Bằng chứng lịch sử về một đại tướng Tây Sơn chính sử bị bỏ sót

 

tay-son.jpg

Lê Ngân*

     Triều Tây Sơn kể từ vua Thái Đức đến hết Cảnh Thịnh tồn tại được 24 nǎm (1778-1802).Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng công lao của Tây Sơn đối với lịch sử là rất vĩ đại.Hiếm có một triều đại nào trong lịch sử Việt Nam lập được nhiều chiến tích hiển hách đến thế!. Nổi bật trong ba anh em Tây Sơn là Quang Trung- Nguyễn Huệ với tài năng kiệt xuất. Hầu hết chiến thắng của Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của ông.

Từ cuối thế kỷ 18 tên tuổi các danh tướng Tây Sơn đã được Hoàng Lê Nhất Thống Chí ghi chép đầy đủ dù nhiều danh tướng chỉ có tên kèm chức vụ Đô đốc như: Đô đốc Lộc,Đô đốc Bảo,Đô đốc Long…không kèm dòng họ quê quán. Cũng từ ngày đó trở về sau số danh tướng Tây Sơn vẫn ổn định chưa phát hiện thêm.

Đến thập kỷ 20 thế kỷ 20 dưới triều Nguyễn vốn duy trì chủ trương “tận diệt mọi di sản của ngụy triều (Tây Sơn)” giới sử học biết đến hai tác phẩm chép về Tây Sơn hiếm hoi ra mắt công luận: ”Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của Nguyễn Trọng Trì và “Tây Sơn thuật lược” (khuyết danh). ”Tây Sơn lương tuóng ngoại truyện” đã được biết đến rộng rài cho đến nay. Riêng về “Tây Sơn thuật lược” gần như thất truyền cho đến ngót nửa thế kỷ sau mới được “sống lại”qua tác phẩm biên dịch của Tạ Quang Phát ấn hành ở Sài Gòn từ 1968-1971. ”Tây Sơn thuật lược” là tác phẩm lịch sử duy nhất giới thiệu bổ sung một danh tướng Tây Sơn quê ở Thăng Long chưa một sách sử nào chép!                                                

I-“TÂY SƠN THUẬT LƯỢC’ với “Đại Đô đốc Đặng Giản thống lĩnh Đại Thiên Hùng binh”

1.png

     Tây Sơn thuật lược ( 西山述略) là nhan đề một cuốn tùng thư của tác giả vô danh thị,hiện chưa rõ tác phẩm xuất hiện vào năm nào .Tây Sơn thuật lược (TSTL), nguyên bản chữ Hán lần đầu tiên được tạp chí Nam Phong  số 148 (1930) ấn hành trọn vẹn (trang 28 – 37) sau đó TSTL được chụp vi ảnh và đưa vào tàng trữ tại thư viện Société Asiatique Paris, ký hiệu HM 2178 Legs H. Maspéro.Nhiều thập kỷ sau đó không thấy TSTL xuất hiện trên diễn đàn sử học,tưởng đã thất truyền!Đến thập kỷ 60 TSTL đã “sống lại”:chuyên viên Hán ngữ Viện Khảo cổ Sài gòn Tạ Quang Phát đã sử dụng vi ảnh  chụp nguyên bản TSTL của Société Asiatique Paris,biên dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên đăng trên tập san Sử Địa Sài Gòn số Kỷ niệm Xuân Mậu Thân (1968) Năm 1971 tủ sách Cổ văn, Phủ Quốc Vụ Khanh  in thành sách “Tây Sơn thuật lược” ấn hành tại Sài Gòn. Do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt nên nhiều thập kỷ sau ngày TSTL (bản dịch) xuất hiện ở Sài gòn giới nghiên cứu Hà Nội vẫn chưa tiếp cận tác phẩm lịch sử này. Sau 2010,TSTL được phổ cập rộng rãi trên Internet cả bản gốc chữ Hán,bản dịch tiếng Việt tạo thuận lợi cho giới nghiên cứu khai thác..

       Nội dung “Tây Sơn thuật lược” (TSTL) chép tóm tắt những sự kiện lớn về phong trào Tây Sơn từ ngày phát sinh (1771) cho đến ngày bị thế lực của Nguyễn Ánh tiêu diệt (1802).Nhìn chung các sự kiện được nêu trong “TSTL” về cơ bản thống nhất như các sách sử chép về Tây Sơn dưới triều Tây Sơn,triều Nguyễn và sau triều Nguyễn.Điều khác biệt nổi bật so với các sách sử khác là “TSTL” chép về trận Tây Sơn đánh ra Thăng Long đầu năm Mậu Thân (1788) có bổ sung một danh tướng tham gia Bộ Chỉ huy chưa thấy chép trên bất cúa một cuốn sách sử nào khác.Đó là: Đô đốc Đặng Giản (về sau được Quang Trung phong Đại Đô đốc) thuộc Đặng tộc Lương Xá (Chương Mỹ-Hà Tây),dòng dõi Đặng Nghĩa Huấn. Nguyên văn đoạn chép về trận Mậu Thân (1788) trên “TSTL” như sau:

…Năm Đinh Vị- năm đầu Chiêu Thống (tức năm 1787), Nguyễn Hữu Chỉnh lấy binh Nghệ An đánh đuổi Án Đô vương Trịnh Bồng. Vua Lê tin dùng Nguyễn Hữu Chỉnh trông coi việc nước,phong tước cho Chỉnh làm Bằng Quận công. Mùa đông năm ấy vua Lê sai Ngô Nho (người ở Tri Chỉ),Trần Công Xán (người ở Yên Vĩ,cũng gọi là Lượng) đem lễ vật địa phương cùng quốc thư cho Huệ,nói rằng Nam và Bắc mỗi bên đều giữ lấy cương thổ của mình, không đặng vượt khỏi bổn phận. Huệ giận lắm,truyền mật lệnh ném bọn Nho và Công Xán xuống biển, lại khiến Tiết chế Nhậm đốc suất bộ quân, Thái úy Điều đốc suất thủy quân,Đô đốc Đặng Giản (鄧 暕) làm tiên phong,nhắm kinh thành Thăng Long tiến phát….Năm Mậu Thân-Chiêu Thống năm thứ 2 (tức năm 1788) tháng Giêng, quân Tây Sơn tiến phạm kinh thành Thăng Long.Vua Lê chạy đi Hải Dương,quân Tây Sơn rượt theo,cha con Hữu Chỉnh đều bị bắt.Huệ cho Vũ Văn Nhậm trấn Thăng Long. Đặng Giản trấn Thanh Hoa (Giản là người Lương Xá, dòng dõi của Đặng Nghĩa Huấn). Mùa hạ,Huệ giết kẻ bề tôi là Vũ Văn Nhậm, lúc ấy Nhậm tại trấn,có kẻ tố giác Nhậm lộng quyền,Huệ mượn cớ đi tuần đất Bắc,Nhậm ra lạy chào Huệ bèn bắt và giết đi….Mùa đông,tháng 11, Huệ tự xưng Hoàng đế,cải nguyên là Quang Trung. Tháng ấy vua Lê dùng quân Mãn Thanh lấy lại kinh thành Thăng Long. Năm Kỷ Dậu- Nguyễn Huệ niên hiệu Quang Trung thứ hai (tức năm 1789) tháng giêng, Huệ cả phá quân của Tôn Sĩ Nghị nhà Thanh ở Thăng Long. Vua Lê đi lên phương Bắc…Năm Canh Tuất – Nguyễn Huệ niên hiệu Quang Trung 3(1790), mùa xuân,Huệ thăng Ngô Thời Nhậm làm bộ binh Thượng thư,tước Tình Phái hầu… Huệ cho quan Đại Tư mã Ngô Văn Sở, quan Nội hầu Lân cùng với người con thứ là Thùy (tức Nguyễn Quang Thùy) trấn giữ Thăng Long,cho Tuyên (tức  Nguyễn Quang Bàn em Nguyễn Quang Thùy) trấn giữ Thanh Hoa,cho Đặng Giản làm Đại Đô đốc , coi giữ Đại Thiên hùng binh…”.

Như vậy, từ cuối thập kỷ 60 thế kỷ 20 giới nghiên cứu lịch sử ở miền Nam đã qua TSTL (tác phẩm biên dịch) biết được một danh tướng Tây Sơn chưa từng thấy chép trên sách sử: Đại Đô đốc Đặng Giản với đầy đủ chi tiết về quê quán, dòng họ, công trạng, chức vụ dưới thời Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình vương và cả dưới triều Quang Trung.

II- VĂN BIA CHÙA THỦY LÂM (LƯƠNG XÁ) với “Đại tướng,Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản thống Vũ Thắng đạo Thiên Hùng”     

2.png

Ảnh 1:Tấm bia có khắc bài văn“Tông đức thế tự bi” (1797) đặt ở sân chùa Thủy Lâm (Lương Xá).

Đầu thập kỷ 70 thế kỷ 20,giới sử học Hà Nội phát hiện một số di vật,di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá (Chương Mỹ-Hà Tây) trong số đó quan trọng nhất là bộ ba di bản ở Lương Xá :đạo Sắc phong có niên đại Thái Đức 10 (tức năm 1787), bộ phả “Đặng gia phả hệ toản chính thực lục” (gọi tắt là bộ Thực lục) có niên đại Cảnh Thịnh nguyên niên (tức 1792) và tấm bia ở chùa Thủy Lâm có khắc bài văn “Tông đức thế tự bi” có niên đại Cảnh Thịnh năm thứ 5(tức 1797).

Năm 2008,tạp chí nghiên cứu sử học “Huế Xưa và nay”(cơ quan của Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế) số 90 (11-12/2008) đã đăng bài ”Tư liệu về vị tướng Tây Sơn ở Lương Xá (Chương Mỹ-Hà Tây)” của Trúc Diệp Thanh trong đó tác giả đã lần đầu tiên công bố toàn văn chữ Hán đoạn văn bia chùa Thủy Lâm (1797) và đạo Sắc phong có niên đại Thái Đức 10 (tức năm 1787).(Riêng bộ phả Thực lục tuy có niên đại biên soạn dưới triều Tây Sơn nhưng nội dung chỉ phản ảnh thân thế,sự nghiệp của một số đại công thần thuộc Đặng tộc thời Lê Trung Hưng (1519-1749) có nhiều tư liệu quý nhưng không có dòng nào chép về Tây Sơn (phong trào Tây Sơn xuất hiện từ năm Tân Mão-1771 trong khi bộ Thực lục chỉ phản ảnh sự kiện đến năm 1749 tức trước ngày Tây Sơn xuất hiện 22 năm).

Văn bia “Tông đức thế tự bi” gồm trên 500 từ Hán ngữ ca ngợi đức,tài toàn diện của nhân vật được tưởng niệm là Đặng Tiến Giản dòng dõi Đặng tộc Lương Xá, nhưng giới nghiên cứu tập trung khai thác,phân tích đoạn khoảng trên 50 từ tác giả biên soạn (Thụy Nham hầu Phan Huy Ích) chép về công trạng của Đại tướng,Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản tham dự trận của Tây Sơn đánh ra Thăng Long đầu năm Mậu Thân (1788).

  Nguyên văn:

“今朝 大 將 統 武 勝 道 天 雄 都 督 東 嶺 侯 鄧 進 暕 系 出 令 族 甲 支 燕 郡 公 之 孫 胤 郡 公 之 子 (…) 時 皇 朝 太 祖 武 皇 帝 義 聲 震 礡 歸 駐 廣 南 公 一 見 軍 門 密 蒙 知 遇 寵 頒 印 劍 委 統 戎 麾 仰 賴 天 威 一 舉 盪 定 戊 申 …… 初 北 兵 南 牧 公 奉 詔 先 鋒 道 進 戰 而 北 兵 潰 公 單 騎 當 先 掃 清 宮 禁 武 皇 驾 臨 昇 龍 策 勳 行 赏 特 頒 本 貫 良 舍 社 永 為 食 邑 “

 Phiên âm:        

 ”Kim triều Đại tướng thống Vũ Thắng đạo Thiên Hùng Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản hệ xuất lệnh tộc Giáp nhất chi,Yên Quận công chi tôn,Dận Quận công chi tử (mất một chữ) thì Hoàng triều Thái tổ Vũ Hoàng đế nghĩa thanh chấn bạc quy trú Quảng Nam,công nhất kiến quân môn,mật mông tri ngộ,sũng ban ấn kiếm,ủy thống nhung huy,ngưỡng lại thiên uy,nhất cử đãng địch.Mậu Thân (2 chữ tiếp bị đục) sơ bắc binh nam mục phụng chiếu tiên phong đạo tiến chiến nhi bắc binh hội công đương kỵ đương tiên,túc thanh cung cấm,Võ Hoàng đế giá lâm Thăng Long sách huân hành thưởng đặc tứ bản quán Lương Xá vĩnh vi thực ấp” 

(Câu in chữ đậm là câu giới sử học Hà Nội cùng khai thác nhưng đã có 2 lời dịch,giải thích,2 kết luận khác nhau-LN).

Đoạn cuối văn bia có ghi rõ (dịch chữ Hán): văn bia do Thụy Nham hầu Phan Huy Ích biên soạn,Tình Phái hầu Ngô Thời Nhậm nhuận sắc khắc vào bia ngày 15 tháng 6 năm Đinh Tị niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5 (tức ngày 9.7.1797). Hai ông Phan,Ngô đều là danh sĩ nổi tiếng “hay chữ” của đất nước trong thế kỷ 18 nhưng nội dung văn bia có đặc điểm đáng lưu ý.Phần đầu của văn bia hai ông Phan,Ngô đã nói rõ nhân vật được 2 ông lập bia tưởng niệm là “ Đại tướng,Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản xuất thân từ một dòng họ lớn,cháu của Yên Quân công,con của Dận Quận công” nhưng đoạn tiếp theo nói về công trạng của Đặng Tiến Giản,hai ông lại dùng một số cụm từ: “kim triều,Thái tổ Võ hoàng đế,Bắc binh nam mục,bắc binh hội”mà không nói rõ Đặng Tiến Giản là đại tướng thuộc triều vua nào? đánh nhau với ai?… Mỗi cụm từ ẩn dụ trong văn bia có thể hiểu theo hai cách khác nhau: “Thái tổ Võ hoàng đế” là miếu hiệu của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ sau lúc băng hà cũng có thể để chỉ vua Quang Trung,cũng có thể để chỉ Nguyễn Huệ lúc chưa lên ngôi vua (tiên đế),”Bắc binh” vào thời điểm có “Nam-Bắc phân tranh” có thể là quân phong kiến phương Bắc (lúc này là nhà Thanh) cũng có thể chỉ quân Bắc Hà (Nhà Lê).

Lý giải nghịch lý trên phải xét đến bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Năm 1797-năm biên soạn văn bia là lúc Quang Trung qua đời đã 5 năm,vua kế nhiệm là Cảnh Thịnh bất tài,nhu nhược để gian thần lộng quyền sát hại nhiều trung thần có công lớn với Quang Trung.Triều Tây Sơn đang lúc hỗn loạn đi xuống thì thế lực không đội trời chung là Nguyễn Ánh lại trỗi dậy mạnh mẽ,đánh đâu thắng đó.

Hơn ai hết hai ông  Phan, Ngô đã thấy trước số phận bấp bênh của triều Tây Sơn.Để cho tấm bia tưởng niệm Đô  đốc Đặng Tiến Giản,người bạn lớn “đồng hương, đồng triều, đồng tâm,đồng chí” mà hai ông rất kính mến được tồn tại qua biến cố của thời cuộc,hai ông buộc phải dùng cách để che dấu “tung tích Tây Sơn” cho người được tưởng niệm. Bia tưởng niệm một đại tướng triều Tây Sơn nhưng không hề có những từ tượng trưng triều Tây Sơn như: Tây Sơn,Nguyễn Huệ,Quang Trung…cũng không nêu tên cụ thể của thế lực đối địch ở Bắc Hà:Lê Chiêu Thống,Nguyễn Hữu Chỉnh…Với cách dùng chữ rất thông thái để biên soạn văn bia cho thấy hai ông đã thành công.Tấm bia đặt ở sân chùa Thủy Lâm đã tồn tại vượt qua hơn một thế kỷ dưới triều Nguyễn vốn có chính sách “tận diệt mọi di sản của ngụy triều (Tây Sơn)”.

Song, cũng có tác dụng ngoài mong muốn như đã xảy ra tranh cãi về cách dịch đoạn văn bia trên từ thập kỷ 70 thế kỷ 20 đến nay. Một phía nhận định:văn bia chép về trận đánh quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) với công trạng của Đô đốc Đặng Tiến Đông cũng tức là tên thật,quê quán của Đô đốc Long (1);phía khác lại nêu lập luận:Tên nhân vật trong các di bản là chữ 暕 (đọc đúng là “Giản” không phải là “Đông”).Văn bia chép trận Tây Sơn đánh ra Thăng Long đầu năm Mậu Thân (1788) để trừng phạt phản nghịch Lê Chiêu Thống-Nguyễn Hữu Chỉnh với công trạng của Đô đốc Đặng Tiến Giản được giao chỉ huy tiên phong.Đô đốc Giản không phải là Đô đốc Long (2).                  .       .                  .    

Tuy nhiên để giúp hậu thế tiếp cận thông điệp để lại qua văn bia, hai ông Phan, Ngô đã để lại chìa khóa để “giải mã” các cụm từ ẩn dụ nêu trên.Đó là hai chữ “Mậu Thân” chỉ rõ niên đại trận đánh (ngoài ra văn bia không chép về bất cứ một niên đại nào khác).Theo sách sử,trận Mậu Thân (1788) diễn ra “đầu năm Mậu Thân” lúc chưa có quân Thanh ở Thăng Long,Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình vương chưa có đế hiệu “Quang Trung”.Như vậy,”Bắc binh” vào đầu năm Mậu Thân (1788)chỉ có thể là “quân Bắc Hà”(Nhà Lê).”Nam mục” (南 牧): “mục” chữ Hán không nơi nào có định nghĩa là “xâm chiếm,xâm lăng” mà chỉ có định nghĩa là “chăn dắt” (mục đồng,mục sư),là cai quản,cai trị (châu mục)”Bắc binh nam mục”(北 兵 南 牧) dịch đúng Hán ngữ là “quân Bắc Hà đòi quyền cai quản phía Nam” phản ảnh sự kiện lịch sử:vua Lê gửi quốc thư cho Nguyễn Huệ đòi lại quyền cai quản đất Nghệ An”.Đây chính là nguyên nhân khiến Nguyễn Huệ nổi giận phát động cuộc chiến đánh ra Thăng Long để trừng phạt bè lũ phản nghịch “Chiêu Thống- Hữu Chỉnh” (Bắc binh hội).

Trong đạo quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm làm Tiết chế đánh ra Thăng Long,Đô đốc Đặng Tiến Giản được Nguyễn Huệ giao ấn chỉ huy tiên phong. Đô đốc Đặng Tiến Giản đã nhanh chóng chỉ huy quân tiến phong đánh tan quân Chỉnh một mình một ngựa tiến trước vào kinh thành, Lê Chiêu Thống- Nguyễn Hữu Chỉnh đã bỏ chạy về phia bắc (túc thanh cung cấm). Tháng 5 Mậu Thân, được tin Vũ Văn Nhậm lộng quyền, mưu phản, Nguyễn Huệ tức tốc ra Thăng Long (Võ Hoàng đế giá lâm Thăng Long) bắt giết Nhậm,củng cố phòng thủ Bắc Hà,xét công khen thưởng tướng sĩ trong chiến thắng Mậu Thân,đặc cách ban thưởng cho Đặng Tiến Giản làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn.

Mối quan hệ lịch sử giữa tác phẩm “Tây Sơn thuật lược” và “Văn bia chùa Thủy Lâm.”

“TSTL” bằng chữ Hán xuất hiện đầu tiên từ đầu thập kỷ 20 thế kỷ XX dưới triều Nguyễn lúc nhà Nguyễn đã hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến với đế quốc Pháp và Việt nam đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp.Trước sự bành trướng của văn minh phương Tây bộ mặt văn hóa của nước Việt cũng bắt đầu thay đổi riêng về mặt lịch sử, sự kỳ thị đối với Tây Sơn tuy chưa hoàn toàn thay đổi nhưng cũng đã có sự nới lỏng dấu hiệu rõ là sự xuất hiện một số tác phẩm về lịch sử Tây Sơn như “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của Nguyễn Trọng Trì,”Tây Sơn thuật lược”(khuyết danh).

Riêng tác phẩm “TSTL” tuy được tạp chí Nam Phong số 148 (1930) đăng toàn văn trong phần chữ Hán của tạp chí nhưng chưa tác động mạnh đến dư luận và có nguy cơ thất truyền nếu như không được một cơ sỏ bảo tàng của Pháp (Société Asiatique Paris) chụp bằng vi ảnh để lưu lại cho hậu thế.Cũng nhờ có vi ảnh này đến năm 1968 “TSTL” được “sống lại” qua bản dịch của chuyên viên Hán ngữ Viện Khảo cổ Sài gòn Tạ Quang Phát (dịch từ vi ảnh, ký hiệu HM 2178 Legs H. Maspéro) lần đầu tiên đăng trên tạp san Sử Địa số Xuân Mậu Thân (1968) đặc khảo về Quang Trung (tạp san Sử Địa Sài gòn là cơ quan chuyên ngành Sử học do GS Hoàng Xuân Hãn trực tiếp chỉ đạo),sau đó năm 1971 tủ sách Cổ văn, Phủ Quốc Vụ Khanh  in thành sách “Tây Sơn thuật lược” ấn hành tại Sài Gòn.

Do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt nên nhiều thập kỷ về sau “TSTL” vẫn chưa được giới sử học Hà Nội tiếp cận. Người đầu tiên giới thiệu “TSTL” với giới nghiên cứu Hà Nội là nhà Khảo cổ học Đỗ Văn Ninh qua bài “Đô đốc Đặng Tiến Đông hay Đô đốc Đặng Tiến Giản” (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 3-tháng 5-6/1999) với nội dung tranh luận với GS Phan Huy Lê qua khai thác văn bia chùa Thủy Lâm (1974). Như vậy từ đầu thập kỷ 70 thế kỷ 20 cho đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, giới nghiên cứu sử học Hà Nội còn tranh luận: tên nhân vật trong văn bia, sắc phong tìm thấy ở Lương Xá là “Đông” (Đặng Tiến Đông) hay “Giản” (Đặng Tiến Giản), nội dung văn bia chùa Thủy Lâm là chép về trận Tây Sơn đánh ra Thăng Long đầu năm Mậu Thân (1788) để trừng phạt bè lũ phản nghịch Chiêu Thống, Hữu Chỉnh hay là chép về trận Tây Sơn đại chiến với quân Thanh xâm lược vào đầu năm Kỷ Dậu (1789 )và “Đô đốc Đông” trong văn bia là tên thật, quê quán của “Đô đốc Long”… thì trước đó vào năm 1968 giới nghiên cứu Sài gòn đã biết đến Đô đốc Đặng Giản với trận đánh của Tây Sơn ra Thăng Long đầu năm Mậu Thân qua “TSTL”.”TSTL” và “văn bia chùa Thủy Lâm” là hai nguồn sử liệu hoàn toàn khác nhau về thời điểm,về tác giả biên soạn, về nội dung…

”Văn bia chùa Thủy Lâm” do hai ông Phan, Ngô đồng biến soạn và khắc vào bia có niên đại Cảnh Thịnh năm thứ 5 (1797) dưới triều Tây Sơn với nội dung ca ngợi một nhân vật “đại hiếu với tổ tiên, đại nghĩa với lương dân xóm làng” (Tông đức thế tự bi) không có câu chữ nào liên quan đến Tây Sơn. ”TSTL”(khuyết danh) được biên soạn đầu thập kỷ 20 thế kỷ XX dưới triều Nguyễn là một tài liệu nghiên cứu về Tây Sơn đúng như tiêu đề “Tây Sơn thuật lược” tức “tóm lược lịch sử phong trào Tây Sơn”.

Vào thời điểm xuất hiện “TSTL” bằng chữ Hán (1930) và cả thời điểm “TSTL” được biên dịch ra tiếng Việt đầu tiên ở Sài gòn (1968) các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá chưa được phát hiện.Như thế các tác giả biên soạn,biên dịch “TSTL” chắc chắn chưa tiếp xúc với “đạo Săc,bộ phả Thực lục,văn bia chủa Thủy Lâm”.Nhưng điều diệu kỳ là giữa “TSTL” và các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá lại có nhiều điểm trùng hợp.

Trước hết là tên nhân vật có chức danh Đô đốc quê ở Lương Xá. Dòng dõi Đặng Nghĩa Huấn trên “TSTL” chép tên chữ Hán là chữ “暕” y hệt chữ “暕”chép trên các di bản ở Lương Xá nhưng từ 1968 trong lần dịch đầu tiên đăng trên tạp san Sử-Địa Sài gòn, chuyên viên Hán ngữ Tạ Quang Phát đã đọc và dịch là “Giản” (Đặng Giản) và khi in lại thành sách “TSTL” vào năm 1971 tên nhân vật vẫn nhất quán là “Đặng Giản”.

Trong khi đó ngay từ đầu thập kỷ 70 giới sử học Hà Nội phát hiện các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá lại đọc chữ “暕” là “Đông” (Đặng Tiến Đông).Cho đến cuối thập kỷ 90 cũng qua khai thác các di bản ở Lương Xá nhưng một nhóm nhà sử học thông thạo Hán nôm dẫn đầu là nhà Khảo cổ Đỗ Văn Ninh lại khẳng định phải đọc đúng chữ “暕” là “Giản” (Đặng Tiến Giản).Đáng lưu ý hơn là đoạn chép về Đô đốc Đặng Giản cùng trận Tây Sơn đánh ra Thăng Long đầu năm Mậu Thân trên “TSTL” lại trùng khớp về nội dung đoạn văn bia chùa Thủy Lâm chép về Đô đốc Đặng Tiến Giản cùng trận Mậu Thân mặc dù khi biên soạn hai ông Phan,Ngô đã có dụng ý dùng một số cụm từ ẩn dụ nhưng nội dung “TSTL” chép về Đô đốc Đặng Giản cùng trận Mậu Thân trên thực tế đã “giải mã” các cụm từ ẩn dụ trong biên soạn văn bia: “Năm Đinh Vị vua Lê gửi quốc thư cho Nguyễn Huệ đòi trả lại quyền cai quản Nghệ An (bắc binh nam mục),Huệ nổi giận sai Vũ Văn Nhậm làm Tiết chế, Đô đốc Đặng Giản chỉ huy tiên phong đánh ra Thăng Long để trừng phạt phản nghịch Chiêu Thống- Hữu Chỉnh (phụng chiếu tiên phong đạo tiến chiến nhi bắc binh hội).Tháng giêng năm Mậu Thân Chiêu Thống và Hữu Chỉnh bỏ chạy khỏi Thăng Long,Tây Sơn truy kích bắt và giết cha con Hữu Chỉnh-Hữu Du,Chiêu Thống đào thoát lên phía bắc(công đương kỵ đương tiên túc thanh cung cấm).Nhậm được giao trấn Thăng Long,Giản trấn Thanh Hoa Mùa hạ năm Mậu Thân,được tin báo Vũ Văn Nhậm mưu phản,Nguyễn Huệ tức tốc ra Thăng Long bắt giết Nhậm…(Vũ Hoàng đế giá lâm Thăng Long…) …”

Như vậy đã có cứ liệu (TSTL) chứng minh cách đọc tên nhân vật,cách dịch và giải thích các cụm từ ẩn dụ trong văn bia chùa Thủy Lâm của tác giả Đỗ Văn Ninh trong bài “Đô đốc Đặng Tiến Đông hay Đô đốc Long”(5) là chuẩn xác.

Mặt khác,với văn bia chùa Thủy Lâm sự kiện TSTL nêu bổ sung Đô đốc Đặng Giản vào hàng ngủ danh tướng Tây Sơn  không còn là “giả thuyết”,”dã sử” mà là một sự kiện thuộc “chính sử”.Tuy nhiên TSTL không chỉ có liên quan đến văn bia chùa Thủy Lâm mà còn có liên quan đến hai di bản khác ở Lương Xá.Cụ thể:đạo Sắc lập năm Thái Đức thứ 10 (tức 1787) Nguyễn Huệ trao cho “Đặng Tiến Giản chức Đô đốc Đồng tri,Đông Lĩnh hầu,vẫn sai trấn thủ Thanh Hoa” 

Năm 1787 trấn Thanh Hoa còn là lĩnh thổ của Bắc Hà thuộc quyền quản lý của Nhà Lê,”TSTL” không có liên quan gì đến đạo Sắc nêu trên nhưng lại là tài liệu lịch sử duy nhất chứng minh cho chức Trấn thủ Thanh Hoa trong đạo Sắc được thực hiện qua đoạn chép:”sau chiến thắng Mậu Thân,Đô đốc Đặng Giản được giao chức Trấn thủ Thanh Hoa và giữ chức này cho đến năm Canh Tuất,Quang Trung thứ 3(1790) khi có Nguyễn Quang Bàn thay thế”.” Về chức “Thống lính Đại Thiên Hùng binh” của Đặng Tiến Giản trên đạo Sắc (1787) chưa có sau đó thấy có chép trên bộ phả Thực lục (1792) và văn bia chùa Thủy Lâm (1797) nhưng trên các di bản ở Lương Xá không có câu nào giải thích chức “Thống lĩnh Đại Thiên Hùng” này của Đô đốc Đặng Tiến Giản là ai giao và giao vào lúc nào?Lời giải thích cho chi tiết trên lại tìm thấy ở “TSTL”: “Năm Canh Tuất Quang Trung thứ 3 (1790) Nguyễn Quang Bàn được giao   Trấn thủ Thanh Hoa.Đặng Giản được phong Đại Đô đốc coi giữ Đại Thiên Hùng binh . Như vậy với nguồn sử liệu là các di bản Tây Sơn ở Lương Xá và Tây Sơn thuật lược đã xác nhận chân dung của danh tướng Đặng Tiến Giản:

  “Đặng Tiến Giản thuộc Đặng tộc Lương Xá sinh năm 1738 ở Thăng Long,con của Dận Quận công Đặng Đình Miên,cháu của Yên Quận công Đặng Tiến Thự,hậu duệ đời thứ 6 của Nghĩa Quốc công Đặng Huấn gia nhập Tây Sơn từ đầu năm 1787 được Nguyễn Huệ trọng dụng ban đạo Sắc gia phong “chức Đô đốc Đồng tri ,tước Đông Lĩnh hầu cùng chức Trấn thủ Thanh Hoa” và ngay sau đó được trao ấn kiếm giao chỉ huy tiên phong trong đạo quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm làm Tiết chế đánh ra Thăng Long để trừng phạt bè lũ phản nghịch Chiêu Thống-Hữu Chỉnh.Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản đã lập công xuất sắc:đánh tan quân Chỉnh tiến trước vào kinh thành Thăng Long đã sạch bóng quân phản nghịch.Sau chiến thắng Mậu   . Thân,Nhậm được giao trấn Thăng Long,Đặng Tiến Giản trấn Thanh Hoa.Được trọng dụng giao quyền ở Thăng Long,Nhậm sinh kiêu căng,tự phụ,lộng quyền.Tin báo về Phú Xuân “Nhậm mưu phản”,tháng 5 Mậu Thân Nguyễn Huệ tức tốc ra Thăng Long bát giêt Nhậm ,xét công    khen thưởng tướng sĩ trong đó Đô đốc Đặng Tiến Giản được đặc cách ban thưởng làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn.Đô đốc Đặng Tiến Giản làm Trấn thủ Thanh Hoa cho đến năm Canh Tuất (1790) Quang Trung phái Nguyễn Quang Bàn về thay,phong Đăng Tiến Giản làm Đại Đô đốc coi giữ Đại Thiên Hùng binh.Ngay sau năm Quang Trung băng hà (1792) Đại đô đôc Đặng Tiến Giản lui về ở ẩn tập trung biên soạn bộ phả:”Đặng gia phả hệ toản chính thực lục” và chăm lo xây dựng Lương Xá thành một thực ấp phồn vinh về kinh tế,an ninh về quốc phòng,văn hóa,tôn giáo phát triễn,đặc biệt Đặng Đô đốc đã chi nhiều tiền của củng cố Phủ thờ Đặng tộc, mở mang quy mô chùa Thủy Lâm ở Lương Xá xây dựng các ban thờ  tổ tiên khang trang sắm mới tế nhuyễn,củng cố thủ tục thờ cúng tôn nghiêm được Đặng tộc và nhân dân địa phương tôn kính ca ngợi.Năm 1794 Đặng Đô đôc thống lĩnh Thiên Hùng đã đúc chuông đồng tặng chùa Trăm Gian,cùng năm 1794,Đăng tộc và dân làng tạc tượng “Quan Đô”đặt tại chùa Thủy Lâm (Lương Xá).Năm 1797 Thụy Nham hầu Phan Huy Ích và Tình phái hầu Ngô Thì Nhậm đồng biên soạn bài văn :”Tông đức thế tự bi”tưởng niệm Đô đốc Đặng Tiến Giản khắc vào bia đá dựng ở sân chùa Thủy Lâm để hậu thế lưu danh đời đời.Chưa có tài liệu nào xác minh ngày mất của Đô đốc Đặng Tiến Giản nhưng căn cứ vào các di vật,di bản cuối cùng của Đặng Đô đốc thì chắc chắn Đăng Đô đốc mất trong khoảng thời gian từ năm 1795 (sau năm tạc tượng “Quan Đô”) đến năm 1797 (năm dựng bia tưởng niệm) mộ táng ở xứ Đồng Trê thuộc thôn Đầm Dền,xã Đại Yên,huyện Chương Mỹ,tỉnh Hà Tây”.

3.png

(Ảnh 2-Tượng “Quan Đô” (Đô đốc Đặng Tiến Giản) đặt tại chùa Thủy Lâm-Lương Xá,năm 1794).                                                               .                                                  

 Tuy nhiên vẫn còn đó một số câu hỏi về thân thế,sự nghiệp của Đô đốc Đặng Tiến Giản các tác giả PHL,ĐVN  từng nêu lên nhưng chưa có lời giải đáp:  

1-Trước khi gia nhập Tây Sơn (lúc đã 48 tuổi) Đặng Tiến Giản đã làm gì,có thành tựu gì,ở đâu?

2- Căn cứ vào đâu,Nguyễn Huệ lập đạo Sắc (1787) “gia phong chức Đô đốc Đồng tri,Đông Lĩnh hầu nhưng sai Trấn thủ Thanh Hoa (năm 1787 Thanh hoa vẫn còn là lĩnh thổ Bắc Hà thuộc quyền quản lý của nhà Lê).

Với các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá và cả TSTL thì không có căn cứ để giải đáp các câu hỏi trên.Tuy nhiên câu trả lời cho các vấn đề tồn tại nêu trên đã có sẵn trong gia phả Đặng tộc Lương Xá đã được khai thác và giới thiệu như dưới đây.

   III- Mối quan hệ huyết thống giữa ĐÔ ĐỐC ĐÔNG LĨNH HẦU ĐẶNG TIẾN ĐÔNG đời Lê-Trịnh với ĐÔ ĐỐC ĐÔNG LĨNH HẦU ĐẶNG TIẾN GIẢN đời Tây Sơn.

Qua khai thác gia phả Đặng tộc Lương Xá biên soạn dưới triều Lê Trung Hưng,GS Nguyễn Quang Thắng đã tìm thấy một nhân vật lịch sử:Đặng Tiến Đông (1738-1787) và đã giới thiệu trong cuốn “Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam” (TĐNVLSVN) của Nguyễn Quang Thắng-Nguyễn Bá Thế (Bộ mới-NXH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản năm 2006) với tiểu sử tóm lượt như sau:                                    .                      

Đặng Tiến Đông (còn gọi là Đặng Đình Đông) là Đô đốc đời Lê (Cảnh Hưng) sinh ngày 2 tháng 5 năm Mậu Ngọ (tức 18-6-1738) tại Thăng Long,trong một gia đình đại vọng tộc: cháu 6 đời của Nghĩa Quốc công Đặng Huấn,cháu nội Thái tể Đại Tư không Yên Quận công Đặng Tiến Thự,con thứ 8 của Thượng đẳng đại vương Đặng Đình Miên tước Thái bảo quận công,mẹ là Phạm Thị Yến,7 anh trai là:Trí (Chí),Thiệu,Cầu, Tự,Giám,Tú,Hữu,tất cả đều được phong tước hầu,tước bá.

Năm 1762 (25 tuổi)Đặng Tiến Đông thi đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ học) và ra làm quan dưới triều Lê Cảnh Hưng và chúa Trịnh Sâm từng lập nhiều chiến công được phong Đô đốc tước Đông Lĩnh hầu.

Năm 1782,sau ngày Trịnh Sâm qua đời đã xảy ra sự kiện quân Tam Phủ làm ảảo chính. Quân Tam Phủ đã phò con trưởng của Trịnh Sâm là Trịnh Khải(Trịnh Tông) từng bị truất ngôi giành lại ngôi chúa từ tay “Thế tử” Trịnh Cán (con của Tuyên phi Đặng Thị Huệ).Sau khi giết Hoàng Đình Bảo (Quận Huy) truất phế Trịnh Cán và bắt giam Tuyên phi,quân Tam Phủ lùng bắt các quan họ Đặng,họ Hoàng…Đặng Tiến Đông phải bỏ quan trốn tránh.

Giữa năm 1786 Nguyễn Huệ thống lĩnh quân Tây Sơn đánh ra Thăng Long dưới chiêu bài “phù Lê diệt Trịnh”. Đô đốc Đặng Tiến Đông đã trở lại nhiệm sở và cộng tác với Tây Sơn trong sứ mệnh “phù Lê,diệt Trịnh”. Cuối năm đó Huệ giao lại chủ quyền Bắc Hà cho Lê Chiêu Thống rồi rút quân về Nam. Cũng cuối năm đó, trực tiếp chứng kiến sự suy đồi tàn  tạ của chế độ Lê-Trịnh cùng sức mạnh quật khới,chính nghĩa của Tây Sơn cùng chủ soái là anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ, Đô đốc Đặng Tiến Đông đã có quyết định về phương hướng mới của cuộc đời.Đầu năm Chiêu Thống 1 (1787) Đô đốc Đặng Tiến Đông bặt tin ở Bắc Hà. Gia phả Đặng tộc chép:

Nguyên văn:  

 “衛 國 尚 將 軍 鎮 守 清 華 兼 藝 安 鎮 都 督 東嶺 侯 鄧 將 公 大 負 四 月 拾 卒 皇 朝 昭 統 元 年 二 月 吉 暇 篷 查”     

Phiên âm:   

 ”Vệ quốc thượng tướng quân trấn thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ An trấn Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng tướng công đại phụ tứ nguyệt thập tốt,hoàng triều Chiêu Thống nguyên niên nhị nguyệt cát hạ phùng tra”.

Như vậy là Đô đốc Đặng Tiến Đông đã mất đầu năm 1787,gia phả Đặng tộc không còn chép về lai lịch hành trạng của Đặng Tiến Đông.Với lý do trên,Nguyễn Quang Thắng phủ định lập luận :”Đô đốc Đặng Tiến Đông là Đô đốc Long”.

 So sánh tư liệu về “Đô đốc Đặng Tiến Đông (1738-1787)” trên TĐNVLSVN như trên với tư liệu về nhân vật “Đặng Tiến Đông” trên bộ phả Thực lục (1792) cho thấy:

1-“Đặng Tiến Đông” trên TĐNVLSVN và “Đặng Tiến Đông” trên bộ Thực lục chỉ là một nhân vật (cùng quê quán,cùng ngày tháng năm sinh,cùng cha,mẹ,ông nội,cùng có 7 anh trai …) khác nhau ở chỗ Đặng Tiến Đông trên TĐNVLSVN có lai lịch đầy đủ từ ngày sinh (1738) cho đến lúc mất vào đầu năm 1787, Đặng Tiến Đông trên bộ Thực lục chỉ có tư liệu từ năm sinh(1738) cho đến năm 10 tuổi (1747) thì dừng lại không có thêm một dòng nào nói về giai đoạn trưởng thành.Với TĐNVLSVN đã có cơ sở chứng minh:”cậu ấm Đông” nêu trong bộ Thực lục đã học hành đỗ đạt ra làm quan và đã đạt thành tựu là:”Vệ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc Đông Lĩnh hầu Trấn thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ An”. Bộ Thực lục không nêu trường hợp “Đô đốc Đông đã mất đầu năm 1787 “ nhưng có nêu thêm một chi tiết về Đặng Tiến Đông con trai thứ 8 của Dận Quận công và bà thiếp Phạm Thị Yến mà không thấy chép trên bất cử cuốn gia phả nào khác của Đặng tộc:      

Nguyên văn:

“戊 午 五 月 初 二 , 癸 丑 時 , 生 弟 八 子 “東” , 後 改 “暕”以 字 彙 云 : 重 阴 积 雨 之 后 忽 見 日 色 也 ,故 知 名 焉 “

 Phiên âm:: “Mậu Ngọ ngũ nguyệt sơ nhị, Quý Sửu thì, sinh đệ bát tử ”Đông”, hậu cải ”Giản” dĩ tự vựng vân: Trùng âm tích vũ chi hậu hốt kiến nhật sắc, cố tri danh yên”.  .    

Dịch nghĩa:”Năm Mậu Ngọ, tháng 5, ngày 2, giờ Quý Sửu, sinh con trai thứ 8 là Đông sau đổi tên Giản, theo nghĩa chữ Giản là: sau khi mây mù tích mưa bỗng thấy ánh mặt trời, cho nên đặt tên như thế”!(3)

Từ sau ngày tác giả Trần Văn Quý phát hiện câu trên qua khai thác Bộ Thực lục (2000),bản thân người phát hiện cũng như giới nghiên cứu chỉ dừng lại ở nhận thức: ”Đông” (Đặng Tiến Đông) còn có tên “Giản” (Đặng Tiến Giản) phổ biên như Wikipédia-bách khoa tùng thư mở- giới thiệu bổ sung qua đề mục “Đặng Tiến Đông” là: ”Đặng Tiến Đông hay Đặng Tiến Giản ()” Trên thực tế câu tự thuật nêu trên có ý nghĩa lịch sử sâu sắc hơn nhiều nhưng  phải đến sau năm 2010 với câu gia phả Đặng tộc công bố “Đô đốc Đặng Tiến Đông đã mất đầu năm Chiêu Thống 1” mới có cơ sở giải thích đầy đủ.

Chi tiết:”Đông cải tên thành Giản”. Theo văn bia chùa Thủy Lâm, nhân vật “Đặng Tiến Giản” lần đầu tiên xuất hiện vào thời điểm đầu năm 1787 lúc Nguyễn Huệ đóng quân ở Quảng Nam. Đây cũng là thời điểm “Đô đốc Đặng Tiến Đông đã mất ở Bắc Hà” (gia phả Đặng tộc). Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời điểm mà do sự xếp đặt có bài bản.

Trở lại cuối năm Bính Ngọ (1786), chứng kiến sự suy sụp tàn tạ trong giai đoạn cuối chế độ Lê-Trịnh đồng thời cũng chứng kiến sức mạnh,chính nghĩa của Tây Sơn dưới sụ chỉ huy của anh hùng kiệt xuất Nguyễn HuệĐô đốc Đặng Tiến Đông đã có phương hướng mới thay đổi cuộc đời. Nhưmg lúc bây giờ (cuối năm 1786) việc bỏ Bắc Hà đi theo Tây Sơn là “hành vi đại nghịch” không những bản thân bị hình phạt nặng (dù vắng mặt) mà còn liên lụy đến gia đình và dòng họ.Vì vậy,muốn đạt được chí hướng “đổi đời” mà không gây liên lụy đến gia đình,dòng họ, Đô đốc Đông phải dùng kế “kim thiền thoát xác”(ve sầu lột xác) bằng việc gia phả Đặng tộc công bố:”Đô đốc Đông mất đầu năm 1787” (“tốt”chữ Hán cũng có thể dịch là “mất”nhưng chưa phải “tử” là “chết”)  “mất” ở đây có thể hiểu là chỉ “đoạn tuyệt (mất) tên tuổi,sự nghiệp ở Bắc Hà” từ sau 1787 gia phả Đặng tộc không còn chép về lai lịch hành trạng của Đặng Tiến Đông. Như vậy “Đông cải tên thành Giản…” không chỉ đơn thuần là việc đổi tên mà việc đổi tên đã gắn với việc xoay chuyển cả cuộc đời “từ nơi tối tăm bước ra nơi sáng sủa (Giản)”.

 Câu trên gia phả công bố chức tước của Đặng Tiến Đông trước ngày “mất” ở Bắc Hà là:”Vệ quốc thượng tướng quân Đô đốc Đông Lĩnh hầu trân thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ an” cũng là căn cử để giải thích câu hỏi:căn cứ vào đâu mà trong đạo Sắc (1787) Nguyễn Huê đã gia phong chức Đô đốc Đồng tri, Đông Lĩnh hầu,Trấn thủ Thanh Hoa” cho Đặng Tiến Giản.                                                

  Ngay từ ngày đầu tiên Đặng Tiến Giản lặn lội từ Bắc Hà vào Quảng Nam xin yết kiến Nguyễn Huệ vào đầu năm 1787,với ai khác thì Đặng Tiến Giản là nhân vật mới toanh nhưng với Nguyễn Huệ, người đã từng giao tiếp với các võ quan cao cấp triều Lê từng cộng tác với Tây Sơn trong sự nghiệp “phò Lê.diệt Trịnh” thì thừa biết “Đặng Tiến Giản là ai” ! Huệ đã đón tiếp trọng thị và thu nhận ngay Giản làm thượng khách dưới trướng.

Đầu Hạ  Đinh Vị ,trở về Phú Xuân (4), Huệ đã tiếp đoàn sứ giả của vua Lê trình quốc thư với ý “đòi lại quyền cai quản Nghệ An”, Huệ tức giận đuổi sứ giả về Bắc Hà ( đã dìm chết sứ giả ngoài biển khơi)và khởi quân đánh ra Thăng Long để trừng phạt bè lũ phản nghịch Chiêu Thống-Hữu Chỉnh.Huệ có ý định sử dụng Đặng Tiến Giản trong cuộc chiến này.Muốn thế điều tiên quyết là phải tạo cho “Giản” một vị trí xứng đáng trong hàng ngũ tướng soái Tây Sơn.Trong điều kiện gấp gáp, Huệ đã nhân danh vua Thái Đức ban cho Giản đạo Sắc lập ngày 3 tháng 7 năm Thái Đức thứ 10(tức 15/8/1787): “gia phong cho Đặng Tiến Giản chức Đô đốc Đồng tri,Đông Lĩnh hầu,vẫn sai Trấn thủ Thanh Hoa.” Đạo Sắc là cứ liệu chứng minh Huệ đã biết Đặng Tiến Giản chính là “Đô đốc,Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông Trấn thủ Thanh Hoa”dưới triều Lê đã bỏ tên cũ thay tên mới.

.Với đạo Sắc này, Đặng Tiến Giản chính thức trở thành tướng soái cao cấp trong hàng ngũ tướng lĩnh Tây Sơn, được Huệ giao ấn kiếm chỉ huy tiên phong trong đạo quân do Vũ Văn Nhậm làm Tiết chế đánh ra Thăng Long cuối Đông Đinh Vị, đầu Xuân Mậu Thân. Điều này cho thấy Nguyễn Huệ không chỉ có tài “dụng võ” mà còn giỏi”dụng văn”và cả tài “dụng nhân”.

Vào thời điểm này(1787) trong hàng ngũ tướng soái Tây Sơn không có ai am hiểu các lĩnh vực quân sự ở Bắc Hà và có uy tín với hàng ngũ sĩ phu,tướng soái nhà Lê như Đặng Tiến Giản.“Đô đốc Giản”đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “đánh tan quân Chiêu Thống- Hữu Chĩnh, một mình một ngựa tiến vào kinh thành đã sạch bóng quân phản nghịch”. Sau chiến thắng Mậu Thân (1788), Đô đốc Giản được Huệ giao Trấn thủ Thanh Hoa và ban thưởng làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn.(văn bia chùa Thủy Lâm và TSTL). Như vậy đã có cơ sở trả lời hai câu hỏi tồn tại về Đặng Tiến Giản và chứng minh quan hệ huyết thống của Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông đời Lê-Trịnh và Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản đời Tây Sơn.

Thay lời kết: 

 Những bằng chứng lịch sử về “Một Đại tướng Tây Sơn bị chính sử bỏ sót” nêu trong bài này hoàn toàn không có yếu tổ phỏng đoán,suy diễn, giả thuyết… mà tất cả bằng chứng đều có nguồn sử liệu: gia phả, Sắc phong, văn bia, Tây Sơn thuật lược… Căn cứ vào gia phả Đặng tộc thì Đặng tướng công ở Lương Xá là nhân vật có hai tên “Đông” và “Giản” nhưng không phải là lúc sinh ra đã như thế mà  mỗi tên gắn với một giai đoạn lịch sử khác nhau: Đặng Tiến Đông sinh năm 1738, là Đô đốc Đông Lĩnh hầu đời Lê nhưng chỉ tồn tại  đến đầu năm 1787. Đầu năm 1787 Đặng tướng công xóa tên Đông rời Bắc Hà vào Nam đầu quân Tây Sơn với tên mới là Giản và trở thành Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản dưới triều Tây Sơn cho đến năm cuối đời. Như vậy đời Lê Trung Hưng chỉ có Đô đốc Đặng Tiến Đông đến đời Tây Sơn chỉ có Đô đốc Đặng Tiến Giản. (Đô đốc GiảnĐô đốc Long là hai vị tướng Tây Sơn khác nhau).Từ sau thập kỷ 30 thế kỷ 20 đến nay sử học Việt nam đã có sự lẫn lộn không phân biệt rạch ròi về hai tên Đô đốc Đông Đô đốc Giản, phổ biến là nhầm lẫn sử dụng tên Đô đốc Đặng Tiến Đông cả dưới triều Tây Sơn (“Đặng Tiến Đông” là “Đô đốc Long”; “Đặng Tiến Đông” là tác giả biên soạn bộ Thực lục (1792)”;”tượng “Quan Đô”(1794) là tượng “Đặng Tiến Đông”.Từ điển NVLSVN của Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quỳnh (NXB Giáo dục 2005) có nhân vật Đặng Tiến Đông (1738-1801)(?)…)Tên Đặng Tiến Giản bị ra rìa! Để khắc phục sự nhầm lẫn trên không đơn giản nhưng theo người viết bài này, gia phả Đặng tộc đã khẳng định“Đặng Tiến Đông đã mất đầu năm 1787, gia phả không còn chép về lai lịch, hành trạng của nhân vật” ,nếu có tinh thần tôn trọng gia phả trong nghiên cứu,v iết lách thì việc khắc phục sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đã đến lúc trả lại sự thật cho lịch sử.

Hà Nội tháng 8 năm 2017

* Lê Ngân: Luật gia-Nhà báo-Nhà Nghiên cứu lịch sử không chuyên (Hà Nội)                                                                                                                

Chú thích:                                                                                                                      

(1)- Bài “Đô đốc Đặng Tiến Đông –một tướng Tây Sơn chỉ huy trận Đống Đa” Phan Huy Lê (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 154-tháng 01 năm 1974).

(2-5)- Bài “Đô đốc Đặng Tiến Đông hay Đô đốc Long”-Đỗ Văn Ninh (Tạp chí Nghiên ccứu lịch sử số 3 tháng 5-6/1999).                                                                           

(3)- Bài “Phải gọi là Đô đốc Đặng Tiến Giản” Trần Văn Quý (Sách Đối thoại sử học-NXB Thanh Niên 2000).

(4)-Về thời điểm doàn sứ giả vua Lê đến Phú Xuân trình quốc thư lên Nguyễn Huệ giữa TSTL và Hoàng Lê Nhất thống chí có khác nhau: TSTL chép đoàn sứ giả vua Lê đến Phú Xuân vào mùa Đông năm Đinh Vị ,theo Hoàng  Lê Nhất Thống Chí thì vào đầu Hạ Đinh Vị.Theo các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá thì đẻ chuẩn bị cho Đặng Tiến Giản tham chiến trận Mậu Thân,ngày 3 tháng 7 Đinh Vị,Thái đức năm thứ 10,  Huệ đã ban đạo Sắc gia phong cho Đặng Tiến Giản chức Đô đốc Đồng tri,tước Đông Lĩnh hầu vẫn sai trân thủ Thanh Hoa” tiếp theo Huệ giao cho Đô đốc Giản nhiệm vụ chỉ huy tiên phong trong đạo quân do Vũ Văn Nhậm làm Tiết chế đánh ra Thăng Long…Như vậy việc Huệ tiếp đoàn sứ giả nhất quyết phải diễn ra trước ngày Huệ ban đạo Sắc (3 tháng 7 năm Đinh Vị) tức phải là đầu Hạ Đinh Vị theo HLNTC là chuẩn xác.      

5 thoughts on “Bằng chứng lịch sử về một đại tướng Tây Sơn chính sử bị bỏ sót

  1. Người yêu Sử–Để việc giải quyết khám phá lịch sử có sức thuyết phục trong bài trên được thực hiện,đề nghị Hội đồng toàn quốc Đặng tộc và Bảo tàng Tây Sơn nghiên cứu và có biện pháp hỗ trợ.Việc tôn vinh”Đặng Tiến Đông là Đô đốc Long” và bõ qua tên tuổi Đô đốc Đặng Tiến Giản là một nhầm lẫn đáng tiếc trong sử học đương đại và cũng là sự xúc phạm đến gia phả Đặng tộc Lương Xá và đội ngũ các danh tướng Tây Sơn.

    Thích

  2. Chào tác giả ! sử sách viết khác nhiều lắm đó ! Ngoài Hà Nội thì họ bảo đô đốc Long là đô đốc Đặng Tiến Đông cơ ! Tiếc là sắc phong bằng vàng thì có một người cháu mang chạy sang Ai Lao rồi ! Và gia phả cùng mọi thứ liên quan viết trong giấy da dê thì lại được gửi cho cụ Nguyễn Quý Công con trai cụ Nguyễn Quý Đức thầy dạy của chúa Trịnh tại Hà Cầu – Hà Trì – Hà Đông nên thất lạc hết cả! Hơn nữa sau trận Ngọc Hồi đó thì đô đốc Long bị ám sát mất hơn 10 ngày sau đó Đô đốc Long đánh trận Ngọc Hồi – Đống Đa là người khác đó tác giả ơi ! Nếu tác giả có vào Bình Định thì trong bảo tàng của Tây Sơn thì đô đốc Long là vị tướng quân duy nhất ko rõ ngày sinh, ngày mất cũng như danh tính thật sự đó ! Việc đó có liên quan đến việc khi nghĩa quân Tây Sơn thần tốc ra Bắc thì sử sách có ghi lại là tuyển quân tại Nghệ An! Thực ra đó là một đội quân còn lại của khởi nghĩa Lê Duy Mật do một người con trai thứ của hoàng thân Lê Duy Mật đã theo Quang Trung đánh trận và có liên quan đến sắc phong sau này của vua Quang Trung sau này tại Nghệ An để phong cho vị tướng này ! Nếu theo vai vế thì trong hoàng tộc vua Quang Trung gọi là chú vì ngang hàng với vua Lê Hiển Tông đó! Đô đốc Long có nghĩa là con cháu của rồng , con cháu hoàng tộc ! Không phải là tên thật của ông ! Em cũng mong rằng sau này nhiều góc khuất của lịch sử sẽ được hé mở đó !!!

    Thích

Bình luận về bài viết này