Long Vũ
Trận Ouadi Doum là một trận chiến diễn ra vào tháng 3 năm 1987 tại khu vực miền Bắc nước Cộng hòa Chad ở Bắc Phi. Diễn ra giữa một bên là quân đội Libya và quân đội Chad, đây được coi là trận đánh lớn cuối cùng trên lãnh thổ Chad trong cuộc chiến kéo dài gần 30 năm giữa Chad và Libya (từ năm 1965 đến năm 1987). Quân đội Chad với sự trợ giúp của Pháp, đã đánh thắng quân đội Libya trong trận này, đánh sập pháo đài lớn cuối cùng của quân Libya, đồng thời chấm dứt gần 10 năm Libya chiếm đóng miền Bắc Chad. Do ý nghĩa to lớn của trận đánh này với nền độc lập của Chad, và xa hơn là với các nước châu Phi báo chí các nước châu Phi và khối Pháp ngữ thời đó đã ca ngợi trận Ouadi Doum là ”Điện Biên Phủ sa mạc” – gợi nhớ lại trận đánh mà Việt Nam đã đánh sập pháo đài tuyên bố ”bất khả xâm phạm” của người Pháp.
*Bối cảnh:
Cộng hòa Chad là một quốc gia Bắc Phi, diện tích phần lớn nằm gọn trong sa mạc Sahara – khiến nó trở thành một trong những nước khô cằn và nghèo nhất thế giới. Sa mạc Sahara và vành đai Sahel cũng chia nước này thành những khu vực riêng biệt của người Hồi giáo ở phía Bắc và Thiên chúa giáo ở phía Nam. Địa hình khác biệt rõ rệt: ở miền Bắc gồm những khối núi cao nhất sa mạc Sahara. Càng về phía Nam càng bằng phẳng, và ở phần cực Nam gần hồ Chad có vùng đồng bằng trũng, là nơi duy nhất trên đất nước trồng trọt được.
Vị trí Cộng hòa Chad trên bản đồ
Sau khi độc lập khỏi Pháp đầu những năm 60s, Chad rơi vào cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước phương Tây và Arab – những người trong lịch sử thay nhau thống trị vùng đất này. Từ năm 1965, người Hồi giáo ở miền Bắc đã được Libya trợ giúp, tiến hành cuộc chiến tranh chống lại chính phủ do người Thiên chúa giáo đứng đầu ở miền Nam, đặt tại thủ đô N’Djamena. Sau 10 năm chiến tranh tương tàn đổ máu, năm 1975 các sĩ quan quân đội ở thủ đô N’Djamena dưới sự lãnh đạo của một tướng quân được lòng dân là Félix Malloum – đã tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ. Chính phủ quân sự mới của Félix Malloum đã chìa cành ô liu với người Hồi giáo ở miền Bắc, cho họ tham dự chính quyền và thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, người Hồi giáo đã bội ước. Năm 1979 họ làm binh biến đuổi tướng Félix Malloum ra nước ngoài, độc chiếm chính quyền, từ đó biến Chad trở thành một nước Hồi giáo đến ngày nay.
Những tưởng tiếng súng đã tắt sau khi người Hồi Giáo giành quyền kiểm soát đất nước, nhưng không! Chad không may mắn nằm ngay dưới gã láng giềng đầy tham vọng phía Bắc – Libya của Muammar Gaddafi. Năm 1978, để thực hiện ý đồ mở rộng ảnh hưởng ra khắp châu Phi, Gaddafi cho quân đội Libya tràn vào miền Bắc nước Chad, thiết lập sự chiếm đóng đối với 140.000 km2 lãnh thổ của Chad mà họ gọi là ”dải Aouzou”. Trong những năm tiếp theo, lợi dụng tình hình bất ổn ở Chad, quân Libya không ngừng mở rộng chiếm đóng, và họ chiếm được hơn nửa triệu km2 lãnh thổ Chad. Không những thế, họ còn hỗ trợ cho quân nổi dậy Chad chống lại chính phủ ở miền Nam, âm mưu thôn tính toàn bộ nước này. Chính phủ của had lúc đó do Tổng thống Hissène Habré – vốn là một tướng nổi dậy cũ do Libya đỡ đầu – đã quay súng sang chiến đấu chống lại Libya để bảo vệ đất nước.
Hissène Habré – Tổng thống Chad trong cuộc chiến chống Libya
Chính phủ Chad quá yếu không thể chống lại Libya, nhưng họ lại có phao cứu sinh là các hiệp ước ký với Pháp – quốc gia từng thống trị Chad. Theo đó, Chad được phép cầu viện Pháp trong trường hợp bị nước ngoài tấn công – trong trường hợp này là Libya. Tuân thủ hiệp ước, quân đội Pháp đã gửi quân giúp bảo vệ chính phủ Chad, giúp chính phủ nước này đứng vững trước quân nổi dậy. Nhưng Pháp cũng là một đối tác quan trọng của Libya lúc đó với các hợp đồng dầu mỏ và vũ khí hàng chục tỷ USD. Vì vậy, Pháp đã không giúp Chad đẩy quân đội Libya về nước. Thay vào đó, năm 1984 họ đứng ra thỏa thuận với quân đội Libya, chia Chad thành 2 khu vực riêng biệt, lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới. Từ đó, Chad bị chia cắt thành 2 miền. Từ vĩ tuyến 16 trở ra bị quân đội Libya và quân nổi dậy chiếm đóng, với quân số khoảng 90.000 quân. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam là vùng do chính phủ Chad kiểm soát, đồng thời có quân đội Pháp và một số nước châu Phi khác cử quân bảo vệ. Đến đầu năm 1986 chính phủ Pháp đã rút phần lớn quân về nước, chỉ để lại một số phi đội không quân và cố vấn quân sự.
Bản đồ bố trí các lực lượng nước ngoài ở Chad năm 1984 – vĩ tuyến 16 làm ranh giới giữa vùng Libya chiếm đóng và vùng Chad kiểm soát
Tuy nhiên, khi quân đội Pháp vừa rút quân về, tháng 2 năm 1986 quân đội Libya đã mở một chiến dịch tấn công, vi phạm hiệp định ngừng bắn. Từ đây mở ra giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến. Quân đội Pháp lúc này quyết định không triển khai lại lực lượng mặt đất nữa, nhưng tăng cường không quân hỗ trợ cho Chad từ các nước xung quanh như Zaire, Cộng hòa Trung Phi và Congo. Nhờ sự hỗ trợ của không quân Pháp, chiến cục từ năm 1986 tới 1987 nghiêng về phía quân đội Chad. Họ từng bước đẩy lùi quân đội Libya, chiếm lại các vùng lãnh thổ đã mất. Tuy nhiên, thử thách thực sự họ cần vượt qua là một pháo đài cực lớn mà quân Libya đã xây dựng mang tên: Ouadi Doum. Mà theo tính toán của các tướng lĩnh Chad, việc tấn công Ouadi Doum nằm ngoài khả năng của họ. Từ tháng 1 tới tháng 3 năm 1987, quân đội Chad ngừng mọi hoạt động chỉ để tính toán xem có nên tấn công Ouadi Doum hay không.
*Lực lượng các bên:
–Quân Libya: bất chấp những thất bại trên chiến trường trước đó, lực lượng Libya còn lại ở Chad vẫn thực sự đáng gờm và được coi là rất khó bị đánh bại. Từ 90.000 quân năm 1986, sang đầu năm 1987 họ vẫn còn duy trì khoảng từ 2 đến 3 vạn binh sĩ. Trong đó, riêng tại căn cứ chính Ouadi Doum là hơn 8.000 quân.
Không chỉ có quân số đông đảo, Ouadi Doum còn được bảo vệ bởi những vũ khí tối tân nhất của quân đội Libya, phần lớn là viện trợ từ Liên Xô. Được xây dựng bắt đầu từ năm 1985, căn cứ Ouadi Doum được quân Libya xây dựng 3 đường băng cực lớn. Từ căn cứ này, máy bay ném bom Tu-22 của Libya đã được huy động và có thể dễ dàng ném bom thủ đô N’Djamena của Chad (thực tế là họ đã làm, nhưng bị bắn rơi). Căn cứ được bao bọc 4 mặt xung quanh bởi những đồi núi và đụn cát cao vót của vùng lõi sa mạc Sahara cao hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mét. Việc hành quân xuyên tới Ouadi Doum với quân Chad gần như bất khả thi. Và điều quan trọng là quân Libya đặt mìn dày đặc phủ kín các lối vào căn cứ (điều sau này hại chính họ)
Bên trong căn cứ, khoảng 1.200 xe tăng, bọc thép các loại cũng được Libya bố trí. Cùng với đó là hơn 100 máy bay chiến đấu và trực thăng tối tân, từ Mirage của Pháp tới Mi-25 của Liên Xô. Rada cảnh giới cũng được bố trí dày đặc để cảnh báo mọi cuộc không kích. Với sự bố trí phòng thủ như vậy, không ngạc nhiên để quân Libya tự tin rằng pháo đài Ouadi Doum của họ là ”bất khả xâm phạm” (giống người Pháp ở Đông Dương). Và để thể hiện rõ nét sự tự tin của mình, đầu năm 1986 lãnh đạo Gaddafi phái Tổng tham mưu trưởng quân đội Libya – tướng Khalifa Haftar – tới căn cứ Ouadi Doum trực tiếp chỉ huy phòng thủ.
-Quân Chad: trong toàn bộ giai đoạn cuối của cuộc chiến từ năm 1986 tới 1987, quân đội Chad là một đội quân ăn mày theo đúng nghĩa đen. Khi quân đội Libya phát động tấn công năm 1986, quân đội Chad gần như đã kiệt quệ. Họ chỉ còn khoảng 4.000 lính chính quy, bằng 1/20 quân Libya. Để bù đắp quân số này, quân đội Chad đã ra lệnh bắt toàn bộ các thiếu niên từ 14 tuổi phải gia nhập quân đội. Họ cũng cho lính đi bắt những người ăn xin và chăn thả gia súc từ khắp nơi vào quân đội. Những nỗ lực của họ đẩy quân số lên 28.000 người, nhưng rõ ràng là một đội quân hỗn tạp.
Đó là về con người, còn về vũ khí thì Chad không có cơ hội nào để bù đắp. Quân đội có chưa tới chục xe bọc thép sử dụng được, máy bay không còn chiếc nào. Mọi sự hỗ trợ không quân trông chờ vào quân đội Pháp. Giữa tình hình khốn cùng như thế, mọi giải pháp đã được Chad tính tới, mà không ngờ rằng nó đã thay đổi vĩnh viễn chiến trường Trung Đông.
Số là trước đó Pháp có viện trợ cho Chad khoảng 400 xe bán tải Toyota, nhưng chủ yếu là phục vụ dân sự như chở người, vật liệu hay gia súc,… Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, chính phủ Chad đã ra lệnh trưng thu toàn bộ số xe Toyota này cho quân đội. Trên đó, họ gắn những súng máy, vũ khí chống tăng và súng phòng không lên, biến nó thành những chiếc xe bọc thép tự chế để ”dùng tạm”. Quân đội Chad cũng tận dụng những chiếc Toyota đó để di chuyển quân một cách nhanh chóng và linh hoạt.
-Quân Pháp: tham gia trận chiến, quân đội Pháp trên lãnh thổ Chad chỉ có 12 máy bay chiến đấu và vài máy bay vận tải. Tuy nhiên trên thực tế có vẻ họ đã sử dụng một số phi đội từ các quốc gia xung quanh như Trung Phi và Congo và trận đánh này. Ngoài ra, Pháp cũng có một số đơn vị công binh, phòng không hỗ trợ bảo vệ thủ đô N’Djamena của Chad. Và một trong số họ sau đó đã lập chiến công: bắn rơi máy bay ném bom Tu-22 của Libya.
*Chiến tranh Toyota và các diễn biến trước trận Ouadi Doum.
Như đã nói ở phần trước, sau khi thực hiện tổng động viên binh sĩ và tận dụng những chiếc xe Toyota do Pháp viện trợ, quân đội Chad quyết định mở cuộc phản công liều lĩnh nhằm đẩy lùi quân đội Libya. Cuối năm 1986, các đoàn xe bán tải Toyota ngày đêm nối đuôi nhau chạy xuyên sa mạc, đưa hàng vạn binh sĩ Chad ra mặt trận đối đầu với quân Libya. Từ đây, mở đầu cho một cuộc chiến mà sau đó đã thay đổi vĩnh viễn chiến trường Trung Đông: chiến tranh Toyota.
Bên cạnh những chiến Toyota, quân đội Pháp cũng xuất kho hỗ trợ cho Chad nhiều vũ khí hiện đại, có thể kể đến trong đó là tên lửa chống tăng hạng nhẹ MILAN, có khả năng tiêu diệt xe tăng Libya trong màn đêm. Quân đội Chad đã tận dụng những chiến xe bán tải để lắp đặt tên lửa chống tăng lên, biến nó trở thành bệ phóng tên lửa di động rất lợi hại trên địa hình sa mạc. Cũng cần đề cập đến những lợi thế chiến thuật vốn có của xe bán tải trên địa hình sa mạc: động cơ mạnh mẽ, khung xe cứng cáp, gầm cao, thùng xe rộng, cung cấp khả năng chuyên chở nhiều người và tải trọng lớn hơn so với xe bọc thép. Nó cũng giúp xe bán tải di chuyển nhanh và linh hoạt hơn so với xe tăng, gần như không bị ảnh hưởng bởi cát lún và cũng dễ thoát khỏi trực thăng tấn công. Binh sĩ Chad trên xe tải cũng dễ dàng thoát khỏi xe trong trường hợp bị tấn công hơn so với trong xe tăng.
Những lợi thế đó đã được quân đội Chad khám phá ra và tận dụng trong cuộc chiến này. Họ từng bước đánh bại và chia cắt từng mảng lớn quân Libya với một chiến thuật chớp nhoáng và thọc sâu dựa vào sự cơ động của xe bán tải. Dù vậy, đó không phải là lý do duy nhất khiến lực lượng Libya giảm nhanh chóng. Nguyên nhân khác là do bản thân các chỉ huy quân Libya nhận thấy không thể giữ được một lãnh thổ rộng lớn, nhất là khi không quân Pháp có thể ném bom họ bất thình lình. Do vậy, cùng với cuộc tấn công của Chad, quân Libya cũng chủ động rút bớt quân về nước để đề phòng những biến động khác có thể xảy ra. Giới hạn rút quân của Libya được đặt ra là rút từ vĩ tuyến 16 về vĩ tuyến 19 – tương ứng với vùng lãnh thổ mà họ gọi là Dải Aouzou. Lãnh thổ chiếm đóng của Libya ở Chad giảm từ 500.000 km2 xuống còn khoảng 140.000 km2. Ý đồ của quân Libya là giữ vững những vùng đất này, buộc quân đội Chad phải nhượng bộ về lãnh thổ để kết thúc chiến tranh.
Trong kế hoạch đó của quân Libya, pháo đài căn cứ Ouadi Doum dĩ nhiên là trung tâm của mọi tính toán. Quân Libya đã xây căn cứ Ouadi Doum trong một bồn địa, có nhiều đồi núi và đụn cát cao bao quanh. Hai phía Đông – Tây của Ouadi Doum là hai khối núi cao nhất lãnh thổ Chad, trong đó khối núi Tibesi ở phía Tây cũng là nơi cao nhất sa mạc Sahara với độ cao ít nhất 2000m và cao nhất 3500m. Hướng tiếp cận dễ nhất tới Ouadi Doum là đi từ phía Bắc – đi từ hướng Libya sang. Còn ở phía Nam, gần như chỉ có một con đường độc đạo duy nhất để đến Ouadi Doum, và nó đi qua thành phố lớn nhất miền Bắc Chad là Faya-Largeau.
Nói cách khác: để có thể đặt chân tới căn cứ đầu não Ouadi Doum của Libya, quân đội Chad chỉ có một cách duy nhất là đi qua Faya-Largeau.
Vị trí Ouadi Doum và Faya-Largeau trên bản đồ Chad
*Trận Faya-Largeau – bước đệm tới chiến thắng.
Bất chấp ý nghĩa quan trọng của Faya-Largeau – cánh cửa duy nhất chặn đường quân Chad tới Ouadi Doum – bộ chỉ huy quân Libya không hiểu vì lẽ gì vẫn khá chủ quan. Cuối năm 1986, họ chỉ bố trí ở Faya-Largeau 1.200 binh sĩ, cùng với khoảng vài trăm quân nổi dậy Chad bảo vệ một thành phố quan trọng với một khu vũ khí lớn. Cùng thời gian đó, họ bị 3.000 quân Chad bao vây, với chỉ những xe bán tải Toyota gắn pháo chống tăng.
Không ngờ chỉ vừa bước sang năm mới, ngày 2/1/1987, quân Chad đã mở một cuộc tấn công bất ngờ vào Faya-Largeau. Do không kịp trở tay, trận chiến ở Faya-Largeau đã trở thành một cuộc thảm sát quân Libya. Lữ đoàn quân Libya bảo vệ Faya-Largeau đã bị tiêu diệt chỉ trong vài giờ đồng hồ. Trong trận chiến, quân Chad đã đưa những chiếc xe bán tải lên những đụn cát cao bao quanh thành phố để từ đó nã tên lửa như mưa xuống những chiến xe tăng bên trong.
Kết quả trận chiến Faya-Largeau ngày 2/1/1987 là một thảm họa khủng khiếp. 784 lính Libya bị tiêu diệt, 81 người bị bắt, số còn lại bỏ chạy, nhiều người sau đó đã chết bỏ xác trên sa mạc. Ngay cả những chiếc xe thiết giáp cũng hứng chịu thảm sát: 92 xe tăng, 33 xe bọc thép (chủ yếu là BMP-1) bị phá hủy. Quân đội Chad cũng thu giữ 13 xe tăng T-55 và 18 xe bọc thép BMP, bổ sung đáng kể cho lực lượng Chad trong những trận chiến sau đó. Về phía quân Chad, họ chỉ mất 18 binh sĩ và 3 xe bán tải Toyota.
Thành phố Faya-Largeau – cánh cửa cuối cùng bảo vệ từ xa cho căn cứ chính Ouadi Doum – bị phá tan chỉ trong vài giờ ngắn ngủi. Điều này tác động rất mạnh tới quân Libya, khi sự hoang mang và sợ hãi đã lan tràn trong bộ chỉ huy và những binh sĩ của họ.
* Quyết chiến ở Ouadi Doum.
Mặc dù có chiến thắng vang dội ở Faya-Largeau, các tướng lĩnh quân Chad và cả cố vấn Pháp vẫn cho rằng quá mạo hiểm để tiếp tục đánh vào Ouadi Doum. Do đó, ngay sau chiến thắng ở Faya-Largeau, quân đội Chad đã ngừng mọi hoạt động tấn công trong hơn 2 tháng trời. Báo chí các nước Arab lúc đó thậm chí loan tin rằng Chad định từ bỏ và sắp ký thỏa thuận với Libya, chịu mất lãnh thổ phía Bắc.
Tuy nhiên, thực tế là quân Chad chỉ ngừng vì biết mình chưa đủ lực để đánh vào một căn cứ hùng mạnh được bảo vệ nhất của Libya. Nó có thể là một nước đi chôn vùi toàn bộ quân đội Chad nếu thất bại. So sánh văn vẻ, thì quân Chad đã chuyển sang ”đánh chắc, tiến chắc”.
Trong thời gian chờ diễn biến tiếp theo, quân Chad được Pháp và các đồng minh khác tranh thủ ”bồi dưỡng”. Quân Chad tự cho binh sĩ nghỉ ngơi, tuyển thêm tân binh. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng quân Libya cho máy bay ném bom Tu-22 đến ném bom các thành phố của Chad. Để đối phó, quân đội Pháp đã cử đến Chad một số đơn vị công binh và phòng không để bảo vệ thủ đô N’Djamena. Các đơn vị không quân Pháp đóng ở Chad cũng được tăng cường thêm lực lượng từ các nước xung quanh là Congo, Zaire và Trung Phi. Các loại vũ khí mới cũng được bổ sung cho Chad. Ngoài ra, quân Pháp và Zaire cũng tranh thủ huấn luyện cho một lực lượng nhỏ lính nhảy dù của Chad. Cũng trong thời điểm đó, tình báo của Pháp, Mỹ, Anh và Israel tăng cường hoạt động do thám từ xa, cung cấp cho Chad thông tin về những hoạt động của quân Libya ở Ouadi Doum. Họ đã sử dụng máy bay không người lái xuất phát từ đảo quốc Malta trên Địa Trung Hải để do thám Ouadi Doum.
Trái ngược hoàn toàn với sự chuẩn bị tích cực của Chad, là sự hoảng loạn và chia rẽ trong quân Libya. Sự chia rẽ đã xảy ra ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của nước này. Tai tiếng nhất là sự mất lòng giữa lãnh đạo Muammar Gaddafi và Tổng tham mưu trưởng Khalifa Haftar. Sau khi để mất Faya-Largeau, tướng Haftar đã yêu cầu tăng viện thêm cho Ouadi Doum. Nhưng Gaddafi cho rằng Haftar sẽ chỉ nướng quân, và do đó từ chối tăng viện cho Haftar, trong khi ráo riết tìm người thay thế Haftar trong nước. Quân Libya ở Ouadi Doum binh hùng tướng mạnh, vũ khí hiện đại, nhưng hoang mang tột độ, và bắt đầu xuất hiện tình trạng đào ngũ.
Cuối cùng, sau 2 tháng chuẩn bị tích cực, tháng 3 năm 1987 các tướng lĩnh Chad và cố vấn Pháp đồng ý một cuộc tấn công vào Ouadi Doum. Họ quyết định đưa một phần lực lượng bộ binh Chad hành quân theo ngả Faya-Largeau, còn lại một lực lượng khác sẽ được Pháp không vận xuống một địa điểm khác, và có thể sử dụng cả lính dù nhảy xuống Ouadi Doum nếu thuận lợi. Tuy nhiên, trước khi mọi tính toán trên diễn ra, quân đội Pháp sẽ làm nhiệm vụ của mình: không kích dọn đường cho quân Chad.
Từ ngày 3/3 tới ngày 18/3/1987, toàn bộ các phi đội Pháp ở Chad, Congo và Cộng hòa Trung Phi ồ ạt xuất kích, ngày đêm oanh tạc căn cứ Ouadi Doum của Libya. Họ cũng tấn công bất cứ máy bay Libya nào có ý định tấn công quân Chad đang hành quân. Những chiếc máy bay Libya bay xa hơn tới ném bom thủ đô N’Djamena cũng bị phòng không Chad bắn hạ, trong đó có một máy bay Tu-22 – lúc bấy giờ là mạnh nhất trên lục địa Châu Phi. Các cuộc không kích của Pháp đã mang lại hiệu quả ngoài sự mong đợi. Trong khi chỉ hy vọng làm suy yếu các cứ điểm phòng thủ và loại bỏ hệ thống phòng không của Libya, thì các cuộc không kích đã đẩy căn cứ Ouadi Doum vào sự hỗn loạn không thể cứu vãn. Theo những gì kể lại, các binh sĩ Libya bị ám ảnh bởi tiếng máy bay Pháp. Nhiều người trong số họ đã bỏ căn cứ chạy ra vùng sa mạc xung quanh, kết quả là bị giết bởi mìn do chính tay họ đặt. Hàng nghìn binh sĩ Libya đã thiệt mạng vì không kích và mìn. Quân số bảo vệ Ouadi Doum còn lại lúc đó chỉ có 5.000 người so với 8.000 quân ban đầu.
Ảnh chụp từ máy bay: quân Pháp đang bắn phá đường băng Libya ở Ouadi Doum. Ở dưới có dòng chữ ‘’Bravo’’ thể hiện chiến thắng.
Xác lính Libya trên sa mạc ở Ouadi Doum ngày nay vẫn có thể bắt gặp.
Sau khi nhận thấy tình hình thê thảm của quân Libya ở Ouadi Doum, quân Chad quyết định tiến quân đánh chiếm. Ngày 20/3/1987, họ cử một lực lượng 3.000 quân tấn công vào Ouadi Doum. Trên đường tiến quân, họ bị Libya chặn lại ở khu vực Bir-Koura ngoài rìa căn cứ, dù quân Libya hứng chịu tới 800 binh sĩ thiệt mạng. Trong lúc đang giao tranh ở Bir-Koura, quân đội Chad quyết định sử dụng lực lượng lính dù. Ngày 21/3/1987, một máy bay C-130 (được cho là của Mỹ) do Pháp điều khiển đã thả khoảng 300 binh sĩ Chad nhảy dù xuống giữa căn cứ Ouadi Doum. Tại đây, họ nhận ra binh sĩ Libya đã bỏ chạy gần hết. Những người còn lại hạ vũ khí đầu hàng quân Chad.
Lính dù Chad thận trọng chiếm từng cứ điểm của quân Libya, trong khi chờ bộ binh đánh bại quân Libya ở Bir-Koura. Qua ngày 22/3/1987, Bir-Koura cuối cùng cũng thất thủ, và bộ binh Chad ồ ạt tràn vào căn cứ Ouadi Doum. Ouadi Doum hoàn toàn thất thủ. Lúc này, công việc của quân Chad chỉ còn là đi tìm bắt tướng Khalifa Haftar và những binh sĩ Libya còn sống.
Vào đêm ngày 22/3/1987, quân đội Chad tìm được tướng Haftar và bộ chỉ huy quân Libya đang trốn trong một Hầm chứa máy bay. Một đoàn cố vấn Pháp được cử đến Ouadi Doum trong đêm. Mọi người kể lại, khi cố vấn Pháp định thẩm vấn tướng Haftar, ông trả lời: ”Tôi là tù binh của Chad. Tôi không có nghĩa vụ phải trả lời các anh [người Pháp]”. (J’ai répondu que j’étais prisonnier des Tchadiens, je n’étais donc pas dans l’obligation de leur parler).
Bộ chỉ huy quân Libya bị bắt làm tù binh sau khi pháo đài Ouadi Doum thất thủ. Hàng phía trước, thứ 4 từ trái sang là tham mưu trưởng đội Libya – tướng Khalifa Haftar.
*Kết quả và ảnh hưởng của Trận Ouadi Doum.
Quân đội Chad giành chiến thắng hoàn toàn trong trận Ouadi Doum. Trong 5.000 quân còn sống ở Ouadi Doum cho đến trước khi quân Chad tấn công, đã có thêm 1.200 lính Libya bị chết (không tính số lính chết ở Bir-Koura. ngoài căn cứ, ước tính khoảng vài trăm người). Con số này phù hợp với số lượng 3.000 binh sĩ Libya bị bắt sau trận chiến. Toàn bộ số xe thiết giáp, máy bay, trực thăng, Radar hiện đại hàng chục tỷ USD Liên Xô viện trợ cho Libya, đã rơi vào tay quân đội Chad, những người sau đó đã chuyển giao cho Mỹ và châu Âu nghiên cứu. Có khoảng 300 lính Chad chết trận tại Ouadi Doum.
Mặc dù vậy, Ouadi Doum vẫn chưa phải là trận chiến cuối cùng. Các đơn vị Libya trên khắp miền Bắc Chad vẫn chống trả cho đến tận tháng 9 năm 1987. Những trận chiến ác liệt làm chết hàng nghìn người sau đó cuối cùng cũng kết thúc với thất bại của Libya. Nhưng bản thân trận Ouadi Doum vẫn được coi là đòn đánh biểu tượng, đánh sập ý chí xâm lược của quân đội Libya ở Chad. Xa hơn, nó được coi là một chiến thắng biểu tượng của người châu Phi, khi nó là lần đầu tiên một nước châu Phi đánh bại được quân đội một nước Arab. Trước đó, trong cuộc chiến Ogaden, Ethiopia cũng đánh bại Somali, nhưng cuộc chiến đó được tính cho Liên Xô và Cuba – những lực lượng đóng vai trò chính trong việc đánh bại Somali. Ngoài ra, cuộc chiến thắng lợi cũng được coi là màn thể hiện cam kết của Pháp đối với các nước cựu thuộc địa của mình, giúp Pháp nâng cao vị thế trong châu Phi và khối Pháp ngữ.
Do ý nghĩa to lớn của nó với nền độc lập của Chad nói riêng, và với các nước châu Phi nói chung, một số cơ quan truyền thông các nước châu Phi và khối Pháp ngữ thời đó đã ca ngợi trận Ouadi Doum là trận ”Điện Biên Phủ của Sa mạc” – gợi nhớ lại chiến công đánh sập pháo đài quân đội Pháp của Việt Nam năm 1954.
Riêng về số phận các tù binh Libya. Sau trận chiến, 3.000 lính Libya trong đó có rất nhiều tướng lĩnh cao cấp, bao gồm cả tham mưu trưởng Khalifa Haftar đã không thể trở về. Lý do là lãnh đạo Muammar Gaddafi đã coi họ là phản bội và từ chối cho hồi hương. Tướng Haftar và các tù binh Libya đã bị giam nhiều năm trong các nhà tù ở Chad, cho đến khi ông móc nối với tình báo Mỹ CIA để được sang Mỹ tị nạn. Tướng Haftar sống ẩn tích ở Mỹ trong nhiều năm, rồi cho đến năm 2011, ông đã bắt tay với người Nga để trở về Libya, đóng vai trò lớn trong việc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Sau khi Libya rơi vào bất ổn hậu Gaddafi, tướng Haftar tiếp tục được người Nga trợ giúp, thành lập Quân đội quốc gia Libya (LNA), hiện nay đang chiếm ưu thế trên chiến trường.
(Hết)
Tham khảo: về tài liệu tiếng Anh, có thể tham khảo sách ”Arabs at War” của Kenneth M. Pollack.