Ký ức chiến tranh (Hồi ức của những binh sĩ Xôviết từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại)- Phần 19

ZHURAVLEV ALEXANDER GRIGORYEVICH

11

Zhuravlev Alexander Grigoryevich, Anh hùng Liên Xô, trung úy và là trung đội trưởng, tham gia các trận Stalingrad và Kursk, trận vượt sông Dnieper, giải phóng Ba Lan, đánh chiếm Sandomierz, Berlin và Prague. Alexander Zhuravlev ra mặt trận khi ở tuổi 30; trong thời gian hòa bình trước chiến tranh ông giữ một chức vụ tại một xưởng máy tại Maskva. Hẳn là vì thế nên ông được tin cậy giao cho chức vụ khẩu đội trưởng chứ không chỉ là một trung đội. Hiện nay thị lực của ông đã hòan tòan mất hẳn. Tuy nhiên, điều này đã cho phép ông hồi tưởng kỹ càng về thời kỳ khó khăn trong chiến tranh, sắp xếp lại cho chính xác và phân tích nguyên nhân và kết quả của mỗi sự kiện xảy ra trong chiến tranh. Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, ông đáp: “Tôi phải sống!” 

Khi chiến tranh nổ ra ông đang ở Maskva. Vậy chuyện chiến tranh xảy ra có phải là một điều hòan tòan bất ngờ không? Cảm xúc nào phổ biến trong cộng đồng dân cư thủ đô?

 Khi chiến tranh nổ ra tôi đang làm việc trong một nhà máy ở Maskva chuyên sản xuất máy biến thế. Tôi giữ chức vụ quản đốc một xưởng thực nghiệm. Chúng tôi làm ba ca một ngày mà không có ngày nghỉ kể từ chiến tranh chống Phần Lan năm 1939-1940 trở đi. Chúng tôi làm việc như thế cho tới năm 1941. Ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu từ 8 giờ sáng. Vào ngày chiến tranh chống phát xít Đức nổ ra, tôi đang đi tới nhà máy như thường lệ. Đó là một ngày Chủ nhật như bình thường. Một số người đi về nhà nghỉ ở quê, những người khác đi câu cá. Bất ngờ một nhân việc thuộc văn phòng giám đốc chạy tới hét lớn: “Chiến tranh nổ ra rồi”. Một tay trong số chúng tôi đáp lại: “Tốt, giờ thì chúng ta sẽ cho chúng biết tay”.

Tại sao anh ấy lại trả lời như vậy? Chúng tôi đã được dạy như thế, chúng tôi được bảo rằng những thành phố quan trọng được bao vệ chắc chắn, rằng chúng tôi không muốn chiếm bất kỳ một mẩu đất nào của nước khác nhưng chúng tôi cũng không giao lãnh thổ mình cho ai. Chúng tôi tin chắc rằng các lãnh tụ của mình biết rõ mọi chuyện và họ sẽ làm tất cả những gì cần thiết. Thật thú vị khi nhớ lại khi ấy có một tranh cổ động vẽ ba nhân vật trên nền là một cánh đồng Nga: M.M. Litvinov, Bộ trưởng Bộ Ngọai giao, N.I. Yezhov, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và Bộ trưởng Quốc phòng K.Ye. Voroshilov. N.I Yezhov được mô tả như một người chỉ huy với một chiếc roi sắt kiểm sóat mọi kẻ thù của mình. Bức tranh viết: “Chúng tôi biết rõ mình phải bảo vệ ai và bảo vệ cái gì, và chúng tôi có tất cả những gì cần thiết để bảo vệ những điều đó”. Vào thời đó có những cuộc diễn thuyết liên tục tuyên bố rằng nền ngọai giao của chúng ta là thật tài ba, quân đội ta vô cùng mạnh, và chúng ta có thể dễ dàng kiềm chế kẻ thù của mình.

Chúng tôi, đám thanh niên, không thể ngồi yên, tinh thần hăng hái chiến đấu thôi thúc chúng tôi. Chúng tôi tham gia những câu lạc bộ xạ thủ Voroshilov. Chúng tôi tập bắn trên trường bắn, chúng tôi tập nhảy dù.

 Một tháp để tập nhảy dù nằm tại Công viên Văn hóa Gorky. Tôi, ngòai ra, tham gia một cuộc đua xe đạp có đeo mặt nạ phòng độc. Có rất nhiều sách vở viết về thời kỳ nội chiến. Phim ảnh mô tả cho chúng tôi cảnh các chiến sĩ biên phòng của ta dễ dàng phát hiện bọn gián điệp trên biên giới. Cũng rất thú vị khi nhớ lại có một bài hát yêu nước tựa đề “Nếu ngày mai chiến tranh xảy ra” … Đấy là l‎ý‎ do tại sao chúng tôi đều tin tưởng rằng Hồng quân sẽ “cho tất cả chúng nó biết tay”. 

Vậy mà điều trái ngược đã xảy ra. Một cụ già, nhân vật trong bộ phim “Những người sống và những người chết”, đã cay đắng thốt lên: “Tại sao các anh không nói cho chúng tôi từ trước là quân đội ta còn thiếu quá nhiều thứ? Chúng tôi có thể tiết kiệm mọi thứ nhưng chúng tôi cũng sẽ hiến mọi thứ cho Hồng quân.” Quân đội đã yếu kém hơn nhiều so với những gì chúng tôi được biết. Lực lượng chính đóng sâu cách vùng biên giới hàng trăm cây số trong khi biên giới chỉ được bảo vệ bởi lính biên phòng. Bọn họ được trang bị những gì? Đương nhiên, lính biên phòng đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh, và một số biện phòng cần thiết đã được thực hiện. Về sau này chúng tôi được biết rằng binh lính luôn đi ngủ không cởi bỏ quân phục và sĩ quan luôn ở lại trong doanh trại. Tới ngày thứ hai của chiến tranh tờ Pravda (Sự Thật) in một bài viết nói rằng trong vòng sáu tháng trước (chiến tranh – LTD) máy bay Phát xít đã xâm nhập vùng biên giới 180 lần, và gần như trong mỗi ngày. Trong khi đó, một tuần trước chiến tranh, Thông tấn xã TASS công bố một báo cáo nói rằng mọi tin đồn về một cuộc tấn công của Quốc xã cần được xem như và một sự khiêu khích.

Và chiến tranh đã nổ ra. Tòan thể nhân dân đều bất ngờ. Tin tức bay tới làm người dân Maskva vô cùng đau buồn. Vẫn chưa bị ném bom. Buổi sáng ngày thứ hai và thứ ba (của chiến tranh – LTD), chúng tôi trông thấy một đòan máy bay trên bầu trời. Phòng không bắn lên rất nhiều. Không có chiếc nào bị bắn hạ.

Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc. Tới ngày thứ hai của chiến tranh tôi được thông báo rằng mình sẽ vẫn chưa được nhập ngũ. Mãi tới ngày 10 tháng Bảy, tôi mới nhận được lệnh yêu cầu tới trụ sở tuyển quân khi nào có thời gian rảnh rỗi. Tôi mà cũng có thời gian rảnh rỗi sao? Tôi rời nhà máy và lên chuyến xe điện cuối cùng để về nhà. Khi tới được trụ sở tuyển quân, tôi được cho hay là mình không được gia nhập tình nguyện vào bất cứ lữ đòan khẩn cấp nào và không được phép rời thành phố mà không được dân ủy cho phép. Tôi phải đợi để được gọi nhập ngũ. Tới ngày 17 tháng Bảy, họ điện thọai tới phân xưởng: “Zhuravlev?” – “Vâng”. “Anh phải tới trụ sở tuyển quân ngay lập tức”  

Họ đang tuyển những pháo thủ pháo hạng nặng. Một trung đòan được thành lập tại ga Alabino gần Maskva. Nhưng tôi vẫn chưa đủ may mắn để được chiến đấu trong một trung đòan trang bị cối phản lực hạng nặng Katyusha. Không bao lâu sau, chúng tôi được nhận quân phục và đạn dược. Những trung úy, tốt nghiệp tại học viện ở Leningrad, cũng vừa tới. Còn chúng tôi, đám tân binh, được chuyển về lực lượng dự bị trực thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao và sau đó là về Quân khu Maskva. Ban đầu chúng tôi đóng tại ga Kolomna gần Maskva. Sau đó chúng tôi nhận được lệnh phải chiếm lĩnh vị trí tại địa điểm phòng thủ gần Maskva nhất, trong Công viên Fili. Đó là tuyến phòng thủ cuối cùng của Maskva. Sau lưng chúng tôi không còn ai. Tháng Chạp 1941, khi cuộc phản công của quân đội Xôviết bắt đầu, chúng tôi đã được chứng kiến những đòan xe tăng bất tận chạy hết tốc lực trên đường quốc lộ Rublevskoye ban đêm. 

Tháng Giêng 1942, chúng tôi đóng quân tại vùng Dmitrov, phía Bắc Maskva. Chúng tôi ở lại đó cho tới tháng Năm. Các trận đánh ở đó không ác liệt lắm. Chúng tôi chiếm giữ một điểm cao. Đạn dược thiếu thốn. Thời kỳ đầu chiến tranh chúng tôi thường ngồi trong chiến hào mà nhìn lên bầu trời. chúng tôi mong cho máy bay quân ta xuất hiện. Tại đó cho tới lúc này vẫn không hề thấy máy bay Xôviết trên bầu trời.

Trung đòan của ông trực thuộc sự sắp xếp của Quân khu Maskva. Ông đã chứng kiến Maskva trong thời kỳ đen tối ác liệt nhất của trận đánh khi nó đang tới gần. Maskva thời kỳ đó như thế nào?   

Tôi đã chứng kiến cuộc không kích đầu tiên vào Maskva khi đang ở Alabino. Chúng tôi trông thấy một chuỗi liên tục máy bay phát xít tiến về Maskva. Chúng tôi thấy bầu trời chớp sáng và nghĩ bụng chớp sáng đó có nghĩa là một chiếc máy bay nào đó đã bị bắn hạ. Chúng tôi hét lớn: “Hurrah!” Hóa ra đó lại là chiến thuật của bọn phát xít. Đầu tiên chúng ném bom cháy và kế đó là pháo sáng. Chúng cũng dùng chính chiến thuật ấy khi vượt sông Đông và sông Đơnhiép (Dnieper). 

Tháng Mười là lúc tình thế trở nên phức tạp nhất. Ngày 16 tháng Mười năm 1941, tại Maskva xuất hiện một cuộc hỏang lọan thực sự. Đại lộ Những người Nhiệt tình dẫn về phía đông đất nước tràn ngập những xe cộ. Người ta đang chạy khỏi Maskva. Khi đó chúng tôi đang đóng tại Kolomna và không biết gì về chuyện này. Tới ngày 17 tháng Mười, chúng tôi được tập trung tại sở chỉ huy trung đòan dự bị của mình. Khi đi ngang qua Kolomna chúng tôi không hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Mọi thứ thật hỗn lọan, trông như cả thành phố đang gồng gánh đồ đạc của mình ra đi. Trung đòan trưởng khi trao đổi với chúng tôi không cho biết gì nhiều; ông chỉ đơn giản là ra lệnh cho chúng tôi phải vác tất cả vũ khí và đạn dược để lên đường tới nhà ga và lên chuyến xe lửa về Maskva. Chúng tôi ngồi đợi ở nhà ga tới tận khuya. Không có chuyến tàu nào về Maskva. Tất cà các chuyến tàu đều đã rời Maskva đi, chúng chất đầy người và trang thiết bị. Chúng tôi nhận thấy nhiều nhà máy quan trọng của Maskva đã lên đường sơ tán. Chúng tôi nhận thấy có một điều đáng sợ nào đó đã xảy ra.

Chúng tôi về tới Maskva ngày 17 tháng Mười. Ban đêm, trong doanh trại gần khu chợ Danilovsky chúng tôi đã súyt chết hụt sau một trận bom dữ dội. Sáng hôm sau chúng tôi nhận được lệnh phải chiếm lĩnh vị trí bên rìa Công viên Fili. Chúng tôi đi bộ tới đó và trông thấy rõ Maskva thời kỳ đó như thế nào. Chúng tôi vượt qua Cầu Krymsky. Nó đã bị gài mìn. Gần Công viên Văn hóa Gorky, nhà ga tàu điện ngầm, những túi đựng đường được thành đống giữa những cửa hàng thực phẩm tạo nên một bức tường cao ngang đầu người. Những chiến lũy tương tự cũng xuất hiện trên Quảng trường Dorogomilogskaya. Ban đêm các xe điện và xe hơi phải tắt bớt đèn. Bọn phát xít ném bom một khu chợ trên Quảng trường Arbat phía sau rạp chiếu phim Khudozhestvenny, nhà ga xe lửa Kiev và rạp chiếu phim Mossovet gần nhà ga xe lửa Paveletskaya. Bom rơi trúng nhà hát Vakhtangov và Nhà hát Bolshoi. Quảng trường Cách Mạng được ngụy trang bằng các tấm giả mái các công trình. Xuất hiện những túi đường tại cửa sổ những cửa hàng mới xây dựng trên phố Gorky. Tôi cũng nhìn thấy một căn nhà mất hẳn một mặt tường; có thể trông rõ mọi thứ bên trong. 

Ông bắt đầu tham gia các chiến dịch quân sự khi nào? 

Đó là ở gần Stalingrad. Trung đòan tôi được chuyển tới đây vào tháng Năm 1942. Trận đánh dữ dội tột cùng. Mặt đất cứng đến nỗi ta chỉ có thể chật vật đào xuống bằng xẻng vào mùa hè, còn mùa đông thì đành bó tay. Chúng tôi phải dùng đến cuốc và rìu. 

Tôi còn nhớ có lần chúng tôi đang đóng tại một vị trí yểm trợ dự bị. Khi đó tôi đang là trung đội trưởng. Đột nhiên cối địch nã xuống dữ dội. Một quả rơi xuống ngay gần khẩu pháo của chúng tôi. Khẩu pháo kẹt đầy đất và không thể khai hỏa được. Ngay khi đó một chiếc tăng phát xít xuất hiện, nó di chuyển trên cánh đồng giữa hai bãi mìn của chúng tôi. Tên lái xe không thể trông thấy mìn chúng tôi gài do trời đã tối. Một sự ngẫu nhiên may mắn. Chiếc tăng băng qua chỗ chúng tôi, chạy tới bờ khe cạn, quay lại và lại chạy ngang qua chỗ chúng tôi lần nữa. Cuối cùng khẩu pháo của chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi nổ súng và bắn hỏng phần trước ụ pháo chiếc xe tăng phát xít. Chiếc tăng quay lui và phóng về trước. Chúng tôi bắn một phát nữa làm đứt xích. Chiếc tăng xoay tròn và khựng lại. Chúng tôi bắt tay vào lăn các khẩu pháo của mình vào vị trí sẵn sàng. Đột nhiên chúng tôi nghe tiếng ai đó nói: “Hitler kaputt”. Chúng tôi quay lại và trông thấy bốn tên lính xe tăng Đức. Cánh tay tên chỉ huy phát xít bị thương khá nặng. Chúng tôi không biết phải làm gì tiếp. Trận đánh đang diễn ra khắp nơi xung quanh nên chúng tôi phải tiếp tục bắn. May thay đám bộ binh xuất hiện, và chúng tôi giao ngay bốn tên phát xít cho họ.  

Ông kể rằng trong trận Maskva quân đội thiếu thốn đạn dược. Tới khi nào thì vấn đề đó được thực sự giải quyết?

Trong thời gian trận Kursk diễn ra thì không gặp vấn đề thiếu thốn đạn dược. Cụ thể, trong ngày đầu tiên của cuộc tiến công của chúng tôi tại Kursk, mùng 5 tháng Bảy, 1943, chúng tôi bắn 1.800 phát đạn cho tới trước 2 giờ chiều – ba cơ số đạn cho bốn khẩu pháo của trung đội tôi. Chúng tôi bị phản pháo. Có người chết, bị thương và bị sức ép. Hầm trú ẩn của chúng tôi bị hư hại nặng. Chúng tôi phải xây lại nó trong đêm. Tới sáng chúng tôi được lệnh phải chuyển đi chiếm lĩnh vị trí khác.  

Tại Kursk chúng tôi cũng từng nhận lệnh sau: “25 phát, bắn nhanh”. Chúng tôi bắn thật vội vàng, cố gắng giữ đúng mục tiêu. Chúng tôi đã hòan thành tới ba lần những lệnh như thế: mỗi khẩu pháo bắn ra 75 phát. Sau đó tất cả các nòng pháo đều nóng rực. Tôi nhổ một bãi nước bọt, lập tức nó sôi sủi bong bóng.

Trong trận Kursk các tuyến phòng thủ đặc biệt mạnh. Rất nhiều chiến hào đã được đào. Tại đây chỉ có một sự thần kỳ đã cứu tôi khỏi chết. Trong chiến hào của tôi, có nhiều bậc tam cấp dẫn tới hầm trú ẩn bị bắn tan. Trong hầm có điện đài viên, chỉ huy khẩu pháo và chỉ huy trạm thu phát vô tuyến. Tôi nấp trong một vách hàm ếch tự khóet vào vách chiến hào. Tại đó tôi tiếp nhận qua điện đài viên các mệnh lệnh của khẩu đội trưởng và truyền lệnh cho các pháo thủ. Trong các cuộc không kích tôi ngồi trên những bậc thềm dẫn tới hầm trú ẩn ấy. Có lần trong một dịp tạm yên, tôi qua thăm hầm của tiểu đội 4. Bất ngờ tôi nghe thấy tiếng một quả đạn đang bay tới. Dây đeo vai trên áo tôi đứt tung, cả một tảng đất rơi trúng vai. Viên đạn đó đã rơi trúng hầm trú ẩn của chúng tôi. Viên chỉ huy trạm thu phát vô tuyến và tay điện đài viên bị thương nặng. Chỉ huy pháo cũng bị thương nhẹ. Nếu lúc đó tôi đang ngồi trên những bậc thềm nọ như vẫn thường làm thì chắc cũng tan xác ra rồi.

Thời điểm nào đơn vị của ông chịu thương vong nặng nề nhất?

Tôi vẫn nhớ cái ngày bất hạnh nhất ấy. Chúng tôi thiệt hại tới 50 người. Đó là vào tháng Bảy 1944, ở gần thành phố Lvov. Mọi chuyện bắt đầu lúc rạng đông. Xung quanh chúng tôi là một cánh đồng lúa mạch. Những thân lúa đã mọc rất cao. Khi sương mù bắt đầu tan, bọn phát xít đã xuất hiện phía sau lưng chúng tôi. Chúng tiến thẳng tới các khẩu đội chúng tôi. Chúng tôi quay pháo lại và bắn tan bọn phát xít. Rồi chúng tôi ăn bữa sáng và nhận lệnh đi chiếm lĩnh vị trí mới. Thông thường khẩu đội một của tôi sẽ dẫn đầu đòan khi hành quân, tiếp theo là các khẩu đội hai và ba. Trung đội tôi có cả thảy bốn chiếc studebaker (xe kéo pháo do Mỹ viện trợ – LTD) và mỗi chiếc phải kéo một khẩu đại bác. Chiếc xe thứ tư của chúng tôi chạy lọt vào một hố đạn và bị gãy trục xe. Chúng tôi phải dừng lại. Các khẩu đội đi sau đã vượt lên trước. Khi tiến tới ngôi làng kế tiếp, họ trở thành mồi cho một trận không kích dữ dội chưa từng thấy. Xe cộ cháy trụi, đạn pháo nổ tung, tất cả mọi người chạy trốn vào một kho chứa rơm. Một quả bom rơi trúng vào đấy. Khi trận bom kết thúc, chúng tôi đào bới cái kho rơm và tìm thấy những bộ xương cháy đen. Chúng tôi nhận ra được viên tham mưu trưởng qua đôi ủng của anh ấy. Không thể nhận ra những người còn lại. Nếu xe của chúng tôi không vấp vào cái hố đạn thì khẩu đội tôi hẳn đã là khẩu đội đầu tiên hứng cái họa ấy. Chúng tôi đổ biết bao công sức để sửa chiếc xe hỏng ấy rồi buộc phải bỏ nó lại. Tại một bìa rừng bọn phát xít nã đạn vào chúng tôi. Chúng t6oi quay lại đường quốc lộ và đi tiếp trên cánh đồng. Trong khi chúng tôi ngụy trang, tôi phát hiện thấy thiếu mất chiếc xe thứ ba. Tôi đi tìm và thấy nó trên cánh đồng. Người lái bị thương, tay chỉ huy đang băng bó cho anh ta. Tôi không thể để lại chiếc studebaker ở đây, làm vậy có nghĩa là giết chết tổ lái. Vì tôi có thể lái xe nên tôi phóng chiếc xe ấy với hết tốc lực. Động cơ gầm lên ầm ầm, vì thế tôi không thể nghe tiếng đạn bắn: bọn phát xít nã súng máy vào tôi. Chỉ về sau, tôi chú ‎ thấy khi mình đánh tay lái sang trái thì chiếc studebaker lại nghiêng sang phải. Chật vật lắm tôi mới về được đến địa điểm ngụy trang của ta. Có một lỗ thủng to ở phía sau xe. Nhưng chẳng sao, tôi không hề bị thương. Và chúng tôi tiếp tục lên đường. Trên đường đi chúng tôi bị rơi vào một cơn bão dữ dội và nhận lệnh phải lập tuyến phòng thủ tại bìa rừng. Chúng tôi nghe tiếng xe của bọn Đức gầm rú ngay gần và tiếng xích của chúng kêu lỏang xỏang. Chúng tôi vội vã kéo pháo và đào hầm bằng tay suốt đêm ấy. Sáng hôm sau tất cả đều yên tĩnh. Cánh trinh sát của chúng tôi báo cáo rằng bọn Đức đã rút lui, không hề bắn lại một phát nào.

Các ông có thường phải kéo pháo bằng tay không?

Khi còn ở trong trung đòan bộ binh 225 thuộc sư đòan 23, chúng tôi dùng ngựa để kéo pháo. Tất cả đều là ngựa già yếu. Thường là chúng tôi tháo ách cho chúng và tự mình kéo pháo. Trong Trung đòan Cận vệ số 1 nơi tôi phục vụ trong trận Kursk, pháo được kéo bằng các xe studebaker, trong khi pháo thủ đi bộ. Có lần tại Kursk chúng tôi lạc đường, chúng tôi chạy xe suốt đêm nhưng cuối cùng lại tới đúng cái làng mình vừa khởi hành, chỉ có điều tiến vào nó từ hướng khác. Khi đó không có đường, chúng tôi chỉ tòan chạy trên cánh đồng. Lần đầu tiên chúng tôi hành quân trên một đường quốc lộ là sau trận vượt sông Dnieper. Tại đấy, gần thị trấn Zhitomir chúng tôi đã đi suốt đêm vượt qua 150 kilômét.

Khi nào thì các ông được nghỉ?

Chúng tôi chỉ được ngủ thành từng chặng ngắn. Năm 1942 chúng tôi được lệnh phải quấy rối bọn phát xít, không cho chúng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Vâng, khi chúng tôi quấy rối chúng thì chúng tôi cũng không được ngủ. Luôn luôn có một điện đài viên bên cạnh tôi trong hầm trú ẩn, anh ta phải ngồi nghe suốt đêm để chờ các mệnh lệnh có thể đột xuất ban xuống. Đôi khi anh ta cũng ngủ quên. Khi tôi nghe có tiếng máy kêu, tôi đánh thức anh ta bằng cách hét lên: “Cậu ngủ đấy à?” và dùng chân thúc anh ta. Anh ta chồm dậy nói: “Ồ, không”. Một lần tôi lăn ra ngủ như chết và thức dậy khi trời sáng, trèo lên khỏi chiến hào. Ban đêm tuyết thật trắng và tinh khiết. Tới sáng đã có vô số hố đạn rải rác trên đó. Mọi người bảo tôi rằng đó là do một cuộc không kích vào lúc đêm khuya. Vậy mà tôi chẳng nghe thấy gì. Có lẽ, cô thể chúng tôi có một cơ chế phòng vệ nào đó. Đôi lần tôi thức dậy và một vạt áo chòang của tôi đã đóng băng dính chặt xuống đất. Vâng, vậy mà tôi không hề bị ốm. Tuy thế, khi tôi phải vào bệnh viện, cơ thể của tôi chùng xuống và tôi lăn ra ốm.

Ông đã phải vào bệnh viện lần nào chưa?

Vâng, hai lần. Lần đầu tiên, tôi được đưa vào một bệnh viện dã chiến khi chân tôi bị thương. Chúng tôi được cho ăn cháo lúa mì, thậm chí không được nghiền kỹ. Thứ này rất khó nấu chín và tiêu hóa. Còn về thuốc thì có món thuốc mỡ Vishnevsky. Vết thương của tôi không lành lại được, và các bác sĩ quyết định phải làm một điều gì đó. Họ rạch da tôi mà không cho tôi chút thuốc tê nào, tôi phải tự chịu đau. Khi tôi được băng lần thứ hai, tôi nhớ lại sự đau đớn đã trải qua và lăn ra bất tỉnh. Khi tỉnh lại, vết thương của tôi đã được băng, và tôi thấy mình đang nằm trên một chiếc bàn ướt sũng.

Tới trước trận Kursk chúng tôi có các hướng dẫn viên quân y trong mỗi khẩu đội. Số lượng họ giảm dần, nhưng chẳng có hướng dẫn viên nào được gửi tới bổ sung nữa. Cuối cùng, chúng tôi còn lại một hướng dẫn viên quân y cho mỗi ba khẩu đội. Tôi cũng có một túi sơ cứu cá nhân. Có lần tôi đã tự băng bó cho một điện đài viên bị thương. Điều đó đã cứu mạng tôi. Lúc đó là năm 1944. Cuộc tấn công của ta đã được lên kế họach. Bọn phát xít phát hiện ra vị trí chúng tôi, và chúng tôi phải rời đi chỗ khác. Chúng tôi tìm thấy một địa điểm mới vắng vẻ để làm vị trí bắn pháo, chỗ đó cao và tuyết xung quanh rất sạch. Khi trời tối chúng tôi lên đường chuyển tới vị trí mới. Ngay khi bắt đầu dỡ đồ đạc xuống đột nhiên chúng tôi nghe tiếng đạn pháo bay tới. Nó rơi đằng sau chúng tôi. Rồi mọi thứ lại trở về im lặng. Chúng tôi tiếp tục dỡ đồ, và một phát đạn thứ hai bắn về phía chúng tôi. Nó không rơi tới vị trí chúng tôi. Chúng tôi biết kỹ thuật bắn này – phát thứ ba sẽ được bắn vào giữa hai vị trí đầu tiên và sẽ trúng mục tiêu. Và thật vậy, viên thứ ba rơi sát khẩu pháo thứ ba của chúng tôi. Pháo thủ hét lên với tôi: “Trung úy, điện đài viên bị thương rồi!” Tôi vội chạy đi lấy túi sơ cứu cá nhân của mình. Viên đạn thứ tư rơi đúng vị trí mà tôi vừa mới rời đi. Chỉ huy pháo bị trúng luồng hơi nổ, anh ta bị sức ép và chết mà không tỉnh lại lần nào. Một pháo thủ khác cũng bị dập thương nhẹ. Anh ta nằm trong bệnh viện ba tùân rồi quay lại đơn vị. Thời gian trôi qua và anh ta bị nhũn não.

Ông đã được tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì đã vượt sông Dnieper. Tới đây ta nên nhắc lại một đọan trích trong bài thơ “Vasily Terkin” của Tvardovsky:  

 “Ôi vượt sông, vượt sông.

Hữu ngạn tựa như bức tường dốc”.

 Tình thế cũng tương tự vậy trên con sông Dnieper. Hồng quân phải vượt từ phía bờ trái thấp hơn sang bờ phải dốc và đầy vật cản. Dòng sông rộng không dưới một kilômét. Chiến dịch này kéo dài suốt từ tháng Chín cho tới tháng Chạp 1943. Ông có thể kể lại về chiến dịch này không? Sư đòan ông tiến hành vượt sông khi nào?

Trong tháng Chín – tháng Mười. Cánh bộ binh là những người đầu tiên chiếm được một đầu cầu, nhưng họ không thiết lập được liên lạc với đám pháo binh. Và thế là bọn phát xít nống họ ra, và họ phải nhào xuống sông bơi về. Một số trong bọn họ chìm nghỉm giữa dòng. Quá nửa đêm nhiều khẩu đội pháo tìm cách qua được hữu ngạn, trong số đó có cả chúng tôi. Tới sáng bọn phát xít bắt đầu thả bom. Trận ném bọm rất dữ dội. Một chỉ huy pháo bị giết, một số người khác bị thương và bị sức ép. Một quả bom rơi trúng một đống thùng đạn pháo. Chúng bắt lửa. Tôi bị bắn sang bên vì cú nổ. Tôi tiếp đất bằng cả hai chân hai tay và cảm thấy như phía dưới mình trống rỗng chẳng có gì. Thế rồi tôi bắt đầu quay người lại bị cát mềm bao kín. Không thể thở được. Nghẹn thở, tôi không tài nào nhúc nhích. Tôi nhận thấy có ai đó chạy về phía mình. Tôi hiểu rằng họ sẽ không thể trông thấy tôi dưới lớp cát, cho nên tôi thu hết sức ngẩng đầu lên. Ai đó trông thấy tôi và bới tôi lên. Tới chiều các đơn vị quân ta cũng tới. Chúng tôi rời vị trí và tiến về phía trước.  

Có người bạn nào của ông sống sót không?

Tôi có rất nhiều bạn nhưng tất cả bọn họ đều hy sinh trong chiến tranh. Sau trận vượt sông Dnieper, những trận đánh dữ dội khác đã tiếp diễn gần thành phố Zhitomir. Chúng tôi chịu thiệt hại nặng nề. Trung đòan tôi mất 50 phần trăm quân binh lính và sĩ quan cùng trang bị chiến đấu. Nó được tổ chức lại và chúng tôi được bổ sung một khẩu đội trưởng mới. Nhưng anh ấy cũng không ở được lâu, bị một viên đạn lạc giết chết. Những binh lính và sĩ quan có kinh nghiệm thì lập tức nằm xuống nhưng anh ấy cứ đứng nguyên. Anh chết ngay lập tức.

Vượt qua nỗi sợ chết có khó khăn lắm không?

Anh chỉ có thể chết một lần. Đám bộ binh dường như phải chịu đựng những điều kiện còn tồi tệ hơn nhiều. Vì thế họ tránh không đóng quá gần pháo binh. Họ bảo rằng ngay khi chúng tôi nổ súng một phát, chúng tôi liền bị đáp trả gấp ba lần. Vâng, cái chết có mặt khắp nơi. Khi ngồi trong chiến hào binh lính chỉ suy nghĩ làm sao tìm một chỗ an tòan hơn và luôn bồn chồn lo lắng. Một quả đạn có thể rơi trúng bất cứ đâu, và mảnh văng tung tóe khắp nơi giết chết mọi người. Một lần tôi ngồi trong chiến hào, pháo bắn liên tục suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Cứ một phút rưỡi là lại có một viên bắn về phía chúng tôi. Thần kinh tôi căng thẳng tột độ, tôi muốn nhảy bật ra ngòai, nhưng cố gắng giữ mình ở nguyên tại chỗ. Mảnh pháo không thể bắn trúng người trong chiến hào,  còn nếu viên đạn rơi thẳng vào chỗ anh ta thì anh ta sẽ chẳng còn đủ thời gian để nói một lời. Người nào mất tinh thần thì cũng đồng nghĩa với đi gặp cái chết. 

Người ta thường đóan trước được cái chết của mình. Có lần chúng tôi đang hành quân ban đêm và đi ngang một ngôi làng. Chúng tôi phải rẽ ngoặt chỗ gần cái nhà thờ. Ngôi nhà thờ này đã được đánh dấu trên bản đồ và thường bị pháo hạng nặng nã vào. Chúng tôi chọn lấy một thời điểm thuận lợi và mau chóng băng vượt qua nó. Khi chúng tôi đi qua, con đường ngày càng trở nên hẹp hơn. Cuối cùng, chúng tôi đã đứng bên rìa của vách đá. Một người lính nhảy khỏi chiến hào và hét lớn với chúng tôi: “Các anh đang đi đâu vậy? Bọn phát xít đang ở phía bên kia đấy”. Anh ta chửi thề ỏm tỏi. Chúng tôi nhận ra rằng đáng ra mình phải rẽ ngoặt từ chỗ gần nhà thờ. Quay lại, chúng tôi nhận thấy đội trinh sát của mình đã biến mất. Họ lạc mất chúng tôi như một ơn huệ của số phận. Khi chúng tôi bắt kịp họ, tôi hỏi một tay trinh sát: “Tại sao anh không cho chúng tôi biết mình đã đi sai đường?” Anh ta đáp: “Vâng, đó là lỗi của tôi. Tôi không biết cái gì đã xảy ra với mình nữa. Tôi cũng vừa chạy thóat đây.” Tôi nhận thấy mặt anh ta đã thất thần. Ngay khi vừa tới chỗ nhà thờ, chúng tôi nghe thấy một quả đạn cối bay đến gần. Một người nghe thấy tiếng rú đó khi quả đạn đang rơi xuống trúng chỗ anh ta. Tôi lập tức tìm chỗ ẩn nấp, nhưng anh ấy cứ chạy luống cuống và đã bị giết. Đối với tất cả những người còn lại thì mọi chuyện đã kết thúc an tòan.

Ông kể rằng thật đau xót khi phải chứng kiến những thất bại của quân ta hồi đầu chiến tranh. Về sau tâm trạng này đã thay đổi phải không?

 Đúng vậy. Sau trận vượt sông Dnieper, Hồng quân bắt tay vào giải phóng Ukraina. Thường thường bộ binh luôn là người đầu tiên tiến vào giải phóng các thị trấn. Chúng, cánh pháo binh hạng nặng, rất ít khi tiếp xúc với dân địa phương vì thường đóng quân ngòai cánh đồng. Nhưng do ngẫu nhiên, đám pháo binh hạng nặng lại là người đầu tiên tiến vào thành phố Ukrania Shostka. Chúng tôi được tiếp đón thật nồng ấm. Mọi người đổ ra ôm hôn chúng tôi. Tôi cũng nhớ lần ở ngôi làng Ukraina Divochki. Làng vừa mới được giải phóng. Không một căn nhà nào trong làng bị hư hại hay phá hủy. Những dân làng trẻ tuổi đón chào những người giải phóng, nhưng đám thanh nữ không thèm quan tâm tới chúng tôi. Một tay lính trong bọn tôi thốt lên: “Mình cảm thấy như bị đạn bắn vậy!” Vâng, điều ấy đã làm tổn thương chúng tôi. (Có lẽ họ sợ bị lính Nga cưỡng hiếp, một điều thường xảy ra thời kỳ này – LTD)

Ông ở đâu khi chiến tranh kết thúc?

 Tôi kết thúc chiến tranh tại Prague. Sư đòan tôi được rút khỏi Berlin khi nó vẫn chưa được giải phóng hòan tòan và chuyển về Prague. Chúng tôi dừng chân tại một ngôi làng. Đó là vào tháng Năm. Dân làng đem táo chín tới cho chúng tôi. Đó là sự đón tiếp nồng ấm chúng tôi được nhận khi tiến vào Prague hồi đầu tháng Năm!. 


Nguồn: © 2003 The Voice of Russia

Dịch từ Anh sang Việt: Lý‎ Thế Dân

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s