Bản tuyên bố về lịch sử vương triều Mạc (bài 1)

images1473431_mac

Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc tại Hải Phòng

Nguyễn Xuân Lung

LỜI MỞ ĐẦU

          Chúng tôi được biết chính phủ nước CHXHCNVN đã quyết định đầu tư, tổ chức và tập trung các nhà khoa học hàng đầu ngành sử học trong cả nước thực hiện việc biên dịch, hiệu đính, sửa chữa bổ sung và viết tiếp bộ quốc sử của đất nước.

          Trải qua hàng mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc, lịch sử dựng nước, bảo vệ đất nước, dựng xây đất nước đã được các thế hệ tiền nhiệm trao gửi cho các thế hệ đời sau bằng các tác phẩm lịch sử được gọi là quốc sử như bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” hoặc “Việt sử thông giám cương mục”. Quá trình hình thành nên bộ quốc sử “Đại Việt sử ký toàn thư”  là sự cấu thành tổng hợp các tác phẩm lịch sử của từng thời kỳ lịch sử của đất nước ta như: “Đại Việt sử ký”  do sử thần Lê Văn Hưu thực hiện, “Sử ký tục biên” do sử thần Phan Phù Tiên biên soạn, tiếp theo là “Sử ký toàn thư” do sử thần Ngô Sỹ Liên soạn chép và sau đó là bộ “Bản kỷ tục biên” do các sử thần đời Lê trung hưng sửa chữa, bổ xung, chép mới mà thành.

          Gần đây nhất các sử thần triều đình nhà Nguyễn biên soạn bộ “Việt sử thông giám cương mục”. Thời gian tiếp theo sau đó vào những năm 1971, năm 2007 các tác phẩm lịch sử như “Lịch sử Việt Nam”, “Lịch sử Việt Nam thế kỷ…” do các sử gia ngày nay thực hiện. Quá trình liên tục này không nằm ngoài mục đích bổ xung sự kiện lịch sử giai đoạn trước kia và chép mới lịch sử tiếp theo của đất nước, hành trình dài lâu từ các thế hệ sử gia là nhằm gìn giữ những giá trị chân chính của lịch sử đồng thời đảm nhiệm việc kế thừa từ quá khứ cho hiện tại và tương lai hậu thế.

          Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp nguyên chủ tịch danh dự hội sử học Việt Nam từng nói: “Lịch sử chỉ diễn ra một lần còn viết sử phải trải qua nhiều lần”, do nguyên nhân nào mà sử phải viết đi viết lại nhiều lần? Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tập trung lại là hai nguyên nhân cơ bản sau đây:

          * Nguyên nhân từ khách quan: Sử cũ không ghi chép hết các sự kiện của lịch sử, ngày nay dưới ánh sáng khoa học của các ngành học khác như: Khảo cổ học, văn bản học, khoa học kỹ thuật tiên tiến rọi vào quá khứ, bắt lịch sử phải lên tiếng, do đó cần phải bổ xung các sự kiện lịch sử này vào sử. Con người hiện tại không thể phục hồi nổi sự kiện lịch sử vì thời gian quá xa hoặc do chiến tranh, do loạn lạc, sử liệu đời xưa bị mất mát thất lạc nay được tìm ra, người chép sử đời nay phải biên dịch và chép bổ xung những tìm tòi khám phá mới này.

          * Nguyên nhân từ chủ quan: Nguyên nhân này từ con người gây nên, trải qua thời gian xoay chuyển, chế độ chính trị này thay thể chế độ chính trị khác. Triều đại mới thay thế triều đại cũ, do sức ép từ gươm giáo, vật chất nên con người cụ thể là các nhà soạn sử, tuân lệnh phụng sự theo ý chí và mục đích nhà cầm quyền đương thời trong công việc soạn sử. Những sự kiện lịch sử ra đời như vậy người ta gọi là: “Lịch sử nhận thức”, “lịch sử nhận thức” loại bỏ sự thật lịch sử ra khỏi từng sự kiện lịch sử đã xảy ra mà nó đối kháng, đồng thời phá hủy hai giá trị cơ bản khách quan và công bằng của lịch sử nguyên thủy. Do vậy, người phê bình lịch sử đời sau dày công nghiên cứu nhận dạng “lịch sử nhận thức”, đồng thời trả lại cho lịch sử đã bị bóp méo sai sự thật trở lại với chính nó. Chính vì vậy, sử cần soạn lại nhiều lần như cố đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói ở trên.

          Kính thưa Quý vị!

          Chúng tôi là người họ Mạc – gốc Mạc sinh sống tại Hà Nội cùng với mọi dòng họ trên đất nước đứng trước một “cơ hội”, một “cơ hội” quý báu để đóng góp những chính kiến mới với lịch sử dân tộc nói chung hay lịch sử từng triều đại nói riêng. Đó là một “cơ hội” góp phần cho quá trình minh bạch lịch sử hiếm hoi này. Bản thân chúng tôi là những người không có chuyên môn về lịch sử hay địa lý, thậm chí không có văn bằng chứng chỉ gì từ các môn xã hội học, là một tập thể người họ Mạc- gốc Mạc trải qua nhiều năm, mỗi người mỗi việc, thảo luận tranh cãi rồi chấp bút. Nguồn sách vở do tự tìm kiếm và tiếp cận, trong đó phải kể đến nguồn sách vở quan trọng nhất là do được sự giúp đỡ từ cố PGS – TS sử học Nguyễn Hải Kế, ông đã cho phép chúng tôi khai thác nguồn sách lịch sử rất lớn tại khoa sử trường ĐH KHXH&NV mà ông là trưởng khoa. Cộng vào đó là nguồn tư liệu lịch sử, dư địa chí tại thư viện quốc gia, thư viện viện sử học, thư viện viện thông tin, thư viện viện Hán nôm và các nhà sách tư nhân trong cả nước.

          Là những người bình dân ngoài xã hội chữ nghĩa vốn từ hạn hẹp dấu phảy dấu chấm lộn xộn không khỏi gây khó chịu phản cảm cho người đọc, chúng tôi cũng thành tâm xin được bỏ qua những hạn chế không mong muốn này.

Nội dung trong bản công bố này gồm 7 phần như sau :

          Phần I: Lịch sử nhà Mạc là lịch sử nhận thức hay lịch sử khách quan

          Phần II: Sự kiện số I

          Phần III: Sự kiện số II

          Phần IV: Sự kiện số III

          Phần V: Sự kiện số IV

          Phần VI: Sự kiện số V

          Phần VII: Kết luận chung

Phần I: Lịch sử nhà Mạc là lịch sử nhận thức hay lịch sử khách quan

 

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẦU TIÊN CẦN LÀM RÕ

          Vương triều Mạc là một triều đại tồn tại chính thức trong lịch sử Việt Nam, kéo dài 150 năm từ lúc xuất hiện đến lúc suy vong (1527 – 1677). Sự xuất hiện lịch sử vương triều Mạc trong bộ quốc sử “Đại Việt sử ký toàn thư” từ 300 năm qua, xu thế của toàn xã hội là lên án phê phán gay gắt nhà Mạc. Những tồn tại không mong muốn này xuyên qua ba thế kỷ, hệ lụy của nó ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình minh bạch lịch sử nói chung và vương triều Mạc nói riêng. Do vậy, những vấn đề đầu tiên cần phải làm rõ gồm các nội dung như sau: Mô tả hai nguồn sử liệu trực tiếp và gián tiếp áp dụng vào công việc soạn sử, đồng thời phân tích mục đích, phương pháp, nguồn sử liệu được sử dụng trong việc soạn lịch sử nhà Mạc do các sử gia Lê trung hưng thực hiện. Cùng với nội dung trên cần làm rõ nguồn sử liệu trực tiếp ra đời từ vương triều Mạc và dòng họ Mạc hiện nay còn lại những gì. Những việc làm đầu tiên này là hết sức cơ bản, nhằm khởi tạo xây dựng một hành lang lý luận cơ sở được hiểu đơn giản từ sử học, phục vụ cho tiến trình bạch hóa năm sự kiện lịch sử chính quan trọng của nhà Mạc, được chúng tôi trình bày trong bản tuyên bố sau đây.

  1. NGUỒN SỬ LIỆU CHÍNH SỰ TRỰC TIẾP RA ĐỜI TỪ VƯƠNG TRIỀU MẠC ĐẾN NAY CÒN NHỮNG GÌ?

1.1. Nguồn thư tịch của cả xã hội

Chúng tôi cho rằng: Cho đến thời điểm hiện tại (2017) trong tất cả nguồn thư khố VN, các nhà sách tư nhân, các nhà sưu tầm sách trong cả nước không còn bất cứ một tư liệu chính sự trực tiếp ra đời từ vương triều Mạc tồn tại tới ngày nay, được minh chứng từ sự diễn giải sau đây:

          * Năm 1759 Lê Quý Đôn soạn bộ “Thông sử” tại mục nghệ văn chí cho biết:

“Ứng giáp bang giao: 10 quyển do Giáp Trừng soạn”

[Đại Việt thông sử – viện sử học – nghệ văn chí, tr129, NXB VHTT, 2007]

          * Tiếp đó năm 1809, Phan Huy Chú soạn bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” tại mục văn tịch chí thống kê sách chính sự nhà Mạc còn 02 cuốn:

          – Cuốn thứ nhất: “Mạc triều chính sự 6 quyển không hiểu ai soạn, chép chính sự của 6 thuộc (bộ) của nhà Mạc rất kỹ lưỡng”

[Lịch triều hiến chương loại chí – văn tịch chí, tr44, t4, NXB sử học, 1962]

Sáu quyển “Mạc triều chính sự” mà Phan Huy Chú cho biết hiện nay không còn, giả dụ 6 cuốn này còn lại đến nay thì nguồn tư liệu đó không vượt qua được những hoài nghi nguồn gốc xuất xứ của nó bởi lý do: Không có tác giả! (Một tác phẩm lịch sử quan trọng của một vương triều không xuất hiện người chủ biên, đó là điều không dễ chấp nhận)

          – Cuốn thứ hai: “Ứng đáp bang giao” (hay còn gọi là “Cổ Kim bang giao bị Lãm”) 10 quyển trạng nguyên nhà Mạc Giáp Trừng soạn, chép các thư từ và biểu văn về việc bang giao của các triều còn 3 quyển”

[Lịch triều hiến chương loại chí – văn tịch chí, tr44, t4, NXB sử học, 1962]

Từ trên ta biết, sau 50 năm (1759 – 1809), 10 cuốn sách trên còn lại 3 cuốn, cho đến ngày nay cuốn sách “Ứng đáp bang giao” còn lại 21 tờ, khổ (22 cm x 31 cm) kí hiệu: A185 được lưu trữ tại Thư viện Viện Hán Nôm, nội dung là biểu tấu của Lê Lợi và Lê Thái Tông đầu kỷ nhà Lê.

[nguồn: Nguyễn Văn Nguyên: “tấu, biểu đấu tranh ngoại giao của Nguyễn Trãi” tủ sách Việt Nam IX, viện viễn đông bác cổ, tr61 – 75, NXB thế giới, 2003]

Trong khi đó những tác phẩm thơ văn(không liên quan đến chính sự) do Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tác còn lại đến ngày nay khá đầy đủ, một số tác phẩm này được lưu trữ tại thư viện viện Hán nôm như sau:

          – Bạch Vân Am Trình quốc công thi tập có 12 cuốn KH từ A2591 đến VHv 2615

          – Bách vạn Nguyễn Trình quốc công lục kí. KH: VHv1453

          – Bạch vân thạch thất. KH: VNv218

          – Sấm kí bí truyền. KH: VHv2251

          – Trình tiên sinh quốc ngữ. KH: AB444

          – Trình quốc công bạch vân thi tập. KH: AB157 đến AB309

          – Trình quốc công kí. KH: VNv102

          – Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập. KH: AB635

          – Trình quốc công sấm kí. KH: AB345

[Thư mục sách Hán nôm – viện Hán nôm]

          Đưa ra một ví dụ nhỏ này để quý vị hình dung số phận một nguồn tư liệu trực tiếp về chính sự một triều đại, đã bị bàn tay của con người và thời gian đưa dần về con số không.

1.2. Nguồn tư liệu từ dòng họ Mạc

          Nguồn tư liệu trực tiếp từ dòng họ Mạc, gốc Mạc còn lưu trữ từ xưa tới nay được tạo dựng từ các dạng vật thể tâm linh như: Gia phả, văn tế, văn bia, y môn, câu đối, hoành phi cùng các vật thể cung đình có thể góp phần cho tiến trình bạch hóa lịch sử vương triều Mạc hiện còn những gì? Chúng tôi xin thưa rằng: Họ Mạc là một dòng họ lớn có cùng một tiến trình phát triển chung trong lịch sử đất nước như bách tính cộng đồng. Nhưng người họ Mạc gốc Mạc chúng tôi còn có những đặc thù riêng được tạo ra bởi những biến động lịch sử từ hai thời kỳ:

– Hậu Thăng Long: 1592

– Hậu Cao Bằng: 1677

          Người họ Mạc sau những cuộc di dân lớn từ thời gian nói trên, đến năm 1786 mới có cơ hội ổn định cuộc sống và xây dựng văn hóa tâm linh. Với thời gian gần 200 năm đó, thời gian ấy, là những trang sử bi ai của các chi họ Mạc, gốc Mạc sinh cơ lập nghiệp từ các vùng miền đất nước. Tại thời điểm này đã 7, 8 đời người qua đi, hầu hết các cuốn gia phả của các chi họ Mạc, gốc Mạc được ghi chép từ năm 1800 trở lại đây. Dòng họ Mạc không còn ngọc phả, kim phả hay một quyển gia phả duy nhất được giữ gìn chính thống theo ngành trưởng. Nhà thờ họ xây dựng năm 1738 tại Hoa Thành, Yên Thành, Đô Lương, Nghệ An do dòng họ Phan Đăng quản lý được coi là một nhà thờ họ có thời gian xây dựng sớm nhất sau hai biến cố lớn nói trên.

          Từ những biến động lịch sử liên tục tiếp theo của đất nước, các loại gia phả, văn bia, văn tế, y môn, hoành phi, câu đối tại các chi họ Mạc, gốc Mạc trong cả nước không còn nhiều. Cho đến thời điểm hiện tại, nguồn tư liệu kế tiếp này do các chi họ Mạc, gốc Mạc quản lý không thể giúp gì phục dựng lại lịch sử vương triều Mạc.

          Về vật thể lịch sử, có lẽ còn duy nhất thanh long đao của Mạc Thái Tổ được con cháu dòng họ Phạm(gốc Mạc) tại Nam Định cất giữ. Thực chất việc lưu giữ này là do chôn dấu mà còn, hiện thanh long đao này được bảo quản, thờ tự tại khu tưởng niệm các vua nhà Mạc tại Kiến An, Kiến Thụy, Hải Phòng.

          Vậy là, nguồn thư tịch ngoài xã hội cùng tư liệu của cả một dòng họ có quan hệ huyết thống gắn liền với những nhân vật lịch sử một vương triều đã không còn tồn tại đến ngày nay.

          Đứng trước một thực tế về nguồn sử liệu trực tiếp ra đời từ nhà Mạc và nguồn tư liệu trong nội bộ các chi họ Mạc đã viết ở trên, việc cần phải phân biệt rạch ròi giữa hai nguồn sử liệu trực tiếp và gián tiếp được đưa vào nội dung soạn lịch sử nhà Mạc mà các sử thần Lê trung hưng thực hiện là cần thiết. Song song với nội dung trên cần phải làm rõ mục đích, phương pháp soạn sử mà các sử gia Lê trung hưng áp dụng trong việc biên soạn lịch sử là những công việc đầu tiên sau đây.

  1. SỰ RA ĐỜI SỬ LIỆU GIÁN TIẾP CHÉP LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU MẠC

          Nguồn sử liệu trực tiếp từ chính vương triều Mạc như trên đã trình bày, đến năm 1665 có thể coi như không tồn tại(căn cứ vào lời đề tựa cuốn “Bản kỷ tục biên”). Để có thể hiểu những định nghĩa cơ bản của hai dạng sử liệu trực tiếp và gián tiếp được áp dụng khi soạn sử sẽ được trình bày đơn giản như sau:

  1. Nguồn sử liệu trực tiếp:

Nguồn sử liệu trực tiếp được định nghĩa: là sử liệu được ghi chép tại thời điểm lúc xảy ra sự kiện do người làm công tác chép sử ghi bút trung thực, đầy đủ và khách quan…. Để hình dung rõ hơn nội dung định nghĩa của sử liệu trực tiếp, xin đưa ra hai ví dụ từ “Đại Việt sử ký toàn thư” “Thông sử” mô tả sử liệu trực tiếp như sau:

“Vua muốn xem quốc sử, sai nội quan đến viện hàn lâm bảo sử quan Lê Nghĩa rằng: “Ngày xưa Phòng Huyền Linh làm sử quan, Đường thái tôn muốn xem thực lực (quốc sử, do sử quan chép công việc thực tế của vua làm) Huyền Linh không cho xem. Nay ngươi so với Huyền Linh thì ai hơn?” Nghĩa trả lời: “Việc ở cửa Huyền Vũ, Huyền Linh lại không cứ thẳng mà chép, đến khi thái tôn bảo chép rồi mới chép” (Việc ở cửa Huyền Vũ; tức việc Đường thái tôn bắn giết anh em là Kiến Thành và Nguyên Cát, Phòng Huyền Linh chỉ chép lờ mờ là việc này mồng 4 tháng 6 thôi. Thái Tôn thấy chép thế bắt Huyền Linh phải chép rõ). Sợ chưa phải là hiền”. Nội quan nói: “Vua muốn xem nhật lịch từ năm Quang Thuận thứ 1 đến năm thứ 8”. Nghĩa trả lời: “Vua mà xem quốc sử vốn không phải là việc tốt Đường thái tôn và Phòng Huyền Linh làm thế, bị đời sau chê”

[Đại Việt sử ký toàn thư, tr292, t2, NXB VHTT, 2004]

          Trong tác phẩm “Thông sử”, Lê Quý Đôn cho chúng ta biết việc soạn sử trực tiếp đời xưa như sau:

“Tuân Duyệt đời Hán nói: Thời xưa, triều đình có 2 tòa sử. Tòa sử bên tả chép lời vua nói, tòa sử bên hữu chuyên chép việc vua làm. Mỗi khi vua có cử động, đều ghi chép hết. Cho nên điều hay điều dở và việc thành việc bại của nhà vua, hay điều còn lại. Dưới đến kẻ sĩ và thứ dân, nếu có người sai, vật lạ cùng đều ghi chép. Bởi thế việc phải trái chỉ trong 1 ngày mà vinh nhục lưu truyền ngàn thuở”

[Đại Việt thông sử, tr27, NXB VHTT, viện sử học, 2007]

Sử liệu trực tiếp xuất hiện đồng thời cùng sự kiện lịch sử đã được diễn giải từ hai ví dụ nêu ra ở trên, điều này góp phần việc hiểu đúng bản chất nguồn sử liệu trực tiếp ra đời trong biên chép lịch sử nói chung.

  1. Nguồn sử liệu gián tiếp

          Sử liệu gián tiếp là sử liệu ghi chép sự kiện thông qua thông tin gián tiếp(nghe, kể và qua nguồn sách vở khác) mà thời gian tiếp cận không đồng thời với thời điểm sự kiện ra đời. Do đó, việc biên chép lịch sử sử dụng nguồn sử liệu gián tiếp phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm, mục đích, ngòi bút của người soạn sử. Từ hoàn cảnh ấy, nội dung tác phẩm sử học phụ thuộc giá trị đạo đức, nhân phẩm, phạm vi nghiên cứu sâu rộng từ con người tạo nên các tác phẩm sử học, khi sử dụng nguồn sử liệu gián tiếp trong lĩnh vực sử học.

  1. Sự ra đời lịch sử vương triều Mạc

“Đại Việt sử ký toàn thư” là bộ sử cũ nhất của nước ta, quá trình hình thành bộ sử này là sự sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn gián tiếp hoặc trực tiếp từ nhiều tác giả theo từng thời kỳ lịch sử đã được các thể chế chính trị quân chủ nước nhà quyết định  biên soạn.

Năm Cảnh Trị thứ 3 Lê thiền tông tức vào năm 1665, chúa Trịnh Tạc sai tứ mậu thìn khoa đồng tiến sỹ xuất thân, tham tụng lại bộ thượng thư kiêm đông các đại học sỹ thiếu bảo yên quận công Phạm Công Trứ chủ biên công việc hiệu đính, chỉnh lý công trình của sử gia Ngô Sỹ Liên và viết tiếp phần “Bản kỷ tục biên”. Chép mới từ Lê Cung Hoàng tới hết đời vua Lê thiền tông (1525- 1643), phần chép mới vào khoảng 110 năm lịch sử triều Lê trung hưng, trong đó phần biên soạn lịch sử vương triều Mạc được chép là phần “phụ”, song song thế thứ các đời vua Lê trung hưng, với tên gọi của tác phẩm là:“Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên”.

“Kính nghĩ hoàng thượng bệ hạ, nối giữ nghiệp lớn, noi theo pháp lớn, hằng ngày cùng đại nguyên soái chưởng quốc chính thượng thư tây vương (Trịnh Tạc) chỉnh đốn rường mối chấn hưng văn giáo, chuyên ủy do khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chủ doanh kiêm tổng chinh binh thái úy nghị quốc công Trịnh Căn giữ gốc chính trị, tìm lẽ trị bình, biết sâu sắc rằng sử là để chính danh phận cho đương thời mà bảo cho đời sau biết khuyên răn, bấy giờ mới bắt đầu quyết đoán trong lòng, tìm kiếm sử sách đặc chỉ sai thần (PCT) cùng với bọn tả thị lang Dương Hạo, hữu thị lang Hồ Sỹ Dương, Nguyễn Quốc Khôi, Đặng Công Chất, tự khanh Nguyễn Công Bích, Đông các Bùi Đình Viên, thị thư Đào Công Chính, thị chế Ngô Khuê, Phủ doãn Nguyễn Đình Chính, cấp sự trung Nguyễn Công Bật, hàn lâm Nguyễn Viết Thứ; Vũ Duy Đoán khảo đính quốc sử từ Hồng Bàng thị cho đến Cung Hoàng, lại sai chép nối từ Trang tôn tự hoàng đế đến khoảng năm Vạn Khánh đời Thần tôn Uyên hoàng đế, biên thuật thành sách, cho khắc in để ban hành”

[Đại Việt sử ký toàn thư – tựa sách “ĐVSKTB” tr14 – 15, t1, NXB VHTT, 2004]

Để làm rõ hơn về trách nhiệm biên soạn của nhóm Phạm Công Trứ, sau đây sẽ có hai nhận xét về sự ra đời của “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên” từ “Thông sử” và các sử gia đời nay:

“Tế tửu Ngô Sỹ Liên chép từ đời Thuận Thiên (1428 – 1433) đến đời Diên Ninh (1454 – 1459) làm tam triều bản kỷ, kể việc cũng kỹ và có mối giường. Bấy giờ kén chọn sử quan rất cẩn trọng, như sử quan Lê Nghĩa (chép thẳng gửi ngay, có khí tiết như cổ nhân, nhưng sách chép việc hàng ngày đó nay không còn nữa. Đến đời Hồng Thuận (1509 – 1516) thì tổng tài Vũ Quỳnh mới chép từ đời Quang Thuận (1460 – 1469) đến đời Đoan Khánh (1505 – 1509) làm tứ triều bản kỷ, sắc lệnh và điều lệ thì hơi đủ, còn công việc bổ dụng và tấu sớ của các quan thì thiếu sót nhiều. Từ đời Hồng Thuận trở đi đến đời Dương Đức (1672 – 1673) buổi đầu Trung hưng, các sử thần biên chép tiếp theo”

[Thông sử, tr23, viện sử học, NXB VHTT, 2007]

          Năm 1993 nhà xuất bản khoa học xã hội in cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” bản in nội các quan bản – mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Phần biên dịch do hai ông Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long đảm nhiệm, phần hiệu đính do giáo sư Hà Văn Tấn phụ trách, tại mục “giới thiệu bản in: “Đại Việt sử ký toàn thư” mới phát hiện của Phạm Công Trứ –  Ngô Thế Long viết:

“Tên sách, bố cục, nội dung của bản (do cố bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên lưu giữ) đúng với lời tựa của Phạm Công Trứ , ta thấy:

– Toàn thể bộ sách do nhóm ông làm kể cả phần sửa lại sử cũ của các tác giả đời trước, kể cả phần nhóm ông mới chép thêm bao gồm từ thời Hồng Bàng (2879 TCN) đến hết đời vua Lê Thần Tông (1662)  cộng 23 quyển

– Riêng phần do nhóm ông mới biên soạn thêm (viết mới) từ Lê trung hưng đến Lê Thiền Tông được đặt tên là: “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên” (thường gọi tắt là: “Bản kỷ tục biên”)”

[Giới thiệu bản in ĐVSK Bản kỷ tục biên, tr303, t3, ĐVSKTT- bản in nội các quan bản – mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), NXB KHXH, 1993]

          Qua những phân tích từ hai lần dẫn trên, chúng ta khẳng định chính xác phủ chúa (Trịnh Tạc) quyết định việc biên soạn “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên” – Trong đó Phạm Công Trứ được giao chủ biên, cùng với 12 sử gia trong nhóm thực hiện.

Dưới đây là mục lục tóm tắt việc biên soạn lịch sử vương triều Mạc, song cùng lịch sử các đời vua Lê trung hưng trong “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên” như sau :

* Phụ: Mạc Đăng Dung ( Minh Đức 3 năm)

                     Mạc Đăng Doanh (Đại Chính 3 năm)

          + Trang tôn dụ hoàng đế ở ngôi 16 năm đặt niên hiệu 1 lần Niên hiệu Nguyên Hòa (16 năm)

          * Phụ Mạc Đăng Doanh (Đại Chính 8 năm)

Mạc Phúc Hải (Quảng Hòa 6 năm)

Mạc Phúc Nguyên (Vĩnh Định 1 năm, Cảnh Định 1 năm)

          + Trung Tôn vũ hoàng đế (ở ngôi 8 năm đặt niên hiệu 1 lần)

                   Niên hiệu Thuận Bình (8 năm)

          * Phụ: Mạc Phúc Nguyên

                   Cảnh Lịch 5 năm, Quang bảo 3 năm

          + Anh Tôn Tuấn hoàng đế (ở ngôi 16 năm đặt niên hiệu 3 lần)

                   – Thiên Hựu (1 năm)

                   – Chính trị (14 năm)

                   – Hồng Phúc (1 năm)

          * Phụ Mạc Phúc Nguyên (Quang Bảo 5 năm)

                   Mạc Mậu Hợp (Thuần phúc 5 năm, Sùng Khang 6 năm)

          * Thế tôn nghị hoàng đế (ở ngôi 27 năm, đặt niên hiệu 2 lần)

                   Gia Thái (5 năm)

                   Quang hưng (22 năm)

          * Phụ : Mạc Mậu Hợp (Sùng Khang 6 năm, Diên Thành 7 năm, Đoan Thái 3 năm, Hưng trị 3 năm, Hồng Ninh 2 năm)

          * Kính tôn huệ hoàng đế (ở ngôi 19 năm đạt niên hiệu 3 lần)

                   Thận Đức (1 năm)

                   Hoằng Định (18 năm)

          * Thần tôn uyên hoàng đế (thượng) ở ngôi 25 năm truyền ngôi cho thái tử đặt niên hiệu 3 lần

                   Vĩnh Độ (18 năm)

                   Đức Long (7 năm)

                   Dương Hòa (8 năm)

          * Chân Tôn thuận hoàng đế (ở ngôi 7 năm đặt niên hiệu 1 lần)

                   Phúc Thái (7 năm)

          * Thần tôn uyên hoàng đế (hạ) (lại lên ngôi 17 năm đặt niên hiệu 4 lần)

                   Khánh Đức: 5 năm

                   Thịnh Đức: 6 năm

                   Vĩnh Thọ: 5 năm

                   Vạn Khánh: 1 năm

[Mục lục “Đại Việt sử ký toàn thư”, tr 36-38, NXB VHTT, 2004]

Thống kê trên đây trong “Bản kỷ tục biên” là mục lục chính phần biên soạn hoàn toàn mới của nhóm Phạm Công Trứ. Đến đời chúa Trịnh Căn(1633 – 1709) Lê Hy được sai viết tiếp “Bản kỷ tục biên” từ đời vua Lê Huyền Tôn(1662 – 1671) đến hết đời Lê Gia Tông(1671 – 1675). Bộ sử dừng tại đây được khắc in và phát hành năm 1697 ra xã hội.

(Một số học giả người VN ở nước ngoài cho rằng Ngô Sỹ Liên biên soạn lịch sử vương triều Mạc là một sự nhầm lẫn đáng tiếc).

Tiểu kết: Trên đây là xuất xứ sự ra đời lịch sử vương triều Mạc được thể chế quân chủ Lê trung hưng quyết định biên soạn dưới sự chủ biên của Phạm Công Trứ và nhóm biên soạn thời đó.

III. TÌM HIỂU MỤC ĐÍCH VIỆC SOẠN SỬ, NGUỒN SỬ LIỆU SỬ DỤNG, PHƯƠNG PHÁP BIÊN SOẠN TRONG VIỆC SOẠN LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU MẠC.

  1. Mục đích của việc soạn sử vương triều Mạc

          Chúng ta thấy rằng mục đích việc soạn sử hay tôn chỉ của tác phẩm sử học được thể hiện tóm lược thông qua lời đề tựa mỗi một tác phẩm lịch sử khi ra đời. Để có thể nhận định bước đầu mục đích soạn sử mà các sử gia Lê trung hưng thực hiện, chúng tôi xin đưa ra hai dẫn chứng từ hai lời đề tựa của hai tác phẩm lịch sử ra đời từ nhà Lê trung hưng:

          – Lời tựa “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên” do Phạm Công Trứ chủ biên.

          – Lời tựa cuốn: “Lê triều trung hưng công nghiệp thực lục” do Hồ Sỹ Dương soạn, ông cũng là người tham gia trong nhóm biên soạn lịch sử vương triều Mạc, cuốn “Lê triều trung hưng công nghiệp thực lục” ra đời sau “Đại Việt sử ký bản kỉ tục biên” gần 10 năm sau đó.

          * Lời tựa cuốn “Đại Việt sử ký bản kỉ tục biên” chép:

          “Vì sao mà làm quốc sử? Vì chủ yếu của sử là ghi chép công việc, có chính trị của một đời,  tất phải có sử của đời ấy, mà sự ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm, tô điểm việc trí trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, răn đe kẻ loạn tặc thì ráo riết như sương thu lạnh buốt. Người thiện biết có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn, quan hệ với việc chính trị không phải là không nhiều cho nên mới làm ra sử”

[Đại Việt sử ký bản kỉ tục biên, Tr13, Đại Việt sử ký toàn thư, NXB VHTT, 2004]

          Qua những dòng chữ đã dẫn ở trên, mục đích biên soạn “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên” đã được Phạm Công Trứ đưa ra là khá rõ ràng thực dụng. Tác giả đã không úp mở che đậy đường đi, nước bước để đạt mục đích khi soạn “Bản kỷ tục biên” thông qua ba ý chính sau:

          – Tô điểm việc trí trị của nhà cầm quyền đương thời mà Phạm Công Trứ phục vụ, thêm phấn, gửi hương cho thể chế chính trị cầm quyền.

          – Trấn áp, răn đe kẻ loạn tặc, phản ứng quyết liệt với đối thủ chính trị, Phạm Công Trứ dùng các động từ khá nặng mang tính răn đe như: Truất, biếm, hạ nhục, lực lượng chính trị đối kháng của nhà Lê trung hưng.

          – “Sương thu lạnh buốt” một hình tượng hóa được Phạm Công Trứ trao gửi cho lực lượng chính trị đối kháng với nhà Lê trung hưng. Người xưa thường dùng: Sương xuân (móc ngọt) làm cây cối tốt tươi, sương thu tàn phá sức sống muôn loài thực vật…

          * Lời tựa cuốn “Lịch triều trung hưng công nghiệp thực lục”  do hữu thị lang Hồ Sỹ Dương chủ biên chép:

 “Tại sao mà làm ra quyển thực lục này? Là để thuật việc chép công, rõ chính thống ghi dòng hiền, cũng có lý do mà làm ra đó”

“Những việc có dính líu đến tiếm thiết thì một chữ cũng ngụ ý búa rìu, những việc có can thiệp đến nghĩa chính thống thì 1 câu cũng rõ lời gấm vóc”

[Lịch triều trung hưng công nghiệp thực lục, Tr1 – 3, Trần Lê Hữu dịch,

KH: LS/TL 0233, tư liệu khoa học lịch sử ĐH KHXH&NV]

          Mục đích soạn sử(thực lục) qua ngòi bút hữu thị lang Hồ Sỹ Dương còn thực dụng hơn cả Phạm Công Trứ, đối tượng phục vụ của việc soạn sử được chia ra làm hai luồng chính kiến rất rõ ràng, không hề che đậy mục đích cá nhân:

– Làm rõ chính thống, thì một câu cũng rõ lời gấm vóc.

          – Những việc có dính líu đến tiếm thiết thì một chữ cũng ngụ ý búa rìu.

          Thông qua hai lời đề tựa trên từ hai tác phẩm sử học ra đời cùng thời, cả hai tác phẩm lịch sử nói trên với mục đích soạn sử tuân thủ một nguyên tắc không thay đổi từ ban đầu, khước từ những nguyên lý cơ bản biên soạn của lịch sử nguyên thủy. Với lời tuyên ngôn đầu tiên rõ ràng không cần úp mở, các sử gia Lê trung hưng đặt ra cho mình một nhiệm vụ nhất quán: Phục vụ sự nghiệp chính trị từ đòi hỏi của chính thể đương thời nhà Lê trung hưng.

  1. Nguồn sử liệu do các sử gia Lê trung hưng sử dụng khi biên soạn lịch sử vương triều Mạc.

Lời tựa “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên” chép:

“Còn từ Thái tôn đến cung hoàng của quốc triều thì nhân theo sách trước đã chép, để làm bản kỷ thực lục. Lại tham khảo sách dã sử của Đăng Bính và lược lấy trong những sách sót của người đương thời dâng hiến mà chép từ quốc triều Trang Tôn Dụ hoàng đế đến Thần Tôn Uyên hoàng đế, thêm vào quốc sử gọi là Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên tất cả chia làm 23 quyển”

[Đại Việt sử ký toàn thư, Lời tựa Đại Việt sử ký bản kỉ tục biên, tr 14, T1, NXB VHTT, 2004]

Từ lời dẫn trên, nguồn sử liệu do sử gia Lê trung hưng sử dụng để soạn lịch sử vương triều Mạc trong “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên” được cung cấp bởi hai nguồn tư liệu lịch sử  chính thức:

          – Sách dã sử của Đăng Bính.

          – Sách sót của người đương thời.

Bản thân hai nguồn sử liệu này, hoàn toàn không phải là nguồn sử liệu trực tiếp ra đời từ chính sự vương triều Mạc, nếu chấp nhận khai thác chỉ có thể được liệt vào nguồn sử liệu gián tiếp dùng để tham khảo trong quá trình soạn chép lịch sử nói chung.

* Về sách dã sử:

Dã, âm Hán Việt mô tả là: Thôn, quê, đồng quê, trong đó dã sử được định nghĩa là sử dân gian, sử do dân gian ghi chép lưu truyền. Tại thời điểm các sử gia Lê trung hưng soạn sử vương triều Mạc tính từ: [(1665 – 1527) là 138 năm], [(1665 – 1592) là 73 năm]. Với thời gian trên, cứ cho rằng do những biến động chính trị, có thể chấp nhận không còn sử liệu trực tiếp ra đời từ vương triều Mạc, với việc sử dụng nguồn sử liệu gián tiếp từ dã sử, chỉ có thể được coi là nguồn tư liệu phân dạng thứ yếu(phụ) trong quá trình soạn sử này. Một tác giả dã sử có nhân thân[Đăng Bính] không có tên tuổi sự nghiệp thanh danh trong danh biểu đất nước, chúng ta khó có thể tìm ra danh tích một con người như vậy và tác phẩm dã sử của ông đã được các sử gia Lê trung hưng tìm tới sử dụng.

* Về sách sót của người đương thời

Người đương thời là ai? Sách sót có nguồn gốc từ đâu? Vô hình chung Phạm Công Trứ đưa nguồn sử liệu gián tiếp để ghi chép lịch sử vương triều Mạc vào một ma trận không có cửa thoát. Từ hai nguồn sử liệu trên, không có một sử gia nào chứng minh được các loại “sách sót”, “sách dã sử” của Đăng Bính có mặt tại thời điểm năm 1665 này. Hai nguồn sử liệu “đặc biệt” xuất hiện do các sử gia Lê trung hưng công bố trong lời đề tựa tác phẩm lịch sử của họ. Cả hai nguồn sử liệu nêu trên được đưa vào nguồn tư liệu chính để biên chép lịch sử nhà Mạc như vậy, việc làm này có đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cần thiết để soạn lịch sử khách quan của nhà Mạc hay không?

  1. Phương pháp sử gia Lê trung hưng thực hiện khi soạn lịch sử vương triều Mạc

Phạm Công Trứ viết trong lời tựa “Bản kỷ tục biên” như sau:

“Còn như phàm lệ biên chép đều theo đúng cách thức của sách sử trước”

[Tựa “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên”, tr16, t1, NXB VHTT, 2004]

          Người xưa đã nói: Danh có chính thì ngôn mới thuận, nhìn suốt quá trình biên soạn quốc sử từ ngoại kỷ, tới kỷ nhà Đinh, nhà Lê Đại Hành, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê. Các sử gia đời trước như Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên, Vũ Quỳnh, Ngô Sỹ Liên thực hiện việc soạn sử với phương châm: Chính danh, chịu trách nhiệm chính trị đối với quá khứ, hiện tại, tương lai đối với tác phẩm lịch sử của họ. Điều này được thể hiện qua các lời bàn trong quá trình soạn bộ quốc sử “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau:

  1. Sử thần Lê Văn Hưu có 28 lời bàn
  2. Sử thần Phan Phù Tiên có 12 lời bàn
  3. Sử thần Ngô Sỹ Liên có 169 lời bàn
  4. Sử thần Vũ Quỳnh có 03 lời bàn

Trong khi đó, lịch sử vương triều Mạc được soạn theo phương pháp của Phạm Công Trứ là: “Đúng cách thức của sách sử trước”, đã xuất hiện 03 lời bàn của [Đăng Bính]. Lời bàn của một nhân vật không chính danh, Đăng Bính không chịu trách nhiệm chính trị đối với thể chế quân chủ Lê trung hưng. Tác giả dã sử Đăng Bính không là sử gia Lê trung hưng tham gia nhóm biên soạn “Bản kỷ tục biên”. Lời bàn của một người viết dã sử đã được Phạm Công Trứ tôn lên như một lời bàn của một sử gia chính danh. Tại sao Phạm Công Trứ, Dương Hạo, Hồ Sỹ Dương không có lời bàn về lịch sử vương triều Mạc? Như vậy, nấp sau lưng Đăng Bính là ai?

Từ những xuất lộ đầu tiên của bản tuyên ngôn qua lời tựa “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên”. Những mâu thuẫn nảy sinh trong phương pháp soạn sử, mục đích viết sửcách tiếp cận nguồn sử liệu do sử gia Lê trung hưng thực hiện, đã cấu thành sự “bất thường” khiến người đọc sử, nghiên cứu lịch sử, phê bình lịch sử về vương triều Mạc, không khỏi ngỡ ngàng và băn khoăn từ sự “tiền hậu bất nhất” của Phạm Công Trứ và nhóm biên soạn thực hiện trong tác phẩm sử học của họ.

Sử gia triều Nguyễn khi viết bộ quốc sử “Khâm định việt sử thông giám cương mục” đã đánh giá về sử thần Lê trung hưng như sau:

“Sử cũ soạn hồi cuối Lê, đều ra từ những tay khuyển ưng của họ Trịnh, lẽ nhiên là có nhiều điều kiêng kỵ đối với họ Trịnh. Đó thật là những trang sử nhơ bẩn, không thể tin được, nhưng vì nay không có bộ sử nào tốt hơn để có thể dựa vào mà sửa đổi lại, nên cương mục cứ phải theo tài liệu đáng ngờ mà truyền lại điều đáng ngờ để đợi đời sau đính chính cho”

[Việt sử thông giám cương mục – Lời phê, tr65, t14, NXB văn sử địa, 1959]

          Dù lời phê trên không nằm trong các sự kiện lịch sử vương triều Mạc, nhưng cũng là một nỗi niềm gửi gắm cho đời sau của các sử gia triều Nguyễn, trước những tồn nghi của lịch sử mà nguyên nhân của nó ra đời từ những cây bút sử gia Lê trung hưng.

Câu hỏi từ phần một này: Lịch sử vương triều Mạc là lịch sử khách quan, hay lịch sử nhận thức được diễn giải đầu tiên ở đây. Chúng ta chưa thể có các điều kiện cần và đủ để kết luận được một cách chính xác hoàn toàn. Nhưng sau năm sự kiện lịch sử của nhà Mạc mà chúng tôi xin trình bày dưới đây, sẽ là những điều kiện tiên quyết để kết luận một cách đầy đủ, chính xác và khách quan cho bản chất câu hỏi của phần I này.

1 thoughts on “Bản tuyên bố về lịch sử vương triều Mạc (bài 1)

  1. Tuyệt!
    Loạt 6 bài này là phản biện rất nghiêm túc về những gì chưa chính xác về triều Mạc. Hẳn là Nghiencuulichsu phải được tác giả rất tin tưởng để gửi nguyên bản tới.
    Đưa vào mục “tác giả gửi bài” là rất xứng đáng.
    Thành thật chúc mừng admin. Hy vọng sẽ tới lúc Nghiencuulichsu trở thành một tờ báo khoa học về Lịch Sử.

    Thích

Bình luận về bài viết này