Nguồn gốc địa danh Hòa Lai ở tỉnh Ninh Thuận

1024px-thap_hoa_lai_ninh_thuan

Tháp Hòa Lai

Nguyễn Văn Nghệ

 Ở tỉnh Ninh Thuận, hiện có hai ngọn tháp Chăm đứng cạnh Quốc lộ I A, nhưng  lại được gọi là Ba Tháp, bởi trong quá khứ tại đây có ba ngôi tháp nhưng có một ngôi tháp đã bị sụp đổ nên mới có tên gọi như vậy! Giới khảo cổ gọi cụm tháp ấy là tháp Hòa Lai.

 Trong bài viết “ Nguồn gốc địa danh…” của Chế Vỹ Tân viết về địa danh Hòa Lai: “là một địa danh ở bắc Ninh Thuận thường được gọi là Ba Tháp, thuộc xã Tân Hải, huyện Ninh Hải. Trên Quốc lộ số 1, du khách bắt gặp hai ngọn tháp Chăm cổ kính tọa lạc phía đông con đường, cách ranh giới Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 8 km( ngọn thứ ba đã bị đổ nát từ lâu). Nơi đây chính là HÒA LAI. Xưa kia địa danh này mang tên là BAL LAI( thủ đô đã điêu mất). Chính từ Bal Lai này đã được phiên âm thành Hòa Lai”(1).

 Hiện nay cụm tháp Hòa Lai thuộc thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Từ địa danh Thuận Lai đổi thành Hòa Lai

Trước năm 1888 vùng đất tỉnh Ninh Thuận hiện nay gọi là phủ Ninh Thuận, thuộc tỉnh Bình Thuận.Tất cả các dịch trạm (trạm thông tin liên lạc) thuộc tỉnh Bình Thuận đều bắt đầu bằng chữ “Thuận”. Dịch trạm đầu tiên trên đất tỉnh Bình Thuận tính từ phía bắc vào là Thuận Lai, Thuận Mai, Thuận Trinh, Thuận Lãng…Nằm giữa ranh giới Khánh Hòa và Bình Thuận là dịch trạm Hòa Thuận ( dịch trạm nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh thì lấy một từ trong tên của tỉnh này và một từ trong tên của tỉnh kia ghép lại. Ví dụ dịch trạm giữa tỉnh Bình Định và Phú Yên là  dịch trạm Bình Phú; dịch trạm giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa gọi là dịch trạm Phú Hòa; dịch trạm giữa tỉnh Bình Thuận và Biên Hòa là dịch trạm Thuận Biên …). Theo tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định soạn xong năm 1806 thì từ dịch trạm Hòa Thuận đi khoảng 4876 tầm (1 tầm= 2,12m, như vậy khoảng 10 km) là đến dịch trạm Thuận Lai: “ đến quán nghỉ trạm Thuận Lai, trước mặt trạm có quán nghỉ, khách đi đường có thể nghỉ lại”(chí quán cư Thuận Lai dịch. Trạm tiền hữu quán cư, hành nhân khả trú túc). Qua khỏi trạm Thuận Lai 1600 tầm (khoảng hơn 3 km): “ đường đi bằng phẳng, hai bên là rừng thưa, phía tây đều là ruộng cấy lúa, phía đông cóba tòa tháp cổ, tục gọi tháp Cao Miên, nay đã đổ nát(kỳ lộ bình thản, lưỡng bàng sơ lâm, lộ tây điền trù, lộ đông hữu tam cổ tháp, tục danh Cao Miên tháp. Kim dĩ đồi hoại)(2).

   Đại Nam nhất thống chí ghi chép về trạm Thuận Lai: “ Ở thôn Nhơn Sơn huyện An Phước, phía bắc đến trạm Hòa Quân tỉnh Khánh Hòa 43 dặm linh, phía nam đến trạm Thuận Mai 20 dặm linh”(3)

    Tác phẩm “ Notes sur l’Annam I Le Bình Thuận” của  Étienne Aymonier viết xong vào tháng 6 năm 1885 ghi chép về trạm Thuận Lai: “Enfin, la route atteint le seizième et dernier trạm du Bình Thuận,celui de Thuận Lai, situé dans ce couloir qui fait communiquer le Bình Thuận avec la province voisine du Khánh Hòa”(4)(Sau cùng, con đường đến được trạm thứ 16 và là trạm cuối cùng của Bình Thuận, tức là trạm Thuận Lai, nằm ở trong con đường giao thông Bình Thuận với tỉnh bên cạnh của Khánh Hòa).

    Trong tác phẩm Notes sur l’Annam II le Khánh Hòa cũng của Étienne Aymonier soạn xong vào tháng 12 năm 1885 đã ghi chép về trạm Thuận Lai một cách rõ ràng: “Le trạm de Thuận Lai, le dernier relai de poste du Bình Thuận que nous avons déjà vu en étudiant cette province, parait quelque peu dispose pour une defense; ses maisons sont solides, élevées, couvertes de tuiles; il est clos d’un mur d’enceinte en pierre que la route traverse, entrant par la porte du sud pour ressortir par celle du nord (5) (Trạm Thuận Lai, trạm cuối cùng của Bình Thuận mà chúng ta đã xem qua khi nghiên cứu về tỉnh này[ Ý của Aymonier nhắc tới tác phẩm Notes sur l’Annam I le Bình Thuận- TG], trạm ấy có vẻ như một nơi để phòng vệ; những ngôi nhà của nó chắc chắn, cao ráo, lợp ngói; nó được bao kín bằng một vòng tường đá mà con đường đi xuyên qua, vào bằng cửa phía nam, ra bằng cửa phía bắc).

     Nếu tính từ bắc vào nam thì dịch trạm Thuận Lai là dịch trạm đầu tiên trên đất Bình Thuận, nếu tính từ nam ra bắc thì dịch trạm Thuận Lai là dịch trạm thứ 16 và cũng là dịch trạm cuối cùng trên đất Bình Thuận.

     Tháng giêng năm Mậu Tý (1888): “ phủ Ninh Thuận, nguyên vẫn lệ thuộc ở tỉnh Bình Thuận, nên trích ra cho lệ thuộc vào tỉnh Khánh Hòa(6).Các dịch trạm trên đất Khánh Hòa đều bắt đầu chữ “Hòa” như: Hòa Mã, Hòa Lãng, Hòa Huỳnh, Hòa Cát, Hòa Thạnh, Hòa Tân, Hòa Do, Hòa Quân. Do lệ thuộc vào tỉnh Khánh Hòa, cho nên các dịch trạm Thuận Lai, Thuận Mai, Thuận Trinh, Thuận Lãng nằm trên phần đất phủ Ninh Thuận được đổi chữ “Thuận” thành chữ “Hòa” cho giống các dịch trạm trên đất Khánh Hòa và dịch trạm Thuận Lai được đổi thành Hòa Lai.Địa danh Hòa Lai bắt đầu xuất hiện từ đây.

        Từ địa danh Hòa Lai đổi thành Ninh Lai

Dưới thời vua Minh Mạng, dân trạm Hòa Thuận (nằm ở ranh giới giữa Khánh Hòa và Bình Thuận) xiêu tán nên triều đình xóa bỏ trạm Hòa Thuận. Trong tác phẩm “ De Qui Nhon en Cochinchine” của tác giả J. Brien xuất bản năm 1893 (sau khi phủ Ninh Thuận nhập vào đất Khánh Hòa hơn 5 năm) cho biết là từ trạm Hòa Quân (Cam Ranh) đến trạm Hòa Lai có chiều dài là 26,620 km và ông viết về trạm Hòa Lai: “Le tram de Hòa Lai est très vaste, construit en briques, entouré d’un mur en pierres avec une cour dallée. C’est le plus beau de tous les relais de trams de l’Annam”( Trạm Hòa Lai rất rộng, xây bằng gạch, được bao quanh bằng một bức tường đá với một cái sân lát gạch. Đó là cái trạm dừng đẹp nhất trong tất cả các trạm của xứ An Nam).

  Ông viết tiếp: “A trois kilomètres de Hòa Lai, on trouve à gauche, sur le bord de la route, les ruines de trois tours chams, encore bien conservées et rappelant celles du Binh Đinh et de Nha Trang” (7) ( Cách Hòa Lai 3 ki lô mét, người ta tìm thấy ở phía trái, bên lề đường, phế tích 3 tháp Chàm, hãy còn giữ gìn kỹ, nhắc nhớ tới những cái[tháp] ở Bình Định và Nha Trang).

    Tháng 3 năm Tân Sửu(1901) “ Bắt đầu đặt đạo Ninh Thuận (trích phủ Ninh Thuận và huyện An Phước tỉnh Khánh Hòa lập thành một đạo, lỵ sở đặt ở xứ Phan Rang) lấy Tri phủ Nguyễn Văn Thụy thăng làm Quản Đạo”(8).

   Do không còn trong phần đất Khánh Hòa nữa và được nâng lên thành đạo Ninh Thuận cho nên vào tháng 9 năm Tân Sửu (1901): “ Đổi các dịch trạm Hòa Lai, Hòa Mai, Hòa Trinh ở đạo Ninh Thuận thành Ninh Lai, Ninh Mai, Ninh Trinh để có phân biệt” (9)

      Như vậy địa danh Hòa Lai bắt đầu xuất hiện vào năm 1888 và tồn tại đến thánh 9 năm Tân Sửu (1901) thì được đổi thành Ninh Lai. Vào thập kỷ cuối của thế kỷ XIX các nhà khảo cổ đã lấy địa danh dịch trạm Hòa Lai đặt tên cho cụm di tích Ba Tháp gần đó (cách dịch trạm Hòa Lai khoảng 3 km) nên mới có tên tháp Hòa Lai.

 Địa danh Hòa Lai hoàn toàn có nguồn gốc mang yếu tố ngôn ngữ Việt chứ không hề có chút yếu tố Chăm nào cả!

                           Nguyễn Văn Nghệ– Nha Trang

 

Chú thích:

  • -inrasara.com/2007/08/29/chế-vỹ-tan-nguồn-gốc-dịa-danh
  • – Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Phan Đăng dịch và chú giải), Nxb Thuận Hóa, tr. 57; trang chữ Hán không phiên có phiên âm, trang 1660.
  • – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa,tr. 147
  • – Étienne Aymonier,Notes sur l’Annam I le Bình Thuận, Saigon Imprimerie Coloniale 1885, page 32.
  • – Estienne Aymonier, Notes sur l’Annam II le Khánh Hòa, Saigon Imprimerie Coloniale 1886, page 14.
  • – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 9, Nxb Giáo dục, tr. 381.
  • – J.Brien, De Qui Nhơn en Cochinchine, Hanoi Imprimerie Typo- Lithographie F.-H. Scheneider, 1893, page 33.
  • – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Nxb Văn hóa- Văn nghệ, tr. 394.
  • – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Nxb Văn hóa- Văn nghệ, tr.405.

 

 

 

 

1 thoughts on “Nguồn gốc địa danh Hòa Lai ở tỉnh Ninh Thuận

Bình luận về bài viết này