Yên Dũng xưa

 

SOng ngoi bac giang(1).gif

Khổng Đức Thiêm 

Yên Dũng ngày nay được hợp thành từ 3 huyện Cổ Dũng, Yên Việt và Phượng Nhỡn có diện tích là 185,9km2 nằm ở phía đông nam tỉnh Bắc Giang. Đây là một bình nguyên nhỏ trải đều đôi bờ sông Thương và giữa hạ lưu hai sông Lục Nam và sông Cầu.

Thời cổ, Yên Dũng nằm ở tiếp điểm giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với khu vực trung du. Nhìn trên bình diện lớn thì đây là một vùng khá bằng phẳng nhưng nếu đem chia tách một cách tỉ mỉ hơn thì sự tương phản về địa hình khá rõ vì điểm cực bắc của huyện bắt đầu từ Bằng Cục, điểm cực tây là Hương Lạn, điểm cực nam là Hành Quán còn phía đông – đông nam bị sông Thương đóng đai suốt từ Phù Liễn đến Tiên La. Hệ thống gò đồi xen với ngòi lạch và các vạch chiêm trũng đã tạo ra hai độ nghiêng lệch đông bắc – tây nam, tây bắc – đông nam, càng xuôi về phía nam đất càng thấp dần.

Trong địa phận Yên Dũng thời đó, đột khởi lên các rặng núi Nhẫm, Mỏ Thổ, Con Voi, Quảng Phúc. Đồ sộ nhất là rặng Nham Biền, tên nôm là núi Neo, tên chữ là Cửu thập cửu phong sơn gồm 99 ngọn cao nhất là ngọn Chân Voi ở Liễu Đê (290 mét) và nhiều ngọn nổi tiếng khác như núi Bùi (196 mét), Vành Kiệu, Cột Cờ, Đền Vua, Hàm Long. Nhiều khe lạch như khe Bến Đám, khe Suối Rắn, suối Cổ Cò cùng các Hang Giầu, đèo Trán Khỉ, đèo Yên Ngựa… đã khiến cho sơn phận ở đây trở thành nên thơ và hữu tình. Chính hệ thống đồi gò này đã tạo ra sự tương phản sâu sắc và rõ nét về mặt địa hình của huyện.

Đối lập với gò đồi là hệ thống sông nội đồng như ngòi Ngao (suối Si) có đôi bờ dốc đứng chảy ven các sườn đồi ở bắc huyện rồi thả dần xuống một vùng trũng có đồi và rừng vây quanh, như ngòi Đa Mai (sông Như thiết) nước sâu khiến thuyền bè có thể đi lại quanh năm từ Quán Gánh trở xuống và ngòi Bún (sông Bắc Cầu) có đôi ba dòng chảy cùng đổ vào sông Thương.

Cuối cùng là hệ thống rộc trũng, đồng chiêm tập trung quanh vùng Ba Tổng ở phía tây và nam rặng Nham Biền.

Gò đồi và sông ngòi ở Yên Dũng là tác nhân chính tạo nên hình thái xô sơn bạt thủy và tạo ra các tiểu vùng. Mấy đôi câu đối ở đền Thanh Nhàn (Thắng Cương), phần nào phản ánh được hiện thực này.

– Tây bắc Yên Hồng tú lĩnh triều tiền

Đông nam Dương Mại thâm khê nhiễu hậu.

(Phía tây bắc Yên Hồng núi đẹp chầu trước)

Hướng đông nam Dương Mại khe sâu vây sau).

– Tả Nham Biền sơn tú khí địa lý sơn chung

Hữu Nguyệt Đức giang thanh thiên thiên thư tố định.

(Bên trái là núi Neo nơi chung đúc tú khí địa linh

Phía phải là sông Cầu giữa trời xanh sách trời nguyên định).

Dưới thời Pháp thuộc, đất đai Yên Dũng bị co hẹp dần, chỉ còn lại tổng Phấn Sơn nằm ở phía bắc Nham Biền vốn nghèo xơ xác còn ba tổng Cổ Dũng, Tư Mại, Hương Tảo quanh nằm đồng trắng nước trong. Rặng núi Neo như ngăn cách để tạo ra một ốc đảo Yên Dũng độc canh về nông nghiệp, lạc hậu về giáo dục và kém cỏi về giao thông vận tải. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, Yên Dũng vẫn ở vào vị trí biệt lập như vậy suốt mấy năm liền. Cùng với sự gia tăng của cuộc chiến và sự phát triển các căn cứ du kích, phạm vi của địa phương mới vươn sang phía đông – đông bắc, qua sông Thương để định hình cho đến ngày nay với ba tiểu vùng như sau:

– Tiểu vùng Phượng Nhỡn: gồm 8 xã ở tả ngạn sông Thương vốn thuộc huyện Phương Nhỡn cũ, sau thuộc Lạng Giang và Lục Ngạn, gia nhập vào đại gia đình Yên Dũng khoảng trên 60 năm trở lại đây.

– Tiểu vùng Yên Ninh: Gồm 6 xã ở phía bắc Nham Biền vốn nằm trong huyện Yên Ninh thời Lý – Trần, trung tâm của Yên Dũng thời Lê – Nguyễn. Dưới thời Pháp thuộc có một số xã thuộc Lạng Giang.

– Tiểu vùng Cổ Dũng: gồm 9 xã của 3 tổng thấp trũng nhất và là vùng cựu địa của Yên Dũng thời cổ.

Dưới góc độ thổ nhưỡng – địa chất ở tiểu vùng Phượng Nhỡn đất tự nhiên được bồi tụ chiếm thành phần cơ bản. Hai tiểu vùng còn lại đặc trưng chung là lãnh thổ bị uốn nếp, các bậc thềm cổ xen kẽ các vạch trũng, các tàn dư phù sa cổ, đất dốc tự bạc mầu, phù sa ngập nước quanh năm… trên một khu vực rộng lớn cùng dấu vết của sa thạch hình thành từ trầm tích bể cạn rõ nét ở Nham Biền.

Khí hậu là một tác nhân quan trọng tạo ra thành phần thổ nhưỡng của Yên Dũng. Với chế độ thời tiết nhiệt độ nóng ẩm, có mùa đông khá lạnh, một năm ở đây có 9 tháng nhiệt độ cao hơn 200C, 6 tháng mưa cho vũ lượng khoảng 1.500mm cùng 1.700-1.800 giờ nắng.

Tính hóa lý của đất đai còn chịu sự tác động của chế độ thủy văn. Sông Thương độ dốc thấp, nước chảy điều hòa, hàm lượng phù sa ít nên đồng bằng ven sông hẹp, kém mầu mỡ và phì nhiêu. Sông Cầu có lưu lượng nước gấp đôi sông Thương còn sông Lục Nam độ dốc lớn hơn, tốc độ dòng chảy mạnh, phù sa nhỏ mịn hơn.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết vào thời Trần huyện có tên là Cổ Dũng – lỵ sở đóng tại làng Cổ Dũng nằm ở phía nam. Thời thuộc Minh, huyện bị chia đôi: phía nam Nham Biền, vẫn giữ tên Cổ Dũng, lỵ sở như cũ (nay là xóm Huyện, xã Tiến Dũng) còn phía bắc Nham Biền gọi là huyện Yên Ninh, lỵ sở đặt tại Nội Hoàng (nay là xóm Huyện, thôn Chiền). Năm 1419 huyện Yên Ninh bị gộp vào Phượng Sơn, Long Nhỡn để thành huyện mới Phượng Nhỡn.

Khi đất nước được giải phóng, dưới thời Lê, phần đất thuộc Yên Ninh cũ mới trở lại cùng huyện Cổ Dũng tạo ra huyện Yên Dũng, có 88 xã trại, lỵ sở đặt tại Như Thiết, sau đó chuyển tới Sen Hồ.

Huyện Yên Dũng vào thời Lê – Nguyễn thuộc phủ Lạng Giang trấn Kinh Bắc, giáp giới với Yên Thế, Yên Việt, Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Quế Dương. Cuối thế kỷ 19, Yên Dũng có 11 tổng (Ngọc Cục, Tự Lạn, Thiết Sơn, Dĩnh Sơn, Mật Ninh, Hoàng Mai, Mỹ Cầu, Phúc Tằng, Tư Mai, Cổ Dũng) với 80 xã phường.

Dưới thời Pháp thuộc, sau khi lập tỉnh Bắc Giang (10-1895) Yên Dũng có các thay đổi sau:

– Tổng Ngọc Cục chuyển sang huyện Yên Thế. Năm tổng Đa Mai, Thiết Sơn, Mật Ninh, Dĩnh Sơn, Tự Lạn chuyển sang huyện Việt Yên. Tổng Phúc Tằng chia làm hai tổng Phúc Long và Phấn Sơn.

– Tổng Quang Biểu, Hương Tảo từ Việt Yên chuyển sang huyện Yên Dũng.

Các đơn vị hành chính trên tồn tại được khoảng 20 năm (1895-1914). Tiếp đó lại thay đổi như dưới đây:

– Các xã Phúc Tằng, Điêu Liễn, Phúc Long, Thượng Phúc, Hùng Lãm chuyển sang tổng Hoàng Mai. Phường Á Lữ đưa sang tổng Thọ Xương huyện Phất Lộc. Xã Chuế Dương về tổng Quế Nham huyện Yên Thế. Xã Mỏ Thổ nhập vào tổng Thiết Sơn. Phường Tam Kỳ sang tổng Trí Yên huyện Phượng Nhỡn.

– Lỵ sở của Yên Dũng vẫn đóng ở Sen Hồ.

Đến năm 1924 huyện Yên Dũng lại bị xáo trộn lớn:

– Tổng Mỹ Cầu cùng Đa Mai nhập vào phủ Lạng Giang. Ba tổng Phúc Long, Hoàng Mai, Quang Biểu chuyển về Việt Yên.

– Bốn tổng Phấn Sơn, Tư Mai, Cổ Dũng, Hương Tảo ở lại huyện Yên Dũng với 32 xã, huyện lỵ chuyển về phố Chợ Neo thuộc tổng Tư Mai.

Cách mạng tháng 8-1945 thành công, các tổng của Yên Dũng đổi thành liên xã hoặc xã mang tên mới. Trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, Tỉnh ủy Bắc Giang xét thấy sự cần thiết trong việc chỉ đạo thống nhất giữa khu du kích nam Lạng Giang với căn cứ du kích Yên Dũng, được Liên khu ủy Việt Bắc chấp thuận, ngày 6-9-1952 đã ra Quyết nghị số 06/NQBB/BG sáp nhập 5 xã thuộc nam Lạng Giang (Tân Dân, Trí Yên, Thái Sơn, Dĩnh Kế, Lan Mẫu) và 2 xã thuộc nam Lục Ngạn (Bắc Lũng, Yên Sơn) vào huyện Yên Dũng. Cùng thời gian đó, 2 xã Chí Minh, Tân Mỹ trở lại huyện nhà, đưa huyện Yên Dũng từ 9 xã ở tả ngạn sông Thương lên tới 16 xã ở cả hữu ngạn. Đến tháng 6-1956, 16 xã kể trên chia thành 25 xã như sau:

– Tám xã không đổi tên, không chia tách: Lan Mẫu, Yên Sơn, Bắc Lũng, Quang Trung, Yên Lư, Thái Sơn, Tân Mỹ, Chí Minh.

– Tám xã chia thành 17 xã, đổi tên: Phấn Dũng (Đồng Sơn, Tân Liễu), Mỹ Nội (Nội Hoàng, Tiền Phong), Đồng Tiến (Dũng Tiến, Đại Đồng), Đức Giang (Tiến Dũng, Đức Sơn), Đồng Việt (Đồng Việt, Việt Tiến), Trí Yên (Trí Yên, Hồng Phong), Tân Dân (An Đào Tràng, Tam Sơn, Xuân Phú), Dĩnh Kế (Hùng Tiến, Tân Tiến).

Ngày 21-1-1957 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 24-TTg trả lại 2 xã Yên Sơn, Bắc Lũng cho huyện Lục Nam mới thành lập. Ngày 17-5-1958 Bộ Nội vụ ra Quyết định số 172 chia Lan Mẫu thành 3 xã (Lan Mẫu, Đại Lâm, Lão Hộ), xã Hùng Tiến thành 2 xã (Dĩnh Kế, Dĩnh Trì), xã Quang Trung thành 2 xã (Quang Trung, Nham Sơn) và xã Thái Sơn thành 2 xã (Thái Sơn, Thái Đào) nâng Yên Dũng lên 28 xã. Ngày 27-2-1961 Thủ tướng Chính phủ lại ra Quyết định số 33/CP chuyển các xã Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Thái Đào, Đại Lâm sang huyện Lạng Giang và Lan Mẫu về Lục Nam. Huyện Yên Dũng cố định 23 xã trong một thời gian dài.

Cũng cần lưu ý tới việc địa phương đã khôi phục tên gọi lịch sử cho một số xã theo tinh thần Thông tư số 5904/CQNT của Bộ Nội vụ (trong ngoặc là tên xã mang tên trong kháng chiến hoặc cải cách ruộng đất).

Thắng Cương (Quang Trung)                   Đức Giang (Đức Sơn)

Hương Gián (Thái Sơn)                            Đồng Phúc (Việt Tiến)

Song Khê (Chí Minh)                               Lãng Sơn (Hồng Phong)

Tư Mại (Dũng Tiến)                                 Tân An (An Đào Tràng)

Cảnh Thụy (Đại Đồng)                             Quỳnh Sơn (Tam Sơn)

Ngày 28-9-1994 thành lập thị trấn Neo – huyện lỵ của Yên Dũng trên cơ sở 3 thôn Tân An (Cảnh Thụy), Phấn Lôi (Nham Sơn) và Bến Đám (Tân Liễu).

Ngày 12-7-2007 thành lập thị trấn Tân Dân trên cơ sở điều chỉnh 494,34 ha diện tích tự nhiên và 5.448 nhân khẩu của xã Tân An.

Từ năm 2010, các xã Đông Sơn, Song Khê, Tân Mỹ, Tân Tiến được sáp nhập vào thành phố Bắc Giang.

Nhận xét khái quát về Yên Dũng, sách Bắc Ninh tỉnh chí viết: “Huyện hạt bao gồm 79 xã, thôn, phường với 11 tổng, có 404 người lính, 3.302 nhân đinh. Ruộng đất gồm 38.450 mẫu. Thuế hàng năm là hơn 12.480 quan tiền và 21.421 hộc lúa. Trong hạt có các thành phần sĩ, nông, công, thương nghề nghiệp không giống nhau. Kẻ sĩ thì dốc lòng vào việc học hành nhưng những người đỗ đạt về mặt văn học thì ít. Y phục chất phác không ưa chuộng cái gì khác. Duy từ núi Nham Biền trở về phía nam dân ở đó thuần hậu còn ngược lên phía bắc đất núi nổi lên san sát, dân ở đó hơi dũng hãn. Phong tục không có gì đặc biệt”.

Qua thống kê của các thư tịch cổ, ta có thể ước tính vào năm 1875 dân số Yên Dũng có từ 16.500-20.000 người, diện tích trên dưới 200km2 (1). Theo thống kê của nhà cầm quyền Pháp, số dân đinh của Yên Dũng vào năm 1905 xê xích không đáng kể(2). Năm 1937 Trịnh Như Tấu công bố trong Bắc Giang địa chí, khi huyện chỉ còn 4 tổng – tức 1/3 so với trước, dân số đã có tới 29.690 người. Đó là một sự tăng trưởng khá mạnh.

Năm 1955, Yên Dũng với 28 xã, số dân là 88.893 người. Đến tháng 3-1961, số xã còn lại như ngày nay, số dân là 69.326 người. Bảng dưới đây cho ta thêm một số thí dụ nữa:

Năm

Số loại

1875 1961 1965 1975 1980 1985 1989
Dân số (người) 19.000 69.326 85.735 102.031 111.051 132.754 143.258
Mật độ (người/km2) 100 315 390 470 501 654 700

Trong vòng 115 năm (1875-1989) dân số Yên Dũng đã tăng lên 7 lần. Theo tính toán sơ bộ, mỗi năm Yên Dũng tăng thêm số dân bằng 1 xã và chừng 20 năm nữa, với vận tốc gia tăng này, dân số Yên Dũng sẽ lên tới trên 300.000 người.

Theo số liệu thống kê vào năm 1977, cả huyện có 253 điểm dân cư. Mỗi điểm dân cư trung bình có 80 hộ và 5 ha đất thổ cư. Thói quen, thời điểm và hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra sự phân tán, manh mún ấy. Nếu điểm quần cư lớn nhất của Yên Dũng có tới 917 hộ chiếm 40,7 ha thổ cư thì có xã, số dân chỉ bằng một nửa (Lão Hộ, Thắng Cương). Tuy nhiên những nơi như thế không nhiều.

Có một thực tế nữa là, trong vòng mấy chục năm trở lại đây, nhiều nơi ở Yên Dũng số gia đình lên Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn xây dựng khu kinh tế mới, khai hoang khá nhiều. Thống kê ở xã Song Khê vào năm 1987 cho thấy đã có vài trăm hộ đã rời quê hương so với 10 năm trước:

Thôn Số hộ Số khẩu Số ruộng (trong đó công điền, công thổ)
Song Khê 200 1.100 340 mẫu (80 mẫu công điền, công thổ)
Yên Khê 90 500 285 mẫu (38 mẫu công điền, công thổ)
Liêm Xuyên 26 150 132 mẫu (25 mẫu công điền, công thổ)
Khánh Khê 24 130 65 mẫu (12 mẫu công điền, công thổ)

 

Yên Dũng là địa bàn mà con người đến tụ cư rất sớm. Họ quây quần, tập hợp nhau theo từng ngõ xóm và liên kết thành làng xã. Hầu hết làng xã lại chia thành nhiều thôn hoặc nhất xã nhất thôn với mấy xóm lẻ. Sách Bắc Ninh tỉnh chí đã mô tả: “Dân cư sống trong các thôn xã, bốn xung quanh đều có hào lũy trồng tre, lại dựng cổng làng bằng tre, kiên cố tựa đồn lũy”.

Đối với các điểm tụ cư lập nên ở ven sông, dân cư lập thành phường thủy cơ hoặc vạn chài. Ở nhiều vùng trắng nước trong, dân cư thưa thớt thì lập ra các sở.

Hầu hết làng xã của Yên Dũng có cả tên nôm lẫn tên chữ. Tên nôm được đặt thường căn cứ vào thế đất, hình thể hoặc một vài đặc điểm nào đấy. Làng Lạc Giản còn gọi là làng Chỗ, Ngư Uyên là Ổ Cá, Văn Sơn là Chản Núi, Văn Giàng là Chản Sông, Liêm Xuyên là Lịm, Thắng Cương là Kẻ Gừng, Hương Tảo là Kẻ Cáu… Mỗi làng như thế lại chia thành nhiều giáp. Mỗi giáp bao gồm vài ba dòng họ cùng quy tụ trong một địa bàn. Thành viên của giáp là trai đinh, được hưởng mọi quyền lợi về phù sinh tống tử, công điền công thổ. Giáp được đặt tên theo phương hướng hoặc thứ tự trên dưới – trong ngoài.

Yên Dũng có nhiều dòng họ lớn, cư trú từ lâu đời như Thân, Giáp, Hoàng, Lương, Dương, Nguyễn, Phan, Vũ, Ngô. Có những dòng họ đặc biệt như Khánh Am họ Ngụy, Cảnh Thụy họ Ong, Phấn Trì họ Khổng(3). Trong khi có nhiều dòng họ đã từng cư trú hàng ngàn năm nay tại địa phương thì cũng có nhiều dòng họ mới đến lập nghiệp được 5-7 đời.

Thánh Tam Giang (Trương Hống – Trương Hát) được thờ phổ biến nhất tại nhiều đình làng ở Yên Dũng. Hầu hết các làng này dọc theo ba sông (Thương, Cầu, Lục Nam) như Phượng Nhỡn, Trí Yên, Lão Hộ, Ninh Xuyên, Hành Quán, Thắng Cương, Yên Điểm, Yên Tập, Tiên La, Dĩnh Uyên, Nội Hoàng. Ở Tiên La, đình họ Lê thờ đức Thánh Cả (Trương Hồng), Đình họ Nguyễn thờ đức Thánh Hai (Trương Hát).

Còn nhiều vị nhân thần hoặc thiên thần nữa cũng được các làng thờ ở đình. Trần Thủ Độ được thờ ở đình Hương Tảo. Thần mưa gió có tên là Tổ Long được thờ ở đình Trí Yên. Hoàng Quý Minh thờ ở đình Phụng Pháp. Thiều Nương ở Hoàng Mai, Phạm Dương ở Điêu Liễn, Ngọ Tiên Nương ở Hương Giản, Lạc Giản.

Lại có nhiều nơi thờ Đa thần. Làng Nội Hoàng có 3 đình: Đình Chiền thờ Cao Minh – Quế Minh, đình Trung thờ Cao Minh, đình Nội thờ Ba Ma; đền Nội Hoàng thờ Thánh Tam Giang; đình Cảnh Thụy, Cảnh Mỹ thờ 4 vị tướng thời Trần (Minh Tú, Quý Tôn, Hành Khánh, Dực Vị); đình Phúc Tằng thờ Phương Duy – Quý Minh – Quảng Tế là 3 vị tướng có công đánh giặc Nguyên Mông.

Có địa phương thờ ở đền là chính còn đình chỉ thờ vọng như Thánh Thiên công chúa thờ ở đền Ngọc lâm; hai vị tướng thời Hùng có công dạy dân cày cấy ở đền Thanh Nhàn; bà Cả Đỏ giúp Lê Lợi đánh giặc Minh ở đền Cảnh Thụy; Trần Thủ Độ ở đền Róc – Khe Rắn; vua Bà vợ Hùng Vương thứ 6 ở đền Gừng… Đặc biệt còn có đình Ba Tổng là dấu tích kỷ niệm sự ngoan cường của nhân dân địa phương, nay vẫn còn câu ca ghi nhận:

“Ông đi đánh Bắc dẹp Đông

Nếu về Ba Tổng xin ông đừng về”

Ngày lễ nhập tịch – còn gọi là vào đám của các làng được tổ chức rất long trọng. Ở Hương Tảo trong hội Thánh Bà mở vào tháng tư có bơi chải. Các làng Cảnh Thụy, Khê Cầu, Mại Khê có tục rước nước từ ngã tư Cửa Đỏ dịp mồng 9 tháng giêng rất vui. Lại có thi dệt ở Cảnh Thụy, Cảnh Mỹ, Ổ Cá hoặc thi cướp cầu ở Dĩnh Uyên, Ngư Uyên, thi đuổi cuốc ở Kẻ Cáu, đấu vật ở Am Bùi.

Những phong tục tập quán kể trên được sản sinh bởi một cư dân chuyên canh trồng lúa nước. Nó vừa biểu hiện tín ngưỡng dân gian vừa tỏ rõ sự cần cù người dân Yên Dũng trong cuộc đấu tranh vật lộn với thiên nhiên để vươn tới.

Cho đến tận thời Nguyễn, sản xuất nông nghiệp vẫn được xác lập là gốc rễ của mọi nghề. Nhìn một cách tổng quát, Yên Dũng là một vùng độc canh nông nghiệp, đúng như sách Bắc Ninh tỉnh chí đã viết: “Trong phủ hạt những người làm nghề nông chiếm phần lớn còn công thương thì có ít, mà kẻ sĩ lại càng ít hơn. Tập tục chuộng ưa sự dũng hãn. Ngày trừ tịch (đêm 30 tết) thì trồng cây nêu, Nguyên đán thì làm lễ mừng tuổi, tết Đoan ngọ thì treo lá ngải còn các việc tang, hôn, tế tự, ca hát đều theo phong tục người Kinh, đại khái giống nhau”.

Cho đến đầu thời Lê, đất đai của Yên Dũng hoang hóa khá nhiều. Năm 1481 Lê Thánh Tông xuống chiếu khuyến nông, đã lập ở Yên Dũng nhiều sở đồn điền như Sở Đại Tảo (sau là tổng Hoàng Mai), Sở Phấn Trì (sau là tổng Phúc Tằng, Phấn Sơn), Sở Tư Mại, Sở Ảm Trứ… Ở mỗi đồn điền như thế, triều đình cử đến một Chánh sứ đồn điền, một Phó sứ đồn điền để trông coi. Các sở đồn điền Đại Tảo, Phấn Trì, Tư Mại, Ảm Trứ hoàn toàn trực thuộc triều đình Trung ương và Ty Thái bảo. Lực lượng khai phá đồn điền gọi là đồn điền binh lấy trong số tù binh, các tù nhân bị tội đồ, tội lưu. Họ được tổ chức thành cơ ngũ, có điều lệnh do các chánh, phó sứ phụ trách sở đồn điền cai quản. Khi nào đất đai trở thành thục điền thì các đồn điền binh hoặc dân chúng được đến cày cấy theo chế độ phát canh thu tô.

Nhờ có hệ thống đồn điền này mà một khu vực rộng lớn suốt từ Trung Đồng, Hoàng Mai đến Bằng An, Ảm Trứ, Phấn Trì, Phấn Sơn, Phấn Sở, Tư Mại, Cảnh Thụy, Cổ Pháp, Hành Quán… dân cư ngày một trù phú và đông đúc.

Công cuộc trị thủy, xây dựng hệ thống thủy lợi ở Yên Dũng diễn ra hết thế kỷ này qua thế kỷ khác. Nhờ đó, ngoài một hệ thống đê điều ngày một đồ sộ, đời sống của nhân dân ngày một khấm khá hơn. Tuy nhiên, nạn vỡ đê gây nên lụt lội, mất mùa và đói kém vẫn thường xuyên xuất hiện.

Văn bia đặt tại sinh từ Hoàng Ngũ Phúc dựng ở Phụng Pháp năm 1762 do Nhữ Công Toản – Nguyễn Nghiễm soạn, có đoạn: “Con đê quanh tổng trước có cống, lâu ngày đổ nát mà tắc lại, nước không có đường nào thoát chảy, trông mảnh đất phì nhiêu thành nơi xấu bẩn, ông (tức Hoàng Ngũ Phúc – TG) đã đề đạt và đích thân lãnh nhận việc này bỏ công xây đắp, tất tưởi làm ngay. Đến nay thoát nước, giữ nước tùy thời, hạn úng không lo, muôn mảnh ruộng đã thành đất canh tác, người trồng lúa mùa thu hát ca, ngâm ngợi về cây lúa”.

Tuy nhiên, các công trình thủy lợi chỉ chế ngự được phần nhỏ, người dân Yên Dũng vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên. Ngọ Tiên Lương thần tích ở Hương Giản, Lạc Giản đã chứng minh hiện thực này.

Chính do những khó khăn đặc biệt về thiên nhiên cho nên tới tận cuối thế kỷ XV, một vùng rộng lớn của Yên Dũng vẫn còn hoang hóa và hầu hết là cánh đồng trắng nước trong. Khi viết thần tích cho làng Hoàng Mai, Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính đã thừa nhận: “Truyền rằng ở phường Hoàng Mai, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang trấn Kinh Bắc, đất đai ở đó mới được mở mang, dân cư mới lập, từ trước đến giờ chưa có đền thờ để mà thờ phụng”.

Ngoài trồng lúa nước và hoa mầu, nhân dân Yên Dũng còn có nhiều làng giỏi nghề sông nước. Sách Bắc Ninh tỉnh địa dư ghi: “Cổ Phao, Á Lữ, Tam Kỳ… các phường này đều lấy nghề đánh cá làm nguồn sinh sống. Lại tương truyền ở xã Phụng Pháp có loại cua đồng khác với mọi nơi ở chỗ mùi vị của nó thơm ngon, còn hình sắc không có gì khác”. Như vậy, ngoài chài lưới, cư dân ở đây còn có thêm nghề bắt cua, nổi tiếng là Dĩnh Uyên, Phấn Trì, Vụ Gián. Làng Phụng Pháp còn có cả miếu cua thờ bà Chúa Cua ở Đồng Cấn.

Lại có những làng tạo thành vùng chuyên canh rau hành như Mỹ Cầu, Phụng Pháp, Xuân Đám, Hương Giản. Làng Lão Hộ có nghề trồng chè từ lâu đời:

“Muốn ăn cơm trắng cá mè

Thì về Lão Hộ hái chè với anh”.

Nhiều xóm làng ở ven đồi núi chú trọng đến kinh tế vườn để trồng cây ăn quả, cây lưu niên. Những nhà ở ven Nham Biền còn thêm nghề đốt than như Tân Độ, cắt ràng chặt củi ở Phấn Lôi để cung cấp chất đốt cho các lò gốm ở Thổ Hà, Phù Lãng và các lò gạch:

“Em là con gái Phấn Lôi

Cắt ràng kiếm củi mồ hôi đen sì”.

Rừng Hà là di chỉ gốm sứ có từ thời Lý – Trần mới được phát hiện ở Tân An, có một hệ thống lò nung khá dầy đặc. Ngoài nghề gốm sứ, các làng An Tràng, Đào Tràng, Đức La, Trí Yên còn có nghề rèn sắt và nghề làm cày bừa. Các làng Mỹ Cầu, Xuân Đám, Trí Yên, Cổ Dũng, Tư Mại, Hương Tảo, Phấn Sơn… có nhiều gia đình làm nghề chăn tằm kéo kén. Các làng Song Khê, Yên Khê chuyên dệt vải khổ nhỏ. Hai làng Cảnh Thụy, Cảnh Mỹ có nghề dệt lụa từ lâu đời. Trong số các làng kể trên, có làng như Đông Loan chuyên đem tơ kén sang bán cho Cảnh Thụy nhưng Nội Hoàng thì làm hết các công đoạn: trồng dâu – chăn tằm – kéo kén – dệt lụa.

Làng Trí Yên có nhiều thợ đóng cối xay. Làng Bùi Bến thì có thợ đánh đá tảng, đục cối, khắc bia. Làng Đông Loan có thợ đóng giường tre, tràng kỷ tre rất khéo còn các làng Ổ Cá, Khê Cầu, Trại Lá, Xuân Đám, Lũ Phú chuyên đan lát mây tre, vì thế ngày xưa ở địa phương đã có nhiều câu ca thừa nhận các làng nghề này (Nong nia Ổ Cá, rổ rá Khê Cầu; Nong nia Trại Lá, rổ rá xóm Đông, gánh gồng Trại Rúm, buộc túm Đà Hy).

Nghề buôn bán ở Yên Dũng trong thực tế còn mờ nhạt, không được chú trọng. Một số làng có chợ, có nhiều thương nhân như Cảnh Thụy, Đông Loan nhưng vẫn không thể trở nên làng chuyên buôn.

Hệ thống chợ búa ở Yên Dũng khá mỏng, trung bình vài ba xã mới có một chợ. Phố Neo tuy là huyện lỵ nhưng chưa vươn tới quy mô thị trấn. Phố Rào (Tân An) có điều kiện để phát triển nhưng xa trục giao thông thủy bộ. Các vùng Kem, Nội Bò mới chỉ phảng phất đôi nét phố nhỏ của huyện nghèo.

Yên Dũng còn một loại hình chợ chùa hoặc chợ tam bảo, nay đã mất. Chợ chùa Phúc Tằng (Phúc Quang tam bảo thị), chợ chùa Ngọc Lâm (Phúc Nghiêm tam bảo thị) thuộc dạng này. Tấm bia khắc năm 1656 ở đây có đoạn: “Thân tướng công có khai lên rằng các phường xã Phụng Công, Mỹ Cầu, Ngọc Lâm huyện Yên Dũng có danh lam là chùa Phúc Nghiêm. Ba xã bốn phường ấy đã có sự bảo trì vì thế có lệnh chỉ cho chợ tùy thuộc sự coi giữ của bản cơ và chuẩn cho cúng làm chợ tam bảo lưu truyền vạn đời, vĩnh viễn làm của hương hỏa để đề cao đạo phật, để cho vận nước được lâu dài… Thân tướng công thấy chợ chung của các xã Phụng Công, Mỹ Cầu, Ngọc Lâm bị thuế nặng, toàn năm phải nộp 2.500 quan tiền liền xuất gia tài hầu xin được lệnh chỉ công đức cúng làm chợ tam bảo”.

Hoạt động thủ công nghiệp và buôn bán được ghi lại trong một số bài ca dao:

– Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về Kẻ Bãi với anh thì về

Kẻ Bãi có cây bồ đề

Có sông tắm mát có nghề tằm tơ

– Cảnh Thụy buôn cửi bán bông

Tư Mại bán thóc đã xong một bề.

Đầu Ruồi ăn nói gớm ghê

Đã say sóc đĩa lại mê thò lò

Làng Kem bán chổi bán mo

Ở dưới bến Cáu có lò bán than

Phù Lãng bán những chậu ang

Vân Cầu đất tốt cả làng trồng rau

Làng Bãi sao khéo bảo nhau

Chửa ra đến ngõ đã mầu ổi xanh

Làng Am ăn nói thập thành

Chửa ra đến ngõ đã vành đồ đưa

Hang Chàm bắt ốc bắt cua

Hà Liễu lắm cá ai mua thì vào.

Trên đại thể, hoạt động kinh tế thời cổ ở Yên Dũng là hướng nội, khép kín, tự cung tự cấp, nó chỉ vươn tới được mục tiêu nuôi sống con người với những đáp ứng tối thiểu nhất. Nền kinh tế tiểu nông này đã tồn tại và còn nhiều tác động lâu dài về sau.

Đạo Phật du nhập vào Yên Dũng muộn nhất là vào thời Lý nhiều ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng như chùa Trăm Gian (xóm Chùa – Tân Mỹ), chùa Hang Chàm, chùa Cảnh Mỹ, nhưng đồ sộ và quy mô nhất vẫn là chùa Đức La, tên chữ là Vĩnh Nghiêm tự, thánh địa của phái Trúc Lâm thời Trần:

“Ai qua Yên Tử – Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”.

Dưới triều Trần, từ năm Hưng Long thứ 21 (1313) đại sư Pháp Loa đã đến đây trụ trì để định chức các tăng đồ trên toàn cõi Đại Việt, tạo ra tiền lệ cứ 3 năm định lại một lần và đây là nơi ban ra các chế định của đạo phật trong toàn quốc. Cũng tại chùa Đức La ba nhân vật khai sáng Thiền phái Trúc Lâm (Trúc Lâm tam tổ) là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã gặp gỡ nhau. Đức tổ Pháp Loa sau khi mở tùng lâm này đã mở cả chợ Đức La. Các vị vương thân quốc thích và thập phương đàn việt phát tâm mua tậu ruộng đất để cúng hương đăng tam bảo muôn đời. Nhiều bộ ván in kinh có giá trị như Hoa nghiêm Sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới Kinh ni, Sa di kinh… được tàng trữ tại chùa.

Chùa Đức La có nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, trong đó có 3 pho về Trúc Lâm tam tổ và pho tượng hòa thượng Thích Thanh Hanh. Trong 7 thế kỷ tồn tại, chùa được sửa chữa nhiều lần vào thời Lê và thời Nguyễn. Dân gian có nhiều ca dao về danh lam này.

“Thứ nhất là chùa Đức La

Thứ nhì chùa Bố, thứ ba chùa Đền”.

Đạo Thiên chúa thâm nhập vào Yên Dũng vào giữa thế kỷ 19. Các giám mục dòng Đaminh (dominica) đã theo các sông Lục Nam, sông Cầu, sông Thương để truyền đạo vào các xóm làng như Hoàng Mai, Yên Ninh, Mật Ninh, Thiết Nham, Yên Hà, Sen Hồ, Thiết Sơn, Như Thiết, Nghĩa Vũ, Cổ Pháp, Mỹ Cầu, Phụng Pháp, Ngọc Lâm, Ẩm Trứ… lôi kéo được trên dưới 10% dân chúng theo đạo. Ở phía huyện Phượng Nhỡn cũ, đạo Thiên chúa có mặt ở An Tràng, Lãng Sơn, Quỳnh Sơn, Xuân Đám. An Tràng và Thiết Nham là hai xứ đạo lớn của tỉnh Bắc Giang.

Theo Bắc Giang địa chí vào năm 1936 huyện Yên Dũng có 1.615 giáo dân chiếm 6% dân số. Năm 1961, cả huyện có 869 giáo dân phân bổ ở các xã Quang Trung, Tiến Dũng, Lãng Sơn, Tân An, Tân Mỹ, Yên Lư, Đổng Phúc, Quỳnh Sơn, Xuân Phú, Tiền Phong.

Nhiều xã tổng ở Yên Dũng có văn chỉ thờ Khổng Tử và nhiều tiên hiền, tiên nho khác. Văn chỉ Dĩnh Uyên có nhiều tượng đẹp và được bao phủ bằng một huyền thoại mà sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi: “Người đọc sách ở xã Dĩnh Uyên: nguyên trước trong bụi cây trên gò đất có một viên đá hình người, cứ đêm đến thường nghe đọc sách nho nhỏ. Sau xã ấy dựng đền tiên hiển ở đây để thờ”.

Đạo nho thâm nhập vào Yên Dũng mạnh nhất là thời Trần. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí thì: “Về khoa mục ở phủ Lạng Giang chỉ có 4 huyện Yên Thế, Phượng Nhỡn, Bảo Lộc, Yên Dũng là có người đỗ mà huyện Yên Dũng đỗ nhiều hơn (Yên Thế 4 người, Phượng Nhỡn 5 người, Bảo Lộc 3 người, Yên Dũng 23 người)”.

Danh sách đỗ đạt của Yên Dũng từ thời Lê đến thời Nguyễn như sau:

Thời Lê Mạc: 1. Lê Đức Trung, người Cổ Dũng, đỗ Tiến sĩ năm 1481

  1. Phạm Túc Minh, người Cổ Dũng, đỗ Tiến sĩ năm 1490
  2. Đào Thúc Viện, người Song Khê, đỗ Tiến sĩ năm 1502
  3. Nguyễn Văn Hiến, người Cổ Dũng, đỗ Tiến sĩ năm 1502
  4. Ninh Triết, người Song Khê, đỗ Tiến sĩ năm 1571

Có 5 tiến sĩ thuộc Phượng Nhỡn, Việt Yên nhập vào Yên Dũng

  1. Nguyễn Thuấn, người Xuân Đám, đỗ Tiến sĩ năm 1493
  2. Nguyễn Hữu Hoán, người Xuân Đám, đỗ Tiến sĩ năm 1529
  3. Nguyễn Nhân Kiến, người Đức La, đỗ Tiến sĩ năm 1547
  4. Ngô Đỗ Uông, người Phấn Lôi, đỗ Tiến sĩ năm 1553

Ngoài ra, có 17 tiến sĩ của Yên Dũng nay chuyển sang Việt Yên (9 vị ở Yên Ninh: Thân Nhân Trung, Nguyễn Kinh Lễ, Thân Nhân Vũ, Thân Cảnh Vân, Thân Nhân Tín, Đỗ Văn Quynh, Doãn Đại Hiệu, Nguyễn Nghĩa Lập, Hoàng Công Phụ; 3 vị ở Hoàng Mai: Đỗ Hoảng, Trần Đăng Tuyển, Nguyễn Danh Vọng; Văn Ninh: Ngô Văn Cảnh; Khả Lý: Đỗ Đồng Dần; Mật Ninh: Chu Danh Tể), chuyển sang thành phố Bắc Giang (3 vị ở Song Khê: Đào Toàn Mân, Đào Sự Tích, Quách Nhẫn; 3 vị ở Phương Độ: Thân Khuê, Thân Hành, Thân Duệ, Phù Liễn: Lê Trừng và Dĩnh Uyên: Nguyễn Duy Năng).

Đỗ Hương cống có: Đỗ Thanh (Vân Ninh, 1825), Nguyễn Đình Tân (An Tràng, 1906). Ở đây thiếu danh sách các thời trước.

Như vậy Yên Dũng cổ có 6 làng hiếu học (Yên Ninh, Song Khê, Cổ Dũng, Hoàng Mai, Phương Độ, Xuân Đám) đã cung cấp cho quốc gia nhiều nhà chính trị, ngoại giao, quân sự, thi nhân nổi tiếng mà muôn đời sau còn lưu danh.

Giai thoại về những người đỗ đạt ở Yên Dũng thường ghi nhận từng mảng đời của các danh nhân hoặc những cấp độ dị thường trong cuộc đời của họ. Ở đây Đào Sư Tích hiện lên như những chàng trai thuần phác, cũng bực mình, sỗ sàng hoặc mừng vui khi có người thấu hiểu được nguyện vọng còn Ngô Đỗ Uông thì xoay quanh tài ứng đối cũng như những thói ngông của kẻ ngụ cư khi đỗ đạt, làm quan. Đối với ông nghè Nguyễn Văn Vọng giai thoại lại tập trung vào thời ông dạy học và về con trai của ông chỉ đỗ 3 khóa tú tài(4).

Truyền thuyết huyền thoại ở Yên Dũng về thời khai thiên lập địa xoay quanh dặng Cô Tiên (Trí Yên), Nham Biền và Bằng Lương(5). Có nhiều huyền thoại còn cho biết Kẻ Gừng vốn là quê quán của vợ vua Hùng thứ 6 (Hùng triều lục thứ, quản trưởng lục cung, hậu thổ phu nhân, quốc mẫu tôn thần), làng Kẻ Bãi với chiến công của Thiên Bồng (Thiên Bồng phỳ Lý bình Chiêm – Tống, Nam quốc sơn hà Nam đế cư), làng Kẻ Cáu là nơi Trần Thủ Độ diệt rắn lớn cứu dân, xóm Gừng Hạ – nơi công chúa nhà Mạc trở lại cùng sông nước.

Tên làng xóm cũng tiềm ẩn nhiều huyền thoại. Làng Tiên La, tên nôm là làng Lá có ruộng uốn lượn bao quanh. Làng Ngư Uyên nằm trên mình cá chép và 10 khu đất hình lý ngư, nên còn gọi là Ổ Cá. Làng Tư Mại kề bên sông có rồng đá nổi lên, do vậy có tên nôm là làng Đá. Rõ ràng huyền tích – huyền thoại đã ghi nhận sự sáng tạo của người dân Yên Dũng trong sự nghiệp xây làng dựng ấp của mình.

Phương ngôn tục ngữ giành cho việc ghi nhận một tập tục nào đó của mấy làng gần kề nhau (Ăn làng Gáo, kiện cáo Đào Tràng; Bao giờ đình Gáo tìm ra, Đào Tràng hết kiện thì ta lấy mình), giới thiệu một vài đặc sản (Cua Phụng Pháp, rau muống Hiên Ngang; Gậy Phấn Lôi, xôi Hương Tảo, xáo Yên Hồng) hoặc một vài loại sản phẩm mà sự so sánh vẫn còn khập khiễng (Cua Đồng Quan, lụa vàng Cảnh Thụy). Lại có nhiều câu dưới dạng liệt kê địa danh hoặc tên thành hoàng ở mấy cửa đình đến nay chưa giải mã được (Hang Chàm – Ổ Cá – Đò Lá – Đông Loan; Lắm của phủ Lân, lắm quân vua Hán, lắm bạn quan Nghè; Ba vua Kẻ Cáu, sáu vua Hiền Lương). Tuy nhiên nhiều câu ý nghĩa của nó cũng thật là dễ hiểu (Chuối làng Ngà, gà làng Xuân). Ít có nơi nào mà sự ghi nhận của phương ngôn về sự xinh đẹp, duyên dáng của phụ nữ lại gợi cảm chân quê như ở đây:

Phấn Sơn, Phấn Sở, Phấn Trì

Cả ba làng Phấn gái thì thật xinh”.

Còn về sự ngoa ngoắt, đanh đá thì phương ngôn cũng nằm trong các dạng thức chung (Nước sông đổ lẫn nước ngòi, con gái làng Ảm cầm roi dạy chồng). Kể cả mô thức trai thanh gái lịch cũng vậy (Thứ nhất Đa Mai, thứ hai Nội Hoàng; Gái Đa Mai, trai Nội Hoàng. Xóm Đông là xóm ăn chơi, trai tài gái sắc đẹp đôi cũng nhiều). Cái chất bùn lầy nước đọng, đồng trắng nước trong không thiếu gì trong kho tàng phương ngôn Yên Dũng (Ai về Lũ Phú làm chi, khoai lang củ giải khác gì lợn con; Ai về Kẻ Cáu làm chi, nước giếng thì đục, đường đi thì lầy).

Dân ca với lối hát ví – một hình thức hát giao duyên, có lề luật chặt chẽ vào cuối thế kỷ 19, được sử dụng vào lúc cày cấy hay khi các làng tổ chức hội mùa. Từng câu hát ở đây, ngoài lời tỏ tình, ngợi ca thiên nhiên hoặc lấy sông nước trời mây làm điểm tựa ta còn thấy quê hương hiện ra trong từng câu hát.

– Tôi chào ông chủ Bắc Giang

Ông lý trong làng tôi đã chào xong.

– Quê em ở tỉnh Bắc Giang

Ở huyện Yên Dũng ở làng Hoàng Mai.

– Em là con gái Phấn Lôi

Khen cho em cũng biết chơi biết đùa.

– Bây giờ họa đến sông Thương

Núi Neo, sông Cáu nhiều đường xinh thay.

Nhiều câu hát ví đã trở thành mạch nguồn của ca dao (Gặp đây anh nắm cổ tay, trước kia em trắng sao rày em đen, hay là lấy phải chồng hèn, mò cua bắt óc cho đen cả người; Anh chê em xấu em đen, em nay ở đất đồng chiêm ba mùa, tháng 5 cấy trộm tua rua, tháng 6 cấy mùa tháng 1 cấy chiêm, một ngày hai bữa cơm đèn, còn gì má phấn răng đen hỡi chàng).

Hát chèo được nhân dân Yên Dũng rất ưa chuộng. Bốn phường chèo Yên Hồng, Tự Mai, Thắng Cương, Bằng Lương, diễn viên đều là nam giới suốt tháng giêng, tháng hai rong ruổi hết làng này đến làng khác. Họ có mặt trong cả đám hội, đám cưới, khao vọng… Ở đâu họ cũng được hoan nghênh.

Hát Cửa đình (Ca trù, Ả Đào) diễn ra ở đình làng vào dịp hội xuân, hội thu. Các giáo phường Hương Tảo, Tư Mại sinh hoạt theo những luật lệ khá chặt chẽ, đào kép đều là nghiệp dư, cuộc sống vẫn gắn liền với nghề nông. khi các làng mở hội thì các giáo phường mới đem đàn phách đi hát lệ, hát khoán. Hết hội họ lại trở về với đồng ruộng.

Ngoa ngôn lộng ngữ là lối nói khoa trương, mang nhiều yếu tố gây cười. Ngoại trừ mấy làng đã cắt sang Việt Yên (Nói riễu Kẻ Xe, nói khoe Kẻ Chối, nói dối Mật Ninh) thì Yên Dũng vẫn còn lại 3 làng: Nội Hoàng, Phụng Pháp (Nói tức Nội Hoàng, nói ngang Phụng Pháp), Đông Loan (Đất Đông Loan cả làng nói tức). Thường thường trong lối nói này là tận dụng sự dị biệt của âm sắc, hoặc sự nghịch đảo về ngữ nghĩa của từ vựng để tạo ra những tiếng cười sảng khoái, bất ngờ. Chất chí tuệ, sâu sắc ở đây quá ít.

Các hoạt động về kinh tế xã hội của Yên Dũng mang đầy đủ các yếu tố của một khu vực giáp giới trung du – đồng bằng. Sự chất phác, đôn hậu đã khẳng định sự đa dạng, phong phú trong một số lĩnh vực khác nhau.

Truyền thống thượng võ ở Yên Dũng mở đầu bằng việc Thánh Thiên lập căn cứ Ngọc Lâm. Ròng rã suốt ba năm (40-43) người con gái anh hùng ấy lúc thì sát cánh với Hai Bà Trưng giải phóng Long Biên và 65 thành trì khác, lúc thì trấn giữ Hợp Phố, chặn đường tiến quân của Mã Viện. Mãi tới khi nghe tin Trưng Vương đã hy sinh, bà mới chọn sông Thương làm nơi giữ tròn danh tiết, xứng đáng với lời tụng ca của người đời:

“Đại hào kiệt, đại anh hùng, lực tán Trưng Vương, cổ kiếm hàn ngưng Xương thủy nguyệt

Vi huân cao, vi thê sảng, hồn tiêu Hán tặc, kim hoàn hướng dẫn Ngọc Lâm hoa”.

(Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ vua Trưng, mặt nước sông Thương gươm báu trăng lồng còn lấp lánh/ Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Hán, cành hoa bến Ngọc, vòng tay thơm nức vẫn đâu đây).

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống diễn ra trên đất Yên Dũng, Việt Yên từ cuối năm 1076. Khi đó, một lực lượng quân Tống dưới sự chỉ huy của Quách Quỳ đã chốt giữ núi Cáu trên dãy Nham Biền – theo sách Đàm Phố của Tôn Thăng đời Tống, núi và sông ở đây được gọi là Kháo Túc. Phía bên kia sông là căn cứ thủy quân Đại Việt do hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy.

Sự nghiệp kháng chiến chống quân Nguyên của nhân dân Yên Dũng bắt đầu từ năm 1285. Nhiều cơ sở hậu cần của quân đội Đại Việt đã được xây dựng ở Ao Gạo, Bình Voi dưới chân núi Nham Biền. Quân đội Đại Việt đã tập kết ở cánh đồng Phất Cờ, bãi lầy Voi Thụt ở Trí Yên. Nhân dân địa phương, nhất là ở Phượng Nhỡn nhiều người đã có mặt trong 20 vạn dân binh của các tướng Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Uất, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Nghiễn.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ 3 chống giặc Nguyên xảy ra vào cuối năm 1287, đầu năm 1288 nhân dân địa phương đã cùng Bảo Nương – Ngọc Nương nhấn chìm quân giặc xuống sông Thương. Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi nhận: “Phán phủ thượng vị Nhân đức hầu Toàn đem thủy quân đánh ở vụng Đa Mỗi (Đa Mai) giặc chết đuối rất nhiều, bắt sống được 40 tên và thuyền ngựa khí giới đem về dâng vua Trần” và hương hồn hai công chúa đã vì nước quên thân.

Quân Minh xâm lược Đại Việt từ đầu năm 1407. Khi chúng tràn qua sông Thương, một số trận đánh đã diễn ra ác liệt ở vùng Mỹ Cầu – Đa Mai. Sách Truyền kỳ mạn lục ghi lại một đoạn: “Ngô Tử Văn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khẳng khái nóng nảy thấy sự tà gian thì không chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là người cương phương. Trong làng trước vẫn có một tòa đền linh ứng lắm. Cuối đời họ Hồ quân Ngô sang xâm lấn, vùng ấy thành một nơi chiến trường. Bộ tướng của Mộc Thanh có viên Bách bộ họ Thôi tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu quái trong dân gian, Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội chay sạch, khẩn trời rồi châm lửa đốt đền”.

Vào thời kỳ này, ở làng Cảnh Thụy, có người phụ nữ tên là Đỏ, làm nghề chài lưới, đã lập công trong việc dò xét binh tình quân địch để cung cấp cho nghĩa quân Lam Sơn. Sau này mất được thờ ở Cảnh Thụy, gọi là đền Ngã ba Cửa Đỏ, nay vẫn còn.

Trong các cuộc đấu tranh xã hội thì cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân Yên Dũng. Năm 1744 nghĩa quân tấn công lên Kinh Bắc, chiếm thành Xương Giang rồi lập một phòng tuyến kéo dài suốt từ Quế Nham xuống đến Khê Cầu. Trên phòng tuyến này, Nguyễn Hữu Cầu cho bày trên 100 chiếc thuyền giữa sông và lập nhiều đồn lũy kiên cố chạy dọc sông Thương. Trấn thủ Kinh Bắc là Trần Đình Cẩm, đốc đồng Vũ Phương Đề đem quân từ Thị Cầu đến định chiếm lại thành Xương Giang nhưng bị đánh tơi tả ở chợ Chay, phải bỏ chạy.

Nguyễn Hữu Cầu thừa thắng, đem lực lượng bao vây Thị Cầu, đốt cháy dinh thực. Trần Đình Cẩm, Vũ Phương Đề đã bỏ trấn thành Kinh Bắc, vất cả ấn tín chạy về Đông Đô. Nghe tin này Trịnh Doanh phải lo bố phòng và triệu Hoàng Ngũ Phúc từ Hải Dương về đàn áp phong trào.

Tháng 8-1744, Hoàng Ngũ Phúc – Trương Khuông cùng 10 đại tướng, 64 tướng hiệu và 12.700 lính chia làm 5 mũi tấn công vào lực lượng Nguyễn Hữu Cầu. Hai mũi ở phía Yên Dũng chỉ án binh bất động bao vây vòng ngoài. Chần chừ như vậy cho tới tận cuối năm cánh quân của Trương Khuông hẹn với hai cánh quân của Hoàng Ngũ Phúc, Vũ Tá Liễu hợp lực hành động nhưng mới hành động đã bị nghĩa quân đánh tan ở Ngọc Lâm. Sau thắng lợi Nguyễn Hữu Cầu thu hồi lại Xương Giang, củng cố chiến lũy Quế Nham – Khê Cầu, mở rộng căn cứ và địa bàn hoạt động. Dân nghèo khắp huyện Yên Dũng nô nức gia nhập hàng ngũ nghĩa quân.

Thất bại đau đớn ở Ngọc Lâm khiến Trịnh Doanh phải chiêu hồi Trương Khuông về Đông Đô rồi cử Đinh Văn Giai, Ngô Đình Oánh lên thay nhưng vẫn bị đánh bại ở Xương Giang. Tháng 9-1745 Nguyễn Hữu Cầu rời Kinh Bắc để rút về hoạt động ở vùng biển Sơn Nam. Tháng 3-1751, ông hy sinh, phong trào bị triều đình đánh dẹp.

Đứng trước họa xâm lăng, do thực dân Pháp gây nên, nhân dân Yên Dũng đã hăng hái gia nhập vào đội quân nghĩa dũng do Nguyễn Cao lãnh đạo. Trong hàng ngũ chỉ huy có Bá Cáu, Đô Thống là người địa phương, đóng góp nhiều vào việc xây dựng căn cứ ở chùa Kem. Nay ở đây vẫn còn các vết tích như giếng Quan Tán, nhà Quan Tán và trạm tiên tiêu trên đỉnh Cột Cờ. Từ đây nghĩa quân tỏa ra xây dựng cơ sở ở chùa Đức La, làng Trúc Tay, làng Vân Cốc và làng Trung Đồng. Ngày 3-8-1884 nghĩa quân giao chiến với 400 quân Pháp ở Vân Cốc. Ngày 2-10-1884 nghĩa quân chặn đánh hai pháo thuyền Lamassu và Lahaseus, diệt 33 tên, trong đó có cả viên chỉ huy tàu Lamassu.

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế cũng được nhân dân Yên Dũng tham gia đón nhận và tham gia đông đảo. Sách Bắc Giang địa chí cho biết: “Từ năm 1885 đến năm 1888 Đề Thám luôn luôn ở Làng Chũng, ở làng Bằng Cục và huyện lỵ Yên Dũng”. Nghĩa quân đã thường xuyên đột nhập vào Mỹ Cầu, Đa Mai (5-1889), Yên Tập (7-1889), Đào Tràng (8-1889). Sách Lịch sử quân sự Đông Dương thừa nhận rằng: “Vùng Quế Dương và Yên Dũng vẫn nằm trong tay các toán giặc nhỏ và những viên thủ lĩnh thông đồng với các nhà chức trách An Nam để phá những cố gắng của chúng ta. Một đội quân đi khắp xứ ấy từ 29-7 đến 4-8-1889 nhưng ở khắp nơi đều bắt gặp một đám dân chúng đầy ác cảm. Họ chạy trốn khi ta tới gần hoặc đặt chướng ngại vật trong làng của họ. Sự vận động của quân ta đều bị những nhóm dân bản xứ ở trên các điểm cao do thám. Chúng ta chịu không điều tra được chút gì và đội quân không thu được kết quả”.

Nghĩa quân Yên Thế vẫn điềm nhiên hoạt động ngay trước mũi kẻ thù. Họ tiếp tục đột nhập vào Lão Hộ (12-1889), tấn công vào Lạc Giản (1-1890), Ảm Trứ (1-1890).

Khi Đề Nắm hy sinh, ngày 19-12-1892 (1 tháng 11 Nhâm Thân), Đề Thám đã tổ chức tế cờ ở đình làng Đông (Bích Sơn), đánh tan quân của tri phủ Lạng Giang và tri huyện Yên Dũng. Nhiều trận đánh khác đã xảy ra ở Khả Lý, Sen Hồ.

Trong thời kỳ hòa hoãn lần thứ nhất, địch dụ dỗ Đề Thám: “Được phép cư trú ở huyện Yên Dũng, ở đó có làng Bằng An hiện là làng bỏ, sẽ trao để làm nơi trú ngụ của ông cũng như của gia đình, để làm nơi ăn ở và trồng trọt”. Âm mưu này của Pháp đã thất bại, cuộc chiến lại tiếp diễn cho đến ngày 26-11-1897, hai bên lại hòa hoãn lần nữa.

Ngày 29-1-1909 quân Pháp bội ước tấn công vào Phồn Xương hòng thanh toán phong trào. Sau nhiều trận giao chiến lớn nhỏ ở Thượng Lan, Cầu Ngói, nghĩa quân Yên Thế do Cai Tề chỉ huy đã rút lên Nham Biền. Đầu tháng 4-1909 nghĩa quân đã bắn chết tri huyện Nguyễn Văn Quỳ – Tri huyện Yên Dũng ở Cầu Si rồi rút lên Mỏ Thổ tiếp tục chiến đấu.

Ngày 17-11-1909 một tốp nghĩa quân Yên Thế giao chiến với quân Pháp ở đình Liễu Đê, 8 người ngã xuống ở mảnh đất này.

Phong trào Yên Thế bị đàn áp nhưng tên tuổi của những người con Yên Dũng như Cả Huỳnh, Cai Tề (My Điền), Hoàng Văn Bắc (Hoàng Mai), Nguyễn Văn Khôi (Thiết Sơn), Dương Văn Màn (Vân Cốc), Hoàng Văn Chín (Phụng Pháp), Hoàng Văn Mưu (Mỹ Cầu)… vẫn còn sống mãi với non sông đất nước.

Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy có phần đóng góp của nhân dân Yên Dũng. Khi đem lực lượng của mình trên đường tới Yên Thế, Đội Văn – một trong các thủ lĩnh của phong trào Bãi Sậy, lúc tới Sen Hồ, đã gửi thư cho nhân dân huyện Yên Dũng nói rõ mục đích chiến đấu của mình là “đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, khôi phục lại đất nước, chấm dứt chiến tranh và nỗi đau khổ của nhân dân”. Ông đã kêu gọi mọi người ủng hộ và đứng vào hàng ngũ nghĩa quân.

Nhân dân Yên Dũng đã cho nhiều con em tham gia vào lực lượng Đội Văn và góp phần vào chiến thắng Đèo Lai chiều 18-9-1889 và nhiều chiến thắng khác.

Những trang sử trên đây của nhân dân Yên Dũng là hết sức vẻ vang và đã được viết ngay từ những buổi đầu khi quân xâm lược đặt chân tới mảnh đất này.

Ngay khi tiếng súng đề kháng của nhân dân địa phương còn đang mãnh liệt, thực dân Pháp vẫn không quên tước đoạt đất đai của nhân dân địa phương để lập đồn điền. Ngoại trừ các đồn điền Tartarin, Chesnay, Mai Trung Tâm, Chì A Chở, Đặng Đình Trù, Bùi Thiện Căn, Vũ Văn Tiến, Thân Văn đối, Nguyễn Kim Lân, Đỗ Thúc Phách, Đào Ký… lập nên ở vùng đất đã cắt sang Việt Yên, Tân Yên với một diện tích rất lớn, trên địa bàn Yên Dũng còn lại các đồn điền dưới đây:

  1. Ruộng nhà chung (ha): Trung Lập (87,14), Đông Loan (42,12), Đào Tràng (8,03), Lũ Phú (62,88), Quỳnh Sơn (34,90), Toản Thanh (2,94), Cổ Dũng (20,17), Yên Tập Cao (39,499), Yên Tập Núi (41,08).
  2. Ruộng nhà thờ dòng Tây Ban Nha (Mission Espagnode): Quỳnh Sơn (18,61), Toản Thanh (19,50).
  3. Đồn điền De Monpézat (đồn điền của công ty Pháp vô danh thực dân địa Bắc Kỳ – Société anomyme Francaise de colonisation agriede du Tonkin – viết tắt là S.A.F.C.A.T): Đức La (265,24), Phượng Nhỡn (85,70), An Tràng (54,72), lũ Phú (5,93), Ngọc Sơn (85,73), Quỳnh Sơn (114,95).
  4. Đồn điền Gillaro (Sông Sỏi): Hương Tảo (33,71), Yên Tập Núi (42,85), Quảng Phúc (7,20), Đa Mai (5,50).
  5. Đồn điền Chi A Chổ (năm 1940 bán cho Phạm Ngọc Chất): Bằng An (0,5 mẫu), Hương Tảo (2,5), Ảm Trứ (7,2).
  6. Đồn điền Lê Tô Minh (sau bán cho Trần Thị Lợi): Lạc Gián (50 mẫu).
  7. Đồn điền Đào Văn Bình (mua lại của Chì A Chổ): Phấn Sơn (78,3 mẫu).
  8. Đồn điền Đỗ Đình Biên (mua lại của Nhà chung: Hương Tảo (151,61 mẫu).
  9. Đồn điền Đỗ Thúc Phách: Song Khê (38 mẫu), Yên Khê (18,5 mẫu).
  10. Đất Nhật chiếm làm nhà máy thuốc đạn: Vân Cốc (41,42 ha), Yên Điềm (23,65 ha).

Núi Nham Biền cũng bị đưa vào khu đất số 495 có chỉ giới rõ ràng, rộng tới 2.828 ha để trồng thông lấy nhựa. Theo sách Ghi chú về tỉnh Bắc Giang viết năm 1932 thì đầu tiên lập nên Sở trồng rừng Yên Dũng “thuộc Sở trồng rừng Hà Nội. Công việc trồng thông do một nhân viên chuyên môn trông coi đóng ở Phấn Sơn cách tỉnh vài kilômét. Những đất trồng thông bắt đầu từ mấy năm nay hiện giờ đã mọc khá tốt trên nhiều khu đồi giữa Phấn Sơn và Liễu Đê”.

Đầu năm 1936 đồn kiểm lâm Phấn Sơn được lập ra. Ở địa phận Liễu Đê và Bằng An có 4 khu ương thông rộng 2,7 ha mỗi năm ương 5.000 cây thông con. Tại Nội Hoàng cũng có 3 khu như thế. Đến lúc này đã trồng 442.996 cây thông trên giải núi rộng 221 ha, có sau sau và bồ đề xen kẽ. Nhân công ương trồng thuê ngay trong tổng Phấn Sơn, đàn ông chuyên đào hố trồng cây, 15 ngày phát lương một lần.

Tăng mức sưu thuế cũng được hết sức chú trọng. Ngoài việc giảm từ 4.970m2 một mẫu Bắc Bộ xuống còn 3.600m2 để tăng khống 1/3 thuế ruộng, thực dân Pháp còn triệt để tận thu thuế ruộng đất, tăng mức sưu tức thuế thân lên gấp 10 lần so với thời Nguyễn với nhiều mức kiểm tra, hình phạt khắt khe. Dưới đây là biểu thu thuế và sưu của 2 làng nay thuộc xã Tân Tiến của huyện vào năm 1931:

Tên làng Xuất đinh Không đăng ký Miễn Diện tích ruộng phải chịu thuế (mẫu) Phần trăm phụ thu vào thuế
Loại 1 Loại 2
Hạng 1 Hạng 2 Hạng 3 Hạng 1 Hạng 2 Hạng 3 Hạng 4
Vu Gián 69 141 3 23 567 180 2     4 64,53
Dĩnh Uyên 105 125 4 30 394 737   20 28    

 

Toàn huyện Yên Dũng nộp thuế điền thổ và sưu vào năm 1932 như sau:

– Sưu 7844 đinh:              22.551$57

– Thuế 36.213 mẫu:          40.778$89

Cộng:            63.330$46

Riêng thuế điền thổ của huyện từ 1937 đến 1944 như dưới đây:

1937 1938 1939 1940 1941 1942 1943 1944
36.937 21.319 21.568 22.868 22.286 23.229 33.083 52.687

Từ năm 1940 thực dân Pháp chia ra thuế chính, thuế thu 6 phần ngàn và khoản quốc phòng 6% nhưng năm 1941 khoản quốc phòng bị tước bỏ nên thu thấp hơn. Đến năm 1942 khoản này tăng lên 8%, năm 1943 lên 58% và năm 1944 lên 150%. Ngoài sưu, thuế người nông dân còn phải nộp các khoản thuế gia súc, thuế nhà, tiền cheo cưới, tiền trả nợ miệng đám ma, tiền vọng nhiêu lão, tiền khao. Đối với các tá điền đời sống còn cực khổ hơn. Ngoài hợp đồng làm thuê, họ phải lĩnh sổ lao động, nghỉ phải báo trước nếu không sẽ bị phạt tiền. Tình cảnh của nhân dân Yên Dũng dưới thời Pháp thuộc có thể gói gọn vào bài ca dao rất phổ biến ở An Tràng – Đào Tràng:

“Tháng giêng lên trại Cây Đa

Tháng hai lên Quỷnh, tháng ba lên Gàng

Tháng tư về gặp vội vàng

Tháng năm gồng gánh rời làng ra đi

Tháng sáu lên tận Chanh, Di

Vợ chồng con cái lấy gì bán mua

Tháng bảy lên tận Kỳ Lừa

Tháng mười, tháng một gặt mùa Mai Sưu

Quanh năm góc chợ cuối lều

Làm thuê gánh mướn tết nghèo xác xơ”.

Công việc thủy lợi ở Yên Dũng dưới thời Pháp thuộc cũng có những chuyển biến hoặc thay đổi khá rõ rệt. Trên sông Cầu, chúng cho củng cố 99,7km đê chính và 12km đê phụ, còn trên sông Thương có 64km đê chính cả tả ngạn, hữu ngạn và 16km đê phụ. Ngoài ra còn 1,563km đê trên ngòi Cổ Mân và 26km ở hai bên ngòi Bún. Sách Lược biên về tỉnh Bắc Giang cho biết:

“Những tuyến đê quan trọng nhất dài 59km (trong đó có 32km trên sông Thương và 27km trên sông Cầu) ở trong địa hạt Yên Dũng. Những tuyến đê này vừa yếu, vừa thấp và lại nguy hiểm hơn đê sông Hồng. Trong trận lụt vừa qua những đê này đã bị hư hại gần bằng trận lụt năm 1926 nhưng đã được sửa chữa kịp thời, đủ sức chống đỡ với sức nước. Việc củng cố các tuyến đê này đang tiến hành để dự phòng mọi nguy hại sau này. Hệ thống đê bao quanh toàn miền Yên Dũng phòng chống lũ lụt được may mắn nhờ vị cố tỉnh trưởng khởi công từ năm 1909-1910. Dân chúng trong địa hạt nhớ mãi người ân nhân của họ. Để tỏ lòng thành kính lưu nhớ vị công sứ tỉnh trưởng họ đã xây đền ở Bằng Lương. Tháng 8 hàng năm chính quyền cùng đông đảo nhân dân đã đi đến những nơi này để tưởng nhớ đến một vị quan chức nhà nước đã có hành động thông minh, hết lòng vì dân”.

Tuy công việc trị thủy có được chăm sóc nhưng nạn lụt vẫn thường xuyên xảy ra thường xuyên đe dọa mùa màng và người dân Yên Dũng. Năm 1896 đê vỡ, ruộng đồng ngập trắng, ở đâu cũng thấy có người chết đói, ăn xin. Sau lụt lại đến hạn hán cháy lúa, khô đồng.

Dịch bệnh cũng là bạn đồng hành của đói kém. Năm 1913 dịch tả kéo từ Dĩnh Kế sang Ngọc Lâm – nơi đang bị nạn dịch hạch khá nặng. Năm 1921, dịch tả lại xảy ra ở nhiều nơi trong huyện, tiếp tay cho nạn đói triền miên.

Năm 1926, đê lớn, đê nhỏ ở Yên Dũng đều bị vỡ. Nhiều người và gia súc bị cuốn đi, mùa màng bị mất sạch. Năm 1931 nhiều yếu tố thời tiết không thuận: tháng 5, tháng 6 mưa nhiều sâu đen xuất hiện hại mía, đỗ, làm đổ lúa; tháng 7, tháng 8 hạn nặng làm cháy mạ, không có nước cấy, khi có nước thì mạ bị già. Năm 1934 lũ lớn làm 9 đoạn đê bị ngập, 2 chỗ vỡ, đê bối Đông Loan bị ngập và bị cuốn đi 50m, lũ mạnh và nhanh khiến cho mọi biện pháp cứu chữa đều vô hiệu. Đến năm Đinh Sửu – 1937 sau những trận mưa lớn liên tiếp là hai trận bão liền kề khiến cho nước lũ dâng cao đột ngột, mọi tuyến đê đều bất lực và vỡ tung. Cả Yên Dũng có 38 đoạn đê vỡ. Lại cảnh người chết, làng xóm ngập chìm. Người còn sống thì bị cái đói đe dọa, mấy người đến được nhà cứu bần ở Xuân Đám. Làng Mụa (Yên Lư) bị xóa tên, chẳng còn bóng dáng gì.

Sản xuất nông nghiệp theo số liệu thống kê năm 1932, vụ chiêm ở Yên Dũng cấy 77.942 mẫu, thu được 3.480 tấn thóc, vụ mùa cấy 14.770 mẫu đạt sản lượng 6.114 tấn. Nhu cầu trong vụ chiêm, kể cả 195 tấn để lại làm giống, cả huyện thiếu gần 1.000 tấn, còn vụ mùa thừa 1.420 tấn (369 tấn làm giống). Trong suốt mấy chục năm thống trị, thực dân Pháp muốn thay đổi cơ cấu giống lúa ở đây: đưa giống Di vào vụ mùa, giống Sài Đường vào vụ chiêm. Một vài vùng khác vụ mùa còn có Tám Muộn, Hiên. Chất lượng gạo, năng suất đã cao hơn trước. Phòng Mễ Cốc còn đưa loại cày Jannin về bán ở một số nơi với giá cả phải chăng. Đôi nơi đã thí điểm dùng phân xanh (muồng, cốt khí, đậu mèo, bèo dâu) phối hợp với phân chuồng bón cho lúa.

Đời sống người nông dân lệ thuộc vào thóc gạo nhưng giá cả nông phẩm lại lên xuống thất thường, nhất là trong những năm khủng hoảng kinh tế. Nếu năm 1897 một tạ thóc giá 2$50, một tạ gạo giá 4$80, năm 1925 thóc 6$14/tạ, gạo 10$43/tạ thì năm 1934 lại xuống 2$60/tạ thóc, 4$/tạ gạo. Đây là một nhân tố khiến cho đời sống người nông dân ngày càng trượt dài đến đói khổ.

Suốt mấy chục năm Pháp thuộc, cả vùng Yên Dũng vẫn hoàn toàn là phương thức canh tác cũ: trâu cày, gầu tát nước, liềm hái gặt. Bữa ăn chỉ có rau, muối, hoặc mớ tép, con tôm, xem ra còn cực nhục hơn thời phong kiến.

Thủ công nghiệp và buôn bán cũng không có sự tiến triển gì đáng kể. Mấy làng Cổ Dũng, Tư Mại, Hương Tảo, Phấn Sơn, Xuân Đám, Mỹ Cầu, Đông Loan, Trí Yên, Nội Hoàng… vẫn duy trì nghề tằm tang, dệt lụa. Nghề dệt vải khổ nhỏ ở Song Khê cũng còn nhưng tiêu thụ chầy chật.

Một số làng ven Phủ Lạng Thương có thêm nghề xay xáo. Chợ Cảnh Thụy, chợ Rào vẫn được loại chợ lớn nhưng buôn bán không phát đạt.

Nhìn chung, nền kinh tế nông nghiệp của huyện Yên Dũng dưới thời Pháp thuộc vẫn giữ vị trí chủ đạo. Hơn thế nữa, huyện lại nằm ở vị trí không thuận lợi về giao thông vận tải, lại luôn năm lụt lội nên đời sống người nông dân ở đây thuộc loại khổ nghèo nhất. Khi mất mùa hoặc những tháng nông nhàn nhiều gia đình chỉ biết đi cắt ràng hoặc lang thang đổi đồng nát, lông vịt. Nghề đánh cá không có đất để phát triển. Nạn cờ bạc, hút thuốc phiện, rượu chè đã bóp cạn đến đồng tiền, bát gạo cuối cùng của nhiều gia đình.

Đang trong tình thế dở sống dở chết như vậy thì cuối tháng 9-1940, quân đội Nhật lại tràn vào nước ta, khiến cho người dân một cổ hai tròng. Thóc gạo bị vơ vét để cung cấp cho chiến tranh thông qua các mạng lưới độc quyền có tên là Ty, Liên đoàn, Công toa. Từ tháng 5-1944 chúng lại ra chính sách cân thóc tạ, mức thu mua tăng lên ghê gớm mà giá cả chi bằng 1/8 giá thị trường, nhiều nơi nông dân phải nhổ lúa mầu để trồng đay hoặc phải đi xây dựng hậu cứ Cầu Lồ, nhà máy đạn Vân Cốc.

Nạn lũ lụt kéo theo nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 đã làm cho nhiều làng xã ở Yên Dũng xơ xác. Làng nào, tổng nào cũng có người chết đói, mấy chục năm thống trị của thực dân Pháp đã để lại trong lòng nhân dân Yên Dũng một nỗi hờn căm chồng chất, mãi mãi không quên.

Củng cố bộ máy quản lý cấp huyện và xã được thực dân Pháp khá quan tâm. Từ sau năm 1915, muốn làm tri phủ, tri huyện phải qua trường Pháp chính hoặc có bằng cử nhân Tây về luật, đã qua 3 năm làm tham tá. Ở Yên Dũng cũng vậy, tri huyện đã được đào tạo qua ngạch tây, có thông phán và thừa phái giúp việc, có 9 lính cơ hầu hạ và canh gác. Đối với cấp xã, chúng thay Hội đồng kỳ mục bằng Hội đồng tộc biểu (còn gọi là Hội đồng Hương chính), đặt ra các chức Chánh hương hội, phó hương hội cùng thủ quỹ, trưởng bạ, hộ lại để làm nhiệm vụ quản lý làng xã, thi hành các chỉ thị của nhà nước, phân bộ sưu thuế, dự toán và quyết toán ngân sách, quản lý tài sản. Hội đồng lý dịch được củng cố. Lý trưởng giữ con dấu, công văn, địa bạ, chỉ thị, lo sưu thuế, giữ gìn an ninh.

Theo quy định mới, mỗi làng phải có một quỹ, phải ghi chép và lập sổ thu chi. Quỹ hàng xã chỉ thấy tồn tại ở làng Bằng Lương với số dự thu và dự chi hàng năm là 1.727$00.

Để bóp nghẹt đời sống chính trị của nhân dân, thực dân Pháp còn khuyến khích các làng xã điền thêm những điều khoản có sức mạnh về chính trị hoặc xã hội vào lệ làng nhằm dùng tập tục trói buộc thêm thân phận con người. Chính vì vậy, đã có những làng quy định chính trị phạm không được tham gia vào các hội đồng của làng nhất thời hoặc chung thân tùy theo mức án. Ai muốn đi xa phải báo cho lý trưởng, nếu không sẽ bị phạt nặng. Đối với những người đi lính, kể cả lính cơ và lính lệ, làng xã cho hưởng 3 mẫu lương điền hoặc chu cấp 250$00 ngoài lương tháng. Việc lập hội kín bị cấm ngặt, người tham gia hoặc tổ chức bị phạt tù hoặc phạt tiền. Những cuộc hội họp trên 20 người, kể cả cúng giỗ cũng phải xin phép. Người cầm vũ khí chống lại nước Pháp bị xử tử, người có hành vi và âm mưu khích động nội chiến bị đày biệt xứ. Đây là những tính toán hết sức tinh vi để tạo thêm sức mạnh cho việc cai trị ở nước ta.

Yên Dũng là một huyện mà nền giáo dục không được Pháp chú trọng. Số người đến lớp chỉ đạt 2,7%o (trong khi Yên Thế đạt 7,4; Việt Yên 6,8; Lục Ngạn 5,0; Hiệp Hòa 3,6). Cả Yên Dũng chỉ có mấy trường tiểu học Pháp – Việt không toàn cấp ở Vu Gián, Hương Gián, An Tràng, Trí Yên, Cảnh Mỹ, Ngư Uyên, Bằng Lương, Nội Hoàng, Ảm Trứ, Hương Tảo và 2 trường hương học ở Đào Tràng, Phụng Pháp. Muốn học thêm cho hết bậc tiểu học phải lên Phủ Lạng Thương, Lục Nam hoặc Sen Hồ học trường Kiêm bị.

Hầu hết các trường ở Yên Dũng phải mở ở đình làng. Trường lớp thiếu, tuổi đi học lại bị hạn chế ngặt nghèo nên hầu như chỉ có con nhà giầu có mới được cắp sách đến trường.

Ở Yên Dũng cũng có một số tổ chức xã hội hoạt động. Giáo học Nguyễn Văn Lân dạy ở Cảnh Mỹ và Nguyễn Văn Nhận dạy ở Nội Hoàng có chân trong Hội thể thao Phủ Lạng. Nguyễn Văn Lân còn tổ chức ra đội Thanh niên Pétin huyện Yên Dũng, nhiều lần tổ chức đá bóng và cắm trại. Nguyễn Văn Sĩ – chánh tổng Dĩnh Kế có chân trong Hội đồng quản trị của Bắc Giang nông phố ngân hàng.

Nguyễn Khắc Nhu sinh năm 1882 trong một gia đình nho học kiêm nghề thày thuốc, tại làng Song Khê. Lúc nhỏ ông đã từng theo học cử nhân Nguyễn Văn Đảng – một yếu nhân trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, tại trường Phù Ninh. Năm 1912 ông đỗ đầu tỉnh nên gọi là Đầu Xứ hoặc Xứ Nhu. Ông đã từng đưa Phan Bội Châu và nhiều chí sĩ khác từ Nội Duệ lên Phồn Xương tiếp kiến Đề Thám.

Năm 1926, Nguyễn Khắc Nhu liên lạc với Phan Bội Châu, chủ trương thành lập một trường tư thục lấy tên là Lập lực quốc dân dục tài nhưng Pháp không cho phép. Ông lại thành lập tổ chức Việt Nam dân quốc, chú trọng xây dựng lực lượng trong dân chúng và hàng ngũ binh lính, đặt cơ quan sản xuất vũ khí ở My Điền (Việt Yên), Nội Viên (Tiên Du) và Chè Dọc. Trong hàng ngũ của ông, ta thấy phần lớn là giáo chức viên chức nhỏ ở Phủ Lạng Thương, Yên Dũng, Việt Yên, Bắc Ninh. Ông đã từng toan tính một cuộc khởi nghĩa vũ trang đánh vào Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại nhưng kế hoạch không thành sau khi cơ quan chế bom đặt ở làng Chè bị nổ.

Đầu năm 1928, Nguyễn Khắc Nhu liên hệ với Việt Nam quốc dân Đảng và tiến tới hợp nhất hai tổ chức. Tại đại hội Tổng bộ lần thứ ba, ông được bầu làm Chủ tịch ban lập pháp và giám sát. Liên tục trong các hội nghị ở Lạc Đạo (17-9-1929), Đức Hiệp, Võng La, Mỹ Xá… Nguyễn Khắc Nhu vẫn giữ vững lập trường bạo động được cử chỉ huy và chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Hưng Hóa – Lâm Thao.

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái – Hưng Hóa nổ ra, Nguyễn Khắc Nhu bị giặc bắt. Đêm 11-2-1930 ông tự vẫn để bảo toàn khí tiết của một chiến sĩ yêu nước. Năm đó ông tròn 49 tuổi. Các chiến hữu của ông vô cùng thương xót, có câu đối viếng ông:

“Vị dân quyên sinh, vị quốc quyên sinh, vị đảng nghĩa quyên sinh, thệ bất cầu sinh đối thủ tặc.

Kỳ danh bất tử, kỳ tâm bất tử, kỳ tinh thần bất tử, quyết đương nhất tử khích đồng bào”.

(Quyên sinh vì dân, vì nước, vì chủ nghĩa thề không cùng sống với quân giặc. Bất tử là danh, là tâm, là tinh thần, quyết đem cái chết khích đồng bào).

Tên tuổi Nguyễn Khắc Nhu sống mãi trong lòng nhân dân Yên Dũng và non sông đất nước. Từ sau sự hy sinh anh dũng của ông, đất và người Yên Dũng lật qua trang sử mới.

K.Đ.T

 

Chú thích:

  1. Thông thường 1 dân sinh (đàn ông: 18-60 tuổi) kèm theo 5-6 người. Còn đơn vị đo lường khi đó 1 mẫu = 4.970m2.
  2. Sách Ghi chép về tỉnh Bắc Giang (1905): Tổng Dĩnh Kế 979 dân đinh, Trí Yên 798, Thái Đào 597, Mỹ Cầu 557, Phúc Long 655, Phấn Sơn 651, Cổ Dũng 604, Tư Mại 937, Hương Tảo 644.
  3. Sách Lược biên về tỉnh Bắc Giang (1933): “Họ Ong hay họ Ông có dòng dõi người Chàm. Trong triều đại Lê Thánh Tông những đoàn quân viễn chinh sang Lào. Ở đấy họ đã gặp một người quản tượng rất khéo mang họ Ông, đem về nước và ban cho việc trông coi đàn voi của nhà vua. Về già người quản tượng này lại về huyện Yên Dũng gần núi Voi. Ông có 5 người con trai, người con cả theo ông đến một nơi nào đó. Hai người trong gia đình họ Ông đậu tú tài trong kỳ thi hương năm thứ 23 triều Tự Đức (1870). Ông chánh chủ khảo thấy rằng họ Ông hơi chối bèn đổi thành họ Ong”.
  4. Giai thoại về Đào Sư Tích kể: Khi đi thi, ra ngõ gặp gái, ông chửi thề. Cô gái cười: “Việc ông đỗ hay không có liên quan gì đến tôi, gặp đàn bà là tốt đấy, ông thể nào cũng trúng Thái học sinh”. Ông tỏ vẻ không vui: “Thái học sinh chưa trúng ý ta”. Cô gái vui vẻ: “Thế thì tất trúng Trạng Nguyên”. Ông mừng rỡ nói: “Được đấy”. Giai thoại về Ngô Đỗ Uông Có lần thày ra về đối: Lác đác mưa sa ngàn Đại Vũ, ông đối ngay, được thày khen là chỉnh: Ầm ầm sấm động đất Phấn Lôi.

    Tương truyền ở địa phương có câu: Trên thì cưỡi ngựa bắn cung, ở dưới thì để thuyền rồng chèo chơi là nói về cái thú tâm tạo nhà cửa, hồ ao và thú chơi bời của ông ở đất Phấn Lôi.

    Giai thoại về Nguyễn Văn Xuyết, còn gọi là Mềm Hoàng Mai, con trai ông Nghè Nguyên Văn Vọng, đáng kể là câu đối tự trào: Tú xác đã ba khoa, giấy rách lề còn, phải giữ lấy nếp nhà một tý. Tuổi sơ ngoài bảy chục, tre già măng mọc, mặc đua đòi trong đám hội ba que.

  5. Có 100 nàng tiên xuống đắp 100 mỏm núi Nham Biền nhưng có một nàng mải chơi đắp nhầm sang Bằng Lương 1 ngọn do đó Nham Biền chỉ có 99 ngọn, không đủ chỗ cho 100 phượng hoàng về đậu thế mà mất thế đất đế đô.

 

1 thoughts on “Yên Dũng xưa

  1. Pingback: Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 8 - Các dòng tộc bản xứ đất Đà Ly

Bình luận về bài viết này