Quan hệ của Nhật Bản với vương quốc Siam TK XVI-XVII

King of Siam returning to his palace

King of Siam returning to his palace

PGS.TS Nguyễn Văn Kim

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Siam (Thái Lan) là nước sớm có nền thương mại hàng hải phát triển. Từ năm 1371 đến 1503, trong khuôn khổ chế độ cống nạp của một nước phiên thuộc, triều đình Siam đã cử 78 phái đoàn ngoại giao – thương mại đến Trung Quốc.

Cũng trong khoảng thời gian đó, vương quốc Ryukyu, với tư cách là một bộ phận thuộc lãnh thổ của Nhật Bản ngày nay, đã phát huy được triệt để vị thế trung gian giữa hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á để phát triển thành một cường quốc thương mại(1).

Vào thế kỷ XVI, trong tác phẩm Suma Oriental, Tome Pire đã viết về quan hệ thương mại của vương quốc Siam: “Với Trung Quốc, Siam đã cử đi 6 hay 7 thuyền một năm. Họ còn buôn bán với Sunda, Palembang và các đảo khác. Vương quốc này cũng tiến hành buôn bán với Campuchia, Champa và Cochin China cũng như các quốc gia lục địa như Burma và Jangoma (Chiangmai) khi nền hoà bình được xác lập”(2).

Dựa trên nền tảng của những mối quan hệ truyền thống, sau một thời kỳ gián đoạn, đến thời vua Naresuen (1590 – 1605) quan hệ Nhật Bản – Siam lại được khôi phục. Là một người có uy lực, nhà vua đã giành được quyền độc lập thực sự về chính trị đồng thời quản chế được quan hệ ngoại giao. Naresuen đã đưa Siam trở thành “cường quốc quan trọng nhất trong khu vực”(3). Điều đáng chú ý là, ngay từ thời gian đó vua Siam đã sử dụng nhiều người nước ngoài phục vụ cho công việc của triều đình vì những tri thức và kỹ năng đặc biệt của họ.

Trong đội quân cấm vệ của nhà vua đã có ước chừng 500 võ sĩ Nhật Bản và nhiều người vốn là các võ sĩ vô chủ (ronin). Do hoàn cảnh xã hội, họ buộc phải làm vệ sĩ cho các đoàn thuyền buôn rồi sang định cư lâu dài trên đất Thái. Vì vậy, khác với một số nước trong khu vực, từ cuối thế kỷ XVI, quan hệ Nhật Bản – Siam được xây dựng trên cơ sở sự gắn kết chặt chẽ của đồng thời ba thành tố: ngoại giao, thương mại và hoạt động quân sự. Mối quan hệ vừa thân thiện vừa phức tạp đó là một đặc điểm tiêu biểu của lịch sử quan hệ Nhật – Thái trong suốt thời kỳ Ayutthaya (1351 – 1767).

Đón nhận được ảnh hưởng của một chủ trương đối ngoại tương đối rộng mở, đến những năm cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII thuyền buôn Nhật Bản ngày càng xuất hiện nhiều ở vùng biển Đông Nam Á. Thuyền Nhật đã đến nhiều vùng lãnh thổ thuộc Đại Việt, Siam, Campuchia, Indonesia và Malaysia để buôn bán. Tại Siam, thương gia Nhật Bản đã lập cơ sở buôn bán ở Ayutthaya và Patani. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm trong quan hệ thương mại trên thị trường khu vực nên thương nhân Nhật Bản luôn bị Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan chèn ép. Thêm vào đó, trong quan hệ với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản cũng không có đủ những mặt hàng mà thị trường Siam cần để có thể cạnh tranh với thương nhân châu Á và phương Tây. Mặc dù chưa thực sự giành được ưu thế trong các hoạt động kinh tế nhưng nhờ có những ảnh hưởng về quân sự mà Nhật Bản cũng đã từng bước xác lập được vị trí của mình ở Siam. Các võ sĩ Nhật Bản nổi tiếng là những người quả cảm, tinh thông võ nghệ và có tinh thần kỷ luật.

Joost Schouter, người đứng đầu thương quán Hà Lan ở Siam trong vòng 8 năm dưới thời vua Song Tham (1620 – 1628) và đầu thời vua Prasat Thong (1629 – 1655), cũng đã từng viết về đội quân cấm vệ người Nhật trong hoàng gia Thái. Theo ông, đội quân này có khoảng 500 đến 600 người và ông luôn khâm phục trước tinh thần dũng cảm của họ(4).

Đến đầu thế kỷ XVII, do sự phát triển phồn thịnh của thị trường Siam mà nhiều thuyền buôn Nhật Bản đã tập trung về Ayutthaya, kinh đô đồng thời là trung tâm kinh tế lớn nhất của vương quốc. Địa bàn hoạt động của thương nhân Nhật Bản cũng mở rộng hơn trước và họ cũng đã nếm trải những thất bại cay đắng khi thâm nhập vào hệ thống kinh tế khu vực.

Năm 1614, Adam Dantans, người phụ trách cơ sở thương mại Anh ở Pattani cho biết: hai thuyền buôn Nhật Bản đã đến Patani bán hàng nhưng không được phép của chính quyền.

Cuộc xung đột đã diễn ra và tám người Nhật bị sát hại.

Về phần mình, qua nhiều nguồn thông tin từ các thương nhân ngoại quốc, triều đình Siam cũng ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng trong quan hệ với Nhật Bản. Năm 1599, một đoàn ngoại giao đã được cử đến Nhật Bản để thiết lập quan hệ thương mại. Ba năm sau, một phái bộ ngoại giao khác lại được cử đến Edo. Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa tìm được những chứng cứ xác thực về hoạt động của hai phái bộ Siam trên đất Nhật Bản những năm cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.

Quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Siam được chính thức xác lập dưới thời vua Agathosarot (1605 – 1609) và ở Nhật Bản đó là thời kỳ cầm quyền của tướng quân Tokugawa Ieyasu (1542 – 1616). Năm 1606, Ieyasu đã gửi thư cho vua Siam đề nghị được mua đại bác và trầm hương. Để tỏ thái độ thân hiện, ông đã biếu vua Siam 1 bộ áo giáp cùng 10 thanh kiếm quý. Tokugawa Ieyasu còn cam kết sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất để thuyền buôn của Siam có thể đến Nhật Bản buôn bán, trao đổi hàng hoá.

Năm 1610, vua Siam cũng đã gửi thư trả lời chính quyền Nhật Bản nhưng bức thư đã bị thất lạc. Tuy nhiên, 2 năm sau một chiếc thuyền buôn của Siam cũng đã đến được Nhật Bản. Sau sự kiện đó, triều đình Ayutthaya đã cử nhiều phái bộ ngoại giao đến Nhật Bản và nhiều đoàn đã được đích thân tướng quân tiếp đón. Trong thời gian từ 1604 – 1635, Mạc phủ đã cấp 56 giấy phép cho các thuyền buôn đến giao thương với vương quốc Siam. Ngoài ra, còn có nhiều thuyền buôn không có giấy phép của các lãnh chúa miền Tây Nhật Bản vẫn ngấm ngầm đến Siam trao đổi hàng hoá.

Do nhận thức được tính chất cạnh tranh quyết liệt tại thị trường Siam, trong các chuyến đi đến Ayutthaya, trên các thuyền buôn Nhật Bản ngoài thương nhân, thuỷ thủ còn có một lực lượng đông đảo các võ sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ hàng hoá. Để bảo đảm an toàn cho hoạt động của các thương nhân, Mạc phủ Edo cũng như giới lãnh đạo cộng đồng Nhật kiều định cư ở Siam chủ trương phải thắt chặt hơn nữa quan hệ với chính quyền sở tại. Tháng 9 – 1609, Sumihiro một thương gia Nhật Bản ở Siam đã gửi thư về nước cho Kanai Korinori, lãnh chúa vùng Inaba, Nhật Bản và thông báo rằng ông đã đem theo một số tặng phẩm của Inaba như sắt và súng tặng cho một quý tộc người Thái nhằm tranh thủ thiện cảm và để mua về thuyền buôn của nước này. Sumihiro về sau được coi là thủ lĩnh trong cộng đồng của người Nhật ở Siam.

Trong một chính sách ngoại giao đa diện, dễ thay đổi của người Thái các thương nhân Nhật Bản và cả những người sinh sống ở Siam cũng luôn phải có đối sách phù hợp với tình hình thực tế. Năm 1602, với mục tiêu làm giảm sức mạnh của thương nhân Hà Lan, khoảng 200 người Nhật đã ủng hộ Bồ Đào Nha chống lại người Hà ở Patani. Về hình thức, đây chỉ là cuộc xung đột giữa các thương nhân ngoại quốc nhưng trên thực tế đó là hành động quân sự mang tính chất chính trị đầu tiên của người Nhật trên đất Thái.

Đến thời trị vì của vua Song Tham (1620 – 1628), các binh sĩ Nhật Bản đã gây nên một vụ náo loạn ở kinh đô. Nhân việc nhà vua quy kết Oakya Kromnaivai vào tội phản bội, khoảng 280 binh sĩ Nhật Bản đã nổi dậy, tiến vào hoàng cung yêu cầu vua Siam phải nộp bốn vị hoàng thân, những kẻ đã khuyên nhà vua trừng phạt thủ lĩnh của họ. Sau khi rút ra khỏi Ayutthaya, lực lượng này đã kéo đến tỉnh Petchburi và đã chiếm được toàn bộ thành thị này.

Họ tự lập nên một ông vua mới nhưng ngay sau đó mưu đồ chính trị đã bị vua Song Tham trấn áp. Trong thời gian này, người Nhật luôn tỏ ra bất mãn với nền thống trị của triều đình Siam và đến năm 1620, 500 võ sĩ Nhật Bản lại đánh chiếm điện Chomthong, bắt vua Song Tham và giam giữ ông ở một nơi bí mật. Nhưng một lần nữa, cuộc nổi dậy lại bị quân đội Siam do Pra Mahaummart chỉ huy dập tắt.

Mặc dù có những sự biến chính trị xảy ra nhưng vào đầu thế kỷ XVII, quan hệ giữa hai nước vẫn được duy trì, một số thuyền buôn Nhật Bản tiếp tục đến Ayutthaya buôn bán.

Vua Song Tham vẫn cử một số phái bộ đem theo thông điệp ngoại giao đến Nhật Bản. Năm 1621, triều đình Siam đã phái đại diện ngoại giao mang quốc thư và cống phẩm đến Edo. Nội dung bức thư khẳng định: triều đình Siam sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân Nhật Bản đến buôn bán. Trong chuyến đi đó, đại diện ngoại giao của chính quyền Siam đã đề nghị Nhật Bản cấp cho 3 con ngựa có khả năng sinh sản tốt. Mạc phủ Edo đã đón tiếp đại diện ngoại giao Thái rất nồng hậu. Trước khi viên sứ giả về nước, tướng quân Nhật Bản còn yêu cầu chuyển thư và tặng vật về cho vua Song Tham. Từ đó, quan hệ giữa hai nước Nhật – Thái càng trở nên thân thiện và Nhật Bản luôn đứng về phía Siam trong các cuộc xung đột. Năm 1623, quân đội Campuchia tập trung lực lượng chống lại vương quốc Siam. Vua Song Tham đã gửi thư cho Mạc phủ Edo, yêu cầu chính quyền Edo ra lệnh cho người Nhật sống ở Campuchia không tham gia vào những hành động quân sự vì rằng những hành động đó có thể làm tổn hại đến quan hệ vốn có giữa hai nước. Chính quyền Nhật Bản khẳng định sẽ không cho phép Nhật kiều can dự vào cuộc xung đột vũ trang. Sau những sự kiện đó, vị thế của Nhật Bản và cá nhân Yamada Nagamasa (Oakhun Senapimuk) càng được tôn vinh trong triều đình Siam.

Yamada là người đứng đầu lực lượng quân đội Nhật Bản ở Ayutthaya. Danh vọng của ông được nhiều thương nhân ngoại quốc biết đến. Vốn xuất thân từ một gia đình quý tộc, ưa mạo hiểm, Yamada luôn có tham vọng được xuất dương. Ông đã cùng với một số người đi trên hai chiếc thuyền buồm tiến xuống Đài Loan rồi từ đó đến Siam khoảng năm 1612. Ở Ayutthaya, ông được mời làm quan cho triều đình rồi kết hôn với một phụ nữ Thái. Nhờ có uy tín lớn nên năm 1620, sau khi Oakluang Si Sunthorn, người lãnh đạo cộng đồng Nhật kiều ở Siam qua đời, ông đã được cử lên thay thế(5).

Ngay sau khi đến Siam, nhân dịp một viên đại thần triều đình Ayutthaya được cử sang Nhật Bản, Yamada đã gửi thư cho Doi Toshikatsu, là quan chức cao cấp trong chính quyền Edo, đề nghị đón tiếp nồng nhiệt phái bộ Siam. Trong thư gửi lên tướng quân Tokugawa Hidetada (1579 – 1632), triều đình Siam cũng đề cao vị trí của Yamada và viết rằng: “Yamada đã được mang tước hiệu quý tộc và được gọi là Khun Chaiya Sunthorn”(6).

Hiểu rõ những ảnh hưởng chính trị của Yamada đối với triều đình Siam, năm 1621 Công ty Đông Ấn Anh ở Ayutthaya đã yêu cầu ông giúp đỡ để giải thoát cho một người Anh có tên là John Dod khỏi vòng tù tội. Qua sự việc đó, có thể thấy Yamada không chỉ thiết lập được quan hệ mật thiết với nhiều quan lại quý tộc cao cấp của triều đình Siam mà còn là chỗ dựa cho một số thương nhân phương Tây trong những trường hợp khẩn thiết.

Trong quá trình làm ăn, buôn bán ở Siam, tuy đồng thời duy trì liên hệ với thương nhân nhiều nước nhưng người Nhật vẫn coi trọng quan hệ với chính quyền và thương nhân bản địa. Năm 1624, xuất phát từ những mâu thuẫn về thương mại, thuyền buôn Tây Ban Nha gồm 200 người do thuyền trưởng Don Fernando de Silva đã bị nhóm liên quân Siam – Nhật tấn công. Nhờ áp dụng chiến thuật quân sự mới nên liên quân dưới sự chỉ huy của Yamada đã giành được thắng lợi. Lực lượng tấn công đã bắt 10 thuỷ thủ đoàn và giết chết viên thuyền trưởng. Toàn bộ hàng hoá trên tàu cũng bị chính quyền Siam tịch thu. Ngay sau thắng lợi đó, ông đã được phong từ Oakhun lên Oakluang (Oakluang Chaiya Sunthorn) và rồi lại được tôn vinh là Oakya Senapimuk Rashamonthree, một tước hiệu cao quý của triều đình Ayutthaya.

Sở dĩ Yamada có vị trí cao như vậy vì ngoài tài năng quân sự, chính trị, ông còn là người điều hành toàn bộ mạng lưới kinh tế thương mại của Nhật Bản ở Siam. Ngoài ra, Yamada còn là cổ đông của nhiều gia tộc có quan hệ thương mại với vương quốc này. Năm 1624, chính ông đã cử nhiều thuyền chở da hươu về Nhật Bản. Bằng những hành động đó, thương nhân Nhật bắt đầu thâm nhập vào phạm vi quyền lợi của Hà Lan và một số nước khác nhưng giới doanh thương Nhật Bản vẫn cố gắng duy trì sự hoà hiếu, không để cho những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế trở nên đến mức đối lập. Trên thực tế, trong quan hệ thương mại với vương quốc Siam, có năm thuyền buôn của thương nhân Nhật xuất phát từ Siam đã bán hết hàng hoá nhưng vẫn không thể trở về Ayutthaya đúng hạn vì phải chờ lấy hàng ở Nhật Bản. Trong những trường hợp đó, Yamada thường nhờ tàu buôn của Hà Lan kết hợp chở hàng về Nhật.

Từ năm 1624, Mạc phủ Edo bắt đầu hạn chế tàu buôn Bồ Đào Nha đến Nhật Bản và thi hành những biện pháp chống lại ảnh hưởng của Thiên chúa giáo. Lo sợ Bồ Đào Nha gây cản trở cho hoạt động thương mại của Nhật Bản ở Đông Nam Á, Yamada chủ trương phải hợp tác chặt chẽ với Hà Lan trong việc vận chuyển hàng hoá từ Siam về Nhật Bản. Chủ trương dựa vào Hà Lan trong quan hệ quốc tế cho thấy tầm nhìn và khả năng nhạy bén của Nhật Bản trong việc lựa chọn bạn hàng chiến lược nhằm khai thác những lợi ích thương mại ở Đông Nam Á. Năm 1629, Yamada lại cử thuyền buôn về Nhật Bản. Cùng tham gia chuyến đi này còn có đại diện ngoại giao của chính quyền Siam. Ông đã thông báo cho Mạc phủ biết về cái chết của vua Song Tham và người sẽ được chọn lên kế nhiệm.

Ngoài việc tổ chức cho các đoàn thuyền buôn đưa hàng về Nhật Bản, Yamada còn cử nhiều thương thuyền đến các nước Đông Nam Á khác. Theo những ghi chép của thương nhân Hà Lan, vào năm 1628 Yamada đã cử thuyền buôn đến Malacca và đã từng có quan hệ với thương nhân Hà Lan ở Batavia. Vì muốn tranh thủ ảnh hưởng của Yamada ở Siam, chính quyền Hà Lan đã cho phép thuyền buôn Nhật Bản được đến Batavia buôn bán. Đáp lại thiện chí đó, Yamada cũng đã gửi quà biếu toàn quyền Hà Lan ở Batavia và viên toàn quyền đã viết thư cám ơn, khẳng định việc tạo điều kiện cho Yamada được tự do buôn bán(7).

Dựa vào uy tín của mình, Yamada còn can dự vào nhiều hoạt động chính trị trên đất Siam. Khi vua Song Tham ốm nặng, nhà vua muốn con trai 15 tuổi kế ngôi nhưng vị hoàng tử này không được nhiều người yêu mến. Vì vậy, viên đại thần Oakya Sri Voravong đã lập kế hoạch nhằm đưa hoàng tử Pra Chetthathirat lên ngôi. Ông đã đề nghị Oakya Senapimuk (Yamada) cùng hợp tác ủng hộ cho vị hoàng tử này. Thực hiện kế hoạch đó, Yamada đã ra lệnh cho 600 võ sĩ vào chiếm giữ hoàng cung đồng thời Oakya Sri Voravong cũng đưa 14.000 lính Siam đến gây áp lực. Vua Song Tham qua đời ngày 12 – 12 – 1628 và mặc nhiên, trước áp lực của phe đối lập, Pra Chetthathirat đã được đưa lên ngôi. Sau khi Chetthathirat giành được ngôi báu, em trai của vua Song Tham là Pra Punpiseesin đã nổi dậy chống lại chính quyền. Nhưng do chưa được chuẩn bị đầy đủ, lực lượng nổi dậy đã bị trấn áp và bản thân Pra Punpiseesin cũng bị bắt và sát hại.

Qua những diễn biến chính trị trong nội bộ vương triều Siam, có thể thấy vai trò của Yamada là rất lớn. Và 2 năm sau, năm 1630 một sự biến chính trị khác lại diễn ra trên đất Thái. Theo bản báo cáo của Antonio Van Diemen gửi về Công ty Đông Ấn Hà Lan thì Oakya Senapimuk đã huy động 300 binh sĩ Nhật Bản cùng với 3.000 – 4.000 lính Siam đến Nokhon Si Thammarat bắt người đứng đầu chính quyền ở đây rồi giải về Ayutthaya. Ông cũng là người tham gia nhiều hoạt động quân sự ở Siam, bị trọng thương và qua đời năm 1630, lúc 50 tuổi.

Sau khi Yamada (Oakya Senapimuk) qua đời, con trai ông là Oakhun Senapimuk tuy mới 18 tuổi nhưng đã tiếp tục sự nghiệp của cha cai quản vùng Nakhon Si Thammarat. Đến cuối những năm 1630, trước những biến động xã hội, nhiều người Nhật ở Campuchia đã trở về Siam và hoà nhập với khối Nhật kiều sống tại Ayutthaya. Trong thời gian đó, khu định cư của người Nhật bị cháy. Ngoài những thiệt hại về nhà cửa, vụ cháy đã thiêu trụi 7.000 tấm da hươu, 2.000 tấm da cá sấu và nhiều tài sản có giá trị khác.

Trong quá trình hướng về thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản đã sớm thiết lập quan hệ với vương quốc Siam và duy trì thường xuyên những liên hệ ngoại giao, kinh tế với nước này. Những năm 1604 – 1616, có 36 thuyền Châu ấn của Nhật Bản được cử đến Siam. Về phần mình, triều đình Ayutthaya cũng luôn coi trọng quan hệ với Nhật Bản. Vào thời kỳ trị vì của vua Song Tham, số Nhật kiều sinh sống ở Ayutthaya có khoảng 1.500 người. Để có thể chủ động trong công việc buôn bán với nước sở tại, nhiều người Nhật đã định cư lâu dài và có quan hệ hết sức mật thiết với cư dân bản địa. Trong số những Nhật kiều đó cũng có những người vượt biển trái phép và cả các tín đồ Cơ Đốc giáo. Do số người Nhật đến sinh sống ở Siam ngày một tăng lên nên cộng đồng Nhật kiều ở Ayutthaya cũng được củng cố và tổ chức chặt chẽ. Họ sống thành từng nhóm gần kinh đô Ayutthaya, nơi tụ cư đông nhất gọi là Nihon machi (Phố Nhật). Người Nhật tự lựa chọn ra những người lãnh đạo để điều hành hoạt động chung của toàn thể cộng đồng. Khu định cư của người Nhật ở vùng cửa sông Chao Phraya, gần kề với thương quán của Hà Lan và Bồ Đào Nha giáp với khu vực kinh đô. Theo mô tả của E. Kaempfer, một bác sĩ người Đức làm việc cho Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đến Ayutthaya năm 1690, thì ở sông Chao Phraya có khu định cư của người Nhật và Hà Lan nhưng khu Nhật kiều nằm ở vùng hạ lưu (8).

Nhưng đến năm 1632, thời vua Prasat Thong, nhiều kiều dân Nhật Bản đã bị tàn sát.

Lo sợ bị giết hại, không ít Nhật kiều đã phải trở về nước. Chính sách bài thị Nhật kiều của chính quyền Siam vô hình chung đã tạo nên những điều kiện thuận lợi nhất định cho việc khẳng định vị trí thương mại của nhiều thương nhân ngoại quốc khác trong đó đặc biệt là giới Hoa thương vốn đã từ lâu sinh sống ở Siam.

Trong thời gian 1633 – 1636, chính quyền Edo từng bước thực thi chính sách đóng cửa nhưng quan hệ giữa Nhật Bản với Đông Nam Á vẫn được duy trì. Mặc dù các thuyền Châu ấn không được phép đi ra nước ngoài nhưng thuyền buôn của Trung Quốc, Hà Lan… vẫn có thể thông thương với Nhật Bản. Do nằm ngoài trọng tâm của chính sách toả quốc nên khi nguồn hàng nhập trực tiếp từ Nhật Bản bị đình trệ, Siam đã chủ động cử nhiều đoàn thương thuyền đến Nagasaki. Trong vòng 53 năm (1647 – 1700), có tổng cộng 130 thuyền buôn của Siam đến Nhật Bản. Tính bình quân mỗi năm vẫn có hơn 2 thuyền của Siam chuyển hàng sang Nhật. Đến năm 1715, hàng năm vẫn có 1 thuyền của Siam sang Nhật. So với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, sự xuất hiện thường xuyên các thuyền buôn của Siam ở Nhật Bản trong thời kỳ toả quốc có thể coi là một hiện tượng dị biệt. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Nhật Bản cũng như bản tính chủ động, năng động của chính quyền và thương nhân Thái.

Việc chính quyền Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại với triều đình Siam thực sự là một thách thức đối với hoạt động kinh tế của Hà Lan cũng như thương nhân nhiều quốc gia khác. Sau nhiều nỗ lực, năm 1608 Hà Lan cũng đã thiết lập được thương quán ở Siam. Nhận rõ khả năng thương mại của Nhật Bản và những trở ngại chắc chắn sẽ gặp phải trên thị trường Siam, năm 1629, Joost Schouten đại diện thương quán Hà Lan đã viết thư gửi cho Toàn quyền ở Batavia như sau: “Hầu như năm nào cũng vậy, đều có một hoặc hai thuyền Nhật Bản đến Ayutthaya, ngoài ra còn có thuyền của opra (okphra) – người đứng đầu khối kiều dân Nhật định cư ở đây, để bảo vệ các thuyền đó chống lại bọn cướp. Do được triều đình Siam tạo những điều kiện thuận lợi mà opra đã trở nên rất giàu có với nhiều quyền lực. Ông ta cho rằng sẽ cử thuyền đem theo 1.000 piculs (khoảng 56,8 tấn) gỗ sapan cùng 500.000 tấm da hươu đến Nhật Bản trong năm nay để thu lợi nhuận cho mình cũng như các bạn buôn. Nếu ông ta thành công trong vụ làm ăn này, thì không chỉ cư dân ở đây giành được ưu thế trong quan hệ thương mại mà những nỗ lực của Hà Lan nhằm củng cố quan hệ với Siam cũng sẽ bị tổn thương”(9).

Người đứng đầu khối kiều dân Nhật Bản được đề cập trong bức thư trên đây chính là Yamada Nagamasa. Do có tài kinh doanh, khả năng chỉ huy quân sự và năng lực chính trị ông đã được các vua Siam sủng ái, được phong nhiều tước vị cao của triều đình. Vào đầu thế kỷ XVII, nhờ có vai trò nhất định của ông mà Nhật Bản đã thiết lập được quan hệ ngoại giao chính thức với triều đình Siam. Là những thị trường giàu tiềm năng, quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nhật – Siam luôn gắn bó chặt chẽ với quan hệ thương mại.

Cũng theo báo cáo của Schouten viết năm 1629 thì quan hệ thương mại của Nhật Bản ở Siam giành được nhiều lợi nhuận hơn so với Hà Lan. Ngoài việc mua bán trực tiếp ở thị trường Siam, các thương nhân Nhật Bản còn tìm được nhiều loại hàng hoá quý hiếm của một số nước trong khu vực, luôn bán được giá cao trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, nếu không có các thương nhân giàu kinh nghiệm hoạt động ở Siam đặc biệt là vai trò của Yamada thì Nhật Bản khó có thể mua được da hươu và một số đặc sản khác.

Nhờ giành được độc quyền trong một số lĩnh vực kinh tế mà hoạt động thương mại của Nhật Bản luôn thu được lợi nhuận cao.

Sau khi Nhật Bản đóng cửa đất nước, Hà Lan lại phải cạnh tranh với các thương nhân Trung Hoa để giành chiếm thị trường Siam cũng như con đường vận chuyển hàng hoá đến Nhật Bản. Do vẫn được phép duy trì quan hệ với Nhật Bản mà nhiều thuyền buôn Trung Quốc, ngoài việc tiến hành các hoạt động buôn bán với các quốc gia Đông Nam Á, còn chở hàng trực tiếp từ Ayutthaya đến Nagasaki. Theo ghi chép của Hà Lan, trong thời gian 1651 – 1686 có 103 thuyền buôn Trung Quốc đến Nhật Bản. Hàng nhập từ Siam đến Nhật Bản vẫn chủ yếu là các sản phẩm da thú, gỗ quý, gỗ nhuộm vải, đường, hạt tiêu, trầm, san hô cùng nhiều sản phẩm của khu vực Nam Á. Chỉ riêng năm 1653 các thuyền buôn Trung Quốc đã đem 6.322 bộ da hươu đến Nhật Bản và năm 1654 là 17.800 bộ.

Theo Kai hentai, một bộ sử có giá trị viết về quan hệ giữa Trung Quốc với các nước giai đoạn 1644 – 1728, thì từ năm 1687 đến 1728 có 236 thuyền buôn Đông Nam Á đến Trung Quốc. Trong số đó, thuyền của Hoa thương đến từ Quảng Nam là nhiều nhất, tiếp đến là từ Siam 48 chiếc. Thuyền đến từ Siam thường có trọng tải lớn hơn nhiều so với các thuyền buôn Đông Nam Á khác(10). Ngoài hàng hoá, mỗi thuyền còn chở được khoảng trên 100 người. Khi đi ra nước ngoài nhiều thuyền còn có cả sự tham gia của các quan chức ngoại giao. Trong thời gian từ 1687 đến 1728 có 29 trong tổng số 48 chuyến thuyền của nhà vua đã được phái đến Trung Quốc và rất có thể nhiều thuyền trong số đó đã đến Nhật Bản.

Những năm 1660, khối Nhật kiều ở Siam vẫn đóng vai trò tích cực nhất định trong việc duy trì quan hệ giữa Siam với Nhật Bản. Năm 1668, hai thuyền buôn đã đến Nagasaki và một số thương gia Thái đã đem theo trầm, san hô và tiền bạc của ba người Nhật sống ở Siam gửi về cho gia đình của họ 

Sau khi lệnh toả quốc được ban hành, do không thể trở về tổ quốc nhưng nhờ có tri thức và kinh nghiệm buôn bán, lại thông thuộc thị trường và các tuyến giao thương trên biển nên nhiều thương nhân Nhật Bản sống ở Siam vẫn tiếp tục tham gia vào các hoạt động kinh tế giữa các nước trong khu vực. Theo quan sát của Engelbert Kaempfer, vào năm 1690 trên chuyến tàu buôn của Công ty Đông Ấn từ Batavia đến Ayutthaya đã có một người Nhật tên là Hanjemon đi cùng. Theo ông, đó là một người trung thực, cần cù, nói thạo tiếng Hoa, Malayu, Thái và Việt ngữ gồm cả tiếng Đàng Trong và Đàng Ngoài(11). Qua mô tả của E. Kaempfer, có thể thấy Hanjemon là một người trải nghiệm và chắc chắn ông đã tham gia nhiều thương vụ ở các cảng phía Nam Trung Quốc cũng như Đông Nam Á.

Kimura Hanjemon đã sống ở Ayutthaya nhiều năm. Bản thân ông có quan hệ khá mật thiết với thương nhân Hà Lan và là người cung cấp da hươu cho Công ty Đông Ấn ở thị truờng Siam. Vào năm 1633, ông đã từng cung cấp 3.000 bộ da hươu. Năm 1642, Hanjemon trở thành người đứng đầu cộng đồng Nhật kiều trên đất Thái. Tuy không thể trở về nước nhưng bản thân ông vẫn có nhiều bà con sống ở Nagasaki. Trong điều kiện cách biệt, ông vẫn nỗ lực để duy trì quan hệ kinh tế giữa Siam với Nhật Bản cũng như các thương cảng khác trong khu vực. Có thể coi Kimura Hanjemon là một trường hợp điển hình về tinh thần kiên trì của các thương nhân Nhật Bản sống ở Siam sau khi Nhật Bản thực thi chính sách toả quốc.

Tuy đã căn bản giành được thế chủ động ở thị trường Siam nhưng những năm 1641-1645, trong số 11 tàu buôn của Công ty Đông Ấn Hà Lan từ Batavia đến Nagasaki chỉ có 1 tàu ghé qua Ayutthaya còn hầu hết các chuyến tàu khác đều dừng lại ở Đài Loan để cất thêm hàng hoặc bán một phần hàng hoá. Sau khoảng thời gian đó, do đã đạt được thoả thuận với vua Prasat Thong trong việc cho tàu đến mua da động vật nên hàng năm Hà Lan đã cử 2 hoặc 3 chuyến tàu đến Ayutthaya để lấy hàng rồi mới nhổ neo đi Nagasaki. Nhưng từ năm 1652, do triều đình Siam chủ trương giành độc quyền về ngoại thương nên hàng năm chỉ có 1 tàu buôn Hà Lan được phép đến Siam. Thêm vào đó, những hàng hoá mà thương nhân Hà Lan tiêu thụ ở thị trường Nhật Bản luôn gặp phải sự cạnh tranh của Hoa thương. Về sau, để tăng nguồn thu và cải thiện quan hệ ngoại giao, một số thuyền buôn của chính quyền Siam đã chủ động đem hàng đến Nhật Bản.

Thời vua Prasat Thong (1630 – 1655), triều đình Siam đã cử hai đoàn ngoại giao đến Nhật Bản nhưng Mạc phủ đã không chấp nhận các phái đoàn này. Lý do đưa ra là, vua Prasat Thong đã tiếm quyền, điều đó là trái với đạo lý truyền thống và kẻ tiếm quyền cần phải bị trừng phạt. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước Nhật – Siam vẫn tiếp tục được duy trì. Nhìn chung, hàng năm thuyền buôn của Siam vẫn đến Nhật Bản để mua về: vàng, bạc, đồng, tranh tường, trà… Nhưng cũng từ thời gian đó quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phụ thuộc vào vai trò của Hà Lan và Hoa kiều. Các tàu buôn Hà Lan và thuyền mành Trung Hoa trở thành trung gian vận chuyển hàng hoá trên tuyến thương mại Siam – Nhật. Đến thời cầm quyền của vua Narai (1656 – 1688), Siam đã thiết lập được quan hệ với nhiều nước trong khu vực. Khả năng thương mại của nước này dựa chủ yếu vào việc khai thác tiềm năng của tự nhiên như: da động vật, gỗ quý, chì, thiếc, sừng tê, tổ yến… Những loại hàng hoá đó đã được sử dụng để đổi lấy bạc, đồng và nhiều mặt hàng xa xỉ khác của Nhật Bản; kẽm, tơ lụa, gốm sứ của Trung Quốc và vải bông, tơ lụa của vùng Nam Á.

Trong quan hệ với vương quốc Siam, ngoài các thương nhân Đông Nam Á và phương Tây, nhiều đoàn thuyền buôn của các nước Nam Á và khu vực Trung Đông cũng đã đến Ayutthaya để cất hàng. Mặc dù nhận được những điều kiện thuận lợi nhưng tất cả các thương thuyền đều phải chịu sự kiểm soát và nộp thuế cho chính quyền Siam. So với các thương nhân ngoại quốc, giới Hoa thương luôn giành được nhiều đặc quyền và chỉ phải nộp một mức thuế ưu đãi. Trên thương trường, các kim loại quý của Nhật Bản như bạc và đồng vẫn được  nhiều nước ưa chuộng. Nhờ vẫn duy trì được quan hệ với Nhật Bản mà thương nhân Hà Lan, Trung Hoa… đã thu được nhiều nguồn lợi lớn. Để giành độc quyền, Hà Lan muốn kiềm chế tham vọng của chính quyền Narai trong quan hệ với Nhật Bản thông qua hoạt động của thương nhân Thái và Trung Hoa trong khi đó, chính quyền Ayutthaya vẫn muốn giành quyền chủ động trong việc xuất khẩu da hươu và gỗ nhuộm vải sang thị trường Nhật Bản.

Đến cuối thế kỷ XVII, trong điều kiện chính trị tương đối ổn định, Mạc phủ Edo đã phần nào nới lỏng chính sách toả quốc và cho phép một số thương thuyền các nước đến buôn bán. Theo Kojiran, một cuốn sách cổ ghi lại nhiều hoạt động thương mại của Nhật Bản thời Edo, thì thuyền buôn của Siam đã đến Nhật Bản sáu lần vào các năm: 1680, 1687, 1693, 1716, 1718 và 1745. Trên những chuyến đi biển xa, chính quyền Siam thường phải sử dụng nhiều thuỷ thủ Hoa kiều. Năm 1678, vương triều Siam lại nổ ra một cuộc chính biến, Faulkon một quan lại cao cấp bị giết hại. Trước sự đe doạ về tính mạng, gia đình ông phải trốn trong nhà vị thuyền trưởng người Nhật tại khu Nhật kiều. Đây có thể coi là sự kiện cuối cùng về sự tham gia của người Nhật vào các hoạt động chính trị ở Siam. Tuy nhiên, trong những năm 1692-1697, vua Siam là Phetracha (1688-1703) vẫn cử nhiều thuyền buôn sang các nước châu Á. Riêng năm 1692, có 1 thuyền đến Trung Quốc và 4 thuyền hướng về vùng biển Nhật Bản. Năm 1697, nhà vua lại phái 2 thuyền đến Nhật Bản chở theo 10.000 bộ da thú. Năm 1699, vua Phetracha và hoàng tử Sorasak lại phái 1 thương thuyền mang theo nhiều sản vật nổi tiếng: gỗ quý, thiếc, đường, lụa và 8.000 bộ da động vật sang trao đổi ở Nagasaki(12).

Các thuyền của Siam buôn bán với Nhật Bản trên đường trở về thường dừng lại ở một vài cảng Trung Quốc để bán đồng và một phần hàng hoá của Nhật đồng thời cất thêm tơ lụa…

Bước sang thế kỷ XVIII, dưới thời vua Thaisra (1708 – 1732) vai trò thương mại của người Nhật ở Ayutthaya ngày càng suy giảm. Ngoài những tác động của tình hình thương mại khu vực và quốc tế thì sự suy thoái đó còn xuất phát từ chính những hoạt động kinh tế và biến đổi của cộng đồng Nhật kiều trên đất Thái. Do không thể duy trì những liên hệ trực tiếp với tổ quốc và bị cắt rời khỏi dòng mạch kinh tế trọng yếu, người Nhật bị mất dần đi vai trò kinh tế và chính trị của mình. Sau hơn 1 thế kỷ định cư, thế hệ những người Nhật đầu tiên đến làm ăn, sinh sống ở Siam hầu hết đã qua đời, con cháu họ kết hôn với người Thái và hoà nhập vào cuộc sống chung của cư dân bản địa. Sự cố kết cộng đồng, đặc tính Nhật Bản trong các hoạt động xã hội và kinh tế vì thế mà cũng dần trở nên phai nhạt.

Năm 1717, trong bối cảnh quan hệ Nhật – Siam đã suy yếu, khi xác lập quan hệ ngoại giao với Tây Ban Nha, vua Siam Somdet Prachao Thaisra (1708 – 1732) đã quyết định cấp vùng đất cửa sông Chao Phraya, trên đó có khu định cư của người Nhật cho Tây Ban Nha.

Nhiều gia đình người Nhật và hợp hôn Nhật – Thái đã phải chuyển đến địa bàn khác sinh sống. Từ đó, hoạt động thương mại của Nhật kiều ở vương quốc Siam hoàn toàn dựa vào chính sách của triều đình Siam cũng như tình hình chính trị Thái Lan.

Sau một thời kỳ gián đoạn, vào thế kỷ XIX quan hệ giữa hai nước Nhật Bản – Siam lại được phục dựng với một nội dung và tính chất mới.

Chú thích:

1. Atsushi Kobata – Mitsugu Matsuda, Ryukyuan Relations with Korea and South Sea Countries, Kawakita Printing Co., Ltd, Kyoto, Japan, 1969. 2. Dhiravat Na Pombejra, Crown Trade and Court Politics in Ayutthaya during the Reign of King Narai (1656-1688), The Southeast Asian Port and Polity, J.Kathirithamby-Wells – John Villiers (Ed.), Singapore University Press, p.128.

3. Yoneo Ishii, Religious Patterns and Economic Change in Siam in the Sixteenth and Seventeenth Centuries, in Southeast Asia in the Early Modern Era, Anthony Reid (Ed.), Cornell University Press, 1993, p.193.

4. Ernest Satow, The Thai Collection of Historical Data: Somdet Pra Noprarat Wat Pracheputon, Kang Vitaya Publishing, Bangkok, 1964, p.103.

5. Iwao Seiichi, Historical Verhale Van Siam 1640, The Tokyo Bunko Publications, Tokyo, 1959, p.22.

6. Dẫn theo Nuntana Kapilakanchana – Phuangphet Suratanakawikun – Supatra Nilwatchala, The Relationship between Japan and Thailand 1932-1945, Japan Foundation, Chulalongkorn University, 1978, p.11.

7. N. Kapilakanchana .., The Relationship between Japan and Thailand 1932 – 1945, p.13.

8. Engelbert Kaempfer, The History of Japan together with a Description of the Kingdom of Siam (1690 – 1692), Glasgow – James Maclehose and Son, 1971, p.51.

9. Nagazumi Yoko, Ayutthaya and Japan: Embasies and Trade in the Seventeenth Century, in Kennon Breazeale: From Japan to Arabia: Ayutthaya’s Maritime Relation with Asia, Toyota -Thailand Foundation, p. 96.

10. Có thể tham khảo thêm Yoneo Ishii, The Junk Trade from Southeast Asia – Translation from the Tosen Fusetsu-gaki, 1674-1723, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1998.

11. Engelbert Kaempfer, The History of Japan together with a Description of the Kingdom of Siam (1690 – 1692), p.15.

12. Dhiravat Na Pombejra, Ayutthaya at the End of the Seventeenth Century: Was There a Shift to Isolation, in Southeast Asia in the Early Modern Era, Anthony Reid (Ed.), Cornell University Press, 1993, p.263.

Nguồn bài đăng

 

Bình luận về bài viết này