Bàn về Khởi nghĩa Tây Vu Vương

Ảnh : Trần Việt Bắc ( phỏng theo sử liệu )

Ảnh : Trần Việt Bắc ( phỏng theo sử liệu )

Đặng Thanh Bình

Một số sử gia xác quyết rằng: Tại Giao Chỉ và Cửu Chân vào năm 111Tcn, xảy ra cuộc nổi dậy của nhân dân, chống lại sự xâm lược của nhà Tây Hán, do thủ lĩnh Tây Vu lãnh đạo. Nhà sử học Trần Quốc Vượng còn cho rằng: Tây Vu Vương đã thiết lập được một thái ấp hay chính quyền tại Cổ Loa. Căn cứ để khẳng định điều này là dựa vào câu: “Viên tả tướng của Âu Lạc cũ là Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương” được chép trong Sử ký cũng như Hán thư và câu: “Quận Giao Chỉ, có chín vạn hai ngàn bốn trăm bốn chục hộ, bảy mươi tư vạn một ngàn hai trăm ba mươi bảy khẩu. Có mười huyện: Liên Thổ; An Định; Câu Lậu; Mi Linh; Khúc Dương; Bỉ Đái; Kê Từ; Tây Vu; Long Biên; Chu Diên” được chép trong Hán thư.

Thế nhưng khi xem xét lại thì chúng ta thấy những nghi vấn sau:

  1. Sử ký chép: “Quân của Qua thuyền tướng quân – Hạ lệ tướng quân và quân của nước Dạ Lang mà Trì Nghĩa Hầu đem đi chưa xuống đến nơi thì đã bình nước Nam Việt rồi. Bèn đặt thành chín quận. Từ lúc quan Úy tên là Đà làm vua về sau là năm đời được chín mươi ba năm thì mất nước”.

Như vậy là theo như Sử ký chép thì, chia nước Nam Việt thành chín quận, nhưng không cho biết tên của chín quận này. Trong khi đó;

Hán thư chép: “Mùa xuân năm Nguyên Đỉnh thứ sáu (năm 111Tcn), nhà vua đến làng Tân Trung huyện Cấp, lấy được đầu của Lữ Gia, do đó đặt ra huyện Hoạch Gia. Quân của Trì Nghĩa Hầu chưa kịp xuống đến nơi, nhà vua bèn sai đánh người Di miền tây nam, dẹp được chúng. Rồi đặt nước Việt thành các quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đam Nhĩ”.

Như vậy theo như Hán thư chép thì, nước Việt cũng được chia thành chín quận, đồng thời còn cho biết tên của chín quận ấy.

Trong khi đó, Sử ký được Tư Mã Thiên soạn từ năm 109Tcn đến năm 91Tcn, còn Hán thư được Ban Cố soạn từ năm 58 đến năm 62. Như thế, cho thấy 2 tác phẩm này cách nhau khoảng 150 năm. Một điều cần hết sức lưu ý là, sự kiện nam chinh của Mã Viện kết thúc năm 43, đánh dấu việc thực tế Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thuộc nhà Hán, diễn ra trước khi Hán thư được soạn.

Như đã thấy, Hán thư đã làm rõ hơn tên của chín quận, nhưng tên của chín quận mà Hán thư đã kể, có phải là tên của chín quận ở thời điểm năm 111Tcn. Tên của chín quận mà Tư Mã Thiên biết nhưng không ghi trong Sử ký có trùng với tên của chín quận mà Ban Cố viết trong Hán thư.

Hãy xem những bằng chứng sau đây để thấy rõ:

Sử ký chép: “Năm thứ ba mươi ba(năm 214Tcn), phát những kẻ từng trốn tránh, ở rể, nhà buôn đi cướp lấy đất Lục Lương, đặt thành các quận Quế Lâm, Tượng, Nam Hải đem lính thú đến giữ”.

Hán thư chép: “Năm Nguyên Phượng thứ năm(năm 76Tcn), mùa thu, bỏ quận Tượng, chia gộp vào các quận Uất Lâm, Tang Kha”.

Như vậy là tới năm 76Tcn, tức là sau Tư Mã Thiên soạn xong Sử ký 16 năm, quận Tượng vẫn tồn tại, trong khi chín quận được Hán thư viết đến, không có tên quận này. Điều này chứng tỏ: Tên chín quận mà Hán thư đã kể, không phải là tên chín quận ở thời điểm 111Tcn. Tuy nhiên điều này chỉ cho phép chúng ta nghi ngờ thời điểm Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thuộc Hán, chứ không cho phép chúng ta khẳng định.

  1. Về sự kiện Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương, thì:

Trong Sử ký phần Nam Việt Úy Đà liệt truyện không hề có bất cứ ghi chép nào về sự kiện này, tuy nhiên có ghi chép sự kiện Cư Ông dụ dân Âu Lạc, thậy vậy, Sử ký chép: “Quan Giám quận Quế Lâm của nước Nam Việt tên là Cư Ông dụ người Âu Lạc theo nhà Hán”. Trong khi đó;

Hán thư chép: “Tương Thành Hầu làm chức Giám tên là Cư Ông trước làm chức Quế Lâm Giám [quan giám sát quận Quế Lâm của nước Nam Việt ngày trước] nghe tin quân Hán phá thành Phan Ngu, dụ hơn bốn mươi vạn dân Âu Lạc hàng nhà Hán, phong tước Hầu, thực ấp tám trăm ba mươi hộ. Ngày nhâm thân tháng năm [năm Nguyên Đỉnh thứ sáu thời Vũ Đế (năm thứ 111 trước Công nguyên)] phong” và “Hạ Phu Hầu Tả tướng Hoàng Đồng làm Tả tướng của Âu Lạc ngày trước chém Tây Vu Vương, có công phong tước Hầu, thực ấp bảy trăm hộ. Ngày đinh dậu tháng tư [năm Nguyên Phong đầu tiên thời Vũ Đế (năm thứ 110 trước Công nguyên)] phong”.

Như vậy, theo Hán thư thì, công lao của Cư Ông và Hoàng Đồng, cũng tương đương nhau mà thôi. Thế nhưng, tại sao Sử ký lại chỉ nhắc tới sự kiện Cư Ông dụ người Âu Lạc, mà lại không nhắc tới sự kiện Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện. Một lưu ý nữa cần chú ý là, năm Cư Ông được phong hầu là năm 111Tcn, tức là sau khi nhà Hán diệt Nam Việt, còn Hoàng Đồng thì được phong hầu năm 110Tcn, tức là sau khi nhà Hán thôn tính Mân Việt. Nếu Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương năm 111Tcn, ở Giao Chỉ(Nam Việt) thì hẳn là ông phải được phong hầu cũng năm với Cư Ông.

Sử ký chỉ cung cấp cho chúng ta thông tin về sự kiện Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương trong phần biểu, thật vậy, Sử ký – Kiến Nguyên dĩ lai hầu giả niên biểu chép: “Hạ Li Hầu vì làm Tả tướng của nước Âu Lạc chém Tây Vu Vương có công được phong hầu”.

Trong khi Hán thư cung cấp thông tin cho chúng ta không chỉ trong phần biểu,  Hán thư – Cảnh Vũ Chiêu Tuyên Nguyên Thành công thần biểu chép: “Hạ Phu Hầu Tả tướng Hoàng Đồng làm Tả tướng của Âu Lạc ngày trước chém Tây Vu Vương, có công phong tước Hầu, thực ấp bảy trăm hộ. Ngày đinh dậu tháng tư [năm Nguyên Phong đầu tiên thời Vũ Đế (năm thứ 110 trước Công nguyên)] phong. Hạ Phu Hầu tên Phụng Hán nối nghiệp, ba năm sau, phạm tội chửi rủa Nhà vua, bắt chém ngang lưng. Huyền tôn ở quận Nam Dương”.

Mà còn trong cả phần truyện, nhưng điều thú vị lại nằm trong chính thông tin mà phần truyện này cung cấp, Hán thư – Mân Việt truyện(Tây Nam Di-Lưỡng Việt-Triều Tiên truyện) chép: “Kịp lúc đó tướng của nước Đông Việt là Đa Quân, nghe tin quân Hán đến, bèn bỏ quân hàng, được phong làm Vô Tích Hầu. Có viên tướng của nước Âu Lạc là Tả Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương, được phong làm Hạ Phu Hầu”.

Theo như thông tin trên mà Hán thư chép, thì sự kiện Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương xảy ra tại Mân Việt vào năm 110Tcn, chứ không phải tại Giao Chỉ năm 111Tcn.

Tổng kết: Như vậy là có cơ sở để khẳng định, sự kiện Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương xảy ra tại Mân Việt vào năm 110Tcn, đồng thời khẳng định không có cuộc khởi nghĩa Tây Vu Vương nào ở Giao Chỉ, Cửu Chân vào năm 111Tcn.

ÂU LẠC VÀ TÂY ÂU TRONG SỬ KÝ

  1. Âu Lạc

Sử ký – Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Thái sử công nói: Quan Úy tên là Đà làm vua vốn bắt nguồn từ Nhâm Ngao. Gặp lúc nhà Hán mới định, được xếp vào bậc chư hầu. Long Lư Hầu gặp khí ướt bệnh, cho nên Đà được thế càng kiêu. Người Âu Lạc đánh nhau làm nước Nam Việt dao động. Quân Hán vào cõi thì Anh Tề vào chầu. Sau đó mất nước là có gốc từ người con gái họ Cù; Lữ Gia giữ lòng trung nhỏ mọn, khiến cho Đà không còn dòng dõi. Lâu thuyền tướng quân theo ý muốn riêng mà khinh nhờn lầm lỗi; Phục ba tướng quân bị khốn cùng mà tỏ rõ trí khôn, biến họa thành phúc. Sự biến chuyển của thắng thua ví như tơ vò”.

Như vậy thì, căn cứ vào mạch truyện, Âu Lạc trong câu “Người Âu Lạc đánh nhau làm nước Nam Việt dao động” là chỉ Mân Việt.

Hán thư – Nam Việt truyện chép: “Vả lại đất phía nam ẩm ướt, ở giữa Man Di, phía tây có nước Tây Âu, dân chúng ở đây nửa yếu, ngoảnh mặt về phía nam xưng Vương; phía đông có nước Mân Việt, dân chúng ở đây có vài nghìn người, cũng xưng Vương; phía tây bắc có nước Trường Sa, dân chúng của nước ấy một nửa là người Man Di, cũng xưng Vương. Lão phu tự ý hiệu xưng Đế, để tự làm vui. Lão phu tự dẹp yên đất của trăm ấp, phía đông, tây, phía nam, bắc có mấy vạn, mấy nghìn dặm, quân mang giáp có hơn trăm vạn, nhưng ngoảnh mặt về phía bắc mà xưng thần theo nhà Hán, vì sao vậy ? Là vì không dám quên việc của người trước”.(Thư gửi Hán Văn Đế của Triệu Đà).

Sử ký – Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Lục Giả đến nước Nam Việt, Đà sợ lắm, soạn thư tạ lỗi nói rằng: “Thần là kẻ già cả người Man Di tên là Đà. Ngày trước Cao Hậu ngăn cách nước Nam Việt, thần trộm ngờ vua nước Trường Sa gièm thần, lại nghe đồn rằng Cao Hậu giết hết họ hàng, đào đốt mộ tổ tiên của Đà, ho nên tự ý đánh vào biên giới nước Trường Sa. Vả lại miền nam ẩm thấp, người Man-Di ở giữ, phía đông có nước Mân Việt có ngàn người hiệu xưng làm vương, phía tây có nước Âu Lạc là nước của dân cởi trần mà cũng xưng vương. Kẻ bầy tôi già này tự trộm xưng hiệu đế là tạm để tự làm vui, há dám để vua trên nghe nói đến sao!”. Lại rập đầu tạ tội, nguyện mãi làm bầy tôi phên dậu, vâng chức cống”.

Như vậy thì, Tư Mã Thiên đã đổi Tây Âu(của Triệu Đà) thành Âu Lạc. Nên Âu Lạc trong câu “phía tây có nước Âu Lạc là nước của dân cởi trần mà cũng xưng vương” là chỉ Tây Âu.

Sử ký – Kiến Nguyên dĩ lai hầu giả niên biểu chép: “Hạ Li Hầu vì làm Tả tướng của nước Âu Lạc chém Tây Vu Vương có công được phong hầu”.

Như phần trên chúng ta đã chứng minh sự kiện này xảy ra tại Mân Việt, nên Âu Lạc trong câu này có thể là chỉ Mân Việt hoặc có thể là chỉ Nam Việt.

Tổng kết: Như vậy là Âu Lạc trong Sử ký được sử dụng để chỉ vùng rộng lớn gồm: Mân Việt, Tây Âu, Nam Việt. Chúng ta có thể mở rộng: Âu Lạc là chỉ vùng rộng lớn, mà nhà Tần đã sai Đô Thư đem 50 vạn quân đi xâm chiếm.

  1. Tây Âu

Hoài nam tử chép: “Truyện xưa viết: “Nhà Tần vong, tại sao vậy”. Nguyên nhân là sai Mông công (Mông Điềm) và Tương ông đưa 50 vạn quân xây trường thành.  Phía tây thì chiếm Lưu Sa, phía bắc thì đánh Liêu, phía đông thì liên kết với Triều Tiên, các quận của Trung quốc phải kéo xe đi chinh chiến. Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thúy, trân châu, nên sai quan úy là  Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo đi xâm chiếm (Bách Việt). Một đạo đóng ở Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở Cửu Nghi là chỗ hiểm yếu, một đạo đóng ở Phiên Ngung làm đô thành, một đạo đóng ở Nam Dã là nơi biên giới, một đạo đóng ỡ sông Dư Can. Ba năm quân không cởi giáp, lúc nào cũng phải mang theo cung nỏ. Sử Lộc không tìm được hướng (để tiến quân), mới tuyển lính đào kinh để chuyển binh lương đánh người (Bách) Việt, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Vì vậy người (Bách) Việt  vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Ho kén chọn ngưòi tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần,  đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn”.

Chúng ta biết rằng: Đàm Thành là một huyện của quận Vũ Lăng, Cửu Nghi là một vùng núi ở quận Linh Lăng, Phiên Ngung thuộc quận Nam Hải, Nam Dã là một huyện của quận Dự Chương, Dư Hãn(Dư Can) là một huyện của quân Dự Chương (theo Hậu hán thư). Và kênh Linh Cừ chảy theo hướng đông sang tây, nối Tương Giang (một chỉ lưu của sông Dương Tử) với Ly Giang (một chỉ lưu của sông Tây Giang).

Như vậy: Hầu hết các đạo quân Tần đều đóng ở khu vực rặng núi Ngũ Lĩnh.

Thêm vào đó, Hoài Nam Tử cũng cho chúng ta biết thêm, quân Tần đã giết được vua nước Tây Âu, tuy nhiên người Việt không chịu hàng, nên bầu thủ lĩnh mới và tiếp tục cuộc kháng chiến.

Sử ký chép: “Lại sai quan Úy là Đồ Thư đem quân thuyền lầu xuống phía nam đánh người Bách Việt, sai quan Giám tên là Lộc đào kênh chở lương, vào sâu đất Việt, người Việt bỏ trốn. Ngày dài chờ đợi, lương thực thiếu hết, người Việt ra đánh, quân Tần thua to. Nhà Tần mới sai quan Úy tên là Đà đem quân đến đóng ở đất Việt. Lúc bấy giờ, nhà Tần phía bắc gây họa binh đao với người Hồ, phía nam kết oán với người Việt, đóng quân ở đất vô dụng, tiến không được mà lui cũng không được. Trong hơn mười năm, đàn ông mặc giáp, đàn bà chuyển chở, khổ chẳng muốn sống, tự treo cổ trên cây bên đường, tuyệt vọng nhìn nhau. Đến lúc Tần Hoàng Đế băng, thiên hạ nổi lên chống” và “Năm thứ ba mươi ba (năm 214 TCN) phát những kẻ từng trốn tránh, ở rể, nhà buôn đi cướp lấy dất Lục Lương, đặt thành các quận Quế Lâm,  Tượng, Nam Hải, đem lính thú đến giữ”. 

Hán thư chép: “Năm Nguyên Phượng thứ năm(năm 76 TCN), mùa thu, bỏ quận Tượng, chia gộp vào các quận Uất Lâm, Tang Kha”.

Như vậy là theo như  Sử ký chép thì quân Tần chiếm được đất Lục Lương đặt ra ba quận là Quế Lâm, Tượng, Nam Hải. Cũng theo như Hán thư chép thì quận Tượng nằm giữa Uất Lâm và Tang Kha. Lại theo như Sử ký thì quân Tần đóng ở đất vô dụng, tiến không được mà lui cũng không được, như vậy là cuộc nam chinh của quân Tần dừng lại ở Tây Âu. Không có cơ sở để khẳng định, quân Tần tiến xuống Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.

Sử ký chép: “Hơn một năm thì Cao Hậu chết(năm 180Tcn), liền rút quân. Đà nhân đó đem quân uy hiếp nơi biên giới, dùng tiền của trao tặng cho vua các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc, bắt vua các nước ấy theo phục”.

Theo như Sử ký chép thì, vị thế của Tây Âu Lạc cũng tương tự như Mân Việt trong mối quan hệ với Nam Việt. Sử ký lại chép: “Đến năm Kiến Nguyên thứ sáu(năm 135Tcn), vua nước Mân Việt đánh nước Nam Việt”. Thông tin thú vị này cho thấy việc”bắt vua các nước ấy theo phục” dừng lại ở mức độ nào. Thực tế Mân Việt cũng như Tây Âu Lạc hoàn toàn độc lập với Nam Việt.

Một điểm cũng cần làm rõ ở đây là: nước Tây Âu Lạc được hiểu như thế nào? Ở phần trên chúng ta đã biết Âu Lạc là một vùng rộng lớn, bao gồm Mân Việt, Nam Việt, Tây Âu. Nên Tây Âu Lạc là Âu Lạc ở phía Tây hay chính là nước Tây Âu.

Thêm một sự kiện nữa, Sử ký chép: “Quan giám quận Quế Lâm của Việt tên là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán”. Sự kiện này củng cố việc Tây Âu hoàn toàn độc lập tới khi Hán diệt Nam Việt năm 111Tcn. Âu Lạc trong câu này là chỉ vùng Quế Lâm, có thể cả Tượng.

Tổng kết: Nhà Tần sai Đô Thư nam chinh, chiếm đất Lục Lương, đặt ba quận Nam Hải, Tượng, Quế Lâm. Quân Tần vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của người Tây Âu ở Quế Lâm và Tượng, sau khi Sử Lộc đào xong kênh Linh Cừ, quân Tần giết được quân trưởng và chiếm được đất của người Tây Âu, nhưng đó cũng là thời điểm bắt đầu nhà Tần bị sa lầy ở Tây Âu, cho tới khi diệt vong. Nam Việt hình thành sau đó, tồn tại song song và độc lập với Tây Âu cho tới khi nhà Hán thôn tính năm 111Tcn.

GIAO CHỈ, CỬU CHÂN, NHẬT NAM (CỔ VIỆT)

  1. Trong Sử ký

Sử ký không cung cấp bất kỳ thông tin nào về ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam(Cổ Việt). Chẳng hạn như:

Sử ký – Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Quân của Qua thuyền tướng quân – Hạ lệ tướng quân và quân của nước Dạ Lang mà Trì Nghĩa Hầu đem đi chưa xuống đến nơi thì đã bình nước Nam Việt rồi. Bèn đặt thành chín quận. Từ lúc quan  Úy tên là Đà làm vua về sau là năm đời được chín mươi ba năm thì mất nước”. Hay

Sử ký – Bình chuẩn thư chép: “Nhà Hán dùng binh ba năm liền (từ năm Nguyên Đỉnh thứ sáu đến năm Nguyên Phong thứ hai), đánh người Khương, diệt nước Nam Việt, từ thành Phiên Ngu về phía tây đến phía nam quận Thục đặt ra mười bảy quận mới tạm theo tục cũ của họ để trị, không thu tô thuế. Các quận Nam Dương-Hán Trung trở đi đều tùy theo gần quận mới nào mà cấp tiền lương, đồ dùng, đồ xe ngựa cho quan quân của quận mới đó”. Đáng chú ý nhất là:

Sử ký – Hóa thực liệt truyện chép: “Các quận Hành Sơn, quận Cửu Giang, đất Giang Nam, quận Dự Chương, quận Trường Sa, là miền Nam Sở. Tính nết người dân phần lớn giống người miền Tây Sở. Sau khi dời đô từ thành Dĩnh đến thành Thọ Xuân, cũng là một nơi đô hội. Mà huyện Hợp Phì hai phía nam, bắc kề sông là nơi tụ góp da thú, cá ướp, gỗ. Người dân có tính nết xen lẫn với người đất Mân Trung, Vu Việt. Cho nên người miền Nam Sở ưa biện luận, khéo nói mà kém tín. Miền phía nam sông Giang ẩm ướt, đàn ông chết sớm. Có nhiều tre, gỗ. Quận Dự Chương có vàng ròng; quận Trường Sa có quặng chì, thiếc, nhưng những thứ này có ít ỏi, thu lấy không đủ để bù phí tổn. Từ núi Cửu Nghi, quận Thương Ngô về phía nam đến quận Đam Nhĩ, tính nết người dân giống với phía nam sông Giang, mà có nhiều người Dương Việt. Thành Phiên Ngu cũng là một nơi đô hội, là nơi thu góp ngọc trai, sừng tê, đồi mồi, trái cây, vải”.

Rõ ràng, chúng ta có cơ sở để nghi ngờ Cổ Việt bị bắc thuộc, hay theo như Sử ký thì không có bằng chứng, chứng minh Cổ Việt bị bắc thuộc. Đó là ít nhất tới năm Tư Mã Thiên soạn xong Sử ký năm 91Tcn.

  1. Trong Hán thư

Khoảng 150 năm sau khi Sử ký hoàn thành, thì Hán thư cũng được viết. Chúng ta có thể dẫn ra những trích dẫn khá rõ ràng về Cổ Việt:

Hán thư chép: “Mùa xuân năm Nguyên Đỉnh thứ sáu (năm 111 TCN), nhà vua đến làng Tân Trung huyện Cấp, lấy được đầu của Lữ Gia, do đó đặt ra huyện Hoạch Gia. Quân của Trì Nghĩa Hầu chưa kịp xuống đến nơi, nhà vua bèn sai đánh người Di miền tây nam, dẹp được chúng. Rồi đặt nước Việt thành các quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đam Nhĩ”. Hay

Hán thư lại chép: “Tước hầu tên là (Cư) Ích Xương nối tước, đến năm Nguyên Phượng thứ tư (năm 54 TCN) mắc tội khi làm Thái thú Cửu Chân lén sai người ra mua tê ngưu, nô tì(người hầu gái), tôi tớ(người hầu trai) từ trăm vạn người trở lên, làm việc vô đạo, bị tội chết”.

Vậy là theo như Hán thư thì Cổ Việt thuộc Hán từ những năm 111Tcn, một sự kiện rất rõ ràng được biết tới ở Cổ Việt là Thái thú Cửu Chân tên Cư Ích Xương bị tội chết, năm Nguyên Phượng thứ tư (năm 54Tcn).

  1. Trong Thủy kinh chú

Thủy kinh chú do Lịch Đạo Nguyên viết cách Hán thư khoảng trên dưới 500 năm, tuy nhiên tác giả trích dẫn lại Giao châu ngoại vực ký, đã bị thất lạc, cách Hán thư khoảng trên dưới 300 năm.  

Giao châu ngoại vực ký chép: “Vua nước (Nam) Việt sai hai sứ giả trông coi dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân là Lộ Bác Đức đánh vua nước Việt, Lộ tướng quân đến quận Hợp Phố, vua nước Việt sai hai sứ giả đem một trăm con bò, một ngàn vò rượu cùng sổ hộ khẩu dân hai quận đến gặp Lộ tướng quân, bèn bái hai sứ giả làm Thái thú của hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, các Lạc tướng vẫn trị dân như cũ”.

Trong khi như Sử ký chép: “Mùa thu năm Nguyên Đỉnh thứ năm (năm 112 TCN), lấy Vệ úy là Lộ Bác Đức làm Phục ba tướng quân, xuất từ quận Quế Dương, xuống sông Hối; lấy Chủ tước đô úy là Dương Bộc làm Lâu thuyền tướng quân, xuất từ quận Dự Chương, xuống cửa Hoành Phố; hai người Việt ngày trước được phong làm Quy Nghĩa Hầu làm Qua thuyền tướng quân, Hạ lệ tướng quân, xuất từ quận Linh Lăng, có nguời xuống sông Li, có người đến nước Thương Ngô; sai Trì Nghĩa Hầu đem người có tội đất Ba-Thục đến phát quân của nước Dạ Lang, xuống sông Tang Kha. Đều hẹn gặp ở thành Phiên Ngu. 

Mùa đông năm Nguyên Đỉnh thứ sáu (năm 111 TCN), Lâu thuyền tướng quân đem quân mạnh đánh vào vách núi Tầm, phá cửa đá, lấy được thóc trên thuyền của người Việt, nhân đó lên phía trước, đánh gãy mũi nhọn của người Việt, đem vài vạn người đợi Phục ba tướng quân. Phục ba tướng quân đem kẻ có tội đi đường xa, hẹn gặp sau, rồi chỉ có mấy ngàn người hội với Lâu thuyền tướng quân, bèn cùng đi. Lâu thuyền tướng quân đi trước đến thành Phiên Ngu. Kiến Đức-Lữ Gia cùng giữ thành. Lâu thuyền tướng quân tự chọn chỗ lợi, đóng quân ở mé đông nam; Phục ba tướng quân đóng quân ở mé tây bắc. Kịp lúc trời tối, Lâu thuyền tướng quân đánh bại người Việt, phóng lửa đốt thành. Người Việt vốn nghe nói về tiếng tăm của Phục ba tướng quân, lại trời tối không biết quân kia nhiều hay ít. Phục ba tướng quân liền đóng trại, sai sứ giả đến gọi kẻ hàng đến, ban cho ấn, lại tha về sai dụ nhau. Lâu thuyền tướng quân ra sức đốt địch, quân địch quay lại vào trong trại của Phục ba tướng quân. Kịp lúc trời mờ sáng, người trong thành đều hàng Phục ba tướng quân. Lữ Gia-Kiến Đức từ buổi đêm đã cùng mấy trăm thuộc hạ trốn vào sông lớn, lấy thuyền đi về phía tây. Phục ba tướng quân lại nhân đó hỏi những kẻ có chức cao đã hàng mình, biết chỗ mà Lữ Gia chạy đến, sai người đuổi theo. Do đó viên Hiệu úy tư mã là Tô Hoằng bắt được Kiến Đức, được phong làm Hải Thường Hầu; quan Lang người Việt là Đô Kê bắt được Gia, phong làm Lâm Sái Hầu”.

Theo như Sử ký thì vua Việt là Kiến Đức và thừa tướng Lữ Gia ngay từ đầu đã chống lại nhà Hán, quyết giữ thành và đánh nhau với Lộ tướng quân, không hề có chuyện sai 2 sứ giả trông coi hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân tới gặp Lộ Bác Đức.

  1. Trong Hậu Hán thư

Hậu Hán thư được Phạm Diệp soạn vào thế kỷ thứ 5, cũng cách Hán thư tương đối xa, tuy nhiên đây là cuốn sử cung cấp nhiều thông tin về Cổ Việt, cũng như những đánh giá cao về giá trị của nó.

Sử ký chép: “Nhà Hán dùng binh ba năm liền (từ năm Nguyên Đỉnh thứ sáu đến năm Nguyên Phong thứ hai), đánh người Khương, diệt nước Nam Việt, từ thành Phiên Ngu về phía tây đến phía nam quận Thục đặt ra mười bảy quận mới tạm theo tục cũ của họ để trị, không thu tô thuế. Các quận Nam Dương-Hán Trung trở đi đều tùy theo gần quận mới nào mà cấp tiền lương, đồ dùng, đồ xe ngựa cho quan quân của quận mới đó”.

Theo như đó, giả như Cổ Việt có bị nhà Hán thôn tính năm 111Tcn, thì ở Cổ Việt, vẫn sử dụng tục cũ của người Việt để trị, chứ không theo luật của người Hán. Đồng thời cũng không thu tô thuế. Đến thời Vương Mãng thì như.

Hậu hán thư chép: “Thời Bình Đế (năm 1Tcn – năm 5), người quận Hán Trung là Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, dạy bảo dân chúng dần dần theo lễ nghĩa. Tên tuổi sánh ngang với Diên. Cuối thời Vương Mãng, đóng bờ cõi tự giữ. Đầu năm Kiến Vũ, sai sứ giả nạp cống, phong làm Diêm Thủy Hầu. Phong tục ở đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai quan Thái thú ấy”.

Chúng ta biết được phong tục Hán, được truyền bá đầu tiên ở đất Lĩnh Nam, bởi hai viên quan Thái thú là Tích Quang và Nhâm Diêm. Nhưng đến năm 34, khi Tô Định làm Thái Thú Giao Chỉ đã:

“Trưng Trắc là con gái của Lạc tướng Mi Linh, gả làm vợ của người huyện Chu Diên là Thi Sách, rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định lấy pháp luật ép buộc, Trắc oán giận, cho nên làm phản”. (Lời chú của Lý Hiền trong Mã Viện liệt truyện – Hậu Hán thư).

Theo đó, chính Tô Định đã áp dụng luật Hán ở Cổ Việt, thay thế cho tục Việt, việc này đã góp phần nổ ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà, để rồi nhà Hán cử Mã Viện dẫn quân xuống phương nam để đàn áp. Và như Viện tâu

Hậu Hán thư chép: “Tấu kể luật của người Việt khác với luật của người Hán đến hơn mười điều, liền nêu rõ phép tắc cũ với người Việt để gò buộc họ, từ đó về sau người Lạc Việt làm theo phép cũ của Mã tướng quân”.

Như vậy thì, theo như Hậu Hán thư, thì ít nhất là sau năm 43, người Việt mới chịu tuân theo luật Hán, còn trước đó họ vẫn sử dụng luật Việt.

Chúng ta đã thấy và sẽ thấy, hình thức tô thuế không được áp dụng tại Cổ Việt, ít nhất cho tới năm 34, mà chỉ tồn tại hình thức cống nạp. Có sự khác nhau tương đối giữa hai hình thức này, nếu như hình thức tô thuế, mang tính phổ quát trong toàn xã hội, chính quyền tại địa phương, cấp quận huyện chỉ là cơ quan trung gian, thực hiện mối quan hệ giữa triều đình và dân chúng, nó khẳng định sự tồn tại của quan hệ quản lý. Thì hình thức cống nạp mang tính cục bộ, thể hiện mối quan hệ mà chủ đạo là giữa triều đình với chính quyền địa phương, thường là cấp quận, mà ở đây là giữa Hán triều với Thái thú các quận. Nên trên thực tế chưa thể nói gì về mối quan hệ giữa triều đình với người dân, khi không xác định được nguồn gốc của đồ cống nạp, nó có thể là đồ nộp của người dân để cống triều đình hoặc có thể do quan lại có được(để cống triều đình), nhưng không phải từ người dân.

Hán thư chép: “Tước hầu tên là (Cư) Ích Xương nối tước, đến năm Nguyên Phượng thứ tư (năm 54 TCN) mắc tội khi làm Thái thú Cửu Chân lén sai người ra mua tê ngưu, nô tì(người hầu gái), tôi tớ(người hầu trai) từ trăm vạn người trở lên, làm việc vô đạo, bị tội chết”.

Theo như đó, Cư Ích Xương được ghi nhận là Thái thú ở Cổ Việt đầu tiên được biết tới.

Hậu hán thư chép: “Thời Bình Đế (năm 1Tcn – năm 5), người quận Hán Trung là Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, dạy bảo dân chúng dần dần theo lễ nghĩa. Tên tuổi sánh ngang với Diên. Cuối thời Vương Mãng, đóng bờ cõi tự giữ. Đầu năm Kiến Vũ, sai sứ giả nạp cống, phong làm Diêm Thủy Hầu. Phong tục ở đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai quan Thái thú ấy”.

Hậu hán thư chép: “Trước đây, Bành thân thiết với quan Mục bộ Giao Chỉ là Đặng Nhượng, gửi thư nêu rõ oai đức của nhà nước, lại sai Thiên tướng quân là Khuất Sung gửi hịch đến các quận miền phía nam sông Giang, ban bố chiếu lệnh, do đó Nhượng cùng bọn Thái thú Giang Hạ là Hầu Đăng, Thái thú Võ Lăng là Vương Đường, Thừa tướng Tràng Sa là Hàn Phúc, Thái thú Quế Dương là Trương Long, Thái thú Linh Lăng là Điền Hấp, Thái thú Thương Ngô là Đỗ Mục, Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang cùng nhau sai sứ nạp cống, đều được phong làm liệt hầu” và “Năm Kiến Võ thứ năm (năm 29) mùa đông, tháng mười hai, quan Mục bộ Giao Chỉ là Đặng Nhượng dẫn đầu các Thái thú của bảy quận sai sứ đến nạp cống”.

Tiếp theo, người được biết tới là Tích Quang, làm Thái thú Giao Chỉ, từ thời Bình Đế(năm 1Tcn – năm 5). Theo tài liệu sử thì: “Năm 31, triệu hồi Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang về triều”. Tuy nhiên, căn cứ vào sự kiện được phong làm Diêm Thủy Hầu, thì Tích Quang thôi giữ chức Thái thú quận Giao Chỉ năm 29. Như thế tới khi có Thái thú thay thế là Tô Định năm 34, thì cũng đến 5 năm Giao Chỉ không có Thái thú.

Chúng ta cũng thấy, Bành không những gửi thư cho Nhượng, mà còn phải sai Sung gửi hịch ban bố chiếu lệnh, đồng thời việc quan Mục bộ Giao Chỉ cùng Thái thú bảy quận sai sứ đi cống, cho thấy sự tự chủ của các quận.

Hậu Hán thư chép: “Nhâm Diên tự Trường Tôn, người huyện Uyển, quận Nam Dương. Năm mười hai tuổi làm học trò, học ở thành Trường An, hiểu rõ kinh “Thi”, “Dịch”, “Xuân thu”, tên tuổi lẫy lừng ở nhà Thái học” và “Đầu năm Kiến Vũ (năm 25 đến năm 56), Diên dâng thư lên nhà vua muốn xin hài cốt, quỳ bái ở triều đình. Chiếu lệnh đi làm Thái thú Cửu Chân. Quang Vũ sai dẫn đến gặp, ban cho ngựa, lụa, ra lệnh cho vợ con ở lại thành Lạc Dương”.

Chúng ta thấy, trong các quận cử sứ đi cống nạp, không có quận Cửu Chân và Nhật Nam. Xem, chiếu lệnh cho quan văn Nhâm Diên, hiểu rõ sách kinh, nhưng không biết trận mạc, sang làm Thái thú quận Cửu Chân, sau khi nhóm Đặng Nhượng quy thuận nhà Hán năm 29, đã khẳng định, quận Cửu Chân không có Thái thú. Ít nhất là suốt thời kỳ nhà Tân.

Hậu hán thư chép: “Năm Kiến Vũ thứ mười hai(năm 36), người Man Lí ở vùng Kiếu Ngoại quận Cửu Chân là Trương Du thống lĩnh người của bộ lạc mình yêu thích lễ nghĩa xin nội thuộc, phong làm Quy Hán Lí Quân. Năm sau, người Man Di ở vùng Kiếu Ngoại đất Nam Việt dâng chim trĩ trắng, thỏ trắng. Đến năm thứ mười sáu(năm 40), người con gái ở quận Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái của mình là Trưng Nhị làm phản, đánh quận”.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì: “Diên coi việc được 4 năm thì bị gọi về”. Năm 36 thủ lĩnh Man Lí ở quận Cửu Chân xin được nội thuộc, nghĩa là trước đó, quận Cửu Chân tự chủ. Hay Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân đến năm 33, thì bị thủ lĩnh Man Lí tên Trương Du, chống lại, nên đành bỏ về phương bắc, có thể vì thế mà năm 34 nhà Đông Hán cử võ tướng Tô Định sang. Dưới áp lực ấy, hai năm sau Trương Du phải xin nội thuộc. Nhưng xuất hiện câu hỏi thú vị: Nhân vật Trương Du này có vai trò không trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà và cuộc chiến giữa Mã Viện với Đô Dương. Như Hậu hán thư chép: “Viện đem hơn hai ngàn chiếc thuyền lầu lớn nhỏ, hơn hai vạn chiến sĩ đi đánh bè đảng của Trưng Trắc là bọn Đô Dương ở quận Cửu Chân, từ huyện Vô Công đến huyện Cư Phong”.

Như vậy có thể thấy, vai trò của các Thái thú là không có, đối với xã hội Cổ Việt, việc Giao Chỉ tới 5 năm, Cửu Chân thì ít nhất là thời kỳ nhà Tân không có Thái thú,  mà xã hội chẳng hề có chút xáo trộn nào cả. Có lẽ là bởi, cái hệ thống thực sự điều hành xã hội Cổ Việt nằm ở chỗ khác, chứ không phải nằm ở chức Thái thú, cái hệ thống ấy, chính là Chế độ Lạc tướng mà đã có lần Giao Châu ngoại vực ký đề cập đến “các Lạc tướng vẫn trị dân như cũ”.

Chế độ Lạc tướng này có từ khi nào? Chắc chắn không phải thời Hán rồi, vì trước khi Lộ tướng quân tới năm 111Tcn, thì cái chế độ này đã có rồi và chính ông để các Lạc tướng trị dân như cũ. Cũng chắc chắn không phải từ thời Nam Việt, vì vua Nam Việt chỉ đặt 2 viên điểm sứ trông coi Giao Chỉ và Cửu Chân mà thôi. Khi quân Tần tiến đánh Tây Âu, đã giết được quân trưởng của Tây Âu tên Dịch Hu Tống. Vậy có thể khẳng định, chế độ Lạc tướng vốn là chế độ nguyên bản của xã hội Cổ Việt và nó vẫn giữ được vai trò quyết định đối với xã hội Cổ Việt trước khi diễn ra cuộc khởi nghĩa Hai Bà.

Như vậy: Trong suốt thời kỳ từ Nam Việt đến Đông Hán(năm 34). Các triều đại phương bắc, coi Cổ Việt là lãnh thổ của mình và chia thành các quận huyện, đặt các chức quan quản lý song chỉ dừng lại trên danh nghĩa. Thực tế, Cổ Việt vẫn hoàn toàn tự chủ, với chế độ hành chính-quyền lực(chế độ Lạc tướng) và luật pháp(tục Việt) riêng biệt, vốn là chế độ nguyên bản của xã hội Cổ Việt.

Trước thời điểm năm 34 không hề có sự xâm phạm lợi ích của Cổ Việt trên tầm phổ quát, nhưng thực tế đã thay đổi khi võ tướng Tô Định được cử sang làm Thái thú Giao Chỉ. Nhà Tây Hán cũng như Nam Việt trước đây đã sử dụng kế sách Hòa hợp Bách Việt. Thông qua Tô Định, nhà Đông Hán chuyển từ kế sách này sang chính sách Khai thác thuộc địa. Sự xâm phạm quyền lợi của Cổ Việt xuất hiện, đồng thời hình thành ý thức rõ rệt về sự xâm lược này. Để rồi

Hậu hán thư chép:  “Đến năm thứ mười sáu (năm 40) có người con gái quận Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh quận. Do đó người Man-Lí các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều ứng theo, đánh cướp cả thảy sáu mươi lăm thành, tự lập làm vua”.

Một điểm khá thú vị ở trích dẫn trên là, ngoài hai quận Cửu Chân và Nhật Nam hưởng ứng cuộc khởi nghĩa là điều có thể hiểu được, thì còn có quận Hợp Phố. Từ đó phỏng đoán, Hợp Phố là lãnh thổ của người Tây Âu, nên Thương Ngô và Uất Lâm là lãnh thổ của Nam Việt. Tây Âu và Cổ Việt gần gũi về địa lý, người Tây Âu và người Cổ Việt(Lạc Việt) gần gũi về tập tục, văn hóa, ngôn ngữ, xã hội. Mỗi tộc người sống tập trung tại những khu vực nhất định, là trung tâm của từng tộc người và về cơ bản mỗi tộc người có lãnh thổ riêng tương đối ổn địn, song tồn tại ít nhiều việc sống xen kẽ với nhau, giữa hai tộc Tây Âu và Lạc.

Tổng kết: Cho tới năm 34 Cổ Việt vẫn độc lập, tự chủ. Có chế độ chính trị(Chế độ Lạc tướng), có Luật pháp(Luật Việt) từ thời vua Hùng. Những chính sách của bắc triều chỉ là hình thức. Tuy nhiên Cổ Việt cũng bước đầu tiếp xúc với hình thái khác. Từ năm 34, sự áp đặt về nhiều mặt từ nhà Đông Hán thông qua Tô Định, khiến cấu trúc xã hội Cổ Việt biến đổi, sự xâm lược được ý thức ngày càng rõ ràng, cho tới năm 40, ý thức ấy được cụ thể hóa bằng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trương. Đây là cuộc khởi nghĩa(kháng chiến) rộng khắp, thành công và vĩ đại. Năm 34 là năm bắc triều chuyển từ chính sách Hòa hợp Bách Việt(Cơ sở) sang Khai thác thuộc địa, từ [Tự nhận] Cai trị danh nghĩa sang Cai trị thực chất(xâm phạm lãnh thổ).

Bài được tác giả gởi trực tiếp cho nghiencuulichsu

4 thoughts on “Bàn về Khởi nghĩa Tây Vu Vương

  1. Thứ ba là, có căn cứ nói rằng nó xảy ra ở Âu Lạc thuộc Nam Việt, vì trong câu: “Tả tướng của Âu Lạc cũ là Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương” nói rất rõ là: Tả tướng của Âu Lạc cũ. Vậy giả sử như có nước Âu Lạc(Giao Chỉ và Cửu Chân) của Thục Phán, thì cũng theo như sử, nước này bị thôn tính khoảng năm 178Tcn và như thế cho tới năm 111Tcn, thì các tướng lĩnh của nước Âu Lạc cũ này đều đã khoảng 178-111=67tuổi, trừ phi nước Âu Lạc cũ này là chính Nam Việt.
    Sao chỉ 67 tuổi? Đã 67 năm trôi qua kể từ khi Âu Lạc bị sát nhập vào Nam Việt (Nếu sự kiện này là có thật) thì ông Hoàng Đồng kia chí ít cũng phải 20 + 67 = 87 tuổi (Giả sử 20 tuổi ông được làm tướng)
    Theo tôi thì Tây Vu Vương là tước vương của một người Việt thuộc dòng dõi Dư Thiện ở Mân Việt. Chuyện này không liên quan đến Việt Nam.

    Thích

    • Việt Nam là những gì còn sót lại của văn minh Bách Việt, là nhánh xa nhất, duy nhất còn giữ được tự chủ! Là nơi đón đoàn người Bách Việt di cư chạy trốn dân Hán từ phương Bắc xuống.
      Những chuyện như thế này ko có liên quan trực tiếp thì cũng nằm trong biến cố chung của dòng Bách Việt, nên bỏ thói quen coi lịch sử và nền văn minh của ta bó hẹp trong vùng đồng bằng Sông Hồng như ngày nay đi!

      Thích

  2. Qua các trích dẫn trên, còn rất nhiều trùng lặp và suy dẫn . Vừa qua, nhà cầm quyền Bắc kinh đã thuê các nhà khoa học xác định xem “Chủng người nào có mặt trước tiên tại châu Á”, với hy vọng sẽ là tộc Hán, nhưng kết quả thu được là tộc Việt (Bách Việt), . Bằn phương pháp xác định bản đồ gen di truyền, các nhà khoa học đã phân tích từ máu của những người hiện đại như chúng ta và cho biết :Con người có mặt trên hành tinh này đầu tiên tại châu Phi, bị băng hà gần như bị tiêu diệt hết. một nhóm nhỏ theo Ấn đọ dường rồi Thái bình dương, đổ bộ và định cư tại Đông nam a (từ Vũ hán trở xuống) sinh con đẻ cái và hình thành văn hóa lúa nước .Sau khoảng 60.000nawm, lan tỏa lên đại lục Trung hoa bây giờ rồi lên Xiberi, sang châu Mỹ. Tộc Hàn là hòa huyết giữa Bách Việt với Mongoloit . Do đó nhà cầm quyền Bắc kinh “không dám nghiệm thu” và các nhà khoa học công bố lên mạng Từ đó cũng xác định : Ngay từ thời nhà Tần, ngôn ngữ trong các văn bản và đời thường 70%là gốc Việt ngữ v..v.., Muốn biết rõ mời các bạn tham khảo “Tìm lại cội nguồn qua di truyền học” và “Viết lại lịch sử Trung hoa” của Hà Văn Thùy (01275829929) hoặc gặp tôi (0903978277–0986840150 ) Rất mong được cùng nhau khám phá lịch sử oanh liệt của tiền nhân

    Thích

  3. Cần gì phải làm cho nhọc công như vậy chứ ? ? ? Nếu chúng ta lấy tộc họ Lý + họ Lê + họ Nguyên + họ Lee +Li ( vì Lee = Lý, Li= Lê ) của TQ, VN, Hàn Quốc Nhật thì chắc có trên 200 triệu người # >2.5 % dân số của toàn cầu rồi ! Vậy thì cũng biết ai là người có mặt sớm nhất rồi ! ! ! Ta nên biết những người họ Lý, Lê chạy sang Hàn Quốc và Nhật Bản thì đổi sang tiếng Anh nên mới có họ là Lee hay Li Tất cả cũng là Lý = tên của một loại cây ăn trái là cây Lý còn Li = tên của một loại cây ăn trái là cây Lê ( Lai ) hai loại cây này cùng một chủng loại chỉ có một phần nhỏ khác nhau đó là trái Lê có màu tím khi còn nhỏ cho nên nó bị gọi là Lai. Nếu chúng ta phân tích chữ Lý thì ta thấy ở trên là chữ mộc ( =cây ) ở dưới là chữ tử ( = con) . Vì thời tiền sử những người thuộc chủng tộc này khi sinh một người con thì ít nhất phải trồng một cây Lý vừa để lấy trái nuôi con và vừa làm kỹ niệm v v họ tộc này tôn thờ loại cây nuôi sống họ nên lấy làm họ của tộc mình. Đây là nguyên tắc hình thành nên các họ của con người v v
    Một họ có số người đông nhất hành tinh đấy nhé ! ! !

    Thích

Bình luận về bài viết này