Cung điện của Quang Trung thời ở Huế

hamlongson

Tấm bản đồ trong sách “Hàm Long Sơn” đánh dấu số 3 mà ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định đó là vị trí chùa Thiền Lâm xưa kia và hiện nay

Nguyễn Đắc Xuân

Sau cuộc « tận pháp trừng trị » của các vua đầu triều Nguyễn, tài liệu lịch sử có liên quan đến dinh phủ từ các đời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn Huệ/Quang Trung của Việt Nam cũng như của ngoại quốc còn lại rất ít. Số tài liệu nầy đã được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Huế tham khảo trích dẫn cạn kiệt. Đến nay muốn tìm thêm một tài liệu mới nào để sử dụng thật hết sức khó khăn.
 

Tuy nhiên, dù các tài liệu đó đã được trích dẫn sử dụng nhiều nhưng những điều khó hiểu ẩn chứa trong các tài liệu ấy cho đến nay vẫn chưa mấy nhà nghiên cứu làm rõ. Nguyên nhân nào đã để lại hậu quả các điều khó hiểu ấy ? Khi chưa hiểu được nguyên nhân gây ra hậu quả ấy, chưa trả lời chúng được thì chúng ta chưa thể hiểu được các dinh phủ ở Huế từ thời các chúa Nguyễn đến thời đại Quang Trung, chưa hiểu được cụ thể nơi ăn ở, sống và chết của vua Quang Trung trên đất Huế. Tham luận nầy cố gắng giải quyết vấn đề vừa nêu.

1.3. Tiến chiếm Huế xong, trước khi tiến quân ra Bắc “Diệt Trịnh phù Lê” trú tất của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ ở đâu ?

Năm 1792, Macartney được cử sang làm đại sứ của nước Anh tại Trung Quốc. Trong sứ đoàn có John Barrow biết tiếng Trung Quốc làm quản gia. Trong chuyến du hành, vào những năm 1792-1793 (năm vua Quang Trung vừa qua đời và vua Cảnh Thịnh/Quang Toản mới nối ngôi) sứ đoàn có ghé lại Đà Nẵng. Trong thời gian nầy John Barrow khởi thảo cuốn A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong các năm 1792-1793). Tư liệu dùng để viết sách gồm nhật ký của chính J.Barrow, cuốn du ký của sếp ông là Staunton và bản thảo những ghi chép của Barisy – một trợ thủ đắc lực của Nguyễn Ánh.

Tại trang 251 cuốn bút ký hiếm hoi nầy, John Barrow cho biết “Long-Niang had scarely set foot in his capital Hué-foo, before he took occasion to quarell with the King of Tung-quin”. (Long-niang hầu như chưa đặt chân tới kinh đô của mình là Huế-phủ trước khi ông ta có cơ hội để gây sự với nhà vua Bắc Hà)[1].

 Từ Qui Nhơn tiến ra chiếm Phú Xuân/Huế, chiếm Huế xong, trước khi tiến quân ra Bắc làm nhiệm vụ “phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ không đặt chân vào Huế-phủ (tức đô thành Phú Xuân xây dựng từ thời Nguyễn Phúc Khoát và được Jean Koffler mô tả ở đoạn 1.2 trên) thì trú tất[2] của Nguyễn Huệ lúc ấy ở  đâu ?

untitled-2untitled-3

Có thể giải thích ông chưa đặt chân vô Huế-phủ vì Huế-phủ lúc đó đang ngổn ngang hàng ngàn xác quân Trịnh vừa bị quân Tây Sơn giết chết. Nguyễn Huệ không đặt chân vô Huế-phủ nhưng chắc chắn ông cũng không dựng trại ở ngoài trời mà ở trước khi tiến quân ra Bắc.Với vị thế một vị tướng quân như Nguyễn Huệ ông phải trú tất trong một khu dinh phủ nào đó ngoài Huế-phủ. Vậy dinh phủ đó là dinh phủ nào ?  Ở đâu ?

1.4. Ở Bắc Hà về, Nguyễn Huệ cho xây gấp thành bao bọc chung quanh Dinh ông.  

 Sau khi hoàn thành sứ mệnh “Phù Lê diệt Trịnh” ở Bắc Hà, Nguyễn Huệ kéo quân trở lại Phú Xuân đem theo nhiều của cải quý giá của Bắc Hà. Theo dõi tình hình ấy, trong một lá thư viết ngày 23-7-1788, tại Phú Xuân, giáo sĩ La Bartette cho biết:

Từ khi Tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự: ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 pi-ê (6,48m) chung quanh Dinh ông. Hình như ông gấp lắm, ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng Ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, Ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng Ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân (địch). Chính tại thành này ông đã cất số vàng bạc ông đã kiếm được ở Bắc Kỳ[3].

 

Huế Phủ – Kinh đô (theo J.Barrow) của Phú Xuân từ đời Nguyễn Phúc Khoát được Jean Koffler mô tả ở đoạn 1.2 nêu trên đã có sẵn ba vòng thành rất kiên cố. Lúc tiến quân ra Bắc Hà Nguyễn Huệ chưa đặt chân vào đó. Và khi trở lại Phú Xuân nếu ông vào ở trong Huế-phủ thì ông xây thêm một bức thành cao 20 pi-ê nữa liệu có kiên cố hơn những bức thành đã có không ? Theo nội dung đoạn trích thư của La Bartette nêu trên thì đó là một Dinh thự/một cung điện khác chưa có thành đủ sức chống lại với thuỷ quân của địch chứ không phải Huế-phủ tức thành Phú Xuân thời Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát. Vậy cái dinh thự được Nguyễn Huệ cho xây gấp rút chung quanh bức thành cao 20 pi-ê ở đâu ?

3. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Bắc tiến đánh đuổi 29 vạn quân Thanh vua Quang Trung trở về Phú Xuân cho “đắp thêm thành quách, mở  rộng cung điện”.

Sách Lê Quý Dật Sử viết rằng vào năm 1789 (Kỷ Dậu) sau khi Bắc tiến đánh đuổi quân Thanh “Nguyễn Huệ thắng trận trở về, bèn…đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện[4].

Sau khi lên ngôi hoàng đế và chiến thắng 29 vạn quân Thanh, vua Quang Trung cho xây Phượng hoàng trung đô ở Nghệ An. Như vậy ông không sửa sang Thành Phú Xuân làm gì. Vậy ông đã cho đắp thêm thành quách, mở  rộng cung điện” nào ?

1.6. Cung điện của vua Quang Trung đã bị Nguyễn Vương cho quân lính đập phá tan tành.

Chúng ta không biết Cung điện hay Dinh của vua Quang Trung hồi ấy ở đâu, bởi vì khi Nguyễn Vương trở lại Phú Xuân cuối năm 1801, ông ta đã cho quân lính đập phá tan tành. Ông Barisy một trợ thủ đắc lực của Nguyễn Ánh lúc ấy rất đau lòng khi viết:

Nguyễn Vương đã để cho cướp phá tất cả dinh thự của các tướng địch (Tây Sơn) và tôi tức giận các binh lính đã đập vỡ và phá hủy tất cả những thứ lọt vào tay họ; chắc chắn có những toà nhà tuy xây cất theo lối Trung Hoa nhưng nếu ở Paris thì có lẽ được coi là những lâu đài tráng lệ, nhiều vườn đẹp trồng nhiều dị thảo và nhiều bình choé Nhật Bản[5]

Barisy viết là “dinh thự của các tướng địch (Tây Sơn)”. Dinh thự của các tướng mà còn bị đập nát như thế sá chi dinh thự của Hoàng đế Quang Trung ! Cũng theo tinh thần của đoạn trích, những dinh thự bị đập đó không nằm trong Đô thành Phú Xuân. Phải chăng dinh thự của vua Quang Trung bị đâp nát đó chính là dinh thự ông đã “đắp thêm thành quách, mở rộng” như Lê Quý Dật Sử đã ghi và được nêu ở đoạn 1.5 trên ? Vậy thì Cung điện của vua Quang Trung bị quân Nguyễn Ánh đập phá đó tên gì và ở đâu ? Phải chăng đó là Cung điện Đan Dương đã được Ngô Thì Nhậm ghi chú[6] một cách cung kính dưới bài thơ Cảm Hoài?

Sáu câu hỏi rời đặt ra từ sáu tư liệu cùng thời của Tây (Jean Koffler, John Barrow, Barisy, La Bartette), của Tàu (Thích Đại Sán), của Bắc Hà (Lê Quý Đôn, tác giả Lê Quý Dật Sử) không do triều Nguyễn kiểm soát. Nhờ thế mà nó còn lưu lại được đến ngày nay. Tất cả 6 câu hỏi rời đó lại tập trung vào một điểm: Đó là một nơi ở quan trọng có liên quan đến Nguyễn Huệ/Quang Trung. Sử nhà Nguyễn không hề đề cập đến cung điện nầy. Vậy làm sao tìm được sự thực ?

Một số giáo sĩ và khách tham quan Huế vào thời gian này đã kể cho chúng tôi về điện Dương Xuân.

          Ông P. Koffler, viết trong cuốn Sử lược Nam kỳ, cho rằng, ‘ngoài cung điện chính ra, vẫn còn có thêm 3 điện (?) khác. Điện thứ hai, nơi ở của nhà vua dịp mùa đông, được xây trên bờ đối diện của sông…’

          Giáo sĩ Favre, thư ký cho đoàn truyền giáo, lại không nói gì về điều trên. Nhưng, mãi mười năm sau, Pièrre Poivre đã có nhiều dịp thấy được cung điện này, trong chuyến đi lần thứ hai của ông tại Huế và trú ngụ tại nhà ngài Lefèbre, cách điện Dương Xuân khoảng một cây số, và cũng đúng vào dịp Võ Vương đến ngụ tại điện. Trong chuyến đi này, Poivre gọi điện là “điện nhỏ của vua Thợ Đúc”, điều này một lần nữa khả dĩ xác định được vị trí mà ông đã ở.

          Ngoài ra, Poivre còn gọi điện Dương Xuân là “phủ trên”. Và giải thích theo lối nghĩ của người dân An Nam, theo cùng một từ trên, theo cách viết và phát âm của thời kỳ này. Lối đặt tên trên ám chỉ rằng vị trí của điện Dương Xuân nằm phía thượng nguồn của sông nếu chiếu theo điện chính là Phú Xuân. Cuối cùng, Poivre xử dụng lại một từ của ông Koffler, “Cung điện mùa đông”. Do có nhiều kẻ muốn yết kiến nhà vua tại điện, theo lời tường thuật của ngài tôi có dùng lại một số từ ngữ vay mượn, điều này cho phép bổ sung thêm một số chi tiết thú vị về địa điểm của điện Dương Xuân và biết được vùng đất trơ trụi mà chúng tôi hiện nghiên cứu có được thêm một chất liệu sống động hơn.

          Ngày 25-11-1749, “nhà vua rời khỏi điện chính, gọi là Phủ Kinh, và đi đến Cung điện Mùa Đông (Palais d’hivert) cũng còn gọi là Phủ Thượng (Résidence supérieure). [Đến đây, binh lính bắn ba phát đại bác, theo cách nghĩ của người dân xứ Đàng trong, nhằm xua đi những ý nghĩ về những điều không tốt. Những người dân nghèo, khi nói về chuyện bắn đại bác này, đều lộ vẻ mê tín với đầy những suy nghĩ sai lầm đến độ buồn cười.] Cung Điện mùa đông được xây dựng cùng theo quy cách của điện chính, bốn bề được súng đại bác bao quanh, nằm trên triền bờ sông (le bord du fleuve). Vào những tháng cuối nhà vua thường ngự lên đây, bởi vì vào mùa này, đất ở đây thường trủng và thường xuyên bị ngập lụt, nhà vua lại tìm thú vui ở trò câu cá và xem chèo thuyền”.

          Từ ngày 29-11, Poivre tìm cách để được yết kiến Võ Vương, dù không phải để mưu tìm một công việc gì. Thời gian này, Poivre đang ngụ tại một khu phố người Tàu, tức hiện nay là làng Minh Hương, hạ lưu sông Bao Vinh, cách điện Dương Xuân “chừng hai dặm”. Từ nhiều tuần nay, mưa to cùng với lũ lụt, mọi người đều cho rằng “hiếm có năm nào mưa lại to như vậy”.

          “Tôi đến Phủ thượng, để xin yết kiến nhà vua. Trước tiên tôi đến nhà viên giám mục địa phận để thỉnh nguyện điều này. Đợi một quảng khá lâu trước cửa, gia nhân bảo tôi rằng ông chủ bị ốm và không thể gặp được ai cả. Vài phút sau, tôi đi đến cửa điện, tìm gặp một vài viên sĩ quan quen biết có thể dẫn tôi vào được. Tôi gặp được một viên chỉ huy, ông này hứa với tôi sẽ giúp, nhưng rồi sau đó báo với người thông ngôn của tôi rằng hôm nay không thể gặp vua được, rằng người ngoại quốc không được phép vào trong điện, như vậy tôi phải chờ đến khi nào nhà vua quay lại điện chính. Điều này chỉ thực hiện sớm lắm là hai tháng sau.

          “Riêng tôi thì có nhiều lý do để ngờ vực người thông ngôn này khi thấy hắn thầm thì với viên chỉ huy bảo vệ, tôi cho rằng chính hắn muốn cản trở dự định của tôi.

          Dù vậy, tôi vẫn nhất định chờ đợi bằng cách đi dạo quanh trước cửa điện và tìm cách gặp một vài người để trình bày chuyện khó khăn của tôi. Cuối cùng, không gặp một người quen nào, tôi quyết định quay lại nhà viên giám mục địa phận, nhờ đám gia nhân nhắn lại rằng, do nhà vua bị ốm, tôi sẽ không trình bày với ngài một công việc nào cả, mà đơn giản là đến thăm ngài với một thầy thuốc đi cùng. Rốt cuộc tôi được mời vào, đúng lúc nhà vua đang đi dạo. Để tiếp tôi, ngài bước xuống một căn phòng nhỏ dùng để yết kiến ở ngay cửa của điện. Vẻ thân mật, rất bình thường…

          “Nhà vua nhận tờ thỉnh cầu (requeste) của tôi với đầy vẻ thiện chí, cầm lấy tay tôi và dẫn đến một mô đất nằm ngoài cùng của điện, đối diện với một cái hồ lớn (grand étang), nơi ngài câu cá. Ngài ngồi trên một chiếc chiếu và thong thả đọc tờ thỉnh cầu của tôi…

          “… Trong lúc tôi đang ngồi ở đấy với nhà vua, thì ở phía bờ hồ đối diện, một đám đông dân nghèo đang quỳ sụp lạy nhà vua và cố gào lên: bất công, bất công. Để được nhà vua chú ý nhiều hơn, trên đó họ khắc những lời ta thán. Nhà vua liền sai viên chỉ huy bảo vệ đến nhận lời thỉnh cầu của họ. Họ là những dân cày nghèo bị một viên quan lớn bóc lột, và để đạt được thỉnh nguyện họ đã hành động như thế, theo một lối đang được dùng ở Nam kỳ bấy giờ…

          Phải chăng khu vực này không còn hoang vắng nữa? Chúng tôi thấy ao đã bị lắp đầy một nửa, nằm ở phía đầu của điện, chính xác hơn là phía sau hoặc phía trước, theo hướng về phía điện. Khoảnh đất nằm trên ao, nơi nhà vua đang ngồi, hẵn là mô đất mà hiện nay là một ngôi chùa, hoặc một trong những nền nhà bao quanh bờ ao. Chính ở khu vực ao này, vào thời kỳ ấy hẵn sâu hơn so với lúc này, là nơi nhà vua thường thả lưới câu cá. Lũ lụt hàng năm, theo lời kể của Poivre, lại làm đầy nước lại và kéo thêm cá vào ao. Và, phía bờ ao bên kia, người người dân cày nghèo khó đang quỳ sụp lạy, sung sướng được gặp Ngài, bất kể đám lính canh, bất kể tên Cao Miên tham lam và hung tợn, người mà hẵn Poivre đã hết sức buồn phiền.

          Điều mà chúng tôi cần biết thêm trong đoạn tường thuật này, là ngoài điện Trường Lạc và tòa Duyệt Võ, điện mùa đông của Võ Vương gồm nhiều ngôi nhà khác nhau, thêm một căn phòng yết kiến, nằm sát ngay cửa, nơi Poivre đã vào. Thêm nữa, không xa ngôi điện là nhà ở của lão người Cao Miên và nhà của một số quan lại phục dịch trong điện

          Do công việc của Poivre vẫn còn kéo dài, ông đã cố gặp thêm Võ Vương thêm một lần nữa vào ngày 6/12 cùng năm 1749. ‘Trời vẫn không ngớt mưa, cái rét đã thấy rõ. Tôi buộc phải chạy giữa cơn hồng thủy ấy đến điện chính để kết thúc một số việc. Đầu tiên tôi đến nhà Ông Tả… Sau đó nhà tên Cao Miên, để xem liệu tôi có được gặp Võ Vương không. Hắn nói tôi rằng hiện vua đang ở trong cùng những người vợ và không tiếp ai cả… Cuối cùng, tôi quay lại nhà, suốt ngày không ăn uống gì và rất bực vì chuyến đi hôm nay.”

          Do quá bực dọc về chuyến đi ấy, và thêm nhiều chuyện khác, Poivre quyết định quay về Tourane. Nhưng đến ngày 25/12, ông lại trở lại Huế, và ngày 26, ông cố tìm gặp được nhà vua . ‘Từ nhà của lão Cao Miên, tôi đi đến điện để xin đươc yết kiến, đồng thời cũng xem liệu nhà vua đã chuyển chổ ở chưa. Khi tên Cao Miên biết rằng tôi muốn nói chuyện với nhà vua, hắn sợ tôi sẽ tự dâng cho vua lời thỉnh cầu của tôi và, do đó, hắn sẽ mất 2.500 quan, số tiền tôi hứa cho hắn. Hắn vội chạy đến điện, và đã tìm cách ngăn không cho tôi vào yết kiến nhà vua.’

          Chỉ đến ngày 27/12, Poivre mới gặp được Võ Vương ‘Tôi đã tìm cách thu phục viên chỉ huy bảo vệ để được vào điện. Tôi mời hắn đến dùng cơm tối, tặng hắn một số quà, rốt cuộc hắn hứa tìm cách giúp. Khi tôi xuất hiện ở cửa điện, hắn đến báo ngay với nhà vua mà không chờ ý kiến của lão người Cao Miên. Nửa giờ sau, nhà vua đến cửa, ngài không bước ra ngoài, chỉ khẽ nhấc đầu ra để xem tôi ở đâu. Tôi tiến lại gần…’

          Lần tiếp xúc này hoàn toàn diễn ra ngay trước cửa điện. Poivre không ngớt tán tụng về lòng tốt của nhà vua đối với ông. Theo ông, những khó khăn do số quan lại gây ra cho ông đều được ngầm tổ chức ngoài sự hiểu biết của nhà vua, và ngài mặc nhiên chẳng biết điều gì cả. Nhưng ông Lefebvre, người cho Poivre ở trọ, thì lại có ý kiến khác. ‘Ông Poivre đã đến gặp nhà vua, và vua, người đã biết quá rõ rằng lúc này tàu thủy Pháp vẫn chưa nhổ neo, đã ra vẻ ngạc nhiên khi gặp Poivre, đồng thời khẳng định với Poivre sẽ bảo đảm giải quyết nhanh chuyện này. Ngài Poivre thì hẳn tin rằng nhà vua là thực tâm, ông không thể tưởng được rằng chính vua đã từng ngầm thỏa thuận với lão người Cao Miên, rồi lại gán cho lão này tất cả trò ma lanh ấy, và trong cơn cùng cực của nổi đau ấy, nhà vua không thể cầm được nước mắt, rốt cuộc đã quyết định phải thải hồi tên này đi.’

          Đến đây chúng ta hãy để sang một bên chuyện về người lái buôn Pháp, ngài Poivre này, vì chỉ vài ngày sau, ngày 2-1-1750, ‘nhà vua từ điện nhỏ Thợ Đúc đã quay lại điện lớn’, và kể từ đây ngài Poivre hết còn dịp để bàn về điện Dương Xuân.

          Dẫu sao vẫn cần chú ý đến một chi tiết: ‘Chính mang một thói kêu căng hợm hĩnh mà Võ Vương đã rời bỏ những cung điện nhỏ và đơn giản của tổ tiên trước đây để khởi công xây dựng cung điện lớn mà ngài đến giờ vẫn còn ở, cung điện lớn được xây dựng theo khuôn mẫu của Pecquin, và trên những cánh cửa đều được khắc bằng chữ vàng những câu văn chữ Hán, nêu rõ nơi ở của nhà vua ở đây. Một số sách Sử niên cung cấp một số câu của Võ Vương, được khắc trên cửa và tường của Điện lớn. Một số câu cũng thấy xuất hiện ở điện Trường Lạc, thuộc khu vực Dương Xuân.

          ‘Nhà vua lệnh cho một số quan văn làm một số câu thơ, dùng để khắc lên tường sau này… Trần Thiên Lộc là tác giả của những đoạn thơ sau trong khuôn viên triển lãm thuộc điện Trường Lạc:

          ‘Võ Lậm và những tiên trượng nằm bao quanh đảo Bồng Lai, những khúc nhạc êm đềm của sáo trúc càng dâng nhẹ dần lên quanh ánh trăng đêm, chổ ngự giá của nhà vua bay bổng lên đến tận cùng của cỏi cực nam, đám khói vàng chẳng làm nhạt đi những đám mây trôi lơ lững, theo màu ngũ sắc, trăng đêm kết thành ánh gương soi cho nghìn thu, và sương rơi đọng lại trên lòng bàn tay làm đầy ly rượu vĩnh cửu, đám thị tỳ bao quanh hoàng đế, đang nhận những ân sủng và theo tiếng nhạc mã não chúng tụ lại quanh bờ ao (dinh  dưởng ấn) …’

          Tôi mặc nhiên tự hỏi mình có hiểu chăng khúc thơ cầu kỳ ấy, với bao hình ảnh huyền ảo, đám ý tưởng rối bời, có chăng là những cảm tính hoặc giả những giấc mơ của đám thị nữ. Dẫu sao, một làn thơ như vậy đã làm nhà vua hài lòng, ý thơ cũng hợp lẽ với đám khách châu Âu đang sống tại Huế vào lúc này đã kể cho những gì mà chúng tôi nghe. Cố nhiên, đấy là một ông vua tốt về bản chất, nhưng mềm yếu, lười biếng, ham mê sắc dục, mải mê đàn bà, chuộng sự xa hoa và chểnh mảng những điều quốc sự, mặc nhiên chịu cho đám quan tham lam áp đặt và chẳng hề có một chút ý thức gì, thêm nữa, tính cả tin cộng với những nguyên cớ phi lý thường dẫn đến cơn nóng giận. Được trang bị bằng tính chểnh mảng cộng ý thức hoang tưởng cùng cực, nhà vua tưởng tượng cơn bão của phong trào Tây Sơn khả dĩ phế truất kẻ nào kế vị ngài, và cố nhiên xóa bỏ đi triều Nguyễn.

*

*         *

          Nơi ở chính của triều đình được Võ Vương sửa sang lại toàn bộ trên một địa điểm mới. Võ Vương hy vọng có thể phá đi những ý đồ đen tối. Với điện Dương Xuân cũng nằm trong tư tưởng này, Võ Vương dựng nên một nơi ở mới tại một vị trí do ngài tự chọn, với sự giúp sức của các thầy phong thủy, hoặc ngài sẽ dựng nên một ngôi nhà trên địa điểm một cung điện cũ, cũng có thể ngài chỉ tiến hành một ít sửa chữa nhỏ, làm đẹp cho một công trình có sẵn? Tôi không thể trả lời được câu hỏi này, mặc dù tính khí của Võ Vương, nhất là ý đồ đổi mới, thay đổi mọi điều để tránh khỏi số phận, tất cả điều này có thể cho phép giả định rằng, điện Dương Xuân, cũng như nhiều nơi khác, Võ Vương đã phá bỏ tất cả những công trình của tiền bối và dựng nên những công trình mới.

          Nhưng có một điều chắc chắn, là những vua nhà Nguyễn từ lâu đã có một nơi ở thứ hai tại khu vực Dương Xuân. Năm 1700, sách Sử niên đã xác định vị trí này với tiêu đề “cũ xưa”. Như vậy, nó đã tồn tại trước thời điểm này. Trong mọi trường hợp, sau đây là một điều cần chú ý về thời kỳ này: ‘Năm Canh Thìn, tuần trăng thứ 8 (13-9 đến 11-10-1700), người ta tiến hành sửa sang tại cung điện cũ tại Dương Xuân. Đạo quân lính thủy, trong khi đào đất, đã phát hiện ra một con dấu bằng đồng, có một những chữ khắc như sau: Trấn Lỗ tướng quân chi ấn’. Minh Vương rất đỗi vui mừng với phát hiện này,  và dân chúng gọi nơi ở này là nơi ở của con dấu đồng’. Dù bản thân tôi đã cố hỏi tìm nhiều lần, tôi vẫn không thể tìm lại được những vết itch nằm trong tên gọi này.

          Năm 1698, ngày thứ hai trong tháng 11, một cơn bão lớn đã xảy ra, kèm theo mưa lớn và lụt. Minh Vương ‘cảm thấy nguy kịch khi đang ngụ trong cung, đã tìm chốn an toàn trên một ngọn núi nhỏ’. Ngọn núi này phải chăng là nơi ở cũ tại Dương Xuân, nơi Võ Vương sau đó đã đến ở trong những tháng mùa đông, trong một cung điện, mà theo lời của Poivre ‘được xây trên một mô đất’. Và phải chăng chính lời báo động trong năm 1698 đã khiến Minh Vương có ý nghĩ rằng phải xây dựng lại Điện Dương Xuân vào năm 1700 ? Đây chỉ là một giả thiết, nhưng cũng có thể là chính xác, vì chúng ta không thể tìm được một nơi ở khác của nhà Nguyễn trên những khu vực cao quanh thành Huế, và một nhân vật nọ, khi rời khỏi cung điện trong thời điểm nguy kịch, đã không đến vùng núi, mà chỉ trú ngụ tại những nơi được những vị tiền bối xây dựng từ trước. Và dưới thời Minh Vương, điện Dương Xuân đã là một cung điện xưa cũ rồi.

          Theo nhiều tài liệu, khi ngài La Motte-Lambert đến Huế vào tháng 8-1675, ngài đã co một lần tiếp xúc với Hiền Vương tại ‘một căn nhà ở đồng quê’. Phải chăng đấy là Dương Xuân, ‘nơi ở cũ’ của nhà Nguyễn?. Nhưng  tôi không dám quả quyết thế. Có thể vào thời kỳ này, có tồn tại một nơi ở thứ hai tại An Cựu, một nơi ở khác tại Phủ Cam và mặc khác, điều chắc chắn duy nhất chỉ là Linh mục đã trực tiếp gặp Hiền Vương mà thôi.

          Vậy thì chúng ta hãy rời bỏ điện Dương Xuân này, và sẽ hẹn trở lại một khi tìm được một tư liệu nào mới. 

           

Chú thích:

[1] Nguyễn Thừa Hỷ (dịch), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), Nxb Thế Giới HN.2008, tr.26

[2] Chỗ vua nghỉ lại khi đi đường

[3] Trích lại của Đặng Phương Nghi,  Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, T/s Sử  Địa, số  9-10, Đặc khảo về Quang Trung, số đặc biệt Xuân Mậu Thân/1968, tr.235

[4] Bùi Dương Lịch (?), Lê Quý Dật Sử, bd của Phạm Văn Thắm, Nxb KHXH, HN 1987, tr.90, trích lại của PTA

[5] Trích lại của Nguyễn Ngọc Cư (Dịch), Những Ngày tàn Của Tây Sơn Dưới Mắt Các Giáo Sĩ Tây Phương, t/s Sử Địa số 21/1971, chuyên đề 200 Phong trào Tây Sơn,  tr.180

[6] Ngày 29-7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung mất. Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh (Quang Toản). Vì uy tín của vua Quang Trung rất lớn, nhà nước Trung Hoa lúc ấy đã có những nghi lễ đón tiếp trọng thị. Điều đó làm cho Ngô Thì Nhậm càng cảm niệm công ơn to lớn của vua Quang Trung. Trong khi đang xúc động ấy, ông đã viết bài Cảm hoài  (Xúc động trong lòng). Câu 8 bài thơ: “Đan Dương cung điện nhật tam thu”. Trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu). Tác giả giải thích rõ thêm hai chữ Đan Dương bằng một ghi chú  (référence) gần đầy một trang. Trong lời chú thích ấy có thông tin “Cung điện Đan Dương là sơn lăng kính giữ bảo y của tiên hoàng ta” . Bản gốc chữ Hán bài thơ Cảm Hoài trong tập Hoàng Hoa Đồ Phả (tr.12 a và 12 b), ký hiệu A.2871, Viện Hán Nôm 183 Đặng Tiến Đông, Hà Nội. Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu.  

Nguồn bài đăng

Bình luận về bài viết này