Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 7

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 7 : 1963: QUAN TÀI CHO HAI TỔNG THỐNG

1 Trận Đánh Nhỏ, Câu Chuyện Lớn: Ấp Bắc

Theo chân các đám đông cố vấn, nhà ngoại giao, phi công,  lực lượng đặc biệt, bộ phận nghe lén điện tử và gián điệp đến Việt Nam là đội ngũ nhà báo, cả nam lẫn nữ, sẽ tác động ảnh hưởng lên cuộc chiến ít nhất không kém các chiến binh và các chính trị gia. Đội quân báo chí phồng to nói lên nhận thức của những ông chủ của họ rằng quy mô đầu tư của chính quyền xứng đáng được chú ý nhiều tại nơi đầu sóng ngọn gió hơn những gì họ nhận được từ trước đến giờ. Hầu hết phóng viên đều trẻ, tươi xanh,  khá xuất sắc, tham vọng cháy bỏng, và đâm yêu ngay nét quyến rũ của Sài Gòn: những người như

David Halberstam của tờ  New York Times, Malcolm Browne và Peter Arnett của  AP, François Sully của Newsweek, Neil Sheehan của UPI, người ngồi làm việc cùng bàn với Halberstam và trở thành bạn thân của ông. 

Sheehan là một thanh niên nông thôn ở Massachusetts, sinh năm 1936, đẹp trai,  đã nhận được học bổng của Harvard trước khí trởthành tay nghiện rượu quá sớm. Sau năm 1961 anh không hề đụng tới ly rượu, nhưng anh đến Việt Nam vào năm sau còn khá say sưa với niềm tin vào Hoa Kỳ. ‘Sài Gòn là một nơi rất dễ thương chưa bị người Mỹ làm hư hỏng,’ anh nói. ‘Trong 6 tháng đầu tôi chẳng mảy mai sợ hãi. Tôi thấy rất phấn khích khi lướt trên đồng lúa trên một chiếc trực thăng.  Tôi là đứa con trẻ của thời Chiến tranh Lạnh. Tất cả bọn tôi đều cảm thấy giống nhau. Người Mỹ không thể làm điều gì sai. Chúng tôi đến đó để ngăn các tên cộng sản độc ác không chiếm đoạt thế giới. Chúng tôi nắm được thực tiễn rất ít ỏi. Chúng tôi cảm nhận rằng đất nước này xứng đáng được hậu thuẫn.’

Quân đội Hoa Kỳ nuốt nhiều điện trong nguồn  cung cấp điện không ổn định, thành ra khi điện cúp và máy điều hòa tắt, các phóng viên mồ hôi như tắm thấm ướt áo, đổ lên phím máy đánh chữ, lên các câu chuyện. Họ kiếm chác được chút ít khi nộp chi phí theo tỷ lệ hối đoái chính thức trong khi đổi đô la tại thị trường chợ đen. 

Mặc dù các thông tín viên yêu thích thành phố,  phần đông đều nhìn nhận một quan điểm ngày càng nghiêm túc về sứ mạng của mình, đã nhận diện được khoảng hở giữa tính lạc quan dễ dãi của bên quân sự, nhất là chỉ huy 1962-64 Tướng Paul Harkins, và thực tế như họ quan sát thấy.

Ngay từ đầu, MACV cố tình loan truyền các điều giả dối và giấu nhẹm các sự thật bất tiện, chẳng hạn sự kiện phi hành đoàn Mỹ lái những chuyến bay tác chiến trong buồng lái của Không Lực Việt Nam,  sau này được bóc trần khi tờ Indianapolis News in những bức thư gửi về nhà của Đại uý Không Lực Hoa Kỳ Jerry Shank, khiến việc bác bỏ chính thức thành phi lý. Shank viết: ‘Chuyện khiến tôi bực mình nhất là họ không nói cho dân chúng biết chúng tôi làm gì bên này… Chúng tôi  – tôi và mấy thằng bạn – làm mọi thứ. “Học viên” Việt Nam trên máy bay với chúng tôi là nhân viên hàng không cơ bản  … Bọn họ là những con dê tế thần ngu và dốt, và không giúp gì cho tôi cả. Đúng ra, nhiều khi muốn quất roi cho họ ngắc ngoải.’ Việc sử dụng bom napan cũng không được thừa nhận cho đến khi một bức ảnh chụp vòm lửa đặc trưng xuất hiện trên mặt báo. Peter Arnett sau đó bóc trần việc sử dụng khí CS làm chảy nước mắt, được bênh tuyên truyền thù địch cho là khí độc, trong khi MACV phủ nhận chói tai  còn Ngũ Giác Đài thì câm như hến.

Halberstam, lúc ấy 28 tuổi,  khởi đầu là một người Tin Tưởng Chân Thực, nhưng đến mùa thu năm 1962 đã hóa ra hoài nghi, viết trong tờ New York Times: ‘Đây là một cuộc chiến tiến hành trong sự có mặt của giới nông dân  phần lớn thờ ơ hoặc không thân thiện, bởi một chính quyền chưa đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân mình.

Kẻ địch thì gầy rộc và thiếu ăn, có kinh nghiệm trong hình thức chiến tranh này, kiên trì trong chiến đấu, không ngừng tự phê, và trên hết là một đối thủ đã chứng tỏ mình sẵn sàng trả giá.’

Khi trong tháng 12 Halberstam báo cho văn phòng anh biết về luật hạn chế báo chí mà Nhu và đồng bọn áp đặt, tờ Times gửi phản đối tới Bộ Ngoại giao,  và được trả lời một cách bất lực rằng người Mỹ ở Việt Nam là khách của một nhà nước có chủ quyền. Điều này cũng đúng thôi: khi mà chế độ cố chấp bỏ ngoài tai lời cố vấn và những gợi ý từ sứ quán Mỹ, MACV  và CIA,  nó hiếm khi nào lại chìu theo ý muốn của  các nhà báo tự do thù địch mà trong mắt Diệm chỉ là bọn hư hỏng.

Homer Bigar viết trong một báo cáo đúc kết vào tháng 6 1962 cho tờ New York Times rằng chỉ trừ khi Diệm chịu chỉnh đốn đường lối cai trị của mình,  hoặc quân tác chiến Mỹ sẽ được gửi đến,  hoặc chính quyền Sài Gòn phải được thay thế bởi một hội đồng quân sự. François Sully của Newsweek là bố già của bọn họ, một người Pháp sinh năm 1927 lẩn quẩn ở Sài Gòn từ 1945. Không phải đồng nghiệp nào cũng yêu quý ông và có người ngờ ông là cộng sản, nhưng quan hệ của ông với cả hai bên là điều rất ấn tượng.  Một trong những  báo cáo cuối cùng của Sully trước khi bị Diệm trục xuất, ông nêu lại quan điểm của Bernard Fall rằng chính trị thì quan trọng hơn chiến thuật,  vậy mà Quân đội Mỹ đang huấn luyện cho người Miền Nam kháng cự cuộc xâm lăng kiểu Triều Tiên. Trực thăng Thủy quân Lục chiến,  ông nói   không thể cung cấp cho người Miền Nam một ý thức hệ mà họ có thể hy sinh vì nó. Bài viết có đính kèm một bức ảnh chụp  nữ dân quân của Diệm có thêm chú giải ‘Kẻ địch có thêm động lực và nhiệt tình.’

Neil Sheehan nói về đội quân báo chí Sài Gòn 1962-63: ‘Chúng tôi là một nhóm người nghiêm túc: chúng tôi thấy mình xung đột – xung đột rất gay gắt – với bộ chỉ huy Hoa Kỳ.  Bạn sẽ phải tức tối khi bọn tướng lĩnh nói dối.’ Sheehan kinh ngạc trước lòng can trường của một số phóng viên, và sự hèn nhát của những người khác: phóng viên một tờ báo ở New York, anh sau này nhớ lại, không khi nào rời Sài Gòn – y hối lộ các người điều hành xin các bản sao bài viết của các thông tín viên khác. Một vài nhóm thông tín viên,  tiên phong là Halberstam và Sheehan, làm nên tên tuổi ở Việt Nam, mặc dù một số người Mỹ, không phải tất cả đều là quân nhân,  đi xuống mồ mà còn tin rằng các phóng viên phản bội đất nước mình trong khi nhận được tràng vỗ tay của bên truyền thống đối thủ trên khắp thế giới. 

Bản tin mở ra vào ngày 2 tháng 1 năm 1963 là một trận đọ súng giữa binh sĩ Diệm và Việt Cộng,  nhưng bổng biến thành một cuộc đấu tranh có ý nghĩa hơn nhiều giữa chỉ huy tối cao Hoa Kỳ và đội quân báo chí Sài Gòn, người tin chống lại người không tin. Phần giết chóc do Trung tá John Paul Vann tháo xiềng. Ông là cố vấn cao cấp ngay từ giữa năm 1962 cho Sư đoàn 7 QĐVNCH. Vann, một người gầy như cây sậy nhưng có năng lượng dữ dội và hung hăng, lo lắng đụng độ không có kết quả với địch. Sau khi bộ phận đánh chặn điện tử trên phi cơ Hoa Kỳ định vị được tín hiệu truyền tin từ Tiểu đoàn 514 vùng của Việt Cộng ở Ấp Bắc, cách Mỹ Tho 14 dặm về phía tây-bắc, vị đại tá phấn khích khi bộ chỉ huy Harkins ra lệnh cho ông chỉ đạo một cuộc tập kích quy mô lực lượng để gài bẫy và tiêu diệt nó: hai tiểu đoàn Nhân dân Tự vệ; một đơn vị bộ binh do 10 trực thăng H-21 của Mỹ không vận (mà VC gọi là ‘chuối bay’ hay ‘mồi câu’); phi cơ Skyraider của KLVN oanh kích; 5 chiếc trực thăng Bell Iroquois ‘Huey’ UH-1; một đại đội xe bọc thép; một tiểu đoàn lính dù. 

Tình báo Mỹ mắc sai lầm đáng kể về sức mạnh của địch ở Ấp Bắc,  ước tính chỉ có 120 du kích. Cộng với đại đội được tăng cường của Tiểu đoàn 514, còn có sự hiện diện của một đại đội của lực lượng chính quy 261,  đang trên đường hành quân đến nơi khác. Đây được coi là một đơn vị thiện chiến: các cô kháo nhau rằng nếu phải lấy bộ đội, thì hãy lấy bộ đội tiểu đoàn 261. Binh sĩ này dạn dày trận mạc, trung bình hơn 2 năm chiến đấu,  cán bộ cao cấp đến 5 năm. Tổng số quân du kích toàn thời gian ở Miền Nam đã tăng gấp đôi kể từ năm ngoái, lên đến 50,000, đa số áp đảo là ở đồng bằng Cửu Long. Mặc dù họ trông cậy phần lớn vào vũ khí chiếm được, một số lượng ngày càng lớn đến bằng đường biển. Những thuyền kéo lưới ngụy trang từ Miền Bắc giao 112 tấn vũ khí và đạn dược trong năm 1962, và tổng số này sẽ tăng phi mã lên 4,289 trong 1963-64 – nhiều hơn chở xuống Đường Mòn Hồ Chí Minh. 

Tiểu đoàn 261 phần lớn là những người tập kết ra Bắc trước đây.  Người cầm đầu là Hai Hoàng, tên thật là Nguyễn Văn Diệu, một chỉ huy được yêu mến, rất quan tâm đến binh sĩ dưới quyền. Tiểu đoàn phó là Tư Khuê, cao, hốc hác,  hói đầu và nghiêm khắc.  Một chỉ huy đại đội, Bảy Đến, xuất thân từ một gia đình đặc biệt khá giả ở Sài Gòn: chị anh có lần đến thăm, chống một chiếc tam bản thuê đến chỗ đóng quân của tiểu đoàn 261. Cô bạt hồn vía khi thấy em trai đang đào chiến hào,  và khẩn khoản xin em bỏ tất cả để về nhà. Đến lắc đầu: anh đã nguyện dâng hiến đời mình, anh nói, và đúng là anh đã ở lại và hy sinh trong chiến đấu.

 Việt Cộng quanh Ấp Bắc vào ngày 2/1 tập hợp đến 320 chiến binh, đã được mật báo là lực lượng tấn công của Sài Gòn đang đến. Điều mà John Vann không biết là tỉnh ủy cộng sản đã ra lệnh cho Diệu và đồng chí mình không rút quân như thường lệ khi QĐVNCH tấn công, nhưng thay vào đó phải đứng lại và chiến đấu.  Vì vậy,  hố và công sự được đào dọc theo hàng cây mặt tiền ấp. Lực lượng phòng thủ trang bị vũ khí và đạn dược đầy đủ, phần đông là vũ khí Mỹ chiếm được: 30 súng máy, súng trường tự động Browning,  cacbin M-1, 45 tiểu liên Thompson. Phần đông trong số 1,200 nông dân trong các ấp kề cận Ấp Bắc và Tân Thới đều chạy lánh nạn vào các ao đầm gần đó khi nghe tin trận đánh đang đến gần, nhưng khoảng 30 người ở lại để khuân vác đạn dược và người bị thương.  Bàn cờ đã sẵn sàng cho Vann chơi ván cờ của mình.

Ai là những con cờ người bên phía ông vào buổi sáng hôm đó? Từ đầu đến cuối cuộc chiến, binh sĩ Miền Nam chịu đựng hầu hết mọi căng thẳng,  thống khổ và mất mát. Không gì làm xa lánh nông dân với chính quyền Sài Gòn hơn lệnh bắt lính, bắt nông dân rời bỏ đồng ruộng và biến nhiều người lính mới cáu cạnh thành kẻ áp bức đồng bào trong vùng đất không phải quê hương mình, và vì vậy mình không gắn bó gì với nó. Có các câu chuyện kinh khủng về tính chai đá của binh lính Miền Nam,  một số có thể là sự thật: về hai tay súng cá cược một bao thuốc lá xem ai bắn trúng đứa bé đang ngồi trên lưng trâu. Trong những năm đầu của cuộc chiến, 1955-59, chỉ có những thanh niên trong độ tuổi 20-22 mới bị gọi quân dịch trong 12 tháng. Sau đó tăng lên 2 năm, và vào năm 1964 đến 3 năm. Một khi vào lính, nhiều người Miền Nam không hề thoát  ra được bộ quân phục màu xanh trừ ra trên chiếc xe lăn hoặc túi đựng xác. Một yếu tố chung giữa Hoa Kỳ và hai miền nam bắc là trong cả ba xã hội, con cái những người có đặc quyền được miễn quân địch. Ở  Miền Nam gia đình chỉ cần hối lộ,  trong khi ở Miền bắc con ông cháu cha thì được gửi ra nước ngoài học cao hơn. Mặc dù quân đội Miền Nam tiêu tốn 15 phần trăm GDP quốc gia, lương của binh sĩ rất ít ỏi. Hầu hết tân binh đều được gửi về đơn vị chiến đấu sau 5 đến 6 tuần huấn luyện chiếu lệ, bảo đảm họ có thể học tiếp trên thực địa. (Người dịch nhớ không lầm là tân binh được huấn luyện ở Quang Trung 9 tuần). Một sĩ quan nói thay cho đồng đội mình khi anh phát biểu: ‘Việt Cộng dường như biết tại sao họ chiến đấu, còn chúng tôi thì không. Nội dung chính huấn của chúng tôi chỉ là đề cao cá nhân Diệm, ngoài ra không có gì.’

Kế hoạch của John Vann cho buổi sáng 2/1/1963 có thể đã được tuyên dương nếu mọi cá nhân đều hành động như định sẵn theo kế hoạch.  Thay vì di chuyển theo đội hình gọng kềm một cách nhịp nhàng , thì họ bước xuống trận địa một cách ngẫu hứng như các đồ chơi bị đá văng khỏi hộp. Sương mù sáng sớm làm việc bốc quân bằng trực thăng chậm trễ , thành ra Nhân dân Tự vệ đi bộ đụng đầu VC trước tiên, ngay sau 07:00. Khi những người đi đầu của họ bị bắn ngã, họ nằm sát mặt đất trong suốt cuộc trao đổi hỏa lực rời rạc, kéo dài. Tỉnh trưởng, người trực tiếp chỉ huy họ, không chịu ra lệnh tiểu đoàn thứ hai của ông tiến lên. Ngay sau 10:00, chống lại lệnh của Vann, các trực thăng H-21 mang theo một đại đội bộ binh lạch cạch đáp xuống ruộng lúa bên trong tầm bắn dễ dàng của  các ‘Victor Charly’. Tân binh VC được đấu tranh tư tưởng là không phải sợ trực thăng, chúng chỉ là các khung sắt dán giấy bìa. Sáng hôm đó tại Ấp Bắc,  điều này dường như đúng: hỏa lực cộng sản nhanh chóng bắn hạ 2 trong số các chiếc H-21 cũ kĩ và làm hỏng hóc nặng chiếc thứ ba. Một chiếc Huey cố bay đến giải cứu phi hành đoàn Mỹ bị bắn lỗ chỗ,  trước khi ngã lật ngã bên cạnh các chiếc khác.

.

Bộ binh không may chẳng đi đến đâu, kẹt trên vùng đất trống trải bị hỏa lực địch quét sạch. Gần như toàn bộ trực thăng bay bên trên trận địa đều trúng đạn, và không kích và pháo kích bắn trật lất không gây tác động gì nhiều đến quân phòng thủ Ấp Bắc.  Từ trên chiếc L-19 chỉ đạo lượn vòng Vann nhìn một cách tức tối khi chiến dịch của mình chết chìm trong bùn, máu, và sự hỗn loạn. Lý Tòng Bá, đại uý chỉ huy một đại đội xe thiết giáp, không chịu tiến lên giải cứu bộ binh và phi hành đoàn mắc kẹt. Qua máy điện đàm Vann gần như quát tháo, ‘Tôi đã gặp sự cố,  Topper Six,’ Đại úy Jim Scanlon, cố vấn đi theo Bá, rầu rĩ điện đàm cho Vann, ‘Đối tác của tôi không chịu tiến lên.’

‘Mẹ kiếp, bộ y không hiểu đây là tình trạng khẩn cấp sao chứ?!’ Scanlon đáp, ‘Anh ta nói “Tôi không nhận lệnh của người Mỹ.”‘

Vann rống lên qua máy bộ đàm, ‘Bá! Nếu anh không cho xe tiện dụng qua kênh tôi sẽ trình với Tướng Lê Văn Tỵ ném anh vào tù!’ Nghe vậy, Bá chậm rãi ra lệnh cho đại đội tiến lên, mất đến hai giờ sau mới lặn lội vượt qua kênh mương: mãi mãi sau này viên đại úy nhỏ người cứ đưa ra lý lẽ là Vann lẫn Scanlon không người nào nhận ra những khó khăn khi vượt qua các chướng ngại dưới nước. Khi các ổ súng máy cỡ .50  trên các thiết giáp M-113 cuối cùng khai hỏa,  một vài xe bị bắn bay vỏ thép phơi trần trước hỏa lực Việt Cộng,  vốn ngụy trang rất khéo léo sau các rặng dừa và chuối khiến ít kẻ tấn công nào thấy được bóng dáng địch trong suốt trận đánh. Khi một xe tính sử dụng súng phun lửa, chuyên viên quýnh quáng thế nào lại pha trộn nhiên liệu sai,  thành ra vòi lửa co lại rồi nhỏ giọt. 

Khoảng 14:30 các con cua bọc thép bắt đầu rút lui; thêm 2 trực thăng rơi xuống do hỏa lực địch.

Chiếc L-19 lướt qua vài lần ở cao độ  tấn công khi ông nỗ lực một cách vô ích để nhận diện vị trí của VC, và để tiếp thêm sinh lực cho bộ binh đang sa lầy tiến lên. Lúc 18:05 7 máy bay C-123 của Không Lực Mỹ thả lính dù xuống, binh sĩ tiếp đất cách xa vùng dự định nửa dặm, ngay trong tầm bắn ngon lành của địch ở Ấp Tân Thới kế cận, hỏa lực cày nát họ, giết chết 19 lính dù và làm bị thương 33 người,  kể cả 2 người Mỹ. Khi đêm xuống,  cộng sản vẫn giữ vững gần như toàn bộ trận địa như buổi sáng sớm, và không mấy khó khăn rút quân đi về chốn an toàn ở Đồng Tháp Mười gần đó.

Du kích quân chỉ tổn thất 18 người chết và 35 bị thương, phần đồng đó pháo và không kích. Phía Sài Gòn,  3 người Mỹ thiệt mạng và 5 bị thương,  cùng với 63 binh sĩ Việt Nam chết và 109 bị thương.  Trở lại May’s Landing, New Jersey, một thằng bé 7 tuổi khoái chí hét toáng lên khi nhìn thấy một clip TV quay cảnh một pháo thủ trên cửa trực thăng đang khai hỏa, ‘Nhìn kìa, ba con đó!’ Đúng 6 giờ sau, một bức điện báo tin cha em, trưởng phi hành đoàn William Deal, đã hy sinh trên chiếc Huey bên ngoài Ấp Bắc.

Tuy nhiên, vào ngày hôm sau  3/1, trải nghiệm của giới truyền thông tác động một sức ảnh hưởng lên lịch sử của cuộc chiến lớn hơn chính trận đánh. Paul Harkins, ông trùm của MACV, đi xuống bộ chỉ huy Quân đoàn IV để cổ vũ một cuộc tấn công mới vào Ấp Bắc.  Ông bảo David Halberstam và Peter Arnett, ‘Chúng ta phải dụ VC vào bẫy, rồi xông vào, khoảng nửa giờ là xong.’ Khổ thay,  các nhà báo đã biết kẻ địch đã giông từ lâu, và do đó cuộc tấn công là một vở kịch câm. Nhận xét của Harkins cho thấy ông ta hoặc là thằng điên hoặc là một tên dối trá cố tình – chắc là thằng điên, bởi vì trong bất kì tình huống nào ông ta không bao giờ nhìn xa hơn chỗ ông muốn nhìn.

Cách đó một vài dặm, vấn đề còn tệ hơn. Neil Sheehan và Nick Turner của Reuters đến chiến trường của trận đánh hôm trước và nhận thấy binh lính Miền Nam không muốn xử lý xác chết đồng đội mình và người Mỹ: các nhà báo cảm thấy phẫn nộ khi tự mình khiêng các thi hài lên trực thăng. Rồi, trong lúc họ trao đổi với chuẩn tướng Mỹ Robert York, một cựu binh Thế Chiến II quê Alabama, thì pháo yểm trợ cho ‘trận tấn công’ mới bắt đầu rơi xuống quanh họ, phụt lên những suối bùn. York nói với Sheehan, ‘Chúa ơi, chạy mau kẻo chết!’ Họ phóng qua ruộng lúa trước khi ném mình xuống đất. 

Sheehan tưởng mình thế nào cũng toi mạng. Khi trận pháo chấm dứt họ đứng dậy mình mẩy đầy bùn đất. Năm mươi quả pháo đã rơi xuống vùng gần đó, giết chết 4 binh sĩ QĐVNCH và làm bị thương 12 người khác. Tiểu đoàn trưởng bộ binh nổi giận rút khẩu súng lục bắn vào đầu viên trung uý trẻ có nhiệm vụ làm trinh sát tiền tiêu cho pháo binh.

Trận thảm bại tại Ấp Bắc có ít ý nghĩa về mặt quân sự hơn – chẳng hạn một trận đánh 1960 tại Tua 2 tỉnh Tây Ninh,  trong đó phe Cộng đánh bại một lực lượng quốc gia lớn hơn nhiều.  Cái khác biệt là tại Tua 2 không có người ngoại quốc chứng kiến,  trong khi giờ đây những thông tín viên sắc sảo nhất tại Việt Nam đang ngồi xem trên khán đài không mái che. Sheehan sau đó viết, ‘Chúng tôi biết rằng đây là câu chuyện lớn nhất chúng tôi từng gặp.’ Các bài tường thuật của anh và Halberstam đều trích dẫn lời một cố vấn Mỹ tố cáo binh sĩ Miền Nam thể hiện vào ngày 2/1 ‘một cuộc trình diễn khốn khổ’, trong khi Harkins còn khăng khăng cho Ấp Bắc là một thắng lợi. Ít ai,  kể cả vị tướng, nghi ngờ những lời tố cáo trên xuất phát từ John Vann,  và ông yêu cầu lấy đầu của vị đại tá.

MACV cuối cùng quyết định thận trọng hơn nên cho phép viên sĩ quan khích động nhưng có tiếng thiếu thận trọng này hoàn tất chuyến công tác của ông ta vào tháng 3 như dự tính.

Ảnh hưởng của Vann đối với cuộc chiến sau đó lên xuống cho đến khi kết thúc một cách ấn tượng gần một thập niên sau đó, nhưng trong năm 1963 ông đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp những thông tin đúc kết cho

Sheehan, Halberstam và những người khác về tính nhát gan và cẩu thả vốn là đặc tính của các cuộc hành quân Miền Nam, cùng những hành động dối trá để che giấu những tệ hại này. Vị đại tá cảnh báo với Thiếu tướng Bruce Palmer rằng Harkins đang tự cho phép mình bị các sĩ quan Saigon đánh lừa, khi thường xuyên tấn công các mục tiêu mà họ biết là không có địch ở đó. Dù sao thì phiên bản của Harkins là phiên bản được Maxwell Taylor và Robert McNamara chọn để tin tưởng. Frances Fitzgerald sau này viết trong tác phẩm lịch sử có ảnh hưởng của bà Lửa Trong Hồ: Hoa Kỳ đã … biến chính quyền Sài Gòn thành một bộ máy quân sự mà lý do tồn tại của nó là chiến đấu với người cộng sản. Khó khăn duy nhất là bộ máy đó không hiệu quả.’ QĐVNCH không phải là một quân đội  mà chỉ là ‘một tập hợp các cá nhân tình cờ mang vũ khí.’ Đây là một phát biểu hơi quá đáng,  nhưng chứa một phần sự thật. 

Trận Ấp Bắc dấy lên làn sóng chỉ trích rộng khắp của giới truyền thông.  Arthur Krock viết trong chuyên mục của mình vào ngày 9/1: ‘Không có số lượng viện trợ quân sự Mỹ nào có thể giữ gìn độc lập cho một dân tộc không muốn chết cho nó.’ Richard Hughes, một cựu binh Úc viết cho tờ London Sunday Times, nói rằng ông thấy có sự tương đồng rõ ràng với chính sách điên rồ của Mỹ ở Trung Quốc sau Thế Chiến II.  Điều tốt nhất người Mỹ đang hứa hẹn, ông nói, là một cuộc chiến 10 năm để giữ gìn một chế độ ‘phản động,  cô lập,  không được nhân dân ủng hộ’. Lối thoát duy nhất, ông đề xuất, cho chính quyền Sài Gòn là nhìn nhận người cộng sản như một liên minh.

Bên trong Việt Nam,  tin tức về thảm bại lan truyền nhanh chóng.  Một sĩ quan Việt Nam viết rằng Ấp Bắc ‘gây tổn thất to lớn đến tinh thần chiến đấu của QĐVNCH ‘. Lý Tòng Bá, sẽ lên đến cấp tướng, sau này tố cáo Neil Sheehan là người  ‘chỉ viết những bài đầy đẫy những luận điệu ma mị và không chính xác’. Ông cũng lập luận rằng cố vấn của ông trên chiến trường Ấp Bắc, Jim Scanlon, ‘sợ khiếp vía’ Vann như sợ Việt Cộng,  khiến ông cũng vẽ ra một bức tranh sai lầm về các biến cố. Các sĩ quan MACV và nhiều người khác đả phá các bài viết báo chí, phàn nàn các báo cáo ‘tiêu cực’ của giới truyền thông, chỉ làm tăng thêm khó khăn  khi phải đánh nhau dưới cặp mắt của giới truyền thông không nhận ra bổn phận phải chiếu cố ‘phe ta’ – nghĩa là Hoa Kỳ và thân chủ Miền Nam của mình – vốn là nhiệm vụ yêu nước như các thông tín viên đã từng làm  trong Thế Chiến II.

Bây giờ vẫn khó khăn như đã từng để thấy được tính cách trong việc  Harkins tìm cách chối bỏ thực tiễn của vấn đề. Châm ngôn cho tất cả ai nắm giữ quyền lực, trong thời bình như trong thời chiến: nói dối với người khác nếu cần, nhưng không bao giờ nên nói dối với chính mình.  Trùm MACV có thể biện hộ cho việc nói những điều vô lý với Halberstam và Arnett, nhưng ông lại còn bán rao cùng những chuyện hoang đường ấy trong các bức điện tối mật gửi đến Washington. Tuy vậy, các bài viết  phê phán có giá trị của giới truyền thông vẫn dai dẳng theo suốt cuộc chiến: các phê phán khoái chí với các khiếm khuyết của chế độ Diệm và những người kế tiếp,  nhưng lại không chú tâm tới những sai phạm và nỗi kinh hoàng mà người cộng sản gây ra.. Halberstam, Sheehan và phần còn lại hoàn thành một cách có lương tâm và đôi khi xuất sắc nhiệm vụ của mình, kể lại những gì mình mắt thấy tai nghe; còn phe biện hộ cho Sài Gòn,  mà hình mẫu là tạp chí Times, đã hủy hoại uy tín của mình bằng cách khước từ các hiện thực không nuốt trôi.  Tuy nhiên, Miền Nam chỉ là phân nửa câu chuyện đúng đắn. Phần nhiều giới truyền thông cho thấy mình dốt nát hoặc mù quáng đối với chế độ độc tài hiện hành ở Miền Bắc, vốn gây ra những nỗi gian truân còn tệ hơn cho nhân dân mình. 

Một bác sĩ giải phẫu Úc phục vụ tình nguyện tại Vũng Tàu sau này viết: ‘Dường như sẽ công bình khi nói ra những gì thường không được nói, là nếu viện trợ kinh tế cho Miền Nam không bị ngăn trở bởi các hoạt động phá hoại của Việt Cộng,  nhân dân đất nước này ắt sẽ no ấm, khỏe mạnh và hưởng một nền giáo dục tốt hơn, chứ không khổ sở và sâu xé vì chiến tranh như bây giờ.’ Frances Fitzgerald đúc kết bài tường thuật mạnh mẽ về năm 1972 của Hoa Kỳ tại Đông Dương của bà với bày tỏ khát khao Miền Bắc sẽ chiến thắng, cho một thời khắc khi ‘”chủ nghĩa cá nhân” và tính băng hoại kèm theo của nó nhường chỗ cho tính kỷ luật của cộng đồng cách mạng’. Các viên chức Mỹ, bà viết, có thể gán thắng lợi này là thắng lợi của việc tẩy não bởi ‘những người Cộng sản cuồng tín’. Không phải thế, bà xác quyết: Nó chỉ đơn giản có nghĩa thời khắc đã đến cho ngọn lửa cách mạng tẩy sạch ao tù của xã hội Việt Nam.’ Đây là một quan điểm về cuộc chiến dường như là ảo tưởng tại một đầu của quang phổ chính trị cũng như quan điểm của Tướng Harkinds tại đầu kia của quang phổ.

2 Phật Tử Nổi Dậy

Trong suốt mùa của 1963, uy tín của chính quyền Diệm  xuống thấp trong khi tinh thần chiến đấu và sức mạnh của VC lên cao, nhờ làn sóng hồ hởi sau thắng lợi Ấp Bắc.  Chiến sử của Tiểu đoàn 261 ghi lại, ‘binh sĩ hát mừng’, Trung ương Cục Miền Nam phát đi khẩu hiệu ‘Noi gương Ấp Bắc!’ Trận Đánh cung cấp một sức đẩy quan trọng cho phe ‘tiến tới’ tại Hà Nội, càng lập luận mạnh mẽ rằng thời kỳ thận trọng đã qua; rằng ở Miền Nam, phần thưởng đã chín muồi chờ ta chiếm lấy. 

Michael Burleigh đã viết về việc hoạch định quyết sách Mỹ: ‘Ít có đế quốc nào đặt uy tín của mình đằng sau một nhóm bù nhìn cực kỳ nguy hiểm như nhà họ Ngô.’ Thậm chí khi tình hình an ninh suy sụp,  vào tháng 5 chế độ Sài Gòn thi hành một sáng kiến đẩy họ nhanh xuống vực thẳm cuối cùng. 

Giới tu sĩ Phật giáo đã từ lâu bất bình về việc nhà Ngô ưu đãi các tín đồ Công giáo đồng đạo với mình. Vào ngày 8 tháng 5 1963, khi các phật tử tụ tập ở Huế làm lễ Phật đản lần thứ 2527, một sĩ quan Công giáo tìm cách cưỡng chế một sắc luật cũ cấm họ treo cờ tôn giáo ngoài đường. Vài ngàn phật tử tụ tập bên ngoài đài phát thanh Huế để nghe buổi phát thanh thông lệ của nhà sư nổi tiếng Thích Trí Quang.  Giám đốc đài thình lình hủy bỏ buổi phát thanh,  nói rằng bài nói chuyện chưa được ban kiểm duyệt chấp thuận. Ông cũng điện cho quân đội gửi đến nơi một đoàn xe thiết giáp và binh sĩ. Khi phật tử phớt lờ lệnh giải tán, binh lính nổ súng.  Một phụ nữ và 8 trẻ em chết trong đám hổn loạn bùng phát sau đó. Hành động điên rồ vô cớ và sát nhân này làm dấy lên nhiều tuần lễ biểu tình chống chính quyền tại nhiều thành phố.  Phật tử được hàng ngàn sinh viên học sinh tiếp tay. Tiếp theo chính quyền tuyên bố những phản kháng là do cộng sản giật dây.

Rõ ràng chúng thích hợp với tính cách của MTDTGP và Hà Nội: các cán bộ có thể đã xúi giục các nhà sư.  Tuy nhiên, không nghi ngờ gì, những gì xảy ra thể hiện một cơn phẫn nộ tự phát chống lại chế độ, không chịu xin lỗi cho các cái chết ở Huế, hoặc trừng phạt những tên có trách nhiệm. Diệm như ngồi trên bàn tay mình, phớt lờ các cảnh báo của Washington,  trong khi ông em Nhu lao vào một kế hoạch đàn áp. 

Frank Scotton nói: ‘Phần đông các nhà sư là nạn nhân của lối suy nghĩ mơ tưởng về khả năng của một chính quyền đại diện, nhưng khủng hoảng Phật giáo không chỉ là về chính trị. Nếu Diệm muốn làm một cử chỉ cao thượng để hoà giải,  ông sẽ phải đứng lên chống lại em mình, và ông không đành lòng làm vậy.’ Phóng viên Marguerite Higgins mô tả Quang,  người đi đầu trong số các nhà sư nổi dậy. Còn lâu mới là một nhân vật trầm tư,  thụ động, bà nói, ‘cặp mắt thâm sâu, nóng bỏng, rực sáng từ một vầng trán to rộng. Ông toát ra một vẻ thông minh nghiêm trọng, sự bình tĩnh tự tại và hoài nghi nghiền ngẫm.’ Một sĩ quan Miền Nam viết: ‘Khủng hoảng Phật giáo như một đám cháy lớn,  không kiểm soát được và nhanh chóng lan rộng.  Nó có một hiệu quả tiêu cực mạnh mẽ lên tinh thần chiến đấu của các sĩ quan và binh sĩ.  .. Tôi biết là không thể duy trì chính quyền Diệm được nữa. Hy vọng duy nhất của tôi là quyền lực sẽ rơi vào tay một người lãnh đạo mới,  có năng lực  và trung thành. 

Khi Dương Vân Mai trở lại Sài Gòn từ Washington mùa thu đó, cô thấy gia đình mình, nhất là mẹ mình, đã hóa ra thù ghét cay đắng với chính quyền vì nó xúc phạm vào niềm tin mà đại đa số người Việt đã phát nguyện phụng thờ. Vào ngày 10 David Halberstam viết: ‘Sự xung đột giữa chính quyền Miền Nam  và các tu sĩ Phật giáo quấy rầy nhức nhối các viên chức Mỹ ở đây  … vốn bối rối sâu sắc  … và bực dọc trước cật vấn dai dẳng của người Việt cứ  hỏi: “Tại sao chính quyền các ông cho phép điều này xảy ra?”‘ Người Mỹ theo nghĩa đen được cho là ra lệnh bắn.

 Ngày hôm sau, các cơ quan truyền thông phương Tây được báo trước về một cuộc phản đối tổ chức  tại Sài Gòn. Tuy nhiên,  ít ai để ý vì bản chất của nó không được nói rõ. Vào sáng ngày 11, tại một giao lộ tấp nập,  một nhà sư cao tuổi pháp danh Thích Quảng Đức từ trên ô tô bước xuống  trong cà sa màu cam, ngồi xuống trong tư thế hoa sen trên đường phố, rồi bất động bao quanh là đám đông các tăng ni ngồi kiết già. Một nhà sư khác đổ xăng lên người ông. Thích Quảng Đức đích thân đánh diêm quẹt, châm lửa đốt thân mình. Trong suốt tiến trình, một nhà sư khác tuyên bố qua loa phóng thanh: ‘Một nhà sư đã tự thiêu đến chết! Một nhà sư đã hy sinh vì đạo pháp!’ Tại sự kiện này và những sự kiện hy sinh mạng sống tương tự,   cần chú ý rằng mọi biểu ngữ, áp phích đều viết bằng tiếng Anh: khán giả được dự trù không phải là người Việt.

Nhà báo phương Tây duy nhất chịu khó đến nơi, Malcolm Browne của AP, sau này viết, ‘Tôi có thể đã ngăn cản việc tự thiêu đó bằng cách chạy ùa đến ông và đá bình xăng đi … Là một con người tôi rất muốn thế. Là một phóng viên tôi không thể  . . . Làm như thế tôi đã đẩy mình vào chính trị của Việt Nam.  Vai trò phóng viên sẽ theo đó mà tiêu tan theo uy tín của mình.’ Vậy mà Browne cũng đã  góp phần làm thay đổi bộ mặt chính trị Miền Nam bằng bức ảnh chụp cảnh tượng đó, đúng như ý các phật tử dự tính khi báo trước cho ông biết. Các bức ảnh công phá của ông được gửi về Manilla, rồi từ đó tỏa đi khắp thế giới. Bà Nhu đổ thêm dầu vào lửa căm hờn bằng lời mô tả sự kiện trên đài truyền hình là  ‘tiệc nướng thịt ngoài trời’. Bà ta nhún vai: ‘Cứ để họ thiêu,  và chúng ta sẽ vỗ tay.’ Browne nói rằng mình sẽ không bao giờ quên mùi nồng nặc của nhang hòa quyện với mùi thịt cháy. Ban tổ chức, hài lòng với sự chú ý mà hành động ghê gớm của mình gây ra, trưng bày trái tim của Thích Quảng Đức trong một bình thủy tinh.

Người Mỹ đáp ứng với một thái độ ngạc nhiên không hiểu. Trung uý Gordon Sullivan, một cố vấn cho một nhóm Biệt kích tình cờ có mặt ở Sài Gòn,  nói, “Toàn bộ tình hình thay đổi. Đây là cái gì đó mới mẻ.  Chúng tôi không biết có chuyện kỳ lạ thế.’ Tờ Washington Post viết xã luận vào ngày 20/6/1963: ‘Tất nhiên người cộng sản sẽ khai thác lời ta thán của Phật giáo.  Và tại sao không? Chính chế độ Diệm đã vô cớ phục vụ cho mục đích của cộng sản bằng những chính sách ghê tởm về mặt đạo lý và tự sát về mặt chính trị.’ Đại sứ Mỹ ‘Fritz’ Nolting vẫn còn khăng khăng đây là chính quyền Sài Gòn ít tồi tệ nhất mà Mỹ có được, và Colby của CIA  cũng nhất trí.  Tại Washington,  tuy nhiên,  cố vấn an ninh quốc gia và Roger Hilsman của Bộ Ngoại giao có một quan điểm ảm đạm hơn,  kể cả Henry Cabot Lodge, người sẽ đến Sài Gòn vào giữa tháng 8 để thay Nolting, được coi là bị tại tiếng vì quá nhân nhượng Diệm.

Vị đại sứ mới là nhân vật tầm cỡ của Đảng Cộng Hoà từ Massachusetts, 61 tuổi,  có kinh nghiệm lâu dài trong ngành ngoại giao và Thượng viện,  đã từng là ứng viên phó tổng thống trong liên danh với Nixon vào năm 1960. Arthur Schlesinger viết: ‘Tổng thống có thói quen chỉ định “những người tự do” làm những công việc ” bảo thủ”, và ngược lại.’ Việc bổ nhiệm Lodge là một ví dụ cổ điển cho điều này: ông là một nhân vật lớn, chắc chắn phải tìm vai trò lớn,  có vẻ toàn quyền hơn là đại sứ. Nếu sau đó ông chơi không đúng hoặc chơi quá mức, thì đúng là lỗi của những người bổ nhiệm ông.

Vào ngày 21 tháng 8, sau khi Diệm thiết quân luật để đáp ứng với cơn bão biểu tình phản đối tiếp tục, lực lượng của Nhu tấn công ngôi chùa chính của Sài Gòn,  chùa Xá Lợi. Họ bắt 400 tăng ni, kể cả hòa thượng trụ trì 89 tuổi.  Tờ Time của Henry Luce bãi bỏ những bài viết có tính kết án từ các thông tín viên của mình; Bill Colby chia sẻ với ông bạn Nhu mối khinh bỉ đối với giới phật tử,  cũng như Harkins.  Vậy mà mặc dù có sự áp đặt nghiêm ngặt luật kiểm duyệt báo chí và một loạt các phát biểu dối trá của chính quyền,  phần đông người Mỹ kể cả đại sứ Lodge, đều nhận ra rằng bào đệ của tổng thống đang điên cuồng đánh mất sự kiềm chế.

Tình hình an ninh quốc gia tiếp tục tồi tệ.  MTDTGP, không kiên nhẫn ngồi chờ chế độ ra đi, tăng cường chiến dịch khủng bố,  trong khi quân đội Miền Nam ngày càng lung lay. Vì các bài phóng sự dữ dội của David Halberstam được đọc quá rộng rãi, MACV và Washington sát cánh nhau hơn để kích bác chúng. Ngoại trưởng Dean Rusk đích thân phản bác một báo cáo tháng 8 1963 mô tả phe cộng sản giành được lãnh thổ trong vùng đồng bằng Cửu Long.  Harkins liệt kê các chi tiết mà ông xác nhận là không chính xác. Vào tháng 9 vi tướng điện cho Maxwell Taylor tại Nhà Trắng: ‘Từ hầu hết các báo cáo và bài viết tôi đọc,  người ta nói Việt Nam và các chương trình của chúng ta đang rơi rụng tơi tả. Vâng, tôi hoàn toàn không đồng ý.’

Vậy mà tài liệu ghi chép chứng tỏ những thanh niên xông xáo trong đó nổi bật là Halberstam và Sheehan, chính xác trong đánh giá của mình, cả về quân sự lẫn chính trị, hơn hẳn MACV. Có ngày càng nhiều những tập tin như thế như tập tháng 9, ngay giữa ban ngày Việt Cộng đánh chiếm một đồn lính trong vùng đồng bằng mà gần như không tổn thất gì, vì tỉnh ủy đã cài hai người của mình vào trong lực lượng đồn trú.  Họ giết 6 lính bảo vệ,  bắt 6 người và lấy đi 35 súng trường, cho nổ boongke và tháp canh trước khi rút lui. Mùa thu đó, theo Frank Scotton, ‘rõ ràng nhiều cư dân đô thị có văn hoá’, những người bàng quan chỉ nghe ngóng hơn là tham gia vào sự kiện, ‘tiên liệu một sự thay đổi chính quyền ‘. Thời khắc của Diệm gần như đã hết. Chỉ còn phải xem cộng sản, Phật tử  hay các tướng lĩnh của ông ta, ai là người giật dây. Và Washington quyết định làm gì về tình hình.

3 Giờ Ra Tay

Bắt đầu đếm ngược vụ sát hại Tổng thống Ngô Đình Diệm từ ngày 23 tháng 8 1963, khi một bức điện tối mật Lodge gửi Bộ Ngoại giao yêu cầu cho biết liệu Washington có bật đèn xanh cho cú đảo chính hay không. Bức điện trả lời tích cực được thảo ra vào gửi đến Sài Gòn vào cuối tuần khi Kennedy, Rusk và McNamara ra ngoài thị trấn: các tác giả của bức điện là Averell Harriman, Roger Hilsman và Michael Forrestal. Nếu Diệm không chịu cải cách và tống cổ ông em Nhu,  họ viết nhân danh chính phủ Hoa Kỳ, ‘Chúng ta sẵn sàng ám chỉ rõ ràng là chúng ta không thể hậu thuẫn Diệm hơn nữa. Các ông có thể báo cho các chỉ huy quân sự thích hợp là chúng tôi sẽ trực tiếp hậu thuẫn họ trong thời gian chuyển tiếp sau sụp đổ. … Đại sứ  … nên khảo sát khẩn cấp mọi ứng viên lãnh đạo thay thế và lên kế hoạch chi tiết cách thức chúng ta có thể thay thế Diệm nếu việc này là cần thiết.’

Vào sáng thứ hai, khi Kennedy trở lại Nhà Trắng ông băn khoăn với sự vô tâm mà chỉ thị trọng đại này – tin điện này là như thế – đã được gửi đi, bởi các viên chức cấp trung. Ông tham vấn với McNamara và Taylor, người có chung tiếng nói: họ thích Diệm ở lại, cho dù không có Nhu. Tuy nhiên,  nếu các tướng lĩnh quyết định khác, Hoa Kỳ sẽ hậu thuẫn một chính quyền quân sự chuyển tiếp.  Cuối cùng,  Kennedy quyết định không thu hồi tin điện cuối tuần: cứ để cho Lodge tự quyết định chính sách. Vị đại sứ sau này cho biết mình như ‘bị sét đánh’. Ông lý giải hoàn toàn hợp lý bức điện của Washington là mình được lệnh đẩy nhanh sự sụp đổ của Diệm. 

Vào ngày 2 tháng 9 Tổng thống Hoa Kỳ,  trả lời một câu hỏi về Việt Nam trong một buổi phỏng vấn do đài CBS thực hiện với Walter Cronkite, nói rằng chế độ Sài Gòn cần được hậu thuẫn nhiều hơn: ‘với sự thay đổi trong chính sách, cá nhân tôi cho rằng (chính quyền) có thể thắng. Nếu chính quyền Sài Gòn không chịu thay đổi,  tôi nghĩ cơ hội chiến thắng sẽ không nhiều. ‘ Kennedy kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn – hỗ trợ thiết thực – từ các đồng minh của Mỹ: ‘Không có gì tốt cho chúng ta khi nói,  “Này, tại sao chúng ta không cứ bỏ đi về nhà và để lại thế giới cho những kẻ thù của chúng ta.”‘ Ông nói thêm rằng  ‘người duy nhất có thể đánh thắng là nhân dân Việt Nam ‘. Một số sử gia đã lý giải những lời này chỉ ra Kennedy đã nhận thức được rằng người Mỹ không thể nào hoàn thành điều mà người Việt không muốn làm cho mình; rằng ông đang chỉ tay đến một lối ra khỏi cuộc chiến.  Điều này nghe có vẻ kỳ cục: ông ta đang đối diện với cuộc chạy đua tái tranh cử tổng thống, và có thể thất cử trong vụ Đông Nam Á, giống như Triều Tiên đã hại Harry Truman vào năm 1952.

Tình hình giờ đang tăng tốc.  Miền Bắc đang thăm dò bất kỳ phương thức nhằm tách Diệm ra khỏi người Mỹ. Với mục tiêu này, Hà Nội khởi sự lao vào một khúc ngoặt gắt là ve vãn với Sài Gòn,  qua các trung gian Ba Lan và

 Pháp, sớm đến tai chính quyền Kennedy.  Khía cạnh đáng hổ thẹn nhất của việc Washington bỗng quan tâm đến giải pháp đảo chính là do sợ Diệm và ông em Nhu có thể tính chước bắt tay với Hồ. Bernard Fall, người có số độc giả trong nhóm viên chức hoạch định chính sách bởi vì ông được biết có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai bên, báo cáo rằng,  trong trường hợp một đối thoại Bắc-Nam có ý nghĩa,  Hồ Chí Minh sẽ chấp nhận hoãn lại việc thống nhất  – ‘một khoảng cách tử tế’, sử dụng một cụm từ Fall không dùng, nhưng sẽ trở thành trọng điểm của nhiều nỗ lực hoà bình Đông Dương trong tương lai.  Sự thật, cuộc trao đổi có ít cơ may đem đến kết quả: Lê Duẩn chỉ quan tâm đến việc đạt được một nước Việt Nam cộng sản,  trong khi nhà Ngô bỏ công nuôi dưỡng một ảo tưởng là mình đang giữ những lá bài tốt – một triển vọng thắng lợi quân sự đến gần và người Mỹ cần đến mình. Chỉ sự kiện tiếp xúc giữa hai bên dù sao cũng đánh lên tiếng chuông báo động ở Washington. Việc chế độ Sài Gòn muốn đàm phán phản ánh sự bất bình đang tăng lên đối với ông chủ móc ví trả tiền. 

Bạn của Tổng thống Kennedy  Charles Bartlett sau này cho rằng việc chế độ Sài Gòn ve vãn Miền Bắc là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định loại bỏ Diệm. Ông trích dẫn một câu nói của tổng thống, ‘Charlie này, tôi không thể bỏ Việt Nam cho Cộng sản và rồi đi và hỏi (cử tri Mỹ) bầu lại cho tôi. Dù sao chúng ta cũng phải giữ lãnh thổ đó.’ Nhưng Kennedy cũng nói thêm, ‘Nhưng chúng ta không có tương lai ở đó. (Dân chúng Việt) không ưa chúng ta. Họ muốn chúng ta ra khỏi chỗ đó. Đến một lúc nào đó họ sẽ đá đít chúng ta ra.’ Cuộc trao đổi được kể lại này nghe có vẻ đáng tin.

Báo động của người Mỹ tăng lên khi tổng thống Pháp

Charles de Gaulle nhúng tay. Nhà dân tộc chủ nghĩa cao to, chống Anh cực lực này thúc giục nhiều lần Mỹ hãy buông bỏ, cho phép Việt Nam được trung lập. Washington tin rằng lưu ý của de Gaulle phản ánh sự đố kỵ vì đã thay thế Pháp tại một nơi trước đây là thuộc địa của mình. Fredrik Logevall đã viết: ‘Các nhà lên kế hoạch Mỹ sẽ mất nhiều thời gian bàn luận về hành động và ý tưởng của  các lãnh đạo Pháp,  nhưng chỉ để nghĩ cách tốt nhất để làm ngược lại. Nội dung các lập luận của ông không được khảo sát tường tận lúc đó hoặc sau này,  một phần bởi vì nó là sự nguyền rủa đối với các viên chức Mỹ, và một phần bởi vì họ tin rằng  ông ta có các động lực giấu kín.’

Walter Lippmann cảnh báo trong chuyên mục của ông vào ngày 3 tháng 9: ‘Nếu không có giải pháp như các đề nghị của de Gaulle, thế thì điều còn lại chỉ là một cuộc chiến tiêu hao kéo dài bất phân thắng bại.’ Nhà bình luận thâm niên này trong những năm tháng đó viết nhiều về Đông Dương hơn mọi đề tài nào khác. Ông tin rằng điều tốt nhất người Mỹ có thể mong đợi là một kết quả kiểu Tito, theo đó một Việt Nam thống nhất trở thành một nước cộng sản,  nhưng không phải là công cụ của Trung Quốc và Liên Xô. Lippmann lập luận hàm ý rằng Hồ Chí Minh không thể nào bị đánh bại trên chiến trường, và rằng giải pháp tốt nhất có thể là săn đón ông bằng đô la. Điều này là khó tin: dường như không có lý do để tin rằng Lê Duẩn, một con người chuyên tâm quá khích hết lòng chỉ biết có cách mạng như  Robespierre của Cách Mạng Pháp, có thể bị mua chuộc để điều hành một chính quyền nhân đạo và ôn hòa nếu ông được trao quyền bá chủ một nước Việt Nam thống nhất vào năm 1963, hơn là được trao sau năm 1975. Nhưng điều đó không làm giảm đi giá trị của luận đề Lippmann, rằng người Mỹ không thể khống chế bằng lực lượng vũ trang. 

Vào ngày 13 tháng 9  Chester Cooper của NSC (Hội đồng An ninh Quốc gia) viết từ Sài Gòn gửi cho đồng nghiệp CIA cũ của ông John McCone, nói rằng ông cho rằng một sự tiếp cận ngoại giao giữa chế độ Diệm và Hà Nội,  liên quan đến việc tống khứ người Mỹ, đang mở ra. Đây là nỗi đắng cay đã khiến cho chính quyền Mỹ muốn để mặc cho Lodge xúi giục các tướng lĩnh Sài Gòn can thiệp. Vị đại sứ không chần chừ khai thác quyền hành mà Nhà Trắng uỷ thác cho mình. Thật khó để xúi giục các quân nhân có ảnh hưởng mà ông đến tiếp cận ra tay – các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Trần Thiện Khiêm. Colby của  CIA,  vốn ghét Lodge và chống đối mạnh mẽ hành động chống lại một lãnh đạo quốc gia Việt Nam cũng là một con chiên Thiên Chúa giáo sùng đạo như mình, sau này viết: ‘Gần như thiếu vắng hoàn toàn sự cân nhắc và đánh giá các nhân vật có thể kế nhiệm Diệm, ngoài giới quân sự.’ Các sĩ quan Miền Nam do dự  việc lật đổ Diệm không phải là vô lý, trừ khi hoặc đến khi họ tin chắc lực lượng họ đủ mạnh, tức phải cần đến sự hậu thuẫn rõ ràng và vững chắc của Hoa Kỳ.  Họ hiểu rằng mình không thể trông đợi điều gì từ trên giấy tờ của sứ quán, và không muốn liều mạng chỉ vì những bảo đảm từ miệng của người mà sau đó hoạt động như một sĩ quan liên lạc giấu mặt giữa Lodge và các chỉ huy quân đội.

Một ít năm sau các sự kiện này, các mật vụ đang theo dõi một quán ba có liên can đến hoạt động buôn lậu ma túy xuyên Đại Tây Dương khủng  được biết dưới tên ‘Đường Dây Ma Túy Pháp ‘. Đội giám sát bỗng giật mình nhận diện ra được Conein trong số những tên bạn găng tơ người Corse thời OSS của ông đang có mặt, tay bắt mặt mừng. Tuy nhiên Frank Scotton lập luận rằng bên dưới tư thế của Conein là kẻ gian hùng hoặc tên hề, tên vô lại này có thể làm việc hiệu quả để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, nghĩa là vào tháng 10 1963 móc nối chính quyền Mỹ ưng thuận lật đổ Diệm với các tướng lĩnh Việt sẽ biến nó thành hiện thực.

Lodge bực mình vì sự chậm lụt của nhóm âm mưu,  ông gắt gỏng viết, ‘không có ý chí cũng không có tổ chức… để hoàn thành việc gì cả’. George Ball sau này lập luận rằng bức điện August Harriman/Hilsman không tác động trong việc tiếp thêm sinh lực cho các tướng lĩnh cho bằng bài nói chuyện trên TV của Kennedy hai tuần sau đó  cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ rút lại viện trợ trừ khi Sài Gòn thay đổi đường lối. Nhiều người Miền Nam,  cả quân nhân hay dân sự,  cảm nhận được sức hậu thuẫn Diệm đã xẹp đi. Trung uý Nguyễn Công Luận là một người chống cộng cực lực và cũng không ưa chính quyền: ‘Các đồng đội của tôi cũng như tôi đều tin rằng cần phải đưa các lãnh đạo mới lên cầm quyền để Miền Nam có thể đương đầu hiệu quả với cộng sản và trở thành một nước có đầy đủ tự do và dân chủ như Hoa Kỳ’. Họ đã phấn chấn khi nhà độc tài Lý Thừa Vãn của Nam Hàn bị buộc ra khỏi chức vụ vào năm 1960. ‘Chúng tôi tin tưởng rằng nếu bên chúng tôi chứng tỏ có đủ quyết tâm và sức mạnh để làm một cuộc đảo chính,  người Mỹ sẽ phải hậu thuẫn chúng tôi.’ Tổng thống Kennedy giờ làm rối vấn đề khi phái McNamara và Taylor một sứ mạng tìm hiểu sự thật trong 10 ngày, bắt đầu vào 25 tháng 9. Họ trở lại hoang tưởng về ‘tiến bộ vượt bậc’ trên chiến trường, trong khi than phiền về tính không khoan nhượng của Diệm.  Họ đã thăm dò một cách vô ích tin tức về âm mưu đảo chính được cho là sắp bắt đầu. Khi Tướng Dương Văn Minh, biệt danh Big Minh, lãnh đạo nhóm âm mưu đảo chính, không nói gì quan trọng với Taylor trong một ván quần vợt tại Saigon’s Cercle Sportif (Câu Lạc Bộ Thể Thao Sài Gòn, bên cạnh Tao Đàn ngày nay), người Mỹ tưởng rằng kế hoạch chắc đã thất bại.  Ông và McNamara tuy vậy vẫn kết luận rằng thắng lợi quân sự vẫn có khả năng hiện thực, chỉ nếu chính quyền Sài Gòn có thể sắp xếp lại. Tức là cần phải loại bỏ nhà Ngô.

Nhà Trắng đánh điện Lodge vào ngày 2 tháng 10, nhấn mạnh rằng khả năng có thể khước từ là tất cả: ‘Giờ không nên chủ động xúi giục ngầm  cú đảo chính. Tuy nhiên,  phải nỗ lực  cấp bách … để nhận diện và xây dựng mối liên lạc với giới lãnh đạo thay thế có thể khi điều này xuất hiện.’ Ba ngày sau Lodge thông báo cho tổng thống cú đảo chính dường như cuối cùng cũng chắc chắn xảy ra. Conein và Minh gặp nhau trao đổi vài lần bằng tiếng Pháp trong một biệt thự thuộc địa cổ tại phức hợp quân đồn trú ở Sài Gòn. Minh nói rằng yêu cầu duy nhất không thể thương lượng của ông là người Mỹ bảo đảm sẽ tiếp tục viện trợ.  Ông cảnh báo với Conein thời gian là yếu tố cấp thiết: âm muu của ông chỉ là một trong vài toan tính cạnh tranh khác. Hôm đó một nhà sư khác tự thiêu đến chết.

Báo cáo của Conein khiến Lodge dặn dò với Washington rằng ông chỉ cần cho Minh một đảm bảo rằng Hoa Kỳ ‘sẽ không ngăn cản’ sự thay đổi chế độ. Kennedy đồng ý,  mặc dù cảnh báo rằng người Mỹ không được tham gia tích cực vào tiến trình đảo chính

. Tâm trạng Sài Gòn hiện giờ như lên cơn sốt, với tin đồn khắp nơi về một mối đe dọa đang đến gần Diệm.  Điều này có tác dụng báo động các tướng lĩnh Việt, một lần nữa bước lùi khỏi bờ vực.

Lodge cảm thấy buộc phải đuổi việc trưởng CIA khu vực

 John Richardson, người cùng chia sẻ với Paul Harkins sự hoài nghi về việc lật đổ Diệm.

Rồi Nhu tăng cường chiến dịch đàn áp chính trị,  và công khai nói xấu người Mỹ đã chúi mũi vào. Sau cuộc chiến, các quan chức cộng sản cao cấp nhận xét rằng đây có thể là một thời điểm lý tưởng để xúi giục một cuộc tổng nổi dậy: Miền Nam đã mất ổn định và dễ bị tổn thương; gần như mọi người đều ghét nhà Ngô. Tuy nhiên,  Trung ương Cục Miền Nam chỉ duy trì chiến tranh du kích, trong khi ở Sài Gòn các tướng lĩnh mặc cả cho sự hậu thuẫn từ các đơn vị chủ lực. Lou Conein ra sức giữ cho các người âm mưu bám đúng lộ trình qua cuộc trao đổi vỗ về với Tướng Đôn tại phòng khám nha khoa chung của họ, trở thành nơi an toàn để gặp gỡ.

Vào ngày 26 tháng 10, ngày Quốc Khánh, Diệm lên thăm khu an dưỡng trên đồi ở Đà Lạt.  Trong tâm trạng bồn chồn, phi cơ ông đi sau một phi cơ C-47 chim mồi giống hệt nhưng trống rỗng, và tất cả súng trường của đội lính dàn chào danh dự đều được thanh tra để bảo đảm không có đạn. Tổng thống có lịch  họp với đại sứ Hoa Kỳ, và Frank Scotton được giao nhiệm vụ tra hỏi một liên lạc người Việt  trong đường dây âm mưu, để biết liệu Lodge có thể vào phòng khách của tổng thống mà không bị ăn đạn hay không. Khi nhân viên

USIA nhận được cái gật đầu cần thiết: các tướng lĩnh chưa sẵn sàng ra tay. Chuyến viếng thăm, và cuộc họp của Diệm với ngài đại sứ xảy ra không gặp sự cố gì.

Tại Washington,  sự chia rẽ vẫn tiếp tục. Phó tổng thống

Lyndon Johnson chỉ tác động một ảnh hưởng nhỏ, nhưng khăng khăng chống đối việc loại bỏ nhà Ngô. Là một người chống cộng từ gan ruột,  ông nhìn thách thức chỉ là việc xoay sở đánh bại VC về mặt quân sự. Vào ngày 29 tháng 10 Kennedy họp Hội đồng An Ninh Quốc gia để thảo luận về một bức điện của Harkins,  bày tỏ mong muốn hợp tác với nhà Ngô: ‘Đúng hay sai, chúng ta đã hậu thuẫn Diệm tám năm ròng. Theo tôi dường như không thích hợp để lôi ông xuống, đá ông đi  và loại bỏ ông.’ Thông điệp này lay động Robert Kennedy, và ông quả quyết là một cú đảo chính giờ đây có vẻ liều lĩnh. 

Cố vấn Hội đồng An Ninh Quốc gia McGeorge Bundy gửi một bức điện khác đến Lodge, phản ánh mối ngờ vực mới của tổng thống.  Nhưng vị đại sứ đã trở nên quyết tâm muốn nhìn âm mưu tiến triển: ông không hề chuyển tải lời nói nước đôi với các tướng lĩnh Việt hoặc đến Lou Conein. Vào ngày 1 tháng 11 người nhân viên OSS cũ này đến bộ tư lệnh quân đội theo đúng hẹn, mặc quân phục, mang theo một khẩu súng lục .357 cùng với $US 40,000 tiền mặt, mà ông coi là các món phụ tùng thích hợp cho công việc buổi chiều  lật đổ một chính quyền. Ông để vợ và con cái ở một biệt thự có lính Mũ Nồi Xanh bảo vệ,  và điện đàm từ xe jeep một tín hiệu đã  thỏa thuận trước  cho các cấp trên của mình cho biết chiến dịch đang bắt đầu: ‘Chín, chín, chín, chín, chín.’ Binh lính nổi loạn tiến hành tấn công vào dinh Diệm,  nơi tổng thống và ông em đang trú ẩn dưới hầm. Tại Sài Gòn nhóm âm mưu bắt giữ và bắn chết vài sĩ quan trung thành với nhà Ngô. Lúc 4:30 p.m. Diệm điện thoại cho Lodge nhờ giúp đỡ,  và chỉ nhận được lời hứa đưa ra nước ngoài bình yên.

Nhóm âm mưu điện thoại cho tổng thống,  thúc giục ông từ chức để đổi lấy mạng sống. Thay vào đó ông liên lạc với đám thân tín, cố vơ vét sự hậu thuẫn nhưng không bao giờ đến.

Lúc 8 giờ tối đó Diệm và Nhu thử một nước cờ tuyệt vọng,  lẻn ra khỏi dinh và lái đến Chợ Lớn qua các đường phố vắng tanh, thách thức lệnh thiết quân luật do phe đảo chính áp đặt. Cả hai trú ẩn trong một ngôi nhà mà Nhu đã chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp như thế, với hệ thống liên lạc của riêng nó: họ đang ở Chợ Lớn khi binh sĩ  nổi dậy bắn pháo và cuối cùng tràn vào dinh, tấn công

 đám binh sĩ bảo vệ kháng cự đến chết để bảo vệ cho một Diệm vắng mặt.  Chỉ sau vài giờ đánh nhau tòa nhà đổ nát bị chiếm, rồi  bị cướp bóc mọi thứ từ áo ngủ của bà Nhu đến bộ sưu tập tranh khôi hài đầy ấn tượng của Diệm. 

Lúc 6 a.m. ngày 3 tháng 11, Diệm bơ phờ điện thoại cho Big Minh và chịu thương thảo các điều kiện từ chức. Các tướng lĩnh bác bỏ đề nghị,  cũng như sự gợi ý là ông nên được phép rời đất nước với danh dự dành cho vị nguyên thủ. Nhiều phút sau đó, Diệm gọi một lần nữa: ông và em ông đã quyết định đầu hàng vô điều kiện, và xin đến rước tại St Francis Xavier, nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn.  Các tướng lĩnh,  không biết phải làm gì với vị tổng thống bị sa thải của mình,  quay sang hỏi ý  Lou Conein. Ông nói sẽ mất 24 giờ để xin được một máy bay Mỹ chở Diệm ra đi, và họ còn phải tìm một xứ sở muốn đón nhận ông.

Các tướng lĩnh phái một cựu mật vụ đi đón Diệm và Nhu từ Chợ Lớn trong một xe thiết giáp M-113 APC. Trong nhóm đi đón còn có Đại úy Nhung, cận vệ thân tín của Minh. Người ta cho rằng Minh đã ra dấu kín đáo với y – hai ngón tay giơ lên – để chỉ các tù nhân phải bị giết. Nhung cũng đã hành hình hai người trung thành với Diệm vào đêm trước. Tại nhà thờ, anh em Diệm bắt tay với các thành viên hộ tống và bị họ đẩy lên xe với lời trấn an là dùng thiết giáp để bảo vệ chống các ‘phần tử quá khích’. Trên đường trở về Sài Gòn, đoàn xe nhỏ dừng lại một giao lộ khi có tàu hỏa chạy cắt ngang. Tại đó, một sĩ quan xả súng máy vào hai hành khách.  Thiết giáp, đầm đìa máu, sau đó tiếp tục đến văn phòng Minh tại Bộ tư lệnh quân đội,  tại đó người của ông thông báo ngắn gọn, ‘Mission accomplie.’ (Tiếng Pháp có nghĩa ‘Sứ mạng hoàn thành’: ND).

Vị tướng bảo với Conein rằng Diệm  đã tự tử,  rồi hỏi,  ‘Ông có muốn xem ông ta không?’ Tuyệt đối không, người Mỹ trả lời: có ‘cơ may một phần triệu ‘ thiên hạ sẽ tin câu chuyện của phe đảo chính,  và ông không muốn bị bổi rối khi giáp mặt với sự thật. 

Một giảng viên tại Hội đồng Anh bỗng thấy mình đi nhận diện thi thể Diệm và Nhu tại bệnh viện St. Paul, bởi vì ông kết hôn với người cháu của vị tổng thống quá cố. Diệm dường như bị bắn một phát ngay cổ, còn Nhu bị nhiều phát ngay lưng. Lodge triệu tập các vị tướng đến sứ quán Mỹ, tại đó ông khen ngợi cú đảo chính ‘thành công về mọi mặt’, rồi gửi một bức điện hồ hởi về Washington: ‘Viễn ảnh bây giờ là dành cho một cuộc chiến ngắn ngày hơn.’ Có những cuộc ăn mừng tại Sài Gòn và các thành phố khác,  ảnh của nhà độc tài bị hạ bệ bị lôi xuống một cach hân hoan khỏi bức tường các công sở . Hàng trăm tù nhân chính trị, một số còn hằn dấu vết bị tra tấn,  được trả tự do.  Một ký ức không thích hợp vẫn còn vương vấn trong tâm trí  nhiều người Sài Gòn: lệnh cấm khiêu vũ,  do bà Nhu áp đặt được cho là nhân danh đạo đức công cộng,  được

bãi bỏ.  Hàng ngàn người khiêu vũ, nói một cách hình tượng, trên mộ nhà Ngô.

Neil Sheehan và một số đồng nghiệp nhà báo phát hiện một lóe hi vọng hão huyền: ‘Nếu bạn bám vào Diệm,  bạn sẽ đánh thua cuộc chiến. Chúng tôi nghĩ, nếu họ được một chế độ quân sư tốt đẹp,  họ còn có cơ hội.’ Tướng Dương Vân Minh nắm quyền lãnh đạo Hội đồng quân nhân kiểm soát chính quyền Miền Nam.  Ở London  tờ Times báo cáo vào ngày 5/11: ‘Sài Gòn như nhấc khỏi một gánh nặng. Đường phố chật ních như thể chưa bao giờ chật ních người đến thế.   … Hàng ngàn Phật tử ùa vào chùa Xá Lợi để dự lễ cầu nguyện trong hoan hỉ. Một thông tín viên đặc biệt nói thêm: ‘Việc một vài thành viên trong hội đồng tướng lĩnh có khuynh hướng thân Mỹ  … sẽ khiến cho họ đi theo chế độ dân chủ.’ John F. Kennedy đang tham dự buổi họp với

Max Taylor khi nhận được thông tin về cái chết của Diệm. Vị tướng ghi nhận tổng thống ‘chạy vội ra khỏi phòng với vẻ mặt rất sốc và hốt hoảng’. Các tướng lĩnh Miền Nam hẳn sẽ không dám loại Diệm nếu họ không được bảo đảm đây chính là ý muốn của Mỹ. Không có ai cảnh báo họ nghiêm ngặt là không được giết Diệm.

Đôi khi có lập luận cho rằng chế độ Diệm có thể đã cải cách và sống được; rằng vị tổng thống quá cố là nguyên thủ quốc gia và độc lập cuối cùng. Phi công chiến đấu cơ KLVN Trần Hội nói,  ‘Tôi cho là người Mỹ đã sai khi hạ bệ ông.  Ông ta là một người yêu nước thực sự.’ Một số người Miền Nam biết suy nghĩ tôn trọng các nỗ lực của Diệm, tuy bị phán xử là sai lầm,  trong việc theo đuổi chính sách của riêng mình thay vì chỉ làm theo lệnh của người Mỹ. Một sĩ quan không lực khác, Nguyễn Văn Úc, nói: ‘Diệm biết rằng nếu (quân tác chiến Mỹ) bước vào,  người cộng sản sẽ vịn vào đó để nói mình đang chiến đấu chống cuộc thống trị của đế quốc. Một sĩ quan hải quân đồng ý: ‘Sau khi Diệm chết, ở Miền Nam không còn chính trị thực sự nào cả.’

Tài liệu cho thấy chế độ đã thối rữa đến tận xương tuỷ,  và không nhận được sự ủng hộ của đa số quần chúng.  Vậy mà cách thức mà vị tổng thống bị khử, giống như một hoàng đế La Mã bị đám Cận vệ hạ thủ, tung một quả đấm làm tê liệt và chắc chắn không thể cứu chuộc được vào tư thế đạo lý của Mỹ ở Đông Nam Á. Các tham mưu trưởng Mỹ khiếp đảm,  gọi sự kiện là ‘Vịnh Con Heo Á châu’. Frank Scotton nói, ‘Giết Diệm là một sai lầm thảm họa.’ Ông bảo với các xếp cho rằng tìm thấy triển vọng của một khởi đầu mới mẻ: ‘Một số các tướng lĩnh này cũng đáng quý, nhưng liệu có ai trong số họ có kỹ năng lãnh đạo hành chính hoặc chính trị dù nhỏ nhất nào không? Giờ đây khi cuộc đảo chính đẫm máu được nhìn nhận,  bất kì ai có đến hai xe tăng đều tin mình có quyền thay đổi chính quyền.’ David Elliott đã đến Việt Nam ‘tin tưởng rằng chúng ta đã làm điều đúng đắn. Nhưng chẳng bao lâu tôi chợt tin rằng thay vì ủng hộ đảo chính đáng ra chúng ta nên đối mặt với sự thật là giữa chúng ta và đồng minh không có mục đích chung.  Lẽ ra chúng ta nên ra đi.’ Một người Úc sau này làm việc ở Việt Nam viết: ‘Điều người Mỹ không biết là họ không thể áp đặt “dân chủ” lên Miền Nam. Đối với người Mỹ hậu thuẫn bất kì chính quyền nào đều làm nó phá sản.’ Một người được Ed Lansdale bảo trợ, sĩ quan CIA Rufus Phillips, nói về vụ giết Diệm,  ‘Tôi muốn ngồi xuống và khóc . . . Đó là một quyết định ngu ngốc và, trời ạ, chúng ta sẽ phải trả giá, họ phải trả giá, mọi người phải trả giá.’ Cựu đại sứ Sài Gòn Fritz Nolting từ chức Bộ Ngoại giao để phản đối.

Vào ngày 22 tháng 11 1963, vị tổng thống Hoa Kỳ 46 tuổi bị ám sát tại Dallas. Thậm chí khi thế giới than khóc,  nút thắt về điều riêng tư của Mỹ đối với bí ẩn của những gì xảy ra ba tuần trước ở Sài Gòn phản ánh sự tương xứng phũ phàng. Kennedy được kế vị bởi vị phó tổng thống của ông, một người có năng khiếu chính trị đáng kể, phần nhiều sau này đều bị quên lãng khi Lyndon Johnson mang xuống mồ ác mộng khủng khiếp của Việt Nam. Vào những ngày đầu đó, ít người bên ngoài nước Mỹ biết gì về vị tổng thống mới của mình. Ở London tờ Times nhận xét với sự hoài nghi hiển nhiên: ‘Trên sân khấu thế giới ông hình như vô danh.’ Arthur Schlesinger viết một cách thô bạo: ‘Ông hiểu biết ít và vậy mà dường như không thích bổ sung kiến thức, chẳng hạn, bằng cách nói chuyện với người nước ngoài.’

Cả dòng thác mực đã bỏ ra  để ước đoán về lộ trình mà John F. Kennedy có thể đã theo đuổi ở Việt Nam,  nếu không có các viên đạn ở Texas. William Colby của CIA nghĩ rằng ông ắt sẽ nhận ra nhu cầu cho một chiến lược chính trị, như một điều kiện tiên quyết cho bất kì việc gửi binh sĩ Mỹ nào. Tùy viên Nhà Trắng Kenny O’Donnell sau này tuyên bố rằng đã nghe tổng thống nói kết quả lý tưởng sẽ là chế độ Sài Gòn yêu cầu người Mỹ rút đi. Quốc vương xứ Camelot có thể đã duy trì một sự đưa quân có giới hạn, mà không phải gửi đi đến nửa triệu người. Robert McNamara xác nhận rằng Kennedy hẳn sẽ ra khỏi cuộc chiến một khi cuộc tái cử 1964 thành công. Tuy nhiên, nhà viết tiểu sử ngài bộ trưởng quốc phòng lưu ý rằng ông bày tỏ niềm tin này chỉ khá lâu sau đó. 

Chứng cứ dường như tràn ngập cho rằng suy nghĩ của tổng thống bị khống chế bởi những yêu cầu cho chiến dịch tái tranh cử sắp đến. Vào mùa xuân trước ông đã bảo với Thượng nghị sĩ Mike Mansfield rằng ông ủng hộ việc rời bỏ Việt Nam,  nhưng không thể làm thêm trước cuộc bầu cử.  Vào ngày 22 tháng 11 (ngày ông bị ám sát) tại Dallas Trade Mart, Kennedy theo thời khóa sẽ nói: ‘Chúng ta trong đất nước này  vào thời đại này là những người lính canh cho tự do  … Sự hỗ trợ của chúng ta cho … các quốc gia  có thể là đau đớn, liều lĩnh, và tốn kém,  như đúng thực ở Đông Nam Á hiện nay.  Nhưng chúng ta không mệt mỏi vì nhiệm vụ ấy.’ J.K. Galbraith nhớ lại: ,’Tôi nghe (Kennedy) nói nhiều lần … “Đúng là có quá nhiều nhượng bộ mà người ta có thể làm đối với Cộng sản trong một năm mà vẫn sống còn về mặt chính trị.”‘

Sự ngưỡng mộ hiện đại đến nín thở thường che khuất sự kiện là vào giữa tháng 11 1963, vị thế trên thế giới của Kennedy thì thấp. Tờ London Times đăng bài chính luận vào ngày 12 trước vụ Dallas, về một ‘cảm nhận của sự tê liệt’ bao trùm chính quyền Hoa Kỳ,  về ‘sự bất mãn tổng quát’ đối với hoạt động của nó, phản ánh trong các thất bại về chính sách trên vài lục địa.  ‘Vì nguyên do nào đó,  hành pháp Mỹ trở nên ngày càng bất lực trong việc tạo ảnh hưởng lên các sự kiện trong nước hoặc ngoài nước.’ Dường như không thể tin là Kennedy sẽ dám hành động theo một phương cách khiến mình dường như yếu hẳn trước khi đến tháng 11 1964 là mùa tranh cử. Sau khi tái đắc cử, ông có thể thể hiện tính dũng cảm đạo lý mà  Lyndon Johnson không có,  để giảm bớt thiệt hại cho nước Mỹ – nhưng ông ắt hẳn sẽ không làm thế.

Chính sách về Việt Nam của Kennedy chịu cùng sự thiếu thốn nền tảng như thiếu sót của mọi tổng thống khác trong khoảng 1945 và 1975: nó bắt rễ trong những yêu sách của chính trị nội bộ, hơn là trong cách đánh giá hiện thực các lợi ích và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.  Kennedy là một người đủ thông minh và nhạy cảm  – cứ xét sự hoài nghi trước đây của ông về Đông Dương thì rõ – để nhận ra tính không chắc chắn của thắng lợi quân sự của Mỹ tại đó.  Tuy nhiên,  trong khí hậu Chiến tranh Lạnh,  lúc đó rất lạnh, chi phí ở lại Miền Nam đối với Nhà Trắng thời Kennedy có vẻ thấp hơn chi phí để thế giới nhìn thấy mình bỏ cuộc, thất bại, thua trận, dâng điều tốt nhất cho người cộng sản.  Tổng thống lẫn Robert McNamara không ai nắm được chiều sâu của nhược điểm tiềm năng của Việt Nam cho đất nước mình.

Vào cuối năm 1963 chính quyền Sài Gòn không hiện diện xương thịt trong một vài khu vực ở đồng bằng Cửu Long,  được cộng sản gọi là ‘Vùng 20/7’ – ngày ký Hiệp định Geneva  – và ‘những khu giải phóng’ như thế phát triển nhanh chóng trong tình hình hoang mang theo sau cái chết của Diệm.  Sĩ khí của binh sĩ Miền Nam suy sụp, thậm chí những đội hình được cho là tinh nhuệ cho thấy không muốn giao tranh với địch.  Chương trình Ấp Chiến Lược sụp đổ.  Với sự bất ngờ đáng kinh ngạc, trên khắp những vùng rộng lớn của đất nước, MTDTGP cho thấy mình là bên đang thực sự  lèo lái.

Người Mỹ thích thú nghe một đối thoại có tính khôi hài đen được cho là giữa Lodge và Big Minh, trong đó ngài đại sứ thúc giục vị tướng xúc tiến trấn an dân chúng giống như Lyndon Johnson đã làm trong bài diễn văn được truyền hình sau vụ ám sát Kennedy.

 Mình nói: ‘Tốt lắm. Hãy cho chúng tôi TV.’

Sự rơi đài của Diệm đưa đến kỳ họp khẩn cấp của uỷ ban trung ương, khởi đầu vào ngày 22 tháng 1. Hồ Chí Minh kêu gọi ôn hòa,  nhưng phe diều hâu bác bỏ đề nghị này: có việc chưa được khẳng định cho rằng ông xồng xộc bỏ ra ngoài, bực tức hoặc chán nản. Một thái độ như thế có vẻ không giống tính ông, cho dù một tháng sau đó ông được cho là đã bảo với đại sứ Xô viết là mình sắp sửa thôi làm chính trị. Điều chắc chắn là kỳ họp đó đánh dấu sự kết thúc ảnh hưởng quan trọng của ông trong các sự kiện – mặc dù trong con mắt của thế giới ông vẫn là  hiện thân cho đất nước mình – và khẳng định Lê Duẩn là quyền lực trước nhất ở Hà Nội,  với Lê Đức Thọ phụ tá có tầm ảnh hưởng nhất của ông.  Lê Duẩn thừa hưởng một lợi thế vượt trội với địch thủ mình cả trong nước lẫn ở Hoa Kỳ: ông là tay chơi quan trọng duy nhất có mục tiêu rõ ràng và không dao động  – để tạo ra một Việt Nam thống nhất, theo đường lối Stalin.

Cần lưu ý rằng không tới 30 năm trước khi đế chế Xô viết sụp đổ, ông không biết chút xíu gì về sự thất bại lịch sử của mô hình kinh tế của nó. Mối quan hệ với Bắc Kinh  – giờ Stalinit hơn cả Xô viết của Stalin – đã trở nên thân thiết hơn: vào ngày 2 tháng 8 tại Bắc Kinh, người Trung Hoa ký một hiệp ước hứa hẹn sẽ hậu thuẫn quân sự trực tiếp cho Miền Bắc trong trường hợp Mỹ xâm lăng.  Liệu Mao có tôn trọng hiệp ước này hay không là điều cần tranh cãi, nhưng vào mùa thu 1963 hiệp ước củng cố mạnh mẽ cánh tay của Lê Duẩn và các đồng chí cùng phe với ông trong bộ chính trị. Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, đến thăm Hà Nội,  đưa ra lời động viên tích cực cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam hơn bất cứ lãnh đạo Bắc Kinh nào gần đây.  Vũ khí Trung Quốc bắt đầu đổ về với số lượng lớn và chở vào nam, trong khi 7,850 bộ đội làm cuộc hành trình hùng tráng đến ‘Chiến trường B’, tên Hà Nội đặt cho Miền Nam. Cuộc họp uỷ ban trung ương Đảng kết thúc với cam kết nhất trí cho một chiến dịch quân sự mới, chủ động,  tiến công. Lê Duẩn và các đồng chí nghĩ rằng chế độ Sài Gòn mới nhanh chóng nổ tung và do đó người Mỹ không chắc sẽ gửi bộ binh đến hậu thuẫn cho một lý tưởng đã mất. Lo lắng  khoảng trống quyền lực ở Miền Nam sẽ sớm được lắp đầy, họ quyết định leo thang khẩn cấp, và thế là ra đời Nghị quyết 9, được soạn vào tháng 12 1963 và gồm hai văn bản mà một được ban hành vào 20 tháng 1 1964, văn bản kia là tối mật: ‘Nỗ lực Chiến đấu, Tiến Nhanh đến Thắng Lợi Mới ở Miền Nam’. Trong khi đó trong nước, phe cuồng tín phát động một cuộc thanh trừng mới ‘bọn khuynh hữu’, một số là các người hùng của kỷ nguyên Việt Minh: hàng ngàn các viên chức, nhà báo và trí thức được gửi đi cải tạo.

Nghị quyết 9 biểu thị một quyết tâm lịch sử phát động một cuộc đấu tranh vũ trang đến kết cục đắng cay.  Trong khi Moscow và Bắc Kinh băn khoăn về hậu quả có thể xảy ra của cuộc chiến, và trong vài tháng viện trợ của Xô viết gần như bằng 0 và người Nga không có đại sứ ở Hà Nội,  cả hai trở nên miễn cưỡng tin tưởng rằng họ phải thể hiện sự hậu thuẫn chính nghĩa của cách mạng và giải phóng với viện trợ vũ khí hào phóng hơn.

Hà Nội cổ vũ những người hậu thuẫn mình: ‘Thời cơ đã đến cho Miền Bắc để gia tăng trợ giúp Miền Nam  … Kẻ thù  … đang sử dụng lực lượng vũ trang của họ để giết và cướp bóc nhân dân  … Cách duy nhất để đập tan họ là bằng cuộc đấu tranh vũ trang, mà sau đây sẽ trở nên có tính quyết định.’

Mặc dù đồng bằng Cửu Long chứng kiến sự gia tăng tức thời nhất trong hoạt động du kích, trọng tâm của cuộc chiến dời về Cao nguyên Trung phần và vùng tây-bắc Sài Gòn.  Mục tiêu mới đầy tham vọng của cộng sản là giao tranh, đập tan và phá vỡ quân đội Miền Nam.

Một số sử gia cho rằng trong năm 1962-63 nhiều cơ hội quan trọng để thương lượng hoà bình đã bỏ lỡ. Điều này có thể đúng, tới chừng mực mà người Miền Bắc,  và chính Lê Duẩn, trong một thời kỳ cân nhắc việc đàm phán cho Mỹ rút đi, theo sau là sự trung lập hóa. Tuy nhiên, hoàn toàn không chắc Tổng thống Diệm chấp nhận đàm phán liên quan đến việc chia sẻ quyền lực với MTDTGP.  Hơn nữa, nếu một cuộc mặc cả đã quyết, điều này chỉ cho ta một thời tạm ngưng ngắn ngủi nhất trước khi Việt Nam trở thành một nhà nước cộng sản thống nhất: Hà Nội và Trung ương Cục Miền Nam,  không ai từ bỏ nỗ lực để đổi lấy bất cứ điều gì kém hơn. Nhìn lại cho ta thấy một kết quả như thế, một cuộc đầu hàng như thế dẫu sao cũng tốt hơn là chịu đựng thêm một thập niên biển máu núi xương sông lệ cho cả ba bên đã xảy ra sau đó. Phần đông người Miền Nam, và nhất là giới lãnh đạo Phật giáo,  ắt đã chọn hoà bình với bất cứ điều khoản nào; chính các người Mỹ bảo trợ đã bác bỏ một kết quả như thế, lập luận rằng đày đọa Miền Nam phải chia sẻ số phận ảm đạm về kinh tế,  xã hội và chính trị với anh em Miền Bắc của họ sẽ là một sự phản bội lịch sử. Người cộng sản và Hoa Kỳ phải chia sẻ trách nhiệm cho những nỗi kinh hoàng đã rơi xuống Việt Nam sau cái chết của John F. Kennedy, bởi vì cả hai đều muốn không ngừng tung ra bạo lực bừa bãi,  thay vì nhượng bộ ý chí của đối thủ mình. Sĩ quan pháo binh dã chiến Mỹ Doug Johnson nói: ‘Điểm ngoặt chủ yếu đầu tiên trong cuộc chiến là vụ ám sát Diệm.  Từ ngày đó,  chúng ta đã đánh mất cơ sở đạo lý. Mọi người đều hiếu rằng chúng ta là đồng lõa. Ai còn tin cậy chúng ta? Phục vụ ở Việt Nam,  tôi nghĩ; “Tôi sẽ làm tốt nhất có thể,  và tôi chúc những người dân này tốt đẹp, mà không còn được hy vọng nhiều cuộc chiến này rồi sẽ kết thúc tốt đẹp.’


Đếm xác

Thể hiện lòng trắc ẩn, người Mỹ vẫn không ngăn cản được người Việt đổ tội cho họ gây ra thảm cảnh đất nước mình

Hình anh em làm què quặt chính nghĩa Mỹ tại Việt Nam: một nhà sư tự thiêu trên đường phố Sài Gòn

Diệm bị bắt và bị sát hại

Bình luận về bài viết này