Từ Quan Nhị Ca đến Quan Thánh Đế

15055655_1257397417657524_6100645519384513109_n-1
Tới thời Thanh thì Quan Vũ được tôn làm Quan Thánh Đại đế 

Tiếu

Trong bổn lưu xưa nhứt về tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung đã nói rõ đây là một tác phẩm văn học dựa theo lịch sử và có hư cấu theo kiểu “bẩy thực, ba hư”.

Ông họ La nầy thuộc dạng “cuồng” phe Thục còn hơn là mấy em nhỏ ngày nay cuồng ca sĩ nữa, “tôn Lưu biếm Tào” tới mức cực đoan luôn. Vậy nên ba phần hư nầy toàn là có chủ đích hết chớ hổng phải là vu vơ đâu: đánh bóng tên tuổi, đề cao cái tốt che giấu cái xấu cho mấy nhơn vật phe Thục.

Mà trong cái chuyện “hư” trong tác phẩm nầy thì không nhơn vật nào được ưu ái được “hư” nhiều như ông Quan Võ. Quỡn, bàn chuyện “hư” của ổng chơi.

Trước tiên phải nói là Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung quá phổ biến rồi, tác động của nó thì “Tăng Sâm giết người” là một chuyện dẫn chứng. Mà bạn biết đó, ông họ La nầy tôn kiếng Quan Võ lắm, cứ nhìn đi thì biết:

Trong truyện có tất cả bao nhiêu nhơn vật có tên, chỉ có ba nhơn vật mà La Quán Trung chỉ gọi tên tự đó là : Lưu Huyền Đức, Chư Cát Khổng Minh và Quan Vân Trường còn ngoài ra thì lôi tên mẹ đẻ ra mà kêu hết. Rồi thì tới mấy ông dịch truyện ở Nam Kì lúc trước một tiếng cũng là “Quan Công”, hai tiếng cũng là “Quan Công”. Đọc truyện mà tức anh ách luôn.

Đương thời, tên tuổi của Quan Võ cũng không có được đề cao lắm nên năm sanh của Quan Võ các sử gia không có ai ghi chép. Muốn biết Quan Võ sanh năm nào thì người ta phải dựa theo sách vở ghi chép về… các nhơn vật khác mà suy ra tuổi của ổng theo kiểu “vòng vo Tam quốc”. Theo cách tính nầy thì người ta tính được ổng sanh năm Diên Hi thứ hai (năm 159 STL). Vào thời Khang Hi, người ta khai quật được ở tỉnh Sơn Tây (quê nhà của Quan Võ) một văn bia thời Hớn có ghi chép về “Tấm bia mộ tổ Quan Võ” thì ổng sanh năm Diên Hi thứ ba (160 STL).

Qua ngòi viết của La tiên sanh “lăng-xê” thì địa vị của ổng cao chót vót vậy chớ với người đương thời thì ổng làm gì “có cái giá đó”. Bộ sử nổi tiếng nhứt trong thời kì nầy là Tam quốc chí của Trần Thọ cũng chỉ có chưa đầy ngàn chữ dành cho nhơn vật nầy. Thậm chí là ghi chép còn ít hơn cả vài ba cái tên “cắc ké kì nhông” khác trong sách mà người đời còn không nhớ tên tuổi.

Còn chuyện thiên hạ thờ phượng ổng là chuyện về sau, ở đây Tiêu muốn nói chuyện lịch sử:

1. “Đào viên kết nghĩa” là chuyện vẽ, còn chiến công thì toàn “hàng dựng”

“Đào viên kết nghĩa” thua một vũng nước tiểu của Tào Tháo.”

Cái nầy không phải là lời của Tiêu à, là lời của mấy tay bình luận phim bên Trung quốc sau khi coi xong phim Tam quốc năm 2010 mà nói vậy.

Trong phim nầy ông đạo diễn Cao Hi Hi cho quây cảnh “kết nghĩa ở vườn đào” thoáng qua lẹ như sóc, ai mà lỡ đương ngáp thì bỏ qua đoạn nầy luôn hổng biết chừng. Thời gian quây cảnh nầy còn ngắn hơn cảnh Tào Tháo và Trần Cung đứng tiểu trên núi và cười nói sảng khoái nữa.

Ông đạo diễn bị chửi là đúng! Câu chuyện mở đầu của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung là “đào viên kết nghĩa” và đó là đó là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt mạch truyện. Truyện nầy thì quá là nổi tiếng luôn, ai ai cũng biết vậy mà nay tay đạo diễn nầy “chơi trội” khiến người ta nghịch nhĩ, vậy nên bị chửi cũng phải.

Nhưng mà chuyện “đào viên kết nghĩa” nầy là chuyện xạo nha các vị! Không hề có sách vở đương thời nào chép việc nầy hết đó.

Chuyện tên Lưu Phong là con nuôi của Lưu Bị mà sách vở đương thời chép đầy, tới đây chắc có người còn hỏi “Lưu Phong là thằng nào” nữa kìa. Vậy mà chuyện Hớn đế Lưu Bị kết nghĩa anh em có phải đâu chuyện nhỏ nhặt kiểu “hút thuốc quăng tàn” mà không sách vở nào chép hết?

Thậm chí ngay cả Trần Thọ – tác giả của bộ chánh sử Tam quốc chí, cả cha ổng lẫn ổng đều làm quan cho Lưu Bị mà cũng không hề biết tới chuyện “huynh đệ kết nghĩa” nầy luôn? Vì cớ làm sao?

Trong cả ba phần chép về ba nhơn vật Lưu – Quan – Trương, không có nổi một chữ nào nói về việc kết nghĩa nầy hết á. Hổng lẽ ông Trần Thọ “quên liên tục”?

“Tam Quốc chí” phần “Quan Võ truyện” có viết:

<< Chúa (Lưu Bị) thân thiết với hai người (Quan, Trương) như anh em, còn ngủ chung giường. Hai vị này cũng ngày đêm hầu hạ, không quản khó nhọc. >>

Phần chép về Trương Phi, Trần tiên sanh viết: “Võ lớn hơn nhiều tuổi nên Phi coi Võ như anh” chớ không có nói gì “anh em kết nghĩa” hay nhắc tới chuyện “ba anh em Lưu-Quan-Trương” gì đâu đây.

Phần chép về Lưu Diệp có chép:

<< Trong một buổi trào khi Ngụy đế Tào Phi hỏi quần thần chuyện “liệu Lưu Bị có đánh Ngô không?” thì các quan cho là không. Phần Lưu Diệp thì bẩm rằng: “Lưu Bị và Quan Võ nghĩa là quân thần, nhưng ơn như cha con (nguơn văn là “Ân do phụ tử”). Quan Võ bị giết hại, nếu như Lưu Bị không xuất quân báo thù cho hắn thì cả ơn cả nghĩa đều không thể coi là trọn vẹn trước sau với Quan Võ vậy”. >>

Theo họ La thì trong buổi kết nghĩa huynh đệ do Lưu Bị lớn tuổi nhứt nên được làm anh. Nếu chuyện nầy mà là thiệt thì nó lại sai lịch sử. Như trên đã tính, thiệt tế thì Quan Võ lớn hơn Lưu Bị hai tuổi (theo sách Tam quốc chí) hoặc một tuổi (theo tấm bia) chớ “không có cửa” nào nhỏ hơn Lưu Bị rồi tôn họ Lưu lên nắm “trùm” được.

Nhiêu đó thôi là đủ hiểu rồi ha! Bởi vậy thà nói chuyện “Tào Tháo đi tiểu” còn đáng tin chớ nói chuyện “Đào viên kết nghĩa” khó mà Tiêu tin được.

***

Truyện Tam quốc diễn nghĩa cho Quan Võ ra mắt trước mười tám lộ chư hầu bằng chiến tích “Ôn tửu trảm Huê Hùng” khi họp binh cùng diệt Đổng Trác. Chuyện nầy không có nha quới vị, cuộc họp chư hầu nầy Lưu Bị không có tham gia hây tham dự gì hết đó.

Huê Hùng bị Tướng tiên phuông của liên quân là Tôn Kiên (Tôn Văn Đài) chém mới đúng lịch sử. Ông họ La cướp công của người ta rồi gán cho Quan Võ để tạo ra màn “ra mắt” cực kì hoành tráng và ấn tượng cho nhơn vật Quan Võ nầy. Rồi tới cả chuyện “Tam anh chiến Lữ Bố” cũng là hư cấu của ông La mà thôi.

Trong thời gian đầu hàng chịu dưới trướng “giặc Tào”, Quan Võ đã giết được Nhan Lương, nhưng như vậy theo ông La là chưa đủ “đô” nên ổng lôi thêm Văn Xú vô nữa cho… nhiều. Sự thiệt thì Văn Xú đã bị một tướng của Tào (có thể là Trương Liêu) giết chớ hổng phải Quan Võ.

Khi Quan Võ bỏ Tào Tháo ra đi, La Quán Trung còn vẽ ra chuyện “Quá ngũ quan trảm lục tướng” nữa mới gọi là “bảnh”. Sáu tướng bị Quan Võ chém lần lượt có tên là Khổng Tú, Mạnh Thản, Hàn Phước, Biện Hỉ, Vương Thực, Tần Kì; nhưng kì thực cả sáu cái tên nầy đều không có trong lịch sử, tất cả là do họ La chế ra nhằm một mục đích duy nhứt đó là: “Hãy nhận đao của Quan mỗ!”. Tào lao.

Rồi tới lúc ở Cổ Thành khi bị Trương Phi nghi ngờ, Quan Võ đã chém tướng Sái Dương của phe Tào để chứng minh lòng trung thành dành cho Lưu Bị thì cũng lại là “chôm” chiến công của … Lưu Bị. Rồi tới cả chuyện Quan Võ “Đơn đao phó hội” qua sông gặp Lỗ Túc (Lỗ Tử Kiếng) của Đông Ngô cũng chỉ là chuyện mà La tiên sanh hư cấu đó mà thôi.

2. Trung, nghĩa kiểu … Quan Võ

Kiến An năm thứ 5 (200), Tào Tháo thống lãnh đại quân tới Từ Châu đập thầy trò Lưu Bị “chạy có cờ”. Trong thiên hạ nầy chưa từng thấy ai chạy nhếch nhác như ông Lưu bán dép nầy, chạy quăng vợ con tướng tá luôn, chỉ lo giữ cái mạng của mình, ngoài ra không kể xanh đỏ trắng đen gì nữa hết.

“Tào Tháo dí” thì danh bất hư truyền rồi, Quan Võ “chịu không nổi nhiệt” nên đầu hàng Tào Tháo luôn. Võ theo Tào Tháo về Hứa Đô nhận tước phong hầu.

Hàng giặc thì nói là hàng giặc, việc gì phải bày trò rườm rà văn tự? La Quán Trung chế ra chuyện Quan Võ ra ba điều kiện, Tào Tháo phải chấp nhận hết cả ba thì ổng mới chịu đầu hàng, còn không thì thôi.

Cái gì mà gọi là “hàng Hớn chẳng hàng Tào” chớ? Trước giờ ổng phò “Hớn thất” Lưu Bị mà, hổng lẽ ổng là “loạn thần tặc tử” của nhà Hớn sao mà giờ lại có chuyện “hàng Hớn” ở đây? La Quán Trung có biện hộ giỏi thì cũng “lú vĩ” chổ nầy.

Người đời hỏi “Ông nầy đầu hàng giặc thì trung cái nỗi gì?” Vậy là họ La mới vẽ lên chuyện trên rồi lại thêm “ba điều lợi, ba điều hại” gì đó ra nữa để mà giải thích. Họ La đã cố gắng “hiệp thức hóa” việc Quan Võ hàng “giặc Tào”, chớ nếu không thì sao Quan Võ tránh khỏi hai tiếng “Bất trung”. Người đời sau nhận thấy chuyện tào lao nầy đâu có ít nhưng thay vì phát biểu mổ xẻ sự tào lao trên thì người ta lại chỉ toàn kiếm cách giải thích cho xuôi chìu ý số đông mà thôi.

Lại nói tiếp, Lưu Bị sau khi để mất Từ Châu đã dẫn tàn binh tới nương nhờ Viên Thiệu (Viên Bổn Sơ) rồi xúi Viên Thiệu kéo binh đi đập Tào Tháo. Tào Tháo đem binh ứng phó, Quan Võ theo Tào Tháo ra trận đối đầu với quân đội Viên Thiệu và… Lưu Bị. Quan Võ giết được tướng Nhan Lương khiến Viên Thiệu giận lắm, xém chút nữa giết Lưu Bị rồi.

Xưa thì Quan Võ phò Lưu Bị, Lưu Bị đối xử với ông ta cũng không tệ vậy mà nay lại ra trận đối đầu chủ cũ, hại chủ cũ xém chết, như vậy có gọi là “bất nghĩa” không?

Vậy là ông La Quán Trung mới bao biện rằng Quan Võ không hề biết Lưu Bị đã theo về Viên Thiệu. Bạn tin được không? Quan binh các cấp, ai ai cũng biết chuyện đó hết, riêng Quan Võ… không biết. Cái nầy thì khác gì “Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu. Nên có một gã khờ…”

Họ La không chế như vậy thì Quan Võ đã vi phạm lời thề “Đào viên kết nghĩa” rồi sao? Mà như trên Tiêu đã nói “đào viên” cái gì, “đồng sanh, đồng tử” cái gì chớ, chỉ là họ La tự vẽ ra mà thôi.

Sách sử ghi chép Quan Võ về theo Tào Tháo có một mình thôi, hổng có hai bà chị dâu gì ở đây hết đó. Vậy nên cái chuyện Quan Võ đốt đèn ngồi vuốt râu đọc Kinh Xuân thu canh cửa cho hai chị dâu thâu đêm chỉ là chuyện vẽ. “Minh chúc đạt đán” (Đuốc sáng thâu đêm) lại là một sản phẩm khác nữa của ông họ La vậy mà người đời cứ suốt ngày ngợi ca cái “Lễ” của tướng quân họ Quan.

Ông La Quán Trung rất giỏi “tô son, trát phấn” cho Quan Võ nhưng cái kim trong bọc thì cũng phải lòi thôi. Cái gì mà nhứt mực cung kiếng nhị vị tẩu tẩu Mi, Cam Phu nhơn, làm gì cũng phải xin ý kiến hai chị dâu? Quan Võ không phải đã chửi Tôn Quyền là “nòi chó” sao? Nếu mà nói vậy thì em gái của Tôn Quyền là chị dâu của Quan Võ thì cũng một “nòi chó” luôn chớ còn đâu!

Quan Võ bỏ Tào Tháo ra đi sau khi giết được Nhan Lương mà đã coi là “sòng phẳng” cái ơn tha mạng của Tào Tháo thì họ La thấy cũng chưa xứng. Lại một sản phẩm ảo nữa ra đời: “Huê Dung tiểu lộ” Quan Võ tha mạng Tào Tháo sau trận Xích Bích, đây mới gọi là tài tình. Nợ mạng, trả mạng như vậy là “sòng phẳng” rồi nha, người đọc đừng có phàn nàn gì về ơn nghĩa mà Quan Võ nợ Tào Tháo nữa hết á nha!

Chuyện Tào Tháo tha mạng Quan Võ là chuyện có thiệt lịch sử, còn chuyện Quan Võ tha mạng Tào Tháo ở tiểu lộ Huê Dung chỉ có trên giấy nhà ông La chớ làm gì có thiệt. Như vậy mà bấy lâu nay thiên hạ cứ trầm trồ, thán phục cái “nghĩa” của Quan Võ ngất trời mây luôn vậy. Hây da, người đời lại bị họ La gạt nữa rồi.

<< Thục kí chép: Quyền sai tướng sĩ đánh lén Võ (trận Kinh Châu), bắt được Võ và con là Bình. Quyền muốn chiêu hàng Võ dùng để đối địch với Lưu – Tào, tả hữu mới nói rằng: “Hổ dữ chẳng thể nuôi, sau tất bị nó hại. Tào công (Tào Tháo) chẳng trừ bỏ người nầy, đã rước đại họa, phải bàn tới việc dời đô. Nay không nên để cho sống!”. Vậy là Quyền bèn sai đem chém. >>

Nhờ công của La Quán Trung mà chuyện “Trung”, “Nghĩa” của Quan Võ luôn được bao biện, đổi trắng thay đen bằng con chữ. Chuyện làm bậy làm sai thì đều có lí do chánh đáng mà lí do nào cũng cao cả hết, vẽ ra vài ba chuyện tốt nữa để “đánh bóng” Trung – Nghĩa của ông nầy. Thiệt là tài tình quá đi!

3. Quan Võ vì “gái” mà trở mặt với Tào Tháo

Sách “Thục kí” còn ghi lại rằng: Kiến An năm thứ ba (189 STL), tháng 9, Tào Tháo và Lưu Bị hiệp binh đánh Từ Châu để trừ Lữ Bố. Quan Võ được Tào Tháo phong làm tiên phuông đánh Hạ Bì. Liên quân Tào-Lưu đã vây thành Hạ Bì trong suốt hơn một tháng ròng, ép Lữ Bố vô thế đường cùng.

Hết cách, Lữ Bố đã đem vợ mình là Đỗ Thị tới chỗ Quan Võ để lấy lòng ông ta. Thấy đây là một người phụ nữ vô cùng xinh đẹp và quyến rũ nên Quan Võ đã muốn giữ lại làm “của riêng”. Nhưng mà theo luật quân đội thì chiến lợi phẩm đương nhiên phải do chủ soái định đoạt, tướng binh không được tự ý. Quan Võ lỡ giấu cô nầy lại xài một mình mà Tào Tháo biết được bắt tội “lén nhận đút lót” thì không hây. Vậy là Quan Võ đã tới gặp Tào Tháo hỏi rằng mình muốn nhận cô nầy, làm vậy có được không?

Tào Tháo đã đồng ý cho Quan Võ nhận nhưng sau khi Tào Tháo nhìn thấy cô nầy đẹp mê hồn nên Tào Tháo đã “nuốt lời” với Quan Võ mà tìm cách “câu giờ” ban thưởng cho Quan Võ, níu giữ lại “xài dần”. Cái tánh “khoái xài vợ người ta” của ông Tào Tháo thì đã nổi tiếng lắm rồi, Tiêu khỏi quảng cáo thêm nha.

Nhận được tin nầy, Quan Võ đã vô cùng tức giận nhưng cũng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Hổng lẽ cấp dưới lại ra mặt chống đối với cấp trên chỉ vì “giành gái”? Nhưng cũng từ đây, mối quan hệ giữa Quan Võ và Tào Tháo đã không còn “ngon cơm, ngọt canh” nữa rồi.

Tam Quốc chí có dẫn:

<< Thục kí viết: Tào công cùng với Lưu Bị vây Lữ Bố ở Hạ Bì, Bố sai Tần Nghi Lộc tới cầu cứu, Quan Võ bày tỏ với Tào công, xin được lấy người đó làm vợ, Công ưng cho. Bố bị phá, Võ lại tỏ ý với Công. Công ngờ rằng người ấy hẳn có nhan sắc, mới sai đón trước về xem, thầm tính giữ lại không cho đi, Võ trong lòng bất an. Việc nầy sách Nguỵ thị Xuân Thu cũng không nói khác. >>

Như vậy thì có tất cả ba tài liệu lịch sử ghi chép sự việc giành gái giữa Tào Tháo và Quan Võ với nội dung giống nhau. Dầu đó là một sự thực lịch sử nhưng chuyện giành gái trở mặt cũng hổng hây ho gì nên ông họ La “ngậm hột thị” không dám nhắc tới một chữ nào luôn.

Sách Thục kí còn chép một chuyện khác nữa liên quan: Sau khi diệt Lữ Bố, Tào Tháo dẫn Lưu Bị về Hứa Đô để trình diện Thiên tử và nhận thưởng. Trong một lần Thiên tử đi săn, có Tào Tháo và Lưu Bị cùng văn võ bá quan theo cùng. Quan Võ lén khuyên Lưu Bị nhơn lúc mọi người hỗn loạn mà giết Tào Tháo đi, nhưng Lưu Bị không nghe theo vì tình thế không cho phép manh động.

Mới mấy tháng trước còn tới “bầm Thừa tướng” xin nhận lễ vật “gái đẹp” của Lữ Bố vậy mà nay lại muốn giết lén người ta. Lí do gì đây? Phải chăng là thù ghét Tào Tháo chuyện Đỗ Thị? Nhiều học giả Trung quốc tin vào lí do nầy nhưng đúng hây sai chỉ có người trong cuộc mới biết được, mình là người ngoài chỉ có thể lấy làm tham khảo mà thôi.

<< Thục kí chép: Lúc trước, Lưu Bị ở đất Hứa cùng với Tào công đi săn. Trong khi săn bắn, mọi người tản mát, Võ khuyên Bị giết Công, Bị không nghe. Khi ở Hạ Khẩu, lúc phiêu dạt trên sông, Võ tức giận nói: “Ngày trước lúc đi săn, phải chi nghe theo lời Võ nầy (giết Tào Tháo) thì ngày nay có đâu khốn cùng như vầy.” Bị nói: “Đó là bởi bấy giờ cũng vì việc quốc gia mà tiếc (Tháo) đấy thôi; thuận đạo trời mà phụ chánh, đó là muốn an ổn nên chẳng gây việc thị phi như vậy.” >>

Đọc tới chổ nầy, Tiêu thấy Quan Võ không xứng được gọi là một người anh hùng, nói về nghĩa khí còn thua cả ông Lưu bán dép.

Mùa đông năm Kiến An 24 (219), Tướng quân Quan Võ nhận một cái kết bi thảm. Trước sau đều thọ địch, trước mặt là quân Ngụy, sau lưng là quân Ngô; phe nhà thì Mi Phương, Sĩ Nhơn thì phản; Lưu Phong, Mạnh Đạt không ai thèm ứng cứu để tới nỗi bị quân Ngô bắt giết. Con cháu sau nầy tất cả đều bị con của Bàng Đức là Bàng Hội giết sạch sành sanh, không còn người kế tự. Kết cục nầy nguơn nhơn cũng bắt đầu từ tánh cách “mục hạ vô nhơn” mà ra.

4. Nhang khói nhơn gian

Người đầu tiên bày ra trò thờ cúng Quan Võ là ai? Theo sách vở chép lại thì đó là đệ nhứt gian hùng cổ kim chỉ có một: Tào Tháo. Mục đích của việc thờ cúng Quan Võ cũng chánh là một con bài chánh trị của Tào Tháo đó mà thôi.

<< Ngô lịch viết: Quyền đem đầu của Võ đến chỗ Tào công, Tào công lấy lễ chư hầu mà an táng cho Võ”. >>

Ngoài ông Tào Tháo ra thì không thấy sách vở nào có ghi chép thêm về việc thờ cúng Quan Võ cả. Còn chuyện Quan Hưng – con của Quan Võ sau nầy theo Lưu Bị đi phạt Ngô gặp dân chúng thờ phượng Quan Võ, đó chỉ là chuyện bịa mà thôi (Quan Hưng là quan văn, không có tham gia phạt Ngô).

Thuở sanh thời, Quan Võ được Hớn Hiến Đế ban tước Hầu: Hớn thọ Đình hầu. Sau khi chết, ổng được Hậu chủ Tây Thục là Lưu Thiện truy tặng thụy hiệu Tráng mậu hầu rồi Nghĩa dũng Tráng mậu hầu. Thời Hớn, ổng chỉ được tới tước Hầu mà thôi.

Thạnh trị Khai Nguơn năm thứ 10 (722 STL), Vua Đường Minh Hoàng cho dựng “Thới Công Thượng phụ miếu” thờ ông Khương Tử Nha – người có công giúp Võ Vương phạt Trụ lập ra nhà Châu, có thể tạm coi đây như là Võ miếu đầu tiên.

Thượng Nguơn nguơn niên (760 STL), Vua Đường Túc Tôn đưa Võ miếu (tạm gọi vậy) lên ngang hàng với Văn miếu thờ Thầy Khổng và lấy Khương Thới Công làm Chủ thần. Dưới Thới Công là mười vị danh tướng các đời chia hai tả hữu gồm: Tả ban: Bạch Khởi, Hàn Tín, Chư Cát Lượng, Lí Tịnh và Lí Tích; Hữu ban gồm Trương Lương, Điền Nhượng Thơ, Tôn Võ, Ngô Khởi, Nhạc Nghị. Mười vị phía trên thường được gọi chung là “Thập triết”. Lúc nầy tên tuổi Quan Võ cũng không thấy đâu.

Kiến Trung năm thứ ba (782 STL) Vua Đường Đức Tôn bổ sung thêm danh sách các vị danh tướng được thờ ở Võ Miếu lên thành 64 vị, lúc nầy Quan Võ mới được ghi danh.

Thời Tống, Đại Quán nguơn niên (1107 STL) Vua Tống Huy Tôn phong cho Quan Võ tước “Vương”: Võ An Vương. Tuyên Hòa năm thứ 5 (1123 STL), Vua Tống Huy Tôn tăng số lượng võ tướng ở Võ miếu lên thành 72 tương đương với “Thất thập nhị hiền” bên Văn miếu. Lúc nầy Vua phong cho Quan Võ tước: Nghĩa dõng Võ an Vương.

Xuân hạ thu đông dần qua, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước mà hình tượng Quan Võ trong nhơn gian cũng chỉ có vậy, còn chuyện được thụy hiệu phong Vương thì đâu phải chỉ riêng mình ông Quan Võ. Chuyện có lẽ cũng chỉ có bấy nhiêu nếu không có biến động lớn xẩy ra: Mông Cổ xâm lược Trung quốc. (Trước Tân Hợi 1911 gọi là “Mông Cổ xâm lược” nhưng nay vì động cơ chánh trị, truyền thông Trung quốc không còn gọi như vậy nữa, họ coi đó là người nhà.)

Đối với dân tộc Huê Hạ thì gọi đây là “đại họa” nhưng với riêng Quan Võ thì có thể nói là “trong họa có phước” vậy.

Lại nói, sau khi lập Nguơn trào (năm 1271), người Mông Cổ nhận thấy nhơn tâm Trung nguơn vẫn không thể thâu phục. Vì lẽ Huê-Di nên những người đọc sách, hiểu biết lí lẽ đã không chịu ra làm quan cho người Mông Cổ, chẳng hạn như ông Văn Thiên Tường “một tấm lòng son chiếu sử xanh” là một điển hình. Còn với tầng lớp bình dân, “thần tượng” về lòng trung nghĩa (mà Quan Võ giữ ngày nay, lúc đó) là dành cho danh tướng Nhạc Phi tinh trung báo quốc – hóa thân của Kim Sí Đại Bằng trên trời hạ giới xuống giúp kháng Kim bảo Tống.

Đâu phải ai cũng được như ông Văn Thiên Tường, cũng có những kẻ ham công danh lợi lộc ra làm quan cho người Mông Cổ. Trong số nầy cũng có những kẻ cũng thuộc dạng “đa mưu túc trí” đã bày cho nhà cầm quyền cách hây: Thay vì cấm đoán dân chúng thờ Nhạc Phi thì không được, chi bằng tạo ra một “Thần tượng” mới cạnh tranh với Nhạc Phi cũng là một cách. Với quyền và tiền trong tay thì nhà cầm quyền tô vẽ cho vị “thần tượng” mới nầy ngõ hầu đánh bạt tên tuổi của Nhạc Phi thì cũng đâu phải là chuyện gì khó khăn.

Sau một hồi sàng lọc, rốt cuộc cũng kiếm được một cái tên tạm coi đáp ứng yêu cầu: Quan Võ. Sao lại là Quan Võ mà hổng phải là người khác? Dễ hiểu thôi, nói ra nghe thử:

– Quan Võ “hàng Hớn chẳng hàng Tào”. Đó cũng là một cách xoay trở đáng tham khảo. Người Mông Cổ cầm quyền muốn nói với người Huê Hạ rằng: có thể các người không khoái người Mông Cổ nhưng mà cũng nên vì quốc gia mà ra phục vụ trào đình. Quan Võ còn đầu hàng Tào Tháo kìa, các vị ra làm quan cho Nguơn trào thì cũng như Quan Võ “thân ở doanh Tào, lòng tại Hớn” vậy, không có ai cười chê đâu!

Cũng nhờ vịn vô lí lẽ nầy mà nhiều kẻ đã mượn cớ “Thân tại Tào doanh, tâm tại Hớn” để ra làm quan hưởng lợi lộc của kẻ dị tộc mà vẫn còn đòi được tiếng là “trung” (chắc trung kiểu… Quan Võ?)

– Quan Võ sát phạt với ai? Ổng đâu có đánh ngoại xâm đâu, chung qui cũng là sát phạt đồng bào mình thôi. Lúc thì là quan binh của “gian tặc” Tào Tháo, của “phản tặc” Lữ Bố, Viên Thiệu… lúc thì là “nghịch tặc” – những người nông dân đói khổ khởi nghĩa Huỳnh Cân chớ đâu có giết tên Nhung-Địch-Man-Di nào. Như vậy khi mọi người tung hô Quan Võ đương nhiên tránh được chuyện hô hào “Đánh đuổi ngoại xâm” rồi, người Mông Cổ ngoại tộc cũng đỡ bị “nhột”. Vậy nên việc thờ Quan Võ đối với nhà cầm quyền Nguơn trào tuyệt đối không có hại gì.

– Mấy ông tướng khác làm gì mà có “đào viên kết nghĩa”, làm gì có “ôn tửu trảm Huê Hùng” với “quá ngũ quan trảm lục tướng”, làm gì mà có “đơn đao phó hội” làm gì mà có “chị dâu” để mà “minh chúc đạt đán”…. chớ? Không lẽ tôn thờ một ông tướng mà chỉ có thể nói ngắn gọn trong vài câu “Thời đó, giặc đó xâm lược, ông nầy cầm binh ra dẹp giặc xong thắng lợi (hoặc hi sanh vì quốc gia)”? Bao nhiêu đó không thôi thì chưa hây, phải rườm rà điển tích như ông Quan Võ thì giới bình dân họ mới khoái. Thời đó làm gì có phim mà coi, dân chúng cũng đâu bao nhiêu người biết chữ, tất cả chỉ mong chờ vào mấy vị tiên sanh thuyết thơ.

Truyện càng rườm rà, tình tiết càng li kì càng tốt. Qua cái miệng của người kể chuyện thì hình ảnh Quan Võ ngày càng linh lung đặc sắc. Mấy ông thầy thuyết thơ thì chẳng ông nào chịu thua ông nào, ai cũng ráng chế ra nhiều chuyện hây ho về Quan Võ để làm vui lòng người nghe. Thính giả càng khoái thì tiền thưởng kiếm được cũng sẽ bộn hơn, ích lợi “sát sườn” nầy sao mà bỏ qua được?

Không biết có nói quá không chớ Tiêu thấy hình tượng Quan Võ ngày nay phần nhiều là từ mấy ông thầy thuyết thơ mà ra. Thế kỉ 14, tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung ra đời đã lấy rất nhiều tình tiết mà các tiên sanh thuyết thơ phiêu bạc giang hồ đã tạo dựng ra vậy.

Qua tới thời Minh thì tên tuổi của Quan Võ coi như có chổ đứng vững chắc trong lòng quần chúng rồi. Thời Minh nầy thì mấy ông Vua lập “Xưởng”, lập “Vệ” túi bụi tại mấy ổng không lo sợ giặc ngoại xâm mà toàn lo sợ người “trong nhà” làm loạn không hà. Đề cao “lòng trung nghĩa” của Quan Võ cũng là khuyến khích mọi người nên trung thành với Vua, đừng có mà làm phản vậy. Mấy ông Vua Minh cũng ban hết tước nầy tới tước kia, tước sau cao hơn tước trước cho Quan Võ cũng là vì lẽ nầy.

Hồng Võ năm 27 (1396), Vua Minh Thới Tổ sắc lệnh cho xây dựng “Quan Công miếu” ở Nam Kinh, và ra lịnh mọi người phải kiếng bái. Vạn Lịch năm 42 (1614), Vua Minh Thần Tôn phong Quan Võ làm: Tam giới Phục ma đại đế Thần oai Viễn chấn Thiên tôn Quan thánh Đế quân. Bốn chữ “Quan Thánh Đế quân” oai chấn thiên hạ bắt đầu từ đây.

Thanh trào vốn là người Kì ở Mãn Châu, đại khái thì cũng là “ngoại tộc” giống như quân Mông Cổ trước kia vậy thôi. Mục đích tôn sùng Quan Võ thì cũng không khác mấy. Để lấy lòng người Trung quốc thì trào đình Mãn Thanh cũng ban tước cho Quan Võ còn cao hơn thời Minh nữa. Thuận Trị nguơn niên (1644) Vua Thanh Thế Tổ phong làm Quan Võ làm “Trung nghĩa Thần võ Quan thánh Đại đế ”. Ung Chánh nguơn niên, Vua Thanh Thế Tôn gia phong ông làm “Linh hựu”. Vua Khang Hi phong làm “Phục ma Đại đế”. Quang Tự năm thứ 5 (1879), Vua Thanh Đức Tôn phong Quan Võ làm: Trung nghĩa Thần võ Linh hựu Nhơn dõng Oai hiển Hộ quốc Bảo dân Tinh thành Tuy tĩnh Dực tán Tuyên đức Quan thánh Đại đế, lịnh cho dân chúng hai kì Xuân , Thu phải chí thành cúng tế.

Tới đây thì ổng làm Đại đế luôn rồi. Đại đế thì đương nhiên phải lớn hơn Hoàng đế Mãn Thanh rồi, vậy nên lúc đó trong cung có tổ chức diễn kịch thì khi nhơn vật Quan Võ bước ra “chào sân” thì cả Vua, cả Quan đều phải đứng dậy thi lễ. Vua Thanh tự “mua dây buộc mình” không hà.

Vua Quang Tự chơi “ác” quá, phong như vậy khác nào chặn cửa người sau, các Vua sau nầy biết phong cho ổng làm tước gì cao hơn nữa đây? Cũng may là không lâu sau đó Cách mạng Tân Hợi diễn ra rồi Vua đằng Vua, dân đằng dân, quân phiệt cát cứ, mấy vụ phong tước cho Quan Võ tới đây coi như tập cuối.

Chuyện Quan Võ đánh bạt tên tuổi của Nhạc Phi rồi tới thời Thanh hất văng ông Khương Tử Nha và mấy chục vị kia ra; độc chiếm Võ miếu, lôi thêm hai ông Quan Bình và Châu Thương (ông nầy không có thiệt, chỉ tồn tại trên giấy nhà họ La thôi) vô “ăn ké” cũng hổng có gì để Tiêu phàn nàn. Tuy vậy, nói “Văn thánh Khổng Tử – Võ thánh Quan Võ” thì thiệt là có chút hoài nghi.

Một ông tướng võ công cũng “thường thường bậc trung”, hung hăng háo chiến, ngạo mạn khinh người quá đáng, “từ nhà tới trường” đấu trí thua “Ngô hạ A Mông” sát ván… thì lấy tài, cái đức gì mà đòi sánh ngang Thầy Khổng – Vạn thế Sư biểu?

Đại khái ông Quan Võ thuở sanh thời Tiêu thấy cũng hổng có gì hây nhưng từ sau khi ổng chết đi thì đó lại là chuyện khác. Chuyện nầy thuộc về tâm linh, với kiến thức nông cạn của mình Tiêu không thể nói cho thấu đáo mà hầu chuyện các vị được. Nhưng nói sao thì nói cũng không có nên đả kích hình tượng tín ngưỡng của người khác. Đại khái vị mà thiên hạ thờ cúng ở đây là ông Quan Thánh Đế (tức là Quan Võ sau khi chết) chớ không phải thờ ông Quan Võ khi ổng còn sống, nói vậy chắc là được ha!

5. Nhận định riêng

khanh-thanh-tuong-quan-vu-1320-tan-tai-trung-quoc-14-21354220160712084823-6429080
Bức tượng Quan Vũ nằm tại thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, cao 58m và nặng tới 1.320 tấn

Ở Á đông mình thì Quan Thánh đế chánh là vị được thờ cúng nhiều nhứt. Thần oai của ông vượt ra khỏi tất cả mọi vòng kiểm soát, ảnh hưởng của ông lên nền văn hóa và tín ngưỡng thì không gì đo đếm được.

Nho giáo thì tôn xưng Quan Võ là một trong “Ngũ văn Xương”, lại tôn là “Văn Vệ Thánh Đế”, hoặc “Sơn Tây Phu tử”, tôn là á thánh, á hiền rằng: “Sơn Đông có một người làm Xuân Thu (chỉ thầy Khổng) – Sơn Tây có một người xem Xuân Thu (chỉ Quan Võ)”. Đạo giáo thì thờ Quan Võ như là một vị gần gũi với Ngọc Hoàng Thượng Đế, tôn xưng Quan Võ là “Dực Hớn Thiên tôn”, “Hiệp Thiên Đại đế” và “Võ an Tôn Vương”, địa vị không nhỏ đâu. Nho giáo, Đạo giáo từ ngàn xưa đã có tục thờ những vị có công với đất nước, được Vua phong thưởng mà Quan Võ thì tới 23 lần được Vua sắc phong luôn nên Nho, Đạo cùng thờ cúng Quan Đế cũng không có gì lạ.

Biết lòng ngưỡng mộ của dân chúng đối với hình tượng Quan Võ là quá lớn; nhận thấy “kèo nầy thơm”, Phật giáo từ bi cũng đâu thể làm ngơ được nên cũng “đua đòi” tôn thờ ông võ tướng chém chém giết giết nầy làm Cái Thiên Cổ Phật, Già Lam Bồ Tát. Phật giáo thì liên quan gì tới ông nầy? Vậy là họ phao tin là ổng nầy đã “hiển thánh” ở núi Ngọc Tuyền và đã qui y với nhà Phật để hiệp thức hóa việc trên. Tự mấy ông Phật giáo nói vụ “qui y” như vậy để “dây máu ăn phần” thôi chớ cũng không có gì đáng tin cậy được đưa ra để làm bằng.

Vì lí do gì à? Tiêu không biết, chỉ biết mục đích của họ là muốn lấy lòng chúng sanh mà giành giựt thị trường với Nho, Đạo ở vùng Á đông đất rộng người đông nầy thôi.

Nhiều người, vì ngưỡng mộ ông quá mà tôn sùng vậy thôi chớ cũng không mưu lợi gì. Giới lục lâm hảo hớn, những người hành tẩu giang hồ thì ngưỡng mộ lòng trung nghĩa của Quan Nhị Ca và lấy đó mà làm gương sáng soi chung. Cảnh sát hoàng gia Hương Cảng hồi trước còn lập cả bàn thờ Quan Nhị Ca ở văn phòng nữa mới ghê! (Sau khi Hương Cảng nhập về Trung quốc năm 1997 rồi thì không trưng ở mặt tiền nữa.) Rồi giới kinh doanh thì tin ông là vị Thần Tài đã phò hộ làm ăn khấm khá. Rồi thì thiên hạ từ bất kể giàu sang hây nghèo hèn gì cũng xì xụp nhang khói… Đó cũng vì niềm tin và lòng ngưỡng mộ đối với ông mà thôi.

Quê Tiêu có Thất Phủ Miếu thờ Quan Thánh Đế, nghe nói Miếu nầy được dựng dưới thời Vua Minh Mạng, lúc đầu là của Bẩy Phủ nhưng sau đó dân Quảng Đông, Triều Châu tách ra lập bang hội riêng. Những người Phước Kiến đã tái thiết lại Miếu, đổi tên gọi là “Vĩnh An Cung” để làm Hội quán của riêng bang mình. Tới ngày nay thì lại được gọi là Thất Phủ Miếu.

1-img_3203_500x375
Mấy em nhỏ coi tập luyện múa lân, người lớn cũng bắt ghế coi ké

Chổ Tiêu khoái nhứt ở Miếu nầy là có sân rất rộng và cửa thì luôn mở. Buổi sáng thường thì vắng nhưng chiều và tối thì vô cùng náo nhiệt. Dân chúng gần đó những buổi chiều thường tụ tập lại ngồi tán dóc, mấy bà mẹ đút cơm cho con ăn cũng dẫn vô đây, mấy em nhỏ chơi tạt lon cũng vô, mấy anh bốc vác bên chợ về ngang cũng ghé ngồi nghỉ, nam thanh nữ tú áo xanh áo hồng thì chọc ghẹo đùa giỡn nhau túi bụi… Khoái nhứt là cận Tết, đội lân trong xóm lấy sân nầy tập luyện, lân leo trèo mai huê thung nhìn mê mắt, nghe chả chập, trống dập mà sướng tai rồi lại thêm mùi lưu huỳnh của pháo xộc lên mũi nữa. Tự nhiên giờ nhắc lại thèm nghe mùi pháo quá!

vinh-an-cung
Sân Miếu một buổi sáng

Có lẽ vì tâm lí “Phật chùa nhà hổng thiêng”, ra vô thường nên Tiêu cũng hổng nghĩ là ghê gớm lắm nhưng mà mấy dịp Lễ thấy người ta tụ tập đông như kiến lửa, có rất nhiều người xa thiệt xa, nhiều khách ở Đài, ở Mã cũng về dự nữa, nhang khói thì mịt mù, không thấy cả đường đi luôn. Nếu không linh thì làm sao người ta phải vượt ngàn dặm về hành lễ? Nếu không thiêng sao thiên hạ nhang khói luôn thạnh? Tới khi Tiêu lớn lên được nghe, được thấy một số sự việc liên quan làm Tiêu có muốn không tin cũng không được, vậy nên thấy kiếng và sợ Quan Thánh Đế lắm.

Nãy giờ Tiêu nói ở trên là nói về nhơn vật Quan Võ trong lịch sử chớ hổng có nói ông Quan Thánh Đế mà thiên hạ đương nhang khói à nha! Quan Thánh Đế không ghét người ngây thẳng, mà Tiêu nói theo sách vở chớ hổng có xuyên tạc gì hết nên không có gì phải sợ.

Gia đình Tiêu không có thờ Quan Thánh đế nhưng mà lòng tin thì có. Tiêu khi tới nhà ai thương lượng hoặc bàn chuyện gì đó mà nhìn thấy nhà người đó có thờ Quan Thánh Đế thì Tiêu khỏi cần lôi thôi làm hiệp đồng hây cam kết gì cho mất công. Có những lúc niềm tin dành cho Quan Nhị Ca còn giá trị hơn được nghe một trăm lời hứa, được nhìn một ngàn chữ kí.

Quan Nhị Ca đương nhiên là phải kiếng rồi!

 

Viết ngày 23 tháng 8 năm Bính Thân

Nguồn bài đăng

2 thoughts on “Từ Quan Nhị Ca đến Quan Thánh Đế

  1. Tiêu tiên sinh đây quả là can đảm toàn thân, trước đã viết bài bình quan Ta – Phan Kinh lược, sau lại thêm bài luận quan Tàu – Thánh Đế quân. Ở xứ Đông Lào này, ở đâu có cộng đồng người Hoa đang sinh sống đều có cặp Chùa Ông – Quan Thánh Đế Quân và chùa Bà – Thiên Hậu Nương Nương hương khói quanh năm, cực kỳ linh thiêng thế nên tiên sinh cần phải cẩn thận, cẩn thận.

    Thích

Bình luận về bài viết này