TS Nguyễn Bê
Quá trình mở cõi về phía nam bắt đầu năm 1069 dưới thời nhà Lý và kết thúc vào năm 1757 dưới thời các Chúa Nguyễn, kéo dài gần 700 năm.
Hình 1 diễn giải tất cả các sự kiện trong quá trình mở cõi phương Nam. Dưới đây dùng từ “sự kiện” để chỉ nội dung nằm trong các thanh màu trên hình vẽ.
Các sự kiện này được chia làm 2 nhóm:
– Nhóm 1 (màu xanh lá cây): mỗi triều đại chỉ tạo ra một sự kiện (4 sự kiện đầu) tương ứng với các triều đại: Lý, Trần, Hồ, Lê sơ
– Nhóm 2 (màu xanh da trời): một triều đại (các Chúa Nguyễn) tạo ra 11 sự kiện còn lại.
- Khoảng thời gian gữa các sự kiện liên tiếp
Chọn năm 1069 làm gốc thời gian. Hình 2 chỉ ra phần đất mở cõi gần 700 năm. Mỗi thanh màu ghi nôi dung một sự kiện; bên trái ghi khoảng thời gian từ thời điểm xảy ra sự kiện đến năm gốc 1069;cuối thanh màu là thời điểm xảy ra sự biến.
Ví dụ sự kiện nhập vùng đất từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi, cách năm 1069 là 333 năm, năm xảy ra sự kiện là 1402
Hơn 400 năm mở cõi về phương Nam, tiền nhân đã có bước tiến dài từ Quảng Bình đến Bình Định. Phần đất quan tâm là vùng đất màu đỏ trên bản đồ tương ứng diện tích hơn 40.000 km2 dọc ven biển miền trung ngày nay
Sự kiện đầu tiên được chọn làm gốc thời gian vào năm 1069 dưới triều vua Lý Thánh Tôn, sáp nhập được vùng đất từ Quảng Bình đến bắc Quảng Trị.
Kế tiếp là cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị, Đại Việt có được vùng đất Thuận Hóa, thực chất là dải đất từ Quảng Trị đến phía bắc sông Thu Bồn.
Sự kiện năm 1402 với danh xưng nước Đại Ngu (còn lại là danh xưng Đại Việt) chỉ mang tính hình thức hơn là triển khai được bộ máy hành chính trên vùng đất mới được sáp nhập vì năm 1407 nhà Hồ đã mất; do đó sự kiện này được xem như một bản nháp cho sự kiện lớn năm 1471.
Sự kiện 1471 là cột mốc xác định vững chắc chủ quyền của Đại Việt đă vươn đến miền nam trung bộ ngày nay
Đến thời các chúa Nguyễn, các sự kiện diễn ra khác biệt với 4 sự kiện đầu; 11 sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian 150 năm, với diện tích hơn 85.000 km2 , trung bình 13 năm một sự kiện , một việc chưa hề có trong lịch sử mở nước trong một triều đại.
Bảng tổng hợp các sự kiện trong quá trình mở cõi phương Nam được trình bày trên bảng 1 (Xem https://nghiencuulichsu.com/2018/10/22/mot-cach-nho-nhung-su-kien-quan-trong-trong-lich-su-viet-nam/)
Diển giải bằng sơ đồ ta có hình 5 cho 4 sự kiện đầu (chọn 1069 làm gốc thời gian), và hình 6 cho 11 sự kiện còn lại (chọn 1611 làm gốc thời gian)
Khoảng thời gian giữa sự kiện ban đầu (1069) đến sự kiện năm 1306 là 237 năm, chuyển tiếp từ nhà Lý sang nhà Trần
Từ sự kiện 1306 đến 1402 là 96 năm, chuyển tiếp từ nhà Trần sang nhà Hồ. Kế tiếp là 1402 đến 1471 là 69 năm, chuyển từ nhà Hồ sang nhà Lê sơ.
Đến đây chấm dứt mỗi triều đại một sự kiện để chuyển sang nhiều sự kiện trong một triều đại (Chúa Nguyễn). Thời gian chuyển tiếp là 140 năm
Việc chọn năm 1611 làm gốc mô tả các sự kiện mở cõi dưới thời Chúa Nguyễn làm cho những khoảng cách trên hình vẽ đủ lớn để người đọc dễ hình dung. Khoảng cách giữa 2 sự kiện lớn nhất là 42 năm, nhỏ nhất là 2 năm.
- Hậu chiến quá trình mở cõi phương Nam
Tất cả các cuộc viễn chinh đều phải tuân theo luật là thế nước đủ mạnh, nguồn lực quốc gia đủ lớn nghĩa là đủ tiền, đủ người để phát động một cuộc chiến xa xôi vào đất địch. Cho dù chiến thắng, thu được nhiều của cải, mở rộng lãnh thổ nhưng những vấn đề hậu chiến chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của vương triều. Những vấn đề cần giải quyết sau cuộc chiến:
– Ngân quỹ quốc gia sẽ bị thâm hụt, nếu có được chiến lợi phẩm chưa hẳn đã được nhập đủ vào ngân khố quốc gia.
– Sự mất mát con người, giải quyết các chính sách cho thương binh, liệt sĩ, người thân của họ.
– Chiến tranh là điều kiện tốt nhất cho tham nhũng lan tràn, cho những kẻ cơ hội thâm nhập vào hàng ngũ chức sắc làm tha hóa bộ máy chính quyền
– Thói kiêu ngạo và bệnh ngủ say trên chiến thắng làm xóa mòn đạo đức và năng lực làm việc của người có trách nhiệm
– Tranh giành quyền lợi và quyền lực sau chiến thắng làm mất đoàn kết nội bộ.
– Tổ chức một bộ máy hành chính, một đội quân đủ mạnh làm chỗ dựa cho bộ máy hành chính này hoạt động ở những vùng đất mới sáp nhập.
– Đưa dân cư vào những vùng đất mới.
Nhìn vào bảng kê dân số các triều đại Lý , Trần, Lê ta nhận ra rằng việc đưa người vào khai phá những vùng đất mới sáp nhập là điều không đơn giản. Dải đất miền Trung là vùng đất có thời tiết khắc nghiệt, không quá màu mỡ để thu hút người dân vào đó lập nghiệp. Hơn nữa tâm lý người Việt vào thời ấy không thích đi khỏi lũy tre làng, tách ra khỏi cộng đồng họ hàng bà con, xóm giềng.
Việc di dân trên vùng đất mới chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: từ năm 1069) đến năm 1558 – năm Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Cư dân vùng đất mới rộng hơn 40.000km2 (6 tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định) là những kẻ khốn khổ nơi quê nhà không có tư liệu sản xuất, là những tù nhân được nhà nước gia ân cho vào vùng đất mới, là những tội đồ trốn chạy và những kẻ bất mãn chế độ hiện hành…
Giai đoạn 2: từ 1558 đến 1698 (năm sáp nhập miền đông Nam bộ vào Đàng Trong). Cư dân vùng đất này là những người theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, những người trốn chạy chế độ vua Lê – chúa Trịnh, dân miền Nghệ An, Hà Tĩnh bị bắt đưa vào trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn vào cộng cư với người Chăm bản địa (Người Chăm ở phía nam Hải Vân không bỏ đi như phía bắc Hải Vân)
Giai đoạn 3: từ 1698 về sau. Một phần người Việt mới ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định lại di cư vào miền Nam cộng cư với dân bản địa và người Hoa đã đến từ năm 1679.
Giai đoạn 1 và 2 được xem là cuộc đầu tư chưa thu hồi vốn.
Giai đoạn 3: nhiều cuộc đầu tư liên tiếp nhau, có thu hồi được lợi nhuận để tái đầu tư cho dự án mới nhưng cuối cùng vẫn đuối sức.
3. Thời gian tồn tại các vương triều sau khi chiến thắng
Hình 7 sắp từ ngắn đến dài thời gian tồn tại của một vương triều sau ngày chiến thắng tương ứng với 5 triều đại lần lượt từ trên xuống: Hồ, Chúa Nguyễn, Lê sơ, Trần và Lý.
3.1. Sự kiện 1402 của nhà Hồ
Phát động cuộc chiến năm 1402 của nhà Hồ thực chất là việc chuyển hướng dư luận chống đối việc cướp ngôi nhà Trần sang chiến cuộc với Chiêm, sáp nhập được 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thời gian tồn tại của triều đại này chỉ có 5 năm sau ngày sáp nhập hai tỉnh, chưa kịp tổ chức bộ máy cai trị trên vùng đất mới và nó đã trở lại trạng thái ban đầu khi triều đại sụp đổ. Thay vì phải làm cuộc viễn chinh hao người tốn của mà dồn sức củng cố binh lực để đối phó với nhà Minh, biết đâu đó là giải pháp tối ưu cho sự tồn vong của đất nước trước họa xâm lăng.
3.2. Sự kiện 1757 của các Chúa Nguyễn
Bảng 3 chỉ ra rằng các Chúa Nguyễn đã thực hiện các sự kiện thường xuyên liên tục, thực hiện nhiều nhất dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu và kết thúc dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Gần 150 năm mở cõi, tổ chức bộ máy hành chính cho kịp với việc mở rộng lãnh thổ, tổ chức quân đội để bảo toàn những thành quả đã đạt đươc, di dân, ổn định cuộc sống của dân ở những vùng đất mới…. quả là việc làm vĩ đại. Tuy nhiên đến sự kiện cuối vào năm 1757, giống như vận động viên chạy gần đến đích đã kiệt sức, chúa Nguyễn dễ dàng bị đánh bại bởi quân Tây Sơn 1777.
3.3.Sự kiện 1471 cuả nhà Lê
Sự kiện 1471 là chiến thắng lẫy lừng của nhà Lê, nhưng thời gian tồn tại của triều Lê sơ sau chiến thắng chỉ có 56 năm. Nhìn vào giản đồ triều đại Lê sơ trên hình 8 nhận ra rằng triều Lê Thánh Tôn là thời thịnh trị cuối cùng của triều Lê sơ. Các đời vua kế tiếp thường bạc nhược, ốm yếu, dễ dàng để cho quyền thần lộng hành, khuynh đảo triều chính. Cuối cùng là cái kết bi thảm
3.4. Sự kiện 1306 của nhà Trần
Huyền Trân công chúa, nàng công chúa xinh đẹp của vua Trần Nhân Tông, được gả cho vua Chiêm – Chế Mân để đổi lấy vùng đất châu Ô, châu Rí. Không phải đơn giản để có cuộc hôn nhân ngoại giao này, mà nhờ vào sức mạnh của Đại Việt dưới thời vua Trần Nhân Tông đánh tan đội quân Nguyên Mông hùng mạnh lúc bấy giờ. Nhìn vào giản đồ hình 9, thời cai trị của vua Trần Nhân Tông là thời Đại Việt thịnh trị nhất và sau đó là các vị vua bạc nhược không đấu đầu nỗi với những cuộc đánh phá của Chế Bồng Nga vào cướp phá Thăng Long và các tình duyên hải miền Trung. Việc Chế Bồng Nga 4 lần vào kinh thành Thăng Long như chỗ không người, đòi lại đất Thuận Hóa đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ của nhà Trần
3.5. Sự kiện 1069 của nhà Lý
Kể từ khi sáp nhập vùng đất Quảng Bình vào Đại Việt đến khi nhà Lý mất ngôi là 156 năm, thời gian đủ dài để không thấy ảnh hưởng của sự kiện này đến quá trình tan rã của triều Lý. Sau sự kiện 1069, nhà Lý còn đủ sức để đánh chiếm được Ung Châu, Liêm Châu bên đất Tống và giữ vững phòng tuyến Như Nguyệt để cho quân Tống phải kết thúc thất bại cuộc viễn chinh. Vua Lý Nhân Tông lúc này còn bé nhưng nhờ những bậc trung thần tài giỏi như Lý Thường Kiêt, Lý Đạo Thành, phò giúp, vua trị vì đến 56 năm, đủ dài để ổn định tình hình hậu chiến. Sự tan rã của triều Lý bắt đầu từ lúc bậc trung thần Tô Hiến Thành mất, vua Cao Tông trở nên hư hỏng, triều Lý bắt đầu lao dốc.
- Kết luận
Gần 700 năm mở cõi về phương nam để có lãnh thổ Việt Nam như ngày nay, một vùng đất có vị trí địa lý quan trọng của vùng Đông Nam Á, là bao lơn trông ra Thái Bình Dương. Biết ơn tiền nhân đã dày công mở cõi, thế hệ con cháu luôn giữ gìn mãnh đất thiêng liêng này, quyết không để mất một tất đất vào tay ngoại xâm luôn dòm ngó.
Tài liệu tham khảo
https://nghiencuulichsu.com/2018/10/22/mot-cach-nho-nhung-su-kien-quan-trong-trong-lich-su-viet-nam/
https://nghiencuulichsu.com/2018/08/20/thoi-gian-va-khong-gian-trong-lich-su-viet-nam/
https://lichsunuocvietnam.com/ban-do-lanh-tho-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-phan2/
https://lichsunuocvietnam.com/ban-do-lanh-tho-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-phan3/
https://www.facebook.com/pg/nclspage/photos/?tab=album&album_id=1932477523482840