn tích của một thành phố do đạo quân của Agamemnon san bằng.

Cuối cùng thì các sử gia cũng đồng thuận là thành phố mà Schliemann khai quật là địa điểm chắc chắn nhất của thành Troy thời cổ đại. Bạn có thể đến thăm địa điểm này mặc dù từ các phế tích bạn không thể hình dung nổi câu chuyện về thành Troy.

 

Truyền miệng __ và Thổi Phồng: Homer

Thi hào Homer và đại thi phẩm The Iliad The Odyssey tạo ra tác động lớn lao lên hầu như mọi lãnh vực của đời sống Hy Lạp. Con người hiện đại thường thấy điều này khó hiểu vì vai trò của thơ ca ngày nay hoàn toàn khác. Trong thời cổ Hy Lạp The Iliad The Odyssey là những tác phẩm văn học đầu tiên của Tây phương.

Điều làm cho thi phẩm này thêm ấn tượng là tính đồ sộ và mức phức tạp của chúng. Mỗi thời kỳ nối tiếp đều tôn vinh các thi phẩm này là tuyệt tác, và dân chúng vẫn còn xem chúng là kiểu mẫu điển hình của cách xây dựng tác phẩm và nghệ thuật kể chuyện.

Người cổ Hy Lạp đều mặc định tác giả của hai trường thiên này một người __ một tác giả thiên tài có tên Homer. Qua hàng thế kỷ các học giả tranh cãi ồn ào về nhân diện của ông, mặc dù thiếu xót nhiều chứng cứ thực tế. Một thuyết phổ biến cho rằng Homer là người mù và những tượng bán thân của ông (được sáng tác hàng trăm năm sau khi ông mất) đều mô tả ông trong tình trạng này. Lý do chắc chắn nhất về điều này là trong The Odyssey có một nhân vật có tên Demodocus xuất hiện trong vai người hát rong, hát lên bài ca về Sự Thất thủ thành Troy. Một số người cho là Homer đã tự đặt mình vào tâm trạng của nhân vật ấy, và vì ông này mù nên Homer được cho là một thi hào mù.

Chia sẻ những câu chuyện: Truyền thống truyền miệng

Một phần vấn nạn về việc xác định nhân diện của Homer là do không có gì Homer viết ra thực sự tồn tại! Chữ viết chỉ phát triển ở Hy Lạp khoảng thế kỷ thứ tám BC. Người Hy Lạp xa xưa soạn ra và hát rong thi ca qua lối truyền khẩu, và Homer chắc chẳn cũng là một phần của truyền thống này.

Các thi sỹ truyền khẩu sống cuộc đời lang bạt đi từ thị trấn này đến thị trấn khác và trình diễn tác phẩm của mình. Các nguồn tư liệu cổ còn đề cập đến những thiên anh hùng ca khác như thiên anh hùng ca về huyền thoại liên quan đến thành phố Thebes, nhưng không có tác phẩm nào còn sống sót hoặc có ảnh hưởng như thiên anh hùng ca của Homer.

Truyền thống truyền miệng liên quan đến những kỹ thuật như sử dụng công thức hoặc sự lặp lại các cụm từ. Bạn có thể tìm thấy những kỹ thuật này trong tác phẩm của Homer. Các nhân vật được gán cho biệt danh mô tả phẩm chất hoặc biệt tài của họ như ‘Achilles nhanh chân’ hoặc Hector ‘người thuần ngựa’ và các biệt danh được lặp đi lặp lại trong suốt tác phẩm.

Một số cảnh chủ đạo được lặp lại toàn bộ. Chẳng hạn đoạn thơ mô tả các anh hùng tế lễ rồi dự tiệc tùng sau đó được lặp lại nhiều lần trong suốt cả The Iliad lẫn The Odyssey.

 Lý do chính cho việc sử dụng kỹ thuật này là các thi sỹ thời cổ Hy Lạp sáng tác thơ để diễn chứ không đọc. Các công thức và sự lặp lại khiến các tác giả có thể định hình các ý tưởng và câu chuyện trong trí để trình bày tác phẩm của mình trước thính giả.

Cũng quan trọng không kém là vần điệu của trường thi, khi đọc lên nghe du dương, dễ nhớ, dễ thuộc.

Độ dài và độ phức tạp của trường thi khiến nhiều người cho rằng chúng có thể được soạn đâu đó trong thế kỷ thứ tám BC rồi viết ra khoảng 650 BC. Phiên bản chữ viết chắc chắn do một nhóm thi sỹ thực hiện, dựa vào phiên bản truyền miệng bắt đầu từ một người, Homer.

Quyết đấu: The Iliad

Đây chắc chắn là kiệt tác văn chương quan trọng nhất mà người Hy Lạp từng sản sinh. Người cổ Hy Lạp xem The Iliad không chỉ là một trường thi về một huyền thoại chiến tranh. Đúng ra, người cổ Hy Lạp xem nó là một kim chỉ nam về đức hạnh và một ghi chép lịch sử, gần như là một thánh kinh, một tập hợp về những lời khuyên mà họ luôn tìm về để được tư vấn cho mọi vấn đề của cuộc sống.

Trận chiến thành Troy kéo dài khoảng mười năm, nhưng The Iliad chỉ nói về hai tuần của trận chiến. Nhân vật trung tâm là chiến binh Hy Lạp vĩ đại Achilles, đã rút lui khỏi cuộc chiến sau cuộc tranh luận với Agamemnon, tư lệnh của ông. Trong khi Achilles ‘nghỉ chơi’, quân thành Troy tỏ ra thắng thế. Hoàng tử thành Troy Hector giết người bạn trai thân nhất của Achilles là Patroclus. Đau buồn, Achilles quay về trận chiến và cuối cùng giết được Hector trước khi trường thi kết thúc với cảnh đám tang của Patroclus và cuộc thi điền kinh tiếp theo (một truyền thống sau khi một chiến binh kiệt xuất tử trận).

Tất nhiên, The Iliad không chỉ nói về việc Achilles trả thù cho cái chết của người bạn Patroclus của mình. Người cổ Hy Lạp xem tập thơ là một nguồn thông tin về:

  • Quan niệm về anh hùng và cách xử sự của chàng: Đối với con mắt người hiện đại, các nhân vật trong The Iliad hình như bất thường và chắc chắn là nóng nảy, nhưng người Hy Lạp yêu quý cách thức các bậc anh hùng sống hết mình cho danh dự. Trong thế giới của The Iliad một người chỉ có thể bảo vệ được danh dự của mình bằng cách chiến đấu và tiêu diệt kẻ thù, và thu giữ được áo gáp của kẻ thù sau một trận chiến được coi như một minh chứng cho danh dự và uy dũng của bậc anh hùng.
  • Các tiến trình thực tiễn: Một số cảnh trong tập thơ mô tả việc tế lễ và nghi lễ đã ảnh hưởng đến cách thức người Hy Lạp đời sau cúng tế. (Xem thêm Chương 21 về cách thực hành nghi thức tôn giáo của người cổ Hy Lạp.) Một ví dụ khác là đoạn thơ mô tả các bước thần Hephaestus đúc chiếc khiêng thần kỳ cho Achilles sử dụng khi ông bước vào lại trận chiến thành Troy. Đoạn thơ dài 12 dòng, mô tả chi tiết các công đoạn chế tác khiến người đọc ngày nay cảm thấy như là dư thừa. Nhưng The Iliad The Odyssey chứa dầy những chi tiết như thế và đó là lý do tại sao người Hy Lạp coi tập thơ là một bảng tóm tắt nhiều kiến thức thực tiễn trong đời sống.

Quy cố hương: The Odyssey

Tập thơ thứ hai của Homer kể câu chuyện về những sự kiện xảy ra cho Odysseus, vua xứ Ithaca, trong chuyến hành trình về cố hương sau khi thành Troy thất thủ.

Chuyến đi của ông mất nhiều thời gian vì các vị thần trừng phạt ông đã để cho thuộc hạ giết và làm thịt đám gia súc thiêng của thần mặt trời. Con thuyền của ông bị phá hủy và thủy thủ đoàn thất lạc. Odysseus trôi giạt vào một đảo của ma nữ Calypso trong bảy năm. Dọc đường về, Odysseus phải khuất phục bọn khổng lồ, bão đá, quái vật biển, và nữ phù thủy Circe.

Về đến Ithaca, Odysseus biết tin bọn quý tộc tung tin ông đã chết để chiếm cứ lâu đài ông và rù quến vợ ông Penelope. Bày mưu với con trai của mình Telemachus, ông giết chết nhiều tên quý tộc và đuổi chúng ra khỏi cung điện, cuối cùng xum họp với Penelope sau 20 năm xa cách.

 The Odyssey là câu chuyện hấp dẫn và đọc hay như một cuốn tiểu thuyết hiện đại hơn là The Iliad.

Một bài học mà người cổ Hy Lạp học được từ The Odyssey là quan niệm về tình nghĩa bạn bè, đó là một hệ thống được quy định về cách tiếp khách mà hầu như tất cả nhân vật trong The Odyssey đều tuân theo. Theo đó khi khách lạ đến nhà, trước khi bạn hỏi họ là ai, đến làm gì, bạn phải ân cần, đãi họ ăn uống, tạo sự thân tình.

Nói chung, tập thơ hình như đặt ra một tiêu chuẩn đạo đức cho người cổ Hy Lạp. Tính hào hiệp và hiếu khách là một nét chủ yếu trong tính cách người cổ Hy Lạp. Là một du khách nhiều lần đến thăm Hy Lạp tôi khám phá ra rằng truyền thống này vẫn còn tiếp tục đến ngày nay.

Gặp gỡ những Anh Hùng Khác, Xa Xưa Hơn

Mặc dù The Iliad The Odyssey thống trị văn chương và thần thoại Hy Lạp, hàng trăm những bậc anh hùng khác và những câu chuyện khác liên quan đến Thời đại các Anh hùng. Phần lớn họ thuộc về một thời đại xưa hơn thời đại thành Troy. Trong The Iliad người chiến binh già Nestor của xứ Pylos dõng dạc nói rằng không có chiến binh nào tham gia trận đánh thành Troy có thể so sánh được với thời đại ngày xưa với những bậc hào kiệt như Theseus. Như vậy các hào kiệt này phải ghê gớm dữ lắm!

Trong văn chương cổ Hy Lạp anh hùng không hẳn là một người xông pha cứu giúp kẻ bị áp bức như Siêu nhân hay Người Nhện. Người cổ Hy Lạp quan niệm anh hùng là một người tạo nên những kỳ công ngoạn mục hoặc phô trương sức mạnh vô địch và lòng kiên trì vô hạn. Nhiều lúc, những bậc anh hùng này không dễ thương cho lắm và có khi họ gây nên những điều không phải __ khác xa với phiên bản anh hùng ngày nay.

Các mục sau đây tóm tắt một số bậc anh hùng chính yếu trong thần thoại và văn chương cổ Hy Lạp, và những kỳ tích của họ.

Heracles: Người làm việc chăm chỉ!

Heracles (tức Hercules theo người La Mã gọi) là một anh hùng Hy Lạp tuyệt đỉnh. Ông là con trai của Zeus với một phụ nữ phàm trần tên Alcmene.

Ngay từ mới sinh, Heracles đã nổi tiếng vì sức mạnh và lòng can đảm phi thường. Hera, vợ chính thức của Zeus, vì ghen tuông, đã thả hai con rắn độc vào nôi để giết ông, nhưng ông đã bóp cổ chúng đến chết. Ông nổi tiếng nhất với 12 kỳ công mà vua xứ Tiryns thử thách ông. Đó là:

11

Tranh cổ mosaic minh họa Heracles bóp chết hai rắn độc đến giết ông khi ông mới ra đời        

  1. Giết con sư tử nổi tiếng và mang về bộ da của nó.
  2. Giết mãng xà nhiều đầu.
  3. Bắt con hưu thiêng của thần Artemis.
  4. Bắt con heo rừng hung dữ.
  5. Rửa sạch chuồng ngựa mênh mông đã không quét dọn nhiều năm liền.
  6. Đuổi đàn chim phá hoại thị trấn.
  7. Bắt con bò rừng hung dữ.
  8. Bắt đàn ngựa ăn thịt người.
  9. Ăn cắp dây nịt của nữ hoàng Amazon.
  10. Đi vào chốn xa lạ để bắt một số gia súc.
  11. Ăn cắp những quả táo vàng mọc ở tận cùng trái đất.
  12. Lặn lội xuống Âm ty để bắt chó ngao ba đầu canh giữ cửa vào.  

Sau tất cả những kỳ công này, Heracles vẫn chưa được nghỉ ngơi. Ông còn phải phiêu lưu nhiều chuyến nữa. Khi ông mất, ông được đưa lên núi Olympus tại đó ông được phong thần và sống chung với các vị thần. Nội chuyện này thôi cũng đủ khiến ông là bậc anh hùng vĩ đại nhất của Hy Lạp.

Theseus: Người sáng lập Athens

Như đã nói ở Chương 4, nhiều người cổ Hy Lạp tin rằng Theseus là:

  • Con trai của Poseidon
  • Người thành lập nhiều học viện của thành phố Athens
  • Người anh hùng đi đến Crete và đánh bại Minotaur

Tất nhiên, khối chuyện có liên quan đến Theseus; trong đó chuyện ông đồng hành cùng Heracles chiến đấu với bọn nữ quái Amazon. Vào thế kỷ thứ năm BC người Hy Lạp cho Theseus là nhân vật đấu tranh cho công lý, và ông xuất hiện rất cao quý trong một số vở bi kịch.

Perseus: Người tàn sát Medusa

Perseus là con trai của Zeus và người phàm Danae. (Zeus biến thành một cơn mưa vàng để giao hoan với phụ nữ đáng yêu này!)

Chiến công vang dội nhất của Perseus là giết chết Gorgon tóc rắn có tên Medusa có quyền năng biến người thành đá chỉ với một cái nhìn. Ông cũng cứu sống Andromeda khỏi bị bọn thủy quái ăn thịt. Những cuộc phiêu lưu này được trình bày trong phim Clash of the Titans (Những xung đột giữa các Titan năm 1980)

Jason: Lãnh tụ Argonaut

Jason lừng danh vì một kỳ công cực kỳ. Ông chú độc ác của ông là Pelias chiếm đoạt ngai vàng xứ Iolcus của ông, và giao cho ông sứ mạng đi đến thành phố Colchis xa xôi để ăn cắp Bộ Lông Cừu Vàng có quyền lực kỳ diệu. Trên con thuyền có tên Argo, Jason được một thủy thủ đoàn lừng danh có tên Argonaut tham gia.

Phiên bản đầy đủ nhất của huyền thoại này là Chuyến Du Hành của Argo do Apollonius đảo Rhodes viết vào thế kỷ thứ ba BC.

Bellerophon: Con người bí ẩn

Các sử gia và học giả thường xem Bellerophon là người bị quên lãng của thần thoại Hy Lạp mà các câu chuyện của ông không được lưu truyền như một số chuyện khác. Là con trai của Poseidon, Bellerophon được phái thực hiện những nhiệm vụ, tương tự như Heracles. Những nhiệm vụ này bao gồm cuộc quyết đấu chống quái vật Chimaera và đơn thân đánh lại bọn ma nữ Amazon. Thần mã biết bay Pegasus giúp đỡ ông trong các nhiệm vụ này.

Các anh hùng chết rồi đi đâu

Trong khi sống các anh hùng đều đạt được những kỳ công xuất thế, khi chết họ cũng được thần thoại gán cho những cái chết đặc biệt. Khi chết các người phàm chỉ việc đi xuống cõi âm ty tối tăm có tên là Hades nhưng số phận của các bậc anh hùng thì hơi khác.

Theo thần thoại các anh hùng đi đến một nơi gọi Elysium, còn được biết dưới tên ‘Cánh đồng Elysian’. Đây là khu đặc biệt ở Hades dành riêng cho các bậc anh hùng sau khi qua đời, ở đó họ sống bất tử với  tiệc tùng và săn bắn vui chơi trong cõi thiên đường vĩnh lạc. Như vậy cũng bỏ công thực hiện các kỳ tích anh hùng!           

 

Chương 21 

Thực Hiện Việc Thờ Cúng Mỗi Ngày

 Trong Chương Này

  • Chết và đi xuống âm ty
  • Tham gia nghi lễ và tế lễ
  • Bói toán và cầu điềm triệu

Tôn giáo Hy Lạp thực sự rất hình thức và đầy những nghi thức mang tính cộng đồng chẳng khác các tôn giáo ngày nay đòi hỏi các tín đồ của mình phải thực hiện nếp thờ cúng hoặc đi lễ đặc biệt.

Chết __ Trong Lý Thuyết và Thực Hành

Chết là một đề tài nghe hơi u ám, nhưng người cổ Hy Lạp có những quan niệm gây tò mò và có khi gây cảm hứng về những gì xảy ra sau khi họ tạ thế. Các nhà nhân chủng học ngày nay thường cho rằng bạn có thể gặt hái được nhiều điều về một xã hội qua thái độ của họ đối với cái chết. Tôi nghĩ điều này đúng với người Hy Lạp cổ đại.

Bước vào cõi âm ty theo thần thoại

Người Hy Lạp tin rằng sau khi chết, thi thể họ sẽ bị phân hủy, nhưng linh hồn (còn gọi là ‘bóng hình’) của họ đi xuống cõi âm tức Hades (tên của âm ty cũng như vị thần cai quản âm ty) để tồn tại vĩnh viễn.

Khi ‘bóng hình’ bước vào cõi âm, họ trước tiên phải băng qua dòng sông Styx trên một con đò do người lái đò nổi tiếng Charon cầm lái. Sau khi một người qua đời, bạn bè hay người thân của y sẽ bỏ một đồng tiền vào miệng y để y dùng nó trả tiền đò cho Charon. Nếu một người chết không nhận được nghi thức an táng đúng cách, y sẽ vĩnh viễn không qua được con sông.

Khi đi qua sông Styx, bàn tay của bóng hình người quá cố nhúng vào nước và quyền năng huyền bí của con sông sẽ rút tất cả ký ức của người chết khỏi thân xác y, nhờ đó người quá cố bằng lòng với kiếp sống nơi cõi âm mà không phải hối tiếc dằng vặt những gì bỏ lại trên trần thế. (Truyền thuyết dân gian chúng ta thì phải ăn cháo lũ trước khi bước vào cổng địa ngục: ND).

Người cổ Hy Lạp có vẻ như không đặt vấn đề phán xét công tội của người chết và cũng không có khái niệm thiên đường hoặc địa ngục. Mọi người đều đi tới Hades bất kể khi sống họ thiện hay ác và phải ở lại đó vĩnh viễn. Ngoại lệ duy nhất là cho các bậc anh hùng huyền thoại, ở đó họ được dành một khu vực đặc biệt cực lạc gọi là Elyisum.

Xử lý người chết: Chuyện hậu sự

Bỏ thần thoại qua một bên, người cổ Hy Lạp có những phương thức đặc biệt để xử lý người chết. Họ rất quan trọng nghi thức an táng vì nếu không hình bóng các thân nhân qua đời sẽ không thể qua được dòng sông Styx và phải lang thang vất vưởng.

Lễ an táng khá bộn tiền với đủ loại nhạc công và trò biểu diễn với nhiều thân hữu dự tiệc do tang gia chiêu đãi trước khi chôn cất. Vì người cổ Hy Lạp coi trọng gia quyến, bạn bè, nên tang lễ là một sự kiện trọng đại.

Người cổ Hy Lạp chôn cất người quá cố chứ không hỏa thiêu. Phần lớn gia đình có nhà mồ gia đình dành chôn cất nhiều thế hệ người thân.

Mỗi năm những thành viên còn sống họp mặt trong lăng mộ hoặc mồ mả để tưởng nhớ người quá cố. Trong dịp này, họ đọc kinh và dâng cúng các thần linh.

Thường các mộ phần có dựng bia mộ bằng đá trên có khắc những văn bia, thỉnh thoảng bằng các vần  thơ. Sau đây là một văn bia khoảng 500 BC:

                Một tay nhậu nhẹt, một tay háu ăn, một tay phỉ báng, tôi, Timokreon ở Rhodes, giờ nằm tại đây.

                Chắc có một gã nào đó vui sướng khi hay tin tôi chết. Rồi một người khác cũng sẽ vui sướng khi gã  đó chết. Tất cả chúng ta đều phải trả nợ cho thần chết.

 

Thờ Phụng Thần Linh

Trong suốt cuộc sống, người cổ Hy Lạp liên tục tham gia các nghi lễ hoặc lễ hội tôn giáo. Cuộc sống xã hội, công việc buôn bán, đám cưới, chiến tranh, là lễ hội văn hóa tất cả đều dính líu đến các nghi lễ tập trung vào một số vị thần.

Nghi lễ quan trọng vì qua đó người cổ Hy Lạp có thể cầu nguyện thần linh phù hộ, tán thành, hoặc bảo đảm. Mọi nghi lễ đều liên hệ đến một cuộc trao đổi: Người trần dâng cúng lễ vật cho thần linh để được cứu giúp một điều gì đó.

Mỗi đền thờ dâng cúng cho một vị thần đặc biệt. Người cổ Hy Lạp tin rằng vị thần đó thực sự trú ngụ bên trong đền thờ dành cho mình __ hoặc nếu một vị thần có nhiều đền thờ thì ông ta sẽ thay phiên thăm viếng chúng.

Tín ngưỡng cho rằng các thần hiện diện trong đền thờ có nghĩa là người Hy Lạp thực sự tôn thờ tượng thần bên trong đền __ một lối tín ngưỡng mà người đời này gọi là sự sùng bái thần tượng.

Lịch cổ Hy Lạp đầy dẫy các ngày lễ tôn giáo và lễ hội chính thức. Người Hy Lạp không có ngày thiêng liêng cụ thể mà tham gia các nghi lễ tôn giáo trong nhiều dịp lễ hội. Bình thường cá nhân hoặc gia đình có thể đến chiêm bái đền thờ dưới sự giám sát của thầy tu trong đền. Nhưng thường thì dân chúng thờ cúng thần linh tại nhà mình.

Thần bảo hộ chính của gia chủ là thần Zeus, ông cũng lo về cách thể hiện tính hiếu khách của gia chủ.

Tuy nhiên họ cũng có thể chọn lựa các vị thần của riêng mình để hộ trì gia đạo. Ho đặt những hình ảnh của vị thần đó trước cổng nhà hoặc ở những chỗ trang trọng trong nhà. Thần Apollo và Hermes thường được chọn lựa ngoài thần Zeus.

Tế lễ và dâng lễ vật

Cúng tế và dâng lễ vật là các cách chủ yếu để tôn thờ các thần linh. Cúng tế là giết gia súc như bò, trừu, heo, dê . . . , trong khi dâng lễ vật là dâng rượu, thức ăn, tiền bạc . . . Lối thờ cúng này không phải do người Hy Lạp bày ra; truyền thống này đã có nguồn gốc từ xa xưa. Ý tưởng chủ đạo là bạn dâng cúng một phần thực phẩm cho thần thì bù lại thần sẽ phù hộ gia đình bạn được an lành hoặc giúp một điều gì bạn cầu khẩn được toại nguyện.

Ngoài ra, người Hy Lạp cho rằng sông, suối, rừng, và các hiện tượng thiên nhiên khác đều có dính líu đến thần linh. Bằng cách bỏ sỏi hoặc một lễ vật nhỏ vào dòng sông hoặc vào bất cứ đâu, người ta thừa nhận quyền lực bao trùm của thần linh.

Người Hy Lạp tin rằng thần linh có mặt khắp nơi, và thỉnh thoảng đi xuống trần dưới hình dạng người phàm để theo dõi nhân loại. Đó là lý do để giải thích tại sao người phàm đôi khi buột miệng nói ra điều gì càn quấy. Sực tỉnh, họ chỉ việc vả lả, Thần nào đó đã nhãy vào miệng tôi và nói ra điều ấy.

Trong các cuộc hiến tế lớn ở đền thờ, người Hy Lạp cắt cổ các con vật hiến tế, hứng cả máu để dâng cúng. Người Hy Lạp có hai cách để tế lễ:

  • Tế một bộ phần nào đó của con vật, và thưởng thức phần còn lại. Dân chúng thui nướng con vật và cắt ra một phần dâng cúng thần. Phần còn lại dành cho bữa ăn chính thức phục vụ những người tham dự lễ hội.
  • Thiêu đốt hoàn toàn vật hiến tế. Hình thức này thường dành riêng cho những dịp đặc biệt. Chẳng hạn khi dân chúng khẩn cầu thần linh nguôi cơn thịnh nộ, hay trong trường hợp của một vụ án sát nhân, người cổ Hy Lạp xem con vật bị thiêu cháy như là hành động một-đổi- một mạng người.

Cân Nhắc và Tiên Đoán Tương Lai: Tham vấn sấm truyền

Mặc dù những cảnh nhuốm màu thần bí trong nhiều vở kịch Hy Lạp hoặc ngay cả trong những bộ phim ngày nay, người Hy Lạp không sử dụng các lời tiên tri để dự đoán tương lai. Thay vào đó, họ quay sang thần linh để khẩn cầu sự phù hộ của họ trong tương lai hoặc lời khuyên phải làm gì trong hiện tại.

Người cổ Hy Lạp tin rằng thần linh can dự vào số phận của con người nhưng không hề tạo ra nó. Họ có trách nhiệm  bảo đảm những gì phải xảy ra theo phận số  sẽ thực sự xảy ra.

Một trong những phương cách phổ biến nhất để một người cổ Hy Lạp biết  phải làm gì theo mệnh số là đến tham vấn các đền thờ sấm truyền, nơi họ tin rằng mình có thể nhận được lời đáp từ thần linh cho những câu hỏi của mình.

Đền thờ sấm truyền lừng danh nhất thời cổ Hy Lạp là đền Delphi ở trung tâm Hy Lạp. Đền có từ rất lâu đời, có niên đại khoảng thế kỷ thứ chín BC. Đền thờ thần Apollo tại điện thờ trung tâm. Tại đây các nhà cai trị thành phố hoặc những nhân vật tiếng tăm có thể đến để cầu xin một lời sấm truyền chỉ dạy. Hiện nay bạn có thể đến thăm phế tích của đền Delphia ở Hy Lạp (xem hình dưới).

12

Sau một nghi thức thanh tẩy và hiến tế phức tạp, người đến cầu xin sẽ đưa ra câu hỏi cho nữ trưởng giáo của đền, gọi là pythia. Bà liền xuất thần như lên đồng, môi mấp máy những lời rời rạc do thần Apollo mách bảo.

Để giải minh những lời mách bảo của thần, phải nhờ đến một người có năng lực kỳ diệu, được thần linh yêu quý, gọi là người thấu thị. Người này có thể “biên dịch” những lời nói lấp lửng của nữ trưởng giáo thành ra lời phán sấm truyền đầy uy quyền.

Người Hy Lạp cho rằng tương lai con người đã được an bày, do đó họ không khẩn cầu thần linh thay đổi nó, mà chỉ nhờ ông ta giúp đỡ họ lý giải những gì mình thấy được quanh mình, giúp họ đoán trước được tương lại sẽ đến.

Chẳng hạn, một người sẽ không đến vấn kế đền thiêng và hỏi xem mình sẽ có được bao nhiêu con với người vợ tương lai. Thay vào đó, y sẽ hỏi thần cho lời khuyên có nên kết hôn với cô ta hay không. Nếu người thấu thị cho rằng thần phán nên lấy, và y vâng lời, sau đó có một lô con cái, thế thì đền thiêng sẽ nổi tiếng là ‘thiêng’. Bằng ngược lại, nếu y lấy cô ta mà hai người chẳng sinh ra mụn con nào, thế thì người cổ Hy Lạp cho rằng y đã hiểu sai lời dạy của thần!

Nói chung, các sấm truyền thường đưa ra các lời đáp có tính cách giả định hơn là xác định __ tức là chỉ dạy bảo những gì người khấn nên làm để có một đời sống hạnh phúc hơn là xác định rõ tương lai của y tròn méo ra sao. [Cũng như các thầy bói của nước ta thôi!]

Ngoài các sấm truyền phán ra từ các đền thờ, người Hy Lạp còn đọc những điềm lành dữ qua các hoạt động hằng ngày. Cách đàn chim bay lượn trên trời, cách lay động của vòm lá, cách nước chảy đều có thể được sử dụng để lý giải ý chí của thần linh. Một nguồn thông tin phổ biến nhất của điềm triệu là từ nội tạng con vật bị hiến tế. Các đặc điểm về hình dạng và màu sắc của cơ quan này, nhất là lá gan, sẽ cho biết thần có ưng ý hay phật ý về một kế hoạch hành động của mình trong những quyết định trọng đại về phát động chiến tranh hay thương thảo hòa bình.

                

Chương 22 

Muốn Giải Minh Mọi Sự: Triết Lý Hy Lạp

 Trong Chương Này

  • Suy tư về vấn đề hiện hữu của các triết gia Hy Lạp cổ xưa
  • Trò chuyện với Socrates và Plato
  • Bàn chuyện khoa học với Aristotle và những người khác

Thoạt nhìn, triết lý Hy Lạp hình như làm ta khớp. Hầu hết các sách về chủ đề này có bìa cứng với hình ảnh pho tượng của  các ông già râu ria xồm xoàm, đôi mắt nghiêm nghị, dữ tợn. Rồi những gì trình bày trong sách trông cũng đáng sợ không kém __ nhưng phần lớn thời gian, những  ý tưởng, nội quán, và lý giải thực ra hoàn toàn đơn giản.

Các thần linh và anh hùng thống trị toàn bộ lãnh vực của đời sống cổ Hy Lạp. Tín ngưỡng này đã trang bị cho dân Hy Lạp một ý niệm khá rõ ràng về thế giới và cội nguồn của nó __ nhưng còn có những câu hỏi vẫn chưa được trả lời.

Triết lý Hy Lạp xuất phát từ khao khát của các triết gia xa xưa muốn cắt nghĩa thế giới quanh mình, bao gồm những vấn đề chủ yếu như:

  • Sự vật đến từ đâu.
  • Thế giới được tạo ra từ vật gì.
  • Chuyện gì xảy ra khi bạn qua đời.

Từ ngữ dùng để mô tả xu hướng của triết gia là lý luận, một khao khát tìm hiểu và lý giải sự vật thay vì chấp nhận cách giải thích tâm linh hoặc tôn giáo.

Nhà triết học Xenophanes sống vào thế kỷ thứ năm BC đã đúc kết vấn đề bằng những lời lẽ sau:

                Cả Homer và Hesiod đã giao phó mọi thứ cho thần linh, vốn dĩ cũng đáng xấu hổ và đáng trách móc như người phàm trần, cũng ăn cắp, ngoại tình và lừa dối lẫn nhau.

Vậy nếu các thần thánh không phải là câu trả lời cho mọi thứ, thì là gì? Triết lý đã được khai sinh khi một số người Hy Lạp bắt đầu thử tìm ra lời giải đáp.

Từ triết gia tiếng Anh là philosophy, ghép từ hai từ Hy Lạp là philo nghĩa là sự yêu quý và sophy nghĩa là sự hiểu biết. Các triết gia Hy Lạp xuất thân từ những thành phần khác nhau  trong xã hội. Các triết gia toàn thời gian như Socrates và Plato là các nhà quý tộc, nhờ thế họ mới có thể suốt ngày suy tư, chiêm nghiệm những vấn đề mà người bình thường cho là chuyện trên trời. Triết lý cũng là đề tài hay được đàm luận trong lúc trà dư tửu hậu của những người học rộng.

Gặp Gỡ những Triết Gia Hy Lạp Khởi Đầu

Các học giả thường gọi những triết gia Hy Lạp thời kỳ khởi đầu là tiền-Socrates vì họ có mặt trước Socrates, nhân vật lừng lẫy nhất trong nền triết học Hy Lạp.

Các nhà tiền-Socrates không thực sự là các triết gia theo đúng nghĩa ngày nay. Hầu hết họ không viết sách hoặc tham gia giảng dạy hoặc thuyết giảng. Thật ra những nhân vật này chỉ đề ra các câu hỏi và từ mình tìm kiếm câu trả lời bằng cách quan sát thế giới chung quanh. Họ không hài lòng với các cách giải thích mà thần thoại đưa ra, mà tìm kiếm những kiến giải thay thế trong thế giới thiên nhiên và các yếu tố của nó. Họ thực sự là những con ‘người yêu quí sự hiểu biết’.

Mặc dù các nhà tiền-Socrates không tìm thấy các câu trả lời thỏa đáng, họ cũng có công khai phóng tiến trình truy vấn, cổ vũ những người khác thăm dò những vấn nạn khác và thách thức những giáo điều chính thống.

Một trong những khó khăn khi nhìn lại các triết gia tiền-Socrates là sự thiếu thông tin. Một số các triết gia đầu tiên chưa hề trước tác gì, trong khi sach vở của những người khác thì giờ đã thất lạc hết. Sự khan hiếm các văn bản nguyên gốc đã khiến các học giả chỉ biết trông cậy vào các triết gia Hy Lạp về sau này (như Xenophon và Aristotle), những người đã biên soạn ra những tóm lược và trích dẫn rộng rãi các công trình của những triết gia đi trước. 

Mục này chỉ là một khảo sát nhỏ về một số các triết gia tiền-Socrates hàng đầu. Nếu bạn muốn tìm hiểu tường tận hơn một số triết gia khác, trong đó có Zeno, Anaxagoras, Melissus, Philolaus, Leucippus, Democritus, bạn có thể khởi đầu từ trang mạng của Wikipedia tại địa chỉ www.wikipedia.co.uk hoặc tìm đọc Early Greek Philosophy của Jonathan Barnes của nhà xuất bản Penguin Classics.

Sử dụng mắt mình: Thales và Anaximander

Hai triết gia tiền-Socrates nổi bật xưa nhất là Thales và Anaximander. Họ đều xuất thân từ thị trấn Miletus trên bờ tây-nam của Tiểu Á, sống và làm việc khoảng 580 BC.

Các sử gia không hoàn toàn chắc chắn là công trình của Thales hình như xuất hiện sớm hơn, và Anaximander có vẻ là học trò hoặc người theo chân Thales.

Không có gì trùng hợp khi các triết gia sớm sủa này xuất thân từ Miletus nêu ta biết rằng đó là một thị trấn đón khách từ khắp nơi trong vùng Địa Trung Hải và phía đông. Sự pha trộn các ý tưởng và lý thuyết từ các vùng miền đã tồn tại trong dân chúng khiến cho địa điểm này là nơi chốn tự nhiên cho những tâm thức ưa truy vấn.

Cả hai triết gia đều rút những kết luận của mình qua việc quan sát và chiêm nghiệm khi ngắm nhìn thiên nhiên chung quanh. Các học giả hiện đại gọi tiến trình này là triết lý quan sát.

 

Nước, nước ở khắp nơi

Cả Thales và Anaximander đều quan tâm đến ý tưởng tứ đại: đất, khí, lửa, và nước. Theo họ mọi sự vật trên thế giới đều tạo thành bởi bốn yếu tố này.

Thales chú trọng nhiều nhất đến yếu tố nước. Có lẽ vì ông thấy chung quanh nơi mình đứng toàn là nước nên ông xác quyết rằng thế giới này được bao bọc bởi yếu tố nước. Quan niệm này trùng khớp với cái nhìn của người cổ Hy Lạp cho rằng trái đất là một hòn đảo chung quanh hoàn toàn là nước bao bọc, giống như tròng đỏ của trứng gà đập ra.

Thales còn quán tưởng xa hơn khi cho rằng nước là yếu tố chủ đạo của mọi vật. Con người, cây cỏ và muông thú đều cần nước để sinh tồn; do đó theo Thales, nước là nhân tố quyết định và nguồn gốc của sự sống.

Thales cũng đưa ra những lý thuyết thú vị về các sự vật khác, trong đó có ý tưởng là nam châm cũng có linh hồn vì nam châm có thể làm vật dụng chuyển động.

Là một môn đệ hay người đi theo Thales, Anaximander tiếp tục thâm cứu và tiến xa hơn Thales một bước. Người ta cho rằng Anaximander là người đầu tiên vẽ bản đồ các vùng đất có người cư trú trên thế giới và từ đó đưa ra một lý thuyết về cách vũ trụ và bầu trời hình thành. Đề tại này được gọi là vũ trụ học, một ngành học mà nhiều người cho là ông đã khai sáng ra.

Vũ trụ học mà Anaximander đưa ra hơi có vẻ ảo tưởng và dở hơi! Nó liên quan đến việc bốn yếu tố chủ đạo tương tác với nhau để sản sinh ra những đĩa dẹt lớn (trong đó trái đất là một) hình thành nên vũ trụ. Mọi tạo vật thiên nhiên như con người, muông thú, và thời tiết đều được sinh ra khi tứ đại ngừng tương tác nhau và tách biệt nhau.

Thales và Anaximander vẫn lý thú, dẫu có sai sót. Và các thế hệ cổ Hy Lạp nối tiếp vẫn tôn vinh họ là hai con người dám nghĩ khác và cổ vũ những người khác dám xông pha trả lời những câu hỏi trọng đại.

Đắn đo về sự hiện hữu: Parmenides, Heraclitus, Pythagoras, và những người khác

Sau khi Thales và Anaximander mở ra cánh cổng chặn của dòng sông triết lý, những người khác bắt đầu đặt ra những câu hỏi hóc búa về thế giới quanh mình.

Một số các tiền-Socrates sau này đã tiến những bước dài khi đặt ra những câu hỏi về bản chất của sự hiện hữu. Sống và chết có ý nghĩa gì; có ý nghĩa gì khi ta hiện hữu và rồi ngừng hiện hữu?

Một trong những triết gia đầu tiên truy vấn về hiện hữu một cách chi tiết là Parmenides, đến từ Elea, một thị trấn Hy Lạp ở miền nam nước Ý. Như nhiều nhà tiền-Socrates khác, ngày sinh và ngày chết chính xác của ông thường không được biết, nhưng chắc chắn ông ta đã sống và từng ghé thăm Athens khoảng 450 BC.

Mối bận tâm lớn của Parmenides là trả lời cho được tạo vật được hình thành thế nào và rồi sau đó bị hoại diệt. Cuối cùng ông khẳng định rằng mọi vật tồn tại và rằng bất kỳ vật nào bạn có thể tưởng tượng được đều thành hiện hữu sau khi bạn tưởng tượng ra nó. Do đó, chẳng hạn, trong khi bạn đọc quyển sách này, nếu bạn tưởng tượng ta tôi, tác giả quyển sách, đang cởi một con rồng khổng lồ, thế thì con rồng tồn tại vì bạn đã tưởng tượng ra nó.

Xa hơn nữa, Parmenides tin rằng mọi vật đang tồn tại thì đã từng tồn tại và sẽ luôn luôn tồn tại dưới hình tướng này hay hình tướng khác.

Phía bên kia bờ Địa Trung Hải ở Ephesus là một triết gia khác có tên Heraclitus (khoảng 525-475 BC). Lý thuyết của ông về sự hiện hữu rất khác với Parmenides. Đúng ra, nó đối nghịch tuyệt đổi.

Lý thuyết căn bản của Heraclitus là mọi vật đều không ngừng  thay đổi. Mọi vật cần chuyển động hoặc biến đổi để tiến hóa và trưởng thành. Theo lý thuyết này, chẳng hạn nếu bạn ngâm bàn chân mình trong dòng nước, khi bạn rút chân lên, con sông đã thay đổi. Nếu bạn lại ngâm bàn chân vào dòng nước lần nữa, con sông không còn là con sông mà bạn ngâm chân mình vào lúc đầu. Nên mới có câu ‘Không có ai uống nước hai lần trên một dòng sông’. Sự biến dịch không ngừng của con sông là những gì Heraclitus quan niệm về mọi bản chất của sự hiện hữu.

Khi đụng đến câu hỏi về sự tồn tại, Parmenides và Heraclitus đều khát khao muốn lý giải điều gì xảy ra trước khi sinh hoặc sau khi chết. Những triết gia tiền-Socrates xem xét câu hỏi này từ một quan điểm khác. Nếu mọi thứ từng luôn tồn tại và sẽ tồn tại như lời Parmenides nói là đúng, thế thì điều gì xảy đến với linh hồn sau khi thân xác chết đi? Một quan niệm rất thời thượng là quan niệm về sự tái sinh.

Tái sinh không phải là một quan niệm thuần túy của người Hy Lạp, nó đã từng được bàn đến ở tận Ai cập và Mesopotamia. Tuy vậy, các nhà tiền-Socrates đã xiển dương quan niệm này, trong đó nổi tiếng nhất là Pythagoras, một gương mặt gây nhiều tranh cãi. Sống trong thế kỷ thứ sáu BC, Pythagoras xuất thân từ Samos và trải qua hầu hết cuộc đời tại miền nam Ý.

Tên Pythagoras cũng được đặt cho một định lý nổi tiếng nhất và nhiều ứng dụng nhất trong hình học. Dù ông được vinh danh đã khám phá một số lớn các lý thuyết, nhưng vì không ghi chép lại nên các sử gia biết rất ít về ông. Các học giả đã ghép từng mảnh vụn thông tin để đúc kết những điều sau:

  • Lý thuyết lớn của Pythagoras dựa trên ý tưởng cho rằng linh hồn di chuyển giữa các thân xác, một dạng đặc biệt của tái sinh. Một giai thoại kể rằng Pythagoras có lần ngăn một người đang đánh đập một con chó vì ông nhận ra con chó là một người bạn cũ của ông qua tiếng sủa của nó!
  • Pythaogoras nổi tiếng vì hiểu biết rộng, và một số người gán cho ông các quyền năng siêu nhiên. Người ta đồn rằng ông có một bắp đùi bằng vàng và đã giết chết một con rắn độc bằng cách cắn nó trước.

Không biệt thực hư chuyện ấy thế nào, nhưng Pythagoras có nhiều môn đệ. Họ lập thành một giáo phái hoạt động như một hội kín, sinh hoạt khép kín không tiếp xúc với người ngoài. Họ sống theo tôn chỉ của ông về những nguyên tắc đặt nền tảng trên âm nhạc, sự hài hòa, và theo chế độ dinh dưỡng rất hạn chế.

Có lẽ thành tựu lớn nhất của Pythagoras là vực dậy mối quan tâm về triết lý trong những người theo gót ông.

Một trong những người theo ông nổi tiếng nhất là Empedocles (khoảng 490-460 BC). Như Parmenides, ông viết một trường thi có tên Sự Thanh Tẩy, là một trong những nỗ lực đầu tiên để song hành triết lý và tôn giáo Hy Lạp. Trong đó, ông giới thiệu một yếu tố về triết lý đạo đức có tầm ảnh hưởng ảnh hưởng đến các nhà tư tưởng sau này (xem mục sau ‘Sáng tạo ‘Tân Triết Lý’ với Socrates’).

Empedocles thâu nhận quan niệm tái sinh, đặc biệt quan niệm về một linh hồn bất diệt. Theo một giai thoại được nhiều người tin, Empedocles đã lên đường để lấy thân mình chứng minh quan niệm này bằng cách ném mình vào xuống miệng núi lửa của Núi Etna ở Sicily, dặn dò các đệ tử của mình là ông sẽ trở lại dưới một hình hài khác. Theo tôi biết, thế giới vẫn còn ngóng đợi sự xuất hiện trở lại của ông!

Sáng tạo ‘Tân Triết Lý’ với Socrates

 Socrates là một trong những người cổ Hy Lạp lừng danh nhất, một phần vì cái án tử hình mà thành Athens dành cho ông vào năm 399 BC, nhưng phần lớn vì cơ sở triết lý mà ông phát triển ở Athens vào thế kỷ thứ năm BC.

Như Pythagoras, Socrates không ghi chép gì hết. Các độc giả chỉ căn cứ vào những gì mà học trò ông (chủ yếu là Plato và Xenophon) ghi chép lại về triết lý của Socrates còn lưu lại đến ngày nay.

Mối quan tâm chủ yếu của Socrates khác với của các nhà tiền-Socrates. Ông không mấy để ý vũ trụ học và những vấn nạn về tái sinh. Thay vào đó, ông chỉ chú tâm vào động lực thúc đẩy con người hành động theo cách này hay cách kia. Lý thuyết của ông là con người nên làm tốt và làm những việc đúng đắn. Nhờ đó ông được vinh danh là người sáng tạo nên nền triết lý đạo đức.

Đàm đạo với Socrates: Đối thoại kiểu Socrates

Ngoài việc đặt trọng tâm vào môn triết lý đạo đức, Socrates còn nêu ra phương pháp truy vấn mang đậm phong cách khác biệt. Tiến trình này cơ bản gồm việc đặt ra những câu hỏi mà người đối thoại phải trả lời bằng cách đưa ra những giả định hay ý kiến của mình. Rồi sau đó những câu hỏi tiếp theo vặn vẹo cho đến khi người đối thoại nhận ra những giả định mình đưa ra thiếu lý luận vững chắc, và buộc phải đi theo và chấp nhận những kết luận ông đưa ra. Socrates luôn đặt ra những câu hỏi trong tinh thần tìm kiếm câu trả lời.

Ông có câu nói nổi tiếng, ‘Tất cả những gì tôi biết là tôi không biết gì cả.’

 Thường chủ đề của câu hỏi là về những phẩm chất đạo đức như tính can trường, lòng hào hiệp, tính tự chủ, óc suy luận, kiến thức . . . Đó là những phẩm chất mà bạn có thể có được bằng việc rèn luyện. 

Socrates cho rằng khi bạn nhận thức rõ hơn về bản chất của tính can trường, bạn có thể hành động thể hiện tính can trường. Đây là một quan điểm thú vị. Ông còn nói, ‘Điều tốt đẹp duy nhất là kiến thức; và điều xấu xa duy nhất là sự dốt nát.’

Cuối cùng, do đặt ra quá nhiều nghi vấn đã khiến Socrates trở thành người không được yêu quý và dẫn đến cái chết của mình. Ông chết như một thánh tử đạo và như một người đã tạo ra sự thay đổi nền tảng tư tưởng triết lý của cổ Hy Lạp cũng như của cả thế giới.

Socrates cũng gây ảnh hưởng cho sự phát triển của các nhà giảo hoạt (nhà ngụy biện). Bọn này về bản chất là những triết gia làm thuê, mặc dù nhiều người trong bọn họ không mấy quan tâm đến triết lý.

Bọn giảo hoạt dựa theo các nguyên tắc đối thoại của Socrates để quay ra kiếm chút lợi lộc. Họ bán nước bọt của mình chỉ dạy cho những người sắp ra hầu tòa khua môi múa mỏ. Một số người cho rằng bọn giảo hoạt không quan tâm đến sự thật, mà chỉ tìm cách bắt bẻ để thắng kiện.

Một số các nhà giảo hoạt mở lớp giảng dạy thuật ăn nói và đàm phán cho các con cái bọn nhà giàu muốn bước vào đường chính trị. Đây là những kỹ năng sống còn để thao túng hội đồng và kiếm được phiếu từ các công dân.

13

Một tranh vẽ mô tả giây phút cuối của Socartes khi ông bị xử tội chết bằng cách uống thuộc độc

Trả triết lý lại cho những triết gia chuyên nghiệp: Plato         

Sau khi Socrates qua đời vào 399 BC, nền triết lý Hy Lạp trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết. Gương mặt cự phách tiếp theo là Plato (khoảng 428-347 BC).

Sử gia biết rất ít về về cuộc đời của Plato, và nhiều sự kiện về ông luôn gây tranh cãi.

Nhưng các học giả đều nhất trí là:

  • Plato xuất thân là một đệ tử của Socates.
  • Sau cái chết của Socrates, Plato rời Athens và chu du vùng Địa Trung Hải, sau đó trở về Athens khi tuổi đã 40 và thành lập học viện triết lý lừng danh là Academy.
  • Học viên Academy phát triển và hưng thịnh trong hơn 900 năm trước khi cuối cùng hoàng đế Byzantine là Justinian đóng cửa năm AD 529.

Ngoài công lao thành lập Academy, Plato còn nổi tiếng vì số lượng các công trình triết lý do ông viết và xuất bản, nhiều công trình còn được lưu lại. Hầu như tất cả những tác phẩm này đều được viết dưới dạng đối thoại với Socrates là nhân vật chính. Chúng bao quát rất nhiều chủ đề, mặc dù chủ đề ưa chuộng của Plato là công lý, lý thuyết về kiến thức, và các lý thuyết về nghệ thuật.

Nhưng chắc chắn công trình lừng danh nhất của ông là tác phẩm Cộng Hòa (The Republic), một cuộc đối thoại rất dài quanh quan niệm thành lập một nhà nước lý tưởng. Cuộc đối thoại bắt đầu với việc thảo luận về bản chất thực sự của công lý. Sau khi xác định công lý thực sự là gì, nhân vật Socrates bắt tay vào việc tìm kiếm một xã hội lý tưởng có tiềm năng.

Kiểu mẫu xã hội ông tìm được là xã hội trang bị một hệ thống giai cấp điều hòa. Người ta sinh ra trong một giai cấp và làm những công việc phù hợp với giai cấp. Một nhóm người ưu tú gọi là Nhóm hiền triết lãnh đạo sẽ điều hành nhà nước, vì chỉ có họ mới có đủ thông thái và tự chủ để ra những quyết định khách quan làm lợi cho cộng đồng.

Kiểu mẫu này là một tập hợp những ý tưởng gây tranh cãi vì nó loại trừ hệ thống dân chủ mà lúc đó Athens còn ưu ái. Nhưng tại sao Plato chỉ tin cậy quyền cai trị của các triết gia? Lý do chính là ông rao giảng lý thuyết về sự hiện hữu được biết dưới tên Lý Thuyết về các Hình Thái. Trong lý thuyết này Plato biện bác rằng mọi thứ bạn nhìn thấy quanh bạn không thực sự có thực, chúng chỉ là cái bóng bản sao của chính sự vật. Các Hình Thái mới là phiên bản thực sự của mọi vật. Chỉ có triết gia mới có khả năng nhận thức và hiểu được các Hình Thái, vì thế chỉ có triết gia mới có đủ năng lực đưa ra những quyết định cho toàn thành phố hay nhà nước.

Plato minh họa Lý Thuyết về các Hình Thái của ông trong quyển Cộng Hòa bằng cách sử dụng hình ảnh một hang động. Ông mô tả một nhóm người bị giữ trong hang động chỉ nhìn thấy những hình bóng phản chiếu trên vách động; đây là toàn bộ thế giới của họ. Những hình bóng này là phản chiếu cuộc sống thực xảy ra bên ngoài hang động. Sau đó, một số ít người phá xiềng xích, liều lĩnh bước ra ngoài ánh sáng trong khi những người khác vẫn ở lại. Những người trốn thoát được chính là những triết gia đang đi tìm chân lý.

Những người khác vẫn ở bên trong, vẫn nhìn các bóng đen nhảy múa và tưởng chúng là thật. 

Ít nhất Plato là có thật đối với thế giới của mình. Suốt đời ông mãi tỉm kiếm chân lý và giúp dạy những người khác hành động như mình. Vào cuối đời ông sống một thời gian ở Sicily và khi ông qua đời ông được an táng trong học viện của mình.

Gặp gỡ người biết hết mọi sự: Aristotle

Một trong những người tốt nghiệp nổi tiếng nhất từ học viện Academy là Aristotle (384-322 BC), gương mặt vĩ đại cuối cùng của nền triết học Hy Lạp . Aristotle cũng từng là thầy học của Alexander Đại Đế thuở thanh thiếu niên.

Aristotle xuất thân từ Stageira miền bắc Hy Lạp. Dù trải qua phần lớn cuộc đời ở Athens, ông chưa hề được công nhận là công dân của Athens và sống ở đó như một khách nước ngoài vãng lai. Ông thành lập ngôi trường riêng của mình mang tên Lyceum bên ngoài thành phố Athens.

Có hai điều khiến Aristotle khác biệt với các triết gia khác sống trước ông là:

  • Aristotle quan tâm nhiều đến kiến thức có được từ năm giác quan hơn là có được từ suy luận thuần lý.
  • Aristotle quan tâm đến mọi thứ __ tất cả lãnh vực của hoạt động con người bao gồm chính trị, thực vật học, y học, triết lý đạo đức, phê bình văn học, và nhiều ngành nữa.

Xét theo nhiều mặt, phương pháp luận của Aristotle là sự kết hợp giữa phái tiền-Socrates và những triết gia sau này. Dù trước bất kỳ đề mục nào, Aristotle cũng theo cùng một phương pháp luận truy vấn khoa học. Ông được xem như một nhà thực nghiệm (nghĩa là người quan tâm khảo cứu mọi lãnh vực của đời sống con người), và phương pháp của ông tạo nền tảng cho nghiên cứu khoa học phát triển sau đó hàng thế kỷ.

Công trình đồ sộ mà Aristotle đóng góp trong toàn bộ cuộc đời mình khó mà đánh giá cho hết được. Các công trình chính của ông bao gồm:

  • Vật lý học: Về thiên nhiên, sự sống, và cách hoạt động của tâm trí.
  • Siêu hình học: Về lô-gic và suy luận.
  • Đạo đức học: Về những vấn nạn thuộc đạo đức và hành động hợp đạo lý.
  • Chính trị: Khảo sát tất cả hệ thống chính trị và những vấn đề của chúng.
  • Thi ca: Về kịch thơ và những đề tài của chúng.

Aristotle cũng soạn sách về cây cỏ và muông thú, y học, bản chất thật sự của linh hồn, và tu từ học. Đúng là một người bận rộn!

Với quá nhiều lãnh vực khác nhau, chọn một đề tài của ông là một việc khó khăn. Thôi hãy chọn Đạo Đức Học như một cách tiếp cận tốt vào phong cách truy vấn của Aristotle. Như Socrates, Aristotle tin rằng các phẩm hạnh là những kỹ năng bạn có thể đạt được bằng sự tu tập; chẳng hạn nếu bạn kiên trì tập luyện tính rộng lượng đối với tha nhân, dần dà bạn sẽ tự động rộng lượng như một bản năng, không có chút cố gắng hay để tâm đến.

Nói chung, Aristotle xác định rằng lối sống đức hạnh là lối sống trung đạo, tránh những bất cập cũng như thái quá.

14

Đây là bức tranh của họa sỹ Raphael nổi tiếng vẽ học viện Academy của Plato, trong tranh có nhiều gương mặt xuất chúng trong lịch sử, trong đó hai người ở trung tâm bức tranh là Plato và Aristotle.

Tiến lên: Khoa học thời Hy Lạp và xa hơn nữa

Một trong những tác động mà Aristotle và các cuộc chinh phạt của Alexander Đại Đế tạo ra là vực dậy mạnh mẽ mối quan tâm đến các ngành khoa học trong thời kỳ thuộc Hy Lạp. Các vị vua kế nghiệp Alexander bỏ ra những số tiền lớn để phát triển các khoa học và tài trợ cho việc thành lập các học viện và thư viện.

  • Hình học và toán học là những lãnh vực quan tâm của những gương mặt kiệt xuất như Euclid (325-265 BC) và Archimedes (khoảng 287-212 BC). Một số nguyên lý mà họ tìm ra đến nay còn hữu dụng.
  • Thiên văn học là một lãnh vực quan tâm khác, đặc biệt việc nghiên cứu vị trí trái đất đối với các vì sao. Cha đẻ của ngành thiên văn học là Hipparchus (khoảng 190-120 BC), người thiết kế mô hình vũ trụ cầu đầu tiên, một mô hình của vũ trụ mà ông tin tưởng.

Những phát hiện của các nhà khoa học này và những người khác rất có ảnh hưởng. Dù phần nhiều công trình của họ đã bị lạc mất trong thời trung cổ, các nhà khoa học thời Phục hưng như Galileo phát hiện lại và phát triển những bộ phận có giá trị.

Và triết lý Hy Lạp không dừng lại với Aristotle. Trong những thời kỳ thuộc Hy Lạp và đầu La Mã, triết lý phát triển và những trường phái khác nhau xuất hiện __ đặc biệt, có sự cạnh tranh nổi lên giữa trường phái Hưởng lạc và Khắc kỷ. Trên khắp vùng Địa Trung Hải, các nhân vật có học vấn thường tự xếp mình vào một trong hai trường phái trên. Nhưng đây là chuyện sẽ được trình bày trong Lịch sử La Mã của Guy de la Bedoyere mà bạn cần tìm đọc tiếp.

15

  Ba cột trụ của nền triết lý cổ Hy Lạp: Socrates, Platon, và Aristotle


Bình luận về bài viết này