Sử Việt với “tướng giặc” Mai Thúc Loan

ln___mai_thuc_loan_500.png

Phan Bá Lương

Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau: “Nhâm Tuất (722) (Đường Huyền Tôn, Khai Nguyên năm thứ 10). Tướng giặc là Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là có 30 vạn. Đường đế sai nội thị tả giám môn vệ tướng quân là Dương Tư Húc và Đô hộ là Quang Sở Khách đánh dẹp được” ([1]).

      Đoạn ghi chép này của ĐVSK Toàn thư sẽ làm nảy sinh câu hỏi: lẽ nào một bộ sách sử được đánh giá là vĩ đại của chúng ta lại ghi chép về một vị anh hùng dân tộc như thế? Không biết ĐVSK Toàn thư đang ghi chép về lịch sử Việt Nam hay lịch sử Trung Hoa? v.v…

Để kiểm chứng, xem tiếp ĐVSK Toàn thư – Bản in Nội các quan bản thì cũng thấy viết như thế (xin chụp lại để mọi người cùng đọc) ([2]): 

Tách câu và Phiên âm (viết theo từng cột trong bản in từ trên xuống dưới, rồi từ cột phải sang cột trái, khi hết một cột thì xuống hàng khác viết tiếp, để dễ đối chiếu)

(Cột 1) 主 延 祐 殺之. 其 餘 黨 丁 建 等合 㨿 園 府 城. 城 中 兵

chủ, Diên Hựu sát chi. Kì dư đảng Đinh Kiến đẳng hợp chúng ([3]) viên phủ thành. Thành trung binh

(Cột 2) 少 不 支 㨿 壘 待 援. 廣 州 大 族馮 子 由 幸 立 功 按 兵

thiểu bất chi, anh luỹ đãi viện. Quảng Châu Đại tộc Phùng Tử Do hạnh lập công, án binh

(Cột 3) 不 出.建 殺 延 祐. 後 桂 州 司馬 曹 直 静 攻 建 殺 之.

bất xuất. Kiến sát Diên Hựu. Hậu Quế Châu Tư mã Tào Trực Tĩnh công Kiến sát chi.

(Cột 4) 壬 戌 唐 玄 宗 隆 基 開元 十 年. 賊 帥 梅 叔 鸞 㨿 州 稱 黑 帝 外 結

Nhâm Tuất, [Đường Huyền Tông, Long Cơ, Khai Nguyên thập niên]. Tặc soái Mai Thúc Loan cứ châu, xưng Hắc Đế, ngoại kết

(Cột 5) 林 邑 真 臘 人 等 㨿 號 三 十 萬. 唐 帝 遣 内侍 左 監 門

Lâm Ấp, Chân Lạp nhân đẳng, chúng hiệu tam thập vạn. Đường đế khiển Nội thị tả giám môn

(Cột 6) 衛 將 軍 楊 思 朂 都 護 元 楚 客 討 平 之.

vệ tướng quân Dương Tư Húc, Đô hộ Nguyên Sở Khách thảo bình chi.

(Cột 7) 戊 戌 唐 肅宗 亨 至 德 三 年. 唐 改 安 南都 護 府 曰 鎮 南 都 護 府.

Mậu Tuất, [Đường Túc Tông Hanh, Chí Đức tam niên]. Đường cải An Nam Đô hộ phủ viết Trấn Nam

đô hộ phủ.

(Cột 8) 丁 未 唐 代宗 豫 大 曆 二 年. 崑 崙 闍 婆 來 寇 攻 㨿 州 城. 經 畧 使Đinh Mùi, [Đường Đại Tông Dự, Đại Lịch nhị niên]. Côn Lôn, Chà Bà lai khấu, công thao châu thành. Kinh lược sứ

(Cột 9) 張 伯 儀 求援 於 武 定 都 尉 髙 正 平. 援 兵 至 破崑 崙.

Trương Bá Nghi cầu viện ư Vũ Định đô uý Cao Chính Bình. Viện binh chí, phá Côn Lôn..

Dịch Quốc Ngữ

“chủ mưu, Diên Hựu giết đi. Dư đảng là bọn Đinh Kiến họp quân vây phủ thành. Trong thành binh ít không chống nổi, đóng cửa thành cố giữ để đợi quân cứu viện. Đại tộc ở Quảng Châu là Phùng Tử Do muốn lập công, đóng quân không đến cứu, Kiến giết Diên Hựu. Sau Tư mã Quế Châu là Tào Trực Tĩnh ([4]) đánh giết được Kiến. Nhâm Tuất [722], (Đường Huyền Tông, Long Cơ, Khai Nguyên năm thứ 10). Tướng giặc là Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn. Vua Đường sai nội thị tả giám môn vệ tướng quân là Dương Tư Húc và Đô hộ là Nguyên Sở Khách đánh dẹp yên được. Mậu Tuất [758], (Đường Túc Tông Hanh, Chí Đức năm thứ 3). Nhà Đường đổi An Nam Đô Hộ Phủ làm Trấn Nam Đô Hộ Phủ. Đinh Mùi [767], (Đường Đại Tông Dự, Đại Lịch thứ 2). [Người] Côn Lôn ([5]), Chà Bà ([6]) đến cướp, đánh lấy châu thành. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi cầu cứu với Đô uý châu Vũ Định là Cao Chính Bình. Quân cứu viện đến, đánh tan quân Côn Lôn”.

      Như vậy đây là sự thật, hai bản dịch của bộ ĐVSK Toàn thư đều ghi là “Tướng giặc Mai Thúc Loan” cả.

Xem tiếp tục Khâm định VSTGCM ([7]) của Quốc sử quán triều Nguyễn, cũng lấy từ trang mạng nomna.org, thì thấy sách này viết như sau: “… Năm Nhâm tuất (722). (Đường, Huyền tông, năm Khai Nguyên thứ 10). Tháng 7, mùa thu. Ở Hoan Châu Mai Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế. Nhà Đường, sai bọn nội thị Dương Tự Húc sang đánh, phá được …”.

Như vậy là Khâm định VSTGCM không ghi Mai Thúc Loan là “tướng giặc”, người anh hùng dân tộc đã nổi dậy và chiếm giữ Hoan Châu, theo Đất nước Việt Nam qua các đời ([8]) thì vào thời Đường, An Nam đô hộ phủ cai quản 14 châu, trong đó có 8 châu là Giao Châu, Lục Châu, Phong Châu, Trường Châu, Ái Châu, Diễn Châu, Hoan Châu và Phúc Lộc Châu nằm trên đất nước ta; riêng Hoan Châu lúc bấy giờ gồm có 4 huyện là Cửu Đức (miền huyện Hưng Nguyên), Phố Dương (miền huyện Nghi Lộc, Nghi Xuân), Việt Thường (miền huyện Đức Thọ), Hoài Hoan (miền huyện Nam Đàn, Anh Sơn) và “trị sở của châu ở khoảng núi Lam Thành, tức là Rú Thành, đó sẽ là trụ sở của phủ Nghệ An ở thời Trần Lê”.

Về hai bản dịch bộ Đại Việt sử ký toàn thư tại Việt Nam:

      Lời nói đầu của bộ ĐVSK Toàn thư (trọn bộ 2 tập) do Nxb Văn hóa thông tin xuất bản năm 2004 cho chúng ta biết “… Năm 1967, lần đầu tiên bộ ĐVSK Toàn thư gồm 4 tập do nhà Hán học Cao Huy Giu dịch và Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính ra mắt bạn đọc ([9]) … Sau này, chúng ta được biết bản in xưa nhất của bộ ĐVSK Toàn thư là bản Nội các quan bản được in từ văn khắc năm Chính Hòa 18 (1697). Bản in này do Giáo sư sử học Phan Huy Lê mang từ Paris về nước ([10])…Như vậy trong mấy chục năm qua, giới nghiên cứu và bạn đọc yêu mến lịch sử nước nhà đã có hai bản dịch về cùng một bộ sách vĩ đại ấy …”.

Về việc hoàn thành bộ ĐVSK Toàn thư:

      Bộ ĐVSK Toàn thư hiện nay chúng ta đang sử dụng được hoàn thành qua những giai đoạn như sau:

      -Đầu tiên, năm 1272 đời vua Trần Thánh Tông, Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký chép từ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) đến năm đầu Lý Chiêu Hoàng.

      -Năm 1455 đời vua Lê Nhân Tông, Phan Phu Tiên viết tiếp bộ Đại Việt sử ký từ Trần Thái Tông đến 1428 khi quân Minh thua rút về nước.

      -Hồ Tông Xác viết bộ Việt sử cương mục ([11]).

      -Năm 1479 đời vua Lê Thánh Tông, Lễ bộ Hữu thị lang Triều liệt đại phu kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp kiêm Sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên viết ĐVSK Toàn thư chép từ Hồng Bàng Thục Vương (gọi là ngoại kỷ) đến 1428 khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi. Theo bài tựa sách này thì Ngô Sĩ Liên đã “… lấy hai bộ sách của tiên triều sửa chữa chép lại, thêm vào một quyển ngoại kỷ, cộng thành mấy quyển gọi là ĐVSK Toàn thư, có việc nào sót quên thì bổ thêm vào, có lệ nào chưa đúng thì cải chính lại; văn có chỗ nào chưa ổn thì đổi đi, gián hoặc có việc hay dở có thể khuyên răn được thì góp thêm ý kiến quê mùa ở sau…” ([12]).

      -Năm 1511 đời vua Lê Tương Dực, Binh bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tư nghiệp kiêm Sử quan đô tổng tài Vũ Quỳnh viết Đại Việt sử thông giám, chia từ Hồng Bàng thị đến 12 sứ quân làm “ngoại kỷ”, từ Đinh Tiên Hoàng đến năm đầu Thái tổ Cao hoàng đế làm “bản kỷ” ([13]).

      -Năm 1514 đời vua Lê Tương Dực, Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu tri Kinh diên sự Đôn thư bá Trụ quốc Lê Tung soạn Đại Việt thông giám tổng luận.

      -Năm Canh thìn 1520 vua Lê Chiêu Tông, Lễ bộ thượng thư kiêm Sử quán phó tổng tài tri Chiêu văn quán Tú lâm cục Đặng Minh Khiêm soạn bộ Đại Việt lịch đại sử ký.          

-Năm 1665 đời vua Lê Hiển Tông, Tham tụng Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Thiếu bảo Yên quận công Phạm Công Trứ viết Đại Việt sử ký tục biên, chia từ Hồng Bàng thị đến Ngô sứ quân làm “Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư”, từ Đinh Tiên Hoàng đến Thái tổ Cao hoàng đế làm “Bản kỷ toàn thư”, từ Lê Thái Tông đến Lê Cung Hoàng làm “Bản kỷ thực lục”, từ Lê Trang Tông đến Lê Thần Tông làm “Bản kỷ tục biên”.

      -Năm 1697 đời vua Lê Hi Tông, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng Hình bộ Thượng thư tri Trung thư giám Lai Sơn tử Lê Hi viết Đại Việt sử ký tục biên, chép thêm từ Lê Huyền Tông đến năm Đức Nguyên thứ 2 đời Lê Gia Tông.

Ngoài những người được nêu tên ở trên và ngoài Đại Việt thông giám tổng luận do một mình Lê

Tung soạn, mỗi công trình còn được rất nhiều người tham gia, căn cứ vào Bài tựa hoặc Biểu dâng sách ta được biết:

Đại Việt sử ký tục biên năm 1665, ngoài Phạm Công Trứ còn có Tả thị lang Dương Hạo; Hữu thị lang Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Quốc Khôi, Đặng Công Chất; Tự khanh Nguyễn Công Bích; Đông các Bùi Đình Viên; Thị thư Đào Công Chính; Thị chế Ngô Khuê; Phủ doãn Nguyễn Đình Chính; Cấp sự trung Nguyễn Công Bật; Hàn lâm Nguyễn Viết Thứ, Vũ Duy Đoán ([14]).

Đại Việt sử ký tục biên năm 1697, ngoài Lê Hi còn có Quang tiến thận lộc đại phu Bồi tụng Hộ bộ Hữu thị lang Liêm đường nam Nguyễn Quý Đức; Hoằng Tín đại phu Bồi tụng Thái bộc tự khanh tri Thị nội thư tả Binh phiên Nguyễn Công Đổng; Hoằng Tín đại phu Bồi tụng Hồng lô tự khanh tri Thị nội thư tả Hộ phiên Vũ Thạnh; Hoằng tín đại phu Bồi tụng Phụng Thiên phủ doãn tri Thuỷ sư Hà Tông Mục; Tiến công lang Bồi tụng Lại khoa cấp sự trung tri Thị nội thư tả Hộ phiên Nguyễn Hành; Tiến công lang Hộ khoa cấp sự trung Nguyễn Trí Trung; Tiến công lang Công khoa cấp sự trung Nguyễn Đương Bao; Cẩn sự lang Hàn lâm viện hiệu lí Nguyễn Mại; Cẩn sự tá lang Hàn lâm viện hiệu thảo Nguyễn Hồi; Cẩn sự tá lang Hàn lâm viện hiệu thảo Ngô Công Trạc; Tiến công lang Chiêu văn quán Tư huấn Trần Phụ Dực; Tiến công lang Chiêu văn quán Tư huấn Đỗ Công Bật; Nội sai đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Tư lễ giám Tổng thái giám phó tri Thị nội thư tả Binh phiên Khoan Hải hầu Phạm Đình Liêu phụng giám đằng san; Nội sai đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Tư lễ giám đồng tri giám sự Thiêm tri bộ binh Thư tả lệnh sử Hiệu nghĩa hầu Nguyễn Thành Danh phụng giám đằng san; Nội sai đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Tư lễ giám tả giám thừa Khuê tường hầu Nguyễn Tuấn Đường phụng giám đằng san; Nội sai đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Tư lễ giám tả giám thừa Vọng tường hầu Ngô Quán Luân phụng giám đằng san; Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Thiếu khanh Phó câu kê tướng thần lại Diệu đường tử Ngô Đức Thắng phụng khán đằng tả; Phó cai hợp tướng thần lại Thiếu khanh Hồng giang nam Lê Sĩ Huân phụng thuộc khán đằng; Ưu trúng Thị nội thư tả Binh phiên Cao Đăng Triều phụng đằng; Ưu trúng Thị nội thư tả Binh phiên Đỗ Công Liêm phụng đằng. Ưu trúng Thị nội thư tả Thuỷ binh phiên Đặng Hữu Phỉ phụng đằng; Ưu trúng Đô lại Nguyễn Hữu Đức phụng đằng; Tử nhân Hồng Lục, Liễu Chàng đẳng xã nhân phụng san ([15]).

      Rất tiếc, các công trình trước Đại Việt sử ký tục biên năm 1665 đều không ghi tên những người tham gia, hoặc nay không còn, nên không biết được tường tận. Tuy nhiên cũng có thể xác quyết rằng những sách này cũng là một công trình tập thể có nhiều người mới làm được.

Xin được nêu mấy vấn đề để chúng ta cùng suy ngẫm, cũng xin nói cho rõ, bài viết này của tôi chỉ giới hạn trong khuôn khổ “ghi chép về Mai Thúc Loan” mà thôi, không có ý bao hàm cả toàn bộ sách ĐVSK Toàn thư vì Mai Thúc Loan chỉ là một sự việc nhỏ trong hàng triệu sự việc được nêu lên trong sách.

1-Ở trên chúng ta đã biết bộ ĐVSK Toàn thư mà ngày nay chúng ta đang có là do nhiều đời tác giả hoàn thành, xem những Bài tựa hoặc Biểu dâng sách sau đây thấy:

      a. Ngô Sĩ Liên::

            +Biểu dâng sách viết “… Đem hai bộ Đại Việt sử ký trước tham khảo với dã sử, soạn thành bộ ĐVSK Toàn thư …” ([16]).

            +Bài tựa viết “…Văn Hưu là đại thủ bút của đời Trần, Phu Tiên là bậc cố lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên chép lịch sử của nước nhà, tìm khắp các sách sử còn lại, tóm chép thành sách, để cho người xem sau này không còn tiếc nữa là được. Song ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn, người đọc không khỏi có chỗ còn chưa vừa ý. Chỉ có bộ Việt sử cương mục của Hồ Tông Xác làm là chép việc thận trọng mà có phép tắc, bàn việc thiết đáng mà không rườm, cũng là bực giỏi …” ([17]).

      b.Phạm Công Trứ viết “… Do đó mà xem thì việc biên tập quốc sử đã làm đến ba bốn lần rồi, nhưng vì chưa khắc in mà ban bố, cho nên sao chép theo nhau lầm lẫn, không khỏi có sự sai lầm hợi ra thỉ , ngư ra lỗ …, nếu không hiệu đính lại, thì làm thế nào mà rửa bỏ được thói quen theo nhau lâu ngày ấy… Vì thế cùng nhau gia công tìm kiếm, gián hoặc thấy có chỗ nào sao chép sót sai, chử nghĩa không chạy, thì suy tìm ý nghĩa mà sửa chữa một vài để cho người đọc dễ hiểu, chứ không dám thêm thắt đoán chừng…” ([18]).

      c.Lê Hi viết “… sai bọn thần khảo đính sử cũ, chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy. Về thế thứ, phàm lệ, niên biểu, hết thảy đều y theo những tác phẩm trước, lại tìm kiếm chuyện cũ, tham khảo các sách dã sử loại biên …” ([19]).

      Xem các bài tựa hoặc biểu dâng sách đều có một điểm chung là “theo sách cũ”, nhưng lại có “hiệu đính”, “chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy…” .

2- Xem xong ghi chép về Mai Thúc Loan trong Khâm định VSTGCM mới vở lẽ rằng những gì ĐVSK Toàn thư ghi chép về Mai Thúc Loan là lấy từ trong Tân Đường thư ([20]), một bộ sử của nhà Đường Trung Hoa, và lẽ dĩ nhiên thì Đường thư phải gọi Mai Thúc Loan là “tướng giặc”. Điều đáng buồn ở đây là các sử quan Việt Nam, viết về lịch sử Việt Nam, nhưng lại dùng Đường thư khi viết về Mai Thúc Loan. Đã trải qua 8 lần viết, bổ sung với hàng chục quan lại tham dự, viết xong còn phải dâng lên vua, lên chúa ngự lãm trước khi được chiếu chỉ cho ban hành nhưng không hiểu sao lại để xảy ra việc Đường thư hiện diện như vậy. Ở trên tôi đã cố ý nêu tên những người tham gia vào việc viết hai phần Đại Việt sử ký tục biên năm 1665 và Đại Việt sử ký tục biên năm 1697 cũng chỉ nhằm chứng minhrằngnhững người nàylà những quan lại có vai vế, thậm chí là có chức tước lớn trong thời Lê – Trịnh, và họ có dư trình độ để viết nên những công trình này.

3-Ngay cảLê Tắc còn viết trong sách An Nam chí lược : “Sơ niên, hiệu Khai Nguyên (713-714), của Huyền Tông, soái trưởng Giao Châu là Mai Thúc Loan làm phản, hiệu xưng là Hắc Đế, ngoài thì kết giao với quân của Lâm Ấp và Chân Lạp, tập hợp được 30 vạn quân sĩ, chiếm cứ nước An Nam. Vua Huyền Tông ra lời chiếu sai quan Tả giám môn vệ tướng quân là Dương Tư Miễn và quan Đô hộ là Nguyên Sở Khách qua đánh, cứ noi theo con đường cũ của Mã Viện đi tới phá quân của Loan, thâu những xác chết đắp thành gò lớn, rồi kéo về” ([21]).

4-Tuy những bộ sách có trước bộ 1697 (bộ Nội các quan bản) hiện nay đều không còn, nhưng xem Đại Việt thông giám tổng luận ([22]) do Lê Tung soạn vào năm 1514, dựa vào Việt giám thông khảo của Vũ Quỳnh ([23]), nhằm mục đích “… tóm tắt đại yếu để cho khi xem mà đạo cương thường của trời đất càng rõ rệt, đạo trị bình của đế vương càng sáng thêm, như giường lưới đã cất thì các mắt lưới đều căng ra, như gương sáng đã treo thì muôn hình tượng đều chiếu thấy, có quan hệ đến đời lớn lắm vậy…”, sau đó viết tiếp “…Mai Hắc Đế nổi lên từ Châu Hoan, căm giận ngược chính của Sở Khách, cất quân để đánh, phía nam giữ đất Hải Lĩnh, phía bắc chống lại nhà Đường có thể gọi là bậc vua hào kiệt. Tiếc rằng không tài chống giặc, lòng người ít theo, nên không thể át nổi cái loạn Dương Tư Húc…” ([24]).

Như vậy có thể thấy rằng các bộ sách sử Việt Nam ra đời trước năm 1514 đều không có sách nào ghi Mai Thúc Loan là “tướng giặc” cả, dù những tác giả viết nên những bộ sử cũng đã đọc được Đường thư.

Vậy thì chỉ còn có thể kết luận việc ghi Mai Thúc Loan là “tướng giặc” chỉ có thể bắt nguồn từ một trong ba bộ sử viết sau 1514, đó là Đại Việt lịch đại sử ký doLễ bộ thượng thư kiêm Sử quán phó tổng tài tri Chiêu văn quán Tú lâm cục Đặng Minh Khiêm soạn năm 1520, Đại Việt sử ký tục biên do Tham tụng Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Thiếu bảo Yên quận công Phạm Công Trứ viết năm 1665, và Đại Việt sử ký tục biên do Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng Hình bộ Thượng thư tri Trung thư giám Lai Sơn tử Lê Hi viết năm 1697. Nhưng Đại Việt sử ký tục biên của Lê Hi chỉ chép thêm từ Lê Huyền Tông đến năm Đức Nguyên thứ 2 đời Lê Gia Tông thì có thể bỏ qua tác giả này, vì vậy chỉ còn lại hai bộ của Đặng Minh Khiêm và Phạm Công Trứ, rất tiếc là cả hai bộ sách này đều không còn.

5-Ngay cả bộ sử Khâm định VSTGCM của triều Nguyễn cũng không có một lời nào để đính chính cho ĐVSK Toàn thư cũng như khẳng định việc nổi dậy chống quân xâm lược Đường của vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan, chỉ thấy ghi “Ở Hoan Châu Mai Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế” (không còn ghi Mai Thúc Loan là tướng giặc). Cả các nhà sử học sau này khi dịch và cho xuất bản ĐVSK Toàn thư cũng không thấy một lời nào để đính chính sai lầm của ĐVSK Toàn thư cả.

     

Chú thích:

([1])ĐVSK Toàn thư, Nxb Văn hóa Thông tin 2004, trang 167. Chú thích bên dưới trang sách này viết: “Tân Đường thư q.207, Dương Tư Húc truyện chép rằng: Đầu đời Khai Nguyên, thủ lĩnh Man ở An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, tự hiệu là Hắc Đế, dấy quân 32 châu, ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân giữ miền biển phương nam, xưng quân chúng đến 40 vạn người. Dương Tư Húc xin đi, mộ con em các thủ lĩnh 10 vạn người cùng với đại đô hộ An Nam là Quang Sở Khách, đi theo đường của Mã Viện, xuất kỳ bất ý. Giặc sợ hãi, không kịp mưu tính, bèn cả thua”.

([2])Toàn bộ “hình ảnh, tách câu và phiên âm, dịch quốc ngữ” đều được lấy từ trang mạng nomna. org, tôi chỉ ghi lại thành từng cột để dễ đối chiếu mà thôi. Xin chân thành cám ơn trang mạng nomna. org.
([3])Trong bản khắc có chữ “chúng” này, nhưng phần tách câu để trống, ở đây thể hiện bằng một hình vuông, do không tìm thấy chữ như vậy. Các chữ (Cột 1), (Cột 2),… (Cột 9) là do tôi ghi để người đọc dễ tìm thấy và so sánh với bản in.
([4])Tân Đường thư, Cựu Đường thư, Thông giám đều chép là Tào Huyền Tĩnh.
([5]) Côn Lôn: thư tịch Trung Hoa từ thế kỷ IV, nhất là từ thời Đường, thường dùng tên Côn Lôn để chỉ một số cư dân trong vùng Nam Hải, tức vùng Đông Nam Á ngày nay. Tuệ Lâm trong Nhất Thiết kinh âm nghĩa (q.61) soạn năm 817, nói rằng “Côn Lôn…cũng gọi là Cốt Luân, là người Di ở các đảo châu Nam Hải, rất đen… chủng loại có nhiều”. Cựu Đường thư, Nam Man truyện cùng chép “Từ Lâm Ấp trở về phía nam, đều tóc quăn, da đen, gọi chung là Côn Lôn”. Như vậy, Côn Lôn là một sự phiếm chỉ, khó có thể xác định đó là cư dân một nơi nào ở Đông Nam Á hiện nay.
([6]) Chà Bà: phiên âm tên đảo Java, có tài liệu ghi là Chà Và.
([7])Khâm định VSTGCM của Quốc sử quán triều Nguyễn (1856-1881); Viện Sử học dịch (1957-1960); Nxb Giáo dục (Hà Nội – 1998); Chuyển sang ấn bản điện tử bởi Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Thanh Quyên (2001); Điều hợp: Lê Bắc.
([8])Sách đã dẫn, từ trang 174 đến 176.
([9])Theo Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh (Nxb Thuận Hóa 2006, trang 11), thì “Bản lưu hành ngày nay là do Quốc tử giám đời Lê khắc in, bản in đã được chuyển vào Quốc sử quán nhà Nguyễn ở Huế”.
([10])Bản in Nội Các Quan Bản; Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697); Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên… soạn thảo (1272 – 1697); Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 – 1992); Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội – Hà Nội 1993; Tác giả -Văn bản-Tác phẩm: Phan Huy Lê; Chuyển sang ấn bản điện tử bởi Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Hồng Ty, Nguyễn Quang Trung; Điều hợp: Lê Bắc – bacle@hotmail.com 2001 (Tài liệu từ trang mạng nomna.org)
([11]) Không rõ viết từ đâu đến đâu và hoàn thành từ năm nào
([12])Cũng trong Bài tựa, Ngô Sĩ Liên viết: “…Văn Hưu là đại thủ bút của đời Trần, Phu Tiên là bậc cố lão của thánh triều ta … song ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn, người đọc không khỏi có chỗ còn chưa vừa ý. Chỉ có bộ Việt sử cương mục của Hồ Tông Xác làm là chép việc thận trọng mà có phép tắc, bàn việc thiết đáng mà không rườm, cũng là bực giỏi …”. Tôi cho rằng Ngô Sĩ Liên không chỉ dựa vào “hai bộ sách của tiền triều” mà còn dựa vào Việt sử cương mục vì không phải ngẫu nhiên mà Ngô Sĩ Liên ca ngợi Việt sử cương mục như thế. Do đó, trong quá trình hoàn thành bộ Đại Việt sử ký toàn thư tôi đưa cả Việt sử cương mục vào trước, rất tiếc không tìm được tài liệu nào về tác phẩm và tác giả này.
([13])Tức vua Lê Thái Tổ – Lê Lợi.
([14])ĐVSK Toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin 2004, tập 1, trang15.Tả hữu thị lang (đứng hàng thứ nhì ở các bộ, giúp việc cho thượng thư, hàm tòng tam phẩm); Tự khanh (đứng đầu ở 6 tự là Đại lí tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự, Thượng bảo tự, hàm chánh ngũ phẩm); Đông các (là Đông các học sĩ, hàm tòng ngũ phẩm); Thị thư (là Hàn lâm viện Thị thư, hàm chánh lục phẩm); Thị chế (là Hàn lâm viện Thị chế, hàm chánh lục phẩm); Phủ doãn (là Phụng thiên phủ doãn, hàm chánh ngũ phẩm); Cấp sự trung (ở 6 khoa, hàm chánh bát phẩm); Hàn lâm (ở đây không ghi rõ chức vụ gì nhưng xem nguyên tắc chung là chức lớn ghi trước chức nhỏ ghi sau, danh sách hai vị này ghi sau Cấp sự trung vậy phải là Hàn lâm viện Điển nghĩa hàm tòng bát phẩm).
([15])ĐVSK Toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin 2004, tập 1, trang11 – 12.Từ khi Bình an vương Trịnh Tùng lên thay cha là Trịnh Kiểm thì quyền hành chính sự đều ở trong tay phủ chúa, để thực hiện việc này, chúa Trịnh cho đặt Phủ liêu gồm “6 phiên: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công” tương tự như 6 bộ của triều đình, đồng thời đặt chức Tham tụng, Bồi tụng cầm đầu Phủ liêu. Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu (hiệu của quan văn hàm chánh nhất phẩm); Tham tụng (chức quan đứng đầu Phủ liêu trong Phủ đường Chúa Trịnh, có nhiệm vụ dự họp nơi triều đình hoặc Phủ đường do nhà vua hoặc nhà chúa chủ toạ vì Tham tụng thường kiêm chức thượng thư bên triều đình, Tham tụng còn thường được giao chức Thái bảo dạy thế tử con trai nối ngôi chúa, chủ toạ những phiên họp hẹp của Phủ đường); Trung thư giám (cơ quan chuyên việc chép tờ kim tiên – giấy rắc vàng chép lời phong trong kim sách – hoặc ngân tiên – lời phong trong ngân sách – chế sách và các bài biểu, gián, quan lịch, văn tế ởđiện, miếu); Tử (tước phong cho công thần gồm công, hầu, bá, tử, nam); Quang tiến thận lộc đại phu (hiệu của quan văn hàm tòng nhất phẩm); Bồi tụng (đứng hàng thứ hai trong phủ chúa Trịnh, giúp Tham tụng xem xét các tờ khải dâng lên, duyệt lại các quyết định của các bộ, thường do chúa Trịnh tự ý chọn dùng); Hoằng Tín đại phu(hiệu của quan văn hàm chánh ngũ phẩm); Thái bộc tự khanh (đứng đầu Thái bộc tự, giữ xe vua và hoàng tử, chuồng ngựa của vua, kiểm soát mục súc trong nước); Hồng lô tự khanh (đứng đầu Hồng lô tự, coi nghi tiết triều hội, khánh hạ, sắp xếp trật tự ban thứ, ngôi vị, lễ nghi tiếp đón sứ giả nước ngoài, lễ xướng danh thi Ðình);Phủ doãn (là Phụng thiên phủ doãn, hàm chánh ngũ phẩm, có nhiệm vụ đàn áp cường hào, xét những vụ kiện do huyện quan xử mà kêu lại ở bản hạt, khảo xét thành tích quan lại, khảo luận sĩ tử kỳ thi Hương; đời Minh Mạng là quan đứng đầu phủ Thừa Thiên và kinh thành hàm chánh tam phẩm); Tiến công lang (hiệu của quan văn hàm chánh bát phẩm); Cẩn sự lang (hiệu của quan văn hàm chánh thất phẩm); Hàn lâm viện hiệu lí (giữ việc kiểm sát, chỉnh lý và sẵn sàng cho ý kiến về văn từ trong chiếu chỉ, cùng là chú giải khi có người hỏi về những chữ trong chiếu chỉ của nhà vua); Cẩn sự tá lang (hiệu của quan văn hàm tòng thất phẩm); Hàn lâm viện hiệu thảo (giữ việc kiểm thảo các văn thư; thời Hậu Lê chức quan này là Hàn lâm viện kiểm thảo, đến thời Lê trung hưng vì kị húy tên chúa Trịnh Kiểm nên đổi thành Hiệu thảo); Chiêu văn quán Tư huấn (sao chép, hiệu đính tứ khố đồ thư ở Hàn lâm viện, hàm chánh bát phẩm); Tư lễ giám Tổng thái giám (đứng đầu Ty thái giám trong nội cung, hàm chánh tam phẩm); Đồng tri giám (đứng hàng thứ 5 trong Ty thái giám, hàm chánh ngũ phẩm); Giám thừa (đứng hàng thứ 6 trong Ty thái giám, hàm tòng ngũ phẩm); Thiếu khanh (đứng thứ hai ở các tự, hàm chánh lục phẩm); Phó câu kê tướng thần lại (ở Đàng Ngoài không rõ được chức trách và hàm, còn ở Đàng Trong thì Phó Câu kê đứng hàng thứ ba trong Tướng thần lại ty, sau Cai bạ và Câu kê, Cai hợp xếp sau Câu kê; có chức trách trưng thu tiền thóc và phát lương cho quân lính các đạo); Phụng giám đằng san (vâng lệnh xem xét để sửa chữa, cải chính, nếu có); Đằng tả (sao chép); Phụng san (vâng lệnh khắc in).         
([16])ĐVSK Toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin 2004, tập 1, trang19.
([17])ĐVSK Toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin 2004, tập 1, trang17.
([18])ĐVSK Toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin 2004, tập 1, trang14 – 15.
([19])ĐVSK Toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin 2004, tập 1, trang10.
([20])Tân Đường thư (tên gọi để phân biệt với Cựu Đường thư của Lưu Hu nhà Hậu Tấn thời Ngũ đại thập quốc), là bộ sách lịch sử nằm trong 24 bộ chính sử Trung Hoa ghi chép về lịch sử hưng thịnh và suy vong của nhà Đường từ thời Đường Cao Tổ(618) cho tới thời Đường Ai Đế (907) gồm 225 quyển, trong đó bản kỷ 10 quyển, chí 50 quyển, biểu 15 quyển và liệt truyện 150 quyển, được giới nghiên cứu và sử học Trung Hoa coi là một kiệt tác ([20]). Trong bản kỷ Đường Huyền Tông (quyển 5) viết: “Huyền tông còn muốn mở rộng đất đai nên đã đem quân sang xâm chiếm bán đảo Triều Tiên, củng cố nền thống trị ở An Nam”, điều này đồng nghĩa với việc những ai chống đối nhà Đường đều bị Đường thư coi là “giặc”.
([21])Nxb Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây 2002, trang 117. Lê Tắc là quan Thị lang dưới triều Trần Thái Tông, được chuyển sang giúp việc cho Chương hiến hầu Trần Kiện. Năm 1285, giặc Nguyên xâm lược nước ta, Trần Kiện đem thủ hạ và quân lính, trong đó có Lê Tắc, sang đầu hàng Thoát Hoan. Bị quân ta chận đánh ở Chi Lăng, Trần Kiện bỏ mạng, Lê Tắc ôm thây chủ chạy thoát qua Trung Hoa, được nhà Nguyên phòng làm tòng Thị lang rồi theo Trần Ích Tắc về nước, nhưng cũng bị quân ta chận đánh, Lê Tắc lại chạy được về Trung Hoa và từ đó làm dân vong quốc. Năm 1292, Lê Tắc được phong hàm Phụng sự lang giữ chức Đồng Tri châu An Tiêm, từ đó yên phận dưởng lão, chuyên nghiên cứu sách vở và soạn ra bộ An Nam chí lược. Sách có lẽ được viết xong vào khoảng năm 1335. “…Xét về lập trường dân tộc, về tư cách cá nhân soạn giả…không thể không lên án Lê Tắc…Những điều Lê Tắc viết ra, mà người ngoài phải công nhận là hơn cả các sử gia danh tiếng như Tư Mã Thiên, Ban Cố (hơn ở một số phương diện) không phải hoàn toàn do cái tài của Lê Tắc, mà do cái vốn văn hóa Việt Nam giàu có, hào hùng. Người nước ngoài phải chú ý đến An Nam chí lược chính là ở đó…” (An Nam chí lược, sách đã dẫn, trang 22-23).
([22])ĐVSK Toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin 2004, tập 1, từ trang 39 đến trang 61. 
([23])Do Đại Việt sử thông giám không còn, cũng không có bài tựa … nên không thể biết được Vũ Quỳnh căn cứ vào đâu mà viết nên Đại Việt sử thông giám.  

([24])ĐVSK Toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin 2004, tập 1, trang 44. Chú ý: ghi rõ Dương Tư Húc là loạn.

Nguồn bài đăng

Bình luận về bài viết này