CHƯƠNG 14 : K Ỹ NGHỆ, HIẾN PHÁP, VÀ CHỦ NGHĨA DÂN TỘC 1163-1336 SH [1750-1918 CN]
Tamim Ansary
Trần Quang Nghĩa dịch
BDUL WAHHAB, Sayyid Jamaluddin-i-Afghan, và Sayyid Ahmed xứ Aligarh—mỗi người là điển hình cho một ý tưởng khác nhau về điều sai lệch xảy ra với thế giới Hồi giáo và cách thức chỉnh đốn nó. Trong suốt thế kỷ 19, nhiều hoán vị của ba trào lưu này tiến hóa và lan rộng. Trong tất cả, chính chủ nghĩa hiện đại thế tục, đường hướng mà Sayyid Ahmad xứ Aligarh đấu tranh, đã chiếm được quyền lực chính trị công khai nhất. Đó là không muốn nói chính Sayyid Ahmad sản sinh ra một phong trào hùng mạnh nào đó. Ông đúng là một trong số nhiều nhà cải cách thế tục trên khắp thế giới Hồi giáo đã khởi xướng các ý tưởng tương đối giống nhau. Điều khiến ý tưởng này quá thuyết phục là bộ ba hiện tượng tràn vào trung tâm Hồi giáo ngay lúc đó, từ châu Âu: kỹ nghệ hóa, chủ nghĩa hợp hiến, và chủ nghĩa dân tộc.
Quan trọng nhất trong ba ắt hẳn là công cuộc kỹ nghệ hóa, mà nét quyến rũ của nó tác động đến mọi nơi trên thế giới. Ở châu Âu, Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ ra đời từ một môi trường sôi nổi các phát minh nở rộ suốt năm 1800, bắt đầu là máy hơi nước. Thường thì chúng ta nói về các phát minh vĩ đại như thể chúng tạo được tiếng tăm chỉ vì chúng tồn tại, nhưng thật ra, người ta không bắt đầu chế tạo và sử dụng một công cụ chỉ vì nó tiện lợi. Tính đột phá về kỹ thuật mà một phát minh biểu thị chỉ là một trong các thành tố khiến nó thành công. Bối cảnh xã hội là điều thực sự xác định liệu phát minh ấy có “bắt rễ” được hay không.
Máy hơi nước cung cấp một trường hợp đang xét. Điều gì có thể hữu ích hơn? Điều gì có thể rõ ràng biến đổi thế giới hơn? Vậy mà máy hơi nước được phát minh trong thế giới Hồi giáo hơn ba thế kỷ trước khi nó xuất hiện ở phương Tây, nhưng trong thế giới Hồi giáo nó không mảy may tác dụng. Máy hơi nước khi đó chỉ được sử dụng để tạo lực cho cái xiên khiến toàn bộ con trừu có thể được nướng hiệu quả tại bữa tiệc bọn người giàu có. (Một mô tả của công cụ này xuất hiện trong một bộ sách năm 1551 của một kỹ sư Thổ tên Taqi al-Din.) Tuy nhiên, sau cái xiên không ai nghĩ đến áp dụng nào khác cho công cụ này, và thế là nó bị quên lãng.
Một trường hợp khác đang xét: khoảng thế kỷ 10 người Trung Hoa cổ có mọi kỹ thuật họ cần để cơ khí hóa sản xuất và sản xuất hàng loạt hàng hóa, nhưng họ không làm thế. Họ sử dụng máy truyền động bánh răng để làm đồ chơi. Họ sử dụng một tua-bin thủy lực để chạy một đồng hồ thật lớn. Nếu họ sử dụng các kỹ thuật này để chế tạo máy móc tiết kiệm sức lao động như loại máy trong các hãng xưởng mọc lên như nấm ở châu Âu thế kỷ 19, Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ chắc chắn đã khởi phát ở Trung Hoa.
Thế thì tại sao không như thế? Tại sao các phát minh này không thể “bắt rễ” cho đến khi nó được sáng chế ở phương Tây? Câu trả lời không liên quan đến chính các phát minh nhiều như liên quan đến bối cảnh xã hội trong đó phát minh đó ra đời.
Khi người Hoa sáng chế máy truyền động răng cưa, nhà nước của họ là một nhà nước hiệu quả, trung ương tập quyền cao trong đó bộ máy hành chính triều đình quản lý toàn bộ xã hội. Chức năng chính của bộ máy này ngoài việc lưu trữ sổ sách và quốc phòng còn lo tổ chức các công trình công cộng. Tài năng của nền văn hoá chính trị Trung Quốc là khả năng thu hút lượng lao động dư thừa cho các đại công trình xây dựng cho công ích. Vị hoàng đế đầu tiên, chẳng hạn, cử ra một triệu người để xây dựng Trường Thành. Một hoàng đế sau này sử dụng càng nhiều nhân công hơn để đào kênh Đại Vận Hà, nối hai hệ thống sông chính của xứ sở. Vâng, Trung Quốc sở hữu công nghệ xây dựng cơ khí tiết kiệm sức lao động, nhưng ai sẽ chế tạo nó? Chỉ có bộ máy triều đình mới có khả năng, và tại sao nhà nước lại buồn tiết kiệm thứ mà họ có dư thừa? Trung Hoa có đông dân số và sức lao động rẻ mạt. Nếu nhiều người lao động không có việc để làm, thì ai sẽ lo giải quyết chuỗi đứt gãy xã hội phát sinh? Bộ máy hành chính. Định chế duy nhất có khả năng kỹ nghệ hóa lại không có động lực để phụ trách nó.
Tương tự, các nhà phát minh Hồi giáo không nghĩ sẽ sử dụng lực hơi nước để tạo ra các công cụ sản xuất hàng hoá tiêu thụ, bởi vì họ sống trong một xã hội đã tràn ngập hàng hóa tiêu thụ dư thừa, tràn ngập đồ mỹ nghệ tạo tác bởi hàng triệu thợ thủ công và được phân phối bởi mạng lưới mậu dịch hiệu quả. Ngoài ra, các nhà phát minh làm việc cho giới ưu tú nhàn rỗi vốn đã sở hữu mọi thứ hàng hóa họ có thể tiêu thụ và số phận của họ trong cuộc sống không yêu cầu họ phải sản xuất – nói chi đến sản xuất hàng loạt – cái gì cả.
Đó không phải là sự rối loạn nào đó trong xã hội khiến phát sinh sự thờ ơ với các kỹ thuật có tiềm năng làm biến đổi thế giới, mà hoàn toàn ngược lại. Đó là điều gi đó hoạt động quá tốt đã dẫn họ vào trong “một cái bẫy cân bằng bậc cao” (cụm từ vay mượn của sử gia Mark Elvin.) Nhu cầu, hóa ra, không phải là mẹ của phát minh; nó là mẹ của tiến trình biến một phát minh thành một sản phẩm, và trong châu Âu vào cuối thế kỷ 18, người mẹ đó đã sẵn sàng.
Máy hơi nước tiến hóa từ các bơm hơi nước được các chủ mỏ tư nhân sử dụng để giữ cho đường thông hầm mỏ không ngập nước. Cũng các chủ mỏ này còn có một vấn đề khẩn cấp khác cần giải quyết: chuyển quặng càng nhanh càng tốt ra sông hoặc cảng biển, để có thể hạ gục đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Theo truyền thống, họ dùng xe ngựa kéo các xe goòng chứa quặng đào được lăn trên các đường ray gỗ. Một hôm, George Stephenson, một quản lý mỏ người Anh dốt nát, nghĩ ra cách bắt bù loong bơm hơi nước vào xe và làm quay bánh, với một hệ thống bánh răng thích hợp. Tàu hỏa ra đời.
Nước Anh tại thời điểm này nhộn nhịp các ông chủ doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh chuyên chở sản phẩm và vật tư ra thị trường nhanh hơn người khác. Ai đến được đường sắt có thể được lợi thế hơn đối thủ, vì thế mọi người bắt đầu sử dụng đường sắt, và ai có phương tiện xây dựng tuyến đường sắt đều lao vào xây dựng
Cũng thế, sau khi James Watt hoàn thiện máy hơi nước vào cuối thế kỷ 18, các nhà phát minh Âu châu khôn khéo nghĩ cách cơ khí hóa khung cửi dệt vải. Bất kỳ ai sở hữu một máy dệt giờ đây có thể ăn đứt các thợ dệt truyền thống và xô đẩy họ vào đường thất nghiệp – trừ khi họ phải mua sắm máy dệt tương tự để cạnh tranh.
Nhưng người nào có vốn sắm được hai máy dệt, mười mấy dệt, một trăm máy dệt có thể loại ra nhiều nhiều nhiều nhiều đối thủ cạnh tranh và trở nên giàu giàu giàu! Tất cả tiền bạc kiếm được khiến các thầy thợ khôn khéo tự hỏi liệu có thứ gì khác có thể được chế tạo từ máy bánh răng chạy bằng nhiên liệu. Giày? Vâng. Đồ đạc? Vâng. Thìa? Tuyệt đối. Thật ra, một khi đã bắt đầu, người ta bỗng nhận ra gần như mọi món dùng hàng ngày có thể được chế tạo từ các máy này nhanh hơn, rẻ hơn, và với số lượng lớn hơn làm bằng thủ công. Và có ai không muốn làm một nhà tài phiệt về giày chứ? Hoặc tài phiệt thìa hoặc bất kì tài phiệt thuộc thứ gì?
Tất nhiên, tiến trình để lại vô số thợ thủ công và công nhân thất nghiệp, nhưng đây chính là chỗ mà châu Âu thế kỷ 19 khác với Trung Hoa thế kỷ 10. Ở châu Âu, người nào có phương tiện sắm được máy móc kỹ nghệ không chịu trách nhiệm đặc biệt gì đối với những ai bị máy móc cướp đi kế sinh nhai. Những người mà họ ảnh hưởng cũng không phải họ hàng hay bạn bè bộ tộc, mà chỉ là người lạ mà họ chưa bao giờ gặp hoặc biết tên. Hơn nữa, nhiệm vụ giải quyết sự đứt gãy xã hội phát sinh do nạn thất nghiệp tràn lan là của người khác, không phải của họ. Tiến lên với kỹ nghệ hóa không có nghĩa có sai phạm về đạo lý trong đó; nó chỉ phản ánh cách thức xã hội đặc biệt này bị phân ngăn.
Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ chỉ có thể xảy ra ở nơi một vài điều kiện tiên quyết tồn tại, và ở châu Âu vào thời kỳ đó chúng tình cờ tồn tại. Cách Mạng Kỹ Nghệ cũng có các hệ lụy xã hội không sao tránh được và ở châu Âu tại thời điểm đó, giao việc sản xuất cho máy móc cũng làm biến đổi xã hội, cuộc sống thường nhật, và chính con người Âu châu. Chúng ta hãy liệt kê (một số) cách thức:
- Dân quê bỏ vùng quê vào các thành phố mới gây ra nạn bùng nổ dân số.
- Thú vật biến mất khỏi cuộc sống thường nhật đối với phần đông người.
- Thời gian do đồng hồ và lịch trở nên quan trọng hơn các chỉ dấu thời gian trong thiên nhiên như mặt trời và mặt trăng.
- Mạng lưới gia đình rộng lớn đã mất dần, và gia đình hạt nhân – một chồng, một vợ, và con cái- trở thành đơn vị mặc định được chấp nhận phổ quát của thời đại kỹ nghệ.
- Mối liên hệ giữa người và nơi chốn yếu đi khi các thực tại kinh tế mới đòi hỏi tính cơ động: người ta phải đi đến với công việc, và thình lình công việc có thể ở khắp mọi nơi.
- Mối liên hệ giữa các thế hệ yếu đi, khi phần đông cá nhân không còn phải học tay nghề nuôi sống mình từ cha mẹ và cha mẹ có ít giá trị để truyền lại cho con trẻ. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con cái mình là bảo đảm chúng có các kỹ năng cơ bản cần thiết để linh hoạt, học tập, và thích nghi. Do đó, phổ biến hơn bao giờ hết, đọc, viết, và tính toán trở thành các kỹ năng thiết yếu của các cá nhân hoạt động.
- Và cuối cùng, sự thích ứng về mặt tâm lý- một khả năng buông bỏ các giá trị và ý tưởng cũ kỹ để ôm lấy các giá trị và ý tưởng mới.mẻ – trở thành một lợi thế cạnh tranh.
Tất cả những thay đổi này phát sinh ra lo âu, nhưng không phải là mối lo âu thê thảm, vì người Âu (và người Mỹ thậm chí hơn nữa) đã phát huy một phức hợp các thái độ khiến họ có thể đương đầu, và cốt lõi của phức hợp này là chủ nghĩa cá nhân, một định hướng đã mất hàng thế kỷ phát triển ở phương Tây.
Khi người Âu đến thế giới Hồi giáo, họ mang theo hàng hóa vốn là sản phẩm cuối cùng của Cách Mạng Kỹ Nghệ, nhưng không mang theo các tiến trình tiến hóa đã khiến các hàng hóa đó có thể. Người Hồi muốn có sản phẩm, tất nhiên, vì ai không muốn: vải rẻ, giày làm bằng máy, hàng hóa khô đóng gói và các thứ linh tinh, và không thấy bất cứ lý do gì mình không nên có chúng. Họ có thể mua và vận hành bất cứ máy móc nào phương Tây chế tạo. Họ có thể tháo tung máy, nghiên cứu cách chế tạo, và tự mình làm ra các máy tương tự. Không có gì trong tiến trình chế tạo vượt quá tầm hiểu biết của họ. Nhưng nền móng xã hội là một vấn đề khác. Điều kiện tiên quyết của việc kỹ nghệ hóa không thể nhập khẩu ngay lập tức. Hệ lụy xã hội không thể dễ dàng tiếp thu trong một xã hội có cấu kết khác với xã hội phương Tây.
Trong thế giới Ottoman, chẳng hạn, việc sản xuất đã nằm trong tay các phường hội, vốn chồng chéo với các dòng tu Sufi, vốn lại chồng chéo với bộ máy của nhà nước và xã hội Ottoman, vốn liên kết với sự kiện là mỗi người có nhiều liên hệ bộ tộc với nhau, vốn chồng chéo với tiền đề phổ quát rằng lĩnh vực công cộng thuộc độc quyền đàn ông còn đàn bà thì được giữ kín trong một thế giới riêng, tách biệt với chính trị và sản xuất.
Vậy mà, trên khắp thế giới, ở châu Âu cũng như trong thế giới Hồi giáo, trước khi có kỹ nghệ hóa nhiều công việc sản xuất thực sự nằm trong tay các phụ nữ, vì gần như mọi thứ có giá trị đều được sản xuất ngay hoặc gần nhà. Phụ nữ dệt vải và tự may lấy quần áo. Các bà có vai trò lớn lao trong việc chăn nuôi gia súc. Phụ nữ biến sản phẩm thô của vùng quê như len, rơm rạ… ra những sản phẩm hữu ích, và họ tạo ra các đồ thủ công mỹ nghệ. Khi các tiến trình này được cơ khí hóa, “nghề thủ công” đi xuống và khiến vô số các phụ nữ lâm vào cảnh thất nghiệp.
Ở châu Âu, số lượng lớn các phụ nữ này sau đó đi vào làm việc trong các hãng xưởng, cửa hàng, và cuối cùng văn phòng. Với cấu trúc xã hội Âu châu, họ có thể làm thế: nó gây ra một sự đứt gãy tâm lý và xã hội nào đó, chắc chắn rồi, nhưng phụ nữ đã tham gia vào lĩnh vực công cộng, và vì thế họ có thể làm việc bên ngoài, và họ đã làm thế, rồi từ phong trào vĩ đại này xuất hiện chủ nghĩa tích cực xã hội ngày nay được mệnh danh phong trào nữ quyền, một phong trào dựa trên sự tồn tại và tính bất khả xâm phạm của quyền cá nhân.(Chỉ sau khi khái niệm về “cá nhân” tồn tại ta mới có thể nói, “Mỗi cá nhân đều có quyền” và một khi xác tín đó được công nhận, ta có thể tiếp theo công nhận phụ nữ cũng có thể có cùng quyền như các ông vì cả hai đều là những cá nhân.)
Trong thế giới Hồi giáo, sự phân chia thâm căn giữa lĩnh vực công cộng của nam giới và lĩnh vực riêng tư của nữ giới khiến sự chuyển đổi từ nghề thủ công sang sản xuất có tính kỹ nghệ khó khăn hơn nhiều và phát sinh các lệch lạc xã hội gây nhiều nhức nhối. Trước hết, nó đòi hỏi lật ngược toàn bộ hệ thống xã hội phân liệt, việc này sẽ đánh vào hạt nhân của cuộc sống gia đình cho mỗi gia đình và để lại các vấn đề không được giải quyết cho cả các ông và các bà ở mức độ thâm sâu nhất của đời sống ý thức và ngay cả vô thức, như có thể thấy rõ ràng nhất vào cuối thế kỷ 20.
Cũng vậy, thay thế phường hội bằng hãng xưởng có nghĩa là cắt đứt mối liên kết giữa sản xuất và dòng tu Sufi, mà ở một mức độ nào đó ám chỉ sự cắt đứt giữa tâm linh và công ăn việc làm. Hơn nữa, chuyển việc sản xuất vào hãng xưởng yêu cầu mọi giới phải bắt đầu sống theo giờ giấc của đồng hồ; trong khi cốt lõi nền tảng của lối sống Hồi giáo, nghi thức cầu nguyện phải được thi hành 5 lần mỗi ngày, được ấn định trong bộ khung chỉ dấu thời gian thiên nhiên: vị trí của mặt trời là thời điểm xác định lễ cầu nguyện. Thế thì ở đây là một tình huống trong đó việc kỹ nghệ hóa đưa việc sản xuất đọ sức với việc thực hành tâm linh. (Châu Âu ắt hẳn cũng đối mặt với sự nghịch lý như thế nếu việc kỹ nghệ hóa xảy ra trong thời đại phong kiến khi các sự kiện như là buổi cầu kinh sáng và chiều đóng khung thời biểu con người.)
Ngoài tất cả các điều này, việc kỹ nghệ hóa đòi hỏi một xã hội vốn được tổ chức toàn bộ như những mạng lưới rộng lớn các dòng họ liên kết nhau với lòng trung thành bộ tộc thay thế hầu hết mọi liên kết khác phải tự nghĩ lại mình chỉ trong một sớm một chiều như là một thế giới gồm các cá thể riêng biệt, mỗi người tự đưa ra những quyết định độc lập về kinh tế dựa trên lợi ích riêng hợp lý và chỉ chịu trách nhiệm trước gia đình hạt nhân. Việc này sẽ không xảy ra; một cách dễ dàng. Và nó không thể xảy ra lập tức. Nó xác lập một dòng chảy cắt ngang con sông cái của nền văn minh Hồi giáo có từ những năm 700. Các xã hội Hồi giáo cần thời gian để các điều kiện tiên quyết về xã hội của việc kỹ nghệ hóa tiến hóa trong thế giới của họ. Nhưng việc đó cũng đã không xảy ra, thậm chí còn ít hơn. Trước hết, không ai nghĩ đến việc phải phát triển “điều kiện tiên quyết” trước đã. Họ chỉ nghĩ phải có được sản phẩm, công nghệ và các nguyên tắc khoa học nằm bên dưới việc sản xuất ra chúng.
Nghĩa là, không ai nhìn vào các hàng hóa tiêu thụ được máy làm ra lại nói, “Này, chúng ta cũng nên có Cải Cách và phát triển một giáo phái về chủ nghĩa cá nhân và rồi chờ một thời gian dài để cho lý trí ăn mòn uy quyền của đức tin trong khi phát huy các định chế chính trị cổ vũ việc tìm kiếm tự do để chúng ta có thể tình cờ gặp được các ý tưởng về khoa học hiện đại trong khi cùng lúc đó tiến hóa một hệ thống kinh tế được xây dựng trên nền tảng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân để đến khi trình độ khoa học chúng ta sản sinh được các công nghệ mới thì chúng ta có thể nhảy chồm lên chúng và do đó, trong vài trăm năm, hoàn toàn độc lập với châu Âu, tự làm được cùng loại sản phẩm như họ.” Không, người ta nói, “Hàng tốt quá, chúng ta có thể mua được ở đâu đây?” Bởi vì thật vô lý khi sáng chế lại bánh xe khi bánh xe đã nằm trên kệ hàng, đang bán tháo.
Marx và Engels, cùng với những người khác, đã có đủ số liệu để nói rằng việc kỹ nghệ hóa có những tác dụng phụ không mong muốn ở phương Tây, nhưng trong thế giới Hồi giáo nó còn gây ra tình trạng đứt gãy về mặt xã hội và tâm lý thậm chí còn lớn hơn. Nhưng chỉ cần sự hiện diện của các hàng hóa tiêu thụ sản xuất bằng công nghệ là đủ sức đánh đổ bất cứ luận điệu bác bỏ của tập sách nào, các bài giảng tôn giáo nào. “Tụi này là hàng hiệu; hãy mua đi,” chúng thì thầm, phát lệnh cho một ý thức lan tỏa rằng phải thay đổi điều gì đó, rằng dân chúng sống ở Iran hoặc Afghanistan hoặc Tiểu Á hoặc Ai Cập hoặc Morocco phải bằng cách nào đó trở nên…. giống Tây phương hơn. Vì vậy, khi nhận thức về Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ thấm qua thế giới Hồi giáo, các ý tưởng cải cách thế tục có đất đứng trong các xứ Hồi.
Ở Iran, sau thập niên 1840, một thủ tướng cực kỳ năng nổ tên Mirza Taqi, cũng được gọi là Tiểu vương Kabir, ‘Lãnh tụ Vĩ đại,” phát động một phong trào “hiện đại hóa” đất nước rầm rộ. “Hiện đại hóa” ý ông là “kỹ nghệ hóa”, nhưng ông biết tiến trình này vô cùng phức tạp. Ông hiểu rằng Iran không phải chỉ có được hàng hóa kỹ nghệ. Để bắt kịp các cường quốc Tây phương đang xâu xé đất nước mình, người Iran phải thủ đắc một số lĩnh vực văn hoá Tây phương. Nhưng lĩnh vực nào? Chìa khoá, Tiểu vương Kabir quyết định, là giáo dục.
Ông cho xây một mạng lưới các trường công lập thế tục trên khắp nước. Ngay bên ngoài Tehran, ông thành lập đại học đã được đề cập trước đây, Dar al-Funun hoặc “ngôi nhà tri thức,” nơi sinh viên có thể học ngoại ngữ, khoa học, các bộ môn kỹ thuật, và lịch sử văn hoá Tây phương. Iran bắt đầu gửi sinh viên du học đến các nước như Đức và Pháp. Không có gì ngạc nhiên, các sinh viên này xuất thân phần lớn từ các gia đình có quyền thế liên hệ với triều đình và bộ máy chính quyền – không phải từ giới nông dân, gia đình thương nhân, hoặc gia đình tôn giáo cao cấp. Vì vậy, chương trình giáo dục mới càng làm tăng sự cách biệt xã hội vốn đã tồn tại trong xã hội này.
Sinh viên tốt nghiệp từ hệ thống giáo dục thế tục này được cơ cấu vào bộ máy chính quyền và quân đội “hiện đại hóa”. (Hiện đại trong ngữ cảnh này nghĩa là “giống như bạn thấy ở châu Âu.”) Do đó, đáp ứng của Iran đối với việc công nghiệp hóa phát sinh một tầng lớp xã hội mới gồm những công chức nhà nước, sĩ quan quân đội, sinh viên đại học, giáo viên, kỹ thuật gia, chuyên gia, bất cứ ai tốt nghiệp từ Đại học Dar al-Funun, bất cứ ai đã du học ở châu Âu . . . . Tầng lớp đang đâm chồi này phát triển một quan điểm ngày càng thế tục hơn và chịu tiếp thu hơn với suy nghĩ xem đạo Hồi như là một hệ thống các giá trị đạo lý, hợp lý hơn là một cẩm nang dựa vào mặc khải để được lên thiên đàng.
Chủ nghĩa Hợp Hiến, một hiện tượng thứ hai ra đời ở châu Âu, giờ đây bắt đầu có tác động mạnh ở Iran, phần lớn bởi vị tầng lớp mới này đón nhận nó. Chủ nghĩa Hợp hiến không hoàn toàn giống như chủ nghĩa lý tưởng dân chủ, vì thậm chí chế độ độc tài cũng có thể có hiến pháp, nhưng hiến pháp chắc hẳn là một điều kiện tiên quyết cần thiết để đi đến dân chủ. Nó xác quyết rằng một xã hội hoạt động bên trong một khuôn khổ vững chắc gồm các điều luật được nêu ra nhằm trói buộc nhà cai trị cũng như người bị trị. Các vương quyền chuyên chế, hệ thống từ lâu có mặt trên khắp thế giới Hồi giáo, nghiễm nhiên trao cho nhà cai trị quyền lực đặt ra luật lệ theo ý mình vào bất cứ lúc nào. Điều quan trọng cần nhớ là trong các vương quyền chuyên chế kiểu dạng áp bức này không chỉ được nhà cai trị chóp bu áp dụng; nó cũng được phổ biến trên toàn xã hội, mỗi người đều có quyền hành tuỳ tiện đối với những kẻ dưới mình và chịu đựng tính khí thất thường của người đứng trên mình theo kiểu thượng đội, hạ đạp. Tương tự, dân chủ không chỉ có nghĩa người lãnh đạo chóp bu nắm được chức vụ qua bầu cử; nó còn có nghĩa một loại tiến trình tham gia tương tác tiếp tục tại mọi cấp độ: bầu cử không tương đương với dân chủ; nó chỉ là một khía cạnh cho thấy có dân chủ.
Chủ nghĩa Hợp Hiến tiên phong ở Iran một phần vì, từ tầng lớp đang lên của các nhà hiện đại hóa thế tục có học thức, xuất hiện giới trí thức. Họ tuyên bố tính hiện đại của họ không chỉ trong ý tưởng của họ mà còn ngay trong ngôn ngữ họ sử dụng để diễn tả các ý tưởng của mình. Các tác giả mới bắt đầu tránh sử dụng lối viết văn chương cổ điển Ba Tư, vốn có quá nhiều câu văn bay bướm sáo ngữ, và phát huy lối hành văn giản dị, chắc nịch, mà họ sử dụng để viết, không phải các thiên hùng thi và thơ trữ tình thần bí, mà là những tiểu thuyết châm biếm, những vở kịch chính trị. . .
Học giả văn học Hamid Dabashi ghi nhận trường hợp kỳ lạ của cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh Những Cuộc Phiêu Lưu của Hajji Baba xứ Ispahan, được viết bởi một du khách có tên James Morier, giả đò là mình chỉ dịch lại từ một nguyên tác Ba Tư. Morier sử dụng phong cách khôi hài trong tiểu thuyết mình để đả kích lối nói chuyện Ba Tư và mô tả người Iran là những kẻ vô lại và ba hoa bất lương.
Rồi, vào thập niên 1880, một việc kinh ngạc xảy ra. Nhà ngữ pháp Iran Mirza Habib dịch Hajji Baba ra tiếng Ba Tư. Đáng nể thay, những gì viết bằng tiếng Anh là rác rưởi có tính phân biệt chủng tộc xúc phạm, thì sau khi dịch, thành một tuyệt tác văn chương, đặt nền móng cho tiếng nói văn chương Ba Tư hiện đại và “một văn bản trọng yếu trong hành trình của phong trào hợp hiến.” Tính châm biếm mà Morier hướng vào người Iran theo kiểu Đông phương học, nhà biên dịch bẻ hướng chĩa vào bọn triều đình và giáo sĩ thối nát của xã hội Iran, do đó biến Hajji Baba thành một bài chỉ trích chính trị bốc lửa.
Với sự xuất hiện của giới trí thức hiện đại thế tục, các tác phẩm cổ điển Ba Tư, thi phẩm của Rumi và Sa’dia và Hafez, bắt đầu đóng bụi trong khi đó độc giả ngấu nghiến, không chỉ tác phẩm mới của Iran, mà còn các sách của các nhà tư tưởng Âu châu như Charles Montesquieu và Auguste Comte, các triết gia đưa ra học thuyết cho rằng xã hội tiến hóa qua các giai đoạn lần lượt cao hơn. Montesquieu phân loại và xếp hạng các hệ thống chính trị, tuyên bố rằng các nền cộng hoà là giai đoạn cao hơn tiếp theo sau quân chủ và chuyên chế. Comte cho rằng khi con người trở nên văn minh hơn họ tiến hóa từ nhận thức tôn giáo đến siêu hình đến khoa học.
Các nhà trí thức hiện đại Iran xác quyết rằng Iran cần phải tiến hóa. Nỗi bất mãn của họ tập trung vào vương triều Qajar, giờ đã cai trị sang thế kỷ thứ hai. Các ông vua này gần như xem xứ sở là của riêng mình. Hết ông Qajar này đến ông Qajar khác đã bán rẻ kinh tế quốc gia từng miếng một cho ngoại bang, để tài trợ cho thói xa hoa và trò lạc thú của mình, kể cả những chuyến du ngoạn đắt tiền đến châu Âu.
Sự bất mãn trong giới người chủ trương hiện đại hóa thế tục lên đến đỉnh điểm với Vụ Tẩy chay Thuốc lá, phong trào được Jamaluddin-i-Afghan cổ vũ quá nhiệt tình. Và tình cờ, Jamaluddin cũng lôi kéo giáo phái Shi’i vào Vụ Tẩy chay Thuốc lá, và chính nhờ liên minh này mà buộc được vị shah thoái lui. Nhưng một khi vị shah hủy bỏ độc quyền việc buôn bán thuốc lá của người Anh, nhóm giáo sĩ Shi’i cho rằng mình đã thắng nên rút khỏi trận địa.
Tuy nhiên, các nhà vận động còn lại vẫn đoàn kết nhau, và tìm ra các yêu sách mới. Họ kêu gọi ban hành một hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của nhà vua và trao cho nhân dân tiếng nói trong việc điều hành quốc gia. Được cổ vũ từ xa bởi Jamaluddin (lúc này bị phát vãn đến Tiểu Á), các nhà hiện đại thế tục này bắt đầu thảo luận việc xây dựng một nền dân chủ nghị viện. Phe giáo sĩ cực lực chống đối. Một hiến pháp sẽ là phi Hồi giáo, họ phán, vì Iran đã có một hiến pháp: đó là giáo luật Shari’a. Họ cũng dè bĩu ý tưởng dân chủ: chỉ có triều đại cai trị là được đạo Hồi cho phép, họ tuyên bố. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, cuộc đấu tranh dai dẳng ở Iran giữa phe giáo sĩ, triều đình, và giới trí thức thế tục, một cuộc đấu tranh trong đó hai phe có thể bắt cặp để chống phe thứ ba. Trong vấn đề hiến pháp, giáo sĩ và triều đình đoàn kết chống phe đổi mới.
Nhưng trào lưu hiện đại đang dâng cao. Vào năm 1906, vua Qajar Muzaffar al-din cuối cùng nhượng bộ. Ông ta công nhận hiến pháp hạn chế quyền lực mình một cách nghiêm ngặt và cho phép thành lập một nghị viện, được gọi tên là Majlis. Nhà vua băng hà một tuần sau khi Majlis đầu tiên nhóm họp, và con trai ông ta Mohammad Ali Shah lên kế vị. Không rõ nghị viện thực sự có quyền lực gì – nó không có quân đội và không chỉ huy lực lượng cảnh sát – vậy mà trong hai năm Majlis đã thông qua một số đạo luật đặt cơ sở cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, và một loạt các quyền tự do dân sự ở Iran.
Trước khi hết năm thứ ba, tuy nhiên, nhà vua chĩa các nòng đại bác nhắm vào trụ sở nghị viện và bắn nó sập, như muốn nói: “Hãy cho biện pháp cũ một cơ hội khác.” Phe ulama và mọi nhóm truyền thống khác hoan hô ông; và đó là tình hình ở Iran khi Thế Chiến I đến gần.
Trong khi đó, một hiện tượng Âu châu thứ ba đang quyến rũ tâm trí và trái tim trên khắp thế giới Hồi giáo: chủ nghĩa dân tộc. Iran là miền đất khô cằn cho ý thức hệ này, có lẽ bởi vì nó đã khá nhiều là một nhà nước- quốc gia, hoặc ít nhất gần sát một nhà nước-quốc gia hơn bất cứ khu vực nào của trung tâm Hồi giáo. Ở Ấn Độ, chủ nghĩa dân tộc bắt đầu biến đổi chủ nghĩa hiện đại thành một phong trào cuối cùng cho ra đời Pakistan. Nhưng chính trong Đế chế Ottoman và trong các vùng lãnh thổ đã từng là một phần của đế chế này mà chủ nghĩa dân tộc đã thực sự bắt rễ.
Khi tôi nói chủ nghĩa dân tộc, tôi không có ý nói nhà nước-quốc gia tự thân. Một nhà nước-quốc gia là một sự kiện địa lý cụ thể: một lãnh thổ với đường biên giới xác định, một chính quyền trung ương đơn lẻ, một bộ luật đơn lẻ do chính quyền đơn lẻ đó cưỡng chế, một loại tiền tệ đơn lẻ, một quân đội, một lực lượng cảnh sát, và cứ thế. Các nhà nước-quốc gia như Pháp và Anh phát triển tự phát từ các tình huống lịch sử và không bởi vì những người theo chủ nghĩa dân tộc quan niệm về chúng và rồi xây dựng chúng.
Chủ nghĩa dân tộc tôi đang nói tới đã (hiện) là một ý tưởng. Nó không phát triển nơi các nhà nước-quốc gia đã hình thành, nhưng nơi chúng chưa hình thành. Nó không mô tả cái gì là mà cái gì (được cho) là phải là. Dân tộc nói tiếng Đức vào thế kỷ 19 sở hữu nhiều công quốc và vương quốc. Ý cũng phân mảnh tương tự, và toàn bộ châu Âu ở phía đông Đức cũng thế. Chủ nghĩa dân tộc nảy nở trong các vùng lãnh thổ như thế.
Các hạt mầm ý tưởng trở về đến triết gia Đức thế kỷ 18 Johann Herder, người chỉ trích các triết gia “khai sáng” như Immanuel Kant. Các triết gia khai sáng dạy rằng con người cơ bản là một sinh vật có lý trí và rằng các giá trị đạo lý rút cuộc phải dựa trên lý trí. Vì quy luật của lý trí như nhau đối với mọi người, vào mọi lúc, tại mọi nơi, nhưng con người văn minh kiềm chế dục vọng và chỉ cho phép lý trí dẫn dắt mình cuối cùng phải tiến bộ về hướng một bộ luật và hệ phán đoán giá trị phổ quát đơn lẻ.
Tuy nhiên, Herder lập luận rằng không có những thứ như giá trị phổ quát, có tính đạo lý hay thẩm mỹ: đúng ra, ông nói, thế giới hợp bởi các thực thể văn hoá khác nhau, mà ông gọi là volk, tức “dân tộc.” Mỗi thực thể này có một volksgeist, một bản chất tinh thần mà một dân tộc này sở hữu chung. Ngôn ngữ, tập quán, lịch sử được chia sẻ – những ràng buộc này kết nối một nhóm người lại với nhau như một volk. Mặc dù một volk chân thực là một thực thể thuần túy xã hội, “tính chất nhóm” của nó không chỉ là một khế ước xã hội hoặc một loại thỏa thuận nào đó giữa các thành viên họp thành đội, không khác vô số tế bào thỏa thuận đến với nhau và tạo thành một cơ thể. Các quốc gia có tính đơn lẻ thống nhất khiến họ có thực như bươm bướm hoặc núi non: đó là loại sự vật Herder định nghĩa volk. Và khi Herder nói về volksgeist, ý ông muốn nói về một điều gì đó tựa như tín đồ muốn nói về linh hồn hoặc điều các nhà tâm lý muốn nói khi họ đề cập về “bản ngã.” Mỗi quốc gia, theo Herder, có một bản chất tinh thần thống nhất như thế.
Lập luận của Herder ám chỉ rằng không có đánh giá đạo lý và thẩm mỹ nào là có giá trị phổ quát hoặc đúng đắn một cách khách quan. Nếu nhân loại không mất khả năng về lý luận, thế thì giá trị không phải như nhau cho mọi dân tộc. Về thẩm mỹ, chẳng hạn, một người Ấn và một người Đức có thể bất đồng về cái gì là đẹp, nhưng điều này không có nghĩa một bên là đúng và bên kia là sai. Mỗi phán đoán phản ánh một volksgeist và chỉ đúng chừng nào nó thực sự diễn tả volksgeist. Một phán đoán về giá trị không thể vượt cao hơn tầm vóc của quốc gia.
Herder không nói quốc gia này tốt hơn quốc gia khác, chỉ là chúng khác nhau, và một quốc gia không thể được phán đoán theo các giá trị của một quốc gia khác. Nhưng một triết gia tương đối trẻ hơn, Johann Gottlieb Fichte, đưa các tư tưởng của Herder đi một bước xa hơn và chuyển đổi tầm quan trọng của chúng. Fichte đồng ý rằng nhân loại co cụm lại với nhau như các quốc gia rời rạc, mỗi quốc gia ràng buộc với nhau bởi một tinh thần chung; nhưng ông đề xuất rằng một số volk thực ra có thể vượt trội hơn các volk khác. Đặc biệt, ông đề xuất rằng người Đức có năng lực cố hữu to lớn cho tự do, ngôn ngữ của họ là sinh ngữ đầy khí lực tương phản với ngôn ngữ Pháp đã chết. (Người Pháp chắc chắn không đồng ý.)
Fichte mất vào năm 1814: do đó sự nghiệp của ông lên đến đỉnh cao vào thời kỳ Napoleon chinh phục châu Âu và thống trị người Đức, ắt hẳn là chìa khóa cho sức ảnh hưởng của Fichte. Nhiều người Đức, nổi cáu dưới ách cai trị của Pháp cảm thấy rằng, vâng, họ có thể nói: Pháp và Đức thực sự là hai tinh thần khác nhau; và họ thích nghe rằng cho dù Pháp có thể khống chế, nhưng người Đức có thể phần nào có trình độ “cao hơn” . . .
Tiến nhanh về phía trước năm thập niên từ lúc Napoleon Bonaparte thất thủ đến năm 1870, Thủ tướng Phổ Otto von Bismarck đã vừa thành lập một quốc gia đơn lẻ từ nhiều bang Đức nhỏ. Pháp, tình cờ, giờ được cai trị bởi người cháu hợm hĩnh của Napoleon, Napoleon III, tài năng thì chỉ bằng phân nửa nhưng kênh kiệu thì gấp hai Napoleon Đệ Nhất. Bismarck kích Napoleon này tuyên chiến với mình, rồi xua quân tràn vào nước Pháp như một cơn sấm sét, chinh phục Paris trong vòng vài tháng, và áp đặt các điều khoản nhục nhã lên người Pháp, cũng như xoáy hai tỉnh giàu tài nguyên khỏi nước Pháp.
Chủ nghĩa dân tộc Đức, ra đời từ bại trận và oán giận, giờ có thắng lợi để ăn theo. Một tầm nhìn đắc thắng của một quốc gia Đức với một vận mệnh huyền thoại cất cánh. Các nghệ sĩ hướng đến nguồn cội của volksgeist Đức trong các thần thoại Teutonic cổ đại. Wagner diễn tả nhiệt huyết dân tộc Đức bằng các vở opera đầy tính khoa trương. Các sử gia bắt đầu thêu dệt một câu chuyện thần thoại lần trở về nguồn gốc Đức đến người Ấn-Âu nguyên thủy, các bộ tộc Aryan của vùng núi non Caucasus.
Chủ nghĩa dân tộc Đức đặc biệt mê hoặc các giáo sư tại Gymnasium, lúc đó là học viện cao cấp uy tín nhất của Đức. Tại đây, các triết gia như Heinrich von Treitschke bắt đầu giảng dạy rằng quốc gia là những thực thể xã hội đích thực nhất trên thế giới và mức thể hiện cập nhật của cuộc sống nhân loại. Họ đồng thanh hợp xướng về một quốc gia liên-Đức sẽ cai trị mọi lãnh thổ trong đó những người nói tiếng Đức sinh sống. Họ nói về vận mệnh anh hùng biện minh việc các quốc gia “vĩ đại” áp đặt ý muốn của mình lên các vùng đất man rợ. (Nói cách khác, chủ nghĩa thực dân là cao quý). Các đệ tử của họ, mang nặng tham vọng này, bước vào xã hội là những kỹ sư, chủ ngân hàng, giáo viên, hoặc gì gì đó, và làm lây nhiễm quần chúng Đức với con vi rút chủ nghĩa dân tộc liên-Đức này.
Ở Ý, trong lúc đó, một nhà cách mạng có tên Joseph Mazzini đóng góp thêm và có lẽ những miếng ráp cuối cùng vào chủ nghĩa dân tộc như một ý thức hệ chính trị. Mazzini chủ yếu quan tâm đến việc giải cứu Ý khỏi bọn cai trị ngoại bang như bọn Áo và xem sự thống nhất như một phương tiện duy nhất để đạt được mục tiêu này. Chính kiến của ông dẫn dắt ông đề xuất rằng cá nhân chỉ có thể hành động như các đơn vị tập thể, và nên buông bỏ các cá tính đặc thù của mình vì quốc gia mình. “Đừng nói tôi mà nói chúng ta,” ông bày tỏ với các đồng chí cách mạng của mình trong cẩm nang Về Nghĩa Vụ của Con Người. “Để mỗi người trong các bạn nỗ lực hoá thân xứ sở mình trong chính mình.” Mazzini tiếp tục xác lập một lý thuyết về quyền lợi tập thể dựa trên chủ nghĩa dân tộc. Mỗi quốc gia có “một quyền” đối với một lãnh thổ của riêng mình, một “quyền” đối với các lãnh đạo trong nhóm người của mình, “quyền” đối với đường biên giới xác định, “quyền” mở rộng đường biên giới này xa như cần thiết để bao trọn toàn bộ dân tộc cấu thành quốc gia, và “quyền” hoàn thiện tính tự chủ bên trong đường biên giới đó. Chỉ đúng đắn, tự nhiên, và cao quý, ông nói, cho dân tộc của một quốc gia cùng sống bên trong vùng địa lý liên tục, để không ai trong họ phải sống giữa những người lạ.
Vào nửa cuối thế kỷ 19, các phong trào nhen nhúm bởi chủ nghĩa dân tộc mọc lên đầu tiên ở Đức và rồi Ý, và con vi rút lan tràn khỏi các xứ sở này, vào đông Âu, nơi một số đông các cộng đồng tạp nham nói nhiều thứ tiếng, gồm nhiều nguồn sắc tộc khác nhau, và kể những câu chuyện khác biệt về nguồn cội của mình ọc ạch như những phần khó tiêu hóa của hai đế chế xiêu vẹo, Ottoman và Áo-Hung. Chính quyền của cả hai đế chế ra sức dập tắt bọn chủ nghĩa dân tộc bên trong xứ của họ, nhưng chỉ khiến họ trốn vào hoạt động ngầm trong vòng bí mật. Và chính từ đây mà chủ nghĩa dân tộc lăn theo phương đông vào trung tâm Hồi giáo.
Trước khi sang châu Âu, tuy nhiên, cho phép tôi đề cập đến hai phong trào dân tộc khác đã chín mùi ở phương Tây. Một có liên quan tức thời tới Đế chế Ottoman; phong trào kia có ý nghĩa về sau. Phong trào sau này hình thành ở Bắc Mỹ nơi một đất nước mới ra đời. Về kỹ thuật, xứ sở này được khai sinh khi 13 khu thuộc địa nhỏ của dân định cư Anh khởi nghĩa chống chính quyền mẫu quốc và phát động những vận mệnh độc lập, nhưng theo nhiều cách liên minh họ thành lập không thực sự trở thành một nhà nước-quốc gia cho đến khi Nội Chiến 1861-1865. Trước cuộc chiến, dân chúng trong Hiệp Chủng Quốc nói về xứ sở mình như “các bang liên hiệp.” Sau cuộc chiến, họ gọi nó là “Hiệp Chủng Quốc.” Vấn đề nô lệ đã đốt lên cuộc chiến, nhưng tổng thống Lincoln thẳng thắn đặt vấn đề liên hiệp tại trung tâm những thảo luận của mình vì công lý và nhu cầu của cuộc chiến. Trong Diễn văn Gettysburg, ông nói cuộc chiến được tiến hành nhằm kiểm tra liệu một quốc gia “sinh ra trong tự do” và một chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân và vì nhân dân có thể trường tồn hay không. Ông và những người khác lập nên Hiệp Chủng Quốc – các nhà chính trị, sử gia, triết gia, tác giả, nhà tư tưởng, và công dân nói chung – xác lập một ý tưởng dân tộc hoàn toàn khác biệt với các ý thức hệ sinh sôi ở châu Âu. Thay vì tìm kiếm tinh thần dân tộc trong một tôn giáo chung, một lịch sử chung, truyền thống chung, tập quán chung, chủng tộc chung, hoặc sắc tộc chung, họ đề xuất rằng tập hợp các cá nhân có thể trở thành “một dân tộc” bởi cùng chia sẻ các nguyên tắc, và chia sẻ lòng trung thành với một quy trình. Đó là một chủ nghĩa dân tộc dựa trên các ý tưởng, một chủ nghĩa mà bất cứ ai cũng có thể ôm lấy bởi vì, trên lý thuyết, đó là một quốc gia mà bất cứ người nào cũng có thể trở thành một thành viên của nó, không nhất thiết phải ra đời trong quốc gia đó.
Trong cuộc Nội Chiến đó, đất nước thành hình cảnh báo quyền lực tiềm năng của nó. Nội Chiến Mỹ là cuộc chiến đầu tiên trong đó một người đơn lẻ tại một thời điểm chỉ huy một quân đội một triệu người, cuộc chiến đầu tiên trong đó gần một phần tư triệu lính đụng độ trên một trận địa đơn lẻ, và là cuộc chiến đầu tiên trong đó công nghệ từ đường sắt đến tàu ngầm đến súng máy sơ khai, đóng một vai trò quyết định. Đúng là trong cuộc chiến này các bang (bất) liên hiệp đang chiến đấu nhau và, do đó, không đặt ra mối đe dọa quân sự nào cho ai khác, nhưng ai cũng có thể tưởng tượng một cường quốc khủng khiếp như thế nào sẽ xuất hiện một khi hai bên hợp nhất thành một nhà nước đơn lẻ.
Phong trào dân tộc Âu châu khác có hệ lụy đến lịch sử thế giới và liên quan lập tức với thế giới Hồi giáo là Zionism (chủ nghĩa Phục quốc Do Thái). Bó ý tưởng và đam mê này cũng không khác mọi chủ nghĩa dân tộc Âu châu thế kỷ 19 khác trong các luận điểm và lời yêu cầu khẩn khoản của mình. Nó nhất trí với Herder rằng những người chia sẻ một ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử là một quốc gia. Nó nhất trí với Mazzini rằng một quốc gia có quyền có một nhà nước tự trị riêng của mình tọa lạc vững chắc trong một lãnh thổ của riêng mình. Nó nhất trí với những người như Treitschke rằng một nhà nước-quốc gia có quyền (ngay cả một vận mệnh) bao gồm mọi dân tộc bên trong lãnh thổ của mình và quyền loại trừ mọi người khác nếu cần. Nếu người Đức là một quốc gia và hưởng được các quyền như thế, các sáng lập viên của phong trào Zionism chính trị nói, nếu người Ý là một quốc gia, nếu người Pháp là một quốc gia, thế thì có Trời chứng giám người Do Thái cũng là một quốc gia.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt chủ chốt giữa Zionism và chủ nghĩa quốc gia Âu châu khác của thế kỷ 19. Người Ý, Đức, Serbia, và những người khác tuyên bố quyền dân tộc đối với lãnh thổ họ cư ngụ. Dân tộc Do Thái không có lãnh thổ. Họ phân tán trên khắp mặt địa cầu trong suốt 2,000 năm và giờ sống như các nhóm thiểu số không đất cắm dùi trong lãnh thổ của các dân tộc khác. Tuy nhiên, trong suốt 2,000 năm của họ ở Diaspora (Cộng đồng Do Thái lang bạt), người Do Thái đã đùm bọc nhau, giữ gìn một ý thức dân tộc tính xây dựng chung quanh đạo Do Thái của mình, một đạo có tính văn hoá và lịch sử không kém tính tôn giáo: vào thế kỷ 19 ở châu Âu, hoàn toàn có thể là người Do Thái mà không cần thực hành lễ hoặc thậm chí theo đạo. Còn nữa, một yếu tố cốt lõi của câu chuyện tôn giáo-lịch sử Do Thái xác lập rằng Thượng Đế đã hứa trao vùng đất Canaan cho người Do Thái cổ – Abraham và các hậu duệ bộ tộc của ông – đáp lại lòng tôn thờ và tuân phục của họ cho chỉ một mình ngài. Theo câu chuyện này, dân tộc Do Thái đã thực hiện giao kèo của mình và do đó có quyền giành lại miếng đất “của họ”, lãnh thổ gọi là Palestine, hiện giờ người Ả Rập cư ngụ và dưới quyền cai trị của người Thổ Ottoman. Nhiều nhà phục quốc Do Thái ở châu Âu thế kỷ 19 theo thế tục nhưng giáo điều này về Miền Đất Hứa dù sao đi nữa cũng tìm đường vào luận cứ cho một nhà nước-quốc gia Do Thái nằm dọc theo bờ biển Địa Trung Hải.
Vào năm 1897, một nhà báo Áo, Theodor Herzl, sáng lập cơ quan chính thức đầu tiên của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái chính trị, Hội nghị Phục quốc Thế Giới, nhưng chủ nghĩa Phục quốc đã tồn tại và ý tưởng của nó có nguồn gốc từ những năm 1800. Chính giữa tất cả những lời thì thầm về chủ nghĩa dân tộc khác trong kỷ nguyên đó những trí thức Do Thái ở Âu châu đó bắt đầu nói về việc di đời về Palestine. Một số các nhà chủ nghĩa dân tộc Đức buổi đầu nhất trí với những người Phục quốc Do Thái buổi đầu, nhưng không theo cách thức thân thiện. Fichte, chẳng hạn, cho rằng người Do Thái không bao giờ có thể đồng hóa vào nền văn hoá Đức, cho dù họ nói tiếng Đức từ thuở sơ sinh. Nếu họ cư ngụ tại Đức, họ vẫn luôn là một nhà nước bên trong một nhà nước, và do đó, ông đề xuất, họ nên tìm vận mệnh dân tộc của mình ở Palestine.
Palestine từ xưa luôn có dân Do Thái bản địa cư ngụ, nhưng vào năm 1800 dân số Do Thái chỉ chiếm một tỷ số nhỏ trong tổng dân số – khoảng 2.5 phần trăm trong khi hơn 97 phần trăm là dân Ả Rập. Khoảng những năm 1880, khi người Do Thái ở châu Âu bắt đầu di cư nghiêm túc sang Palestine, tỷ số dân Do Thái so với Ả Rập đã lên đến 6 phần trăm. Khoảng 30,000 người di chuyển sang Palestine trong những aliyah đầu tiên, tức làn sóng di cư Do Thái, và tỷ số lại thay đổi lần nữa. Tuy nhiên, những di dân đầu tiên là các trí thức đô thị theo chủ nghĩa lý tưởng tự xem mình là các nông dân Palestine, cho dù họ không phân biệt được cuốc với xẻng. Phần đông họ đều trở về châu Âu, và đợt aliyah đầu tiên tắt ngấm. Tình hình đến đây khi Thế Chiến I tới gần.
Khi ba hiện tượng này từ châu Âu – chủ nghĩa hợp hiến, chủ nghĩa dân tộc, và kỹ nghệ hóa – thấm vào thế giới Ottoman chúng gây ra một hiệu quả bào mòn đặc biệt, một phần bởi vì “thế giới” Ottoman đang thu nhỏ lại trong suốt thế kỷ 19, gây ra nhiều lo âu không dứt. Algeria bị hấp thu vào Pháp. Anh làm chủ Ai Cập trên mọi lĩnh vực trừ danh nghĩa. Về mặt kỹ thuật, bờ biển Địa Trung Hải phía bắc Ai Cập thuộc về Đế chế Ottoman, cũng như toàn bộ bán đảo Ả Rập và phần lớn vùng ngày này là Iraq, nhưng thậm chí ở đây người Ottoman cũng dần dần thấy mình khom lưng trước người Âu. Trong khi đó, phần lãnh thổ ở châu Âu mà Ottoman nắm giữ đang suy yếu dần. Toàn bộ đế chế cổ xưa này, chỉ mới đây thôi là đế chế vĩ đại nhất thế giới, giờ như một sinh vật khổng lồ mà tứ chi đã rơi rụng và phần thân đang thối rữa, nhưng dù sao cũng còn thở, còn sống.
Nó còn sống, nhưng lực lượng doanh nghiệp Tây phương, được quyền lực của chính quyền họ hậu thuẫn, hoạt động tự do ở đây. Năm 1838, khi người Ottoman ký Hiệp ước Balta Liman với đối tác là các cường quốc Âu châu (để bảo đảm sự hỗ trợ của họ chống lại Mohammed Ali), một hiệp ước thiết lập các điều khoản bất bình đẳng giữa Ottoman và châu Âu trên lãnh thổ Ottoman. Hiệp ước đánh thuế quan thấp, chẳng hạn, lên các sản phẩm của châu Âu nhập vào đế chế nhưng lại áp thuế cao lên các sản phẩm Ottoman xuất ra ngoài. Nó ngăn cấm thần dân Ottoman thiết lập thế độc quyền nhưng lại cho phép và tạo điều kiện dễ dàng cho người Âu làm đúng việc đó.
Trong một vài thập niên sau Hiệp ước Balta Liman, chính quyền Ottoman run rẩy tứ chi già nua của mình để loan báo một loạt sắc luật mới nhằm cải tổ xã hội Ottoman sao cho nó có thể sánh ngang với người Âu – chính xác thứ đang xảy ra ở Iran trong thời gian này. Ở Đế chế Ottoman, các động thái cải cách này được gọi là Tanzimat tức “các biện pháp tái tổ chức.” Chúng khởi sự bằng lời tuyên cáo mang tên rất kêu “Chỉ dụ Cao quý của Phòng Hoa Hồng” Rồi đến năm 1856 thêm một văn kiện nữa, “Chỉ dụ Đế chế.” Rồi năm 1860 một bộ biện pháp cải cách thứ ba.
Sau đây là một it điều Tanzimat thiết lập:
- một bộ máy chính quyền mới theo mô hình Pháp;
- các tòa án thế tục nhà nước thay thế tòa án Shari’a truyền thống;
- một bộ hình luật mới dựa vào bộ luật “Napoleon”;
- bộ luật thương mại mới cổ vũ “tự do mậu dịch”, thực chất là cho người Âu rộng tay đặt luật doanh nghiệp trên đế chế Ottoman;
- một quân đội tuyển mộ theo mô hình quân đội Phổ, thay thế phe nhóm devshirme cũ;
- các trường công lập với chương trình thế tục giống với những gì được dạy ở các trường Anh, qua mặt hệ thống trường truyền thống do các giáo sĩ Hồi giáo điều hành;
- cục thuế độc nhất do nhà nước điều hành hoạt động trên khắp đế chế thay thế “chủ trại nộp thuế” kiểu truyền thống Ottoman (vốn thực chất là những người thu thuế độc lập được ủy nhiệm);
- bảo đảm rằng “danh dự, cuộc sống, và tài sản” của mọi thần dân Ottoman đều bất khả xâm phạm, không phân biệt chủng tộc hay tín ngưỡng;
Trên giấy tờ các cải cách này có vẻ tốt, nhất là bảo đảm cuộc sống và sự an toàn của mọi công dân, không phân biệt nguồn gốc sắc tộc: ai có thể chống lại việc chấm dứt phân biệt chủng tộc? Còn phải hỏi, người Âu chứ ai.
Nhưng đặt mình vào vị trí một công dân Hồi giáo Thổ trung bình của đế chế vào thế kỷ 19: các giá trị cố hữu của những cải cách như thế khó có thể tách rời khỏi sự kiện là chúng được chính người Âu viết ra cho các viên chức Ottoman – từng chữ một theo sử gia James L. Gelvin: hiển nhiên Chỉ dụ Đế chế được viết ra từng chữ một bởi đại sứ Anh Stratford Canning và trao tận tay các viên chức Ottoman với lời dặn dò phải dịch ra và công bố rộng rãi. Còn Chỉ dụ Cao quý của Phòng Hoa Hồng! Đối với nhiều người Hồi Ottoman, nó nghe có mùi cải cách thì ít, mà mùi chứng cứ roi rói của quyền lực ngoại bang đè lên đời sống của họ thì nhiều.
Không phải mọi người Hồi Ottoman đều cảm thấy như vậy. Một phong trào đang lớn mạnh của các nhà cải cách ở Tiểu Á, một phiên bản Thổ của các phong trào ở Ấn, Afghanistan, và Iran, theo đuổi và xiển dương Tanzimat. Họ cho rằng cách duy nhất để đánh bại chủ nghĩa đế quốc Âu châu là đập bọn Âu châu ngay tại trò chơi của chúng, và như vậy đòi hỏi, trên hết, phải chấp nhận mọi thứ đã làm nên sức mạnh của châu Âu.
Nhưng giới ulama vẫn còn quanh quất. Tanzimat có tác dụng chống lại lợi ích của họ. Giật giáo dục ra khỏi tay các giáo sĩ . . . thay thế tòa án Shari’a bằng tòa án thế tục. . . thay thế luật Hồi giáo bằng luật Pháp – những cải cách như thế không chỉ tước đoạt quyền lực khỏi tay giới ulama mà còn loại bỏ họ khỏi lý do để tồn tại. Tất nhiên họ sẽ vùng lên chống lại; và giới ulama còn có nhiều quyền hành đạo lý với quần chúng. Họ cũng còn nắm ảnh hưởng trong tòa án.
Vị sultan và các cố vấn của ông vì vậy chẳng bao lâu thấy mình bị kẹt giữa tiếng la ó của các nhà hiện đại thế tục và tiếng rên rỉ của đội cận vệ già của Hồi giáo. Bị lôi kéo và giằng co từ cả hai phía, triều đình khi nghiêng bên này lúc ngã bên kia. Khi các nhà hiện đại thế tục ủng hộ quyết liệt hơn việc cải cách kiểu phương Tây, phe truyền thống càng tỏ ra phòng thủ ngoan cường trước các phát ngôn phản động. Khi phe hiện đại hóa kêu gọi cơ khí hóa các hãng xưởng do nhà nước quản lý, phe ulama xỉ vả các viên chức Ottoman bày đặt sử dụng máy đánh chữ – Tiên Tri Mohammed chưa hề sử dụng máy đánh chữ nào, họ lập luận.
Trong một lúc, phe hiện đại hóa chiếm ưu thế. Vào năm 1876, họ buộc vị sultan phải công nhận một hiến pháp, một thắng lợi trọng đại được mọi người ca tụng là “Cách mạng Pháp ở phương Đông.” Trong chỉ một it năm, đế chế đang rệu rã trở thành một nền quân chủ hợp hiến như Anh quốc (về hình thức). Trong thời gian ngắn ngủi đó, các nhà hoạt động hiện đại hóa của mọi sắc tộc hợp tác nhau trong một không khí phấn chấn sôi nổi vì sự tiến bộ: người Hồi Thổ, người Hồi Ả Rập, người Do Thái, người Cơ đốc Chính thống, tất cả đều chen vai sát cánh phát động một phong trào rộng lớn độc nhất xây dựng một thế giới mới.
Nhưng bọn cận vệ già cắt xén chi tiêu, bày mưu qua mặt phe hiện đại hóa, và củng cố quyền lực vị sultan, cho đến khi ông ta đủ mạnh có thể hủy bỏ hiến pháp và tiếp tục cai trị như một quân vương chuyên chế một lần nữa. Quả lắc quay ngược trở lại, một phần, bởi vì các biện pháp cải cách không hiệu quả. Người Hồi Thổ ở Tiểu Á thấy mức sống của mình giảm sút, quyền tự trị của mình rút bớt lại. Họ cảm thấy mình càng bất lực hơn trước các lực lượng đồ sộ Âu châu ra sức ép từ bên ngoài.
Nhưng đúng là họ có thứ mà họ xem là một mảnh của thế giới bên ngoài đó nằm bên trong biên giới của họ và hoàn toàn trong quyển kiểm soát của họ. Mảnh đó là cộng đồng Armenia. Tuy nhiên trong thực tế, người Armenia không phải Âu châu gì hơn so với người Thổ. Họ sống ngay nơi họ đã từng sống từ thời điểm nào không nhớ. Họ có ngôn ngữ, truyền thống, lịch sử riêng không thuộc Âu châu. Họ không di cư đến từ nơi nào khác và thật ra có nguồn gốc bản địa hơn cả người Thổ.
Tuy nhiên, họ là một thiểu số theo đạo Cơ đốc bị bao quanh bởi đa số người Hồi, và hơn nữa, trong thời kỳ nhượng bộ nhục nhã đó, khi mà lợi ích làm ăn từ phương Tây đạt được quyền lực bước vào Đế chế Ottoman và thiết lập các hoạt động doanh nghiệp sinh lãi gây thiệt hại cho người bản địa, thì người Armenia bỗng thấy mình ở trong một tư thế nghịch lý. Đối với công dân Ottoman, cách duy nhất để phất lên tại thời điểm đó là làm việc cho, làm ăn với, và trên tất cả là thành đối tác với các doanh nghiệp Âu châu. Nhưng khi người Âu tìm đối tác trong đế chế, họ tự nhiên quay về phía những người họ cảm thấy thân thuộc, và nếu họ có lựa chọn, họ sẽ chọn người Cơ đốc Armenia hơn.là người Thổ Hồi giáo, vì thế các điều khoản thuận lợi ngoại bang rút rỉa được dường như lại làm lợi cho cộng đồng Armenia bên trong đế chế, hoặc ít ra đó là nhận thức trong đám người Hồi bất mãn đang lâm vào cảnh nghèo khổ.
Người Armenia đã sống hoà bình trong thế giới Ottoman cho đến giờ phút này; tuy nhiên vì không phải người Thổ, họ đã bị cấm cửa vào giai cấp cai trị thuộc quý tộc-quân sự. Họ đã bị loại ra, ở một mức độ nào đó, khỏi quyền sở hữu đất đai đại điền chủ và “trại chủ nộp thuế”. Do đó nhiều người quay ra kinh doanh và hoạt động tài chính để kiếm sống.
Hoạt động tài chính – đó là từ dùng để gọi việc cho vay tiền. Vào thời xưa, đó là loại nghề bị phần đông khinh rẻ. Tính lãi vào tiền vay hiển nhiên bị kinh Qur’an ngăn cấm, cũng như ở châu Âu Cơ đốc thời Trung cổ nơi thuật ngử cho vay nặng lãi trong giáo luật không có nghĩa “cho vay cắt cổ” mà có nghĩa “cho vay mà tính lãi.” Tại sao cho vay lại xấu đến như vậy? Theo tôi bởi vì dân chúng coi việc cho vay là nghĩa cử từ thiện, không phải làm ăn: nó giống như một việc phải làm khi một hàng xóm gặp khó khăn và cần giúp đỡ. Nhìn theo quan điểm đó, tính lãi khi cho vay có mùi lợi dụng tình cảnh khốn khổ của ai đó để làm giàu. Vậy mà nhu cầu vay tiền xuất hiện thường xuyên thậm chí trong nền kinh tế phong kiến sơ khai nhất, nhất là sau cơn khủng hoảng: tiệm một người thợ rèn bốc cháy; một giáo sĩ tiếng tăm chết đột ngột để lại gia đình không tiền lo hậu sự tốn kém; ai đó muốn lập gia đình mà không có của hồi môn; ai đó bỗng mắc bệnh hiểm nghèo . . . . Người ta đi đến kẻ cho vay tại những thời điểm họ cảm thấy đặc biệt tổn thương và bức bách, vậy mà họ đi với một tâm trạng đậm chất văn hoá là bất cứ người tử tế nào cũng sẽ cho họ vay tiền mà không tính lãi. Nỗi tuyệt vọng buộc họ chấp nhận điều khoản của kẻ cho vay cũng góp thêm một phần lớn vào nỗi bất mãn. Khi người mượn tiền và kẻ cho vay thuộc cùng một cộng đồng, những tình cảm khác như tình thân hoặc lòng trung thành có thể làm giảm nhẹ nỗi bất mãn, nhưng khi ta đi đến kẻ cho vay mà mình đã coi như người lạ, cơ chế của sự tương tác có khuynh hướng làm trầm trọng thêm mối thù địch cộng đồng đang tồn tại. Tình hình tồi tệ nhất có thể vì vậy là khi việc cho vay trở thành lĩnh vực dành riêng của một thiểu số văn hoá khác biệt bị bao vây bởi một đa số áp đảo. Ở châu Âu, cơ chế này biến dân Do Thái thành nạn nhân vì họ thuộc tập thể chuyên làm nghề cho vay. Trong Đế chế Ottoman, chính người Armenia đâm đầu vào tình cảnh đó.
Khi căng thẳng tích lũy, thật dễ khi quên rằng người Thổ và Armenia đã sống hoà bình cùng nhau, không thậm chí ba thế hệ trở lại đây, tính thù địch dường như là một đặc điểm lâu đời trong mối liên hệ của hai cộng đồng. Chính sách Ottoman chia dân số thành các cộng đồng tự trị ban đầu là nhằm trao cho mỗi cộng đồng một biện pháp tự chủ về văn hoá. Nó phản ánh sự khoan thứ. Nó hoạt động như một công cụ điều hòa. Giờ đây, cùng chính sách này trở thành một khiếm khuyết, một nguy cơ, một cánh cửa quan trọng mở ra các rắc rối đang đến, bởi vì nó có tác dụng chia tách, cô lập, và làm nổi bật người Armenia xui xẻo. Thật ra, hệ thống millet (tòa án độc lập) trở thành một cơ chế làm trầm trọng thêm những đường đứt gãy vốn có trong xã hội Ottoman.
Giữa những năm 1894 và 1896, ở đông Anatolia, một loạt các vụ đàn áp bạo lực chống Armenia bùng nổ. Dân làng Thổ bắt đầu thẳng tay tàn sát người Armenia, không khác người Do Thái bị tàn sát ở đông Âu và Nga, nhưng ở một tầm vóc lớn hơn. Có đến 300,000 người Armenia chết trước khi cơn điên cuồng lắng dịu, và nó chỉ lắng dịu bởi vì người Âu gây sức ép với chính quyền Ottoman phải hành động. Vì việc người Âu có quyền ra lệnh cho các viên chức Ottoman là một nhân tố khiến nỗi bất mãn trút đổ lên đầu người Armenia, quyền hành kết thúc được bạo lực chỉ làm trầm trọng thêm các nguồn gốc tâm lý căn nguyên của tình trạng bạo lực. Giống như cha mẹ bước vào can thiệp để bảo vệ cho một bé trai khỏi bị hàng xóm bắt nạt và rồi đi lo chuyện của mình: một khi còn một mình, thằng bé bị bắt nạt tiếp, và lần này càng tồi tệ hơn trước.
Trong khi đó, cho dù vị sultan đã đánh chìm hiến pháp, quyền lực vẫn còn phân chia giữa phe cận vệ già và phe hươu đực. Cuộc đấu tranh chính trị tiếp tục gầm thét và cán cân nghiêng lại cho phe đổi mới không lay chuyển được, bởi vì ở đây, như ở Iran, trào lưu đang theo hướng của phe hiện đại hóa. Khoảng 1900, một thế hệ mới các nhà hoạt động đang kêu gọi phục hồi hiến pháp. Họ muốn Cách mạng Pháp của cha mẹ họ trở lại.
Về mặt chính trị, đó là một thời kỳ hồ hởi nhưng hoang mang. Nó không như một nhóm kích động là người theo chủ nghĩa dân tộc, nhóm kia là hiện đại thế tục, nhóm nọ theo chủ nghĩa hợp hiến cấp tiến. Nhiều ý thức hệ và phong trào chồng chéo nhau và tương tác nhau. Bất cứ một người nào cũng có thể theo một chút cái này và một chút cái kia. Chưa đủ thì giờ để sắp xếp ý tưởng nào đi với nhau và ý tưởng nào không tương thích. Mọi người đặt mình vào thế kình chống phe cận vệ già đều nghĩ mình là công dân Ottoman với một mục tiêu chung là tạo hình lại đế chế. Tất cả đều cảm thấy mình là người trẻ hiểu biết trong liên mình chống lại bọn già hủ lậu, là các chiến hữu chỉ vì họ cùng quyết liệt chủ trương “hiện đại”, bất kể là gì.
Thế hệ mới các nhà hoạt động này xưng mình là Tuổi Trẻ Thổ. Họ sử dụng danh hiệu này một phần vì họ thực sự trẻ, phần đông độ tuổi hai mươi, nhưng cũng một phần như một cách chọc quê phe cận vệ già, bởi vì trong đám người Hồi truyền thống, già hơn luôn được coi là tốt hơn, đáng kính hơn. Những gì bọn già kiểu cách chế giễu là non nớt, Tuổi Trẻ Thổ tự hào vỗ ngực: mình còn trẻ!
Cho dù có nhiều bất đồng chớm nở, Tuổi Trẻ Thổ hợp sức nhau đủ lâu để đàn áp vị sultan Ottoman cuối cùng, một người yếu đuối, ngu ngốc có tên Abdul Hamid II. Vào năm 1908, họ cưỡng chế y tái ban bố hiến pháp, biến y thành một tên bù nhìn.
Tuy nhiên, vừa mới giật vị sultan đo ván, thì Tuổi Trẻ Thổ bỗng nhận ra mình không phải một phe mà vài phe. Chẳng hạn, một phe chủ trương phân hóa quyền lực đế chế, bảo đảm quyền lợi cho nhóm thiểu số, và trao cho nhân dân tiếng nói lớn hơn trong chính quyền. Họ nhanh chóng bị vắt ra khỏi chính quyền hết. Phe khác chủ trương chủ nghĩa dân tộc Thổ. Được thành lập khoảng 1902 bởi 6 sinh viên y khoa, nó kết tinh thành một đảng quân phiệt, tổ chức rất chặt chẽ có tên Ủy Ban Liên mình và Tiến bộ (CUP).
CUP nhận được sự hậu thuẫn ngày càng tăng cho quan điểm của mình. Nhiều người Thổ chống quân chủ, nhiều thanh niên Thổ, nhiều công chức có học thức, sinh viên đại học, trí thức và con cái các trí thức, nhiều văn nghệ sĩ vốn đã đọc các luận điểm của các triết gia Âu châu và biết mọi chuyện về các nỗ lực thành tựu của các nhà dân tộc Đức và Ý, bắt đầu nhìn thấy ở chủ nghĩa dân tộc con đường đi đến sự giải cứu đất nước khỏi chế độ vương quyền. Thoát khỏi tư tưởng vương triều Ottoman ngán trở, lạc hậu, đa văn hoá và thay thế nó bằng một bộ máy nhà nước đặc thù Thổ gọn gàng, trong sạch, cần kiệm: đây là ý tưởng. Các tỉnh Ả Rập sẽ phải buông lỏng, tất nhiên, chúng không còn thích hợp, nhưng các nhà dân tộc Thổ kiểu mới này mong muốn kết nối Anatolia với các lãnh thổ trung Á đó vốn là vùng đất tổ tiên của dân tộc Thổ. Họ mơ ước về một nhà nước- quốc gia Thổ vươn dài từ Bosporus đến những nơi như Kazakhstan.
Các trí thức có tinh thần dân tộc bắt đầu lập luận rằng các thiểu số Cơ đốc nhất là người Armenia là quý tộc đặc quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ nội thù cố hữu của nhà nước, liên minh với Nga, liên mình với Tây Âu, liên minh với bọn Slave ly khai của vùng Đông Âu.
Thế hệ mới các nhà dân tộc chủ nghĩa này nói rằng quốc gia thay thế mọi nhân dạng và đề nghị rằng “linh hồn” dân tộc có thể được gửi gắm trong một cá tính đồ sộ đơn lẻ nào đó, một ý tưởng đến thẳng từ các triết gia theo chủ nghĩa dân tộc Đức. Nhà văn Ziya Gökalp tuyên bố rằng trừ các người hùng và thiên tài, cá nhân không có giá trị. Ông khuyến khích đồng bào Thổ của mình đừng bao giờ nói về “quyền lợi.” Không có quyền lợi, ông nói, chỉ có nghĩa vụ: nghĩa vụ lắng nghe tiếng nói của quốc gia và thi hành yêu cầu của nó.
Rắc rối cho đế chế có khuynh hướng đem lại sức mê hoặc cho chủ nghĩa dân tộc quân phiệt. Và rắc rối thực sự đến. Và nó đã đến một thời gian dài rất dài. Bulgaria giật lấy tự do. Bosnia và Herzegovina rời bỏ bãi rào Ottoman để bị nhà Habsburg sáp nhập vào đế chế Áo-Hung. Khoảng một triệu dân Hồi, biến thành kẻ lưu vong sau những thay đổi này, lũ lượt tìm đường vào Anatolia tìm kiếm quê hương mới trong đế chế đang chết, đang rối loạn và đã đông đúc. Rồi người Ottoman lại mất Crete. Gần nửa triệu người dân trên đảo là Hồi giáo, gần như toàn bộ di cư về đông. Tất cả sự chuyển dịch xã hội phát sinh một không khí lo âu lan tỏa khắp nơi.
Giữa cơn náo động, chủ nghĩa dân tộc bắt đầu nóng lên trong nhóm dân tộc khác. Chủ nghĩa dân tộc Ả Rập bắt đầu sôi sục là một ví dụ. Và sau tất cả nỗi khủng khiếp họ đã chịu đựng dưới bàn tay của anh em Thổ của mình, các nhà hoạt động Armenia tuyên bố nhu cầu và quyền lợi cắt ra một nhà nước-quốc gia tự chủ Armenia. Đây chính xác là do cùng các tác động thuộc dân tộc chủ nghĩa trong quá nhiều tư cách quốc gia tự thân nhận dạng ở đông Âu vào thời gian này.
Vào năm 1912, một cuộc chiến trong vùng Balkan tước đoạt khỏi đế chế Albania, Macedonia, và những vùng đất thuê mướn cuối cùng ở châu Âu bên ngoài Istanbul, một thảm bại quân sự làm khởi phát cơn co giật cuối cùng của nỗi lo âu, bất mãn, và hoang mang ở Tiểu Á. Hỗn loạn kiểu này tạo thuận lợi cho nhóm có tổ chức chặt chẽ nhất định, dù được hậu thuẫn của quần chúng hay không; người Bôn-sơ-vích sẽ chứng tỏ điều ấy ở Nga năm năm sau. Ở Istanbul, nhóm có tổ chức chặt chẽ nhất lúc đó là CUP có tính dân tộc cực đoan. Vào ngày 23/1/1913, CUP nắm quyền kiểm soát trong một vụ đảo chính, ám sát vị tể tướng đương nhiệm, hạ bệ vị sultan Ottoman cuối cùng, tống cổ tất cả người cầm đầu khác khỏi chính quyền, tuyên bố mọi đảng phái khác đều bất hợp pháp, và biến Thổ Ottoman thành một nhà nước độc đảng. Một tam đầu chế xuất hiện làm mũi tiên phong của đảng độc nhất này: Talaat Pasha, Enver Pasha, và Djemal Pasha, và chính ba “Pasha” này tình cờ cai trị phần tàn tích bị cắt cụt của đế chế Ottoman vào năm 1914, khi cuộc nội chiến Âu châu được lường trước từ lâu bùng nổ.
Ở châu Âu, nó được gọi là Đại Chiến, tuy nhiên, đối với Trung Thế Giới, thoạt đầu nó giống như một cuộc nội chiến Âu châu: Đức và Áo liên minh chống Pháp, Anh, và Nga, và hầu hết các xứ châu Âu không lâu sau đó nhảy vào và bị lôi đi không mong muốn..
Người Hồi Giáo không có lợi ích gì trong cuộc xung đột, nhưng các lãnh đạo của CUP cho rằng họ có thể gặt hái được nhiều lợi ích bằng cách về phe thắng trước khi cuộc chiến kết thúc. Như phần đông dân chúng họ nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kéo dài không quá vài tháng, bởi vì các cường quốc Âu châu đã dự trữ các vũ khí công nghệ “tân tiến” hàng thập niên, hỏa lực đáng sợ không ai và không thứ gì chống lại nó có thể chịu đựng lâu được, vì thế dường như cuộc chiến chỉ có thể là một cuộc bùng phát đẫm máu thình lình trong đó ai ra tay trước và ai hết đạn dược sau cùng sẽ là người chiến thắng.
Các nhà chiến lược của CUP định rằng kẻ thắng sẽ là Đức. Suy cho cùng, Đức là cường quốc có nền kỹ nghệ hùng mạnh nhất lục địa, nó đã đè bẹp người Pháp, và nó ở ngay trung tâm Âu châu, nghĩa là nó có thể chuyển quân và quân cụ qua lãnh thổ mình trên mạng lưới đường sắt siêu đẳng đến mọi mặt trận. Ngoài ra, nếu theo phe Đức, người Thổ sẽ chiến đấu chống hai kẻ thù dai dẳng của mình, Nga và Anh.
Tám tháng lao vào cuộc chiến, với binh lính Nga đã đe dọa biên giới phía bắc của đế chế, các nhà lãnh đạo CUP ban sắc lệnh ô nhục ĐẠO LUẬT TRỤC XUẤT. Theo nội dung thông báo, lệnh này có mục đích “tái định cư” người Armenia sinh sống gần Nga đến các địa điểm sâu hơn trong đế chế để họ không thể về phe với người Nga. Đến tận hôm nay, chính quyền Thổ cũng khư khư cho rằng Đạo Luật Trục Xuất thuần túy là một biện pháp an ninh cần thiết trong chiến tranh. Họ nhìn nhận rằng, vâng, một số vụ bắn giết đúng là có xảy ra, nhưng nội chiến đang gầm thét, bạn làm sao tránh khỏi, và ngoài ra bạo lực đều phát sinh từ cả hai bên – đó là tuyên bố chính thức mà chưa có chính quyền Thổ nào lay chuyển.
Và sự thật là, có chiến tranh đang tiếp diễn, người Nga đang đến, một số người Armenia đang hợp tác với Nga, đúng là một số người Armenia có giết một số người Thổ, và một số vụ bạo lực vào đầu năm 1915 dường như là tiếp tục của mối thù địch không rõ ràng đã bùng phát những năm 1890 dưới dạng các vụ bức hại và thanh tẩy sắc tộc. (Liên Hiệp Quốc định nghĩa “thanh tẩy sắc tộc” là hành động cưỡng chế sự đồng nhất sắc tộc trên một lãnh thổ nào đó bằng cách trục xuất hoặc giết chết những nhóm người không muốn có, thường bằng các hành vi tàn bạo khiến họ khiếp sợ phải bỏ trốn.)
Tuy nhiên, ở bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, ít có học giả nào nghi ngờ rằng vào năm 1915 có điều gì đó tệ hơn là thanh tẩy sắc tộc đã xảy ra, đáng bị khiển trách. Đạo Luật Trục Xuất là khởi đầu của một toan tính có tổ chức của Talaat Pasha, và có thể của cả Enver Pasha và các nhà lãnh đạo khác không tên trong hạt nhân bí mật nặc danh của CUP, nhằm hủy diệt dân tộc Armenia – không chỉ khỏi Tiểu Á hoặc các vùng được Thổ chỉ định mà còn khỏi chính Mặt Đất. Nhưng người bị ép đi “tái định cư” thực sự bị dùng vũ lực bắt đi và hành hạ tàn nhẫn đến chết; tóm lại, nó có mục đích diệt chủng (được Liên Hiệp Quốc định nghĩa là một hành động xóa sạch một nhóm dân tộc định trước không chỉ khỏi vùng nào đó mà còn khắp nơi). Số thiệt hại vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi nhưng vượt hơn 1 triệu người. Talaat Pasha chủ trì hành động khủng khiếp này dưới tư cách bộ trưởng Nội vụ và rồi thủ tướng của Thổ Ottoman, một chục vụ y giữ cho đến cuối Thế Chiến I.
Sử gia xét lại người Thổ Taner Akçam trích dẫn lời một bác sĩ trong CUP tại thời điểm vụ thảm sát giải thích rằng, “Quốc tịch của bạn ưu tiên hơn mọi thứ khác …. Người Armenia phía Đông chống ta quá kịch liệt nếu để họ ở lại trong lãnh thổ, không người Thổ đơn lẻ nào, không người Hồi đơn lẻ nào có thể sống được…. Do đó, tôi tự nhủ rằng, ôi, Bác sĩ Rechid à, chỉ có hai lựa chọn. Hoặc chúng sẽ thanh tẩy dân Thổ hoặc người Thổ phải thanh tẩy chúng. Tôi không thể chần chừ giữa hai chọn lựa này. Con người Thổ của tôi đã thắng con người bác sĩ của tôi. Tôi tự nhủ: ‘thay vị bị chúng hủy diệt, chúng ta phải hủy diệt chúng.'”
Nhưng CUP đã tính toán sai lầm mọi chuyện. Trước hết, chiến tranh không nhanh chóng kết thúc. Thay vì bùng phát rầm rộ, tiêu hủy nhanh gọn, chiến trường Âu châu sa lầy vào một cuộc chiến phòng thủ kỳ cục giữa hàng triệu binh lính, dàn quân hàng trăm dặm, trong các công sự được ngăn cách bởi các trận địa tan hoang vương vãi bộc phá và kẽm gai. Các trận đánh tiếp tục nổ ra dọc theo các chiến tuyển này, và đôi khi giết chết hàng ngàn người chỉ trong một vài giờ, những lãnh thổ được mất trong các trận đánh này thường chỉ đo bằng in-xơ. Đây là chiến trường Âu châu.
Để phá vỡ thế bế tắc, người Anh quyết định tấn công phe trục từ phía sau, bằng cách tiến đến họ qua Tiểu Á. Để làm được điều này yêu cầu trước tiên phải làm tê liệt Ottoman. Đồng minh đổ bộ binh sĩ lên bán đảo Gallipoli, từ đó họ hy vọng tràn vào Istanbul, nhưng cuộc đột kích này thất bại và quân Đồng minh bị tàn sát.
Trong khi đó, người Anh đã ra sức khai thác một điểm yếu khác của Ottoman: khắp các tỉnh lỵ Ả Rập của đế chế đang chộn rộn nổi dậy, xuất phát từ nhiều nguồn gốc. Các phong trào dân tộc mà người Ả Rập nhắm tới để giành độc lập từ tay người Thổ. Các liên minh bộ tộc cổ đại nổi giận vì ách cai trị của Ottoman. Các gia đình quyền thế Ả Rập muốn tự thân thiết lập các triều đại tự chủ địa phương. Trong mọi nguyên nhân bất mãn này, người Anh ngửi thấy mùi cơ hội.
Trong số các bên tranh chấp này, hai gia đình nổi bật: nhà Ibn Saud, vẫn còn liên minh với phe giáo sĩ Wahhab, và nhà Hashimite, cai trị Mecca, trung tâm tâm linh của đạo Hồi.
Lãnh thổ Saudi-Wahhabi đã thu nhỏ thành một nhà nước bộ tộc Bedouin tại trung tâm Ả Rập nhưng vẫn còn một hậu duệ trực tiếp của thủ lĩnh tổ tiên Saudi thế kỷ 18 đó là Mohammed Ibn Saud, người đã kết đồng minh với giáo sĩ bảo thủ cực đoan Wahhab. Qua nhiều thập niên gia đình hai bên đã kết thông gia nhiêu lần với nhau; thủ lĩnh Saudi giờ là người đứng đầu tôn giáo của giáo phái Wahhabi, và các hậu duệ của Ibn Wahhab còn là ban bệ trong giới ulama cầm đầu trong các lãnh thổ do nhà Saudi cai trị. Các đặc vụ Anh do phòng hải ngoại Anh-Ấn phái đến viếng thăm thủ lĩnh Saudi, hướng đến việc dàn xếp một thỏa thuận. Họ làm tất cả những gì có thể để kích động các tham vọng của ông ta và đưa tiền và vũ khí để tấn công bọn Ottoman. Ibn Saud đáp ứng một cách thận trọng nhưng sự tương tác tốt đẹp giữa hai bên cho ông lý do để tin tưởng mình sẽ được tưởng thưởng sau cuộc chiến cho những thiệt hại mình gây ra cho người Thổ.
Tộc trưởng Hashimite có tên Hussein Ibn Ali. Ông là người bảo quản Ka’ba, điện thờ thiêng liêng nhất của đạo Hồi, và ông được biết dưới tước hiệu Sharif, có nghĩa ông là hậu duệ của dòng họ Nhà Tiên Tri, Banu Hashim. Nhớ rằng các nhà cách mạng thế kỷ 9 đã đưa dòng họ Abbasid đến quyền lực cũng xưng mình là dòng họ Hashimite: tên này là dòng dõi cổ đại được tôn kính và giờ một gia đình có tên này đang cai trị ở Mecca một lần nữa.
Nhưng Mecca không đủ cho Sharif Hussein. Ông mơ ước một vương quốc Ả Rập vươn dài từ Mesopotamia đến Biển Ả Rập, và ông nghĩ người Anh có thể giúp ông biến ước mơ thành hiện thực. Người Anh vui mừng báo ông biết là họ có thể và sẽ thực hiện. Họ phái một sĩ quan tình báo quân sự năng động đến làm việc với ông, từng là một nhà khảo cổ có tên Đại tá Thomas Edward Lawrence, biết nói tiếng Ả Rập và ăn mặc y phục Bedouin, một thói quen khiến ông nhận được biệt danh “Lawrence xứ ẢRập.”
THẾ CHIẾN I VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA Ả RẬP
Nhìn lại, dễ nhận ra một nồi lẩu rắc rối mà người Anh đang chế biến ở đây. Nhà Hashimite và nhà Saudi là hai nhóm bộ tộc hùng mạnh nhất trên bán đảo Ả Rập; cả hai đều hy vọng bẻ gãy ách thống trị Ottoman lên xứ Ả Rập, và mỗi bên đều xem bên kia là đối thủ cạnh tranh sống chết. Người Anh thì gửi đặc vụ đến cả hai phe, đều hứa hết với hai nhà, và cả hai đều tin rằng người Anh sẽ giúp đỡ họ thiết lập vương quốc của riêng mình trên gần như cùng một lãnh thổ, với điều kiện họ chỉ cần đánh người Ottoman. Người Anh thực sự bất cần xem ai chiếm được vùng đất này: họ chỉ muốn được hỗ trợ lập tức làm suy yếu sức mạnh Ottoman, để họ có thể đánh bại bọn Đức ở xứ chúng.
Và hóa ra nhà Hashimite dẫn đầu trong việc hỗ trợ người Anh. Họ xúi giục cuộc Khởi nghĩa Ả Rập. Hai con trai của Hussein, làm việc với Lawrence, đánh đuổi người Thổ ra khỏi khu vực, dọn đường cho quân Anh đánh chiếm Damascus và Baghdad. Từ đó, quân Anh có thể gây sức ép lên người Ottoman.
THỎA ƯỚC SYKES-PICOT
Tuy nhiên, đúng ngay lúc các đặc vụ đang ra lời hứa hẹn cho cả hai dòng họ Ả Rập, thì hai nhà ngoại giao Âu châu Mark Sykes và Francois George-Picot, đang bí mật họp bên một bản đồ và một cây bút chì, không thiếu một tách trà văn minh, để quyết định xem phải cắt xén khu vực như thế nào cho các xứ Âu châu chiến thắng sau khi chiến tranh kết thúc. Họ thỏa thuận phần nào giao cho Anh của Sykes, phần nào giao cho Pháp của Picot, và lợi ích của Nga ở đâu mới thỏa đáng. Phần nào người Ả Rập nhận được, kỳ lạ thay, không được đề cập.
Tất cả những thành tố này báo trước đủ rắc rối, nhưng đợi đấy, còn nữa! Chủ nghĩa dân tộc Ả Rập bắt đầu sôi sục ở Palestine và các vùng lãnh thổ kế cận có người Ả Rập sinh sống, kể cả Ai Cập, và việc này không có liên can gì đến các khát vọng của nhà Hashimite và Saudi. Đây là phe hiện đại thế tục ôm trọn chủ nghĩa dân tộc mới mẻ này, tất cả những người chuyên môn, công chức chính quyền, và tiểu tư sản thành thị mới xuất hiện đối với họ hiến pháp và kỹ nghệ hóa cũng có sức lôi cuốn lớn. Ở Palestine và Syria, những người dân tộc Ả Rập này không chỉ đòi hỏi độc lập từ người Ottoman và Âu mà còn từ nhà Hashimite và Saudi.
Rồi còn có một thành tố gây rối cuối cùng, có lẽ là khó giải quyết hơn tất cả: việc người Do Thái di cư từ châu Âu đến Palestine. Chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu vốn đã giúp đẩy mạnh phong trào Phục quốc Do Thái (Zionism) giờ đây tiếp tục tăng cường khi lục địa tiến gần đến chiến tranh, khiến cuộc sống càng trở nên bấp bênh đối với dân Do Thái trên khắp châu Âu. Kết quả là dân số Do Thái ở Palestine tăng vọt từ 4 phần trăm năm 1883 lên 8 phần trăm ngay bắt đầu Thế Chiến I và đến gần 13 phần trăm khi chiến tranh kết thúc.
Vào năm 1917, ngoại trưởng Anh Arthur James Balfour viết một bức thư cho Lord Lionel Rothschild, một chủ ngân hàng Anh và nhà lãnh đạo Zionism, một người đã hậu thuẫn hào phóng cuộc di dân Do Thái đến vùng Levant bằng tiền túi của mình. Balfour bảo với Rothschild rằng chính quyền Anh sẽ “có quan điểm thiện cảm với việc thành lập tại Palestine một quê hương quốc gia cho dân tộc Do Thái, và sẽ tận dụng các nỗ lực tốt nhất để mục tiêu này được thành tựu dễ dàng.”
Balfour cũng nhấn mạnh rằng “không được làm gì có thể gây tổn hại cho quyền dân sự và tín ngưỡng của các cộng đồng phi Do Thái đang tồn tại ở Palestine,” Nhưng liệu người Anh dự tính điều hợp thế nào chủ nghĩa dân tộc Do Thái với chủ nghĩa dân tộc Ả Rập trên cùng một lãnh thổ, Balfour không cho biết.
Tóm lại – cần phải tóm lại: Anh về cơ bản hứa hẹn cùng một lãnh thổ cho nhà Hashimite, nhà Saudi, và người Phục quốc Do Thái ở châu Âu, lãnh thổ thực sự được cư ngụ bởi một dân tộc Ả Rập khác với khát vọng dân tộc phát triển nhanh chóng cho riêng mình – trong khi sự thật Anh và Pháp đã bí mật cắt xén toàn bộ lãnh thổ đã hứa giữa họ với nhau. Điều này bảo đảm một sự nổ tung ở tương lai.
Nhưng điều tốt đẹp về tương lai là nó nằm ở tương lai. Trong hiện tại một cuộc chiến đang gầm thét, và những gì mà Anh và Pháp tính toán có kết quả tuyệt vời: CUP đã đánh mất mọi thứ mà Ottoman đã từng sở hữu bên ngoài Tiểu Á. Họ nhượng Palestine, Đại Syria, và Mesopotamia cho Anh. Và cuộc chiến cũng đang trở nên tồi tệ cho các bạn của họ ở châu Âu. Vào năm 1918, Đức đầu hàng vô điều kiện phe Đồng minh, và ba chàng Pasha biết rằng họ đang gặp rắc rối lớn. Tất cả ba người họ, Talaat, Enver, và Djemal chạy thoát về Istanbul chỉ trong gang tấc trước khi có trát đến bắt. Talaat chạy về Berlin, tại đó một người Armenia ám sát ông vào năm 1921. Djemal chạy đến Georgia, tại đó một người Armenia ám sát ông vào năm 1922. Còn Enver đi đến Trung Á để khuấy động cuộc nổi dậy chống người Bôn-sơ-vích. Một phân đội Hồng Quân do một người Bôn-sơ-vích Armenia chỉ huy giết ông tại đó vào năm 1922.
Thế là kết thúc Ủy ban Liên minh Tiến bộ, đúng là một chính quyền tồi, nhưng giờ nó đã qua đời, để lại thi thể “Đế chế Ottoman” không còn chính phủ nào hết.