Cù Tuấn dịch từ The Economist.
Có giới hạn nào đối với tham vọng của các công ty công nghệ lớn không? Vào tháng 10 năm 2021, Mark Zuckerberg đã đổi tên Facebook thành Meta và mô tả tương lai mới của loài người trong một thế giới ảo. Vào ngày 18 tháng 1 năm 2022, Microsoft, vốn đã trị giá hơn 2000 tỷ đô la, quyết định rằng quy mô như thế vẫn chưa đủ lớn và ra giá 69 tỷ đô la để mua Activision Blizzard, một công ty trò chơi điện tử, đây là thỏa thuận mua bán có số tiền lớn nhất từng có. Những quyết định này là một phần của sự gia tăng đầu tư mới rộng lớn tại năm công ty lớn nhất của Mỹ – Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft – gọi chung là MAAMA. Tổng cộng các công ty này đã đầu tư 280 tỷ đô la Mỹ trong năm qua, tương đương 9% số tiền đầu tư kinh doanh của toàn nước Mỹ, tăng từ 4% của 5 năm trước.
Các công ty công nghệ lớn muốn tìm cơ hội lớn tiếp theo, và việc phân tích giao dịch, bằng sáng chế, tuyển dụng và những thước đo khác cho thấy rằng tiền mặt đang chảy vào mọi thứ, từ xe không người lái đến điện toán lượng tử. Sự thay đổi phản ánh nỗi sợ rằng những lĩnh vực sinh lợi của những năm 2010 đang mất dần mức độ quan trọng và thực tế là các công ty lớn về công nghệ đang ngày càng lấn sân sang lĩnh vực của nhau (tỷ lệ doanh số từ các mảng kinh doanh chồng chéo đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015 lên 40%). Vì vậy, tất cả họ đang tìm cách tiến công vào các lãnh thổ mới.
Các công ty công nghệ lớn cũng để tâm đến lịch sử công nghệ, nơi tràn ngập các công ty chiếm ưu thế một thời và sau đó bị suy tàn không phải do các nhà quản lý, mà vì đã bỏ lỡ công nghệ lớn tiếp theo. Fairchild Semiconductor đã thống trị thị trường vào những năm 1950 nhưng bây giờ chỉ tồn tại trong sách. Năm 1983, IBM là công ty có lợi nhuận cao nhất của nước Mỹ nhưng 8 năm sau đó đã hạch toán âm sau khi không muốn chuyển thị trường từ máy tính lớn sang PC. Nokia, một thời dường như bất khả chiến bại trong thị trường các thiết bị di động, đã bỏ lỡ quá trình chuyển sang điện thoại thông minh. Các công ty MAAMA đã dành cả thập kỷ 2010 để giữ vững các vị trí hàng đầu, với các công cụ kinh doanh của Microsoft, thương mại điện tử của Amazon, truyền thông xã hội của Meta, v.v. Đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu chung từ những người lướt web chán nản trên những chiếc ghế dài đến những công ty khởi nghiệp cần điện toán đám mây. Apple và Alphabet hiện có quy mô lớn hơn khi so với các công ty US Steel và Standard Oil, hai công ty độc quyền mạnh của Mỹ trong những năm 1900, tính theo tỷ lệ lợi nhuận so với GDP nội địa. Tuy nhiên, hiệu suất trong quá khứ không nói được gì về kết quả trong tương lai, và bây giờ tất cả các công ty này đều phải chuẩn bị sẵn cho tương lai tiếp theo.
Vấn đề là không ai biết công nghệ tương lai sẽ là gì. Nhưng nó có thể sẽ liên quan đến các thiết bị vật lý mới nhằm thay thế điện thoại thông minh như là phương tiện thống trị để kết nối mọi người với thông tin và dịch vụ. Bất cứ ai làm cho các thiết bị như vậy sẽ kiểm soát quyền truy cập của người dùng. Điều này giải thích tại sao Apple đang lên kế hoạch sản xuất một tai nghe thực tế ảo để cạnh tranh với Oculus của Meta và Hololens của Microsoft. Alphabet, Apple và Amazon cũng đã đặt cược rất nhiều tiền cho xe ô tô lái tự động. Và một số tiền rất lớn đang được đổ vào việc thiết kế chip chuyên dụng và nghiên cứu các phương pháp mới như điện toán lượng tử, nhằm mục đích cung cấp năng lượng xử lý cho bất kỳ thiết bị mới nào có thể xuất hiện.
Ưu tiên khác của các công ty MAAMA đang tạo ra các nền tảng phần mềm mà cho phép họ lấy tiền thuê dịch vụ, bằng cách thu hút người dùng và sau đó dựa vào các hiệu ứng mạng để hút nhiều người dùng hơn nữa. Vì lý do này, Facebook đã đổi tên và chi hàng năm số tiền trị giá 10 tỷ đô la cho các thế giới trực tuyến nhập vai, được gọi là Metaverse. Apple đã mở rộng lĩnh vực dịch vụ mà nó cung cấp cho người dùng các thiết bị của mình, chuyển vào các địa điểm như các lớp thể dục và chương trình truyền hình. Việc mua Activision có thể giúp Microsoft cung cấp trải nghiệm phong phú hơn cho khách hàng chơi game và Mesh, một nền tảng cho làm việc 3D ảo, sẽ nhắm vào người dùng công ty. Các nền tảng điện toán đám mây được Alphabet, Amazon và Microsoft vận hành sẽ lưu trữ nền tảng điện toán cho các công ty khác với một khoản phí nhất định.
Chính phủ, các công ty đối thủ và hàng tỷ khách hàng, vốn đã sợ những công ty này trở nên quá mạnh, có thể vì những chuyện này mà sẽ phải hoảng hốt. Một quan điểm là với các cơ sở khách hàng lớn, và việc kiểm soát các nhóm dữ liệu để đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mang lại cho các công ty này một lợi thế không ai có thể vượt qua. Liệu những người khổng lồ công nghệ này sẽ không sử dụng các lợi thế đó để đè bẹp các đối thủ? Tuy nhiên, tất cả những lĩnh vực mới này khá có tính cạnh tranh trong thời điểm hiện tại. Ví dụ, nhiều công ty khác cũng đang tham gia cuộc đua Metaverse. Trò chơi “Fortnite” của Epic Games có hơn 300 triệu người chơi trên toàn thế giới, trong khi Roblox có 47 triệu game thủ với 3 tỷ giờ chơi mỗi tháng. Nvidia, một công ty sản xuất chip, cũng đang tham gia vào thị trường này. Ngay cả giao dịch mua Activision của Microsoft cũng sẽ làm tăng thị phần của công ty trong mảng game chỉ tới mức 10-15% – chưa phải mức độc quyền. Trong lĩnh vực xe tự lái, các công ty công nghệ lớn phải tranh đấu với Tesla, GM và Volkswagen. Các công ty khởi nghiệp (start-up) toàn cầu đã huy động được 621 tỷ đô la đầu tư mạo hiểm vào năm 2021, nhiều hơn nhiều so với đầu tư công nghệ lớn. Và các đối thủ mới đã xuất hiện với tốc độ nhanh bất ngờ ở một số khu vực, chẳng hạn như Tiktok trong mảng truyền thông xã hội.
Hơn nữa, có một cơ hội bên ngoài với các lĩnh vực mới mà khó có thể bị các nền tảng quản lý tập trung bao sân. Công nghệ học tập sâu (deep learning), hình thức chiếm ưu thế của AI ngày nay, dựa vào một lượng lớn dữ liệu, nhưng các dạng AI trong tương lai có thể không cần phải làm vậy. Thêm vào đó, có các dịch vụ blockchain phi tập trung, do người dùng sở hữu và vận hành, được gọi không chính thức là Web3. Tại thời điểm này, chúng có những giao diện khó hiểu, sử dụng hết nhiều năng lượng và không phải lúc nào cũng được phân cấp. Nhưng trong lĩnh vực như tài chính phi tập trung thì các cải tiến đã được thực hiện nhanh chóng.
Tuy nhiên, sự cám dỗ đối với các cơ quan quản lý là ngăn chặn các phát triển công nghệ này ngay từ đầu. Năm 2020, Lina Khan, hiện là quan chức chống độc quyền hàng đầu của nước Mỹ, khuyến nghị rằng các công ty công nghệ lớn sẽ bị cấm mở rộng sang các lĩnh vực liền kề. Một số vụ kiện chống độc quyền lớn có thể xuất hiện tại các tòa án của Mỹ vào năm 2023. Và châu Âu có thể nhanh chóng đưa vào một dự luật Thị trường kỹ thuật số, nhằm mục đích điều chỉnh các công ty công nghệ lớn “ex ante” – nghĩa là ngăn chặn trước hành vi của các công ty như vậy, thay vì sau này trừng phạt họ thông qua các phiên tòa chống độc quyền.
Tuy nhiên, một chính sách nhẹ nhàng là chính sách tốt nhất. Đầu tư vào công nghệ có liên quan đến năng suất tăng, và tỷ lệ dòng tiền của những người khổng lồ công nghệ đang tái đầu tư đã tăng gần gấp đôi kể từ một thập kỷ trước. Các công ty đang nỗ lực dự đoán các công nghệ của ngày mai. Những người chống độc quyền có thể chặn các công ty không được phép thực hiện các giao dịch mà tạo ra một vị trí độc quyền ở các thị trường mới ngày nay. Việc chuyển hướng này xét ra là không nguy hiểm. Lịch sử đã cho thấy rằng những công ty công nghệ lớn thường thất bại vì đã không kịp làm chủ các công nghệ mới nổi. Nếu những công ty lớn ngày nay muốn chi hàng tỷ đô la để cố gắng chuyển sang các lĩnh vực mới để tránh bị đào thải, thì chúng ta không có lý do gì để ngăn chặn họ.
https://www.economist.com/leaders/2022/01/22/big-techs-supersized-ambitions