Max Hastings
Trần Quang Nghĩa dịch
CHƯƠNG 19 : CUỐN PHIM THỜI SỰ KHỔNG LỒ
1 Phản Công
Cuộc công kích vào sứ quán Mỹ chỉ là trận đụng độ đáng chú ý nhất trong số hàng trăm trận đụng độ dữ dội nổ ra trong những giờ phút đầu tiên của ngày 31 tháng giêng. Trần Tấn là một học sinh trung học, sống với cha mẹ và 9 đứa con khác của họ trong một mái nhà tranh nằm ở ngoại ô Sài Gòn. Cậu được mẹ đánh thức dậy. ‘Bên ngoài có nhiều tiếng nổ nghe không phải tiếng pháo,’ bà nói. Tấn mặc quần áo vội vàng, trong khi cha cậu, trước đây đi lính cho Pháp, ra ngoài xem xét. Ông trở lại và buột miệng, ‘VC ở khắp nơi – tụi con tốt hơn phải chạy ra ngoài thôi.’ Tân chở em trai trên xe Honda và vọt theo hẻm sau để đến nhà chú. Cha mẹ họ cùng lối xóm ẩn nấp trong một ngôi trường gần đó, và trở thành nơi nương náu trong sáu tháng sau đó, cho đến khi được chuyển đến một trại tị nạn.
Trong cảnh hủy diệt của hầu hết khu vực hứng chịu trận thư hùng Tết, ngôi nhà nhỏ của gia đình Trân đã ra tro, khiến họ lâm vào cảnh quẫn bách.
Phía dưới vùng châu thổ, một sinh viên mời vào nhà uống trà một cán bộ đi vào thị trấn Cai Lậy cùng với du kích VC. Người cộng sản không có thời gian cho việc đó: ‘Giờ thì hãy vui sướng chào đón hoà bình. Tôi hy vọng cậu sẽ đóng góp để mang đến điều đó.’ Chàng trai được nhờ viết ra tên và địa chỉ của mọi viên chức chính quyền, cảnh sát hoặc sĩ quan cao cấp. Anh làm theo nhưng loại ra các bạn thân. Hai tuần lễ đánh nhau ác liệt diễn ra sau đó, dân chúng núp trốn trong nhà, phe tấn công cuối cùng bị đẩy lui khỏi trung tâm hành chính thị trấn.
Tại Sài Gòn, chỉ huy VC Huỳnh Công Thân viết: ‘Các sự kiện trong ngày đầu trận đánh hoàn toàn khác với những gì chúng tôi kỳ vọng. Các tiểu đoàn mũi nhọn không thể tiến nhanh vì họ chỉ có vũ khí nhỏ và thiếu đạn dược, trong khi lực lượng địch thì đông và khai thác mạng lưới rối rắm của đường phố và ngõ hẻm để tiến hành các cuộc kháng cự ác liệt. Dân chúng đón chào chúng tôi nồng ấm, nhưng chúng tôi không thể … hậu thuẫn một cuộc tổng nổi dậy.’
Hệ thống liên lạc giữa các tiểu đoàn xung kích vào thành phố và bộ chỉ huy bên ngoài bị đứt gãy, khiến họ phải lệ thuộc vào tin tức trên đài phát sóng Sài Gòn, vừa mới hoạt động trở lại. 35 tiểu đoàn VC được xung vào khu vực, 11 trong số đó vào trong thành phố. Tình báo nghèo nàn làm hỏng mục đích cuộc tấn công vào trung tâm thiết giáp của các chiến binh đồng hành với các tài xế được huấn luyện sử dụng các vũ khí nặng chiếm được: họ thấy các xe tăng đã đi hết, các tấm thép đóng khóa nòng súng các lựu pháo 105mm đã được tháo ra. Một mũi dùi chủ yếu thọc vào bộ chỉ huy quân sự tại Tân Sơn Nhất. Phó Tổng thống Kỳ, người đang có mặt trong căn cứ, trang bị vũ khí cho vợ và ba con lớn bằng súng trường và súng lục. Trung tá Glen Otis trở thành một trong các người hùng Mỹ của trận chiến khi ông chỉ huy Kỵ binh 3/5th tiến hành một mũi tiến công từ Củ Chi, tập kích phe cộng từ phía sau. Đơn vị của ông bị tổn thất đáng kể khi ông dẫn đầu trên một chiếc Huey, chỉ điểm các vị trí phục kích của địch và ra lệnh phân tán, nhưng Kỵ binh đóng góp phần quan trọng trong việc làm thất bại cuộc đột kích Tân Sơn Nhất.
Trong một ngôi nhà gần đó, sinh viên Trần Văn Đệ thận trọng nhìn chăm chăm qua khe cửa và thấy một người lính đội nón cối không thể lầm lẫn được đang hét lớn cho cả phố nghe, ‘Ra đường hết đi, mọi người. Quân đội cách mạng đến đây để giải phóng đồng bào.’ Tuy nhiên, Đệ và gia đình vẫn nán lại, bởi vì là những người Công giáo tốt họ đã được dạy dỗ từ bé là phải thù ghét và biết sợ người cộng sản.
Trong tình hình đụng độ sắp xảy ra, anh lùi lại đến chỗ mẹ và bốn em đang ngồi túm tụm sợ hãi. Anh đặt ngón tay lên môi, và ra dấu cho mọi người chui xuống gầm giường. Những giờ phút khủng khiếp tiếp theo: đạn rít qua cửa trước của họ; họ nghe trực thăng bắn rốc kết, một trái trúng nhà hàng xóm bốc lửa. Cuối cùng cả nhà chạy ra một bãi đất hoang cách nhà vài trăm mét, và nấp dưới một con mương trong ba ngày sau đó. Mỗi sáng sớm Đệ trở về để kiểm tra xem nhà có còn không. Vào sáng ngày thứ ba anh bỗng thấy một mũi súng đang chĩa vào người, người cầm súng là một lính Mỹ to con. ‘Tôi là một sinh viên,’ Đệ nhanh miệng nói bằng tiếng Anh. Người lính hạ vũ khí, nhưng chàng trai Việt có thể nhìn thấy mắt y tỏ vẻ chưa tin còn ngờ vực.
Các tướng lĩnh cảm thấy thoải mái nhất khi xử lý các lực lượng lớn trong các trận đánh quy ước. Fred Weyand tự hào vì đã bảo đảm đường liên lạc năng động, khiến ông có thể nhanh chóng gửi quân tiếp viện thuộc Lực lượng Dã chiến II của ông cho các trận đánh quanh Sài Gòn. Số các tướng lĩnh còn lại của MACV, tuy nhiên, dường như không có quân do sự hỗn loạn đang khống chế xứ sở. Liên lạc giữa Mỹ và Miền Nam thật nghèo nàn. Nhiều chỉ huy địa phương buộc phải làm theo sáng kiến của mình.
Trong những giờ phút đầu tiên ở Sài Gòn, quân cảnh Mỹ chịu nhiều thương vong bởi vì họ đương nhiên không được chuẩn bị tốt để chiến đấu như một bộ binh. 16 quân cảnh bị giết và 21 bị thương, nhiều người họ cùng ở trên một xe tải bị nổ tung. Tại Chợ Lớn, đánh nhau ác liệt kéo dài hàng tuần. Một nhóm binh sĩ Úc đánh đuổi một cuộc tấn công của VC vào doanh trại của họ trong đó một xạ thủ rốc kết bị một đầu bếp Úc, Binh nhì ‘Pop’ Clement giết chết. Sau đó anh nói theo kiểu đặc trưng của xứ sở anh: ‘Tôi đã biết tỏng khi nhìn thấy hắn giơ cái ống thoát nước đó lên là hắn không phải đến đây để sửa ống nước.’ Về đại cục, các lực lượng chính quyền giữ vững hầu hết trận địa của mình, và giáng cho địch số thương vong cao hơn họ gánh chịu, nhưng những người trên đường phố chỉ thấy máu đổ và cảnh đổ nát.
Phần lớn công việc thường ngày của Bệnh viện Dã chiến số 3 của Hoa Kỳ ở ngoại ô Sài Gòn là nhổ răng sâu cho dân, và phát cho họ các giả dược nhiều màu mà họ ưa thích. Giờ đây, thình lình, cơ sở lún sâu vào vũng nước xoáy. Các bác sĩ giải phẫu Mỹ đang mổ cho một VC bị thương khi một nam y tá ló đầu qua cửa, nói, ‘Chúng vừa đánh sứ quán.’ Những tiếng lẩm bẩm ngờ vực. ‘Vâng, thực đấy.’ Rồi người y tá nói một cách nghiêm túc, ‘Quên ca này đi. Chúng ta có nhiều ca khác đáng làm hơn.’
Có những quyết định phũ phàng khi đành phải bỏ rơi các ca tệ hại, bởi vì tài nguyên phải dành cho ưu tiên. Những thương bình có thể bước đi được xe buýt chở ra Tân Sơn Nhất di tản đến Hawaii. Một ít nhân viên không chịu nỗi: Drummond mô tả sự suy sụp của trưởng khoa giải phẫu: ‘Ông ấy bù đầu vì công việc tràn ngập. Ông ta dường như một người thiếu năng lực không thể giải quyết tình hình.’ Chính ông ta bước ra ngoài để giải quyết một quân xa 2 tấn rưỡi chở xác lính Mỹ, ước chừng cả chục người. Khu vực cấp bậc thấp được trưng dụng làm nhà xác, có lúc chứa đến 600 thi thể, Việt có và Mỹ có. Bệnh viện có 150 giường, và tại cao điểm Tết chứa đến 500 bệnh nhân. Bên trong cơ sở không cửa sổ ‘bạn như nằm trong nhà mồ’: thỉnh thoảng bác sĩ quân y bước ra ngoài giây lát để xem trời sáng hay tối.
Drummond thấy công việc ở giữa những người thập tử nhất sinh là gay go nhất: ‘Thật đau lòng khi phải nhìn ai đó có thể cùng tuổi với em mình, nói chuyện với mình mà mình biết là đang hấp hối.’ Trưởng y tá bệnh viện và phụ tá của bà như các mẹ hiền trong tuổi ngũ tuần. Một người trong họ nhìn thấy một TQLC đi xuống quân xa với xương khuỷu tay nhô ra, phần cánh tay bên dưới không còn. Người y tá nói, ‘Tội nghiệp con trai, con mất cánh tay rồi.’ Anh đáp lại, ‘Không sao đâu bà chị, chúng còn bắn vào bìu tôi nữa đó!’ Tiến độ chỉ chậm lại vào ngày thứ ba, khi dung dịch vô trùng của bệnh viện hết sạch.
Ở trong nước nhân dân Mỹ choáng váng, và thường nhận được thông tin sai lệch. Chet Huntley của NBC bảo với khán giả rằng các lính bắn tỉa VC đã đột nhập tòa nhà sứ quán và từ mái nhà bắn vào binh sĩ giải cứu trong sân. Sarah McClendon nói trên tin tức DC: ‘Tình hình rất, rất tồi tệ, và tôi cho rằng nhân dân nên biết điều này.’ Ôn hòa hơn, Tom Buckley của New York Times bày tỏ sự lo sợ rằng ‘sau nhiều năm chiến đấu và 10,000 thương vong, VC còn có thể tìm ra hàng ngàn người sẵn sàng không chỉ để đánh về đêm rồi chuồn đi, mà còn đảm nhiệm các sứ mạng trong đó chết là con đường duy nhất có thể’. Mike Wallace của CBS nói rằng các cuộc tấn công ‘phá hủy huyền thoại cho rằng đồng minh đang kiểm soát Miền Nam về mặt quân sự.’ Thượng nghị sĩ John Stennis của Mississippi bảo với các phóng viên rằng cho dù các cuộc tấn công gây cho địch tổn thất thương vong nặng nề, chúng cũng biểu thị một sự bẽ mặt cho cá nhân Lyndon Johnson. Tổng thống thực ra thấy sốc một cách dữ dội: niềm tin của ông vào giới quân sự, cụ thể với Westmoreland, không bao giờ phục hồi.
Và trận chiến vẫn còn đang gầm thét. Tại Sài Gòn lúc 06:00 ngày 1 tháng 2, chỉ huy VC Đằng và tham mưu leo lên các xuồng lớn gắn máy treo cờ MTDTGP, chạy về phía thượng lưu và đậu trong thành phố. Rồi họ bước đi dưới tiếng súng lác đác đến cầu Bà Tàng qua các đường phố trong đó nhiều nhà treo cờ của họ. Đằng là một cựu bình Việt Minh đã biết Sài Gòn những năm 1945-46. Ông dừng lại ngôi nhà của Bà Chín nào đó, nơi Đảng ủy đặt sở chỉ huy trong những ngày xa xưa đó. Một du kích nói ông cảm thấy quá tuyệt vời khi được ở trong thủ đô đến nỗi ông cởi đôi giày sandal, để cảm nhận đường phố tốt hơn bằng chân trần.
Chiều hôm đó tại MACV, Chuẩn tướng John Chaisson viết với sự ngưỡng mộ miễn cưỡng: ‘Đây thực sự là một nỗ lực phi thường. Kẻ địch đã đánh gần như mọi sân bay và thủ phủ tỉnh lỵ trong xứ cùng một lúc. Đến giờ họ đã gây cho chúng ta thiệt hại đáng kể, không quá nhiều thương vong, nhưng họ đã trả một giá to lớn. Nếu chúng ta có thể khống chế việc này và chúng ta sẽ làm được) tôi không nghĩ họ còn nhiều lực lượng dự trữ. Họ hoặc đạt được thắng lợi hoặc họ đã rút ngắn cuộc chiến cho chúng ta.’
Tại sở chỉ huy dã chiến của phe nổi dậy, tinh thần đã sa sút. Các cán bộ báo cáo rằng mọi biệt kích VC tại trung tâm thành phố đã bị giết chết. Đằng lập một trạm chỉ huy mới tại một ngôi chùa gần cầu Bình Tiên, và phái ‘những đội chiếm đóng’ qua đường phố, gọi dân chúng tham gia nổi dậy – phần lớn là vô ích. Ông nghe tin một quả bom đã rơi xuống nhà của Bà Chín bạn ông, giết chết những người trong đó. Suốt những ngày đêm sau đó là những ngày đêm không ngủ, dồn vập những tin tức xấu đổ về do phần lớn nữ giao liên gan dạ đương đầu với đường phố đạn lửa mang về. Các lực lượng đồng minh đang tiến lên, tung càng lúc càng nhiều hỏa lực, thu hẹp dần phạm vi của người cộng sản. Trực thăng vần vũ trên đầu, bỏ trái sáng vào ban đêm. Các máy dò hướng của Mỹ định vị được nơi phát sóng của Đằng, để pháo bắt đầu đóng khung địa điểm của ông. Thương binh lũ lượt được mang vào, nhưng không làm được gì nhiều cho họ. Các du kích quân chỉ sống nhờ khẩu phần thịt vịt và trứng vịt, riết rồi ngán cả hai. Đằng yêu cầu khẩn thiết và vô vọng xin viện binh.
Trong khi đó, trên khắp đất nước, gần như mọi đơn vị tác chiến Mỹ đều tham gia giao tranh đâu đó. Đại uý Myron Harrington 30 tuổi gốc Augusta, Georgia, người đã đảm nhiệm một đại đội 1/5th TQLC 5 ngày trước Tết, cảm thấy bối rối khi từ trước đến giờ đã phục vụ 8 năm mà không gặp hành động nào: ‘Tôi rất ý thức là mình còn tay mơ.’ Một it giờ sau khi tổng công kích bắt đầu, anh và binh sĩ được điều động lập tức đến phía nam Huế dọc theo đường sắt duyên hải cũ, tại đó họ nhanh chóng đụng độ với một số bộ đội, và một trận đấu súng hỗn loạn nổ ra trong một ngôi làng bỏ hoang. Sau một đêm vị trí của họ bị súng cối nã cầm chừng, lúc bình minh Harrington được lệnh dẫn hai trung đội băng qua vùng quê để tiếp sức cho phần còn lại của tiểu đoàn – cách đó 11 dặm. Đây là một tình huống chỉ huy lúng túng và rối loạn cổ điển: đúng là vô lý khi điều một lực lượng nhỏ hành quân trên một đoạn đường hiểm nguy như vậy. Harrington hỏi tiểu đoàn, ‘Có gì giữa anh và tôi?’ Không có gì, họ trả lời. Nhưng Đại đội Delta của anh chỉ di chuyển chừng vài trăm mét thì đã gặp hoả lực địch. Họ mất 4 giờ để thoát ra và di tản 8 người bị thương, được hỏa lực hải quân yểm trợ.
Harrington có thể nhìn thấy quân Miền Bắc đang dồn lực lượng, ra lệnh bằng các dấu hiệu tay và thổi còi: ‘Tôi nhận ra tình thế trở nên nghiêm trọng rồi.’ Chỉ sau 36 giờ nữa là họ có thể tái triển khai dưới bóng đêm, đến được tiểu đoàn lúc nửa đêm ngày 2 tháng 2. Trung uý John Harrison của đại đội Dù đóng bên ngoài Nha Trang được lệnh tiến lên qua các cánh đồng trống trải về hướng hai ngôi nhà và một nghĩa trang tại đó họ được bảo là có VC đang đợi. Harrison nói: ‘Thình lình nhiều địch xuất hiện phía sau lưng chúng tôi, bắn rốc kết và súng cối thùm-thùm-thùm.’ Anh và ba người đến ẩn núp trong một túp lều tranh, chỉ để thấy đạn rít lên xuyên qua vách lá. Họ chiến đấu suốt ngày, phần còn lại của đại đội bị ghim chặt lùi lại 1,000 ya. ‘Trận đánh trở nên giằng co – xem ai giỏi hơn ai. Trong hầu hết lần chạm trán việc mất quân chỉ xảy ra trong 30 giây đầu tiên, nhưng trận này cứ tiếp diễn và tiếp diễn.’ Người lính đi đầu của anh bị bắn chết tại cổng ngôi nhà tranh kế cận. Harrison gọi không kích, bắn quá gần đến nỗi thổi bay mái nhà anh đang ẩn nấp, khiến anh chảy máu cam và máu tai. Có lúc có đến 6 chiếc F-4 xếp hàng trên đầu, lần lượt chúi mũi xuống.
Vậy mà hỏa lực VC vẫn tiếp tục. Một bé gái chạy ra khỏi một túp lều, chụp lấy khẩu súng nằm trên mặt đất và phóng lại vào trong. Sĩ quan bảo với xạ thủ M-60, ‘Nếu lần sau nó làm vậy nữa, cứ bắn.’ Mặc dù ngay trước khi đêm xuống một đại đội khác đến tiếp ứng, họ mất thêm 3 người trong quá trình giúp một thương binh lùi về. Thật là một ngày ác liệt và cam go. Harrison nói: ‘Đó là lần đầu tiên ở Việt Nam mà tôi không thể lập được thế hỏa lực áp đảo. Chúng tôi sử dụng nhiều M-60 vậy mà không thể khiến hỏa lực họ chậm lại. Chúng tôi hiếm khi nhìn thấy kẻ địch, chỉ thoáng thấy ánh sáng lóe ra từ nòng súng AK của họ.’ Lính Dù rút quân ngay trước hoàng hôn, rồi sau đó viên trung uý dẫn một đội tuần tra trở lại trận địa để thu hồi xác chết. Họ đi lạc trên đường về căn cứ, và phải điện đàm cho căn cứ Dù nhờ bắn các đạn chỉ đường lên không trung để hướng dẫn đường về.
Những ký ức sống động và đôi khi đầy xúc động của những cộng quân tham gia trận công kích Tết rõ ràng làm quên khuấy đi những trò tàn bạo đầy dẫy mà họ vi phạm trong các khu vực họ chiếm đóng. Cán bộ Nguyễn Văn Lém được cho là đã bắt được một sĩ quan QĐVNCH và gia đình ông, rồi tự tay cắt cổ Trung tá Nguyễn Tuấn, vợ ông, 6 đứa con và người mẹ 80 tuổi. Không lâu sau đó, vào ngày 1 tháng 2, Lém rơi vào tay Biệt động QĐVNCH. Khi y bị điệu ra trước Cảnh sát trưởng Sài Gòn, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan lạnh lùng rút ra khẩu Smith & Wesson và bắn vào đầu y.
Điều không thể lường trước được là bức ảnh mà Eddie Adams của AP chụp cảnh Loan bắn tên tù binh thắng giải thưởng danh giá Pulitzer, đã gây thiệt hại hủy diệt cho chính nghĩa Mỹ và Miền Nam, một hậu quả chính người chụp cũng phải ân hận: ‘Tôi tuyệt đối không suy nghĩ gì cả. Ông ấy bắn y, thì sao chứ? … Còn tôi lần này chỉ vô tình đang đứng đó.’ Adams than thở là mình không thể chụp được bức ảnh ‘của tên VC đó gây tan nát cho gia đình Tuấn’. Nhà sử học Ed Moise tin rằng toàn bộ câu chuyện Lém giết sạch gia đình Tuấn là bịa đặt thời hậu chiến. Sự thật không bao giờ được biết, nhưng Phó Tổng thống Kỳ viết một cách chua chát: ‘Chỉ cái click của màng trập máy ảnh, cuộc tranh đấu cho độc lập và tự quyết đã biến đổi thành hình ảnh vụ hành hình tàn nhẫn và dường như vô nghĩa. ‘
MACV thúc giục giới truyền thông hãy xem xét vô vàn hành động tàn bạo mà phía bên kia vi phạm, nhưng họ lại không thể đưa ra những hình ảnh có thể so sánh được dù một chút. Cũng câu chuyện tương tự sau này trong trận chiến, khi báo chí trình bày các bức ảnh của AP chụp một TQLC Miền Nam bắn một tù bình. Một cố vấn Mỹ được trích dẫn đã nói, ‘Chúng tôi thường giết các VC bị thương nặng vì hai lý do. Một là bệnh viện quá đầy lính chúng ta và dân chúng thành ra không còn chỗ cho kẻ thù. Thứ hai là khi bạn đã gặp những bé gái 5 tuổi với mắt bị bịt khăn, tay bị trói ngoặt sau lưng, và lãnh đạn vào đầu, bạn khao khát được trả thù. Tôi đã nhìn thấy hai bé gái chết như thế hôm qua. Nên cách đây một giờ tôi đã bắn một tên VC.’
Tại MACV, Chuẩn tướng John Chaisson đối mặt với thử thách phải trình bày với giới phóng viên – ‘đám ruồi bu đó’. Thông tin quân đội chậm hàng giờ sau khi sự kiện xảy ra, thành ra vào buổi sáng ngày 1 tháng 2 nhân viên của Westmoreland thông báo rằng tại Huế một đại đội VC chỉ mới tấn công một cây cầu và chuẩn bị phóng rốc kết thì bị đẩy lùi. Chiều đó Quân đội Hoa Kỳ phát hành bản tin báo cáo chỉ có hai đạn súng cối bắn vào kho quân nhu tại Phú Bài, chín dặm về phía nam, trong khi vào thời gian đó phần lớn thành phố Huế đều rơi vào tay cộng quân. Vơ vét tin tức tốt lành, các phát ngôn viên nhấn mạnh việc nhiều binh sĩ Miền Nam tình nguyện trở về khi đang nghỉ phép, cùng với sự kiện chỉ có ít dân chúng tập kết nghe theo lời kêu gọi của cộng sản. Chính Chaisson bảo với các phóng viên rằng việc quét sạch Huế ‘chỉ là vấn đề thời gian’, một tiến trình sẽ được hoàn tất ‘trong vòng một vài ngày’. Trong thực tế, trận chiến giành giật thành phố kéo dài trong ba tuần.
Tờ Christian Science Monitor ngày hôm đó xác nhận rằng Mỹ đứng trước nguy cơ thảm bại về mặt quân sự. Tờ Wall Street Journal có bài chính luận cho rằng có điều gì đó ‘sai lầm ghê gớm. Chính quyền Miền Nam, với tất cả viện trợ khổng lồ của Mỹ, đã phơi bày sự bất lực không thể bảo đảm an ninh cho tập thể lớn dân chúng ở thôn quê và thành phố.’
Một số sĩ quan cao cấp Miền Nam xử sự tốt, nhưng những người khác suy sụp vì quá hoảng sợ. Westmoreland bảo với Ngũ Giác Đài rằng chỉ huy Quân đoàn IV đã lánh nạn trong lâu đài của mình phía sau một hàng chắn xe tăng, trong khi một sĩ quan cao cấp khác đã dùng đến biện pháp mặc thường phục bên dưới lớp quân phục của mình. Trung tướng Creighton Abrams phàn nàn với Tham mưu trưởng QĐVNCH rằng ở Huế ba tiểu đoàn TQLC Việt Nam chỉ tiến lên được nửa khu phố mà mất đến ba ngày: ‘Trong thời gian khẩn trương này … Nếu TQLC không thể đáp ứng với tình hình … họ đã đánh mất quyền là một bộ phận lực lượng vũ trang của ngài.’ David Brannigan của đài NBC cho rằng binh lính Miền Nam cướp bóc nhiều hơn là chiến đấu. Fred Weyand sau này nói, ‘Một số họ làm rất tốt – không kém chúng ta – còn một số thật tệ hại … Trong quá nhiều trường hợp, khi họ cảm thấy có nguy cơ bị địch tràn ngập, họ liền tan rã.’
Đến ngày thứ 5 của trận chiến tại Sài Gòn, ngày 4 tháng 2, chỉ huy vùng của VC đề xuất rút quân toàn bộ, một lời kêu gọi lập tức bị bí thư Đảng bác bỏ. Các cán bộ cao cấp sau này phê bình kịch liệt một số chỉ huy mặt trận thiếu quyết tâm, mặc dù lời phê phán như thế chắc chắn là nhằm tránh né trách nhiệm đã phát động một cuộc tổng công kich dựa trên cơ sở của nhiều giả định sai lầm. Cũng ngày 4 tháng 2 đó, sau khi chính thức làm lễ kỷ niệm lần thứ 38 ngày thành lập Đảng, Đằng dời trạm chỉ huy. Ông và ban tham mưu đạp xe đạp đến một bến phà, rồi rút về bên kia Sông Sài Gòn. Khi pháo Mỹ tăng cường và số thương vong của họ lên cao, ngày 5 tháng 2 họ bỏ cuộc. Trung ương Cục Miền Nam ra lệnh cho các đơn vị rút khỏi trung tâm thành phố để tiếp tục chiến đấu ở vành đai ngoại ô, nhưng một tiểu đoàn trưởng thốt ra một câch tuyệt vọng, ‘Ngoại ô là máy nghiền thịt: nếu chúng ta bám vào đó chúng ta sẽ mất rất nhiều người.’ Dòng người sống sót lác đác khởi hành trên chuyến đi dài chậm chạp thểu não về hướng nương náu Đồng Tháp Mười.
John Chaisson viết thư về nhà vào ngày 6 tháng 2: ‘Tướng Westmoreland chịu đựng rất đáng khâm phục, nhưng ông đang bị báo chí đập tơi bời.’ Thủ lĩnh của MACV vẫn duy trì chú tâm vào vùng tây bắc. Vào ngày 8 tháng 2 ông điện cho Ngũ Giác Đài: ‘Mặc dù tôi cảm thấy chúng ta có thể giữ được Khe Sanh, nhưng có khả năng chúng ta sẽ không quá may mắn. Nếu chúng ta để mất nó, điều thiết yếu là chúng ta lấy lại nó và đó là lý do tại sao tôi đã đặt Sư đoàn Kỵ binh 1 vào khu vực… Chỉ cần thận trọng dự trù tình huống xấu nhất.’ Đến tận ngày 10 ông còn nhắn tin cho Đô đốc Sharp rằng mình còn tin Miền Bắc ‘dự tính biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai’.
Giới truyền thông nương theo dẫn dắt của vị tướng. Trong tháng 2 và 3 căn cứ trên Đường 9 chiếm 38 phần trăm trong tất cả tin tức của hãng thông tấn AP về Việt Nam, và một phần năm trong tất cả ảnh chiến tranh được đăng trên các tờ New York Times và Washington Post. Các đài TV phát lặp đi lặp lại lại các phim về thương vong và tổn thất trong hàng ngũ TQLC – phân nửa tiết mục về chiến tranh hàng đêm quay cảnh bao vây – nhưng không thể cho thấy cảnh thiệt hại nặng nề hơn ở bên hàng ngũ địch. Vào ngày 16 tháng 2 phóng viên CBS Murray Fromson xác nhận một cách chán chường: ‘Ở đây quân Miền Bắc quyết định ai được sống và ai phải chết … và sớm hay muộn họ sẽ tung ra động thái để niêm phong số phận của Khe Sanh.’ Mặc dù có nhiều phi cơ cất cánh hoặc đáp xuống an toàn, TV cứ châm bẩm quay xác ba chiếc C-123 và một chiếc C-130 trên đường băng. Walter Cronkite của CBS, đến tthăm Việt Nam, được cho là đã nói rằng ít ai nghi ngờ việc người cộng sản có thể chiếm Khe Sanh nếu họ thực sự muốn chiếm.
Giữa làn sóng chỉ trích gay gắt này, các phân tích viên của CIA nâng cấp đánh giá toàn bộ quân số của cộng sản tại Miền Nam từ 515,000 đến 580,000, mặc dù con số thực chắc chắn gần hơn 300,000. Nỗi sợ hãi của MACV lan đến Nhà Trắng – làm sao giải thích khác được lời nhận xét Johnson đưa ra với Earle Wheeler vào ngày 3 tháng 2 rằng cho dù ông không muốn bỏ bom hạt nhân lên Khe Sanh, kẻ thù có thể buộc ông phải quyết định làm vậy? Westmoreland trấn an tổng thống điều này là không cần thiết – một trong số rất ít cuộc trao đổi trực tiếp qua điện thoại giữa hai người xảy ra trong dịp Tết. Nhưng rồi chính vị tướng nói rằng nếu Quân đội Miền Bắc giờ đây mở cuộc xâm lược đại quy mô vào Miền Nam, Hoa Kỳ nên sẵn sàng sử dụng bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn, kể cả các vũ khí hoá học và hạt nhân.
Vào ngày 5 tháng 2 một phụ tá của William Fulbright nhận một cuộc gọi nặc danh đề nghị vị Thượng nghị sĩ nên hỏi tại sao một trong chuyên gia tiên phong về hạt nhân chiến thuật, Giáo sư Richard Garwin, gần đây đã đến thăm Việt Nam. Lời cảnh báo này khơi dậy sự suy đoán căng thẳng và báo động: vào ngày 8 tháng 2 Eugene McCarthy, giờ là người của Đảng Dân chủ chống Johnson muốn làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống 1968, xác nhận rằng quân đội đã yêu cầu quyền tiếp cận các vũ khí hạt nhân. Nhà Trắng và Ngũ Giác Đài lập tức tố cáo các phát biểu của McCarthy là suy đoán không đẹp, đúng là như vậy. Nhưng tại một hội thảo tin tức Earle Wheeler cự tuyệt việc loại bỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Khe Sanh có nguy cơ bị đánh chiếm; còn Johnson thì xem xét việc xâm lăng Miền Bắc.
Sự dai dẳng của cuộc thảo luận sôi nổi như thế phản ảnh trong một câu chuyện của New York Times ngày 17 tháng 2 về tổng thống nhan đề ‘Johnson Phủ nhận Việc Sử dụng Nguyên tử tại Việt Nam được Xem Xét’. Việc thảo luận này làm các đồng minh của Mỹ khiếp đảm. Thủ tướng Anh Harold Wilson nói trên chương trình Đối Diện Quốc Gia của CBS rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân là ‘điên rồi … hoàn toàn điên rồ’. Thật ra, không ai thực sự muốn tháo xiềng xích cho một ác mộng như thế; phần đông các phát biểu trắng trợn của các tướng lĩnh phản ánh ý muốn tung hoả mù cho Hà Nội, hơn là ý định thực sự. Vào ngày 12 tháng 2 Đô đốc Sharp ra sức ngăn cản biện pháp bằng cách ra lệnh cho Westmoreland loại bỏ việc lên kế hoạch cho tình huống bất trắc hạt nhân. Tuy nhiên, tổn thất đối với sự tin cậy quốc tế đã gây ra, không thể cứu vãn được.
Phe cộng dàn 60,000 quân trên các chiến trường phía bắc. Sớm ngày 7 tháng 2 một tiểu đoàn của sư đoàn 304, được yểm trợ không hiệu quả bởi xe bọc sắt phát động một cuộc công kích vào căn cứ lực lượng đặc biệt tại Làng Vây, cách Khe Sanh 5 dặm về phía tây bên kia vùng núi. Xe tăng PT-76 của quân Miền Bắc lần đầu tiên đưa vào trận địa nhanh chóng bị bắn bốc cháy, nhưng bộ binh chọc thủng phòng tuyến. Quân đội ra sức ép lệnh cho TQLC tại Khe Sanh phái một đạo quân đi cứu viện, một đề xuất bị bác bỏ một cách khôn ngoan: quân Miền Bắc đã dàn quân phục kích cho một hành động như thế. Tại Làng Vây phe tấn công bắn trúng vào các boongke của phe phòng thủ bằng các rốc két B-40, đổ xăng vào một boongke còn chống trả và châm lửa đốt, sau đó dựng cờ của họ lên với giá 30 phần trăm thương vong. Các trực thăng di tản các binh sĩ Mỹ còn sống sót trước khi bỏ rơi căn cứ.
Mặc dù cộng quân mặc sức gáy lên thắng lợi của mình, nhưng tổn thất của họ trong khu vực đó thật là kinh khiếp. Bệnh hoạn gieo tai ương trước khi các B-52 can thiệp: một phần năm binh sĩ mắc sốt rét rừng, càng trầm trọng thêm khi mùa mưa đến. Trong một cuộc tấn công thất bại một trung đoàn mất một phần tư quân số, rồi một trung đoàn khác mất một phần năm quân số khi tấn công Đồi 382. Trung đoàn 9 của quân Miền Bắc chịu đựng khổ nạn điển hình: vào chiều tối ngày 6 tháng 2, bộ đội cắm quân dọc một con suối cách Đường 9 một dặm. Sáng hôm sau khi đoàn quân tiếp tục hành quân, phi cơ thình lình xuất hiện trên đầu: sáu B-52, buông xuống một lớp chăn hủy diệt. Phân nửa trung đoàn bỗng thấy mình trực tiếp nằm bên dưới những cột bom vang rền chấn động.
Khi binh sĩ chạy túa ra giữa các xác chết, ra sức cứu giúp các đồng đội bị thương, một đợt sóng thứ hai rồi thứ ba lao tới oanh kích. Khi các B-52 cuối cùng đã biến mất ở chân trời, các thi thể dập nát vương vãi khắp nơi giữa đám cây cối bật gốc và dòng suối đỏ ngầu vì máu. Trung đoàn đã tổn thất gần 300 thương vong, 15 phần trăm quân số, trước khi bắn ra một viên đạn trên trận địa. Một đại đội trưởng suy sụp tinh thần. Lịch sử sư đoàn nhìn nhận nhuệ khí binh sĩ xuống thấp.
Trở lại Đường Mòn Hồ Chí Minh gần 200 tấn quân nhu, vận chuyển về nam biết bao gian khổ, cũng bị hủy diệt bởi không kích.
Sau các tuần đầu cuộc vây hãm Khe Sanh, những ngọn đồi xanh quanh căn cứ đã bị bom cày nát thành bãi đất đỏ hoang tàn, phủ liệm trong bụi và khói. Sau mỗi cuộc không kích bộ đội đào bới như điên để cứu những người bị chôn sống. Một quả bom nổ cạnh một boongke chỉ huy, giết chết 5 người mới đến, vừa từ trung học ra. Các lính bắn tỉa hai bên giao đấu tay đôi không dứt, nhưng hầu hết các nỗ lực của bộ đội dành cho việc đào hố hầm càng ngày càng tiến sát hơn phòng tuyến Mỹ. Tính khẩn trương của việc đào bới là do họ biết rằng chỉ khi tiến sát binh sĩ Mỹ họ mới có thể tránh khỏi không kích. Vào tháng 3, một số đại đội Miền Bắc chỉ còn vỏn vẹn 30 người.
Binh sĩ Mỹ trấn giữ các vị trí ở đó không bao giờ quên được trải nghiệm. Hạ sĩ Orville Fulkerson nhận xét một cách lạ lùng là các thi thể lính Mỹ và bộ đội nằm lẫn lộn trên Đồi 881 ‘giật nẩy lên như thạch’ khi chúng bị trúng đạn hết lần này đến lần khác bởi các hỏa lực nhẹ của cả đôi bên. Jeff Anthony, trong số người phòng thủ Đồi 861, không hề tin rằng quân Miền Bắc có thể chiếm được Khe Sanh, bởi vì họ bị ngăn chặn mỗi lần đột kích vào các vị trí mà đại đội anh trấn giữ.
Hết lần này đến lần khác trong bóng đêm TQLC nhìn ra những bóng đen trong tầm 60 ya, rồi 40 ya, rồi 30 – gần hơn bất cứ các trải nghiệm từ trước của phần đông lính Mỹ ở Việt Nam. Nhưng nhờ pháo sáng trên trời, các chiến sĩ phòng thủ tàn sát bộ đội Miền Bắc, xài hết băng đạn này đến băng đạn khác, hết thắt lưng đạn này đến thắt lưng đạn khác, ‘nhưng chúng tôi cũng chịu nhiều thương vong do đạn súng cối địch.’ Sau một trận đụng độ vào sáng ngày 25 tháng 2, quân Bắc dở chiêu trò chiến tranh tâm lý cũ đã sử dụng ở Điện Biên Phủ, mời người Mỹ di tản người chết dưới lá cờ trắng. TQLC phớt lờ đề xuất này và địch mất dịp có được một hình ảnh tuyên truyền vô giá.
Các chỉ huy cộng sản bố trí một đoàn văn công đến biểu diễn để giải trí cho bộ đội giúp họ khuây khỏa sau thời gian kiệt sức và khiếp đảm. Một kịch tác gia tên Chu Nghị viết một tác phẩm có tựa đề Tại Hàng Rào Kẽm Gai Vành Đai Tà Côn, được trình diễn rất hợp. Tác dụng nâng cao nhuệ khí phần nào giảm xuống khi chính tác giả bị giết chết trong cuộc không kích, và làm bị thương một nam và một nữ kịch sĩ. Báo cáo Hà Nội công bố các số thống kê bất thường về thương vong Mỹ, bao gồm được cho là đếm được 3,055 xác lính Mỹ trong khi thực sự chỉ là 500, và tuyên bố tiêu diệt 279 phi cơ Mỹ. Một tiểu đội báo cáo giết được 40 lính địch cho mỗi người của tiểu đội hy sinh: ‘bọn Mỹ cao, to, chậm chạp chết hàng loạt’. Khe Sanh được mô tả là ‘một thắng lợi huy hoàng ‘. Tuy nhiên, không bộ đội cộng sản nào bản thân tin vào điều vô lý như thế. Lịch sử Sư đoàn 304 nhìn nhận rằng các đơn vị của mình chịu đựng ‘sự tiêu hao đáng kể trong trận thư hùng ác liệt này’, gây ra những vấn đề … trong suy nghĩ và ý thức hệ của các cán bộ và quân nhân của sư đoàn’. Số đào ngũ và tự gây ra thương tích cho.mình tăng vọt. Phải sử dụng hành động kỷ luật đối với 399 người, bao gồm 186 đảng viên và 85 cán bộ, vì các lỗi vi phạm trong đó có ‘thiếu tinh thần tiến công ‘.
Quân Miền Bắc xác nhận 45 phần trăm tổng số tổn thất là do không kích, một tỷ lệ tương tự do pháo kích, không đến 10 phần trăm là do vũ khí cá nhân. Vào thời điểm các trận đánh Tết kết thúc , phe cộng sản ở khu vực phía bắc đối diện với một danh sách bệnh lên tới 12,000 và nhìn nhận có 6,000 người chết và 15,000 người khác bị thương trong chiến đấu. Cuộc vây hãm Khe Sanh lụi tàn qua suốt mùa xuân. Nhận thức một cách khách quan, đó là một thảm bại chủ yếu của Quân đội Miền Bắc, mất ít nhất 10 người so với một người Mỹ mà họ giết. Nhưng Westmoreland và giới báo chí cùng giật được một thảm bại tâm lý: MACV được xem là đã trở thành nạn nhân của một đòn đánh lừa cộng sản – theo một mức độ nào đó, quả đúng là như vậy.
Tại Huế, vào đêm 4-5 tháng 2 phe công kích đã chịu đựng trên một ngàn người chết và bốn ngàn bị thương, và đối mặt với tình trạng thiếu hụt quân nhu và lương thực. Vậy mà khi các chỉ huy bộ đội xin phép được rút quân liền bị khước từ. Họ được thông báo rằng đồ tiếp tế sẽ được thả dù sớm và họ nên chuẩn bị dùng hỏa pháo đánh đấu; rằng vào ngày 18 tháng 2, một đợt công kích mới toàn quốc sẽ được phát động; rằng lực lượng tiếp viện đang đến gần. Một cán bộ sau này bày tỏ nỗi chua chát của y về tất cả trò lừa dối này, hành động phản bội lòng tin cậy bằng những lời tuyên truyền tráo trở các hy vọng hão huyền. Ít có người cộng sản cao cấp nào dám công khai nhìn nhận các tin tức xấu. Theo lời Đại tá Nguyễn An của Quân đội Miền Bắc, ‘Mọi người đều không dám nói vì sợ bị kết tội hèn nhát hoặc thiếu lập trường ý thức hệ.’
Phó Tổng thống Kỳ được cho biết người Mỹ ngại dội bom vào các đền đài và cung điện Huế, nơi hiện giờ bọn cộng sản đang tập trung. Ông trả lời với giọng điệu thẳng thừng quen thuộc: ‘Những công trình này do con người xây dựng. Chúng có thể được xây dựng lại bởi tay con người. Cứ dội bom!’ Pháo binh và phi cơ đánh xuống kinh thành bất cứ khi nào thời tiết xấu dai dẳng cho phép. Nhưng việc tái chiếm thành phố vẫn tiến hành với mức độ chậm chạp đến nhức nhối, chỉ giành được một vài trăm thước gạch vụn mỗi ngày.
TQLC đâm ra khinh thị các đồng minh Miền Nam. Một lính Mỹ trèo lên một xe tăng QĐVNCH tính sử dụng súng máy trên tháp pháo xe tăng. Anh đập mạnh vào nắp xe tăng để xin đạn nhưng vô ích: chiến sĩ xe tăng đã trốn trong xe tăng và khóa kín nắp.
Từ một hố cá nhân phía bắc Huế, Trung uý Andy Westin viết cho vợ mình Mimi: ‘Em yêu, lần đầu tiên kể từ khi anh đến đây, đêm qua, anh đã khóc. Anh không phải là người duy nhất. Từ sĩ quan chỉ huy trở xuống, các chàng trai của tụi anh đã khóc … Toàn bộ tiểu đoàn của tụi anh bị kẹt trong một bẫy sập của địch … Đúng là một trận tàn sát! Tất cả sĩ quan cao cấp nghĩ rằng bọn cộng sản đã rút đi, vì thế bọn anh nhảy nhót giữa chốn hoang vu này … Anh chưa hề thấy điều gì như thế và anh hy vọng không làm lại chuyện ấy nữa.’ Khi tổn thất tăng lên, người Mỹ đâm ra càng bất cẩn với hiểm họa gây ra cho dân chúng trên đường pháo, bom, đạn. Ý thức nhức nhối về viễn cảnh ảm đạm của mình, họ đâm ra tàn nhẫn trong việc khinh bỉ tài sản: tình trạng phá hủy bừa bãi nhiều vô kể. Phải mất bốn ngày chiến đấu gan lì, bắn phá kẻ địch bằng hỏa lực từ xe tăng, súng phun lửa và pháo không giật, mới chiếm được một dải đất dài một dặm ở phía nam thành phố giữa phức hợp và kênh Phú Cần. Trong khi đó bên kia sông, nỗ lực của QĐVNCH nhằm tái chiếm kinh thành vẫn còn chậm như rùa.
Vào ngày 11 tháng 2, tiểu đoàn TQLC của Myron Harrington được điều lên Đường 1 đến Huế: ‘Không ai biết việc gì xảy ra.’ Anh được hướng dẫn qua loa về chiến thuật tác chiến trong đường phố, ‘về chuyện này tôi mù tịt’. Vào ngày 13, Đại đội Alpha của tiểu đoàn tổn thất nặng nề khi nỗ lực tiến vào kinh thành. Ngày hôm sau, đại đội Alpha hoang mang tiến về phía thượng lưu sông bằng xuồng đổ bộ và thuyền mành, mặc tình hứng hỏa lực địch. Tối đó Harrington được lệnh bất chợt, ‘Luôn tiện, ngày mai anh phải chiếm lấy cổng Đông Ba,’ khiến ‘lòng tôi đâm ra biết kính sợ Chúa’.
Anh trải qua một đêm không ngủ, một phần vì lo lắng và một phần vì tiếng gầm thét không ngừng của pháo. Buổi sáng ngày 15 tháng 2 chứng kiến anh dẫn đầu một trăm người trườn về hướng tây lên một con mương bên trong tường thành nội, may mắn gặp được một đống đổ nát làm chỗ che chắn: ‘Thình lình không khí bỗng yên ắng, như các bãi biển Thái Bình Dương ở Nhật Bản hình như yên bình đó trong Thế chiến II.’ Rồi địch bắt đầu khai hỏa, nhanh chóng làm bị thương người chạy việc của Harrington. ‘Hoả lực ác liệt đến nỗi tôi không biết mình đang suy nghĩ gì nữa. Một trung đội trưởng nằm trên một ban công, bị thương do một súng phóng lựu, máy truyền tin của anh bị rơi xuống. Tôi phái một số người chạy đến chỗ anh, tất cả đều bị bắn trúng thương.’ Harrington bảo với Trung sĩ Maury Whitmar dẫn một tiểu đội tiến đến tường thành. ‘Anh ta nhìn tôi như không tin vào tai mình – rồi làm theo.’
TQLC bắt đầu tiến về mục tiêu của họ là móng của kỳ đài, ở giữa đoạn đường xuống bờ phía tây. Một xe tăng rùng rùng tiến lên, do một trung uý trẻ tên Morris chỉ huy, bắt đầu khai hỏa yểm trợ: ‘Anh ta thật tuyệt vời.’ Một TQLC da đen chạy đến bên Harrington và nói đùa, ‘tôi vừa được huy chương Purple Heart thứ ba!’ Vị đại uý viết, ‘Đó chỉ là một vết xước nhỏ trên ngực anh, và thế là tôi bảo anh làm người chạy việc cho tôi, và anh tiếp đạn dược cho các binh sĩ đang giao tranh tại tường thành. Tôi còn không nhớ tên nhiều binh sĩ của tôi, sống hay chết. Tôi chỉ phải ra lệnh cho họ đi về hướng thần chết. Mùi tử khí thật kinh khủng, nồng nặc khắp mọi nơi. Khi bạn dùng khẩu phần của mình, chẳng khác đang ăn cái chết.’
Có một thời khắc lạ lùng ngay giữa trận tàn sát: một trung uý trẻ tên Joe Allen chạy dưới làn mưa đạn đến bên Harrington, báo cáo mình là người thay thế, và liến thoắng, ‘Đại uý, em đã gặp vợ và con gái cách đây một tuần.’ Giữa tiếng súng nổ và đạn rít, Harrington viết, ‘Nó khiến tôi phải nín thở khi buộc phải suy nghĩ chuyện khác ngoài việc đánh nhau, và đó là một ý nghĩa tồi.’ Chiều tàn trước khi có thêm nhiều người tiến lên được tường thành cao của thành nội, dẫn đầu là Hạ sĩ Bob Thoms, một chiến binh kinh khủng với bộ quân phục tả tơi. Lúc 16:30 khu vực đã được chiếm lĩnh với cái giá 6 tử trận và 40 bị thương trong số 100 lẻ TQLC mà đại uý đã dẫn vào trận vào đầu ngày. Lúc 04:00 sáng hôm sau, ngày 16, bộ đội Miền Bắc phản công. Lại thêm nhiều cuộc trao đổi hỏa lực mới trước khi kỳ đài một lần nữa được chiếm giữ: 24 lính địch được tìm thấy trong đống đổ nát.
Harrington còn lại 39 người, ngay lập tức được giao nhiệm vụ quét sạch từng nhà, một công việc cân não, khổ đau và chậm chạp. ‘Địch đã có 2 tuần chuẩn bị các vị trí. Chúng tôi tiến đến một địa điểm nơi chúng tôi gần như bị vô hiệu hóa, khi chúng tôi bất cần sống hay chết. Tâm trí chúng tôi hoàn toàn bị xoá sạch. Không ai trân trọng những gì đang xảy ra. Các bộ chỉ huy trên cao cứ hỏi: “Tại sao các anh mất quá nhiều thì giờ chỉ để hạ vài tên bộ đội?” Sĩ quan chỉ huy của họ, Thiếu tá Bob Thompson, khiến Creighton Abrams nổi cơn thịnh nộ vì đơn vị của anh tiến lên quá chậm, liền bị cách chức trước khi các sĩ quan cao cấp TQLC được lệnh hủy bỏ lệnh trước.
Harrington cảm thấy choáng váng khi nghe tin mình được thưởng huy chương Thập tự Hải quân: ‘Tôi thấy mình không xứng đáng.’ Binh sĩ tôi xứng đáng hơn.
Lức 06:30 ngày 22 tháng 2, những bộ đội Miền Bắc còn lại bị kẹt trong kinh thành bắt đầu liều chết xông ra. Một số binh lính Miền Nam hoảng sợ tháo chạy, phớt lờ lời đe dọa bắn bỏ của trung uý họ. Đội Hắc Báo cuối cùng hạ cờ MTDTGP và kéo cờ của Miền Nam lên kỳ đài Hoàng Cung vào lúc 05:00 ngày 23. Ngay lúc đó, một người gần như trần truồng từ dưới hồ trang trí chường mặt ra – y là binh sĩ Miền Nam đã ẩn nấp ở đó suốt 20 ngày, ban đêm bỏ ra ngoài săn lùng lương thực.
QĐVNCH mất 458 chết tại Huế, và hơn 1,000 bị thương: một số đã thể hiện ý chí chiến đấu đáng nể phục. Quân đội Hoa Kỳ mất 75 chết và 507 bị thương, Quân đoàn TQLC 142 chết và 857 bị thương. Ước tính có 6,000 dân thường bị thiệt mạng, một tỷ lệ không nhỏ do hỏa lực phe ta.
Phe cộng tổn thất đâu đó từ 2,500 đến 5 000 – họ không bao giờ tiết lộ con số đáng tin – nhưng trong những ngày cuối tháng 2 lực lượng còn lại rút lui về phía tây không bị quấy nhiễu, một thước đo về sự rối loạn trong hàng ngũ Hoa Kỳ và QĐVNCH. Trận đánh Huế là nhỏ so với tiêu chuẩn Thế chiến 1939-45, nhưng là một trận đánh đơn lẻ đẫm máu nhất của Chiến tranh Đông Dương Lần II.
Vào ngày 26 tháng 2 một ngôi mộ tập thể đầu tiên trong số vài ngôi mộ được phát hiện tại Huế: trong thời gian cai trị ngắn ngủi của MTDTGP, các cán bộ của mặt trận đã tàn sát có hệ thống mọi viên chức chính quyền và người hậu thuẫn, trí thức, tiểu tư sản và ‘kẻ thù của nhân dân ‘ mà họ có thể nhận diện được, cùng với gia đình của những nạn nhân ấy. Mặc dù trên một mức độ nhỏ hơn, những vụ tàn sát như thế cũng xảy ra ở nơi khác. Một người cộng sản tìm cách biện minh cho những hành động tàn bạo của quân đội mình: ‘Nhân dân thù oán những tên ác ôn này đến mức họ đối xử với chúng như đối xử với bọn rắn độc – phải tiêu diệt để ngăn trừ chúng hãm hại nhân dân tiếp tục.’ Trong số các nạn nhân có Nguyễn Tất Thống 53 tuổi, giám đốc cơ quan vụ xã hội của chính quyền. Ông đã về quê ăn Tết với gia quyến – cùng với 6 thân nhân, bao gồm hai anh em sinh viên, cũng bị sát hại. Cũng bị sát hại là một phụ nữ góa chồng Nguyễn Thị Lào 48 tuổi, làm nghề bán thuốc lá dạo, cũng như các giáo sĩ Thiên Chúa, các giáo sư đại học người Đức, dân thường Hoa Kỳ. Hàng trăm người bị thủ tiêu mà tội lỗi duy nhất là có mặt trên danh sách những người được cho là có cảm tình với chính quyền. Khoảng 2,810 thi thể cuối cùng được tìm thấy, và tổng số nạn nhân thực sự gần như chắc chắn là cao hơn. Đại uý Denis Campbell, một cố vấn Úc, viết: ‘Ta có thể hiểu được lòng căm thù khiến người cộng sản siết cổ các binh lính Sài Gòn bằng kẽm gai và trang trí các tường thành bằng các thi thể, nhưng chôn sống toàn bộ các gia đình kể cả trẻ em không dựa trên nguyên cớ nào mạnh hơn là không chịu cầm vũ khí đúng là điều quá mức tưởng tượng. Tôi đã từng luôn ngưỡng mộ một cách đố kỵ VC . . . nhưng giờ chuyện đó đã không còn.’
Vụ tàn sát đã nhạo báng thái độ hợm hĩnh của những người cộng sản thường huênh hoang cho rằng mình đại diện cho các lực lượng vượt trội về mặt đạo đức hơn hẳn chế độ Sài Gòn. Tuy nhiên, giới truyền thông chậm báo cáo câu chuyện bi thương đó, một phần bởi vì chỉ đến ngày 9 tháng 3 MACV mới loan báo việc phát hiện ra các ngôi mộ tập thể, lúc đó thì độ tin cậy của câu chuyện đã rách tả tơi.
Westmoreland chỉ trích các TQLC ở chốn riêng tư, ông cho rằng họ đã gây ra tình trạng rối loạn trong các trận đánh ở Huế. Đúng là họ đã làm thế, nhưng lỗi là do các sĩ quan cao cấp, cứ lặp đi lặp lại đưa ra những lệnh bất khả thi về phương diện chiến thuật cho binh sĩ của mình, kể cả các chỉ huy trong MACV cũng không kém gì. Hàng tuần liền toàn bộ ban chỉ huy Hoa Kỳ đánh giá sai lầm tình hình, cung ứng các tài nguyên thiếu thốn một cách đau xót.
Trong những ngày cuối cùng của tháng 2 và đầu tháng 3, những ổ kháng cự còn lại của VC lần lượt bị quét sạch khỏi các thành phố Miền Nam. Giờ có đến 636 thông tín viên chính thức có mặt trong đất nước thống khổ, đối với họ chiến sự Tết đã khoản đãi họ một bữa tiệc tin tức thịnh soạn. Một số phóng viên viết các bản tin nhanh và được phát thanh với một giọng điệu gần như là điên cuồng. Số khác phơi bày sự dũng cảm tuyệt vời, và sản sinh những tản văn sống động nhất của cuộc chiến. Giọng điệu nói chung bày tỏ sự kính sợ đối với kỳ tích của người cộng sản, và thể hiện it đối với những gì binh sĩ nhận thấy như là thực tế trung tâm – rằng kẻ thù đã bại trận. Tường thuật về giới truyền thông của William Hammond trong quân sử chính thức của Hoa Kỳ là một hình mẫu của tính vô tư, nhưng ông viết: ‘Họ quá dễ dàng nuông chìu theo áp lực của nghề nghiệp. Cạnh tranh với nhau từng mẩu tin, dưới sự đòi hỏi của công luận phải là tin giật gân, họ hy sinh chiều sâu và sự phân tích để đổi lấy màu sắc, họ bịa ra những tin không hề tồn tại.’
Nhưng Hammond cũng nhận xét trong một đoạn văn tàn phá gần như phủ định sự khe khắt của ông ở phần trên: ‘Không thể phủ nhận … là các phóng sự của báo chí thường còn chính xác hơn những công bố của chính quyền.’ Ắt hẳn ông nghĩa đến các bài tin nhanh về Tết của Gene Roberts của New York Times. Phóng viên này, chỉ mới đến trận địa Huế gần đây, nhưng đã đánh giá tình hình của lực lượng Mỹ tại Huế tốt hơn bất kì chỉ huy cao cấp nào trong vùng chiến trường phía bắc. Đây quả là sự xoa dịu đầy ấn tượng cho sự khiếm khuyết của giới truyền thông, và lời kết án Quân đội Hoa Kỳ và giới lãnh đạo TQLC.
2 Sự Đầu Hàng của một Tổng Thống
Sau Tết, tinh thần binh sĩ Miền Bắc và VC sa sút, nhìn nhận một thảm bại quân sự khiến họ tổn thất khoảng 20,000 sinh mạng. Lịch sử chính thức của Hà Nội thừa nhận rằng ‘cục diện chiến trường tạm thời xoay về có lợi cho địch … Vị thế và sức mạnh của chúng ta bị suy yếu nghiêm trọng.’ Theo đánh giá riêng của người cộng sản, hứng chịu hỏa lực Mỹ đã gây thiệt hại cho một số đơn vị du kích đến 60-70 phần trăm quân số. Chỉ huy VC tỉnh Long An viết: ‘Không có lúc nào trong toàn bộ sự nghiệp quân sự của tôi mà tôi cảm thấy hoang mang và bất lực như trong thời kỳ này… Tôi còn không thể lý giải các sự kiện ra làm sao.’ Sự thật, lịch sử chứng tỏ rằng sự nổi dậy của quần chúng gần như đều thất bại – hãy xem xét sự kiện Warsaw 1944, Budapest 1956, Prague 1968 – trừ khi có sự sụp đổ ý chí của chế độ cai trị và lực lượng của nó. Một đại tá Miền Bắc nói, ‘Chúng tôi biết rằng một cuộc tổng nổi dậy là không thể.’ Một số người Miền Nam có thể nghe theo chính nghĩa của phe nổi dậy nếu phe đó trông có vẻ tất thắng, nhưng trường hợp này thì không. Ông mô tả sự xâm nhập ban đầu vào sứ quán Mỹ và vài trung tâm đô thị như là ‘một thắng lợi vang dội.’ Lỗi lầm, ông thừa nhận, là sau đó ta tìm cách giữ chúng: ‘Tốt nhất là rút lui để củng cố sự chiếm đóng vững chắc ở nông thôn.’ Một số sĩ quan Mỹ toàn tâm đồng ý rằng đương đầu trực diện với lực lượng lớn của địch thích hợp với MACV hơn là đánh với du kích quân nhiều. Một tư lệnh sư đoàn nói vài tháng sau đó: ‘Điều duy nhất cứu vớt chúng ta là Trung ương Cục Miền Nam là một nhóm sĩ quan quân phiệt muốn đánh thắng chúng ta trong trận đánh quy mô lớn.’
Những người cộng sản sống sót chán chường trở về căn cứ nơi họ bỏ lại phía sau những tài sản cá nhân, để đi tìm kiếm điều không được thừa nhận và cái không hề thuộc về mình. Họ biết rằng cuộc công kích đã được lên kế hoạch một cách đáng chê trách. Lãnh đạo VC Trần Độ nói, ‘Tết rõ ràng thay đổi toàn bộ bản chất của cuộc chiến … Đó là một cuộc tấn công “ăn cả ngã về không”. Chúng ta đặt ra những mục tiêu không thích hợp, xa tầm tay … Cụm từ “tiêu diệt chúng” nghe quá tuyệt vời. Chúng tôi bước vào một thời kỳ cực kì khó khăn trong những năm 1969, 1970, 1971. Khi được hỏi chúng tôi kiểm soát bao nhiêu phần trăm dân số, chúng tôi đáp “hầu hết”, nhưng sự thật chúng tôi gần như mất tất cả.’ Độ ôm ấp sự chua xót lâu dài đối với Trung ương Cục Miền Nam và Hà Nội về việc họ lợi dụng ý chí hy sinh của những người hậu thuẫn họ hết lòng.
Đại tá An Miền Bắc viết: ‘Nhiều người chúng tôi đâm ra ngã lòng … Họ tin rằng giờ kẻ thù đang vượt xa họ.’ Tổn thất của VC tăng lên hơn nữa, tới khoảng 50,000 người chết, trong các trận ‘Tết mini’ thứ 2 và thứ 3 đều gặp thảm bại ngoạn mục vào tháng 5 và 8 1968. Lực lượng MTDTGP giờ sút giảm chỉ còn là các nhóm du kích địa phương như trước đây; từ đây về sau gánh nặng chiến tranh phần lớn đặt trên vai Quân đội Miền Bắc.
Tổng cộng, người Mỹ mất khoảng 4,000 người chết trong trận chiến Tết, quân đội Sài Gòn gần 6,000, nhưng hậu quả – một sự sụt giảm ấn tượng trong tình hình giao tranh ở nông thôn – gây phấn khởi lạc quan cho binh sĩ. Fred Weyand nói: ‘Chúng ta đạt được nhiều tiến bộ. Dân chúng có thể lái xe ban đêm. Các vụ ám sát hiếm xảy ra.’
Creighton Abrams chế giễu kẻ địch: ‘Hãy nhìn vào Khe Sanh. Lão Giáp tội nghiệp – và tôi thực sự tin vào điều này – lão Giáp tội nghiệp. Tôi thực sự cảm thấy tiếc cho ông ấy. Ông ta cứ giữ lấy vật đó, cứ giữ lấy vật đó, và nhai hết các sư đoàn đó để không còn thứ chó chết nào ở lại. Nhưng, nếu ông ta là một tư lệnh chiến thuật xuất sắc như báo chí Mỹ nói – và nhà chiến lược – nếu ông ta điều một hoặc hai sư đoàn đó xuống bờ biển, tôi không biết làm thế nào để đánh đuổi họ ra khỏi đó đây!’
Robert McNamara, trong những ngày cuối cùng tại Ngũ Giác Đài, cho rằng một bài học thấy rõ là binh sĩ Miền Nam từ bây giờ nên chiến đấu dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoa Kỳ. Westmoreland đủ nhạy cảm để phủ quyết đề xuất này, lưu ý rằng điều đó sẽ là quà tặng cho cộng sản tuyên truyền. Vị tướng bảo với Washington ông giờ nhận ra những cơ hội lớn: ông được chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Earle Wheeler khuyến khích hối thúc tăng thêm quân ào ạt. Vào ngày 10 tháng 3 tờ New York Times phát giác một yêu cầu quân sự tăng thêm 206,000 người, cần đến việc gọi nhập ngũ lực lượng dự trữ. Sự việc này về sau được mô tả như là sự kiện rò rỉ gây thiệt hại nhất trong nhiệm kỳ tổng thống Johnson, mà sự dè bỉu và thậm chí chế nhạo đều đổ xuống đầu Westmoreland. Cùng tháng đó ông được thông báo rằng ông sẽ được thay thế bởi Creighton Abrams, và ba tháng sau được kéo về nước và được thăng chức trở thành tham mưu trưởng quân đội. Tiếng tăm ông lu mờ một phần phản ảnh các thất bại trong tiến hành chiến tranh, nhưng quan trọng hơn là do ông đã đánh mất lòng tin cậy
Tết giáng một sự tàn phá khủng khiếp, tiêu hủy 48 ngàn ngôi nhà và tạo thêm gần nửa triệu dân tị nạn mới. Câu trích dẫn được một nhà báo gám cho một sĩ quan Mỹ không nêu tên trong những ngày đó – ‘Có khi cần phải hủy diệt thị trấn để cứu nó’ – giờ được tin là đã được bịa ra; nhưng cụm từ dường như phản ảnh chính xác sự nghịch lý ghê tởm về cuộc chiến của người Mỹ ‘nhằm gìn giữ tự do cho nhân dân Miền Nam’. Weyand tự hào nói với Abrams về ‘công cuộc phòng thủ thành công’ thủ đô, nhưng khi Abrams bay đi từ bộ chỉ huy của Weyand ông nhìn thấy ‘khói đang cuồn cuộn bốc lên ở Sài Gòn, lửa bắn lên trên không trung. Tôi đã ước tính chúng ta có thể phòng thủ thành công Sài Gòn thêm 7 lần nữa, và rồi chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng khốn khổ là không còn lại thành phố nào hết.’
Trận đánh khiến nhiều người trước đây hậu thuẫn tích cực đâm ra chán ngấy. Tờ Wall Street Journal tuyên bố: ‘Nhân dân Mỹ nên sẵn sàng nhìn nhận, nếu họ vẫn chưa sẵn sàng, triển vọng rằng toàn bộ nỗ lực ở Việt Nam có thể thảm bại.’ Nhà bình luận NBC nói: ‘Chúng ta phải quyết định liệu tàn phá Việt Nam để cứu nó có thể được biện minh hay không.’ Nhiều người Mỹ trên chiến trường cũng khiếp đảm trước cảnh giết chóc như các khán giả truyền hình trong nước.
Jerry Dodson của CORDS viết cho Frank Scotton vào ngày 20 tháng 2: ‘Trận bóng đã kết thúc và chúng ta có thể ném khăn vào. Cách đây một vài ngày tôi đã ở Kontum và Ban Mê Thuộc. Kontum bị tàn phá 20 phần trăm còn BMT 55 phần trăm sau khi không kích và pháo kích được gọi tới để quét bọn VC ra. Sự hủy diệt thật rộng khắp trong Quân đoàn I và vùng đồng bằng Cửu Long. Đối với những người yêu quý Việt Nam, rút quân là giải pháp duy nhất. ‘ Scotton nói: ‘Với cái giá trả lớn lao, Miền Bắc đã chứng minh là mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc.’ Ở Thượng viện uỷ ban Fulbright thiếu điều muốn cho rằng Quốc Hội và nhân dân Mỹ đã bị lừa vào một cuộc chiến dưới các chứng cứ giả đối qua Nghị quyết Vịnh Bắc bộ, mà đúng là thế thật. Gần như động thái đầu tiên của Clark Clifford khi lên thay thế McNamara ở chức vị Bộ trưởng Quốc phòng là ban hành một sắc lệnh cho giới quân sự: sẽ không có dự báo thắng lợi đến gần nào nữa.
Một sự can thiệp tệ hại đến từ Walter Cronkite của CBS, một cựu binh Thế chiến II được dân chúng Mỹ yêu quý. Vào tháng 2 ông đến thăm Huế, rồi bảo với Fred Weyand: ‘Tôi đã trông thấy hàng ngàn thi thể đó. Và tôi đã quyết định rằng … Tôi sẽ làm mọi điều có thể để mang cuộc chiến này sớm đến hồi kết thúc.’ Vị tướng nói: ‘Việc này đặc biệt gây rắc rối … vì sự kính trọng không thể tin được mà dân chúng Mỹ dành cho Walter.’ Weyand bất bình vì Cronkite nói như thể người Mỹ và người Miền Nam chịu trách nhiệm cho các vụ tàn sát Huế: ‘Tôi có hiểu tại sao người ta có thể nói, “Vâng, cuộc chiến này quá khủng khiếp, phải chấm dứt nó thôi.” Nhưng làm sao bạn có thể quay ngược 180 độ và xử sự như là người Miền Bắc nên được phép thắng, như vậy là quá sức chịu đựng của tôi.’
Weyand thắng một điểm, nhưng vào ngày 27 tháng 2 Cronkite bảo với hàng triệu khán giả: ‘Nói chúng ta gần hơn với chiến thắng hôm nay là tin tưởng vào bề mặt của chứng cứ … những kẻ lạc quan vốn đã sai lầm … Nói chúng ta sa lầy bế tắc dường như là một kết luận hiện thực nhưng không thỏa mãn … Đối với người phóng viên này càng ngày càng rõ ràng là lối thoát hợp lý duy nhất là thương thảo – không như một nạn nhân, mà như một dân tộc trọng danh dự đã sống theo lời cam kết thắng lợi và dân chủ và đã làm hết sức có thể.’
Lời lẽ của Cronkite thể hiện sự khôn ngoan, và không thành viên nào trong số khán giả đông đảo của ông bị choáng váng vì những lời lẽ ấy hơn Lyndon Johnson. Không rõ tổng thống có thốt ra những lời sau này được gán cho ông sau khi nghe Cronkite: ‘Nếu tôi mất Walter, tôi đã đánh mất thành phần trung lưu của nước Mỹ,’ nhưng lời này phản ánh chính xác tấm vải liệm u ám đang buông xuống Nhà Trắng.
Ngay sau Tết, người Mỹ tập kết chung quanh quốc kỳ. Một cuộc thăm dò ý kiến của Louis Harris cho thấy số người ủng hộ đánh bom giảm, từ 26 phần trăm trong tháng 10 xuống còn 15 phần trăm trong tháng 2. Khoảng 74 phần trăm người trả lời bày tỏ tiếp tục tin tưởng. Chỉ 3 phần trăm tin rằng Mỹ sẽ thua ở Việt Nam, trong khi 39 phần trăm tin là bế tắc và 43 phần trăm cho rằng nước Mỹ còn có thể thắng. Nhưng bên dưới lớp sơn bóng loáng của sự vững vàng, thậm chí những con người ái quốc cũng mệt mỏi trước cuộc phiêu lưu vô ơn ở nước ngoài. Tại Washington, càng ngày càng có nhiều nhân vật có quyền quyết định chín chắn hơn nhận ra sự khập khiễng ở Đông Dương giữa một bên là phe cộng sản – sẵn sàng đặt cược mọi thứ kể cả con số vô hạn các sinh mạng của nhân dân mình – và bên kia là Hoa Kỳ, mà mối quan tâm quốc gia thực sự dường như héo quắt từng ngày. Vào ngày 1 tháng 3 bộ binh Gary Young nhận được lá thư từ cha mẹ mình phản ảnh tình cảm rộng khắp trong nước: ‘Con trai thân yêu, Không có lý gì bảo ba má đừng lo lắng; con biết đấy ba má chỉ là con người và ba biết những gì đang xảy ra ở đó … Cathy đang vô cùng phấn khích về buổi khiêu vũ Cotton Blossom tại trường trung học vào đêm mai … Dân chúng trong nước chán ngấy tình hình cù cưa chúng ta đang đối mặt tại Việt Nam. Nó dường như là một sự hoang phí vô nghĩa mạng sống. Thôi ba không khơi lại đề tài này nữa kẻo ba sẽ không thể dừng được. Hãy tự chăm sóc mình, nếu điều đó có thể, cả nhà gửi đến con tình thương và hy vọng rằng tất cả chàng trai của chúng ta sẽ sớm trở về nhà, Thương con, Ba Má và các cô gái.’
Vào ngày 5 tháng 3, Myron Harrington và những TQLC 1/5th sống sót đã từng chiến đấu ở Huế được phái vào lực lượng dự phòng, tại một căn cứ có thiết bị vòi hoa sen. Đến lượt đại uý, nó bỗng hư. Thay thế anh khoan khoái ném mình xuống Biển Đông gần đó, trước khi nhận lệnh tiếp tục vào trận. Joe Allen, chàng trung uý trẻ đã gia nhập Đại đội Delta giữa trận đánh Huế, và đã chứng tỏ là một sĩ quan cừ khôi – đang hẹn hò với em vợ của Harrington là Perrin. Sau này Harrington buồn rầu kể: ‘Đáng lẽ tôi nên yêu cầu chú ấy chuyển khỏi đại đội tôi.’ Một đêm tháng 5, anh phái trung đội của Allen ra ngoài phục kích. Một lực lượng cộng sản đụng phải đại đội Mỹ kế bên, lùi lại, và đâm sầm vào vị trí của Allen. Trung đội của Allen bị tràn ngập và chàng trung úy tử trận. Harrington nói, ‘Quan hệ giữa tôi với em vợ không bao giờ như cũ nữa.’ Chính anh cũng suy sụp trong một trạng thái xúc động dữ dội, đầm đìa nước mắt, đến nỗi gần như không thể cầm quyền chỉ huy được. Khi anh rời Việt Nam vài tháng sau đó, ‘Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, trách nhiệm nặng nề thình lình cất khỏi người tôi, nhưng đồng thời cũng thấy mình có tội.’
Rõ là nhân dân Mỹ và Quốc Hội không ai ủng hộ việc gia tăng quân số khổng lồ mà phe quân sự yêu cầu. Người bạn cũ của tổng thống và là người hậu thuẫn chiến tranh trước đây Clark Clifford chỉ ngồi vào chiếc bàn giấy cũ kỹ của McNamara tại Ngũ Giác Đài một ít tuần rồi từ chức để gia nhập hàng ngũ những người hoài nghi. Vào ngày 25 tháng 3 ‘những Lão Già Khôn Ngoan’, trong đó có George Ball, Henry Cabot Lodge, cùng với Generals Ridgway, Taylor và Bradley, tụ họp theo yêu cầu của tổng thống để nghe chỉ thị mới nhất, sau đó cho ý kiến. Dean Acheson dẫn đầu nhóm trong thông báo việc thay đổi lập trường của nhóm: hầu hết không còn tin có thể thắng cuộc chiến. Chỉ có Abe Fortas, Max Taylor và Omar Bradley tán thành tiếp tục chiến đấu.
Vào tối ngày 31 tháng 3 Lyndon Johnson nói chuyện trên đài truyền hình quốc gia, bắt đầu: ‘Chào buổi tối đồng bào Mỹ của tôi. Tối nay tôi muốn nói với các bạn về hòa bình tại Việt Nam … Không có vấn đề nào khác làm bận tâm đến nhân dân ta đến thế.’ Ông thông báo việc ngừng dội bom đơn phương phía trên vĩ tuyến 20, và cam kết mở ra đàm phán. Trước đó khi người soạn diễn văn Harry McPherson nhìn thấy tổng thống sửa lại bản nháp, ông hỏi một đồng nghiệp Nhà Trắng, ‘Bộ ông ta sắp sửa nói sayonara rồi sao?’ Vâng, ông ta làm vậy. Johnson kết thúc bài diễn văn truyền hình: ‘ … Tôi sẽ không dự tính, và sẽ không chấp nhận, việc đề cử tôi cho một nhiệm kỳ khác làm tổng thống của các bạn.’
Nhiều khán giả đâm ra ngờ vực về thủ lĩnh hành pháp của mình. Họ lắng nghe trong câm lặng choáng váng, rồi một số tin rằng đó chỉ là một trò lừa, cú né tránh, hư chiêu, màn trình diễn. Không phải thế. Đêm đó, Johnson nhìn nhận nhiệm kỳ tổng thống của mình đã sụp đổ, một nhiệm kỳ đạt nhiều thành tựu ở trong nước để rồi bị nhấn chìm dưới Đống Bùn Lớn Đông Nam Á. Các địch thủ của ông, giống như Kennedy Arthur Schlesinger thân thiết, dán cho quyết định bỏ cuộc của ông là ‘thái độ hèn nhát chính trị’, bởi vì ông ta đã đâm ra tin – như Harry Truman sau cuộc bầu cử sơ bộ sơ bộ New Hampshire 1952, trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên – rằng mình sẽ bị đánh bại trong ngày bầu cử.
Tổng thống Eisenhower bày tỏ sự khinh thị trong nhật ký của mình: ‘Theo tôi dường như rõ ràng là Tổng thống đang tuyên chiến với chính mình và trong khi năng nổ bảo vệ các hành động và quyết định mình đã làm trong quá khứ, và thúc giục quốc gia theo đuổi những mục đích đó bằng mọi giá, thì ông lại muốn thoái thác gánh nặng của chức vụ.’
Nhiều người móc nối tuyên bố thoái vị của tổng thống với sự bẽ mặt do cuộc công kích Tết gây ra. Thật ra, trong nhiều tháng nay Johnson đã suy ngẫm về việc thoái lui. Dù sao thì không thể tranh cãi là Việt Nam đã bẻ gãy tinh thần ông. Ông đã trở thành một đối tượng của căm thù và chế giễu đối với nhiều người, nhất là giới trẻ Mỹ, vì những trò lừa dối, thất bại, và giết chóc mà hầu hết đổ tội cho ông, thay vì cho kẻ thù của quốc gia. Đây quả là thắng lợi của Hà Nội; đây quả là kết quả giúp Lê Duẩn có thể leo lên một núi xác chết mới do sáng kiến quân sự điên cuồng của mình và chào mừng Tết như là một ‘cú đấm sát thủ’. Dường như không ai lưu ý đến chủ nghĩa anh hùng Mỹ vốn cuối cùng đã khuất phục bọn tấn công, 15 Huy chương Danh Dự ban thưởng cho những binh sĩ đã tiễn kẻ chiếm đóng tiềm năng ra khỏi Sài Gòn, những tên giết người tập thể ở Huế.
Dean Rusk buồn rầu nhìn nhận: ‘Đó là một thắng lợi chính trị của người cộng sản ngay tại Hoa Kỳ. ‘
Trần Bạch Đằng của MTDTGP cho rằng tổng công kích Tết có vai trò quyết định trong việc cưỡng bách người Mỹ phải xuống thang chiến tranh – ‘không thể đánh giá khác được’. Từ đó về sau quyền hành và tiếng tăm lịch sử của Lê Duẩn vững chắc bên trong đất nước của mình.
Vào ngày 5 tháng 4 1968 ngoại trưởng Miền Bắc bảo với phỏng vấn viên đài CBS Charles Collingwood – Walter Cronkite đã từ chối giấy visa do Hà Nội cấp, phán đoán đúng đắn là nhận lời chỉ là tặng một cú tuyên truyền cho phía bên kia – rằng đất nước ông sẵn sàng đối thoại. Tổng thống bổ nhiệm Averell Harriman cầm đầu phái đoàn thương thuyết Mỹ . Mặc dù cuộc chiến còn tiếp tục đến 7 năm – 7 năm nữa – sự thảm bại của Miền Bắc không còn là một kết luận hợp lý nữa.