Nguồn gốc Vân Nam của trống đồng Việt ?

Kienthuc-Van-Gia-Ba-01_KELS

Trống đồng Vạn Gia Bá, Vân Nam, trung Quốc

Trương Thái Du

Theo Ben Kiernan trong quyển Viet Nam: A history from earliest times to present (2017), kỷ nguyên đồ đồng tại vùng đất là nước Việt Nam ngày nay diễn ra muộn hơn Lưỡng Hà, Trung Hoa (3000 – 2800 BC) hay Ai Cập và Âu Châu (2200 – 2000 BC) rất nhiều. Nó cùng thời với mảnh đất Thái Lan, chỉ vào khoảng 1500 – 1400 BC.

Theo nghiên cứu “The Distribution of Bronze Drums of the Heger I and Pre-I Types: Temporal Changes and Historical Background“, của sử gia người Nhật Keiji Imamura, quá trình hình thành và phát triển trống đồng được chia làm 4 giai đoạn như liệt kê bên dưới, kèm theo họa đồ phân bổ. Các diễn giải và khớp nối lịch sử theo sau là của chúng tôi.

  1. Giai đoạn thứ nhất, phase 0, TK 4 đến TK 3 trước công nguyên:

phase0.jpg

Phát tích trống đồng có lẽ là từ Vân Nam. Nhánh thứ nhất lan truyền xuống châu thổ sông Hồng dọc theo Hồng hà và Đà giang. Nhánh thứ hai đến đầu nguồn Tây Giang ở Quảng Tây. Ở giai đoạn này trống đồng chưa xuất hiện tại Đông Sơn – Thanh Hóa.  Cuối TK 4 BC, Vân Nam đã bị người Sở thôn tính. Chuyện này ghi rõ trong Sử Ký: “Bắt đầu từ thời Sở Uy Vương (339 BC – 329 BC), đã sai tướng quân Trang Kiểu theo thượng lưu Trường giang chiếm các vùng phía tây đất Ba và Kiềm Trung. Trang Kiểu là hậu duệ của Sở Trang Vương ( 613 BC – 591 BC). Kiểu đến hồ Điền, rộng ba trăm dặm, xung quanh đất đai bằng phẳng phì nhiêu trải dài cả ngàn dặm, dùng binh lính trấn áp rồi gộp vào nước Sở. Kiểu muốn quay về Sở báo tin, nhằm lúc Tần đang đánh Sở để chiếm Ba quận và Kiềm Trung quận (316 BC), đường bị chặn, bèn quay lại xưng vương xứ Điền, đổi cách ăn mặc, sinh hoạt bằng tập quán bản địa như tù trưởng”.

  1. Giai đoạn thứ hai, phase 1, TK 3 đến TK 1 trước công nguyên:

phase1.jpg

Dưới sức ép thực dân của người Sở rồi sau đó là người Tần và Hán, trống đồng bắt đầu thiên di về phía nam tạo nên đỉnh cao Đông Sơn. Phase 1 này cũng xuất hiện ở Miến Điện, Thái Lan và Nam Lào.

  1. Giai đoạn thứ ba, phase 2, TK 1 trước công nguyên đến TK 2 sau công nguyên:

phase2.jpg

Đông Sơn trở thành trung tâm trống đồng cho đến khi Mã Viện đánh vào Cửu Chân. Từ Cửu Chân, người Đông Sơn đã giong buồm xuống phía nam chạy giặc. Đó là lý do các đảo ở Indonesia xuất hiện dày đặc trống phase 2. Số lượng trống đào được đến năm 2017 đã lên đến 50 chiếc (Ben Kiernan – 2017).

  1. Giai đoạn thứ tư, phase 3, TK 2 sau công nguyên trở đi:

phase3.jpg

Người Hán đã làm chủ những vùng đồng bằng màu mỡ ven biển và cao nguyên Vân Nam trù phú. Các bộ tộc bản địa đi sâu vào rừng rồi lại ngược lên Quảng Tây. Văn hóa trống đồng bỗng bừng sáng ở trung lưu Tây Giang rồi khiêm tốn là một nét văn hóa dân tộc thiểu số ở Hoa Nam từ đó đến nay.

Điều đặc biệt nên lưu ý là Quảng Đông, xứ sở của người Âu Việt, con cháu nước Việt chiến quốc, địa bàn nước Nam Việt của Triệu Đà hoàn toàn không xuất hiện một chiếc trống đồng nào cả. Ở phase 1, Quảng Tây trong thời điểm các bộ tộc Lạc Việt đang bị tấn công, đồng hóa và Hán hóa dữ dội nhất, cũng thấy rất ít trống đồng.

***

Lần theo dấu vết trống đồng, chúng tôi thấy muộn nhất là ở thế kỷ thứ 4 trước công nguyên người Thái cổ ở Vân Nam đã đặt chân đến miền bắc Việt Nam. Ở khía cạnh ngôn ngữ, học giới nói chung đã công nhận Mon – Khmer là lõi ngôn ngữ của các cư dân bản địa Việt Nam thời đồ đá. Sắc dân này có nước da đen như người Khmer, Champa. Hình thái xã hội bộ lạc săn bắt hái lượm, lãnh tụ là tộc trưởng. Một số từ Việt có gốc Mon – Khmer tiêu biểu như sau: Con – Koun; Cháu – Chau; Tay – Dai; Một – Moui; Hai – Pir; Ba – Bei; Bốn – Buon; Năm – Pram; Bầu (bí) – Lpầu; Khèn (kèn) – Khèn; Khố (quần)- Kho-ô; Mẻ – Khmés; Ná (cung nỏ) – Sna…

Thời điểm 400 BC – 300 BC có khả năng là lúc lớp vỏ nông nghiệp Thái cổ đi vào tiếng Việt đồng thời với trống đồng. Văn minh lúa nước và công nghệ luyện kim của trống đồng đã thiên di xuống từ Vân Nam. Xã hội chuyển hóa lên hình thức liên minh các bộ lạc có tù trưởng (chiefdom). Lớp vỏ Thái cổ cùng với hệ thống thanh điệu của nó đã phủ lên tiếng Việt: mương, đồng ruộng, vịt, bún – pún, dứa, ớt… Bằng chứng rõ nét của sự hợp chủng là các từ đẳng lập Việt (Mon – Khmer) – Thái: Chim Chóc, Chó Má, Mặt Nạ…

Sớm nhất là sau năm 81 BC, bắt đầu ở Cửu Chân và sau đó tại quận Giao Chỉ và Nhật Nam người Hán thâm nhập Việt Nam. Từ đó ngôn ngữ Việt được khoác lên bộ áo ngoài rực rỡ nhất, lòe loẹt nhất, chiếm đến 70% từ vựng Việt Ngữ.

Giai đoạn cuối của trống đồng Vân Nam – Đông Sơn bất ngờ bừng sáng tại Quảng Tây từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên là một chi tiết thú vị, nếu chúng ta liên kết với cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng năm 40 – 43.

Hiện trên mạng lưu truyền rất nhiều thông tin cho rằng có những đền thờ Hai Bà Trưng ở rất sâu trong đất Trung Quốc. Họ giải mã bằng hệ địa – chính trị hiện đại và cho đó là dấu hiệu lãnh thổ Lạc Việt từng một thời rộng mênh mông. Rất tiếc, chúng tôi chưa thấy một tài liệu thuyết phục nào cả, trừ bài thơ thời Lê, thế kỷ 15 có tựa “Đề Khâm Châu Trưng nữ tướng miếu – 題欽州徵女將廟” của Nguyễn Thiên Túng.

Giả thiết của chúng tôi là: Từ năm 43 AD đến 100 AD, khi người Hán đã chiếm xong các vùng đồng bằng màu mỡ, giao thông thuận tiện, ven biển hoặc ở các cửa sông, phần lớn người Lạc Việt đã bỏ xứ ra đi. Trên bộ họ tỏa đi mọi hướng, lên rừng phía tây thành người Mường, xuôi nam hoặc ngược bắc đến lãnh thổ Champa sau này hoặc Quảng Tây. Trên biển, xuất phát từ Thanh Hóa, người Lạc Việt xuôi gió mùa đông bắc xuống các đảo Indonesia. Duy nhất nhánh Lạc Việt ở Quảng Tây đã bảo tồn thành công văn hóa trống đồng từng bị Mã Viện âm mưu tận diệt. Sau thời Đông Hán họ tự gọi mình là người Lý, người Lê. Hiện nay lại có thêm tên Tráng tộc, Thủy tộc…

Trống đồng tại đỉnh cao rực rỡ Đông Sơn – Thanh Hóa của nó hoàn toàn suy tàn, nằm yên dưới nhiều thước đất trong 1800 năm đằng đẵng. Đó chính là lý do sử gia Lê Tắc, hậu duệ của thứ sử Giao Châu thời Đông Tấn ghi nhận các bộ tộc nhỏ sử dụng trống đồng còn ở lại Việt Nam quãng thế kỷ 14 là Man Tử (bọn mọi) hoặc Liêu Tử (bọn hoang dã hung ác). Nguyên văn Hán ngữ trong An Nam Chí Lược như sau:

獠子: 獠子者蠻子異名也. 多隸湖廣雲南. 有服役於交阯. 又有雕題鑿齒者. 種類頗多. 古載有頭形獠子, 赤裩獠子, 鼻飲獠子. 皆居巖窟或橧巢, 飲蘆酒, 好戰敵. 擊銅鼔以髙大者為貴. 鼔初成置庭中設酒招同類來者盈門. 豪富女子以金銀釵擊鼔叩畢留與主人. 或云銅鼔乃諸葛亮征蠻鉦也.

Liêu tử: Liêu tử là tên khác của bọn mọi (Man tử). Đa phần cư trú ở Hồ Quảng (đây là một khu hành chính thời Nguyên và Minh, bao gồm phía nam Hồ Bắc, Hồ Nam, phía đông Trùng Khánh, bắc Quảng Đông và một vài vùng của Quảng Tây) và Vân Nam. Họ cũng phục dịch ở quận Giao Chỉ. Thêm nữa họ còn vẽ trán, cà răng. Có nhiều chủng loại. Sách xưa liệt kê Liêu tử đầu hình (có lẽ là búi tóc), Liêu tử mặc khố đỏ và Liêu tử tị ẩm (theo chúng tôi là uống rượu bằng cần trúc). Họ đều sinh sống cư trú ở hang động trên núi cao hoặc nhà sàn. Họ hay uống các vò rượu có cần trúc hoặc sậy, thích đánh nhau, gõ trống đồng, trống càng to lớn thì càng quý giá. Trống vừa đúc xong thì đặt giữa sân, bày rượu, mời đồng loại đến chật nhà. Con gái các nhà giàu (làm khách) thường dùng những chiếc thoa bằng vàng hoặc bạc gõ vào trống, chúc mừng xong thì trao tặng luôn cho chủ nhân. Có người nói rằng trống đồng chính là chiêng của Gia Cát Lượng khi nam chinh đánh mọi.

Thực ra nội dung trong An Nam Chí Lược có một phần đã được đề cặp tại phần Phong Tục, chương Châu Quận Thập Tứ, sách Thông Điển, thời Đường (năm 801):

(通典. 州郡十四. 古南越) 風俗: 五嶺之南,人雜夷獠,不知教義,以富為雄。父子別業,父貧乃有質身於子者。其富豪並鑄銅為大鼓,初成,懸於庭中,置酒以招同類。又多搆讎怨,欲相攻擊,則鳴此鼓,到者如雲。有鼓者號為都老,群情推服。本之舊事,尉佗於漢,自稱蠻夷大長老夫臣佗,故俚人呼其所尊為倒老也。言訛故又稱都老云。珠崖環海,尤難賓服,是以漢室嘗罷棄之。漢元帝時,珠崖數反叛,賈捐之上書,言不可煩中國師徒,請罷棄。帝從之。大抵南方遐阻,人強吏懦,豪富兼并,役屬貧弱,俘掠不忌,古今是同。其性輕悍,易興迷節。自尉佗、徵側之後,無代不有擾亂,故蕭齊志云:「憑恃險遠,隱伏巖障,恣行寇盜,略無編戶。」爰自前代,及於國朝,多委舊德重臣,撫寧其地也。

Dịch nghĩa: Phía nam Ngũ Lĩnh, các bộ lạc người Di người Liêu cư trú lẫn lộn, không áp dụng phép tắc Trung Quốc, giàu có được xem là tài giỏi. Sản nghiệp của cha và con phân biệt, nếu cha nghèo thì có thể bán thân (làm thuê) cho con. Thủ lĩnh ở đây đều dùng đồng đúc thành trống lớn, trống vừa đúc xong thì treo giữa sân, bày rượu để đón mời đồng loại (ăn mừng). Họ lại thường hay gây thù chuốc oán với nhau, hay đánh nhau, khi đó sẽ gõ trống, người khắp nơi liền tụ về (tham chiến) đông nghịt như mây. Kẻ có trống đồng tự xưng là Đô Lão, dân chúng sẽ tôn phục. Xưa quan úy Triệu Đà đối với nhà Hán, tự xưng là Man Di Đại Trưởng Lão, còn người Lý bản địa thì xưng là Lão thôi. Có kẻ nói nhầm rằng (Triệu Đà) xưng là Đô Lão. Châu Nhai bị biển bao bọc xung quanh, khó bề khuất phục, thời Hán đã bãi bỏ. Những năm Hán nguyên đế, Châu Nhai nhiều lần làm phản, Giả Quyên Chi tâu lên, rằng không nên lao khổ quan binh Trung Quốc, xin triệt thoái. Vua thuận cho. Đại để là phương nam cách trở, dân chúng cứng cỏi, quan lại nhu nhược, các thủ lĩnh địa phương hay chống đối, lính triều đình nghèo nàn yếu đuối, tù binh không kiêng sợ, xưa nay đều vậy. Người ở đấy bản chất ương ngạnh, lòng dạ u mê hay thay đổi. Từ thời quan úy Triệu Đà và (nữ vương) Trưng Trắc trở về sau, chẳng có thời nào là không có nhiễu loạn. Xưa Tiêu Tề có chép: “Dựa vào vị trí xa xôi hiểm nguy, lẩn trốn trong hang hốc ẩn khuất, họ phóng túng cướp bóc, (do đó) không đưa người ở đây vào sổ sách thu thuế được”. Từ đời trước cho đến Đường triều, vẫn phải giao phó sự cai trị bằng các trọng thần đức độ, mới yên ủi phủ dụ được xứ này.

***

Trống đồng từ Mã Viện (Mã Viện Liệt Truyện – Hậu Hán Thư) vốn chỉ được xem như nguyên liệu để nấu chảy đúc ngựa đồng, cột đồng; đến Lê Tắc coi đó là sản phẩm của những sắc dân bán khai, vừa tròn 1300 năm. Các cổ vật này rõ ràng không được Hán quan hoặc giới tinh hoa phong kiến Việt Nam đánh giá cao. Với người Hán thì thật dễ hiểu, đồ đồng Thương Chu của họ đã tinh xảo và mang tính mỹ thuật hàng đầu nhân loại. Nhà Tần đã đúc được những bức tượng ông trọng khổng lồ bằng đồng nặng đến 1000 thạch, khoảng 10,9 tấn. Về phía người Việt, điều hợp lý có thể nhìn nhận ở đây là họ đã tự cho mình là một chi Hán, ít nhất trên khía cạnh văn hóa. Do đó sự vô cảm với trống đồng đã diễn ra rất tự nhiên. Hơn nữa, trống đồng là vật phẩm tuy có giá trị thẩm mỹ nhất định, nhưng nó phục vụ đời sống và tín ngưỡng trong không gian bộ lạc bé nhỏ. Người ta từng dùng nó tập hợp dân chúng khi có chiến tranh hoặc xung đột, nên vào đầu công nguyên, Mã Viện đã tịch thu rất nhiều trống đồng để bẻ gãy các cuộc phản kháng tại quận Giao Chỉ. Trống đồng ngày nay vẫn còn được gõ ở các lễ hội cầu mưa hoặc mừng mùa mới. Đặc biệt, đây là một vật tùy táng quan trọng xưa kia và nó không bị hủy hoại hoàn toàn dưới lòng đất. Nhờ đó, trống đồng giúp lưu giữ và tái hiện quá khứ từ trầm tích thời gian. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam trống đồng vô dụng và hẳn nhiên đã bị quên lãng.

Tình cờ, công trình khảo cổ học Đông Sơn đầu thế kỷ 20 trùng với thời điểm người Việt Nam hiện đại đang xây dựng cho mình mô hình nhà nước dân tộc để giải phong kiến và giành lại độc lập từ thực dân Pháp. Trống đồng bỗng trở thành vưu vật mang tính biểu tượng mà trời đất ban cho mảnh đất hình chữ S, niềm tự hào quá khứ xa xăm, dù lúc đó cổ sử Việt hãy còn tuyệt đối mù mờ.

Sản phẩm dễ thấy nhất của nhà nước dân tộc là tinh thần dân tộc, đôi khi khá thiên lệch. Tinh thần ấy đã phong tỏa và làm biến dạng mọi công trình khảo cổ trống đồng trên đất nước Việt Nam. Nó cô lập di vật Đông Sơn với các thành tựu khảo cổ trống đồng liên tục được cập nhật trong khu vực, từ Indonesia, Thái Lan, Lào, Miến Điện, đến Trung Quốc. Việt Nam ngày nay, không ít người đặt cược vào trống đồng một nền văn minh bản địa thuần Việt rực rỡ, vĩ đại hơn văn minh Trung Hoa rất nhiều. Nhưng đáng tiếc đó chỉ là một tín điều mang bản chất tôn giáo yếm thế và tự ti.

Vào cuối những năm 70 tại Vân Nam – Trung Quốc, khảo cổ đã phát lộ dày đặc trống đồng tùy táng tiền Heger I (Pre Heger I). Trong vòng 20 năm sau đó học giới quốc tế hầu như đã đi đến kết luận văn hóa đồ đồng Đông Sơn xuất phát từ đầu nguồn sông Hồng.

Điển hình như Murowchick, Robert E. 2001, quyển “Political and Ritual Significance of Bronze Production in Ancient Yunnan.” Ông viết: “Nhiều trống đồng Đông Sơn tương đồng với những thứ ở các hố khai quật tại Điền Việt, chúng dường như đã được sao chép từ nguyên mẫu Điền Việt, hoặc trong một số trường hợp có khả năng nhập khẩu từ vùng đất Vân Nam.”

Đi xa hơn nữa, Murowchick còn cho rằng văn minh đồ đồng Hoa nam có nguồn gốc Trung Nguyên: “Các chi tiết giao lưu trực tiếp hoặc gián tiếp giữa miền tây nam Trung Hoa xa xôi và Trung Nguyên trong thời đại đồ đồng vẫn cần các nghiên cứu sâu rộng hơn, nhưng nhiều khía cạnh của công nghệ luyện kim Điền Việt dường như có nguồn gốc từ phương bắc.”

Trống đồng Đông Sơn là cái phao hoàn hảo nâng đỡ thuyết văn minh bản địa Việt Nam đã đến hồi cáo chung!

Saigon @2017

Nguồn bài đăng


 

ĐỌC THÊM

Việt Nam là cái nôi của trống đồng

GS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Viện phó Viện Khảo cổ về nguồn gốc của trống đồng cổ có hàng chục năm nghiên cứu về các loại trống đồng, điều ông quan tâm nhiều nhất là chiều chuyển động của hoa văn trên trống đồng cổ. Hoa văn trên trống đồng Đông Sơn có hai loại: Hoa văn hình học và hoa văn tả thực. Các họa tiết hoa văn hình học được tìm thấy trên đồ gốm của các văn hóa khảo cổ trước đó, đặc biệt trên đồ gốm của văn hóa Gò Mun. Khác với hoa văn hình học, hoa văn tả thực bắt nguồn từ cuộc sống, từ môi trường thiên nhiên mà cư dân Đông Sơn sinh sống. Hoa văn này đã ghi lại những cảnh múa và các con vật trên mặt trống đều chuyển động ngược hướng kim đồng hồ. 

anh trong dong 2_envw.jpg

Để chứng minh điều đó GS Hảo đã phải nghiên cứu trên nhiều tư liệu. Ông đã đi tìm hiểu nguồn gốc của nền văn hóa cổ, cũng như tập quán sinh hoạt của các dân tộc ở nước ta. Đến nay một số điệu múa của dân tộc Tây Nguyên như trong điệu múa cồng chiêng, múa trong lễ đâm trâu mọi người xếp hình tròn đi theo ngược kim đồng hồ. Đặc sắc hơn nữa cách hát trống Quân của người Kinh trên mảnh đất vua Hùng Phú Thọ. Trai gái nơi đây xếp thành vòng tròn vừa đi theo ngược hướng ngược chiều kim đồng hồ để múa hát.

Trước đó, ở nước ta cũng có một số nhà khoa học đưa ra nhận định khác nhau về hướng chuyển động của hình vẽ trên trống đồng, người nói nó chuyển động ngược, người nói chuyển động xuôi theo kim đồng hồ. Tuy nhiên, những điều giải thích của họ chưa đúng với thực tế.

GS Hảo cho hay, trong hoa văn tả thực trên trống đồng Đông Sơn, chúng ta dễ dàng nhận ra một điều, hình ảnh đi biển của người Đông Sơn được thể hiện nổi bật nhất. Trên trời có chim bay, dưới nước là cá biển, rùa biển để “hộ tống” những chiếc thuyền đi biển, chiếc nọ nối đuôi chiếc kia vận hành theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Nghề đi biển đánh bắt cá, là nghề kiếm sống chủ yếu của người dân thời đó. Sinh sống nhờ biển, điều đó đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với bão tố. Vì thế, họ phải hiểu được quy luật của biển để có biện pháp tránh bão.

“Đường đi của bão trước khi đổ bộ vào đất liền thường xoay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Theo kinh nghiệm của những người đi biển, khi gặp bão, họ nhìn theo hướng vận động của trung tâm bão, khu vực nguy hiểm (nửa vòng nguy hiểm) sẽ nằm ở hướng di chuyển của bão. Tại khu vực này sóng to, gió lớn mạnh hơn bên trái hướng đi của bão (nửa vòng đi được). Hướng gió phía bên phải gần như đồng nhất với đường đi của bão, một khi thuyền bị gió đẩy vào trung tâm bão thì không thể thoát ra được người đi thuyền đối mặt với cái chết. 

Mặt khác khi bão đổi hướng, phần nhiều đổi hướng bên phải, hướng gió thuận chiều kim đồng hồ chứng tỏ thuyền đang đi vào vòng nguy hiểm, nếu thuyền đi ngược chiều kim đồng hồ, chứng tỏ thuyền đang ở nửa vòng có thể đi được. Do vậy, hướng ngược chiều kim đồng hồ là hướng hy vọng, hướng sinh tồn của người  đi biển và là thói quen của ngư dân Đông Sơn xưa.

anh trong dong 3_vukm

Theo GS Hảo, người Điền Trung Quốc đã thêm hoa văn vào trống đồng của nước ta để nói nó là của mình. (Ảnh tư liệu).

Trống đồng có nguồn gốc ở Việt Nam

GS Hảo cho hay, hiện nay nhiều nước Đông Nam Á cũng có trống đồng. Nhưng ở Việt Nam và Trung Quốc trống đồng có niên đại lâu hơn cả. Việc phân định trống đồng của nước ta có trước, hay Trung Quốc có trước vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong giới chuyên môn. Một số chuyên gia khảo cổ học phương Tây cho rằng, Việt Nam là cái nôi của trống đồng, người Trung Quốc đã lấy mẫu trống đó về thêm một số họa tiết để đúc lại. Nhưng theo quan điểm thống trị của Trung Quốc thì trống đồng Vạn Gia Bá ở Vân Nam có đầu tiên, ra đời thứ hai là trống Đông Sơn, thứ ba là trống Thạch Trại Sơn.

Để phản bác điều đó nhiều nhà nghiên cứu của nước ta đưa ra lập luận khẳng định Việt Nam là cái nôi của trống đồng. TS Hảo đồng ý với ý kiến Cụ Đào Duy Anh cho rằng, trống đồng Đông Sơn ra đời đầu tiên, sau đó người Hán mới mang về biến cái đó thành của mình. “Không phải tôi là người Việt mà tôi nhất trí như vậy mà nghiên cứu của tôi đã chỉ ra. Khi nói tới trống đồng người ta thừa nhận là nhạc cụ gõ, yếu tố nào quyết định là nhạc cụ thì đầu tiên là hình dáng, mặt trống gõ phát ra âm thanh, thân trống là phần cộng hưởng. Thứ hai, hình dáng trống cũng quyết định đến âm thanh. Thứ ba, chất liệu chế tạo trống. Ba yếu tố đó không chỉ tạo thành âm sắc, âm vực của chiếc trống mà nó có ý nghĩa, nó biểu hiện  hồn phách của dân tộc có trống đó, dân tộc nào vẽ hoa văn của dân tộc đó. Hoa văn trên trống đồng là hoa văn thể hiện văn hóa, của dân tộc chế tạo ra hoa văn đó chứ không phải mỗi trống có hoa văn riêng”, GS Hảo cho biết.

Trong sách viết về nguồn gốc trống đồng của người Trung Quốc họ nói chiếc trống cổ do 6 dân tộc chế tạo, trong đó có người Lạc Việt. Số lượng trống tìm thấy là 46 chiếc. Điều đó là bất hợp lý, không thể 6 dân tộc lại chế tạo một loại trống.
Theo nghiên cứu của GS Hảo, chiếc trống Thạch Trại Sơn có hoa văn giống Đông Sơn, nhưng người Điền đã khắc thêm những hoa văn của họ, đè lên hoa văn của Đông Sơn. Trong hội nghị quốc tế tổ chức tỉnh Quế Lâm, Trung Quốc, khi TS Hảo phát biểu và đưa ra những giải thích khiến các nhà khoa học Trung Quốc cũng phải đồng ý. Chính một GS –  Hiệu phó của trường Học viện Dân tộc học Quảng Tây tiến hành phân tích đồng vị chì chiếc trống ở Quý Huyện, Quảng Tây cũng khẳng định rằng, chiếc trống đồng cổ nhất của người Đông Sơn chế tạo. Bằng cách nào đó chiếc trống được đưa sang Trung Quốc và được thợ khắc thêm hoa văn trên trống.
anh trong dong 4_wjkh

Một chiếc trống Đông Sơn đã bị người Điền khoét đáy, làm thêm nắp. (Ảnh tư liệu) 

Qua tìm hiểu của GS Hảo, những chiếc trống mà Trung Quốc nói là trống cổ của họ, được tìm thấy trong ngôi mộ của viên quan từng cai trị ở nước ta. Vì thế, ông ta mất đi, biết trống đồng quý đã bảo con cháu chôn cất trong mộ của mình. Giống như Mã Viện sang đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó lấy trống đồng về đúc ngựa. Do vậy, việc Trung Quốc cũng có những chiếc trống đồng bằng với niên đại ở nước ta là do họ đã mang về để sử dụng.

Những chiếc trống đồng Thạch Trại Sơn của người Điền có cách nay hơn 1 nghìn năm hoa văn tả thực hơn trống Đông Sơn, độ tả thực cao, chi tiết. Tay người đeo vòng, người mặc áo hoa kẻ sọc, có khuyên tai. Điều đó chứng tỏ người Điền lấy trống Đông Sơn cải tạo thành thùng đựng vỏ ốc, mặt họ phá đi đúc mặt mới làm nắp, dưới làm một cái đáy để bỏ vỏ ốc. Đối với người Điền thì ốc là tiền, những vỏ con ốc lợn được lấy từ biển của Ấn Độ, là những thứ rất quý. Những hoa văn gốc của trống như hình ảnh người mặc nửa trần, đội mũ lông chim đặc trưng người Đông Sơn đã bị cạo, khắc hình ảnh đặc trưng của người Điền. 

Những lý giải của GS Hảo về trống đồng cổ của ông được Hội đồng nghiên cứu trống đồng Trung Quốc cũng phải công nhận là đúng. Tập luận văn nghiên cứu về trống đồng của GS Hảo hiện được Bảo tàng khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc ghi nhận và lưu giữ tại đây. Nhiều người trong giới chuyên môn đã công nhận Việt Nam là cái nôi của trống đồng.

 

Đức Hồng, kienthuc.net.vn

Quan hệ giữa văn hóa Ðông Sơn và vùng nam Trung Quốc

Kienthuc-Van-Gia-Ba-02_WKZF

Trong các tỉnh nam Trung Quốc, một miền đáng quan tâm nhất, được coi là có nhiều ảnh hưởng qua lại với văn hóa Ðông Sơn là Vân Nam.

Ngay từ sau khi khu mộ Thạch Trại Sơn ở Tấn Ninh được khai quật, nhiều học giả đã lên tiếng về nó. Richard Pearson vội tuyên bố là đã tìm thêm được một di tích văn hóa Ðông Sơn và đã nhấn mạnh sự đồng nhất cơ bản trong văn hóa vật chất giữa Thạch Trại Sơn và Ðông Sơn (Pearson 1962). William Watson cũng cho Thạch Trại Sơn là một di chỉ Ðông Sơn nhưng lại coi nó là trung tâm phát triển phong cách Ðông Sơn, từ đây trống đồng, rìu lưỡi xéo, dao găm đã xuất đi đến các vùng còn lại của Ðông Nam Á. Vì những ngôi mộ Thạch Trại Sơn xuất hiện sau cuộc chinh phục của người Hán năm 109 trước Công nguyên, Watson cho rằng địa điểm Ðông Sơn không thể sớm hơn 100 năm trước Công nguyên (Watson 1970).

Thực ra, nếu xếp những di vật Thạch Trại Sơn, Lý Gia Sơn, hay rộng ra, di vật của “văn hóa Ðiền”, bên cạnh di vật văn hóa Ðông Sơn, chúng ta sẽ nhận ra những khác biệt rõ rệt. Ngoài sự khác biệt về loại hình, chúng ta còn có thể nhận ra sự khác biệt về phong cách. Hiện vật văn hóa Ðiền ưa trang trí những tượng người và thú hiện thực – mà có người cho là có ảnh hưởng từ thảo nguyên Trung Á – đến ngay cả hình khắc trên mặt phẳng, cũng thiên về các chi tiết như nếp áo, mặt người, tay chân v.v. Trong khi đó, hiện vật Ðông Sơn ít trang trí thêm các tượng động vật – nếu có thì phải chăng là ảnh hưởng từ văn hóa Ðiền – và ngay trên hình vẽ, hình ảnh con người cũng cách điệu, không chú ý làm rõ các chi tiết. Cho nên, văn hóa Ðông Sơn có thể nói là khác biệt với văn hóa Ðiền rất rõ, không thể lẫn lộn được. Những ai đó cho Ðông Sơn và Ðiền vào chung một văn hóa là do đã không đi sâu vào phong cách của hai văn hóa này.

Ngoài ra, chúng ta đã phát hiện được các giai đoạn Tiền Ðông Sơn, làm cơ sở phát triển văn hóa Ðông Sơn, cho nên ý kiến cho rằng văn hóa Ðiền đã nảy sinh ra truyền thống Ðông Sơn là không thể chấp nhận được. Trong khi đó, các giai đoạn đồng thau phát triển tiền thân của văn hóa Ðiền lại chưa biết rõ ràng.

Một số loại hình công cụ và vũ khí của Ðông Sơn không hề có mặt ở Ðiền như một số loại dao găm (trong khi loại dao găm điển hình cho văn hóa Ðiền thì lại rất khác), loại rìu lưỡi xéo v.v.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa văn hóa Ðông Sơn và văn hóa Ðiền cũng có thể xem xét qua một số mặt. Trước hết, chúng ta thấy một số hiện vật Ðiền có mặt ở Việt Nam, loại hiện vật này dường như chỉ là du nhập đơn thuần. Chẳng hạn như loại qua có hoa văn hình đầu người ở chuôi. Cũng có loại hiện vật có lẽ bắt nguồn từ văn hóa Ðiền, như loại dao găm có cán hình chữ T, giữa thân có hoa văn như hoa văn Ðiền, đã tìm thấy ở Quí Châu, mà cũng tìm thấy một số chiếc ở tỉnh Bắc Thái (Việt Nam). Loại dao găm này còn gặp tận Phà Công (Thanh Hóa) và Làng Vạc (Nghệ An). Phải chăng, vùng thượng lưu sông Hồng, nơi gặp gỡ giữa văn hóa Ðông Sơn và văn hóa Ðiền, đã là vùng xen kẽ của hai văn hóa.

Nhưng ngược lại, chúng ta cũng có thể tìm được những hiện vật văn hóa Ðông Sơn trong khu vực văn hóa Ðiền. Chẳng hạn như những chiếc thạp đồng mà ta gặp ở Thiên Tử Miếu, Trình Cống. Tất nhiên là ở đây chúng ta cũng đã gặp những chiếc thạp được người Ðiền phỏng theo với hoa văn theo phong cách của họ.

Khá phức tạp là mối quan hệ giữa trống đồng Ðiền và trống đồng Ðông Sơn. Ngược với ý kiến của W. Watson, P. Sorensen cho rằng ở Ðiền, trống được đưa vào mộ có niên đại không xưa lắm. Theo ông, trống bấy giờ đã bị “giết”, như cắt mặt, khoét lỗ, hay bị thay bằng một cái nắp khác để đựng vỏ ốc (Sorensen 1979). Vì vậy, Sorensen không coi trống Ðiền là mở đầu cho trống Ðông Sơn. Bernet Kempers cũng đồng ý với Sorensen và nhấn mạnh sự khác biệt giữa nghệ thuật Ðông Sơn và nghệ thuật Ðiền (Bernet Kempers 1986-1987: 311-326).

Gần đây, nhà khảo cổ học Nhật Bản Keiji Imamura lại chia trống đồng Heger I thành hai truyền thống: truyền thống Thạch Trại Sơn và truyền thống Ðông Sơn. Mỗi truyền thống lại căn cứ vào hình vẽ người và chim ở mặt trống mà chia thành hai loại: loại nhiều vành và loại ít vành. Hai truyền thống này phát triển song song với nhau. Ðiểm chủ yếu để phân biệt hai truyền thống này là trống Thạch Trại Sơn có thân choãi còn trống Ðông Sơn có thân thẳng. Và truyền thống Ðông Sơn là lâu dài hơn, loại trống được gọi là “Lãnh Thủy Xung” ở Trung Quốc cũng là phát triển từ truyền thống Ðông Sơn chứ không phải từ truyền thống Thạch Trại Sơn (Imamura 1993).

Nhưng thực ra, phân thành hai truyền thống Ðông Sơn và Thạch Trại Sơn, Imamura cũng chủ yếu dựa vào các trống đã phát hiện ở Việt Nam. Ngay các trống có hai vành hình vẽ trên mặt được Imamura coi là thuộc truyền thống Thạch Trại Sơn, cũng là dựa vào các trống Việt Nam như Hòa Bình, Miếu Môn I, Bản Thôm, Phú Xuyên v.v. Chứ còn các trống ngay ở di chỉ Thạch Trại Sơn thì đã đơn giản hơn nhiều. Trong hầu hết các trống Thạch Trại Sơn (kể cả trống Lý Gia Sơn và trống Hội Lý), trên mặt trống chỉ có một vành chim bay hay không có vành chim nữa (Trung Quốc cổ đại đồng cổ nghiên cứu hội 1988). Mà chim bay thì cũng đã có hình thù nguệch ngoạc, không giống với phong cách Ðông Sơn.

Cũng như vậy, xem ra người Ðiền không quen vẽ những người hóa trang lông chim kiểu Ðông Sơn. Có một vật ở mộ M12:1a, có lẽ vốn là mặt trống, nhưng đã bị cắt ra, gắn thêm quai, có lẽ được làm thành thanh la, là còn chép được kiểu người hóa trang lông chim cầm giáo như người Ðông Sơn, nhưng giữa những người này, đã khắc chen một người mà sắc phục rõ ràng là người Ðiền, áo rộng, đem kiếm dài. Còn những người ngồi trên thuyền ở tang trống thì hoặc có một chiếc lông trên đầu, hoặc có hai chiếc, chứ không bao giờ có những người hóa trang lông chim hẳn hoi. Có một vài trống, như trống Khai Hóa, do xuất xứ của nó, chúng ta không thể coi là loại hình Thạch Trại Sơn.

Như vậy, chúng ta không phủ nhận truyền thống trống đồng của Thạch Trại Sơn hay vương quốc Ðiền, nhưng chúng ta cũng phải nghĩ rằng có một thời nào đó, nó định sao chép lại trống đồng Ðông Sơn, nhưng việc đó hoặc là không thành công hoặc là bị bỏ qua.

Nhân đây, chúng tôi cũng muốn nói về loại trống đồng nhỏ, không có hay trang trí rất ít, mà người ta gọi là loại hình Vạn Gia Bá, hay một số người nước ngoài gọi là loại Tiền Heger I. Người ta thường coi loại trống này là nguồn gốc của loại trống đồng lớn. Những trống đồng này thường có niên đại C14 sớm. Tuy nhiên, xét hiện vật trong các khu mộ đã tìm thấy với chúng, chúng ta thấy là niên đại của chúng muộn hơn. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã tìm thấy một số trống này và niên đại không có biểu hiện gì là sớm. Hiện nay, học giả ở nước ngoài cũng có hai quan điểm khác nhau: một số thì cho những trống nhỏ là nguồn gốc của những trống lớn, còn một số khác lại coi những trống nhỏ này là những trống bị thoái hóa (Imamura 1993: 113). Nhưng có một điều rõ ràng là trống Ðông Sơn không thể bắt nguồn từ loại hình này. Mới đây, ở Lào Cai, người ta đã phát hiện ra cùng một chỗ và một lúc 4 chiếc trống có phong cách Ðông Sơn, 5 chiếc trống có phong cách Thạch Trại Sơn và 2 chiếc trống có phong cách Vạn Gia Bá. Có lẽ các kiểu trống này đã song song tồn tại bên nhau. Và ở những khu giáp ranh của các văn hóa, chúng ta đã có cơ may để thấy được hiện tượng này.


(Hà Văn Tấn, “Văn hóa Ðông Sơn và mối quan hệ trong khu vực”, tức chương XI trong 
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, VN, 1994)

Bình luận về bài viết này