Những nhân vật quan trọng của lịch sử Miến Điện hiện đại

aung sang

Ảnh: lãnh tụ lập quốc Miến Điện – Aung San và vợ Khin Kyi. Có thể thấy Aung San mặc quân phục Nhật Bản.

Đăng Phạm

*Trước tiên, nói qua một chút về tên của người Miến Điện. Rất đặc biệt ở chỗ tên người Miến không có họ. Trước kia, tên của người Miến thường chỉ có đúng một chữ, trong khi tên của các dân tộc khác cũng trong nước Miến Điện có thể dài hơn. Nhưng từ đó, trải qua những thay đổi lịch sử, tên người Miến Điện đã biến đổi để dài hơn như ngày nay, với tên người 4 đến 5 chữ cũng không phải là khó tìm.

Tuy nhiên, vào thời mà tên của người Miến vẫn còn ngắn, người ta thường kèm thêm kính ngữ vào trước tên, mà cụ thể các trường hợp sẽ nói tới ở dưới. Các kính ngữ phổ biến có thể kể tới như U, Saw, Thakin, Khun,… đều là những kính ngữ dành cho những nhân vật được kính trọng ở Miến Điện mà chúng ta sẽ bắt gặp nếu đọc lịch sử Miến giai đoạn này.

1 . Aung San: cha lập quốc Miến Điện.

Aung San sinh năm 1915 trong gia đình cha là người Chin, mẹ là người Miến. Cha của Aung San tên là Pha, mẹ tên là Suu. Như đã nói, tên người Miến thời trước chỉ có một âm tiết. Tuy nhiên, để tỏ lòng kính trọng cha mẹ sinh ra người lập quốc Miến Điện, người dân hiện nay thường gọi họ là U Pha và Daw Suu. Ở trường hợp này, U là kính ngữ ”Ông/Bác”, Daw là kính ngữ ”Bà”. Nói một cách dễ hiểu thì ở Myanmar có rất nhiều ”Bác Hồ” theo kiểu Việt Nam.

Cuộc đời Aung San không quá nổi bật cho đến khi thế chiến thứ 2 bùng nổ. Khi đó ông đang học đại học và thường xuyên đi lại giữa Miến Điện và Ấn Độ. Năm 1940, quân Nhật xâm chiếm Đông Nam Á trong đó có Miến Điện. Aung San nghĩ rằng đây là cơ hội để đánh đuổi những kẻ thống trị người Anh để giành độc lập cho Miến Điện. Vì vậy, khi Nhật đưa quân vào Miến Điện, Aung San cùng một đồng chí của mình là U Nu đã thành lập nên quân đội của mình, lấy tên là ”Quân đội độc lập Miến Điện” với mục đích giúp người Nhật đánh đuổi người Anh.

Công bằng mà nói, thời kỳ đầu, quân đội của Aung San cũng gây nhiều tội ác với người dân Miến Điện. Họ đã giết nhiều người Miến Điện được cho là ủng hộ quân Anh. Tuy nhiên, đến năm 1943 thì Aung San nhận ra rằng quân Nhật không hề có ý định giúp Miến Điện độc lập, mà chỉ lợi dụng để biến Miến Điện thành quân cờ chống lại quân Đồng Minh. Hơn nữa, ông còn chứng kiến quân Nhật gây nhiều tội ác cho người dân Miến Điện không kém gì những kẻ cai trị cũ. Vì vậy từ năm 1943, quân đội của Aung San và U Nu đã trở cờ, quay sang tấn công người Nhật. Điều này được phe Đồng Minh ghi nhận. Khi tiến hành phản công chiếm lại Miến Điện năm 1944, các tướng quân Đồng Minh đã công nhận ”quân đội của [Aung] San là một đồng minh” và giúp họ đánh đuổi Nhật.

Cuối năm 1945, quân đội của Aung San tiến vào giải phóng Yangoon, nhưng ngay sau đó Aung San ra lệnh giải tán quân đội và giao nó cho quân Đồng Minh, để Miến Điện được công nhận là nước thuộc phe Đồng Minh thắng trận. Người ta kể rằng khi tiến vào Yangoon, Aung San vẫn còn mặc trên mình bộ quân phục cũ của Nhật Bản.

Thời gian sau đó là một giai đoạn khó khăn của Aung San. Quân đội của Aung San bị người Anh giải giáp, và bản thân ông thậm chí bị xem xét đưa ra tòa án hình sự vì những tội ác chống lại tù binh và dân thường hồi đầu Thế chiến. Tuy nhiên, may mắn cho Aung San, viên toàn quyền Anh ở Miến Điện lúc đó ngài Reginald Dorman-Smith biết rõ sự tình, đã thuyết phục chính quyền Anh không xét xử Aung San. Reginald Dorman-Smith sau đó phải trở về Anh vì sức khỏe yếu, nhưng viên toàn quyền kế nhiệm ông là Hubert Rance cũng là một người nhiệt thành ủng hộ Aung San và nền độc lập của Miến Điện.

Năm 1946, sau khi Hubert Rance nhậm chức Toàn quyền, Aung San được tự do và ráo riết chuẩn bị mọi việc cho nền độc lập của nước nhà. Một trong những việc quan trọng nhất của Aung San, là đi gặp thủ lĩnh các dân tộc thiểu số của Miến Điện như Shan, Chin, Kachin, Karen,… để thuyết phục họ ở lại nhà nước Miến Điện mới. Trước đó, do lịch sử xung đột và bản thân Aung San cũng từng có nhiều hành động chống lại các dân tộc thiểu số, ông lo sợ những dân tộc đó sẽ quay lưng với nước Miến Điện để lập nước riêng.

Tháng 2/1947 sau những cuộc đàm phán bền bỉ ở Panlong, Aung San cuối cùng cũng đạt thỏa thuận lịch sử với các dân tộc thiểu số. Theo đó, thủ lĩnh các dân tộc Shan, Chin, Kachin,… đồng ý sẽ gia nhập nước Miến Điện trong ít nhất 10 năm. Đến năm 1958, họ sẽ có quyền tự quyết ở lại hoặc rời đi không bị ràng buộc. Với thỏa thuận Panlong lịch sử này, Aung San đã đặt nền móng cho một nước Miến Điện độc lập và thống nhất sẽ ra đời sau đó, và điều này khiến ông được tôn là ”Cha lập quốc của Miến Điện”.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng trước khi Miến Điện có được độc lập, một biến cố đã xảy ra. Tháng 7/1947, khi Aung San đang họp với các bộ trưởng tương lai của mình, những kẻ có vũ trang đã ập vào xả súng giết chết Aung San và các bộ trưởng. Cái chết của Aung San là một biến cố đau đớn với người dân Miến Điện mà sau đó đã để lại những di sản khó có thể khắc phục.

851047-68829-ggthqvwxbs-1505814299

Aung San kết hôn với Khin Kyi, người sinh cho ông 4 con, 2 trai 2 gái.

2. U Saw: tội đồ giết hại Aung San.

Saw, gọi kính ngữ là U Saw, sinh năm 1900. Là một nhân vật thuộc giới tinh hoa Miến Điện thời thuộc địa phục vụ Đế quốc Anh. Khi chiến tranh thế giới nổ ra, U Saw đã lập ra lực lượng kháng chiến riêng của mình và một chính quyền Miến Điện lưu vong ở nước ngoài (ở trong nước Nhật dựng lên một chính quyền Miến Điện bù nhìn của Ba Maw). U Saw ra điều kiện với người Anh rằng sau khi giúp họ đánh Nhật, người Anh phải cho Miến Điện trở thành nước bán độc lập (nôm na là như Úc, Canada, New Zealand,… ngày nay).

Sau năm 1945, U Saw về nước và cũng được tham gia nội bộ lãnh đạo Miến Điện sắp độc lập. Tuy nhiên, U Saw không thích Aung San. Dù cả 2 đều có lực lượng kháng chiến riêng của mình, nhưng Aung San được người dân ủng hộ nhiều hơn do trực tiếp đánh Nhật trong nước, trong khi quân của U Saw được cho là vẫn trung thành với Anh và lưu vong ở nước ngoài. Hơn nữa, U Saw còn được miêu tả là người theo chủ nghĩa dân tộc Miến Điện, không chấp nhận một nhà nước Miến Điện chung với các dân tộc Shan, Chin, Kachin, Karen,… Do đó U Saw đòi người Anh buộc các dân tộc khác phải rời nhà nước Miến Điện, dĩ nhiên điều này không được chấp nhận.

Mang mối hiềm khích cá nhân, U Saw được cho là lên kế hoạch sát hại Aung San. Tháng 7 năm 1947, Aung San bị ám sát. Dù không có bằng chứng rõ ràng nhưng cảnh sát Anh đã nhanh chóng bắt giữ U Saw. Sau một cuộc điều tra, chính quyền Anh kết tội U Saw ám sát Aung San và kết án tử hình U Saw.

Năm 1948, chính quyền mới của Miến Điện đã thu nhận bản án của Anh, thực hiện án tử hình với U Saw. U Saw bị treo cổ tháng 5 năm 1948 tại nhà tù ở Yangoon, kéo theo những bí ẩn chưa được giải đáp về cái chết của lãnh tụ Aung San.

3 . Thakin Than Tun: kẻ không gặp thời

Than Tun, gọi kính ngữ là Thakin Than Tun (Thakin là ”thủ lĩnh”) sinh năm 1911, là anh rể (hoặc em rể) của lãnh tụ Aung San.

Thakin Than Tun được coi là người duy nhất có thể sánh được với Aung San về khả năng lãnh đạo. Chỉ có điều Than Tun chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản rõ ràng hơn Aung San. Trong cuộc đấu tranh cho độc lập của Miến Điện, trong khi Aung San trở thành một lãnh đạo trung dung để đoàn kết các đảng phái và sắc tộc trên toàn Miến Điện, thì Than Tun vẫn kiên quyết đi theo và trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Miến Điện.

Nhưng ngay cả bản thân Đảng Cộng sản Miến Điện cũng bị phân hóa. Phái ”cờ Đỏ” tách ra năm 1946, tiến hành nổi dậy chống lại Aung San từ sớm. Phái ”cờ Trắng” của Than Tun vẫn ở lại, hợp tác với chính quyền của Aung San. Tuy nhiên, sau khi Aung San bị ám sát năm 1947, các thành viên Cộng sản ”cờ Trắng” cũng rút lên phía Bắc, tiến hành nổi dậy dưới sự chống lưng của Trung Quốc. Từ đây, mở ra cuộc nổi loạn kéo dài 20 năm của Đảng Cộng sản Miến Điện.

Cuộc nổi dậy của những người Cộng sản ở Miến Điện kéo dài gần 20 năm. Năm 1963, phái ”Cờ Đỏ” bị đánh bại và chấp nhận đầu hàng, lý do là vì Trung Quốc từ bỏ hỗ trợ Đảng Cộng sản Miến Điện để ủng hộ chính phủ Miến Điện độc tài của Ne Win. Than Tun và phái ”cờ Trắng” lánh sang Vân Nam trốn tránh quân chính phủ Miến Điện. Nhưng đến năm 1967, quân Miến Điện đã cử một sát thủ sang căn cứ của Đảng Cộng sản ở Vân Nam, sát hại Than Tun, từ đó đặt dấu chấm hết cho cuộc nổi dậy Cộng sản ở Miến Điện.

Thakin Than Tun được nhận định là một lãnh đạo giỏi ở Miến Điện, ngang với Aung San, nhưng không đi cùng lợi ích của đất nước. Cuộc nổi dậy Cộng sản của ông đã khiến Miến Điện rơi vào loạn lạc và chia rẽ trong hàng chục năm.

4 . U Nu: thời kỳ dân chủ Nghị viện.

Nu, sinh năm 1907, gọi kính ngữ là U Nu hoặc cũng gọi là Thakin Nu.

U Nu là đồng chí sát cánh bên lãnh tụ Aung San ngay từ những ngày đầu tiên. Vai trò của ông vì vậy trở nên mờ nhạt so với Aung San. Trong thời kỳ Thế chiến, trong khi Aung San chỉ huy quân kháng chiến thì U Nu không may bị quân Nhật bắt giam cùng với Thakin Than Tun (anh rể Aung San), thậm chí suýt chết khi nhà tù bị quân Đồng minh ném bom. Thời gian bị giam giữ và tra tấn trong tù được cho là nguyên nhân khiến sức khỏe U Nu rất yếu.

Khi Miến Điện sắp độc lập, U Nu được Aung San chào đón vào nội các mới, được coi như nhân vật thứ 2 trong các lãnh đạo Miến Điện. Vì vậy, khi Aung San bị ám sát năm 1947, U Nu nghiễm nhiên trở thành người được chọn thay thế. Năm 1948, U Nu được người dân Miến Điện bầu làm Thủ tướng đầu tiên của nước này.

Thời kỳ U Nu lãnh đạo được gọi là thời ”dân chủ Nghị viện” ở Miến Điện. Trong thời kỳ này, Miến Điện là nhà nước Liên bang, bình đẳng giữa các dân tộc và đảng phái. U Nu ưa chuộng đường lối Xã hội chủ nghĩa và Đạo Phật nên kết hợp 2 điều này để lãnh đạo Miến Điện. Nền kinh tế Miến Điện thời kỳ này tương đối ổn định. Về chính trị, U Nu thi hành chính sách trung lập, không liên kết, thể hiện qua việc Miến Điện thời U Nu đứng trung lập hoàn toàn trong vấn đề Chiến tranh Việt Nam.

Tuy vậy, như đã nói, sức khỏe U Nu rất yếu gây trở ngại đến việc lãnh đạo đất nước của ông. U Nu liên tục gặp vấn đề sức khỏe khiến công việc của chính phủ bị gián đoạn. Hơn nữa, thời kỳ này Miến Điện phải đau đầu với việc tàn quân Quốc Dân Đảng từ Trung Quốc tràn qua khu vực biên giới, điều mà U Nu không thể giải quyết. Từ năm 1958, U Nu đã phải nghỉ việc Thủ tướng, quyền hành tạm giao cho tướng quân đội là Ne Win giữ để ổn định. Năm 1960, U Nu quay lại làm thủ tướng, nhưng chỉ 2 năm sau bị Ne Win lật đổ, cũng chấm dứt thời kỳ dân chủ của nước này.

Sau khi bị mất chức, U Nu phải lánh sang Ấn Độ. Ở trong nước, những người trung thành với U Nu nổi dậy chiến đấu nhưng cũng bị Ne Win dẹp tan. U Nu sau đó dành thời gian để viết sách và thuyết giảng về Đạo Phật ở nhiều nơi trên thế giới. Đến cuối đời, ông được chính quyền quân sự Myanmar cho trở về và qua đời ở quê nhà.

5 . U Thant: Tổng thư ký LHQ

u-thant

Thant, sinh năm 1909, người Miến Điện tôn kính gọi U Thant.

Được coi là niềm tự hào lớn nhất của Miến Điện trong thế kỷ 20, U Thant trở thành Tổng thư ký Liên Hợp quốc đầu tiên là người châu Á. Vốn xuất phát từ chính sách trung lập không liên kết dưới thời Thủ tướng U Nu, ông U Thant được cử đi ký kết hiệp ước thành lập khối Không liên kết ở Bandung năm 1955, rồi từ đó làm việc ngoại giao ở Liên Hợp Quốc. Trong vai trò này, U Thant đã thể hiện khả năng ngoại giao tài tình của mình trong sự kiện ở Algeria, được cho là đã sắp xếp để người Pháp chấm dứt chiến tranh và trao trả độc lập cho nước này.

Năm 1961, tổng thư ký Liên Hợp quốc khi đó là Dag Hammarskjöld bất ngờ thiệt mạng khi rơi máy bay ở Congo. Liên Hợp quốc đã nhanh chóng cử U Thant lên làm tổng thư ký vì uy tín của ông lúc đó. Và ông tiếp tục chứng tỏ khả năng của mình bằng việc gỡ rối 2 vấn đề hóc búa nhất lúc đó: khủng hoảng Congo và Khủng hoảng tên lửa Cuba. Cụ thể, U Thant đã đứng ra sắp xếp đàm phán để Mỹ và Liên Xô lần lượt rút tên lửa của mình khỏi Châu Âu và Cuba. Còn vấn đề Congo, ông kiên quyết đảm bảo sự thống nhất của Congo bằng cách trục xuất mọi lực lượng quân sự nước ngoài của Mỹ, Bỉ và Liên Xô khỏi Congo, đồng thời thể hiện sự cứng rắn bằng cách cho quân Gìn giữ hòa bình LHQ tấn công quân ly khai ở vùng Katanga, buộc khu vực này phải sáp nhập vào Congo.

Trong thời gian U Thant làm tổng thư ký LHQ, ở quê nhà thủ tướng U Nu bị Ne Win lật đổ. U Thant trung thành với U Nu, phản đối Ne Win khiến ông bị chính quyền quân sự Miến Điện chỉ trích và không cho trở về nhà. U Thant trở thành kẻ thù của chế độ độc tài Miến Điện, dù người dân Miến coi ông là người hùng quốc gia. Điều này khiến U Thant qua đời năm 1974 trên đất Mỹ, thi hài được chuyển bằng máy bay về Miến Điện. Nhưng ở quê nhà, người dân Miến Điện đã xây lăng mộ và tượng đài cho U Thant. Hàng vạn người đổ ra đường tưởng niệm Tổng thư ký LHQ. Điều này khiến quân đội Miến Điện cho quân vào phá tang lễ và bắt giữ các sinh viên tham gia tưởng niệm. Sự kiện này được gọi là ”Khủng hoảng tang lễ U Thant”. Cuối cùng, quân đội Miến Điện đã cướp quan tài của U Thant và chôn ở một nơi bí mật, không cho người dân đến viếng.

Ngày nay, người ta biết được rằng U Thant đã được chôn cất dưới chùa Shwedagon.

6 . Ne Win: thời kỳ độc tài Xã hội chủ nghĩa và sự suy yếu của Miến Điện.

ne-win-large-480

Ne Win (không có kính ngữ), sinh năm 1910, là một tướng quân đội Miến Điện. Là một tướng quân đội bình thường, có cảm tình với Đảng Cộng sản, Ne Win bất ngờ được thủ tướng U Nu giao trọng trách nắm chính quyền năm 1958 khi sức khỏe U Nu kém đi.

Nắm quyền lực bất ngờ trong tay, Ne Win quyết định dùng ”nắm đấm sắt” để ổn định tình hình. Trong thời gian thủ tướng U Nu vắng mặt, Ne Win tạo dựng thanh thế cho mình bằng cách cho quân đội Miến Điện dập tan cuộc nổi dậy của những phe phái cộng sản đối lập không chịu quy phục chính phủ. Tiếp đó, Ne Win thiết lập quan hệ thân với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trục xuất tàn quân Quốc dân Đảng khỏi Miến Điện.

Khi U Nu trở về làm thủ tướng năm 1960, uy tín của ông đã giảm trong khi của Ne Win đã lên cao. 2 năm sau, năm 1962, quân đội Miến Điện ủng hộ Ne Win đã lật đổ U Nu, chấm dứt thời kỳ dân chủ ở Miến Điện.

Ne Win lên nắm quyền đã thiết lập chế độ độc tài quân sự và đưa Miến Điện theo con đường Xã hội chủ nghĩa sao chép mô hình của Liên Xô. Nghị viện, các bang tự trị và các đảng phái đều bị giải tán, chỉ còn duy nhất ”Đảng Cương lĩnh Xã hội chủ nghĩa Miến Điện” của Ne Win được hoạt động. Đất nước đổi tên thành ”Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Miến Điện”. Quan hệ với Trung Quốc đặc biệt được chú trọng.

Tuy vậy, thời kỳ Ne Win cầm quyền là một thảm họa kinh tế, chứng kiến sự đi xuống về mọi mặt của Miến Điện. Ne Win cho tập thể hóa nông nghiệp, quốc hữu hóa các doanh nghiệp và độc quyền nhà nước về thương mại. Các chính sách sai lầm này đã tàn phá nền kinh tế đất nước. Từ một đất nước phát triển trung bình, xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á, sau gần 30 năm cầm quyền của Ne Win, Miến Điện trở thành quốc gia nghèo đói nhất khu vực. Vào những năm 80s, dù tình hình chưa đến mức cùng cực, Ne Win vẫn cầu xin Liên Hợp Quốc cho Miến Điện vào danh sách ”nước nghèo nhất thế giới” để được tha nợ nước ngoài. Điều này khiến người dân Miến Điện cảm thấy bị xúc phạm vào quốc thể và nổi lên chống đối Ne Win dữ dội.

Một trong những đường lối sai lầm nhất của Ne Win là việc in mệnh giá tiền vô tội vạ. Vốn là một người thích tướng số, Ne Win cho in những mệnh giá kỳ lạ như 15,25,35,45,90,… kyat (tiền tệ Myanmar) rồi sau đó lại thu hồi chúng mà không bồi thường. Trong đợt thu hồi mệnh giá năm 1987, Ne Win đã khiến cho 75% số tiền của người dân trở nên vô giá trị, khiến người dân toàn quốc xuống đường đòi lật đổ ông. Đến ngày 8/8/1988, sự kiện ”8888” nổi tiếng diễn ra khi quân đội nổ súng đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên, khiến sự việc vượt quá kiểm soát.

Để cứu vãn tình hình, quân đội Miến Điện đã một lần nữa làm đảo chính lật đổ Ne Win, chấm dứt chế độ độc tài trên danh nghĩa. Miến Điện bước vào thời kỳ mới với sự chuyển tiếp chậm chạp trở lại nền dân chủ.

7. Saw Maung: quân cờ che mắt?

Người đứng ra lật đổ Ne Win trong chính biến năm 1988 là tướng Saw Maung, tổng tư lệnh quân đội và Bộ trưởng quốc phòng Miến Điện.

Sinh năm 1928, Saw Maung đã thăng tiến nhanh chóng trong quân đội nhờ thành tích đàn áp các cuộc nổi dậy của sắc dân thiểu số và đảng phái đối lập, vươn lên chức Bộ trưởng quốc phòng. Vào năm 1988, chứng kiến nhân dân bất bình với nhà độc tài Ne Win, Saw Maung đã đứng ra làm chính biến, lật đổ thủ tướng Ne Win và cam kết khôi phục nền dân chủ như thời thủ tướng U Nu.

Được nhân dân ủng hộ, tướng Saw Maung cùng một số tướng cấp cao quân đội đã lập ra ”Hội đồng khôi phục Trật tự Nhà nước”, gọi tắt là SLORC. Đây chính là thế lực quân đội đã lãnh đạo, chi phối đất nước Miến Điện trên thực tế từ đó đến nay. Nhiệm vụ của SLORC được Saw Maung tuyên bố là sẽ giữ trật tự đất nước cho đến khi bầu cử dân chủ được khôi phục. Điều này đã gieo hy vọng cho Miến Điện về sự trở lại của nên dân chủ thời U Nu.

Thế nhưng, khi cuộc bầu cử năm 1990 diễn ra, các kết quả đã cho thấy Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ do Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng. Đứng trước kết quả này, tướng Saw Maung đã tỏ ra bối rối. Thậm chí trên truyền hình quốc gia, tướng Saw Maung bị nhìn thấy như sử dụng ma túy hoặc thuốc an thần. Trong khi người dân còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, thì bất ngờ một tướng quân đội khác là Than Shwe đã lên tiếng bác bỏ kết quả bầu cử, và cho người bắt giam Aung San Suu Kyi. Sau đó, tướng Saw Maung biến mất khỏi chính trường, và Than Shwe vươn lên thành lãnh đạo thực tế của SLORC và cả nước Miến Điện.

Tướng Saw Maung chết năm 1997 do đau tim, đồn đoán do bị đầu độc. Từ chỗ được coi là người hùng chấm dứt chế độ độc tài, Saw Maung trở thành người bị coi là quân cờ che mắt cho những âm mưu quyền lực của các đầu sỏ chính trị trong quân đội Miến Điện.

8. Than Shwe: nhà độc tài cuối cùng?

f1b2217e-9c01-11e5-9aa0-28ea742fb738_486x

Than Shwe và Aung San Suu Kyi

Than Shwe, sinh năm 1935, là tướng quân đội leo đến chức Phó Tham Mưu trưởng dưới quyền Saw Maung. Tuy nhiên, sau này người ta mới nhận ra rằng Than Shwe mới là ”bố già” chi phối quân đội Miến Điện chứ không phải Saw Maung.

Như đã nói ở trên, cuộc bầu cử năm 1990 nghiêng phần bất lợi cho phe quân đội. Tướng Saw Maung không đủ bản lĩnh giải quyết. Lúc này, Than Shwe đã ra tay, tuyên bố bác bỏ kết quả bầu cử và bắt giam các lãnh đạo phe dân sự (trong đó có Aung San Suu Kyi). Sau đó, Than Shwe phong mình lên chức đứng đầu SLORC, trở thành lãnh đạo thực tế của Miến Điện. Như vậy, trên thực tế nền độc tài quân sự ở Miến Điện vẫn tiếp tục sau khi Ne Win bị lật đổ.

Mặc dù có một số cải cách đáng chú ý, như mở cửa nền kinh tế Miến Điện hay đưa nước này gia nhập ASEAN, thì chính quyền quân sự của Than Shwe vẫn bị coi là có những hành động đàn áp tự do, bắt giữ nhà báo, ngăn cản bầu cử dân sự. Căng nhất là vào năm 2004, Than Shwe cho quân đội hạ bệ thủ tướng dân sự Khin Nyunt của Miến Điện do cho rằng ông này dám ”bật” quân đội. Nền kinh tế Miến Điện trong thời kỳ Than Shwe vẫn được cho là chậm chạp và người dân vẫn nghèo đói, trong khi Than Shwe nhiều lần từ chối viện trợ nước ngoài.

Cho đến khi Than Shwe về hưu năm 2011, thì người ta vẫn không chắc rằng quân đội Miến Điện sẽ từ bỏ ảnh hưởng của mình lên chính trường, và liệu rằng sau Than Shwe sẽ lại có tướng quân đội nào đứng ra lật thủ tướng Miến Điện nữa hay không?

Phần về Aung San Suu Kyi, có lẽ sẽ đề cập ở một bài viết khác


1 thoughts on “Những nhân vật quan trọng của lịch sử Miến Điện hiện đại

Bình luận về bài viết này