Cuộc khủng hoảng Catalan và phản ứng của cộng đồng quốc tế

14614-catalonia-location-map.jpg

Nguyễn Trọng Lạc

Ngày 01/10/2017, Chính quyền khu tự trị Catalan thuộc Tây Ban Nha đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập của Catalan. Cuộc trưng cầu dân ý 1/10 là hệ quả trực tiếp của sự kiện Chính quyền Madrid sửa đổi và bãi bỏ một phần quy chế tự trị của xứ Catalan vào năm 2010, cộng với sự lãnh đạo của một Chính quyền khu vực chủ trương ly khai cầm quyền từ sau cuộc bầu cử năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề ly khai của Catalan có nguyên nhân sâu xa về lịch sử và văn hóa, cũng như những bất công về kinh tế mà Catalan phải gánh chịu khi là một phần của lãnh thổ Tây Ban Nha. Trước phong trào ly khai ngày càng mạnh mẽ của xứ Catalan, Chính quyền Madrid thể hiện lập trường cứng rắn về một Tây Ban Nha thống nhất. Đa số các quốc gia thành viên EU, Mỹ và Trung Quốc cùng chia sẻ quan điểm này với Madrid. Căn cứ vào phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề độc lập của Catalan, chặng đường giành độc lập của xứ này sẽ còn dài và có thể sẽ không bao giờ đi đến một kết quả như phe ủng hộ ly khai của Catalan mong đợi.

 Nguyên nhân Catalan muốn ly khai khỏi Tây Ban Nha

Thứ nhất, về mặt lịch sử và văn hóa, Catalan từng là một lãnh thổ độc lập so với Tây Ban Nha

Xứ Catalan hình thành vào thế kỷ VIII, là sự hợp nhất của các tiểu vương quốc phía Đông Tây Ban Nha dưới quyền cai trị của bá tước xứ Barcelona. Năm 987, do mâu thuẫn với Tây Ban Nha, Catalan ly khai dù về mặt danh nghĩa nó vẫn là một quận của Tây Ban Nha.

Xứ Catalan thành lập vào thế kỷ VIII bởi vua Charlemagne nhằm tạo ra một vùng đệm giữa Đế quốc Frank của ông với vùng Tây Ban Nha cai trị bởi người Hồi giáo. Được coi như một phần lãnh thổ của Đế quốc Frank, Catalan là sự hợp nhất của các tiểu vương quốc phía Đông Tây Ban Nha và được đặt dưới quyền cai trị của bá tước xứ Barcelona được chỉ định bởi vua Đế quốc Frank. Tuy nhiên cùng với vai trò ngày càng lớn của các bá tước Barcelona như Sunifred (giai đoạn 844-848), bá tước Wilfred (878-897), cộng với sự dần suy yếu của đế quốc Frank, thì sự cai trị của Frank đối với Catalan chỉ còn trên danh nghĩa.[1] Từ cuối thế kỷ thứ X, các bá tước Barcelona ngừng đóng thuế cho vua Frank và trở nên độc lập hoàn toàn so với vua Frank.

Quyền tự trị của xứ Catalan trải qua nhiều thăng trầm cho đến khi chiến tranh kế vị Tây Ban Nha (1701 – 1714) diễn ra, phe thắng cuộc chấm dứt vĩnh viễn quyền tự trị của xứ Catalan. Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một số cá nhân, tổ chức và đảng phái chính trị bắt đầu yêu cầu sự độc lập hoàn toàn của Catalan. Năm 1931, Đảng Estat Catala tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Catalan. Tuy nhiên sau khi đàm phán với chính phủ, Catalan chấp nhận một đạo luật về quyền tự trị (1932). Từ năm 1938, Franco lên nắm quyền, đạo luật tự trị bị bãi bỏ.

Sau khi Thủ tướng Francisco Franco qua đời, từ năm 1975 nền dân chủ Tây Ban Nha được khôi phục. Cuộc đấu tranh đòi độc lập của người dân Catalan cũng được khởi động lại một cách nghiêm túc. Năm 2006, Catalan đàm phán với Madrid về một đặc quyền: đòi công nhận Catalan là một quốc gia. Tuy nhiên, năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết bác bỏ yêu cầu trên, đồng thời cũng  hủy bỏ và sửa đổi một phần luật tự trị cho Catalan, gây nên sự bất bình đối với người Catalan. Điều này khiến các phong trào đòi độc lập càng bùng lên mạnh mẽ.

            Về mặt văn hóa, Catalan có ngôn ngữ riêng và người Catalan rất tự hào khi sử dụng ngôn ngữ riêng của mình. Với tiếng nói riêng và phong tục riêng, nhiều thế hệ người Catalan đã lớn lên với niềm tin họ không phải là người Tây Ban Nha. Đã từng có thời gian dài phương ngữ Catalan bị cấm sử dụng sau chiến tranh kế vị Tây Ban Nha và dưới giai đoạn cầm quyền của Franco (1938-1975), nhưng ngày nay tiếng Catalan được người dân sử dụng rộng rãi và cũng là ngôn ngữ được sử dụng tại nhiều trường đại học ở Catalan.

Phong tục và những lễ hội truyền thống của người dân Catalan cũng có những điểm khác biệt so với văn hóa Tây Ban Nha. Chẳng hạn như trong phong tục đón giáng sinh, nếu ông già Noel là nhân vật nổi tiếng trên toàn thế giới, thì  El Caganer – một người nông dân trong trang phục truyền thống Catalan, mới là biểu tượng giáng sinh của người dân trong vùng.

 Thứ hai, Catalan có khả năng kinh tế độc lập với Tây Ban Nha và chịu sự bất công trong quan hệ kinh tế với Madrid

            Catalan là khu vực giàu có với mức độ công nghiệp hóa cao nhất Tây Ban Nha. Các ngành công nghiệp nổi trội bao gồm luyện kim, chế biến thực phẩm, dược phẩm và hóa học. Nơi đây còn phát triển bùng nổ về du lịch, nhờ vào những địa điểm thu hút du khách nổi tiếng như Barcelona. Khả năng kinh tế của mình đã khiến Catalan dù chỉ chiếm 16% dân số song đã đóng góp 20% vào nền kinh tế quốc gia Tây Ban Nha.[2]

            Là một khu vực giàu có ở phía Đông Bắc so với các khu vực có thu nhập thấp ở phía Nam Tây Ban Nha, người Catalan cho rằng họ phải đóng góp cho Madrid nhiều hơn những gì họ nhận được. Năm 2008, tại Tây Ban Nha cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến Catalan phải chịu hậu quả nặng nề: 19% dân số vùng Catalan thất nghiệp.[3] Điều này thật không dễ chấp nhận với Catalan bởi chỉ vì thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha mà khu vực này lại phải cùng Madrid gánh chịu hậu quả của cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua, trong khi Catalan có khả năng tự chủ về mặt kinh tế với Madrid.

Về chính sách thuế, nhân dân Catalan ngày càng phàn nàn khi họ phải đóng lượng thuế lớn cho chính quyền Tây Ban Nha nhưng những điều được nhận lại không tương xứng. Chẳng hạn năm 2014, Catalan khẳng định họ trả nhiều hơn 11,8 nghìn tỷ USD cho các cơ quan thuế Tây Ban Nha so với khoản ngân sách họ được nhận về. Đầu tư của Madrid vào Catalan cũng giảm trong những năm gần đây: năm 2015 dự thảo chi ngân sách của Madrid chỉ bao gồm 9,5% đầu tư cho Catalan so với 16% vào năm 2003.[4] Tất cả những điều này càng làm phong trào ly khai phát triển mạnh mẽ.

 Thứ ba, đảng phái lãnh đạo trong chính quyền xứ Catalan đóng vai trò lớn trong phong trào ly khai của nhân dân Catalan

            Hiện tại Catalan có 7 đảng phái chính trị với quan điểm khác nhau về vấn đề độc lập của Catalan, song có thể chia thành ba luồng tư tưởng lớn:

      1. Các đảng Socialists’ Party of Catalan (PSC–PSOE), People’s Party (PP), Citizens–Party of the Citizenry (C’s) ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha;
      2. Đảng Democratic Union of Catalan (unio.cat) và Catalan Yes We Can (CatSíqueesPot) chủ trương cải cách thể chế, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Catalan (unio.cat theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa);
      3. Có hai đảng Together for Yes (JxSí) và Popular Unity Candidacy (CUP) chủ trương thực hiện các tiến trình để Catalan giành độc lập.[5]

Trong cuộc bầu cử nghị viện khóa 11 xứ Catalan (27/9/2015), liên minh đảng JxSí và đảng cánh tả CUP đã giành 48% số phiếu cử tri trương đương với 72/135 ghế trong nghị viện Catalan.[6] Theo đó, một chính phủ chủ trương ly khai đã được thành lập, cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, bất chấp việc Hiến pháp Tây Ban Nha quy định về toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha. Cuộc trưng cầu ấy đã diễn ra vào ngày 1/10/2017 vừa qua.

            Theo thông báo của chính quyền khu tự trị Catalan, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10/2017 cho thấy có khoảng 2,26 triệu người Catalan đi bỏ phiếu và 90%  trong số đó ủng hộ ly khai khỏi Tây Ban Nha.[7] Tuy nhiên, số cử tri hợp lệ trên toàn xứ Catalan là 5,34 triệu người. Điều này có nghĩa rằng chỉ có hơn 42,3% cử tri Catalan đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 vừa qua và theo quan điểm của Madrid, những người phản đối ly khai đã tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý.[8] Tuy nhiên, điều này không làm mất tính thuyết phục của khả năng Catalan tuyên bố độc lập. Mặc dù vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh cuộc trưng cầu dân ý xứ Catalan hôm 1/10 vừa qua, song có thể nói một bộ phận không nhỏ nhân dân Catalan mong muốn độc lập. Thêm vào đó, lãnh đạo Catalan là một chính quyền có xu hướng ly khai, cộng với cách ứng xử không mấy khéo léo của chính quyền Madrid đã khiến cho phong trào ly khai ngày càng trở nên mạnh mẽ, cuộc trưng cầu 1/10 chỉ là một biểu hiện cho điều đó mà thôi. 

Phản ứng của cộng đồng quốc tế và chính quyền Madrid

Về vấn đề độc lập của Catalan, Madrid có thể có nhiều nhượng bộ, song nhất quyết không để Catalan trở thành một quốc gia độc lập. Liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý 1/10, Madrid lên án việc Catalan thực hiện cuộc bỏ phiếu là vi hiến, chưa kể đến kết quả bỏ phiếu, theo quan điểm của Madrid, là không chính xác. Điều 2 Hiến pháp 1978 ghi nhận Catalan có thể được xem là quốc tịch, song lãnh thổ Tây Ban Nha là một thể thống nhất không thể tách rời,[9] và thực tế là hơn 90% cử tri Catalan đã bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp 1978.[10] Do đó, cuộc trưng cầu dân ý 1/10 cũng như bất cứ hành động ly khai nào của Catalan đều được xem là vi hiến.

Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng như các quan chức khác trong chính quyền, cuộc bỏ phiếu làm suy yếu luật pháp và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

            Tuy nhiên, phản ứng của Madrid đối với cuộc trưng cầu dân ý của người dân Catalan đã có phần mạnh tay hơn mức cần thiết. Hơn 4.000 cảnh sát đã được điều động tới Catalan để ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý.[11] Phía Catalan khẳng định cảnh sát tiến hành tịch thu ít nhất 750,000 lá phiếu,[12] bắt giữ hàng chục quan chức ủng hộ độc lập, đóng cửa trang web đưa thông tin về cuộc bỏ phiếu. Chính quyền Catalan khẳng định các cuộc đụng độ nổ ra giữa cảnh sát và người bỏ phiếu đã khiến ít nhất 844 dân thường bị thương.[13] Mặc dù Madrid khẳng định cảnh sát hành động chuyên nghiệp và tương xứng, nhưng những người chỉ trích cho rằng sự thiếu linh hoạt của Thủ tướng Rajoy trong việc xử lý cuộc khủng hoảng đã làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Nếu Catalan độc lập, Tây Ban Nha sẽ chưa mất ngay vị thế nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone (sau Đức, Pháp, Italia), song sẽ suy yếu đáng kể. Chưa kể là thế giới sẽ mất đi một trong những khu vực phồn vinh nhất của EU và nền kinh tế chung của EU sẽ phải chịu ít nhiều ảnh hưởng. Trên thực tế, khi thông tin 90% người bỏ phiếu trưng cầu dân ý muốn tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha được công bố, đồng euro đã giảm 0,33%, xuống mức 1,1776 USD vào sáng 2/10 trên thị trường châu Á.[14]

Đối với người Catalan, nếu trở thành một quốc gia độc lập, họ sẽ mất đi tư cách là thành viên của EU và WTO. Điều này khiến chi phí xuất khẩu chắc chắn tăng, nhiều việc làm sẽ bị mất đi và nên kinh tế khu vực sẽ chịu những tổn thất nặng nề. Về mặt xã hội, những người phản đối ly khai sẽ trở thành một “cộng đồng thầm lặng”, bởi nếu họ lên tiếng, họ có thể sẽ rơi vào một tình thế bị cô lập, kỳ thị và thậm chí là bạo lực. Ở một kịch bản tồi tệ hơn, Catalan sẽ là một quốc gia bị ghẻ lạnh ở châu Âu nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Xét về mặt chính trị, đối với Tây Ban Nha một Catalan độc lập sẽ tạo ra tiền lệ xấu về luật pháp cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ đối với nước này. Về phần mình, Pháp, Anh, Đức và các nước EU nói chung đều đứng về phía Madrid. Tây Ban Nha là quốc gia quan trọng trong EU,  Do vậy đây là cách ứng xử tốt nhất để EU duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Madrid. Ngoài ra, EU cũng rất nhạy cảm trong vấn đề ly khai sau hàng loạt vấn đề liên quan đến lãnh thổ của các quốc gia thuộc khu vực châu Âu: vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga, cuộc trưng cầu dân ý xứ Scotland… Một nhà nước Catalan độc lập có thể sẽ tạo ra một hiệu ứng domino đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước EU.[15] Do đó, việc EU ủng hộ sự toàn vẹn, thống nhất của Tây Ban Nha là điều dễ hiểu.

Mặc dù vậy, trong quan điểm của Mỹ và phương Tây, “Nga đã thắng ở Catalan”. Trong bài báo “Catalonia held a referendum. Russia won” đăng trên tờ Washington Post ngày 2/10/2017, bộ máy thông tin tình báo và tuyên truyền của Nga đã huy động các cơ quan truyền thông và truyền thông xã hội để ủng hộ những người ly khai ở Catalan. Moscow nhận thức được một cách rõ ràng về phong trào Catalan như một phương tiện để chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ phương Tây. Và thực tế, cho dù có sự can thiệp của Nga hay không, thì cuộc trưng cầu dân ý 1/10 rõ ràng đã có tác động không tốt đến nền dân chủ Tây Ban Nha và EU nói chung.[16]

Đối với vấn đề ly khai của Catalan, Nga không có thống cáo chính thức, và dầu rằng EU có lập trường rõ ràng đối với vấn đề độc lập của Catalan, song sự im lặng của khối này trước những hành động bạo lực của Madrid nhằm đàn áp phong trào ly khai của nhân dân Catalan đã đặt ra cho người Nga một câu hỏi: tại sao EU không lên án Tây Ban Nha trước hành động bạo lực đã khiến gần 900 thường dân Catalan bị thương trong ngày bỏ phiếu cho quyền lợi của họ?[17] Nhưng EU lại trừng phạt Moscow vì nhận lời Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý trong hòa bình vào năm 2014?

Liên quan đến lập trường của EU, Serbia cũng vô cùng giận dữ vì khối này đã bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý của nhân dân Catalan, xem đó là trái phép, song lại thông qua tuyên bố độc lập của Kosovo năm 2008, và Mỹ cùng với hầu hết thành viên EU đều công nhận chủ quyền của một tỉnh Serbia cũ. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã gọi quan điểm của EU về Catalan và Kosovo là “ví dụ tốt nhất về các tiêu chuẩn kép (doubel standards) và đạo đức giả trong chính trị thế giới”.[18]

Trung Quốc là quốc gia nhạy cảm trong vấn đề lãnh thổ. Thêm vào đó, nếu Catalan trở thành một quốc gia độc lập, Trung Quốc có khả năng sẽ phải đối mặt với phong trào ly khai tại các điểm nóng như Tây Tạng, Đài Loan. Điều này không có lợi cho chính sách “một Trung Quốc” mà nước này luôn theo đuổi. Mặt khác, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ hợp tác với Tây Ban Nha trong những năm gần đây. Đầu tư của Trung Quốc vào Tây Ban Nha năm 2016 đạt 1,7 tỉ Euro, và 40% trong số đó là đầu tư vào Catalan.[19] Về phía Mỹ, nội bộ nước này cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như phong trào đòi quyền tự trị ở California,[20] đặc biệt nổi cộm sau chiến thắng không mong đợi của Donald Trump trong cuộc bầu cửa năm 2016. Do đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều theo đuổi chủ trương một Tây Ban Nha thống nhất. 

Tính chất cuộc ly khai của Catalan

Thoạt nhìn, trường hợp ly khai của Catalan có nhiều nét tương đồng với trường hợp của Kosovo. Catalan và Kosovo đều tách khỏi một quốc gia độc lập, có chủ quyền, và trong cả hai trường hợp, chính quyền vùng đều đưa ra tuyên bố độc lập đơn phương, và đều bị phản đối từ chính phủ trung ương (trong trường hợp Kosovo là chính phủ Serbia). Tuy nhiên, điểm khác nhau lớn nhất trong hai trường hợp này là sự phản ứng của các bên thứ ba. Kosovo sau khi tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008 đã nhận được khoảng 100 nước công nhận. Ngược lại, phong trào ly khai của vùng tự trị Catalan không nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia bên ngoài. Trong quan điểm của những công dân Catalan ủng hộ ly khai, hai cách phản ứng trái ngược nhau của EU trước hai phong trào ly khai tương tự nhau của Kosovo và Catalan đặt ra cho họ một câu hỏi: Tại sau Kosovo thì được, mà Catalan thì không, và thậm chí NATO đã can thiệp vào Serbia với lý do bảo vệ người Kosovo năm 1999?

Thực chất cách ứng xử của NATO đối với cuộc khủng hoảng Kosovo năm 1999 là kết quả của bài học Rwanda. Năm 1994, cuộc xung đột sắc tộc tại Rwanda giữa hai tộc người Hutu (lực lượng lãnh đạo chính phủ) và Tutsi đã khiến một triệu người chết (⅛ dân số) và 250.000 phụ nữ và trẻ em gái bị cưỡng bức trong vỏn vẹn 100 ngày trước sự “bất lực” của Mỹ và Liên Hợp quốc.[21] Trong cuộc khủng hoảng Rwanda 1994, Liên Hợp quốc đã rơi vào tình thế lưỡng nan giữa sứ mệnh gìn giữ hòa bình và nguyên tắc chủ quyền của quốc gia: nếu can thiệp vào cuộc xung đột sắc tộc để ngăn chặn sự tàn sát của chính phủ Rwanda đối với người Tutsi, điều đó đồng nghĩa với việc Liên Hợp quốc đã phá vỡ nguyên tắc chủ quyền quốc gia cũng được quy định trong hiến chương của tổ chức. Tuy nhiên, khác với một Liên Hợp quố’c năm 1994, trong cuộc khủng hoảng Kosovo 1999 Mỹ và NATO đã can thiệp vào Serbia dù không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an vì trên thực tế, bản chất cuộc khủng hoảng Kosovo thực hiện bởi chính quyền Serbia lúc bấy giờ không khác gì cuộc thanh trừng sắc tộc của chính phủ Rwanda 1994, và Rwanda đã trở thành bài học quá lớn cho cả Mỹ, NATO, Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế.

Hành động của NATO, dù không hợp pháp (illegal) song là chính đáng (legitimate), cùng những thất bại của Liên Hợp quốc vào những năm 90 đã đặt nền móng cho “trách nhiệm bảo vệ” (responsibility to protect) được Liên Hợp quốc chính thức thông qua năm 2005 và đang ngày càng trở nên phổ biến trong quan hệ quốc tế: chính phủ một nước có trách nhiệm bảo vệ nhân dân của mình, và nếu chính phủ ấy không thực hiện được nhiệm vụ ấy, trách nhiệm đó thuộc về Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế nói chung.[22]

Trên quan điểm đó, cuộc khủng hoảng xứ Catalan đến thời điểm hiện tại khó lòng có thể được liệt vào “trách nhiệm bảo vệ” của cộng đồng quốc tế, và quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Catalan có quá ít điểm tương đồng với cộng đồng người Albania bị đàn áp đẫm máu trong suốt một thời gian dài bởi chính phủ Serbia trong cuộc khủng hoảng Kosovo. Do đó Catalan không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là điều dễ hiểu – chưa kể đến động cơ chính trị của các bên thứ ba, nhất là trong bối cảnh chính phủ Tây Ban Nha sẵn sàng có những nhượng bộ về quyền tự trị lớn hơn cho Catalan, cộng với lập trường rõ ràng của EU và Mỹ về một Tây Ban Nha thống nhất. Tuy nhiên, hành động tuyên bố độc lập của Catalan không vi phạm luật pháp quốc tế, bởi lẽ xét trên quan điểm của Luật quốc tế, không có quy định nào cấm việc đưa ra tuyên bố độc lập đơn phương. Do vậy, nếu không xét đến giá trị pháp lý của tuyên bố của chính quyền Catalan, thì hành vi chính quyền tự trị khu vực này đưa ra tuyên bố độc lập đơn phương ly khai khỏi Tây Ban Nha là không vi phạm luật pháp quốc tế. Song, điều có thể vi phạm là luật pháp của chính Tây Ban Nha.

 Tương lai nào cho Catalan?

Căn cứ vào phản ứng của Madrid, EU và cộng đồng quốc tế nói chung, để tuyên bố độc lập, Catalan vẫn còn một con đường dài phải đi. Tuy nhiên con đường ấy gần như là không bao giờ dẫn tới một nước Cộng hòa Catalan độc lập vì nó được định hình bởi Tây Ban Nha,  Mỹ và EU. Cho dù trong ván cờ Catalan, giả sử Nga có can thiệp (giả sử) và có thúc đẩy được một hay nhiều cuộc trưng cầu dân ý nữa, thì Tây Ban Nha, Mỹ và phương Tây vẫn nắm đằng chuôi và Nga không bao giờ chiến thắng được trong cuộc chơi ấy. Do vậy, một kịch bản lạc quan nhất trong đó Catalan sẽ trở thành một quốc gia độc lập là điều không thể.

Ngay sau khi Thống đốc xứ Catalan Carles Puigdemont ký văn kiện tuyên bố độc lập tách vùng Catalan khỏi Tây Ban Nha hôm 10/10/2017 vừa qua, Thủ tướng Tây Ban Nha đã có bài phát biểu yêu cầu Catalan rút lại ý định ly khai, và đe doạ sẽ đình chỉ quy chế tự trị của vùng này và áp đặt quyền kiểm sát trực tiếp từ Madrid.[23] Nếu Catalan tiếp tục có ý định ly khai, Thủ tướng Tây Ban Nha đe doạ sẽ kích hoạt Điều 155 Hiến pháp nước này bất chấp những cuộc biểu tình lớn, thậm chí là nhiều tháng hỗn loạn có thể nổ ra.[24]

Trước áp lực từ phía Madrid, Thống đốc xứ Catalan đã đề nghị nghị viện vùng này đình chỉ thi hành tuyên bố độc lập trên nhằm có thời gian để đàm phán một giải pháp ly khai hoà bình với chính phủ Tây Ban Nha ở Madrid.

Ngày 27/10/2017, Hội đồng lập pháp xứ Catalan đơn phương tuyên bố quyền độc lập và tách khỏi Tây Ban Nha, người dân xứ Catalan đã đổ ra đường ăn mừng. Tuy nhiên, sau những giây phút hào hứng đó lại là một khoảng lặng đáng sợ. Catalan đang chịu sự cô lập đáng ngại khi không một quốc gia nào lên tiếng ủng hộ họ. EU, Mỹ, Trung Quốc chính thức tuyên bố không công nhận nước Catalan độc lập. Nga vẫn giữ thái độ im lặng trong vấn đề này.[25] Ngay sau đó, Madrid trục xuất các thành viên chính quyền Catalan, giải tán nghị viện khu vực, tuyên bố sẽ khôi phục quyền cai trị trực tiếp đối với xứ Catalan, và sẽ tiến hành bầu cử chính quyền địa phương vào tháng 12/2017. Ngày 30/10/2017, Tòa án Tây Ban Nha đã khởi tố nhiều nhà lãnh đạo xứ Catalan về các tội danh chống lại chính quyền, xúi giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ. Riêng nguyên Thống đốc xứ Catalan Carles Puigdemont đã cùng với các thành viên trong chính quyền bị trục xuất của mình bay đến Bỉ để tìm kiếm luật sư.[26]

Tuy nhiên, có lẽ một lần nữa Madrid nên chú ý hơn đến cách hành xử của mình đối với nhân dân Catalan khi mới đây, ngày 12/11/2017, hàng chục ngàn người ủng hộ một Catalan độc lập tại Barcelona đã xuống đường tuần hành đòi Madrid trả tự do cho những nhà lãnh đạo Catalan đang bị giam giữ vì thúc đẩy phong trào ly khai của xứ này.[27] Rõ ràng, nếu không xét đến những nguyên nhân sâu xa trong nội bộ Tây Ban Nha và Catalan, thì cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 là sự bức xúc của ít nhất 2 triệu nhân dân Catalan trước nguyên nhân trực tiếp là năm 2010 Madrid đã sửa đổi và hủy bỏ một phần quy chế về quyền tự trị của Catalan. Tuy nhiên, mặt khác nhân dân Catalan cũng muốn rằng các quyền lợi của họ được đảm bảo trong khuôn khổ một Tây Ban Nha thống nhất. Nếu quyền lợi của nhân dân Catalan được đảm bảo, thì có lẽ phong trào ly khai đã không phát triển mạnh mẽ suốt thời gian vừa qua.

Trong tình trạng căng thẳng hiện nay, bất cứ một động thái gây hấn nào giữa hai bên đều sẽ là một sai lầm, mang thêm thiệt hại cho Catalan và nền dân chủ Tây Ban Nha.[28] Madrid có lẽ sẽ rút ra được bài học trong cách ứng xử với Catalan. Trên cơ sở đó, một giải pháp Madrid có thể hướng tới là: cải cách hiến pháp, đồng ý cung cấp nhiều nguồn vốn cũng như quyền tự chủ tài chính lớn hơn cho Catalan để vùng tự trị này hủy bỏ yêu cầu trở thành một quốc gia độc lập.[29] Lựa chọn này vừa đảm bảo được lợi ích của Catalan, vừa duy trì được sự toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha. Do vậy, ít khả năng Catalan sẽ không ngồi vào bàn đàm phán, đó từng là lựa chọn của Đảng Estat Catala khi đối đầu với chính quyền Tây Ban Nha năm 1931. Như vậy, một tương lai của Catalan, trong đó những vấn đề bất công bằng giữa thuế và đầu tư được Madrid cân nhắc, Catalan có nhiều quyền hành hơn trong một hiến pháp được cải cách, bù lại Catalan vẫn nằm trong nước Tây Ban Nha thống nhất sẽ là kịch bản khả quan nhất được cả Tây Ban Nha, cả Catalan và cả cộng đồng quốc tế mong đợi.

Như vậy, vấn đề độc lập của Catalan là một tiến trình lịch sử lâu dài, trong đó sự phát triển độc lập của lịch sử  Catalan so với lịch sử Tây Ban Nha, cộng với sự khác biệt về văn hóa giữa Catalan và Tây Ban Nha là nguyên nhân xuyên suốt trong quá trình đấu tranh giành độc lập của phe ủng hộ ly khai khu tự trị Catalan. Sự phát triển của phong trào ly khai xứ Catalan gắn liền với cách hành xử của Madird trước những yêu cầu của nhân dân Catalan và sự lãnh đạo của các đảng phái trong khu vực. Vấn đề độc lập của Catalan là một vấn đề nhạy cảm, song lập trường cứng rắn và cách thức Madrid giải quyết cuộc khủng hoảng đã có những tác động xấu đến tâm lý của một bộ phận không nhỏ nhân dân Catalan ủng hộ ly khai.

Nếu Catalan trở thành một nước Cộng hòa độc lập, Tây Ban Nha và EU nói chung sẽ phải gánh chịu một hậu quả lớn về kinh tế. Về chính trị, sự ra đời của nước Cộng hòa Catalan sẽ trở thành một tiền lệ xấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp của Tây Ban Nha, và có thể là một khởi đầu mới cho phong trào ly khai trong lòng các quốc gia châu Âu. Đối với khu tự trị Catalan, sự ly khai khỏi Tây Ban Nha cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn về kinh tế khi không còn là một phần của EU và sự căng thẳng trong quan hệ với Tây Ban Nha nói riêng và EU nói chung. Dù sao, tiến trình độc lập của Catalan, nếu có thể cũng sẽ là một chặng đường dài và nếu thành hiện thực sẽ để lại hậu quả lớn cho “nước Cộng hòa Catalan”. Do đó, ngồi vào bàn đàm phán với những nhượng bộ từ phía Madrid sẽ là một lựa chọn khôn ngoan hơn cho nhân dân Catalan./.

 


 

Chú thích:

[1] http://www.cataloniavotes.eu/en/background/about-catalonia/history/

[2] Vì sao người dân Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha?, https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/vi-sao-nguoi-dan-catalonia-muon-tach-khoi-tay-ban-nha-3649408.html

[3] Catalonia referendum: Does the region want to leave Spain?, http://www.bbc.com/news/world-europe-29478415

[4] http://www.bbc.com/news/world-europe-29478415

[5] http://www.historiaelectoral.com/acatalunya.html

[6] http://www.bbc.com/news/world-europe-29478415

[7] Catalonian referendum violence plunges EU into crisis as ’90pc of voters back independence’,

http://www.telegraph.co.uk/news/2017/10/01/eu-crisis-catalonian-referendum-descends-violence/

[8] Spain gives Catalan leader 8 days to drop independence,

https://www.reuters.com/article/us-spain-politics-catalonia/spain-gives-catalan-leader-eight-days-to-drop-independence-idUSKBN1CG12O.

[9] Section 2

The Constitution is based on the indissoluble unity of the Spanish Nation, the common and indivisible homeland of all Spaniards; it recognises and guarantees the right to selfgovernment of the nationalities and regions of which it is composed and the solidarity among them all.”

[10] https://www.economist.com/blogs/economist-explains/2017/09/economist-explains-17

[11]  Catalonian referendum violence plunges EU into crisis as ’90pc of voters back independence’,

http://www.telegraph.co.uk/news/2017/10/01/eu-crisis-catalonian-referendum-descends-violence/

[12] Catalan referendum: Catalonia has ‘won right to statehood’, http://www.bbc.com/news/world-europe-41463719

[13] Catalonian referendum violence plunges EU into crisis as ’90pc of voters back independence’,

http://www.telegraph.co.uk/news/2017/10/01/eu-crisis-catalonian-referendum-descends-violence/

[14] Vì sao người dân Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha?, https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/vi-sao-nguoi-dan-catalonia-muon-tach-khoi-tay-ban-nha-3649408.html

[15] http://www.telegraph.co.uk/news/2017/10/13/juncker-says-catalonian-independence-could-cause-domino-effect/

[16] Catalonia held a referendum. Russia won, https://www.washingtonpost.com/opinions/global-opinions/catalonia-held-a-referendum-russia-won/2017/10/02/f618cd7c-a798-11e7-92d1-58c702d2d975_story.html?utm_term=.7beff8ea6605

[17] Catalan referendum: Catalonia has ‘won right to statehood’, http://www.bbc.com/news/world-europe-41463719

[18] https://uk.reuters.com/article/uk-spain-politics-catalonia-serbia/serbia-accuses-world-of-double-standards-over-catalonia-and-kosovo-idUKKCN1C8191

[19] China Backs Spanish Government Amid Catalonia Crisis, https://thediplomat.com/2017/10/china-backs-spanish-government-amid-catalonia-crisis/

[20] If you think California should be an autonomous nation-state, you can sign the initiative now,                  

http://www.dailynews.com/2015/04/30/if-you-think-california-should-be-an-autonomous-nation-state-you-can-sign-the-initiative-now/

[21] Kinh hoàng 1/8 dân số bị tiêu diệt trong 100 ngày,

http://www.nguoiduatin.vn/kinh-hoang-18-dan-so-bi-tieu-diet-trong-100-ngay-a20041.html

[22] Responsibility to protect, http://www.un.org/en/genocideprevention/about-responsibility-to-protect.html

[23] Spain gives Catalan leader 8 days to drop independence,

https://www.reuters.com/article/us-spain-politics-catalonia/spain-gives-catalan-leader-eight-days-to-drop-independence-idUSKBN1CG12O.

 

[24] Điều 155 Hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha quy định:

 “1. Nếu một Cộng đồng tự trị không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiến pháp này hoặc các luật khác, hoặc có hành động theo cách thức làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích chung của nước Tây Ban Nha, sau khi có khiếu nại đến Thống đốc của Cộng đồng tự trị mà không có câu trả lời thoả mãn, Chính phủ có thể thực thi tất cả các biện pháp cần thiết để buộc Cộng đồng đó phải thực hiện các nghĩa vụ hoặc để bảo vệ các lợi ích chung nêu trên, sau khi có sự phê chuẩn từ đa số của Thượng viện.

  1. Nhằm thực thi các biện pháp được trù định tại khoản trên, Chính phủ có thể ban hành các chỉ đạo cho tất cả các cơ quan công quyền của Cộng đồng tự trị.”

[25] Mỹ, Đức, Anh, Pháp chính thức không công nhận Catalonia độc lập, Nga im lặng, https://vi.sott.net/article/2841-My-Duc-Anh-Phap-chinh-thuc-khong-cong-nhan-Catalonia-doc-lap-Nga-im-lang

[26] Spanish prosecutor accuses sacked Catalan leader of rebellion,

https://www.reuters.com/article/us-spain-politics-catalonia/spanish-prosecutor-accuses-sacked-catalan-leader-of-rebellion-idUSKBN1CZ0IP

[27] Protesters flood Barcelona demanding release of separatist leaders,

https://uk.reuters.com/article/uk-spain-politics-catalonia-protests/protesters-flood-barcelona-demanding-release-of-separatist-leaders-idUKKBN1DB0R6

[28] Catalonia held a referendum. Russia won,

https://www.washingtonpost.com/opinions/global-opinions/catalonia-held-a-referendum-russia-won/2017/10/02/f618cd7c-a798-11e7-92d1-58c702d2d975_story.html?utm_term=.7beff8ea6605

[29] Catalonia referendum: Does the region want to leave Spain?, http://www.bbc.com/news/world-europe-29478415

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s