Chữ Tuất cầm tinh con chó trong truyện Kiều

c1136-f-29r-1a

Danh Hữu

Vừa rồi tình cờ vào Google, đọc thấy một bài tả oán của một ông lần đầu nghe tên, ông viết về một chữ tồn nghi trong truyện Kiều. Chữ này mình đã gặp khi dịch Kim Vân Kiều truyện. Lúc đó, mình nghĩ đây là một biệt tự nên chỉ chua ít dòng chú thích. Nay thấy ra là có vấn đề, nên viết thành một bài để hầu chuyện quý vị sính Kiều. Đó là âm đọc ở các bản Quốc ngữ trong câu Kiều số 1088 : Rành rành « Tích Việt » có hai chữ đề.

Câu phiên Nôm cụm từ “tích việt” này đã đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề, vừa tế nhị lại vô lý, và đã khiến cho ông Viên Như, một tác giả trong nước, thắc mắc và tìm cách lý giải bằng  sự mộng mơ của cô Kiều trên chuyên mục Nghiên Cứu Lịch Sử 1 này với  tựa đề : Chữ tuất và chữ việt trong truyện Kiều. Theo ông, thì vì hai chữ Tích Việt mà đã tồn tại những suy nghĩ rằng chữ Việt vốn có nghĩa không mấy tốt lành, có ý khinh miệt, vì chữ Việt, Hán tự viết bằng chữ Tẩu + Tuất (theo nghĩa của câu thơ hàm ý), mà Tuất là cầm tinh con chó. Sau khi nói dài dòng về những giải thích chữ nghĩa của các vị học giả về ý nghĩa 2 chữ Tích Việt, ông biện luận tiếp : (trích) :

Có thể nói đây là bức thư hò hẹn sớm và ngắn nhất ở nước ta được nhiều người biết đến, không những thế, nó còn định hướng cho nhiều người nghĩ rằng cái tên Việt 越chỉ con người và đất nước của chúng ta có nghĩa như đã nói trên. Cho đến nay ta chưa có bất cứ một thủ bút nào của cụ Tố Như về truyện Kiều, tất cả các bản đều do người đời sau sao chép lại, tất nhiên là mỗi bản có một số chữ khác biệt nhất định nhưng hai chữ Tích Việt 昔越 thì dường như không có sự sai biệt; đồng thời từ bốn câu thơ, trong đó câu cuối giải thích hai chữ Tích Việt 昔越 mà Kiều đã ngầm hiểu là ngày hai mươi mốt giờ tuất thì sẽ leo tường ra gặp Sở Khanh đã hình thành nên cách hiểu chữ Việt 越 như đã nói trên.

Cách hiểu ấy đã trở thành cố hữu, ngay cả những người có học chuyên về văn hóa cũng sử dụng nó một cách vô tư như tôi đã nêu ra trong bài “Đi tìm người Việt qua chữ Việt”. Theo tôi thật ra các vị đó cũng chẳng phải là người đưa ra cách hiểu đó, mà nó đến từ những giải thích của sách vở của những người đời sau giải thích Truyện Kiều của nước ta, có lẽ từ cuốn Kim Vân Kiều Truyện in bằng chữ quốc ngữ lần đầu tiên của Trương Vĩnh Ký, từ đó họ cứ lập đi lập lại như một quán tính mà thôi. Tất nhiên nếu nghiêm túc mà nói thì không thể không đặt câu hỏi về những phát biểu của những vị khoa bảng đó, vì chữ Việt 越 hiện diện trong ngữ cảnh nói trên đã trải qua mấy trăm năm rồi, bên cạnh đó tự điển vốn cũng được thiết lập từ cả ngàn năm, sao không thấy ai thắc mắc, bởi vì trong kết cấu chữ Việt 越 làm gì có chữ Tuất 戌.

                                                Về hai chữ “tích việt-  trong bản Nôm.

Các bản Kiều viết tay và mộc bản 1866, Liễu Văn Đường (1871), Duy Minh Thị (1872), bản 1902 – Kiều Oánh Mậu đều viết “tích việt 昔 越”.  (xem hình ảnh) :

1

Như thế, dù không có thủ bút của Nguyễn Du nhưng chắc chắn cụ cũng viết hai chữ “tích việt 昔 越” như các bản Nôm cho thấy, bởi vì chính trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cũng viết hai chữ đó giống như thông tin mà cụ Nguyễn đã chuyển thành thơ Nôm.

            次日,啞童兒又來汲水。翠翹走近前問信道:「可有回書嗎?」那啞童几點頭相應,取出一條素紙封兒,遞與翠翹。翠翹接了,便轉身上樓拆開,上有「昔越」二字。不解其意,仔細沉吟,幾番費解。忽然有悟道:「是了,是了,他約我二十一日戌時越牆相見。

            Ngày hôm sau, đưa bé câm lại đến lấy nước. Thúy Kiều chạy đến trước mặt hỏi: Có thư trả lời không? Đứa bé câm gật đầu ý là có, rồi lấy ra một phong thư đưa cho Thúy Kiều, Thúy Kiều nhận được thư vội vã lên lầu mở xem, trong thư chỉ có hai chữ “tích việt”. Không hiểu ý (Sở Khanh) nói gì, trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu chợt ngộ ra rằng: Là vầy, là vầy, chàng hẹn mình ngày 21 giờ tuất leo tường ra ngoài sẽ gặp.

Sau đó ông viết tiếp (trích) :

Kiều đã suy ra chữ Tuất như thế nào?

Đáng ra bài này đến đây là kết rồi, nhưng nhận thấy cần phải giải thích cho cái “suy ra” chữ Tuất của Thúy Kiều, dĩ nhiên cũng đoán thôi. Như ta biết Kiều là nhân vật do Thanh Tâm Tài Nhân nặn ra thì việc Kiều hiểu chữ Tuất trong hoàn cảnh ấy như thế nào là do tác giả quyết định, làm như thế để chứng minh rằng: Một là chứng tỏ Kiều thông minh cở nào, hai là làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn, nhưng để suy ra chữ Tuất trong hai chữ “tích việt” cũng phải có cái lý của nó. Vậy đâu là cái lý của Thanh Tâm tài Nhân.

Chúng tôi xin phép lược qua phần giải thích của ông Viên Như về « trí thông minh của Kiều », vì đọc cũng vô ích,4 nó chỉ đến từ sự tưởng tượng phong phú của ông thôi.

Cái ý cho « chữ Việt, Hán tự viết bằng chữ Tẩu + Tuất » là lời chú thích ở các bản phiên âm Quốc ngữ, mà ông Viên Như nêu ra ở trên, và ông chỉ muốn tìm cách lý giải chuyện tréo ngoe : Chữ Hán « Việt » trong cụm từ Tích Việt thì chữ Việt đó viết Tẩu + Việt mà Nguyễn Du (hay trước đó là ông tác giả bên Tầu) lại cho Kiều tưởng tượng ra là Tẩu + Tuất » dẫn tới các bản Quốc ngữ cứ giảng : Chữ Việt gồm Tẩu + Tuất mà Tuất là cầm tinh con chó, nó khiến ông bứt rứt vì tên nước ta cũng viết cùng một chữ Việt này. Không cần tìm đâu xa, ngay quyển Kiều mới đây của hội Kiều Học hiệu khảo và chú giải, xuất bản để kỷ niệm 250 năm sinh Thi hào Nguyễn Du. Hội có trên 500 thành viên và cuốn đó được ủy nhiệm cho 8 nhà học giả, gồm các nhà Kiều Học thâm niên, giáo sư, tiến sĩ và một nhà thơ sính Kiều góp sức. Mà hội Kiều Học là một Hội chuyên nghiên cứu truyện Kiều (Trích) :

Tích Việt : hai chữ Hán ám hiệu hẹn ngày giờ đi trốn. “tích“ gồm 3 chữ trấp-nhất-nhật ghép lại, có nghĩa ngày 21. Việt gồm chữ tuất và chữ tẩu ghép lại, nên Kiều mới đoán : Tuất thì phải chăng ? Nghĩa là ngày 21, giờ tuất (7-9 giờ tối) thì đi trốn. “ (Truyện Kiều tr 155, nhà Xuất Bản Trẻ ấn hành, tái bản lần 2).

Trời đất ! Hán tự đâu có chữ “Việt“ nào ghép Tẩu với Tuất đâu, rõ là mấy ông học giả muốn xí gạt con nít ! Chúng tôi nhấn mạnh : Không có chữ Việt nào là ghép tẩu với tuất cả và chữ đó chỉ có nghĩa là vượt lên. Làm sao Kiều có thể từ chữ Việt này mà đoán ra : ngày 21, giờ tuất (7-9 giờ tối) thì đi trốn.  Ông Viên Như la làng cũng phải !

Để rộng dư luận, xin mời quý bạn cùng chúng tôi điểm thêm ý kiến của vài vị khác :

– Trong cuốn Từ Điển Truyện Kiều, ông Đào Duy Anh đã đưa ra định nghĩa lơ lửng : Chữ Việt tách ra làm 走Tẩu và  戉, 戉vốn là chữ Việt nhưng có thể đọc là Tuất, nghĩa là giờ tuất, tức hẹn với Kiều ngày ấy giờ ấy thì đi trốn. Chữ nghĩa mà cứ coi như đùa : chữ này có thể tùy nghi đọc ra chữ kia. Tự điển mà giảng kiểu ba phải như vầy thì tra cũng như không.

– Trong cuốn Truyện Kiều và tuổi trẻ (Làng Văn Canada xuất bản), giáo sư Lê Hữu Mục cũng giảng : Tích Việt : hai chữ ám hiệu Sở Khanh hẹn với Kiều ngày giờ đi trốn. Theo phép chiết tự thì chữ Tích昔, tách ra chấp nhất nhật : ngày. Chữ Việt 越tách tẩu走 nghĩa là ngày hai mươi mốt, giờ tuất thì đi trốn. Câu giảng lấy có, tối om không đâu ra đâu, chẳng biết độc giả có ai hiểu gì không.

– Trong cuốn Truyện Kiều, bản Kinh đời Tự Đức, Nhà nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân thì đặt nghi ngờ : Nguyễn Du đã để cho Kiều thắc mắc ngờ vực không biết có phải là giờ 戌(tuất) không vì khi tách chữ 越 (việt) ra lại là chữ 戉(việt) và chữ 走(tẩu) chứ không phải chữ 戌(tuất) và chữ走(tẩu). Chữ phải chăng là có nghĩa như vậy. Ít ra, ông Tuân cũng đã đánh dấu hỏi chứ không khẳng định chắc nịch như các ông khác : « Chữ Việt ghép bằng Tẩu+Tuất và tuất là giờ tuất », nhưng ông không di xa hơn.

Có lẽ cũng thắc mắc như ông Tuân, nên ông Viên Như đã viết thêm lời kết, mà ông đoán định là do Kiều mộng mơ, nhìn chữ nọ dọ ra chữ kia, vì theo ông, bởi vì trong kết cấu chữ Việt 越 làm gì có chữ Tuất 戌.. Do vậy, ông kết luận (trích) :

Kết.

Với tất cả những gì đã trình bày trên cho thấy rằng chuyện Kiều cho rằng Sở Khanh hẹn nàng giờ Tuất 戌 là sự tưởng tượng của Thúy Kiều từ chữ Việt 戉. Xưa Thúy Kiều đã tưởng tượng từ chữ Việt 戉 ra chữ Tuất 戌, nay có người lại tưởng tượng ra chữ Việt 越 với kết cấu chữ Tẩu 走 và chữ Tuất 戌, đó là ta tự bôi nhọ mình đấy thôi. Thế mà giải thích này đã được nhiều người giảng dạy trải qua biết bao thế hệ, làm cho biết bao tâm hồn non trẻ, trong thầm lặng, cảm thấy mặc cảm tự ti về dân tộc mình, ngay cả các vị khoa bảng còn sử dụng vô tư, lại còn viết lên sách vở nữa thì đủ biết cái sức nặng tuyên truyền của kẻ lạ đã ảnh hưởng một cách vô thức mạnh đến chừng nào. Theo tôi đã đến lúc cần loại bỏ cái chú giải đó đi trong các sách chủ giải Truyện Kiều, hãy trả lại sự mộng mơ cho Kiều, đừng bắt nàng phải chịu trách nhiệm cái mà nàng chưa từng nói ra./.

Làm gì có « kẻ lạ tuyên truyền » nào ở đây, Kiều là con người thực tế và chưa hề mộng mơ, nếu nàng mơ mộng, nàng đã khác rồi. Chỉ là ông Viên Như cố suy nghĩ và gán cho Kiều cái tính mộng mơ thôi ! Cũng chẳng có ai lại tự bôi nhọ mình. Đa số người đọc Kiều, họ đọc qua và không suy nghĩ gì. Thắc mắc là đến từ vài nhà nghiên cứu Kiều, nhưng cũng chỉ thắc mắc xuông thôi, chứ cũng chẳng có ai chịu khó gia công đi tìm hiểu cho ra ngô ra khoai cả. Nói cũng đáng buồn ! Phải chăng người nước ta có tính hời hợt, đọc thoáng, chứ không ai chịu khó nhìn kỹ, đọc kỹ. Ông Viên Như dẫn ra 5 ảnh để minh họa và cả quyết (trích) : « dù không có thủ bút của Nguyễn Du nhưng chắc chắn cụ cũng viết hai chữ “tích việt 昔 越” như các bản Nôm cho thấy ». Làm gì có chuyện Nguyễn Du viết « hai chữ “tích việt 昔 越” rồi vội kết luận « tích thì phải không », thưa ông ! Trong 5 bản so sánh trên đây, xin ông và quý bạn nhìn kỹ, thì chỉ có bản của trong Kinh, như bản chép tay của Lâm Nhu Phu 1870 2 và bản khắc in của Kiều Oánh Mậu 1902, vốn cũng dựa vào bản Kinh, nên đã khắc sai ra là 昔越 (đọc Tích Việt) và người phiên âm ra Quốc ngữ đầu tiên truyện Kiều là ông Trương Vĩnh Ký, ta không thể trách ông, vì ông sống trong Nam, nên ông chỉ có thể dựa vào các bản ở Kinh, nên cũng đã phiên là «tích việt » như ta đã thấy, và các bản Quốc ngữ về sau thì cũng rập theo. Còn các bản khắc Nôm xưa : như bản Phường 1866, 1871 của nhà Liễu Văn Đường ngoài Hà nội, kể cả bản trong Gia Định (Nam Việt) của một ông Minh Hương, Duy Minh Chi 1872 3, họ không khắc昔越(Tích Việt) như nhận xét qua cái nhìn lơ đảng của ông Viên Như và chư quí vị soạn giả phiên Nôm Kiều xưa giờ. Họ khắc rõ ràng chữ 戌 (đọc Tuất) với bộ Tẩu 走 và chữ này hẳn quí vị cũng nhìn thấy, nó đâu giống chữ 越 (đọc việt).

Quả là tất cả các vị thảy đều « trông gà hóa cuốc » rồi mang tâm lý « mặc cảm tự ti ». Thanh Tâm cũng như Nguyễn Du đều viết « Tích Huất », vâng, Tích Huất chứ không phải Tích Việt mà kết cấu của chữ Huất thì gồm có Tẩu và Tuất. Quý vị lơ đãng nhìn sai, đọc ra Tích Việt, rồi liên tưởng đến chữ Việt là tên Nước, thật chẳng hiểu ra làm sao ! Cũng may là trước giờ chưa ai nêu lên để chê Nguyễn Du kém cõi, vì cái sai nếu có, là của ông tác giả nhà Thanh bên Tầu. Chữ Huất cũng không phải của nhà tiểu thuyết Thanh Tâm đặt ra, nó đã có mặt trước đó trong Tự điển Khang Hy và Khang Hy lại là dẫn từ nhiều nguồn sách vở khác của Trung Quốc xưa. Tóm lại, đó là một chữ có sẵn. Thanh Tâm Tài Nhân và cụ Nguyễn Du không đến vô lý, khi cho Kiều đoán chữ Việt越, quẹo đi là Tẩu走+Tuất戌 mà không phải là Tẩu走+ Việt戉. Vì nếu là tác giả cho Sở Khanh viết vậy, lỡ người nhận thư (tức Kiều) không hiểu thì sao ? Chữ Huất (Tuất bộ Tẩu) này, Khang Hy tự điển giải thích :

(Huất : <Ngọc Thiên> Hứa Duật thiết, Huân nhập thanh, Tẩu dã, <Thiên Hải> dữ Việt bất đồng). Nghĩa là : Sách Ngọc Thiên giảng : Ráp Hứa với Duật, (theo qui ước, đọc lái thành Huất Dựa và chọn chữ đầu là Huất), hoặc đọc kiểu nhập thanh chữ Huân (nhập thanh của chữ Huân cũng là Huất), nghĩa của từ này là Chạy. Sách Thiên Hải giảng : Chữ này so với chữ Việtthì bất đồng (tức đọc khác âm, khác nghĩa).

Sau đây là ảnh chụp trang giải thích chữ Huất của Khang Hy. Mời xem :

2

Như vậy là quá rõ ràng, người xưa không viết sai, cái sai là đến từ sự bất mắt của các ông chép lại ở trong Kinh và các bản Quốc ngữ sau này, kể cả khi phiên có nguyên bản Phường đính kèm bên cạnh (chúng tôi không tiện hài tên quý phiên giả này ở đây). Tóm lại, Sở Khanh viết Tích Huất thì Tích là ban đêm, Huất là chạy trốn và chiết tự chữ Tích, ta có艹一日(đọc Chấp nhất nhật) : Ngày Hăm mốt. Chiết tự chữ Huất ta có chữ走Tẩu  là chạy và 戌Tuất là giờ Tuất. Hai chữ hàm nghĩa : Chạy ban đêm, ngày 21 vào  9, 10 giờ khuya. Còn nếu viết : Tích việt 昔越 (như ở các bản Kinh và Quốc ngữ) thì vô nghĩa ! vì Việt chỉ có nghĩa là vượt qua, vượt lên, nó không cho hàm nghĩa gì là cái ý chạy trốn cả. Như vậy, ở đây là lỗi đến từ các ông phiên âm Nôm ra chữ Quốc ngữ (vì họ dựa theo bản có sẵn của ông Trương Vĩnh Ký), họ không biết có chữ Huất trong đời, hoặc mắt nọ dọ mắt kia, chứ không có chuyện Thanh Tâm và Nguyễn Du viết chữ Việt mà bắt Thúy Kiều phải đủ thông minh đoán ra là Tẩu Tuất như cái gợi ý của ông Viên Như. Người Tầu ngày nay, họ cũng gà mờ như ta (xem một đoạn họ gõ lại, mà ông Viên Như giới thiệu ở trên).

Xin mời quý bạn hãy cùng chúng tôi, ta trả lại 4 câu Kiều cho cụ Tố Như :

Mở xem một bức tiên mai

Rành rành TÍCH HUẤT, có hai chữ đề.

Lấy trong ý tứ mà suy

Ngày hai mươi mốt, Tuất Thì phải không ?

Cuối cùng, chúng tôi xin có lời cám ơn ông Viên Như, nhờ bài của ông mà chúng tôi đã có hứng thú và cơ hội để viết lời minh xác về một câu thơ của Nguyễn Du đã bị đọc sai. Chúng tôi trích quá nhiều ở bài của ông cũng chỉ là một cách gây chú ý cho bạn đọc trước khi thắt lại câu chuyện và cũng xin quí vị độc giả thân yêu tha lỗi cho tính bộc trực của chúng tôi, cứ nghĩ gì thì viết vậy, không hoa hòe hoa sói. Chúng tôi chuộng sự thực và chỉ muốn nói lên sự thực. Chúng tôi quan niệm là chỉ có sự thực mới vực dậy được tâm hồn chúng ta, do đã sống quá lâu trong sự hàm hồ, dối trá mang đầy tự ti mặc cảm. Xin hãy tự tin, mọi điều tốt lành sẽ đến !         

Xin hãy nắm tay nhau mà đứng dậy, ngẫng mặt lên. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng trong sự tự tin và quả cảm để cùng quí vị tiến lên. Tổ tiên chúng ta đã chọn chữ Việt là vượt lên đề đặt tên cho dân tộc này, chúng ta hãy xứng đáng với cái tên gọi thân thương và đầy ước vọng đó !

Xin quí vị hãy bày tỏ ý kiến nếu thấy người viết còn có gì sai hay chưa thấu đáo, chúng tôi rất hoan nghênh. Chúng tôi sống ở nước ngoài và chỉ mới bắt đầu đọc Kiều, mà sách vở bên này cũng không có nhiều, nên biết gì nói nấy. Cầu chúc vạn an !

                       


T.B. Nếu quí vị gặp chữ nào thắc mắc trong Kiều, xin comment hoặc biên thư cho người viết (danhhuu@gmail.com). Để giúp mình được học hỏi thêm. Rất cám ơn ! Mình hứa là sẽ truy tìm tận gốc những thắc mắc, nếu có.

CHÚ THÍCH

(1) Để phân biệt, chữ mầu tím là những lời mà chúng tôi trích lại, chữ mầu đen là của chúng tôi.

(2) Các sách dựa theo Nguyễn Quảng Tuân, đọc sai tên ông này là Lâm Nọa Phu (Truyện Kiều, bản Kinh đời Tự Đức). Thật ra, đó là chữ Nhu chứ không phải Nọa, chỉ là ông Tuân bất mắt, đọc sai câu của Tự điển Đào Duy Anh. Chữ Nọa mang nghĩa xấu, không ai dùng để đặt danh hiệu cả. Tự điển Đào Duy Anh chỉ có chữ Nọa 惰 không có chữ Nhu 懦 này, nhưng có cụm từ Nhu nọa 柔惰 : Yếu ớt, nhác nhớn (mou, faible). Còn tự điển Thiều Chửu thì giảng chữ Nọa 惰là 1 : lười biếng 2 :  Hình dáng uể oải. Còn chữ Nhu懦 thì đọc sai ra : Nọa và giảng ba phải là : Hèn yếu, có khi đọc là nhu. Chính vì tự điển Thiều Chửu bất nhất nên đã khiến cho ông Tuân và các nhà lập trình cho các bộ gõ Hán Nôm sai theo, lẫn lộn giữa Nọa 惰và Nhu懦. Tuy vậy, theo Khang Hy tự điển thì chữ惰mà ta đọc Nọa, được phiên thiết là : 徒果切đồ quả thiết, 杜果切đỗ quả thiết 音垛âm đóa. Phải chăng là tự điển Đào Duy Anh và Thiều Chửu đọc sai ? Còn chữ Nhu懦 được phiên là : 人朱切 (Nhân chu thiết : nhu) 汝朱切(Nhữ chu thiết : nhũ) 音儒 (âm Nho). Tất nhiên phiên thiết cách đọc như kiểu Khang Hy thì chỉ là tương đối vì nó phụ thuộc vào âm đọc các con chữ của từng địa phương, chứ không đồng nhất và chính xác như cách phiên âm quốc tế ngày nay của Âu Mỹ. Chữ Nhu, Nho懦 theo Khang Hy giải thích là để chỉ người nói năng nhỏ nhẹ, yếu ớt (mềm mỏng) nhưng tiềm ẩn sức mạnh nội tại. Do vậy mà có thể quan bộ Công Nguyễn Hữu Lập mới dùng làm bút danh : Lâm Nhu Phu (hoặc đọc Lâm Nho Phu). Cuốn sách của ông Lâm Nhu Phu, tuy ông chép nó ở bộ Công trong Kinh, nhưng khó mà ông được chép trực tiếp từ sách của nhà Vua. Ta có thể dự đoán mà không sợ sai lầm, là theo bản Kiều Oánh Mậu, thì ông được bạn là Đào Nguyên Phổ, từ Kinh đô về, tặng ông một bản chép từ bản của một công tử trong Nội, họ Ngoại của nhà vua. Lúc đó là năm Ất mùi (1895). Theo lời ông Phổ, thì vì sách hay nên mọi người tranh nhau mượn chép, giá giấy lúc đó đắt hơn giấy quý Lạc Đô (tức kinh đô Lạc Dương bên Tầu). Mọi người tranh nhau chép, dĩ nhiên là không thể không có trường hợp vội quá chép sai, và ta cũng phải nghĩ đến người này mượn lại của người kia để chép, và chuyện tam sao thất bổn cũng là chuyện thường. Do vậy,  cuốn của Lâm Nhu Phu, hay Kiều Oánh Mậu, nếu có sai thì cũng không phải lỗi ở họ, chỉ là chép vội vàng nên chữ nọ dọ chữ kia mà thành sai. Do vậy, đọc họ phải thật cẩn thận !

(3) Chúng tôi đọc Duy Minh Chi thay vì Duy Minh Thị như Nguyễn Tài Cẩn (Tư liệu Truyện Kiều Duy Minh Thị 1872). Quyển Kiều của ông này gửi khắc in bên tỉnh Quảng đông của Tầu, nên nếu có khắc sai là sai phần chữ Nôm, chứ chữ Hán thì chắc chắn họ phải khắc đúng. Vì ông là người Tầu nên đôi khi cũng hớ, ví dụ như câu 2402, câu thơ Nguyễn Du : Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu. Ông Duy Minh Chi đã chữa Mây Ngàn thành Mây Nhàn, là ông không được tận mắt đọc cuốn truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà chỉ dựa vào điển cố câu « Nhàn vân dã hạc» của sách vở Tầu và cho là Nguyễn Du dùng sai. Câu thơ của Nguyễn Du là rút từ ý của bài thơ từ giã của bà Giác Duyên ở cuối truyện, trong bài thơ đó có chữ : Dã hạc (tức hạc nội) và Lư sơn đỉnh thượng cô vân (tức mây ngàn) hàm ý bà như con hạc ngoài đồng, đám mây trên núi đâu có chỗ ở nhất định, nên bà Giác Duyên mới hẹn là sau 5 năm bà sẽ đến gặp. Hạc nội mây ngàn là từ của Thanh Tâm mà Nguyễn Du Việt hóa vào thơ, chữa ra « mây nhàn » vào đoạn thơ này khiến câu thơ biến thành vô nghĩa và lạc lỏng. Vì hạc nội mây nhàn là để diễn tả cái chuyện ngồi không ngó vẩn vơ của một ai đó, chứ không phải ở trường hợp Kiều hỏi bà Giác Duyên là bà đi tung tăng như vậy thì làm sao gặp lại được bà. Các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tài Cẩn chọn cuốn của ông này làm bản trục, theo chúng tôi nghĩ, là rất sai lầm, nó đưa các ông vào rừng và không tài nào tìm được lối ra, khiến cả hai ông, dù rất cố gắng cũng không hoàn tất được công việc như ý muốn lúc còn sinh thời.

(4) Toàn văn bài của ông Viên Như, quí vị nào tò mò, có thể tìm tại đây : https://nghiencuulichsu.com.

 

 

13 thoughts on “Chữ Tuất cầm tinh con chó trong truyện Kiều

  1. Cám ơn tác giả Danh Hữu đã có ý kiến về bài viết của tôi. Xin có mấy ý kiến như sau:
    Bài viết của tôi đều có trích nguồn cả, đó là cơ sở để tôi đưa ra ý kiến của mình,, cho nên tôi không có trách nhiệm gì trong các văn bản trích dẫn cả. Hầu hết là cho chữ Việt, vì vậy xin đừng cho rằng “trông gà hóa quốc” Chính vì vậy mong Danh Hữu trích nguồn cụ thể:
    – Trước hết ta biết Truyện Kiều của Nguyễn Du lấy cốt truyện từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nếu ông cho rằng Tàu sai, đây là việc đầu tiên mà ông nên làm, phải làm với tư cách là người nghiên cứu phản biện, thì xin ông vui lòng trích nguồn và gởi cho họ chứ không phải cho tôi.
    – Bản chữ Nôm nếu sai thì xin ông vui lòng gởi cho họ (Viện Hán Nôm chẳng hạn) chứ không phải cho tôi.
    – Bản chữ Quốc ngữ nếu sai thì xin ông vui lòng gởi cho Bộ Giáo Dục chứ không phải cho tôi.
    – Nghiên cứu là một thao tác khoa học, nên không có chuyện thông cảm, làm sao ông biết Trương Vĩnh Ký hay trong Nam không có bản mà ông đề nghị. Nếu cứ thông cảm như vậy thì phê bình làm gì.
    – Nếu không có nguồn tin cậy thì chuyện chữ Huất của ông chỉ có giá trị bên lề mà thôi, theo tôi vấn đề này không phải ông là người đưa ra đầu tiên.
    Viên Như

    Thích

    • Trả lời tác giả Viên Như về những thắc mắc

      Thưa ông, cả 2 lần ông hỏi, tôi đều có trả lời, nhưng vì trục trặc đâu đó, câu trả lời đã không xuất hiện, có lẽ tại tôi chưa sử dụng tốt. Sau đây là câu trả lời cho 2 thắc mắc của ông :

      Câu hỏi lần đầu :

      1.- Về vấn đề trách nhiệm. Theo tôi, bất cứ ai cầm bút đều có trách nhiệm về những gì mình viết. Tôi có trách nhiệm trong sự phản bác ý nghĩ của ông bạn. Khi ông bạn kết tội cô Kiều mơ mộng, tưởng tượng từ chữ Việt ra chữ Tuất và Nguyễn Du lơ đãng để cho người lạ làm nhục quốc thể của chúng ta, khi viết câu thơ mà thiếu kiểm chứng để xảy ra sự nhầm lẫn, chẳng hạn, cũng là một trách nhiệm mà một lúc nào đó, mình cần phải làm sáng tỏ cái mình viết : Làm sao mình có thể tự dưng tưởng tượng ra một câu chuyện ngoài sách vở ?

      2.- Nguồn cụ thể. Ông bạn trách tôi không dẫn nguồn cụ thể, khi cho ông bạn là : trông gà hóa cuốc. Thưa ông bạn, tôi có dẫn nguồn đấy chứ ! Nguồn đó là bài của ông bạn và cái sự « trông gà hóa cuốc » là tấm ảnh của anh Phan Anh Dũng ở Huế mà ông bạn lấy trưng dẫn. Tấm ảnh đó chụp từ 5 cuốn sách, trong 5 cuốn đó, thì chỉ có 2 cuốn 1870 & 1872 là viết và khắc Tích Việt, còn lại 3 cuốn 1866, 1871 và 1872 đều khắc là Tích Huất. Xin ông bạn phóng to sẽ thấy rõ. Nếu đưa lên bàn cân, thì 3 phải nặng hơn 2 chứ !

      3.- Tôi đâu có nói Tầu sai, tôi cũng không nói Nguyễn Du sai, mà tôi chỉ nói những người đọc Kiều hay chép Kiều của cụ Nguyễn Du, đã chữ nọ dọ chữ kia, trông gà hóa quốc, nên đã đọc sai, chép sai. Không chỉ có cụm từ Tích Việt mà còn nhiều chữ, câu khác nữa.

      4.- Về Tư cách người phản biện. Đương nhiên, khi tôi phản biện bài của ông thì tôi chỉ đặt vấn đề trong phạm vi bài đó với tác giả của nó, còn những người khác, cơ quan khác đâu có dính líu gì mà tôi lại đi hỏi họ. Họ làm sao biết để trả lời tôi.

      5.- Bản chữ Nôm sai, là lỗi của người đã chép/khắc, dính líu gì đến viện Hán-Nôm mà ông bảo tôi đi hỏi họ. Làm sao họ trả lời cho tôi được khi không phải công việc của họ.

      6.- Bản chữ Quốc ngữ sai thì cũng là lỗi của những ai đã soạn những bản đó, dính líu gì đến Bộ giáo dục mà ông bảo tôi đi hỏi họ.

      7.- Ông hỏi tôi làm sao biết Trương Vĩnh Ký hay trong Nam không có bản mà tôi đề nghị. Quái ! tôi đâu có đề nghị gì đâu. Tôi chỉ nói là ông Trương Vĩnh Ký ở trong Nam nên ông chỉ có thể có những bản đến từ Huế. Do vậy, tôi thông cảm việc ông phiên sai. Đây là chuyện của 2 thế kỷ trước, không phải chuyện của ngày hôm nay. Cái vĩ đại của ông Trương Vĩnh Ký, là ông đã quyết tâm đem chữ Quốc ngữ phổ biến đến toàn dân để chúng ta có chữ xài ngày hôm nay, mà những quốc gia đồng văn với chúng ta chưa thể thực hiện, họ vẫn không thể ly khai được với chữ Hán trong sự viết lách của họ. Làm phê bình rất khó, tôi nhận là mình chưa đạt. Phê bình một người đương thời thì còn dễ vì họ có thể trả lời, chứ đối với người đã khuất, mình là ai mà dám đi phê bình họ, mình biết gì về họ. Ngoài sự nhận xét – chê/khen – công việc hay công trình của họ. Nghiên cứu đúng là một công tác khoa học, nhưng khoa học không có nghĩa là không có chuyện uyển chuyển, nhất là trong địa hạt văn chương. Nếu cái gì cũng cứng nhắc thì hỏng là cái chắc. Tôi chưa phải là nhà khoa học nhưng tôi rất coi trọng công việc của những nhà khoa học. Nhà khoa học cũng là một nghệ sĩ, cái khác giữa họ, là nhà khoa học đem mơ mộng biến thành sự thực, còn người nghệ sĩ thì luôn ở trạng thái mơ mộng.

      Tôi hiện có trong tay 13 bản chữ Nôm, các bản ấy đều có những sai biệt khác nhau, và những sai biệt đó, đều ít nhiều có thể đoán ra lý do. Nên vậy mà tôi mới đề nghị ai có câu chữ nào thắc mắc xin gửi cho tôi.

      Ngoài ra, tôi có là người đầu tiên phát hiện ra chữ Huất mà đã bị đọc sai thành Việt, hay không, thì đối với tôi, chuyện đó không quan trọng. Cái quan trọng đối với tôi, là làm sao để cuốn Kiều được gần với nguyên thoại nhất. Thật đáng buồn khi ta đọc những bản dịch ra tiếng nước ngoài, mà một câu thơ hay đã bị hiểu cách trần trụi. Ví dụ : Khuôn trăng đầy đặn, nét người nở nang lại bị đọc và hiểu thành : khuôn mặt tròn, như mặt trăng đầy đặn, lông mày thì như con tắm nằm (ví dụ : le visage rond comme la lune pleine, et les sourcils rappelant la forme du ver-à-soie couché tout de son long – traduit par Nguyễn Văn Vĩnh) mà không là : Khuôn mặt lúc nào cũng như trăng đầy đặn, dáng dấp người to khỏe, ý là : Khuôn mặt lúc nào cũng sáng rỡ như trăng rằm, dáng dấp vững mạnh. (ngụ ý là để đối lập với cô chị : Dáng người ẻo lả, hay u buồn). Và sự đọc hiểu, dịch sai đã bị một ông phê bình Tầu chê Nguyễn Du dốt : Tả Thúy Vân mặt thì mập ú, tròn quay như mặt trăng, lông mày thì rậm rạp như Quan công. Rõ là đọc thơ không dễ như đọc văn.

      Về câu hỏi lần hai

      Ông bạn yêu cầu tôi cung cấp nguồn hai chữ « tích huất » để rộng đường dư luận. Xin thưa : Trong bài viết, tôi đã có cung cấp nguồn. Đó là ba bản 1866, 1871 và 1872 của chính trong hình ảnh của Phan Anh Dũng ở bài viết của ông bạn. Ba bản trong 5 bản đó đều khắc « tích huất » và ý nghĩa chữ Huất tôi cũng cung cấp nguồn đó là trang chụp từ Tự điển Khang Hy. Như vậy là quá đủ rồi. Cái quan trọng ở đây, là giữa chữ Huất và chữ Việt chữ nào mới là đúng với nội dung và ý nghĩa câu thơ, ngay cả khi tất cả các bản đều khắc sai (trường hợp này đã có ít/nhiều ở trong Kiều).

      Nếu còn gì thắc mắc, xin ông bạn hãy viết thẳng thư cho tôi, địa chỉ tôi, có trong bài viết. Tôi hứa sẽ hồi âm ngay.

      Dù sao cũng cám ơn ông bạn đã lưu ý đến bài viết của tôi.

      Danh Hữu

      Paris, 2020-07-05

      Thích

  2. Trả lời tác giả Viên Như về những thắc mắc

    Thưa ông, cả 2 lần ông hỏi, tôi đều có trả lời, nhưng vì trục trặc đâu đó, câu trả lời đã không xuất hiện, có lẽ tại tôi chưa sử dụng tốt. Sau đây là câu trả lời cho 2 thắc mắc của ông :

    Câu hỏi lần đầu :

    1.- Về vấn đề trách nhiệm. Theo tôi, bất cứ ai cầm bút đều có trách nhiệm về những gì mình viết. Tôi có trách nhiệm trong sự phản bác ý nghĩ của ông bạn. Khi ông bạn kết tội cô Kiều mơ mộng, tưởng tượng từ chữ Việt ra chữ Tuất và Nguyễn Du lơ đãng để cho người lạ làm nhục quốc thể của chúng ta, khi viết câu thơ mà thiếu kiểm chứng để xảy ra sự nhầm lẫn, chẳng hạn, cũng là một trách nhiệm mà một lúc nào đó, mình cần phải làm sáng tỏ cái mình viết : Làm sao mình có thể tự dưng tưởng tượng ra một câu chuyện ngoài sách vở ?

    2.- Nguồn cụ thể. Ông bạn trách tôi không dẫn nguồn cụ thể, khi cho ông bạn là : trông gà hóa cuốc. Thưa ông bạn, tôi có dẫn nguồn đấy chứ ! Nguồn đó là bài của ông bạn và cái sự « trông gà hóa cuốc » là tấm ảnh của anh Phan Anh Dũng ở Huế mà ông bạn lấy trưng dẫn. Tấm ảnh đó chụp từ 5 cuốn sách, trong 5 cuốn đó, thì chỉ có 2 cuốn 1870 & 1872 là viết và khắc Tích Việt, còn lại 3 cuốn 1866, 1871 và 1872 đều khắc là Tích Huất. Xin ông bạn phóng to sẽ thấy rõ. Nếu đưa lên bàn cân, thì 3 phải nặng hơn 2 chứ !

    3.- Tôi đâu có nói Tầu sai, tôi cũng không nói Nguyễn Du sai, mà tôi chỉ nói những người đọc Kiều hay chép Kiều của cụ Nguyễn Du, đã chữ nọ dọ chữ kia, trông gà hóa quốc, nên đã đọc sai, chép sai. Không chỉ có cụm từ Tích Việt mà còn nhiều chữ, câu khác nữa.

    4.- Về Tư cách người phản biện. Đương nhiên, khi tôi phản biện bài của ông thì tôi chỉ đặt vấn đề trong phạm vi bài đó với tác giả của nó, còn những người khác, cơ quan khác đâu có dính líu gì mà tôi lại đi hỏi họ. Họ làm sao biết để trả lời tôi.

    5.- Bản chữ Nôm sai, là lỗi của người đã chép/khắc, dính líu gì đến viện Hán-Nôm mà ông bảo tôi đi hỏi họ. Làm sao họ trả lời cho tôi được khi không phải công việc của họ.

    6.- Bản chữ Quốc ngữ sai thì cũng là lỗi của những ai đã soạn những bản đó, dính líu gì đến Bộ giáo dục mà ông bảo tôi đi hỏi họ.

    7.- Ông hỏi tôi làm sao biết Trương Vĩnh Ký hay trong Nam không có bản mà tôi đề nghị. Quái ! tôi đâu có đề nghị gì đâu. Tôi chỉ nói là ông Trương Vĩnh Ký ở trong Nam nên ông chỉ có thể có những bản đến từ Huế. Do vậy, tôi thông cảm việc ông phiên sai. Đây là chuyện của 2 thế kỷ trước, không phải chuyện của ngày hôm nay. Cái vĩ đại của ông Trương Vĩnh Ký, là ông đã quyết tâm đem chữ Quốc ngữ phổ biến đến toàn dân để chúng ta có chữ xài ngày hôm nay, mà những quốc gia đồng văn với chúng ta chưa thể thực hiện, họ vẫn không thể ly khai được với chữ Hán trong sự viết lách của họ. Làm phê bình rất khó, tôi nhận là mình chưa đạt. Phê bình một người đương thời thì còn dễ vì họ có thể trả lời, chứ đối với người đã khuất, mình là ai mà dám đi phê bình họ, mình biết gì về họ. Ngoài sự nhận xét – chê/khen – công việc hay công trình của họ. Nghiên cứu đúng là một công tác khoa học, nhưng khoa học không có nghĩa là không có chuyện uyển chuyển, nhất là trong địa hạt văn chương. Nếu cái gì cũng cứng nhắc thì hỏng là cái chắc. Tôi chưa phải là nhà khoa học nhưng tôi rất coi trọng công việc của những nhà khoa học. Nhà khoa học cũng là một nghệ sĩ, cái khác giữa họ, là nhà khoa học đem mơ mộng biến thành sự thực, còn người nghệ sĩ thì luôn ở trạng thái mơ mộng.

    Tôi hiện có trong tay 13 bản chữ Nôm, các bản ấy đều có những sai biệt khác nhau, và những sai biệt đó, đều ít nhiều có thể đoán ra lý do. Nên vậy mà tôi mới đề nghị ai có câu chữ nào thắc mắc xin gửi cho tôi.

    Ngoài ra, tôi có là người đầu tiên phát hiện ra chữ Huất mà đã bị đọc sai thành Việt, hay không, thì đối với tôi, chuyện đó không quan trọng. Cái quan trọng đối với tôi, là làm sao để cuốn Kiều được gần với nguyên thoại nhất. Thật đáng buồn khi ta đọc những bản dịch ra tiếng nước ngoài, mà một câu thơ hay đã bị hiểu cách trần trụi. Ví dụ : Khuôn trăng đầy đặn, nét người nở nang lại bị đọc và hiểu thành : khuôn mặt tròn, như mặt trăng đầy đặn, lông mày thì như con tắm nằm (ví dụ : le visage rond comme la lune pleine, et les sourcils rappelant la forme du ver-à-soie couché tout de son long – traduit par Nguyễn Văn Vĩnh) mà không là : Khuôn mặt lúc nào cũng như trăng đầy đặn, dáng dấp người to khỏe, ý là : Khuôn mặt lúc nào cũng sáng rỡ như trăng rằm, dáng dấp vững mạnh. (ngụ ý là để đối lập với cô chị : Dáng người ẻo lả, hay u buồn). Và sự đọc hiểu, dịch sai đã bị một ông phê bình Tầu chê Nguyễn Du dốt : Tả Thúy Vân mặt thì mập ú, tròn quay như mặt trăng, lông mày thì rậm rạp như Quan công. Rõ là đọc thơ không dễ như đọc văn.

    Về câu hỏi lần hai

    Ông bạn yêu cầu tôi cung cấp nguồn hai chữ « tích huất » để rộng đường dư luận. Xin thưa : Trong bài viết, tôi đã có cung cấp nguồn. Đó là ba bản 1866, 1871 và 1872 của chính trong hình ảnh của Phan Anh Dũng ở bài viết của ông bạn. Ba bản trong 5 bản đó đều khắc « tích huất » và ý nghĩa chữ Huất tôi cũng cung cấp nguồn đó là trang chụp từ Tự điển Khang Hy. Như vậy là quá đủ rồi. Cái quan trọng ở đây, là giữa chữ Huất và chữ Việt chữ nào mới là đúng với nội dung và ý nghĩa câu thơ, ngay cả khi tất cả các bản đều khắc sai (trường hợp này đã có ít/nhiều ở trong Kiều).

    Nếu còn gì thắc mắc, xin ông bạn hãy viết thẳng thư cho tôi, địa chỉ tôi, có trong bài viết. Tôi hứa sẽ hồi âm ngay.

    Dù sao cũng cám ơn ông bạn đã lưu ý đến bài viết của tôi.

    Danh Hữu

    Paris, 2020-07-05

    Thích

  3. Theo tôi tất cả các chữ trong các bản nôm của Phan Anh Dũng đều là chữ Việt, có chữ do người viết lố gạch ngang của chữ Chỉ nên thoạt trông như chữ Tuất, tuy nhiên ông căn cứ vào đây và lấy cho là nguồn. Nếu nói theo nguyên tắc nguyên cứu thì ta cần xét cả ba bản để đối chiếu, và theo tôi cả ban bản Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du (Nôm) Kiều quốc ngữ đều cho chữ Việt, trong đó bản của Thanh Tâm Tài Nhân được xem như tài liệu cấp một, bởi vì nếu Thanh Tâm Tài Nhân không viết “tích huất” thì cụ Nguyễn Du lấy đâu ra chữ “huất” mà viết, cho nên nguồn là của Thanh Tâm Tài Nhân chứ không phải của cụ Nguyễn Du ông ạ. Như tôi đã trích bản của Thanh Tâm Tài Nhân trong bài, rõ ràng ông ta viết chữ “Việt”, tôi nghĩ rằng chừng nào ông chứng minh cho đọc giả thấy chữ “huất” (nguồn) trong nguyên bản của Thanh Tâm Tài Nhân thì mới thuyết phục được những ai quan tâm tới truyện Kiều, nếu không thì chẳng có con gà nào hóa thành con quốc cả ông ạ. Tôi tin rằng ông thừa biết điều này, chính vì vậy tôi đã nêu câu hỏi với ông.

    Thích

    • Ông đúng là người có tinh thần cố chấp, ông đòi tôi phải trưng ra đúng bản của Thanh Tâm như bản của ông. Cái bản của ông chỉ là bản người ta gõ lại năm 1980 mà ông chép được trên mạng, tôi không những có nó mà còn có nhiều hơn. Tôi có tới 3 bản chép tay ở những thời kỳ khác nhau và tôi đã dịch cuốn đó sang tiếng Việt, nên đọc bài của ông tôi mới biết mà góp lời. Nhưng cáI QUAN TRỌNG HƠN CẢ là giữa chữ Việt và chữ Huất trong câu thơ, ta chọn chữ nào. Đó mới là cái đáng nói.
      Tôi tưởng bài viết của tôi được ông cám ơn, vì đã giúp ông khỏi mang tội vu oan cho cô Kiều và cụ Nguyễn Du, ai ngờ ông lại cố bắt bẻ.
      Chỉ xin nhắc ông chứ không phải viết tay. Viết tay mới có chuyện lỡ tay thêm nét này, nét nọ. Ông bảo nếu Thanh Tâm không viết Tích Huất thì Nguyễn Du lấy đâu ra chữ huất mà viết, ông coi thường Nguyễn Du quá ! Đến tôi mà còn biết câu đó phải là chữ Huất không thể là một chữ nào khác được, lọ là Nguyễn Du,
      Kiếu từ ông.
      Danh Hữu

      Thích

      • ĐÔI LỜI CẢM THÁN
        Gặp người cố chấp phải chào thua,
        Chữ nghĩa xem ra, chỉ chuyện đùa.
        Cụ Nguyễn có thiêng xin chỉ giáo
        Tiểu sinh thành kính gửi phân bua.
        France Nguyen

        Thích

  4. Tác giả phân tích chữ ấy cũng đúng nhưng mà chữ Việt cũng đúng nữa đấy! Chữ tuất tách ra từ chữ huất đó là tuất thị =chó cái còn tách ra từ chữ Việt =chó đực (chó cái mới có thêm một gạch – còn chó đục thì không có một gạch đó đâu vì nó có rồi mà )mà bức thư này là của Sở Khanh là nam mà! !! Bên cạnh đó việc làm của hai người không minh bạch (nhất là hắn ta không đáng mặt là một bậc tu my nam tử chút nào hết. ..)họ đang chuẩn bị làm một việc thương luân bại lý. chẳng khác gì mèo mã gà đồng nên hai vị ấy sử dung cách chơi chữ ấy đấy mà! Chẳng lẽ các vị không nhận ra sao ???”NGƯU TẦM NGƯU MÃ TẦM MÃ ” ấy mà!
    Thúy Kiêu nổi tiếng thông minh vậy mà các vị ấy cố tình để cho cô nàng sập bẫy quá là tầm thường “Đây cũng là dụng ý riêng của tác giả mà ít ai biết đấy! Còn chữ Việt đâu chỉ có 2 chữ đó đâu mà có người cho là chạy hay là thoát chứ? ?? MỘT NGƯỜI ĐANG LỘI TRONG BÙN LẦY TRÊN ĐẦU CÒN ĐỘI THÊM ĐẤT PHÍA SAU CÒN CÓ CÁI RÌU TO ” thì =? ? ? Hi hi

    Thích

  5. Tác giả phân tích chữ ấy cũng đúng nhưng mà chữ Việt cũng đúng nữa đấy! Chữ tuất tách ra từ chữ huất đó là tuất thị =chó cái còn tách ra từ chữ Việt =chó đực (chó cái mới có thêm một gạch – còn chó đục thì không có một gạch đó đâu vì nó có rồi mà )mà bức thư này là của Sở Khanh là nam mà! !! Bên cạnh đó việc làm của hai người không minh bạch (nhất là hắn ta không đáng mặt là một bậc tu my nam tử chút nào hết. ..)họ đang chuẩn bị làm một việc thương luân bại lý. chẳng khác gì mèo mã gà đồng nên hai vị ấy sử dung cách chơi chữ ấy đấy mà! Chẳng lẽ các vị không nhận ra sao ???”NGƯU TẦM NGƯU MÃ TẦM MÃ ” ấy mà!
    Thúy Kiêu nổi tiếng thông minh vậy mà các vị ấy cố tình để cho cô nàng sập bẫy quá là tầm thường “Đây cũng là dụng ý riêng của tác giả mà ít ai biết đấy! Còn chữ Việt đâu chỉ có 2 chữ đó đâu mà có người cho là chạy hay là thoát chứ? ?? MỘT NGƯỜI ĐANG LỘI TRONG BÙN LẦY TRÊN ĐẦU CÒN ĐỘI THÊM ĐẤT PHÍA SAU CÒN CÓ CÁI RÌU TO ” thì =? ? ? Hi hi
    Chúc vui khỏe nhé!
    Tb:vào thập niên 80 có một số người muốn sửa câu “Hồ cầm ăn đứt một trương, thành Hồ cầm ăn đứt Ngãi Trương ” vì họ cho rằng Ngãi Trương là một đại danh cầm thuộc hạng giỏi nhất. Không biết từ đó đến nay họ có sửa không nữa. Cá nhân tôi cho rằng lâp luận như vậy là quá ngốc! ! Không hiểu biết gì hết. Còn tác giả thì sao nhỉ?

    Thích

  6. Không biết tác giả của bài viết và tác giả Viên Như đã hiểu ra chưa vậy? ? ?
    Tác giả Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyên Du đã nặn ra nàng Kiều thông minh chẳng lē nàng Kiều không biết chiết tự và ghép tự hay sao chứ. ? ? ? Nếu chữ Việt nàng Kiều tách chữ nhân phía dưới chữ túc rồi đem ghép vào nét đứng đầu tiên của chữ phủ sao cho nét chữ nhân nằm dưới và song với nét ngang của chữ phủ cuối cùng khép cái nét chân nhập sát vào vậy là thành chữ tuất chưa nè? ? Phía trước bây giờ là chữ giờ đúng không nào? ? ? Trong việc chiết tự và ghép tự thì không nhất thiết phải giống 100% đôi khi ta phải thêm vào hoặc lược bớt đi một vài chi tiết v v mục đích là làm rõ ý của chữ ấy mà thôi! Ví dų vào cuối đời nhà Minh, một hôm vua Sùng Trình ngủ gục và mö thấy một người có vóc dáng phí phàm ông liền hỏi thì người ấy xưng là thần Vū Hộ ,ông thấy vậy mới hỏi là tương lai của đại Minh sau này sē như thế nào. .? Vị thần ấy kêu ông ta xòe bàn tay ra và viết lên một chữ HỮU rồi vị thần ấy bỏ đi mặc cho ông ta van xin ông giãi thích cho rõ ràng. Khi tỉnh dậy ông ta mới thuật lại cho thái giám Vương Hųu nghe và buộc vị thái giám này giải thích. Sau khi được ông cho phép thì vị thái giám ấy mới nói rằng chữ HŪU gồm có nữa chữ Minh và nữa chữ đại ghép lại . Ý của vị thần ấy là những ngày sắp tới thì giang sơn đại Minh chỉ còn có một nữa
    Còn tôi nói chữ tuất tách ra từ chữ Huất là chó cái vì chữ ấy có một phần chữ thị ( nam lót chữ văn còn nữ thì lót chữ thị đây là sự phân biệt giống đực và giống cái ).
    Chính vì vậy tôi mới nói là chữ Huất hay là chữ Việt cũng đúng cả! (Ở đây là do chiết tự và ghép tự mà ra chứ không hề ảnh hưởng gì đến chữ Việt cả! Và cũng không có gì phải xấu hổ cả. ! Còn cách nghĩ như hiện nay thì có lẽ ý nghĩa thực sự của chữ Việt trong từ Việt Nam muôn thuở vẫn không ai biết rõ. . .
    Còn về chữ nét ngài nở nang hay nét người nở nang trong sách thì dịch là nét ngài còn bản gốc như thế nào thì tôi không được rõ vì hơn nửa thế kỷ trước tôi có đọc cuốn sách có phần chữ Hán đi kèm hình như là của dịch giả Trần Trọng Kim thì phải. Vì không chú ý đến phần chữ Hán nên tôi không rõ! Nhung tôi cũng góp ý là phụ nữ cũng dùng được từ mày ngài mắt phượng (từ này thì chắc ai cũng biết nhất là những người nghiên cứu về khoa tướng diện v v ) mày ngài không hẳn là to kềnh đâu vi người nam thì bao giơ cũng to nên cũng thường gọi là tầm my nữa đấy! ! ! Tôi cũng xin được nhắc lại là vào năm 1960 nhà thơ Ngô Xuân Diệu có đăng một bài viết trên báo văn nghệ và nhân một buổi nói chuyện về văn thơ với trường Đại học Tổng hợp ở Hà Nội năm1962 ông ta có lý giải về câu thơ tả về Mã Giám Sinh là ” Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao “” ông ta cho rằng trước khi đi coi mắt Thúy Kiều thì Mã Giám Sinh không những cạo sạch râu và cąo gần hết lông mày mà còn thoa chất paratil (một loại kem làm bóng da mặt ) nữa v v . . Nghe đến đấy thì chấp tay xin thua luôn! !
    Riêng về vị phản hồi! Xin lỗi hãy xem kỹ là tôi chỉ đề cập đến 2 vị kia chứ tôi không phải tôi phản hồi cho chư vị đâu nhé! ! Qua đây cũng biết rõ rồi! !!
    Xl Lão mà thèm đọc những thứ bẩn tai ấy à? ? ? Hơn 50 năm trước Lão vì muốn xem hết toàn bộ thơ của Nguyên Du ra làm sao Sao đó Lão cho vào sọt rác hết !

    Thích

  7. Xin có đôi lời với tác giả, tôi là hậu duệ hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập, người chép tay truyện Kiều năm 1870. Cụ lấy tên chữ là Nọa phu, hiệu là Thiếu Tô Lâm. Sở dĩ lấy tên tự là Nọa Phu (người lười nhác) vì cụ muốn tự răn mình. Trước nay nhiều nhầm lẫn cho cụ là Lâm Nhu Phu.

    Thích

Bình luận về bài viết này