Truy sát Bin Laden: Cuộc săn lùng 10 năm từ ngày 11/9 đến Abbottabad (Bài 8)

Peter l. Bergen

Trần Quang Nghĩa dịch

OBAMA LÂM CHIẾN

VÀO SÁNG THỨ BA, NGÀY 11 tháng 9 năm 2001, Thượng nghị sĩ bang Illinois, Barack Obama, đang lái xe đến dự một phiên điều trần lập pháp ở trung tâm thành phố Chicago thì nghe trên đài phát thanh rằng một chiếc máy bay đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Khi ông đến cuộc họp, chiếc máy bay thứ hai đã lao vào Tòa Tháp Đôi. “Chúng tôi được yêu cầu sơ tán”, Obama nhớ lại. Ngoài đường phố, mọi người lo lắng nhìn lên bầu trời, lo sợ rằng Tháp Sears, tòa nhà chọc trời nổi tiếng của Chicago, cũng có thể là mục tiêu. Trở lại văn phòng của mình, Obama xem những hình ảnh từ New York: “một chiếc máy bay biến mất thành kính và thép; đàn ông và phụ nữ bám vào bậc cửa sổ rồi buông ra; những tòa tháp cao sụp đổ thành cát bụi.”

Sáu năm sau, Obama trở thành thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, đứng trước một thách thức tưởng chừng như viển vông đối với Hillary Clinton trong việc giành được đề cử tổng thống của đảng Dân chủ. Clinton dường như nắm giữ tất cả các quân bài: tên tuổi, cỗ máy kiếm tiền của Clinton, sự ưa thích của nhiều nhân vật nặng ký trong Đảng Dân chủ, các nhà tư vấn chính trị hàng đầu làm việc trong nhóm của bà và hy vọng của nhiều người rằng bà sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Nhưng Obama cho rằng bà dễ bị tổn thương, đặc biệt là vì sự ủng hộ của bà đối với Chiến tranh Iraq, vốn hiện không được lòng dân và ông đã kiên quyết phản đối 5 năm trước đó. Và Obama đã gây ấn tượng với số lượng người ủng hộ ngày càng tăng bằng trí tuệ, sự điềm tĩnh và khả năng truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi, những người đã đổ xô đến chiến dịch tranh cử của ông. Chiến thắng của Obama, một số người hy vọng, cũng sẽ giúp chữa lành Tội lỗi Nguyên thủy của người Mỹ về chế độ nô lệ và sự đối xử phân biệt chủng tộc sau đó.

Khi chiến dịch trường kỳ của Obama bắt đầu hoạt động, vào ngày 17 tháng 7 năm 2007, văn bản chưa được phân loại của Dự toán Tình báo Quốc gia (NIE) về tình trạng al-Qaeda đã được công bố trên các phương tiện truyền thông với một sự chú ý đáng kể. Văn bản này kết luận rằng al-Qaeda “đã bảo vệ hoặc tái tạo các yếu tố then chốt trong khả năng tấn công của đất nước mình, bao gồm: nơi trú ẩn an toàn tại Khu vực Bộ tộc đươc Quản trị bởi Liên bang Pakistan (FATA), các phó tướng hoạt động và ban lãnh đạo chóp bu của nó. Đây chính xác không phải là tin tức. Vào mùa hè năm 2005, al-Qaeda đã chỉ đạo cuộc tấn công khủng bố nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Anh, giết chết 52 hành khách trên hệ thống giao thông London. Và mùa hè năm sau , đã có một âm mưu thất bại nhằm làm nổ tung bảy máy bay chở khách của Mỹ, Canada và Anh bằng chất nổ lỏng được tuồn lậu lên các máy bay tại sân bay Heathrow ở London. Việc loan báo công khai các phát hiện chủ chốt của NIE là chính thức nhìn nhận al-Qaeda đã tái tập hợp và có khả năng mở  trở lại các cuộc tấn công đáng kể vào phương Tây, và chính sách của chính quyền Bush cho phép nhà độc tài quân sự Pakistan Pervez Musharraf được tự do giải quyết theo các điều kiện của mình với các nhóm chiến binh đặt căn cứ tại các khu vực bộ tộc của Pakistan giờ đây đã kết thúc.

Vài tuần sau khi tài liệu NIE này được công bố, Obama dự kiến ​​sẽ có bài phát biểu quan trọng về an ninh quốc gia tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington. Ông đã gặp các cố vấn chính sách đối ngoại của mình, Susan Rice và McDonough, Denis và người viết diễn văn Ben Rhodes, tại văn phòng có hai phòng khiêm tốn trên đại lộ Massachusetts từng là trụ sở chiến dịch tranh cử ở Washington của Obama. Họ cùng nhau nhào nặn ra một bài phát biểu gói gọn những lời chỉ trích chính sách đối ngoại của chính quyền Bush trong chiến dịch của Obama: rằng nó đã chuyển quá nhiều nguồn lực tới Iraq và đã quay cặp mắt khỏi al-Qaeda, và nó không có chiến lược loại bỏ các thủ lĩnh của al-Qaeda trong căn cứ của họ tại các vùng bộ tộc ở Pakistan. Obama và các cố vấn của mình đã bàn bạc chính xác ngôn ngữ nào sẽ sử dụng trong bài phát biểu. Quyết định đã được đưa ra để theo đuổi  đường lối khắc khe đối với Musharraf, người mà họ tin rằng chính quyền Bush đã chiều chuộng quá lâu.

Có rất nhiều hệ luận về  bài phát biểu tại Trung tâm Wilson. Thực tế là, hầu hết giới chuyên gia chính trị gia ở D.C. đều cho rằng Thượng nghị sĩ Obama hơi non nớt, đặc biệt là về các vấn đề an ninh quốc gia và đặc biệt là khi so sánh với Thượng nghị sĩ John McCain, được cho là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, người đã tại chức hai thập niên tại Thượng viện và là thành viên hàng đầu của Ủy ban Quân vụ Thượng viện đầy quyền lực. Thượng nghị sĩ Clinton cũng được coi là một người có uy tín về các vấn đề an ninh quốc gia. Bà cũng phục vụ trong Ủy ban Quân vụ và đã đi tới hàng chục quốc gia khi chồng bà còn là tổng thống, điều này đã giúp bà có tên tuổi với nhiều nhà lãnh đạo thế giới.

Bài phát biểu tại Trung tâm Wilson dường như không xoa dịu được những nghi ngờ về kinh nghiệm của Obama. Phần lớn sự chú ý mà nó thu được từ giới truyền thông và các ứng cử viên tổng thống khác tập trung một phần vào các thủ lĩnh của al-Qaeda ở Pakistan, trong đó Obama tuyên bố: “Nếu chúng ta có thông tin tình báo hữu ích về các mục tiêu khủng bố có giá trị cao mà Tổng thống Musharraf không chịu hành động, chúng ta sẽ hành động.  . . Tôi sẽ không ngần ngại sử dụng lực lượng quân sự để tiêu diệt những kẻ khủng bố đặt ra mối đe dọa trực tiếp đến nước Mỹ.”

Tại cuộc tranh luận dành cho các ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ ở Chicago một tuần sau bài phát biểu của Trung tâm Wilson, Obama đã bị Thượng nghị sĩ Christopher Dodd của Connecticut công kích. Ông cho rằng gợi ý của Obama về một cuộc tấn công đơn phương có thể xảy ra của Mỹ vào Pakistan là “vô trách nhiệm”. Thượng nghị sĩ Clinton nói thêm: “Tôi nghĩ là một sai lầm rất lớn nếu điện báo phát biểu đó.” Trong tiếng vỗ tay vang đôi, Obama đáp trả lại Dodd và Clinton, cả hai đều đã từng bỏ phiếu cho phép tiến hành Chiến tranh Iraq, nói rằng, “Tôi thấy buồn cười khi những người đã giúp ủy quyền và thiết kế ra thảm họa chính sách đối ngoại lớn nhất trong thế hệ chúng ta hiện lại đang chỉ trích tôi vì đã đảm bảo rằng chúng ta đang ở trên chiến trường đúng chứ không phải chiến trường sai trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Điểm yếu được cho là của Obama về an ninh quốc gia là chủ đề trong quảng cáo tranh cử nổi tiếng nhất của Hillary Clinton, ra mắt vào cuối tháng 2 năm 2008. Trên hình ảnh các trẻ em đang ngủ vào ban đêm,  âm thanh của tiếng chuông điện thoại bỗng vang lên, giọng một người đàn ông cất lên một cách cảnh báo, “Bây giờ là ba giờ sáng và con bạn đang bình yên và đang ngủ. Nhưng có một điện thoại ở Nhà Trắng đang đổ chuông. Một điều gì đó đang xảy ra trên thế giới. Phiếu bầu của bạn sẽ quyết định ai là người sẽ trả lời cuộc gọi đó. Liệu đó có phải là một người đã quen biết các nhà lãnh đạo thế giới, biết rõ quân đội, ai đó đã được thử thách và sẵn sàng dẫn đầu trong một thế giới đầy bất trắc. Đã ba giờ sáng và con bạn đang bình yên và đang ngủ. Bạn muốn ai trả lời điện thoại?”

Ở cuối quảng cáo hình ảnh các trẻ em đang ngủ mờ dần để hiện rõ dần chân dung của bà Hillary Clinton đĩnh đạc, đeo kính và trả lời điện thoại. Obama không hề được nhắc đến, nhưng rõ ràng ông là người mà chiến dịch tranh cử của Clinton nhắm đến.

Những lời chỉ trích về thái độ  được cho là gây hấn của Obama đối với Pakistan không chỉ giới hạn trong Đảng Dân chủ. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney đã chế nhạo Obama là “Tiến sĩ Strangelove” [Một nhân vật trong bộ phim hư cấu, chủ trương chơi bom hạt nhân với Liên Xô: ND], người “sẽ đánh bom các đồng minh của chúng ta”. John McCain cũng cân nhắc: “Liệu chúng ta có mạo hiểm với sự lãnh đạo lúng túng của một ứng cử viên thiếu kinh nghiệm từng đề nghị ném bom đồng minh Pakistan của chúng ta hay không?” Khi chấp nhận sự đề cử của đảng mình cho chức tổng thống ở Denver vào cuối tháng 8 năm 2008, Obama đã đả kích McCain, nói rằng, “John McCain thích nói rằng ông ta sẽ theo bin Laden tới cổng Địa ngục, nhưng ông ta thậm chí sẽ không theo y đến hang động nơi y đang sống.”

Sau khi Obama nhậm chức tổng thống, ông phải đối mặt với một lựa chọn. Nhiều cử tri đã bầu ông cũng đã làm như vậy vì ông là “ứng cử viên phản chiến”, người đã sớm lên tiếng phản đối Chiến tranh Iraq. Một khi đã nhậm chức, Obama có thể viết lại “Chiến tranh toàn cầu về Khủng bố” của Bush như một chiến dịch thực thi pháp luật quy mô lớn chống lại những kẻ khủng bố thánh chiến, mà nhiều người thuộc phe cánh tả của Đảng Dân chủ tin rằng đó là một công thức hữu ích và chính xác hơn. Obama đã không chọn con đường đó. Thay vào đó, ông công khai tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang trong “cuộc chiến chống lại al-Qaeda và các đồng minh của nó.” Cơ cấu này có một số lợi thế: nó mở ra một con đường cho các nhóm như Taliban, một ngày nào đó có thể chọn cách xa rời al-Qaeda, để tận hưởng các mối quan hệ hòa bình với Hoa Kỳ, và nó chỉ đích danh kẻ thù chứ không phải tiếp tục công thức của Bush về một cuộc xung đột mơ hồ và có kết thúc mở chống lại một chiến thuật đã tồn tại hàng thiên niên kỷ. Tuy nhiên, đối với Obama, xung đột vẫn là một cuộc chiến chứ không phải là một dạng hành động cảnh sát toàn cầu.

Có lẽ quan điểm của ông về an ninh quốc gia có liên quan đến thời điểm ông trưởng thành. Obama là chính trị gia lớn đầu tiên của Mỹ trong nhiều thập niên có quan điểm về an ninh quốc gia không được thông tin sâu sắc bởi những gì ông đã làm hoặc không làm ở Việt Nam. Quá trẻ để phục vụ tại Việt Nam như  thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry đã từng  làm vậy, ông ấy cũng còn quá trẻ để trốn tránh nghĩa vụ ở Việt Nam như Dick Cheney, Bill Clinton và George W. Bush đã từng làm vậy. Đối với Obama, Việt Nam không phải là vấn đề quan trọng, và có thể thực tế này đã góp phần khiến ông sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự hơn so với thế hệ Đảng Dân chủ cũ. Clinton phải mất hai năm để can thiệp vào Bosnia, quốc gia đang trên bờ vực diệt chủng, trong khi Obama chỉ mất vài tuần để can thiệp vào Libya trong mùa xuân năm 2011, khi nhà độc tài Moammar Gadhafi đe dọa một trận thảm sát dân chúng của mình trên quy mô lớn.

Obama nắm giữ “quyền lực cứng” của Mỹ ngay từ khi nhậm chức. Chỉ ba ngày sau khi nhậm chức, tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng An ninh Quốc gia vào ngày 23 tháng 1 năm 2009, người đứng đầu Cơ quan Bí mật Quốc gia của CIA, Michael J. Sulick, đã đề xuất rằng Hoa Kỳ nên tiếp tục chiến dịch tấn công mạnh mẽ bằng máy bay không người lái ở các khu vực bộ tộc. của Pakistan. Obama đã phê duyệt chiến dịch này. Cùng ngày hôm đó, một cặp máy bay không người lái của CIA tấn công ở Bắc Waziristan và Nam Waziristan được cho là đã giết chết 10 chiến binh và khoảng chục người ngoài cuộc.

Vào ngày 9 tháng 12 năm 2009, Obama tới Na Uy để nhận giải Nobel Hòa bình vì “những nỗ lực phi thường nhằm tăng cường ngoại giao quốc tế”. Có vẻ gây thất vọng cho những người trao giải cho ông, hơn một tuần trước đó, bối rối trước sự trỗi dậy gần đây của Taliban, ông đã tăng cường đáng kể Chiến tranh Afghanistan, cho phép “tăng vọt” 30.000 quân, do đó tăng gấp đôi số lượng binh lính Mỹ ở Afghanistan. Trong một thời gian ngắn tại nhiệm, chính quyền của ông cũng đã cho phép thực hiện 45 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái chưa từng có nhằm vào các mạng lưới Taliban và al-Qaeda ở Pakistan, giết chết khoảng nửa tá thủ lĩnh của các tổ chức chiến binh – bao gồm cả hai thủ lĩnh của các nhóm khủng bố người Uzbekistan liên minh với al-Qaeda. và Baitullah Mehsud, thủ lĩnh của Taliban ở Pakistan – cùng với hàng trăm chiến binh cấp thấp hơn và một số lượng dân thường nhỏ hơn (khoảng 5% tổng số), theo nguồn báo chí đáng tin cậy.

Chính sách giết hại và hành quyết có mục tiêu mà không cần xét xử hàng trăm người này hầu như được chào đón bằng sự im lặng bởi các nhóm nhân quyền và những người thuộc phe Cánh Tả, những người trước đây đã lớn tiếng lên án chính quyền Bush vì sử dụng các cuộc thẩm vấn cưỡng bức và việc thiếu thủ tục tố tụng hợp pháp tại Guantánamo.

Obama đã tận dụng dịp được phát  biểu khi  nhận giải Nobel của mình ở Oslo để đưa ra quan điểm phòng thủ nhiều sắc thái cho các cuộc chiến tranh chính nghĩa, đặc biệt là chiến tranh trên bộ và chiến dịch máy bay không người lái mà ông đang tiến hành chống lại al-Qaeda và các đồng minh của nó ở Afghanistan và Pakistan. Tổng thống thừa nhận các di sản vĩ đại của các  cách tiếp cận bất bạo động nhằm thay đổi xã hội mà Gandhi và Martin Luther King Jr. để lại cho hậu thế, nhưng ông ấy cũng hoàn toàn làm rõ rằng mình phản đối chiến tranh Iraq không có nghĩa là đón nhận chủ nghĩa hòa bình – không chút nào. Obama tuyên bố: “Tôi phải đối mặt một thế giới như nó vốn là và không thể đứng im trước các mối đe dọa đối với người Mỹ. Vì sự thật là: cái ác còn tồn tại trên thế giới. Phong trào bất bạo động không thể ngăn chặn quân đội của Hitler, đàm phán không thể thuyết phục các thủ lĩnh của al-Qaeda để họ hạ vũ khí. Nói rằng sức mạnh đôi khi là cần thiết không phải là một lời kêu gọi không đáng tin  – đó là sự thừa nhận lịch sử, tính không hoàn hảo của con người và những giới hạn của lý trí.

Obama hiểu rằng đơn giản vì chính quyền Bush có xu hướng thổi phồng mối đe dọa từ al-Qaeda thành một mối đe dọa hiện hữu tương tự như mối đe dọa do Đức Quốc xã hoặc Liên Xô đặt ra, ngược lại, điều đó cũng không có nghĩa mối đe dọa đó chỉ là một ảo ảnh. Một năm trước bài phát biểu nhận giải Nobel, Obama đã được nhắc nhở về thực tế mối đe dọa từ những kẻ khủng bố theo nhiều cách.

Thậm chí trước khi tuyên thệ nhậm chức, ông đã nhận được một số thông tin tình báo đầu tiên về vụ tấn công tàn bạo kéo dài ba ngày ở Mumbai, Ấn Độ, vào cuối tháng 11 năm 2008, trong đó 10 tay súng đã nhắm mục tiêu vào các khách sạn năm sao, một nhà ga và Trung tâm cộng đồng Mỹ- Do Thái, giết chết khoảng 170 người.

Vào ngày lạnh giá 20/1/2009, Obama nhậm chức  với tư cách là tổng thống, cộng đồng tình báo đang ở mức cảnh giác cao độ vì mối đe dọa nghiêm trọng đối với lễ nhậm chức của ông từ Al-Shabaab, một nhóm chiến binh liên minh với al-Qaeda có trụ sở tại Somali. Một nhóm bọn khủng bố của Al-Shabaab được báo cáo là sẽ  đến Hoa Kỳ từ Canada để kích nổ một quả bom ngay trung tâm thương mại ở Washington, D.C., nơi một triệu người sẽ tụ tập để xem Obama tuyên thệ nhậm chức. Trợ lý chống khủng bố hàng đầu thời  George W. Bush, Juan Zarate, nói rằng trong thời gian bốn ngày trước lễ nhậm chức, việc theo dõi mối đe dọa này đã thu hút sự chú ý của các quan chức an ninh hàng đầu quốc gia thuộc cả đội của Bush và Obama: “Hầu hết những mối đe dọa này, chúng tan biến khá sớm, bởi vì các yếu tố của câu chuyện không phát triển. Tôi nhận được cuộc gọi từ cấp phó của mình, Nick Rasmussen, báo rằng, ‘Việc này chưa xong đâu.’ Cuối cùng, lễ nhậm chức diễn ra trong yên bình và mối đe dọa từ Al-Shabaab được xác định là “ngòi bút độc”, trong đó một nhóm chiến binh Somali tìm cách gây khổ sở cho một nhóm đối thủ. Nhưng đó là một lời nhắc nhở rõ ràng đối với Obama và đội ngũ an ninh quốc gia của ông rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ là trọng tâm chính của chính quyền non trẻ của họ.

Obama đã quyết tâm, như ông đã nói, “tiêu diệt, triệt phá và đánh bại al-Qaeda”. Và cách nào đẩy nhanh quá trình đó tốt hơn là loại bỏ bin Laden? Ngay sau khi Obama nhậm chức, ông đã gặp riêng giám đốc CIA Leon Panetta tại Phòng Bầu dục và hỏi ông ta, “Dấu vết thế nào rồi? Nó đã hoàn toàn bế tắc rồi sao?” Panetta nói với tổng thống rằng không có nhiều đầu mối hứa hẹn. Obama nói với ông ta, “Chúng ta cần tăng gấp đôi nỗ lực trong việc truy lùng bin Laden.” Trong các cuộc họp khác, Rahm Emanuel, chánh văn phòng của Obama và các thành viên cấp cao khác của chính quyền đã hỏi thẳng với các quan chức CIA: “Các ông nghĩ Osama bin Laden đang ở đâu?” Các quan chức trả lời rằng họ không có manh mối nào, ngoại trừ việc y đang ở đâu đó tại Pakistan.

Vào cuối tháng 5 năm 2009, Obama nhận được một trong những cuộc họp giao ban thường kỳ theo lịch trình từ nhóm chống khủng bố của ông tại Phòng Tình huống, trong đó có thông tin cập nhật về cuộc truy lùng bin Laden và cấp phó Zawahiri của y. Sau cuộc họp, tổng thống yêu cầu Panetta và Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon đến gặp riêng ông tại Phòng Bầu dục. Tổng thống yêu cầu cả hai ngồi xuống và nói: “Chúng ta thực sự cần tăng cường nỗ lực này. Leon, nó phải là mục tiêu số một của anh.” Vào ngày 2 tháng 6, Obama đã ký một bản ghi nhớ cho Panetta trong đó nêu rõ: “Để đảm bảo rằng chúng ta đã sử dụng mọi nỗ lực, tôi chỉ đạo anh cung cấp cho tôi trong vòng 30 ngày một kế hoạch hoạt động chi tiết để xác định vị trí và đưa bin Laden ra công lý.”

Năm quan chức tình báo cấp cao của Mỹ từng làm việc cho cả Bush và Obama cho rằng ý kiến ​​CIA cần được thúc đẩy để làm nhiều hơn nữa đối với bin Laden là nực cười; Cơ quan đã làm hết sức có thể rồi. Tuy nhiên, Panetta vẫn cập nhật thông tin về cuộc săn lùng bin Laden như một phần bắt buộc của báo cáo ba ngày một tuần cập nhật các hoạt động chống khủng bố và  các vấn đề Trung Đông mà ông đã nhận được. Đan xen vào đó là thông tin cập nhật hàng tuần về cuộc săn lùng bin Laden. Ngay cả khi họ không nhận được gì, Panetta cũng nói rõ với nhân viên của mình rằng họ nên nói cho ông ấy biết những gì mình biết. Thật xấu hổ khi không mang lại điều gì mới mẻ trong các cuộc họp giao ban này.

Một đầu mối đầy hứa hẹn có vẻ là Saad bin Laden, một trong những người con trai lớn của thủ lĩnh al-Qaeda, người đã dành phần lớn thập niên qua  sống dưới một hình thức quản thúc tại gia nào đó ở Iran. Saad ở độ tuổi cuối hai mươi và đã đóng một vai trò lãnh đạo nhỏ trong al-Qaeda. Vào khoảng thời gian Obama nhậm chức, Saad đã được người Iran lặng lẽ trả tự do và đã tìm đường đến các vùng  bộ tộc Pakistan. Các quan chức CIA theo dõi Saad hy vọng rằng hắn có thể sẽ tìm đến cha mình và dẫn họ đến chỗ ông ấy. Nhưng những ngón tay bấm cò ngứa ngáy của CIA đã thắng thế, và vào cuối tháng 7 năm 2009, Saad đã bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Cơ quan, khiến đường dây đó bị xếp xó.

Cùng lúc đó, người dường như sẽ tạo nên bước đột phá thực sự đầu tiên trong việc xâm nhập vào giới lãnh đạo cao nhất của al-Qaeda được đưa đến gặp Panetta: một đặc vụ người Jordan sẵn sàng do thám nội bộ của nhóm khủng bố ở Pakistan. Điều này rất được quan tâm bởi vì, mặc dù các cơ quan tình báo Mỹ đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đô la kể từ vụ 11/9, nhưng Mỹ chưa bao giờ bố trí được một điệp viên vào bên trong al-Qaeda. Humam al- Balawi là một bác sĩ nhi khoa người Jordan ở độ tuổi ngoài 30, bị cực đoan hóa bởi Chiến tranh Iraq và sau đó trở thành người có tiếng nói quan trọng trên các trang web thánh chiến. Balawi đã bị bắt từ đầu năm 2009 bởi Tổng Cục Tình báo (GID) Jordan, mà CIA đặc biệt có quan hệ gần gũi. Sau khi hứa hẹn với bác sĩ khả năng kiếm được số tiền đáng kể, các quan chức GID tin rằng họ đã “cải hóa” được  Balawi, khi y nói mình sẵn sàng đi đến các vùng bộ tộc Pakistan do thám Taliban và al-Qaeda. Tên bác sĩ nhanh chóng thoát được. Vào đầu mùa thu năm 2009, Balawi đã gửi những người quản lý y ỏ Tình báo Jordan một đoạn video ngắn quay y ngồi với Atiyah Abdul Rahman, một trợ lý hàng đầu của bin Laden.

Tức thì các quan chức CIA coi bác sĩ người Jordan này là “mỏ vàng”. Balawi nói với những người quản lý của mình rằng nhờ tay nghề bác sĩ y  đang được giới thiệu với các thủ lĩnh của al-Qaeda, bao gồm cả Ayman al-Zawahiri, người mà y đang điều trị y tế. CIA trở nên  hy vọng đến mức vào tháng 11 năm 2009, Panetta nói với tổng thống rằng bác sĩ người Jordan có thể sẽ sớm dẫn dắt Cơ quan đến gặp chính Zawahiri.

Một lời nhắc nhở cực sốc về tầm quan trọng của việc phá hủy cơ cấu lãnh đạo của al-Qaeda ở Pakistan đã xuất hiện chỉ hai tháng trước. Đầu tháng 9 năm 2009, Najibullah Zazi đi từ Denver đến New York “để tiến hành các hoạt động tử vì đạo” trong hệ thống tàu điện ngầm Manhattan. Zazi, một người Mỹ gốc Afghanistan từng được al-Qaeda ở Pakistan huấn luyện, đã lên kế hoạch thực hiện vụ tấn công khủng bố nguy hiểm nhất ở Hoa Kỳ kể từ vụ 11/9, bằng cách cho nổ những quả bom được chế tạo bằng thuốc tẩy tóc dường như vô hại – một dấu hiệu cho thấy các âm mưu gần đây của Qaeda. Dưới sự giám sát chặt chẽ của FBI, Zazi được phát hiện tại trung tâm thành phố Manhattan vào ngày 11 tháng 9 năm 2009, ngày kỷ niệm thứ tám cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Kể từ thời điểm Zazi đến New York, Obama đã nhận được nhiều thông tin tóm tắt về vụ việc từ đội an ninh quốc gia của ông. Tám ngày sau, Zazi bị bắt. Hắn là thành viên al-Qaeda chân chính đầu tiên được phát hiện đang sống ở Hoa Kỳ trong sáu năm. Trên máy tính xách tay của hắn, FBI đã phát hiện ra những trang ghi chú viết tay về việc sản xuất chất nổ, bí quyết kỹ thuật mà hắn đã học được tại một trong những cơ sở huấn luyện của al-Qaeda ở vùng bộ tộc Pakistan năm 2008.

Vào ngày Giáng sinh năm 2009, chính quyền Obama phải đối mặt với một mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn khi Umar Farouk Abdulmutallab, một thanh niên 23 tuổi xuất thân từ một gia đình nổi tiếng người Nigeria, lên chuyến bay 253 của Northwest Airlines ở Amsterdam, đi Detroit với khoảng ba trăm hành khách và phi hành đoàn. Giấu trong quần lót của mình là một quả bom được làm bằng chất nổ dẻo mà an ninh sân bay không phát hiện được. Khi máy bay đến gần Detroit, gã trai cố gắng kích nổ quả bom. Một sự kết hợp nào đó giữa sự kém cỏi của hắn, việc chế tạo bom bị lỗi và hành động nhanh chóng của hành khách và phi hành đoàn liều lĩnh khuất phục được hắn, đã ngăn chặn một vụ nổ có thể làm rơi máy bay. Ngay sau khi bị bắt, Abdulmutallab nói với các nhà điều tra rằng thiết bị nổ “được mua ở Yemen cùng với hướng dẫn về thời điểm sử dụng nó.”

Nếu Abdulmutallab thành công trong việc làm rơi chiếc máy bay 253 của hãng hàng không Northwest Airlines, thì vụ đánh bom sẽ không chỉ giết chết hàng trăm người mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ, vốn đang quay cuồng vì ảnh hưởng của cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Nó cũng sẽ giáng một đòn mạnh làm tê liệt nhiệm kỳ tổng thống của Obama. Theo đánh giá của chính Nhà Trắng về âm mưu Ngày Giáng sinh, chính phủ Hoa Kỳ đã có đủ thông tin để xác định rằng Abdulmutallab có thể đang làm việc cho chi nhánh của al-Qaeda ở Yemen. Như Obama đã thừa nhận trong một cuộc họp với đội an ninh quốc gia của mình  sau khi tên Nigeria bị bắt giữ, “Chúng ta đã né tránh được một viên đạn.”

Âm mưu ngày Giáng sinh càng khiến các quan chức CIA càng đặt cược cao hơn về bác sĩ Jordan và lời hứa của y sẽ thực hiện cuộc đột nhập cấp cao đầu tiên vào al-Qaeda kể từ 11/9. Tuy nhiên, không ai ở CIA từng gặp Balawi, và áp lực ngày càng tăng muốn Cơ quan phải đặt tai mắt đến y. Nhiệm vụ đó được giao cho Jennifer Matthews, trưởng trạm CIA ở Khost, miền đông Afghanistan, người đã làm việc cho đơn vị truy lùng bin Laden gần như ngay từ những ngày đầu thành lập. Matthews đã sắp xếp để bác sĩ người Jordan vượt biên giới từ các khu vực bộ tộc của Pakistan đến gặp cô và đội ngũ đáng gờm của CIA. Quyết tâm sao cho lần gặp gỡ đầu tiên với mỏ vàng này phải ấm áp và thân thiện, Matthews đã không lục soát Balawi khi y vào khu vực CIA của Căn cứ Điều hành Tiền phương Chapman ở Khost vào ngày 30 tháng 12 năm 2009. Bà ấy thậm chí còn sắp xếp làm một chiếc bánh cho Balawi, mà sinh nhật của y chỉ 5 ngày trước đó.

Nhưng không có cơ hội để ăn mừng. Khi gặp nhóm CIA, vị bác sĩ người Jordan bắt đầu lẩm bẩm bằng tiếng Ả Rập, thò tay vào trong áo khoác rồi cho kích nổ một quả bom giết chết Matthews, một bà mẹ 45 tuổi có ba con, cùng sáu sĩ quan CIA khác và các nhà thầu đang tề tụ để gặp y. Đó là ngày chết chóc nhất tại Cơ quan kể từ khi Hezbollah cho nổ tung đại sứ quán Mỹ ở Beirut năm 1983, giết chết 8 nhân viên CIA. Vị bác sĩ đến từ Jordan không hề do thám các thủ lĩnh của al-Qaeda; trên thực tế, y đã được họ tuyển dụng.

John Brennan, người đã phục vụ tại CIA trong nhiều thập niên và hiện là cố vấn chống khủng bố hàng đầu của Obama, nói rằng vụ đánh bom liều chết ở Khost chỉ làm sâu sắc thêm quyết tâm của Cơ quan trong việc tìm ra những người mà họ gọi là Số Một và Số Hai, khiến nó trở nên vấn đề “rất thiết thân đối với nhiều sĩ quan CIA.” Thiết thân đến mức trong ba tuần sau cuộc đánh bom liều chết của Balawi, CIA đã phát động 11 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái chưa từng có nhằm vào các mục tiêu của al-Qaeda và Taliban ở các khu vực bộ tộc của Pakistan, giết chết hơn 60 chiến binh.

Trong vòng một tuần, chi nhánh Yemen của al-Qaeda đã suýt bắn rơi một máy bay thương mại của Mỹ bay qua Hoa Kỳ, và trụ sở chính ở Pakistan của chi nhánh này đã thành công trong việc giết chết bảy nhân viên CIA. Đó là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng Cơ quan phải loại bỏ thủ lĩnh của al-Qaeda.

Dưới thời Panetta, CIA bắt đầu nỗ lực hơn nữa để đưa ra thêm nhiều sĩ quan của Cơ quan vào thực địa ở Pakistan. Cuộc chiến ở Iraq đang dần kết thúc, giải phóng nhiều nguồn lực hơn cho chiến trường Afghanistan-Pakistan, bao gồm cả gián điệp, máy bay không người lái và vệ tinh. Vụ tấn công Mumbai tháng 11 năm 2008, do nhóm Lashkar-e-Taiba có trụ sở tại Pakistan thực hiện, đã chứng minh rằng al-Qaeda không phải là tổ chức khủng bố duy nhất có trụ sở tại Pakistan có ý định tấn công các mục tiêu của Mỹ. Vali Nasr của Bộ Ngoại giao, cố vấn hàng đầu về Pakistan, giải thích: “CIA chuyển sang một chế độ hoàn toàn khác, Pakistan gần như trở thành Berlin của bạn những năm 1960, nơi bạn cần có tài sản, có mắt, có tai. Không phải cho một dự án cụ thể mà rộng hơn, bởi vì mọi mối đe dọa đến với chúng ta đều có thể đến từ đây. Bạn phải có tài sản riêng của mình. Bạn phải có hoạt động riêng của mình.” Shamila Chaudhary, giám đốc Pakistan tại Hội đồng An ninh Quốc gia, nhớ lại rằng vào mùa xuân năm 2010 đã có gần 400 quan chức Mỹ tồn đọng xin cấp thị thực vào Pakistan. Rõ ràng, họ không phải nhà ngoại giao thông thường.

Đồng thời, trong các tuyên bố công khai và trong các cuộc gặp riêng với các quan chức Mỹ, các chính trị gia hàng đầu của Pakistan vẫn khẳng định với niềm tin chắc chắn rằng bin Laden không có mặt ở đất nước họ. Trong cuộc phỏng vấn trên CNN vào tháng 4 năm 2010, Thủ tướng Yousuf Raza Gilani nói: “Chắc chắn ông ấy không ở Pakistan.” Sáu tháng trước, Bộ trưởng Nội vụ Rehman Malik đã gặp phái đoàn thành viên Quốc hội và đảm bảo với họ rằng bin Laden không có mặt trong khu vực, mặc dù hắn có thể ở Iran, Ả Rập Saudi, Yemen, hoặc thậm chí đã chết.

Bất chấp những phủ nhận này, việc CIA cần phải có nhiều nguồn lực riêng của mình ở Pakistan đã được xác nhận một cách hùng hồn vào ngày 1 tháng 5 năm 2010, khi Faisal Shahzad, một người Mỹ gốc Pakistan được Taliban huấn luyện ở vùng bộ tộc Waziristan của Pakistan, đã cố gắng cho nổ chiếc xe SUV của mình ở Quảng trường Thời đại của Thành phố New York nhưng không thành công vào một tối thứ bảy tấp nập. Vào cuối tháng 5, Panetta tới Pakistan để đưa ra một thông điệp nghiêm khắc tới các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự của Pakistan, đưa ra lời đe dọa bỏ ngõ rằng “tất cả mọi sự đặt cược đều bị hủy bỏ” nếu những kẻ khủng bố có trụ sở ở Pakistan thực hiện thành công một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ.

Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã phản bác lại, nói về Shahzad, “Anh chàng này là một công dân Mỹ. Tại sao ngài không kiểm soát mọi thứ nhiều hơn về phía mình?”

Obama không chỉ phê chuẩn việc tăng mạnh số lượng tài sản của CIA trên mặt đất ở Pakistan và một chiến dịch tăng cường chiến tranh bằng máy bay không người lái của CIA ở đó, mà ông còn đi đến ủng hộ việc sử dụng các đơn vị quân đội bí mật ở các quốc gia nơi Hoa Kỳ đã không tham gia vào các cuộc chiến trên bộ truyền thống như Libya, Pakistan, Somalia và Yemen. Đến năm 2011, trước sự thất vọng của ít nhất một số người đã bỏ phiếu cho vị Tổng thống “phản chiến”, Hoa Kỳ đang tiến hành một loại chiến tranh nào đó ở sáu quốc gia Hồi giáo cùng một lúc.

Bình luận về bài viết này