Thân phận người Kurd

Khu vực mà người Kurd muốn có để thành lập nhà nước Kurdistan

Khu vực mà người Kurd muốn có để thành lập nhà nước Kurdistan

Nguyễn Trần Ai

1/ Thế địa lý chiến lược của dân tộc Kurd

Cách đây gần bảy thế kỷ, không kể Ả Rập Saudi, Trung Ðông đại khái chỉ gồm có hai đế quốc hùng mạnh là đế quốc Ottoman, hậu thân của đế quốc rộng lớn hơn là đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, và đế quốc Ba Tư.

Ông bà sử gia Will và Ariel Durant nhận định:

“Vào tk XVIII Ki Tô giáo bị kẹt ở giữa Voltaire và Mohammed giữa Giác ngộ và Hồi giáo. Tuy rằng thế giới Hồi đã mất uy lực quân sự kể từ khi Sobieski đẩy người Thổ ra khỏi Vienna năm 1683, nó vẫn thống trị Morocco, Algeria, Tunisia, Libya, Ai Cập, Ả Rập, Palestine, Syria, Tiểu á Tế á, Crimea, Nam Nga, Bessarabia, Moldivia, Wallachia (Lỗ Mã Ni), Bulgaria, Serbia (Nam Tư), Montenegro, Bosnia, Dalmatia, Hy Lạp, Crete, các đảo Aegean, và Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả, trừ có Ba Tư, là thành phần của đế quốc Thổ Ottoman (411)…

Suốt đế quốc Ottoman từ sông Euphrates đến Ðại Tây Dương, các sultan suy đồi trị vì (Rousseau and Revolution, 414).”

Ðế quốc Ottoman được thành lập bởi Othman I (hay Osman, chết năm 1326) và sụp đổ ngày 17.11.1922 khi vua (sultan) Mohammed VI bỏ trốn. Biên cương của đế quốc co dãn tùy thời thịnh hay suy, có lúc bao gồm cả Tiểu á Tế á và lan cả ra ngoài biển Caspian; các nước Balkan, Hy Lạp, đảo Cyprus; những phần của Hung, áo, miền nam nước Nga; Syria, Iraq, Palestine, Ai Cập; bắc Phi và những phần của Ả Rập.

Hai năm sau trận đệ nhất thế chiến kết thúc, người Anh và người Pháp giúp người Ả Rập đuổi người Thổ ra khỏi những vùng họ đã chiếm đóng từ sáu thế kỷ trước, rồi chia nhau: Pháp giữ Syria, Anh giữ Iraq, Kuwait, Palestine và Jordan.

Iraq là tên người Anh đặt cho vùng đất trước kia thuộc Lưỡng Hà (Mesopotamia: hai con sông Tigris và Euphrates) và Kuwait cũng được họ lập ra cùng thời kỳ ấy. Cả hai nước tân lập này có biên thùy rất mơ hồ với đế quốc Ả Rập của nhà Saud ở phía nam. Người Anh đặt một người con của Sharif ở Mecca là Faisal lên ngôi vua Iraq, và một người con khác là Hussein lên ngôi vua Jordan, nhưng nắm quyền cai trị và khai thác dầu mỏ ở Iraq trong gần 40 năm, đến năm 1932 mới trả độc lập làm cảnh cho nước này và tiếp tục điều khiển nó. Tháng 7.1958 một nhóm sĩ quan lật đổ chế độ quân chủ để lập ra nền cộng hòa, tiếp theo là đảo chánh và hỗn loạn triền miên cho đến tháng 7.1968 đảng BaỖth lên nắm quyền và củng cố quyền hành bằng khủng bố dã man với trưởng ban nội an là Saddam Hussein. Năm trước, vì cuộc chiến Ả Rập-Do Thái, Iraq đã đoạn giao với HK, Liên Xô bèn nhẩy vào hăng hái giúp Iraq vũ trang, tiện thể thủ lợi về nguồn dầu mỏ đứng vào hàng thứ nhì thế giới của nước này.

Tỉnh Mosul ở miền bắc (do Ataturk nhường cho Iraq, tức là cho Anh hồi đó) là nơi có nhiều dầu nhất nước lại là nơi đông dân Kurd. Saddam Hussein được phái đến đó để thương lượng với Mullah Barzani, thủ lãnh của họ, và một thỏa ước được hai bên ký kết năm 1970 trao quyền tự trị cho dân Kurd. Nhân dịp này Saddam định ám sát Barzani nhưng hụt vì có một cận vệ nhẩy vào chết thay. Vì Iraq bồ với Liên Sô, năm 1974, ngoại trưởng Henry Kissinger (lại hắn!) bày mưu cho Vua (shah) Mohammed Reza Pahlavi của Iran mà các chính khách Mỹ gọi là thằng đểu nhưng là thằng đểu của chúng ta (HeỖs a bastard, but heỖs our bastard) Ở cung cấp vũ khí và tiền bạc cho 90,000 quân du kích Kurd của Barzani nổi loạn. 3/4 quân số và 1/4 quân thiết giáp của Iraq được phái đến đàn áp. 30,000 quân Iraq tử thương. Ðể tránh một cuộc chiến toàn diện, Iran và Iraq ký Thỏa Ước Algiers năm 1975. Shah trở mặt không ủng hộ người Kurd nữa. Barzani thất thế. Một lãnh tụ Kurd khác là Jalal Talabani công kích Barzani khiến ông này phải lưu vong ra nước ngoài. Người Kurd vì tranh chấp nội bộ yếu thế đi, Iraq không cho họ khai thác mỏ dầu ở Kirkuk trong lãnh thổ của họ nữa. Trong vụ này, Saddam Hussein coi Kissinger như là kẻ chủ mưu cấu kết với Iran áp đặt ảnh hưởng của Anh trong Vịnh Ba Tư để bảo đảm quyền lợi Tây phương, và vì thế tỏ ra thân Liên Sô hơn nữa. Hòa với Iran rồi, Saddam tấn công người Kurd không nương tay. Thế là dân Kurd bị Iran bỏ rơi mặc cho Iraq làm thịt. Ðây không phải là lần đầu cũng chẳng phải là lần chót họ bị các đồng minh phản bội.

2/ Thân phận người Kurd

Những cô gái xinh đẹp người Kurd

Những cô gái xinh đẹp người Kurd 

Nguồn gốc người Kurd không rõ, chỉ biết họ là một giống người Ấn-Âu pha trộn với những sắc tộc Semetic cư ngụ trên vùng đất núi của những rặng Taurus và Zagros chạy dọc biên giới của Armenia, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ. Họ có một lịch sử từ tk II trước Công nguyên, theo Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism) và những tôn giáo cổ khác, đến tk VII bị người Hồi giáo xâm lăng bắt họ cải đạo, 3/4 theo giáo phái Sunni. Những sheikh (tộc trưởng) Kurd hay tranh chấp với nhau nhưng họ xung đột nhiều hơn với cả đế quốc Ottoman lẫn đế quốc Ba Tư.

Dân số Kurd ngày nay lên đến 25-35 triệu, 1/4 cư ngụ ở Iran (đế quốc Ba Tư), 3/4 ở Thổ Nhĩ Kỳ (đế quốc Ottoman). Hai đế quốc chống đối nhau trong hai thế kỷ. Dân tộc Kurd chống đối cả hai đế quốc. Trong thập niên 1830, Ba Tư xúi giục người Kurd nổi lên chống lại Ottoman. Vì thế người Kurd bị người Thổ đàn áp không nương tay.

Trong trận đệ nhất thế chiến, Thổ là đồng minh của Ðức. Ðức và Thổ là những nước bại trận. Ðồng Minh muốn hạ nhục Thổ và chia cắt đế quốc Ottoman. Dựa vào chương trình hòa bình thế giới của TT Woodrow Wilson đưa ra vào tháng 1.1918, Hiệp định Sèvres ký tháng 8.1920 công nhận một nước Kurdistan. Ðiều này cũng hợp ý Anh Quốc, đang muốn có một nước làm trái độn giữa những lãnh thổ vừa chiếm được là Iraq và Thổ. Hiệp định Sèvres đặt một chính phủ bù nhìn Thổ ở Istanbul. Thổ mất gần hết đất đai Âu Châu, phải nhượng Tây phần Anatolia cho Hy Lạp, từ bỏ các yêu sách đối với Armenia, chứng kiến việc hình thành một quốc gia Kurd ở miền đông rặng núi Taurus. Vua Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet VI đành phải ký, nhưng Thủ tướng Anh Lloyd George có cái dại là giao việc thi hành Hiệp ước cho Hy Lạp. Hy Lạp gây hấn với Thổ trong hai năm, vấp phải thiên tài quân sự Mustapha Kemal tức là Ataturk nên đại bại, gây cho Ðồng Minh cái nhục chưa từng thấy thời hậu chiến, kết thúc bằng Hiệp định Lausanne năm 1923, có những điều khoản như sau: Thrace và một phần Armenia trả lại cho Thổ, Anatolia không còn thuộc quyền Hy Lạp nữa, không chấp nhận quốc gia Kurd.

*

Người Thổ hay nhận là đã lập ra các nền văn minh Tàu, Ấn và Trung Ðông, kể cả Hittite và Sumer. Ðây là một khẳng định vô căn cứ nhưng dân tộc Thổ quả đã có một quá khứ hiển hách. Nhưng rồi quá khứ vàng son ấy tàn lụi, phải đợi một thiên tài mới phục hồi được niềm tự hào dân tộc cho Thổ. Thiên tài ấy là người đã từng tuyên bố Phúc thay cho kẻ nào tự xưng là người Thổ. Thiên tài ấy là Mustapha Kemal.

Kemal đồng hương với A Lịch Sơn đại đế, sanh năm 1881 tại Salonika ở Macedoine thuộc Ottoman (bây giờ là Thessaloniki). Tháng 4.1919, mới 38 tuổi, ông được phái làm Tổng Thanh Tra tại Anatolia. Sáu tháng sau ông triệu tập một Quốc Hội, tuyên bố độc lập, thiên đô về Angora (bây giờ là Ankara), và lập ra một Minh Ước Quốc Gia quy định những nguyên tắc cho Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ thành lập vào tháng 10.1923. Ông là một nhà cải tổ: gạt sang bên quá khứ Ottoman và Hồi giáo, truất phế cả caliph lẫn sultan, giảm dần quyền lực Hồi giáo trong chính quyền, cấm đội khăn Hồi giáo, đổi giờ làm việc theo Tây lịch, thay chữ Ả Rập bằng chữ La Tinh.

Ông tự xưng là ghazi tức là người cầm cờ Hồi giáo và chiến thắng kẻ ngoại đạo, nhưng đó chỉ là chiêu bài để lấy lòng dân và là một thủ đoạn chính trị. Thực ra ông là Atatórk tức là cha đẻ ra quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ tân tiến và hùng cường và ông xứng đáng với danh hiệu này tuy không tránh khỏi vài tật xấu ít người biết như nghiện rượu và đa dâm. Ông mất sớm, năm 1938, mới 57 tuổi, có lẽ vì hai tật xấu ấy. Một tật xấu nữa là tính tàn nhẫn, tráo trở của ông, nhất là đối với dân Kurd.

Khi tranh chấp với người Anh, Atatórk khuyến khích người Kurd theo Thổ chống Anh nhưng từ 1932 lại thẳng tay đàn áp họ: phái người Thổ đến cai trị, cắt đất của họ cho cựu chiến binh Thổ, cấm dùng ngôn ngữ Kurd ở tòa án, trường học và ngay cả ở chợ, đặt tên Thổ cho các làng Kurd, cấm đặt tên Kurd cho trẻ mới sanh, cấm dân ca Kurd, tóm lại là muốn tiêu diệt văn hóa và chủng tộc Kurd và đồng hóa họ. Cho đến 1990, người Kurd bị gọi là người Thổ núi (Mountain Turk). Làm gì mà người Kurd không nổi loạn, rồi lại bị đàn áp. Riêng ở tỉnh Dersim mà Thổ đổi tên là Tunceli, 40,000 người bị quân Thổ giết.

Trong trận đệ nhị thế chiến, Thổ trung lập nhưng Ðức sử dụng các eo biển của Thổ mở đường vào Hắc Hải để tấn công Liên Xô nên sau khi chiến tranh kết thúc, tháng 8.1946 Liên Xô đòi kiểm soát những eo biển này, như thế là định đóng quân trên đất Thổ. Thổ ngả theo HK và Liên Sô phải chùn bước, mở đường cho chủ thuyết ngăn chặn (doctrine of containment) của Truman. Khi Kemal chết, bạn đồng đội là Ismet Inứnó lên thay, năm 1950 cho tổ chức tuyển cử tự do. Ðảng của Atatórk thất cử, Adnan Menderes thắng cử. Năm 1951, HK muốn lập một liên minh để bảo vệ quyền lợi từ Ðông Ðịa Trung Hải đến bán lục địa Ấn Ðộ. Thổ (và Hy Lạp) nhân dịp xin gia nhập khối NATO như là điều kiện hợp tác. HK làm áp lực, NATO phải nhận. Thổ từ đó nhận vũ khí và huấn luyện quân sự của HK và Âu Châu. Chính phủ dân sự tỏ ra bất lực, năm 1960 phe nhà binh đảo chánh, Menderes đổ và bị treo cổ. Tướng Górsel lãnh đạo cuộc đảo chánh được bầu làm Tổng thống. Hai vị tổng thống kế tiếp cùng là nhà binh. Tình hình hỗn độn. Tháng 3.1971, phe nhà binh lại đảo chánh, năm 1974, đương đầu với Hy Lạp, chiếm đảo Cyprus. Ðảo này không bao giờ là đất của Hy Lạp nhưng 4/5 dân số là Hy, phần còn lại là Thổ. Cho đến bây giờ đảo vẫn có hai chánh phủ, một của Tổng thống Tassos Papadopoulos theo Hy Lạp, một của TT Rauf Denktash theo Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thư Ký LHQ đang cố điều đình để thống nhất. Năm 1960 Anh trả độc lập cho các thuộc địa trong vùng, giao đảo như là một quốc gia độc lập cho Tổng giám mục Makarios III. Năm 1967, một nhóm đại tá Hy Lạp lật đổ nền quân chủ, tấn công người Thổ trên đảo, và tháng 7.1974 âm mưu cuộc đảo chánh lật đổ Makarios. Tân Thủ tướng dân sự Bólent Ecevit được lãnh tụ Necmetin Erbakan của Ðảng Cứu Quốc (nay là Ðảng Hồi giáo Refah) thúc đẩy và các tướng lãnh đồng ý, cho hành quân chiếm đảo. 6,000 dân đảo chết. Ðảo bị chia đôi. Nixon và Kissinger trách cả hai bên. Ford và Kissinger cho phong tỏa việc bán vũ khí cho Thổ từ đầu năm 1975. Thổ không chịu rút quân khỏi Cyprus, lại đóng cửa các căn cứ tình báo HK, các trạm nghe lén hướng về Liên Xô và nói bóng gió muốn rút ra khỏi NATO, trách Âu Mỹ bênh người Ki tô giáo chống lại Hồi giáo nên mới ra nông nỗi.

Thủ tướng Ecevit và Sóleyman Demirel, lãnh tụ đảng Công Lý không bên nào tranh thủ được lòng dân. Cuối thập niên 1970, các tỉnh lớn, nhất là vùng của dân Kurd ở đông nam, hỗn loạn phải thiết quân luật. Mùa xuân 1978, TT Carter xin và tháng 9 được Quốc Hội cho bỏ lệnh phong tỏa. Shah của Iran bỏ ngai vàng tháng 1.1979 khiến HK cần có một đồng minh tin cẩn thay thế, và chỉ có thể giao vai trò này cho Thổ, nhất là sau khi Liên Sô xâm lăng A Phú Hãn. Tháng 3.1980 Thỏa Ước Hợp Tác Quốc Phòng và Kinh Tế (DECA = the Defense and Economic Cooperation Agreement) cho phép HK lập 26 căn cứ quân sự trên đất Thổ và cho phép Thổ được cho không hay mua chịu hay mua trả tiền mặt các trang bị quân sự đặc biệt hữu hiệu của HK và để bắt đầu Thổ cầm đỡ $450 triệu của HK để mua đồ Mỹ!.

Nhưng nội bộ Thổ rất lủng củng. Ecevit và Demirel đã hiềm khích nhau, lại bị lưỡng đầu thọ địch: đảng quốc gia cực đoan do Alparslan Tórkesh lãnh đạo và phe cực tả của Abdullah Ocalan. Năm 1974 Ocalan lập ra Ðảng Lao Công Kurd (PKK = Partiya Karkari Kurdistan), trong khuôn viên Ðại Học Ðường Ankara, động viên nhóm Dev Sol cộng sản và một số phe phái khác. Ngày 5.9.1980 Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm chính sách thân Tây phương của Demirel. Ngày hôm sau Necmetin Erbakan triệu tập cuộc họp tại Konya, hô hào toàn thể người Hồi giáo đoạn giao với Do Thái, giải phóng Jerusalem, phấn đấu chống lại tâm lý Tây phương giả trá đã thống trị Thổ Nhĩ Kỳ. Ðoàn biểu tình đốt cờ ba nước Do Thái, Mỹ và Nga, là ba quỷ Sa Tăng mà Hồi giáo phải đối phó.

Sáu ngày sau, tướng Kenan Evren, Tổng tham mưu trưởng (có tin đồn là được HK bật đèn xanh), dàn chiến xa ở các góc đường, kiểm duyệt thông tin, bắt hết các lãnh tụ chính trị, thiết quân luật, đình chỉ Hiến pháp, Quốc Hội, ngưng chức 1,700 thị trưởng và tuyên bố chế độ quân sự, bắt 1,800 đảng viên PKK, 80,000 người Kurd. Ocalan trốn sang Syria.

Lúc ấy đang có vụ bắt cóc con tin ở Tòa Ðại Sứ HK ở Teheran, TT Carter Ở đang lo nếu Thổ theo con đường như Iran thì toàn thể thế an ninh Tây phương ở Trung Ðông sẽ vô cùng bấp bênh Ở mừng quá, vội tăng mạnh viện trợ quân sự trong hai năm tới. Nhưng sự thật thì cuộc đảo chánh không đổ máu của tướng Evren có hai mục đích: diệt chủ nghĩa quốc gia Kurd và bịt mồm phe Hồi giáo quá khích của Erbakan. 15,000 người bị bắt giam ngay sau cuộc đảo chánh; đến cuối 1980 con số chính thức là 32,000, đến 1983 là 60,000. Tin ngoài ước lượng con số lên đến 175,000. Bắt đầu từ năm 1984, PKK tuyên truyền chống Thổ, lâu lâu kèm với các vụ bạo động nhắm vào nhất là các tuần phu trong làng được giới quân sự tổ chức từ 1985, bạo động ngày càng tàn nhẫn hơn từ 1987 đến 1991, không những đối với người Thổ mà cả đối với người Kurd bị người Thổ cưỡng bách làm tuần phu làng. Hậu quả là Thổ cần nhiều vũ khí hơn để đàn áp. Sau Carter đến Reagan lại còn thân Thổ hơn nữa. Vì Thổ là tiền đồn chống Iran và Liên Xô nên vũ khí Mỹ thừa mứa ở đấy.

*

Mười ngày sau cuộc đảo chánh 1980 ở Thổ, Saddam Hussein tấn công Iran. Thổ hưởng lợi, tăng xuất nhập cảng với cả hai nước, đặt ống dẫn dầu từ Kirkuk đến một hải cảng Thổ trên Ðịa Trung Hải. Nhưng Iraq vì mải đánh nhau với Iran không đủ sức kiểm soát vùng biên giới Thổ. Dân Kurd ở đó, đồng minh với Iran, nổi loạn. Iraq phải ký đình chiến với Kurd. Năm 1983 Ngoại trưởng Thổ bay sang Baghdad dọa khóa ông dầu nếu Iraq không chế ngự được Kurd. Từ 1984 đến 1988, PKK lấy miền bắc Iraq làm khu an toàn. Năm 1986-87, Thổ áp dụng hiệp định năm 1978 ký với Iraq cho phép Thổ vượt biên giới truy kích quân du kích, nhưng các cuộc oanh kích không có hiệu quả và đó là một lý do khiến trận chiến Iran-Iraq kéo dài và tốn kém cho Iraq đến $500 tỉ. Khi chiến tranh gần kết thúc, Iraq thả bom hơi ngạt ở tỉnh Halabja do người Kurd và Iran chiếm, làm 5,000 người chết. Sau chiến tranh, Saddam còn hành hình hàng ngàn người Kurd, trong nội một vụ đã có đến 8,000 người theo Barzani mất tích, san bằng 4,000 làng Kurd.

Thế nhưng năm 1983 Bộ Ngoại Giao HK vẫn rút tên Iraq ra khỏi danh sách các quốc gia ủng hộ khủng bố, vài tuần sau cho tên Iran vào thay chỗ và chính thức, lập quan hệ ngoại giao với Iraq. Vũ khí HK lại tuôn vào Iraq bằng đường lối chính thức nhưng nhiều hơn là bằng đường buôn lậu qua Jordan.

 

3/ Múi chanh Kurd trong tay Mỹ

Tổng thống Bush con cũng như TT Bush bố, khi đương đầu với Saddam Hussein, cần kiểm soát được hai gọng kìm. Phía nam thì đã có Kuwait bảo sao nghe vậy. Phía bắc thì có Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đồng minh nhưng hay vòi vĩnh, lại kẹt ở giữa có thực tại Kurdistan. Khi cần làm con bài để mặc cả, dù là với Iraq, Iran, hay Thổ Nhĩ Kỳ, đám dân Kurd này rất được việc nên HK vẫn phải viện trợ và vũ trang.

Trận chiến tranh của TT Bush nhắm lật đổ chế độ Saddam Hussein gần kết thúc khi quân Kurd tràn vào Kirkuk ở miền bắc Iraq hôm thứ Năm, 10.4.03.

Tờ báo Mỹ tại địa phương tôi, Entreprise Record, số ra ngày Thứ Sáu 11.4.03, đăng bài của David Espo, đặc phái viên của AP:

“Các lực lượng kháng cự bị bẻ nát vụn ở miền bắc Iraq hôm Thứ Năm khi quân HK và quân Kurd chiếm Kirkuk [nơi có] nhiều dầu mà không có đánh nhau và nắm một thành phố thứ nhì trong tầm tay…

Giới quân sự HK ngày càng không chú trọng vào thủ đô nữa. Quân Kurd liên hoan tại Kirkuk khi họ tiến vào, và có hy vọng rằng hôm nay người Iraq sẽ đầu hàng ở Mosul, một thành phố khác ở miền bắc…

Các lực lượng Kurd, đã chiến đấu chống Saddam từ nhiều năm qua, mở liên hoan khi họ vào thành phố, một quê hương của tổ tiên họ và là cửa ngõ vào những mỏ dầu miền bắc của Iraq…

Dân chúng địa phương hoan hô quân Kurd khi họ đi qua…

Thổ Nhĩ Kỳ, lân bang miền bắc của Iraq, báo động e sợ người Kurd sẽ kiểm soát vĩnh viễn Kirkuk và những mỏ dầu gần đó. Chính phủ Thổ loan báo sẽ gửi các quan sát viên quân sự đến thành phố với sự chấp thuận của HK.

Quân Mỹ sắp vào thành phố và Ngoại trưởng Colin Powell bảo cho Associated Press biết rằng những lực lượng Kurd sẽ rút lui, như thế sẽ giảm thiểu [khả năng] quân Thổ tiến vào vùng này (Kurds sweep into Kirkuk, pp A1 và A11).”

Tại sao người Kurd, có công chống Saddam Hussein và giải phóng một nơi là quê cha đất tổ của họ, lại phải rút lui? Dựa vào lý do nào Thổ lại có thể tự tiện tiến vào một vùng không thuộc lãnh thổ của họ? Tại sao HK lại e ngại mà không giám ngăn chặn Thổ sẽ làm như vậy và, ngược lại, phải ăn hiếp bắt người Kurd rút lui để chiều ý người Thổ?

Chỉ có một câu trả lời ngắn gọn: thân phận nhược tiểu trước cường quyền.

Phải chăng đấy chính là mệnh lệnh luân lý kiểu Mỹ? “HK phải bảo vệ tự do và công lý”, lời vàng ngọc ấy từ Tòa Bạch ốc phát ra còn vang vang đâu đây nhưng đã thành câu khôi hài nhạt như nước ốc. Người Kurd không giúp gì cho Liên Hiệp Âu Châu (LHÂC) thế mà nó vẫn quan tâm đến số phận của họ. Tờ Washington Report on Middle East Affairs số tháng 4.2002 loan tin:

“Tháng Giêng, những viên chức hàng đầu đưa ra hai trở ngại chính đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ xin làm thành viên của LHÂC, với những kết quả pha trộn. Tờ Arab News ra ngày 3.1.2002 loan báo rằng Ngoại trưởng Thổ Ismail Cem nói, LHÂC sẽ không chấp nhận rằng án tử hình vẫn tồn tại trong luật pháp của chúng ta, kêu gọi bỏ tử hình để làm an lòng những người Âu Châu. Họ nại ra thành tích nhân quyền đáng bị chất vấn của Thổ như là chướng ngại chính cho việc nó gia nhập LHÂC. Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Bulent Ecevit đã gạt hẳn mọi khả năng cho phép dạy ngôn ngữ Kurd trong các lớp học, theo tờ Arab News ngày 27.1. Việc ban hành các tự do văn hóa Kurd là một quan tâm khác của LHÂC. Lý thú là tử hình hãy còn hợp pháp thì không được áp đụng tại Thổ từ 1984 trong khi ngôn ngữ Kurd bất hợp pháp lại vẫn được dùng hàng ngày.”

Ngược lại, dù nhân nhượng tối đa HK chắc gì đã mua được lòng trung thành của Thổ. Cũng số báo trên đây tiết lộ:

Theo Arab News số ra ngày 23.1, một lễ khánh thành đã được cử hành ngày hôm trước để chính thức mở một ống dẫn khí đốt chính ở biên giới phía tây bắc Iran. ống đã hoạt động từ giữa tháng 12, dẫn khí thiên nhiên đến Thổ Nhĩ Kỳ với nhịp độ 140 tỉ bộ khối một năm. Bộ trưởng Dầu Khí Iran Bijan Namdar-Zangeneh tuyên bố trong buổi lễ, đây là ống dẫn hòa bình và hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc chúng ta. ây cũng là biểu tượng của sự cảm thông giữa hai quốc gia chúng ta và chúng tôi hy vọng nó sẽ cho phép chúng ta xuất cảng khí đốt sang Âu châu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Năng Lượng Thổ Cakran Zeki bảo không có vấn đề gi, Chúng tôi đã sẵn sàng tăng khối lượng khí đốt cung cấp để xuất cảng sang Âu Châu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Ông thêm rằng thu xếp như vậy sẽ cũng làm lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Sự thỏa thuận, một dự án như thế của Iran trong 23 năm nay, được kết thúc tuy bất kể các phản đối của HK rằng ống dẫn khí đốt cạnh tranh với một dự án dẫn khí thiên nhiên sang Âu Châu, qua Thổ Nhĩ Kỳ từ Turkmenistan.”

Có lẽ dự án HK nói trên đây là dự án ống dẫn dầu Baku-Ceyhan đã được đề cập đến trong bài Dầu Khí Chính Trị Học! của tôi (xin xem lại đoạn giữa trang A13, NgD 151). Iran là một trong ba thành viên của trục ác ôn mà TT Bush sắp xử lý đến nơi mà Thổ vẫn giao du thân mật như thế. Thế mà HK vẫn làm thân trong khi người Kurd tận tình giúp thì HK lại gạt ra.

*

Trong trận chiến tranh hiện tại, chính người Kurd đã “giải phóng” các tỉnh miền bắc Kirkuk, Mosul… giữ được các mỏ dầu không bị Iraq phá hoại trước khi đầu hàng hay rút lui. Quân Mỹ chỉ việc vào tiếp quản không phải đánh đấm gì cả. Nhưng HK sợ mất lòng Thổ nên biệt kích Mỹ phải nhẩy dù xuống, không phải để đánh quân Iraq của Saddam Hussein (đã bị người Kurd chế ngự rồi) mà để ngừa đồng minh Kurd chiếm cả vùng này rồi tiến về thủ đô Baghdad, lập chiến công, đòi quyền tự quyết thành lập một quốc gia độc lập, điều mà “đồng minh” Thổ kỵ nhất.

Hạ bệ Saddam Hussein, chiếm đóng Iraq, HK vẫn chưa hết việc phải làm trong vùng. Vì thế vẫn cần Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ đã được HK hứa chi viện $5 tỉ và cho vay $10 tỉ. Thổ chưa chịu, đòi gấp đôi. Ngoài ra, HK còn hứa sẽ để cho Thổ tiến xuống miền nam giải giới quân Kurd khi chiến tranh kết thúc.

Paul Watson thuật lại trên tờ The Los Angeles Times, đăng lại trên tờ The Sunday Register-Guard ra ngày 13.4.03 tại Eugene, tiểu bang Oregon:

“Không chắc ai, nếu có, là người phụ trách thị trấn của họ hôm Thứ Bảy, các cư dân Mosul tự vũ trang với súng trường tấn công và trùy gỗ để canh phòng chống những kẻ hôi của và các chiến sĩ Kurd mà nhiều người ở đây coi như là những kẻ xâm lăng…

Các chiến sĩ của hai phe Kurd tuần tiễu các khu phố khác nhau của thị trấn có 1.7 triệu dân này và bị những tay súng có vẻ là những người ủng hộ Saddam Hussein tấn công…

Những kẻ phá hoại còn dự tính khiến tình hình tệ hơn hôm Thứ Bảy bằng cách cho nổ tung đập nước Mosul. Theo Tướng Babakir Zebaru, chỉ huy trưởng các chiến sĩ của Ðảng Dân Chủ Kurdistan (KDP = Kurdistan Democratic Party) ở tỉnh Dohuk gần đó, ba người bị bắn chết khi họ cố phá kiến trúc này, một nguồn tiếp tế điện quan trọng.

Mosul là một thị trấn phần nhiều là Ả Rập chế ngự bởi các thành phần Hồi giáo Sunni thiểu số của Iraq, phát đạt dưới chế độ Saddam. Thế nên quang cảnh các chiến sĩ Kurd tuần tiễu phố phường và chặn xe để khám xét đã làm nhiều người ở đây phẫn nộ.

Hai phe Kurd chính bắn nhau trong giữa thập niên 1990 bây giơ cố vãn hồi trật tự tại Mosul. Nhưng Ðại tá Mahdi Doski, chỉ huy trưởng của 300 chiến sĩ Liên Minh ái Quốc Kurdistan (PUK = Patriotic Union of Kurdistan) tại Mosul, phàn nàn rằng họ không được các đồng minh HK hỗ trợ đủ. Các tay súng tình nghi là trung thành với Saddam giết hai chiến sĩ PUK trong một trận phục kích tại Mosul hôm Thứ Sáu… Từ hôm qua, họ [lính Mỹ] bảo là họ sắp đến và cho đến bây giờ chưa thấy gì cả… Họ có ở phi trường nhưng rất ít. Họ chỉ nói là họ sắp đến….

Bị phân tán mỏng tại bắc Iraq, các lực lượng HK còn đang đem các chiến xa vào và đang làm cái gì họ có thể làm trong khi chờ tiếp viện (Residents in northern city of Mosul take the matter of defense upon themselves, p A2).”

Rõ ràng là HK phải trông cậy vào các chiến sĩ Kurd mới có thể kiểm soát được miền bắc Iraq, thế mà chưa xong việc, người Kurd đã bị người Mỹ bán đứng, loại bỏ như múi chanh đã vắt kiệt nước. Không những bị vứt bỏ, người Mỹ còn cho phép Thổ tiến xuống miền nam giải giới quân Kurd. Lúc đó cuộc thảm sát sẽ lại tái diễn, nói là tái diễn vì nó đã từng diễn ra không biết bao nhiêu lần trước đây.

John Tirman mô tả:

Ðịa điểm là ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở những ngọn núi đông nam Anatolia, nơi mà người Kurd đã cư ngụ lâu trước khi những bộ lạc Thổ của Trung á tràn vào đô hộ vùng này, và là nơi mà đồng minh hùng cường của Mỹ, giới nhà binh Thổ, đang tiến hành một chiến dịch khủng bố chống lại dân tộc Kurd. Chiến tranh với dân Kurd đã kéo dài 13 năm. Ðó là một cuộc chiến bắt nguồn từ quốc gia chủ nghĩa ám ảnh Thổ nhưng được HK ủng hộ do một lo sợ phi pháp chủ nghĩa cấp tiến Hồi giáo và một định nghĩa sai lạc các quyền lợi Mỹ.

Câu chuyện người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những vi phạm nhân quyền đại quy mô của thế giới. Khoảng 2.5 triệu dân làng đã bị di tản và hàng ngàn đã bị giết bởi cố gắng thất thường của Ankara để đánh bại một quân đội phiến loạn nhỏ bé. Cuộc chiến này đã tăng nhanh một cuộc phục hồi Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ đang đe dọa tiến dẫn đúng cái mà chính sách HK quyết liệt ngăn ngừa một lãnh đạo Hồi giáo ác cảm với Tây phương. Nó nhắc nhở một cách dễ sợ sự thất bại có tính đại họa của việc Mỹ nồng nhiệt hỗ trợ Shah của Iran trong thập niên 1970 và cũng có thể là điềm báo trước sự sụp đổ của những chế độ thân Mỹ ở Ả Rập Saudi và Ai Cập (Spoils of War, 4).

Ngay bây giờ đã có những dấu hiệu của việc cố ý sát hại. Cũng trên tờ The Sunday Register-Guard, Jason George viết:

Ba bệnh viện ở Bắc Iraq sẵn sàng trị bệnh cho dân, chỉ hiềm không có đủ dược phẩm căn bản, có thể chuyển từ Thổ qua một cách dễ dàng nếu biên giới được mở.

Thế mà với những hình ảnh và các chuyện thương tâm của những nhóm cứu tế, nói chuyện với chính người Kurd vẫn là ám ảnh nhất. Một người Kurd gốc Thổ có gia đình ở Bắc Iraq hỏi một câu hỏi mà không ai sẵn sàng trả lời: Chính phủ Thổ đang giết dân chúng tôi. Sao vậy?

Một khi đã khuất mắt các phóng viên tại các điểm kiểm soát, những xe tải của UNICEF phải chờ ba ngày…

Chính phủ trì hoãn giúp dân Kurd, dàn cảnh một cuộc khủng hoảng nhân đạo tương tự hay còn tệ hơn cả cảnh năm 1991.

Khi đó, Thổ đang trong một cuộc chiến kéo dài với quân phản loạn Kurd để 250,000 đến 450,000 người chờ đợi, lạnh cóng và ốm đau, ở các ngọn núi biên giới trước khi cho vài người vào Thổ…

Có một niềm lạc quan ban đầu sau khi Ngoại trưởng HK Colin Powell và Ngoại trưởng Thổ Abdullah Gul nói ngày 2.4 rằng viện trợ sẽ đi từ Thổ vào Bắc Iraq, nhưng sự thỏa thuận là đem lương thực và thuốc men cho lính Mỹ hơn là cho trẻ con Iraq…

Hình ảnh năm 1991 người Kurd chết rét trên núi bên ngoài các trại hãy còn rõ nét ở đây, khiến cho con mắt mù của Thổ còn thêm bối rối (Turkish obstinacy holding up aid groups: Organizations with food and medicine are being blocked from crossing into Iraq. pp B1 và B4).

Người Kurd chịu cảnh ngộ thê thảm hiện nay một phần vì chính họ đã để lỡ nhiều cơ hội. TT Woodrow Thomas Wilson đã mở đường cho Hiệp định Sèvres công nhận một nước Kurdistan độc lập nhưng rồi bỏ lửng, kiểu đánh trống bỏ dùi. Ðáng lẽ người Kurd phải chộp lấy dùi và đánh tiếp, đánh liên hồi và đánh mạnh thì chưa chắc Atatórk đã có thể xóa tên quốc gia này trên bản đồ thế giới. Nhưng thực ra làm gì có đất nước Kurdistan trên bản đồ thế giới bao giờ.

Hoàn cảnh Kurd ngược hẳn với hoàn cảnh Do Thái. Do Thái có nước mà không có đất, Kurd có đất mà không có nước. Thế mà Do Thái biết cách xoay xở để bây giờ thành một đất nước có tên trên bản đồ thế giới, có chân trong Liên Hiệp Quốc, và được siêu cường HK chiều như chiều vong, trong khi dân Kurd vẫn sống nhờ ở những diaspora ngay trên đất của tổ tiên họ, nước đã không có, đất cũng mất nốt, đến nỗi tài nguyên thiên nhiên của đất ấy cùng không được quyền khai thác.

4/ Thằng đểu của chúng ta

Nhìn quan hệ Mỹ-Thổ chúng ta có thể tự hỏi: Những nước được HK công nhận, như Thổ Nhĩ Kỳ , “có sự hiện hữu của một chính phủ công bằng… dựa trên sự đồng thuận của các người bị trị” không, có “tôn trọng nhân phẩm” không? Nếu không thì chẳng hóa ra các đấng “siêu lý tưởng” và các đấng “minh chúa” cũng tiền hậu bất nhất hay sao?

Câu trả lời cũng có thể là Mỹ đã quen dùng những “thằng đểu nhưng là thằng đểu của chúng ta”. Có lẽ vì thế ít khi HK gây được cảm tình tuy rằng những cá nhân Mỹ đa số là chất phác, nhân hậu, độ lượng… chẳng kém dân nước nào. Niko Price của The Associated Press, mô tả cảm tình của dân Iraq đối với HK ngay sau khi được HK giải phóng:

Các cư dân bị nạn hôi của và các dịch vụ ngưng trệ làm phiền, trách cứ HK…

Ngày Thứ Bảy Baghdad bùng nổ bởi cảm giác chống Mỹ khi các cư dân thấy chính dân của họ lột sạch thành phố của họ trong khi các lực lượng HK đứng ngó, thảng hoặc mới can thiệp và có khi còn vẫy cho những người vác đồ hôi được đi qua các trạm kiểm soát…

Gailan Ramiz, 62 tuổi, bảo, Tội lớn nhất của Saddam Hussein là rước quân Mỹ vào Iraq…

Các lực lượng HK bảo rằng họ cố hết sức trong những điều kiện hỗn loạn hỗn loạn, nhiều người Iraq nhấn mạnh, là do chính HK tạo ra….

Adnan bảo, “HK là đứa nói điêu, không hề làm gì để cải thiện…”

Họ muốn cho ai cũng phải biết một điểm, chỉ vì họ ăn mừng việc tống cổ Saddam đi không có nghĩa là họ phất cờ Mỹ…

Fouad Abdullah Ahmed, 49 tuổi, mỉa mai, Mỹ không tốt và Saddam không tốt. Dân chúng tôi chối bỏ Saddam Hussein và họ sẽ chối bỏ người Mỹ (Disorder breeds discontent in broken city, p A2).

Nhưng HK cần thứ khác hơn là tình cảm.

Các nước Trung Ðông đa số là những nước sản xuất dầu mỏ, theo Hồi giáo, căm thù HK vì nhiều lý do, nhất là vì bênh vực Do Thái. Ðoàn kết với nhau, họ có thể nắm được huyết mạch của cả thế giới văn minh và không cần phải cúi đầu trước bất kỳ cường quốc nào. Ðáng lẽ ra họ phải dễ dàng gắn bó với nhau vì cùng một tôn giáo. Nhưng trớ trêu thay, chính vì cùng một tôn giáo mà họ chống đối nhau mãnh liệt và tàn nhẫn hơn bao giờ hết.

Ông bà Will và Ariel Durant nhận định:

Các giáo phái Sunni và Shi’a [Shiite] phân hóa Hồi giáo… và vào tk XVIII, một sheik (tộc trưởng) của Nejd bình nguyên ở giữa, nay là Ả Rập Saudi tên là Mohammad ibn-Abd-al-Wahab lập ra một giáo phái mới [mà các môn đồ Wahabite] là những người Thanh giáo (Puritan) của Hồi giáo (Rousseau and Revolution, 412)…

Michael R. Gordon viết trên tờ The Sunday Oregonian, số ra ngày 13.4.03:

Tỉnh quê nhà của Saddam, Tikrit từ lâu vốn là căn cứ quyền lực cho chính quyền Iraq. Dân chúng của tỉnh đại đa số theo Hồi giáo Sunni và ít hơn rất nhiều so với 4.5 triệu của Baghdad. Thiểu số Sunni từ lâu vẫn cai trị đa số Shiite của quốc gia (Tikrit: The last symbol of Saddam, p A10).

Sự phân hóa này thể hiện mới đây, ngay tại Najaf, giữa một nước Iraq vừa mới thoát ách Saddam Hussein và còn đang bị quân đội ngoại quốc chiếm đóng, chưa biết số phận sẽ ra sao. Tờ Enterprise Record thượng dẫn ghi lại:

Một đám đông giận dữ băm vằm hai giáo sĩ đến chết tại một ngôi đền Hồi giáo phái Shiite hôm thứ Năm khi một cuộc họp mặt định là một kiểu mẫu cho việc hòa giải ở Iraq Hậu-Saddam nổ ra thành một cuộc hỗn chiến giữa các đối thủ, những người chứng kiến bảo thế.

Việc đổ máu tô đậm nét nỗi khó khăn trong việc hàn gắn những chia rẽ sâu xa và những cạnh tranh chính trị ở Iraq khi giới quân sự Mỹ và chính phủ lâm thời do tướng HK hồi hưu Jay Garner cố lấp khoảng trống quyền hành do sự xụp đổ của chế độ Saddam để lại.

Giới quân sự HK đã sốt sắng phô trương buổi họp tại đền thờ Imam Ali, được những người Shiite coi như là thừa kế của ngôn sứ Muhammad. Nhà binh cho hai trực thăng chở các nhà báo bay đến thánh địa Najaf để quan sát nhưng họ đến nơi quá trễ để chứng kiến việc gì đã xẩy ra.

Một trong những tu sĩ bị giết là Haider al-Kadar, người trung thành với Saddam Hussein bị nhiều người ghét, là thành viên của bộ tôn giáo của thủ lãnh Iraq. Người kia là Abdul Majid al-Khoei, một tu sĩ cao cấp phái Shiite và con của một trong những ayatollah (lãnh đạo tinh thần) danh tiếng nhất từng bị Saddam ngược đãi. Al-Khoei đã khuyến khích cộng tác với quân đội HK. Ông đang lưu vong ở Luân Ðôn mới hồi hương hôm 3.4 để giúp vãn hồi trật tự sau khi thành phố được các lực lượng HK tiếp thu…

Ông cùng đi với al-Kadar đến buổi họp để tỏ thái độ hòa giải…

Khi hai người đến đền thì những thành viên của một phe khác trung thành với gia đình một mullah khác, cố Mohammed Baqir al-Sadr, nổi giận vì sự hiện diện của al-Kadar (A poor model: Islamic clerics die in attack at Shiite shine at meeting meant to promite peace, witnesses say, pp 1A và 12 A).

HK đã khuyến khích, hay ít nhất là đã lợi dụng, sự phân hóa trong khối Hồi giáo để khống chế cả khối ấy, mua dầu khí và bán vũ khí.

Ðây lại là một đề tài khác, cũng khá lý thú.

 

Nguồn bài đăng

Bình luận về bài viết này