Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 10

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 10 : ‘CHÚNG TA HOANG MANG KHÔNG BIẾT TIẾN THOÁI THẾ NÀO’

1 Xuống Đường Mòn

Giới lãnh đạo Miền Bắc,  cho rằng thắng lợi đang kề bên, bước vào 1964 trong tâm trạng phấn chấn dữ dội. Lê Duẩn viết cho bí thư Trung ương Cục Miền Nam Nguyễn Chí Thanh: ‘Đây là thời khắc để nắm lấy thời cơ của chúng ta.’ Tổng bí thư Hà Nội giờ hình dung một cuộc tổng nổi dậy tại các thị trấn và thành phố Miền Nam.  Sĩ quan Miền Bắc Đại tá Nguyễn An hồ hởi viết  về một làn sóng vùng dậy đang dâng cao quét qua các vùng đồng bằng nông thôn và miền núi’. An là người đã chỉ huy trung đoàn Việt Minh đánh chiếm đồi Eliane 2 tại Điện Biên Phủ vào năm 1954. Mười năm sau, người cựu quân nhân tóc đã hoa râm này giờ chỉ huy Sư đoàn 325, được dành để trở thành đội hình QĐND đầu tiên vào nam. Ông bị bệnh trĩ hành hạ, và bảo với Sân Rồng, ‘Cho tôi một tuần để tôi chữa lành bệnh.’ Ông được nghỉ phép lâu hơn: việc triển khai được dời lại đến tháng 11 ‘vì yêu cầu của cuộc chiến đấu trên mặt trận ngoại giao ‘.

An được cho biết là gạo nuôi quân đã dự trữ trong các kho bãi dọc Đường Mòn Hồ Chí Minh. Một sĩ quan hậu cần động viên, ‘Gạo đã dự trữ lâu rồi,  đã có mọt, nhưng còn ăn được.’ Vị tướng bỏ ra hai tháng sau đó trong bộ chỉ huy sư đoàn lợp tranh tại Đồng Hới, lao động cực lực dưới cái nóng gay gắt để vét cho đủ số trang thiết bị cho sư đoàn. Mỗi người được cấp phát một ba lô ‘con cóc’, võng, hai bộ quân phục ka ki,  và một ít tiền mặt Sài Gòn.  Tuy nhiên,  không có áo thun,  và đối đầu với cái giá rét của đêm ‘tình trạng thiếu thốn chăn đắp ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tinh thần bộ đội trên bước đường trường chinh’ ra chiến trường.

Vào đầu tháng 11, An dẫn đầu đoàn tiền trạm 100 người xuôi nam. Đầu tiên ông thấy gạo dự trữ tại các kho bãi dọc đường đều mốc và bốc mùi, ‘nhưng mùi vị không quá tệ’. Tuy nhiên, đường hành quân là một thiên hùng ca, và sẽ mãi như thế đối với mọi bộ đội Miền Bắc cho đến cuối cuộc chiến, khi xe tải gánh bớt phần nhọc nhằn.  Một hôm họ lặn lội qua một con sông rộng, rồi theo một con đường dọc bờ sông đi về hướng căn cứ ‘1001 Ngọn Núi ‘, sườn núi cao đầu tiên trên đường từ đông sang tây. Các đội tiên phong đã đẽo các bậc thang và định vị các chỗ bám giữ, nhưng An than vãn là ‘dây thừng và cành cây dùng để nắm giữ đã mòn nhẵn và trơn trượt vì có quá nhiều bàn tay nắm giữ trước đây.  Tôi có thể cảm thấy sức nặng của mỗi con ruồi đậu trên ba lô của mình.’ Có những chỗ đường mòn quá hẹp đến nỗi chỉ chứa đủ người leo đi theo hàng một. Khi Bảo Ninh,  con trai một giảng viên,  sau này trải nghiệm gian khổ trên Đường Mòn, anh cảm thấy ghen tị với sức mạnh dẻo dai của đồng đội nông dân của mình, và biết ơn khi họ thỉnh thoảng cất dùm anh gánh nặng của một phần hành lí.

Khi An và đồng đội tiến lên, khẩu phần cạn dần. Mỗi người khởi đầu nhận hai lon gạo hẫm mỗi ngày, sau rút lại còn một lon, trộn với sắn đã mốc và có mùi, thêm một nhúm muối. Họ bắt đầu thèm thịt, rau dền luộc,  nước mắm,  nước ngọt. Các anh nuôi lắc đầu khi họ vo gạo cũ trong dòng suối và chỉ thấy nó biến thành bột, tan hết chỉ còn lại một đám mọt. Cuối cùng mọi người phải ăn cháo trộn với rau rừng hái được. An cảm thấy chua chát khi Hà Nội đã để tình trạng thiếu thốn này xảy ra cho đội hình của ông trước khi lâm trận: ‘Nhìn những gương mặt xanh xao,  hốc hác của sĩ quan và binh sĩ, tôi bỗng thấy phiền não bèn ngồi xuống viết một bức thư… để bộ chỉ huy tối cao có thể rút kinh nghiệm.’ Cuối cùng họ cũng đến được một trạm ngay sát Cao nguyên Trung phần của Miền Nam,  do một đại tá cùng học một khóa tiếng Nga như ông chỉ huy.  Chủ nhà đãi ông một bữa ăn có canh chua cá, khiến An phấn chấn, ‘Tôi đã dự nhiều tiệc chiêu đãi,  nhưng chưa có tiệc nào ngon như thế!’

Đên tháng 12 họ đến tỉnh Kon Tum. An và bộ tham mưu hành quân đến bộ chỉ huy mặt trận địa phương,  tại đó họ tìm được dồi dào thức ăn,  và có thời giờ nghỉ ngơi trong khi đợi đại quân tới.  Mỗi ngày họ nhận được 3 lon gạo; măng tre và khoai rừng; thỉnh thoảng binh sĩ bắt được cá. Lệnh từ Hà Nội ban xuống: hai trung đoàn của Sư đoàn 325 phải chuyển về phía nam, trong khi An ở lại Cao nguyên  với trung đoàn thứ ba, như chỉ huy phó mặt trận.  Ông chỉ đạo một loạt các trận tấn công địa phương giúp binh sĩ ‘nổi máu anh hùng’ trước trận đánh chủ yếu đầu tiên vào thủ phủ quận. Kế hoạch cũng khai thác các chiến thuật cộng sản quen thuộc: họ bao vây và pháo kích mục tiêu, sau khi đã phục kích sẵn lực lượng tiếp viện QĐVNCH  tiến đến từ Tân Cảnh. Sau cuộc trao đổi hỏa lực dữ dội vào ban đêm kéo dài vài giờ, vẫn không thấy dấu hiệu chuyển quân từ Tân Cảnh, vì thế An buộc lòng phải ra lệnh cho đặc công tiến lên. ‘Chỉ huy của họ cuống quýt trả lời trên máy truyền tin: ‘Đồng chí! Đại đội trưởng Lương,  sĩ quan điều hành Mô và tất cả sĩ quan khác của Đại đội 9 đều đã hy sinh!’ An đáp lại, ‘Câm mồm và tấn công.’ Điều cấp thiết là đặc công  phải tiến lên, để giải toả áp lực cho các bộ phận khác của trung đoàn, đang bị pháo kích nặng nề. Khi bình minh lên binh lính ông chiến thắng,  bộ chỉ huy quân sự quận đầu tiên của Miền Nam đã rơi vào tay cộng quân.

Đường Mòn Hồ Chí Minh

Qua ba ngày đêm tiếp theo,  đói và nóng ruột, họ phục kích đạo quân tiếp viện của QĐVNCH. Cuối cùng quân Miền Nam ép vị đại tá Hà Nội bằng cách liều lĩnh dấn tới dọc theo con đường vào tận vị trí của ông  – và bị nghiền nát. Sau đó,  sư đoàn 325 đánh chiếm một loạt các ấp chiến lược mà không tốn một viên đạn, và nhanh chóng chiếm Dakto. Một buổi khao quân diễn ra mà tâm điểm là một chú cọp vừa bị hai bộ đội hạ gục. ‘Thịt hổ thật là ngon,’ Vị đại tá viết, trong hồi ký đầy ắp những món ăn. Khi Sài Gòn bắt đầu đáp trả sự hiện diện của quân đội Bắc Việt,  họ rút lui vào rừng, đem theo chiến lợi phẩm quý giá nhất là hai khẩu bích kích pháo 105mm được tháo rời. 

Trong những tuần đầu của năm 1965 VC tăng cường mức độ tấn công trên khắp Miền Nam.  Trong một thời gian Lê Duẩn ghim hy vọng vào triển vọng cú đảo chính chính trị do một đặc vụ cộng sản ‘ngủ’,  Đại tá Miền Nam Phạm Ngọc Thảo, lên kế hoạch. Khi một cán bộ cao cấp Miền Bắc đã đi xuống Đường Mòn và đến Trung ương Cục Miền Nam,  các sĩ quan tham mưu hớn hở bảo ông hãy nhanh chân lên, ‘vì nếu chúng ta không đưa người xuống nhanh có thể sẽ hóa ra muộn màng ‘ – chế độ Sài Gòn sẽ đã sụp đổ. Giấy bạc cộng sản mới đã in xong  và chở đến Miền Nam trong những thùng ghi nhãn ‘Hàng hóa 65’.

Mặc dù cú đảo chính của Phạm Ngọc Thảo thất bại,  buộc vị đại tá phải đào tẩu và bị ám sát trong những tình huống bí ẩn, tình trạng khủng bố vẫn tăng cao. Ở Cao nguyên,  chẳng hạn,  hai công nhân chống sốt rét phun thuốc diệt muỗi DDT bị bắt và bị đưa ra xét xử trước ‘tòa án nhân dân’. Bị kết tội ‘làm gián điệp cho Mỹ Ngụy’, họ bị hành quyết bằng mã tấu. Hai y tá lo việc tiêm chủng trong chương trình ngừa dịch tả, một người có bầu, bị bắt và bị kết tội ‘làm việc nhân danh đế quốc Mỹ và là công cụ tuyên truyền’. Cô có bầu được tha, nhưng người đồng nghiệp nam bị chém chết trước mắt cô. Gia đình các binh sĩ và dân quân Miền Nam cũng hứng chịu hậu quả: VC bắt cóc vợ và đứa con một trung sĩ Địa phương quân đặc biệt năng nổ. Khi anh khước từ đề nghị của họ phải quay về theo phe họ, du kích cắt họng đứa con. Trong cuộc chiến không khoan nhượng này, tra tấn và giết người tuỳ tiện là chuyện thường ngày. Một sĩ quan Miền Nam viết: ‘Tình hình quá phức tạp đến người Việt cũng không thể hiểu nỗi.’ Sau khi một cô gái nông thôn tên Phùng thị Lệ Lý bị hãm hiếp,  đánh đập và lạm dụng bởi cả hai bên, trở thành một người bị xóm làng ruồng bỏ với một hài nhi phải dưỡng nuôi,  cô phải kiếm từng đồng bạc bằng cách bán hàng và bán thân mình cho người Mỹ. Rất lâu sau đó cô kể lại nỗi thống khổ của đời mình cho độc giả nước ngoài: ‘Bạn không biết để sống còn là gian khổ đến thế nào.’

Nền nếp gia đình truyền thống căng thẳng đến giới hạn, và đôi khi bị vượt qua. Một thành viên nữ của  MTDTGP là con gái duy nhất của người cha lâm bệnh còn mẹ thì đã qua đời. Bà thấy khó lòng chu toàn đạo hiếu trong khi phải ra sức hoàn thành trách nhiệm một cán bộ cộng sản.’ Bà phải cắn răng rời bỏ cha già mặc cho ông lúc nào cũng than thân trách phận, có con mà cũng như không.

Khi cuộc chiến ngày càng trở nên đẫm máu hơn,  MTDTGP thấy khó lòng giữ được lời hứa tái phân phối ruộng đất như một vũ khí tuyên truyền hấp dẫn: nông dân chỉ còn biết vật lộn với việc mưu sinh mỗi ngày.  Trên khắp hầu hết nông thôn Miền Nam, 95 phần trăm thời gian binh lính chính quyền và du kích quân không ló mặt ra ngoài. Tuy nhiên,  theo lời của David Elliott, ‘chính 5 phần trăm còn lại đó mới là vấn đề.’ Thật khó để cường điệu hóa sự buồn tẻ đến tê liệt, nỗi nhọc nhằn không ngưng nghỉ, của kiếp nông dân, và đó là nguyên nhân chính tại sao một số người trẻ chọn hoặc theo du kích hoặc ra thành phố sinh sống.  Khi một người bạn của Phùng thị Lệ Lý, làm gái bán bar ở Sài Gòn, trở về làng huênh hoang toàn chuyện trang điểm, chuyện làm tóc hình tổ ong và phòng vệ sinh có nước xối, Lệ Lý nói, ‘Sài Gòn  … nghe như chốn thiên đường.’ Một thôn nữ 16 tuổi từ Mỹ Tho lên thăm thủ đô và ở lại với ông anh là một cảnh sát, rất háo hức khi biết rằng mình có thể kiếm được 25,000 đồng một tháng với công việc rửa chén bát. Phấn khởi, cô bé làm việc đến 9 giờ tối mỗi đêm, nhưng  ‘tôi nghĩ thật là vui.’ Mọi người đều mang giày hay dép, thay vì đi chân trần. Một gái điếm trung bình có thể kiếm được hơn 25,000 đồng, nhưng nếu trở về làng thì bị xóm giềng tẩy chay.

Năm 1964 Tập đoàn RAND đã tiến hành một trong các dự án quan trọng nhất của mình,  nghiên cứu về Động lực  và Tinh thần Chiến đấu của Việt Cộng.  Quân đội không mấy quan tâm, và chỉ phái đi một trung uý đại diện, David Morrell, người sau này trở nên năng nổ tham gia.  Sau này anh nói, ‘Hiện tượng nổi bật nhất chúng tôi đang thăm dò là tại sao địch cứ mãi kèn cựa quá sức kiên cường đến khó tin?  .. . Nguyên do này là gì, và tại sao họ né tránh các lời đường mật chúng ta cố dụ dỗ  … mà lại chịu dầm mình và thở dưới đám lau sậy, hoặc sống chui rúc dưới địa đạo Củ Chi?’

Morrell ngạc nhiên sao người Mỹ tiến hành cuộc khảo sát quan trọng này mà không thông báo hoặc tham vấn với tổng tham mưu Miền Nam.  Khi các nhân viên nghiên cứu người Việt của RAND phỏng vấn dân chúng địa phương,  vào tháng 12 1964 đội thực địa trình bày các phát hiện đầu tiên của mình cho Westmoreland, biện bác rằng Việt Cộng phải được xem là một kẻ địch vô cùng tận lực hơn tham mưu của ông tưởng. Vị tướng hỏi, ‘Họ có tin Thượng đế không?’ Người phỏng vấn không chắc về điều đó.  Tuy nhiên,  họ tin chắc là có việc tra tấn tù binh.  Điều này khiến ngài đại sứ Taylor trông không thoải mái cho lắm khi họ nhấn mạnh đến sự kiện này trong một buổi điều trần của họ có ông tham dự. 

Giới quân sự không mấy ấn tượng trước báo cáo của RAND, vốn gợi ý rằng kẻ địch ở trong một tư thế chiến lược tốt hơn nhiều so với giới cai trị Miền Nam; họ vẫn không hiểu tại sao nông dân Miền Nam không muốn gắn kết lợi ích vật chất của mình trong quan hệ đối tác với người Mỹ. Vào tháng giêng 1965 báo cáo về Tinh thần Chiến đấu được trình bày ở Washington. Harry Rowen của RAND bảo với phụ tá bộ trưởng quốc phòng John McNaughton, ‘John, tôi nghĩ rằng chúng ta đã đăng ký sai phe – phe sắp sửa thua cuộc trong trận chiến này.’ Daniel Ellsberg, phụ tá của McNaughton, ấn tượng trước mô tả của RAND về việc kẻ địch giờ đang kiểm soát phân nửa nông thôn Việt Nam  và một phần tư dân số của nó là ‘những chiến sĩ xả thân, gắn kết,  tận tụy xem mình là người yêu nước,  đặc biệt trong khung cảnh của một Miền Nam bại hoại và một quân đội đang tan rã’.

McNaughton đậlap lại mô tả người cộng sản của Rowen bằng cách nói, ‘Họ trông như nhà tu.’ Tuy vậy ông không chuyển tải cuộc trao đổi này với McNamara, ông chủ của mình,  bởi vì ông hiểu rằng cuộc tranh cãi thực sự đã xong và xếp xó. Hành pháp đã cam kết bảo đảm thắng lợi quân sự tại Việt Nam. 

Cán bộ cao cấp của MTDTGP Trương Như Tảng bày tỏ sự bối rối của mình và đồng bọn về thói vô trách nhiệm vô hạn và bất tài của các tướng lĩnh Miền Nam đã đưa đến sự chán ghét và khinh miệt trong dân chúng thuộc mọi tầng lớp.

Miền Nam là một xã hội không người lãnh đạo và không ai lèo lái  – và các nhân tố thiết yếu này người Mỹ không cung cấp được. Họ không thể áp đặt trật tự lên hỗn loạn. Và không có lấy một chính quyền sở hữu được ít nhất một mảnh vụn tính hợp pháp và tính hiệu quả,  làm sao Hoa Kỳ dám giao phó binh sĩ và uy tín to tát của mình cho nó?

2 Tung quân vào trận

Vào tháng giêng 1965 Thiếu tướng William DePuy viết thư về nhà cho con trai từ bộ chỉ huy của Westmoreland: ‘Con hỏi ba ai nắm quyền ở Sài Gòn. Sự thật là, không ai nắm quyền, và điều này giải thích tại sao chúng ta đang gặp nhiều rắc rối.’ Đại sứ Taylor gửi một đánh giá u ám tương tự, nói rằng người Mỹ hoặc phải đánh bom Miền Bắc hoặc phải tung quân Mỹ vào – bản thân ông chủ trương mạnh mẽ giải pháp thứ nhất, còn chống đối giải pháp thứ hai. Vào ngày 21 tại Washington,  Tổng thống mời các thành viên chủ chốt của Quốc hội đến nghe bộ trưởng quốc phòng đưa ra bài tưởng thuật lạc quan quá đáng và gần như hoàn toàn không thực tế về cuộc chiến. 

McNamara nói rằng các hoạt động ngầm chống lại Miền Bắc đang tiến triển khả quan, cũng như việc oanh tạc các con đường xâm nhập của cộng sản trên đất Lào.  Quân đội Miền Nam đang gia tăng hiệu quả hoạt động.  Khi McNamara nói rằng chỉ có 254 người Mỹ đã hy sinh từ trước đến giờ,  ông không đề cập là nửa tổng số đó ngã xuống năm vừa qua.  Johnson không nói gì về quyết tâm của bản thân làm mới lại cuộc oanh tạc, và xác nhận rằng mình không thấy cần phải đem quân. Một lần nữa ông chơi lá bài ái quốc, tranh thủ sự hậu thuẫn của cả hai đảng. ‘Không có phe Cộng Hoà hay phe Dân chủ về vấn đề Việt Nam.’

Không tới một tuần sau, vào ngày 27 tháng giêng, tuy nhiên, tiếp theo một làn sóng biểu tình khác của Phật tử tại Sài Gòn  và vụ cướp phá thư viện Hoa Kỳ ở Huế, Hội đồng Quân lực giải tán chính quyền Hương và cơ cấu lại Khánh. Taylor đánh điện cho biết Khánh có vẻ đứng trong liên minh với viện Hóa Đạo, vốn giữ ‘một vị trí có quyền lực và ảnh hưởng lấn át … Khía cạnh kinh khủng nhất sẽ là  … thắng lợi của Phật tử có thể là một bước tiến quan trọng tới việc thành lập một chính quyền mà cuối cùng đưa đất nước đến sự thỏa hiệp với Hà Nội và MTDTGP.’ Nói cách khác, người Miền Nam có thể sẵn sàng từ bỏ cuộc chiến mà người Mỹ quyết tâm theo đuổi. Ngày hôm đó McGeorge Bundy đệ trình tổng thống một bản ghi nhớ xác nhận rằng người cộng sản ‘nhìn thấy nước Mỹ còn giữ lại sức mạnh khổng lồ của mình và họ ít ý thức được chính sách cứng rắn và chủ động của Mỹ. Họ cảm thấy rằng chúng ta không muốn nghiêm túc đưa ra những quyết định liều lĩnh.’

Robert McNamara chọn giải pháp song hành với bản ghi nhớ của Bundy, báo hiệu sự chuyển mình của ngài bộ trưởng quốc phòng trở thành một nhân tố cụ thể của việc leo thang. 

Hai con người mạnh mẽ này tỏ ra mệt mỏi với việc hoạch định chính sách thận trọng,  nửa vời. Ngài tổng thống cũng vậy.  Ông trả lời: ‘Chúng ta sẽ tiến một cách mạnh mẽ.  Khánh là chàng trai của chúng ta.’ Ông lệnh cho Bundy đến Sài Gòn để trình bày rõ ràng ngay các khuyến nghị.  Biết rằng vị thế của ngài cố vấn an ninh quốc gia là trùm diều hâu, không có gì phải hoài nghi về bản chất của các khuyến nghị đó.

Bundy tìm thấy Sài Gòn chìm ngâp trong cơn sốt biểu tình đường phố và các tin đồn, phần đông tin đồn liên quan đến một vụ đảo chính đang lù lù đến do các người quốc gia muốn đuổi cổ người Mỹ chủ mưu.

Lúc đầu tướng Khánh từ chối gặp đặc sứ của tổng thống, hiển nhiên ông ta sợ làm phe Phật tử tức giận. Tin tức Khánh ‘hắt hủi’ cuộc gặp mặt làm dấy lên cơn phẫn nộ  của Johnson đối với nhà lãnh đạo Việt người mà ông hết lòng chống lưng chỉ vài ngày nay. Người Mỹ bắt đầu tìm kiếm một cách điên cuồng, rối rít, một con cờ thay thế để cơ cấu vào một cú đảo chính mới. Tình trạng báo động không giảm bớt với sự hiện diện tại Hà Nội của thủ tướng Xô viết Alexei Kosygin. Washington không biết bản thân vị khách đặc biệt này đến đây là để thúc giục Lê Duẩn ngừng leo thang.  Moscow cảm thấy bắt buộc phải cung cấp cho ông ta các hệ thống phòng không, cả pháo và tên lửa, như một cái giá để bảo toàn vị thế của Liên bang Xô viết là người lãnh đạo được nhìn nhận của phe xã hội chủ nghĩa thế giới. 

Cũng giống như Trung Quốc không có ý định mang bộ binh vào tham chiến ở Miền Nam, người Nga cũng vậy, cố tránh hết sức dính líu sâu hơn.  Nhà Trắng,  Bộ Ngoại giao  và CIA không hiểu được rằng, dù những phát ngôn giải phóng oang oang từ hai phía Moscow và Bắc Kinh, Miền Bắc không phải là một tên lửa dẫn đường trong tay của bên nào hết.

Trong khi đó chuyến viếng thăm của Bundy bùng nổ thành một màn pháo hoa chết người, gần như chắc chắn không được Hà Nội ra lệnh hoặc cổ vũ. Vào đêm 7 tháng 2 VC tiến hành một cuộc tấn công trình diễn vào Trại Phi hành Holloway của Quân đội Hoa Kỳ tại Pleiku thuộc Cao nguyên Trung phần.  Tám người Mỹ bị giết và 108 bị thương, 5 trực thăng bị phá hủy và hơn một chục bị hư hỏng.  Kỳ công này, chỉ do một đại đội đặc công tiến đánh,  lại được tiếp theo bằng một cuộc tấn công phá hoại khác chỉ ba ngày sau đó.  Bundy, ở Sài Gòn, chứng kiến vụ đột kích Pleiku như bản thân mình bị lăng mạ. Ông điện cho Nhà Trắng cần  phải đáp trả dữ dội ngay: ‘Phương thức có sẵn tốt nhất để tăng cường cơ may thắng lợi là triển khai và thực hiện một chính sách duy trì sự giáng trả chống lại Miền Bắc.’ Tại Washington Hội đồng An ninh Quốc gia tán thành dội bom trở lại, lạ thay cũng được George Ball ủng hộ; tiếng nói bất đồng duy nhất là của Thượng nghị sĩ Mike Mansfield. Một ít giờ sau 132 phi cơ Mỹ và 22 phi cơ Miền Nam tấn công Miền Bắc.

Tại Ngũ Giác Đài McNamara yêu cầu nghiên cứu các tình huống bất ngờ có thể xảy ra  – kể cả cần thiết phải đánh bom các hệ thống mục tiêu bên trong Trung Quốc.  ‘Điều đối mặt với chúng ta là chúng ta sẽ đáp trả thế nào đối với bộ binh ồ ạt của Trung Quốc và Miền Bắc.’ Ông đề nghị sử dụng bom napan để tiêu diệt dàn phòng không, một quan niệm bị Dean Rusk dập tắt vì cơ sở chính trị. Chính quyền Miền Nam không được mời tham vấn.  Hà Nội chịu đựng một cơn địa chấn chưa từng biết của nỗi kinh hoàng, rằng Hoa Kỳ có thể xâm lược Miền Bắc. 

Nhà viết chuyên mục Arthur Krock và James Reston đều hoài nghi về tuyên bố của hành pháp cho rằng các vụ không kích mới biểu thị sự đáp trả tức thời cho vụ tấn công Pleiku: họ lưu ý rằng ba tàu sân bay thay vì một như thường lệ đã có mặt trước tại Vịnh Bắc Bộ,  rõ ràng triển khai để sẵn sàng đáp trả ngay khi có cái cớ hợp lý xuất hiện. Reston viết trong tờ New York Times: ‘Thời điểm đã đến để phải nói toạc ra mà không cần úp mở. Đất nước này đang trong tình trạng chiến tranh không tuyên chiến,  không giải thích … Các ông thầy của chúng ta đặt nhiều tên dài dòng và nghe rất kêu cho nó,  nào là leo thang và giáng trả, nhưng nói cho cùng nó là chiến tranh thôi.’

Bundy ở Sài Gòn chứng kiến một chính quyền bản địa yếu kém ra sức đánh dẹp một làn sóng chống Mỹ. Ông bảo với Nhà Trắng: ‘Tình thế ở Việt Nam đang hỏng bét, và nếu không có hành động mới thảm bại sẽ không tránh khỏi  … Năng lượng và sự kiên cường của Việt Cộng thật đáng kinh ngạc … Vẫn còn thời gian để xoay chuyển cục diện,  nhưng không nhiều. Tiền đặt cược  .. . sẽ vô cùng cao … Bất kỳ thỏa thuận rút lui nào giờ đây sẽ có nghĩa là đầu hàng theo hợp đồng trả góp.’ Trong sáu tháng đầu của năm 1965 QĐVNCH mất vì chết, bị thương và đào ngũ một số lượng tương đương với 15 tiểu đoàn. 

McNamara đang không ngừng gia tăng sức ép lên tổng thống, nói rõ ước muốn của mình là gửi bộ binh với số lượng lớn: con số 175,000 quân được đề cập.  Nhà viết tiểu sử ông đã nói đến ‘bản năng sâu xa về chủ nghĩa tích cực của ông’. Một ít tháng sau ông thú nhận với ngoại trưởng Anh Patrick Gordon Walker rằng mình không thấy có giải pháp nào khác hơn là leo thang chiến tranh, bởi vì không thể nhìn nhận với nhân dân Mỹ là cuộc chiến không thể nào thắng được. Tuy vậy những cân nhắc trong nước buộc phải thận trọng chỉ gửi quân từng số lượng nhỏ để cử tri có thể nuốt được mà không hoảng sợ. George Bundy xứng đáng một lời khen ít nhất vì đã thúc giục tổng thống nên báo cho nhân dân Mỹ cuộc chiến có thể kéo dài.  Tuy nhiên, Johnson không đồng ý,  và nhờ Dean Rusk thuyết phục William Fulbright ngăn cản một cuộc tranh luận ở Thượng viện. Johnson và McNamara thành công trong việc tạo ra ảo tưởng là các quyết định tấn công Miền Bắc chỉ là phương thức thay thế chiến tranh chứ không phải là chính chiến tranh.’ Thật là mỉa mai, cũng như đáng trách về phương diện đạo đức và chính trị, là hành pháp có thể leo thang một cách lén lút, trong khi cơ hội tốt nhất của tổng thống để thoát khỏi bãi lầy ông đang hướng tới là cúi đầu trước tiếng nói đầy quyền lực của Đồi Capitol (tức Quốc hội). Nếu các phương thức chọn lựa được bày ra trung thực trước mặt họ, cơ quan này ắt sẽ rất sung sướng báo cho nhân dân Mỹ biết rằng Việt Nam không xứng đáng là một cuộc chiến lớn.

William Bundy cho rằng Johnson phạm một sai lầm cơ bản khi không trình bày trung thực trước Quốc hội về cuộc chiến, viết: ‘Tất nhiên  cuộc tranh luận sẽ gây chia rẽ,  nhưng nếu phe bồ câu thắng thế,  cánh cửa đi đến giải pháp chính trị ắt sẽ được mở ra sớm hơn.’ Bundy nhận xét rằng những hành động của Johnson trong 1964-65 không gian dối hơn những hành động của Franklin Roosevelt trong năm 1941, khi Mỹ chần chừ bước vào Thế Chiến II  – điều này đúng. Tuy nhiên, Bundy nói thêm, ‘Rắc rối là việc này hóa ra tồi tệ, và do đó trông có vẻ tệ hại hơn trong lịch sử.’

Vào ngày 11 tháng 2 1965, thủ tướng Anh Harold Wilson điện thoại cho tổng thống phản đối việc leo thang, và muốn được mời đến Washington để thảo luận chuyện đó. Johnson cự tuyệt ông, nói,  ‘Tôi không bảo ngài cách thức xử lý việc Mã Lai,  thế thì ngài đừng bảo chúng tôi cách thức xử lý vụ Việt Nam.’ Wilson giải thích là mình chịu một sức ép khủng khiếp trong xứ buộc nước Anh phải ‘nghỉ chơi’ với hành động của Mỹ. Johnson vẫn không lay chuyển mà còn nặng nhẹ với người đối thoại: ông cảm thấy bất mãn trước thái độ tiêu cực của cả Anh lẫn Pháp đối với cuộc chiến của mình. Quyết tâm của bản thân ông giờ đã mạnh hơn sau cuộc gặp gỡ với nguyên tổng thống Eisenhower, người đã thúc giục ông sử dụng mọi biện pháp quân sự nào xét thấy cần thiết để tránh bị thua trận. 

Nhưng ở Washington vẫn còn nhiều người bi quan dè dặt.  Một thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia James Thomson, viết: ‘Chúng ta đã trượt vào sự cam kết quá đáng thô thiển về uy tín quốc gia và tài nguyên trên địa hình chính trị,  quân sự và địa lý mà lẽ ra từ lâu đã thuyết phục ta phải tránh cam kết như thế.’ Các đánh giá gần như bi quan không sai chạy của CIA,  cả về Miền Nam và tính không khả thi của một chiến dịch trên không thành công, khiến tổng thống nổi dóa, nên vào tháng 1965 ông buộc John McCone từ chức giám đốc. Các báo cáo phân tích của Cục còn lâu mới hoàn hảo,  nhưng cho thấy lúc nào cũng tốt hơn các phân tích của phần đông bộ phận khác, và nhất là của MACV.  Vào ngày 17 tháng 2 Phó tổng thống Hubert Humphrey gửi cho Johnson một bản ghi nhớ xuất sắc kêu gọi chống leo thang mà phần đông người Mỹ sẽ không hiểu. Ông lập luận rằng, sau thắng lợi bầu cử, lẽ ra năm 1965 phải là năm lý tưởng cho hành pháp khai thác thế đứng cao tột để giảm thiểu tổn thất của nước Mỹ ở Đông Nam Á. Đáp ứng của Johnson là loại Humphrey ra khỏi vòng lặp Việt Nam. 

Vào ngày 18 tháng 2 ở Sài Gòn lại xảy ra một cú đảo chính mới, kết quả là Tướng Nguyễn Khánh bị hạ bệ phải sống lưu vong ở nước ngoài. Bác sĩ Phan Huy Quát trở thành nhà lãnh đạo trên danh nghĩa, nhưng quyền hành thực sự nằm trong tay phe quân sự, trong đó Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu giờ trỗi dậy lên hàng đầu – vào tháng 6 sự thống trị của họ mới rõ ràng. Bốn ngày sau Westmoreland gửi yêu cầu Thủy quân Lục chiến đến bảo vệ căn cứ Hoa Kỳ đang ngày càng mở rộng tại Đà Nẵng.  Lời kêu gọi của ông không làm Washington ngạc nhiên,  và hành pháp  xắn tay đáp ứng. Sau này Max Taylor viết: ‘Thật kì lạ khi khó làm sao để xin phép mở đầu chiến dịch đánh bom Miền Bắc và thật dễ dàng làm sao để xin được Thủy quân Lục chiến lên bờ.’

Một lữ đoàn 1200 người được chọn cho sứ mạng Đà Nẵng, mặc dù tổng thống chần chừ muốn gửi thay Lữ đoàn Dù 173, vì ông viện một lý do kỳ cục là nhân dân Mỹ xem việc tung quân dù ít trầm trọng hơn cho xuồng lội nước chở quân đổ bộ. Trong tháng 2 đã có triển vọng tiến xa hơn – gửi nhiều quân số hơn để che chắn mọi căn cứ Mỹ: ước tính cần đến 44 tiểu đoàn hoặc 100,000 quân tiếp bước. Tướng Wallace Greene cho rằng lực lượng quy mô đó sẽ cần thiết để ‘bảo đảm bảo vệ được 100 phần trăm.’

Trong suốt tháng 2 1965 lực lượng tham chiến được chỉ định cho Đà Nẵng lên tàu đi một hành trình vòng cung trên Biển Đông, trong khi ở Washington tổng thống suy nghĩ cân nhắc. Thiếu úy Jim Koltes, trên tàu USS Henrico cùng với Thủy quân Lục chiến 3/9th, rất ấn tượng với chất lượng của họ, những chiến binh tinh nhuệ nhất mà Hoa Kỳ sở hữu: ‘Họ không phải là lính nghĩa vụ hoặc những kẻ đăng lính vì không tìm được việc làm. Kỷ luật của họ rất sắt thép,  và tính đồng đội thì tuyệt vời.  Mọi người đều tin tưởng vào chính nghĩa.’ Việc chờ đợi dưới lệnh cảnh giới kéo dài suốt 32 ngày đêm dường như vô tận. Trong bóng tối từ rào chắn trên tàu họ nhìn chằm chằm vào các pháo sáng và lóe sáng hỏa lực thấy được rõ ràng trên các ngọn đồi bên trên Đà Nẵng. ‘Không ai biết sẽ gặp được điều gì khi đặt chân bước lên bãi biển, bởi vì gần như không ai trong số họ đã từng làm như thế này trước đây.  Chúng tôi tự hỏi:  có giống ngày-D ở Normandy không? Tất nhiên là không. Vào ngày 8 tháng 3 1965, khi Thiếu úy Koltes dẫn đầu một đội tàu đổ bộ băng qua một vài dặm biển để đến bãi biển,  không có lấy một tiếng súng bắn ra.

Đại đội trưởng TQLC Phil Caputo ra lệnh cho binh sĩ trước khi đơn vị rời tàu xuống xuồng lội nước: ‘Nghe này. Khi các anh trao đổi với đồng bào mình, hãy nói rõ nhiệm vụ của chúng ta chỉ là phòng thủ. Tôi không muốn thấy bất cứ ai đi vào trong đó mà nghĩ là mình đóng vai người hùng John Wayne (một minh tinh màn bạc nổi tiếng trong vai cao bồi chuyên cứu khổn phò nguy trong các phim Viễn Tây:ND) Chúng ta chỉ đem lại an ninh và chỉ có thế. Chúng ta không đến để đánh nhau,  nhưng để giải phóng cho QĐVNCH rảnh tay chiến đấu.  Đây là cuộc chiến của họ.’ Trung uý Caputo, như Tướng  Westmoreland, thấy mình đang hoàn thành tầm nhìn của JFK: ‘Nếu ông ấy là Vua triều đình Camelot, thế thì chúng tôi là các hiệp sĩ của ông còn Việt Nam là cuộc thập tự chinh của chúng tôi. Không có gì chúng tôi không làm được vì chúng tôi là người Mỹ, và với cùng lý do, bất cứ điều gì chúng tôi làm đều đúng. Kẻ thù cộng sản của họ là ‘bọn man rợ mới đang đe dọa lợi ích xa xôi  của tân La Mã.’

Một khía cạnh có ý nghĩa trong việc đổ bộ của TQLC, trước một đám đông các phóng viên ảnh, các trẻ em phấn khích và các thiếu nữ xinh xắn phân phát vòng hoa cho các binh sĩ,  là không ai ở Washington,  sứ quán Mỹ hoặc MACV thấy thích hợp phải báo tin đến chính quyền Miền Nam rằng mình đang đến. Hơn nữa, theo cụm từ của Max Taylor, một khi mõm lạc đà đã ở trong lều – binh lính đầu tiên đã lên bờ – sẽ không có chuyện rút ra lại, cho dù tổng thống vẫn chưa nói rõ một kế hoạch trò chơi đáng tin cậy. Walter Lippmann viết: ‘Trước đây là cuộc chiến của người Miền Nam được người Mỹ hỗ trợ.  Giờ đang trở thành cuộc chiến của người Mỹ được sự hỗ trợ không hiệu quả của người Miền Nam.

Đại tá Sid Berry viết về một cuộc hành quân của QĐVNCH mà ông chứng kiến trong vùng châu thổ: ‘Không kích tốt, yểm trợ pháo binh tốt. Trực thăng vận tốt và hoạt động chở quân bằng thiết giáp tốt. Di chuyển của bộ binh tốt.’ Vậy mà đoạn cuối của câu chuyện lại quen thuộc một cách chán chường: ‘Chúng tôi không chạm trán với các đơn vị Việt cộng hùng hậu nào cả. Giết 6 người,  bắt 4 người,  và thu giữ một số tài liệu.  Nhưng số lượng lớn VC mà chúng tôi hy vọng lại không có ở đó. Có lẽ lần sau.’ Một cố vấn khác nhanh chóng nhận ra rằng đi hành quân với binh lính VNCH, ‘chúng tôi không đụng đầu với ai cả … Hình như theo ý nhiều người nếu họ để yên cho VC, VC cũng sẽ để yên cho họ.’

Paul Warnke, người sau này trở thành phụ tá bộ trưởng quốc phòng,  cho rằng toàn bộ câu chuyện có thể sẽ hoá ra tốt đẹp hơn nếu Washington đã áp đặt một chế độ chiếm đóng có trời chứng giám, hơn là chỉ nhằm dắt tay chỉ việc cho một chính quyền bản xứ bất lực: ‘Điều mà chúng ta đang ra sức làm là áp đặt một hình thức cai trị đặc biệt trên một đất nước kháng cự. Và điều đó đòi hỏi sự chiếm đóng,  giống như chúng ta chiếm đóng Nhật năm 1945.’ Warnke bỏ sót một điều hiển nhiên,  là một chính sách như thế sẽ bắt buộc xử sự với người Miền Nam như một dân tộc bị cai trị, chứ không phải là công dân của một nhà nước được coi là có chủ quyền. Nhưng ông đã nêu rõ một vấn nạn sẽ lặp lại trong thế kỷ 21 tại Iraq và Afghanistan.

Nhiều gia đình trung lưu ở Sài Gòn, như gia đình Dương Vân Mai,  đã trở nên tuyệt vọng về tình thế khó khăn của xã hội mình mà không gì ngăn cản họ ra sống ở nước ngoài nếu có điều kiện. Một số người như thế lúc đầu vui sướng khi việc Mỹ đem quân được loan báo.  Cha của Mai,  cựu thị trưởng Hải Phòng, nói, ‘Chúng tôi may mắn không thể tin được. Chúng tôi chỉ là một nước nhược tiểu,  vậy mà người Mỹ đã quyết định cứu giúp chúng tôi bằng tiền bạc và sinh mạng mình.’ Cho dù quan điểm như thế chỉ giới hạn trong số những người tương đối có đặc quyền, nó cũng đáng ghi nhận, ít ra trong một thời gian, một số người cảm thấy tràn ngập hy vọng.

Tiến trình khởi đầu từ ngày 8 tháng 3 1965 dù sao cũng cho thấy không hẳn là điều cam kết cho bằng việc đem chôn xuống đất (tác giả chơi chữ giữa commitment committal) – chiến lược của Mỹ, hàng trăm ngàn xác chết,  và cuối cùng chức tổng thống của Johnson. Gần như mọi nhà lãnh đạo Anh đặt lộ trình hướng về một thảm họa của chính sách đối ngoại hoặc sánh mình với Winston Churchill, hoặc so sánh địch thủ chọn lựa của mình với Adolf Hitler. Vào ngày 13 tháng 4 Lyndon Johnson bảo với các chính khách đến thăm rằng Việt Nam đặt ra một thách thức có thể sánh với thử thách mà Churchill đối mặt vào năm 1940. Ông bị Tổng thống de Gaulle phản bác một cách khinh thị, tiên đoán rằng cuộc chiến sẽ kéo dài 10 năm và ‘hoàn toàn làm mất thể diện’ Hoa Kỳ. Những người ở Washington rất đúng khi kết án nhà lãnh đạo Pháp  coi thường văn hoá Mỹ và bất mãn quyền lực Mỹ – nhưng điều đó không phủ định giá trị lời cảnh báo của ông. Frank Scotton viết rằng Hoa Kỳ bắt đầu tìm cách điều hành song đôi nhưng riêng biệt các chiến dịch của Miền Nam và Hoa Kỳ. ‘Tay chơi duy nhất dường như biết được khái niệm một-cuộc-chiến, với mọi thứ đều có tác động qua lại và liên kết với mục đích chính trị, là Đảng Cộng Sản Việt Nam.’

Từ tháng 3 1965 trở đi,  tiến trình theo đó binh sĩ Mỹ thế chỗ QĐVNCH tại tuyến đầu cuộc đấu tranh tiến hóa nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc.  Những vụ đảo chính đã rút kiệt trái tim của binh sĩ Miền Nam thậm chí nhiều hơn trái tim của sứ quán Mỹ. Nạn đào ngũ tăng vọt, đến mức 11,000 người chỉ trong tháng 4; các đơn vị ngày càng trở nên miễn cưỡng chiến đấu.  Một sĩ quan cấp thấp nói: ‘Khi đầu tiên tôi tham gia quân ngũ vào năm 1962, tôi nghe theo tình yêu đất nước. Tôi yêu đất nước non trẻ của mình và căm thù cộng sản. Theo thời gian,  tuy nhiên … có quá nhiều thay đổi ở lãnh đạo và tính lệ thuộc vào người Mỹ khiến tôi khó mà nói đến danh từ “quốc gia”.’

Max Taylor đã từng tin rằng sẽ là thảm họa nếu người Mỹ nhận lãnh gánh nặng chiến đấu,  nhưng bây giờ ông ta cúi đầu trước quyết định của hành pháp và rút lại phản đối của mình – tuy chỉ trong một thời gian. Để đánh giá yêu cầu binh sĩ Mỹ trong tương lai,  tổng thống phái đến Sài Gòn người đứng đầu quân đội, Harold Johnson, một người sống sót trong hành trình tử thần Bataan 1942 (chuyến đi bộ đến trại tù binh Nhật khi Nhật xâm lược và chiếm đóng Philippin, một thuộc địa cũ của Mỹ: ND). Vị tướng ắt hẳn phải thường nhăn nhó khi có mặt Lyndon Johnson, bởi lẽ ông thường thốt lời phạm thượng và có lần quở trách nghiêm khắc một phụ tá: ‘Tôi sẽ rất trân trọng nếu anh đừng bao giờ nhắc đến tên Chúa tể đó trước mặt tôi.’ Giờ thì vị tổng tư lệnh ra lệnh tiến bước cho vị chỉ huy quân đội.  Khi họ cùng nhau đi xuống thang máy  ở Nhà Trắng, ông chọc ngón  trỏ vào ngực vị khách rồi nói, ‘Hãy khuấy mọi thứ cho sôi động lên, tướng quân!’ Bên trong Ngũ Giác Đài,  đã có tài liệu ghi lại ý kiến của Harold Johnson cho rằng phải cần 5 năm và nửa triệu quân để đạt được kết quả. Ông trở lại từ Sài Gòn với một đề nghị phái một sư đoàn, và các tham mưu trưởng nâng con số này lên 3 sư đoàn.  Tại một buổi họp ngày 10 tháng 3 tại Trại David, tổng thống nói, ‘Dù xuống địa ngục hay ra biển,  chúng ta cũng sẽ trụ lại đó. ‘ Trên sổ tay của ông có ghi: ‘Nhượng bộ = một Munich khác.’ (Hiệp ước Munich 1938 trong đó các đồng minh nhượng bộ Hitler khiến Hitler xem thường và xâm chiếm châu Âu, đưa tới thế chiến thứ hai; ND).

Ông tạm thời hoãn lại việc đáp ứng cho đề xuất thêm binh của Ngũ Giác Đài,  nhưng vào ngày 1 tháng 4 tán thành gửi đi thêm hai tiểu đoàn TQLC và 20,000 nhân viên yểm trợ.  Ba tuần sau ông ra lệnh triển khai để vào tháng 6 sẽ bố trí 40,000 quân vào vũ đài. Taylor đề xuất những binh sĩ này nên được hạn chế đóng tại những vùng duyên hải. Tuy nhiên, Westmoreland phản đối, cho như thế là sỉ nhục không thể tha thứ,  và tổng thống cũng nhất trí.

Một khi binh sĩ bắt đầu chuyển đi từ bờ biển miền tây nước Mỹ đến châu Á, Nhà Trắng lập tức đối đầu với hàng rào chắn các đề xuất leo thang. Westmoreland muốn nhiều lính hơn nữa, và hơn nữa.  Đô đốc Sharp, với tư cách Chỉ huy Trưởng Hạm đội Thái Bình Dương, đề xuất mạnh mẽ lực lượng TQLC đặc biệt thích hợp với công cuộc chống nổi dậy. Vào ngày 6 tháng 4 tổng thống tán thành Sấm Rền II, một chương trình của Không Lực duy trì đánh bom giới hạn mục tiêu vào Miền Bắc.  Trong những ngày tiếp theo đó, những người biểu tình chống phản chiến bắt đầu xuất hiện bên ngoài Nhà Trắng. 

Tình hình quân sự vẫn tiếp tục tồi tệ.  Vào ngày 9 tháng 5 Doug Ramsey viết trong nhật ký của mình từ tỉnh Hậu Nghĩa: ‘Báo cáo ít nhất một trung đội của Tiểu đoàn Biệt động 33 gần như bị quét sạch tại các vị trí đóng quân vào khoảng 02:45. VC cũng phá sập cầu  … Tổng số chết là 41, với 36 bị thương  và 50 mất tích. Cuộc tấn công của VC được báo cáo là có dân chúng đi theo, người cầm dao và lao, người cầm đuốc. Số dân chúng và du kích VC ai cũng cho là gần 500 người.

Theo tỉnh trưởng,  binh lính trung đội 33 một lần nữa bị tấn công khi đang ngủ.’ Trước mắt người Mỹ Quân đội Sài Gòn đang rệu rã. Vào ngày 18 tháng 5 Ramsey mô tả bằng cách nào lực lượng Địa phương quân và Biệt động quân gà nhà đánh nhau nửa giờ, hiển nhiên là do bị khiêu khích sau một vụ cãi cọ trong sòng bài, trong đó một Biệt động bị giết chết bởi một súng tiểu liên.  Ramsey viết cho cha mẹ mình: ‘Kỷ luật quân đội, chưa hề thật tốt, đã trở nên gớm ghiếc trong hai tháng vừa qua.  Cứ một vài ngày là có người nổ súng gây náo loạn trong thị trấn và không ai làm gì cả. QĐVNCH gần như ai cũng chán ghét vì ngang ngược và hung hăng đối với dân chúng không vũ trang  … Nỗ lực bình định hóa biến thành vô nghĩa  bởi lực lượng Sài Gòn thiếu khả năng giữ gìn an ninh … Hơn nữa,  chính quyền Mỹ cũng tệ không kém chính quyền Miền Nam trong việc che đậy,  hoặc nói dối trắng trợn về,  tình hình.’ Hà Nội tất nhiên cũng lừa mị nhân dân mình,  nhưng làm chuyện đó thành công hơn, bởi vì họ áp đặt quyền kiểm soát sắt thép đối với nguồn thông tin của xã hội.  Người cộng sản hiếm khi thấy cần phải sử dụng do thám vì báo chí loan tin về các cuộc hành quân một cách vô tội vạ. Vào ngày 9 tháng 6, khi lính Dù ngồi quân xa tiến ra phi trường, họ đọc trên trang nhất báo buổi sáng loan tin đơn vị họ chuẩn bị được trực thăng vận đến tấn công một mục tiêu đã được nhận diện.  Một sĩ quan viết: ‘Chúng tôi chửi thề với nhau,  nói, “Đ.M. chúng nó! Tụi mình chưa nhận lệnh hoặc bản đồ tác chiến, thì báo chí đã in các sơ đồ của  Vùng Đổ bộ!” Chắc như đinh đóng cột là có một sĩ quan cao cấp nào đó muốn lấy le với bọn nhà báo nào đó.’

Trung uý Đoàn Phương Hải dẫn đầu một trung đội đến chiến trường,  cách Sài Gòn khoảng 40 dặm. Họ đáp xuống giữa khung cảnh quen thuộc gồm những xác chết và tòa nhà bị hư hại; một con bò chết khi đang kéo chiếc xe chất đầy thi thể VC; những con chó hoang vô chủ sủa vang; những chiếc xe đạp bị bỏ lại, một xe tải nằm chơ vơ. U ám hơn, họ đi qua một nhóm trực thăng bị phá hủy, bị bắn rơi mấy ngày trước khi đáp xuống ngay giữa đội hình địch.  Nhiệm vụ đầu tiên của lính Dù là thu dọn thi thể của bạn lẫn thù, đã phân huỷ và bốc mùi.  Trung uý Hải hít liên tục dầu Nhị Thiên Đường có mùi cay nồng, nhưng vẫn không đủ sức xoa dịu nỗi ghê sợ khi anh trông thấy đàn kiến nườm nượp bò vô chạy ra lỗ tai, lỗ mũi,  và mắt người xấu số. Đến chiều, khi anh mở khẩu phần ăn đựng trong hộp nhôm ‘miếng thịt heo phủ một lớp mở giống hệt thịt đang thối rữa của thi thể tôi đã nhìn trưa đó khiến tôi phải nôn ra’.

Chiều hôm sau,  12 tháng 6, khi trung đội anh đang tiến về hướng một đồn điền cao su một cuộc chạm trán dữ dội xảy ra. Bên dưới cơn bão lửa của pháo cối bay đến,  Hải điện yêu cầu yểm trợ không và pháo kích, nhưng bị từ chối.  Anh được cho biết phức hợp đồn điền đông đúc dân thường. ‘Tôi quát lên trong máy truyền tin, “Đ. M. dân thường nào?! Tụi nó là VC!” Tôi thấy toàn là những tên mặc đồng phục kaki xanh vàng và đội nón cối chạy khắp hãng chế tạo cao su và khu nhà ở.’ Trung đội anh được lệnh tấn công trực diện băng qua một dải đất bằng phẳng của một đường băng xen vào giữa. Trước sự kinh ngạc của anh, hầu hết binh sĩ đều còn sống đến được cụm nhà. Nhưng rồi mưa đổ xuống như thác,  và anh đợi một cuộc phản công không sao tránh được. 

Quân địch tràn tới. Một lần nữa lính Dù gọi xin yểm trợ không và pháo kích, và một lần nữa bị từ chối.  Rất lâu sau đó, khi hỏa lực bớt dần, Hải được tin đại đội trưởng của anh đã hy sinh, cùng với một thiếu úy lớn tuổi đã sống qua 20 năm chiến tranh cho đến khi số may mắn của ông đã cạn kiệt trong ngày hôm đó: ‘Tôi cầu nguyện kiếp sau  anh sẽ đỡ khổ hơn.’ Một trong những thương vong trong ngày hóa ra là một đại uý quân đội Pháp từng chống giữ đồi Béatrice tại Điện Biên Phủ. Làm sao ai có thể hy vọng được sống lâu khi phải chiến đấu trong một đất nước có chiến tranh liên miên.

Hải viết trong nỗi đau đớn: ‘Tiểu đoàn chúng tôi gần như tan rã. Tất cả 4 đại đội trưởng đều đã hy sinh.  Thình lình tôi thấy các ánh sao sáng lóa trước mắt tôi. Cánh tay tôi vung lên và khẩu AR-15 của tôi rơi khỏi tay tôi.  Tôi ngã xuống nằm bên cạnh một khẩu súng máy, vẫn còn nhả đạn về phía kẻ địch.’ Khi anh hồi tỉnh lại , bóng đêm đang buông xuống, từ vòm cây cao su giọt mưa rỉ rả rơi  xuống, và xác một binh sĩ địch nằm vắt qua bụng anh. Mặt và cánh tay trái của anh đau nhói. Một viên đạn AK-47 đã cắt qua má và mũi anh, trong khi hai viên khác xuyên qua cánh tay phải. Mình anh ướt đẫm máu của xác chết tên VC, và anh ráng hết sức đẩy y qua một bên. Anh bò đến một gốc cây cao su,  và nằm đó lắng nghe binh sĩ địch đang đang lục lọi trên trận địa,  luôn miệng chửi thề về các tổn thất của mình. Một tên địch đá vào người Hải, rồi lột chiếc đồng hồ của anh, dây da và chiếc đài. Vũng máu trên ngực anh khiến tên lục lọi nghĩ rằng anh đã chết, nên bỏ đi. Khi im lặng buông xuống, Hải cố bò đến thi thể của anh lính truyền tin, hạ sĩ Tám, anh mượn tấm poncho mà Tám không còn dùng nữa.  ‘Hai bọn tôi nằm đó, một người đã chết,  một người còn sống, hai thân thể chúng tôi co quắp bên nhau.  Tôi buồn bã nhìn Tám, nhớ về thời gian  chúng tôi vui buồn bên nhau. Tôi nghĩ về ba má mình, giờ này chắc đang dùng cơm chiều, và đang lo lắng cho tôi. Mẹ tôi ắt hẳn không quên đi đến bàn thờ tổ tiên và thắp một nén nhang cầu nguyện cho tôi.’ Khi Hải nằm chịu đựng đau đớn giữa nhiều người chết, bom và đạn pháo, đáng ra đã cứu được họ một ít giờ trước đây, giờ đang cày nát khu vực, thắp sáng bởi các đốm hỏa châu. Anh cuối cùng loạng choạng đến bên một nhóm nhỏ đồng đội lạc loài,  hầu hết đều bị thương như anh. Suốt hai ngày họ dắt díu nhau qua khung cảnh tan hoang cho đến khi đến được một căn cứ bạn. Tại đó các bác sĩ phát hiện vết thương anh đã nhiễm trùng. Anh dường như là sĩ quan duy nhất còn sống sót của tiểu đoàn đã mất 200 người và số bị thương gần như gấp ba.

Sư đoàn Dù là một trong các binh chủng tinh nhuệ nhất mà Sài Gòn có, vậy mà đây là một đơn vị thuộc binh chủng đó bị VC đánh tan tác. Câu chuyện như thế lặp lại lần này đến lần khác trong năm 1965, đến nổi Westmoreland phải báo cáo với Nhà Trắng: ‘Lực lượng vũ trang Miền Nam không thể chịu nổi sức ép này nếu không có yểm trợ tác chiến đáng kể của Hoa Kỳ.’ MACV đã triển khai một kế hoạch chiến lược hoành tráng: sử dụng binh sĩ Mỹ trước tiên để bảo vệ các cơ sở; sau đó củng cố Cao nguyên Trung phần; rồi săn đuổi kẻ thù – ‘tìm và diệt’ trong khi tiến hành công cuộc bình định hóa và duy trì việc đánh bom Miền Bắc. DePuy, sĩ quan tác chiến của Westmoreland, tin rằng VC không thể chịu được hỏa lực trấn áp. David Halberstam mô tả ông ‘nhỏ thó nhưng kiêu ngạo  và hống hách’. Neil Sheehan thì viết với vẻ ác cảm rằng ông ta tin phải cần rót thêm ‘nhiều bom hơn, nhiều pháo hơn,  nhiều napan hơn … cho đến khi bên kia gãy vỡ và đầu hàng. 

Westmoreland đề xuất lực lượng của mình nên giao cho Miền Nam việc giữ gìn an ninh nội địa cho thị trấn, thành phố.  Chỉ huy của MACV đề nghị Sư đoàn Kỵ binh 1 nên được triển khai tại Thái Lan để hành quân về phía tây chống lại Đường Mòn HCM ở Lào..

DePuy nói thật là điên rồ khi người Mỹ sợ vi phạm tính trung lập của Lào trong khi kẻ địch thì không hề tôn trọng nó. Tổng thống hỏi Westmoreland: ông cần gì? Vị tướng trả lời: 180,000 người  ngay lập tức  – 34 tiểu đoàn Mỹ và 10 từ Nam Hàn, với lực lượng yểm trợ tương xứng – và thêm 100,000 vào năm 1966. Trong khi lời yêu cầu được xem xét hải quân tiến hành Chiến dịch Market Time, một chiến dịch  tuần tra gần bờ kéo dài nhằm ngăn cấm việc địch chuyên chở vũ khí từ Miền Bắc bằng đường biển vào Miền Nam. 

Giữa không kích và triển khai quân, tổng thống thỉnh thoảng đưa ra nhánh ô liu. Trong một bài diễn văn tháng 4 tại Đại học Johns Hopkins ông đề nghị nếu Miền Bắc chịu bỏ cuộc, ông sẽ gửi biếu họ một ngân phiếu 1 tỉ đô la  để xây dựng đập Mekong  – một món tiền hối lộ khổng lồ nhằm để yên Miền Nam.  Sau khi ông nói ông dựa người về phía phụ tá Bill Moyers và vỗ vào đầu gối người thanh niên trẻ với vẻ tự mãn. ‘Già Hồ không thể từ chối nó được,’ ông nói, và rồi lặp lại, ‘Già Hồ không thể từ chối nó được.’ Tất nhiên Hà Nội từ chối, làm Johnson ngỡ ngàng. 

Vào ngày 13 tháng 5 tổng thống ra lệnh ngừng dội bom 5 ngày trong khi một đề nghị hoà bình mới được trao cho Miền Bắc thông qua Moscow. Phạm Văn Đồng thậm chí không đọc thông điệp.  Thật thú vị để ức đoán, nếu củ cà rốt giá 1 tỷ đô đã được đưa đến với sự tinh tế ngoại giao hơn, liệu nó có thể thay đổi điều gì. Nếu nhân dân nghèo đói của Hồ Chí Minh được hỏi ý kiến, được thông báo là tất cả số tiền này có thể thuộc về họ để đổi lấy việc hoãn lại cuộc thống nhất, ai có thể nói họ sẽ trả lời như thế nào? Họ không thể ăn niềm tự hào dân tộc. Nhưng đây là tiền bạc của bọn tư bản, tiền bạc của bọn đế quốc, tiền bạc ô uế, trước một xã hội mà dân cư của nó không được phép chọn lựa. Không thể nghĩ được là Hà Nội sẽ chấp nhận nó.

Ở Washington, người ta còn tưởng rằng người Nga có thể ngừng chiến tranh bất cứ lúc nào nhà lãnh đạo mới của họ Leonid Brezhnev và Alexi Kosygin muốn bằng một cú  nhấc điện thoại gọi tới Hà Nội.  Dean Rusk bảo với đại sứ Anatoly Dobrynin, ‘Chúng tôi bối rối  không biết tiến hành thế nào, giả sử cả hai chúng ta thực sự muốn hoà bình.’ Người Xô viết báo động trước tình trạng leo thang, e sợ người Mỹ thậm chí có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Việt Nam. Vậy mà Dobrynin không thể đem lại an tâm cho Rusk: Moscow từ chối nhận lãnh vai trò trung gian không được ai tri ân khi cả hai phe đều muốn đạt được thế áp đảo về quân sự trước khi đàm phán.  

Một Lyndon Johnson chua  chát phẫn nộ bảo với Thượng viện Nghị sĩ Fulbright rằng chính việc Hà Nội bác bỏ đề nghị hoà bình của ông  – Miền Bắc rút quân khỏi Miền Nam đổi lấy việc ngừng dội bom – khiến việc đẩy mạnh chiến tranh của Hoa Kỳ là cần thiết. Vậy mà thế giới còn nhận ra là hành pháp Mỹ còn dao động. Vào ngày 17 tháng 5 The Times ở London báo tin: ‘đánh bom đã thất bại như là một công cụ ngoại giao … Với Hoa Kỳ trong thế kẹt hiện giờ, trên bậc thấp hơn của thang đang leo mà không muốn leo cao hơn nữa,  có vẻ đó là lý do nhỏ cho Hà Nội muốn giữ thang trên mặt đất.’ Nếu đây là đánh giá chính xác của tình trạng Nhà Trắng đang đến,  tờ báo nắm bắt đúng đắn Mỹ đang gặp rối rắm.  Vào 7 tháng 6, Westmoreland loan báo thẳng thừng với Washington rằng Miền Nam đối mặt với thảm bại quân sự trừ khi 44 tiểu đoàn cơ động Mỹ được gửi tham chiến: ‘Tôi không thấy có lộ trình nào mở ra cho chúng ta trừ ra là tiếp viện quân.’

Từ Bộ Ngoại giao,  George Ball chấp bút soạn một bản ghi nhớ, cảnh báo chống lại việc gửi thêm quân: ‘Trước khi chúng ta đổ ào ạt lực lượng đến Miền Nam chúng ta cần phải có thêm nhiều chứng cứ … rằng binh sĩ ta không sa lầy trong rừng rậm và ruộng đồng, trong khi chúng ta chầm chậm phá nát xứ sở này ra từng mảnh.’ Nhưng các Tham mưu trưởng Liên quân hậu thuẫn cách đánh giá của vị tướng,  và lời yêu cầu của ông.  Tổng thống bảo với một nhóm nghị sĩ quốc hội,  ‘Westy muốn được hỗ trợ  – và tôi chuẩn bị làm theo.’

Bộ trưởng bộ tư pháp Nicholas Katzenbach báo cáo với Nhà Trắng rằng ‘Xét về khía cạnh luật pháp, ngay lúc này không cần thiết phải có được sự tán thành của Quốc hội’ cho việc đổ thêm quân tham chiến.  Vào ngày 16 tháng 6 McNamara loan báo sẽ tăng quân số tiếp viện lên đến 70,000 người. 

Hai ngày sau, máy bay khổng lồ USAF B-52 bắt đầu tấn công các nơi tập trung quân của cộng sản ở Miền Nam.  Trong suốt 8 năm sau đó,  các oanh tạc cơ thực hiện 126,615 lần xuất kích có tên ‘Arc Light’ (Vòng cung Ánh sáng), bỏ bốn triệu tấn bom. Phi hành đoàn xem việc oanh tạc như đi bỏ sữa. Phi công. Doug Cooper nhún vai: ‘Công việc thích thú như là tài xế xe tải đường dài không thể dừng lại để uống cà phê.’ Một người khác nói mình cảm thấy phi hành đoàn chỉ dội bom liên tiếp không dứt theo các tọa độ trên bản đồ  ‘đến nỗi dường như không làm gì cả trừ việc đục lỗ xuống nền rừng.’ Từ giữa tháng 8 trở đi, đại pháo và quân nhu được bỏ xuống không theo yêu cầu của người thả bom mà theo các nhân viên vận hành hệ thống ra đa Skyspot trên mặt đất. Các B-52 hoạt động trên không phận Miền Nam  rồi sau đó Cao Miên và Lào không gặp mối đe dọa nào từ kẻ địch, chỉ chịu những rủi ro nhỏ. Hầu hết những con quái vật già nua này chịu đựng sự bào mòn: một chiếc gặp sự cố bom rơi khỏi giá ở cánh khi đang chạy trên đường băng cất cánh, vì dây buộc bị bào mòn do mưa và muối biển. Trong 8 năm,  chỉ có 12 máy bay Arc Light bị tổn thất vì tai nạn như thế: phi hành đoàn B-52 chịu đựng rất ít, mà tàn phá rất nhiều.

 


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s