Jerusalem: Những thăng trầm lịch sử – Phần 8

PHẦN 7: OTTOMAN

216_10

Simon Sebag Montefiore

 Trần Quang Nghĩa dịch

Jerusalem cao quí này đã từng là đối tượng khao khát của các ông vua ở mọi quốc gia, nhất là người Cơ đốc mà, kể từ khi Jesus ra đời trong thành phố này, đã luôn gây ra mọi cuộc chiến vì Jerusalem. . . Jerusalem là nơi cầu nguyện của các bộ tộc djinn (những sinh thể siêu nhiên trong thần thoại Ả Rập và sau này là thần thoại và thần học Hồi giáo: ND) Nó chứa các điện thờ của 124,000 tiên tri.

Evliya Celebi, Sách về các Chuyến Đi

Suleiman thấy được Đấng Tiên Tri trong giấc mơ của mình: ‘Hỡi Suleiman, ngươi phải làm đẹp Vòm Đá và xây dựng lại Jerusalem.’

Evliya Celebi, Sách về các Chuyến Đi

Phần thưởng lớn được các giáo phái tranh nhau  là Mộ Thánh, một đặc quyền được tranh giành với quá nhiều cuồng nộ và  hận thù đến nỗi đôi khi họ phải dùng đến đấu đá gây thương tích, ngay trước cửa Mộ Thánh, máu của họ hòa lẫn với máu của các ‘vật hiến tế’ của họ.

Henry Maundrell, Lữ Hành

Thế là buồn bã chúng ta ra đi trong thế giới tao loạn này. Để gặp lại nhau trong niềm hân hoan tại Jerusalem ngọt ngào

William Shakespeare, Henry VI, Phần Ba

Thay vì đi quanh các thánh địa chúng ta có thể dừng lại suy nghĩ, quan sát trái tim mình, và đến thăm miền đất hứa đúng nghĩa.

Martin Luther, Nói Chuyện Quanh Bàn

Chúng ta có thể thấy rằng Thượng Đế của Israel ở giữa chúng ta. . . vì chúng ta phải nhận định rằng chúng ta sẽ như một Thành phố trên một ngọn Đồi, cặp mắt mọi người đang nhìn vào chúng ta.

John Winthrop, Một Khuôn Mẫu của Lòng Từ Thiện Cơ Đốc

CHƯƠNG 31: SỰ HOÀNH TRÁNG CỦA   SULEIMAN (1517–1550)

 

SOLOMON THỨ HAI VÀ NÀNG  ROXELANA CỦA ÔNG

Vào ngày 24/8/1516, vị sultan Ottoman, Selim the Grim, đánh đuổi quân Mamluk cách Aleppo không xa, một trận đánh quyết định vận mệnh của Jerusalem: hầu hết vùng Trung Đông sẽ thuộc triều đại Ottoman trong bốn thế kỷ sau. Vào ngày 20/3/1517, Selim đến chiếm Jerusalem. Pháp quan trao ông chùm chìa khóa của al-Aqsa và Vòm Đá tại đó ông nằm xấp và hô lên, ‘Ta là người sở hữu qibla (phương hướng cầu nguyện của người Hồi) thứ nhất.’ Selim khẳng định sự khoan dung truyền thống đối với người Cơ đốc và Do Thái. Ông lên Núi Đền cầu nguyện rồi giong ngựa đi xáp nhập Ai Cập. Selim đã đánh bại Ba Tư, chinh phục Mamluk và minh định quyền kế vị bằng cách giết hết anh em, cháu và ắt hẳn một số con trai ruột của mình. Vì thế khi ông mất đi vào tháng 9 1520, ông chỉ còn sót lại một con trai duy nhất.

Suleiman chỉ mới 25 tuổi, cao và mảnh khảnh nhưng dẻo dai với gương mặt xương và ông bỗng thấy mình là chủ nhân ông của một đế chế trải dài từ Balkan đến biên giới Ba Tư, từ Ai Cập đến Biển Đen. ‘Ở Baghdad, ta là Shah; trong lãnh thổ Byzantine, ta là Caesar; và tại Ai Cập, ta là Sultan,’ ông tuyên bố và thêm vào các tước hiệu này là tước hiệu kha-lip. Không có gì lạ khi quần thần Ottoman xưng với vua của mình là Padishah – hoàng đế – và là ‘vị quốc vương danh vọng nhất và đáng kính nhất trên khắp thế giới’, như lời một quan triều ca tụng. Người ta kể rằng Suleiman nằm mơ thấy mình được Đấng Tiên Tri đến thăm và bảo với ông phải đánh đuổi bọn ngoại giáo, làm đẹp Điện Thờ (Núi Đền) và xây dựng lại Jerusalem’, nhưng thật ra ông không cần ai nhắc nhở. Ông quá ý thức về vai trò hoàng đế Hồi của mình và, như người vợ gốc Slave (Nga) của ông Roxelana luôn ca tụng ông, ‘Solomon của thời đại mình.’

Roxelana chia sẻ những kế hoạch của Suleiman – kể cả những kế hoạch về Jerusalem. Bà có lẽ là con gái một giáo sĩ bị bắt cóc ở Ba Lan và bán vào hậu cung của vị sultan. Tại đó cô lọt vào mắt Suleiman, sinh cho ông năm trai và một gái. ‘Trẻ trung nhưng không đẹp, dù duyên dáng và thon thả,’ một chân dung đương đại cho thấy bà mắt to, môi hồng và gương mặt bầu bĩnh. Thư bà gửi cho Suleiman khi ông đi chiến dịch nắm bắt điều gì đó về tinh thần vui tươi nhưng bất khuất của bà: ‘Sultan của thiếp, nỗi khắc khoải cháy bỏng vì xa cách không có giới hạn. Giờ hãy tha thứ cho con người khổ sở này và đừng ngưng gửi những bức thư cao quí cho thiếp. Khi thư sultan được đọc lên, tôi tớ, con trai Mir Mehmed và bọn nô lệ cùng con gái Mihrimah của ngài đều khóc và kêu gào vì nhớ ngài. Tiếng khóc của chúng khiến thiếp phát điên.’ Suleiman tặng bà danh hiệu  Hurrem al-Sultan, Niềm Vui của Sultan, mà ông mô tả trong các bài thơ được gán cho ông là ‘tình yêu của ta, ánh trăng của ta, mùa xuân của ta, người phụ nữ có mái tóc đẹp của ta, đôi mày xếch đáng yêu của ta, đôi mắt tinh nghịch đáng yêu của ta và chính thức là ‘tinh hoa của các bà hoàng, ánh sáng đôi mắt của kha-lip triều lộng lẫy’. Bà trở nên một nhà chính trị mưu mẹo,dàn xếp thành công để bảo đảm con trai của Suleiman với một phụ nữ khác không thể lên kế vị: đứa con trai ấy bị thắt cổ chết trước mặt Suleiman.

Suleiman thừa kế Jerusalem và Mecca và tin rằng uy thế Hồi giáo của ông đòi hỏi ông phải làm đẹp những điện thờ đạo Hồi: mọi thứ về ông đều trên một qui mô hoành tráng, tham vọng của ông thì vô hạn, thời cai trị của ông kéo dài gần nửa thế kỷ, chân trời ông mênh mông – ông  tham gia những trận đánh gần như có tính xuyên lục địa từ châu Âu và bắc Phi đến Iraq và Ấn Độ Dương, từ cửa ngõ Vienna đến Baghdad. Những công trình của ông ở Jerusalem quá thành công đến nỗi Thành phố Cổ ngày nay là công lao của ông hơn bất cứ của ai khác: tường thành trông cổ đại và đối với nhiều người nó xác định diện mạo của thành phố không kém Vòm Đá hoặc Mộ Thánh hoặc Bức Tường – nhưng tường thành và hầu hết các cổng đều là sáng tạo của nhân vật đương thời với Henry VIII, vừa đảm bảo an toàn cho thành phố vừa làm tăng uy thế của riêng ông. Vị sultan xây thêm một thánh đường, một lối vào và một tháp cho Thành lũy; ông xây dựng một hệ thống ống nước để mang nước vào thành phố và chín giếng nước uống – bao gồm ba trên Núi Đền; và cuối cùng ông thay lớp đá khảm đã mòn trên Vòm Đá bằng ngói tráng men trang trí họa tiết hoa sen và hoa súng màu ngọc lam và xanh cobalt, trắng và vàng như ta nhìn thấy ngày nay.

Roxelana thích lập những cơ sở từ thiện sát bên những dự án của chồng, bà xung công một lâu đài Mamluk để thành lập al-Imara al-Amira al-Khasaki al-Sultan, một cơ sở được biết dưới tên Công Trình Hoa Mỹ gồm một thánh đường, lò nướng bánh, nhà tập thể 55 phòng và nhà phát chẩn cho người nghèo. Do đó họ coi Núi Đền và Jerusalem là của mình.

Năm 1553 Suleiman, tự xưng là ‘Solomon Đệ Nhị và Vua của Thế Giới’, quyết định thanh sát Jerusalem, nhưng rồi những cuộc chiến ở xa đã xen vào và, như Constantine trước đây, con người đã biến đổi thành phố chưa hề trông thấy thành quả của mình. Khi tường thành cao lên, tể tướng Syria chủ tọa, kiến trúc sư đế chế của Suleiman là Sinan ắt hẳn thanh tra công trình trên đường trở về nhà sau khi đi Mecca: hàng ngàn công nhân lao động, đá mới được cắt từ mỏ đá, đá cũ được xoáy từ các nhà thờ sụp đổ và cung điện thời Herod, và những thành lũy và cổng được hòa quyện cẩn thận với các tường thành thời Herod và thời Umayyad bao quanh Núi Đền. Việc lợp lại Vòm Đá tốn 450,000 miếng ngói, vì thế thợ phải xây cất nhà máy làm ngói sát bên al-Aqsa. Thành phố ắt hẳn vang dội những âm thanh không quen thuộc của tiếng thợ xây đập búa và tiếng lanh canh của tiền đồng. Dân số gần như tăng gấp ba lên đến 16,000 người và số người Do Thái tăng gấp đôi đến 2,000 người, do số người tị nạn từ phương tây đổ về không ngừng. Một phong trào rộng lớn của người Do Thái đang tiến triển, và một số người mới đến tham gia trực tiếp vào công trình của Suleiman.

1

Suleiman the Magnificent: một   Sultan với người Ả Rập, một Caesar với người Cơ đốc. Ông không hề đến thăm Jerusalem nhưng, tự coi mình là Solomon thứ hai, ông xây lại hầu hết tường thành và cổng mà ta trông thấy ngày nay.

2

Suleiman sử dụng một quách và kiểu trang trí của Thập Tự quân để xây Giếng nước Cổng Dây xích và xác lập tính lộng lẫy và hợp pháp  Ottoman bằng cách bổ sung đá khảm vào Vòm Đá

 

CHƯƠNG 32:   CÁC NHÀ THẦN BÍ VÀ ĐẤNG CỨU THỂ (1550–1705)

 

CÔNG TƯỚC DO THÁI CỦA SULEIMAN: NGƯỜI KHÁNG CÁCH, DÒNG FRANCIS VÀ BỨC TƯỜNG

Suleiman lấy tiền thuế của Ai Cập để trả cho các công trình ở Jerusalem, và người trông coi doanh thu này là Abraham de Castro, Chủ Cơ sở Đúc tiền và nhà thầu thuế, người đã chứng tỏ được lòng trung thành của mình khi cảnh báo với vị sultan một thống đốc địa phương dự định làm phản. Như tên đã chỉ ra, Castro là người tị nạn Do Thái từ Bồ Đào Nha và vai trò của ông khác xa với vai trò của người Do Thái Bồ Đào Nha siêu giàu khi trở thành cố vấn của Suleiman và cuối cùng là người bảo hộ của Palestine và Jerusalem.

Cuộc di cư của Do Thái đánh dấu chương mới nhất trong các cuộc chiến tôn giáo. Năm 1492, Vua Ferdinand xứ Aragon và Nữ Hoàng Isabella xứ Castile đã chính phục Granada, lãnh địa cuối cùng của người Hồi ở Tây Ban Nha, và ăn mừng cuộc Thập Tự Chinh  thành công của họ bằng cách thanh trừ khỏi Tây Ban Nha những người Hồi và Do Thái. Bị ám ảnh trước mối nguy bị huyết thống Do Thái lén lút ngấm vào dòng máu thuần khiết của Cơ đốc triều, và được sự cố vấn của Tòa án Dị giáo Tomás Torquemada, họ trục xuất khoảng 100,000 đến 200,000 người Do Thái, và trong 50 năm tiếp theo, phần đông các nước Tây Âu đều noi theo. Suốt 7 thế kỷ, Tây Ban Nha đã  là miền đất của nền văn hóa Ả Rập-Do Thái nở rộ và trung tâm của Diaspora, Cộng đồng Do Thái bị phân tán ra khỏi Zion.

Giờ, trong cơn chấn thương đau đớn nhất của người Do Thái giữa hai thời điểm thất thủ của Đền Thờ và Cách Giải quyết Cuối cùng (đây là kế hoạch của Đức Quốc xã về vấn đề Do Thái, dẫn đến tội ác diệt chủng người Do Thái trong Thế Chiến II: ND), những người Do Thái gốc Tây Ban Nha này chuồn về hướng đông để đến các nước khoan dung hơn như Hà Lan,  Ba Lan-Lithuania và nhất là đế chế Ottoman nơi họ được Suleiman chào đón, vừa để thúc đẩy nền kinh tế của mình vừa để phơi bày việc người Cơ đốc đã khước từ di sản Do Thái ra sao. Thế là Diaspora di dời về phía đông. Từ giờ cho đến đầu thế kỷ 20, các đường phố ở Istanbul (tên mới của Constantinople), Salonica và Jerusalem sẽ vang lên âm điệu du dương của thứ tiếng nói Do Thái-Tây Ban Nha mới của họ, Ladimo.

Năm 1553, ngự y người Do Thái của Suleiman giới thiệu ông với Joseph Nasi. Gia đình Joseph buộc phải giả vờ  cải sang đạo Cơ đốc trước khi tìm cách trốn qua Hà Lan rồi Ý và cuối cùng đến Istanbul. Tại đó, ông tranh thủ được sự tin cậy của vị sultan và trở thành đặc vụ tin cẩn của con trai ông và cũng là người kế vị. Joseph, được giới chính khách Âu châu biết đến như là Người Do Thái Vĩ Đại, điều hành một đế chế kinh doanh phức tạp, và phục vụ như một đặc phái viên của sultan và một nhân vật quốc tế đầy bí ẩn, một trọng tài của chiến tranh và tài chính, một trung gian giữa đông và tây. Joseph tin tưởng người Do Thái sẽ trở về Miền Đất Hứa, và Suleiman giao cho ông quyền chúa tể vùng Tiberias ở Galilee tại đó ông định cư những người Do Thái ở Ý, xây dựng lại thị trấn và trồng cây dâu tằm để đẩy mạnh kỹ nghệ tơ lụa. Ông  người Do Thái đầu tiên định cư người Do Thái ở Miền Đất Thánh. Ông sẽ xây dựng Jerusalem của mình ở Galilee bởi vì còn người thông thạo siêu nhạy cảm về quyền lực đó hiểu rằng Jerusalem thực sự chỉ dành riêng cho Suleiman.

Dù vậy Joseph cũng bảo trợ cho các học giả Do Thái ở Jerusalem nơi Suleiman xiển dương tính vượt trội của đạo Hồi và hạ thấp vị thế hai tôn giáo khác với sự chăm chút tỉ mỉ. Suleiman đang giao chiến với Hoàng đế Charles V thành ra thái độ của ông đối với người Cơ đốc phần nào lắng dịu hơn bởi những yêu cầu cay độc  của chính trường Âu châu. Người Do Thái, trái lại, không có vấn đề gì.

Họ còn cầu nguyện quanh các bức tường của Núi Đền và trên những sườn dốc của Núi Olives cũng như trong giáo đường chính Ramban, nhưng vị sultan thích ra sắc lệnh trong mọi việc. Ngăn cấm bất cứ sự kiện nào làm sút giảm tính độc quyền Hồi giáo trên Núi Đền, ông chỉ dành cho người Do Thái một con đường dài 9 bộ (khoảng ba mét) dọc theo bức tường nâng đỡ Đền Thờ Vua Herod để làm nơi cầu nguyện của họ. Điều này có ý nghĩa nào đó vì nó giáp với giáo đường Hang động cũ của họ và kế bên Khu Do Thái nơi người Do Thái đã bắt đầu định cư vào thế kỷ 14, ngày nay là Khu Do Thái. Nhưng địa điểm bị che khuất bởi khu Maghrebi lân cận của Hồi giáo; việc thờ phụng của người Do Thái ở đó phải được qui định cẩn mật; và sau này người Do Thái bắt buộc phải có phép mới được cầu nguyện ở đó. Chẳng bao lâu người Do Thái gọi nơi này là ha-Kotel, Bức Tường, người ngoài gọi nó là Bức Tường phía Tây hay Bức Tường Than Khóc và từ đó trở đi những khối đá màu vàng của nó trở thành biểu tượng của Jerusalem và tâm điểm của sự linh thiêng.

Suleiman hạ thấp tầm vóc người Cơ đốc bằng cách trục xuất thầy tu dòng Francis ra khỏi Lăng mộ David nơi dòng chữ khác của ông nếu rõ: Hoàng đế Suleiman ra lệnh nơi này phải được khử sạch bóng dáng bọn ngoại đạo và xây lên một thánh đường Hồi giáo.’ Linh thiêng đối với cả ba tôn giáo, địa điểm Byzantine-Thập Tự quân này, một giáo đường Do Thái cổ và Nhà ăn Cơ đốc, giờ trở thành điện thờ Nabi Daoud, Tiên Tri David, của người Hồi, ở đó Suleiman bổ nhiệm một gia đình tộc trưởng Sufi có tên Dajanis làm người bảo vệ cha truyền con nối, một chức vụ đến năm 1948 họ còn giữ.

Chính trường của thế giới bên ngoài luôn phản ánh trở lại lên đời sống tôn giáo của Jerusalem: Suleiman sớm có lý do để ưu ái dòng Francis. Trong trận đánh giành trung tâm Âu châu, ông thấy rằng mình cần các đồng minh Cơ đốc – người Pháp – để đánh lại người Habsburgs, mà dòng tu Francis thì lại được các vua Pháp ủng hộ. Năm 1535, vị sultan ban cho người Pháp đặc quyền mậu dịch và công nhận dòng tu Francis là người gìn giữ các điện thờ Cơ đốc. Đây là bước đầu tiên của cái gọi là động thái đầu hàng – những nhượng bộ với các cường quốc Âu châu – và sau đó phá vỡ đế chế Ottoman.

Các thầy tu Francis lập ra bộ chỉ huy trong nhà thờ St Saviour, sát bên Nhà Thờ Mộ Thánh mà cuối cùng sẽ trở thành một thành phố-bên trong-một thành phố đồ sộ  thuộc Thiên chúa, nhưng sự trỗi dậy của họ làm phe Chính thống lo lắng. Mối thù địch giữa người Thiên chúa và Chính thống đã trở nên độc địa vì cả hai đều tuyên bố mình mới là người gìn giữ tối cao của các Thánh địa, tức đặc quyền praedominium. Nhà Thờ Mộ Thánh giờ đây được chia sẻ cho tám giáo phái trong cuộc đấu tranh đúng theo thuyết đấu tranh sinh tồn của Darwin, nghĩa là chỉ có kẻ mạnh nhất mới có thể sống còn. Một số tiến lên, một số lùi xuống: người Armenia vẫn còn hùng mạnh vì họ có tiếng nói của đại diện ở Istanbul, người Serb và Maronite đang suy thoái – nhưng người Georgia, vốn đã mất sự bảo trợ của người Mamluk, đã hoàn toàn bị mất hút.*

 * Họ phải bán tu viện của mình St Saviour cho dòng Francis và đó chỉ là khởi đầu. Năm 1685, người Georgia nghèo túng mất cả cơ sở chỉ huy là Tu viện Mến Thánh Giá, được cho là nơi lấy gỗ làm thập giá cho Jesus, về tay dòng Chính thống giáo.

Cuộc xung đột mang tính sử thi giữa các hoàng đế Hồi giáo và Cơ đốc giáo, chủ nghĩa Thiên chúa giáo hung hăng của người Tây Ban Nha, và sự trục xuất người Do Thái gợi lên một tâm thức bất an rằng có gì đó không đúng dưới bầu trời này: người ta truy vấn niềm tin, tìm kiếm những phương cách thần bí mới để tiếp cận gần hơn với Thượng Đế, và họ mong đợi Ngày Tận Thế. Năm 1517, Martin Luther, một giáo sư thần học ở Wittenberg, phản kháng việc Giáo hội bán ‘phép xá tội’ cho giáo dân nhờ đó họ được miễn giảm thời gian ở địa ngục vì tội lỗi họ đã phạm, và nhấn mạnh Chúa Trời chỉ tồn tại trong Kinh thánh, không qua những nghi thức của giáo sĩ hoặc giáo hoàng. Việc kháng cách dũng cảm của ông làm bộc phát nổi bất mãn lan rộng đối với Giáo hội mà nhiều người tin tưởng đã đi xa lời dạy của Christ. Những người Kháng cách này muốn theo một tín ngưỡng thô sơ, không có trung gian và độc lập với Giáo hội, và cho ra đời đạo Tin Lành. Chủ nghĩa Kháng cách mềm dẻo đến nỗi giáo phái mới có nhiều biến thể – giáo hội Luther, giáo hội Cải cách, giáo hội Trưởng lão, giáo hội Can-vin, giáo hội Anabaptist – chẳng bao lâu nảy nở, trong khi đối với Henry VIII, đạo Tin Lành Anh (Anh giáo) là một cách thức để khẳng định sự độc lập chính trị của mình. Nhưng có một thứ thống nhất tất cả họ : sự tôn kính Kinh thánh, sự tôn kính mà sẽ phục hồi Jerusalem ngay chính trung tâm tín ngưỡng của họ.

Sau 45 năm trên ngôi Suleiman mất trong một chiến dịch, các tư lệnh của ông phải dựng xác ông ngồi trong xe ngựa như còn sống cho binh sĩ thấy để an tâm cho đến khi việc lên ngôi kế vị được sắp xếp an toàn cho Selim, một đứa con của ông với Roxelana. Selim II, được biết dưới tên Vua Say Rượu, chịu ơn người bạn bày mưu tính kế cho mình, Joseph Nasi, Người Do Thái Vĩ đại. Joseph giờ đây sống trong cảnh huy hoàng tại lâu đài Belvedere, giàu có nhờ độc quyền về mật ong Ba Lan, được thăng đến bậc Công tước Naxos. Ông gần như trở thành Vua Cyprus. Đó là con người đấu tranh cho dân Do Thái bị bức hại hoặc cùng quẫn ở châu Âu và Jerusalem đến nỗi người ta thì thầm không lâu trước khi ông mất là vị công tước này chính là Đấng Cứu Thế. Dưới thời Selim và những người kế vị ông, đế chế Ottoman vẫn còn bành trướng và, nhờ nguồn tài nguyên bao la và bộ máy hành chính siêu đẳng, nó vẫn duy trì sự hùng mạnh đáng sợ thêm một thế kỷ nữa – nhưng các hoàng đế của nó sớm phải đấu tranh để giành quyền kiểm soát những tỉnh lỵ ở xa do các thống đốc lạm quyền cai trị và sự yên tĩnh của Jerusalem sẽ theo chu kỳ bị phá vỡ bởi những đợt bùng phát bạo lực.

Năm 1590, người Ả Rập địa phương nổi dậy ở Jerusalem và chiếm thành phố, giết chết thống đốc. Sau đó bọn nổi dậy bị đánh bại và bị trục xuất. Jerusalem nằm dưới sự thống trị của hai anh em vùng Balkan, Ridwan và Bairam Pasha, những nô lệ Cơ đốc đã cải sang đạo Hồi và được huấn luyện tại triều Suleiman, và bộ hạ người Circassia của họ, Farrukh. Gia đình họ thống trị – và bóc lột – Palestine gần một thế kỷ. Năm 1625, khi con trai của Farrukh, Muhammad, thấy mình không được vào Jerusalem, y liền dẫn 300 lính đánh thuê công phá tường thành và rồi, đóng tất cả các cổng, y tiến hành tra tấn người Do Thái, Cơ đốc và cả Ả Rập để moi tiền. 

Những xúc phạm như thế này chỉ khuyến khích giáo phái  mạnh nhất của Cơ đốc, giáo phái Armenia, vận động và hối lộ các vị sultan và gây tranh chấp trong các nhà thờ ở Jerusalem, tất cả đều là một phần trong chiến dịch nhằm đánh bại người Thiên chúa và giành quyền praedominium (ưu thế vượt trội). Trong 20 năm đầu của thế kỷ, các vị sultan phải ban hành đến 33 sắc luật để bảo vệ  người Thiên chúa bị đánh tơi tả và chỉ trong đúng 7 năm, đặc quyền praedominium đã trao tay đến 6 lần. Tuy nhiên, tín đồ Cơ đốc đã trở thành ngành kinh doanh kiếm ra tiền nhiều nhất ở Palestine: mỗi ngày, Viên chức Canh giữ Nhà Thờ Mộ Thánh, gia trưởng nhà Nusseibeh, ngồi trên ghế cao ngoài sân, hai bên là bộ hạ có vũ khí, thu tiền vào cửa – và thu nhập từ hàng ngàn khách hành hương là món tiền kếch xù. Vào dịp lễ Phục Sinh, mà người Hồi gọi là Lễ Hội Trứng Đỏ, thống đốc Jerusalem dựng ghế cao, và đồng hành cùng vị pháp quan, viên chức canh giữ và toàn bộ quân đồn trú trang bị đến tận răng, y thu mỗi người trong số 20,000 ‘dân hành hương ngoại giáo đi đến địa ngục’ mỗi người 10 đồng vàng, số tiền này được các Ottoman và ulema (đại pháp quan) chia nhau.

Trong khi đó có sự chuyển động trong giới Do Thái. ‘Jerusalem’, một khách hành hương Do Thái viết, ‘đang đông đúc hơn bất cứ lúc nào kể từ vụ lưu đày đầu tiên’ và khi tiếng tăm của Jerusalem lan rộng, người ta biết chúng tôi đang sống trong hòa bình. Các học giả tụ tập về các cổng. Một đoàn xe ngựa chở người Do Thái Ai Cập đổ về mỗi dịp lễ Vượt Qua. Hầu hết người Do Thái nói tiếng Ladino, và họ cảm thấy đủ an toàn để xây cất bốn giáo đường trở thành trung tâm đời sống trong Khu Do Thái. Nhưng một số khách hành hương là người Đông Âu đến từ Khối Thịnh Vượng Chung Ba Lan-Lithuania, được biết dưới tên Ashkenazis (theo tên Ashkenaz, một dòng dõi của Noah trong Sáng Thế Ký, được cho  là tổ tiên của người phương bắc). Tình trạng hỗn loạn của thế giới bên ngoài cổ vũ khuynh hướng thần bí của họ: một giáo sĩ có tên Isaac Luri đang thuyết giảng Kinh Kabbala, kinh nghiên cứu về những mật mã bí ẩn trong Kinh Torah giúp họ đến gần hơn với Thần Thánh. Luri sinh ra ở Jerusalem nhưng ông đặt trụ sở của mình trong thành phố núi ma thuật Safed ở Galilee. Cơn chấn thương gây ra do việc bức hại ở Tây Ban Nha đã cưỡng bách nhiều người Do Thái phải giả vờ cải sang đạo Cơ đốc và sống lén lút. Thực ra văn bản linh thiêng Kabbala, Sách Zohar, được viết ở Castile vào thế kỷ 13. Người theo Kabbala nhắm đến sự Uy nghi, Sợ hãi và Run rẩy – ‘trải nghiệm xuất thần, sự dồn lên dữ dội và bay vút của tâm hồn lên đến bình điện cao nhất để hợp nhất với Thượng Đế’. Vào những Ngày Thứ 6, ăn vận áo choàng trắng, họ sẽ đón rước ‘nàng dâu của Thượng Đế’, Shekinah, bên ngoài thành phố rồi hộ tống sự hiện diện thần thánh trở về ngôi nhà của họ. Nhưng người theo Kabbala không thể không suy đoán rằng cơn chấn động Do Thái cùng với những mật mã bí ẩn và bùa chú chứa đựng chìa khóa cho sự cứu rỗi: chắc chắn Đấng Cứu Thế sẽ sớm đến Jerusalem?

Tuy đôi khi có những vụ nổi loạn chống Cơ đốc, các vụ đột kích của bọn Bedouin và việc tống tiền của các thống đốc Ottoman, thành phố vẫn được tự do hành lễ. Nhưng mối thâm thù của người Chính thống giáo, người Armenia và Thiên chúa trong vùng lạc hậu của đế chế Ottoman này giờ đây đã minh chứng cho những thành kiến của một chủng loại khách viếng mới, nửa hành hương, nửa nhà buôn-nhà mạo hiểm: những người Tin Lành đã đến. Họ thường là những người buôn bán Anh, cháy bỏng hận thù với người Thiên chúa, và thường có mối liên hệ với các thuộc địa mới ở Hoa Kỳ.

Khi thuyền trưởng và nhà buôn Anh Henry Timberlake đến, các thống đốc Ottoman chưa hề nghe nói đến đạo Tin Lành hoăc Nữ Hoàng Elizabeth và ông bị ném vào ngục thất kế bên Mộ Thánh, chỉ được thả ra sau khi nộp đủ tiền phạt. Những ký ức hào hứng về chuyến phiêu lưu của mình được kể trong Ký Sự Có Thực và Kỳ Lạ, trở thành sách bán chạy nhất ở London thời Jacobean (1623-1625).

Một người Anh táo tợn khác, John Sanderson, một người đại diện Công ty Levant, nộp phí cho người Thổ để được vào Mộ Thánh nhưng bị các thầy tu Francis tấn công, và thầy cả của họ ‘tố cáo tôi là một tên Do Thái’. Người Thổ liền bắt giữ ông, buộc ông phải cải đạo Hồi và giải ông ra trước pháp quan. Y lục soát người ông và rồi phóng thích vì là người Cơ đốc.

Những hành động cuồng tín, của Cơ đốc và Hồi giáo, làm bùng phát bạo lực, bộc lộ ra những hạn chế thực sự của lòng khoan dung tôn giáo thường được người Ottoman quá tự tâng bốc mình: thống đốc Ottoman buộc đóng cửa giáo đường Ramban theo yêu cầu của pháp quan: người Do Thái bị cấm cầu nguyện ở đó và giáo đường biến thành nhà kho. Khi người Francis lặng lẽ mở rộng Núi Zion của họ, tin đồn lan truyền họ đào hầm đến Malta để dẫn quân lính Cơ đốc vào thành: họ bị pháp quan và đám đông tấn công và chỉ được quân đồn trú Ottoman giải cứu. Một nữ tu Bồ Đào Nha rửa tội cho các trẻ em Hồi và lên án đạo Hồi bị thiêu sống trên giàn hỏa tại sân Nhà Thờ.*

* Những giàn hỏa thiêu người trong sân Nhà Thờ này không phải là hiếm. Năm 1557 một thầy tu Sicily, Huynh Juniper, hai lần xâm phạm vào Aqsa trước khi bị chính pháp quan hạ sát – và rồi bị đốt ra tro trước Nhà Thờ. Một thầy tu Francis người Tây Ban Nha lên án đạo Hồi ngay bên trong al-Aqsa và bị bêu đầu trên Núi Đền trước khi bị thiêu cháy. Nhưng cái chết không phải lúc nào cũng là đoạn kết của câu chuyện, và đạo Cơ đốc ở châu Âu cũng không văn minh gì hơn: gần 400 người ngoại giáo bị thiêu sống ở Anh trong thế kỷ 16.

 Vào dịp Phục Sinh 1610, một thanh niên Anh đến Jerusalem, đại diện không chỉ cho đạo mới Tin Lành mà còn cho Tân Thế giới.

 

GEORGE SANDYS: NGƯỜI ANH-MỸ ĐẦU TIÊN

George Sandys, con một Tổng Giám mục xứ York và là một học giả dịch thuật Virgil sang tiếng Anh, khủng khiếp trước vẻ tàn tạ của Jerusalem – ‘nhiều nơi bị tàn phá, những tòa nhà cũ tất cả đều đổ nát, tòa nhà mới, thật đáng khinh bỉ.’ Sandys nửa ghê tởm nửa vui thích trước nhóm người Do Thái nói tiếng Ladino mà ông gặp ở Bức Tường phía Tây: ‘những điệu bộ quái đản của họ vượt xa vẻ man khai với cái kiểu gật đầu trông buồn cười’, và ông nghĩ ‘không thể nào nhịn cười cho được.’ Nhân vật Tin Lành kính Chúa này  thậm chí còn ghê tởm trước những gì ông coi là sự chào mời cưỡng bách thô thiển của đạo Chính thống và Thiên chúa: Thành phố ‘từng là chốn linh thiêng và vinh hiển, được Chúa chọn lựa làm nơi ngự trị’, nhưng giờ chỉ là một ‘hí trường của những điều bí ẩn và phép lạ’.

Phục Sinh đó, Sandys đều tỏ vẻ kinh khiếp trước người Cơ đốc lẫn Hồi giáo: ông chứng kiến việc thống đốc Jerusalem ngồi trên ghế cao bên ngoài Nhà Thờ Mộ Thánh. Sandys nhìn hàng ngàn khách hành hương, mỗi người mang theo gối và đệm, chen chúc để qua đêm trong Nhà Thờ. Vào ngày Thứ Sáu Tốt Lành, ông theo chân đám rước của thầy cả dòng Francis, mang tượng sáp Jesus lớn như người thật đi theo lộ trình Via Dolorosa trước khi gắn tượng vào thập giá. Khi hàng ngàn người chen đầy Nhà Thờ và cắm trại trong sân, ông chứng kiến nghi lễ Lửa Thánh, ‘bọn hoang dã la hét’, tiếng chập chả, tiếng các bà huýt sáo – thái độ ‘thích hợp cho một buổi lễ của tữu thần Bacchus hơn’. Khi Lửa Thánh xuất hiện, các khách hành hương nhảy cỡn lên ‘như bọn điên, dúi lửa vào quần áo và vào lòng họ, để thuyết phục với người lạ là nó không đốt cháy mình’.

 Tuy vậy nhà soạn nhạc các thánh ca này là một tín đồ Tin Lành tôn kính Jerusalem không kém người Thiên chúa và Chính thống giáo. Trở về với tính nền tảng của chính Kinh thánh, ông cầu nguyện một cách thành kính tại nhà mộ của Jesus và phần mộ các nhà vua Thập Tự quân. Khi trở về, ông đề tặng quyển sách của mình, Kể về Chuyến Đi vào năm 1610, cho Charles, Hoàng thân xứ Wales, mà cha ông là James I gần đây đã ủy thác cho 54 học giả biên soạn ra cuốn Thánh kinh bằng tiếng Anh để mọi người đều có thể đọc được. Năm 1611, các học giả giao Phiên bản Ủy quyền của họ, hợp nhất những bản dịch trước đây của William Tyndale và những người khác, mang kinh thánh đến cuộc sống bằng một tuyệt tác về dịch thuật và về ngôn ngữ Anh mang tính thi ca. Kinh thánh này trở thành trung tâm tâm linh và văn học của Anh giáo, đạo Tin Lành độc đáo của nước Anh. Kinh thánh trở thành điều mà một tác giả gọi là ‘thiên sử thi quốc gia của Vương quốc Anh,’ một câu chuyện đặt người Do Thái và Jerusalem ngay tại trái tim của đời sống Anh và sau đó đời sống Mỹ.

Sandys là một kết nối giữa thành phố thực và Jerusalem của Tân Thế giới. Năm 1621, ông khởi hành đi Mỹ với vai trò thủ quỹ Công ty Virginia. Trong 10 năm ở Jamestown, ông cầm đầu cuộc đột kích chống lại thổ dân Mỹ Algonquin trong đó ông tàn sát một số lượng đáng kể: vậy là người Tin Lành cũng có khả năng tận diệt dân ngoại giáo dám thách thức không kém bất kỳ tín ngưỡng nào khác ở thế kỷ 17. Sandys không phải là khách hành hương-mạo hiểm Jerusalem duy nhất đã ở đó: Henry Timberlake ở Virginia cũng đồng thời ở đó. Những cuộc hành hương đến Miền Đất Hứa mới là Mỹ ít nhất một phần cũng lấy cảm hứng từ tầm nhìn Tin Lành về Jerusalem thiên đường. 

Những người Virginia của Sandys và Timberlake là những người Anh giáo được James I và con trai Charles của ông ưu ái. Tuy nhiên, các nhà vua không thể dập tắt các kỳ vọng của một cơn sốt mới, giáo phái Tin Lành cực đoan: Thanh giáo ôm trọn chân lý nền tảng của Kinh thánh nhưng với kỳ vọng về chúa cứu thế hiện tiền. Cuộc Chiến 30 Năm giữa đạo Thiên chúa và Tin Lành chỉ làm tăng lên cảm nhận về Ngày Phán Xét đang đến gần. Đây là những thời khắc kỳ lạ kích động tính thần bí hoang dã ở cả ba tôn giáo. Nhiều mùa vụ đã thất thu. Lưỡi Hái Tử Thần, được ngụy trang dưới hình thức dịch bệnh, đói kém và chiến tranh tôn giáo, đang thu hoạch khắp châu Âu, giết chết hàng triệu người.

Hàng ngàn người Thanh giáo trốn thoát khỏi Anh Giáo hội của Charles I để thành lập những thuộc địa mới ở Hoa Kỳ. Khi họ giong buồm băng qua Đại Tây Dương để tìm tự do tôn giáo, họ đọc về Jerusalem và người Do Thái trong Kinh thánh và tự thấy mình như Người Được Chọn được Chúa Trời ban ân sủng để xây dựng một Zion (miền đất hứa) mới, trong vùng hoang dã Canaan.

‘Hãy để chúng tôi tuyên bố ở Zion lời của Chúa,’ William Bradford cầu nguyện khi ông xuống thuyền ở Mayflower. Thống đốc đầu tiên của Thuộc địa vùng Vịnh Massachusetts,

John Winthrop, tin rằng ‘Chúa của Israel ở trong chúng ta’ và nhạy Jeremiah và Matthew để chào khu định cư của mình là ‘một thành phố trên đồi’ – nước Mỹ như Jerusalem mới. Chẳng bao lâu sẽ có 18 khu Jordan, 12 khu Canaan, 35 khu Bethel và 66 khu Jerusalem hay Salem.

Nỗi sợ thảm họa và sự mong đợi được cứu rỗi cùng lớn lên: những cuộc nội chiến hằn những vết sẹo lên Pháp và Anh trong khi đồng thời ở đông Âu, người Do Thái ở Ba Lan và Ukraine bị tàn sát hàng vạn bởi bọn Cô-giắc thuộc nhóm cướp bóc Hetman Khmelnytsky. Năm 1649, Charles I bị bêu đầu và Oliver Cromwell xuất hiện như một người Bảo Hộ Chúa, một quân nhân triệu phú thuyết phục rằng các tín hữu Thanh giáo của ông, cũng như những đồng đạo của ông ở New England, là những Người Được Chọn mới:

‘Đúng là các bạn được Chúa gọi đến như Judah được gọi đến, để cai trị cùng với Ngài và cho Ngài,’ ông nói. ‘Các bạn ở bên bờ những Lời Hứa và Lời Tiên Tri.’

Cromwell là một học giả về tiếng Hebrew, tin tưởng rằng Christ không thể đến lần nữa trừ khi người Do Thái trở lại Zion và sau đó cải sang đạo Cơ đốc. Do đó, người Thanh giáo là những người Zionist theo Cơ đốc đầu tiên. Joanna và  Ebenezer Cartwright thậm chí còn đề nghị Hải Quân Hoàng gia nên ‘chuyên chở các con trai và con gái của Israel bằng thuyền của họ đến Miền Đất mà tổ tiên của họ đã hứa vì một kế thừa trường cửu’.

Nhiều người Do Thái hăng hái nghiên cứu Kinh Kabbala, mơ ước Đấng Cứu Thế sẽ biến đổi thảm kịch Ukraine của mình thành sự cứu chuộc. Một giáo sĩ Hà Lan, Menasseh ben Israel, thỉnh nguyện Người Bảo Hộ Chúa, chỉ ra rằng Kinh thánh tuyên bố người Do Thái phải bị phân tán khắp bốn phương trước khi ngày Trở Về Zion của họ sẽ khởi động Sự Xuất hiện Lần Hai  – vậy mà họ còn bị đuổi ra khỏi nước Anh. Do đó Cromwell triệu tập một Hội nghị Whitehall đặc biệt để phán quyết việc loại trừ ‘dân tộc bần tiện và bị khinh bỉ này ra khỏi ánh sáng’ là hành vi sai trái. Cromwell cho phép người Do Thái trở về. Sau khi ông mất, chuyên chế được phục hồi và nhóm Thanh giáo tin vào Đấng Cứu Thế của ông mất hết quyền lực nhưng thông điệp của nó vẫn còn dai dẳng trong các Thuộc địa Mỹ và trong số những người Anh phóng khoáng hơn, và sẽ sẵn sàng bừng nở lần nữa trong cơn thức tỉnh phúc âm 200 năm sau. Ngay sau vụ Phục hồi, cơn phấn khích thất thường làm rối loạn thế giới Do Thái: Đấng Cứu Thế đang ở Jerusalem – hoặc có phải thế không?

 

ĐẤNG CỨU THẾ: SABBATAI ZEVI

Ông là Mordecai, con trai mất quân bình của một nhà buôn gia cầm người Smyrna nghiên cứu Kabbala. Năm 1648 ông tự xưng là Đấng Cứu Thế bằng cách thốt ra Tetragrammaton. P(Tetragrammaton có nghĩa là từ gồm bốn chữ cái của tiếng Hebrew cổ,   יהוה ‎, được chuyển chữ thành YHWH, chỉ tên của Chúa Trời của người Do Thái. Bốn chữ cái, đọc từ trái sang phải là yodh, he, waw, he. Trong khi không có sự thống nhất về cấu trúc và từ nguyên của tên này, từ Yahweh giờ được đa số chấp nhận: ND). Đây là từ thiêng liêng không được thốt ra tùy tiện, mà chỉ được giáo trưởng thưa gởi mỗi năm một lần tại chính Đền Thờ. Giờ ông ta đổi tên mình là Sabbatai Zevi và phán rằng Ngày Phán Xét sẽ đến vào năm 1666. Ông bị trục xuất khỏi Smyrna nhưng dần dần trong thời gian ông buôn bán quanh Địa Trung Hải, ông tạo được một mạng lưới người ủng hộ giàu có và mộ đạo. Năm 1660, ông thoạt đầu chuyển đến Cairo và sau đó đi đến Jerusalem. Tại đây ông kiêng ăn, hát xướng, và phân phát kẹo cho bọn trẻ con, và thi thố vài hành động kỳ lạ, gây bất an.

Sabbatai phát ra một nhân điện trường loạn động – ông rõ ràng là một người trầm cảm thất thường qua lại giữa những cơn tự kỷ lây lan, ưu sầu tuyệt vọng và thăng hoa phơi phới, sai khiến ông thi triển những trò quái quỉ, đôi khi tục tiểu một cách trâng tráo. Nếu vào thời khác, ông có thể bị kết án là một gã điên tà dâm và tội lỗi, nhưng trong những ngày thê thảm đó, nhiều người Do Thái đang trong trạng thái ngóng chờ Đấng Cứu Thế. Sự điên khùng của ông ta biết đâu là một dấu hiệu của bậc thánh.

Người Do Thái ở Jerusalem bị các sắc thuế Ottoman bần cùng hóa nên họ nhờ Sabbatai quyên góp  tiền từ những nhà bảo trợ của ông ở Cairo, và ông làm theo. Ông thành công trong sứ mạng của mình, nhưng không phải ai cũng tin khi ông chuẩn bị tự xưng là Đấng Cứu Thế ở Jerusalem. Sau nhiều lần tranh cãi, các giáo sĩ Do Thái ra lệnh ngăn cấm ông. Phẫn nộ, ông chuyển đến Gaza và chọn đó là thành phố thiêng của mình thay vì Jerusalem và phát động phong trào về Đấng Cứu Thế tại Aleppo. 

Nếu sự khải thị của ông khởi đầu như một đốm lửa, thì giờ đây tiếng tăm của ông bùng nổ và đốm lửa lan nhanh thành một ngọn lửa lớn. Người Do Thái trên khắp những khu định cư từ Istanbul đến Amsterdam, chào mừng Đấng Cứu Thế đã đến. Ở Ukraine, một thiếu nữ Do Thái xinh đẹp tên Sarah có cha mẹ bị bọn Cô-giắc tàn sát nhưng được người Cơ đốc giải cứu và mang về Livorno. Tại đó cô sống bằng nghề mãi dâm, nhưng việc đó không làm lay chuyển lòng tin của cô là mình có duyên nợ với Đấng Cứu Thế. Khi Sabbatai nghe tin về cô, ông liền cưới cô và hai người cùng đi chơi Địa Trung Hải trong khi người Do Thái khắp châu Âu chia rẽ thành hai nhóm: hoài nghi và fan điên cuồng. Nhóm sau gói ghém tư trang chuẩn bị lên đường gặp gỡ Đấng Cứu Thế ở Jerusalem, tự phạt roi, kiêng ăn, và lăn lóc trần truồng trong bùn lầy và băng tuyết. Cuối năm 1666, cặp đôi cứu thế đi đến Istanbul và được người Do Thái tung hô, nhưng tham vọng đội vương miện sultan đưa ông đến nhà tù và buộc phải cải sang đạo Hồi.

3

Lôi cuốn, bị tâm thần phân liệt, Sabbatai Zevi bị Jerusalem tẩy chai nhưng đấng cứu thế Do Thái tự phong này dấy lên niềm hi vọng Do Thái – cho đến khi vị sultan Ottoman bắt buộc ông cải sang đạo Hồi.

Đối với phần đông, việc bội giáo này đánh dấu cái chết của một giấc mơ thậm chí trước khi  Sabbatai qua đời trong chốn lưu đày Montenegrin – và người Do Thái ở Jerusalem sung sướng thấy được bộ mặt thật của tên lang băm đốn mạt này. Thời kỳ của Cromwell và Sabbatai cũng là thời hoàng kim của phong trào thần bí Hồi giáo ở Jerusalem nơi các sultan Ottoman là người bảo trợ cho mọi dòng tu hàng đầu của giáo phái Sufi mà người Thổ gọi là dòng Dervish. Chúng ta đã thấy người Cơ đốc và Do Thái nhìn thành phố ra sao. Giờ một quan triều Ottoman độc đáo nhất, một học giả Dervish, người có duyên kế chuyện và biết hưởng thụ cuộc sống có tên Evliya mô tả một cách đáng yêu đặc điểm của thành phố dưới góc nhìn Hồi giáo với sự tinh tường vui nhộn khiến ông chắc chắn là người viết ký sự du hành vĩ đại nhất của người Hồi.

 

EVLIYA: PEPYS CỦA OTTOMAN

Thậm chí khi đó, Evliya ắt hẳn đã là người độc nhất vô nhị: người du lịch giàu có, tác giả, ca sĩ, học giả, và chiến binh này là con trai thợ kim hoàn của vị sultan, ra đời tại Istanbul, lớn lên giữa triều đình, được vị pháp quan hoàng đế dạy dỗ, được Muhammad báo mộng là nên du lịch thế giới. Ông trở thành, theo chính lời ông, ‘Nhà Du lịch Thế giới và Bạn Đồng hành Vui tính của Nhân loại’ và đi du lịch không chỉ suốt chiều dài của đế chế Ottoman rộng lớn mà còn vào tận giáo quốc  Cơ đốc, viết biên niên mãi miết về những chuyến phiêu lưu trong 10 bộ sách đáng kinh ngạc của mình. Cũng như Samuel Pepys đang viết nhật ký của ông ở London, Evliya, hoặc ở Istanbul, Cairo hoặc Jerusalem, đang biên soạn Sách Du Ký của mình, ‘ký sự du hành  dài nhất và đầy đủ nhất trong văn chương Hồi, có lẽ trong văn chương thế giới’. Không tác giả Hồi giáo nào viết một cách thi vị về Jerusalem, hoặc một cách dí dỏm về cuộc sống như ông.

Evliya sống nhờ vào trí tuệ của mình bởi vì ông tranh thủ được sự ưu ái của Mehmet IV bằng những chuyện cười khó cưỡng, những cặp câu thơ có vần điệu, những bài hát ranh mãnh và những cuộc đấu vật và ông có thể du lịch bằng cách tham gia đoàn tùy tùng  của các ông lớn Ottoman, sẵn sàng mời chào ông vì vốn kiến thức tôn giáo và vì tài hoạt náo trào lộng của ông. Bộ sách của ông một phần là các niên giám về những sự kiện thu thập được, một phần là những tuyển tập những truyện gây kinh ngạc: Evliya Celebi, vừa chiến đấu với nhà Habsburgs vừa đến thăm Hoàng đế La Mã Thần Thánh ở Vienna, tạo ấn tượng cho ông ta bằng kiến thức bản thân về Mộ Thánh của Jerusalem. Trong trận chiến, ông không ngại  ghi chép cuộc đào thoát kiểu khôi hài của mình – ‘trốn chạy cũng là một hành vi dũng cảm’ – và ắt hẳn là cảnh tượng kỳ lạ, khôi hài và bẩn thỉu nhất trong chiến sử.

 * Trong một trận đánh ở Transylvania chống lại triều đình Habsburgs, ông chuồn khỏi trận địa để xổ ruột, nhưng rồi bị một lính Áo phục kích, ‘vì thế tôi rơi tõm xuống ngay đống phân của mình.’ Khi họ đánh nhau, họ lăn lộn tùng phèo giữa bãi phân của người hùng chúng ta cho đến khi ‘tôi gần như trở thành kẻ tử đạo thối tha.’ Cuối cùng giết được tên ngoại giáo, và gượng dậy kéo quần lên ‘nhưng người tôi đầm đìa máu cũng như phân khiến tôi không thể nhịn được cười, nhận ra rằng mình đã trở thành Ghazi (chiến binh Hồi giáo) thối tha.’ Sau đó ông nộp thủ cấp của tên Áo cho chỉ huy. Y thốt lên, ‘Evliya của tôi ơi, anh thúi sao như cứt ấy!’

 Ông không hề lập gia đình, và từ khước làm việc trong bộ máy hành chính đế chế vì sẽ ngăn trở sở thích đi đây đi đó tự do của mình. Ông thường được ban tặng các cô gái nô lệ và cũng hóm hỉnh về tình dục như về những chuyện khác: ông gọi nó là ‘tai hoạ ngọt ngào,’ và ‘trận đấu vật thú vị,’ vui vẻ ghi chép những cơn bất lực của mình mà cuối cùng được chữa trị bằng rượu rắn Ai Cập. Ông đùa một cách táo bạo rằng tình dục là ‘trận thánh chiến lớn hơn’, và điều nổi bật nhất về ông là đối với độc giả ngày nay thì đây là một người Hồi giáo mộ đạo nhưng không ngừng nói đùa về đạo Hồi, điều rất cấm kỵ cho dù ở thời nay.

Mặc dù học giả này có thể thuật lại toàn bộ Kinh Koran trong 8 giờ và thường đóng vai muezzin, nhưng thật bất thường khi ông mày râu nhẵn nhụi, không lòn cúi, cởi mở và là kẻ thù của bọn cuồng tín, dù thuộc đạo Hồi, Do Thái hay Cơ đốc. Là một ‘người Dervish lang bạt,’ ông bị Jerusalem mê hoặc. Jerusalem từng là ‘qibla cổ đại’ và ‘hiện thời là Kaaba của dân nghèo (hoặc của người dervish)’ – kinh đô, chính là Mecca của dòng Sufi: ông đếm có tất cả 70 tu viện Derbish, cái lớn nhất gần Cổng Damascus, có xuất xứ thay đổi từ Ấn đến Crimes. 

Evliya viết rằng thành phố, tự hào có đến 240 hốc cầu nguyện và 40 trường giáo lý, là ‘mục tiêu ham muốn của vua mọi quốc gia’ nhưng ông choáng váng nhất trước vẻ đẹp khiến ta nín thở và tính thánh thiện của Vòm Đá: ‘Kẻ hèn này đã đi du lịch 38 năm qua 17 đế chế và ngắm nhìn vô số tòa nhà nhưng chưa từng thấy một nơi nào giống như thiên đường đến thế. Khi một người bước vào, y đứng chết trân và sửng sốt từ ngón tay đến miệng.’ Ở al-Aqsa, nơi các thầy giảng đứng trên bục mỗi thứ sáu vung vẫy thanh gươm của Kha-lip Omar và nghi lễ được cử hành với 800 nhân viên, Evliya quan sát bằng cách nào các đá khảm phản chiếu ánh sáng của mặt trời sao cho ‘thánh đường nhận ánh sáng chồng ánh sáng và mắt các tín đồ lấp lánh niềm tôn kính khi lâm râm cầu nguyện.

Trong Vòm Đá ‘mọi khách hành hương đều đi vòng quanh Tảng Đá bên ngoài hàng rào’, trong khi Núi Đền đã trở thành ‘nơi đi dạo được làm đẹp với hoa hồng, lan dạ hương, sim, không gian tràn ngập tiếng chim sơn ca say sưa hót líu lo’ và ông sung sướng ôm lấy hầu hết những truyền thuyết của nó – rằng Vua David đã khởi công xây dựng al-Aqsa trong khi Solomon ‘với vai trò Sultan của mọi loài sinh vật đã ra lệnh quỉ sứ hoàn tất việc xây dựng’. Tuy vậy, khi ông được cho xem dây thừng mà Solomon được cho là đã bện cách đó 3,000 năm, ông không khỏi kêu lên với vị pháp quan: ‘Ý ngài muốn nói là sợi dây thừng dùng để buộc trói bọn quỉ chưa mục à?’

Tất nhiên ông có đến thăm Nhà Thờ vào dịp Phục Sinh nơi phản ứng của ông cũng giống phản ứng của các người Anh giáo. Ông tìm ra bí ẩn của Lửa Thánh, cho rằng một bình thiếc được che giấu có chứa dầu hỏa được một thầy tu che giấu rỉ xuống sợi dây để mang đến phép lạ mỗi năm. Buổi lễ chỉ là ‘cảnh huyên náo xô bồ’ và Nhà Thờ ‘thiếu tính tâm linh, giống một điểm tham quan du lịch hơn’.  Ông trao đổi với một người Tin Lành ở đó và theo y lỗi là do bọn Hy Lạp Chính thống giáo ‘ngu ngốc và cả tin’.

Evliya quay trở lại vài lần trước khi về hưu để hoàn tất bộ sách của mình ở Cairo nhưng ông không thấy thứ gì sánh được với Vòm Đá – ‘đúng là bản sao một kiến trúc ở thiên đường.’ Không phải ai cũng đồng ý: những người Hồi bảo thủ khiếp đảm trước trò nhảy múa và làm phép lạ của giáo phái Sufi, và các giáo phái thần thánh khác mà Evliya quá đỗi thưởng thức. ‘Một vài cánh đàn bà mở khăn che mặt, phô bày vẻ đẹp, trang sức và nước hoa của họ. Nói có Trời, họ ngồi má cham má với bọn mày râu!’ Qashashi nhận xét, lên án ‘trò nhảy nhót và la hét’, trò đánh trống và buôn bán kẹo. ‘Đây là những ngày ăn cưới của quỉ Sa-tăng.

Triều đại Ottoman giờ đây đang suy thoái trầm trọng, các sultan xô đẩy qua lại giữa những yêu sách của các cường quốc Âu châu, mỗi nước hậu thuẫn các giáo phái Cơ Đốc riêng của mình. Khi người Áo và Pháp theo Thiên chúa giành được quyền praedominium cho dòng Francis, người Nga, một quyền lực xô bồ mới ở châu Âu và ở Jerusalem, mua chuộc và hối lộ người Ottoman cho đến khi giành lại được quyền đó cho người Chính thống giáo. Chẳng bao lâu người Francis giành lại lần nữa, nhưng ba lần đấu đá thực sự bùng nổ trong Nhà Thờ.* Năm 1699, người Ottoman, bị đánh bại trên mặt trận, phải ký Hiệp ước Karlowitz, cho phép các Cường quốc bảo vệ các đồng đạo của họ ở Jerusalem – một sự nhượng bộ tai họa.

* Henry Maundrell, vị tuyên giáo của Công ty Levant Anh quốc, đến thăm Jerusalem vào năm 1697, chứng kiến sự hùng hổ của các thầy tu khi họ đánh nhau đến đổ máu trong Nhà Thờ. Ông cũng mô tả cơn điên loạn của Lửa Thánh thậm chí còn mê cuồng hơn một thế kỷ trước đây khi Sandys đến thăm: khách hành hương ‘bắt đầu hành động theo một cách thức sỗ sàng như phơi bày thân thể trần truồng, họ nhào lộn theo kiểu các tay nhào lộn trên sân khấu. Về phần các giáo sĩ, Maundrell chỉ gọi họ là những ‘tên lái buôn phép lạ’. 

 Trong khi đó các thống đốc của Istanbul áp bức Palestine ngặt nghèo đến nỗi nông dân vùng lên. Năm 1702, vị thống đốc Jerusalem mới đập tan bọn nổi loạn và trang trí tường thành bằng những thủ cấp của nạn nhân. Nhưng khi ông phá hủy một ngôi làng do thủ lĩnh tôn giáo – vị mufti – của Jerusalem  sở hữu, pháp quan của thành phố lên án ông ta tại buổi cầu nguyện Ngày Thứ Sáu ở al-Aqsa và mở cổng cho phe nổi dậy. 

 

CHƯƠNG 33   CÁC ĐẠI GIA (1705–1799)

 

NHÀ HUSSEINI: CUỘC VÙNG DẬY CỦA NAQIB AL-ASHRAF VÀ VỤ GIẾT CHÓ

Các nông dân vũ trang cướp bóc đường phố. Pháp quan, được lực lượng đồn trú hậu thuẫn, phá ngục và nắm quyền chỉ huy Jerusalem. Trong một thời khắc kỳ lạ, thành phố bỗng thấy mình độc lập: pháp quan, đáp lại tiền hối lộ nhận được, bổ nhiệm Muhammad ibn Mustafa al-Husseini làm chỉ huy thành phố.

Husseini là tộc trưởng của dòng họ nổi tiếng từ lâu ở Jerusalem, đã vươn lên nhờ theo đuôi của dòng họ Farrukh cách đây một thế kỷ, nhưng ông ta cũng là  Naqib al-Ashraf, gia trưởng của dòng họ hậu duệ của đấng Tiên Tri, qua đứa cháu Husseini của ông: chỉ có dòng họ Ashraf mới có thể mặc áo choàng xanh lá và được thưa gởi bằng Sayyid.

 Người Ottoman phái binh lính đàn áp phe nổi dậy đang hạ trại ngoài tường thành. Husseini cho thấy mình đã sẵn sàng cho cuộc vây hãm, và binh lính phải rút về Gaza. Bên trong Jerusalem, phe nổi dậy đã thay thế một tên độc tài này bằng một tên độc tài khác. Người Do Thái bị cấm mặc đồ trắng vào ngày Sabbath hoặc đội khăn xếp Hồi giáo hoặc đóng đinh trong giày họ; người Cơ đốc chịu những hạn chế ăn mặc tương tự; và cả hai phải nhường đường cho người Hồi khi đi trên phố. Những tiền phạt gây căm phẫn được thu bằng bạo lực. Một giáo phái về đấng cứu thế gồm 500 người Do Thái Ba Lan từ Grodno đến, do Judas the Pious cầm đầu, vừa mới đến thành phố. Nhưng giáo sĩ của họ vừa mới chết, và vì chỉ nói được tiếng Ba Lan và Do Thái, họ lâm vào hoàn cảnh khốn đốn. Chẳng bao lâu họ lâm vào cảnh nghèo khó.

Khi một con chó thất lạc lảng vảng đến Núi Đền, pháp quan bèn xuống lệnh giết hết chó ở Jerusalem. Để làm nhục, mỗi người Do Thái và Cơ đốc phải giao nộp những con chó chết đến điểm thu gom bên ngoài Cổng Zion. Từng đám trẻ con săn giết chó rồi đem xác chúng đến nhà người ngoại giáo gần nhất.

Khi một lực lượng quân đội Ottoman mạnh hơn tiến đến, quân đồn trú và nhà thần bí Sufi quay ra chống trả phe nổi dậy và chiếm được Tháp David. Husseini phòng ngự trong lâu đài của mình, và hai bên bắn tên qua lại trong ba ngày. Trong trận chiến xảy ra sau đó, các đường phố phía bắc Thành phố Cổ vương vãi xác chết – và Husseini mất nhiều hậu thuẫn hơn. Bên ngoài, binh lính Ottoman pháo kích vào Núi Đền. Đến nửa đêm ngày 28/11/1705, Husseini biết cuộc chơi của mình đã kết thúc liền đào tẩu, bị binh lính Ottoman truy đuổi. Ách cai trị bòn rút tiếp tục dưới quyền một thống đốc mới. Nhiều người Do Thái, bị cướp đoạt lần nữa, chỉ biết bỏ đi, và phong trào Ashkenazis Ba Lan sụp đổ, cuối cùng vào năm 1720, đối mặt với tù tội, ngăn cấm và sạt nghiệp, giáo đường của họ trong Khu Do Thái cháy rụi. Sephardis – cộng đồng Do Thái cổ, nhỏ thấy dễ chịu trong thế giới Ả Rập và Ottoman – còn  sống sót.

Husseini bị bắt và bị bêu đầu. Sau nhiều tranh chấp nơi triều đình, nhà Husseinis sau đó được kế vị chức naqib (gia trưởng dòng họ thuộc hậu duệ của Muhammad) bởi Abd al-Latif al-Ghudayya nhờ gia đình ông đã đổi sang họ của nhà Husseinis danh giá mà họ cuỗm đâu đó trong thế kỷ.  Nhà Ghudayyas trở thành nhà Husseini mới, dòng họ hùng mạnh nhất trong những dòng họ cai trị Jerusalem – tận đến thế kỷ 21.

NHÀ HUSSEINIS: SỰ TRỖI DẬY CỦA NHỮNG DÒNG HỌ

Bất kỳ ai có vai vế đến Jerusalem vào thế kỷ 18 đều muốn ở lại với vị thủ lĩnh của gia tộc này. Dòng họ mở rộng cửa cho nông dân, học giả và các viên chức Ottoman; người ta kể rằng ông tiếp 80 thực khách mỗi ngày vào bữa ăn tối. ‘Mỗi người từ xa đến gần đều muốn thăm viếng ông,’ một vị khách đã từng đến ‘cung điện’ của Abd al-Latif al-Ghudayya đã viết như thế. ‘Những người lạ tìm thấy nơi trú ẩn trong nhà ông, lưu lại đó nếu họ muốn.’ Các vị khách của Abd al-Latif khi rời Jerusalem đều được một toán kỵ mã hộ tống.

Sự trỗi dậy của nhà Husseinis đánh dấu sự vươn lên của những Đại Gia Jerusalem quyền thế. Nói đúng ra mọi chức danh ở Jerusalem đều có tính kế thừa. Hầu hết các Đại Gia đều là dòng dõi của những tộc trưởng Sufi đã được ân sủng của vị sultan này hay vị sultan khác. Hầu hết đều thay đổi tên họ, chế ra những phả hệ phi thường và luân phiên gây thâm thù rồi cưới gả lẫn nhau – không khác bên phương Tây. Mỗi dòng họ bảo vệ quyết liệt và nỗ lực bành trướng căn cứ địa quyền lực hốt bạc của mình.

Nhưng tài sản mà không có học thức sẽ là ô trọc; còn con dòng cháu giống nếu không có của cải cũng bó tay, và vị thế không thể đạt được nếu không có sự bảo trợ của Ottoman. Đôi khi các dòng họ phải chiến đấu để kiểm được điều đó: hai người trong nhà Nusseibeh bị phục kích bởi một đội vũ trang nhà Husseini gần Abu Ghosh, nhưng, theo tập quán, các gia đình làm hoà với nhau bằng cách cưới người em Nusseibeh còn sống sót trong tai nạn cho em gái vị Mufti (Thủ lĩnh tôn giáo) của Jerusalem.

Vậy mà các Đại gia cũng khó bảo đảm sự hưng thịnh trong một Jerusalem bị thương tích bởi những trận đấu đá xen kẽ giữa 500 quân đồn trú Ottoman có tiếng ngang tàng, bọn cướp cạn Bedouin, phe nổi dậy người Jerusalem và các thống đốc tham ô. Dân số tụt xuống chỉ còn 8,000, bị rình rập bởi Thống đốc Damascus xuống thành phố mỗi năm với một lực lượng nhỏ để thu thuế.

Người Do Thái, không được sự hậu thuẫn của châu Âu, chịu đựng nhiều nỗi đắng cay. ‘Người Ả Rập’, theo lời của Gedaliah, một người Ashkenazi từ Ba Lan, ‘thường xúc phạm người Do Thái công khai. Nếu một người Ả Rập cho một người Do Thái một thoi, y chỉ biết cúi đầu bỏ đi. Trong khi một người Thổ căm tức có thể đánh đập thẳng tay bằng chiếc giày của mình mà không ai dám can thiệp giải cứu y.’  Họ sống trong cảnh cùng quẫn, bị cấm sửa chữa nhà. 200 gia đình Do Thái phải trốn đi: với ‘sự bức hại và moi móc tiền tăng lên từng ngày’, một khách hành hương Do Thái năm 1766 viết, ‘tôi phải trốn khỏi thành phố lúc ban đêm. Mỗi ngày đều có ai đo bị quăng vào ngục.’

Người Cơ đốc căm ghét nhau hơn cả căm ghét người ngoại đạo – đúng như Cha Elzear Horn của dòng Francis, chỉ đơn giản gọi người Hy Lạp Chính thống giáo là ‘Bọn Nôn Mửa’. Mỗi giáo phái đều hả hê khi nhìn thấy đối thủ của mình trong Nhà Thờ chịu cảnh sống thiếu tiện nghi và cùng quẫn nhục nhã. Ottoman kiểm soát và cuộc tranh chấp trong Cơ đốc giáo có nghĩa là mỗi đêm có 300 người thường trú bị nhốt bên trong; ‘giống tù nhân hơn’ là giáo sĩ theo cái nhìn của Evliya, sống trong tình cảnh bị vây hãm thường xuyên. Thực phẩm được đưa qua lỗ trên cửa hoặc được kéo lên qua một hệ thống ròng rọc, đến cửa sổ. Những thầy tu này – hầu hết là Chính thống giáo, Thiên chúa giáo hoặc Armenia – cắm dùi trong trạng thái căng thẳng ẩm ướt, tù túng, bị ‘nhức đầu, sốt nóng, ung nhọt, tiêu chảy, kiết lỵ.’ Nhà xí của Mộ Thánh đóng góp một nguồn cơn khổ não đặc biệt – và mùi xú uế: mỗi giáo phái có bố trí nhà xí riêng, nhưng dòng Francis, theo lời Cha Horn, ‘phải hứng chịu mùi xú uế nồng nặc’. Người Hy Lạp không có nhà vệ sinh gì hết. Trong khi đó những giáo phái nhỏ bé hơn nghèo kiết xác, như Copt, Ethiopia và Syria, chỉ có thể kiếm sống bằng những công việc thấp hèn như đổ rác. Không có gì ngạc nhiên khi tác giả Pháp Constantin Volney nghe nói người dân Jerusalem ‘đã có được tiếng tăm xứng đáng là dân tộc xấu xa nhất ở Syria’.

Khi Pháp một lần nữa tranh thủ được quyền praedominium cho dòng Francis, người Chính thống giáo Hy Lạp đánh trả. Vào đêm trước Chủ nhật Lễ Cọ 1757, người Chính thống giáo Hy Lạp đột kích người Francis trong Nhà Tròn của Mộ Thánh, ‘bằng chày vồ, rựa, móc sắt, dao găm và gươm’ được cất giấu phía sau cột và dưới lớp áo, đập vỡ đèn và rọc rách thảm trải. Người Francis trốn chạy đến nhà thờ St Saviour, tại đó họ bị bao vây. Những chiến thuật xã hội đen này có tác dụng: vị sultan chuyển trở lại quyền cho người Hy Lạp, ban cho họ vị thế thống trị trong Nhà Thờ Mộ Thánh mà họ còn giữ lại đến ngày nay. Giờ thì quyền lực Ottoman đã sụp đổ ở Palestine. Khởi đầu ở Galilee vào thập niên 1730, một tộc trưởng Bedouin, Zahir al-Umar al-Zaydani, cắt lấy một miếng lãnh thổ phía bắc mà y cai trị từ Acre – thời điểm duy nhất, không kể những vụ nổi dậy ngắn ngủi, mà một người Ả Rập ở bản địa Palestine cai trị được phần mở rộng của Palestine.

 

SỰ VƯƠN LÊN  VÀ SUP ĐỔ CỦA ‘VUA PALESTINE’

Vào năm 1770, Ali Bey, một vị tướng Ai Cập vinh dự được gán danh hiệu Người Bắt Được Mây (nhờ ông đã đánh bại bọn Bedouin, mà người Ottoman tin là khó hơn việc bắt được mây), kết đồng minh với Tộc trưởng Zahir. Cùng nhau họ chinh phục hầu hết Palestine, thậm chí chiếm Damascus, nhưng thống đốc của sultan vẫn giữ được Jerusalem. Nữ hoàng Nga, Catherine Đại Đế, đang lâm chiến với Ottoman và giờ đây bà phái một hạm thuyền đến Địa Trung Hải, và đánh bại hải quân sultan tại đó. Người Bắt Được Mây cần sự hậu thuẫn của Nga và Nga chỉ quan tâm đến chiến lợi phẩm: Jerusalem. Chiến thuyền Nga công kích Jaffa rồi giương buồm đi lên tấn công Beirut. Zahir đánh chiếm Jaffa – nhưng liệu ông cùng với Người Bắt Được Mây có thể giải phóng Jerusalem không?

Tộc trưởng Zahir gửi binh lính đến bao vây thành phố nhưng họ không gây xứt mẻ gì cho tường thành. Quân Ottoman, bị đánh bại trên mọi mặt trận, chịu thương lượng hòa bình với Nga. Trong hiệp ước hòa bình năm 1774, Catherine và đối tác của bà Hoàng thân Potemkin buộc người Ottoman phải công nhận sự bảo hộ của người Nga đối với Chính thống giáo – và rút cuộc nổi ám ảnh lớn dần của người Nga về Jerusalem sẽ dẫn đến một trận chiến Âu châu.* Quân Ottoman giờ đây có thể chiếm lại các tỉnh lỵ đã mất: Người Bắt Được Mây bị ám sát và Tộc trưởng Zahir, tuổi 86, phải trốn thoát khỏi Acre. Khi ông phóng ngựa đi, ông chợt nhớ đã quên mang theo nàng hầu sủng ái – ‘đây không phải lúc bỏ một người ở lại phía sau,’ ông nói – và phi ngựa trở lại. Khi ông định vớt nàng lên thì nàng ghì lại và kéo ông rớt xuống ngựa và các sát thủ xông đến đâm vào chặt đầu ông. Thủ cấp ngâm dấm của ‘vị Vua đầu tiên của Palestine’ được gởi về Istanbul. Tình trạng vô chính phủ giờ lôi kéo sự chú ý của người hùng đang lên của Cách mạng Pháp.

* Potemkin nghỉ ra ‘Dự án Hy Lạp’ cho Catherine – người Nga sẽ chính phục  Constantinople (người Nga gọi là Tsargrad) để cháu nội của bà, cũng có tên Constantine cai trị. Việc  Catherine chia cắt Ba Lan mang hàng triệu người Do Thái vào đế chế Nga lần đầu tiên, phần đông đều bị giam hãm trong cảnh nghèo khổ ở khu định cư. Nhưng Potemkin, một trong nhà lãnh đạo thân Do Thái nhất trong lịch sử nước Nga, là một người Zionist Cơ đốc xem việc giải phóng Jerusalem là một phần trong Dự án Hy Lạp của mình. Năm 1787, ông thành lập Trung đoàn Israelovsky của Kỵ binh Do Thái để đánh chiếm Jerusalem. Potemkin qua đời trước khi có thể biến mơ ước mình thành hiện thực. 

NAPOLEON BONAPARTE: ‘KINH KORAN DO TÔI BIÊN SOẠN’

Vào ngày 19/5/1798, Napoleon Bonaparte, 28 tuổi, mặt xanh xao và hốc hác, với mái tóc dài rũ xuống, lên đường với 335 chiến thuyền, 35,000 binh sĩ và một hàn lâm viện gồm 167 nhà khoa học để chinh phục Ai Cập. ‘Ta sẽ lập ra một tôn giáo’, ông suy nghĩ với vẻ xấc xược tự cao tự đại, ‘ta thấy mình đang hành quân đến châu Á, cưỡi lên mình voi, khăn xếp quấn trên đầu, một tay cầm cuốn kinh Koran mới do chính ta soạn.’

Cuộc viễn chính của ông có động lực là nền khoa học cách mạng, chính trường lạnh lùng và tính lãng mạn thập tự chinh. Mỗi người ở Paris đều đã đọc cuốn du ký bán chạy nhất của triết gia Constantin Volney, mô tả ‘sự đổ nát tơi tả của Jerusalem’ và lãnh địa Levant đang phân rã của đế chế Ottoman đã chín mùi cho cuộc chinh phục dưới chiêu bài văn minh hóa của sứ mệnh Khai Sáng. Cách mạng Pháp đã ra sức tiêu diệt Giáo hội và thay thế Cơ đốc giáo bằng lý trí, tự do và thậm chí một giáo phái mới về Siêu Nhân. Tuy nhiên, đạo Thiên chúa vẫn trụ lại và Napoleon có khát vọng chữa lành những thương tích của Cách mạng bằng cách hợp nhất vương quyền, tín ngưỡng và khoa học – do vậy mới có sự hiện diện đông đảo các nhà khoa học trên tàu. Nhưng cũng vì đế chế: Pháp đang lâm chiến với Anh. Cuộc viễn chính là sản phẩm trí tuệ của cựu giám mục và ngoại trưởng lác mắt, khập khiễng, Charles-Maurice de Talleyrand. Ông ta hi vọng nó sẽ tranh thủ được quyền kiểm soát Địa Trung Hải và cắt đứt Ấn Độ thuộc Anh. Nếu Bonaparte thành công, thế thì tốt nhưng nếu ông thảm bại, Talleyrand sẽ loại trừ được một đối thủ. Như xảy ra quá thường trong vùng Trung Đông, người Âu châu kì vọng người đông phương sẽ tỏ lòng biết ơn đối với những cuộc chinh phục đầy thiện ý của mình.

Napoleon đổ bộ thành công lên Ai Cập, bấy giờ nằm dưới quyền cai trị của một tập đoàn các sĩ quan mang hai dòng máu mamluk-Ottoman. Ông nhanh chóng đánh tan họ tại Trận Kim Tự Tháp, nhưng đô đốc Anh Horatio Nelson xóa sổ hạm thuyền Pháp tại Vịnh Aboukir. Bonaparte đã đánh bại Ai Cập nhưng Nelson đã gài bẫy quân đội ông ở phía Đông và điều này cổ vũ quân Ottoman thách thức ông ở Syria. Nếu Napoleon muốn sống còn ở Ai Cập, ông phải hành quân ra bắc và chiếm Syria.  Vào tháng 2 năm 1799, ông xâm chiếm Palestine với 13,000 binh lính và 800 lạc đà. Ngày 2 tháng 3, khi ông tiến về Jaffa, đội kỵ binh của ông dưới quyền chỉ huy của Tướng Damas tiến hành một cuộc đột kích chỉ cách Jerusalem ba dặm. Tướng Bonaparte nghĩ về cảnh tượng chinh phục Thành phố Thánh, báo cáo cho Hội đồng Đốc chính Cách mạng ở Paris: ‘Khi các ngài đọc được thư này, có lẽ tôi đang đứng trong cảnh hoang tàn của Đền Thờ Solomon.’


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s