Chiến tranh Nhật- Hàn năm Nhâm Thìn (1592)

Imjin war

Ngô Mạnh Đức

Lược dịch từ : Imjin War – Samuel Hawley

1: Cuộc chạm trán đầu tiên.

Đó là năm Imjin – Nhâm Thìn trong lịch Hàn Quốc, năm 1592 theo lịch Tây phương. Sáng ngày 23/5, một làn sương mù che khuất tầm nhìn xa tại cảng Pusan. Chong Pal, người chỉ huy tuổi đã lục tuần của đồn Pusan rời cảng sớm để tham gia cuộc đi săn hươu ở hòn đảo gần đó. Chiều hôm ấy, khi phóng tầm mắt ra khỏi các rặng cây, ông có lẽ là người đầu tiên nhận thấy dấu hiệu của sự nguy hiểm: một hàng những con tàu lấp ló dưới đường chân trời, đang tiến về từ phía nam. Nghi ngờ đây có thể là mở màn cho cuộc xâm lược của người Nhật, vốn chỉ được vài người cảnh báo trước đó một năm, chỉ huy Chong ngay lập tức quay lại đảo Pusan để gióng hồi chuông cảnh báo. Khi màn đêm buông xuống, 400 con tàu đã cập bến, và những người dân trong thành Pusan đều tự hỏi nhau rằng: “Rốt cuộc, chúng đến để làm gì?”.

Câu trả lời nằm ở cách Pusan 250km về phía đông, trong một trụ sở chiến lược nằm trên bờ biển Kyushu. Tại đây, người điều hành nước Nhật thống nhất, Toyomi Hideyoshi đã sẵn sàng bắt đầu chiến dịch của mình với 158.800 binh lính sẽ cập bến Hàn Quốc, cùng với đó là 76.200 lính thường trực bảo vệ Hideyoshi tại trụ sở để đề phòng các cuộc phản công.

Toyomi Hideyoshi không phải là một người đàn ông quá ấn tượng về mặt ngoại hình. Một lão già nhăn nheo, ốm yếu với thân hình nhỏ thó cao khoảng 1,5m và chắc chỉ nặng không đầy 50kg. Nhưng trong cương vị của một nhà chinh phạt, ông già này là một người khổng lồ. Sinh năm 1537 trong một gia đình nông dân ở vùng phụ cận Nagoya ngày nay. Hideyoshi lớn lên giữa thời Sengoku (Chiến Quốc), thời đại nội chiến của các lãnh chúa địa phương kéo dài hơn một thế kỷ, chia cắt nước Nhật thành nhiều vùng cát cứ. Cha ông làm việc trong gia đình Oda, gia tộc kiểm soát khu vực ông sống. Khi Hideyoshi đủ tuổi, ông bắt đầu tham gia vào quân đội của nhà Oda. Trưởng thành từ một người lính trơn, ông nhanh chóng leo lên vị trí chỉ huy cấp cao, rồi thành thuộc tướng của nhà Oda.

Năm 1582, thủ lĩnh gia tộc Oda, Oda Nobunaga, bị sát hại bởi chính thuộc tướng dưới quyền mình. Vài ngày sau sự kiện, Hideyoshi trả thù cho chủ nhân, đặt đầu của kẻ phản bội bên nấm mồ của Nobunaga. Ông chiếm lấy những vùng đất trước đây của Oda Nobunaga, khoảng 1/3 Nhật Bản. Đó là khởi đầu cho hành trình thống nhất Nhật Bản trong chín năm của cậu bé nông dân làng Nakamura, được Nobunaga đặt cho biệt danh “con khỉ” hay “chuột hói”. Năm 1592, ông bắt đầu mở rộng các cuộc chinh phạt của mình ra nước ngoài. Ý tưởng có thể đã nảy ra trong đầu Hideyoshi từ vài năm trước đó, trong bức thư gửi vợ mình năm 1589, ông viết: “Bức thư yêu cầu sự thuần phục của Hàn Quốc đối với Nhật Bản của ta đã được gửi đi cấp tốc trên những chuyến tàu. Nếu họ không chịu thuần phục, ta sẽ gửi thư đe dọa trừng phạt họ vào năm sau. Kể cả Trung Quốc cũng sẽ nằm trong tay ta và ta sẽ cai trị nó cho tới cuối đời.”

Hideyoshi tin ông có thể chinh phục Trung Quốc vì ông đánh giá Trung Quốc lúc này đang rất suy yếu, đánh giá này không hoàn toàn thiếu căn cứ. Trung Quốc cuối thế kỷ 16, dưới triều đại nhà Minh thật sự yếu kém. Toàn đế chế, không có nhiều hơn 2 triệu binh lính ở trạng thái sẵn sàng ứng chiến, ngoài đội quân lạc hậu trú tại thành Bắc Kinh. Thậm chí, triều đình Minh đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tập hợp 10 vạn người để đối phó với các hoạt động quân sự đầy đe dọa, diễn ra thường xuyên: người Mông Cổ ngoài trường thành, người Nữ Chân nổi dậy ở phía đông, cướp biển hoành hành dọc duyên hải, giải quyết các rắc rối với Miến Điện. Về phần Hideyoshi, ông sở hữu đội quân gần như tinh nhuệ nhất toàn cầu, 1/4 triệu binh lính trang bị hiện đại, được đào tạo tốt và có thể còn điều động được nhiều hơn nữa. Hơn hết, sau hàng trăm năm loạn đả, hàng chục vạn người này thấm nhuần học thuyết về sống còn của Darwin, họ hiếu chiến, sẵn sàng và cuồng nhiệt với chiến tranh. Làm một phép so sánh, thì hạm đội Tây Ban Nha tấn công nước Anh vài năm trước đó chỉ khoảng 30.000 người; toàn bộ quân đội của Nữ hoàng Elizabeth I không quá 20.000 người. Nếu có khả năng chuyển lực lượng của mình tới châu Âu, Hideyoshi hoàn toàn có thể trở nên đáng sợ với quân số của mình.

Hideyoshi chính thức bắt đầu công việc của mình ở Hàn Quốc vào ngày 23/5/1592. Đội viễn chinh đầu tiên cập cảng Pusan trong đúng ngày này, gồm 18.700 lính dưới quyền chỉ huy của Konishi Yukinaga. Hắn vẫn ở trên tàu của mình trong tối hôm đó. Tới 4 giờ sáng hôm sau, cuộc đổ bộ mới diễn ra. Người Hàn trong thành Pusan dõi theo quân đoàn hung tợn trên bước đường hành quân của chúng. Chỉ huy Chong Pal quay sang người của mình và hét lớn: “Ta ra lệnh cho các ngươi chiến đấu và hy sinh một cách thật anh dũng! Kẻ nào lùi bước, đích thân ta sẽ lấy đầu kẻ đó!”

Cuộc chiến diễn ra ác liệt nhưng nhanh chóng kết thúc. Tại đây, người Hàn lần đầu tiên được trải nghiệm sức mạnh tuyệt vời của súng hỏa mai. Lính thủ thành Pusan lần lượt ngã quỵ trước những viên đạn chì tròn, được bắn ra như mưa bởi những chiếc “chân chó” kỳ lạ. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu trước quân Nhật cho tới khi không còn mũi tên nào nữa. Chính ngài Chong Pal cũng tử trận, tới 9 giờ sáng thì thế cục hoàn toàn ngã ngũ, với không còn bất cứ sự chống cự nào từ quân Hàn.

Khi quân Nhật tràn vào thành, Biên niên sử Samurai, Yoshino Jingozaemon ghi lại: “Chúng tôi bắt hết những người đang chạy loạn khắp nơi và cả những người cố gắng trốn trong khe vách giữa các căn nhà. Những người không tìm được chỗ trốn thì chạy tới cổng phía đông, họ nắm tay nhau tới chổ chúng tôi và nói tiếng Trung: ‘Mano! Mano!’, như thể đang cầu xin sự khoan dung. Không màng tới điều này, quân của chúng tôi lao tới tàn sát họ như để hiến tế máu cho thần chiến tranh vậy…”. Trong số nạn nhân, có cả người vợ lẽ mới chỉ 18 tuổi của ngài Chong Pal. Thi thể của cô được tìm thấy ngay bên cạnh chỉ huy Chong. Cô đã tuẫn tiết bên cạnh chồng mình.

Trong những ngày sau đó, liên tiếp hai đơn vị bổ sung cập bến Pusan: Kato Kiyomasa với 22.800 quân; Kuroda Nagamasa với 11.000 quân. Tướng Konishi, với đội đầu tiên tới Pusan của mình hào hứng tiến thẳng về kinh đô ở Seoul, lộ trình hướng vào trung tâm bán đảo. Kato không chấp nhận trước viễn cảnh mất công đầu, cũng bắt đầu dẫn quân chạy đua theo tuyến đường phía đông đã được định sẵn. Kuroda thì theo hướng tây. Cứ thế, ba cánh quân hành quân thần tốc tới mức người Hàn rất khó thám báo kịp vị trí của quân địch.

2: Hoàn toàn thất thủ.

Cứ điểm quan trọng nhất của người Hàn là Chungju, nằm giữa chặng đường từ Pusan tới Seoul, ở rìa phía bắc tỉnh Kyongsang. Triều đình Seoul cử tướng Sin Ip tới đây để ngăn cản bước tiến của quân địch. Ông tập hợp một đội quân 8.000 người, bao gồm sĩ quan và quân lính phía nam đào thoát kết hợp với lực lượng ông đem từ Seoul. Ý định ban đầu của Sin là đưa người của mình phục kích tại đèo Choryong, phía nam thành phố, nơi ông có thể tận dụng được địa hình gồ ghề của con đèo hẹp. Sin Ip lập tức phải thay đổi kế hoạch của mình, khi nghe tin về thất bại chóng vánh của cánh quân phòng thủ ở Sangju, cách đó 100km xuôi về phía nam, do tướng Yi Il cầm đầu. Với việc mất Sang Ju và người Nhật đang tiến rất nhanh tới Chyorong, tướng Sin quyết định ở lại ngay tại Chungju. Thủ hạ của ông đề ra ý kiến: tập trung phòng thủ tại các ngọn đồi hiểm trở quanh thành phố. Tuy nhiên, ông bác bỏ điều này vì cho rằng: “Địa hình đồi núi sẽ vô hiệu hóa kỵ binh của chúng ta. Thế nên, ta sẽ đóng quân ở đây, ngay tại vùng đất bằng phẳng này.”

Giữa ngày 6/6, quân Nhật đã vượt con đường đèo Choryong, tiến sát Chungju. Trong khi đó, Sin Ip dàn quân sẵn sàng đương đầu với kẻ địch trước một thị trấn, nằm dưới chân quả đồi Tangumdae. Đây là một vị trí tệ hại, khi bị chặn bởi sông Nam Hàn phía sau và đồi Tangumdae ở bên phải. Sin Ip đã chọn cho mình một tử địa với không một lối thoát khả dĩ. Đương nhiên, ông bị các đồng sự chỉ trích rất nhiều. Dường như, quyết định này của ông đến từ sự tự tin thái quá mà ông dành cho đơn vị kỵ binh của mình, khi cho rằng chúng có thể phát huy sức mạnh trước quân Nhật trên địa hình đồng bằng. Tuy nhiên, có vài điểm trong tình thế chiến trận tại Chungju có thể bào chữa cho quyết định thất sách này của tướng Sin Ip.

Việc chọn chiến trường dưới chân đồi Tangumdae không lối thoát, có khi lại chính là mục đích thực sự của tướng Sin. Tự đặt quân mình vào tình thế hiểm nghèo, để binh lính đạt trạng thái quyết chiến là một trong những chiến thuật kinh điển trong binh pháp Trung Hoa. Không thiếu tướng lĩnh đã thành công khi áp dụng chiến lược này, dù cho quân số thua xa kẻ thù. Chiến thuật dựa trên nguyên tắc tâm lý đơn giản: khi một chiến binh bị dồn vào ngõ cụt, không còn chút cơ may đào thoát nào; bằng nỗ lực cuối cùng trong tuyệt vọng, anh ta sẽ vùng lên chiến đấu như “con thú hoang cùng đường” và nhờ đó trở nên rất khó đánh bại. Là một trong những tướng dày dạn kinh nghiệm nhất mà người Hàn sở hữu, biết chữ và chắc chắn đã đọc binh pháp Trung Quốc, tướng Sin Ip biết về chiến lược này.

Ví dụ sớm nhất cho cách đánh trận trên, có lẽ đến từ nhà quân sự lỗi lạc thời Hán trong khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, Hàn Tín. Hàn Tín đã đặt quân của mình dưới chân một hẻm núi và quay lưng ra phía bờ sông. Với không còn lựa chọn nào để thoái lui, quân Hán chiến đấu điên cuồng để giành lấy sự sống, và cuối cùng chiến thắng một cách đầy vinh quang. Sau đó, các thuộc cấp của Hàn Tín đã hỏi ông rằng: “Binh pháp nói “Bên phải sau lưng thì núi gò, trước mặt bên trái thì sông đầm” nay tướng quân lại sai chúng tôi quay lưng ra sông mà bày trận, nói chắc rằng đánh xong quân Triệu sẽ ăn cơm. Chúng tôi không phục nhưng kết quả lại thắng, ngài có thể giải thích được không?”. Hàn Tín đáp: “Điều đó ở trong binh pháp, chỉ là các người không biết thôi. Chẳng phải binh pháp có nói: “Hãm vào đất chết thì sau nó mới sống, dắt vào chỗ mất thì sau nó mới còn” đó sao? Vả lại ta không có trong tay tinh binh. Toàn nhưng kẻ ta kéo ngoại chợ vào chiến trường. Tình thế này nếu không đặt chúng vào nơi hiểm nguy khiến cho ai cũng vì bản thân mà chiến đấu thì không được. Nếu như ta để cho chúng vào nơi đất sống thì chúng đều bỏ chạy, thế thì làm sao dùng đám binh quèn này được nữa.”

Tướng Sin Ip cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Lính tráng của ông đa phần kém cỏi, không chuyên, thậm chí nhiều người chỉ thuần nông dân, họ nhát gan và đôi khi bỏ chạy ngay lúc bắt đầu giáp chiến. Hơn nữa, ông buộc phải giành chiến thắng, bởi Chungju là lá chắn cuối cùng của kinh đô ở Seoul vào lúc này. Đây quả là trận tử chiến không thể tránh khỏi. Với một dòng sông phía sau lưng, quân của ông sẽ không thể hèn nhát mà bỏ chạy như những gì quân của tướng Yi Il đã làm ở Sangju. Với đội kỵ binh át chủ cùng với hàng loạt tân binh chập chững, Sin Ip tin mình vẫn có cơ may ngăn chặn người Nhật.

Về phần quân Nhật, nhờ tù nhân Hàn dẫn đường, họ dễ dàng qua đèo Choryong và trực chỉ hướng Chungju từ tối ngày 5/6. Hành quân xuyên đêm, tới khi còn cách thành phố vài km, Konishi Yukinaga chia đội quân của mình thành ba phần: tả, trung, hữu. Sau đó, với các tay súng dẫn đầu, phía sau là lính cận chiến; họ xộc thẳng vào chiến địa dưới chân đồi Tangumdae. Ngay loạt đạn chì đầu tiên, quân của Sin Ip đã có dấu hiệu vỡ trận. Sin Ip đã cố gắng xoay xở, chỉ đạo nhóm kỵ binh của mình tiến lên phía trước, nhưng hỏa lực đã đập tan ý định càn quét đội hình đối phương của dàn kỵ sĩ. Chẳng mất chốc, chiến địa tràn ngập lính Hàn cùng những con ngựa đang nằm quằn quại, đau đớn. Thất bại thảm hại hiện rõ trước mắt Sin Ip. Giá mà trận chiến cũng là trận “giáp lá cà” như quân Hán của Hàn Tín đánh với quân Triệu từ trước công nguyên, thì biết đâu Sin và người của ông đã có thể dành chiến thắng với gươm và giáo. Nhưng trước uy lực của súng hỏa mai, chẳng có kết quả bất ngờ nào cả. Ngày hôm đó, tướng quân Sin Ip và 8.000 người của mình bị đè bẹp tại Tangumdae. Các chiến lược cổ xưa, rốt cuộc, đã không còn hiệu quả trước sự tiến bộ của công nghệ quân sự.

Sau khi hội quân thời gian ngắn tại Chung Ju, đội tiên phong của Konishi và đội của Kato Kiyomasa lại tiếp tục tách nhau, thần tốc tiến công Seoul. Konishi lại là người tới trước, hắn tới Tongdaemun (Cổng Đông) vào sáng ngày 12/6 còn Kato tới Namdaemun (Cổng Nam), vài giờ sau đó. Người Nhật tiến vào một tòa thành ma. Toàn bộ lính và dân đều chạy trốn, vua Sonjo và chính phủ của ông đã kịp sơ tán.

Toàn quân Nhật nghỉ ngơi ở Seoul trong hai tuần, đồng thời các hoạt động quân vận bổ sung vẫn tiếp tục diễn ra ở bờ phía nam. Họ nhanh chóng quay lại đường đua. Đầu tháng bảy, các samurai đánh tan 10.000 quân của Tổng tư lệnh Kim Myong Won khi vừa vượt sông Imjin. Tới cuối tháng, Nhật đã kiểm soát hoàn toàn Bình Nhưỡng. Trong cùng thời gian này, Kato Kiyomasa thúc quân của mình theo hướng đông bắc, một hành trình dài 1.000 cây số từ Pusan tới tận vùng Mãn Châu. Tại đây, người Nhật đã có vài xung đột nhẹ với quân đội du mục Mãn Châu, có thể để kiểm tra sức mạnh của người Nữ Chân.

Nhưng có lẽ đó là giới hạn cho toàn bộ cuộc chơi của người Nhật trên đất Hàn.

Vào tháng 8 năm 1582, Trung Quốc quyết định gửi viện binh tới đất Hàn. Vua Sonjo và nội các của của ông, hiện đang trú ẩn tại Uiju trên sông Yalu, ban đầu khá dè dặt với mong muốn giúp đỡ từ Minh triều. Vì điều đó đồng nghĩa với việc, phó mặc hoàn toàn quyền tự quyết vận mệnh dân tộc vào tay tướng lĩnh và quan lại nhà Minh. Ngoài ra, còn là các lo ngại về gánh nặng hậu cần phục vụ quân đội nhà Minh, hoàn toàn có thể làm suy kiệt cả quốc gia. Thế nhưng, chiến tranh leo thang khiến người Hàn buộc phải cầu viện Đại Minh nếu không muốn hoàn toàn vong quốc.

Về phần mình, người Trung Quốc ban đầu khá mơ hồ về tình hình tại Hàn Quốc. Liệu thực sự có cuộc xâm lược đang diễn ra như những gì người Hàn báo cáo? Hay chỉ đơn thuần là vài cuộc tấn công từ đám cướp biển, vốn diễn ra như cơm bữa với cả hai quốc gia, trong suốt vài thế kỉ và Seoul thì đang phản ứng thái quá? Làm thế nào người Nhật dám tổng lực tấn công bán đảo, thậm chí uy hiếp cả nhà Minh? Ngay cả khi tình hình chiến sự trở nên rõ ràng hơn, vài người phía nhà Minh vẫn nghi ngờ về một kế hoạch liên minh giữa Nhật và Hàn hòng kéo Trung Quốc sa lầy? Cuối cùng, khi sự đe dọa của quân Nhật đã rõ như ban ngày, vua Minh cũng quyết định điều động binh lính tới Hàn Quốc. Do bận dẹp các cuộc nổi loạn của người Mông Cổ ở phía bắc vào cùng thời điểm, rất khó điều động lực lượng lớn tiến vào Hàn Quốc từ phía đông. Lực lượng quân Minh đầu tiên chỉ có 5.000 lính, được lãnh đạo bởi một tướng lĩnh vô cùng cao ngạo tên Zhao Chengxun. Khi ông này tới Uiju và nghe về sức mạnh của quân Nhật, ông đã quả quyết với các chỉ huy Hàn rằng: “Đám tặc khấu Nhật Bản này với tôi chẳng khác nào lũ ong kiến. Chúng sẽ sớm bị đánh cho vỡ tổ, bay tứ phía thôi.”

3: Bắt đầu phản công.

Imjin war 2

Tướng Zhao và quân đội của mình tiến đến Bình Nhưỡng trong cơn mưa như trút nước, rạng sáng ngày 23/8. Trời tối cùng cơn mưa giúp quân của Zhao che dấu được hành tung. Quân Nhật trong thành đã hoàn toàn mất cảnh giác. Tận dụng tối đa lợi thế đang có, Zhao điều quân của mình ồ ạt tiến vào cổng Chilsongmun (cổng bảy sao) vốn không được canh giữ. Binh lính của ông đã tràn ngập trong thành trước khi người Nhật kịp nhận ra. Ban đầu, các chiến binh của Koshini buộc phải xông xáo chém giết để tìm đường máu, trước khi chúng nhận ra quân Minh thực ra không quá đông. Chúng ổn định lại đội hình, rồi tản ra, khiến quân Minh phân tán bằng cách dụ họ đuổi theo chúng trên các con đường hẹp trong thành phố. Khi đã xé lẻ được đội của Zhao thành nhiều phần, quân Nhật tổ chức phản công. Thế là quân Trung Quốc, dù số lượng đông đảo hơn, nhưng trước hỏa lực rất mạnh của quân địch đã phải rút lui qua cổng Chilsongmun, dọc theo hướng bắc.

Dường như, Hideyoshi và các samurai của ông thực sự là mối đe dọa lớn với Trung Quốc. Điều này buộc Bắc Kinh phải gửi một binh đoàn có quy mô đáng kể tới Hàn Quốc. Tướng Li Rusong vừa trở về kinh đô sau thành tích chống Mông Cổ nổi bật, thừa lệnh lĩnh 35.000 quân chuẩn bị viễn chinh. Quân đoàn của Li vượt sông Yalu cuối tháng 1 năm 1593, chính thức tham gia chiến tranh Nhâm Thìn.

Trong khi đó, Nhật bắt đầu sa lầy tại Hàn Quốc. Để tiếp tục tiến lên phía bắc, lương thảo và quân tiếp viện phải sẵn sàng ở Bình Nhưỡng. Theo kế hoạch, hậu cần sẽ được triển khai bằng các chuyến tàu bắc tiến qua biển Hoàng Hải. Khi tàu chiến Nhật tổ chức thăm dò hải vực phía tây, nhằm tìm kiếm một tuyến đường qua vô số đảo và các eo biển, chúng đụng độ với đội hải quân nhỏ bé của Yi Sun-sin. Trong một loạt trận chiến mà sau này Yi gọi là “chiến dịch tàn sát”, ông đã hủy diệt 200 tàu Nhật mà thậm chí không mất một chiến tàu nào trong 50 chiếc ít ỏi của mình. Hạm đội của Yi Sun-sin chiếm thế thượng phong trong suốt mùa hè năm 1592. Vào tháng 10 cùng năm, ông tấn công thẳng vào sào huyệt hải quân Nhật tại Pusan, với 500 chiến thuyền đang neo đậu. Người Nhật ngao ngán khi phải chiến đấu với hải quân Hàn trên biển, chúng rời tàu, leo lên bờ và hy vọng hỏa lực của mình có thể đánh đuổi Yi Sun-sin. Đạn của quân Nhật hiệu quả với bộ binh bao nhiêu thì vô dụng với vỏ tàu của đô đốc Yi bấy nhiêu. Kết thúc trận chiến tại Pusan, 130 tàu Nhật bốc cháy hoặc bị đánh chìm.

Người Hàn với tàu chiến chất lượng, được trang bị tốt đã làm chủ chiến trường trên biển. Phổ biến trong hải quân của Yi Sun-sin là tàu panokson, hay tàu mái che. Đó là một con tàu được chế tạo đồ sộ, chắc chắn; chủ yếu chạy nhờ sức người, với phần boong tàu được tách làm hai phần riêng biệt dành cho các tay chèo ở phía dưới, và lính chiến ở phía trên. Nó nặng hơn bất cứ con tàu nào người Nhật từng sở hữu, được trang bị đại bác, thứ mà tàu Nhật không có. Đô đốc Yi còn sở hữu một loại tàu rất mạnh nữa, đó là tàu kobukson, hay tàu con rùa. Con tàu này trông như một phiên bản xe tăng trên mặt nước. Nhìn chung, nó có thiết kế tương đồng với panokson ở nhiều điểm, nhưng phần sàn chiến đấu của kobukson được bao phủ bởi một mái nhà với hàng loạt thanh gỗ nhọn, trông như mai rùa vậy. Yi Sun-sin không sở hữu quá nhiều tàu kobukson: trong những tháng đầu cuộc chiến, ông chỉ có một chiếc, sau đó thì có khoảng ba tới năm chiếc. Kobukson gần như không xi nhê gì trước các đợt công kích của tàu chiến đối phương, nó sẵn sàng lao vào giữa vòng tàu địch đông đảo, để hạn chế khoảng cách và nả đại bác chính xác hơn.

Trong khi Yu Sun-sin giành liên tiếp thắng lợi trên biển, thì trên đất liền, quân dân Hàn cũng gấp rút chuẩn bị phản công. Từ mùa hè năm 1592, hai “binh chủng” mới được thành lập riêng biệt: lực lượng dân quân gọi là uibuyong, hay “nghĩa binh” và lực lượng “tăng binh” do nhà sư Huyjong lãnh đạo. Hai nhóm này kết hợp với quân triều đình, tổ chức chiến tranh du kích khiến quân Nhật phải lùi vào thành, không thể tự do hành quân cũng như rất khó khăn trong tìm kiếm lương thực.

Một trong những thủ lĩnh cầm đầu các nhóm du kích nổi tiếng nhất là một học giả thượng lưu tên Kwak Jae-u – Hồng y tướng quân. Ông dùng tiền của mình, để đài thọ cho một nhóm quân du kích nhỏ ở tỉnh Kyonsang, phía đông nam. Danh hiệu “Hồng y tướng quân” mà của ông này, đến từ việc ông ra trận với chiếc áo được nhuộm bằng máu kinh nguyệt lần đầu của một cô gái trẻ. Ông tin rằng khí âm của người phụ nữ có thể đầy lùi được khí dương trong thuốc súng của kẻ thủ. Không biết có phải do chiếc áo không, nhưng ông thực sự sống sót sau cả cuộc chiến và chỉ chết vì tuổi già.

Ngày 5/2/1593, 60.000 lính Trung Quốc và Hàn Quốc tập trung sát Bình Nhưỡng, nơi điểm cực trong hành trình chinh phạt của người Nhật. Các tăng binh của Huyjong là những người tiên phong, họ tiến đánh một đơn vị Nhật đang giữ đồi Moranbong, cao điểm sát thành phố. Mất tới hai ngày đêm, cùng 600 người họ mới chiếm được mục tiêu. Sau đó, vào sáng ngày 8/2, Bình Nhưỡng bị bao vây, cuộc tấn công chính thức bắt đầu. Liên quân đông hơn nhiều quân Nhật trong thành, họ hoàn toàn áp đảo các tuyến phòng thủ ngoài và nhanh chóng áp sát tường thành. Quân của Konishi chưa đầu hàng, chúng lùi vào một pháo đài ở trung tâm thành phố, và cho thấy quyết tâm tử chiến.

Do hao phí nhân lực, Li Rusong ra lệnh cho quân mình rút lui. Trong thời gian tạm lắng, ông gửi thư tới cho Konishi: “Đội quân của ta dư sức tiêu diệt các ngươi, nhưng ta không muốn giết thêm nhiều mạng nữa. Do đó ta sẽ ngừng tấn công, chừa chổ cho ngươi rút lui”. Rõ ràng, đây là một lời đề nghị mà Konishi khó lòng khước từ, hắn đã mất 2.000 người và không thể chịu thêm tổn thất được nữa. Hắn đồng ý rút quân từ Bình Nhưỡng về Seoul. Tướng Li tập hợp quân của mình theo sát Konishi.

Li gặp phải trở ngại lớn ngay khi vượt sông Imjin, đó là quân đoàn số sáu được chỉ huy bởi Kobayakawa Takakage, đóng quân tại Pyokje, cách 15km theo hướng bắc Seoul. Kobayakawa là chỉ huy lớn tuổi nhất mà Hideyoshi cử sang Hàn Quốc, bỏ qua lời can ngăn của đồng đội ông quyết giành lại thành phố. Ông nói: “Các người ở dưới trường Hideyoshi, người chưa bao giờ biết mùi thua cuộc. Vậy nên các người chẳng biết gì thất bại, cũng chẳng biết chuyển bại thành thắng. Nhưng ta với kinh nghiệm già giặn, biết chỉ có tử chiến thì mới có thể chiến thắng. Giờ là lúc tìm sự sống giữa cái chết.”

Trận chiến Pyokje ngày 27/2 xứng đáng để Kobayakawa già nua tự hào. Với 20.000 người cộng với quân tiếp viện từ Seoul, ông đã đè bẹp quân Trung quốc trong một cuộc quần chiến của 61.000 người. Với số lượng người khủng khiếp chen chúc nhau trong một thung lũng hẹp, không đủ không gian cho các xạ thủ hỏa mai triển khai sở trường. Địa hình lầy lội cũng vô hiệu hóa luôn các kỵ binh Trung Quốc xuất sắc. Thế là kết quả của cuộc chiến phụ thuộc vào giáp chiến tay đôi, giữa một bên là các thanh đao cứng, hai lưỡi của người Trung Quốc với các thanh katana, cong, chỉ có một lưỡi nhưng sắc tới mức chém tận vào xương của người Nhật. Lực lượng của Li Rusong, cuối cùng buộc phải lui quân, bỏ lại phía sau xác của 1 vạn quân.

4: Giành lại thủ đô.

Imjin war 3

Seoul thời điểm này là một thằng phố ma đầy chết chóc với hàng trăm xác chết nằm rải rác trên đường phố. Đầu giờ chiều ngày 24/2, dân địa phương bắt đầu vùng lên với mong muốn hỗ trợ cho lực lượng giải phóng sắp tới thành phố. Quân Nhật đồn trú trong thành tiến hành đàn áp một cách tàn bạo. Trước khi tới tiếp viện cho Kobayakawa, chúng giết tất cả đàn ông Hàn Quốc mà chúng gặp và phóng hỏa nhiều khu vực rộng lớn trong thành phố. Quay trở lại khung cảnh tang tóc trong trận chiến tại Pyokje, người Nhật biết dư vị chiến thắng sẽ chẳng thể kéo dài lâu bởi người Trung Quốc chắc chắn sẽ quay trở lại.

Sự kháng cự của quân Hàn ngày một tăng lên. Dù quân Minh đã rút về đóng tại Bình Nhưỡng nhưng quân Nhật vẫn trong cảnh bị bao vây bốn phía bởi: quân địa phương tại sông Imjin, Paju và đèo Haeyu ở phía bắc; các tăng binh tập trung tại Surak-san phía đông bắc, Chasong phía tây và Inchon phía nam. Đáng kể nhất là 2.300 binh lính tỉnh Cholla đang náu mình sau các công sự gỗ, trên một con dốc bên bờ sông Hàn; đứng đầu bởi chỉ huy Kwon Yul.

Kwon Yul là một quan lại 55 tuổi, xuất thân từ một danh gia, vọng tộc ở vùng Andong, đông nam tỉnh Kyongsang. Khi chiến tranh bùng nổ, vào tháng 5 năm 1592, ông lãnh đạo một đạo quân ở phía bắc, nỗ lực chặn đánh quân Nhật đang tiến về Seoul nhưng thất bại. Sau đó, ông chạy về phía nam và tiếp tục tham gia kháng chiến tại tỉnh Cholla, nơi quân đoàn 6 của Kobayakawa đang vây ráp. Kwon thành danh nhờ đánh bại quân Nhật liên tiếp hai lần tại Ungchi và Ichi trong tuần thứ hai của tháng bảy. Ông nhanh chóng được đề bạt làm Tư lệnh quân đội tỉnh Cholla vào tháng sau.

Đầu năm 1593, Kwon Yul lãnh đạo một nhóm nhỏ ở phía bắc Seoul, chuẩn bị phối hợp tác chiến với đồng minh. Sau khi kết nạp thêm các tăng binh của nhà sư Choyong, ông bắt đầu công việc kiến thiết một pháo đài đổ nát cách thủ đô 10km về phía tây, trên một ngọn đồi rìa làng Haengju, bờ bắc sông Hàn. Một cao điểm phòng thủ với phía sau là con dốc thoải xuống sông Hàn. Chỉ có thể tấn công cứ điểm này theo hướng chính diện, dọc theo tầm hỏa lực của quân Hàn.

Với việc quân Minh vào trạng thái tạm nghỉ, pháo đài Haengju của Kwon Yul trở thành cái gai lớn trong mắt quân Nhật ở Seoul. Ngày 14/3 chúng quyết định hành động. Vài giờ trước bình minh, hàng dài lính tráng đổ ra từ cổng phía tây thành phố, tiến thẳng tới Haengju. 2.300 binh sĩ và tăng binh cùng hàng ngàn dân chạy nạn từ các ngôi làng lân cận đang ở trong pháo đài Haengju, lo lắng chờ đợi bóng dáng kẻ thù. Vào tảng sáng, người Hàn bắt đầu thấy sự xuất hiện của các chiến binh với khẩu hiệu đỏ, trắng dán sau lưng cùng với những chiếc mặt nạ quỷ dữ đáng sợ. Kwon Yul bằng sự bình tĩnh, cố gắng xua tan tâm lý hoảng loạn đang bao trùm lấy người của mình. Khi đám quân Nhật đang bận rộn chuẩn bị khí giới, ông ra lệnh cho người của mình khẩn trương dùng bữa. Chẳng biết tới lúc nào họ mới lại được ăn uống.

Trận chiến bắt đầu ngay sau bình minh. Quân Nhật đông tới nổi không thể cùng lúc ào lên thành lũy được, chúng phải chia ra thành nhiều nhóm thay phiên nhau tấn công. Có vẻ như một lần nữa người Hàn lại bị áp đảo. Nhưng lần này, súng hỏa mai của quân Nhật kém hiệu quả đi rất nhiều. Chúng không thể ngắm bắn chuẩn trên địa hình dốc, lại càng khó bắn trúng các mục tiêu ẩn khuất sau công sự. Lợi thế lại thuộc về quân Hàn, họ triệt hạ quân Nhật bằng cung tên, gỗ và đá. Họ cũng sở hữu các loại hỏa khí mạnh mẽ như hwacha (hỏa xa), một loại máy phóng hình hộp, gắn trên xe di động, có khả năng phóng hàng trăm mũi tên kèm thuốc súng một lúc.

Nhóm của Konishi Yukinaga tham chiến trước. Chờ cho quân địch tới đủ gần, Kwon Yul lập tức gióng ba hồi trống phát động tấn công. Người Hàn dồn hỏa lực từ mọi loại vũ khí mà họ có: cung, đại bác, hwacha. Konishi buộc phải dẫn đội của mình thoái lui. Ishida Mitsunari thống lĩnh nhóm lính thứ hai, nhóm này cũng không thể tiến lên phía trước, chính Ishida cũng bị thương. Toán thứ ba của Kuroda Nagamasa cũng không thể thay đổi tình hình.

Người Nhật tấn công Haengju tới ba lần nhưng thậm chí còn chẳng thể chạm vào vách tường chính của pháo đài. Ukita Hideie đưa ra quyết định đột phá, hắn cùng đội của mình cố gắng liều chết khoan thủng hàng chướng ngại vật trước mặt, hòng mở đường tiếp cận pháo đài. Ukita bị thương và phải rút về. Đợt tiếp theo do Kikkawa Hiroie chỉ huy tấn công thẳng vào khoảng trống mà Ukita đã mở ra trước đó, tiến sát tới bức tường phòng thủ cuối cùng giữa quân Nhật và Kwon Yul. Trận cận chiến căng thẳng bắt đầu, các võ sĩ đeo mặt nạ cố gắng chém quân Hàn phía sau các bức tường. Trong khi đó, người Hàn tử thủ với tất cả những gì họ có từ đao, kiếm, cung cho tới đất đá, thậm chí là cả nước sôi và tro tàn trút xuống đầu phe địch. Vào hồi cao trào của cuộc vây hãm, không còn thấy Kwon Yul đánh trống trợ uy nữa. Ông tự tay cầm kiếm, kề vai sát cánh chiến đấu bên người của mình. Quân Nhật chất cỏ khô, đốt cháy pháo đài thì người Hàn ra sức dập lửa. Trong đợt tấn công thứ bảy do Kobayakawa Takakage dẫn đầu, một góc tường đã bị đục thủng, nhưng người Hàn kiên cường níu chân quân Nhật đủ lâu để có thể vá lại bức tường gỗ.

Tới tận chiều, khi những người thủ thành đã gần kiệt sức, tên bắn thì vơi dần. Người ta kể rằng, những phụ nữ tại Haengju đã mang đá lên pháo đài bằng chiếc váy truyền thống của mình, ngày nay vẫn còn loại váy tên Haengju chima để tưởng nhớ sự kiện này. Chỉ với đá thôi thì không thể ngăn bước quân Nhật. Tưởng chừng như người Hàn đã hết hy vọng, thì ngay sau đó, chỉ huy hải quân Yi Bun cùng hai chiếc tàu chở viện binh và mười ngàn mũi tên của mình cập bến sông Hàn, ngay phía sau pháo đài. Thế là, pháo đài Haengju vẫn đứng vững qua đợt tấn công thứ tám, thứ chín cho tới khi mặt trời chuẩn bị lặn.

Hoàng hôn buông xuống, người Nhật cuối cùng cũng bỏ cuộc. Họ đã chịu thương vong vượt sức tưởng tượng, đây là thất bại khủng khiếp nhất kể từ khi họ bước chân tới Hàn Quốc. Suốt buổi tối hôm đó, các võ sĩ Nhật còn sống sót chất thành đống thi hài của đồng đội mình. Trên đường quay về thành Seoul, một sĩ quan Nhật đã gọi chiến địa bờ sông Hàn là sanzu no kawa (dòng sông địa ngục). Khi không còn bóng dáng quân Nhật, Kwon Yul và người của ông băm vằm xéc kẻ địch còn sót lại, và treo từng mảnh xác ngoài tường pháo đài.

Tại Bình Nhưỡng, tướng Li Rusong khước từ mọi thỉnh cầu tiến quân giải phóng Seoul từ phía Hàn Quốc. Ông đã chạm trán quân đội của Hideyoshi hai lần, và đều thất bại thảm khốc. Nếu mạo hiểm giao chiến thêm lần nữa, kết quả có thể còn tệ hơn. Thay vào đó, ông quyết định đàm phán ngoại giao với phía Nhật tại thủ đô, thông qua sứ giả Shen Wijing. Người Nhật tất nhiên đồng ý, kho lương của họ ngày một rỗng, rút lui là lựa chọn khả dĩ nhất cho họ lúc này. Vài lục đục nội bộ diễn ra trong bộ chỉ huy liên quân, giữa những người Trung Quốc chủ hòa, và vài người Hàn chủ chiến. Sau cùng, Shen Weijing cũng dàn xếp buổi đàm phán diễn ra êm thấm. Vào ngày 19/5/1593, quân Nhật từ tốn hành quân về phía nam, rời khỏi thủ đô.

5: Đàm phán gian nan.

Imjin war 4

Giữa mùa hè năm 1593, người Nhật dậm chân tại chỗ trong chuỗi pháo đài dài hơn 80km quanh Pusan. Phía Hàn Quốc thì liên tục hối thúc người Trung Quốc tổ chức tổng tấn công, đẩy lùi hẳn quân Nhật ra bờ biển. Tướng lĩnh Trung Quốc thì lần lữa, tìm cách từ chối. Với những thiệt hại mà họ phải chịu tại Bình Nhưỡng và Pyokje, cộng với việc, Nhật Bản không còn là vấn đề quá đáng lo với Bắc Kinh. Giờ đây, họ muốn kết thúc cuộc chiến trên bàn đám phán. Phe Nhật Bản cũng sẵn sàng hòa đàm; họ muốn xem xét xem các điều khoản nhượng bộ từ phía người Trung Quốc liệu có thể thuyết phục được Hideyoshi không.

Cuối cùng nhờ sự đồng thuận từ cả hai phía, cuộc chiến tạm ngưng trong ba năm nhưng đó là sau khi người Hàn nếm đòn đau cuối cùng. Vào tháng 7 năm 1593, quân Nhật hành quân tới thành phố phía nam, Chinju, để gỡ lại trận thua tháng 11 năm trước, trận chiến mà tướng đồn trú Kim Si-min và người của mình chống lại lực lượng đông gấp bốn lần. Lần này, các thuộc hạ của Hideyoshi quay lại với đội quân 93.000 người. Chúng chỉ phải đối mặt với 3.000 – 4.000 quân Hàn, dưới sự lãnh đạo của vài cái tên đáng chú ý như: Hwang Jin, sĩ quan vùng Chungchong; Choi Kyung-hoe, sĩ quan vùng Kyongsang; Kim Chol-Il, một cựu quan lại, nay đang cầm đầu một nhóm du kích địa phương. Sẽ chẳng có cách gì để nhóm người nhỏ bé này có thể kháng cự trước cường địch quá vượt trội về quân số, binh đoàn Nhật có quân số đông nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Hồng y tướng, Kwak Jae-u biết điều này và khuyên bạn mình, Hwang Jin, đừng phí mạng để cố gắng bảo vệ Chinju. Hwang thừa biết Chinju khó giữ, nhưng ông vẫn quả quyết với Chol-Il và những người khác rằng, ông sẽ tử thủ tới cùng. Kwak Jae-u đành buồn bã rời đi, biết có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp lại người bạn của mình nữa. Trong thành, các nghĩa sĩ bắt đầu dự trữ lương thực, phong tỏa cổng thành, sẵn sàng nghênh địch.

Trung tuần tháng 7, một làn sóng quân Nhật ồ ạt rời khỏi các thành trì tại Pusan theo hướng tây, không quên cướp bóc và đốt phá trên đường hành quân. Sự bạo tàn của chúng khiến hàng ngàn người dân kinh hoàng, tìm về Chinju trú ẩn. Vào ngày 19 cùng tháng, tòa thành này đã trong hoàn cảnh “tứ diện Sở ca”. Cuộc vây hãm diễn ra ngay ngày hôm sau, bộ binh Nhật sử dụng tối đa hỏa lực để làm cho người Hàn bận rộn và nản lòng, trong khi nhanh chóng lấp con hào ở mặt phía bắc. Ngay sau khi lấp xong hào, một nhóm công binh áp sát tường thành và bắt đầu cạy các tảng đá từ chân thành. Chúng thất bại sau khi bị lính thủ thành đổ một thác đá vào đầu, vài tên mất mạng, đám còn lại thụt về phía sau.

Giao tranh không ngừng, cả ngày lẫn đêm từ ngày 21 tới ngày 24. Quân Nhật thay nhau vây hãm, cố gắng khoét đá khỏi tường thành. Cơn mưa vào ngày 25 quả là món quà cho người Hàn, ít nhất họ có quãng nghỉ trong khi kẻ thù không thể tiếp tục dùng súng hỏa mai. (Thực ra trong thế kỷ 16, người Nhật đã tìm được cách cải tiến để súng của mình có thể dùng trong cả trời mưa, nhưng cách này không mấy hiệu quả trong việc giữ dây dẫn hỏa và thuốc súng khô ráo). Tuy nhiên, cơn mưa như trút nước lại vô tình xối trôi đất trong các lỗ hổng trên tường thành làm chúng yếu đi hẳn.

Khoảng thời gian nghỉ giữa hiệp này, tướng Nhật gửi thư chiêu hàng, trong thư viết: “Người Trung Quốc đã từ bỏ rồi. Sao các người còn dám ngoan cố đối đầu với bọn ta?”. Chỉ huy Kim Chon-Il gửi thư đáp trả qua bức tường: “30 vạn lính Trung Quốc sắp đến đây giải vây. Tới lúc đó, các ngươi sẽ về với cát bụi”. Sau khi đọc được những dòng này, lính Nhật bắt đầu chế giễu bằng cách sắn quần lên đầu gối, giả cách binh tướng Trung Quốc tháo chạy.

Từ trại của mình ở ngoại thành, Kato Kiyomasa đang nung náu chiến thuật công thành mới. Hắn đang có trong tay kame no kosha (toa xe rùa), một chiếc trọng xa với phần mái che bằng gỗ rất dày. Chiếc xe này sẽ tiến sát tường thành, che chắn cho những anh chàng với chiếc xà beng khỏi làn đất đá từ trên thành ném xuống. Khi trở lại cuộc chiến, người Hàn biết những gì đang diễn ra dưới chân mình nhưng chẳng thể làm gì để ngăn cản. Các mũi tên, đất, đá của họ đều vô dụng. Thế rồi vài người nghĩ ra sáng kiến ném bông tẩm dầu lên nóc chiếc xe rùa, rồi bắn tên châm lửa. Kato nhanh chóng nhận ra khuyết điểm, sản xuất thêm nhiều xe, lần này có cả đồ chống cháy.

Người Nhật cũng gia tăng áp lực lên mọi góc của tòa thành. Các chòi bắn cao được dựng lên trước cổng đông và tây, với một bên dựng rào tre để chắn cho xạ thủ. Phía trong tường thành, Hwang Jin, Kim Chon-il, và cả huyện lệnh Kimhae, Yi Chong-in, vẫn chiến đấu miệt mài, dù nhiều người trong số họ đã gần kiệt sức. Trong phút giải lao ngắn ngủi, Hwang Jin dựa lưng vào tường, phóng tầm mắt ra ngoài để xác định tình hình: “Hào chiến ngoài kia chật kín xác chết, phải đến cả ngàn mạng người”. Ngay lúc đó, một tay súng Nhật đứng ngay dưới chân thành, nhắm vào đầu Hwang và tặng cho người chỉ huy vùng Chungchong một viên đạn ngay giữa hộp sọ.

Vào ngày 27/7, chiến thuật công thành lặp đi lặp lại của quân Nhật cuối cùng cũng phát huy tác dụng khi chúng phá sập một mảng tường. Quân dân Hàn trong thành hoảng hồn báo với Kim Chong-Il: “Chỉ huy, quân giặc phá vỡ được tường thành rồi, chúng ta phải làm sao đây?”. Kim quả thật không còn biết phải ra chỉ thị gì tiếp theo nữa. Ông không đủ người để tiếp tục kháng cự, mọi người đều đã hết sức sau cả tuần chiến đấu, chẳng còn lại mấy mũi tên nữa cả và cũng chẳng còn đường máu nào thể tháo chạy. Vài người định quyết chiến tới cùng với gươm, giáo. Vài kẻ thì tuyệt vọng đi từ góc thành này tới góc thành kia tìm cách thoát thân giữa bốn bề vây hãm. Khi quân Nhật tràn vào xé tan tòa thành, Kim Chong-Il cùng con trai cả Kim Sang-gon và các chỉ huy Choi Kyong-hoe, Ko Chong-hu chạy tới đình Choksongnu nhìn ra bờ sông Nam. Sau khi cùng nhau hướng về kinh đô, nhớ tới nhà vua của mình, họ khóc một hồi rồi cùng nhau gieo mình xuống sông tự vẫn.

Riêng có Yi Chong-in vẫn ở lại chiến đấu tới chết. Sau cùng, ông khống chế một lúc hai lính Nhật, kéo chúng tới tảng đá trên bờ sông Nam. Ông hét lớn: “Huyện lệnh Kimhae, Yi Chong-in đã chết tại đây!” rồi kéo cả ba xuống dòng sông chảy siết.

60.000 là con số nạn nhân ít nhất bên phía Hàn Quốc trong trận Chinju lần hai. Họ hầu hết bị giết sạch sau khi Nhật chiếm được thành phố. Kato, Ukita và Konishi hoàn toàn không biết tới sự thương xót. Trong cơn điên cuồng trả thù một quốc gia không chịu nô dịch, chúng giết tới từng con vật, kéo đổ từng bức tường, đốt từng tòa nhà, lấp từng cái giếng, chặt từng cái cây. Chinju bị xóa sổ theo đúng nghĩa đen. Kể từ lúc Nhâm Thìn chiến bắt đầu, không có nơi nào bị hủy diệt triệt để và cũng chẳng có nơi nào rừng rực ngọn lửa trung thành, nghĩa đảm như Chinju.

Trong bối cảnh đó, hoạt động đàm phán Trung – Nhật đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Để níu giữ giao kèo, các phái viên của Hideyoshi đã thay đổi yêu cầu của ông nhiều tới mức, cuối cùng, phía Bắc Kinh tin rằng những kẻ xâm lược sẵn sàng nhận làm chư hầu, thuần phục nhà Minh.

6: Quay trở lại.

Rời xa Hàn Quốc, hãy cùng đến với lâu đài Osaka vào mùa thu năm 1596, tại đây, Hideyoshi đang chào đón nhóm phái viên tới từ Bắc Kinh. Các cố vấn của Hideyoshi đã làm ông chắc mẩm là đoàn ngoại giao Trung Quốc sẽ đến với thái độ nhún nhường kèm với các thỉnh cầu khiêm tốn. Ngược lại, người Trung Quốc lại tin rằng nhiệm vụ của họ sẽ là chứng thực sự thuần phục của Hideyoshi dành cho nhà Minh, thông qua chiếu sắc phong vua nước chư hầu. Mọi thứ rõ ràng hơn với tổng tài nước Nhật, khi các văn bản đàm phán được thông dịch bởi một nhà sư, trong này có đoạn: “Yêu cầu ngươi, Toyotomi Hideyoshi, phải tuân theo các yêu cầu thể theo mong muốn của chúng ta. Và để duy trì sự tồn tại của đất nước, phải luôn nghe theo mệnh lệnh của thiên triều.”

Sau đó, Hideyoshi nổi cơn tam bành. Ông quăng mũ miện, xé tan áo bào, những thứ được nhà Minh phong tặng. Người Trung Quốc bị tiễn về nước trong sự sợ hãi. Từ đây, cuộc tái xâm lược Hàn Quốc lại sắp diễn ra.

Sự trở lại này của người Nhật được phía Hàn Quốc gọi là chongyu jearan (chiến tranh Đinh Dậu), trong lần tái chiến này, phe Nhật tiến hành chậm nhưng bài bản hơn lần trước. Nhật Bản triển khai các hoạt động quân vận rầm rộ bắt đầu từ tháng 3 năm 1597, liên tục trong suốt mùa hè cho tới khi 141.490 lính tiếp cận bờ nam Hàn Quốc. Nhưng chúng chưa tiến sâu vào đất liền ngay mà sẽ chờ tới tận tháng 9 khi Hàn Quốc chuẩn bị vào kì thu hoạch, một tính toán chu đáo cho công tác hậu cần. Hơn nữa, tháng 9 cũng là lúc hạm đội hải quân đáng sợ của người Hàn năm xưa giờ đang trên bờ vực tan rã sẽ rời vùng biển phía nam, lúc đó quân Nhật sẽ không còn gặp chướng ngại vật khó chịu nào nữa cả.

Trong khoảng thời gian hòa bình giữa hai cuộc chiến, danh tướng Yi Sun-sin liên tục chịu lời gièm pha rồi bị buộc tội là kẻ bất tuân và hèn nhát, không dám chiến đấu. Một phần những rắc rối mà ông gặp phải, đến từ những chiến công vang dội của Yi trên biển trong nữa đầu chiến tranh Nhâm Thìn, đã khiến triều đình Hàn Quốc đặt quá nhiều kỳ vọng vào những trận hải chiến tiếp theo. Tuy nhiên, rõ là người Nhật đã thận trọng, e dè hơn và rồi chẳng còn chiến thắng nào diễn ra nữa. Đáng tiếc, vua quan Hàn không hiểu cho Yi Sun-sin. Cuối cùng, tin vào vài báo cáo thiếu chính xác của tướng Won Kyun, chỉ huy cánh hữu hải quân Kyongsang, người luôn bất đồng với Yi Sun-sin, bộ chỉ huy Hàn ra quân lệnh ép đô đốc Yi tấn công một nhóm quân Nhật thậm chí không tồn tại. Khi từ chối thực hiện chiến dịch ma này, ông đã bị cách chức vì tội kháng lệnh và sẽ phải đối mặt với tòa án binh vào tháng 3 năm 1597. Sau một tháng bị cầm tù và tra tấn, cuối cùng án tử treo trên đầu Yi cũng bị hủy bỏ. Ông ra tù ngày 16/5 và được áp giải về phía nam, làm lính dưới trướng Won Kyun, lúc này đã lên chức Tổng tư lệnh.

Ngày 26/6, Yi Sun-sin mở sách bói toán để dự đoán xem điều gì sẽ đến với Won Kuyn, kẻ thay thế ông làm chỉ huy tối cao của hải quân Hàn Quốc. Trong nhật ký của mình ngày hôm đó ông có ghi: “nước, sấm sét, và tai ương; Ông Trời đang chuyển mình, một điềm báo xấu.”

Chỉ hai tháng sau, ngày 20/8/1597, Won Kyun cùng hạm đội của mình thừa lệnh từ Seoul, tiến đánh hải quân Nhật Bản tại Seoul. Các tàu của ông dễ dàng bị đánh bật trở lại, buộc phải rút lui về eo biển Chilchon, dọc bờ biển phía bắc đảo Koje. Một tuần sau, quân Nhật đánh lớn, tiêu diệt hải quân Hàn và giết luôn Won Kyun. Tin bại trận nhanh chóng tới Seoul, và gần như ngay lập tức Yi Sun-sin được phục chức, trước khi ông kịp nhận ra, trong tay mình chỉ còn lại 13 chiến tàu.

Cuối cùng tháng 9 cũng tới, giờ đây các cánh đồng trên khắp Hàn Quốc đã bạt ngàn bông lúa trĩu cành. Theo kế hoạch, đã đến lúc các chỉ huy của Hideyoshi triển khai đổ bộ quy mô lớn. Chúng chia quân làm hai đạo, Tả quân đi theo hướng tây vào tỉnh Cholla, Hữu quân tiến sâu lên phía bắc. Mục tiêu đầu tiên của chúng là trấn Namwon, nơi 3.000 lính Trung Quốc và 1.000 lính Hàn đang thường trực đồn trú, đề phòng mọi cuộc tấn công. Tả quân quét sạch nơi này vào cuối tháng 9, sau đó tiếp tục phá hoại các vùng nông thôn phụ cận. Đến Namwon ngay sau thời điểm giao tranh, nhà sư kiêm bác sĩ Keinen đang phục vụ trong quân đội Nhật đã viết trong nhật ký của mình: “những con người duy nhất ở đó là những người đã chết, nằm rải rác trên khắp mặt đất. Sáng hôm sau, khi nhìn quanh thành, tôi thấy toàn thi thể chết đống dọc lề đường”.

Sự tàn phá kể trên chính xác là những gì Toyotomi Hideyoshi mong muốn, lần xâm lược này vì thể diện hơn là vì mục đích chinh phục. Ông muốn chứng minh cho người Trung Quốc thấy ông không hề sợ họ và cũng muốn cho người Hàn nếm mùi trừng phạt vì dám chống lại ông. Năm năm về trước, Hideyoshi tràn đầy tự tin chiến thắng, do đó, ông yêu cầu quân đội khoan hồng cho dân chúng nếu họ không cố gắng kháng cự và cướp bóc là không cần thiết. Nhưng lần này sẽ không có chuyện đó, Hideyoshi muốn lính của mình tàn sát cả quân lẫn dân Hàn Quốc và gửi bằng chứng liên tục về cho ông ta. Xét về khoảng cách địa lý, sẽ là không thực tế nếu dùng bằng chứng là những cái đầu. Thế nên, thay vào đó các võ sĩ của Hideyoshi chọn cách xẻo mũi nạn nhân, có thể tới 100.000 cái. Chúng được chuyển tới các trạm thu gom dọc miền nam Hàn Quốc và được đóng thùng, gửi về Nhật Bản thường xuyên.

Hồi kết.

Trong khi bộ binh Nhật làm chủ hoàn toàn Cholla và Chungchong, hải quân Nhật cũng đang áp sát bờ biển phía nam Hàn Quốc. Lần này, chúng tự tin sẽ không có chướng ngại nào cản bước chúng tiến vào biển Hoàng Hải. Nhưng chúng đã nhầm, với chỉ 13 chiến tàu, Yi Sun-sin vẫn hiên ngang đón đánh quân Nhật tại eo biển Myongnyang, cửa ngỏ trước biển Hoàng Hải, nằm giữa đảo Chin và phần đất liền cực tây nam bán đảo Hàn Quốc. Trước thềm một trong những trận thủy chiến nổi tiếng nhất lịch sử, Yi Sun-sin tập hợp các sĩ quan của mình và nói: “Binh pháp có câu: “Ai muốn sống sẽ chết, ai chuẩn bị chết sẽ sống. Nếu một chiến binh dám tử chiến nơi chân tường, anh ta có thể đẩy lui hàng vạn quân địch”. Đây chính xác là những gì chúng ta sẽ làm. Các anh phải chiến đấu tới cùng theo lệnh tôi, người nào trái lệnh sẽ bị nghiêm trị theo quân pháp.”

Vào ngày 26/10/1597, trong trận chiến tại eo biển Myongnyang, 13 tàu Hàn Quốc đã giành chiến thắng trước ít nhất 130 tàu chiến Nhật. Cuối ngày hôm đó, 31 tàu Nhật bị tiêu diệt trong khi phe Hàn Quốc không mất một chiếc tàu nào trong số tàu ít ỏi. Sau sự kiện này, hải quân của Hideyoshi buộc phải thoái lui về Pusan và hủy bỏ kế hoạch tây tiến. Chiến thắng oanh liệt tại Myongnang đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của Yi Sun-sin, biến ông trở thành danh tướng huyền thoại trong lịch sử Hàn Quốc. Hàng thế kỷ sau, thật bất ngờ khi người Nhật lại chính là những kẻ ca ngợi ông. Tại một buổi mừng công sau chiến thắng trước hạm đội Baltic của hải quân Nga năm 1905, khi được so sánh với Horatio Nelson và Yi Sun-sin, tướng Togo Heihachiro đã khiêm tốn nói rằng: “Có thể đúng khi so sánh tôi với Horatio Nelson nhưng với Yi thì không. Chẳng ai có thể sánh bằng ông ấy, ông ấy quá vĩ đại”.

Trong cuộc tái chiến này, điểm giới hạn của quân Nhật nằm ở cách Seoul 70km theo hướng bắc. Đó là tại thành phố Chiksan, nơi chúng bị đánh bật bởi một đơn vị tiên phong của Trung Quốc. Nhận thấy sự trở lại rầm rộ của quân Trung Quốc, người Nhật quyết định không tiếp tục bám trụ mà lui về ẩn mình chờ thời cơ phản công khi mùa đông đến. Chúng quay đầu về phía nam, tổ chức đồn trú trong các pháo đài. Liên quân Trung – Hàn không bỏ lỡ thời cơ, tiến hành vây ngặt quân địch ở Ulsan. Tại đây, trong thời tiết lạnh giá, các binh lính của Kato Kiyomasa chết hàng loạt vì thiếu lương thực. Nhưng bằng cách tập trung nhu yếu phẩm cho một nhóm quân tinh nhuệ, Kato vẫn ngăn chặn thành công các đợt công thành của liên quân. Những thất bại tương tự cũng đến với lực lượng quân Minh khi họ cố đánh bật Konishi Yukinaga ở Sunchon và Shimazu Yoshihiro ở Sachon.

Sau tất cả, ở nơi đất khách quê người, quân Trung Quốc không muốn đánh thêm một trận nào nữa. Đúng lúc này, ngày 18/9/1598, Toyotomi Hideyoshi qua đời ở Kyoto. Chắn chắn, quân đội viễn chinh Nhật chuẩn bị phải về nước. Đương nhiên, quân Minh dưới sự chỉ huy của tướng Yang Hao phớt lờ đề nghị tấn công tổng lực quân Nhật và cho họ đủ cả không gian và thời gian để rút lui. Điều này giúp Kato Kiyomasa và các đồng nghiệp của mình tại Ulsan, Pusan, Ungchon và nhiều nơi khác dễ thở hơn. Chỉ duy có Konishi Yukinaga tại Sunchon bị hải quân Trung – Hàn chặn đánh quyết liệt. Trận chiến cuối cùng diễn ra ngày 16/12/1598 khi Shimazu Yoshihiro ở Sachon kéo tới giải vây cho đồng đội tại eo biển Nyongrang. Trong trận Nyongrang, ít nhất 200 tàu của Shimazu bị đánh chìm cùng cơ số binh lính bị giết hoặc chết đuổi. Tuy nhiên, người Hàn phải trả giá đắt cho chiến thắng hủy diệt này, họ mất tướng Yi Sun-sin. Ông bị một viên đạn lạc găm trúng sườn khi chỉ huy tàu tiên phong truy sát tàu địch đang rút lui về Pusan. Câu cuối mà ông nói với con trai và cháu trai của mình trước khi chết là: “Đừng để mọi người biết…”. Cố kìm lấy sự xúc động, hai chàng trai trẻ nhanh chóng mang thi thể Yi Sun-sin vào trong cabin. Chỉ sau khi cuộc hải chiến kết thúc, cả hạm đội mới biết về cái chết của tướng quân Yi.

Khi đã quét sạch đội của Konishi, đã có vài cuộc bàn bạc về việc hủy diệt nốt quân Nhật còn sót lại ở các căn cứ tại Pusan. Tuy nhiên, người Nhật đã kịp thời rời đi, con tàu cuối cùng rời Hàn Quốc vào ngày 24/12/1598, chấm dứt cuộc chiến khốc liệt kéo dài 7 năm.

Tham vọng xâm lược Hàn Quốc của Hideyoshi rõ ràng đã kết thúc trong thất bại. Quân đội của ông đem về Nhật Bản một danh sách dài chiến lợi phẩm: hàng ngàn cuốn sách và tranh vẽ, đồ tạo tác tôn giáo, các thiết bị cơ giới do người Hàn phát minh, hơn 5.000 nô lệ bao gồm thợ gốm và nhiều thợ thủ công mà người Nhật còn thiếu. Nhưng vẫn là quá ít ỏi so với thiệt hại của 70.000 – 80.000 nhân mạng nơi đất khách.

Thương vong của Trung Quốc cũng tới cả chục ngàn. Nhưng đối với Bắc Kinh, những tác động to lớn lên kho bạc của họ mới là nghiêm trọng nhất. Theo ước tính, từ 20 đến 26 triệu lượng bạc đã được sử dụng cho các lực lượng viễn chinh tại Hàn Quốc, với trọng lượng kim loại gần một ngàn tấn. Chi tiêu này làm suy yếu đáng kể triều đình nhà Minh trong thời điểm họ phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng, đó là sự trỗi dậy của người Nữ Chân ở miền đông bắc. Những người Nữ Chân sau này trở thành tộc Mãn Châu đã chiếm Bắc Kinh vào năm 1644 và thay thế nhà Minh, lập nên triều đại của riêng họ, nhà Thanh.

Nhưng tất nhiên, Hàn Quốc là nước chịu nhiều thiệt hại nhất từ cuộc chiến. Nền kinh tế của họ hoàn toàn tan nát, các thành phố và thị trấn giờ chỉ còn là bãi tan hoang. Thương vong chiếm khoảng 20% dân số, bao gồm cả binh lính, dân thường chết trong chiến loạn, chết vì dịch bệnh hay vì nạn đói.

Thật bất ngờ với số phận của những chiếc mũi được gửi tới Nhật Bản. Chúng được chôn thành gò đất, sau này được đặt tên là gò mimizuka ở phía trước ngôi đền Toykuni Jinja, nơi linh hồn của Toyotomi Hideyoshi đang cư trú. Gò đất này vẫn tồn tại đến ngày ngay, nằm giữa một sân chơi và một con hẻm. Chúng không được đánh dấu trên nhiều bản đồ du lịch. Vì vậy, rất ít khách du lịch ở Kyoto tới ghé thăm nơi này.


 

 

Bình luận về bài viết này