Vua Lê Long Đĩnh và những “ẩn số” trong cuộc đời

Bộ phim Về đất Thăng Long tái hiện hình ảnh vua Lý Long Đĩnh độc áo, tàn bạo, bênh hoạn, thích giết người, nhìn thấy máu chảy

Bộ phim Về đất Thăng Long tái hiện hình ảnh vua Lê Long Đĩnh độc ác, tàn bạo, bênh hoạn, thích giết người, nhìn thấy máu chảy

Hoa Anh Đào

Cách đây lâu lắm rồi, tôi rất ấn tượng với một tiết dạy giờ lịch sử. Trong đó, cô giáo của tôi kể về những tội ác của Lê Long Đĩnh, ông vua cuối cùng của nhà Tiền Lê. Những mẫu chuyện về những việc làm “tàn bạo” của Ông “đóng đinh” trong lòng tôi.

Theo như những gì thầy cô kể và những sách sử bấy lâu nay tôi đọc Lê  Long Đĩnh là vị vua tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam. Một con người bất nhân, bất nghĩa, bạo ngược và hoang dâm vô độ. Như học giả Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược nhận xét về vị vua này như sau: “Long Đĩnh là người bạo – ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa.

Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi: có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống; có khi bắt tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gốc cho cây đổ; có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông.

Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh – thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế làm vui cười. Còn khi ra buổi chầu, có ai tấu sớ điều gì thì cho những thằng hề nói khôi – hài hay là nhại tiếng làm trò. Long Đĩnh làm vua được 2 năm đổi niên -hiệu là Cảnh – thụy (1008-1009). Sang năm sau là năm Kỷ – Dậu (1009) thì mất, làm vua được 4 năm, thọ 24 tuổi.

Vì lúc sống dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Ngọa-triều”.

Những sử liệu của học giả Trần Trọng Kim đưa ra chủ yếu dựa vào các sách sử do các nhà sử học đời sau viết. Và sau này, các nhà sử học Việt Nam hiện đại khi biên soạn sách giáo khoa lịch sử chủ yếu dựa vào đánh giá này của Trần Trọng Kim để dạy cho hàng chục thế hệ học sinh. Vậy nên cái tên Lê Long Đĩnh đã in dấu không chỉ riêng tôi mà là những con người dù ghét hay thích bộ môn lịch sử là ông vua tàn bạo nhất Việt Nam từ xưa đến nay.

Vậy sự thật lịch sử ra sao, nếu nhìn theo một chiều hướng khác bằng những sử liệu khách quan, công bằng hơn, đặt vua Lê Long Đĩnh vào bối cảnh lịch sử luc bấy giờ, chúng tôi xin mạn phép viết vài điều về vị vua này thông qua những câu hỏi nghi vấn:

*Thứ nhất: Liệu vua Lê Long Đĩnh có phải là người giết anh trai ruột của mình để cướp ngôi?

Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi, lấy hiệu là Lê Đại Hành, lập ra nhà tiền Lê, Ông đánh bại nhà Tống xâm lược năm 981. Lê Đại Hành có tổng thể 11 người con trai trong đó có 1 người con nuôi, tuy nhiên Ông lại không lập thái tử cho một người con trai nào mà phong vương cho các con trai mình cai quản các vùng đất khác nhau và Ông lập đến 5 bà hoàng hậu. Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà, nhường ngôi cho con thứ 3 là Lê Long Việt. Tuy nhiên, xảy ra cuộc chiến tranh giành ngôi báu giữa các con trai của Lê Đại Hành. Lê Long Việt trấn áp các hoàng tử khác, lên ngôi hoàng đế. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 ngày Ông bị giết hại. Lê Long Đĩnh lên thay anh, và lịch sử ập ờ ghi lại, chính Lê Long Đĩnh là người đã giết anh trai của mình để cướp ngôi. Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau: “Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông.”

Trong chuyện này có hai nghi vấn như sau:

– Thứ nhất, sự việc Đại Việt sử ký toàn thư chép lại từ “dã sử”. Dã sử có thể tin được nếu có căn cứ để đối chiếu hoặc nó hợp logic, nếu không nó chỉ có giá trị như một lời đồn.

– Thứ hai, đã là dã sử mà còn nói “Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông”. Quy cho người khác tội chủ mưu giết người thì phải có chứng cứ. Ai làm chứng và tài liệu nào chứng minh việc Lê Long Đĩnh “sai bọn trộm cướp”? Chắc chắn là không có ai cả và không có bất cứ tài liệu nào. Một lời đồn đã là không có cơ sở, một lời đồn nói về một việc không thể có chứng cứ càng không có cơ sở.

Vả lại, nếu Lê Long Đĩnh giết anh trai của mình nhưng khi thấy Lý Công Uẩn đang ôm xác vua mà rên khóc đau đớn, vua cho đây là con người trung nghĩa, thăng chức cho Lý Công Uẩn. Giết vua giết anh là bất trung bất nghĩa, một con người như vậy, khó mà trọng dụng một con người trung nghĩa?

Như vậy sự việc Lê Long Đĩnh có thực sự giết anh cướp ngôi hay không còn là một “ẩn số” lịch sử, chưa có tài liệu nào thỏa đáng để giải thích vì vậy quy kết cho vị vua này cái tội tày đình đó có phải là quá vội vàng hay không?

* Thứ hai, Ông thực sự là một người tàn bạo?

Sử sách kể lại những việc làm tàn ác của Lê Long Đĩnh, như Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua tính thích giết người, phàm người bị hành hình hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt để cho lửa cháy chết, hoặc sai tên kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh để cho không được chết chóng… Đi đánh dẹp bắt được thù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên thì ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết…Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Từng róc mía ở trên đầu sư Quách Ngang, giả lỡ tay lưỡi dao trượt xuống đầu nhà sư cho chảy máu, rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên, vua có nói câu gì thì người nọ người kia nhao nhao pha trò để cười, để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy con thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn”.

Trên đây, là lời kể của sử sách về những việc làm tàn bạo, thú tính của vua Lê Long Đĩnh. Bên cạnh đó sử sách đã ghi lại 2 công lao lớn của vị vua này như sau:

– Thứ nhất, Ông là người đầu tiên cho rước bộ kinh Phật Đại Tạng bằng chữ Hán về Việt Nam. Đây là một bộ sách vĩ đại được rất nhiều thế hệ các cao tăng Trung Hoa vượt qua biết bao gian truân khổ ải dày công thu thập, sưu tầm và dịch thuật suốt 1.000 năm, từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10 (đời Tống Thái Tổ) mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5.000 quyển (riêng việc khắc bản phải mất 12 năm). Bộ sách đó không chỉ là tổng vựng các kinh sách Phật giáo mà còn hàm chứa rất nhiều lĩnh vực triết học, lịch sử, văn học, nghệ thuật, thiên văn, toán học, y dược…

– Thứ 2, Lê Long Đĩnh là ông vua biết chỉnh đốn triều chính. Một năm sau khi lên ngôi ông đã “Sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống”, ngoài ra Ông lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi”. Thế kỷ thứ 11, không chỉ nước ta mà hầu khắp thế giới, kinh tế đều tự cấp tự túc. Phải có một “tư duy kinh tế” vượt xa thời đại mới biết “xin đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu”, tức là sâu trong nội địa Trung Quốc, việc đó giống như việc đặt Văn phòng đại diện thương mại ở nước ngoài bây giờ.

Qua những việc làm trên chúng ta tự đặt ra những câu hỏi sau:

Liệu một ông vua bạo ngược, róc mía trên đầu nhà sư như vậy lại có tư duy sai chính em ruột mình sang xin bộ kinh Đại Tạng về để phát triển phật giáo trong nước hay không? Liệu Ông là người bạo ngược hay là người đóng góp công lớn về sự phát triển rực rỡ của phật giáo trong giai đoạn về sau? Liệu một người sùng mộ đạo phật như vậy có tàn bạo, vô nhân tính như sử sách đã miêu tả về vị vua này?

Liệu một ông vua suốt ngày ham chơi, không lo việc triều chính, lại có những chính sách nhằm ổn định thể chế chính trị, lại có tư duy kinh tế để phát triển đất nước. Ông vua đó thật sự bất tài, bất nhân, bất nghĩa như sử sách đã ghi lại và dạy cho con cháu ngày nay?

*Thứ 3, Lê Long Đĩnh không thể ngồi do hoang dâm quá độ?

Ngoài việc, miêu tả những tội ác của Lê Long Đĩnh, các sử thần đời sau còn cho rằng Ông là một người hoang dâm quá độ, dẫn tới không thể ngồi được (bệnh trĩ), và khi thiết triều phải nằm trên ghế nên sử gọi ông là Lê Ngọa Triều.

Y học ngày nay chưa có một chứng cứ nào cho thấy việc hoang dâm có thể gây ra bệnh trĩ. Vả lại sử sách ghi lại Ông đã 6 lần cưỡi ngựa đánh giặc mà lần cuối cùng cách 2 tháng trước khi Ông mất. Vậy một ông vua không thể ngồi có thể cỡi ngựa đánh giặc được sao?

Một ông vua hùng dũng, chinh phạt bắc nam, cơ thể cường tráng lại có thể là một con người trụy lạc, ham dâm?

Điều này, cần có một lời giải thích thật thỏa đáng!

*Thứ 4, vua Lê Long Đĩnh chết như thế nào?

Cái chết của Ông hầu như không có một cuốn sử sách nào viết lại, Ông ở ngôi được 4 năm, năm 24 tuổi thì băng hà. Các sử gia nhà Lý cho Ông mắc bệnh quá nặng, hoang dâm quá độ dẫn đến suy nhược mà băng. Như phía trên, chúng tôi đã chỉ rõ, Ông không thể mất bằng những lí do này được. Vậy vì sao Ông mất? Đây lại là một bí ẩn lịch sử nữa chưa có lời giải thích thỏa đáng. Duy nhất cuốn Đại Việt sử ký tục biên có những dòng rất đáng chú ý như sau: “Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương, nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó nên sử không được chép”.

Vậy có phải đúng như cuốn Đại Việt sử ký tục biên ghi chép về cái chết của Ông?

Đây là một vấn đề cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi phán xét.

Nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng như vậy.

Đặt lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, Khi vua Lê Long Đĩnh mất, các triều thần thấy con vua còn quá nhỏ chưa thể để quản lí đất nước nên tôn phò Lý Công Uẩn – người nắm trong tay binh quyền – lên ngôi hoàng đế dưới sự giúp sức rất lớn từ các nhà sư trong triều đình, đặc biệt là sư Vạn Hạnh.

Điều này, làm cho chúng tôi hiện lên một nghi vấn rằng, cứ cho rằng con vua còn quá nhỏ nhưng bấy giờ các anh em của Lý Long Đĩnh vẫn còn khá nhiều, là những người có đủ tư cách để kế nghiệp ngai vàng họ Lê vậy tại sao lại phải chọn một người họ Lý, nắm trong tay binh quyền để nối ngôi?

Và cái chết của những anh em nhà họ Lê khi họ Lý thành lập cũng không được nhắc đến. Đây có lẽ là một ẩn số lịch sử không có lời giải đáp.

Vả lại, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã nhanh chóng dời đô khỏi Hoa Lư nơi họ Lê có thế lực mạnh mà chuyển về Đại La (Thăng Long) gần quê hương của Lý Thái Tổ (Bắc Ninh). Phải chăng ngoài vị trí thiên thời – địa lợi – nhân hòa của Đại La ra còn có những nguyên nhân khác?

Vậy, Lê Long Đĩnh chết như thế nào? Đây vẫn còn là một bí ẩn!

Thay lời kết luận:

Như vậy, bị đóng đinh trong tâm trí người Việt là vị vua tàn bạo nhất chẳng khác gì Kiệt, Trụ thời xưa, cuộc đời của Ông – Lê Long Đĩnh là những bí ẩn chưa có lời giải thích. Phải chăng Ông là nạn nhân của những tính toán chính trị?. Một triều đại muốn có tính chính danh trước nhân dân phải không ngừng hạ bệ, xỉ nhục nhân cách của ông vua cuối cùng của triều đại trước, vì vậy, phải chăng các sử thần thời Lý đã ra sức “dựng lên” những câu chuyện về Ông?

Qua việc tìm hiểu về Ông, làm cho chúng tôi sáng tỏ được rất nhiều điều. Trước khi đánh giá về một nhân vật lịch sử nào đó, ta cần tìm hiểu thông tin nhiều chiều từ những nguồn tư liệu khác nhau, từ đó chúng ta mới đưa ra nhận định của mình. Chứ không phải cứ tiếp thu nguồn sử liệu một chiều một cách mù quáng. Ông có lẽ đã chứa đựng nỗi oan này trong suốt hơn 1000 năm qua. Cần có những hội thảo lịch sử, nghiên cứu về Ông nhiều hơn, tỉ mỉ hơn để trả lại cho Ông danh tiếng, nhân phẩm và đặc biệt là sự tôn trọng. Điều này, cần đến những nhà sử học uyên bác, có đủ trình độ để lý giải phân tích, đưa ra những nhận định đúng đắn. Không chỉ riêng Ông – Lê Long Đĩnh mà còn nhiều nhân vật lịch sử khác nữa.

Lời cuối, một chút an ủi dành cho Ông có lẽ là vì chính nhân dân là người đánh giá lịch sử một cách công bằng nhất, Ông vẫn được nhân dân thờ tự trong nhà thờ họ Lê, hưởng hương khói đời đời. Dân tộc ta thờ tự để đền đáp những việc làm của vị vua này đã làm.

22 thoughts on “Vua Lê Long Đĩnh và những “ẩn số” trong cuộc đời

  1. Reblogged this on Ooker's blog and commented:
    Ngoài việc, miêu tả những tội ác của Lê Long Đĩnh, các sử thần đời sau còn cho rằng Ông là một người hoang dâm quá độ, dẫn tới không thể ngồi được (bệnh trĩ), và khi thiết triều phải nằm trên ghế nên sử gọi ông là Lê Ngọa Triều.

    Y học ngày nay chưa có một chứng cứ nào cho thấy việc hoang dâm có thể gây ra bệnh trĩ. Vả lại sử sách ghi lại Ông đã 6 lần cưỡi ngựa đánh giặc mà lần cuối cùng cách 2 tháng trước khi Ông mất. Vậy một ông vua không thể ngồi có thể cỡi ngựa đánh giặc được sao?

    Thích

    • Bài viết có vài chỗ sai chính tả ( Lý Long Đĩnh). Ngoài ra 1 chi tiết quan trọng đó là khi Lê Hoàn lên ngôi năm 980 không phải lấy hiệu là Lê Đại Hành ngay mà khi ông chết con cháu và triều thần mải tranh giành nên không đặt tên thụy cho ông. Theo thông lệ, khi vua mất chưa đặt tên thụy thì gọi là Đại Hành. Như vậy Lê Đại Hành là tên thụy của Lê Hoàn.

      Thích

  2. Tôi cho mục đích chính của bài viết là cần nhìn lại về nhân vật Lê Long Đĩnh và các sự kiện xảy ra quanh ông, thời bấy giờ. Chúng ta không nên “tìm xương trong trứng gà” bởi các chi tiết vụn vặt của bài viết (lỗi chính tả, tên thụy của Lê Hoàn…)
    Tôi cho là bài viết cho chúng ta một góc nhìn khác về Lê Long Đĩnh. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét lại lịch sử một cách công tâm nhất và với góc nhìn nhân ái nhất.
    Cảm ơn bài viết.

    Thích

  3. Theo tôi, thay vì tìm kiếm lỗi của bài viết, chúng ta nên cùng tìm kiếm thêm những dữ liệu lịch sử có liên quan đến kinh Phật từ thời Lê Long Đĩnh. Vì nó liên quan đến cuộc sống thường nhật của đời sống tâm linh người Việt hôm nay.

    Thích

  4. Theo thiền sư Lê Mạnh Thát,người giỏi ngôn ngữ Phạn và 15 ngôn ngữ khác như Trung quốc,Nhật,Anh,Pháp …Ông dùng nhiều thời gian nghiên cứu từ Ấn độ,Trung quốc,Nhật bản,thì kinh Phật bằng chữ Phạn từ Ấn độ sang Việt nam rồi mới dịch ra chữ Hán do Lê Long Đĩnh chủ biên.Một người hết lòng truyền giáo kinh Phật lại tàn ác thì khiêm cưỡng.Và những công nghiệp 4 năm trời cuả ông tổ chức chính trị,làm kinh tế,đánh giăc rất không đúng với kẻ ăn chơi,hoang dâm vô độ,bỏ bễ triều chính.Thời gian gần đây đã có hội thảo công trạng nhà Nguyễn(Nguyễn Ánh),công trạng nhà Mặc,công trạng Hồ quý Ly.Hy vọng lịch sử sẽ công minh với ông vua Lê Long Đĩnh.

    Thích

  5. Một người tham dâm quá độ đến mức không ngồi nổi, có dấu hiệu của bệnh thần kinh thì quả thật không thể cưỡi ngựa cầm quân ra trận, huống gì 4 năm ở ngôi thì 6 lần nam chinh bắc phạt. Còn thời gian đâu mà hưởng lạc. Ông ta cũng có con trai, điều đó chứng tỏ khí lực và sức khỏe cũng rất tốt, không thể là người bị sắc dục làm kiệt quệ đến chết như chính sử nói được.

    Thích

  6. * Điều mà bản nhân day dứt nhất là tại sao Lê Long Đĩnh tuy giết anh cùng mẹ với mình (Lê Long Việt – làm vua được 3 ngày thì bị Lê Long Đĩnh giết để tranh ngôi) nhưng lại đưa vào thờ ở Thái miếu với Miếu hiệu là Lê Trung tông, nhưng lại không thờ cha là Lê Hoàn trong Thái miếu để đến nỗi ông này phải mang một cái tên rất nhục nhã trong suốt chiều dài lịch sử: Lê Đại Hành. Phải là có hận với cha lắm hoặc sinh thời chính Lê Hoàn có việc ác không thể chấp nhận nào đó thì Lê Long Đĩnh mới hành xử như vậy. (Lê Văn Hưu, trong ĐVSKTT, phê phán Lê Long Đĩnh chưa đúng, xin bạn đọc hãy đọc và suy ngẫm).
    * Ngài Đinh Bộ Lĩnh là người đầu tiên nhận thức được người Việt ở vùng Lĩnh Nam (Lưu Cung/Nham/Nghiễm lập quốc có tên ban đầu là Đại Việt nhưng chỉ một năm sau lại đổi tên là Đại Hán mà các dử gia thường gọi là nhà Nam Hán) đã bị thôn tính và chấp nhận Hán hóa, cho nên, ngài tiến hành THOÁT VIỆT bằng chủ trương ĐÓNG KÍN CỬA BẮC (Bắc môn tỏa thược) để chung sức với các bộ tộc phương nam như Ai Lao, Chiêm Thành để chống Hán hóa. Đây cũng chính là nguyên nhân ngài đặt quốc hiệu là ĐẠI CỒ VIỆT (Nước Đại Việt theo Cồ Đàm, chơi chữ rất hay vì còn ám chỉ là Nước Đại Việt của Cá Sấu/Rồng). Đến thời Lê Hoàn, chưa kịp thực hiện thì bị giặc Tống xâm lược, lẽ ra Lê Long Đĩnh phải thực hiện tiếp di nguyện của Đinh Bộ Lĩnh thì ông ta lại làm ngược lại là tiếp nhận văn hóa Hán trên mọi phương diện. Ông chính là người mở đầu cho quá trình Tầu nhái vì triều đình Việt kể từ đó về sau chỉ là phiên bản không đầy đủ của mô hình Trung Nguyên mà thôi. Lỗi chính của Lê Long Đĩnh là ở chỗ đó.

    Thích

  7. Bổ sung
    * Khi người Tầu (Chine = Tần) vượt sang hữu ngạn sông Dương tử để xâm chiếm đất đai của các bộ tộc Bách Việt (Chữ Việt bao gồm các chữ Nhật, Long và biểu tượng Người Chim hợp thành – VIỆT là CON RỒNG CHÁU TIÊN) thì tộc người này bị phân hóa thành 2 nhóm, một nhóm chấp nhận ở lại chịu sự nô dịch của Tầu, một nhóm không chịu nô dịch, kháng chiến kiên cường nhưng không đủ lực nên phải bỏ đất đai chạy đi nơi khác (bộ phận lưu vong). Đương nhiên hai bộ phận người này rất căm ghét nhau, người lưu vong gọi người ở lại là bọn Việt gian và đổi tên chúng là Ngô (Ngô = to mồm, lắm chuyện = hênh hoang khoác lác), còn, cái đám Ngô này phụ họa cùng với quan thầy vẫn gọi những người lưu vong là Việt nhưng thay mặt chữ gồm bộ Tẩu (chạy trốn) và chữ Qua (giáo mác). “Việt Tẩu” có nghĩa là đánh giữ không nổi thì chạy, mang nghĩa phỉ báng. Vì vậy, người Bách Việt đã bị phân hóa thành Ngô (sau này bị Hán hóa) và Việt Tẩu.
    * Người Việt Tẩu chấp nhận chữ Việt này thay cho chữ Việt của tổ tiên khi xưa, vì đã lưu vong thì con rồng cháu tiên cái gì nữa, nhưng để xóa đi cái mặc cảm lưu vong thì họ giải thích chữ Tẩu này là “Vượt lên trước” mang nghĩa là “tiên phong, dẫn đường”.
    * Càng về sau, các Việt Tẩu này cũng dần dần bị Ngô hóa, chỉ còn một bộ phận cuối cùng dưới sự dẫn dắt của Khúc Thừa Dụ đã bùng lên lòng tự hào dân tộc, ý chí không chịu khuất phục, nên đã bỏ chữ Vượt mà hiểu chữ Tẩu thành chữ Thoát. Việt Tẩu bắt đầu từ thời Ngô vương Quyền đã chính thức chuyển sang nghĩa mới, đó là THOÁT VIỆT = LÀM LẠI NƯỚC VIỆT = LẠI VIỆT. Tiếc thay, chỉ có Đinh Bộ Lĩnh hiểu rõ được điều này và phải mất hơn 400 năm sau thì Thái Tông Lê Nguyên Long mới bắt đầu sửa cái sai của Lê Long Đĩnh để lại, bằng một quy trình Thoát Việt mới.

    Thích

  8. Vả lại sử sách ghi lại Ông đã 6 lần cưỡi ngựa đánh giặc mà lần cuối cùng cách 2 tháng trước khi Ông mất. Vậy một ông vua không thể ngồi có thể cỡi ngựa đánh giặc được sao? Vậy ông đánh giặc nào cin nói rõ

    Thích

  9. Pingback: (rời cõi ta bà,vô thường vẫn chưa yên):Ý kiến ý cò :(Thích) Nhất Hạnh :Chánh niệm hay chính tri ?Joaquin Nguyễn Hoà-Tạp chí Luật Khoa | ĐỒNG HƯƠNG KONTUM

Bình luận về bài viết này