Tại sao Nội Mông không sát nhập vào Mông Cổ?

Demchugdongrub

Hoàng tử Demchugdongrub – thủ lĩnh phong trào độc lập của người Mông Cổ ở Nội Mông những năm 1936-1950

Đăng Phạm

Trước nay, kinh nghiệm cho thấy nhiều người (cả Việt Nam lẫn nước ngoài) đều biết rằng có ”hai Mông Cổ” đang tồn tại. Một là nước Mông Cổ độc lập có thể nhìn thấy rõ ràng trên bản đồ thế giới (dĩ nhiên, vì diện tích khá lớn). Tuy nhiên chắc mọi người cũng biết người Trung Quốc đôi khi vẫn gọi quốc gia này là ”Ngoại Mông”. Còn ”Nội Mông” – một ”Mông Cổ khác” chính là khu tự trị Nội Mông thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay.

Mặt khác, chắc hẳn cũng nhiều bạn biết trong thế chiến thứ 2, người Nhật đã lập nên một chính phủ bù nhìn ở Mãn Châu – Mãn Châu Quốc – đưa cựu hoàng đế nhà Thanh là Phổ Nghi lên nắm quyền. Cùng với đó cũng có thêm một chính quyền tay sai của người Hán – do tướng quân cánh tả của Quốc Dân Đảng là Uông tinh vệ đứng đầu. Nhưng đó đã phải tất cả chưa?

Với vấn đề thứ nhất, câu hỏi tại sao Mông Cổ lại không thống nhất, nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho Trung Quốc – bất kể Trung Quốc nào. Đã từng có không ít cáo buộc các việc mà Trung Quốc làm ở Nội Mông như: cưỡng ép phụ nữ Mông Cổ kết hôn, thu mua để diệt giống chó và ngựa Mông Cổ, trước kia thường có việc Mông Cổ bắt gián điệp Đài Loan, hay mới đây là bê bối ép giảm bớt giảng dạy tiếng Mông Cổ trong trường học Nội Mông,… được cho là cốt để ”Hán hóa Mông Cổ”, chia cắt Nội Mông với phần còn lại – nước Mông Cổ độc lập. Tính xác thực của mấy cáo buộc này tạm thời chưa bàn đến.

Nhưng một câu hỏi tự đặt ra khi xem xét kỹ từng bối cảnh lịch sử là: liệu trước kia Trung Quốc có đủ sức chia cắt Nội Mông và Mông Cổ. Rõ ràng là có những chỗ không hợp lý nếu đặt vào bối cảnh từ những năm đầu đến giữa thế kỷ 20, là một khoảng thời gian không ngắn. Chúng ta đều biết, Trung Quốc có một khoảng thời gian gọi là ”Bách niên quốc sỉ” (một trăm năm nhục nhã), kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Trong thời gian này, Trung Quốc là một quốc gia vô cùng yếu kém, chìm trong loạn lạc và đói khổ và nhất là bị ngoại xâm từ phương Tây đến Nhật Bản đè đầu cưỡi cổ. Cũng trong thời gian đó, Mông Cổ được nhắc tới là quốc gia đã giành được độc lập và trở thành một quốc gia Cộng sản, được Liên Xô giúp phát triển, đánh thắng được quân Nhật Bản,…. Với tương quan như thế, sẽ rất dễ hiểu nếu vùng ”Nội Mông” tách ra để sáp nhập với nước Mông Cổ, hoặc thậm chí Mông Cổ thực hiện một hành động quân sự để giành lấy Nội Mông (sự thật thì Mông Cổ đã chiến đấu rất dữ dội với Trung Quốc khoảng năm 1944-1949, vấn đề này đã có ở các bài viết khác – nhưng lại nằm ở biên giới Tân Cương chứ không phải Nội Mông).

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong lịch sử lại diễn ra theo hướng khó hiểu – chẳng có sự sáp nhập nào giữa Nội Mông và Mông Cổ cả, để rồi cho đến thời Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nội Mông vẫn thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Vậy hóa chăng, việc không thống nhất là lựa chọn của chính người Mông Cổ chứ không hoàn toàn do tác động của Trung Hoa?

Vì vậy, để lý giải cho sự không hợp lý này, người ta phải ngược lại lịch sử về giai đoạn đó với đầy rẫy những sự kiện biến động. Và một trong những hướng có thể tiếp cận, là thông qua một chính phủ bù nhìn thân Nhật khác cùng với Mãn Châu Quốc và Uông Tinh Vệ – chính phủ bù nhìn Mông Cương. Thông thường, người ta ít khi đề cập đến sự tồn tại của nó, bởi sự cộng tác với Nhật Bản của Mông Cương trong thế chiến 2 rất mờ nhạt và bản thân Mông Cương gần như không có bất cứ vai trò gì trong cục diện chiến tranh.

*Cuộc xâm lược của Nhật Bản.

Năm 1931, Nhật Bản tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Đông Bắc Trung Quốc, sau lập nên chính quyền tay sai Mãn Châu Quốc do cựu hoàng đế Phổ Nghi đứng đầu. Tiếp đó, để mở rộng lãnh thổ chiếm đóng của mình, cho đến khi bắt đầu cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần 2 năm 1937, quân Nhật Bản phối hợp với Mãn Châu đã từng bước tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm từng bước thôn tính các vùng đất ở miền Bắc Trung Hoa.

Trong số đó, từ năm 1933 đến 1936 quân đội Mãn Châu và Nhật Bản mở chiến dịch xâm lược vào khu vực Nội Mông. Trọng điểm xâm chiếm lúc đó là tỉnh Chahar (Sát Cáp Nhĩ), nên sử sách đôi khi gọi nó là ”Chiến dịch Sát Cáp Nhĩ”, nằm trong một chiến dịch lớn hơn là ”Chiến dịch Nội Mông”. Điều đáng chú ý ở đây, là trong chiến dịch này lực lượng Nhật Bản lại chỉ đóng vai trò thứ yếu. Đóng vai trò chính trong các trận đánh là quân đội người Mãn Châu của Mãn Châu Quốc – được cho là có mối thù lịch sử với người Mông Cổ. Người ta nhận định đây là một chiến dịch ủy nhiệm hiếm hoi của quân Nhật trong chiến tranh. Cho đến năm 1936, các chiến dịch này cơ bản đã thành công, quân Mãn Châu đã chiếm được tỉnh Chahar từ tay lực lượng Trung Hoa Dân Quốc.

Nhưng sau đó, để tránh vi phạm những điều khoảng trong thỏa thuận đình chiến với Trung Hoa và để xoa dịu những sự thù địch giữa người Mãn Châu và Mông Cổ có thể đe dọa lợi ích của mình, quân Nhật đã lệnh cho người Mãn Châu rút đi. Sau khi quân Mãn Châu rút, người Nhật mới tìm cách dựng lên một chính quyền bù nhìn địa phương do chính người Mông Cổ đứng đầu. Họ tìm được một hoàng tử dòng dõi quý tộc của Mông Cổ là Demchugdongrub (Đức Mặc Sở Khắc Lỗ) và đưa ông lên làm người đứng đầu chính phủ bù nhìn. Chính quyền lúc đó được gọi đơn giản là ”Mông Cổ quân chính phủ” (chính phủ quân sự Mông Cổ). Quân Nhật cũng xây dựng tạm cho chính phủ quân sự của Mông Cổ một lực lượng khoảng 1 vạn người, nhưng họ cũng tự tuyển thêm một số lính đánh thuê người Mông Cổ và Kazakh, đôi khi từ chính nước láng giềng Cộng sản Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ ở phía Bắc.

Đến tháng 11 năm 1936, do tự mãn về chiến thắng trước đó ở tỉnh Chagar, các lực lượng ủy nhiệm của Nhật Bản tự ý tiến hành một chiến dịch mới nhằm xâm chiếm tỉnh Suiyuan (Tuy Viễn) cũng thuộc khu vực Nội Mông. Tuy nhiên, chính sự tự mãn này đã hại chết họ. Không có sự trợ chiến hiệu quả từ quân Nhật, lực lượng Mông Cổ của Demchugdongrub đã bị quân Trung Hoa Dân Quốc đánh tan tác. Lực lượng 1 vạn người vừa mới thành lập của họ bị thiệt hại nặng không thể khôi phục. Demchugdongrub hoảng sợ phải cầu viện khẩn cấp người Nhật, nhờ họ xây dựng lại quân đội với sự trợ giúp lớn hơn.

Đối với quân Trung Hoa Dân Quốc, chiến thắng trong chiến dịch Tuy Viễn năm 1936 được sử sách ghi nhận là có tác động tinh thần lớn với quân đội Quốc Dân. Dù chỉ là chiến thắng trước lực lượng ủy nhiệm của Nhật, nó cũng ít nhiều gieo hy vọng trong quân đội Trung Hoa rằng họ có thể cầm cự và chiến thắng trước kẻ thù. Do đó, chỉ vài ngày sau khi kết thúc chiến dịch Tuy Viễn, các sĩ quan Quốc Dân Đảng đã bắt cóc Tưởng Giới Thạch trong sự biến Tây An, buộc ông phải bắt tay với các lực lượng khác để đoàn kết chống Nhật.

*Thành lập chính phủ Mông Cương

Người Nhật đồng ý giúp Demchugdongrub xây dựng lại chính quyền, nhưng ông không được phép tự tung tự tác như trước. Do phần lớn quân đội Mông Cổ đã bị tiêu diệt trong trận Tuy Viễn, người Nhật coi người Mông Cổ sẽ không thể tự bảo vệ mình trước quân Trung Hoa Dân Quốc. Vì vậy, họ ép Demchugdongrub phải liên minh với các dân tộc khác bất chấp lịch sử thù địch với người Mông Cổ.

Vì vậy năm 1939, chính phủ quân sự Mông Cổ trước đó của Demchugdongrub đã liên minh với các thủ lĩnh người Mãn Châu và nhiều quân phiệt người Hán ở tỉnh Sơn Tây, thành lập nên một liên minh mới gọi là ”Mông Cương Liên hiệp tự trị chính phủ”. Ban đầu, nó vốn chỉ tên là một chính phủ liên minh. Tuy nhiên sau đó trong cuối bài phát biểu thành lập chính phủ, hoàng tử Demchugdongrub đã tuyên bố sự thành lập nhà nước mới là “收復蒙古固有疆土” – ”thu hồi Mông Cổ cố hữu cương thổ” – ý nói khôi phục lại vùng đất biên cương trước kia của người Mông Cổ đã mất vào tay Trung Hoa. Vì thế cái tên Mông Cương (biên cương Mông Cổ) được sinh ra để chỉ nhà nước này, và người ta hay gọi nó là ”chính phủ Mông Cương” cho gọn, và cũng để đỡ nhầm lẫn với ”chính phủ Mông Cổ” ở nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ độc lập. Chứ thực ra nhà nước này sau đó tên là ”Chính phủ tự trị Thống nhất Mông Cổ” vào năm 1941.

“Tự trị” ở đây là sau khi Nhật xâm lăng Trung Quốc và lập nên chính quyền Uông Tinh Vệ tay sai, tự nhận kế thừa chính danh với Trung Hoa Dân Quốc, chính phủ Mông Cương đã bị áp lực phải sáp nhập vào Trung Hoa dân quốc với quy chế tự trị. Nhưng điều đó không quá quan trọng. Demchugdongrub sau khi lập chính phủ Mông Cương gần như chuyên tâm vào xây dựng cuộc sống cho dân Mông Cổ trong khu vực, rất ít khi đụng chạm vào chuyện chiến sự dù lúc đó đang trong thời Đệ nhị thế chiến ác liệt. Dù thân Nhật nhưng quân Mông Cương không tham gia bất cứ hành động nào chống lại ”Ngoại Mông” – nước Mông Cổ Cộng sản ở phía Bắc mà ngược lại vẫn giữ mối quan hệ khá gần với quốc gia này.

Do ít tham gia chiến tranh nên quân đội Mông Cương được xây dựng rất nhỏ, nhưng vẫn được mô tả khá chi tiết trong cuốn ”China at War: Regions of China, 1937-1945” của tác giả Stephen R. MacKinnon. Cụ thể, Stephen R. MacKinnon có những miêu tả sau (dịch đại ý ra chứ không có viết nguyên văn):

  • Quân đội Mông Cương là một quân đội thiên rất nặng về kỵ binh. Gần một nửa quân số của họ là kỵ binh và chỉ dành cho người Mông Cổ. Còn lại có một số đơn vị bộ binh người Hán. Lực lượng lúc cao nhất chỉ có 20.000 người. Toàn bộ quân đội Mông Cương chỉ như một đơn vị kỵ binh cơ động và bộ binh hạng nhẹ. Thiết giáp và máy bay là không có.
  • Vũ khí của quân Mông Cương rất hỗn tạp. Kỵ binh của họ chiến đấu bằng đao kiếm lẫn với súng trường. Súng trường của họ không sản xuất được mà nhờ quân Nhật tặng hoặc mua. Tuy nhiên trước kia tướng Trương Học Lương từng tặng người Mông Cổ 1 vạn khẩu súng Liao Type 13 – sản xuất ở nhà máy của quân phiệt ở Phụng Thiên. Tại sao Trương Học Lương tặng súng cho Mông Cổ thì không thấy nói.
  • Họ cũng có 200 súng máy, thuộc 2 loại SIG MKMO của Thụy Sĩ và ZB-26 của Tiệp Khắc. Pháo binh của họ chỉ có 70 khẩu và cũng chủ yếu là súng cối, một ít sơn pháo và pháo phòng không.
  • Quân phục của Mông Cương học theo Quốc Dân Đảng, mặc dù vậy phần lớn binh sĩ của họ không mặc quân phục và mặc trang phục dân sự truyền thống của dân du mục Mông Cổ.

Về cơ bản, sự cộng tác với người Nhật của Mông Cương trong giai đoạn thế chiến khá mờ nhạt. Ngoại trừ việc tiếng Nhật trở thành ngôn ngữ thứ yếu trong trường học ở Mông Cương, chính phủ cũng khẳng định vị thế cao nhất của tiếng Mông Cổ và ra sức hạn chế tiếng Hán. Về mặt kinh tế, sự hợp tác giữa Mông Cương và Nhật Bản cũng ở mức bình đẳng cao hơn so với việc bóc lột các thuộc địa khác của Nhật. Dù được người Nhật giúp lập ngân hàng và phát hành tiền riêng, cuộc sống du mục của dân Mông Cổ không đòi hỏi quá nhiều điều này. Đặc biệt, dù do người Nhật lập nên nhưng tiền giấy do Mông Cương phát hành lại in năm theo Trung Quốc, cụ thể là ”Năm Dân Quốc thứ XX”. Nền kinh tế của Mông Cương ngoài nông nghiệp thì phụ thuộc vào việc xuất khẩu tài nguyên sang Nhật Bản dù tài nguyên của họ cũng khá nghèo, chỉ đáng kể than và sắt.

Nhưng trở lại với trọng tâm bài: tại sao Mông Cương không thống nhất với Mông Cổ, kể cả sau khi người Nhật rút đi. Một phần nguyên nhân quan trọng được trình bày trong phần tiếp theo.

*Đại Thanh trừng và Nga hóa ở Cộng hòa Nhân Dân Mông Cổ.

Năm 1936, khi chính quyền Mông Cương vừa thành lập, thì ý định thống nhất với Mông Cổ đã hiện ra trong đầu hoàng tử Demchugdongrub các lãnh đạo Mông Cương. Tuy nhiên, cũng chính năm 1936 định mệnh đó, đất nước Mông Cổ bước vào một giai đoạn đầy biến động và đen tối trong lịch sử đất nước: cuộc đại thanh trừng kiểu Stalin của Choibalsan.

Vào thời điểm đó, Cộng hòa nhân dân Mông Cổ được lãnh đạo bởi Thủ tướng Peljidiin Genden – một người Cộng sản Mông Cổ theo chủ nghĩa dân tộc – điều cũng được lãnh đạo Mông Cương Demchugdongrub tán dương. Peljidiin Genden ủng hộ Liên Xô và Stalin, ngược lại cũng được Stalin ủng hộ. Ngoại trừ một việc: ông từ chối yêu cầu của Stalin xử tử 100.000 Lạt ma Phật giáo trên đất nước Mông Cổ. Stalin coi những Lạt ma là ”kẻ thù bên trong” của cách mạng, nhưng thủ tướng Genden bác bỏ và cho rằng các Lạt ma là linh hồn của đất nước.

Khó chịu vì Genden không nghe theo yêu sách để giết nhà sư, Stalin tìm một nhân vật khác trung thành hơn để thay thế ông. Định mệnh khiến Stalin chọn Khorloogiin Choibalsan – một tướng quân đội sùng bái Stalin tới mức nổi tiếng với giai thoại ”cầm ô che trời nắng vì đồng chí Stalin bảo ở Moscow đang mưa to”. Năm 1936, quân đội của Choibalsan làm binh biến, bắt giữ thủ tướng Peljidiin Genden và ”mời” ông sang Liên Xô nghỉ mát ở Biển Đen. ”Nghỉ” được 1 năm thì ngày 26/11/1937, thủ tướng Mông Cổ Peljidiin Genden bị bắt giữ và xử bắn ở thủ đô Moscow, Liên Xô khi mới 42 tuổi.

Ở quê nhà, Choibalsan dựng lên một thủ tướng Anandyn Amar làm bình phong nhưng thực chất tự mình nắm hết quyền hành trong chính phủ (sau này thì Amar cũng không thoát). Không lâu sau vào tháng 8/1937, Nguyên soái Tổng tư lệnh Quân đội Mông Cổ Gelegdorjiin Demid cũng chết một cách bí ẩn. Từ đây Choibalsan tự phong mình làm Nguyên soái, tự tay thống lĩnh toàn quân đội Mông Cổ. Tiếp đó, đến lượt Tổng Công tố viên Mông Cổ bị xử bắn sau khi từ chối kết tội các Lạt ma. Vào đêm ngày 10/9/1937, đêm đen tối nhất của cuộc thanh trừng, các đặc vụ Liên Xô và Mông Cổ ập vào nhà bắt giữ 65 thành viên cao cấp của chính phủ Mông Cổ với cáo buộc ”gián điệp và phản cách mạng”. Sau khi bị tra tấn, toàn bộ 65 người phải nhận tội và bị kết án, với 14 người bị tử hình, đánh dấu đợt thanh trừng lớn nhất quét sạch gần 2/3 chính phủ Mông Cổ.

18 tháng tiếp theo đánh dấu giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Mông Cổ hiện đại. Dưới sự chỉ đạo của Khorloogiin Choibalsan (mà thực chất là nhận chỉ đạo từ cố vấn NKVD của Stalin), các cuộc bắt bớ và giết chóc diễn ra lan tràn khắp đất nước Mông Cổ. Gốc rễ Phật giáo của đất nước bị nhổ tận gốc. Hơn 700 tu viện của Mông Cổ bị phá hủy với ước tính 18.000 Lạt ma đã bị xử bắn. Trong các thành phần khác, 25 quan chức chính phủ, 36/51 thành viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng, 187 tướng lĩnh quân đội cũng bị giết hại và hàng nghìn người khác bị giam cầm.

Vào giữa năm 1938, Choibalsan sang Liên Xô và ở đó trong 6 tháng, để lại đất nước Mông Cổ cho các đặc vụ NKVD thoải mái bắt bớ và xử tử bất cứ ai. Khi trở về vào đầu năm 1939, Choibalsan chợt nhận ra mọi việc đã quá giới hạn. Hàng loạt nhân vật cao cấp trong Đảng và Quân đội Mông Cổ vốn là đồng chí của Choibalsan đã bị các đặc vụ Liên Xô thủ tiêu, với người đáng chú ý nhất chính là thủ tướng do Choibalsan dựng lên – Anandyn Amar. Amar bị NKVD bắt sang Liên Xô và xử bắn trong sự bất lực của Choibalsan. Cuối cùng, 2 đồng chí duy nhất còn lại của Choibalsan – là 2 trong số 7 người sáng lập Đảng Nhân dân Mông Cổ – Darizavyn Losol và Dansranbilegiin Dogsom cũng kết thúc cuộc đời mình trên đất Liên Xô. Dogsom bị bắn năm 1941 còn Losol chết trong nhà tù.

Kinh hoàng với những gì mà mình tiếp tay gây ra, Choibalsan ra lệnh kết thúc mọi thanh trừng vào mùa hè năm 1939 – trùng thời điểm chiến tranh thế giới thứ 2 sắp bùng nổ. Gần 2 năm rưỡi thanh trừng kinh hoàng đã làm tan hoang mọi tầng lớp xã hội Mông Cổ, từ những lãnh đạo cao cấp tới tầng lớp thường dân, tu sĩ. Ước tính tổng cộng có hơn 30.000 người Mông Cổ đã chết trong tổng dân số hơn 700.000 người của đất nước.

Nhận ra những hậu quả to lớn, Choibalsan buộc phải dựa sâu hơn vào Liên Xô và Stalin. Để giúp đỡ Mông Cổ, Stalin đã phái hàng vạn quân Liên Xô tới để sẵn sàng bảo vệ nước này trước mối đe dọa quân sự từ Nhật Bản hoặc Trung Hoa. Sự hiện diện của quân Liên Xô đã đảm bảo cho đất nước Mông Cổ sống sót trải qua Đệ nhị thế chiến, cùng chiến tích đánh bại quân đội Nhật Bản 2 lần vào đầu và cuối chiến tranh (năm 1939 và 1945).

Nhưng cùng với sự giúp đỡ đó của Liên Xô, cái giá phải trả của Choibalsan là sự diệt vong của nền văn hóa dân tộc Mông Cổ. Sau khi tận diệt tầng lớp Lạt ma mà theo Cựu thủ tướng Peljidiin Genden là ”linh hồn của đất nước” – khoảng năm 1940 Choibalsan buộc phải chấp nhận một kế hoạch do Stalin chỉ đạo: đưa hệ chữ cái Kirin vào thay cho chữ truyền thống Mông Cổ. Chính từ đây, Mông Cổ đã sử dụng hệ chữ cái Kirin tới tận ngày nay. Chữ viết truyền thống của Mông Cổ từng bước đi vào quên lãng và có nguy cơ diệt vong. Trong suốt nhiều năm, sự sùng bái thái quá của Choibalsan với Stalin khiến nhiều người trêu đùa rằng Mông Cổ đã trở thành nước Cộng hòa thứ 16 của Liên Xô.

Nói dông dài vậy tóm lại ở đây là gì? Đó chính là nguyên nhân lớn nhất khiến các lãnh đạo Mông Cương gạt bỏ ý định thống nhất với Mông Cổ. Sau này trong hồi ký của mình, lãnh đạo Mông Cương Demchugdongrub thừa nhận rằng ông đã bỏ ý định thống nhất với Mông Cổ sau khi quốc gia này chuyển sang sử dụng hệ chữ cái Kirin và sát hại các nhà sư.

Demchugdongrub từ đó đã chọn cách thà ở lại với Trung Hoa, hy vọng một quyền tự trị trong Trung Hoa Dân Quốc còn hơn là trở thành một quốc gia tay sai của Liên Xô, nơi mà chữ viết Mông Cổ bị vứt bỏ. Chính quyết định này, mới là điều định đoạt tương lai của vùng Nội Mông chứ không phải nguyên nhân nào khác. Nhiều người nói rằng quân Nhật đã ngăn cản Demchugdongrub thống nhất với Ngoại Mông, nhưng điều này rõ ràng đã sai sau đó: sau khi Nhật đầu hàng, Demchugdongrub vẫn chấp nhận ở lại Trung Hoa Dân Quốc dù chính phủ liên minh của ông đã bị dẹp bỏ. Để rồi sau đó, năm 1949 Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã sáp nhập toàn bộ vùng Nội Mông.

Tóm lại ý cho cả bài: Chính các lãnh đạo Nội Mông đã chọn con đường không thống nhất với Mông Cổ, với nguyên nhân chính là những biến động diễn ra ở Mông Cổ từ năm 1937 tới 1939!

*Sự kết thúc của Mông Cương và số phận Demchugdongrub

Năm 1945, các đoàn quân Liên Xô và Mông Cổ tràn vào vùng Mãn Châu đánh Nhật. Trên đường tiến quân, một bộ phận quân Mông Cổ và Liên Xô đã đi qua lãnh thổ Mông Cương. Demchugdongrub đích thân mang quân của mình với 6 sư đoàn (2 kị binh và 4 bộ binh) ra chống, với kết quả là bị Liên Xô nghiền nát trong vài ngày. Một nửa quân số bị tiêu diệt. Cuối cùng, Demchugdongrub quyết định mang 3 sư đoàn còn lại của Mông Cương xuống phía Nam đầu hàng quân Cộng sản Trung Quốc, mặc dù bản thân Demchugdongrub được phóng thích. Nhờ vậy ông không rơi vào tay Liên Xô như Hoàng đế Phổ Nghi của Mãn Châu Quốc. Ngày 19/8/1945, chính phủ bù nhìn Mông Cương chính thức sụp đổ.

Dù bị coi là cộng tác với quân Nhật, nhưng do hành động giữ Nội Mông ở lại Trung Hoa thay vì thống nhất với Mông Cổ, Demchugdongrub vẫn được chính quyền Trung Hoa Dân Quốc coi trọng, mặc dù họ đã dẹp bỏ ”Chính phủ tự trị Thống nhất Mông Cổ” của ông. Từ năm 1945 tới 1949, Demchugdongrub sống ở Bắc Kinh nhưng dưới sự giám sát của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc. Trên danh nghĩa, ông vẫn là ”tội phạm chiến tranh” nhưng vào lúc đó Trung Hoa Dân Quốc không xét xử ông.

Nhưng đến năm 1949, cuộc nội chiến Trung Hoa sắp kết thúc với sự chiến thắng của phe Cộng sản của Mao Trạch Đông. Sau khi Bắc Kinh rơi vào tay Quân Giải Phóng, Demchugdongrub đã tham vọng một lần nữa lấy lại độc lập cho Nội Mông. Ông chạy lên vùng Cực Tây Nội Mông, giáp với Tân Cương – là nơi mà lúc này quân đội Mông Cổ đang đánh nhau với quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Tại đây, ông cùng với một tướng quân gốc Mông Cổ là Lý Thủ Thân (李守信) tuyên bố tái lập ”Chính phủ Mông Cổ tự trị” và gửi thư cho Quốc Dân Đảng yêu cầu họ chấp nhận. Rõ ràng là trò hề vì lúc này Quốc Dân Đảng đã sắp sửa thua trận rồi, lấy đâu tư cách mà công nhận nữa?

Sau khi đánh bại hoàn toàn Quốc Dân Đảng, cuối năm 1949 Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa bắt đầu Tây tiến lên tiếp quản Tân Cương, Mông Cổ. ”Chính phủ Mông Cổ tự trị” tự xưng của Demchugdongrub không đánh mà tự tan. Nhưng đúng lúc này, các lãnh đạo Cộng sản của Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ có lẽ vì xót tình đồng bào, đã gửi thư mời các lãnh đạo Nội Mông là Demchugdongrub và tướng Lý Thủ Thân trốn sang Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Được mở đường sống Demchugdongrub và Lý Thủ Thân vượt biên sang Mông Cổ cuối năm 1949, nơi họ được chính quyền và người dân Mông Cổ ở đó chào đón. Lúc đó, người Mông Cổ coi Demchugdongrub là một lãnh đạo dũng cảm, chiến đấu cho độc lập của người Mông Cổ ở Trung Hoa, bất chấp việc ông khước từ thống nhất với Ngoại Mông.

Tuy vậy, trong 1 năm sống ở Mông Cổ, những mâu thuẫn không rõ đã nảy sinh giữa Demchugdongrub với các lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Không rõ những mâu thuẫn này là gì nhưng đến tháng 9 năm 1950, chính quyền Cộng hòa nhân dân Mông Cổ đã quyết định trục xuất Demchugdongrub và Lý Thủ Thân về Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, và có vẻ bản thân 2 người cũng chấp nhận điều này.

Cuối năm 1950, họ bị đưa về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tại đây, họ bị xét xử với tư cách ”tội phạm chiến tranh” do cộng tác với quân Nhật trong quá khứ. Demchugdongrub và Lý Thủ Thân thụ án chịu giam giữ ở Trương Gia Khẩu trong 14 năm, đến năm 1964 thì được phóng thích.

Sau khi được phóng thích, Demchugdongrub và Lý Thủ Thân chấp nhận từ bỏ đấu tranh độc lập, hòa mình vào cuộc sống của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Họ cùng làm việc trong các bảo tàng văn hóa Mông Cổ ở địa phương, và một trong những việc họ làm là chắp bút viết ”Từ điển tiếng Mông Cổ” bằng chữ viết Mông Cổ với hy vọng ghi lại chữ viết Mông Cổ cho các thế hệ sau. Họ mất không lâu sau đó, Demchugdongrub mất năm 1966 và Lý Thủ Thân mất năm 1970, nhưng họ cũng kịp để lại một đóng góp quý báu với tập từ điển bằng chữ Mông Cổ đồ sộ. Chính những nỗ lực cuối đời của họ đã giúp truyền thống chữ Mông Cổ ở khu vực Nội Mông đến nay vẫn được giữ gìn, và người dân Mông Cổ ở khu vực này viết tiếng Mông Cổ bằng chữ truyền thống thay vì chữ Kirin như Ngoại Mông.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s