Những cánh đồng máu : Tôn Giáo và Lịch Sử Bạo Lực (Bài 5)

CHƯƠNG 4 : Tình Trạng Tiến Thoái Lưỡng Nan của Dân Do Thái

Karen Armstrong

Trần Quang Nghĩa dịch

 khi Adam và Eve bị trục xuất khỏi Vườn Địa đàng, có lẽ họ không rơi vào tình trạng phạm tội  tổ tông như Thánh Augustine tin tưởng, mà rơi vào một nền kinh tế nông nghiệp. Con người (adam) đã được tạo ra từ đất (adamah), trong Vườn Địa Đàng được tưới bằng dòng suối đơn giản.  Adam và vợ là những người tự do, sống một cuộc sống phóng khoáng bình dị, rảnh rỗi thì vui thú trồng trọt trong vườn và tận hưởng niềm hoan lạc vì có Thượng đế của mình bên cạnh, Đức Yahweh (Giê-hô-va, Chúa Trời của đạo Do Thái).  Nhưng chỉ vì một hành động bất tuân, Đức Yahweh đã kết án cả hai người họ với bản án chung thân là lao động nông nghiệp khổ sai:

 Vì ngươi mà đất đai đáng nguyền rủa!  Với sự khổ nhọc, ngươi sẽ nhận được thức ăn từ đất mỗi ngày trong suốt cuộc đời ngươi.  Đất sẽ mang lại cho ngươi những bụi gai và tật lê, và ngươi sẽ ăn thực vật hoang dã.  Với mồ hôi trên trán, ngươi sẽ ăn bánh mì mình tự làm, cho đến khi ngươi trở về với lòng đất mà từ đó  ngươi đã được sinh ra. Ngươi là cát bụi, và sẽ trở về với cát bụi.

 Thay vì nuôi dưỡng đất đai một cách hòa bình với tư cách là chủ nhân, Adam đã trở thành nô lệ của nó.  Ngay từ đầu, Kinh thánh tiếng Do Thái cổ có một điểm khác với hầu hết các bản văn mà chúng ta đã xem xét cho đến nay.  Các nhân vật của nó không phải là thành viên của tầng lớp quý tộc;  Adam và Eve đã bị giáng xuống làm công việc đồng áng, bươn chải kiếm sống một cách khốn khổ từ vùng đất bị tàn phá.

 Adam có hai con trai: Cain, nông dân và Abel, thợ chăn gia súc — kẻ thù truyền thống của nhà nước nông nghiệp.  Cả hai đều ngoan ngoãn dâng lễ vật cho Đức Yahweh, là Đấng hơi ngang ngược từ chối lễ vật của Cain nhưng chấp nhận lễ vật của Abel.  Bối rối và tức giận, Cain đã dụ em trai mình vào một âm mưu gia tộc và giết chết ông ta, vùng đất canh tác của ông thành một cánh đồng máu kêu gào Đức Yahweh báo thù.  “Đáng nguyền rủa cho ngươi từ đất sinh ra lại cho đất há miệng nuốt máu anh em ngươi!” Đức Yahweh kêu lên.  Kể từ đó, Cain đi lang thang ở vùng đất Nod như một kẻ bị ruồng bỏ và chạy trốn.  Ngay từ đầu, Kinh thánh tiếng Do Thái đã lên án bạo lực ở trung tâm của nhà nước nông nghiệp.  Chính Cain, tên sát nhân đầu tiên, đã xây dựng thành phố đầu tiên trên thế giới, và một trong những hậu duệ của y là Tubal Thợ Rèn (Kayin), “tổ tiên của tất cả những thợ luyện kim loại bằng đồng và sắt,” người đã chế tạo ra vũ khí của đô thị. Ngay sau khi  giết người, khi Đức Yahweh hỏi Cain, “Abel, em ngươi ở đâu?”  thì y trả lời, “Tôi có phải là người giám hộ của em trai tôi không?  ” Nền văn minh đô thị phủ nhận mối quan hệ và trách nhiệm đối với tất cả những con người khác vốn gắn liền với bản chất con người.

 Ngũ Thư, năm cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh Torah, đã không đạt được hình thức cuối cùng cho đến khoảng thế kỷ thứ tư trước Công nguyên.  Đối với các nhà sử học, nhà thơ, nhà tiên tri, thầy tế lễ và luật gia của Israel, nó đã trở thành câu chuyện có tổ chức mà họ xây dựng thế giới quan xung quanh đó.  Qua nhiều thế kỷ, họ sẽ thay đổi và thêu dệt câu chuyện đó, thêm thắt vào hoặc diễn giải lại các sự kiện để giải quyết những thách thức cụ thể của thời đại họ.  Câu chuyện này bắt đầu vào khoảng năm 1750 TCN, khi Đức Yahweh ra lệnh cho Abraham, tổ tiên của Israel, quay lưng lại với xã hội nông nghiệp và văn hóa của Lưỡng Hà và định cư ở Canaan, nơi ông, con trai ông là Issac và cháu trai ông là Jacob sẽ sống như những người chăn gia súc bình dị.  Đức Yahweh đã hứa rằng một ngày nào đó con cháu của họ sẽ chiếm hữu vùng đất này và trở thành một quốc gia đông như cát trên bờ biển. Nhưng Jacob và mười hai người con trai của ông (những người sáng lập ra các chi phái Israel) đã bị nạn đói buộc phải rời khỏi Canaan và di cư sang Ai Cập.  Lúc đầu, họ sung túc, nhưng cuối cùng người Ai Cập bắt họ làm nô lệ, và họ sống mòn mỏi trong chế độ nông nô cho đến khoảng năm 1250 TCN, khi Đức Yahweh đưa họ ra khỏi Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Moses.  Trong bốn mươi năm, dân Israel lang thang trong đồng vắng Sinai trước khi đến biên giới Canaan, tại đó Moses qua đời, nhưng tùy tùng của ông, Joshua, đã lãnh đạo dân Israel giành được chiến thắng ở Đất Hứa, phá hủy tất cả các thành phố của người Canaan và giết chết cư dân thành phố.

 Tuy nhiên, hồ sơ khảo cổ học không xác nhận câu chuyện này.  Không có bằng chứng nào về sự hủy diệt hàng loạt được mô tả trong sách Joshua và không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc xâm lược hùng mạnh của ngoại bang .Nhưng câu chuyện này không được viết ra để làm hài lòng một sử gia hiện đại;  nó là một sử thi dân tộc đã giúp Israel tạo ra một bản sắc văn hóa khác biệt với các nước láng giềng.  Khi chúng ta lần đầu tiên nghe nói về Israel trong một nguồn tài liệu phi Kinh thánh, vùng ven biển Canaan vẫn là một tỉnh của Đế quốc Ai Cập.  Một tấm bia có niên đại khoảng 1201 đề cập đến “Israel” là một trong những dân tộc nổi loạn bị quân đội của Pharaoh Merneptah đánh bại ở vùng cao nguyên Canaan, nơi có mạng lưới các làng mạc đơn sơ trải dài từ vùng hạ Galilee ở phía bắc đến Beersheba ở phía nam.  Nhiều học giả tin rằng cư dân của chúng là những người Israel đầu tiên.

 Trong thế kỷ 12, một cuộc khủng hoảng đã âm ỉ từ lâu ở Địa Trung Hải giờ tăng tốc, có lẽ do biến đổi khí hậu đột ngột.  Chúng ta không có tài liệu về những gì đã xảy ra đã quét sạch các đế chế trong khu vực và phá hủy các nền kinh tế địa phương.  Nhưng đến năm 1130 TCN, mọi chuyện đã kết thúc: thủ đô của người Hittite ở Mitanni đổ nát, các cảng Ugarit, Megiddo và Hazor của người Canaan đã bị phá hủy;  và tuyệt vọng, những người bị tước đoạt đi lang thang khắp khu vực.  Ai Cập đã mất hơn một thế kỷ để từ bỏ quyền kiểm soát các tỉnh ở nước ngoài.  Việc bản thân Pharaoh Merneptah buộc phải tham gia một chiến dịch ở vùng cao nguyên vào đầu thế kỷ cho thấy rằng ngay cả vào thời kỳ đầu này, các thống đốc Ai Cập của các thành bang Canaan đã không còn khả năng kiểm soát vùng nông thôn và phải cần quân tiếp viện từ Ai Cập .  Trong suốt quá trình hỗn loạn và kéo dài này, hết thành phố này đến thành phố khác sụp đổ. Không có tài liệu khảo cổ nào cho thấy những thành phố này đã bị phá hủy bởi một kẻ chinh phục duy nhất.  Sau khi người Ai Cập rời đi, có thể đã xảy ra xung đột giữa giới thượng lưu thành phố và các ngôi làng hoặc sự cạnh tranh giữa giới quý tộc thành thị.  Nhưng chính trong thời kỳ suy thoái này, các khu định cư bắt đầu xuất hiện ở vùng cao nguyên, có lẽ đi đầu là những người tị nạn chạy trốn khỏi cảnh hỗn loạn của các thành phố đang tan rã.  Một trong số rất ít cách mà nông dân có thể hành động để cải thiện số phận của họ chỉ đơn giản là bỏ nông trại khi hoàn cảnh trở nên không thể chịu đựng được, rời bỏ đất đai của họ và trở thành những kẻ lánh nạn vì tài chính. Vào thời điểm hỗn loạn chính trị như vậy, nông dân Israel có một cơ hội hiếm có để  thực hiện một cuộc di cư khỏi những thành phố suy sụp này và thành lập một xã hội độc lập mà không sợ bị giới quý tộc trả thù.  Những tiến bộ trong công nghệ chỉ mới làm cho việc định cư ở địa hình khó khăn này trở nên khả thi, nhưng vào đầu thế kỷ 12, có vẻ như các ngôi làng vùng cao đã chứa khoảng 80.000 người sinh sống.

 Nếu những người định cư này thực sự là những người Israel đầu tiên, thì một số người phải là người gốc Canaan, mặc dù họ có thể đã gia nhập cùng với những người di cư từ phía nam, những người đã mang theo Đức Yahweh, một vị thần của vùng Sinai.  Người khác – đặc biệt là chi phái Joseph—thậm chí có thể đến từ Ai Cập.  Nhưng những người Canaan từng sống dưới sự cai trị của Ai Cập tại các thành bang ven biển của Palestine cũng sẽ cảm thấy rằng họ đã “ra khỏi Ai Cập” theo một nghĩa rất thật.  Kinh Thánh Do Thái thừa nhận rằng Israel được tạo thành từ nhiều dân tộc khác nhau gắn kết với nhau trong một thỏa thuận giao ước, và câu chuyện sử thi của nó cho thấy rằng dân Israel thuở ban đầu đã đưa ra quyết định dựa trên nguyên tắc là quay lưng lại với nhà nước nông nghiệp áp bức.  Nhà của họ ở các làng vùng cao khiêm tốn và đồng nhất, không có cung điện hay tòa nhà công cộng: đây dường như là một xã hội bình đẳng có thể đã trở lại tổ chức bộ lạc để tạo ra một xã hội thay thế cho nhà nước phân tầng theo quy ước.

  • ● ●

Phiên bản cuối cùng của Ngũ Thư xảy ra sau khi vương quốc của chính Israel bị Nebuchadnezzar hủy diệt vào năm 587 TCN và dân Israel bị trục xuất đến Babylonia.  Thiên anh hùng ca trong Kinh thánh không chỉ đơn giản là một tài liệu tôn giáo mà còn là một tiểu luận triết học chính trị: làm thế nào một quốc gia nhỏ bé có thể giữ được tự do và sự toàn vẹn của mình trong một thế giới bị thống trị bởi các thế lực đế quốc tàn bạo?  Khi người Israel thoát khỏi các thành bang Canaan họ phát triển một hệ tư tưởng trực tiếp chống lại bạo lực có hệ thống của xã hội nông nghiệp.  Israel không được “giống như các quốc gia khác.”  Do đó, sự thù địch của họ đối với “người Canaan” mang tính chính trị cũng như tôn giáo. Những người định cư dường như đã nghĩ ra luật lệ để đảm bảo rằng thay vì bị chiếm đoạt bởi một tầng lớp quý tộc, đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của đại gia đình;  rằng các khoản vay không lãi suất cấp cho những người Israel nghèo khó là bắt buộc;  rằng tiền lương phải trả ngay lập tức cho người lao động; tình trạng  nô lệ theo hợp đồng bị hạn chế;  và rằng phải bảo đảm trợ giúp đặc biệt cho thành viên dễ bị tổn thương về mặt xã hội—trẻ mồ côi, góa phụ và người nước ngoài.

 Về sau, người Do Thái, người Thiên chúa giáo và người Hồi giáo đều coi vị thần Yahweh trong Kinh thánh Do Thái là biểu tượng của sự siêu việt tuyệt đối, tương tự như thần Brahman hoặc Niết bàn. Tuy nhiên, trong Ngũ Thư, Yahweh là một vị thần chiến tranh, không khác gì Indra hay Marduk nhưng với một sự khác biệt quan trọng.  Giống như Indra, Yahweh đã từng chiến đấu với những con rồng hỗn mang để sắp xếp vũ trụ, đặc biệt là con quái vật biển tên là Leviathan, nhưng trong Ngũ Thư, ngài chiến đấu với các đế chế trần gian để thành lập một dân tộc hơn là một vũ trụ.  Hơn nữa, Đức Yahweh là kẻ thù không đội trời chung của nền văn minh nông nghiệp.  Câu chuyện về tháp Babel là một lời phê phán được che đậy kín đáo về Babylon. Say sưa với những mộng tưởng chinh phục thế giới, các nhà cai trị của nó đã quy định rằng toàn thể nhân loại sống trong một quốc gia duy nhất với một ngôn ngữ chung;  họ tin rằng tháp tầng của họ có thể tự mình chạm tới thiên đường.  Nổi giận trước sự ngạo mạn của đế quốc này, Đức Yahweh đã biến toàn bộ dinh thự chính trị thành “sự hỗn loạn” (babel). Ngay sau sự việc này, Ngài ra lệnh cho Abraham rời khỏi Ur, lúc đó là một trong những thành bang quan trọng nhất của Lưỡng Hà. Đức Yahweh nhấn mạnh rằng  ba tộc trưởng— Abraham, Isaac và Jacob—đánh đổi sự chuyên chế phân tầng của cuộc sống thành thị để lấy tự do và bình đẳng trong cuộc sống của những người chăn gia súc.  Nhưng kế hoạch đã sai sót: hết lần này đến lần khác, vùng đất mà Đức Yahweh đã chọn cho các tộc trưởng đã không thể duy trì sự sống còn của họ.

 Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan của người Do Thái cổ: Đức Yahweh nhất quyết yêu cầu dân Ngài từ bỏ chế độ nông nghiệp, nhưng hết lần này đến lần khác họ thấy rằng họ không thể sống thiếu nó. Để thoát khỏi nạn đói, Abraham phải lánh nạn tạm thời ở Ai Cập. Con trai ông là Isaac phải  từ bỏ cuộc sống chăn cừu và bắt đầu làm ruộng trong thời kỳ đói kém nhưng đã trở nên thành công đến nỗi ông bị các vị vua láng giềng săn mồi tấn công. Cuối cùng, khi “nạn đói trở nên trầm trọng khắp thế giới,” Jacob buộc phải gửi mười người con trai của mình đến Ai Cập để mua  ngũ cốc.  Trước sự ngạc nhiên của họ, họ gặp lại người em trai thất lạc đã lâu là Joseph trong triều đình của Pharaoh.

 Khi còn là một cậu bé, Joseph—con trai yêu quý của Jacob—đã có những giấc mơ về chế độ chuyên chế ruộng đất mà ông đã mô tả một cách ngu ngốc với các anh của mình: “Chúng ta đang buộc những bó lúa ở vùng nông thôn, và bó lúa của em dường như đứng thẳng;  sau đó em thấy  bó lúa của các anh quây quần lại và cúi đầu trước bó lúa của em.” Các anh vô cùng tức giận đến mức họ lắp bắp trong cơn giận dữ: “Mày muốn trở thành vua, hườm, vua của tụi tao hả?” Những ảo tưởng về chế độ quân chủ như vậy đã vi phạm mọi điều mà gia đình đại diện, và Jacob quở trách cậu bé: “Vậy thì tất cả chúng tao, tao, mẹ mày và các anh mày sẽ đến cúi đầu trước mặt mày sao?”Nhưng ông ta tiếp tục chiều chuộng Joseph, cho đến khi, quá sức chịu đựng, các anh đã bán cậu em làm nô lệ ở Ai Cập, rồi nói dối với cha của họ rằng cậu ta đã bị giết bởi một dã thú.  Tuy nhiên, sau một khởi đầu đau thương, Joseph, một nông dân bẩm sinh, đã vui vẻ từ bỏ các công việc mục vụ và hòa nhập vào cuộc sống quý tộc với thành công ngoạn mục.  Ông nhận được việc làm trong triều đình Pharaoh, cưới một người vợ Ai Cập, và thậm chí còn gọi con trai đầu lòng của mình là Manasseh — “Đấng-Làm-Tôi-Quên,” nghĩa là “Chúa đã khiến tôi quên … cả nhà cha tôi.”  Với tư cách là tể tướng của Ai Cập, Joseph đã cứu đất nước khỏi nạn đói: được báo mộng về nạn mất mùa sắp xảy ra, ông chỉ huy thu hoạch trong bảy năm, gửi khẩu phần cố định đến các thành phố và tích trữ phần dư thừa, để khi nạn đói xảy ra, Ai Cập có đủ ngũ cốc.  Nhưng Joseph cũng đã biến Ai Cập thành nhà nước nô lệ, bởi vì tất cả những người Ai Cập túng quẫn, những người bị buộc phải bán tài sản của họ cho Pharaoh để đổi lấy ngũ cốc, đều bị biến thành nông nô. Joseph đã cứu sống gia đình mình  khi nạn đói buộc họ phải lánh nạn ở Ai Cập, nhưng họ cũng sẽ mất tự do vì Pharaoh cấm họ rời đi.

Độc giả của Ngũ Thư thường bối rối trước đạo đức của các tổ phụ.  Không ai trong số họ là những nhân vật đặc biệt đáng ngưỡng mộ: Abraham đã bán vợ mình cho Pharaoh để cứu mạng sống của mình;  Joseph kiêu ngạo và tự cho mình là trung tâm;  và Jacob thì thờ ơ một cách đáng kinh ngạc khi  con gái Dinah của mình bị cưỡng hiếp.  Nhưng đây không phải là những câu chuyện đạo đức.  Nếu chúng ta đọc chúng như một tư liệu triết học chính trị, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn.  Do bị đẩy ra ngoài lề, Israel sẽ luôn dễ bị tổn thương trước các quốc gia hùng mạnh hơn.  Được lệnh rời khỏi nền văn minh nhưng không thể tồn tại nếu không có nó, các tộc trưởng ở trong một tình thế bất khả thi.  Tuy nhiên, bất chấp những khiếm khuyết của mình, Abraham vẫn được so sánh một cách tốt đẹp với những người cai trị trong câu chuyện này, những kẻ chiếm đoạt vợ của thần dân, chiếm đoạt giếng nước của họ và hãm hiếp con gái của họ mà không bị trừng phạt. Trong khi các vị vua thường tịch thu tài sản của người khác, Abraham luôn tôn trọng quyền  tài sản. Ông thậm chí không giữ chiến lợi phẩm thu được trong một cuộc đột kích mà ông đã chiến đấu chỉ để giải cứu cháu trai Lot của mình, người đã bị bốn vị vua cướp bóc bắt cóc. Lòng tốt và lòng hiếu khách của ông đối với ba người lạ đi ngang qua hoàn toàn trái ngược với bạo lực mà họ phải trải qua trong Sodom văn minh. Khi Đức Yahweh nói với Abraham rằng Ngài dự định hủy diệt Sodom, Abraham đã cầu xin Ngài tha cho thành phố, vì không giống như những người cai trị coi thường mạng sống con người, ông sợ hãi khi làm đổ máu người vô tội.

 Khi các tác giả Kinh thánh kể cho chúng ta nghe về Jacob trên giường bệnh ban phước lành cho mười hai người con trai  và tiên tri về tương lai của chúng, họ hỏi ông loại lãnh đạo nào là cần thiết để tạo ra một xã hội bình đẳng khả thi trong một thế giới tàn nhẫn như vậy.  Jacob bác bỏ Simeon  và Levi, những người mà bạo lực liều lĩnh của họ sẽ khiến họ không bao giờ kiểm soát được lãnh thổ, dân số và quân đội. Ông tiên đoán rằng Judah, người biết thừa nhận và sửa chữa sai lầm, sẽ trở thành một nhà cai trị lý tưởng. Nhưng không quốc gia nào có thể tồn tại nếu không có hiểu biết về chính trị của Joseph, vì vậy khi dân Israel cuối cùng trốn thoát khỏi Ai Cập, họ mang theo hài cốt của Joseph đến Miền Đất Hứa.  Sau đó, có những lúc một nhà nước có thể  phải cần đến chủ nghĩa cực đoan của Levi, vì nếu không có quyết tâm mạnh mẽ của Moses, người nhánh Levi, Israel sẽ không bao giờ rời khỏi Ai Cập.

 Sách Xuất hành mô tả chủ nghĩa đế quốc Ai Cập là một ví dụ cực đoan về sự áp bức có hệ thống.  Các pharaoh khiến cuộc sống của dân Israel trở nên “không thể chịu nổi”, buộc họ phải “làm việc với đất sét và gạch, đủ loại công việc trên đồng ruộng;  buộc họ phải làm đủ mọi hình thức lao động.” Để ngăn chặn tỷ lệ sinh ngày càng tăng của họ, Pharaoh thậm chí còn ra lệnh cho các bà mụ giết tất cả các bé trai Israel, nhưng đứa trẻ sơ sinh Moses đã được con gái của Pharaoh cứu sống và nuôi nấng như một quý tộc Ai Cập.  Một ngày nọ, trong bản năng kinh tởm sự chuyên chế nhà nước, Moses, một người con đích thực của Levi, đã giết một người Ai Cập đang đánh đập một nô lệ Do Thái. Ông phải chạy trốn khỏi đất nước, và ĐứcYahweh, không hiện hình trước Moses, nhà quý tộc Ai Cập, mà chỉ bắt chuyện lần dầu với ông  khi ông đang làm công việc chăn cừu ở Midian. Trong cuộc Xuất hành, Đức Yahweh chỉ có thể giải phóng cho Israel bằng cách sử dụng cùng một chiến thuật tàn bạo như bất kỳ cường quốc đế quốc nào: khủng bố dân chúng Ai Cập, tàn sát con cái họ và nhấn chìm toàn bộ quân đội Ai Cập trong nước biển.  Chiến thuật hòa bình không có tác dụng chống lại sức mạnh quân sự của nhà nước.  Đức Yahweh đã chia đôi Biển Sậy để dân Israel có thể chạy băng qua một cách dễ dàng như Marduk đã xẻ đôi Tiamat, đại dương nguyên thủy, để tạo ra trời và đất;  nhưng thay vì một vũ trụ có trật tự, Ngài đã thành lập một quốc gia mới sẽ cung cấp một giải pháp thay thế cho sự xâm lược của chế độ đế quốc.

 Đức Yahweh đã lập giao ước với Israel trên núi Sinai.  Các nguồn tài liệu cổ  nhất, có niên đại từ thế kỷ thứ tám trước Công nguyên, không đề cập đến Mười Điều Răn được trao cho Moses vào dịp này.  Thay vào đó, chúng miêu tả Moses và các trưởng lão của Israel chứng kiến Chúa Trời  hiển linh trên đỉnh núi Sinai, trong đó họ “ngắm nhìn Đức Chúa Trời” và chia sẻ một bữa ăn thiêng liêng. Các bảng đá mà Moses nhận được, “được viết bởi ngón tay của Đức Chúa Trời,”  có lẽ khắc ghi những chỉ dẫn của Ngài về việc xây dựng và trang bị áng thờ trong điện thờ dựng trong nhà lều mà Ngài sẽ ở với Israel trong vùng hoang dã.  Mười Điều Răn được thêm vào sau này bởi các nhà cải cách thế kỷ thế kỷ 7,  những người cũng chịu trách nhiệm,  như chúng ta sẽ thấy,  về một số đoạn bạo lực nhất trong Kinh thánh  Do Thái.

  • ● ●

Sau khi Moses qua đời, nhiệm vụ chinh phục Đất Hứa thuộc về Joshua.  Sách Joshua trong Kinh thánh vẫn chứa một số tài liệu cổ xưa, nhưng điều này đã được sửa đổi triệt để bởi chính những nhà cải cách này, những người đã giải thích nó dưới ánh sáng của thần học bài ngoại đặc biệt của mình.  Họ tạo ấn tượng rằng, hành động theo lệnh của ĐứcYahweh, Joshua đã tàn sát toàn bộ cư dân Canaan và phá hủy các thành phố của họ.  Tuy nhiên, không những không có bằng chứng khảo cổ học cho sự hủy diệt hàng loạt này, mà chính bản văn Kinh thánh cũng thừa nhận rằng trong nhiều thế kỷ, người Israel đã chung sống với người Canaan và kết hôn với họ, và những vùng đất rộng lớn của đất nước vẫn nằm trong tay người Canaan. Trên cơ sở trước tác của nhà cải cách, người ta thường cho rằng thuyết độc thần, niềm tin vào một vị thần duy nhất, khiến Israel đặc biệt dễ bị hứng chịu bạo lực.  Người ta cho rằng việc phủ nhận các vị thần khác  cho thấy một sự bất khoan dung điên cuồng không có trong chủ nghĩa đa nguyên hào phóng của người ngoại giáo. Nhưng người Israel không phải là những người theo thuyết độc thần vào thời điểm này và chỉ khởi đầu theo thuyết độc thần vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên.  Thật vậy, cả bằng chứng trong Kinh thánh và khảo cổ học đều cho thấy rằng niềm tin và thực hành tôn giáo của hầu hết những người Israel thời kỳ đầu không khác nhiều so với những người láng giềng Canaan.  Mười Điều Răn coi sự tồn tại của các vị thần đối địch là điều hiển nhiên và chỉ đơn giản là cấm dân Israel thờ phụng họ: “Các ngươi không được có bất kỳ vị thần nào khác trước sự hiện diện của ta.”

 Trong phần đầu tiên của các câu chuyện chinh phục, bạo lực của Joshua có liên quan đến một phong tục cổ xưa của người Canaan được gọi là “sự cấm đoán” (herem).  Trước trận đánh, viên chỉ huy sẽ thỏa thuận với vị thần của mình: nếu thần giúp y chiếm được thành, y hứa sẽ “dâng cúng” tất cả chiến lợi phẩm có giá trị  và hiến tế những người bị chinh phục cho điện thờ của Thần. Joshua cũng đưa ra một giao ước tương tự với Yahweh trước khi tấn công Jericho, và Yahweh đã giao  thị trấn này cho Israel trong một phép lạ ngoạn mục, khiến những bức tường thành nổi tiếng của nó sụp đổ khi các thầy tế lễ thổi tù và bằng sừng cừu.  Trước khi cho quân xông vào thành, Joshua giải thích các điều khoản của lệnh cấm và quy định rằng không ai trong thành được tha chết, vì mọi người và mọi vật trong thành đã được “hiến tế” cho Đức Yahweh.  Theo đó, dân Israel “thi hành lệnh cấm đối với mọi thứ trong thành, đàn ông và đàn bà, già trẻ, thậm chí cả bò, cừu và lừa, tàn sát tất cả.” Nhưng lệnh cấm đã bị vi phạm khi một  người lính giữ lại chiến lợi phẩm cho mình, và hậu quả là dân Israel không chiếm được thị trấn Ai vào ngày hôm sau.  Sau khi thủ phạm đã được tìm ra và hành quyết, dân Israel tấn công Ai một lần nữa, lần này thành công, họ phóng hỏa thành phố để nó trở thành giàn thiêu và tàn sát bất kỳ ai cố gắng trốn thoát: “Số người đã ngã xuống trong ngày hôm đó, đàn ông  và đàn bà cộng lại, là mười hai ngàn người, tất cả dân Ai.” Cuối cùng, Joshua treo cổ nhà vua trên cây, xây một tháp đá tưởng niệm trên thi hài của ông, và biến thành phố thành “một nơi đổ nát mãi mãi, một nơi hoang vu, thậm chí đến ngày nay.”

Những bản khắc vào thế kỷ thứ 9 được phát hiện ở Jordan và miền nam Ả Rập ghi lại những cuộc chinh phục theo khuôn mẫu này đến từng chữ.  Họ thuật lại việc đốt cháy thị trấn, vụ thảm sát công dân của nó, việc treo cổ kẻ thống trị, và việc dựng lên một đài tưởng niệm tuyên bố rằng kẻ thù đã bị tiêu diệt hoàn toàn và thị trấn không bao giờ được xây dựng lại. Do đó, lệnh cấm không phải là  phát minh của Israel “độc thần” nhưng lại là một tập tục ngoại giáo địa phương.  Một trong những bản khắc này giải thích rằng Vua Mesha của Moab được thần Kemosh ra lệnh chiếm Nebo từ tay Vua Omri của Israel (cai trị 885–874).  “Tôi đã chiếm lấy nó và giết từng người trong đó,” Mesha tuyên bố, “bảy nghìn đàn ông ngoại quốc, phụ nữ bản xứ, phụ nữ ngoại quốc, thê thiếp—vì tôi đã dâng cúng sự hủy diệt  lên Ashtur Kemosh.” Israel đã “hoàn toàn  diệt vong vĩnh viễn.” Tuy nhiên, đây là một kết luận thiếu thực tế  vì Vương quốc Israel sẽ tồn tại thêm 150 năm nữa.  Đồng quan điểm, các tác giả Kinh Thánh ghi lại sắc lệnh của Đức Yahweh rằng Jericho sẽ mãi mãi là một đống đổ nát, mặc dù nó sẽ trở thành một thành phố thịnh vượng của Israel.  Các quốc gia mới ở Trung Đông dường như đã nuôi dưỡng ảo tưởng về một cuộc chinh phạt nhằm tạo ra vùng đất trắng cho họ. Do đó, tường thuật về “lệnh cấm” là một ẩn dụ văn học không thể đọc được theo nghĩa đen.  Những kẻ chinh phục thế tục cũng như tôn giáo sau này sẽ phát triển những hư cấu tương tự tuyên bố rằng lãnh thổ mà họ chiếm đóng là “không được sử dụng” và “trống rỗng” cho đến khi họ chiếm hữu nó.

  • ● ●

 Đúng với nhiệm vụ của họ là tạo ra một xã hội thay thế, ban đầu người Israel miễn cưỡng thành lập một nhà nước bình thường “giống như các nhà nước khác” nhưng dường như họ đã sống trong các chế độ  độc lập không có chính quyền trung ương.  Nếu họ bị lân bang tấn công, một thủ lĩnh hoặc một phán quan sẽ đứng dậy và huy động toàn dân chống lại cuộc tấn công.  Đây là cách sắp xếp mà chúng ta tìm thấy trong Sách Thủ Lĩnh, sách này cũng đã được các nhà cải cách vào thế kỷ thứ bảy sửa đổi nhiều.  Nhưng theo thời gian, không được  cai trị nghiêm khắc, dân Israel sa đọa về đạo đức.  Một câu được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt cuốn sách: “Vào thời đó, không có vua ở Israel, và mọi người đều làm theo ý mình thích.” Chúng ta đọc về việc một quan tòa đã hiến tế chính con gái mình; một bộ tộc đã hủy diệt một người vô tội thay vì những kẻ thù do Đức Yahweh giao phó; một nhóm người Israel đã hãm hiếp tập thể một phụ nữ cho đến chết; và một cuộc nội chiến trong đó bộ tộc Benjamin gần như bị tiêu diệt. Những câu chuyện này không được giữ lại  để dạy dỗ cho chúng ta;  đúng hơn, họ đã phát hiện một tình thế khó khăn về chính trị và tôn giáo.  Liệu xu hướng bạo lực tự nhiên của chúng ta có thể được kiểm soát trong một cộng đồng mà không cần đến một mức độ ép buộc nào không?  Có vẻ như dân Israel đã giành được tự do nhưng đã đánh mất linh hồn của mình, và chế độ quân chủ dường như là cách duy nhất để lập lại trật tự.  Hơn nữa, người Philistin, vốn đã thành lập một vương quốc ở bờ biển phía nam của Canaan, đã trở thành một mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với các chi tộc Israel.  Cuối cùng, các trưởng lão Israel đến gặp Phán quan Samuel của họ với một yêu cầu gây sốc: “Hãy cho chúng tôi một vị vua để cai trị chúng tôi giống như các xứ sở khác”.

 Samuel đã đáp lại bằng một bài phê bình đáng chú ý về sự áp bức ruộng đất, trong đó liệt kê sự bóc lột thường xuyên của mọi nền văn minh tiền hiện đại:

 Đây sẽ là quyền của vị vua trị vì các ngươi.  Ông ấy sẽ bắt các con trai của ngươi và giao họ cho đội chiến mã xa và kỵ binh của ông ấy, và bắt họ chạy trước cỗ xe của ông ấy.  Ông ta sẽ sử dụng họ làm thủ lĩnh một ngàn người và chỉ huy năm mươi người;  ông ta sẽ bắt họ cày bừa ruộng của ông ta, thu hoạch vụ mùa của ông ta, chế tạo vũ khí chiến tranh và trang bị cho xe ngựa của ông ta.  Ông ta cũng sẽ nhận con gái của ngươi làm người pha chế nước hoa, đầu bếp và thợ làm bánh.  Nhà vua sẽ lấy đi những thửa ruộng tốt nhất, vườn nho và vườn ô-liu tốt nhất của ngươi và giao cho các quan chức ông ta.… Vua sẽ lấy đi những tôi trai tớ gái, gia súc và lừa tốt nhất của ngươi, và bắt chúng làm việc cho vua.  Ông ta sẽ thu thuế suất một phần mười đàn gia súc của ngươi, và chính người cũng sẽ trở thành nô lệ của ông ta.  Khi ngày đó đến, các ngươi sẽ kêu gào vì vị vua mà các ngươi đã chọn cho mình, nhưng vào ngày đó, Đức Yahweh sẽ không đáp lời các ngươi.

 Không giống như hầu hết các truyền thống tôn giáo tán thành hệ thống này, mặc dù miễn cưỡng, Israel đã hoàn toàn bác bỏ tính bạo lực có cấu trúc của mình nhưng không thiết lập được một giải pháp thay thế khả thi.  Bất chấp những giấc mơ về tự do và công bằng, người Israel đã hết lần này đến lần khác phát hiện ra rằng họ không thể tồn tại nếu không có một quốc gia hùng mạnh.

 Saul, vị vua đầu tiên của Israel, vẫn cai trị với tư cách là phán quan và thủ lĩnh.  Nhưng David người phế truất ông, sẽ được nhớ đến như vị vua lý tưởng của Israel, mặc dù rõ ràng ông không phải là mẫu mực.  Các tác giả Kinh thánh không thể hiện bản thân một cách thẳng thừng như Thừa tướng Thương Ưởng, nhưng có lẽ họ hiểu rằng các vị thánh không có khả năng trở thành những người cai trị tốt.  David đã mở rộng lãnh thổ của người Israel ở bờ đông sông Jordan, thống nhất các vùng riêng biệt của Israel ở phía bắc và Judah ở phía nam, đồng thời chinh phục thành-bang Jerusalem từ tay người Hittite-Jebusite, nơi trở thành thủ đô của vương quốc thống nhất của ông.  Tuy nhiên, không có việc đặt “lệnh cấm” đối với người Jebusite: David chấp nhận chính quyền người Jebusite hiện có, tuyển dụng người Jebusite vào bộ máy hành chính của mình và tiếp quản quân đội thường trực của người Jebusite—một chủ nghĩa thực dụng có thể điển hình hơn ở Israel so với sự tính quá khích bị cáo buộc của Joshua. Tuy nhiên, David có lẽ đã không thiết lập một hệ thống triều cống thường xuyên, mà chỉ đánh thuế những người dân bị chinh phục và bổ sung thu nhập của mình bằng chiến lợi phẩm.

 Trong vương quốc non trẻ đầy hy vọng này, chúng ta tìm thấy một đặc tính anh hùng không có chút gì là “tôn giáo”. Chúng ta thấy điều đó đầu tiên trong câu chuyện nổi tiếng về trận đấu tay đôi của chàng trai trẻ David với gã khổng lồ Goliath người Philistin.  Chiến đấu tay đôi là một trong những đặc điểm nổi bật của chiến tranh hiệp sĩ. Nó cho tướng quân cơ hội thể hiện kỹ năng võ nghệ của mình, và đội quân ở cả hai bên đều thích xem cuộc đụng độ giữa các nhà vô địch ở hai phe.  Hơn nữa, theo quy tắc hiệp sĩ của Israel, các chiến binh đã hình thành một đẳng cấp gồm những nhà vô địch, được tôn trọng vì lòng dũng cảm và tài năng của họ ngay cả khi họ thuộc bên đối địch. Mỗi buổi sáng, Goliath xuất hiện trước hàng ngũ của quân Israel, thách thức  họ chiến đấu với y, và  khi không ai tiến tới, y lớn tiếng chế nhạo sự hèn nhát của họ.  Một ngày nọ, cậu bé chăn cừu David, chỉ trang bị một chiếc ná bắn đá, hạ gục y bằng một viên sỏi và chặt đầu y.  Nhưng nhà vô địch anh hùng cũng có thể hoàn toàn tàn nhẫn trong trận chiến.  Khi đạo quân của David đến bên ngoài tường thành Jerusalem, dân Jebusite nhạo ông: “Các ngươi sẽ không được vào đây.  Ngay cả người mù và người què cũng cầm chân được các ngươi.” Nghe vậy, David  ra lệnh cho binh sĩ của mình chỉ tàn sát “người mù và què,” một sự tàn nhẫn được thiết kế để khiến kẻ thù khiếp sợ.  Tuy nhiên, văn bản Kinh thánh ở đây rời rạc và tối nghĩa, và có thể đã được chỉnh sửa bởi một người biên tập không thoải mái với câu chuyện này.  Một truyền thống sau này thậm chí còn cho rằng David bị Đức Yahweh cấm xây đền thờ ở Jerusalem, “vì ngươi đã đổ quá nhiều máu trên đất trước mặt ta”.  Vinh dự đó sẽ được dành cho con trai của David và người kế vị là Solomon, tên được cho là bắt nguồn từ tiếng Do Thái shalom, “hòa bình”. Nhưng mẹ của Solomon, Bathsheba, là một người Jebusite và tên của ông cũng có thể bắt nguồn từ Shalem, vị thần cổ xưa của Jerusalem.

Đền thờ của Solomon được xây dựng theo địa hình khu vực và nội thất của nó cho thấy sự sùng bái Đức Yahweh đã thích ứng triệt để như thế nào với bối cảnh ngoại giáo của vùng Cận Đông.  Rõ ràng là không có sự bất khoan dung giáo phái nào ở Jerusalem của người Do Thái.  Ở lối vào đền thờ là hai tảng đá đứng của người Canaan (matzevoth) và một cái chậu bằng đồng khổng lồ, tượng trưng cho Yam, con quái vật biển đánh nhau với thần Baal, được đỡ bởi mười hai con bò bằng đồng, biểu tượng phổ biến của thần thánh và khả năng sinh sản. Các nghi lễ trong đền thờ dường như cũng đã  chịu ảnh hưởng của giáo phái Baal ở Ugarit lân cận. Ngôi đền được cho là tượng trưng cho sự chấp thuận của Đức Yahweh đối với quyền cai trị của Solomon. Không có nguồn tài liệu nào khác đề cập đến đế chế tồn tại ngắn ngủi của ông, nhưng các tác giả Kinh thánh cho chúng ta biết rằng nó trải dài từ sông Euphrates đến  Địa Trung Hải và đã đạt được và duy trì được bằng vũ lực.  Solomon đã thay thế bộ binh của David bằng một đội quân chiến mã xa, tham gia vào các giao dịch vũ khí béo bở với các vua láng giềng, và khôi phục các pháo đài cổ là Hazor, Megiddo, và Arad. Về mặt vật chất thuần túy, mọi thứ dường như hoàn hảo: “Judah và Israel sống trong an bình:  mỗi người dưới cây nho và cây vả của mình!” Tuy nhiên, loại nhà nước này, được duy trì bằng chiến tranh và thuế khóa, chính là điều mà Đức Yahweh luôn ghê tởm.  Không giống như David, Solomon thậm chí còn đánh thuế các thần dân Israel của mình, và các dự án xây dựng của ông đòi hỏi số lượng lớn lao động cưỡng bức. Cùng với việc canh tác trên mảnh đất của chính họ để tạo ra thặng dư hỗ trợ nhà nước, nông dân cũng phải phục vụ trong quân đội hoặc nghĩa vụ quân sự hoặc lao động khổ sai trong một tháng  mỗi ba tháng.

 Một số nhà soạn thảo Kinh thánh đã cố gắng lập luận rằng đế chế của Solomon thất bại vì ông đã xây dựng các đền thờ cho các vị thần ngoại giáo của các bà vợ ngoại quốc của mình. Nhưng rõ ràng vấn đề thực sự là tính bạo lực có cấu trúc của nó, thứ đã xúc phạm các nguyên tắc ăn sâu của người Israel.  Sau khi Solomon qua đời, một phái đoàn đã cầu xin con trai ông là Rehoboam đừng lặp lại “nền chuyên chế khắc nghiệt” của cha mình. Khi Rehoboam khinh khỉnh từ chối, một đám đông đã tấn công viên quản lý đoàn lao dịch, và mười trong số mười hai bộ tộc ly khai khỏi đế chế để thành lập Vương quốc độc lập  Israel.

  • ● ●

 Kể từ đó, hai vương quốc đã đi theo con đường riêng của họ.  Nằm gần các tuyến đường thương mại quan trọng, Vương quốc Israel ở phía bắc đã phát triển thịnh vượng, với các đền thờ hoàng gia ở Bethel và Dan và thủ đô tráng lệ ở Samaria.  Chúng ta biết rất ít về hệ tư tưởng của nó, bởi vì những người biên tập Kinh thánh ủng hộ Vương quốc Judah nhỏ hơn và cô lập hơn.  Nhưng cả hai có lẽ phù hợp với truyền thống địa phương.  Giống như hầu hết các vị vua Trung Đông, vua của Judah được nâng lên thành một “trạng thái ngoại lệ” bán thần thánh trong nghi lễ đăng quang, khi ông trở thành con nuôi của Yahweh  và là thành viên Hội đồng thiêng liêng các vị thần. Giống như thần Baal, Yahweh được tôn vinh như một vị thần chiến binh đã bảo vệ người dân của mình khỏi kẻ thù của họ: “Khi ngài nổi giận, ngài sẽ tiêu diệt các vị vua, ngài ban cho các quốc gia sa mạc của họ;  đập vỡ hộp sọ của họ, ngài lấp đầy thế giới bằng xác chết.” Trách nhiệm chính của nhà vua là đảm bảo và mở rộng lãnh thổ của mình, nguồn thu nhập của vương quốc.  Do đó, ông luôn ở trong tình trạng xung đột vĩnh viễn với các quốc vương láng giềng, những người có cùng mục tiêu.  Do đó, Israel và Judah bị lôi cuốn vào mạng lưới thương mại, ngoại giao và chiến tranh địa phương.

 Hai vương quốc đã nổi lên khi các cường quốc đế quốc trong khu vực suy tàn, nhưng vào đầu thế kỷ thứ tám, Assyria lại trỗi dậy, sức mạnh quân sự của nó buộc các vị vua yếu hơn phải chịu làm chư hầu.  Tuy nhiên, một số vương quốc bị chinh phục này đã phát triển mạnh mẽ.  Vua Jeroboam II (786–746 TCN) trở thành một chư hầu đáng tin cậy của người Assyria, và Vương quốc Israel tận hưởng sự bùng nổ kinh tế.  Nhưng vì người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo trở nên nghèo khó hơn, nên nhà tiên tri Amos đã trừng phạt nhà vua. Các nhà tiên tri của Israel đã duy trì những lý tưởng bình đẳng cũ của Israel.  Amos trừng phạt tầng lớp quý tộc vì đã chà đạp lên đầu những người dân thường, xô đẩy người nghèo ra khỏi đường đi của họ, và nhồi nhét cung điện của họ bằng thành quả tống tiền. Đức Yahweh, ông cảnh báo, không còn đứng về phía Israel vô điều kiện nữa mà sẽ sử dụng Assyria  làm công cụ trừng phạt của mình. Người Assyria sẽ xâm lược vương quốc, cướp bóc và phá hủy các cung điện và đền thờ của nó. Amos tưởng tượng Đức Yahweh gầm lên giận dữ từ đền thờ của Ngài trước những tội ác chiến tranh do các vương quốc địa phương gây ra, bao gồm cả Israel. Ở Judah cũng vậy,  nhà tiên tri Isaiah đã lên tiếng chống lại việc bóc lột người nghèo và việc chiếm đoạt ruộng đất của nông dân: “Hãy ngừng làm điều ác.  Hãy học cách làm điều tốt, tìm kiếm công lý, giúp đỡ những người bị áp bức, công bằng với trẻ mồ côi và bênh vực người góa bụa.” Vấn đề nan giải là sự non nớt này rất cần thiết cho nền kinh tế nông nghiệp và nếu các vị vua Israel và Judah thi hành đầy đủ những chính sách từ bi này, họ sẽ là con mồi dễ dàng cho Assyria.

Năm 745, Tiglath-pileser III bãi bỏ hệ thống chư hầu và sáp nhập trực tiếp tất cả các dân tộc bị chinh phục vào nhà nước Assyria.  Chỉ với một dấu hiệu bất đồng quan điểm nhỏ nhất, toàn bộ giai cấp thống trị của nhà nước chư hầu sẽ bị trục xuất và thay thế bằng những người từ các vùng khác trong đế chế của ông ta.  Quân đội đã để lại dấu vết hoang tàn sau khi tấn công, và vùng nông thôn bị bỏ hoang khi nông dân đổ về lánh nạn trong các thị trấn.  Khi Vua Hosea từ chối triều cống vào năm 722, Shalmenese III chỉ cần xóa Vương quốc Israel khỏi bản đồ và trục xuất tầng lớp quý tộc của nước này.  Nhờ vị trí biệt lập, Judah tồn tại cho đến đầu thế kỷ, khi quân của Sennacherib bao vây Jerusalem.  Quân đội Assyria cuối cùng buộc phải rút lui, có thể vì bị dịch bệnh tấn công, nhưng Lachish, thành phố thứ hai của Judah, đã bị san bằng và vùng nông thôn bị tàn phá. Vua Manasseh (cai trị 687–642) quyết tâm tiếp tục  về phe của Assyria, và Judah được hưởng hòa bình và thịnh vượng trong thời gian trị vì lâu dài của mình. Manasseh xây dựng lại các đền thờ thần Baal ở nông thôn và mang một hình nộm của Asherah, nữ thần mẹ của người Canaan, vào đền thờ của Đức Yahweh;  ông cũng cho dựng tượng các con ngựa thần của mặt trời trong đền thờ, có thể là biểu tượng của Ashur. Rất ít thần dân của Manaseh phản đối vì, như các nhà khảo cổ đã khám phá ra, nhiều người trong số họ có những hình nộm tương tự trong nhà riêng của mình.

  • ● ●

 Tuy nhiên, dưới triều đại của cháu nội Manasseh là Josiah (640–609), một nhóm các nhà tiên tri, thầy tế lễ và thư lại đã cố gắng thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng.  Vào thời điểm này, Assyria đang suy tàn: Pharaoh Psammetichus đã buộc quân đội Assyria phải rút khỏi Levant, và Josiah về mặt kỹ thuật trở thành chư hầu của ông ta.  Nhưng Ai Cập đã bị chiếm đóng ở những nơi khác, và Judah được hưởng một thời kỳ độc lập trên thực tế ngắn ngủi.  Vào năm 622, Josiah bắt đầu đại tu đền thờ của Solomon, biểu tượng của thời kỳ vàng son của Judah, có lẽ như một sự khẳng định lòng tự hào dân tộc.  Tuy nhiên, người Judah không thể quên số phận của Vương quốc Israel.  Bị bao vây bởi những đế chế săn mồi khổng lồ, với Babylon hiện nay trở thành thế lực thống trị ở Lưỡng Hà, làm sao Judah có thể hy vọng sống sót?  Nỗi sợ bị hủy diệt và trải nghiệm bạo lực nhà nước thường cực đoan hóa một truyền thống tôn giáo.  Zoroaster đã từng là nạn nhân của sự hiếu chiến thái quá, và tình trạng bạo lực này đã đưa sự tàn bạo của ngày tận thế vào  giải pháp lúc đầu hiếu hòa của ngài đối với giáo phái Indra hiếu chiến.  Giờ đây, ở Judah vào thế kỷ thứ bảy, những nhà cải cách mơ ước giành được độc lập nhưng lại khiếp sợ trước sự xâm lược của các cường quốc đế quốc đã mang đến  một tính không khoan nhượng hoàn toàn mới cho  giáo phải Đức Yahweh. 

Trong quá trình xây dựng đền thờ, thầy tế lễ thượng phẩm, một trong những nhà cải cách hàng đầu, đã khám phá ra một điều quan trọng: “Tôi đã tìm thấy sách luật [bản viết tay kinh torah] trong đền thờ Đức Yahweh,” ông tuyên bố. Cho đến thời điểm này, không có truyền thống về văn bản viết trên Núi Sinai;  trên thực tế, cho đến thế kỷ thứ tám, việc đọc và viết có rất ít vị trí trong đời sống tôn giáo của Israel.  Trong các truyền thống đầu tiên của Kinh thánh, Moses đã truyền đạt những lời dạy của Đức Yahweh bằng miệng. Tuy nhiên, những người cải cách tuyên bố rằng cuộn sách mà họ phát hiện ra đã được chính Đức Yahweh đọc cho Moses viết ra. Rủi ro thay, tài liệu quý giá này đã bị thất lạc, nhưng giờ đây họ đã tìm lại được bộ “đệ nhị luật,” này (tiếng Hy Lạp: deuteronomion) bổ sung cho lời dạy truyền khẩu của Đức Yahweh trên Núi Sinai, dân Judah có thể bước vào một khởi đầu mới và có lẽ cứu quốc gia của họ khỏi sự hủy diệt hoàn toàn.  Quá khứ ở một quốc gia nông nghiệp có thẩm quyền đến mức theo thông lệ, những người đang thúc đẩy một ý tưởng đổi mới sẽ gán nó cho một nhân vật lịch sử mang tính biểu tượng.  Những người cải cách tin rằng vào thời điểm lâm nguy nghiêm trọng này, họ đang nói thay cho Moses, đưa ra những lời dạy của riêng họ trong bài phát biểu mà họ gán cho Moses đã nói ngay trước khi ông qua đời, trong sách Đệ Nhị Luật.

 Lần đầu tiên, những nhà cải cách này nhấn mạnh rằng Đức Yahweh đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc.  “Hỡi Israel, hãy nghe đây,” Moses nói với dân của ông, “Đức Yahweh là Thượng đế của chúng ta, Chỉ có độc nhất Đức Yahweh!” Ông không chỉ nghiêm cấm dân Israel thờ phượng bất kỳ thần linh nào khác mà còn ra lệnh cho họ quét sạch các dân tộc bản địa ra khỏi Miền Đất Hứa:

 Ngươi phải đặt chúng dưới lệnh cấm.  Ngươi không được lập giao ước với chúng, cũng không được tỏ lòng thương hại.  Ngươi không được kết hôn với chúng … vì điều này sẽ khiến con trai ngươi từ bỏ việc theo ta để phục vụ các vị thần khác và cơn thịnh nộ của Đức Yahweh sẽ bùng lên chống lại nhà ngươi và sớm tiêu diệt ngươi.  Thay vào đó, hãy đối phó với chúng như sau: phá bỏ bàn thờ của chúng , đập vỡ những bia đá đứng của chúng, đốn hạ các cột tháp thờ của chúng và đốt rụi các tượng thần  của chúng.

Vì đã đánh mất “Đệ Nhị Luật” do Moses ghi lại, dân Israel đã không biết về mệnh lệnh của ông;  họ đã dung túng cho việc sùng bái các vị thần khác, kết hôn với người Canaan và lập giao ước với họ.  Thảo nào cơn giận của Đức Yahweh đã “thổi bùng” lên tại vương quốc phía bắc.  Những người cải cách nhấn mạnh rằng Moses đã cảnh báo dân Israel điều gì sẽ xảy ra.  “Đức Yahweh sẽ phân tán các ngươi giữa các dân tộc khác, từ đầu này đến đầu kia của trái đất.… Vào buổi sáng, các ngươi sẽ nói: ‘Ước gì trời đã tối!’ và vào buổi tối, ‘Ước gì trời đã sáng!’  Nỗi kinh hoàng như vậy sẽ bóp nghẹt trái tim ngươi, những cảnh tượng như vậy mà mắt ngươi sẽ thấy.”Khi cuộn sách được đọc to cho Josiah nghe, những lời dạy trong đó đã gây sửng sốt đến nỗi nhà vua bật khóc và kêu lên: “Cơn giận của Đức Yahweh thật vĩ đại, phừng phừng  chống lại chúng ta.”

 Thật khó cho chúng ta ngày nay  nhận ra được  tính độc quyền đến cực đoan của văn hóa vào thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên kỳ lạ đến mức nào .  Việc đọc Kinh thánh tiếng Do Thái cổ của chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi giáo lý độc thần suốt hai nghìn năm rưỡi.  Nhưng Josiah, tất nhiên, chưa bao giờ nghe nói về Điều Răn Thứ Nhất—“Ngươi không được đặt các vị thần lạ trước mặt ta”—mà những người cải cách đã đặt ở đầu Mười Điều Răn.  Nó thẳng thừng lên án việc Manasseh đưa hình nộm của “các thần lạ” vào đền thờ nơi “sự hiện diện” của Đức Yahweh (shechinah) được tôn phong tại Nơi Chí Thánh.  Nhưng các biểu tượng ngoại giáo đã hoàn toàn được chấp nhận ở đó kể từ thời Solomon.  Bất chấp các chiến dịch của các nhà tiên tri như Elijah, người đã thúc giục dân chúng thờ phượng một mình Đức Yahweh, phần lớn dân số của hai vương quốc chưa bao giờ nghi ngờ về hiệu lực của các thần như Baal, Anat, hoặc Asherah  Những lời tiên tri của nhà tiên tri Hosea cho thấy sự sùng bái thần Baal phổ biến như thế nào ở vương quốc phía bắc trong thế kỷ thứ tám, và chính những người cải cách cũng biết rằng dân Israel “dâng vật tế cho thần Baal, mặt trời, mặt trăng, các chòm sao và toàn bộ bầu trời.” Sẽ có rất nhiều phản kháng đối với thuyết độc thần.  Ba mươi năm sau khi Josiah qua đời, dân Israel vẫn sùng kính nữ thần Ishtar của người Lưỡng Hà, và đền thờ của Đức Yahweh lại một lần nữa đầy “các tượng thần hộ mạng của Israel”. Đối với nhiều người, việc phớt lờ đi nguồn cội thiêng liêng như vậy dường như là không tự nhiên và ngoan cố .  Những người cải cách biết rằng họ đang yêu cầu người Do Thái từ bỏ những điều thiêng liêng quen thuộc và được yêu mến và dấn thân vào cuộc cắt đứt cô đơn, đau đớn khỏi ý thức văn hóa và thần thoại của Trung Đông.

 Josiah hoàn toàn bị thuyết phục bởi  sách luật [sefer torah] và ngay lập tức bắt đầu một cuộc  hủy diệt cuồng loạn, xóa bỏ các vật dụng thờ cúng do Manasseh đưa vào, đốt các hình nộm của Baal và Asherah, phá bỏ các đền thờ ở nông thôn, phá bỏ điền thờ  Thần Bạch Mi của bọn gái mại dâm và tượng ngựa của người Assyria.  Tại các lãnh thổ cũ của Vương quốc Israel, ông thậm chí còn tàn nhẫn hơn, không chỉ phá hủy các đền thờ cổ  của Đức Yahweh ở Bethel và Samaria mà còn tàn sát các thầy tế lễ của các đền thờ nông thôn và làm ô uế các áng thờ của họ. Cuộc gây hấn cuồng tín này là bước phát triển mới bi thảm, đã lột sạch các biểu tượng thiêng liêng vốn là trung tâm của việc sùng bái và lòng mộ đạo của từng người Israel. Một truyền thống thường phát triển một sự căng thẳng bạo lực trong mối quan hệ cộng sinh với một chủ nghĩa đế quốc hiếu chiến;  vì lo sợ bị tiêu diệt bởi kẻ thù bên ngoài, nên mọi người tấn công “kẻ thù bên trong”.  Giờ đây, những người cải cách coi các giáo phái Canaan mà dân Israel yêu thích từ lâu là “ghê tởm” và “ô uế”;  họ khăng khăng rằng bất kỳ người Israel nào tham gia vào dị giáo đều phải bị săn lùng không thương tiếc. “Các ngươi không được nhượng bộ y, cũng không được nghe y, các ngươi không được tỏ lòng thương hại,” Moses đã ra lệnh;  “Các ngươi không được tha thứ cho y, và không được che giấu tội lỗi của y.  Không, các ngươi phải giết y.” Một thị trấn của người Israel phạm tội thờ hình tượng này phải bị “cấm cửa”, bị thiêu rụi và cư dân của thị trấn phải bị tàn sát.

Tất cả điều này mới lạ đến nỗi để biện minh cho những đổi mới này, những người theo thuyết Đệ Nhị Luật phải viết lại lịch sử theo đúng nghĩa đen.  Họ bắt đầu biên tập lại các văn bản trong kho lưu trữ hoàng gia mà một ngày nào đó sẽ trở thành Kinh thánh Do Thái, thay đổi cách diễn đạt và nội dung của các bộ luật trước đó, đồng thời đưa ra luật mới tán thành các đề xuất của họ.  Họ viết lại lịch sử của Israel, thêm tài liệu mới vào những câu chuyện cũ hơn của Ngũ Thư và tạo cho Moses một điểm nổi bật mà ông có thể không có trong một số truyền thống trước đó.  Cao trào của câu chuyện Xuất hành không còn là sự hiển linh của Yahweh mà là món quà  Mười Điều Răn và bản viết tay của kinh thánh Torah.  Dựa trên những huyền thoại trước đó, giờ đã thất lạc đối với chúng ta, những người cải cách đã tập hợp lịch sử của hai vương quốc Israel và Judah, trở thành Sách Joshua, Các Phán Quan, Samuel và Các Vua, những sách này đã “chứng minh” rằng tội lỗi thờ hình tượng của vương quốc phía bắc  đã là nguyên nhân khiến nó bị  hủy diệt.  Khi mô tả các cuộc chinh phục của Joshua, họ miêu tả ông tàn sát dân địa phương ở Miền Đất Hứa và phá hủy các thành phố của họ giống như một vị tướng Assyria.  Họ đã biến huyền thoại cổ xưa về lệnh cấm để nó trở thành biểu hiện công lý của Chúa Trời và là một câu chuyện theo nghĩa đen chứ không phải là một câu chuyện hư cấu về âm mưu diệt chủng.  Lịch sử của họ lên đến đỉnh điểm dưới triều đại của Josiah, một Moses mới, người sẽ giải phóng Israel khỏi tay Pharaoh một lần nữa, một vị vua thậm chí còn vĩ đại hơn cả David. Thần học nghiêm khắc này đã để lại dấu vết không thể xóa nhòa trong Kinh thánh  Do Thái;  nhiều bài viết thường được trích dẫn để chứng minh tính hung hăng và không khoan dung gắn kết với “thuyết độc thần” đã được sáng tác hoặc viết lại bởi những nhà cải cách này.

 Tuy nhiên, cuộc cải cách Đệ Nhị Luật không bao giờ được thực hiện.  Nỗ lực giành độc lập của Josiah kết thúc vào năm 609 TCN, khi ông bị giết trong một cuộc giao tranh với Pharaoh Neco.  Đế chế Babylonia mới thay thế Assyria và cạnh tranh với Ai Cập để giành quyền kiểm soát Trung Đông.  Trong một vài năm, Judah tránh né các cường quốc này, nhưng cuối cùng, sau một cuộc nổi dậy ở Judah vào năm 597, Nebuchadnezzar, vua Babylonia, đã trục xuất tám nghìn quý tộc, binh lính và thợ thủ công lành nghề của xứ Judah. Mười năm sau, ông phá hủy đền thờ, san bằng  Jerusalem, và trục xuất thêm 5.000 người Do Thái, chỉ để lại những tầng lớp thấp hơn trên vùng đất bị tàn phá.  Ở Babylonia, những người Judah bị lưu đày được đối xử khá tốt.  Một số sống ở thủ đô;  những người khác được định cư ở những khu vực chưa phát triển gần các kênh đào mới và ở một mức độ nào đó, họ có thể tự lo liệu công việc của mình.Nhưng lưu vong là một sự xáo trộn về tinh thần cũng như thể chất.  Ở Judah, những người bị trục xuất xuất là tầng lớp ưu tú;  bây giờ họ không có quyền chính trị, và một số thậm chí phải lao động khổ sai. Nhưng rồi dường như Đức Yahweh sắp giải phóng dân Ngài một lần nữa.  Lần này cuộc di cư sẽ không được dẫn dắt bởi một nhà tiên tri mà sẽ được xúi giục bởi một thế lực đế quốc mới.

  • ● ●

 Năm 559 TCN Cyrus, một thành viên nhỏ của dòng họ Achaemenid Ba Tư, trở thành vua vùng Anshan  miền nam Iran. Hai mươi năm sau, sau một loạt chiến thắng ngoạn mục ở Media, Anatolia và Tiểu Á, ông xâm lược đế chế Babylonia và thật đáng kinh ngạc,  không cần chiến đấu một trận nào, được dân chúng chào đón như một nhà giải phóng.  Cyrus hiện là chủ nhân của đế chế lớn nhất mà thế giới chưa từng thấy.  Ở đỉnh cao, nó kiểm soát toàn bộ phía đông Địa Trung Hải, từ nơi hiện là Libya và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây đến Afghanistan ở phía đông.  Trong nhiều thế kỷ tới, bất kỳ nhà cai trị nào mong muốn thống trị thế giới sẽ cố gắng lặp lại thành tích của Cyrus. Nhưng ông không chỉ là một nhân vật then chốt trong nền chính trị của khu vực: ông còn là hình mẫu của một dạng đế chế nhân từ hơn.

Đại cáo chiến thắng của Cyrus cho biết rằng khi ông đến Babylonia, “tất cả người dân … của Sumer và Akkad, các quý tộc và thống đốc, cúi xuống trước ông và hôn chân ông, hân hoan trước vương quyền của ông, và khuôn mặt của họ rạng rỡ.” Tại sao lại có sự nhiệt tình như vậy đối với  ngoại xâm?  Mười năm trước, ngay sau khi Cyrus chinh phục Media, tác giả người Babylonia của bài thơ “Giấc mơ của Nabonidus” đã trao cho ông một vai trò thần thánh. Media từng là mối đe dọa đối với Babylonia, và thần Marduk, nhà thơ nói, đã xuất hiện trong một  giấc mơ của Nabonidus (cai trị 556–539), vị vua cuối cùng của Babylonia, để đảm bảo với ông rằng ngài vẫn đang kiểm soát các sự kiện và đã chọn Cyrus để giải quyết vấn đề Media.  Nhưng mười năm sau, Đế quốc Babylonia đã suy tàn.  Nabonidus, tham gia vào các cuộc chinh phạt ở nước ngoài, đã vắng mặt ở kinh thành Babylon trong vài năm và đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của giới tư tế do không thực hiện nghi lễ Akitu.  Trong buổi lễ này, tất cả các vị vua của Babylonia phải thề không “tát như mưa vào má các công dân được bảo vệ”, nhưng Nabonidus đã áp đặt lao động cưỡng bức đối với những người tự do của đế chế.  Các giáo sĩ không hài lòng tuyên bố rằng các vị thần đã thủ tiêu quyền cai trị của ông và đuổi ông ra khỏi thành phố.  Khi Cyrus hành quân đến Babylonia, những giáo sĩ này gần như chắc chắn đã giúp ông viết bài đại cáo chiến thắng, giải thích rằng khi người dân Babylon kêu gào thần Marduk trong đau khổ, vị thần đã chọn Cyrus làm nhà giải phóng của họ:

 Ngài nắm tay Cyrus, vua của thành phố Anshan, và gọi đích danh ông, lớn tiếng tuyên bố rằng ông sẽ nắm giữ vương quyền trên tất cả mọi thứ.… Ngài ra lệnh cho ông phải đến Babylon.  Ngài đã dắt ông lên đường đến [Babylon], và giống như một người bạn và người đồng hành, Ngài đã đi bên cạnh ông ấy.… Ngài đã để ông ấy đi vào mà không cần đánh nhau trận nào, vào thẳng Shuanna;  ông ấy đã giải cứu thành phố Babylon khỏi khổ nhọc.  Ngài đã  trao cho ông ta Nabonidus, vị vua không kính sợ mình.

 Nghi lễ và thần thoại, vốn rất quan trọng đối với vương quyền, không phải lúc nào cũng ủng hộ chế độ chuyên chế của nhà nước.  Nabonidus trên thực tế đã bị cơ sở tư tế phế truất vì bạo lực và áp bức quá mức của ông ta.

 Đế chế đa văn hóa và đa ngôn ngữ rộng lớn của Cyrus cần một chế độ chính quyền khác, một chế độ tôn trọng các quyền truyền thống của các dân tộc bị chinh phục cũng như truyền thống tôn giáo và văn hóa của họ.  Thay vì làm bẽ mặt và trục xuất các thần dân mới của mình, đồng thời phá bỏ các đền thờ và xúc phạm các hình tượng của các vị thần của họ như người Assyria và Babylonia đã làm, Cyrus đã công bố một chính sách hoàn toàn mới, được khắc ghi trong Thạch Trụ Cyrus, hiện nằm trong Bảo tàng Anh.  Nó tuyên bố rằng Cyrus đã đến Babylonia với tư cách là điềm báo về hòa bình hơn là chiến tranh;  ông đã bãi bỏ lệnh cấm, cho hồi hương tất cả các dân tộc đã bị trục xuất bởi Nebuchadnezzar, và hứa sẽ xây dựng lại các đền thờ quốc gia của họ.  Do đó, một người Do Thái vô danh bị lưu đày ở Babylonia đã ca ngợi Cyrus là đấng cứu thế, người được Đức Yahweh “xức dầu” để chấm dứt thời kỳ lưu đày của Israel. Nhà tiên tri này, tất nhiên, tin chắc rằng không phải thần Marduk mà là Đức Yahweh đã nắm lấy tay Cyrus và đánh tan tành  cổng thành bằng đồng của Babylon.  Đức Yahweh đã phán với Cyprus rằng: “Vì cớ tôi tớ ta là Jacob, thuộc về Israel, kẻ được chọn của ta, mà ta đã gọi ngươi bằng tên, ban cho một danh hiệu, mặc dù ngươi không biết ta.”  Một kỷ nguyên mới đã sẵn sàng, trong đó trái đất sẽ được khôi phục lại sự hoàn hảo nguyên thủy của nó.  “Hãy để mọi thung lũng được lấp đầy, mọi ngọn núi hãy hạ thấp,” nhà tiên tri đã kêu lên, rõ ràng bị ảnh hưởng bởi truyền thống Zoroaster về đấng cứu thế Ba Tư của ông, “hãy để mọi vách đá trở thành đồng bằng, và các rặng núi thành thung lũng.”

Hầu hết những người lưu vong ở Judea [tên gọi mới của vương quốc Judah, giờ là một tỉnh của Ba Tư] đã chọn ở lại Babylonia và nhiều người đã hội nhập văn hóa một cách thành công. Theo Kinh thánh, hơn bốn 40.000  trong số họ đã chọn quay trở lại Judea, mang theo những dụng cụ thờ cúng đã bị  Nebuchadnezzar tịch thu trước đây, quyết tâm xây dựng lại đền thờ Đức Yahweh tại thành Jerusalem bị tàn phá.  Quyết định của người Ba Tư cho phép những người bị trục xuất trở về quê hương và xây dựng lại đền thờ của họ là sáng suốt và hợp lý: họ tin rằng việc này sẽ củng cố đế chế của họ, vì các vị thần phải được tôn thờ ở đất nước của mình, và nghĩa cử  này sẽ chiếm được lòng biết ơn của các dân tộc.  Kết quả của chính sách ôn hòa này là Trung Đông được hưởng một thời kỳ tương đối ổn định trong khoảng hai trăm năm.

 Nhưng Pax Persia (Hòa bình Ba Tư) vẫn phụ thuộc vào lực lượng quân sự và thuế thu được từ các chủng tộc thần dân.  Cyrus đã ghi điểm với việc đề cập đến sức mạnh vô song của quân đội mình;  khi ông ấy và thần Marduk hành quân đến Babylon, “quân số đông như nước sông không thể đếm được,  với đầy đủ vũ khí tiến bước bên ông” Đại cáo chiến thắng của ông cũng ghi chép hệ thống triều cống mà Cyrus đã thi hành: theo “mệnh lệnh cao thượng” của Marduk, các nhà vua đang ngồi trên ngai, từ khắp nơi, từ biển Thượng đến biển Hạ,  những người sống ở các tỉnh huyện xa xôi và các vị vua sống trong lều trên vùng đất Amurru, tất cả đều mang đến quà cống nạp quý báu dành cho Shuanna và hôn chân ta.” Ngay cả đế chế hiếu hòa nhất cũng cần  duy trì sự xâm lược quân sự và chiếm đoạt tài nguyên trên diện rộng từ các quần thể mà nó chinh phục.  Nếu các quan chức và binh lính đế chế cảm thấy bất an về mặt đạo đức về điều này, nó sẽ làm hao mòn sinh lực của đế quốc;  nhưng nếu họ có thể tin rằng những chính sách này cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, họ sẽ thấy chúng hợp lý hơn.

 Trong những dòng chữ khắc của Darius I, người lên ngôi vua Ba Tư sau cái chết của Cambyses, con trai của Cyrus vào năm 522 TCN, chúng ta nhận thấy sự kết hợp của ba chủ đề sẽ tái diễn trong hệ tư tưởng của tất cả các đế chế thành công: một thế giới quan nhị nguyên coi lợi ích của đế chế chống lại những kẻ đối địch làm điều ác;  một học thuyết về tiến cử cho thấy người cai trị như một tác nhân thần thánh;  và sứ mệnh giải cứu thế giới. Triết lý chính trị của Darius rất mạnh mẽ chịu ảnh hưởng của đạo Zoroaster (Hỏa giáo), được điều chỉnh một cách khéo léo để phi tập trung hóa dự án đế quốc. Một số lượng lớn những dòng chữ khắc hoàng gia còn sót lại ở trung tâm đế chế Ba Tư đề cập đến sự sáng tạo của huyền thoại Hỏa giáo. Họ mô tả Ahura Mazda, Đức Chúa Thông tuệ đã xuất hiện trước Zoroaster, ra lệnh cho vũ trụ bốn giai đoạn, lần lượt tạo ra trái đất, bầu trời, nhân loại và cuối cùng là “hạnh phúc” (shiyati), bao gồm hòa bình, an ninh, sự thật và lương thực dồi dào. Lúc đầu chỉ có một người cai trị, một dân tộc và một ngôn ngữ. Nhưng sau cuộc tấn công của Quỷ vương Thù địch (“Tà”), nhân loại chia thành các nhóm cạnh tranh, được cai trị bởi những người tự gọi mình là vua.  Đã có chiến tranh, đổ máu và rối loạn trong nhiều thế kỷ.  Sau đó, vào ngày 29 tháng 9 năm 522, Darius lên ngôi và Đức Chúa Thông tuệ đã khánh thành giai đoạn thứ năm và cuối cùng của tiến trình sáng tạo: Darius sẽ đoàn kết thế giới và khôi phục lại hạnh phúc ban đầu của nhân loại bằng cách tạo ra một đế chế toàn cầu.

 Ở đây chúng ta thấy khó khăn trong việc thích ứng một truyền thống chủ yếu là hòa bình với thực tế cai trị của đế quốc. Darius chia sẻ với Zoroaster nỗi kinh hoàng về bạo lực vô pháp.  Sau cái chết của Cambyses, ông đã phải đàn áp cuộc nổi dậy trên khắp đế quốc.  Giống như bất kỳ vị hoàng đế nào, ông phải đánh dẹp những tên quý tộc đầy tham vọng tìm cách lật đổ mình.  Trong các bản khắc, Darius liên kết những kẻ nổi loạn này với những vị vua bất hợp pháp đã gây ra chiến tranh và đau khổ cho thế giới sau cuộc tấn công của Quỷ vương Thù địch.  Nhưng để khôi phục hòa bình và hạnh phúc, những “chiến binh” mà  Zoroaster muốn loại trừ khỏi xã hội là điều không thể thiếu.  Sự phục hồi tận thế của thế giới mà Zoroaster đã dự đoán vào thời điểm cuối cùng đã được chuyển sang hiện tại, và thuyết nhị nguyên của Zoroaste đã được sử dụng để chia thế giới chính trị thành các phe phái đối đầu nhau.  Bạo lực có tính cấu trúc và quân lực của đế quốc đã trở thành điều tốt đẹp cuối cùng, tuyệt đối, trong khi mọi thứ vượt ra ngoài biên giới của nó đều man rợ, hỗn loạn và vô đạo đức.

 Nhiệm vụ của Darius là khuất phục phần còn lại của thế giới và cướp đoạt tài nguyên của nó để khiến người khác trở thành kẻ thù.

 “Tốt.”  Một khi tất cả các vùng đất đã bị chinh phục, sẽ có hòa bình chung và một kỷ nguyên của frasha, “điều kỳ diệu”.

Những dòng chữ của Darius nhắc nhở chúng ta rằng một truyền thống tôn giáo không bao giờ là một bản chất duy nhất, bất biến thúc đẩy mọi người hành động theo một cách thống nhất.  Nó là một khuôn mẫu có thể được sửa đổi và thay đổi hoàn toàn để phục vụ nhiều mục đích khác nhau.  Đối với Darius, frasha không còn là sự hài hòa về tinh thần mà là của cải vật chất;  ông mô tả cung điện của mình ở Susa là frasha, một sự nếm trước của thế giới được cứu chuộc, thống nhất. Các bản khắc liệt kê vàng, bạc, gỗ quý, ngà voi và đá cẩm thạch được mang đến cống nạp từ mọi vùng của đế chế, giải thích rằng sau cuộc tấn công của quân Quỷ vương Thù địch,  những sự giàu có này đã bị phân tán khắp thế giới nhưng giờ đây đã được tập hợp lại ở một nơi, như Chúa Trời Thông tuệ đã dự định ban đầu.  Bức phù điêu Apadama tráng lệ ở Persepolis mô tả một đoàn diễu hành gồm các đại biểu của các dân tộc bị chinh phục từ những vùng đất xa xôi mang cống vật của họ đến Susa một cách chính thức.  Tầm nhìn đạo đức của Zoroaster, nạn nhân của bạo lực và trộm cắp trên thảo nguyên Caucasus, ban đầu được truyền cảm hứng từ sự xâm lược kinh hoàng của những kẻ cướp bóc người Phạn;  bây giờ tầm nhìn đó đã được sử dụng để phi tập trung hóa bạo lực quân sự có tổ chức và hoạt động vơ vét của đế quốc.

  • ● ●

 Những người Do Thái trở về từ Babylon vào năm 539 trước Công nguyên nhận thấy quê hương của họ là một nơi hoang vắng và phải đối mặt với sự thù địch của những người nước ngoài đã bị người Babylonia biệt phái vào đất nước mình.  Họ cũng phải đối mặt với sự bất mãn của những người Judea không bị trục xuất và bây giờ trở nên xa lạ với những người hồi hương đã được sinh ra trong một nền văn hóa hoàn toàn khác.  Cuối cùng, khi họ xây dựng lại ngôi đền của mình, Judea thuộc Ba Tư đã trở thành một quốc gia thờ cúng được cai trị bởi một tầng lớp quý tộc tư tế Do Thái nhân danh Ba Tư.  Các tác phẩm của các quý tộc tư tế này đã được bảo tồn trong các phần của Ngũ Thư và hai sách Biên niên sử, viết lại lịch sử khắc nghiệt của các nhà Đệ Nhị Luật và cố gắng điều chỉnh các truyền thống của người Israel cổ đại cho phù hợp với những hoàn cảnh mới này. Những câu thánh thư này phản ánh mối quan tâm của những người lưu vong rằng  mọi thứ ở lại đúng vị trí của nó.  Ở Babylon, người Do Thái đã bảo tồn bản sắc dân tộc của họ bằng cách sống tách biệt với người dân địa phương;  bây giờ các giáo sĩ khăng khăng rằng để trở nên “thánh thiện” (qaddosh) thì phải sống “tách biệt;  khác biệt.”

 Tuy nhiên, không giống như kinh sách Đệ nhị luật, thứ đã biến người ngoại quốc thành ma quỷ và khao khát loại bỏ hắn ta, những văn bản của các giáo sĩ này, dựa trên chính những câu chuyện và truyền thuyết giống hệt nhau, đã phát triển một tầm nhìn bao quát đáng kể.  Một lần nữa, chúng ta thấy không thể mô tả bất kỳ truyền thống tôn giáo nào như một bản chất không thay đổi duy nhất  vì như thế sẽ luôn truyền cảm hứng cho bạo lực.  Các giáo sĩ nhấn mạnh rằng “sự khác biệt” của mọi sinh vật đơn lẻ là thiêng liêng và phải được tôn trọng và vinh danh.  Do đó, trong Giáo Luật Tự do, không có thứ gì có thể bị bắt làm nô lệ hoặc sở hữu, kể cả đất đai. Thay vì tìm cách tiêu diệt ger, “ngoại kiều cư trú,” như các nhà Đệ nhị luật đã nhấn mạnh, người Israel chân chính phải học cách yêu thương hắn ta  : “Nếu một người lạ sống với ngươi trong vùng đất của ngươi, đừng quấy rối anh ta.  Ngươi phải đối xử với y như một người dân ngươi và yêu y như chính ngươi.  Vì các ngươi là khách lạ ở Ai Cập.”  Những giáo sĩ này đã đạt đến Quy tắc Vàng: kinh nghiệm sống như một thiểu số ở Ai Cập và Babylon đã dạy dân Israel hiểu rõ nỗi đau mà những người ngoại quốc bị bứng gốc này có thể đang cảm thấy ở Judah.  Mệnh lệnh “yêu thương” không phải là về tình cảm vụn vặt: hesed có nghĩa là “trung nghĩa ” và được sử dụng trong các hiệp ước Trung Đông khi những kẻ cựu thù đồng ý giúp đỡ,  tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau một cách thiết thực. Đây không phải là một lý tưởng không tưởng phi thực tế mà là một đạo đức  trong tầm với của mọi người.

Để xoa dịu chủ nghĩa phản bác gay gắt của những người theo Đệ Nhị Luật các sử gia của giới giáo sĩ đã đưa vào những câu chuyện cảm động về sự hòa giải.  Hai anh em ghẻ lạnh nhau Jacob và Esau cuối cùng cũng nhìn thấy “khuôn mặt Đức Chúa Trời” của mình ở người kia. Các nhà Biên niên sử  cho thấy Moses kiềm chế không trả đũa khi vua Edom từ chối cho phép dân Israel đi an toàn qua lãnh thổ của ông trong hành trình đến Đất Hứa. Nổi tiếng nhất trong số các tác phẩm của các giáo sĩ này là câu chuyện sáng tạo mở đầu cho Kinh thánh Do Thái.  Các nhà biên tập Kinh thánh đã đặt câu chuyện sáng thế này trước câu chuyện đã viết vào thế kỷ thứ tám trước đó  về việc Đức Yahweh tạo ra khu vườn cho Adam và Eve và sự sa ngã của họ.  Phiên bản giáo sĩ đã loại ra tất cả tính bạo lực từ  truyền thống vũ trụ của Trung Đông.  Thay vì đánh trận và giết một con quái vật, vị thần của Israel chỉ đơn giản thốt ra những mệnh lệnh cho vũ trụ.  Vào ngày cuối cùng của sự sáng thế, Ngài “nhìn thấy mọi thứ mình đã tạo ra, và quả thực mọi thứ rất tốt đẹp.” Vị thần này không có kẻ thù: Ngài ban phước cho mọi sinh vật của mình, kể cả kẻ cựu thù Leviathan.

 Lòng nhân từ có nguyên tắc này càng đáng chú ý hơn khi chúng ta biết rằng cộng đồng những người lưu vong hầu như bị các nhóm thù địch ở Judea tấn công liên tục.  Khi Nehemiah được phái từ triều đình Ba Tư đến giám sát việc trùng tu Jerusalem, ông nhận thấy  mỗi người lao động “một tay làm công việc của mình, tay kia nắm chắc khí giới”. Các tác giả giáo sĩ không thể  đủ khả năng phản chiến nhưng họ có vẻ phiền hà với tính bạo lực quân sự.  Họ đã xóa một số đoạn hiếu chiến nhất trong lịch sử Đệ nhị luật và lướt qua các cuộc chinh phục của Joshua.  Họ kể những câu chuyện về cuộc chiến hào hiệp của David nhưng đã bỏ qua mệnh lệnh nghiệt ngã của ông là giết người mù và què ở Jerusalem, và chính các nhà  Biên niên sử đã giải thích rằng David bị cấm xây dựng đền thờ vì  ông đã để đổ quá nhiều máu.  Họ cũng ghi lại một câu chuyện về một chiến dịch quân sự chống lại người Midian, những người đã dụ dỗ dân Israel thờ hình tượng. Chắc chắn đó là một lý do chính đáng, và quân đội Israel đã hành xử hoàn toàn phù hợp với Đệ nhị luật,  các giáo sĩ chỉ huy quân đội  vào trận chiến, và những người lính đã giết các vị vua Midian, phóng hỏa thành phố của họ, và kết án tử hình cả những người phụ nữ  có chồng đã cám dỗ dân Israel lẫn những cậu bé sẽ lớn lên trở thành chiến binh.  Nhưng cho dù họ đã “thanh tẩy” Israel, họ đã bị vấy bẩn máu công chính này.  “Các ngươi phải cắm trại bảy ngày bên ngoài doanh trại,” Moses nói với các chiến binh trở về: “Các ngươi và tù nhân của các ngươi hãy thanh tẩy mình đi.”

 Trong một câu chuyện đáng chú ý, Biên niên sử đã lên án sự tàn bạo của Vương quốc Israel trong cuộc chiến chống lại một vị vua thờ hình tượng của xứ Judah, mặc dù chính Đức Yahweh đã phê chuẩn chiến dịch này.  Quân Israel đã giết 120.000 lính Judah và đưa 200.000 tù binh Judah trở về Samaria trong chiến thắng.  Tuy nhiên, nhà tiên tri Oded đã chào đón những anh hùng chinh phục này bằng một lời quở trách gay gắt:

Các ngươi đã tàn sát với cơn thịnh nộ cao ngút tận tầng trời.  Và bây giờ các ngươi đề xuất giảm bớt số trẻ em Judah và Jerusalem để làm tôi mọi cho các ngươi!  Há chẳng phải các ngươi luôn là kẻ có tội trước mặt Đức Chúa Trời mình sao?  Bây giờ hãy nghe ta—hãy phóng thích những tù nhân mà ngươi đã bắt từ anh em ngươi, vì cơn thịnh nộ dữ dội của Đức Yahweh đang treo lơ lửng trên đầu ngươi.

 Quân đội ngay lập tức thả những người bị bắt và giao nộp tất cả chiến lợi phẩm của họ;  các quan chức được bổ nhiệm đặc biệt “đã giải thoát cho các tù nhân.  Từ chiến lợi phẩm, họ mặc quần áo cho tất cả những người trần truồng;  phân phát họ quần áo và giày dép, cung cấp thức ăn, thức uống và chỗ ở cho họ.  Họ chất tất cả những người ốm yếu lên lừa và đưa họ về với bà con của họ ở Jericho ” Những giáo sĩ này có lẽ là những người theo thuyết độc thần;  ở Babylonia, chủ nghĩa ngoại giáo đã mất đi sức hấp dẫn đối với những người lưu vong.  Nhà tiên tri từng ca ngợi Cyrus là đấng cứu thế cũng đã thốt ra lời tuyên bố hoàn toàn có tính độc thần đầu tiên trong Kinh thánh: “Ta không phải là Đức Yahweh sao?”  ông khiến Đức Chúa Trời của Israel cứ đòi hỏi lặp đi lặp lại.  “Không có vị thần nào khác bên cạnh ta.” Tuy nhiên, chủ nghĩa độc thần của những giáo sĩ đã không khiến họ trở nên cố chấp, khát máu hoặc tàn ác;  thật ra, điều ngược lại mới là đúng.

 Các nhà tiên tri thuộc thời kỳ hậu lưu đày khác hung hăng hơn.  Được hệ tư tưởng của Darius truyền cảm hứng, họ mong chờ “ngày kỳ diệu” khi Đức Yahweh sẽ cai trị toàn thế giới và sẽ không thương xót những quốc gia chống đối: “Thịt chúng nó sẽ mủn ra khi còn đang đứng vững;  mắt chúng sẽ mục nát trong hốc mắt;  lưỡi của họ sẽ bị thối rữa trong miệng.” Họ tưởng tượng những kẻ thù cũ của Israel hàng năm đều ngoan ngoãn tiến về Jerusalem, Susa mới, mang theo những món quà tặng và cống phẩm phong phú. Những người khác có những tưởng tượng về việc những người Israel bị Assyria trục xuất sẽ được nhẹ nhàng mang chở  về nhà,  trong khi những kẻ áp bức họ trước đây phủ phục trước mặt họ và hôn chân họ. Một nhà tiên tri đã có khải tượng về vinh quang của Đức Yahweh chiếu sáng Jerusalem, trung tâm của thế giới được cứu chuộc và là nơi ẩn náu của hòa bình — nhưng hòa bình chỉ đạt được bằng sự đàn áp tàn nhẫn.

 Những nhà tiên tri này có thể đã được truyền cảm hứng bởi chủ nghĩa độc thần mới.  Có vẻ như một chế độ quân chủ hùng mạnh thường tạo ra sự sùng bái một vị thần tối cao, người tạo ra trật tự chính trị và tự nhiên.  Trải qua hơn một thế kỷ dưới sự cai trị mạnh mẽ của các vua như Nebuchadnezzar và Darius có thể đã dẫn đến ước muốn làm cho Đức Yahweh trở nên hùng mạnh như họ.  Đó là một ví dụ điển hình về “sự gắn kết” của tôn giáo và chính trị, hoạt động theo hai cách: không chỉ tôn giáo ảnh hưởng đến chính sách, mà chính trị có thể định hình thần học.  Tuy nhiên, những nhà tiên tri này chắc chắn cũng bị thúc đẩy bởi mong muốn quá đỗi con người đó là nhìn thấy kẻ thù của họ phải chịu đau khổ như họ đã từng trải qua—một sự thôi thúc buộc Quy tắc Vàng phải sửa đổi lại.  Họ sẽ không phải là những người cuối cùng thích ứng hệ tư tưởng hiếu chiến của thế lực cầm quyền với truyền thống của chính họ và khi làm như vậy, họ sẽ bóp méo chúng.  Trong trường hợp này, Đức Yahweh, ban đầu là đối thủ quyết liệt của bạo lực và sự tàn ác của đế chế, đã bị biến thành một kẻ theo chủ nghĩa đế quốc.


Bình luận về bài viết này