Những vị công tử và công nương trong gia đình họ Mạc ở Hà Tiên

Mộ ông Mạc Cửu và một phần lăng mộ phía dưới. Núi Bình San, Hà Tiên. năm 1994. Nguồn: TVM

Patrice Trần Văn Mãnh

Paris, viết xong ngày 29/06/2022

A/ Lời dẫn đầu :

Trước khi đi vào chi tiết bài viết, mình xin chia sẻ một vài ý nghĩ như sau: Là một người sinh ra và lớn lên ở ngay đất Hà Tiên, từ năm 1952 cho đến những năm 70, 71….rời Hà Tiên đi học ở Rạch Giá rồi lên Cần Thơ học Sư Phạm, rồi đi dạy học vài năm ở các trường Trung Học An Phú (Châu Đốc), Mỹ Luông, Long Xuyên (An Giang), cho đến năm 1986 rời Việt Nam đi định cư ở nước Pháp, và để nói cho chính xác luôn nữa là trước khi được dịp may đọc các quyển sách về đề tài « Nghiên Cứu Hà Tiên », « Họ Mạc với Hà Tiên » của học giả Trương Minh Đạt, mình có một hiểu biết rất thiếu sót và mơ hồ về lịch sử Hà Tiên…Chẳng hạn như mình chưa hề biết là có một ngôi chùa Phù Dung ở triền núi Đề Liêm ngoài ngôi chùa Phù Dung hiện tại, cũng không hề biết một cách rỏ ràng về các nhân vật trong gia đình họ Mạc, nhất là về Bà Cô Năm, cũng không hề biết thực hư về các bà thứ thiếp của ông Mạc Thiên Tích mà nỗi tiếng nhất là bà Dì Tự…!! Điều đó cũng dễ hiểu vì một phần lớn là khi còn nhỏ, chỉ lo rong chơi, ngoài các giờ phải lo học bài, không có đầu óc yêu quê hương đến mức độ phải tìm tòi sách vở để hiểu biết về lịch sử của quê mình.

Tất cả những hiểu biết hay nói đúng hơn là những tin tức truyền khẩu về họ Mạc chi thu gọn ở vài thông tin như : tên họ lần lượt các vị trong gia đình họ Mạc nổi tiếng như : Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Hoàng, Mạc Công Du…v…v…Ngay cả mối liên hệ trong gia phả của các vị nầy cũng chỉ được mình biết là từ đời cha, rồi đến đời con, đời cháu,… chứ không phân biệt một cách rỏ ràng các chi nhánh trong dòng họ Mạc.

Bài viết hôm nay hoàn toàn không phải là một bài có tính chất nghiên cứu, hàn lâm mà chỉ muốn thu gọn, tóm tắt, súc tích tên họ các vị công tử, công nương trong gia đình họ Mạc kể từ lúc ông Mạc Cửu lập nghiêp và đặt nền tảng cho một Vương Quốc Hà Tiên được Chúa Nguyễn tiếp nhận kể từ năm 1708 trở về sau. Hy vọng chúng ta sẽ có một cái nhìn thông suốt và hệ thống, phân biệt rỏ ràng các chi nhánh trong đại gia đình họ Mạc qua nội dung của bài.  Phần lớn bài viết dựa trên tư liệu là quyển sách : « Họ Mạc với Hà Tiên » của thầy Trương Minh Đạt, NXB Tổng Hợp Thành Phố HCM, năm 2017.

Ngày xưa, khi còn là học sinh Trung học Hà Tiên trong những năm 60-70, mình thường nghe người ta truyền khẩu về bốn chữ do vua ban : « Thất diệp Phiên hàn » (có nghĩa là « Báy lá che chống »). Bốn chữ nầy nằm trong hai câu đối trước cổng tam quan đền Mạc Công Miếu, Hà Tiên :

Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng
Thất diệp phiên hàn quốc sủng vinh

(Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ, Bảy lá che chống, cả nước mến yêu).

Vì có con số bảy (Thất) trong đó nên người Hà Tiên thường truyền tụng là ông Mạc Cửu sẽ truyền dòng họ được bảy đời theo đúng bảy chữ trong Thất diệp Phiên hàn: Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử , Nam. Bảy chử nầy sẽ là bảy chữ lót trong cách đặt tên cho các vị công tử, công nương trong dòng họ gia đình kể từ đời thứ nhất là con của ông Mạc Cửu là ông Mạc THIÊN Tích. Tiếng đồn truyền tụng nói là đến người có mang chữ lót là NAM (bà Mạc NAM Hương?), thì không có con trai nối dòng nên đến đời nầy thì dứt họ Mạc…Quả thật thông tin nầy đã đeo đuổi người Hà Tiên từ xưa đến nay, ngay cả giới học sinh như mình thời đó cũng chỉ biết như vậy, không tìm tòi hay nghiên cứu gì cả…

Thật sự qua các bài vở nghiên cứu và sau đó được gôm lại xuất bản thành sách dưới đề tài “Nhận thức mới về đất Hà Tiên” (2001), “Nghiên cứu Hà Tiên” (2008) và “Họ Mạc với Hà Tiên” (2017) của học giả Trương Minh Đạt, ta mới biết có rất nhiều thông tin mới về Hà Tiên, về gia đình họ Mạc. Những thông tin nầy được ông trình bày một cách khoa học, căn bản và có nguồn gốc tư liệu hẳn hoi. Qua đó ta sẽ thấy là dòng họ Mạc ngày nay vẫn còn nhiều hậu duệ, nhất là chi nhánh ở Cà Mau (đất Hà Tiên ngày xưa từ thời Trấn Hà Tiên đến tỉnh Hà Tiên bao gồm cả phần lớn vùng Cà Mau ngày nay), nhóm hậu duệ họ Mạc ở Cà Mau nầy mỗi năm vẫn đến Hà Tiên cúng kiến và thăm mộ tiền nhân.

B/ Những đời Công tử và Công nương họ Mạc ở Hà Tiên:

MẠC CỬU: (1655 – 1735), Tổng binh Trần Thủ Hà Tiên, người tạo dựng và phát triển đất Hà Tiên xem như một Vương Quốc tương đối độc lập dù có phụ thuộc nhà Nguyễn. Ngôi mộ chính số 1 tại núi Bình San, Hà Tiên. Từ xưa Hà Tiên đã có tên đường Mạc Cửu.

   BÙI THỊ LẨM (? – 1735), vợ ông Mạc Cửu, bà là người Việt Nam, sau khi mất được chúa Nguyễn ban cho họ Nguyễn: “Ý Đức Thái Phu Nhân Nguyễn Thị”. Mộ số 12.

1/ Đời thứ nhất (nam tên lót chữ THIÊN): Ông Mạc Cửu có hai người con, một trai là Mạc Thiên Tích và một gái là Mạc Kim Định.

MẠC THIÊN TÍCH: (1718 – 1780), người có công to lớn sau Mạc Cửu trong công cuộc phát triển Vương quốc Hà Tiên. Tổng binh Đô Đốc Hà Tiên Trấn. Mộ số 2. Từ xưa Hà Tiên đã có tên đường Mạc Thiên Tích.

   NGUYỄN NGỌC BỘI: (? – 1752), có nguồn tên là NGUYỄN THỊ HUY, vợ chánh ông Mạc Thiên Tích, Nguyễn Thị Hiếu Túc Thái Phu Nhân, mộ số 16.

   Từ Thành Thục Nhân Nguyễn Thị: (? – 1761), vợ thứ hai của ông Mạc Thiên Tích, còn gọi là bà Dì Tự. Mộ số 30.

   Từ Thục Cung Nhân Hoàng Thị: (? – 1767), vợ thứ ba của ông Mạc Thiên Tích. Mộ số 23.

   Người thiếp: Không rỏ họ tên, vợ thứ tư của ông Mạc Thiên Tích. Chết bên Xiêm không có mộ.

   Từ Hòa Cung Nhân Nguyễn Thị: (? – 1765), vợ thứ năm của ông Mạc Thiên Tích. Mộ số 29.

   Từ Tín Cung Nhân Ngô Thị: (? – 1765), vợ thứ sáu của ông Mạc Thiên Tích. Mộ số 44.

   Từ Thiện An Nhân Trần Thị: (? – 1769), vợ thứ bảy của ông Mạc Thiên Tích. Mộ số 40.

   Từ Thuận Nghi Nhân Nguyễn Thị: Không biết năm sanh và mất. Mộ số 41.

MẠC KIM ĐỊNH: bà là em gái của ông Mạc Thiên Tích. Không rỏ ngày sinh, ngày mất. Không có mộ ở Hà Tiên.

   TRẦN ĐẠI ĐỊNH: (? – 1732), Tổng binh Định Sách Hầu, chồng của bà Mạc Kim Định. Không có mộ ở Hà Tiên. Ngày nay Hà Tiên có tên đường Đại Định (?).

2/ Đời thứ hai (nam tên lót chữ TỬ): Ông Mạc Thiên Tích có 8 người vợ và có tất cả 18 người con.

          a/ Con ông Mạc Thiên Tích với bà vợ chánh Nguyễn Thị Hiếu Túc Thái Phu Nhân (4 trai và 4 gái):

MẠC TỬ HẠO: Chết yểu, không có mộ.

MẠC TỬ HOÀNG: (? – 1820), từng giữ chức Hiệp Trấn Hà Tiên. Mộ số 3. Có 3 vợ, vợ chánh là Từ Chân Phu Nhân Hứa Thị (? – 1776), mộ số 13. Vợ thứ 2 là Từ Mẫn Nghi Nhân Vương Thị (? – 1820), mộ số 42. Vợ thứ 3 là thiếp tên Bùi Thị Nga, không rỏ ngày sinh, ngày mất (mất bên Xiêm, không rỏ mộ). Từ xưa Hà Tiên đã có tên đường Mạc Tử Hoàng.

MẠC TỬ THẢNG (hoặc THƯỢNG): (? – 1780), chết bên Xiêm, sau đó có đem hài cốt về núi Lăng, Hà Tiên nhưng ngôi mộ chưa được định rỏ và chưa đặt số. Có 2 vợ, vợ chánh là bà họ Trần, không rỏ tên và năm sanh, năm mất, không rỏ mộ. Vợ 2 là Phan Thị Thục Nhân Chí Thành Đạo, mộ số 28. Ngày nay Hà Tiên có tên đường Mạc Tử Thắng (?).

MẠC TỬ DUNG: (1752 – 1780), chết bên Xiêm, sau đó có đem hài cốt về núi Lăng, Hà Tiên nhưng ngôi mộ chưa được định rỏ và chưa đặt số. Ngày nay Hà Tiên có tên đường Mạc Tử Dung.

MẠC THỊ LONG: (? – 1770), trưởng nữ của ông Mạc Thiên Tích. Mộ số 38. Chồng của bà là Long Hổ Đại tướng quân Trần Hoàn (? – 1754), mộ số 10.

MẠC THỊ HAI (MẠC THỊ TRẠM): Không rỏ mộ. Chồng của bà là Ngũ Nhung Cai cơ Đại tướng quân Từ Hữu Dũng (? – 1767), mộ ông số 5. Ngày nay Hà Tiên có tên đường Từ Hữu Dũng.

MẠC THỊ LIÊN (MẠC THỊ GIÁC): Không biết chồng là ai, không rỏ mộ.

MẠC MI CÔ: (1750 – 1763), tiểu thư Mạc Mi Cô, mất sớm lúc 13 tuổi, dân kính trọng gọi là bà Cô Năm. Mộ số 43. Ngày nay Hà Tiên có tên đường Mạc Công Nương.

          b/ Con ông Mạc Thiên Tích với bà Dì Tự, Từ Thành Thục Nhân Nguyễn Thị (1 trai):

MẠC TỬ CHÚ: chết trẻ, mộ số 26.

          c/ Con ông Mạc Thiên Tích với bà Từ Thục Cung Nhân Hoàng Thị (4 trai):

MẠC TỬ DỰ (TỬ ĐÍNH, TỬ ĐẢNH): Chết non, mộ số 35.

MẠC TỬ HIỂN: Không rỏ thông tin, không rỏ mộ.

MẠC TỬ HẠNG: Không có thông tin, không rỏ mộ.

MẠC TỬ PHA: Không có thông tin, không rỏ mộ.

          d/ Con ông Mạc Thiên Tích với bà thiếp, tức vợ thứ tư (3 trai):

MẠC TỬ SANH: (1769 – 1788), theo phò vua Gia Long, được phong chức Tham tướng. Vè sau làm Lưu thủ Hà Tiên trấn. Không rỏ mộ. Từ xưa Hà Tiên đã có tên đường Tham Tướng Sanh.

MẠC TỬ TUẤN: Không có thông tin, không rỏ mộ. Ngày nay Hà Tiên có tên đường Mạc Tử Tuấn.

MẠC TỬ THIÊM: (? – 1809), từng làm Trấn Thủ Hà Tiên. Không rỏ mộ. Ngày nay Hà Tiên có tên đường Mạc Tử Thiêm.

          e/ Con ông Mạc Thiên Tích với bà Từ Hòa Cung Nhân Nguyễn Thị (1 trai):

MẠC TỬ QUANG: Không có thông tin, không rỏ mộ.

 Ngoài ra còn có MẠC TỬ PHỔ, không biết con bà vợ nào với Mạc Thiên Tích. Mạc Tử Phổ chết yểu, mộ số 36.

Đời thứ hai, con của bà Mạc Kim Định và ông Trần Đại Định (1 trai):

TRẦN CƠ (TRẦN ĐẠI LỰC, TRẦN VĂN PHƯƠNG): (? – 1770), khi chết được truy thăng Cơ Trí Hầu nên còn được dân Hà Tiên gọi là Trần Hầu. Mộ số 9. Từ xưa Hà Tiên đã có tên đường Trần Hầu.

3/ Đời thứ ba (nam tên lót chữ CÔNG): Trong số 13 con trai của ông Mạc Thiên Tích, có hai người con duy trì thế hệ thứ ba là Mạc Tử Hoàng và Mạc Tử Thảng.

Mạc Tử Hoàng có 3 vợ và có 8 người con.

          a/ Con ông Mạc Tử Hoàng với bà vợ chánh Từ Chân Phu Nhân Hứa Thị (5 trai):

MẠC CÔNG VÂN: Chết yểu, không rỏ mộ.

MẠC CÔNG BÁ: Không có thông tin, không rỏ mộ. Ngày nay Hà Tiên có tên đường Mạc Công Bá.

MẠC CÔNG TRỤ: Không có thông tin, không rỏ mộ.

MẠC CÔNG BÍNH: (? – 1792), từng làm Lưu Thủ Long Xuyên và Trấn Thủ Hà Tiên. Không rỏ mộ. Ngày nay Hà Tiên có tên đường Mạc Công Bình (?).

MẠC CÔNG THỨC: Chết yểu, Chết yểu, không rỏ mộ.

          b/ Con ông Mạc Tử Hoàng với bà vợ Từ Mẫn Nghi Nhân Vương Thị (1 trai):

MẠC CÔNG BÁ: Chữ Bá nầy viết khác với chữ Bá tên của con bà vợ chánh họ Hứa kể trên. Không có thông tin, không rỏ mộ.

          c/ Con ông Mạc Tử Hoàng với bà vợ thiếp Bùi Thị Nga (2 trai):

MẠC CÔNG DU (? – 1833), từng làm Hiệp Trấn và Trấn Thủ Hà Tiên. Mộ số 56. Từ xưa Hà Tiên đã có tên đường Mạc Công Du.

MẠC CÔNG TÀI : (? – 1833), từng làm Quản Thủ Hà Tiên. Có một vợ là bà Phiên Thị Nhụ Nhân, hai vợ chồng đều mất năm 1833. Mộ Mạc Công Tài số 11, mộ người vợ kế bên số 11bis. Ngày nay Hà Tiên có tên đường Mạc Công Tài.

Mạc Tử Thảng có 2 vợ và có 2 người con.

          a/ Con ông Mạc Tử Thảng với bà vợ chánh họ Trần (1 trai) :

MẠC NHƯ ĐÔNG : mộ số 45.

          b/ Con ông Mạc Tử Thảng với bà Phan Thị Thục Nhân Chí Thành Đạo (1 trai) :

MẠC CÔNG THÊ : mộ số 28. Có thông tin rằng Mạc Công Thê là ông Tổ của dòng dỏi họ Mạc ở Cà Mau nên hiên nay họ Mạc còn rất nhiều hậu duệ ở Cà Mau.

Đời thứ ba, con của bà Mạc Thị Long và tướng Trần Hoàn (2 trai):

TRẦN THIỆU HỔ : Không có thông tin, không rỏ mộ.

TRẦN THIỆU PHÁCH : Không có thông tin, không rỏ mộ.

Đời thứ ba, con của bà Mạc Thị Hai và tướng Từ Hữu Dũng (1 trai):

TỪ KHUÔNG : Không có thông tin, không rỏ mộ.

4/ Đời thứ tư (nam tên lót chữ HẦU): Trong số 8 con trai của Mạc Tử Hoàng, có Mạc Công Bính và Mạc Công Du duy trì thế hệ thứ tư.

Mạc Công Bính có 1 vợ và có 1 người con.

          a/ Con ông Mạc Công Bính và người vợ không biết tên (1 trai) :

MẠC HẦU ĐỒ : Không có thông tin, không rỏ mộ.

Mạc Công Du có 1 vợ và có 3 người con.

          a/ Con ông Mạc Công Du và người vợ không biết tên (3 trai) :

MẠC HẦU HY : vì bị trọng tội đời vua Minh Mạng nên chết xa xứ, không rỏ mộ.

MẠC HẦU HIỆU : vì bị trọng tội đời vua Minh Mạng nên chết xa xứ, không rỏ mộ.

MẠC HẦU PHONG (MẠC VĂN PHONG) : Đời vua Tự Đức, được hưởng Ấm Thụ Xuất Đội chăm lo việc cúng tế tại Mạc Công Miếu. Có một vợ không biết tên. Mộ số 57.

Mạc Công Tài có 1 vợ và 2 người con.

          a/ Con của Mạc Công Tài với bà Phiên Thị Nhụ Nhân (2 gái) :

MẠC NGỌC HẠNH : Không có thông tin, không rỏ mộ.

MẠC NGỌC MAI : Không có thông tin, không rỏ mộ.

Mạc Như Đông có 1 vợ và 1 người con.

          a/ Con của Mạc Như Đông và bà vợ không biết tên (1 trai) :

TRẦN HỮU TẠO : Mặc dù là con trai của Mạc Như Đông nhưng vì có thời gian Mạc Như Đông mang họ mẹ là họ Trần nên con ông cũng lấy theo họ Trần.

5/ Đời thứ năm (nam tên lót chữ BÁ):  Con của Mạc Công Du là Mạc Hầu Phong duy trì được thế hệ thứ năm.

Mạc Hầu Phong cùng với người vợ không biết tên có 2 người con (2 trai) :

MẠC BÁ BÌNH : Không rỏ năm sinh và mất, được hưởng Ấm Thụ Xuất Đội. Có một vợ tên là Ngô Thị Chương ; hai ông bà cùng chung một ngôi mộ số 19.

MẠC BÁ THÀNH : Không có thông tin, không rỏ mộ.

6/ Đời thứ sáu (nam tên lót chữ TỬ):  Con của Mạc Hầu Phong là Mạc Bá Bình duy trì được thế hệ thứ sáu.

Mạc Bá Bình cùng với vợ là bà Ngô Thị Chương có 2 người con (1 trai, 1 gái) :

MẠC TỬ KHÂM : : Không rỏ năm sinh và mất, được hưởng Ấm Thụ Xuất Đội. Có một vợ tên là Trần Thị Nguyên. Mộ số 25.

MẠC THỊ ÂN : Không có thông tin. Mộ số 52.

7/ Đời thứ bảy (tên lót chữ NAM):  Con của Mạc Bá Bình là Mạc Tử Khâm chỉ có 2 người con gái, không có con trai.

Mạc Tử Khâm cùng với bà vợ là Trần Thị Nguyên có 2 người con gái, đến đời nầy thì bỏ lệ, không ghép tên lót với chữ NAM theo đúng 7 chữ đã nói trên.

MẠC THỊ HƯƠNG (MẠC QUẾ HƯƠNG) : (1904 – 1949), mộ số 67. Chồng bà tên là Thiềm Văn Tường (1901 – 1988). Hai người có 10 người con và có thỏa thuận với nhau cho người con trai trưởng theo họ Mạc của mẹ, các người con khác khi theo họ Thiềm của cha khi theo họ Mạc của mẹ.

MẠC THỊ LAN (MẠC PHƯƠNG LAN, MẠC QUẾ LAN) : (1906 – 1946), bà không có chồng, ở vậy chăm lo thờ phụng tổ tiên tại Mạc Công Miếu. Mộ số 68.

8/ Đời thứ 8 : Đáng lẽ là đến đời thứ 7 là hết con trai mang họ Mạc, nhưng theo trên đã nói, hai ông bà Mạc Thị Hương và Thiềm Văn Tường thỏa thuận cho một người con trai lớn mang họ mẹ. Hai người có 10 người con (5 trai, 5 gái) :

MẠC CHÍ MỘNG, THIỀM KIM XUYẾN, THIỀM KIM HOA, THIỀM CHÍ TRUNG, THIỀM CHÍ CAN (sau đổi là MẠC THANH CAN), THIỀM KIM LUYẾN, THIỀM KIM VÂN, MẠC CHÍ TRỌNG, THIỀM VĂN NGHĨA, THIỀM KIM PHỤNG.

C/ Kết luận :

Nếu theo dõi toàn bộ phần liệt kê dòng họ Mạc như đã viết ở phần B nói trên, ta thấy có vẻ cũng hơi phức tạp và khó nhớ. Tuy nhiên để trang bị một kiến thức phổ thông và ngắn gọn, ta có thể giữ lại một số tên họ các công tử và công nương họ Mạc nổi tiếng mà cuộc đời những vị nầy gắn liền với lịch sữ Hà Tiên. Ta có thể ghi nhớ : Mạc Cửu là người khai phá và phát triển ra Vương quốc Hà Tiên, con ông là Mạc Thiên Tích tiếp nối sự nghiệp ông cha với tài năng cả văn lẫn võ, người cũng là chủ soái của Tao Đàn Chiêu Anh Các. Tiếp theo là các ông Mạc Tử Hoàng và Tham tướng Mạc Tử Sanh. Riêng bà Cô Năm Mạc Mi Cô là con gái út của ông Mạc Thiên Tích, người tuy mất rất sớm nhưng có một ảnh hưởng tâm linh rất quan trọng ở đất Hà Tiên. Tiếp đến là ông Mạc Công Du người có từng làm Trấn Thủ Hà Tiên.

Là người may mắn được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Hà Tiên, mình luôn tự hào là con cháu của các vị tiền nhân trong gia đình họ Mạc và là con dân của một Vương quốc tuy ở xa xôi tận cùng của cái chấm chữ S, nhưng đó là một vùng đất đầy tính chất lịch sử và sự phát triển của vùng đất Hà Tiên đã đóng góp rất to lớn nếu không nói là một cách quyết định trong công cuộc tiến về phía Nam của các vị Chúa nhà Nguyễn.

Trong tất cả các công tử họ Mạc đã kể trên, chỉ có quý ông : Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Sanh, Mạc Tử Thiêm, Mạc Công Bính, Mạc Công Du và Mạc Công Tài là những ông từng nắm quyền chỉ huy toàn bờ cỏi Hà Tiên (chức vụ Trấn Thủ Hà Tiên).


Bản tóm tắt một phần sơ đồ gia đình họ Mạc với một số tên họ nhân vật được biết đến nhiều nhất.

(Bài đã được đăng trên Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » ngày 30/06/2022)

Bình luận về bài viết này