Biên niên sử cuộc xung đột Israel-Palestin

Tác giả: Sammy Westfall, Brian Murphy, Adam Taylor,

Bryan Pietsch, Andsea Salcedo

Ngày 9 tháng 11 năm 2023  

Đinh Tỵ biên dịch

Cuộc tấn công bất ngờ, được phối hợp bài bản do nhóm dân quân Hamas Palestin nhắm vào lãnh thổ Israel – một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất và táo bạo nhất trong nhiều năm qua – và cuộc vây hãm cùng pháo kích của Israel sau đó, khiến công luận thế giới dõi mắt theo dõi mối ân cừu ngàn đời nhưng chưa được giải quyết rốt ráo: cuộc xung đột Israel-Palestin từng gây xáo trộn Trung Đông nhiều thập niên qua.

Đầu cơn ngọn nguồn cuộc xung đột và bất tín nhiệm có nguyên do sâu xa và phức tạp, trước khi nhà nước Israel được khai sinh năm 1948. Cả hai Palestin và Israel cùng xem phần lãnh thổ nằm giữa sông Jordan và biển Địa Trung Hải là của riêng, và cả ba tín đồ tồn giáo sống trong vùng đất ấy: Kito, Do Thái và Hồi giáo đều xem đây là vùng đất thiêng. Trong bảy thập niên qua đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh, nhiều cuộc nổi dậy, và đôi lần, lấp lóe niềm hy vọng đạt được thỏa hiệp. Sau đây là biên niên sử được bắt đầu từ khoảng năm 1948, bao gồm cuộc xung đột mới nhất tại Dải Gaza:   

Thế chiến I: Câu hỏi của người Palestin

Đế chế Ottoman, vào buổi bình minh thế kỷ 16, từng nắm quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Trung Đông và mãi đến sau này vẫn kiểm soát hầu hết khu vực được bàn giao cho nước Anh sau thế chiến I.

Cả người Israel lẫn Palestin cùng tranh đấu cho quyền tự quyết và chủ quyền lãnh thổ, phát triển các phong trào cho đại nghiệp của họ.

Khi thế chiến I nổ ra, một số nỗ lực ngoại giao khuấy động nhiều tranh cãi – một số đụng nhau chan chát – bởi các đại cường cố nhào nặn bản đồ Trung Đông hiện đại, kể cả các vùng lãnh thổ Palestin. Người Palestin đã viện dẫn hàng loạt các các thư từ trao đổi trong giai đoạn 1915-1916 giữa tiểu vương Mecca và cao ủy Anh quốc tại Ai Cập –  còn gọi là Thư tín giữa McMahon-Hussein – trong đó phác thảo hứa hẹn thành hình một nhà nước Ả Rập độc lập.

Năm 1916, Thỏa ước Sykes-Picot, đạt được qua mật đàm giữa Anh và Pháp với ý đồ chia nhỏ Trung Đông thành các khu vực phạm vi ảnh hưởng, khẳng định vùng đất vô chủ này sẽ được hợp thức hóa.

Năm 1917, ngoại trưởng Anh, Bá tước Arthur Balfour, đã nhấn mạnh sự hậu thuẩn của chính phủ ông cho “việc thiết lập tại Palestin một nhà nước cho người Do Thái” trong bức thư gửi cho Baron Walter Rothschild, người đứng đầu nhánh gia tộc ngân hàng người Do Thái đầy ảnh hưởng ở Châu Âu tại Anh quốc. 

Với người Israel, lá thư này đánh dấu một sự bày tỏ long trọng chính thức cho quyền tồn tại nhà nước của Israel; ngược lại, người Palestin xem đây là một dấu hiệu cho thấy họ bị cướp đoạt ngay từ đầu. Bản tuyên bố cũng lưu ý rằng, đã “thể hiện sự thông hiểu rõ ràng, không được làm những gì có thể gây phương hại đến quyền công dân và tôn giáo các cộng đồng phi Do Thái tại Palestin”, tuyên bố này, vào thời điểm đó, đã nhận được sự tán thành của tuyệt đại đa số người Ả Rập trong vùng. (Khoảng 90% dân số là người Hồi giáo vào năm 1850, và khoảng 80% năm 1914).

Trong những thập niên sau, diễn ra làn sóng nhập cư Do Thái quy mô lớn, bao gồm thời kỳ phát xít Đức truy bức và diệt chủng Do Thái. Cả hai phía không ngừng khẳng định quyền thành lập một nhà nước.

Năm 1948: Israel tuyên bố độc lập

Sau thế chiến II, gần thời điểm chấm dứt thời kỳ Bảo bộ Anh cho Palestin, Đại Hội Đồng LHQ năm 1947 đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 181, thúc dục chia vùng đất này thành hai nhà nước độc lập – một Ả Rập và một Do Thái. Thành phố thiêng Jerusalem sẽ chịu sự kiểm soát đặc biệt của quốc tế. Tuy nhiên nghị quyết không được thực thi vì người Ả Rập bác bỏ nó, với lập luận, sẽ là bất công bởi vì quy mô dân số áp đảo của họ. Sau đó, bạo lực trong vùng không ngừng leo thang.

Tháng 5 năm 1948 Israel tuyên bố độc lập. Qua đêm sau, một liên minh các quốc gia Ả Rập, đã hợp quân với các phe nhóm Palestin, phát lệnh tấn công các lực lượng Israel. Đây là cuộc chiến tiên khởi trong nhiều cuộc chiến giữa Ả Rập-Israel sau đó. Trong trận chiến này, Israel giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ thậm chí rộng lớn hơn trước đó – chưa kể các khu vực Bờ Tây và Dải Gaza. Theo ước tính, có khoảng 700 ngàn người Palestin trốn chạy hoặc bị đẩy khỏi mảnh đất chôn rau cắt rốn để vào sống trong cái mà người Palestin gọi là “Nakba” hoặc “thảm họa” theo tiếng Ả Rập.

Tháng 7 năm 1956: Khủng hoảng kênh đào Suez

Tổng thống Ai Cập, Gamal Abdel Nasser, cho quốc hữu hóa Kênh đào Suez, hải lộ quan trọng kết nối Biển Đỏ với Biển Địa Trung Hải. Nối gót Anh và Pháp, Israel xua quân chiếm Ai Cập. Một thỏa thuận hòa bình, do Mỹ và Liên Xô làm trung gian, đã kết thúc cuộc xung đột. Nhưng kênh đào vẫn bị phong tỏa vì các xác tàu bị đánh đắm và phải tận đến năm 1957 mới chính thức khơi thông trở lại.  

Tháng 6 năm1967: Cuộc chiến 6 ngày

Tháng 6 năm 1967, nổ ra “Cuộc chiến sáu ngày” hoặc Cuộc chiến Ả Rập-Israel trong bối cảnh các hục hặc kéo dài, một phần lý do Ai Cập tiếp tục phong tỏa không cho phép tàu thuyền vào Vịnh Aqaba. Không lực Israel oanh khích các phi trường Ai Cập, đồng thời lực lượng bộ binh tiến vào Bán đảo Sinai. Jordan động binh sát cánh cùng Ai Cập, tuy nhiên lực lượng vũ trang Israel vẫn chiếm thế thượng phong sau khi vùi dập tơi tả không lực Ai Cập. Israel nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Đông Jerusalem phần đông người Palestin sinh sống. Lực lượng Ả Rập hứng chịu thiệt hại nặng.  

Tháng 9 năm 1972: Vụ tấn công Thế vận hội Munich

Tại kỳ Thế vận hội Mùa hè tại Munich năm 1972, một nhóm các kẻ cực đoan người Palestin thuộc nhóm Tháng Chín Đen đã đột kích vào ký túc xá làng Thế vận hội nơi các vận động viên Israel trú ngụ, sát hại hai vận động viên và bất giữ chín con tin khác rồi sau đó giết chết tất cả bọn họ.

Tháng 10 năm 1973: Cuộc chiến Yom Kippur

Một liên quân gồm nhiều nước Ả Rập, do Ai Cập và Syria là đầu tàu, đã bất thần tấn công Israel nhân dịp lễ Yom Kippur, ngày thiêng liêng của người Do Thái giáo. Quân Ả Rập ban đầu làm chủ cuộc chơi, nhưng sau đó bị quân Israel (với sự hỗ trợ của Mỹ) đẩy lùi. Hai bên đều chịu tổn thất nhân mạng nặng nề.

Tháng 9 năm 1978: Thỏa ước Trại David

Một hòa đàm được ký kết giữa tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và thủ tướng Israel Menachem Begin vào tháng 9, còn gọi là Thỏa ước Trại David, tổng thống Mỹ Jimmy Carter làm trung gian. Thỏa ước đặt nền móng cho một hiệp ước hòa bình giữa hai nước vào năm sau, được cụ thể hóa qua việc Israel triệt thoái quân tại bán đảo Sinai. Nó cũng thiết lập một bộ khung cho bước tiến của chính quyền tự trị của người Palestin tại Bờ Tây và Gaza. Các tiềm năng nhằm đề xuất kế hoạch hòa bình cho người Palestin được bàn thảo nhiều nhưng chưa bao giờ được hiện thực hóa. 

Tháng 12 năm 1987: Cuộc tổng nổi dậy lần thứ nhất

Một cuộc nổi dậy của người Palestin, hay intifada, phản kháng và bất tuân dân sự xảy ra nhất loạt chống lại sự chiếm đóng Israel ở Bờ Tây, Gaza cùng Israel, chính phủ Israel dùng quân đội trấn áp tàn bạo. Tình trạng lộn lộn kéo dài suốt nhiều năm hậu quả nhiều thương vong cho cả hai phía.  

1993: Hiệp ước hòa bình Oslo

Phần đầu trong hai thỏa ước, còn gọi là thỏa thuận Oslo, được Israel lẫn Tổ chức Giải phóng Palestin (PLO) cùng ký kết, đã thiết lập một tiến trình hòa bình dựa trên cơ sở các nghị quyền LHQ trước đó và vạch ra lộ trình mở rộng quyền tự trị của người Palestin được thể hiện một cách hạn chế tại Bờ Tây và Dải Gaza. (Một thỏa thuận sau đó được ký vào năm 1995). Các thỏa thuận này dựng lên Chính quyền Palestin có thẩm quyền giám sát hầu hết các công việc hành chính tại những khu vực đó. PLO được cả Israel lẫn Hoa Kỳ cùng công nhận là một đối tác có đủ tư cách ngồi vào bàn thương thuyết. Tuy nhiên, có một hồ sơ nhức nhối không thể thỏa hiệp, các khu vực định cư của người Israel tại Bờ Tây và hiện trạng Jerusalem, vốn được mọi người dân Palestin xem là thủ đô của bất kỳ nhà nước nào trong tương lai. 

1995: Thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát

Ngày 4 tháng 11 năm 1995, Yitzhak Rabin, thủ tướng thứ 5 của Israel, khi ấy 73 tuổi, bị một kẻ cực hữu Do Thái giáo ám sát bằng súng. Hung thủ khai nhận động cơ gây án nhằm chệch đường ray tiến trình hòa bình với Palestin. Tại thủ đô Tel Aviv, hơn 100 ngàn đường đã tuần hành tiễn đưa linh cữu ông trong ôn hòa. 

Kẻ sát nhân, Yigal Amir, khi ấy mới ngoài 20, chống chế lý do tôn giáo, thú nhận với cảnh sát “làm theo ý Chúa” nhằm ngăn vùng đất thánh rơi vào tay người Palestin. Hắn không hề tỏ ra hối cải và bị thụ án chung thân.  

2000: Cuộc tổng nổi dậy lần thứ nhì

Cuộc intifada lần thứ nhì, hay cuộc nổi dậy người Palestin, bùng nổ thành cuộc bạo động sau khi chính khách cực hữu Israel, Ariel Sharon (thủ tướng sau này) đến thăm một thánh tích tại Jerusalem của cả người Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo . Các vụ đụng độ và bạo lực khác kéo dài đến tận năm 2005 khiến hàng trăm người chết cho cả hai phía.

2006: Hamas thắng cử tại Gaza

Israel rút quân khỏi Gaza từ năm 2005. Năm sau, nhóm phiến quân Hamas giành được chiến thắng qua các bầu cử cơ quan lập pháp, dẫn đến sự rạn nứt chính trị với đảng Fatah ôn hòa hơn đang nắm quyền kiểm soát khu vực Bờ Tây.

Sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza năm 2007, Israel đã áp đặt một lệnh phong tỏa kéo dài 16 năm qua với dải đất nhỏ hẹp, nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestin. Vận chuyển hàng hóa và con người bị hạn chế ngặt nghèo, Israel đã đẩy Gaza lún sâu hơn trong khủng hoảng nhân đạo,theo LHQ. Tuyệt đại đa số người dân Gaza sinh sống tại các trại tỵ nạn và sống lay lắt nhờ viện trợ của LHQ.   

Bờ Tây, nơi sinh sống của 3 triệu người Palestin – cùng hơn nửa triệu người Do Thái cư ngụ tại các khu định cư bất hợp pháp nếu chiếu theo luật quốc tế – bị Israel chiếm đóng, đồng thời kiểm soát cả quân sự.

Một số nhóm nhân quyền đã tố cáo chế độ Israel áp cho người Palestin chẳng khác gì chế độ “apartheid”. 

Trong một báo cáo năm 2022, Tổ chức Ân xá đã đánh giá “ý đồ của Israel nhằm tạo dựng, duy trì một hệ thống trấn áp và nô dịch người Palestin”, thông qua “sự phân mảnh, chia tách và kiểm soát lãnh thổ; cướp đoạt đất đai và tài sản; tước đoạt quyền kinh tế và xã hội”. Nhóm này kết luận: “Đây là hành động apartheid”.

Tháng 12 năm 2008: Israel tấn công Gaza

Israel phát động tấn công Gaza suốt 3 tuần sau khi lãnh thổ Israel bị phe phiến quân người Palestin – xuất phát từ đường hầm từ ngã Ai Cập – nã đạn pháo. Hơn 1,110 người Palestin và ít nhất có 13 người Israel thiệt mạng.

Tháng 10 năm 2012; Israel hạ sát thủ lĩnh quân sự của Hamas

Israel đã giết chết thủ lĩnh quân sự Hamas, Ahmed Jabari, hơn một tuần trước đó hai bên đã phóng tên lửa trả đũa nhau tại Gaza. Ít nhất 150 người Palestin và 6 người Israel thiệt mạng. 

Mùa hè năm 2014: Hamas sát hại ba thiếu niên Israel

Phiến quân Hamas đã tiến hành bắt cóc và sau đó sát hại ba thiếu niên người Israel gần một khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Israel ngay lập tức dùng vũ lực đáp trả . Từ Gaza, Hamas phóng tên lửa trả đũa. Cuộc xung đột kéo dài suốt 7 tuần lễ khiến hơn 2,200 người Palestin bỏ mạng và bên phía Israel là 73 người. 

Tháng 12 năm 2017: Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô

Nội các Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời tuyên bố lên kế hoạch chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv sang đây, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ phía Palestin.

Năm 2018: Biểu tình tại Gaza

Các đợt biểu tình diễn ra tại Gaza dọc theo tường rào của Israel, trong đó những người chống đối đã ném gạch đá và bom xăng sang rào chắn. Chỉ trong ít tháng, Israel đã giết hại hơn 170 người biểu tình. Tháng 11, Israel đã mở một cuộc đột kích mật vào Gaza. Ít nhất 7 phiến quân Palestin và một sĩ quan cao cấp Israel bị thiệt mạng. Từ Gaza, hàng trăm quả đạo pháo đã trút vào đất Israel.   

Tháng 5 năm 2021: Cảnh sát Israel đột kích thánh đường al-Aqsa

Tại Jerusalem, sau nhiều tuần căng thẳng vì cảnh sát Israel đột nhập thánh đường al-Aqsa, một trong địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi. Hamas đã phóng đi hàng ngàn quả rocket, Israel tức khắc trả đủa bằng hàng trăm vụ không kích. Đây là một trong những trận đụng độ khốc liệt nhất kể từ ít nhất từ năm 2014, hậu quả hơn 200 người thiệt mạng tại Gaza và phía Israel là 10 người.

Mùa xuân năm 2022: Chuỗi tấn công khủng bố chống Israel

Trong lác đác các cuộc tấn công từ ngày 22 tháng 5 tháng ngày 8 tháng 4, một loạt các vụ tấn công bạo lực do người Palestin thực hiện nhắm vào người Israel làm 14 người chết. Israel đã đáp trả bằng các cuộc trấn áp phiến quân và các nhà hoạt động, cùng lúc tiến hành chiến dịch quân sự “Sóng vỡ” tại Bờ Tây, đánh dấu năm 2022 là một năm đặc biệt chết chóc.

Trong năm 2022 tại Bờ Tây, binh lính Israel đã giết chết 146 người Palestin, đây là con số cao hơn mọi năm tính từ khi LHQ bắt đầu cho lưu trữ hồ sơ từ năm 2005. Bộ ngoại giao Israel ra thông báo số công dân nước này bị Palestin giết là 29 người.

Tháng 12 năm 2022: Netanyahu tái trúng cử nhiệm kỳ 6

Benjamin Netanyahu, một lần nữa nắm chức thủ tướng Israel, đây đã là lần thứ 6 ông nắm giữ cương vị này qua liên minh với một khối chính khách cực hữu. Đây là một chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử Israel. Phe đối lập tuyên bố sự kiện này mở đường cho sự vùi dập bất kỳ triển vọng nào cho một giải pháp hai nhà nước.

Đây cũng là chính phủ thân người định cư nhất, với một số thành viên trong chính phủ đã khuyến khích mở rộng hoạt động các khu định cư tại các vùng lãnh thổ Palestin bị Israel chiếm đóng. Người định cư, được chính phủ ủng hộ, đã táo tợn thực hiện các vụ tấn công bạo lực nhắm vào các công dân Palestin.

Tháng 1 năm 2023: Israel đột kích thành phố Jenin

Lực lượng Israel đã đột nhập Jenin của Palestin, hạ sát 9 người trong cuộc đọ súng. Hôm sau, một tay súng người Palestin đã sát hại 7 người, bao gồm cả trẻ em tại buổi cầu nguyện tại một thánh đường Do Thái giáo tại Đông Jerusalem.

Mùa hè năm 2023: Bùng phát các cuộc tấn công trả đũa

Các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng.

Vào tháng 5, Israel phát động cuộc không kích bất ngờ quanh Dải Gaza, giết chết 3 chỉ huy quân sự cấp cao và 10 người khác, bao gồm phụ nữ và trẻ em, các viên chức y tế cho biết. Lần đó cuộc xung đột kéo dài 5 ngày khiến ít nhất 33 người tại Gaza thiệt mạng và 2 cho phía Israel.

Ngày 19 tháng 6, lực lượng Israel đã đột kích thành phố Jenin, triển khai trực trăng trang bị súng máy tới Bờ Tây cho lần đầu tiên tính từ khi diễn ra intifada lần thứ nhì. 

Ngày hôm sau, hai tay súng Hamas đã xả súng vào một nhà hàng chuyên món hummus tại một khu định cư Do Thái, giết chết 4 người Israel.

Hàng trăm người Israel sau đó đã lùng sục các ngôi làng người Palestin, phóng hỏa nhà cửa và xe hơi, xả súng vào các cư dân ở đây, theo lời các viên chức địa phương. Israel, lần đầu tiên cho triển khai drone tấn công vào Bờ Tây kề từ năm 2006, 3 người bị tình nghi là phiến quân bị sát hại.

Tháng 7, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên không và trên bộ với 1,000 binh sĩ được drone tấn công hỗ trợ nhắm vào một trại tị nạn bên trong Jenin, giết chết 12 người. Chiến dịch này đánh đấu sự khởi đầu của một “nỗ lực chống khủng bố mở rộng” vốn Bộ quốc phòng Israel tuyên bố sẽ tiến hành vô thời hạn.

Tháng 10 năm 2023: Israel tuyên bố nước này “đang trong tình trạng chiến tranh” với Hamas

Sau khi bị phiến quân Hamas đánh úp đúng một ngày sau lễ kỷ niệm 50 Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973. Netanyahu chính thức tuyên chiến với Hamas. Israel tuyên bố ít nhất 1,400 công dân Israel đã bị hạ sát trong vụ tấn công ngày 7 tháng 10, các tay súng đã săn đuổi các nạn nhân đáng thương trong các ngôi nhà của họ dọc theo khu vực biên giới.

Israel đã trả đũa bằng các đợt không kích dữ đội tại Gaza. Bộ y tế Gaza cho biết ít nhất 10 ngàn người Palestin đã bị giết chết.

Cuộc chiến Israel-Gaza

Quân lực Israel đã mở rộng các cuộc tấn công trên bộ chống Hamas tại nam Gaza, buộc nhiều thường dân phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn một lần nữa khi chiến dịch giải cứu con tin được nối lại.

Con tin: Hơn 100 con tin bị giam giữ tại Gaza được thả ra.


https://www.washingtonpost.com/world/2023/israel-palestine-conflict-timeline-history-explained/

Bình luận về bài viết này