Những vụ khủng hoảng quốc tế liên quan đến Sứ quán nước ngoài

dai su quan My

Ảnh: những du kích cánh tả mang con tin ra giao nộp trước ống kính phóng viên trong vụ bắt cóc tại sứ quán Nhật Bản ở Lima, Peru năm 1996. Hiện tượng kẻ bắt cóc bị cảm hóa và không làm hại nạn nhân được gọi là Hội chứng Lima trong tâm lý học

Đăng Phạm / ncls group
 

Sứ quán ở nước ngoài (đại sứ quán, ĐSQ) là một trong những vùng đặc biệt trong Luật quốc tế. Theo định nghĩa về Lãnh thổ kinh tế (economic territory) thì vùng lãnh thổ nằm ở nước ngoài sử dụng cho mục đích ngoại giao (như Đại sứ quán, Lãnh sự quán,…) được coi là lãnh thổ quốc gia, đồng nghĩa có quyền được bảo vệ trước mọi xâm phạm.

Vì quy định này, mà các sự cố liên quan đến ĐSQ thường rất nhạy cảm trong quan hệ quốc tế và thường mang lại hậu quả không nhẹ. Cùng điểm qua vài vụ lùm xùm liên quan đến Sứ quán nước ngoài trong lịch sử Quốc tế. Ở đây chỉ xin đề cập một vài sự việc tiêu biểu, còn rất nhiều vụ việc khác mọi người có thể tìm hiểu thêm.

1/ Sự cố tị nạn tại sứ quán Peru ở Cuba năm 1980.

Sự cố này liên quan mật thiết đến sự kiện ”di tản Mariel” ở Cuba sau đó.

Vào năm 1980, Cuba đã trải qua hơn 20 năm cách mạng. Tuy nhiên, đời sống nhân dân vẫn vô cùng khó khăn. Mặc dù người dân Cuba đã tìm cách vượt biên bằng đường biển qua Mỹ từ lâu, nhưng con đường ngày càng khó khăn do Mỹ thắt chặt kiểm soát eo biển và Cuba cũng kiểm soát kĩ hơn người di cư.

Do đó, nhiều người Cuba muốn ra đi đã chọn con đường chính thống bằng cách xin tị nạn ở các nước Mỹ Latinh khác, thông qua các đại sứ quán. Từ năm 1980, số người Cuba xin vào tị nạn ở các sứ quán Mỹ Latin và Tây Ban Nha tăng đột biến. Điều này làm chính quyền Cuba khó chịu, và gây áp lực với các Sứ quán này. Kết quả của nó là việc Argentina từ chối cho 2 nhà văn bất đồng chính kiến Cuba là Reynaldo Colas Pineda và Esteban Luis Cárdenas Junquera tị nạn, khiến họ bị Cuba bắt lại và kết án hàng chục năm tù.
Bất ngờ ngày 1/4/1980, 6 sinh viên Cuba lấy một chiếc xe bus tông thẳng vào cổng sứ quán Peru ở Havana. Bảo vệ người Cuba bắn chết 1 người, nhưng chiếc xe xô đổ cánh cổng và chặn ngang nó lại, khiến cách cổng không thể dựng lại. Lợi dụng điều này, hàng chục nghìn người Cuba đã tràn vào sứ quán Peru những ngày sau đó, gây ra sự bối rối lớn cho các quan chức ngoại giao Peru.

Cuba ngay lập tức gây áp lực buộc Peru đuổi những người này ra. Nhưng binh lính người Cuba cũng biết rằng họ không thể tự ý xâm nhập vào Sứ quán do điều đó là vi phạm luật ngoại giao. Thay vào đó, họ bao vây sứ quán, không cho ai xâm nhập hay ra khỏi sứ quán. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và điều kiện sinh hoạt tồi tệ đi trong sứ quán Peru.

Chính phủ Peru ban đầu không có ý định cho người Cuba tị nạn, bởi con số quá lớn khi Peru cũng là một nước nghèo. Chính quyền Peru trong đó có bộ trưởng ngoại giao Arturo García thông báo sẽ nhanh chóng giao những người tị nạn cho Cuba, điều này làm chấn an Cuba và truyền thông quốc tế.

Tuy nhiên, bất ngờ đại sứ Peru tại Havana, Pinto Bazurco Rittler lại tuyên bố rằng sẽ không giao những người tị nạn này cho chính phủ Cuba. Ông nói rằng những người tị nạn đối mặt với nguy cơ bị xét xử bởi chính quyền Cuba, và rằng sẽ làm mọi cách để những người này được ra nước ngoài.

Một cuộc xung đột ngoại giao bùng nổ giữa Cuba và Đại sứ Peru. Từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 4 năm 1980, tình hình căng thẳng đến mức có lúc cảnh sát Cuba có lúc đã định tràn vào Sứ quán Peru, nhưng đều bị chính quyền Cuba ngăn lại do Vi phạm Công ước Vienna về ngoại giao. Trong lúc đó ở Peru tình hình cũng nóng bỏng không kém. Bộ trưởng Arturo García bị triệu tập trong một cuộc chất vấn trước hàng trăm phóng viên quốc tế về vụ Đại sứ Pinto bất tuân lệnh. Cuộc họp báo không thu được kết quả gì do Bộ trưởng Arturo García có vẻ ”không nói lên lời”.

Tình hình chỉ được giải quyết khi Hoa Kỳ cùng các nước Mỹ Latin đưa ra cách giải quyết đến Cuba. Theo đó, chính quyền Fidel Castro của Cuba đã lên truyền hình tuyên bố ”tôn trọng quyền ra đi của người dân” và ra lệnh cho quân đội không bắn vào người vượt biên. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ tiếp nhận người Cuba vượt qua eo biển đến Miami, mà con số sau đó đã lên đến 125.000 người. Sự kiện nổi tiếng này được biết đến với tên gọi ”Di tản bằng thuyền từ cảng Mariel”, hay ngắn gọn là ”Di tản Mariel”.

Đối với Sứ quán Peru, hàng chục nghìn người tị nạn được phân bổ đều cho các nước Nam Mỹ thông qua thỏa thuận chung. Từ đó, 10.000 người tị nạn đã đến các nước Peru, Argentina, Ecuador, Colombia, Tây Ban Nha, Honduras, Costa Rica,…

Sau này, đại sứ Peru Pinto Bazurco Rittler đã được Đề cử Nobel Hòa bình, nhưng không được nhận giải.

2/ Vụ bắt cóc táo tợn tại sứ quán Nhật Bản ở Peru.

Lại là Peru, nhưng lần này họ lại là nơi chứng kiến sự cố.

Trong tâm lý học, có 2 hiện tượng tâm lý rất nổi tiếng. Một là Hội chứng Stockholm: người bị bắt cóc trở nên yêu kẻ bắt cóc. Đối ngược lại với nó là Hội chứng Lima: kẻ bắt cóc trở nên thương cảm nạn nhân. Và hội chứng đó thực ra bắt nguồn từ một sự kiện chấn động: bắt cóc con tin tại sứ quán Nhật Bản năm 1996.

Vào thời điểm năm 1996, chiến tranh Lạnh kết thúc từ lâu nhưng ở Peru vẫn tồn tại một tổ chức vũ trang cực tả nguy hiểm: Phong trào cách mạng Túpac. Nhóm này tiến hành chiến tranh du kích chống chính quyền Peru suốt hàng chục năm.

Cùng năm đó, tháng 12, Đại sứ quán Nhật Bản ở Peru tổ chức một bữa tiệc lớn kỷ niệm Sinh nhật Nhật hoàng. Và khi các nhà ngoại giao của rất nhiều nước đến dự, nhóm khủng bố đã bất ngờ tấn công và bắt toàn bộ làm con tin. Bọn chúng chiếm cả sóng truyền hình, ra lời đề nghị cho chính phủ Peru thả tự do cho các du kích cánh tả bị bắt.

Cả thế giới dõi theo khủng hoảng con tin chấn động nhất sau Chiến tranh Lạnh. Khủng hoảng kéo dài hàng tháng trời. Trong thời gian đó, người ta thấy Peru kiên trì đàm phán với nhóm bắt cóc, thuyết phục họ thả các con tin. Cũng trong thời gian này, bằng một cách nào đó các con tin lại dần khiến cho những kẻ bắt cóc trở nên mềm mỏng. Kết quả là nhiều con tin đã được thả ra một cách lẻ tẻ.

Không ngờ rằng, tổng thống Peru lúc đó là một người gốc Nhật tên Fujimoto lại cứng rắn hơn người ta tưởng. Ông âm thầm cho một đội đặc nhiệm huấn luyện đặc biệt vào tháng. Vào tháng 4, sau hơn 5 tháng khủng hoảng, Đặc nhiệm Peru bất ngờ đào đất chui lên tấn công sứ quán Nhật Bản. Cuộc đột kích được truyền hình trực tiếp đã thành công không ngờ: Không có con tin nào chết, chỉ có 1 cảnh sát và vài chục kẻ bắt cóc bị tiêu diệt. Toàn bộ con tin an toàn.

Cuộc giải cứu táo bạo đã đưa tên tuổi của Fujimoto nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên sau này vấn đề lại nảy sinh. Cụ thể trong khủng hoảng, do “hội chứng Lima”, một số kẻ bắt cóc đã tự đầu hàng và thả con tin. Tuy nhiên nhiều người trong số này sau đó đã bị cảnh sát của Fujimoto thủ tiêu không qua xét xử, vì Fujimoto nổi tiếng chống Cộng không nương tay. Khi Fujimoto rời chức Tổng thống, người ta đã bắt ông lại để điều tra về tham nhũng cũng như tội ác với các du kích Cộng sản trong thời gian cầm quyền.

Đến nay, sự kiện tại sứ quán Nhật ở Peru năm 1980 vẫn là một trong những sự kiện giải cứu con tin thành công nhất lịch sử.

3/ Khủng hoảng con tin Iran năm 1979

Hoàn toàn không quá xa lạ với khủng hoảng này, thậm chí có thể nói là sự kiện nổi tiếng nhất về Sứ quán.

56 nhà ngoại giao và công dân Mỹ bị bắt làm con tin 444 ngày kể từ ngày 4 tháng 11 năm 1979 đến ngày 20 tháng 1 năm 1981 sau khi một nhóm sinh viên Iran bao vây. Nó là kỷ lục thời gian của một cuộc khủng hoảng con tin.

Sáng 4/11/1979, hàng trăm sinh viên Hồi giáo xông vào đại sứ quán Mỹ ở trung tâm thủ đô Tehran, Iran, trèo qua tường bao và hàng rào bảo vệ. Tự nhận mình là tín đồ của giáo sĩ bất đồng chính kiến Ayatollah Khomeini, nhóm sinh viên yêu cầu dẫn độ nhà vua bị lật đổ Mohammad Reza Pahlavi từ Mỹ trở về Iran. Các sinh viên này giận dữ vì Washington cho phép vua Pahlavi đến Mỹ để điều trị y tế.Hơn 60 người Mỹ bị bắt làm con tin, tay bị trói chặt và mắt bị bịt kín. Một số người nhanh chóng được thả tự do nhưng vẫn còn 52 người bị bắt. Những sinh viên Hồi giáo dựng một giá treo cổ phía trước đại sứ quán, ở phía cuối sợi dây treo một tấm biển ghi dòng chữ: “Vì đức vua”.

Chính quyền tổng thống Mỹ Jimmy Carter cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vào ngày 7/4/1980, đồng thời gia tăng áp lực bằng một lệnh cấm vận thương mại. Một chiến dịch tuyệt mật mang tên Vuốt Đại bàng được thực hiện nhằm giải cứu các con tin Mỹ tại đại sứ quán, nhưng cuối cùng lại biến thành thảm họa vào ngày 25/4 tại địa điểm cách Tehran 400 km về phía đông nam. Một cơn bão cát sa mạc bất ngờ khiến một máy bay trực thăng và một vận tải cơ C-130 Mỹ rơi, khiến 8 binh sĩ thiệt mạng. Chiến dịch Vuốt Đại bàng bị hủy. Điều này được coi là thất bại thảm hại của Biệt kích Mỹ.

Ngày 27/7, vua Mohammad Reza Pahlavi qua đời ở Cairo, Ai Cập. Các sinh viên Hồi giáo tuyên bố sẽ không thả con tin cho tới khi tài sản cá nhân của nhà vua được trao trả về Iran. Tháng 9/1980, Khomeini nêu 4 điều kiện để thả con tin, gồm: Mỹ phải trao trả mọi tài sản thuộc về vua Pahlavi, giải phóng tài sản bị đóng băng của Iran ở Mỹ, hủy bỏ các yêu cầu bồi thường mà Washington từng đưa ra và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran. Nhờ sự trung gian của các nhà ngoại giao Algeria, một hiệp định Mỹ – Iran về giải phóng con tin được ký kết vào ngày 19/1/1981. 52 con tin được trả tự do vào ngày 20/1, cùng ngày tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhậm chức.

4/ Sứ quán Pháp ở Campuchia năm 1975

Tháng 4 năm 1975, nền Cộng hòa Khmer ở Campuchia đang hấp hối. Quân Khmer Đỏ đã đánh sát thủ đô, cắt mọi ngả đường chạy trốn của người dân. Trong tình hình đó, quân đội Mỹ đã thực hiện một chiến dịch di tản chớp nhoáng ”Đại bàng quắp” di tản người Mỹ và Campuchia khỏi Phnom Penh. Cuộc giải cứu thành công lớn khi đưa được toàn bộ người Mỹ và nhiều nhân vật cao cấp của Cộng hòa Khmer rời khỏi đất nước, nên người Mỹ đã lặp lại cuộc di tản tương tự sau này ở Sài Gòn.

Nhưng với nhiều thành viên nội các và người dân Campuchia, rời đi không phải là cách. Thực tế những nhân vật hàng đầu của chính phủ gồm Thủ tướng Long Boret, phó thủ tướng Sirik Matak em trai Tổng thống Lon Nol là Lon Non,…cùng nhiều nhân vật khác nghĩ rằng đàm phán với Khmer Đỏ bằng ngoại giao sẽ cứu được nhiều mạng người hơn là bỏ chạy. Họ tin vào sứ quán Pháp, nơi mà những nhà ngoại giao đã dũng cảm ở lại Phnom Penh bất chấp chiến dịch di tản người phương Tây của Mỹ.

Những ngày cuối trước khi Phnom Penh thất thủ, hàng trăm người Campuchia, có cả những nhân vật cao cấp đã đến xin tị nạn, hy vọng giàn xếp thỏa thuận với Khmer Đỏ. Đại sứ Pháp François Bizot cũng khá tự tin về đàm phán nên đã cho những người Campuchia vào tị nạn. Trong sứ quán lúc đó có cả Hội chữ thập Đỏ quốc tế.

Ngày 21/4/1975, khi quân Khmer Đỏ tiến vào, họ bao vây sứ quán Pháp. Đại sứ François Bizot tự tin ra yêu cầu đàm phán và nghĩ rằng Khmer Đỏ không dám vi phạm luật ngoại giao để tiến vào.

Nhưng không ngờ, Khmer Đỏ từ chối đối thoại và chà đạp lên luật, cho người vào bắt toàn bộ người trong sứ quán. Những nhân vật cao cấp nhất của Cộng hòa Khmer từ Long Boret, Sirik Matak, Lon Non, Hang Thun Hak,…đều bị sát hại ngay sau đó. Trong số người bị sát hại có cả thủ lĩnh FULRO Việt Nam Y Bham Enuol, người sáng lập tổ chức. Mọi người hoàn toàn không nghĩ đến việc Khmer Đỏ ngang ngược như vậy.

Tổng cộng có 600 người nước ngoài gồm Pháp, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia,…cùng 1000 người Campuchia trong sứ quán Pháp lúc bị bắt. Nhiều người đã bị giết hại ngay trong khuôn viên. Gần như toàn bộ con tin phương Tây đều bị sát hại, và đại sứ François Bizot được miêu tả là người phương Tây duy nhất sống sót qua Khmer Đỏ.

Vụ tấn công và thảm sát sứ quán Pháp ở Phnom Penh diễn ra quá nhanh, khiến cả thế giới không kịp phản ứng gì. Pháp sau đó cũng chỉ có thể bày tỏ lo ngại những hành động của Khmer Đỏ với sứ quán nước ngoài.

Về sau, chính phủ Pháp đã lật lại sự kiện ở Phnom Penh năm 1975 định truy tố. Theo đó một người Campuchia là vợ hoàng thân Ung Boun Hor đã kiện Ngành ngoại giao Pháp đã quá yếu đuối trước Khmer Đỏ, dẫn đến việc chúng dám tấn công sứ quán và thảm sát người dân. Nhưng cuối cùng, Pháp đã không kết án Đại sứ Bizot. Lý do là vì hoàn cảnh lúc đó, dù có cứng rắn hay không, Khmer Đỏ cũng sẵn sàng thảm sát và không tuân theo bất cứ luật lệ nào. Lịch sử sau này đã chứng minh điều đó.


 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s