Obrynb’a Nhikolai Ippolitovich
Trích từ hồi ức “Hoạ sĩ và thời gian”
Nikolai Obryn’ba (bên trái), Nikolai Gutiyev và chú chó TASS, vùng du kích Lepel’skaya năm 1943
Phần 1.
Tiến độ xây dựng khu trại du kích của chúng tôi ngày càng nhanh chóng và ổn định. Công việc xây dựng được tiến hành nhộn nhịp đến nỗi từ cuối thu-đầu đông chúng tôi đã ra một quyết định táo bạo là cướp lấy một động cơ hơi nước từ doanh trại của bọn Đức về làm máy phát điện trong trại. Họ chuyên chở động cơ về vào ban đêm trên cái xe do một đôi bò thiến kéo. Tuyết đã rơi. Người ta dựng nên một nhà kho lớn, đặt các ống sắt và trại đóng quân của chúng tôi vang lên tiếng động cơ. Hơi nước làm quay bánh đà, bánh đà – làm quay động cơ và đèn sáng lên trong các căn hầm. Điện đã xuất hiện như vậy đó ở chỗ chúng tôi. Ngọn đèn đầu tiên Dubrovxki và Lobanok chia đến chỗ chúng tôi, để tôi có thể làm việc ban đêm và in ảnh, vì nó rất cần để làm giấy tờ cho cánh trinh sát. Bolodia Lobanok nghĩ đến việc tổ chức một xưởng in trong trại vì truyền đơn viết tay và các bản tin đánh máy không đủ cho văn phòng thông tin Xôviết. Mọi người mang phần còn lại của một bộ chữ in chì từ Usachei đến và soạn lại. Trong đội có Klim Pasheiko trước là biên tập báo địa phương và ông được giao nhiệm vụ thành lập xưởng in. Mọi người dọn dẹp, chừa ra một khu vực, các trinh sát thuyết phục và đưa về hai người tạp vụ, và chúng tôi bắt đầu làm báo vùng và báo đội, còn bản tin thì được in hàng ngày. Nhikolai Guchievu được giao việc in truyền đơn và biểu ngữ. Nhikolai cắt miếng vải sàn ra, sau đó in chữ lên – trông cũng y như thật. Sau đó, chúng tôi còn vẽ rất nhiều truyền đơn bằng giấy than, rồi trang trí bằng màu nước, các dòng chữ thì viết tay hoặc in trong xưởng in.
Thành phần chính của đội chúng tôi đóng trong toà nhà của ngôi trường ở Antunovo. Trong phạm vi 5 cây số quanh trại, ngoài du kích, người ngoài không được vào. Ở đây, phiá bên ngoài là vũ khí của chúng tôi, còn các chiến sỹ pháo binh thì ở ngay trong toà nhà để có thể xuất quân thuận tiện hơn. Ngoài ra, trong trường còn có xưởng bánh để bảo đảm có bánh cho các doanh trại xa, còn trong rừng có xưởng bánh riêng để cho những người sống trong trại và những nhóm bí mật đi làm nhiệm vụ.
Nông trại viên chở thực phẩm đến Antunovo, rồi còn từ Antunovo du kích tự chuyên chở vào trại, rồi trong trại mới chia vào các hầm chứa. Ở trong rừng chúng tôi xông khói thịt và giò (kolbaxa); nướng bánh mì – cũng những cái bánh mì hình viên gạch, như trước chiến tranh. Tôi rất ngạc nhiên: giữa một đầm lầy, trên một rẻo cát nào đó mà đặt được lò, làm các khuôn sắt và làm ra những cái bánh mì còn ngon hơn là các lò bánh thực sự.
Chủ nhật hàng tuần, những người muốn gia nhập du kích đến Antunovo gặp Ủy ban, và người ta cũng đến đây để giải quyết mọi việc. Đây chính là trung tâm của chính quyền Xôviết trong vùng du kích. Gần đến mùa xuân 1943 ở đây có tổ chức một sân khấu và quy tụ được du kích, thanh niên từ các làng quê lân cận; có nhiều người đến nhảy rồi ở lại làm du kích luôn. Biểu diễn trên các sân khấu này là các nghệ sĩ du kích, họ ca những bài hát, những bài dân ca về những đề tài thời sự, diễn những vở kịch nhỏ, đọc thơ. Trong trường Antunovo luôn treo chân dung Stalin, rồi biểu ngữ, báo tường, bản tin, vào những ngày lễ thì chăng các dây hoa kết từ lá linh sam (cây họ thông) và các khẩu hiệu trên giấy đỏ.
Ở Antunovo có hàng loạt các loại xưởng. Trong xưởng may người ta may áo khoác ngụy trang và trang phục cho du kích. Và khi máy bay (tiếp tế) đến chỗ chúng tôi, thả các bao đạn dược, thuốc men xuống, thì những cái vỏ bao lại được dùng để may áo va-rơi và quần dài. Những cái dù cũng được việc: may đồ lót cho du kích. Lông cừu thì được ép thành ủng. Người ta làm cả giày cao su từ các lốp (vỏ) xe hơi. Thu xếp được cả xưởng thuộc da và rồi may áo da ngắn, mũ và mũ lông cao.
Cần phải trang bị ủng cho du kích chuẩn bị vào mùa lầy lội. Mọi người học được cách làm ủng, để làm việc này đã có da ngựa, bò, hươu nai. Nhưng để làm ủng thì da ngựa là tốt nhất. Người ta mang đến Antunovo ngựa chết, và giết bớt đi những con ngựa già yếu. Trại trú quân đóng trong khu bảo tồn ở Berezinxki, nên cả du kích lẫn nông dân không được phép giết thú hoang, và mọi người nghiêm túc tuân theo. Nhưng thỉnh thoảng, những khi mà thức ăn thiếu thốn quá thì nguời ta bắn 2- 3 con hươu theo lệnh của Dubrovxki, và da thì chuyển sang xưởng thuộc. Thu xếp được một ngành thuộc da là cả một công trình. Bởi vì cần phải có các chất thuộc da, phải tìm đuợc thợ thuộc da thạo công việc này. Trước chiến tranh các sản phẩm da làm thủ công bị cấm, nên khó tìm được thợ thông thạo hết toàn bộ công nghệ. Nhưng vào tháng 2 -3 tôi đã vẽ những người du kích (Gorgishel, Danhich) được trang bị hoàn toàn nhờ nền sản xuất của mình – từ mũ lông cao và áo khoác da ngắn đến giầy, ủng, bao tay. Họ còn tổ chức lấy được một máy tiện từ Lepel và mang về trại. Lắp đặt xong, những người thợ vũ khí đã tiện ngay được những chi tiết cần cho việc sửa chữa. Búa thợ rèn đồng lòng nện, và họ sửa chữa vũ khí, chế tạo, cải tạo – và đấy nhìn xem: vũ khí trên các bánh xe và các bệ kiểu mới. Từ những súng trường đã bị cháy xém người ta làm ra những cái mới. Những khẩu súng cối tự chế tạo mới tuyệt làm sao! Và cả súng máy nữa, cải tạo từ khẩu súng trường SVT. Những người thợ rèn bất đắc dĩ trở thành những thợ kim hoàn, làm nên những điều kỳ diệu, họ chẳng những chế tạo được vũ khí và mọi thứ cần thiết cho sản xuất từ kim loại, mà còn làm được công cụ để chế tạo các phụ tùng.
Trong các lò rèn đặc biệt, họ nấu chảy đạn đại bác, lấy thuốc nổ làm mìn để đánh phá đường sắt. Công việc thật vô cùng nguy hiểm và liều lĩnh này được các thợ rèn của nông trại học làm thành thạo. Phần lớn số súng máy là tước được của lính Đức và tháo từ máy bay (bị bắn rơi – LTD) của ta, nhưng không dùng bằng tay được, bởi tốc độ bắn của nó rất cao. Thợ rèn Perednhia từ Putilkovich’ sáng chế ra một bệ xoay, như cái giá đỡ, và súng có thể tha hồ xoay xung quanh, đủ một vòng. Sau chiến tranh bản thiết kế phần bệ này đã được áp dụng làm bệ cho súng máy của quân đội, bởi cơ chế quay này giúp cho súng máy của ta trở nên tiện lợi hơn những cây súng trên giá đỡ 3 chân nổi tiếng của Anh. Cấu trúc của Perednhia thông minh hơn và súng máy nhẹ hơn. Cũng chính Perednhia sáng chế ra súng cối từ các đoạn ống nước, để bắn các quả đạn, dù không xa nhưng rất mạnh, – các qủa đạn này rít lên ghê rợn, nổ chói tai và gây ấn tượng kinh hãi cho kẻ thù, chúng tạo thành một cột nấm sát thương khổng lồ bằng các mảnh sắt nhỏ.
Điều làm tôi ngạc nhiên là sự sáng tạo tài tình của nhân dân khi họ chủ động đấu tranh và nhìn thấy thành tựu của cuộc chiến đấu này. Đó là nguyên nhân tại sao có thể đặt được đến 300 km dây liên lạc và hình thành trạm điện thoại cực mạnh, liên kết được tất cả các doanh trại du kích. Nhưng còn cần phải gỡ được 300km đường dây của Đức. Và nếu nói thêm nữa rằng hơn nghìn cây súng được làm lại từ những cây súng cháy; hàng chục nghìn viên đạn được lấy lên từ lòng sông Dvin hoặc được thu về từ vùng phòng tuyến cũ, rồi được các phụ nữ của chúng tôi chùi bằng bột gạch thì sẽ thấy rõ về công việc sản xuất khổng lồ mà đội chúng tôi tiến hành. Giai đoạn chuyển tiếp này của đội du kích từ các đơn vị chỉ chiến đấu trở thành một thể thống nhất như là một thời đại phát triển của xã hội đã sinh ra ý thức rằng tất cả, tất cả đều có thể thực hiện được! Chỉ cần cho những người thợ cả này tự do và họ, như Levsa, sẽ làm được những điều không tưởng tượng nổi. Và khi tôi nhìn thấy, cảm nhận thấy điều này, trước mắt tôi hiện lên tầm vóc tài năng của nhân dân ta, tài năng và trí tuệ bẩm sinh cho thấy, rõ ràng, điều này và chỉ có điều này có thể chặn được quân thù, những kẻ được trang bị kỹ thuật hiện đại và kỹ năng chuyên nghiệp dày dặn. Và cũng rõ ràng rằng: chiến đấu không chỉ có quân đội, mà toàn thể nhân dân chiến đấu! Tất cả mọi người đều bước vào cuộc chiến để quật ngã quân thù, không có ai từ chối rằng không thể làm được điều gì đó vì thiếu phụ tùng hay nguyên liệu. Cần phải chiến đấu và chúng tôi đã tạo ra mọi thứ để có thể chiến thắng quân thù.
Phần 2:
Phục kích bên đường, vùng du kích Lepel’skaya 1943.
Chúng tôi nghỉ ngơi rồi đến gần sáng thì đi ra đường sắt. Iarmosh, đại uý pháo binh quân đội, bố trí vũ khí hỏa lực trong rừng thông cạnh đường rày; chúng tôi nằm trên một triền dốc. Một đoàn tàu dài xuất hiện, phía trước đầu tàu là hai đường kè tàu. Iarmosh nâng súng lên và bắn trực diện vào đoàn tàu. Đầu tàu phun trắng hơi nước, đạn trúng ngay vào nồi hơi, đoàn tàu dừng lại, khực… và một tíc tắc sau – bùng! – đó là các đội viên đánh mìn thực hiện, họ cho nổ phía đuôi đoàn tàu. Súng máy của ta vãi từng lọat đạn ngắn, rồi dài lần lượt, rải khắp đoàn tàu. Năm phút sau, pháo hiệu bay lên, tất cả tập hợp lại và chạy tới đoàn tàu. Không có người trong các toa tàu nhưng thay vào đó trong các toa đổ vỡ toàn là ngũ cốc. Tôi ở phía đầu đoàn tàu khi súng máy bắn vào bên hông. Lại có pháo hiệu, nhưng pháo hiệu trắng – tín hiệu rút lui. Vanhia Kitisha chuyển cho tôi cái đèn đỏ lấy từ đầu tàu, và chúng tôi lúp xúp chạy ngược vào rừng, bởi vì bọn Đức bắn ngày càng dữ dọc theo đường rày, cố gắng tách du kích ra khỏi đoàn tàu. Ai nấy đều rất hài lòng, về đến làng, mỗi người kể cảm giác và hành động của mình, và tôi tự hào với cái đèn của mình: tuyệt, quá hợp để làm ảnh. Về đến căn hộ. Chủ nhà đã không còn lạ chúng tôi nữa, mà làm bánh đón chúng tôi. Ông chủ nhà hoá ra là trưởng thôn, vợ ông là người Ba Lan, rất vui tính, xinh xắn và khéo léo, tên là Iadia, Iadviga. Sự lạ lẫm biến mất, và bao nhiêu là chuyện đùa, là tiếng cười trong căn nhà của người phụ nữ vui tính này, bà đúng là người giữ bếp lửa, nhìn đâu cũng thấy rõ Iadia chăm sóc chồng mình như thế nào. Mitia Frolov và chồng bà, ông trưởng thôn có một thoả thuận là: ngay khi chúng tôi ra khỏi thôn thì ông phải chạy vào trung tâm và báo cảnh binh; nhưng đến được trung tâm thì mất 15 cây số, cho nên chúng tôi tính là, trong khi ông đến báo được cảnh binh thì chúng tôi đã xa rồi, mà ông lại không bị trách vì đã không trình báo.
Một thời gian sau khi chúng quay lại vùng biên một lần nữa và dừng lại tại nhà trưởng thôn thì tôi đã được Iadia tin tưởng. Bà biết tôi là họa sĩ, và đề nghị tôi vẽ chân dung cho bà. Tôi để bà ngồi cạnh cửa sổ và bắt đầu vẽ. Lúc đó có một du kích bước vào, đội mũ calô có gắn ngôi sao, Iadia với lấy cái mũ, khéo léo đội lên đầu mình, chỉ ngón tay vào ngôi sao, bà bảo:
– Phải làm cho nó lấp lánh đấy nhé!
Khi bị hỏi để làm gì thì bà trả lời:
– Để mai mốt tôi sẽ bảo tôi cũng đã từng là nữ du kích. Chẳng lẽ tôi không phải là du kích sao? – bà ấy đã bắt đầu tự hào vì tham gia vào công việc của du kích. Mà sự thực là như thế – người phụ nữ Ba Lan này và chồng bà đã là những chiến sĩ du kích. Và tôi vẽ Iadia như một chiến sĩ: đội mũ calô gắn ngôi sao. Bức chân dung hoàn thành. Ba tuần qua đi, trong 3 tuần đó có ba lần đánh phá tuyến đường sắt bên cạnh làng của Iadia, và lần nào ông trưởng thôn cũng cần mẫn thông báo cho cảnh binh. Nhưng khi chúng tôi quay lại Ugla lần nữa thì ông đã không còn. Bọn Đức đã bắn ông sau khi lục soát, bởi vì chúng tìm thấy bức chân dung của Iadia. Chúng cũng bắn cả bà như bắn một nữ du kích.
Cái chết của Iadia để lại cho tôi chấn động vô cùng, và đến tận bây giờ vẫn có một chút gì như ân hận, cùng với cảm giác đó là suy nghĩ chiến tranh đã huy động hết mọi bất ngờ, mọi điều không thể lường được.
Sau chiến tranh mẹ tôi đã kể chuyện một tên khách trọ Đức giết người hàng xóm như thế nào. Người hàng xóm này ở chơi nhà người quen muộn quá giờ giới nghiêm nên ngủ lại đó. Sáng sớm, khi quay về nhà, vợ ông ta đùa “Ôi, chàng du kích của tôi!”. Tên Đức rút súng lục bắn ông ta chết ngay lập tức, mặc dù hắn đang ngồi trong bàn ăn, ăn món ăn sáng mà chính bà chủ nhà dọn cho. Trong chiến tranh không được đùa với bất cứ chuyện gì, cuộc sống được dệt từ những sợi chỉ đen và trắng. Nhưng kết cục này ở Ugla đến tận tháng Hai tôi mới biết, còn bây giờ thì chúng tôi ngày ngày chuẩn bị cho những cuộc tấn công mới đánh phá đường sắt.
Tối đến Dubrovxki gọi tôi tới giao nhiệm vụ:
– Cậu đi cùng với Bulba theo nhóm 1, cần phải cho nổ cái máy xúc cạnh ngã rẽ.
Bulba là biệt danh của Xtepan Nhikolaievich Shenka, làm trong đường sắt Đức. Shenka vạm vỡ, không cao, tóc vàng, mắt xanh lá cây và nói giọng miền Tây Belorus. Cứ cách hai ngày, sang ngày thứ ba là ca trực của Shenka nên anh có đủ thời gian vào đội thông báo mọi thông tin cần thiết rồi quay về.
Tôi và Bulba ngồi trên xe trượt tuyết của nhóm trưởng vòng vèo một lúc lâu trong rừng, Xtepan Nhikolaievich giải thích từng mỏm đất: chỗ nào nên nằm canh, chỗ nào để ẩn tránh nếu quân Đức tấn công từ ga ra. Chúng tôi đi xuyên qua khu rừng nhỏ thì bắt đầu bão tuyết, đêm tối đen và lạnh lẽo. Cuối cùng thì chúng tôi cũng về đến trạm, hay đúng hơn là nơi tập kết vào trận của nhóm, và nằm nối đuôi nhau bên ven rừng. Nhóm đánh mìn biến vào bóng tối trước, để đặt thuốc nổ phá cái máy xúc trên công trường xây dựng nền đường ray. Những giây phút mỏi mệt…
Bỗng nhóm đánh mìn quay lại, hoá ra là không đủ thuốc nổ, cần phải lấy thêm và đi đặt lại. Nằm cạnh tôi là một chú du kích bé con, chú thì thầm hỏi:
– Chú ơi, thế mình nhắm vào đâu?
Tôi giải thích rằng khi nghe tiếng nổ, nếu quân Đức tấn công thì chúng ta cứ nhè chúng mà “nhắm”. Thời gian vẫn trôi…. Thật lạ là tôi cứ luôn có duyên đụng với mấy chú bé con, vào trận hay ở trại, lúc nào quanh tôi cũng có mấy chú du kích 13 – 14 này.
Đột nhiên có tín hiệu báo động ở ga, quân Đức đổ xuống, rất đông, lại có ngay một đoàn tàu đứng ở ga và chúng bắt đầu bắn về phía bìa rừng, nơi chúng tôi đang nằm. Chắc là chúng phát hiện ra nhóm đặt mìn. Vài phút nữa trôi qua, đạn tiếp tục bắn mà vẫn chưa có tiếng nổ. Nghĩa là phải bò lại đó và đặt lại mìn. Nhóm đặt mìn vừa nhích về phía nền đường thì xung quanh bỗng sáng loà và mặt đất rung chuyển – mìn nổ! Nghe tiếng kêu la của quân Đức, súng máy bắn liên hồi. Chúng tôi bắn trả lại. Anh chàng du kích của tôi dán sát vào người tôi nhưng cũng đáp trả đâu ra đó. Và xảy ra một chuyện không thể tưởng tượng nổi: cái quy – lát súng của tôi lỏng ra và rơi xuống tuyết mất. Hiểu là không được tỏ ra lo lắng, tôi cố mò mẫm tìm nó lắp lại. Cuối cùng cũng lắp lại được nhưng mải mê với việc này tôi không nhận thấy là mọi người đã rút lui, chỉ còn lại mỗi hai chúng tôi với nhau. Chúng tôi nép vào những bụi cây, xung quanh đạn nổ tán loạn, như là chúng bắn từ khắp nơi vậy. Cuối cùng thì chúng tôi cũng thoát được và tìm thấy quân mình. Quân ta buộc phải rút vào rừng.
Nhóm hành động quay về làng, trận đánh đã thành công, quân Đức chết rất nhiều, còn quân ta không mất ai. Ba giờ khuya, chúng tôi về đến nhà, ở Ugla, và bàn tán cảm tưởng với các chiến sĩ nhóm 3.
Ban ngày ở trong thôn, đêm đến lại ra “đường rày”, tôi đã thuộc nhóm của Mitia Korolenko. Bulba dẫn đến nền đường sắt cạnh cầu và chỉ cho biết, bao nhiêu lính canh và ở chỗ nào cùng giờ tàu chạy: vào lúc 1 giờ đêm một đoàn tàu từ Đức sang, mười phút sau khi con tàu phía tây sẽ có con tàu phía đông đi qua cầu. Một giờ thiếu 10 phút, lính canh đổi gác, quân ta đặt mìn vào phần trên thân cầu và đầu cầu, kéo dây về. Định là sẽ cho nổ ngay khi đoàn tàu lên cầu. Không phải đợi lâu. Một tiếng nổ long trời với các cột khói đen, lửa và các mảnh sắt bay làm đinh tai chúng tôi – cây cầu nổ tung, và như dự đoán, đầu tàu không thể dừng lại được, lao vào chỗ gãy và đổ nát. Súng máy của chúng tôi bắt đầu lên tiếng, nã vào các ô cửa sổ đoàn tàu, vũ khí của địch bị chìm trong hàng loạt đạn súng máy dài. Từ phía nhà ga súng máy hạng nặng bắt đầu bắn, chúng tôi buộc phải di chuyển. Nhưng rồi tiếng “Ura-a!” vang lên – và tất cả lao vào tấn công lên đoàn tàu. Quân Đức đã trấn tĩnh lại và bắt đầu bắn trả, nhưng lựu đạn và khói mạnh đến nỗi chúng đành phải rút lui. Và đoàn tàu từ phía đông tới gần. Đầu tàu ngừng lại cách đoạn bị phá đứt khoảng vài mét. Chúng tôi bắn súng máy vào nhưng nó hoàn toàn yên lặng – không một phát súng trả lời. Korolenko cử nhóm phá nổ đi đánh nổ đoàn tàu. Tiếp theo lại cử Pashieia Petra mang theo bom loại 50kg.
Đạp lên lớp tuyết lầy lội, tay ôm quả bom to đùng, Petro chạy đến nền đường ray, và gặp ngay các chiến sĩ đặt mìn đang từ đầu tàu chạy ra; Trong bóng tối Petro nhận ra lính Đức đang bám đuôi nhau đi tới, và tên chỉ huy khẽ ra lệnh: “Suỵt, Suỵt, du kích..”. Petro ném qủa bom xuống và nhảy vào bụi cây chắn bảo vệ nền đường ray. Anh ta vốn cao lớn, nên khi lao vào bụi cây thì cây súng đeo ngang phía sau bị vướng vào những cành thông và hất ngược anh ta trở lại, về phía quân Đức. Chúng túm lấy anh. Nhưng anh vùng được ra và bò luồn dưới gốc những cây thông. Lính Đức không kịp túm lại, mà bắn thì không được vì sợ để lộ tung tích.
Korolenko bực mình không chịu nổi – đoàn tàu không đánh nổ được, mà thuốc nổ lại bị mất. Đứng trước mắt anh ta là hai chàng trai, anh ta thì thầm:
– Thuốc nổ phải nổ hoặc là phải được mang về đây. Chẳng nhẽ để lại cho bọn Đức à? Tôi không thấy các cậu. Mang chất nổ về đây, rồi báo cáo!
Hai người lính đánh mìn quay lại. Chỉ có sự tháo vát mới giúp được họ hoàn thành nhiệm vụ. Lính Đức im lặng rải dọc theo thân tàu và tấn công, lính đánh mìn luồn qua hàng rào lính Đức, đến đuôi đoàn tàu rồi bò dọc dưới gầm con tàu đến đầu tàu, và gỡ lại qủa mìn ngay trước mũi lính Đức, rồi quay ra cũng bằng cách luồn dưới gầm toa tàu.
Trong các toa tàu binh lính bị thương rên rỉ, nhân viên y tế chạy tới chạy lui nhưng quân Đức thì không thấy đâu sau lọat bắn nhau đó. Lính đánh mìn mang mìn về cho Dmitri Timofeevich, nhưng một người trong số họ bạc trắng cả đầu (vì căng thẳng và sợ – LTD) Mệnh lệnh thật khắc nghiệt, nhưng những người lính hiểu là không thể khác được, không thể không có kỷ luật, mà nhóm 3 của Dmitri Timofeevich Korolenko là nhóm đáng tin cậy nhất, kỷ luật cao nhất trong đội.
Quân Đức nhảy ra khỏi toa và đi theo hàng dọc theo toa tàu. Korolenko ra lệnh rút, và chúng tôi rút vào rừng. Nhiệm vụ chỉ hoàn thành được nửa chừng, vì không giật nổ được đoàn tàu thứ hai, đoàn tàu này hoá ra tàu chở quân, điều này chúng tôi không ngờ và phải rút lui để tránh nguy cơ bị bao vây. Nhưng ba ngày sau chúng tôi được biết rằng trong trận đó, lính trên đoàn tàu bị thương và chết rất nhiều, khỏang vài trăm tên phát-xít.
Đó là cuộc tập kích lớn đầu tiên vào tuyến đường sắt. Nhưng thực tế cho thấy rằng cần phải tìm những cách giải quyết mới. Phá nổ đầu tàu hay đoàn tàu không cho hiệu qủa cao, không đủ mìn để hất đoàn tàu ra khỏi đường ray; cần một chiến thuật đặc biệt – xử lý tất cả các toa, tiêu diệt mọi giá trị vật chất và lực lượng chiến đấu trên tàu. Một thủ thuật mới được nghĩ ra. Bức tranh “Đoàn tàu cháy” là để tặng cho nó.
Gần sáng cả đội lui về trại. Tôi và Nhikolai Gutievui đi bên tuyến hông. Phía trước hàng quân bao giờ cũng là trinh sát đầu não và hai bên cách khoảng 100 –150 mét là tuyến hông, chúng tôi cần điều tra tất cả mọi chỗ xung quanh để đề phòng phục kích hay bị đánh úp bất ngờ. Tôi và Nhikolai Gutinevui song song với cả đội, lúc lên gò, lúc xuống lũng.
Hai cuộc hành quân, hai ngày – và chúng tôi đến nhà. Kolia và TASS, chú chó của tôi mừng chúng tôi trở về. Dựng nên một nơi tắm mới, ngâm suốt trong đó, chốc chốc lại mấy chàng trần như nhộng nhảy ra lấy vội thêm nước, rồi chạy ngược vào nhà tắm, những người khác lại nhảy ra lăn trên tuyết rồi lại chạy ngược vào. Thật là sung sướng vô cùng khi được tắm táp sau trận đánh, được mặc quần áo sạch và quay lại căn hầm, nơi công việc và bạn bè đang chờ.
Tôi xếp những tấm tranh vẽ trong cuộc hành quân ra, Nhikolai thích những tấm tranh này, bạn bè đưa ra nhận xét. Kolia cũng cho xem những gì anh ta làm ở trại – phác thảo chân dung, truyền đơn, ấn phẩm cho đội.
Buổi chiều Korolenko, Dubrovxki và Lobanov – chính trị viên của đội lại đến hầm, hôm nay tất cả được nghỉ ngơi. Chuyện trò về chiến dịch, Lobanov trêu chọc tôi về việc tôi biết “tháo” quy – lát. Mọi người quay ra xem xét khẩu súng của tôi và cái quy – lát lại rơi ra tay. Súng của tôi có cái báng mới, đã từng bị cháy, nghĩa là lại phải đưa sang xưởng vũ khí lần nữa.
Hai ngày sau mấy cảnh binh đến xin nhập du kích, và một trong số họ kể rằng:
– Khi các anh đang ở Ugla, đánh phá tàu và quay về, thì chúng tôi phục kích trên đường đi của các anh. Chúng tôi nguỵ trang trong tuyết, dưới các gốc thông. Và rồi, có hai người các anh tới, ngồi xuống, ngay trước mặt chúng tôi, giải quyết nỗi buồn và đi tiếp. Chúng tôi muốn bắn họ nhưng không được phép. Chúng tôi tưởng là một nhóm nhỏ tới, và sẽ bắn, thế mà nguyên một đoàn…
Quả thực, khi đi cùng với Nhikolai trong tuyến hông, chúng tôi thấy có nhu cầu, nhưng lại không được để mất dấu cả đoàn, nên đành phải ngồi ngay trên gò cạnh một cây thông phủ đầy tuyết, rồi lại đi tiếp.
Trong trận phục kích đó có 30 cảnh binh, và hầu như một phần ba số đó – 8 người, ra với ta, gia nhập du kích. Như người cảnh binh nọ nói thì “cuộc phá hoại” của chúng tôi gây một ấn tượng mạnh đến nỗi họ hoàn toàn ý thức được sự thất bại của mình. Nhưng tôi với Nhikolai thì may, không nhận ra quân phục kích nguỵ trang thành cây thông trong tuyết. Bạn không bao giờ đoán trước được, không bao giờ nghĩ ra, bạn đi bên cạnh cái chết của mình khi nào và như thế nào, cũng như điều gì cứu bạn thoát khỏi nó.
Phần 3
Mùa xuân năm 1943 ở khu du kích Lepel’. Chữ ghi ngoài bìa: “Tôi đi ngựa đến làng, thấy người phụ nữ này. Vũ khí cất giấu ở bìa rừng, đợi quân Đức tấn công đến, còn bà cụ trồng khoai tây quanh chỗ để vũ khí. Tôi cho phép mình dùng cuộn phim mà tôi quý như vàng và quyết định ghi lại cảnh này. Sau chiến tranh tôi quay lại Pushno, lòng muốn gặp người phụ nữ này để hỏi về số phận bà. Ngay tại sân nhà bà, người ta chỉ cho tôi một hố bom và kể rằng bà đã mất mùa xuân năm 1944, khi đang trồng khoai tây. Máy bay tới, ném bom – rơi ngay xuống đây.
Chú ngựa xám mình phủ đầy sương muối đang nhảy nhót vui vẻ, nhưng tôi thấy lòng nặng nề vô cùng. Thứ nhất là vì việc tôi sắp phải làm: vào ngôi làng gần Atunovo và xử bắn một phụ nữ mà theo như báo cáo của dân làng là đã đến với cảnh binh ở Lepel’. Người phụ nữ này không phải dân địa phương, mà là người tản cư. Tôi không thích nhiệm vụ này, mà làm sao có thể thích được việc đi bắn phụ nữ kia chứ. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, và nỗi sợ hãi của những người sống xung quanh cô ta là một nguyên nhân rất quan trọng, rất nặng ký, vì hành động đi đi lại lại Lepel’ với người yêu cảnh binh của người phụ nữ nọ làm tê liệt những người đang sống trong lo lắng, sợ rằng cảnh binh sẽ biết về các quan hệ của họ với du kích; do vậy thoạt nhìn thì thấy đây là một mệnh lệnh tàn nhẫn nhưng nó lại có cơ sở nhân bản – nó bảo vệ những người đang giúp đỡ cuộc đấu tranh với quân xâm lược. Tôi cũng hiểu thêm rằng mình đang bị thử thách, vì chính Markevich đã kể là ngay trong cuộc họp đội mọi người đã nói: Không biết Nhikolai có dám bắn, hay nói chung là giết chết ai không? Tôi tạo cho mọi người cảm giác (tôi) hơi yếu đuối, mà cuộc chiến đấu thì khốc liệt và đòi hỏi sự tự tin trong mỗi người lính.
Cuối tháng 11, trời rất lạnh, buốt giá vô cùng, đợt rét đến đột ngột, tuyết phủ kín những ổ gà, những vết xe trên đường, cuộn thành những ụ nhỏ; đường ngày càng dễ đi xe trượt tuyết hơn, nhưng trên những gò đụn thì bánh xe vẫn còn nghiến ken két trên mặt đường đóng băng cứng như đá.
Đường phía trước còn dài, ngồi trong cái xe trượt tuyết nhẹ hai chỗ, Pavel, cũng như mọi khi kể hết chuyện nọ đến chuyện kia…
Chúng tôi đến ngôi làng vào ban đêm. Không có căn nhà nào có ánh lửa, chỉ có bóng những căn lều, và phía sau là rừng âm u. Ngựa dừng cạnh căn lều cần đến:
– Đấy, đến rồi đấy. Tóm lại thì, Nhikolai, thực hiện nhiệm vụ đi! Giờ thì xem xem cái mụ cảnh binh này là thế nào?
Anh ấy như muốn làm tôi tức điên lên vì biết rằng tôi sẽ rất khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ này. Tôi muốn có chỗ dựa nên rủ anh cùng vào. Mở cửa cho chúng tôi là một ông cụ, rồi ông quay vào, vặn đèn và treo lên tường. Ánh sáng leo lét nhưng từ ngoài tối vào nên thấy nó rất sáng, soi rõ một vách ngăn bằng ván có dán giấy tường màu hồng. Phía trong khung cửa không có cánh, tôi thấy một cụ bà, nằm trên những chiếc ghế kê vào nhau, quay phía lưng tựa ra ngoài, chỗ trống bên cạnh chắc là của cụ ông. Tôi hỏi ông cụ:
– Những ai đấy?
Ông cụ trả lời rằng hai ông bà sơ tán từ Leningrad về đây năm 1941 và từ đó ở lại đây luôn. Ông cụ đứng giữa nhà, khoác cái áo len phụ nữ, quấn chiếc khăn nhàu nhĩ ở cổ và nhìn chúng tôi với vẻ bất lực.
– Thế còn một người nữa đâu?
Tôi nói to, cố gắng tỏ ra nghiêm khắc, cố gợi cho mình cảm giác thù ghét người phụ nữ đi lại với cảnh binh, nhưng điều này chỉ làm cho tôi càng thêm bực bội và cảm thấy thật vô lý khi gào lên với những cụ già bất hạnh này:
– Cô Nadedzda á? Cô ấy ở đây, – cụ già nói và chỉ vào phía trong khung cửa, đằng sau tấm rèm – Cô ấy cũng là dân sơ tán, từ Leningrad.
Tôi gạt cái rèm ra và thấy một phụ nữ trẻ nằm trên giường sắt với hai đứa nhỏ, một đứa trai một đứa gái, bé gái chắc khoảng 3 tuổi, còn bé trai trông có vẻ lớn hơn. Trong lòng bỗng lẫn lộn bao nhiêu cảm xúc! Tôi phải thi hành mệnh lệnh! Mà mệnh lệnh bây giờ thì càng trở nên nặng nề hơn, tôi phải bắt đầu chiến công của mình bằng việc bắn vào người phụ nữ ngu ngốc rước bất hạnh vào mình và con cái này.
Nadedzda im lặng ngồi dậy. Cô ấy mặc áo sơ mi nam, mặt nhợt nhạt, với vài chỗ sưng vù. Tôi bắt đầu nói rằng vì hành vi của cô ta, vì cô qua lại với cảnh binh nên cô ta phải nhận án:
– Người ta đón nhận cô về sơ tán! Thế mà cô trả ơn họ bằng cách làm bây giờ cả làng sợ cô, không dám giúp đỡ du kích vì lo bị cô bẩm báo! Cô khéo chọn được lúc để yêu đương với cảnh binh nhỉ?
Nadedzda đứng cúi mặt như hoá đá, hai tay buông thõng, còn tôi thì dùng đủ mọi lời lẽ chua cay để lên án cô ấy, nhưng trong đầu thì ong ong: Rồi, bây giờ dẫn cô ta ra sân, và bắn, sau đó quay lại phòng và phải làm gì đó với lũ trẻ, các cụ già không nuôi nổi chúng, bản thân họ còn lay lắt, mà sau những chuyện như thế này thì trong thôn chẳng ai muốn cưu mang chúng đâu. Đưa chúng đi đâu bây giờ? Chẳng lẽ lại cứ để mặc chúng lại đây, một mình trong căn lều lạnh lẽo này rồi lên xe đi? Tôi quay sang hỏi Khot’ko:
– Pavel, làm gì với loại cỏ rác này đây?
Pavel cũng không biết làm sao nên trả lời ngắn gọn:
– Cậu nhận lệnh rồi, cứ thế mà thực hiện.
Tôi nhận thấy là mọi lời nói của tôi với tội nhân chẳng tạo nên ấn tượng gì, cô ta hoá đá vì bị sốc như phần lớn những người sắp lãnh án. Tôi lại bắt đầu:
– Tại sao cô không biết nghĩ đến bọn trẻ con? Sao lại có thể đến với bọn giặc như thế?! Chính vì bọn phát xít mà cô phải chạy khỏi Leningrad, thế mà bây giờ lại sang Lepel’ – đến với bọn chúng!
Tôi hiểu rằng những lời nói của mình là vô ích. Tôi quyết định: phải lôi cô ta ra khỏi trạng thái gỗ đá này, bắt cô ta phải cảm thấy nỗi sợ cái chết và khi đó mới nói tiếp.
Tôi nghiến răng thì thầm để không làm trẻ con thức giấc:
– Nào, mặc quần áo vào, ra ngòai trời!
Cô ta ngồi xuống như cái máy, ngoan ngoãn cho chân vào đôi ủng lính to đùng còn buộc dây kỹ, thấy rõ là đã lâu không buộc, không tháo gì, khoác lên vai cái áo lót lông mới phủ dưới chân cô ta và đi theo tôi. Đến cửa tôi nói với lại:
– Cầm lấy cái xẻng, sẽ tự đào mồ cho mình, chứ còn bắt ai đào cho nữa.
Chúng tôi bước ra ngoài bóng tối. Ánh sáng chiếu qua khe cửa, gió cuộn tuyết trên mặt đất. Tôi lại bị nhói lên vì ý nghĩ: Tôi đưa bọn trẻ đi đâu bây giờ? Người phụ nữ bước ra và các cái xẻng đi theo gò đất, kéo lê đôi ủng to tướng.
– Nào, – Tôi giận dữ nói, – đào đây!
Cô ta bắt đầu thử thúc xẻng xuống đất đóng băng… và bỗng rùng mình và khóc rền rĩ. Bây giờ lại phải quay lại căn lều, lại nói chuyện lại, cố tìm lối thoát, làm rõ xem tại sao cô ta đến Lepel’, khi đó sẽ hiểu rõ là cần phải làm thế nào với cô ta.
Chúng tôi bước vào căn lều, ngọn đèn chiếu thứ ánh sáng rầu rĩ, Pavel ngồi cạnh bàn, các cụ già co ro trên những chiếc ghế của mình, trẻ con ngủ. Và lòng tôi lại rối lên:
– Nhikolai, quyết đi, – Khot’ko nói, – cậu lằng nhằng với nó lâu quá.
Bấy giờ chúng tôi ngồi vào bàn và tôi thấy cô ta khóc. Tôi hỏi:
– Kể xem, khi nào và để làm gì?
Cô ta nấc lên, lấy tay che mặt, vai rung lên:
– Tôi ra chợ… váy dài… cho trẻ ăn. …màu xanh, tơ lụa Trung quốc…tôi muốn bán. Hắn tới gần và bảo: “Đi với tôi, tôi mua cái váy cho”. Tôi đi với hắn, hắn bảo: “Tôi sẽ cho em một xô lúa mạch, tôi thích em”… Vào đến nhà, thế là …hắn…đẩy…lên giường…Hắn cho lúa …và tôi …về, ở nhà mọi người đang đói…
Nhóm tập trung ở hầm tham mưu, vào những ngày đầu tháng 10 này, chỉ huy đội cử một toán lớn – 10 người – đi đánh đường sắt. Dẫn đầu toán này là chỉ huy trung đội trinh sát Nhikifor Dzurko và trinh sát viên Vaxilii Vitko. Thiết tha đòi theo nhóm đi thực hiện nhiệm vụ có Fedia Moshov, một du kích trẻ, vẫn còn là một chú bé, nhưng chú không được nhận, tôi thấy đôi môi chú run run vì giận dỗi, muốn chú khuây khoả nên tôi dẫn chú vào hầm chúng tôi và quyết định chụp cho chú một pô ảnh, tôi có một cái máy ảnh “Kontack” lấy được của quân Đức. Vaxia Vitko đuổi theo chúng tôi và khi biết về việc chụp ảnh đã bảo chụp như vậy phí đi. Rồi họ quay lại với đầy đủ quân phục, Vitko còn có một khẩu súng máy chiến lợi phẩm, và tôi chụp họ cùng với nhau, rồi chụp một mình Fedor, sau đó chúng tôi sang chụp cả đội đánh mìn chuẩn bị đi làm nhiệm vụ. Vitko bước xuống từ cái xe đạp, bên cạnh đó có một trái mìn có đề dòng chữ: ”Reichstag (Nghị Viện Đức). Adolf Hitler”.
Trên ảnh Fedia trông khá oai, nhưng rõ ràng là khuôn mặt rất buồn, như vừa khóc. Chú mới 13 tuổi. Cha chú, một du kích, bị bọn cảnh binh bắt giữ và chúng đặt một ổ phục kích trong nhà Moshov, vì chúng nghĩ: “Thế nào sói mẹ cũng tới cứu sói con”. Mẹ Fedia làm bánh nhân anh túc, thuốc cho lính canh ngủ và đêm đến bà cùng với con trai chạy thoát được qua cửa sổ, chạy ra rừng. Và thế là Fedia trở thành du kích – làm trinh sát, một trinh sát thông minh, giỏi giang.
Tất nhiên là mọi người chiều chuộng và cố gắng trang bị cho cậu bé Fedia, kiếm được cho chú áo khoác, đính thêm galife vào, ủng cũng tìm được đôi vừa chân. Vaxia Vitko còn cắt bớt cái báng súng Đức đi cho nhẹ hơn. Trên tấm hình còn cho thấy bộ bao đạn trên người Fedia cũng là của Đức, đạn cũng đạn Đức, trên thắt lưng là lựu đạn RGD, đó là của Vitko cho mượn, để cho ra vẻ một người lính hoàn hảo.
Người phụ nữ run rẩy vì sợ hãi, vì phải nhớ lại nỗi nhục của mình, nấc nghẹn, nhưng cô ta không được khóc, để không làm bọn trẻ con thức giấc, tôi cũng rùng mình ớn lạnh, tôi thấy thật tội nghiệp cho cô ta, tôi biết là cô ấy nói thật, tôi rùng mình vì cái sự thực khủng khiếp này, khi bạn phải kết án một người rơi vào vòng xoáy của các sự kiện. Và tôi chợt loé lên ý nghĩ – nhưng cô ta không có lỗi! Đây là hoàn cảnh bên ngoài đối nghịch cô ấy, còn cô – không có lỗi gì!!! Và không còn nghĩ đến việc phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ, tôi moi trong cặp ra một cuốn sổ, Khot’ko ngạc nhiên nhìn, không biết tôi định làm gì?
– Đây, Nadedzda! – Tôi nói – Hôm nay cô đã hiểu cuộc sống có thể quay lưng với cô, để lại hai đứa con mình côi cút như thế nào. Đừng nghĩ đến chuyện quay lại chỗ cảnh binh lần nữa nghe chưa? Mà thôi không đến Lepel’ luôn đi! Tạm thời tôi cho cô giấy đến kho của đội, đến Antunovo mà nhận nửa bao lúa mạch. Có thể hỏi xem có việc gì làm không, ở đó có các xưởng may quần áo ngụy trang cho chúng tôi.
– Cậu làm sao đấy, Nhikolai, điên à?! – Khot’ko không nhịn được, hỏi tôi.
Nhưng tôi thấy nhẹ lòng. Nadedzda đưa tay run run cầm tờ giấy tôi vừa xé ra. Tôi bước ra khỏi bàn, Khot’ko cũng đứng dậy, hai cụ già tiến lại chỗ chúng tôi, tôi nói với lại với các cụ:
– Các bác trông chừng cô ấy nhé, để cô ấy đừng làm điều gì ngu ngốc nữa. Sẽ không biết phải làm sao với bọn trẻ đâu.
Chúng tôi bước ra ngoài bóng đêm đầy gió và những bông tuyết bay là là trên mặt đất, phải đi thôi. Ngựa lạnh cóng, hăng hái kéo xe trượt đi trên mặt đường đóng băng, Khot’ko chỉ nói:
– Bọn Đức chó chết! Chắc là cậu đúng, chẳng biết làm sao với bọn trẻ. Có thể rồi đâu sẽ vào đấy. Chỉ cần trên đường về phải rẽ vào bảo họ đừng có đụng đến cô ấy nữa.
Dịch từ Nga sang Việt: Nguyễn Thủy (TuDinhHuong)
Hiệu đính tiếng Việt: Lý Thế Dân
Pingback: Ký ức chiến tranh (Hồi ức của những binh sĩ Xôviết từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại)- Phần 1 | Nghiên Cứu Lịch Sử