Người Hy Lạp cổ đại- Phần 2

aa

Stephen Batchelor

Trần Quang Nghĩa dịch

Phần II

Từ Athens tới Alexander: Thời Hưng Thịnh và Suy Vong của các Đế Chế

Trong phần này . . .

Các chương trong Phần I xem xét người Hy lạp là ai và bằng cách nào họ đã đào luyện nên một nhân dạng như một dân tộc khi hợp quần chiến đấu chống lại Đế chế Ba tư. Vâng, một số dân tộc trưởng thành qua trải nghiêm đó hơn những dân tộc khác và trong phần nầy tôi xenm xét sự hưng thịnh và suy vọng của đế chế Athens và của đế chế của người nối tiếp kiệt xuất, Alexander Đại Đế, người mang chiến tranh đến Ba tư. Giữ cho chắc nhé __ đây là chuyến đi dằn xốc đấy!  

Trong Chương Này

  • Thành lập và thao túng Liên minh Delia
  • Tạo nên một đế chế Athens mới
  • Đánh giá nền dân chủ Athens
  • Phân phát công lý Athens

Sau những năm chiến tranh với người Ba Tư, người Hy Lạp nổi lên như một người chiến thắng sau khi đã góp công lao lớn nhất trong thành tựu. Trong những năm tiếp sau, Athens xây dựng trên những thành tựu của mình để trở thành thành bang Hy Lạp nổi trội trong vùng Địa Trung Hải với một vùng đất bao gồm nhiều thành phố, thị trấn, và hòn đảo khác. Trong chương này, tôi sẽ giải thích bằng cách nào người Athens đã tạo ra một trong những đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử.

Thành Lập Liên Minh Delia: Athens là Đầu Tàu

Mặc dù người Hy Lạp đánh bại người Ba Tư vào 480-479 BC, việc đề phòng người Ba Tư quay lại không phải là thừa. Tất cả thành bang Hy Lạp đều nhận thức được điều này, và sau khi những ngày ăn mừng chiến thắng đã qua câu hỏi lớn đối mặt với người Hy Lạp là ‘Chúng ta giờ phải làm gì?’

Đội chiến thuyền Hy Lạp tiếp tục tuần dương quanh miền đông Địa Trung Hải. Vào năm 478 BC Pausanias, tư lệnh của Sparta từ Platae, mang chiến tranh đến những lãnh địa Hy Lạp do người Ba Tư chiếm đóng. Trước tiên ông dong buồm đến Cyprus và tìm cách chiếm hòn đảo. Sau đó ông dong buồm lên Bosphorus đến Byzantium (gần vị trí của Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và tìm cách đánh đuổi đội quân Ba Tư đồn trú tại đó. Buồn thay, ngay lúc này hình như Pausanius đánh mất kế hoạch và được triệu tập về Sparta vì đã rắp tâm tự hành xử như một nhà độc tài ở Byzantium. Nếu bạn muốn biết điều gì xảy ra với Pausanius tham quyền cố vị, hãy xem Chương 26.

Hãy đoàn kết nhau

Tư cách tệ hại của Pausanius có hậu quả lớn lao. Mặc dù người Sparta có lực lượng quân sự vượt bậc (xem Chương 5), những thành bang Hy Lạp khác bắt đầu nghi ngại  vai trò lãnh đạo cho phong trào kháng chiến lâu dài chống lại người Ba Tư. Người Athens, với đội thuyền hùng mạnh đã tạo được kỳ công trong cuộc chiến vừa qua với người Ba Tư, hình như là một ứng viên tiềm năng hơn.

Vào mùa đông 478-77 BC, các đại sứ từ nhiều thị trấn và đảo Hy Lạp họp mặt nhau trên đảo Delos. Một vị tướng Athens có tên Aristeides đề nghị thành lập một liên minh các thành bang Hy Lạp cùng hợp tác bảo vệ thế giới Hy Lạp khỏi sự uy hiếp của Ba Tư __  và cũng tài trợ tái thiết cho các thành bang bị tàn phá trong cuộc chiến tranh vừa qua với người Ba Tư.       

Để bảo đảm lòng trung thành với lý tưởng này, Aristeides đề nghị tất cả thành viên của liên minh phải đóng góp hàng năm hoặc bằng tiền hoặc bằng thuyền cho ngân khố của Liên minh Delos. (Chính Aristeides đã xác định cụ thể số tiền mỗi thành bang phải đóng góp.) Dĩ nhiên, vị tướng cũng đề nghị là người Athens giám sát toàn bộ hoạt động của liên minh và đảm đương vai trò tài chính gồm thu và giữ ngân sách của liên minh.

Và thế là tất cả các thành bang (kể cả Athens) cùng đóng góp cho việc đại nghĩa vì ngân sách ấy được sử dụng để bảo vệ bất kỳ thành bang bị xâm chiếm. Tuy  vậy, Athens đang ở trong một vị thế rất mạnh __ đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động khiến thành bang càng hùng mạnh hơn.

Góp thêm một viên đá cho bức tường: Sự trở lại của Themistocles

Themistocles, người đã đóng một vai trò chính trong trận đánh Salamis và thuyết phục người Athens bỏ rơi thành phố (tham khảo Chương 6), còn đóng góp nhiều hơn nữa cho đời sống chính trị Hy Lạp sau chiến tranh Ba Tư.

Trong khi Liên minh Delos đang được hình thành, Themistocles nhắc người Athens nên bắt đầu xây dựng tường thành của thành phố họ. Để tưởng tượng kích cỡ của công trình này, hãy nhìn vào Hình 7-1. Chúng ta không biết tường thành cao và dày bao nhiêu chỉ biết nó dài khoảng bốn dặm. Một số đoạn vẫn còn được gìn giữ và nếu bạn có đến thăm Bảo tàng Thủy quân ở Athens bạn có thể thấy được một đoạn của tường thành này.

Hình 7-1 cho thấy bản đồ Athens khoảng 450 BC. Trong thời gian này tường thành của Themistocles đã nối liền với ‘Trường Thành’ nối Athens với cảng Piraeus. Điều này có nghĩa thành phố hoàn toàn được vây quanh bằng những tường thành kiên cố.

1

Hình 7-1 Athens khoảng 450 BC

 

Tường thành phòng thủ của Athens đã bị tàn phá trong hai cuộc cướp bóc của quân Ba Tư xâm lược hơn 25 năm trước. Biện pháp thiết kế lại tường thành là vấn đề gây tranh cãi vào thời điểm đó.

Người Sparta (còn ai khác?) cực lực chống lại kế hoặc tái thiết của Themistocles, tuyên bố kế hoạch này đi ngược với tinh thần thỏa hiệp của liên mình nhằm đem đoàn kết các thành bang trong lý tưởng chung là đánh bại quân Ba Tư. Chắc chắn người Ba Tư đề nghị san bằng tường thành Athens là một biểu tượng thích đáng hơn cho sự tin cậy lẫn nhau giữa các thành bang Hy Lạp.

Chắc hẳn, người Sparta quan tâm đến lực lượng càng ngày càng hùng mạnh của Athens và biết rằng tường thành kiên cố sẽ khiến thành phố khó thất thủ trong một cuộc chiến mở vì chịu đựng được một cuộc bao vây và công kích. Dù vậy, người Athens phớt lờ sự phản đối của Sparta và vẫn thực hiện dự án!

Tập trung số lượng đá và vật liệu cần thiết là một công việc khổng lồ. Sử gia Thucydides mô tả quy mô của công trình:

                Trong lúc này toàn thể dân chúng của thành phố phải tham  gia xây dựng tường thành, không chừa lại các tòa nhà công hay tư nào có thể cần đến cho công trình mà phá hủy mọi thứ . . .

 Dự án phải mất 20 năm mới hoàn thành. Khoảng 450 BC, tường thành bao quanh toàn thành phố Athens cũng như bến cảng lớn Piraeus. Sau đó người Athens tiếp tục xây dựng ‘Trường Thành’ nối liền cảng với thành phố.

Việc xây dựng Athens còn đi xa hơn, đổ tiền của vào những tòa nhà bên trong thành phố. Trong thời gian này người Athens xây dựng điện Parthenon ở Acropolis và nhiều tòa nhà khác, thu hút một số lượng lớn các nghệ sỹ và thi sỹ đến tham gia.

Mở Rộng Ảnh Hưởng: Liên Minh Delos Đi Vào Hoạt Động

Dĩ nhiên Liên minh Delos không chỉ là một biện pháp phòng thủ. Mặc dù lý do liên minh ra đời nhằm giúp người Hy Lạp tự vệ chống lại sự uy hiếp của ngoại bang, ngay sau khi ra đời người Hy Lạp bắt đầu uy hiếp người Ba Tư. Liên minh hình như theo đuổi phương châm cách phòng thủ hiệu quả nhất là tấn công. Từ khoảng 477 BC trờ về sau các thành bang có chân trong Liên minh Delos bắt đầu mở những trận đột kích vào những vùng do quân Ba Tư chiếm giữ.

Biểu dương Liên minh Delos hay đế quốc Athens?

Kimon là người lãnh đạo cuộc tấn công mới vào Ba Tư. Ông là con trai của vị tướng lừng danh Miltiades, một trong những anh hùng của trận đánh Marathon. Kimon đã đạt được hai thắng lợi ban đầu có ý nghĩa:

  • Vào 476 BC, ông chiếm cảng Eion, là cảng Ba Tư cuối cùng còn sót lại trên biên giới xứ Thrace.
  • Vào 475 BC, ông chiếm quyền kiểm soát đảo Skyros.

Mặc dù các chiến tích của Kimon đều đáng ca tụng, những thành viên khác của Liên minh Delos bắt đầu đặt câu hỏi liệu ông ta đoạt thêm những lãnh địa mới này dưới danh nghĩa của Liên minh hay thành phồ Athens. Câu trả lời sẽ sớm được giải đáp.

Đảo Skyros không phải là vùng đất thuộc Ba Tư, nhưng người Athens tuyên bố chiếm nó vì mục tiêu chiến lược. Nhằm củng cố cho hành động của mình, người Athens thêu dệt một câu chuyện huyển hoặc đầy ấn tượng. Ngay sau khi chiếm được Skyros người Athens tìm được  bộ xương của một người rất vạm vỡ, liền phao tin đã phát hiện ra lăng mộ của người anh hùng Theseus (xem lại Chương 2 và 3). Bởi vì Theseus là dân Athens, do đó Skyros chính là lãnh địa của Athens. Sự kiện này chỉ làm gia tăng sự ngờ vực của các thành viên khác trong liên minh.

Rút rỉa tiền bảo vệ

Người Athens củng cố quyền lợi của mình trong Liên minh đến một mức độ còn lớn hơn nữa trong ít năm sau đó. Vào năm 470 BC Kimon sử dụng đội chiến thuyền của mình (theo danh nghĩa là đội chiến thuyền của Liên minh Delos) để cưỡng bách thành phố Euboia của vùng Karystos gia nhập liên minh. Thành phố này không phải là mối hăm dọa đối với Hy Lạp, nhưng sau khi người Athens cưỡng bách Karystos vào liên minh, nó phải đóng góp của cải cho liên minh.

Quấy nhiễu người Ba Tư

Trong thập niên tiếp theo Kimo còn đi xa hơn. Ông mang chiến tranh đến Tiểu Á và xa hơn nữa. Năm 459 BC, người Ai Cập nổi dậy chống lại nền đô hộ Ba Tư, và Kimon đem 200 chiến thuyền từ Liên minh Delos đến Châu thổ  sông Nile. Liên minh ở lại đó năm năm trời, ủng hộ cuộc nổi dậy của Ai Cập.

Những gì bắt đầu như là một phương tiện nhằm bảo vệ Hy Lạp lục địa khỏi Ba Tư giờ đây đã biến thành một việc hoàn toàn khác. Lực lượng quân sự và hải quân đã được tập trung vốn nhằm bảo vệ Hy Lạp khỏi những cuộc xâm chiếm từ ngoại bang giờ hoạt động như một cảnh sát quốc tế trong những cuộc chiến giữa các ngoại bang và tham gia vào những cuộc xâm lấn không bị khiêu khích vào lãnh địa Ba Tư. Không có gì gọi là phòng thủ và người hưởng lợi nhiều nhất là người Athens. Người lãnh đạo mới của Athens còn tiến xa hơn nữa.

Biến liên minh thành một đế chế

Vào thời điểm Pericles nổi lên như một lãnh tụ Athens, bản chất của Liên minh Delos thay đổi mãi mãi. Sự kiện then chốt xảy ra trên một đảo nhỏ Naxos vào 470 BC.

Mặc dù bị Ba Tư đe dọa sẽ tiếp tục xâm chiếm, Naxcos quyết định rút khỏi liên minh. Người Athens phản ứng bằng cách phái đội chiến thuyền đến tân công hòn đảo và phá hủy tường thành của thành phố chính trên đảo. Người Athens cũng bắt người Naxos tiếp tục đóng thuế __ và lần này Naxos phải trả trực tiếp để bảo dưỡng cho đội chiến thuyền Athens.

Liên minh càng lúc hành xử như một đế chế (với Athens là người thúc ép) hơn là một tổ chức hổ trợ tương đồng. Không như Athens, người Ba Tư thực sự chẳng là mối uy hiếp nào đối với dân chúng Naxos!

Chiếm đoạt tất cả: Athens nắm quyền kiểm soát

Người Athens cuối cùng đặt dấu chấm hết sự thỏa hiệp vào năm 454 BC, tự phong mình là những nhà lãnh đạo của đế chế. Trong năm đó người Athens dời ngân khố của liên minh từ đảo Delos đến Acropolis của Athens. Không những người Athens quản lý tiền bạc, mà họ còn tự trích ra phần trăm mỗi năm dành cho việc thờ cúng nữ thần Athene (nữ thần bảo hộ của Athens) nhờ thần gìn giữ dùm tiền bạc.

Sự thay đổi là một dấu hiệu cho thấy Athens giờ xem mình là người cầm đầu một đế chế hơn là một thành viên của liên minh. Phần tiếp theo sẽ xem xét cách thức người Athens xoay sở để đi lên đỉnh cao quyền lực.

Lèo Lái Nền Dân Chủ Athens

Nhiều người Athens cổ đại chắc hẳn xem hệ thống chính quyền phát triển ổn định của thành phố là lý do chính khiến nó trở nên quá hưng thịnh trong thế giới Hy Lạp và Liên minh Delos khoảng 470 BC. Trong Chương 3, tôi đã bàn về cách thức hệ thống quý tộc và độc tài của Athens cuối cùng nhường bước cho nền dân chủ. Phần này tôi sẽ xem xét cách thức hệ thống này thực sự hoạt động.

Các hệ thống dân chủ hiện nay tồn tại trên khắp thế giới, nhưng chúng rất khác với nền dân chủ ở Athens cổ đại. Hầu hết nền dân chủ ngày nay thuộc dạng dân chủ đại diện, trong đó dân chúng bầu cho người (thường thuộc một tổ chức chính trị) để đại diện cho mình trong nghị viện (hoặc một bộ phận chính quyền nào đó) và hy vọng người này sẽ thay mình nói đúng ý nguyện của mình về các chính sách. Ngược lại, nền dân chủ cổ Athens là nền dân chủ tham gia. Mặc dù hệ thống bao gồm những viên chức được bầu ra, chính quyền được điều hành trực tiếp bởi nhân dân, người sẽ bầu cho mọi  chính sách lớn như tuyên chiến, xây dựng tường thành phòng thủ, hoặc bắt đầu những lễ hội tôn giáo mới.

Vào tổ chức

Nền dân chủ Athens thể hiện qua hai bộ phận chính:

  • Ekklesia, hay đại hội đồng, là bộ phận chính mở ra với mọi nam công dân hơn 18 tuổi.
  • Boule, hay Hội Đồng 500, có những tiểu ban gọi là các prutaneis để giải quyết những tình huống cấp bách.

Ngoài hai bộ phận này, bộ phận cao nhất trong Athens cổ đại là Hội đồng Aereopagus. Đây là sự lùi lại thời cũ khi các quý tộc cai trị ở Athens (xem lại Chương 4), nhưng như tôi giải thích trong mục trước đây ‘Gặp gỡ những chính trị gia tầm cỡ’, nhóm này dành tạo ra cú hích!

Những mục sau đây sẽ khảo sát những bộ phận này một cách chi tiết hơn.

Acropolis và các đền thờ của nó rất nổi tiếng, và nhiều người nghĩ về nó như một biểu tượng của nền dân chủ Hy Lạp. Nhưng Acropolis không thực sự là trung tâm chính trị của Athens __ điều này dựa vào những đặc điểm khác nhau quanh agora. Hình 7-2 cho thấy những vị trí chính trị thực sự trong quảng trường công cộng Athens hay agora.

2

Hình 7-2

 

Tham gia vào ekklesia

Ekklesia hay Đại hội đồng, là bộ phận dân chủ chính ở Athens. Nhiệm vụ của nó là ra những quyết định chủ yếu và biểu quyết các đạo luật. Các nam công dân đăng ký tại địa phương để được quyền tham dự các kỳ họp của ekklesia. Có vẽ như các cuộc họp thường kỳ sẽ rất khó điều hành nhưng ta biết dân số Athens vào 450 BC chỉ vào khoảng 250,000 người. Trong đó chỉ có khoảng 30,000 nam công dân có đủ tư cách tham dự (phần còn lại là phụ nữ, trẻ em, nô lệ, và người nước ngoài). Trong số 30,000 người này chắc hẳn trung bình chỉ có 5,000 người muốn tham gia kỳ họp ekklesia. Nghe có vẻ nhiều nhưng kỳ thực chỉ vào khoảng hai phần trăm dân số!

Họp mặt và bỏ phiếu

Ekklesia họp hành đều đặn, bốn lần mỗi tháng trên ngọn đồi cao Pynx tọa lạc tại vùng tây nam thành phố (xem Hình 7-2).

Kỳ họp thường tiến hành vào sáng sớm vì chương trình nghị sự khá dài và có thể kéo dài đến trọn ngày. Các đề mục nghị sự là phòng thủ, bầu cử các viên chức, và cung cấp lương thực.

Về lý thuyết, ai cũng có thể phát biểu tại ekklesia, nhưng những vấn đề được biểu quyết trước tiên phải được boule thông qua.

Biểu quyết thường bằng cách giơ tay trừ khi có đông người thì bằng cách bỏ phiếu kín. Đây là một tiến trình dài dòng trong đó dân chúng bỏ một viên đá hay sỏi  có màu sắc khác nhau vào một bình để chống lại hay đồng ý. Bình sau đó được trút ra và số viên đá được đếm. Thủ tục bình và sỏi cũng thi thoảng được sử dụng để quyết định những biện pháp nhạy cảm như chính sách và quyền chỉ huy quân sự.

Nói ra, nói vào

Dĩ nhiên, một số người trong ekklesia (hay trong bất kỳ cuộc họp nào) nói nhiều hơn người khác. Những người hay phát biểu thường được biết dưới tên rhetore, từ đó có từ orator (nhà hùng biện) và rhetoric (tu từ học).

Các nhà hùng biện đều đặn tham dự các kỳ họp và trở thành người có ảnh hưởng lớn. Mặc dù các nhà hùng biện không nắm giữ một chức vụ chính thức nào, nhưng những người tham gia ekklesia đều lắng nghe họ nói. Thường thì một nhà hùng biện sẽ đại diện cho một nhóm người có tư tưởng giống nhau, do đó tạo thành một nhóm người coi như tiền thân của một đảng phái chính trị.

 

Như cá mòi đóng hộp

Vậy, nếu mỗi nam công dân trên 18 tuổi được quyền tham dự ekklesia, có phải kỳ họp nào cũng sẽ chật ních người như cá mòi đóng hộp không? Thực ra, không hẳn vậy.

Vào thời Peicles (khoảng 450 BC), các ước tính cho thấy số công dân ở Athens chắc hẳn chỉ vào khoảng 30,000. Rõ ràng không phải người nào cũng có thể tham dự cùng một lúc. Các sử gia ước tính chỉ khoảng 6,000 công dân có thể tham dự khóa họp ekklesia một lần.

Nhiều công dân không thể tham dự vì nhiều lý do:

  • Các công dân (hầu hết là các thợ tự do) mất một ngày công nếu đến tham dự họp. Vào năm 400 BC, khi thành phố gánh chịu hậu quả của cuộc chiến Peloponnesia (xem Chương 8), người Athens chế định một hệ thống trợ cấp hội họp __ công dân nhận được 1 obol đền bù khi mất thu nhập.
  • Nhiều công dân sống tận Attica; muốn đến Athens phải mất nhiều thời gian.

Vào giữa thế kỷ thứ năm, người Athens đưa vào một quy định hội họp mới trong đó lực lượng cảnh sát Scythia (mô tả trong Chương 15) giăng một sợi dây thừng dài và đỏ ngang qua quảng trường công cộng (agora) vào những buổi sáng khi ekklesia bắt đầu vào họp. Thành viên nào đến trễ sẽ bị dây thừng chặn lại và đánh một vệt đỏ to trên áo. Ai có dấu đỏ là bằng chứng dự họp trễ sẽ phải đóng một số tiền phạt!

Mặc dù không phải kỳ họp nào cũng đông đúc người tham dự, nhưng chính trị và cuộc sống thường nhật của thành phố đều ở trên môi của dân chúng suốt thời gian đại hội, một cảnh tượng có vẻ kỳ lạ đối với người ngày nay.

Tham dự hội đồng (boule)

Boule (hay Hội đồng 500) bổ sung cho Đại hội đồng như một yếu tố chủ yếu khác trong nền dân chủ Athens. Về cơ bản boule là một nhóm quản trị định ra chương trình nghị sự cho ekklesia. Sau đó, nhiệm vụ tiếp theo của boule là thực thi luật pháp và quản trị dựa theo những gì ekklesia đã quyết. Boule hội họp trong một tòa nhà lớn ở hướng tây agora có tên là bouleuterion.

Như ekklesia, boule là một nhóm không chuyên gồm những công dân bỏ ra thời gian của họ mà không hưởng trợ cấp tài chính nào. 500 cá nhân tạo ra boule phải là những công dân Athens hơn 30 tuổi. Họ phục vụ trong boule trong thời hạn một năm và chỉ được phục vụ hai nhiệm kỳ trong đời.

Hơn nữa, 500 công dân được tuyển chọn theo một phương thức đặc biệt: Mỗi năm 50 người được tuyển chọn từ mỗi trong 10 bộ lạc của Athens. Hệ thống này nhằm đảm bảo mọi vùng của Attica đều được đại diện trong tiến trình.

 Boule có một nhóm đặc biệt gọi là prutaneis, hay chủ tịch đoàn. Đây là một ủy ban đối phó khẩn cấp nhằm giải quyết những khủng hoảng khi chúng xuất hiện. Phục vụ như một chủ tịch là một công việc toàn thời gian; các công dân sống nhờ chi phí của nhà nước, túc trực 24 giờ một ngày trong một tòa nhà có tên tholos (xem Hình 7-2). Nhiệm vụ đầu tiên của một prutaneis khi có khủng hoảng xảy ra là triệu tập một cuộc họp của boule. Pruraneis là một chức vị được ao ước và thường chỉ giữ một lần trong đời. Ứng viên muốn vào nhóm này phải là người giàu có vì y cần bảo đảm có người khác thay thế y kinh doanh hoặc canh tác nông trại của mình trong thời gian y phục vụ công ích. Như các lĩnh vực khác của nền dân chủ Athens, prutaneis có vẻ như được mở rộng đối với mọi người nhưng áp lực về thời gian và tiền bạc cho thấy chỉ có người giàu có mới thực sự nắm giữ cương vị đó.

Theo cách nào đó, các thành viên của boule tương tự như hình thức dịch vụ công ích quản trị mọi lĩnh vực của nhà nước. Một số lớn người được bầu ra như những viên chức làm việc hàng năm nhằm thực thi những chính sách của ekklesia. Tại những thời điểm trong thế kỷ thứ năm BC khoảng 700 người phục vụ như những viên chức chính thức mặc dù đại đa số những vị trí này không có tính toàn thời gian và có thể cùng một lúc điều hành công việc làm ăn riêng của mình.

Sau đây là một số những vị trí quan trọng hơn:

  • Nhóm chín: Chín cá nhân này là những viên chức cao cấp nhất. Người nổi tiếng nhất của Nhóm Chín cho tên mình vào niên lịch. Các thành viên còn lại giải quyết những lễ hội công cộng, những vấn đề tôn giáo và công lý.
  • Nhóm Mười Một: Nhóm này ít tiếng tăm hơn Nhóm Chín, 11 viên chức này có trách nhiệm trong các vụ xử án và duy trì việc thực thi công lý.

Nhiều viên chức khác đảm đương những lĩnh vực khác của đời sống dân sự. Chẳng hạn, một số viên chức được bầu để tham gia vào chính sách đối ngoại và bang giao quốc tế như đại diện ngoại giao hay sứ thần, do nhà nước chỉ định.

Gặp gỡ các nhà chính trị tầm cỡ

Mặc dù sống dưới chế độ dân chủ, ở Athens một số công dân có vai trò quan trọng hơn người khác (tất nhiên!). Trong nhiều phương diện, các lãnh tụ thực sự của nhân dân Athens là Hội đồng Aereopagus, gồm chín arkhon được bầu hàng năm. Hội đồng được gọi theo tên này vì họ họp tại một nơi gọi là ‘vách đá Ares’ giữa đồi Acropolis và đồi Pynx. Ngoài các cuộc họp thường kỳ của riêng họ, các arkhon này cũng tham dự tất cả các khóa họp của boule erkklesia.

 Lúc đầu hội đồng điều hành hầu hết những công việc của thành phố, nhưng dần dần ekklesia boule đảm đương hầu hết các sự vụ này. Cuối cùng thì Aereopagus trở thành một tòa án xét xử những vụ phạm pháp nghiêm trọng.

Các arkhon strategoi (các tướng lãnh được bầu) là những người có thế lực nhất ở Athens. Họ rất có ảnh hưởng trong ekklesia, nhưng ảnh hưởng của họ không phải vì nhân dân khiếp sợ quyền lực của họ. Mà đúng ra vì họ là những nhà hùng biện xuất sắc biết cách lèo lái dân chúng bầu cho những đề nghị mà họ đưa ra.

Một trong những nhân vật lừng danh nhất là Pericles. Ông ta xiển dương những thay đổi nhằm làm giảm quyền lực của Hội đồng Aereopagus, nhưng cũng tạo ra những thay đổi có ý nghĩa đến niềm kiêu hãnh lớn lao khác của Athens __ hệ thống hội thẩm.

Pericles là một nhà quý tộc truyền thống. Gia đình ông xuất thân từ Alkmaionid, là một trong số những nhà quý tộc cổ xưa nhất và có ảnh hưởng nhất trong thành phố. Mặc dù thuộc tầng lớp cao, Pericles luôn theo sát những cải cách dân chủ ở Athens. Và dưới vai trò người bảo trợ nghệ thuật, Pericles tận tụy trong việc chấn hưng Athens thành một thành phố hùng mạnh nhất thời đó và ông đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên, điều đó không kéo dài lâu.

Bàn về Hệ Thống Tư Pháp của Athens

Hệ thống tư pháp của Athens cổ đại rất phức tạp. Tôi có thể viết trọn một quyển sách về nền luật pháp của Athens. Trong mục này, tôi chỉ xin đưa ra vài nét phác họa về cách hoạt động của tòa án.

Nguyên tắc chính trong hệ thống tư pháp của Athens là xét xử bằng ban hội thẩm. Người Athens tin rằng, cũng như chính trị, mỗi công dân đều nên đóng góp vào hệ thống tư pháp __ và việc xét xử bằng ban hội thẩm là cách dễ nhất để thực thi nguyên tắc này. Những thành phố Hy Lạp khác hoặc định ra các biện pháp dựa vào quyền lực của nhà vua hoặc dựa vào hội đồng cai trị hoặc cho phép các cá nhân quyền trả thù kẻ xâm hại. Athens thì hành xử hoàn toàn khác.

Gặp những nhà tư pháp

Ban thesmothetai __ sáu arkhon trong số Nhóm 11 __ có trách nhiệm thực thi luật pháp, có nghĩa là cung cấp nhân sự và theo dõi các tòa án và bảo đảm công lý được thực thi.

Các tòa án dựa vào từ 201 đến 2501 hội thẩm viên (eliaia), tùy theo quyết định của thesmothetai dựa vào tầm quan trọng của vụ án. Ban hội thẩm được chọn lựa kỹ càng, bảo đảm các thành viên không có liên hệ thân thích với bị can.

Người Athens có danh sách 6,000 công dân đủ tư cách vào ban hội thẩm. Về sau Pericles đưa ra nguyên tắc trợ cấp cho các hội thẩm viên, lập luận rằng nhiệm vụ các hội thẩm cũng quan trọng như công việc của ekklesia và vì thế những người tham dự cũng phải được trợ cấp. Tiền trợ cấp là hai obol một ngày (gấp đôi các thành viên ekklesia). Số các vụ án được xét xử cho thấy các hội thẩm chắc hẳn phải bận rộn nhiều ngày trong năm.

Khởi tố vụ án

Hệ thống tư pháp của Athens khác với hệ thống Tây phương hiện đại ở chỗ tất cả vụ khởi tố đều do các công dân liên can trình lên. Nhà nước không khởi tố ai cả. Theo đó, chẳng hạn, nếu có ai đó đột nhập nhà bạn và lấy cắp tài sản của bạn, cho dù y có bị bắt quả tang, bạn phải có trách nhiệm đưa y ra tòa. Cho dù là tội ác chống lại nhà nước, như phản quốc, cũng phải được dân thường khởi tố. Khi Socrates bị đưa ra xét xử vào 399 BC về tội ‘làm hư hỏng giới trẻ Athens’ (xem chi tiết ở Chương 9) vụ án là do vài công dân bình thường khởi tố, chứ không phải nhà nước.

Cũng thế, hệ thống Athens không có luật sư biện hộ hay công tố viên luận tội, như ta biết ngày nay. Các công dân tự biện hộ cho mình trước tòa, mặc dù đôi khi họ có thể nhờ những người hùng biện viết lời bào chữa cho mình __ với chi phí, tất nhiên.

Mọi việc xảy ra trước sự chứng kiến của ban hội thẩm.  Ngoài ra, vụ án phải được hoàn tất trong vòng một ngày.

Xác định sự thích hợp của chứng cứ

Vì có giới hạn thời gian xét xử, nên chứng cứ là điều sống còn. Trong tòa án Athens, người làm chứng chỉ đưa ra chứng cứ chứ không bị thẩm vấn chéo. Sự lựa chọn và sử dụng nhân chứng trong tòa án là chiến thuật pháp lý chủ yếu được các công dân tố tụng sử dụng.

Chỉ có công dân mới được ra làm chứng. Quy định này có nghĩa là phụ nữ và metoikoi (người ngoại quốc vãng lai) không được phép ra làm chứng. Tuy nhiên, họ có thể khai một điều gì đó cho một đại diện của ban hội thẩm rồi sau đó một nam công dân đọc lớn trước tòa.

Chứng cứ vụ án do các nô lệ cung cấp là một vấn đề đặc biệt gây tranh cãi trong tòa án Athens và chỉ được công nhận sau khi người nô lệ đó đã bị tra khảo. Việc tra khảo gớm ghiếc này do các cung thủ Scythia ra tay vì họ là lực lượng cảnh sát và được một viên chức hội thẩm giám sát.

Xử án

Tại phiên tòa sơ khởi trong pháp đình Athens cả hai bên trình bày luận điểm của mình. Tại thời điểm này một viên chức arkhon được chỉ định sẽ khuyến khích hai bên thương lượng và thỏa hiệp để kết thúc vụ án. Nếu thất bại, mọi chứng cứ vụ án được niêm phong và trình lên viên chức arkhon, và ông này sẽ định ngày mở phiên tòa xét xử, có thể vài tuần hoặc có khi vài tháng sau đó.

Tại phiên tòa một đồng hồ nước được sử dụng để ấn định thời gian cho mỗi bên trình bày luận cứ của mình. Cả hai phía sẽ đưa ra các chứng cứ và sau đó ban hội thẩm bỏ phiếu. Nếu ban hội thẩm tuyên bố bị can có tội, họ sẽ bỏ phiếu lần hai về mức độ hình phạt. Mức độ hình phạt có khi được bên khởi tố đề nghị khi xét xử.

Cũng có khi hình phạt là một số tiền phải nộp. Ba hình phạt nặng nhất là tử hình, lưu đày (atimia) (bị trục xuất ra khỏi xứ mãi mãi hoặc trong một thời gian). Hình phạt atimia là tước đoạt hết mọi quyền công dân Athens. Mặc dù họ có thể quay về sống tại Athens, họ không còn có thể tham gia vào bất kỳ công việc chính thức nào. Người Athens cho án atimia là tội ‘sống không bằng chết’. Viên arkhon chủ tọa có trách nhiệm bảo đảm hình phạt được thi hành và sẽ theo dõi và giám sát việc thi hành án.               

    

Chương 8

 Huynh Đệ Tương Tàn: Cuộc chiến Peloponnesia

 

Trong Chương Này

  • Nhận diện nguyên nhân chiến tranh
  • Diễn biến Chiến Tranh Peloponnesia I và II
  • Sống sót qua trận dịch ở Athens
  • Lao vào trận chiến bao vây

Chiến tranh Peloponnesia kéo dài hơn 30 năm. Khi nó bắt đầu vào năm 431 BC, cả Athens và Sparta nghiễm nhiên là hai thành bang thống trị trong toàn cõi Hy Lạp. Athens là một đế chế quốc tế có đội chiến thuyền hùng mạn, còn Sparta kiểm soát những vùng đất rộng lớn của Hy Lạp lục địa với quân đội thiện chiến.

Vào cuối cuộc chiến, cả hai bên đều lâm vào tình trạng không bao giờ phục hồi như xưa. Nói chính xác, thời kỳ của họ đã cáo chung. Chiến tranh Peloponnesia mang đến sự kết thúc của một Hy Lạp cổ đại, và chương này xem xét việc đó xảy ra thế nào.

Lao vào Chiến Tranh Lạnh Đầu Tiên

Sự xung đột giữa Athens và Sparta luôn tồn tại. Ngay từ việc đánh bại quân Ba Tư nằm 478 BC, nhiều thành bang Hy Lạp khác đều muốn vươn lên làm bá chủ. Trong tất cả thành bang đó chỉ có Athens và Sparta là ứng viên sáng giá nhất cho đỉnh cao quyền lực. Các thành bang này cạnh tranh nhau vì nhiều lý do:

  • Về lịch sử, người Sparta là những nhà lãnh đạo quân sự của Hy Lạp, và người Athens chỉ là lực lượng sáng lập Liên minh Delos và sử dụng thực thể chính trị này để xây dựng đế chế.
  • Về chính trị, Athens là nền dân chủ tham gia, còn Sparta cai trị bởi giai cấp quý tộc có thế lực và có hai vua và một nhóm ephor (các giám sát viên) điều hành nhà nước (xem Chương 4).
  • Về văn hóa, Athens đã phát triển thành một kinh đô nghệ thuật của thế giới Hy Lạp, trong khi Sparta vẫn là một nền văn minh thời chiến, kham khổ theo đuổi những luật lệ khe khắt và khuôn khổ.

Athens và Sparta có nhiều sự khác biệt nhưng đều có chung một chính sách đối ngoại xâm lấn các thị trấn và thành phố Hy Lạp khác để chiếm quyền kiểm soát ngày càng nhiều như có thể.

Như Mỹ và Liên xô trong thế kỷ 20, Athens và Sparta quá mạnh nên không thể không xung đột. Và như trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ trước, bất kỳ sự đối đầu nào giữa hai siêu thế lực đều có kết cục tàn khốc, hủy diệt, và tốn nhiều sinh mạng.

Sparta buồn tình

Người Athens lợi dụng rất khôn khéo sau cuộc chiến Ba Tư __ thành lập Liên minh Delos và xây dựng một đế chế rộng lớn __ trong khi những năm tháng đó không thuận lợi cho Sparta.

Người Sparta là tay cờ cao trong Liên minh Peloponnesia. Liên minh lỏng lẻo này gồm những thành phố bao gồm Corinth và Elis họp nhau để đương đầu với đội quân uy hiếp của Ba Tư vào những năm 480 BC. Sau khi Ba Tư bại trận vào 478 BC liên minh tan rã, và người Sparta không thể lôi kéo các thành viên trong liên minh ủng hộ mình như Athens đã làm với Liên minh Delos.

Năm 464 BC là một năm khủng hoảng đối với Sparta, khi đó Sparta trải qua một trận động đất kinh hoàng, kết quả là số thương vong và số thị trấn bị tàn phá rất lớn. Tiếp sau trận động đất, là cuộc nổi dậy của thành phần nô lệ từ lâu bị áp bức (xem Chương 4). Người Sparta cố gắng xoay sở để phục hồi và dồn lực lượng nô lệ nổi dậy vào vùng Núi Ithome tại đó họ đã xây một láng trại kiên cố sau đó trở thành một thị trấn. Đây là một bài toán nan giải cho Sparta vì số dân nô lệ rất lớn __ ít nhất gấp năm lần số công dân Sparta.  

Lúc này Sparta kêu gọi các thị trấn Hy Lạp thân hữu __ kể cả Athens __ hổ trợ một cuộc tổng tấn công vào trại binh quân nổi dậy.

Thời điểm quyết định của Athens

Nhân vật chính trị nổi bật ở Athens vào thế kỷ thứ năm BC là Pericles. Ông theo đuổi chính sách bành trướng đế chế và biến thành phố thành một trung tâm văn hóa. Nhưng Pericles không phải là vua và trong ekklesia còn có những tiếng nói khác không nhất trí với những cải cách của ông. Một trong số đó là Kimon.

Kimon là người ủng hộ Sparta công khai, cho rằng các thành bang Hy Lạp lên hợp tác vì quyền lợi chung. Ông tin rằng người Ba Tư vẫn còn là mối đe dọa lớn nhất cho Hy Lạp và người Athens nên tìm cách liên minh với Sparta để bảo vệ cả hai thành phố khỏi sự uy hiếp của ngoại bang mà không nên xung đột nhau.

Khi lời kêu gọi trợ giúp của Sparta đến vào năm 464 BC, Kimon tìm cách thuyết phục được ekklesia bầu cho mình làm thống lĩnh lực lượng viễn chinh đến hổ trợ Sparta. Kimon rất hài lòng với vai trò mới của mình, nhưng hành động vụng về của ông đã châm ngòi cho một chuỗi sự kiện dẫn đến Chiến Tranh Peloponnesia.

Sự việc không xảy ra như Kimon mong đợi. Mặc dù ông ủng hộ Sparta nhiều đội quân của ông là người có tinh thần dân chủ. Khi đến Núi Ithome họ làm người Sparta bối rối khi biểu lộ cảm tình với người nô lệ và hoàn cảnh khốn khổ của họ. Người Sparta đâm ra nghi ngờ và đuổi quân Athens về nước.

Biến cố xảy ra ở Núi Ithome là đòn chí tử đối với mối bang giao giữa Athens và Sparta và sự chia rẽ giữa họ trở nên sâu sắc và thường trực. Một vài năm sau vào 460 BC, người Athens ký một thỏa ước với thị trấn Argos, vốn là một kẻ thù không đội trời chung của Sparta.  

         

Chiến tranh Peloponnesia lần I (460-446 BC)

Bằng cách ký thỏa ước với Argos người Athens đã chính thức trở thành kẻ thù của Sparta. Trong 15 năm sau đó một cuộc chiến linh tinh xảy ra. Athens và Sparta tấn công các đồng minh của nhau trên Hy Lạp lục địa và vùng lân cận. Cuộc chiến chỉ là những trận điều binh đến những vị trí chiến lược và xâm chiếm ngắn hạn các lãnh địa.

Không có bên nào giành được thế thượng phong, khi thắng khi thua. Sau những thắng lợi ban đầu, thế chủ động dần dần vuột khỏi tầm tay, khi những đồng minh của Sparta là Boiotia và đảo Euboia nổi dậy chống lại Athens. Năm 446 BC, Pericles và quân đội Athens bị cắt đứt một cách nguy khốn ở Euboia khi vua Sparta là Pleistoanax có cơ hội công kích Athens. Nhưng Pleistoanax không tấn công, và chiến tranh lụi tàn. Pericles bắt đầu thương lượng, và cuối cùng hai bên ký một thỏa ước hòa bình 30 năm. Nhưng rủi thay, Hiệp ước Đình chiến 30 năm không kéo dài được bao lâu. Chưa tới nửa thời gian 30 năm là Chiến Tranh Peloponnesia bắt đầu bộc phát trở lại.

Chiến Tranh Peloponnesia lần II

Sử gia Hy Lạp Thucydides đã nói rõ nguyên nhân của Chiến Tranh Peloponnesia lần II đẫm máu:

                Chiến tranh bắt đầu khi người Athens và người Peloponnesia phá vỡ Hiệp ước Đình chiến 30 năm . . . Nguyên do khiến chiến tranh không thể tránh được là sự lớn mạnh của Athens và nỗi sợ hãi mà điều này gây ra cho Sparta.

 Các sử gia đồng ý với nhận định trên của Thucydides; sợ sự hùng mạnh của Athens cũng một phần tạo nên Chiến tranh Peloponnesia I.

Tuy nhiên, sự kiện gây ra sự phá vỡ Hiệp ước Đình chiến 30 năm có phần lý thú hơn và xảy ra ở đảo Kerkyra.

Khủng hoảng bùng phát ở Kerkyra

Kerkyra là một thuộc địa của thành phố Corinth. Năm 435 BC, người Kerkyra nổi dậy chống lại Corinth, và chiến tranh  diễn ra ác liệt trong hai năm. Năm 433 BC, người Kerkyra cầu cứu Athens, và người Athens, đánh hơi thấy thời cơ, liền xuất quân, và thế là trở thành kẻ thù của Corinth.

Corinth là một thành viên trong Liên minh Peloponnesia thuở trước, và khi Athens xung đột với họ về một thành phố nhỏ Poteidaia ở bắc Hy Lạp vào năm 432 BC, Corinth liền cấp báo với Sparta và muốn được ứng cứu. Có lẽ người Corinth lập luận rằng Liên minh Peloponnesia phải đứng ra bảo vệ cho những thành viên của mình.

Vấn đề là thực ra Athens không phá vỡ hiệp ước đình chiến đã ký với Sparta vì họ không làm gì sai quấy với Sparta, vì thế Sparta mới chính là người phá vỡ thỏa ước khi có bất cứ hành động nào chống lại Athens. Trong mùa đông 432-431 BC, người Sparta bỏ ra nhiều ngày tranh luận xem có nên đem quân đánh Athens không. Một vị vua tên là Arkhidamos cho rằng người Sparta nên tránh đối đầu, nhưng phe chủ chiến có trọng lượng hơn.

Thực ra cuộc chiến nổ ra không có liên quan gì đến Athens và Corinth ai đúng ai sai. Như Thucydides đã viết, người Sparta sợ quyền lực của Athens đang lớn mạnh.

Cuối cùng thì chẳng phải Athens chẳng phải Sparta chính thức phát động cuộc chiến Peloponnesia __ mà đúng ra là từ thành phố Thebes, một thành bang Hy Lạp có ảnh hưởng và hay gây hấn khác lúc này đang liên minh với Sparta.

Vào mùa xuân 431 BC, một nhóm người Thebes xoay sở và nắm quyền kiểm soát thị trấn Plataia. Người Plataia là đồng minh của Athens và đã từ khước việc gia nhập Liên minh Boiotia do Sparta thống trị gồm một nhóm nhỏ các thị trấn ở phía đông Hy Lạp. Hành động của người Thebes chẳng khác nào tấn công trực diện vào lãnh địa của Athens và phá vỡ hiệp ước hòa bình. Người Plataia tìm cách đánh đuổi được lực lượng của Thebes, nhưng chẳng cứu vớt được gì. Chiến tranh đã bùng nổ.

Giai đoạn đầu của Chiến tranh Peloponnesia II (kéo dài 10 năm 432-421 BC) thường được biết dưới tên Chiến tranh Arkhidamia. Hơi bất công cho vua Arkhidamos, vị tướng thống lĩnh quân Sparta, người đã từng chống lại việc gây chiến. Nhưng sau khi chiến tranh nổ ra, Arkhidamos phải thống lĩnh đạo quân Sparta.

Tìm phương án tác chiến

Athens và Sparta đều gặp khó khăn khi giao chiến. Quân Sparta là lực lượng thiện chiến trên bộ trong khi Athens có hải quân hùng hậu.

Sự khác biệt này khiến hai đối thủ chọn hai chiến thuật khác nhau:

  • Pericles đề nghị chiến thuật theo đó Athens tránh giao chiến trực diện với Sparta mà sử dụng chiến thuyền quấy rối và đột kích các đồng minh của Sparta, như các thị trấn nhỏ trong Liên minh Boiotia.
  • Sparta bỏ ra nhiều thời gian uy hiếp Attica và bao vây Athens. Các cuộc tấn công vào Attica tỏ ra rất lợi hại. Họ tàn sát nông dân và gia súc, phá hủy hoa màu. Điều này có hai hậu quả: Thứ nhất, lương thực cho Athens sẽ trở nên khan hiếm, và thứ hai, tất cả những nông dân nạn nhân của chiến tranh ở vùng quê sẽ đổ dồn về thành phố Athens (theo lời cổ vũ của Pericles).

 

Giải quyết dịch bệnh

Khi các cuộc tấn công của quân Sparta vào Attica và những khu vực xung quanh Athens tiếp diễn, dân chúng bắt đầu tuôn về Athens tìm nơi trú ẩn và sự an toàn. Hậu quả là dân số tăng lên đến mức báo động. Năm 430 BC, một bệnh dịch khủng khiếp làm tê liệt thành phố. Nhiều người lúc đó đổ tội cho những tàu thuyền mang bệnh từ phương đông đến đây, nhưng chính điều kiện sống chen chúc và mất vệ sinh mới là nguyên nhân.

Cuộc sống Athens lúc đó chắc phải kinh khủng lắm. Khoảng 30,000 người chết vì dịch bệnh.  Dân số của Athens đến vài thế hệ sau vẫn chưa phục hồi được.

Người Athens đổ hết tội lỗi cho Pericles vì chính ông đã chọn chiến thuật uy hiếp những lãnh địa bên ngoài và mang nhiều dân tỵ nạn ở Attica vào thành Athens. Ông bị đình chỉ chức strategos (tướng quân) và bị xử phạt.

Sau đó vào năm 429 BC Pericles cũng mặc bệnh dịch và qua đời. Vào lúc này người Athens đã phục chức strategos cho ông vì không có người thay thế. Chết từ dịch bệnh là kết cục buồn cho một con người vĩ đại và bỏ mặc cho Athens phải đối mặt với một tương lai vô định.

Phản ứng trước cuộc nổi dậy của Mytilene

Chiến tranh tiếp diễn bất chấp sự qua đời của Pericles. Thấy Athens đã xuống sức một vài đồng minh của Athens bắt đầu bỏ rơi. Năm 428 BC, thị trấn Mytilene trên đảo Lesbos nổi dậy chống lại Athens.

Phản ứng của Athens rất là dã man. Trước tiên, chiến thuyền Athens được điều đến phong tỏa đảo. Sau khi Mytilene đầu hàng, ekklesia bỏ phiếu tán thành việc hành hình mọi nam công dân còn phụ nữ và trẻ con thì bị bán làm nô lệ. 

Trước đây Athens đã làm mọi điều có thể để nuôi dưỡng mối quan hệ với các đồng minh của mình. Vì thế tại sao xảy ra sự thay đổi đột ngột trong mối quan hệ với Mylene? Vâng, cái chết của Pericles để lại một chỗ trống trong ekklesia, và chỗ trống ấy được lấp đầy bởi những hạng người mà các nhà quý tộc Athens gọi là ‘con người mới’. Những con người mới không xuất thân từ dòng dõi quý tộc cổ xưa như Pericles, và họ vươn lên đỉnh cao quyền lực nhờ khả năng kích động quần chúng và nói năng hùng hồn trong ekklesia.

Lãnh tụ của nhóm người mới là Kleon và Hyperbolos. Hyperbolos quá nổi tiếng đến nổi tên của ông là xuất xứ của từ ‘hyperbole’ trong tiếng Anh (có nghĩa là ‘cường điệu’ hay thông tục hơn là ‘chém gió’). Cả hai con người mới này luôn luôn phát ngôn nảy lửa xúi giục nhân dân Athens hành động dữ dội nhất.  Sự trả đũa Mylene là một hành động thuộc loại này.

Mặc dù Kleon lớn tiếng kêu gọi nên trừng phạt Mylene cay nghiệt, Athens không thoải mái với phán xét này. Biện pháp xử lý được tranh luận lần nữa vào ngày hôm sau, và đa số bỏ phiếu tán thành mức độ trừng phạt nhẹ nhàng hơn. Hội đồng ekklesia liền phái một chiến thuyền mang quyết định mới đến Mylene. May thay phán quyết mới đến đúng lúc trước khi cuộc tàn sát sắp xảy ra.

Lên tầm quốc tế: Tình hình ở Sicily

Chiến tranh Peloponnesia  từ 431 đến 428 BC từ trước đến giờ có tính Hy Lạp. Nhưng sau 427 BC, những hậu quả của chiến tranh bắt đầu lan rộng quanh Địa Trung Hải. Những xứ sở khác cũng tham gia chiến đấu cùng với Sparta và Athens.

Thêm nữa, lịch sử lâu dài của Hy Lạp ảnh hưởng đến các khu vực. Chẳng hạn, người Hy Lạp đã thiết lập các thuộc địa ở Sicily vào trăm năm trước khi có Chiến tranh Peloponnesia. Nhiều thị trấn trên đảo có quan hệ mật thiết với các thành phố Hy Lạp qua giao thương và di dân.

Một thị trấn ở Sicily là Leontinoi. Vào năm 427 BC, Leontinoi cầu cứu Athens khi bị Syracuse tấn công, và người Athens đồng ý giúp đỡ. Bạn có thể cho rằng người Athens hiện đã có nhiều việc phải lo toan, Chiến tranh Peloponnesia đang diễn ra khắp nơi, nhưng Athens có những động cơ riêng khi tham gia một cuộc chiến khác hoàn toàn không dính dáng gì với chiến dịch của họ chống lại quân Sparta.

Không giống Attica và phần lớn Peloponnesia , Sicily là một vùng giàu có và phì nhiêu, sàn xuất một số lượng lớn lương thực. Thật ra, phần lớn lương thực mà các thành phố Hy Lạp tiêu thụ được nhập khẩu từ Sicily. Người Athens chắc hẳn thấy được hổ trợ Sicily là một cơ hội đặt tay lên nguồn cung cấp lương thực __ hoặc chiếm hết hoặc ngăn cản không cho thuyền chở lương thực đến Sparta và đồng minh của họ.

Có lẽ người Sicily sớm ngộ ra rằng Athens đúng ra là một mối đe dọa hơn là hổ trợ. Khi đội chiến thuyền nhỏ của Athens đến Sicily nó liền được lệnh quay trở về vì Leontinoi và Syracuse đã giải quyết được tranh chấp.

Dù vậy người Athens vẫn còn để mắt đến Sicily và dự tính sẽ trở lại.

Mưu tính đánh Pylos

Trong khi người Athens gây rối ren và quấy rầy Sicily, hầu như tình cờ họ giáng một đòn cho Sparta. Không thể tin được, khi một nhóm nhỏ các chiến thuyền Athens trên đường đến Sicily đi ngang qua hải cảng của một đồng minh của Sparta là Pylos ở phía tây nam Hy Lạp, họ tìm thấy nó không được phòng thủ.

Nhà hùng biện Demosthenes đang trên thuyền cùng với các tướng lãnh Athens vì Athens cần tài ăn nói của ông ở Sicily để thương thảo điều kiện hổ trợ Leontinoi. Ông thuyết phục các tướng Athens nên lợi dụng cơ hội này. Họ đồng ý và ông cùng một toán quân rời thuyền với nhiệm vụ lập một tiền đồn tại bờ vịnh. Người Sparta biết tin, hoảng sợ, liền phái quân đội đến đánh quân Athens. Một trận đánh trên bộ và trên biển bùng nổ, và quân Athens thắng. Athens thành lập một căn cứ tại một vị trí gần nhất với Sparta. Ngoài ra, 420 bộ binh của Athens bị bỏ lại trên một hoang đảo Sphacteria gần đó.

Đáp ứng tức khắc của người Sparta là thương thuyết hòa bình __ nhưng Athens bác bỏ. Dân chúng Athens kết tội các tướng lãnh không khai thác được thắng lợi. Người cầm đầu phe phê phán là Kleon mị dân, huênh hoang tuyên bố mình có thể làm tốt hơn. Lập tức một trong những strategoi thủ lĩnh là Nikias liền đề nghị Kleon nên đi và làm như đã nói.

Mang theo Demosthenes nhiều kinh nghiệm, Kleon dẫn binh nhắm hướng Pylos. Quân Athens giao chiến và bắt được 300 tù binh Sparta trong trận đánh Sphacteria.

Thống trị các thành phố miền đông bắc: Brasidas

Sparta theo đuổi một chiến thuật khác khá thành công. Trong năm 424 BC một vài thị trấn trong vùng đông bắc Hy Lạp trước đây trung thành với Athens quyết định nổi dậy. Sparta gởi một đạo quân lớn đến vùng đông bắc Hy Lạp dưới quyền thống lĩnh của một nhà quý tộc hàng đầu là Brasidas. Ông chiêu dụ các thị trấn nổi dậy về phe mình bằng ngoại giao khéo léo và lực lượng bộ binh hoplite thiện chiến.

Quân Athens ra quân ngăn chận Brasidas, và kết quả cuối cùng là một hiệp ước hưu chiến kéo dài được một năm vào năm 423 BC. Qua năm 422 BC, cả hai bên đều phá vỡ đình chiến, Kleon mang một đạo quân đến miền bắc để tấn công Brasidas. Trong một trận đánh lớn bên ngoài thị trấn Amphipolis, quân Athens bị đánh bại thảm hại, và cả Kleon và Brasidas đều tử trận.

Môi giới một hiệp ước hòa bình bấp bênh: Nikias

Sau gần mười năm xung đột, cả Sparta và Athens bắt đầu nhận ra rằng không phe nào có thể thắng cuộc chiến __ mỗi thắng lợi đều phải trả bằng một giá rất cao.

Do đó, vào năm 421 BC, thương thuyết hòa bình bắt đầu, do strategos Nikias của Athens đề xướng. Hai bên thỏa thuận một nền hòa bình 50 năm và trao đổi các tù binh Sparta với thị trấn Amphipolis của Athens.

Mặc dù nền hòa bình của Nilias là cách giải quyết tuyệt vời cho Athens lẫn Sparta, nó làm các thành phố khác nổi giận, trong đó có Boiotia và Corinth, hai thành phố đã đứng về phe Sparta trong những năm chinh chiến. Nền hòa bình của hiệp ước không mang lại điều gì cho các thành bang này __ tất cả những bất bình của họ đối với Athens đều chưa được giải quyết.

Với quá nhiều bất mãn như vậy nền hòa bình được Nikias môi giới không thể lầu dài.

Phức tạp hóa tình hình: Argos và Alcibiade

Thành phố nào cảm thấy mình bị hòa bình của Nikias bỏ rơi quay lưng lại với Sparta và hướng về thành phố cổ Argos. Đến tận bấy giờ Argos không tham dự Chiến tranh Peloponnesia; các thành phố bất mãn tin rằng liên minh với Argos quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm. Nhưng một liên minh với Argos sẽ tạo ra một thế lực tiềm năng thứ ba và làm tình hình thêm phức tạp.     

Cùng lúc đó tại Athens ekklesia chịu ảnh hưởng của một nhân vật mới khích động có tên Alcibiades. Nhà quý tộc trẻ tuổi, duyên dáng, đẹp trai này sở hữu một tài năng khống chế ý kiến quần chúng.

Năm 420 BC, Alcibiades tìm cách thuyết phục được ekklesia rằng Athens có thể lợi dụng được tình hình xảy ra ở Argos. Ông lý luận rằng các thành phố đều tụ tập về với Argos vì Sparta giờ đây là kẻ thù của họ. Bằng cách nối dài lập luận, những thành bang bất mãn này giờ cũng là đồng minh của Athens.

Alcibiades được tán thành, và Athens lập liên minh với các thành phố Argos, Mantineia, và Elis. Mặc dù sự kiện này về lý thuyết không vi phạm hiệp ước hòa bình Nikias, nhưng chắc chắn làm nó căng thẳng.

Tất nhiên, sự đối đầu sớm muộn gì cũng xảy ra. Vào năm 418 BC, vua Sparta Agis tấn công Argos, mà giờ đây Sparta xem như là mối hiểm họa chính. Cuộc tấn công này có nghĩa là phải kéo theo những đồng minh đến tiếp ứng __ và trong đó có cả Athens.

Hậu quả là một trận đánh bên ngoài thị trấn Mantineia. Quân Sparta đánh tan lực lượng phối hợp của Argos và các đồng minh. Thắng lợi này càng cổ vũ tinh thần của quân Sparta, củng cố thêm tiếng tăm là đội quân vô địch.

Dùng chiến thuật bao vây ở Melos

Sau khi thất trận tại Mantineia, Athens trở lại chính sách mà trước đây Pericles đề nghị __ tấn công các đồng minh của Sparta và thu phục chúng vào đế chế của mình. Năm 416 BC, Athens tập trung vào các đảo Melos, một phần của Cyclades. Cuộc bao vây không mấy gay go, nhưng khi cuối cùng Melos thất thủ, quân Athens trừng phạt Melos đúng như những gì họ hăm he Mylene thuở trước. Tất cả bọn đàn ông đều bị xử tử và các phụ nữ cùng trẻ em bị bán làm nô lệ.

Hành động của quân Athens ngày nay thật vô cùng man rợ (và nghe như âm vang của những hành động ‘diệt chủng’ xảy ra trong thế kỷ trước). Không có lý do nào có thể bào chữa cho sự hủy diệt dã man cả một cộng đồng, nhưng trong thế giới cổ đại tội ác này thường xảy ra sau một cuộc vây hãm.

Vây hãm: Một trò chơi chờ đợi

Trong Chương 5, tôi bàn về các trận tác chiến bộ binh, kỵ binh, và hải chiến của quân Hy Lạp thời cổ đại. Hình thức tác chiến chủ yếu khác trong thời này là vây hãm. Chiến thuật vây thành xảy ra nhiều lần trong Chiến tranh Peloponnesia và Alexander Đại Đế là bậc thầy phù thủy về chiến thuật này. Về bản chất, một thành phố bị địch tấn công có hai phương án đối kháng: ra ngoài thành nghênh chiến hoặc cố thủ trong thành.

Nói một cách tổng quát, vây hãm là mất khá nhiều thời gian. Quân công thành phải phong tỏa thị trấn địch và sau đó ngồi đó chờ thời cơ. Cuộc vây hãm kết thúc khi kẻ công thành tìm được cách chui vào thành hoặc quân trong thành đầu hàng.

Trong một cuộc bao vây bên tấn công cần biết chắc mình có thể bao vây đến khi quân trong thành hết cả lương thực. Do đó, bên tấn công phải bảo đảm lương thảo đầy đủ. Họ cũng phải có đủ quân số để đi tuần tra xung quanh thành phố, cắt đứt mọi đường vận lương của kẻ địch. Khi bao vây hải cảng, ta cần đội chiến thuyền phong tỏa đường ra biển và chận đường tiếp tế của quân địch từ biển vào.

Vây hãm rất tốn thì giờ và chưa chắc thắng lợi. Bên tấn công có thể mất vài tháng để bao vây rồi cuối cùng phải bỏ cuộc vì phải được điều động đến những mặt trận khác. Hơn nữa, binh lính bao vây trong một thời gian dài đóng quân ngoài thành rãnh rỗi thường đâm ra chễnh mãng và vô kỹ luật.

Phát triển kỹ thuật tác chiến mới

Trong thời Chiến tranh Peloponnesia, người Hy Lạp đã phát triển một số kỹ thuật tác chiến mới. Sau đây là năm phương án phổ biến:

  • Đắp mô đất: Phương án này thực sự đơn giản. Quân công thành cho xây một mố đất rất lớn có cấu trúc bên dưới bằng gỗ dựa vào tường thành. Gỗ để bảo đảm mô đất không sụp xuống khi có hàng ngàn bàn chân dẫm lên mô đất. Sau đó quân tấn công sử dụng mô đất như đoạn đường dốc cho bộ binh chạy lên tấn công, các cung thủ có vị trí gần hơn mục tiêu, và tạo điều kiện cho binh lính thúc trụ gỗ phá cửa thành. Tường có thể cao 8 đến 10 mét nên thúc một lỗ vào tường thành dễ hơn trèo qua.
  • Tháp: Binh lính công thành xây dựng những tháp cao bằng gỗ, để cung thủ tạo ta những trận mưa tên bảo vệ cho đội quân công kích tường thành. Các tháp bình thường cao hơn tường thành một chút để cung thủ có thể nhắm vào kẻ địch đang cố thủ.
  • Đào đường hầm: Trong phương án này, người tấn công đào bên dưới tường thành đôi khi sâu đến 3 hay 5 mét. Đào đường hầm là công việc nguy hiểm vì hầm có thể sập hoặc tường thành sụp đổ xuống. Kẻ cố thủ thường đổ nước xuống đường hầm, làm bên tấn công chết đuối.
  • Trụ gỗ phá thành: Phương án này được sử dụng cùng với mô đất đắp cao. Nhiều toán binh lính liên tục đẩy một trụ gỗ húc vào tường thành hay cổng thành cho đến khi chúng sụp đổ. Các tháp cao và cung thủ thường yểm trợ cho nhóm húc tường thành.
  • Nội gián: Phương án đơn giản nhất cho bên tấn công đạt đến thắng lợi là liên lạc với người nội gián trong thành hẹn thời điểm mở cổng thành.

Tiếp sau cuộc vây hãm

Sau khi thành bị thất thủ và thị trấn bị kẻ thù xâm chiếm, những sự kiện xảy ra sau đó thường là rất khủng khiếp. Việc tàn sát tất cả tù binh trở nên thường xuyên hơn trong Chiến tranh Peloponnese, khi cuộc chiến càng ngày khốc liệt. Lý do cho việc tàn sát này là tình trạng thiếu lương thực, không thể nuôi giữ tù binh. Ngoài ra còn để trả thù nếu giá trả cho việc tấn công thành quá cao đối với phe tấn công.

Đôi khi thành phố phòng thủ cũng đánh thắng tất nhiên. Vì vây hãm mất nhiều thời gian, có khi kẻ tấn công cạn hết lương thảo trước.

Thử chiếm Sicily lần nữa!

Ngay sau khi Athens hành xử tàn bạo với dân chúng thành Melos họ chịu một thất bại nhục nhã nhất trong cuộc Chinh phạt Sicily.

Ngạc nhiên thay, cho dù vai trò của ông trong chính sách đã kết thức thảm bại ở mặt trận Mantineia, Alcibiades vẫn còn có ảnh hưởng rất lớn trong nền chính trị Athens. Khi thành phố Egesta của Sicily cầu cứu trong cuộc chiến cục bộ với lân bang Selinous vào mùa đông 416 BC, Alcibiades nhiệt tình bênh vực cho chính nghĩa.

Chính khách lớn tuổi hơn Nikias thì cân nhắc thận trọng hơn, nhưng bởi vì chiến tranh với Sparta đã lắng xuống kể từ sau trận Mantineia, ekklesia vui vẻ bỏ phiếu tán thành hổ trợ Egesta. Người Athens cũng bầu chọn các tướng lãnh chỉ huy chiến thuyền là Nikias, Lamakhos, và chính Alcibiades.

Tai tiếng và bi kịch: Alcibiades

Ngay sau khi đội chiến thuyền của Athens chuẩn bị rời bến hướng về Sicily, một vụ tai tiếng nổ ra trong thành phố. Đầu tiên, dân chúng gây hư hỏng cho một số hermai, tức là những pho tượng nhỏ của thần Hermes, thần mang lại may mắn cho du khách. Những pho hermai này được điêu khắc có dương vật cương cứng và bọn phá hoại đã bẻ gãy chúng. Mối liên hệ giữa các pho tượng và chuyến chinh phạt Sicily thật là rõ ràng. Đó vừa là một hành động báng bổ thần thánh vừa là một điềm triệu xấu cho những chiến binh xuất quân đi Sicily, như sau này hậu quả sẽ chứng tỏ.

Hầu như cũng vào lúc đó, trong ekklesia Alcibiades bị kết án là đã chế nhạo  các Bí Ẩn của Eleusinian (một nghi thức thiêng liêng, rất kỳ lạ mà tôi sẽ bàn đến trong Chương 22). Những hành động của Alcibiades hình như chỉ là kết quả của lối sống xa xỉ, dễ dãi của những quý tộc trẻ, giàu có  nhưng hậu quả rất là nghiêm trọng. Trước khi đội thuyền Athens đến Sicily, một người đưa tin đã bắt kịp đội thuyền và thông báo Alcibiades bị triệu hồi để được xét xử. Ông ta phản ứng lại bằng cách bỏ thuyền và dong buồm đến Sparta đầu hàng kẻ cựu thù và được phong làm cố vấn. Để biết thêm về cuộc sống nhiều màu sắc của Alcibiades, hãy đọc Chương 26.

Thảm họa ở Sicily

Đội thuyền Athens cuối cùng đến được Sicily dưới quyền chỉ huy của Lamakhos và Nikias. Hành động đầu tiên của họ là vây hãm thành phố lớn Syracuse đang yểm trợ cho Selinous, thị trấn đã tấn công Egesta. Lamakhos bị giết vào năm 414, chỉ còn lại một mình Nikias chỉ huy.

Mọi diễn tiến đều tốt đẹp với quân Athens cho đến khi người Syracuse được một đạo quân Sparta giải vây, đạo quân này được phái đến Sicily là do chính Alcibiades bày mưu!

Quân Athens giờ đây thấy mình bị phong tỏa trong hải cảng của Syracuse và cuối cùng đội chiến thuyền của họ bị đánh bại. Binh lính Athens cố rút lui bằng đường bộ nhưng bị quân Syracuse chặn đánh tan tác vào 413 BC.

Hậu quả của cuộc chiến thật là thảm họa đối với quân Athens. Các chỉ huy (kể cả Nikias) đều bị hành hình và tất cả tù binh còn lại đều bị bắt lao động khổ sai trong các mỏ đá ở Syracuse. Tổng cộng khoảng 7,000 lính Athens và thủy thủ bị thiệt mạng hay bắt làm nô lệ.

Thucydides cho rằng sự thất bại của Cuộc Chinh Phạt Sicily là thảm họa lớn nhất mà người Athens phải chịu đựng.

                . . . bởi vì họ hoàn toàn bị đánh bại; nổi thống khổ của họ là vô cùng to lớn; số   thương vong là cùng cực; bộ binh, hải quân, mọi thứ đều bị hủy diệt, và từ một quân đoàn đông đảo, chỉ có vài người trở về.

 Thất bại ở Sicily là một khúc quanh thực sự trong Chiến tranh Peloponnesia. Từ 413 BC trở đi, chiến tranh không còn là sự tranh chấp giữa Athens và Sparta nữa mà trở thành một cơ hội cho những bên khác nhúng tay vào và hưởng lợi kết sù.

Tuy nhiên, kết cục thì sự thất trận tối hậu của Athens thực sự được thúc đẩy từ bên trong __ như sẽ được trình bày trong Chương 9. 

 

Chương 9

 Lạc Đường: Kết Thúc Thời Hy Lạp Cổ Điển

 

Trong Chương Này

  • Chấm dứt Chiến tranh Peloponnesia
  • Đi đến nơi an toàn
  • Báo trước Bá quyền của Thebes
  • Báo hiệu sự hưng thịnh của Macedonia

Khi Chiến tranh Peloponnesia dần dần khép lại, thời đại mà các sử gia gọi là ‘Hy Lạp Cổ điển’ cũng từ từ kết thúc. Sự thống trị của các thành bang Hy Lạp như Athens, Sparta, Thebes, và Corinth không còn nữa. Khoảng 350 BC, một quyền lực mới xuất hiện ở phương bắc __ Macedonia __ và thế giới Hy Lạp không bao giờ trở lại như xưa.

Trong chương này, tôi xem xét lại những sự kiện xảy ra vào cuối Chiến tranh Peloponnesia và những hỗn loạn tiếp theo. Sự kết cục của Hy Lạp Cổ điển là một thời kỳ phức tạp nhưng đầy mê hoặc của lịch sử Hy Lạp cổ đại.

Đi Qua những  Thời Khắc Sóng Gió: Athens

Sự thất bại của cuộc chinh phạt Sicily vào năm 413 BC hầu như là một đòn chí mạng cho Athens trong cuộc chiến dai dẳng với Sparta và đồng minh của nó, kéo dài nhiều thập niên. Chỉ một trận chiến, Athens mất vài ngàn chiến binh, ba vị tướng chỉ huy và phần lớn đội chiến thuyền. Nhưng dù có đi xuống,  Athens chắc chắn không mất.

Rình rập Athens: Một mưu tính khác của Ba Tư

Phần còn lại của Địa Trung Hải đang dõi theo, kể cả người Ba Tư, nước đã từng theo đuổi một cuộc chiến tàn khốc chống lại Hy Lạp từ 490 đến 478 BC. (Xem Chương 6.)

Không có gì ngạc nhiên, người Sparta là xứ đầu tiên lợi dụng vị thế xuống thấp của Athens. Năm 413 BC, quân Sparta thực sự đã chiếm Attica bằng cách xây dựng một đồn lũy thường trực bên ngoài thị trấn Dekelaia. Họ cũng bắt đầu đóng đội chiến thuyền mới.

Ở những nơi khác, đế chế Athens đang vỡ vụn. Một số nơi như đảo Lesbos nổi dậy, biết rằng người Athens giờ đây chắc chắn không thể làm gì được.

Athens quấy rối Ba Tư

Tại một thời điểm như vậy, bạn có thể cho rằng việc cuối cùng mà người Athens muốn làm là dính líu vào một chiến tranh khác với ngoại bang __ nhưng đó chính là điều đã xảy ra. Họ đem quân cứu viện Amorges đang nổi dậy để giành lại độc lập cho Karia từ ách đô hộ của Ba Tư.

Ba Tư, biết được tình hình rối rắm của Athens, liền thương thảo với Sparta. Để đáp lại sự trợ giúp của Sparta, Ba Tư đóng góp tài chính giúp xây dựng đội chiến thuyền mới của Sparta.

Dàn dựng một cuộc nổi dậy ở Athens.

Vào 411 BC Ba Tư không phải là quyền lực duy nhất lợi dụng tình hình suy thoái của Athens. Trong khi một số chiến thuyền Athens bỏ neo tại Samos, các sĩ quan chỉ huy được Alcibiades tiếp xúc. Sau khi chuồn đến Sparta, Alcibiades (không có gì bất ngờ) không được dân Sparta ưa thích, liền đi đến các thành phố Hy Lạp ở Tiểu Á, và cuối cùng trở thành một cố vấn trong chính quyền một tỉnh lỵ Ba Tư tên là Tissaphernes. Tuy nhiên, Alcibiades tính kế trở lại Athens.

Ông ta biết rằng trở lại Athens là việc liều lĩnh, vì đến lúc này ông vẫn còn là là kẻ tại đào về tội hợp tác với Sparta, kẻ thù cốt lõi của Athens. Vì thế ông tìm cách thuyết phục các vị tướng được phải đến để hổ trợ Amorges nên quay về Athens lật đổ chính quyền đương thời của Athens để ông có thể trình diện an toàn trước chính quyền mới. Đáp lại, ông sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Ba Tư. Chắc hẳn Alcibiades phải là một tay ăn nói cực kỳ!

Nhiều tướng lãnh Athens khước từ lời đề nghị của Alcibiades và ở lại Samos, chỉ có một vị tướng tên Peisandros quay về Athens và bắt đầu ‘quậy’. Một nhóm người sử dụng bạo lực xuất hiện và một số hành động dọa dẫm xảy ra ở Athens. Một số nhân vật chủ chốt trong ekklesia bị giết và một số khác bắt buộc phải chạy thoát để được an toàn __ trong đó nhiều người chạy đến đảo Samos.

Một bộ phần mới gồm 400 người được thành lập, mỗi trong số 10 bộ lạc Athens chọn ra 40 thành viên (hầu hết là quý tộc). Những nhà lãnh đạo mới này cam kết hướng tất cả nguồn lực tài chính nhằm đẩy mạnh cuộc chiến với Sparta. Thêm vào đó, 5,000 công dân giàu có nhất đồng ý trả chi phí cho bộ áo giáp của họ và thành lập lực lượng chiến binh.

Đó là cách cú ‘đảo chính’ vỡ vụn

Nhưng như quá nhiều cam kết chính trị lời hứa ban đầu không bao giờ được giữ lời. Số đông các công dân giàu có rời Athens, và 400 nhà quý tộc mới không thể quyên đủ tiền cần thiết để tài trợ cho cuộc chiến. Thế là Alcibiades rời bỏ tỉnh lỵ Tissaphernes cùng với lời hứa giúp đỡ của Ba Tư cũng tan thành mây khói. Ông liền quay sang làm cố vấn cho

nhóm người dân chủ biệt xứ vừa chạy từ Athens đến Samos sau cuộc ‘đảo chính’. 

Vào tháng 9 năm 411 người Athens đã mất hết kiên nhẫn với nhóm 400 nhà lãnh đạo chính trị mới đã thất bại trong việc mang đến điều đặc biệt mới mẻ. Các nhà dân chủ còn ở lại, được lãnh đạo bởi một người tên Cleophon, thiết lập lại nền dân chủ gọi là ‘quy tắc 5,000’. Sở dĩ có tên này vì quyền cai trị đã trở lại với nhân dân, thay vì 400 người cai trị. Nhưng điều đó không có nghĩa là 5,000 người nắm quyền kiểm soát nhà nước.

Toàn bộ cuộc ‘đảo chính’ không thành tựu nhiều, nhưng nó chứng tỏ hai điều:

  • Sự hết lòng đối với dân chủ của Athens đã sống còn __ cho dù trong thời gian có chiến tranh lâu dài với Sparta.
  • Sự chia rẽ giữa các quý tộc Athens và nhóm ‘người mới’ vẫn còn tiếp tục.

Khâm Liệm Cuộc Chiến Peloponnesia

Với sự trở lại của nền dân chủ, Athens bắt đầu phục hồi một chút. Vài thắng lợi hải chiến xảy ra giữa 410 và 407 BC __ một số có liên quan đến Alcibiades, người đã trao số phận mình chung với nhóm dân chủ biệt xứ đã tháo chạy đến Samos và trở về Athens với họ.

Thành công của Alcibiades không kéo dài. Sparta bước vào một thương thảo mới với Ba Tư. Lần này Cyrus, con trai trẻ nhất của Vua Darius (người đã xâm chiếm Hy Lạp năm 479 BC), đồng ý tài trợ việc đóng đội thuyền cho Sparta. Đội thuyền mới của Sparta đã gặt hái được một chiến thắng lẫy lừng ngoài bờ biển Tiểu Á năm 406 BC. Alcibiades không có mặt ở trận chiến nhưng bị đổ tội để thua, thế là ông bị lưu đày một lần nữa, lần này đến Thrace.

Gánh chịu tổn thất lớn tại Arginoussai

Sự phục hồi của Athens chết sớm. Vào 406 BC, trong cuộc đối địch được cho là thắng lợi với chiến thuyền Sparta gần Arginoussai, 13 chiến thuyền Athens bị chìm và 12 bị hư hại. Hai thuyền trưởng không thể vớt lên các binh lính sống sót trên biển do bảo tố khủng khiếp. Khoảng 3,000 binh lính Athens bị phó mặc cho sóng biển cuốn trôi.         

Sáu viên tướng hải quân chỉ huy chiến dịch được đưa ra xét xử ở Athens và bị hành quyết. Đáng ra Athens không nên đánh mất một số bộ óc quân sự lão luyện nhất của mình và quyết định đó xem ra là không phù hợp.

Không còn cách chọn lựa nào

Năm sau sự thảm bại của Athens là tận cùng. Chiến thuyền Athens lên cạn tại Hellespont (giữa Thrace và Tiểu Á) khi viên chỉ huy Lysander Sparta ra lệnh tấn công bất ngờ. Hầu hết chiến thuyền của Athens bị bắt, chỉ có chín chiếc thoát được. Chiến tranh Peloponnesia dài 26 năm thực sự kết thúc. Không còn chiến thuyền bảo vệ Athens, Sparta và đồng minh của mình hình như chọn phương án vây hãm thành phố.

Sử gia Xenophon vẽ nên một bức tranh sống động của Athens vào buổi chiều mà con thuyền cô độc Paralos đưa tin thất trận về thành phố:

                Khi Paralos về đến Athens thì đêm vừa buông xuống. Khi tin tức về thảm họa được kể ra, người này loan truyền cho người kia, và tiếng kêu than cất lên và vang xa mãi, mới đầu từ Piraeus, rồi dọc theo trường thành cho đến tận thành phố. Đêm đó không ai chợp mắt được. Họ than khóc cho những người đã mất, nhưng than khóc nhiều hơn cho số phận của riêng mình.

 

Cúi đầu trước người Sparta: Athens sau chiến tranh

Sau trận hải chiến thảm bại tận cùng, Athens chờ đợi điều tệ hại nhất từ Sparta. Nhớ là Sparta và các đồng minh đã có 25 năm chất chứa những oán thù mà Athens phải trả.

Đoc thêm: Socrares, nạn nhân của một xã hội thay đổi

Một nạn nhân danh tiếng của chế độ mới ở Athens là triết gia Socrates. Nhiều người quý tộc Athens không tin tưởng Socrates vì ông ta từ chối việc hợp tác với 30 nhà độc tài. Nền dân chủ mới ở Athens không tin vào điều gì khác biệt hoặc chống lại truyền thống. Socrates không giữ vị trí chính thức nào trong chính quyền nhưng lại là một trong những nhà trí thức dẫn đầu ở Athens và phát triển một phương pháp biện bác triết học cho phép ông thách thức với những giả định của những người khác và cật vấn về những điều họ tin tưởng. Thường thường những vấn đề này thuộc luân lý và đạo đức nhưng ông cũng quan tâm đến công lý và cách thức nhà nước điều hành xã hội. Câu phát biểu nổi tiếng nhất của ông là ‘Điều duy nhất tôi biết là tôi không biết gì cả’.

Vào năm 399 BC, ông bị đem ra xét xử vì tội báng bổ thần linh và làm hư hỏng tuổi trẻ thành phố. Ông bị vu cáo__ chắc chắn là do bị hãm hại. Ông bị kết tội và bị tuyên án tử hình. Ông chọn được chết bằng cách uống thuốc độc. Đây là cái chết đến khá nhanh nhưng rất đau đớn vì bạn sẽ cảm nhận cơ thể mình lạnh dần sau đó một cơn co giật sẽ bấu xiết bạn. Thật là một kết thúc bi thương cho một con người vĩ đại của lịch sử.    

 

Sống dưới điều kiện của Sparta

Cuối cùng thì Athens không bị hủy diệt và dân chúng cũng không bị bắt làm nô lệ. Sau gần một năm điều đình, Athens cuối cùng đồng ý điều kiện đầu hàng của Sparta, như sau:

  • Mọi lãnh thổ trước đây thuộc về đế chế Athens được giải phóng khỏi mọi ràng buộc với Athens. Họ không còn phải trả triều cống hoặc cung ứng nhân sự cho dịch vụ quân sự khi được yêu cầu.
  • Đội thuyền của Athens bị giới hạn chỉ còn 12 chiếc. Số lượng này vừa đủ cho họ phòng vệ cảng biển, là một sụt giảm đáng kể nếu ta nhớ trước đây Athens sở hữu đến hơn 100 chiến thuyền.
  • ‘Trường thành’ bảo vệ thành phố phải bị phá bỏ.
  • Mọi người bị lưu đày phải được trả về.
  • Athens giờ đây là một lãnh thổ của Sparta chịu sự đô hộ của Sparta.

Đây quả là một đòn chí tử cho một thành phố mà chỉ 30 năm trước đã là một quyền lực thống trị trong miền Địa Trung Hải.

Thiết lập quyền cai trị của nhóm 30

Sparta bắt buộc Athens bãi bỏ chế độ dân chủ và trở lại với chế độ có ít người người cầm  đầu. Năm 404 BC, tướng Sparta là Lysander cưỡng bách người Athens thành lập một ủy ban gồm 30 cá nhân để điều hành thành phố (dưới sự giám sát của Sparta, tất nhiên). Nhiều thành viên của nhóm 30 trước đây là những nhà quý tộc bị lưu đày có dính líu vào cuộc ‘đảo chính’ năm 411 BC và gần đây đã trở lại thành phố. Quyền lực của nhóm 30 được đội quân 700 binh Sparta chống lưng, là đội quân đồn trú trong thành phố.

Không có gì bất ngờ, nhóm 30 lợi dụng tối đa quyền hạn mới này. Trong tác phẩm Chính Trị, triết gia Aristotle mô tả những gì xảy ra khi nhóm 30 lên nắm quyền:

                Nhưng khi họ đã củng cố quyền kiểm soát thành phố, họ không chừa ra một công dân nào, mà xử tội chết cho những người nổi tiếng giàu có, có uy tín và tiếng tăm, vì hành động này sẽ khiến họ bớt sợ hãi và hợp thức hóa tài sản mới tích cóp của mình; và chỉ trong một thời gian ngắn họ đã thủ tiêu không dưới 1,500 người. . .

       

Không có danh dự giữa bọn trộm cắp

Sau đó nhóm 30 vị độc tài bắt đầu hãm hại nhau __ và sau đó là các vụ xử án, hành hình. Cùng lúc đó các người dân chủ đã bỏ đi khi quân Sparta đến, cố gắng tìm sự ủng hộ trong các thành phố khác như Thebes . Cuối cùng các người dân chủ trở lại Athens với lực lượng vào đầu năm 403 BC. Nhóm 30 và các người ủng hộ họ choảng nhau với những người dân chủ trong đó một số vị độc tài bị giết chết.

Vua Sparta là Pausanias đem quân đến thành phố để dẹp yên tình trạng lộn xộn. Thay vi cho tiếp tục cưỡng bách chế độ thiểu số cai trị, ông ta cho phép một hình thức giới hạn dân chủ trở lại. Các vị độc tài và người ủng hộ họ được phép rời thành phố và sống lưu đày ở thành phố Eleusis. Dân chủ đã trở lại nhưng thành phố bao trùm một bầu không khí ngờ vực và âm mưu.

Thắng nhưng phải trả giá: Sparta

Có lẽ người Sparta chắc là hả hê với chiến thắng đè bẹp trước kẻ cựu thù sau cuộc chiến 26 năm? Không, không hẳn thế. Thắng lợi trong Chiến tranh Peoloponnesia cũng gây những tổn thất cho Sparta không kém cho kẻ bại Athens.

Lỗi lầm đầu tiên mà Sparta phạm phải ở cuối cuộc chiến là cách thức họ giải quyết đế chế Athens. Giờ đây đã kiểm soát Athens người Sparta về lý thuyết là người cai trị mọi lãnh thổ trước đây nằm trong đế chế Athens. Kết quả là Sparta ép buộc nhiều thị trấn và thành phố Hy Lạp phải chấp nhận hệ thống thiểu số điều hành chính quyền như ở Athens. Nhiều thị trấn này chưa bao giờ trực tiếp chống lại Sparta trong chiến tranh, vì thế họ không đồng tình với cách hành xử mà Sparta gán cho họ. Cũng bất mãn không kém là các đồng minh của Sparta trong Liên minh Peloponnesia trước đây. Không có đồng minh nào của Sparta trước đây nhận được chiến lợi phẩm nào cả khi Sparta nắm quyền đô hộ Athens mặc dù họ đã có đóng góp trong thời chiến.

Vì Sparta hưởng trọn các chiến lợi phẩm, những thành phố như Thebes vui vẻ che chở cho các người ủng hộ dân chủ bị lưu đày đã chạy thoát từ Athens trong thời gian trị vì của nhóm 30. Sparta hầu như trở thành kẻ thù chung của Athens lẫn Thebes.

Vấn Đề đang Nổi Lên trong Đế Quốc Ba Tư

Trong lúc đó, tình hình rối ren đang hình thành trong đế quốc Ba Tư __ và nó mang đến những hậu quả lớn lao cho Sparta và phần còn lại của Hy Lạp.

Hành quân qua sa mạc với Cyrus

Vua Darius của Ba Tư băng hà vào 404 BC và con trai Artaxerxes lên nối ngôi. Người em Cyrus của Artaxerxes quyết định cướp ngôi anh, bèn bỏ đi chiêu mộ quân đội.

Cảng đầu tiên Cyrus đến là Sparta, thành bang ông từng giúp đỡ nhiều trong Chiến tranh Peloponnesia. Người Sparta miễn cưỡng phải giúp lại ông, họ phái một lực lượng không chính thức phối hợp với binh lính đánh thuê Hy Lạp mà Cyrus đã chiêu mộ.

Mưu đồ thất bại. Cyrus bị đánh bại và bị giết trong một trận đánh ác liệt tại một địa điểm tên là Cunaxa gần thành phố Ba Tư Babylon. Đội quân đánh thuê người Hy Lạp của ông bị bỏ lại như rắn mất đầu giữa lòng sa mạc Ba Tư.

Trong số binh lính đánh thuê này có sử gia Xenophon. Xenophon và những sĩ quan khác cầm đầu một lực lượng gồm 10,000 binh lặn lội trở lại băng qua Ba Tư và Tiểu Á. Xenophon đã viết một cuốn sách về trải nghiệm này có tên Anabasis (hành trình về xứ sở), đọc như một tờ nhật báo. Những chi tiết ông mô tả chính xác đến nổi Alexander Đại Đế sử dụng sách như một cẩm nang du lịch khi ông hành quân theo hướng ngược lại 75 sau. Đọc những chi tiết này, bạn mới biết được lý do.

                Trên chuyến hành trình này đoàn quân cạn hết bắp, không thể mua được thứ gì trừ khi đến chợ Lyndia . . . tại đó ta có thể mua được một capithe bột mì với giá bốn siglus. Đồng siglus có trị giá bằng 7 rưỡi đồng obol của Athens, và một capithe bằng ba pint.

   Xenophon và các tướng quân khác mang được 10,000 binh lính về được lãnh thổ của Hy Lạp (ở Tiểu Á) một cách thần kỳ, nhưng ông không nhận được lời cảm tạ nào. Ngược lại khi về đến Athens, Xenophon bị đem ra xét xử vì tội chỉ huy đoàn quân Sparta cũng như bị coi là tên cực đoan và là một người thân cận với Socrates.

Xenophon sau đó bị lưu đày. Rủi cho ông nhưng may cho lịch sử vì trong thời gian bị cưỡng chế cho về vườn ông quay ra viết sử! Ông sống ở Olympia một thời gian và sau đó Corinth trước khi trở về Athens không lâu thì qua đời khoảng 360 BC.

Tìm kiếm ủng hộ từ Sparta

Sau thất bại của Cyrus, nhiều thành phố Hy Lạp ở Tiểu Á từng ủng hộ ông lo lắng sợ vua Ba Tư Artaxerxes trừng phạt. Họ cầu cứu Sparta vì người Sparta đã ủng hộ Cyrus và hiện giờ là thành bang Hy Lạp thống soái.

Sparta không phụ lòng họ, mở một chuỗi những chiến dịch nhằm bảo vệ các thành phố ở Tiểu Á. Vua Sparta là Agesilaos cầm đầu chiến dịch lớn nhất vào 396 BC.

Thật không may, Sparta sắp sửa nhận ra rằng trong lúc đang lãnh trách nhiệm cho những xứ Hy Lạp bên ngoài, họ đã để cửa sau nhà mình mở rộng . . .

Cuộc Chiến Corinth

Trong khi Sparta tham gia vào các sự kiện ở Tiểu Á, các thành bang Hy Lạp khác lợi dụng thời cơ. Các địch thủ chính là người Thebes vẫn còn cay cú về những sự kiện xảy ra vài năm trước khi họ cảm thấy mình không được Sparta đáp trả xứng đáng cho công lao của họ trong Chiến Tranh Pelo[ponnesia.

Kết đồng minh với Thebes

Năm 395 BC, Thebes thỏa hiệp với Athens hợp lực chống lại Sparta. Cuộc làm ăn này có kết quả, giáng cho Sparta một đòn nặng trong trận đánh gần Haliartos trong đó tướng chỉ huy Sparta là Lysander bị giết chết. Thắng lợi của Thebes cổ vũ các thành bàng Hy Lạp khác đứng lên và vào cuối năm 395 BC, Corinth và Argos tham gia liên minh.

Liên minh hùng mạnh mới này chuẩn bị tấn công Sparta. Do hầu hết những hoạt động đều xảy ra quanh Eo Corinth, trận đánh này mang tên Chiến tranh Corinth.

Đánh đấm búa xua

Ít năm theo sau 395 BC là các trận đánh linh tinh ở Hy Lạp và bên ngoài là Chiến tranh Corinth và Sparta còn dây dưa với Ba Tư. Năm 394 BC là năm thành công của Sparta chống lại các đối thủ Hy Lạp của mình, và vua Agesilaos của Sparta được triệu hồi để giúp kết thúc cuộc chiến.

Đã gánh một số thảm bại nặng nề, các thành phố Hy Lạp khác quay ra sử dụng các cuộc đột kích cướp bóc các lãnh thổ của Sparta, tránh đối đầu trực tiếp với quân Sparta. Cùng lúc đó đội chiến thuyền của Sparta gần như bị quân Ba Tư tiêu diệt gần Knidos.

Biết quân Sparta không thể ngăn cản mình, quân Ba Tư dong buồm quanh tây Địa Trung Hải, đánh đuổi các đội quân đồn trú của Sparta khỏi những lãnh thổ của các đồng minh trước đây của Athens mà Sparta chiếm được sau Chiến tranh Peloponnesia. Như vậy Sparta chỉ giữ được Hy Lạp và khu vực xung quanh vừa đúng tám năm.

Báo trước một tương lai u ám: Bại trận ở Lekhaion

Thời kỳ của các thành bang Hy Lạp gần đến hồi cáo chung. Một điềm báo đặc biệt u ám về tương lai xảy đến năm 390 BC khi một lực lượng Sparta hùng hậu bị quân đánh thuê Hy Lạp đánh bại tại Lekhaion, gần thành phố Corinth. Từng là đạo quân vô địch và đáng sợ nhất trong Địa Trung Hải, giờ đây người Sparta bị các chiến binh vô danh, trang bị nhẹ hạ nhục. Và vào năm 338 BC, toàn thể Hy Lạp nằm dưới quyền kiểm soát của một đạo quân mới đến từ phương bắc __ quân Macedonia (xem Chương 10).

Hưu chiến __ Hiệp ước Hòa bình của Nhà Vua

Chiến tranh Corinth vẫn rộn rã thêm một thập kỷ nữa mà không có phe nào thực sự chiến thắng. Cuối cùng phải nhờ đến ngoại giao. Năm 386 BC, vua Ba Tư Artaxerxes can thiệp và môi giới một hiệp ước hòa bình, mang tên Hòa bình của nhà Vua:

  • Người Hy Lạp đồng ý cho phép Ba Tư kiểm soát tất cả thành phố Hy Lạp ở Tiểu Á.
  • Tất cả những thành phố Hy Lạp khác được cho phép tự cai trị và không bị bất cứ loại kiểm soát của một thành bang nào khác.
  • Bất cứ xứ nào phá vỡ quy định này sẽ đối mặt với cuộc tấn công của lực lượng Ba Tư.

Theo một cách nào đó, Artaxerxes đang cố gắng dẹp bỏ mọi công cuộc xây dựng đế quốc đã tiến hành trong thế kỷ vừa qua. Ý tưởng là táo bạo __ và cũng tốt cho cả Ba Tư __ nhưng nó không bao giờ kéo dài lâu.

Thành lập Liên minh Athens

Người Sparta trước tiên phá bỏ hiệp ước do vua Artaxerxes xếp đặt. Mặc dù tránh can thiệp vào các đảo Hy Lạp, trong mười năm qua Sparta tiếp tục tấn công các thị trấn Hy Lạp trong vùng Peloponnesia.

Hòa bình của nhà Vua được thiết kế để ngăn chận nhiều thị trấn Hy Lạp kết bè lập đảng với nhau, nhưng cuối cùng nó có kết quả ngược lại. Vào năm 378 BC, Athens và Thebes bước vào một liên minh khác. Những thành bang khác gia nhập và nhóm đồng minh mới lấy tên  là Liên minh Athens.

Liên minh mới này rất khác với Liên minh Delos (xem Chương 7). Vị thế yếu đi của Athens giờ đây có nghĩa liên minh mới là một nhóm có quyền bình đảng và có mối quan tâm chung hơn là một đế chế do Athens làm trùm.  

Liên minh Athens tuyên chiến với Sparta trong thời gian gần 10 năm sau. Người Ba Tư không làm gì, mặc dù các cuộc tấn công này rõ ràng đã vi phạm hiệp ước Hòa bình của nhà Vua. Thực ra người Ba Tư hả hê khi thấy Hy Lạp xâu xé lẫn nhau, họ sẽ có dịp ‘ngư ông hưởng lợi’.

Trận chiến Leuktra: Hy Lạp chống Sparta __ và Thebes thắng!

Chiến tranh tiếp theo giữa Liên minh Athens và Sparta diễn ra theo đúng kịch bản của hầu như tất cả những chiến dịch khác trong 50 năm qua. (Kẻ chiến thắng thực sự hóa ra là người Thebes, đang tích góp lãnh thổ và thu nhập của họ từ những trận đánh thắng.)

Khi chiến tranh tiếp diễn, Athens thấy rằng chiến tranh là một gánh nặng tài chính thực sự và do đó phải đặt thêm các sắc thuế mới cho nhân dân đóng góp. Athens tổ chức một hội nghị hòa bình trong đó giải quyết ngả ngủ vấn đề giữa Sparta và Thebes ai sẽ là người kiểm soát các lãnh thổ của Boiotia.

Trước đó quân Sparta và một số đồng minh của họ (kể cả Corinth đã đổi sang phe khác) đối đầu với quân Thebes bên ngoài ngôi làng Leuktra ở Boiotio. Sparta và đồng minh có quân số vượt trội và một chiến thắng đang trong tầm tay.

Nhưng kết quả lại không như thế. Quân Thebes chiến thắng vang dội và vua Sparta là Kleombrotos bị giết chết, cùng với hơn 400 tinh binh của Sparta.

Người Sparta phản ứng trước tin thất trận theo một cách rất khác thường. Theo sử gia Xenophon:

                Trong khi báo tin cho gia đình những tử sĩ, nhà nước yêu cầu thân nhân đón nhận nổi đau trong câm lặng và không nên kêu khóc. Vì thế vào ngày hôm sau bạn có thể bắt gặp trên đường phố những người có thân nhân tử trận vẻ mặt vui sướng, sáng rỡ, còn những người có thân nhân còn sống . . . đi lại với vẻ mặt u ám và buồn rầu.

 

Chào Đón Bá Quyền Thebes

Chỉ trong một thời gian ngắn Thebes trở thành một thành phố thống trị ở Hy Lạp, và thời kỳ này từ 371 đến 362 BC thường được biết dưới tên ‘Bá quyền Thebes’.

Giải tán Liên minh Athens

Khi Sparta suy thoái, Athens sử dụng đội chiến thuyền giờ đây đã phục hồi của mình để tái diễn trò như từng đã làm với Liên minh Delos (xem Chương 7). Các chiến thuyền Athens bắt đầu dong buồm đến các đảo trong Địa Trung Hải và yêu cầu nộp tiền đóng góp; rốt cuộc các đồng minh trở thành chư hầu.

Nhưng không giống như thời Liên minh Delos, Athens giờ không đủ mạnh để duy trì chính sách thuôc loại này. Vào năm  357 BC, các thành viên của Liên minh Athens muốn rút khỏi liên minh đều bị ngăn cấm liền nổi dậy công khai và một cuộc chiến nho nhỏ đã nổ ra kéo dài đến năm 355 BC. Liên minh Athens sau đó tan rã khi các thành viên đều bỏ đi.

Báo hiệu sự kết thúc của Hy Lạp cổ điển

Vào giữa thế kỷ thứ bốn BC, các thành bang Hy Lạp từng một thời hùng mạnh đang gặp rắc rối. Một quyền lực mới, Macedonia, đang dần phát triển ở miền bắc, và chẳng bao lâu vị vua của xứ đó , Philip II, đã nắm quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ phía nam Hy Lạp.

Năm 362 BC quân Thebes đánh bại hổn hợp quân các thành bang, có cả Athens và Sparta.  Sau những gì đã xảy ra __ những cuộc chiến, hiệp ước, và các đế quốc nhỏ, các liên minh, và những lời hứa hảo huyền __ những thành bang từng có thời hùng mạnh giờ đang phó mặc số phận của mình cho đội quân xâm lược của ngoại bang, quân Macedonia, mà tôi sẽ đề cập trong Chương 10.               

Chương 10

 Nhanh chóng tiến lên đỉnh cao: Macedonia

 

Trong Chương Này

  • Giới thiệu người Macedonia
  • Philip II chinh phục Hy Lạp
  • Xây dựng nên Pella
  • Lớn lên thành người vĩ đại: Thời thanh niên của Alexander
  • Xâm chiếm Illyria và Hy Lạp

Về cơ bản, vào năm 360 BC các thành bang Hy Lạp đã sụp đổ. Các cuộc chiến liên miên giữa Athens, Sparta và những thành bang còn lại đã khiến họ rệu rã, mở đường cho kẻ thù ngoại bang. Vì thế, trong thế kỷ thứ bốn BC, một quyền lực mới xuất hiện _ Macedonia.

Trong khoảng thời gian không đến 50 năm, người Macedonia từng được xem là một dân tộc miền núi man rợ, xuềnh xoàng đã trở thành một quyền lực hùng cứ ở Hy Lạp và xa hơn nữa. Sự vươn lên ngoạn mục này là công lao của hai người: Philip II và con trai ông là Alexander Đại Đế. Câu chuyện của họ, cũng như của lịch sử của nền văn hóa đầy mê hoặc này, bắt đầu ở đây.

Gặp gỡ người Macedonia

Macedonia là lãnh thổ nằm về phía bắc của Hy Lạp tạo thành bởi đầu mút phía bắc và tây bắc của Vịnh Thermaic. Macedonia là vùng đất cằn cỗi, khắc nghiệt, và trong suốt lịch sử xa xưa của nó, nó luôn luôn là một xã hội thị tộc. Người Macedonia có nguồn gốc Hy Lạp, và họ nói một phiên bản ngôn ngữ Hy Lạp hơi khó nghe có liên hệ với ngôn ngữ truyền thống được nói ở Athens.

Trở thành chiến binh thiện chiến

Trong suốt thời xa xưa Macedonia là một xã hội thị tộc hợp bởi nhiều nhóm xung đột nhau, bỏ ra hầu hết thời gian đánh đấm nhau. Cuộc sống của phần đông dân Macedonia hoàn toàn đơn giản __ săn bắn, đánh nhau, và sau đó nhậu nhẹt suốt đêm mừng thắng lợi.

Dân Macedonia cũng là những chiến binh thiện chiến. Vào thế kỷ thứ tư BC, họ đã mở rộng lãnh thổ của mình đến biên giới Illyria về hướng tây và Paeonia về hướng bắc.

Vấn đề là, như các thành bang Hy Lạp trong cùng thời kỳ này, các bộ lạc ở Macedonia cũng luôn luôn gây chiến nhau. Vì lý do đó, xứ sở của họ khép kín trong thời kỳ đầu và chỉ tương tác với các thành bang Hy Lạp khác qua việc giao thương có giới hạn.

Tấn phong một loại vua mới: Philip II

Các vì vua xứ Macedonia theo truyền thống trị vì từ một thành lũy trong thị trấn gọi là Aegae. Vua xứ Macedonia không có quyền lực tuyệt đối với thần dân của mình:

  • Nhà vua phải tôn trọng luật Macedonia và đưa ra những quyết định phù hợp với luật lệ. Bộ luật này đã được truyền qua nhiều thế hệ trước đây bởi những tù trưởng của bộ tộc và các quyết định được tranh cãi bên trong một hội đồng các thủ lĩnh bộ tộc.
  • Tước vị vua không có tính kế thừa. Khi nhà vua qua đời, các thủ lĩnh bộ tộc chọn người kế vị mặc dù thường thì họ sẽ chọn con trai của nhà vua vừa tạ thế.

Sự thay đổi lớn lao đối với Macedonia và bô máy cai trị xảy ra sau khi Vua Perdiccas mất vào năm 359 BC. Con trai của nhà vua là Amyntas khi đó chỉ là một đứa trẻ và chú ông Philip trở thành người bảo hộ cho cháu. Với tư cách người bảo hộ cho người kế vị, Philip cũng trở thành người cai trị tạm thời cho vương quốc cho đến khi có một phán quyết xem ai là người kế vị. Tuy nhiên, ông không chịu dừng ở chức danh tạm thời lâu.

Mặc dù chỉ mới 24 tuổi, Philip tạo ra một tác động tức thời. Ông hoàn toàn bác bỏ những luật lệ và truyền thống đã được thiết lập và tự phong mình là vua bằng bạo lực. Philip gây chiến và giết sạch những đối thủ cạnh tranh ngai vàng với mình, và giữ vững biên cương của Macedonia khỏi các bộ tộc nổi loạn ở vùng Illyria. Sau đó, ông quay cặp mắt đầy tham vọng của mình về hướng nam và Hy Lạp.

Xem xét kỹ thuật tác chiến của Macedonia
Trước năm 350 BC, dân Macedonia không thực sự là mối đe dọa lớn đối với dân cư nam Hy Lạp. Vậy thì điều gì đã thay đổi?

Xây dựng một quân đội khác biệt

Vua Philip II tiến hành chiến tranh đối với kẻ thù của mình theo một phương cách mới khác biệt, đầy tính răn đe đối với các thành bang phía nam. Philip II tạo ra một lực lượng chiến đấu độc đáo mà đội hình chiến đấu truyền thống của bộ binh hoplite Hy Lạp khó đối phó.

Dưới đây là một vài mưu mẹo và chiến thuật chủ yếu của quân Macedonia mà Philip II sử dụng:

  • Kỵ binh đột kích: Quân của Philip rất đông và hổn hợp, nghĩa là vừa có đội hình bộ binh trang bị nặng, vừa có kỵ binh và có khinh binh. Không giống các đội quân Hy Lạp, quân Macedonia sử dụng kỵ binh để tấn công và xé rách đội hình kẻ thù. Do đó kỵ binh trở thành khí giới tấn công chủ yếu của quân Macedonia.
  • Giáo sarissa: Bộ binh Macedonia được trang bị khác với người láng giềng Hy Lạp phía nam. Thay vì giáo ngắn hoặc lao như quân Hy Lạp vũ khí tấn công chủ yếu của Macedonia là giáo đâm dài 4.5 m có tên là sarissa. Vũ khí này khiến kẻ thù khó lòng tiếp cận với bộ binh, đặc biệt bởi vì đội hình phalanx (đội hình khối) của quân Macedonia được huấn luyện khéo đến nổi nó có thể biến hóa thành nửa chục đội hình khác nhau một cách nhanh chóng. Hình 10-1 trình bày một vài đội hình này.
  • Binh chủng hypaspist: Macedonia có một binh chủng đặc biệt gọi là hypaspist được sử dụng trong những sứ mạng đặc biệt đòi hỏi những chiến thuật khác nhau trong một trận đánh bộ binh tiêu chuẩn. Hypaspist nổi tiếng gan lỳ và đảm đương mọi loại hình nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm như leo lên triền núi để tấn công địch bất ngờ khi đêm xuống. Họ trang bị nhẹ hơn bộ binh nhiều, và do đó cơ động hơn nhiều.

Hình 10-1

Phát giác vũ khí bí mật __ tình đồng chí.

Mặc dù có những cải tiến về chiến thuật tác chiến, lý do chính khiến Macedonia trở nên hùng mạnh quá nhanh chóng là nhờ vào cá tính của Philip II.

Người Macedonia đã từng là một dân tộc chiến binh, trải qua nhiều thời đại quen chiến đấu lẫn nhau. Cá tính của Philip, sự khôn khéo ngoại giao, và sự không khoan nhượng đã mang những thủ lĩnh bộ tộc hiếu chiến đến với nhau và tập trung lòng quả cảm và kỹ năng chiến đấu chống kẻ thù chung.

Philip nuôi dưỡng một nền văn hóa đề cao làm việc cực lực, chơi đùa thả ga trong đó có việc chè chén thâu đêm để mừng chiến thắng

3

Tiếp Quản: Những Thành Tựu của Philip

Vào thập niên 350 BC, Philip II và quân đội Macedonia giờ đã chuyên nghiệp bắt đầu chiếm quyền kiểm soát những khu vực rộng lớn của Hy Lạp. Vào năm 357 BC, Philip xâm chiếm thành phố Amphipolis (mà từ lâu Athens cho rằng thuộc sở hữu của mình), và năm 352 BC toàn Thessaly ở Bắc Hy Lạp nằm dưới quyền kiểm soát của ông. Dân Thessaly nổi tiếng về cách sử dụng đội quân kỵ binh trang bị nặng trong trận chiến, và Philip nhanh chóng kết hợp họ vào quân đội của mình.

Một thành tựu nổi bật khác xảy ra khoảng thời gian này. Trong suốt thời trị vì của mình Philip liên tục chỉ đạo những cuộc hôn nhân trong hoàng tộc giữa các thành phố và lãnh thổ mà mình chinh phục. Năm 356 BC, ông và Olympias của xứ Epirus có với nhau một con trai mà Philip đặt tên là Alexander. (Bạn có bao giờ nghe về bé này chưa? Ta sẽ bàn về nhân vật này trong Chương 11.)

Tiếp tục dù bị phê phán

Trong thập niên 350 BC phần còn lại của Hy Lạp quá sửng sốt trước thắng lợi của Philip đến nổi không thực sự thách thức ông ta và quân đội Macedonia. Sự chống đối chủ yếu đến từ một chính khách Athens mới nổi là Demosthenes. Demosthenes là nhà viết diễn văn và hùng biện __ hầu như hoàn toàn ngược với Philip. Demosthenes xuất thân từ giới doanh nghiệp. Cha ông có một cơ sở làm dao kéo và vì thế ông có biệt hiệu là ‘người làm dao kéo’.

Demosthenes đã có nhiều buổi diễn thuyết hùng hồn trong ekklesia của Athens kêu gọi mọi người dân Hy Lạp hãy đứng lên chống lại Philip. Mặc kệ, Philip vẫn tiếp tục những cuộc chinh phạt của mình, gây chiến đến tận miền tây bắc xa như Thrace. Năm 348 BC quân Macedonia đã tàn phá thị trấn Olynthos và bán dân chúng ở đó làm nô lệ. Philip bắt được một số người Athens tại đó, liền sử dụng họ làm con tin như một công cụ trao đổi. Ông mưu tính là chẳng bao lâu sẽ đương đầu với Athens nên các con tin sẽ rất hữu dụng.

Thỏa thuận một nền hòa bình (giả tạo)

Athens gặp một trở ngại. Mặc cho Demosthenes thôi thúc, Athens không thể gánh vác một cuộc chiến với Philip, trong đó có nguồn nhân lực đã vơi cạn.

Năm 346 BC, một hội nghị hòa bình được đề nghị và Philokrates của Athens cầm đầu phái đoàn đàm phán. Cuối cùng Philip bằng lòng một hiệp ước không gây hấn với Athens.

Ngay sau khi có hiệp ước hòa bình, Philip lợi dụng cơ hội rối ren ở nam Hy Lạp nơi đó thị trấn Phocis đã xâm chiếm thị trấn thiêng Delphi. Quân Macedonia nhanh chóng hành quân về nam, đánh đuổi quân Phocis, và nhận được lòng biết ơn của Delphi. Sau đó Philip cố tô vẽ bản thân là một người gìn giữ hòa bình, sẵn sàng can thiệp để giải quyết những tranh chấp. Không biết người ta có thực sự tin điều này không nhưng họ ở trong một thế không thể tranh cãi gì với ông.

Xâm chiếm mọi nơi trừ Athens

Philip không thực sự quan tâm nhiều với Athens hay nam Hy Lạp. Ông có những con mồi khác để săn: Ông đã ấp ủ tham vọng xâm chiếm Tiểu Á.

Philip bỏ ra nhiều năm sau hiệp ước hòa bình nhằm tập trung vào những lãnh thổ ở đông bắc Athens, vây hãm cảng Byzantine ở Bosphorus. Tất nhiên, Athens xem cuộc xâm chiếm này là mối đe dọa cho các thành phố miền nam Hy Lạp vì phần lớn lúa gạo đến từ vùng đó.  Các mưu tính chính trị chống lại Philip tiếp tục ở Athens cuối cùng thúc đẩy ông đoạt chiếm các tàu chở thóc gạo vào năm 340.

Khi Philip bắt các tàu này ông cuối cùng cho Demosthenes cái cớ để kêu gọi Athens tuyên chiến với người Macedonia, và họ đã làm thế. Người Athens có được sự hổ trợ của một vài thành phố chủ chốt, như Corinth và Thebes, tất cả đều e sợ Philip vì biết mình là những thành phố giàu mạnh thế nào cũng có mặt trong danh sách xâm chiếm của ông ta.

Trận đánh ở Chaeronea (338 BC)

Trận Chaeronea là một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch sử Hy Lạp và là cứ điểm  cuối cùng của những thành bang Hy Lạp cũ chống lại quyền lực Macedonia mới từ phương bắc. Thế giới không bao giờ như cũ sau cuộc chiến khốc liệt này.

Hai bên __ quân Macedonia và liên minh các thành bang Hy Lạp phương nam __ đối đầu nhau bên ngoài thị trấn Chaeronea ở Boeotia.

Quân đồng minh có một lực lượng lớn gồm hơn 35,000 quân từ Athens, Corinth, Euboea, Megara, và Thenes, và các thành bang khác nữa. Quân số của Philip ít hơn vào khoảng 30,000 người, nhưng ông ta có đội kỵ binh 1,800 người ngựa dưới quyền chỉ huy của con trai Alexander 18 tuổi.

Trận chiến rất quyết liệt, và cuối cùng quân Athens tan vỡ. Sau khi hai quân đoàn bộ binh xáp vào nhau, quân hypaspist của Philip vờ tháo chạy. Quân Athens ở cánh trái của đội hình quân đồng minh mắc mồi câu liền đuổi theo quân Macedonia. Đội hình tấn công của quân đồng minh để hở một lỗ hổng lớn, và Alexander khai thác bằng cách dẫn đầu đoàn kỵ binh xuyên thủng. Nhờ đó Alexander có thể bao vây các chiến binh Thebes đáng sợ nhất. Trò chơi kết thúc.

Hàng ngàn binh lính Hy Lạp đồng minh tử trận ở Chaeronia, và Philip bắt sống thêm vài ngàn tù binh nữa. Đội quân Thiêng lừng lẫy gần như bị tiêu diệt hoàn toàn với 254 người chết trên tổng số 300. Một bia tưởng niệm dưới hình thể một pho tượng sư tử lớn được dựng lên để vinh danh họ, đến nay còn đứng vững.  

Đội quân Thiêng là toán quân khét tiếng của Thebes, gồm 300 chiến binh tinh nhuệ. Mệnh danh là Đội quân Thiêng vì trước đây họ được thành lập và huấn luyện để bảo vệ đền thiêng của thành phố. Đội quân này bất thường vì họ sát cánh từng cặp một, vừa là đồng đội vừa là người yêu đồng tính. Vì có người yêu bên cạnh nên tinh thần chiến đấu của họ càng quyết liệt hơn.                        

Thắng lợi của Philip là thắng lợi hoàn toàn. Vài thị trấn Hy Lạp trong đó có Thebes bị chiếm đóng bởi quân Macedonia. Đối với Philip công việc của mình đã hoàn tất nhưng đối vớii con trai Alexander của ông vẫn còn nhiều việc phải làm sau khi vua cha qua đời.

Tận hưởng sự phồn thịnh ở Pella

Philip là một chiến binh vô địch, và ông đã đi một bước dài để biến Macedonia thành một quyền lực văn minh theo tiêu chuẩn ông. Một trong những hành động đầu tiên của ông là xác định thành phố thứ hai Pella là cứ điểm của triều đình mình, xây dựng cung điện và nơi hội họp với các thủ lĩnh bộ tộc. Vị thế mới của thành phố có nghĩa là các thủ lĩnh bộ tộc từ Macedonia và những nơi khác đổ dồn về thành phố để gần gũi với nhà vua và tận hưởng của cải và thắng lợi mà họ đã tạo ra.

Không còn nhiều di vật của thành phố được sống sót đến nay. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những gì còn sót lại của một cung điện hoàng gia có thể đã được phát triển từ cung điện được Philip sử dụng. Chứng cứ cho thấy có một quãng trường rộng lớn có thể chứa đủ các du khách đến thăm thành phố vào thế kỷ thứ tư.

Cùng với sự ra đời của Pella, một tầng lớp ưu tú mới xuất hiện. tất cả những con trai của các thủ lĩnh bộ tộc sống và học tập tại thành phố. Chỉ huy của nhóm này là con trai Alexander của Philip. Nhóm các nhà quý tộc trẻ lớn lên cùng với Alexander được biết dưới tên ‘Bạn đồng hành’ của ông. Họ trở thành một thế hệ mới vừa có giáo dục cao vừa có kỹ năng chiến đấu __ các nhà ưu tú chiến binh mới. Các thanh niên như Ptolemy và Hephaestion lớn lên và cùng chia sẻ với Alexander những chuyến phiêu lưu đầy kỳ tích.

Pella trở thành nam châm thu hút giới nghệ sỹ và trí thức, giống như các họa sỹ thời Phục hưng không ngừng tìm kiếm cơ hội và sự bảo trợ của triều đình nơi trả giá cao nhất cho các tài năng của họ. Một số làm trợ giảng cho các ‘Bạn đồng hành’.

Bản thân Philip thì không mấy quan tâm đến những vấn đề trí thức, nhưng ông cũng sẵn lòng bảo trợ họ vì ông nhận thấy rằng nếu Macedonia muốn trở thành một quyền lực quốc tế thực sự, thế hệ lãnh đạo mới của nó cần phải lịch lãm hơn. Đặc biệt, ông cậy triết gia Hy Lạp Aristotle huấn luyện con trai mình.

Nhà viết tiểu sử Hy Lạp là Plutarch viết về cuộc đời bi tráng của Alexander trong đó ông ghi lại một bức thư mà ông hoàng trẻ gởi cho thầy Aristotle. Alexander phàn nàn việc thầy mình đã viết một quyển sách bàn về những tư tưởng triết lý mà thầy đã từng dạy cho ông:

                Con sẽ có lợi thế gì hơn những người khác nếu những lý thuyết mà thầy đã dạy                 cho con được truyền dạy rộng rãi?

Triều đình ở Pella là nơi cho Alexander cơ hội học tập về mọi lãnh vực kiến thức Hy Lạp. Kết hợp với năng lực bẩm sinh và trải nghiệm chinh chiến trong những lần theo cha chinh phạt, ông trở thành một thanh niên uy dũng và tự tin đáng nễ phục.

Đảm Nhận việc Tề Gia: Thời Hưng Thịnh của Alexander Đại Đế

Sự vật vô thường, và trong năm 336 BC, đang khi ở đỉnh cao quyền lực, Philip bổng nhiên qua đời một cách đáng ngờ. Cái chết của ông đáng lẽ có thể là một dấu chấm hết cho một thời khắc huy hoàng của Macedonia; nhưng thật ra nó báo trước sự khởi đầu một thời kỳ thắng lợi càng vang dội hơn dưới tài lèo lái của con trai Alexander.

Ám sát Philip

Năm 377 BC Philip đã đón một phái đoàn Hy Lạp đến thương thuyết hòa bình. Phái đoàn phong tặng ông danh vị hegemon (‘nhà lãnh tụ thống soái’) của tất cả các quân đoàn Hy Lạp. Tước vị này về cơ bản cho Philip đặc quyền tấn công Ba Tư nhân danh lợi ích của toàn Hy Lạp __ lấy cớ giải phóng các thành phố Hy Lạp ở Tiểu Á. Từ lâu Philip từng ấp ủ tham vọng muốn thử sức mình với lực lượng hùng hậu của Đế chế Ba Tư.

Vào mùa hè năm 336, Philip đang ở tại Pella làm lễ cưới cho con gái mình thì bị một trong những cận vệ ám sát. Ngờ vực lập tức đổ lên đầu bà vợ ông Olympias vì gần đây bà bị đày ra lãnh cung sau khi ông cưới vợ lần hai. Kẻ ám hại đã bị Alexander giết chết trong cuộc vây bắt trước khi y bị thẩm vấn __ một sự kiện khiến nhiều người cho là hành động giết người bịt miệng. Cái chết của Philip chắc chắn có lợi cho Olympias vì con trai bà Alexander sẽ lên nối ngôi ở tuổi 20.

Tách bạch con người và huyền thoại

Alexander Đại Đế là một nhân vật lịch sử đầy mê hoặc. Ông ta đã làm nên những kỳ tích khó tin trong khoảng thời gian rất ngắn. Không ai trước đây và sau này có thể như ông. Vì thế không ngạc nhiên khi có quá nhiều huyền thoại và giai thoại được thêu dệt về ông. Những gì ông đã làm thì không có gì phải tranh cải, nhưng cách thức ông làm và con người thật của ông ra sao là điều luôn được bàn luận.

Khi còn nhỏ và trong suốt thời thanh niên Alexander luôn say mê tác phẩm Iliad  của Homer và những trang anh hào như Achilles có mặt trong đó. Alexander thường ví mình giống như họ và cho rằng mình thực sự là dòng dõi của Achilles. Mẹ ông còn tô vẽ thêm. Ngay từ thơ ấu Olympias thường bảo con mình là Philip thực sự không phải là cha ông mà cha ông chính là Zeus, vua các vị thần và nhiều nhà tiên tri đã báo trước ngày ra đời của ông.

Kết quả của việc nuôi dưỡng này đã tạo ra Alexander hơi khác lạ. Gia thế và thời niên thiếu của ông có thể lý giải phần lớn về cá tính ông __ đặc biệt tính dũng cãm và nỗ lực phi thường, và những quyết đoán kỳ lạ mà ông đưa ra sau này.

Theo bước chân cha

Khi nắm quyền lực, Alexander liền bắt đầu phác thảo kế hoạch mà cha ông ôm ấp __ xâm chiếm Tiểu Á và tấn công Đế quốc Ba Tư. Alexander có hai lợi thế rõ ràng:

  • Alexander có dưới trướng tất cả những vị tướng tài lớn tuổi của cha mình __ những người như Parmenion, Antipater, và Cleitus __ để phụ giúp và cố vấn. Alexander bỏ ra hàng giờ trước trận chiến để bàn thảo kế sách tác chiến với các tướng lãnh này.
  • Alexander cũng là chỉ huy của nhóm ưu tú các ‘Bạn đồng hành’, đã từng lớn lên và học tập với mình. Họ bây giờ kề vai sát cánh với Alexander trong chiến dịch.

Alexander, tuy vậy, cũng có việc cần giải quyết: Là một vì vua mới, các thành bang từng có mối hiềm khích với Macedonia có thể thừa cơ thử thách tài lãnh đạo mới. Trước khi Alexander lao mình vào cuộc phiêu lưu vĩ đại về hướng đông, ông cần giải quyết những việc gần nhà trước.

Dẹp yên Illyria và Thrace

Những vùng lãnh thổ đầu tiên có thể gây rắc rối cho ông là các vùng biên giới ở Illyria và Thrace. Đây là thời khắc căng thẳng vì không bên nào biết vị vua mới trẻ tuổi này kế tục sự nghiệp cha mình ra sao.

Alexander lập tức chứng tỏ những kẻ hoài nghi tài năng mình đã sai lầm. Trong ba tháng ông xâm chiếm Thrace và hoàn toàn tiêu diệt sự chống đối. Trong khi ông đang ở Thrace, có tin đến báo các bộ tộc Illyria đang áp sát biên giới Macedonia và chuẩn bị tấn công. Một lần nữa Alexander giải quyết cực kỳ tuyệt vời với một chiến dịch đầy khó khăn.

Sau hai lần thử lửa, Alexander những tưởng sẽ được nghỉ ngơi, nhưng không phải thế. Sau khi đã dứt điểm bọn Illyria, lại có tin báo Thebes đang nổi dậy.

Dập tắt cuộc nổi dậy Thebes

Sau khi đánh bại Thebes trong trận Chaeronea, Philip cắm một đạo quân Macedonia đồn trú tại Thebes để trông chừng người Thebes. Khi Alexander bận chinh phạt Illyria, có tin đồn loan truyền là ông đã bị tử trận. Tin đồn này đến từ đâu? Không có gì ngạc nhiên, chính lão già Demosthenes là tác giả, người đã đưa ra một nhân chứng thề rằng chính mắt đã thấy Alexander bị giết. Demosthenes không dừng lại ở đó; ông còn thúc giục Hy Lạp thừa cơ nổi dậy và còn viết thư cho Ba Tư kêu gọi giúp sức.

Các thành bang Hy Lạp cho đây là thời cơ lớn khi kẻ địch như rắn mất đầu. Ở Thebes hai sĩ quan Macedonia bị giết và đạo quân trú đóng bắt buộc phải lẫn trốn trong thành lũy.

Sự đáp trả của Alexander đối với cuộc nổi dậy của Thebes nhanh chóng và tàn khốc. Năm 355 BC, ông hành quân tức tốc về nam, vây hãm thành phố, và chiếm nó không mấy khó khăn. Tường thành của thành phố và nhiều dinh thự quan trọng đều bị đốt rụi. Quân của Alexander tàn sát hàng ngàn dân chúng và bán những người còn sống làm nô lệ. Thành phố Thebes từ thời điểm này trở đi không bao giờ trở lại thời huy hoàng xưa.

Tuy thế, Alexander cũng chừa lại một số công trình không cho tàn phá. Tất cả các đền thờ ở Thebes được để yên, cũng như nhà cửa của hậu duệ nhà thơ Pidar mà Alexander rất ngưỡng mộ. Những ngoại lệ minh họa cá tính phức tạp của Alexander: tàn bạo nhưng vẫn trân trọng văn chương và kiến trúc.

Sau khi thành toán Thebes, Alexander đi về nam. Dân Athens, đặc biệt Demosthenes hẳn sẽ rất lo lắng khi sắp sửa nhận lãnh sự trừng phạt như dân chúng Thebes. Một cuộc họp khẩn cấp ở ekklesia được tiến hành, và Athens bầu chọn cách gởi đi một sứ đoàn ca tụng Alexander về thắng lợi gần đây của ông ở phương bắc và cách hành xử đúng mực đối với Thebes của ông!

Lúc đầu, Alexander yêu cầu Demosthenes và đồng bọn phải nộp mình cho ông, nhưng Demosthenes, như thường lệ, khua môi để thoát khỏi tình thế. Athens không nhận sự trừng phạt nào thêm, nhưng Alexander cho người theo giám sát Athens chặt chẽ.      

Alexander phát đi một thông điệp cứng rắn cho thế giới cổ: Bất kỳ cuộc nổi dậy hoặc phản bội nào chống lại Macedonia đều sẽ bị trừng trị thẳng tay. Alexander cần bảo đảm là khi ông đem binh đánh Ba Tư hậu phương sẽ được bình yên.

Khoảng năm 335 BC, Alexander đã đưa được Hy Lạp trở về tình hình như khi vua cha còn sống. Ông được ghi nhận như là bá chủ của các thành phố Hy Lạp và vị tướng soái của quân đội Hy Lạp. Với biên cương được giữ vững, Alexander giờ đây rãnh tay để hoàn thành ước nguyện của cha mình __ xâm chiếm Đế chế Ba Tư.

Mặc dù dự tính (và nguyên cớ chính yếu) của Philip trong việc tấn công Ba Tư là giải phóng các thành bang Hy Lạp ở Tiểu Á, Alexander lại mang chiến dịch xa hơn nhiều đến tận Ấn độ rồi trở về. Câu chuyện không tiền khoáng hậu này sẽ được kể trong Chương 11.  

Chương 11

 Người Bất Khả Chiến Bại: Alexander Đại Đế

 

Trong Chương Này

  • Tấn công Đế chế Ba Tư
  • Điểm qua những trận đánh lớn: Grannicus, Issus, và Gaugamela
  • Du hành đến Ai cập, Babylon, và Ấn độ
  • Cái chết của Alexander Đại Đế

Theo sự tin tưởng của tôi vào những ngày đó không quốc gia nào, không thành phố nào, không riêng một cá nhân nào không biết đến tên Alexander; trong toàn thể thế giới không hề có người nào như ông, và do đó tôi không thể nào không cảm nhận được một sức mạnh siêu phàm có mặt khi người sinh ra.

   __ Arrian, Những chiến dịch của Alexander     

 

Arrian, một người Hy Lạp đã trở thành một tướng lãnh trong quân đội La mã vào thế kỷ thứ hai AD, đã viết những lời trên về thiên tài quân sự của Alexander trong tác phẩm của ông __ đến nay vẫn còn được lưu hành. Arrian là một người tỉnh táo, có suy nghỉ, không phát ngôn những lời hoa mỹ, vì thế việc đánh giá Alexander hoàn toàn có tính thuyết phục.

Thật ra, Alexander Đại Đế là một nhân vật phi thường __ có tầm nhìn, xuất sắc, tàn nhẫn, đầy hận thù, và chắc hẳn hơi điên một chút. Alexander chỉ mới 20 tuổi khi lên ngôi vua Macedonia. Khi ông qua đời, 12 năm sau, ông đã thay đổi bộ mặt Địa Trung Hải. Chương này vẽ lại hành trình phi thường của ông.

Ghé thăm Đế chế Ba Tư

Đế chế Ba Tư đã biến đổi nhiều sau 150 năm kể từ Chiến tranh Ba Tư (xem lại Chương 6). Vào năm 334 BC nhà vua cai trị rất lõng lẽo những vùng lãnh thổ bao la tạo nên đế chế, và những nhà cai trị địa phương hoặc satrap thực sự điều hành các khu vực của mình. Quyền kiểm soát trung ương đã phần nào nới lõng kể từ ngày Xerxes xâm chiếm vào năm 490 BC.

Trong thời trị vì của Alexander, vua xứ Ba Tư là Darius III, người đã chiếm lấy ngai vàng vào năm 335 BC sau khi đỡ đầu cho một cuộc mưu sát nhà vua tiền nhiệm. Dù là một vì vua yếu đuối, nhưng ông sở hữu một tài sản đồ sộ của đế chế và một nguồn nhân lực khổng lồ dưới tay.

Mặc dù hùng mạnh, quân đội Ba Tư vẫn có vấn đề. Về nhiều mặt, quân Ba Tư hoàn toàn đối nghịch với quân đội Macedonia thống nhất, dạn dày, và chuyên nghiệp. 

Ngoại trừ đội quân cận vệ của Darius, quân đội Ba Tư phân tán khắp đế chế và chỉ được tập họp khi cần đến. Nhiều đoàn quân không nói cùng một thứ tiếng. Trong nhiều trường hợp, họ có ít lý tưởng khi chiến đấu và về cơ bản bị bắt buộc phải đánh nhau.

Thêu dệt và Thực Tế:

Những Lý Do của cuộc Xâm Lăng

Vậy thì tại sao Alexander muốn xâm lăng Ba Tư? Lý do thực sự là muốn thỏa chí mạo hiểm, tham vọng chinh phục, và vinh quang, những điều cốt lõi trong toàn bộ cuộc đời ông. Ý tưởng xâm chiếm Tiểu Á trước tiên là của cha ông, Philip II, người khao khát tài sản mà những thành phố do Ba Tư đô hộ sở hữu.

Những nguyên nhân chính thức thì rất khác nhau. Người Macedonia đang tìm cách ‘giải phóng’ các thành phố Hy Lạp dưới quyền kiểm soát của Ba Tư và trả thù cuộc xâm chiếm Hy Lạp của người Ba Tư trong thế kỷ thứ năm BC.

Áp đảo Ba Tư tại trận đánh sông Granicus

Cuộc đương đầu thực sự đầu tiên của Alexander với quân Ba Tư là tại trận đánh tại sông Granicus vào năm 334 BC.

Quân Ba Tư đến giao chiến với Alexander tại Granicus được thành lập từ quân số đông đảo từ những vùng phía tây của Đế chế Ba Tư. Darius không có mặt tại trận đánh, những viên satrap phương tây chỉ huy quân Ba Tư. Quân Ba Tư cắm trại dưới chân đồi cạnh bờ sông Granicus, phía bên kia sông là doanh trại Alexander.

Alexander phải tung đội kỵ binh băng qua sông để tấn công kẻ địch, chọc thủng phòng tuyến Ba Tư. Phòng tuyến Ba Tư rối loạn tạo cơ hội cho bộ binh trang bị giáo sarissa cùng với binh chủng hypaspist cơ hội đánh vào trung tâm đội hình. Giao chiến điên cuồng, quân Macedonia bao vây bộ binh Ba Tư, những toán quân Ba Tư khác chạy thoát khỏi trận địa. Đó là một thắng lợi ngoạn mục phần lớn nhờ vào cuộc đột kích phi thường của kỵ binh Alexander.

Quân đội Ba Tư bại trận gồm một phần lớn lính đánh thuê người Hy Lạp. Alexander hành xử phũ phàng với họ. Hàng ngàn người bị giết và số còn lại được đưa về Macedonia trong gông cùm để làm việc khổ sai trong các hầm mỏ.

Trận đánh ở Issus

Sau trận sông Granicus, Alexander tiến về nam từ Tiểu Á vào bờ biển Levantine. Dải đất này bao gồm Syria và Đất Thiêng và nối miền Trung Đông gần đó với Ai cập như Hình 11 -1 chỉ rõ.

4

Hình 11-1: Đường tiến quân về nam của Alexander

Alexander và binh sĩ của ông đã hành quân một năm ròng. Đã giải phóng thành công nhiều thành phố Hy Lạp, Alexander quyết định gây sức ép vào khu trung tâm của Đế quốc Ba Tư và đánh bại vua Ba Tư Darius.

Tuy nhiên, vào năm 333 BC, Alexander đã đi quá xa về phương nam đến nổi giờ đây Darius xuất hiện về hướng bắc của đoàn quân Macedonia bên ngoài thị trấn Issus __ cắt ngang hành trình mà Alexander đã đi qua. Alexander phải chiến đấu để bảo vệ đường vận lương mà ông đã thiết lập trong các thị trấn và thành phố đã đi qua.

Trận địa là một đồng bằng giữa biển (ở về bên trái của Alexander) và vùng đồi núi (ở bên phải của ông). Quân số Ba Tư áp đảo quân số của Alexander, nhưng tinh thần quân Macedonia quyết chiến hơn.

Một trận đánh ác liệt xảy ra và quân Ba Tư lùi lại qua sông Pandarus. Bộ binh Macedonia đánh trả ra trò với quân Ba Tư đông đảo hơn trên một trận địa khó khăn. Trong một hành động điều binh quyết định, Alexander cho kỵ binh xông lên đồi rồi quẹo sang trái, xông thẳng vào đội hình chiến mã xa của Darius. Đây là một chiến thuật linh hoạt nhưng cũng rất nguy hiểm, điều mà Alexander ưa thích. Darius liền bỏ chạy __ và không lâu sau đó cả quân đoàn Ba Tư cũng tháo chạy.

Issus là một thắng lợi lớn lao cho Alexander nhưng không phải là hoàn toàn. Darius vẫn còn sống và Alexander hiểu rằng mình chắc chắn sẽ phải đương đầu với một quân số Ba Tư đông đảo hơn trong lần tới.     

Chinh phạt Tyre

Suốt năm 333 BC, Alexander tiếp tục hành quân nam tiến xuống bờ biển Levantine. Alexander có một khoảng thời gian phải mưu tính khi vây hãm thành phố cổ Tyre (xem Hình 11-1). Ở đây, dân chúng đã chạy vào trú ẩn trong thành lũy, nằm trên một hòn đảo cách bờ biển một cây số.

Alexander nghĩ cách đắp một đường đê ra đến tận đảo. Cuộc vây hãm mất gần bảy tháng công thành liên tục trên đảo trước khi nó thất thủ. Cuối cùng, chỉ một cuộc tấn công phối hợp bộ binh và thủy binh khắp bốn hướng trên đảo Alexander mới đánh bại được quân Tyre kiên cường đến khó tin. Hơn 30,000 công dân bị bán làm nô lệ như một cách trừng phạt. Cuối cùng, vào tháng bảy 332 BC, Alexander có thể rời khỏi đó.

Bất Ngờ Viếng Ai Cập

Cho rằng Darius còn trốn chạy và vì mất quá nhiều thời gian ở Tyre, Alexander bổng có một quyết định gây kinh ngạc __ ông tiến quân về hướng Ai cập.

Đi như người Ai cập

Vào thế kỷ thứ tư BC, Ai cập đã từ một đế quốc vĩ đại trong hàng thế kỷ giờ đã là một bộ phận của Đế chế Ba Tư. Là một nền văn minh cổ xưa nhất trong vùng Địa Trung Hải, Ai cập vẫn còn là một xứ sở bí ẩn đối với hầu hết người Hy Lạp __ và vì thế Alexander không thể nào cưỡng lại được. Alexander được chào đón nồng nhiệt khi đến thị trấn Pelusium của Ai cập vào năm 332 BC. Dân chúng Ai cập xem ông như một người đã giải phóng họ khỏi Darius. Để tỏ lòng biết ơn, họ tôn ông là một phara-ông mới của họ. Cho tới thời điểm này Ai cập đang nằm dưới sự đô hộ của viên satrap Ba Tư có tên Mazaces. Ông này đầu hàng ngay khi Alexander vừa đến nơi.

Là pha-ra-ông, tất cả dinh thự và tài sản dồi dào của Ai cập giờ đều ở trong tay Alexander. Ông làm một chuyến du hành trên sông Nile đến thăm kinh thành cổ Memphis.

Được phong thần

Sau khi trở về từ chuyến thăm Memphis, Alexander lại lên đường, băng qua sa mạch, đến ốc đảo Siwah cổ xưa. Chuyến đi rất vất vả __ ngay hiện giờ con đường này cũng gay go khó tin nếu bạn băng qua sa mạc theo cách Alexander đã làm. 

Lý do Alexander đi đến ốc đảo là để tham vấn đền sấm truyền nổi tiếng, và, theo tương truyền, để khám phá xem ông có phải là con của thần linh hay không. Chuyện kể rằng đền thiêng nhận diện ông là con trai của thần Ammon  Ai cập, có thể sánh ngang với thần Zeus của Hy Lạp. Tất nhiên, sự kiện này ăn khớp với những gì mẹ Olympias của ông từng kể với ông khi còn bé.

Những sự kiện ở ốc đảo Siwah là vấn đề gây tranh luận trong đầu óc người Hy Lạp, vì họ phân biệt rõ ràng giữa người và thần. Về sau điều này trở thành một vấn đề đối với Alexander và thần dân Macedonia của ông. Nhưng khái niệm Alexander là thần trong thân xác người phàm hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với người Ai cập và hệ thống tín điều của Ba Tư __ thật ra, vua chúa và nhà cai trị trong các nền văn hóa này đều được tôn thờ như những thần linh.

Thành lập Alexandria đầu tiên

Trong thời gian ở Ai cập, Alexander bỏ ra nhiều thời giờ tổ chức lại chính quyền và chỉ định những tùy tùng của ông vào các chức vị điều hành lãnh thổ mới này. Những nỗ lực này không có gì mới; ông vẫn làm vậy suốt cuộc viễn chinh từ Tiểu Á. Nhưng ở Ai cập ông bổng quyết định lập ra một thành phố mới.

Chọn một địa điểm ở cửa sông Nile, Alexander tuyên bố nơi này sẽ là thành phố mới của ông __ mang tên Alexandria. Ông biết rằng địa điểm này sẽ là một cảng sầm uất nối các lãnh thổ của mình ở phía đông với lãnh thổ ở phía tây.

Tự tay thiết kế thành phố, Alexander chọn người xây dựng và không bao giờ trở lại để thấy thành phố mình hoàn thành. Ông tiếp tục viễn chinh và tiếp tục thành lập nhiều Alexandria khác nữa trên hành trình của mình __ có thể đến 12 thành phố rải rác khắp Đế chế Ba Tư và xa đến tận Ấn độ. Chỉ có thành phố gốc được gọi tên Alexandria; còn các thành phố còn lại phải thêm tên khu vực mà chúng tọa lạc, chẳng hạn ‘Alexandria ở Caucuses’.

Săn lùng Darius

Alexander tiếp tục săn lùng Darius, và màn trình diễn cuối cùng lờ mờ hiện ra. Alexander đi về tây, và vào cuối tháng chín năm 331 BC, ông và quân đoàn (khoảng 40,000) tiến vào trung tâm Mesopotamia.

Bước vào trận đánh Gaugamela

Quân hai bên gặp nhau trên bình nguyên Gaugamela vào năm 331 BC. Darius đã mất hai năm từ sau trận Issus để xây dựng lại quân đội. Quân Ba Tư tiến vào chiến trường với quân số lên đến 100, 000 người và 15 voi trận.

Darius chọn địa điểm nghênh đón Alexander rất cẩn thận. Ông còn cho san bằng mặt đất để phát huy hiệu quả của chiến mã xa. Alexander tấn công bằng đội hình hình nêm, dự tính theo chiến thuật tương tự như ở Issus, sử dụng chiến thuật chọc thủng bằng kỵ binh. Ông và nhóm Bạn đồng hành phi ngựa đến cánh phải của mặt trận, bắt cánh trái của quân Ba Tư phải đuổii theo. Bất ngờ quay sang trái, quân Macedonia tấn công vào phòng tuyến Ba Tư yếu hơn, và sau một trận huyết chiến họ đột phá được.

Trong khi sự kiện này xảy ra, cánh trái quân Macedonia phải cầm cự một cách tuyệt vọng với quân số đông đảo của kẻ thù. Alexander dẫn quân lao về phía Darius, và có khi tiến gần đến nổi ông phóng một ngọn lao về phía Darius nhưng hụt.

Darius lại tẩu thoát dẫn  theo một toán cận vệ ít ỏi. Alexander không thể săn đuổi tiếp vì quân Ba Tư đã chọc thủng qua sườn trái của quân Macedonia, và Alexander cùng Bạn đồng hành phải quay về hổ trợ. Tuy nhiên, tin Darius đã bỏ chạy được lan truyền, quân đội Ba Tư liền vỡ trận.

Alexander đã giành được một thắng lợi vẻ vang với một quân số ít hơn. Nhưng Darius vẫn còn sống và như vậy việc chinh phạt của ông chưa hoàn tất. Sau đó ông dẫn quân tiến về nam đến thành phố Babylon.

Trong lúc đó, ở nhà . . .

Trong khi Alexander viễn chinh, nhiều việc xảy ra ở Hy Lạp và Macedonia. Alexander đã để lại tướng Antipater điều hành thay ông khi ông đi vắng. Antipater cũng bận bịu dẹp yên các cuộc nổi dậy từ các thành bang Hy Lạp. Trong đó, Sparta, dưới triều vua Agis, là thành bang gây rối ren nhiều nhất.

Tình hình lên đến đỉnh điểm trong trận Megalopolis vào năm 331 ở đó Antipater đè bẹp Sparta và các đồng minh của nó. Vua Agis chết ngay trên trận địa và đó là cuộc nổi dậy cuối cùng chống lại quyền đô hộ của Macedonia.

Tiến quân vào Babylon

Thắng trận đi kèm với cướp bóc. Sau khi Darius bị bại trận tại Gaugamela, và Alexander tự do tiến vào cướp bóc các thành phố lớn của Đế chế Ba Tư như Babylon, Susa, và Persepolis.

Alexander được chào đón ở Babylon như một hoàng đế Ba Tư mới và ngay lập tức vơ vét hết của cải, cung điện và, khỏi nói, hậu cung của Darius.

Sự giàu có và xa hoa của Babylon chắc hẳn đã làm quân Macedonia trố mắt. Đây là thành phố lớn nhất mà họ chưa bao giờ nhìn thấy. Plutarch mô tả phản ứng của Alexander trước sự giàu có của thành phố:

                Alexander ngắm nghía chiếc giường ngủ, bàn ăn và bữa tiệc dọn sẵn cho ông. Ông quay sang các bạn đồng hành của mình và đắc ý thốt lên, ‘Thế này mới là làm                 vua.’

Xua quân xa hơn về đông

Vào mùa hè năm 330 BC, Alexander phải đưa ra lựa chọn: Dừng chân ở Babylon và bằng lòng cai trị đế chế mới của mình từ thành phố lộng lẫy này hay đi xa hơn nữa? Không có gì ngạc nhiên khi ông chọn điều thứ hai. Lý do ông đưa ra là phải bắt cho được Darius vì một khi y còn sống, Alexander không thể là vua thực sự của Ba Tư.

Cuộc săn đuổi kết thúc mau lẹ và bất ngờ. Darius đã bị một vài người dưới quyền giết chết nhưng Alexander không hề biết cho đến khi thám báo của ông tìm thấy thi thể của nhà vua Ba Tư nằm trong chiếc xe bò. Ba năm sau đó  Alexander lùng xục khắp các vùng núi non Bactria và Sogdiana ở miền đông bắc Đế chế Ba Tư dẹp yên tất cả bộ tộc mà ông chạm trán. Trận chiến loại này khá vất vả vì không thuộc sở trường của Alexander, khi phải chống lại kẻ thù di chuyển lẩn khuất trong cuộc chiến tranh du kích ở một trận địa núi rừng.

Alexander trải qua một khó khăn khác trong thời gian này. Bây giờ là vua Ba Tư, ông bắt đầu làm quen một vài tập quán Ba Tư mà các đồng chí Macedonia của ông khó chấp nhận.

Chẳng hạn, Alexander bắt đầu mặc quần dài và phải trang điểm __ hai tập quán này đều kỳ lạ với người Macedonia. Nhưng tập quán gây cho ông phiền toái nhất là prokynesis. Đây là lối hành lễ nằm áp xấp xuống đất của người Ba Tư khi diện kiến với nhà vua của mình. Mặc dù Alexander không yêu cầu phủ phục như thế, các vị tướng già từng chiến đấu với Philip II đều thấy lối hành lễ này khó chấp nhận được.

Trại quân Macedonia càng thêm nặng nề khi hai Bạn đồng hành nổi tiếng __ Parmenion và Cleitus bị giết chết. Parmenion bị xử chết theo lệnh của Alexander sau khi phát hiện một âm mưu được cho là do con trai Philotas của Parmenion cầm đầu. Còn Alexander giết chết Cleitus trong một cơn say sau một trận cãi vã về prokynesis.

Tình đồng chí từng là sức mạnh sống còn của quân đội và văn hóa Macedonia, giờ đã bắt đầu rạn nứt.

Lấy một hoàng hậu mới

Alexander lại có một quyết định gây ngạc nhiên khác vào năm 327 BC. Sau khi đánh bại Oxyartes,  thủ lĩnh bộ tộc ở Sogdiana, Alexander cưới con gái của ông ta tên Roxanne.

Hoạt động tình dục của Alexander tiếp tục gây kinh ngạc cho đến ngày nay. Theo thuật ngữ hiện đại ông chắc hẳn lưỡng tính. Mối liên hệ của Alexander với bạn đồng hành Hephaestion chắc hẳn có tính tình dục, và một số nhà viết tiểu sử của ông như Plutarch cho rằng ông cũng yêu một hoạn quan người Ba Tư tên là Bagoas.

Alexander chắc chắn cũng mê những phụ nữ quyến rũ, nhưng hình như việc ông cưới Roxanne là vì ông cảm thấy đó là thời điểm để ông có một người  thừa kế cho đế chế mới của mình.

Alexander lấy người vợ thứ hai, Statira, con gái của Darius, khi ông trở lại Babylon vào năm 324 BC.

Tìm đường đến Ấn độ

Năm 327 BC, Alexander đi xa hơn bất cứ người Hy Lạp nào trước đây __ xuyên qua Hindu Kush và vào đất nước Ấn độ. Khi làm vậy, ông đi theo bước chân của những nhân vật huyền thoại Heracles và Dionysus được cho là đã đi đến đó. Alexander đã đi về phía mà người thời đó kể cả ông tin là nơi tận cùng của thế giới.

Vào Ấn độ, Alexander tiếp tục đến sông Hydaspes (giờ là Jhelum) vào năm 326 BC. Tại đây ông giao chiến trong một trận đánh dữ dội và khó khăn trước ông vua địa phương tên là Porus, lần đầu tiên quân ông đụng độ kiểu chiến tranh rừng rậm.

Cả hai bên đều thiệt hại nặng. (Đàn voi sợ hãi, chạy tán loạn, dẫm đạp lên binh lính của Porus.) Nhưng Alexander rất ấn tượng với tinh thần chiến đấu dũng cảm của Porus, nên sau đó, ông phong Porus làm tổng trấn tỉnh lỵ mới ở Ấn độ.

Đành phải quay về nhà

Alexander dự định tiến xa hơn băng qua sa mạc Ấn, về hướng sông Ganges và từ đó đến rìa của thế giới. Nhưng ông gặp khó khăn khi các binh lính không muốn đi xa hơn nữa.

Vào năm 325 BC, Alexander đã trải qua gần mười năm viễn chinh, và nhiều binh sĩ trong bộ binh của ông đã từng chiến đấu dưới thời Philip II nhiều năm trước đó nữa. Họ đã là những người lính già, mệt mõi trong chiến trận, và chỉ muốn vể nhà. Alexander đành miễn cưỡng chấp nhận lời yêu cầu của họ.

Hành trình về nhà gian nan đến khó tin. Alexander phái một đạo quân trở lại Ba Tư dọc theo lộ trình mà vài năm trước họ đã đi qua. Ông cũng sử dụng một số lượng lớn gỗ để xây dựng một đội thuyền mới. Nhờ đó ông đi dọc sông Indus đến tận cửa sông vào Ấn độ dương. Đối với Alexander, đây là rìa phía nam của thế giới.

Alexander sau đó dẫn phần còn lại của quân đoàn băng qua sa mạc Gedrosian. Đây là một hành trình khủng khiếp dưới cái nóng kinh người và thiếu thốn lương thực. Hàng ngàn người và tất cả ngựa thồ đều chết trước khi đến được chỗ gặp lại đội thuyền, bên dưới Nearchus, trên Vịnh Ba Tư.

Trở lại Babylon và Trị Vì Đế Quốc

Trên đường trở lại Babylon vào năm 324 BC, Alexander bố trí việc cai trị đế chế mà ông đã thành lập. Bây giờ ông đã là người trị vì của Macedonia, Ai cập, tất cả lãnh thổ trong Đế chế Ba Tư, và Tây Ấn, và ông cũng là tư lệnh của toàn Hy Lạp.

Tất nhiên, một vùng đất bao la như thế hầu như không thể quản lý được. Tin tức đều đặn báo về triều đình trình tâu về những hành vi tham nhũng của các tổng trấn mà ông đã chỉ định cũng như tin báo về các cuộc nổi dậy của các bộ tộc ở Bactria và Sogdiana.

Tạo ra một chủng tộc thượng đẳng

Alexander hình như biết rõ việc cai trị một đế chế quá rộng lớn sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Có thời gian ông sung vào quân ngũ của mình những thanh niên Ba Tư trẻ và huấn luyện họ để mai này thay thể một số quân nhân thời cha ông sắp hồi hưu. Sau khi trở lại Babylon, ông đưa chương trình huấn luyện này lên một mức cao hơn.  

Những thành phố khác nhau mà Alexander đã thành lập từ Ai cập đến Ấn độ giờ đây đã đông đúc những sắc dân châu Âu (Hy Lạp/Macedponia) và Á châu (Ai cập/Ba Tư/Ấn). Alexander quyết định thử pha trộn các đặc tính châu Á vào chủng tộc Hy Lạp và Macedonia.

Để thực hiện chương trình này, ông sắp xếp những cuộc hôn nhân giữa hầu hết các sĩ quan chỉ huy của Macedonia với các cô dâu Ba Tư thuộc dòng dõi quý tộc. Chính ông cũng lấy Statira, con gái của vua Darius III. Theo gương Alexander, có đến 10,000 binh lính Macedonia lấy vợ Ba Tư.

Alexander cũng tuyển mộ gần 30,000 chàng trai trẻ Ba Tư khi ông thăm Babylon vào năm 331 BC. Các thanh niên này đã trải qua sáu năm được huấn luyện và học tập trong thời gian  Alexander đi khỏi theo cung cách mà ông và nhóm Bạn đồng hành đã trải qua và giờ đây họ đã sẵn sàng lên đường đi chinh phạt.

Các tư liệu lịch sử cho biết Alexander dự trù những chiến dịch đến Ả Rập (về phía nam) và có thể đến miền tây Địa Trung Hải. Những thanh niên này sẽ là quân đoàn mới của ông.

Cái chết của một vị thần

Mặc dù tiệc tùng liên miên và say sưa dự trù những kế hoạch mới, Alexander không thấy sung sướng khi ở tại Babylon. Ông không ngừng phải giải quyết những xung đột và những cuộc nổi dậy trong đế quốc và những quân nhân Macedonia trung thành của ông không hài lòng với đội quân Ba Tư vừa tuyển mộ. Cái chết của Hephaestion vào đầu năm 323 BC khiến ông rất buồn khổ. Ông tổ chứa một đám tang trọng thể và cho xây dựng một hỏa đài cao 30 mét.

Vào tháng sáu 323 BC, Alexander chuẩn bị khởi hành đi chinh phạt Ả Rập, khi, tiếp theo sau một bữa tiệc vinh danh một trong những Bạn đồng hành của ông là Nearchus, ông nhuốm bệnh. Ông chiến đấu chống lại cơn sốt cao suốt một tuần dài trước khi nằm liệt giường. cuối cùng, vào ngày 13/6/323 BC, Alexander qua đời, thọ 32 tuổi.

Cuộc đời hoạt động của Alexander đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới sau khi ông ra đi:

  • Các quyền lực truyền thống của Athens, Sparta, Thebes, và ngay cả Đế quốc Ba Tư đã mất đi quyền thống trị.
  • Các lục địa của Âu châu và Á châu xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Các rào cản xưa cũ giữ thế giới Hy Lạp và Đế quốc Ba Tư thực sự không bao giờ tồn tại lần nữa.
  • Thế giới Địa Trung Hải giờ rơi vào trong tay các tướng lãnh trước kia của Alexander trong cuộc tranh giành quyền lực. Chương 12 sẽ bàn về Thế giới Hậu Hy Lạp này.
  • Hầu hết những nhà độc tài khác sau này, từ Julius Cesar tới Napoleon, đều coi Alexander là kiểu mẫu của họ.

Đọc thêm: Chết __ hay bị mưu sát

Cái chết của Alexander __ sau khi bị sốt hành hạ, rồi chết __ không phải là điều bất thường. Bạn Hephaestion của ông cũng chết tương tự như thế, chỉ vài tuần trước ông. Vậy mà vẫn dai dẳng những tin đồn cho rằng ông bị mưu sát, và trên các sách mới xuất bản gần đây cũng đưa ra ý kiến như vậy. Những sách này chỉ ra những bất mãn của dân Macedonia khi thấy hoàng đế của mình chạy theo cung cách ăn mặc của Ba Tư, và quân lính thì không muốn ra chiến trường nữa khi mà họ đang sống phủ phê ở Babylon.

Những sách khác thì lập luận rằng   Alexander đã từng bị thương nặng nơi ngực trong những trận đánh cuối cùng của ông ở Ấn độ. Những di chứng của vết thương này cộng thêm chuyến đi gian khổ băng qua sa mạc Gedrosia rồi quay về, đã đánh quỵ ông.

Một cuộc đời đầy ắp những huyền thoại, những chuyến phiêu lưu, và những kỳ công xuất thế cũng nên kết thúc bằng những tình tiết bí ẩn. Còn riêng tôi, tôi cũng không kết luận được Alexander chết vì bệnh hoặc vì bị mưu sát. Bạn thì sao?  

5

          Bức tranh mosaic vẽ vào đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên, trong thời Đế chế La mã, mô tả Alexander trong trận chiến Issus với vua Ba Tư Darius III.

Chương 12

 Chuyện Gì Xảy Ra Tiếp Theo?

Trong Chương Này

  • Tranh giành quyền lực sau khi Alexander Đại Đế băng hà
  • Tình trạng xâu xé giữa các vương quốc thuộc Hy Lạp
  • Giao chiến với Đế chế La mã
  • Để lại một di sản lâu dài

 

Hy Lạp cổ đại không bao giờ trở lại như xưa sau cái chết của Alexander Đại Đế. Thật ra, các sử gia gọi thời gian trong cuộc đời của Alexander (356 đến 323 BC) cho đến năm 150 BC là thời kỳ thuộc Hy Lạp (Hellenistic period: thời kỳ  Hy Lạp hóa) vì ảnh hưởng Hy Lạp quanh vùng Địa Trung Hải lan rộng ra theo bước chân viễn chinh của Alexander và những cuộc di dân tiếp theo. Nổi bật là những thành phố khác nhau có tên Alexandria mà Alexander thành lập đã đưa Hy Lạp thành vị trí quyền lực khắp vùng Địa Trung Hải và xa hơn nữa. Nhưng ưu thế này không bền lâu, vì chỉ trong vòng 150 năm thế giới Hy Lạp thực sự hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát  của Đế chế La mã .

Dù vậy thời kỳ thuộc Hy Lạp đầy dẫy những con người và biến cố đáng được chúng ta soi xét.

Những Người Kế Nghiệp Alexander

Alexander Đại Đế tài giỏi về nhiều mặt, nhưng lơ là về những kế hoạch cho tương lai. Có lẽ vì không ngờ mình chết quá trẻ, ông chưa ấn định rõ ràng ai sẽ là người kế vị mình.

Tình hình rất là phức tạp:

  • Alexander để lại ít nhất một đứa con trong cuộc hôn nhân với Roxanne, và mẹ Olympias của ông vẫn còn sống __ nhưng các phụ nữ này không ai có đủ uy tín đảm nhiệm đế chế vì quân đội không tâm phục họ.
  • Con trai của Alexander và Roxanne mang tên Alexander IV ra đời ngay sau khi Alexander mất.
  • Alexander cũng còn một em cùng cha khác mẹ ở Babylon, được biết dưới tên Philip III. Nhưng người em vô phúc này bị thiểu năng trí tuệ trầm trọng, và hành xử như một đứa trẻ.

Chia năm xẻ bảy

Vì không có họ hàng thân cận có khả năng trị vì đế chế rộng lớn, một nhiếp chính được chọn, theo đúng truyền thống của Macedonia. Tướng Perdiccaa (một trong nhóm Bạn đồng hành của Alexander) lãnh nhiện vụ này và các tướng lãnh còn lại của Alexander chia chác đế quốc với nhau.

Chẳng bao lâu, Perdiccas bị mưu sát cùng với một vài tướng lãnh khác. Cuối cùng đế quốc được chia thành năm vùng do năm tướng cai trị:

  • Tiểu Á: Antigonus
  • Ai cập: Ptolemy
  • Vùng lãnh thổ phía đông: Seleucus
  • Macedonia và Hy Lạp: Antipater
  • Thrace: Lysimachus

Mặc dù những lãnh thổ này sang tay đều đặn trong thế kỷ sau, chúng được mang tên là các vương quốc thuộc Hy Lạp.

Lại nổi dậy ở phía nam Hy Lạp

Đây đúng là một tin sốc: Ngay sau khi Alexander băng hà, các thành phố nam Hy Lạp vùng dậy chống lại Macedonia. Athens cũng gia nhập phe nổi dậy, và phong trào lúc đầu gặp hái được thắng lợi.

Vào cuối năm 323 BC, Antipater, vị tướng Macedonia đang trị vì vùng đó, đem quân về nam đối đầu với các đồng minh Hy Lạp. Lúc đầu ông bị đánh bật trở lại và bị vây hảm tại thị trấn Lamia. Tuy nhiên, vào hè 322 BC, viện binh Macedonia đến nơi, và Antipater có thể đánh thắng quân Hy Lạp trong trận chiến gần thị trấn Krannon. Thắng lợi của quân Macedonia không hoàn toàn nhưng đủ để các đồng minh Hy Lạp đang chia rẽ ngồi vào bàn thương lượng.

Kết thúc nền dân chủ ở Athens (322 BC)

Như đã nói ở trên, do các đồng minh Hy Lạp chia rẽ, nên Antipater thương lượng hòa bình với từng thành bang. Theo đó, thành bang Athens phải chịu sự giám sát của một đội quân Macedonia đồn trú, theo dõi chính quyền mới được những nhà quý tộc Athens do người Macedonia chọn ra cai trị.

Kết quả là nền dân chủ ở Athens thực sự cáo chung. Sau gần 200 năm chế độ dân chủ __ một trong những thành tựu vĩ đại nhất của cổ Hy Lạp __ đã kết thúc, cùng với quyền lực quân sự hùng mạnh của mình.

Đấu Đá giữa các Vương Quốc thuộc Hy Lạp

 Sau cú nốc ao Athens, các vương quốc thuộc Hy Lạp vừa mới thành lập (xem Hình 12-1) trải qua khoảng 170 năm đấu đá nhau để bành trướnng lãnh thổ. Tuy nhiên không có biến đổi nhiều vì vùng này vừa chiếm được thì thường không sớm thì muộn cũng bị chiếm lại sau đó.

Những vương quốc này đều hùng mạnh ngang nhau, nhưng không ai vượt trội để thống trị kẻ khác. Trong suốt thế kỷ thứ ba BC các con trai các tướng lãnh của Alexander chiến đấu với nhau trên khắp vùng Địa Trung Hải để giành giựt đất đai. Tình hình không khác gì các thành bang Hy Lạp một thế kỷ trước.

6

Hình 12-1

Các người trị vị vương quốc thuộc Hy Lạp lập ra các triều đại cha truyền con nối, đặc biệt nhất là triều đại Ptolemy ở Ai cập nơi con cháu của tướng Ptolemy trị vì Ai cập cho đến khi Cleopatra cùng với Mark Antony bị đánh bại trong trận Actium năm 31 BC.

Một trong những người kế vị thú vị nhất của Alexander là Demetrius, con trai của Antigonus cai trị vùng Tiểu Á. Ông được gán cho biệt danh là ‘Người Vây Hãm’, mặc dù hình như ông bỏ nhiều thì giờ để ăn nhậu nhiều hơn.

Năm 304 BC, Demetrius vây hãm đảo Rhodes để mở rộng lãnh thổ của mình. Chiến thuật chủ yếu của ông là dựng một tháp bao vây khổng lồ có tên là Helepolis. Bộ máy này cao 43 mét và gồm chín tầng. Mỗi tầng chứa những máy bắn đá và các máy móc khác do hàng trăm người vận hành. Helepolis được bảo vệ bằng những miếng sắt bao bọc ba phía. Cân nặng khoảng 150 tấn, nó cần hơn 3,000 lính kéo đi.

Ấn tượng quá chứ hả? Có điều là nó không hoạt động được. Các công dân đảo Rhodes kháng cự cuộc vây hãm, và Demetrius buộc lòng phải bỏ lại Helepolis và các máy móc khác khi dong buồm về nhà. Nhân dân đảo Rhodes ăn mừng bằng cách nấu chảy Helepolis và sử dụng để xây dựng bức tượng khổng lồ nổi tiếng có tên là Colossus of Rhodes, một trong Bảy Kỳ Quan của Thế Giới.

Các hành động của Demetrius là một minh họa tốt cho ta hình dung thời kỳ thuộc Hy Lạp ra sao. Demetrius không có lý do nào để phải xâm chiếm đảo Rhodes khác hơn là bành trướng lãnh thổ. Các hiệp ước hòa bình trở nên vô nghĩa khi các thời đại tiếp theo phá vỡ chúng và lao vào đánh nhau.

Cuộc Phô Diễn Ngoạn Mục: Alexandria

Trong tất cả các vương quốc đấu đá nhau, triều đại Ptolemy ở Ai cập tương đối yên ổn, và thành phố mới Alexandria nhờ thế trở nên phồn thịnh.

Lúc đầu Alexandria được chọn làm địa điểm thu hút lợi lộc từ các cuộc giao thương khắp miền Địa Trung Hải, và Ai cập giàu sự nhờ những vùng đất màu mỡ quanh sông Nile.

Sự thành lập Alexandria là điều khác thường vì nó được xây dựng từ số không cho đến một dự án được thiết kế bài bản gồm những tòa nhà công cộng chủ yếu. Một số tiền khổng lồ được đổ vào để xây dựng các bến cảng và ngọn hải đăng vươn cao chế ngự chân trời.

Một trong những tòa nhà công cộng nổi tiếng nhất ở Alexandria là thư viện. Thư viện thực sự là một phần của bảo tàng Alexandria. Đối với người Hy Lạp cổ đại, bảo tàng là ’đền thờ các thi thần’. (Thi thần là các nữ thần thơ ca nhạc họa của Hy Lạp; xem Chương 20 để biết thêm chi tiết.)

Thư viện Alexandria do Ptolemy xây dựng và phát triển trong suốt triều đại Ptolemy. Nó trở thành trung tâm học thuật mới trong vùng Địa Trung Hải, thay thế vai trò của Athens. Các học giả từ mọi nơi trên thế giới đổ về đây để làm việc và học tập. Các sử gia cho rằng vào thời điểm đỉnh cao thư viện tàng trữ đến 500,000 cuộn tư liệu, phân loại hầu như toàn bộ kiến thức viết bằng tiếng Hy Lạp vào thời kỳ đó.

Thư viện phát triển trong suốt thời kỳ thuộc Hy Lạp và xa hơn nữa cho đến khi bị hỏa hoạn vào năm 47 BC khi Julius Cesar vây hãm thành phố. Vài hoàng đế La mã sau đó bỏ nhiều tiền sửa sang thư viện và cố gắng phục hồi kho lưu trữ bị thiêu rụi, nhưng cuối cùng có lẽ nó bị phá hủy trong thời kỳ Byzantine khi hoàng đế Theodosius ra lệnh phá hủy tất cả đền thờ ngoại giáo vào 39 AD.

Viện bảo tàng và thư viện không chỉ gìn giữ thư tịch cổ mà còn những phát hiện mới. Thời kỳ Hy Lạp hóa cho thấy những bước đột phá trong khoa học (xem Chương 26) và một phong cách hiện thực hơn, mới mẻ hơn trong nghệ thuật và điêu khắc (Chương 18). Cộng đồng mới này cũng chứng kiến những phát triển vượt bực trong văn học và thi ca do những tác giả như Apollonius ở Rhodes và Theocritus sáng tạo ra.

Một trong những phát triển mới mẻ và lớn lao ở Alexandria là bản chất đa quốc gia của dân cư. Giai cấp cai trị mới của Alexandria là Hy Lạp và Macedonia, nhưng nhiều rất nhiều sắc dân khác đến đây sinh sống.

Về phương diện này, Alexandria hơi khác những thành phố lớn khác trong thế giới Hy Lạp. Chẳng hạn, ở Athens và Sparta, tính công dân và quyền cư trú được quy định nghiêm nhặt. Alexandria,  giống thành phố La mã sau này hơn, là một kinh thành trù phú có tính quốc tế nơi nhiều dân tộc từ các vùng xa xôi đến để sống và làm việc.

Sự kết thúc của Hy Lạp Cổ Đại

Ảnh hưởng Hy Lạp trên vùng Địa Trung Hải trong thời kỳ thuộc Hy Lạp chưa bao giờ mạnh hơn. Mỉa may thay, đây cũng chính là thời kỳ mà thế giới Hy Lạp mất đi sự độc lập của nó và bị nuốt chửng bởi Đế chế La mã.

Gặp gỡ người La mã

Đế chế La mã là người kế nghiệp thế giới Hy Lạp và kéo dài khoảng 650 năm. Bản thân người La mã xuất thân từ nguyên quán là một thị trấn ở Umbria mà, theo truyền thuyết, trước đây là nơi dung thân của bọn tội phạm và bọn nô lệ trốn chạy. Vào thế kỷ thứ ba BC người La Mã đã chinh phục toàn thể Ý và gây chiến với nền văn minh Carthage hùng mạnh đặt căn cứ tại Carthage ở bắc Phi.

Mặc dù sự hưng thịnh của La Mã tiếp tục trong vùng tây Địa Trung Hải, thế giới Hy Lạp cảm nhận được sự chấn động khi La Mã xâm chiếm Sicily vào năm 241 BC. Chẳng bao lâu sau đó, người La Mã bắt đầu quay mắt về hướng đông.

Gây rối người La mã: Pyrrhus ở Epirus

Một trong những giao tiếp đầu tiên giữa Hy Lạp và La Mã xảy ra vào đầu thế kỷ thứ ba BC. Người La Mã lúc ấy bắt đầu mở rộng sự quan tâm của họ  đến Tarentum ở nam Ý và dân chúng nơi này cầu cứu.

Lời kêu gọi được Pyrrhus, một nhà quý tộc gốc ở Epirus, đáp trả. Pyrrhus là người đồng cai trị Macedonia sau khi đánh đuổi Demetrius __ đã nói trong mục trước. Nhưng sau đó Pyrrhus đã bị người đồng cai trị là Lysimachus loại ra.

Là một nhà phiêu lưu quân sự, Pyrrhus thử tìm vận may của mình ở phương tây, và thế là ông đổ bộ vào Tarentum vào 282 BC. Ông dẫn theo một đạo quân đông đảo, gồm bộ binh Macedonia truyền thống với giáo dài sarissas và khoảng 30 thớt voi. Trong suốt ba năm, ông mở một loạt chiến dịch chống lại quân La Mã,  đánh bại nặng nề đối thủ trong một số trận.

Vấn đề mà Pyrrhus phải đương đầu là sau mỗi lần ông ta thắng lợi, quân tăng viện La Mã trở lại với lực lượng mạnh hơn, trong khi lực lượng của ông càng ngày càng hao hụt. Dù thắng nhiều trận, nhưng cuối cùng Pyrrhus thảm bại, bỏ trận địa về chiến đấu tại Sicily vào năm 278 BC.

Văn hóa đối nghịch: Trận Cynoscephalae

Năm 197 BC, vua Macedonia là Philip V (không có bà con gì với Philip II) giao chiến với với quân La Mã. Philip là một người cơ hội, đã trải qua nhiều năm chinh chiến nhỏ chống lại các đối thủ thuộc Hy Lạp của mình. Tuy nhiên, vào năm 197 BC, Philip cắn phải một miếng to quá sức không thể nuốt được.

Trong Chiến Tranh Trừng Phạt Thứ Hai giữa La Mã và Carthage (218 đến 201 BC), Philip ủng hộ quân Carthage do đó trở thành kẻ thù của La Mã.

Người La Mã dùng tình bạn của mình với Ai cập triều Ptolemy như một lý do để tấn công vì Philip mới đây đã giúp vua xứ Seleucid là Antiochus chống lại họ. Quân La Mã dong buồm vượt Biển Andriatic và chạm trán với lực lượng của Philip tại Cynoscephalae ở Thessaly.

Trận chiến là cuộc đọ sức thực sự giữa các chiến thuật quân sự với quân đoàn lê dương La Mã cơ động và trang bị nhẹ chống lại đội hình phalanx Macedonia truyền thống đáng gườm. Họ bao vây đội hình phalanx chậm chạp của Macedonia, và khi quân Macedonia dơ cao ngọn giáo, một dấu hiệu đầu hàng, quân La Mã không hiểu ý, tiếp tục hạ gục họ. Quân Philip bị tiêu diệt, và các đồng minh của ông chạy dài.

Trở thành một tỉnh lỵ La mã

Do phải hành quân nơi khác nên quân La Mã không thể kết thúc cuộc chiến với Philip V, nhưng vào năm 168 BC, họ đánh bại quân Macedonia một lần nữa ở Pydna. Lần này không có đường trở lại.

Lực lượng La Mã chia xứ Macedonia thành bốn khu bộ tộc khác nhau và đặt một quan La Mã cai trị mỗi khu. Sau những rắc rối xảy ra sau đó, các khu bộ tộc cuối cùng bị bãi bỏ vào năm 146 BC. Đất nước sản sinh ra Philip II và Alexander Đại Đế đã biến thành một tỉnh lỵ của La mã.

Nói chung, người La Mã đồng ý cho người Hy Lạp cai trị các thành phố của mình. Tổng trấn La Mã ở Macedonia chỉ giám sát công việc và các thành phố Hy Lạp quá bận rộn cãi cọ nhau đến nổi không buồn đến việc nổi dậy chống người La Mã.

Tiếng hoan hô cuối cùng dành cho người Hy Lạp

Theo sau sự xáp nhập Macedonia vào La Mã vào 146 BC, một số thành phố Hy Lạp lập thành một liên minh có tên Liên minh Achaia, nổi lên chống lại La Mã. Tất nhiên, nỗ lực của họ là vô ích. Đội quân nhỏ mà liên minh quy tụ được không thể đương đầu được với đạo quân La Mã thiện chiến. Liên minh bị đánh bại dễ dàng và thành phố Corinth sau đó bị tàn phá.

Sau cuộc nổi dậy, La Mã càng xiết chặt quản lý thành phố Hy Lạp sát hơn nữa từ Macedonia, và trong một số thành phố có mặt các đạo quân trú đóng La Mã. Cuối cùng, vào năm 46 BC một phần lớn miền nam Hy Lạp đã biến thành tỉnh lỵ Acahia của La Mã. Hy Lạp cổ đại không bao giờ được thực sự tự trị một lần nữa.

Tiếp tục sống: La mã và xa hơn nữa

Mặc dù người Hy Lạp như một thực thể quyền lực không còn tồn tại vào năm 46 BC, văn minh Hy Lạp vẫn phát triển hàng trăm năm sau. La Mã và những nền văn minh theo sau đó đã tiếp thu nhiều yếu tố của lối sống Hy Lạp:

  • Các vị thần La Mã tương tự với các vị thần Hy Lạp, mặc dù mang tên khác nhau.
  • Nghệ thuật, kiến trúc, văn chương, triết lý, và tất cả dáng vẻ khác của xã hội Hy Lạp đều được gắn kết vào đời sống La Mã và Byzantine, và rồi sau đó được phát hiện lại và khôi phục vào châu Âu trong thời Phục hưng.

Cho đến hôm nay bạn còn đang đọc một quyển sách về người Hy Lạp cổ đại. Vì thế Hy Lạp thực sự không hề mất đi; chúng chỉ không còn tồn tại tại xứ Hy Lạp! 

Bình luận về bài viết này