Sử Ký- Nam Việt Úy Đà liệt truyện

nam-viet

bức tranh tường đá sa thạch màu đỏ, phản ánh các phong tục của Lĩnh Nam Tây Hán, Bảo tàng Tây Hán Nam Việt Vương ở Quảng Châu

Tư Mã Thiên

Dịch giả : Nhữ Thành

Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt. Như thế đã mười ba năm. Thời Tần, Đà được làm lệnh ở huyện Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải. Đến đời Nhị Thế, quan úy ở Nam Hải là Nhâm Ngao, ốm sắp chết, mời huyện lệnh Long Xuyên là Triệu Đà đến nói; 

– Tôi nghe bọn Trần Thắng làm loạn. Nhà Tần làm điều vô đạo, thiên hạ khổ cực. Bọn Hạng Vũ, Lưu Quý, Trần Thắng, Ngô Quảng đều dấy binh tụ tập quân sĩ, tranh giành thiên hạ. Trung Quốc loạn lạc chưa biết lúc nao yên. Những người hào kiệt phản Tần đều đứng lên cả. Nam Hải ở nơi xa lánh, tôi sợ quân giặc xâm lấn đến đây, nên định dấy binh chặn đứt con đường mới (l) để tự phòng bị, đợi chư hầu có sự thay đổi. Nay gặp lúc ốm nặng. Đất Phiên Ngang nhân thế núi hiểm trở, đất Nam Hải Đông Tây rộng vài ngàn dặm, lại có người Trung Quốc giúp, cũng là nơi chủ chốt của một châu có thể lập thành nước được. Các trưởng lại trong quận không ai có thể cùng bàn việc ấy nên tôi mời ông đến để nói. 

Ngao liền làm chiếu giả cho Đà làm công việc của quan úy quận Nam Hải. Ngao chết, Đà lập tức truyền hịch bảo các cửa quan Hoành Phố, Dương Sơn, Hoàn Khê rằng: 

– Quân giặc sắp đến, phải chặn ngay đường, tụ tập quân sĩ để tự bảo vệ. 

Rồi dần dần ông dùng hình pháp giết các trưởng lại do nhà Tần đặt ra, dùng những người đồng đảng để thay thế. Khi nhà Tần đã bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương. 

Sau khi Hán Cao Đế bình định được thiên hạ, thấy Trung Quốc mới khổ nhục, cực nhọc, nên tha Đà không trị tội. Năm thứ 11 (năm 196 trước Công nguyên), Hán sai Lục Giả sang, nhân tiện phong cho Đà làm Nam Việt Vương, chặt phù để làm tin, cho phép phái sứ giả đi lại với Trung Quốc, bảo phải hòa hợp với Bách Việt, không được gây việc lo ngại ở biên giới phía Nam. 

Nam Việt giáp giới với quận Trường Sa. Thời Cao Hậu, quan đương sự xin cấm không cho người Nam Việt vào mua đồ sắt. Đà nói: 

– Cao Đế lập ta làm vương, cho sứ giả cùng hàng hóa được đi lại. Nay Cao Hậu nghe lời bọn bầy tôi gièm pha, cách biệt man di, cấm đứt khí vật,. Đó chắc là mưu kế của Trường Sa Vương. Ông ta muốn tìm cách dựa vào Trung Quốc, tiêu diệt Nam Việt để làm vua cả đất của ta. Đà bèn tự tôn là “Nam Việt Vũ Đế”; đem quân đánh các ấp ở biên giới quận Trường Sa, đánh bại mấy huyện rồi đi. Cao Hậu sai tướng quân Lâm Hi Hầu tên là Táo đến đánh. Gặp lúc trời nắng khí ẩm, quân lính bị bệnh dịch rất nhiều, nên quân Hán không qua được núi Dương Sơn. Được hơn một năm, Cao Hậu mất, liền bãi binh. 

Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới,  đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình. Đất đai của Đà chiều ngang có hơn vạn dặm. Đà bèn đi xe mui lụa mầu vàng cắm cờ tả đạo, mệnh  gọi là “chế”(2), chẳng kém gì Trung Quốc. 

Năm đầu thời Hiệu Văn Đế, thiên hạ mới yên. Nhà vua sai sứ đi bá cáo chư hầu, tứ di biết rằng nhà vua ở đất Đại (3) về lên ngôi, ý muốn nêu cao đạo đức của nhà vua. Nhân Đà có mồ mả cha mẹ ở huyện Chân Định, nhà vua bên đặt người giữ ấp để hàng năm đến ngày giỗ thờ cúng. Đối với anh em họ của Đà, nhà vua ban ơn cho họ làm quan to và thưởng cho nhiều của. Nhà vua xuống chiếu cho bọn thừa tướng là Trần Bình cử người có thể đi sứ sang Nam Việt. Bình nói: 

– Có Lục Giả người huyện Hảo Chỉ, thời tiên đế đã quen đi sứ Nam Việt. 

Vua Hán bèn triệu Giả phong làm thái trung đại phu để đi sứ, nhân đấy trách Đà đã tự lập làm “đế” mà không hề phái sứ giả sang báo tin. 

Lục Giả đến nơi, Nam Việt Vương sợ hãi, làm giấy tạ tội rằng: “Thần tên là Đà, là một kẻ già ở man di. Ngày trước Cao Hậu gạt bỏ Nam Việt, thần trộm ngờ Trường Sa Vương đã gièm pha thần. Lại nghe đồn Cao Hậu giết hết họ hàng Đà, đào mồ mả, đốt hài cốt cha ông Đà. Vì thế nên liều mạng xâm phạm biên cảnh quận Trường Sa. Vả lại phương Nam đất thấp, ẩm, dân man di ở vào giữa. Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”; ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng, cũng xưng là “vương”. Lão thần trộm dùng bậy danh hiệu “đế” chỉ để tự vui (4), chứ đâu dám để nói đến tai bệ hạ?”. 

Đà bèn dập đầu xuống tạ tội, xin mãi mãi làm phiên thần dâng lễ cống. Rồi ra lệnh trong nước: 

– Ta nghe nói “hai anh hùng không cùng sống, hai người hiền không cùng ở một đời”, Đức hoàng đế là bậc thiên tử hiền tài. Từ nay về sau mệnh lệnh không gọi là “chế”, bỏ xe mui lụa vàng và cờ tả đạo. 

Lục Giả về báo tin, Hiếu Văn Đế bằng lòng lắm. 

Đến thời Hiếu Cảnh, Đà vẫn xưng thẩn, sai người vào chầu. Nhưng ở trong nước Nam Việt thì vẫn trộm dùng danh hiệu “đế” như cũ; còn khi sai sứ sang thiên tử, thì xưng “vương”, triều kiến thỉnh mệnh như các chư hầu. 

Đến năm thứ tư niên hiệu Kiến Nguyên (năm 137 trước Công nguyên), Đà mất, cháu Đà là Hồ làm Nam Việt Vương. Lúc bấy giờ vua Mân Việt là Dĩnh đem binh đánh các ấp ngoài biên của nước Nam Việt. Hồ sai người dâng thư lên vua Hán, nói: 

– Hai nước Việt đều là phiên thần, không được đem binh đánh nhau. Nay nước Mân Việt đem binh xâm lấn đất của thần, thần không dám đánh lại, xin đợi thiên tử chiếu truyền cho việc ấy. 

Thiên tử bèn khen Nam Việt biết giữ chức phận mình, hứa sẽ đưa quân đến giúp, bèn sai hai tướng quân đi đánh Mân Việt (5). Quân của Hán chưa vượt núi Ngũ Lĩnh thì em của Mân Việt Vương là Dư Thiện đã giết Dĩnh để hàng. Vì thế bãi binh. 

Thiên tử sai Trang Trợ sang Nam Việt hiểu dụ ý của nhà vua. Nam Việt Vương là Hồ dập đầu xuống, nói: 

– Thiên tử vì thần mà đem quân đánh Mân Việt, thần chết không đủ để báo ơn đức ấy. 

Bèn sai thái tử là Anh Tề vào túc trực ở nơi cung cấm. Hồ bảo Trợ rằng: 

– Nước mới bị cướp, sứ giả đi thôi. 

Hồ đang ngày đêm sắm sửa hành trang để vào triều kiến thiên tử. Sau khi Trợ đi rồi, đại thần can Hồ rằng: 

– Nhà Hán dấy quân đánh Dĩnh cũng là làm cho Nam Việt hoảng sợ. Vả lại tiên vương trước có nói: “Phụng sự thiên tử cốt không thất lễ, không nên nghe lời dỗ ngon dỗ ngọt mà vào chầu”. Nếu vào chầu thì không được về, đó là cái thế mất nước đấy. 

Vì vậy Hồ mượn cớ bị bệnh nặng, thái tử Anh Tề xin về nước. Hồ mất, thụy là Văn Vương, Anh Tề lên ngôi thay, lập tức giấu ngay ấn Vũ Đế của Triệu Đà. 

Khi Anh Tề vào làm túc vệ ở Trường An, có lấy người con gái họ Cù, người huyện Ham Đan, sinh người con là Hưng. Đến lúc Anh Tề lên làm vua, bèn dâng thư lên vua Hán, xin lập Cù thị làm hậu, Hưng làm con nối nghiệp. Hán luôn luôn sai sứ giả sang dỗ dành Anh Tề. Anh Tề thính hưởng lạc, tự ý giết người, sợ vào chầu phải theo pháp luật của nhà Hán cũng như chư hầu ở Trung Quốc. Anh Tề bèn cố ý xưng có bệnh, không vào triều, sai con là Thứ Công vào làm túc vệ. 

Anh Tề mất, thụy là Minh Vương. Thái tử là Hưng lên thay, mẹ làm thái hậu. 

Thái hậu từ khi chưa làm vợ của Anh Tề, đã dan díu với người huyện Bá Lăng là An Quốc Thiếu Quý. Sau khi Anh Tề mất, năm thứ tư niên hiệu Nguyễn Đỉnh (năm 113 trước Công nguyên), vua Hán sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ vương và vương thái hậu vào chầu như các nước chư hầu. Vua Hán lại sai bọn biện sĩ là Chung Quân làm giám đại phu đi theo để trình bầy, bọn dũng sĩ là Ngụy Thần đi theo để giúp khi cần thiết, vệ úy la Lộ Bác Đức đem quân đóng đồn ở quận Quế Dương để đợi sứ giả. 

Vương tuổi còn nhỏ, thái hậu trước đã dan díu với An Quốc Thiếu Quý. Thiếu Quý sang sứ, lại tư thông với thái hậu. Người trong nước biết, phần nhiều không theo thái hậu. Thái hậu sợ có loạn, cũng muốn dựa vào uy thế nhà Hán mấy lần khuyên vua cùng các quan xin nội thuộc. Nhân có sứ giả nhà vua dâng  thư, xin được làm chư hầu ở Trung Quốc, cứ ba năm. một lần vào chầu, hủy bỏ các cửa ải nơi biên giới. Thiên tử ưng thuận. Thiên tử cấp cho thừa tướng của vương là Lữ Gia ấn bằng bạc cùng các ấn nội sử, trung úy thái phó. Còn các chức khác thì tự đặt lấy. Bỏ hình phạt cũ chạm vào trán, cắt mũi, dùng pháp luật của nhà Hán, coi như chư hầu ở Trung Quốc. Các sứ giả đều ở lại để vỗ về nước Nam Việt. Vương và vương thái hậu sắm sửa hành lý, quà biếu, mang đồ vào triều cống. 

Thừa tướng của vương là Lữ Gia tuổi đã nhiều, làm thừa tướng ba đời vua. Họ hàng làm quan trưởng lại đến hơn bảy mươi người. Con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em, tôn thất của vua, lại thông gia với Tần Vương ở quận Thương Ngô. Ông ở trong nước rất được tôn trọng, người Việt tin ông, nhiều người làm tai mắt cho ông. Ông được lòng dân hơn vương. Khi vương dâng thư, Lữ Gia mấy lần can ngăn, nhưng vương không nghe. Ông có ý lảm phản, luôn luôn nói là bị bệnh, không tiếp kiến sứ giả nhà Hán. Các sứ giả đều để ý đến Gia, nhưng chưa thể giết được. Vương và vương thái hậu cũng sợ Lữ Gia gây việc trước, bèn đặt tiệc rượu, nhờ uy quyền các sứ giả để mưu giết bọn Gia. Các sứ giả đều ngồi quay mặt về hướng Đông, thái hậu ngồi quay mặt về hướng Nam, vương ngồi quay mặt về hướng Bắc, thừa tướng Gia và các đại thần đều ngồi quay mặt về hướng Tây hầu, uống rượu. Em của Gia làm tướng võ, cai quản quân lính ở ngoài cung. Khi mời rượu, thái hậu bảo Gia: 

– Nước Nam Việt nội thuộc là lợi cho nước, tại sao tướng quân lại cho là bất tiện? 

Thái hậu muốn khích các sứ giả giận, nhưng các sứ giả do dự nhìn nhau, không ai dám ra oai. Gia thấy dáng mặt có khác, lập tức đứng dậy ra đi. Thái hậu giận muốn lấy giáo đâm Gia, vương ngăn thái hậu lại. Gia bèn đi ra, chia quân của em, đem quân về nhà. Đoạn Gia nội là có bệnh không chịu yết kiến vương và các sứ giả, ngầm bàn mưu cùng các quan đại thần nổi loạn. 

Vương vẫn không có ý giết Gia. Gia biết thế nên mấy tháng việc không xảy ra. Thái hậu dâm ô, người trong nước không theo. Thái hậu muốn giết bọn Gia nhưng sức lại không làm nổi. Thiên tử nghe tin, biết Gia không chịu, vương và thái hậu thì cô đơn, nhu nhược không chế ngự được, các sứ giả lại nhút nhát không quả quyết. Thiên tử lại cho là vương và thái hậu đã theo Hán rồi, một mình Lữ Gia làm loạn, không đáng đem binh đánh, muốn sai Trang Sâm đem hai nghìn người đi sang sứ. Sâm nói: 

– Nếu dùng hòa hoãn mà đi, thì vài người cũng đủ, muốn dùng vũ lực mà đi thì hai nghìn người không đủ để làm gì. 

Trang Sâm từ chối là không thể được. Thiên tử bãi chức quan của Sâm. Hàn Thiên Thu, tráng sĩ ở huyện Giáp, nguyên là tướng quốc ở Tế Bắc, hăng hái nói: 

– Lấy nước Việt cỏn con, lại có vương thái hậu làm nội ứng, chỉ có một mình thừa tướng Lữ Gia cản trở thì khó gì! Nhà vua cho tôi hai trăm người dũng sĩ, thế nào tôi cũng chém được Gia về báo. 

Thiên tử bèn sai Thiên Thu cùng em của vương thái hậu là Cù Lại đem hai nghìn người đi vào nước Việt. Bọn Lữ Gia bèn làm phản, ra lệnh trong nước: “Vương tuổi còn trẻ, thái hậu là người Trung Quốc, lại dan díu với sứ giả, chỉ muốn nội thuộc, đem hết đồ quý báu của tiên vương vào dâng thiên tử để được yên. Đem nhiều người đi theo, đến Trường An, bán cho người ta làm đồng bộc. Thái hậu chỉ nghĩ đến cái lợi thoát thân một thời, không nghĩ gì đến mưu kế lâu dài cho xã tắc họ Triệu cả”. 

Lữ Gia bèn cùng em đem quân đánh giết vương, thái hậu, cùng các sứ gia của nhà Hán. Lữ gia sai người báo với Tần Vương ở quận Thương Ngô và các quận huyện; lập Vệ Dương Hầu Kiến Đức người con trai đầu của Minh Vương, vợ là người Việt, làm vua. 

Sau đó, quân của Hàn Thiên Thu vào phá mấy ấp nhỏ. Sau quân Việt mở thẳng đường, mang lương thực người Việt đem quân đánh bọn Thiên Thu, diệt được họ cách Phiên Ngung bốn mươi dặm, Gia sai người phong gói cờ tiết của sứ giả nhà Hán đem để ở cửa ải, khéo nói dối để tạ tội, rồi đem quân đóng giữ những nơi hiểm yếu. Thiên tử bèn nói: 

– Hàn Thiên Thu tuy không thành công, cũng là người tiên phong giỏi nhất. Phong cho con là Diên Niên làm An Thành Hầu. Cù Lạc có chị là vương:thái hậu xin phụ thuộc nhà Hán, phong cho con là Quảng Đức làm Long Cung Hầu. 

Bèn hạ lệnh tha tội cho các tội nhân, nói: 

– Thiên tử suy yếu, chư hầu đánh nhau, là chê nhân thần không đánh giặc. Nay bọn Lữ Gia, Kiến Đức, lại tự lập một cách yên ổn, trẫm hạ lệnh đem các tội nhân cùng mười vạn quân lâu thuyền ở miền Giang, Hoài trở về Nam để đi đánh 

Năm thứ năm niên hiệu Nguyễn Đỉnh (năm 112 trước Công nguyên), mùa thu, vệ úy là Lộ Bác Đức làm Phục Ba tướng quân đem quân từ quận Quế Dương xuống đường sông Hối Thủy, chủ tước đô úy là Dương Bộc làm Lâu thuyền tướng quân đem quân từ quận Dự Chương xuống đường Hoành Phố, Quy Nghĩa. Kiệt Hầu là người Việt trước đã hàng làm quà thuyền, Hạ Lê tướng quân, đem quân từ huyện Linh Lăng, xuống đường sông Ly Thủy, hoặc đế quân Thương Ngô; sai Trì Nghĩa Hầu, đem thêm tội nhân nước Ba Thục, đưa quân từ đất Dạ Lang xuống đường sông Tường Kha. Các quân ấy đều gặp nhau ở Phiên Ngung. 

Năm thứ sáu niên hiệu Nguyễn Đỉnh (năm 111 trước Công nguyên), mùa đông. Lâu thuyền tướng quân đem quân tinh nhuệ đến trước đánh hãm Tâm Hiệp, phá được Thạch Môn, lấy được thuyền thóc của người Việt. Nhân đấy, ông ta tiến lên, đánh gấy quân tiên phong của Việt, và đem vài vạn người đợi Phục Ba. Phục Ba tướng quân đem theo tội nhân, đi đường xa đến sau kỳ hội. Phục Ba cùng quân của Lâu thuyền họp lại mới có được hơn nghìn người, bèn cùng tiến. Quân của Lâu thuyền đi trước đến Phiên Ngung, Kiến Đức cùng Gia đều giữ thành. Lâu thuyền tự chọn nơi tiện lợi đóng ở mặt Đông Nam. Phục Ba đóng ở mặt Tây Bắc. Gặp lúc chiều tối, Lâu thuyền đánh bại người Việt, tung lửa đốt thành. Người Việt vẫn nghe biết tiếng Phục Ba, nhưng trời tối quân không biết số quân nhiều ít thế nào. Phục Ba bèn lập doanh trại, sai sứ chiêu hàng, cho họ lấy ấn quan, lại thả cho về để chiêu dụ nhau. Lâu thuyền ra sức đánh và đốt, quân địch lại chạy vào trong trại của Phục Ba. Đến mờ sáng, người trong thành đều hàng Phục Ba. Lữ Gia và Kiến Đức từ đêm đã cùng gia thuộc vài trăm người, chạy trốn ra biển, lấy thuyền đi về phía Tây. 

Phục Ba nhân tiện hỏi những người chức vị cao đã hàng để biết lối Lữ Gia chạy và cho người đuổi theo. Hiệu úy Tư Mã Tô Hoàng là người Việt hàng Hán bắt được Kiến Đức, được phong làm Hải Thường Hầu, quan  lang người Việt là Đô Kê bắt được Gia, được phong làm Lâm Thái Hầu. Thương Ngô Vương là Triệu Quang là người cùng họ với Việt Vương, nghe quân nhà Hán đến, cùng quan huyện lệnh Kê Dương của Việt tên là Định tự quyết định đi theo nhà Hán; quan giám quận Quế Lâm của Việt tên là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán. Những người này đều được phong tước hầu. 

Quân của qua thuyền, Hạ Lệ tướng quân cùng quân Dạ Lang mà Tri Nghĩa Hầu đem đi, chưa xuống đến nơi, thì Nam Việt đã dẹp yên rồi. Bèn lấy đất đặt làm chín quận. Phục Ba tướng quân phong thêm cho Lâu thuyền tướng quân làm Tương Lương Hầu vì đã hạ được nơi kiên cố. 

Từ lúc úy Đà mới làm vương đến sau là năm đời, cộng chín mươi ba năm rồi mất nước. 

Thái sử công nói: 

Úy Đà làm vương vốn do ở Ngâm Ngao, gặp lúc nhà Hán mới bình định thiên hạ, ông được liệt vào hàng chư hầu. Lâm Lư Hầu ngại khí thấp, bệnh dịch, không đi đánh, Đà càng được thể kiêu căng. Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước Nam Việt. Quân nhà Hán tới cõi. Anh Tề vào chầu, sau đó mất nước, nguồn gốc đều do Cù thị. Lữ Gia giữ lòng trung nhỏ mọn, khiến cho Đà không có người nối dõi. Lâu thuyền tướng quân làm theo ý muốn không biết tiết chế, lười biếng, kiêu ngạo, thành bị nhầm nhỡ. Phục Ba tướng quân gặp khốn cùng, càng nảy trí mưu, nhân họa thành ra phúc. Sự việc xoay vần thành và bại, ví như cái thừng, cái sợi, xoắn xuýt lấy nhau.

 

tuong_tho_trieu_vu_de_-_trieu_da_-_dinh_lang_xuan_quan

Tượng thờ Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) đặt tại đình làng Xuân Quan (Hưng Yên)

strcichrkaa

áo giáp sắt trong mộ Nam Việt Vương (hiện vật ở dưới, bản phục dựng ở trên với 709 tấm sắt được thắt nút kết lại với nhau)

Chú thích:

(1). Đường Tần làm để đi thông đến Việt. 

(2). Xem Tần Thủy Hoàng bản kỷ chú thích. 

(3). Văn Đế trước đây là vua ở đất Đại. 

(4). Lời nói rất xược. 

(5). Vương Khôi và Hàn An Quốc.

Nguồn bài đăng

6 thoughts on “Sử Ký- Nam Việt Úy Đà liệt truyện

  1. Triệu Đà người Hán (quê ở Chân Định, mộ tổ ở đó) nhưng làm vua ở nước Nam Việt (dân thuộc các tộc Bách Việt). Thục Phán (An Dương Vương) chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương cũng là “Việt chiếm Việt” mà thôi.
    Triệu Đà thôn tính Thục Phán vẫn là “Việt chiếm Việt”.

    Chính do vậy Sử Việt cứ luẩn quẩn chuyện có coi Triệu Đà và nước Nam Việt là TA hay không.

    Ý kiến quý vị thế nào? Phải trưng cầu ý dân chăng?

    Thích

  2. Triệu Đà là người Hán, mà chính cung lại là bà Trình Thị người Thái Bình. Bà Trình Thị là mẹ của Trọng Thủy, chẳng nhẽ nhà Tần sau thất bại của Đồ Thư lại ém quân tại Trực Định.
    Phiên Ngung là vùng ảnh hưởng lâu đời của Ngô Việt từ thời chiến cuốc, quý tộc Ngô Việt ở đó không ít mà Triệu Đà lại dùng quan lại tướng lĩnh gốc Lạc Việt. Thừa tướng Lữ Gia với danh tướng Nguyễn Danh Lang….Lữ Gia và Nguyễn Danh Lang không thể nghe lời kêu gọi của Triệu Đà mà đi mấy nghìn dặm từ Luy Lâu đến Phiên Ngung là điều không thể.
    Triệu Đà dùng Trọng Thủy lấy cớ là ở rể nhưng thực ra là nội ứng thì việc kết hôn với bà Trình Thị đã xảy ra từ mười mấy năm trước. Bà Trình Thị cũng không thể lưu lạc từ Trực Định đất Thái Bình cũ đến tận Chân Định Hà Bắc mà lấy Triệu Đà được.
    Liên minh Thục Phán Tản Viên chống Tần có thể chỉ là liên minh tạm thời. Sau khi Thục Phán lên ngôi vai trò của Tản Viên không thấy đề cập nữa. Cũng có thể sau khi chống Tần Thục Phán đã quay ra thôn tính Lạc Việt. Việc Cao Lỗ bỏ đi cộng với sự sụp đổ nhanh chóng chứng tỏ Âu Lạc không được lòng của người Lạc Việt. Ngược lại việc sử dụng quan lại người Lạc
    cộng với việc được thờ cúng ở nhiều nơi chứng tỏ Triệu Đà rất được lòng người Lạc Việt bây giờ. Không chừng ông ta chính là người Lạc Việt miền duyên hải. Trong thời gian tranh chấp với Thục Phán, Triệu Đà đóng đô ở Long Biên chứ không phải Phiên Ngung. Bằng cách nào ông ta có đoạt được đất Quảng Châu từ Nhâm Ngao thì không rõ. Nhưng người Mân Nam có tục ăn trầu nhổ mạ cấy lúa tẻ như người Lạc Việt là có thật. Lại có chi tiết người Mân Nam đều là họ Lạc không chừng đã có rất nhiều quý tộc người Lạc Việt theo chân Triệu Đà đến đây.

    Thích

  3. Các vị đọc mà không chịu tư duy gì hết! Ngay từ đầu Quân của nhà Tần chiếm được đất của nước Dương Việt và chia ra làm ba quận gồm Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận và cai trị đến khi nhà Tần sụp đổ . Còn việc Đồ Thư chết là do y xâm lược xuống vùng đất của Tây Âu Lạc chứ không phải bị chết trong ba quận chiếm được. Có nghĩa là ba quận này vẫn nằm dưới sự cai trị của nhà Tần.
    Triệu Đà là người phương bắc xâm lược các nước thuộc bách Việt và cai trị thì không thể xem là hợp Pháp được! ! Còn những đền thờ theo tôi nghĩ có một sự nhầm lẫn hay do một ai cố tình làm sai lệch biến nơi thờ của Triệu Việt Vương ( Triệu Quang Phục ) Thành triệu Võ Đế . Nếu tôi nhớ không nhầm thì quê hương của Triệu Quang Phục cũng ở Hưng Yên hoặc gần đó . Không có lý do nào mà một dân tộc bị xâm lược mà lại tôn thờ chính tên xâm lược ấy cả! ! Nhất là tên Triệu Đà là kẻ đem đến tai họa ngàn năm bị đô hộ và biết bao xương máu của dân tộc bỏ ra mới giành lại được chủ quyền v v.. Nếu không có Triệu Đà thì dân tộc VN chưa chắc bị đô hộ sớm đến như vậy !!! CHỈ CÓ NHỮNG KẺ NGU XUẨN NHẤT VÀ HÈN HẠ NHẤT MỚI DỰNG MIẾU ĐỂ TÔN THỜ MỘT TÊN CƯỚP NƯỚC ĐẠI GIAN ĐAI ÁC MÀ THÔI “

    Thích

    • Triệu Đà là người Hán nhưng sang Nam Việt làm vua tốt nên nhân dân lập đền thờ là bt. Nhà Triệu vẫn dc tính là một triều đại. Nhà Mãn Thanh xâm xâm chiếm nhà Minh khi bắt người Hán để bím tóc có hàng nghìn ng tự tử, đến thời cộng hòa bắt họ cắt bím tóc đi lại có hàng ngàn người thà rụng đầu hơn cắt bím tóc, và Trung Quốc vẫn công nhận nhà Thanh là một triều đại.
      Ông phát biểu cực đoan ba lăng nhăng quá. Về học lại

      Thích

      • Lịch sử Trung Quốc vô cùng lạ, đứng trước các lần ít ỏi bị xâm lược họ đều đầu hàng. Và kỳ lạ thay các kẻ xâm lược sau thời gian tồn tại trên đất Trung Quốc đều đần dần bị Hán hoá. Lúc này vai trò đảo lộn kẻ xâm lược mất tất , nguồn gốc, tri thức văn hoá….Và người Hán ” hồn nhiên” thông báo rằng nguồn gốc đó, tri thức văn hoá đó…là của họ!. Khác xa bao lân Trung Quốc xâm lược nước ta và biến nước ta thành châu, quận của họ. Việt Nam ta vẫn là ta. không thể nhận không những gì không thuộc về mình. Cho dù họ tốt đến đâu thì vẫn là xâm lược ( và chắc gì Nam Việt đã thôn tính sáp nhập được Văn Lang? Theo Sử ký trên có khi Văn Lang chỉ là chư hầu của chư hầu mà thôi.) và triều đại của họ trong lịch sử nước nhà không thể là chính thống được. Theo lập luận trên của quí ngài thì lịch sử nước nhà sẽ bao gồm các triều đai đã từng xâm lược, cai trị chúng ta chăng?.

        Thích

  4. Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: Năm thứ 33 Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải, cho những người bị đày đến đấy canh giữ. Ở phía Tây Bắc đánh đuổi Hung Nô từ Du Trung dọc theo sông Hoàng Hà đi về đông đến Âm Sơn tất cả 34 huyện, xây thành trên sông Hoàng Hà để làm giới hạn. Lại sai Mông Điềm vượt sông Hoàng Hà lấy đất Cao Khuyết, Đào Sơn, Bắc Giã xây đình và thành lũy ở đấy để đuổi người Nhung và đưa người bị đày đến đấy để ở và lần đầu những nơi này trở thành huyện.
    Cùng năm Tần đánh Việt thì Mông Điềm mới vượt sông Hoàng Hà đánh Hung Nô và người Nhung, lập các huyện mới. Vậy đất Hà Bắc, tức là Bắc sông Hoàng Hà, tới lúc này mới lọt vào tay Tần, lấy đâu ra ông Triệu Đà người Hà Bắc lại cùng năm đó làm tướng Tần đánh Việt được?

    Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận. Như vậy thời kỳ này đất Giao Chỉ đã nằm trong đất nhà Tần. Huyện Chân Định hoàn toàn có thể nằm ở chính Giao Chỉ chứ không đâu xa. Sự thật thì huyện Chân Định thời Tần là ở đất Thái Bình ngày nay. Chân Định là tên cũ của huyện Kiến Xương, mãi tới thời Thành Thái (1889) mới đổi là huyện Trực Định phủ Kiến Xương tỉnh Thái Bình.

    Thích

Bình luận về bài viết này