Vận mệnh đứt đoạn: Lịch Sử Thế Giới Qua Mắt Người Hồi Giáo- Bài 2

Chương 2 : SỰ KIỆN HIJRA Năm 0 – Năm 622 CN

1

 Tamim Ansary

 Trần Quang Nghĩa dịch

NGAY TRƯỚC KHI ĐẠO HỒI RA ĐỜI: CÁC ĐẾ CHẾ BYZANTINE VÀ SASSANID

1

Vào cuối thế kỷ thứ 6 CN, một số thành phố hưng thịnh lên dọc bờ biển Ả Rập như là những vườn ươm thương mại. Người Ả Rập nhận hàng hóa tại các cảng ở Biển Đỏ và chở trên những đoàn xe do lạc đà kéo băng qua sa mạc đến Syria và Palestine, vận chuyển gia vị và vải vóc và các loại hàng hóa khác. Họ đi về phía bắc, nam, đông, và tây; vì thế họ biết rành về thế giới và giáo lý Cơ đốc , nhưng cũng biết rành về Zoroaster và giáo lý của nó. Một số bộ tộc Do Thái sống giữa người Ả Rập; họ đã đến đây sau khi La Mã đã xua đuổi họ ra khỏi Palestine. Cả người Ả Rập và Do Thái đều là người Semite và ngược về nguồn cội đều là hậu duệ của tổ phụ Abraham (và cuối cùng là Adam). Người Ả Rập cho mình là hậu duệ thuộc dòng Ishmael, con trai của Abraham và bà vợ thứ hai của ông Hagar. Các câu chuyện thường có liên quan với Cựu ước – Adam và Eve, Cain và Abel, Noah và con thuyền của ông, Joseph và Ai Cập, Moses và pha-ra-ông, và những người còn lại – cũng là một phần truyền thống Ả Rập. Mặc dù hầu hết người Ả Rập tại thời điểm đó theo đa thần giáo còn người Do Thái vẫn cương quyết duy trì chủ nghĩa độc thần, nhưng hai nhóm tuy vậy cũng ít nhiều khó phân biệt nếu xét về văn hóa và phong cách sống: người Do Thái trong vùng này nói tiếng Ả Rập, và cấu trúc bộ tộc của họ giống với của người Ả Rập. Một số người Ả Rập là thuộc bộ tộc Bedouin du cư chuyên sống trong sa mạc, nhưng số khác là các cư dân thị trấn. Mohammed, nhà tiên tri đạo Hồi, sinh ra và lớn lên tại thị trấn đô hội Mecca, gần bờ Biển Đỏ.

Cư dân nơi đây là các thương nhân đường dài, nhưng nghề nghiệp chính nhất và uy tín nhất của họ là tôn giáo. Mecca có đền thờ cho ít nhất 100 vị thần linh có tên như Hubal, Manat, Allat, al-Uzza, và Fals. Các khách hành hương lũ lượt đến thăm di tích, thực hành nghi lễ, và nhân tiện đi làm ăn, vì thế Mecca vận hành một kỹ nghệ du lịch bận rộn với nhà trọ, quán ăn, cửa hàng, và các dịch vụ làm vừa lòng khách hành hương.

Mohammed ra đời khoảng năm 570. Niên đại chính xác không biết được vì không ai để ý đến ông vào thời điểm ấy. Thân sinh ông là một người nghèo và mất khi Mohammed còn ở trong bụng mẹ, không để lại một xu cho thân mẫu ông. Sau đó, khi Mohammed lên 9, mẹ ông cũng qua đời. Mặc dù Mohammed là một thành viên của người Quraysh, thị tộc hùng mạnh nhất ở Mecca, nhưng ông không có vị thứ nào từ nó vì ông thuộc dòng họ Hashim nghèo khó hơn của thị tộc. Nhưng ông không bị bỏ rơi mà được thân thích đùm bọc. Ông sống với ông nội cho đến khi ông già qua đời thì về sống với một người chú, Abu Talib. Chú nuôi dưỡng ông như con ruột – nhưng sự thật trong nền văn hóa của mình ông cũng không có địa vị gì, ra khỏi nhà chú ắt hẳn ông sẽ nếm trải sự khinh nhờn và bất kính vì mang thân phận một trẻ mồ côi. Tuổi thơ của ông đã gieo mầm trong ông mối quan tâm đến bất hạnh của các goá phụ và con côi.

Khi Mohammed đến tuổi 25, một góa phụ giàu có giỏi làm ăn tên Khadija thuê ông quản lý đoàn xe thương buôn và điều hành việc kinh doanh của bà. Theo quy luật xã hội Ả Rập vốn không đối xử tốt với phụ nữ, nhưng Khadija đã thừa kế sản nghiệp của ông chồng, và sự kiện bà vẫn tiếp tục việc làm ăn của chồng cho thấy bà ắt hẳn có một cá tính thu hút mạnh mẽ. Sự tôn trọng và tình cảm giữa Mohammed và Khadija dẫn đến hôn nhân, một sự đồng điệu nồng ẩm kéo dài cho đến khi Khadija qua đời 25 năm sau đó. Và cho dù Ả Rập là một xã hội đa thê trong đó chỉ có một vợ ắt hẳn là bất bình thường, nhưng Mohammed không lấy ai khác trong suốt thời gian Khadija còn sống.

Là một người trưởng thành, chàng thanh niên mồ côi thuở nào gầy dựng một cuộc sống gia đình lẫn kinh doanh rất thành công. Ông đạt được tiếng tăm nhờ kỹ năng giao tiếp, và các bên tranh chấp thường mời ông đến làm trọng tài. Còn nữa, khi Mohammed gần đến tuổi 40, ông bắt đầu trải qua điều mà ngày nay chúng ta thường gọi là khủng hoảng tuổi trung niên. Ông dằn vặt trước ý nghĩa của cuộc đời. Nhìn quanh, ông bắt gặp một xã hội đầy ứ của cải, vậy mà giữa cái phồn thịnh đầy ứ ấy ông chứng kiến các goá phụ phải kiếm sống lây lất bằng của bố thí và các trẻ mồ côi tất bật chạy kiếm miếng ăn. Làm sao như thế được?

Ông đâm ra có thói quen đều đặn rút lui đến một hang động trong vùng núi để trầm mặc. Tại đó, một hôm, ông trải nghiệm một sự cố trọng đại, mà bản chất chính xác của nó vẫn còn là điều bí ẩn, vì các tường thuật khác nhau còn sót lại, có thể phản ánh những mô tả khác nhau bởi chính Mohammed. Truyền thống quy định gọi việc trải nghiệm đó chính là sự giáng lâm của thiên sứ Gabriel. Trong một tường thuật, Mohammed có nói về “một tấm lụa trên đó có viết chữ” gửi đến ông khi ông đang ngủ. Tuy nhiên, chủ yếu là sự tương tác bằng miệng và có tính riêng tư đã bắt đầu khi Mohammed, ngồi trầm tư trong bóng tối dày đặc của hang động, bổng cảm nhận một sự hiện diện bao trùm và khủng khiếp: có ai đó đang ở trong hang động với mình. Thình lình ông cảm thấy bị xiết chặt từ phía sau mạnh đến nỗi ông không thể thở được. Rồi một tiếng nói cất lên, nghe mà như cảm nhận qua toàn bộ bản ngã của ông, ra lệnh ông “hãy rao giảng!”.

Mohammed ráng hỗn hển nói mình không thể rao giảng.

Lệnh lại cất lên: “Hãy rao giảng!”

Một lần nữa Mohammed phản đối là mình không biết rao giảng gì, nhưng thiên sứ – tiếng nói – lực tác động – bộc phát lần nữa: “Hãy rao giảng!” Rồi Mohammed bổng cảm thấy những lời lẽ hùng tráng bỗng hình thành trong tim mình và ông bắt đầu cất tiếng:

Hãy rao giảng nhân danh Chúa Trời của ngươi

Người đã sáng tạo,

Sáng tạo ra con người từ một giọt máu đặc

Hãy rao giảng!

Và Chúa Trời ngươi là người

Bao dung nhất.

Ngài đã dạy nhân loại bằng cây bút,

Dạy nhân loại những điều họ chưa biết.

Mohammed xuống núi lòng đầy khiếp sợ, nghĩ mình đã bị quỷ ám. Ra ngoài, ông cảm nhận một sự hiện diện tràn đầy thế giới tận ngút chân trời. Theo một số giai thoại, ông nhìn thấy ánh sáng nom giống hình người, chói loà sấm sét và gây khiếp đảm. Đến nhà, ông kể cho Khadija chuyện vừa xảy ra, và bà trấn an ông là ông không điên, và người đến viếng ông chính là một thiên sứ, và rằng ông được triệu đòi để phục vụ Thượng Đế. “Em tin tưởng anh,” bà nói, do đó trở thành đệ tử đầu tiên của ông, tín đồ Hồi giáo đầu tiên.

Lúc đầu, Mohammed chỉ thuyết giảng trong số bạn thân và họ hàng. Một thời gian ông không trải nghiệm thêm mặc khải nào, và điều đó khiến ông phiền muộn, cảm thấy như mình đã thất bại. Nhưng rồi các mặc khải bắt đầu xuất hiện lần nữa. Dần dần, ông đi rao giảng thông điệp đến tất cả mọi người ở Mecca – “Chỉ có một Chúa Trời. Hãy tuân phục ý nguyện của Ngài, nếu không bạn sẽ đọa địa ngục” – và ông nói rõ tuân phục ý Chúa là gì: từ bỏ trụy lạc, say xỉn, tàn ác, và độc tài; nâng đỡ người yếu đuối và hiền nhu; giúp đỡ người khốn khó; hy sinh vì công lý; và phục vụ những điều thiện cao cả hơn.

Trong số các đến thờ ở Mecca có một đến thờ hình khối lập phương có một khối đá nền móng rất được tôn sùng, một tảng đá màu đen bóng loáng đã rơi từ trên trời xuống từ lâu lắm rồi – có lẽ là một thiên thạch. Đền thờ có tên Ka’ba, và các giai thoại bộ tộc cho rằng chính Abraham đã xây dựng nó, với sự giúp đỡ của con trai Ishmael. Mohammed xem mình là hậu duệ của Abraham và biết mọi chuyện về độc thần giáo không thỏa hiệp của Abraham. Đúng ra Mohammed nghĩ mình không thuyết giảng điều gì mới, ông tin mình đang làm mới lại  những gì mà Abraham (và vô số các tiên tri khác đã dạy), vì thế ông tập trung vào Ka’ba. Điện thờ này, ông nói, nên là điện thờ duy nhất ở Mecca: điện thờ của Allah.

2

Đền thờ Ka’ba ở Mecca vào ngày hành hương của người Hồi giáo năm 2018

“Al” có nghĩa là “đấng”(đã được xác định trước) trong tiếng Ả Rập, và “lah”, từ đọc nuốt của “ilaah”, có nghĩa “thượng đế”. Vì vậy Alllah chỉ đơn giản có nghĩa “Đấng Thượng Đế” (đã được chỉ rõ). Đây là điểm cốt lõi của đạo Hồi: Mohammed không nói về “thượng đế này” đấu với “thượng đế nọ”. Ông không nói, “Hãy tin vào một thượng đế gọi là Lah vì Ngài là vị thượng đế lớn nhất, mạnh mẽ nhất,” cũng không thậm chí nói rằng Lah là “đấng thượng đế thực sự duy nhất” và tất cả thượng đế khác đều là giả mạo. Người ta có thể tán thành một quan niệm như thế mà vẫn còn nghĩ Thượng Đế là một con người đặc biệt nào đó có năng lực siêu phàm, có thể là một sinh vật trông như Zeus, sống đời bất tử, có thể một tay nhấc lên 100 con lạc đà, và là người duy nhất thuộc loại đó. Điều đó vẫn hình thành một tín ngưỡng tin vào một thượng đế. Nhưng Mohammed đang đề xuất một điều gì đó khác biệt và lớn lao hơn. Ông đang thuyết giảng rằng chỉ tồn tại một Thượng Đế bao trùm toàn bộ và có tính phổ quát để không thể liên kết với bất kỳ hình ảnh nào, bất kỳ thuộc tính đặc biệt nào, bất kỳ khái niệm hữu hạn nào, bất kỳ hạn chế nào. Tồn tại một Thượng Đế độc nhất và mọi thứ còn lại đều là tạo vật của Ngài: đây là thông điệp ông đang rao giảng cho ai muốn lắng nghe.

Các trùm làm ăn ở Mecca bỗng cảm thấy bị Mohammed đe dọa vì họ đang kiếm bộn tiền từ hoạt động du lịch tôn giáo; nếu ý tưởng chỉ có một thần linh này cắm rễ, họ sợ, các tín đồ mọi thần linh khác sẽ ngừng đến Mecca  và họ sẽ sạt nghiệp. (Ngày nay, mỉa mai thay, hơn một triệu người đến Mecca mỗi năm để thực hành nghi thức hành hương tại Ka’ba, biến nơi này thành điểm tụ tập hàng năm lớn nhất trên trái đất!)

Ngoài ra, Mecca hưởng lợi từ quán rượu, ổ cờ bạc, động mãi dâm, và các trò hấp dẫn khác, và bọn môi giới quyền lực của bộ tộc không thể tha thứ cho một gã đàn ông xỉ vả ngay những trò lạc thú đã gom cho chúng của cải, thậm chí dù gã chỉ có lác đác đệ tử đi theo, phần nhiều là dân nghèo hèn và bọn nô lệ không quyền thế. Nhưng có điều là không phải tất cả người theo ông đều là người  nghèo và nô lệ. Cũng có người giàu có và các thương gia đáng kính như Abu Bakr và Othman, rồi chẳng bao lâu có cả gã Omar cao to dềnh dàng, mà lúc đầu y ghét cay ghét đắng Mohammed. Chiều hướng coi mòi gây phiền toái.

Trong gần 12 năm, chú Abu Talib của Mohammed bệnh vực ông chống lại mọi lời gièm pha. Theo phần đông người Hồi, Abu Talib chưa hề cải sang đạo Hồi, nhưng ông bảo vệ cho cháu mình vì tình thân gia đình, và lời lẽ ông có trọng lượng. Khadija cũng ủng hộ chồng mình không hề dè sẻn, cho ông một nguồn an ủi quý giá. Rồi, chỉ trong vòng một năm tai ương, cả hai người thân yêu nhất trong đời Mohammed đều mất, bỏ lại Sứ Giả của Thượng Đế trơ trọi với kẻ thù. Năm đó, 7 trưởng lão của bộ tộc Quraysh quyết định lấy mạng Mohammed khi ông đang ngủ, nhờ đó loại bỏ được kẻ gây rối trước khi y có thể gây tổn thất thực sự cho việc làm ăn của họ. Một người chú của Mohammed cầm đầu âm mưu. Đúng ra, tất cả 7 người âm mưu đều có họ hàng với Mohammed. Nhưng điều này không làm mềm lòng quyết tâm của họ.

May thay, Mohammed nghe ngóng được âm mưu và suy nghĩ tìm cách khiến nó thất bại với sự giúp đỡ của hai người bạn đồng hành thân thiết. Một là em họ của ông Ali, giờ là một thanh niên vạm vỡ, người sẽ sớm lấy con gái của Mohammed là Fatima và trở thành chàng rễ của Sứ Giả. Người kia là bạn thân và cố vấn thân cận nhất của ông, Abu Bakr, người đầu tiên đi theo Mohammed mà không phải là họ hàng gần với ông và sẽ sớm trở thành cha vợ của Mohammed.

Nhà Tiên Tri đã liên lạc với các đại biểu từ Yathrib, một thị trấn khác gần bờ Biển Đỏ, cách Mecca khoảng 250 dặm theo hướng bắc. Đó là một thị trấn nông nghiệp hơn là thương mại và bị xâu xé bởi xung đột vì dân cư ở đó thuộc vài bộ tộc đang tranh chấp. Dân chúng Yathrib muốn có một người ngoài công chính đến để giải quyết những thỏa thuận giữa các bộ tộc; họ hy vọng nếu họ giao quyền hành phân xử cho một người như thế, ông ta có thể mang lại hòa bình. Mohammed có tiếng là một trọng tài công chính và tinh tế, đã thành công trong một vài vụ tranh chấp cam go, và vì thế người Yathrib nghĩ rằng ông có thể là người họ đang cần. Vài người trong số đến Mecca tìm gặp Mohammed và nhận thấy ông vô cùng thu hút. Họ cải sang đạo Hồi và mời Mohammed đến Yathrib làm trọng tài nhằm kết thúc việc tranh chấp giằng co; Nhà Tiên Tri nhận lời.

Âm mưu sát hại Mohammed được dự định vào một  đêm tháng 9  năm 622 CN. Đêm đó, Nhà Tiên Tri và Abu Bakr trốn đi vào sa mạc. Ali bò vào giường của Mohammed để ngụy trang là ông vẫn còn ở đó. Khi bọn sát nhân tiềm năng xong vào, họ nổi giận khi thấy Ali, nhưng họ không giết anh và phái một đội săn đuổi Nhà Tiên Tri. Mohammed và Abu Bakr chỉ vừa mới chạy đến một hang động gần Mecca, và truyền thuyết kể rằng một con nhện đã giăng mạng tơ ngang qua cửa hang ngay khi họ vừa đi vào. Khi bọn săn lùng đến nơi và nhìn thấy mạng nhện, chúng cho rằng người mình  truy đuổi không thể có trong hang, vì thế chúng bỏ đi. Mohammed và Abu Bakr bình yên đến được Yathrib, cùng lúc đó cũng có một số đệ tử khác của Mohammed đến nơi, và sau đó những nhóm còn lại cũng tiếp bước. Hầu hết những người di dân Mecca này phải bỏ nhà cửa và tài sản lại; hầu hết phải lìa bỏ gia đình và họ hàng, bạn bè chưa cải đạo. Nhưng ít nhất họ đang đến một nơi có thể được bình yên, và nơi thủ lĩnh Mohammed của họ đã được mời làm chủ tọa và được trao quyền hành trọng tài cho các thủ lĩnh bộ tộc đang tranh chấp.

Đúng như lời hứa, Mohammed ngồi xuống với các bộ tộc cứng đầu để dàn xếp một hiệp ước (sau này gọi là Hiệp ước Medina).

Hiệp ước này biến thành phố thành một liên minh, bảo đảm mỗi bộ tộc quyền đi theo tín ngưỡng và tập quán riêng của mình, áp đặt cho mọi công dân nghĩa vụ phải gìn giữ hòa bình chung, thiết lập một tiến trình pháp lý theo đó các bộ tộc có quyền giải quyết các vấn đề thuần túy nội bộ và nhường lại cho Mohammed thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên bộ tộc. Quan trọng hơn hết, tất cả người ký tên, theo đạo Hồi hay không, đều cam kết sẽ đoàn kết với nhau để bảo vệ Medina chống lại cuộc tấn công từ bên ngoài. Mặc dù văn kiện này được coi là hiến pháp thành văn đầu tiên, nó thực sự có ý nghĩa hơn một hiệp ước nhiều bên.

Mohammed cũng bổ nhiệm một người Hồi giáo Yathrib làm cố vấn và giúp đỡ mọi gia đình người Hồi giáo ở Mecca. Dân địa phương phải bảo bọc người mới đến và gia đình họ, giúp họ định cư và bắt đầu cuộc sống mới. Từ lúc này trở đi, người Hồi giáo ở Yathrib được gọi là Ansar, “người hỗ trợ.”

Ngay tên thành phố cũng được đổi thành Medina, đơn giản có nghĩa là “thành phố” (nói tắt của cụm từ “thành phố của nhà tiên tri”). Việc di dân của người Hồi từ Mecca đến Medina, được biết dưới tên Hijra. Một chục năm sau, khi người Hồi sáng lập ra lịch mới của họ, họ định niên đại bắt đầu từ sự kiện này vì Hijra, họ cảm thấy, đánh dấu trục quay của lịch sử, bước ngoặt trong vận mệnh của họ, thời điểm chia cắt dòng thời gian thành trước sự kiện Hijra (TH) và sau sự kiện Hijra (SH).

Một số tôn giáo đánh dấu ngày sinh của người sáng lập như thời điểm gốc của họ; một số, lấy ngày họ mất; và một số khác, thời điểm nhà tiên tri giác ngộ hoặc lúc ngài giao tiếp với Thượng Đế. Trong đạo Phật, chẳng hạn, tôn giáo bắt đầu với việc Siddhartha Gautama đắc đạo dưới gốc cây bồ đề. Cơ đốc giáo gán ý nghĩa tôn giáo chủ chốt cho cái chết và sự phục sinh của Christ (cũng như ngày sinh của ông). Tuy nhiên, đạo Hồi ít để ý đến ngày sinh của Mohammed. Lớn lên là một người theo đạo Hồi, tôi không biết ông ra đời năm nào vì không có gì đặc biệt xảy ra vào ngày đó ở Afghanistan. Một vài xứ, như Ai Cập chẳng hạn, kỷ niệm ngày đó nhộn nhịp hơn, nhưng ở đạo Hồi không có ngày tương tự như ngày Giáng sinh (Christmas), không có ngày “Mohammedmas”.

Sự kiện mặc khải trong hang động được tưởng niệm như là đêm thiêng liêng nhất trong tín đồ đạo Hồi: đó là Đêm của Quyền Lực, Lailut al-Qadr, rơi vào hoặc gần ngày thứ 27 của lễ Ramadan, tháng chay. Nhưng trong bộ lịch lịch sử của Hồi giáo, sự kiện đó xảy ra 10 năm trước khi đến điểm ngoặt quyết định: Hijra.

Điều gì khiến việc di chuyển từ thị trấn này đến thị trấn khác có tính trọng đại như thế? Hijra chiếm một vị trí vinh dự trong lịch sử Hồi giáo vì nó đánh dấu ngày ra đời của cộng đồng Hồi giáo, Umma, được gọi trong thế giới Hồi giáo. Trước Hijra, Mohammed chỉ là một người truyền giảng cho các đệ tử của mình. Sau Hijra, ông là thủ lĩnh của một cộng đồng hướng về ông trong vai trò lãnh đạo luật pháp, chính trị, và chỉ đạo xã hội. Từ hijra có nghĩa “cắt đứt mọi ràng buộc.” Những người tham gia cộng đồng ở Medina từ bỏ các ràng buộc bộ tộc và chấp nhận vào cộng đồng mới này xem như là liên minh siêu việt, và bởi vì cộng đồng này nhắm tới việc thay thế Mecca của thời thơ trẻ của Mohammed, đó là một dự án xã hội dâng hiến, hào hùng.

Dự án xã hội này, trở nên hoàn toàn rõ ràng ở Medina sau sự kiện Hijra, là yếu tố cốt lõi của đạo Hồi. Hoàn toàn xác định, đạo Hồi là một tôn giáo, nhưng ngay từ đầu (nếu “từ đầu” có nghĩa là từ Hijra) nó cũng là một thực thể chính trị, và vâng, mỗi người  tận hiến cho đạo Hồi hy vọng vào được thiên đường bằng cách đi theo con đường đó, nhưng thay vì tập trung vào việc cứu rỗi cá nhân riêng biệt, đạo Hồi đưa ra một kế hoạch xây dựng một cộng đồng công chính. Cá nhân có thể kiếm được một chỗ ở thiên đường bằng cách làm gia nhập cộng đồng và dấn thân vào dự án xã hội Hồi giáo, nhằm xây dựng một thế giới trong đó các cô nhi sẽ không bị bỏ rơi và goá phụ sẽ không phải vô gia cư, đói khát hoặc sợ hãi.

Sau khi Mohammed trở thành lãnh đạo của Medina, dân chúng đến với ông để xin cố vấn và xét xử mọi loại vấn nạn về đời sống, lớn hay nhỏ: dạy trẻ con thế nào … rửa tay ra sao … xem xét điều gì công bằng trong một hợp đồng. … phải làm gì với một tên ăn trộm … danh sách cứ thể kéo dài. Những câu hỏi mà trong các cộng đồng khác được một đội chuyên gia riêng biệt quyết định, như quan tòa, các nhà lập pháp, các thủ lĩnh chính trị, thầy thuốc, thầy giáo, tướng lĩnh, và những người khác, thì ở đây tất cả đều thuộc địa hạt của Nhà Tiên Tri.

Các phần trong Kinh Qur’an được đọc tại Mecca gồm hoàn toàn những ngôn ngữ như thế này:

 

Và trái đất trút gánh nặng của nó ra ngoài

Và con người sẽ bảo: “Chuyện gì xảy đến cho nó vậy?”

Vào Ngày đó, nó sẽ kể câu chuyện của nó.

Bởi vì Rabb (Allah) của Ngươi mặc khải cho nó.

Vào Ngày đó, nhân loại sẽ đi rời rạc từng đoàn đến chứng kiến công trình của họ.

Bởi thế, ai làm việc thiện dù nhẹ bằng hạt cải sẽ thấy nó;

Và ai làm việc ác dù nhẹ bằng hạt cải cũng sẽ thấy nó.

Khi bạn nhìn vào các vần thơ tiết lộ ở Medina, bạn vẫn còn tìm thấy ngôn ngữ nồng nàn, thi vị và nguyền rủa, nhưng bạn cũng tìm thấy những đoạn văn như đoạn này:

Allah ra lệnh cho các người về việc con cái của các người hưởng gia tài:

phần của con trai bằng hai phần của con gái.

Nhưng nếu chỉ có con gái và số con gái nhiều hơn hai, thì phần của tất cả các con gái là hai phần ba (2/3) gia tài để lại;

và nếu chỉ có một đứa con gái thì phần của nữ là phân nửa (1/2) gia tài để lại.

Nếu người chết có con, thì cả cha lẫn mẹ mỗi người được hưởng một phần sáu (1/6) gia tài để lại.

Nhưng nếu (người chết) không có con và chỉ có cha mẹ là thừa kế, thì người mẹ được hưởng một phần ba (1/3) gia tài để lại.

Nếu người chết có đông anh chị em thì người mẹ được hưởng một phần sáu (1/6) gia tài để lại.

Việc phân chia gia tài này sẽ được thực hiện sau khi đã thi hành xong những điều ghi trong di chúc và sau khi đã trả hết nợ nần nếu có.

Các người không biết giữa cha mẹ và con cái ai là người gần nhất trong việc hưởng lộc, cho nên Allah định phần như thế;

bởi vì quả thật Allah

Rất mực Hiểu biết và Rất mực Sáng suốt

Đây là luật pháp, và đây là điều mà tổ chức Hồi giáo mở rộng đến, một khi nó đã bắt rễ ở Medina.

Sau Hijra, người Ả Rập bản xứ Medina dần dần cải sang đạo Hồi, nhưng ba bộ tộc Do Thái phần lớn chống đối việc cải đạo, và theo thời gian xích mích lớn dần giữa họ và người Hồi. Trong giới Ả Rập, một số người bị mất địa vị vì vị thế lên cao của Mohammed cũng ôm ấp nỗi bất mãn giữ kín trong lòng.

Trong khi đó, bộ tộc Quraysh vẫn chưa từ bỏ ý định ám sát Mohammed, cho dù giờ đây ông đã cách xa Mecca 250 dặm. Không chỉ các thủ lĩnh Quraysh đặt tiền thưởng 100 lạc đà cho thủ cấp của Mohammed, họ còn tiếp tục tính kế xóa bỏ toàn bộ cộng đồng của ông. Để có ngân sách tài trợ cho một cuộc tấn công vào Medina, các thương gia giàu có nhất ở Mecca gia tăng các vụ buôn bán đường dài. Mohammed ngăn trở bằng cách cầm đầu người Hồi đánh cướp các đoàn xe chở hàng của Mecca (nhờ đó giúp giải quyết một vấn đề khác mà các di dân Mecca đối đầu: làm thế nào tự nuôi sống mình giờ đây khi mình đã mất hết hàng hoá và công ăn việc làm.)

Sau một năm bị cướp phá, người Mecca quyết tâm đặt cược cao hơn. Một ngàn người Mecca nai nịt vũ khí và tiến lên để kết liễu bọn nổi dậy. Người Hồi giáp mặt họ với một lực lượng gồm 300 người tại một nơi gọi là Badr và đánh bại họ hoàn toàn. Kinh Qur’an đề cập đến trận đánh Badr như là chứng cứ cho thấy Allah có khả năng quyết định cục diện của bất kỳ trận đánh nào, cho dù thế yếu ra sao.

Trước trận Badr, một số người bộ tộc Bedouin đã làm việc cho nhà buôn ô Mecca với tư cách vệ sĩ hợp đồng. Sau trận Badr, các bộ tộc này bắt đầu đổi phe. Tình đoàn kết tăng gia giữa cộng đồng Hồi giáo ở Medina bắt đầu báo động với các bộ tộc Do Thái. Một trong ba bộ tộc phá vỡ Hiệp ước Medina và tìm cách xúi giục một cuộc nổi dậy chống Mohammed và đòi quay trở về hiện trạng trước khi có đạo Hồi, nhưng cuộc nổi dậy thất bại, và bộ tộc này bị trục xuất khỏi Medina.

Giờ Quraysh thực sự có lý do để lo lắng. Thay vì loại bỏ Mohammed, có vẻ như là họ chuẩn bị tự đào huyệt cho mình. Vào năm 3 SH, họ quyết định tràn ngập người Hồi trong khi họ còn có quân số áp đảo. Họ tăng gấp 3 quân số, hành quân đến Medina với 3,000 người. Người Hồi vét hết sức chỉ có được 950 chiến binh. Một lần nữa bị áp đảo với tỉ lệ 3 :1 – nhưng đã có trận Badr, điều này là vấn đề gì chứ? Họ có lợi thế duy nhất mới là Allah đứng về phía họ.

Trận đánh thứ 2 trong ba trận đánh mang tính biểu tượng của Hồi giáo xảy ra tại một nơi gọi là Uhud. Lúc đầu dường như người Hồi đang thắng thế một lần nữa, nhưng khi bọn Mecca thoái lui, một số người Hồi không tuân theo lệnh đã ban bố rõ ràng của Mohammed: họ bỏ hàng ngũ và chạy hỗn loạn khắp cánh đồng phần để vớt chiến lợi phẩm – ngay lúc đó bọn Mecca đánh bọc hậu dưới sự chỉ huy của Khaled bin al-Walid, một thiên tài quân sự, sau này cải sang đạo Hồi và trở thành một trong các tướng lĩnh hàng đầu của Umma. Chính Nhà Tiên Tri cũng bị thương tại Uhud, 70 người Hồi tử trận, và nhiều người còn lại bỏ trốn. Umma vẫn sống sót, nhưng trận đánh này đánh dấu một thảm bại chua cay.

Các trận đánh quyết định trong lịch sử đạo Hồi có tầm vóc quá nhỏ, so với các trận đánh thực sự, đến nỗi khó có thể xứng đáng gọi là trận đánh. Tuy nhiên, mỗi trận đều được gắn kết vào thần học Hồi giáo và được khoác một ý nghĩa. Chẳng hạn, trận Badr chứng tỏ ý chí của Allah, chứ không phải các yếu tố vật chất, mới quyết định thắng lợi trên chiến trường. Nhưng trận đánh Uhud nêu lên một câu hỏi thần học gai góc. Nếu Badr cho thấy quyền lực của Allah, thế thì trận Uhud chứng tỏ điều gì? Rằng Allah cũng có thể bại trận? Rằng ông ta không hoàn toàn toàn năng như Mohammed tuyên bổ?

Tuy nhiên, Mohammed tìm ra một bài học khác trong chiến bại. Allah, ông giải thích, để người Hồi bại trận lần này để dạy cho họ một bài học. Người Hồi cho rằng mình đang chiến đấu vì chính nghĩa cao cả – một cộng đồng công chính trên mặt đất. Thay vào đó, tại Uhud họ đã quên mất sứ mạng này và chạy tán loạn đi cướp chiến lợi phẩm, trắng trợn bất tuân lệnh Nhà Tiên Tri, và vì thế họ đã đánh mất đặc ân của Allah. Sự hậu thuẫn thần thánh không phải là đặc quyền; người Hồi phải tranh thủ ân sủng của Allah bằng cách xử sự đúng theo mệnh lệnh và tuân phục ý Ngài. Lời giải thích cho sự bại trận này cung cấp một khuôn mẫu  mà người Hồi tái sử dụng nhiều lần trong những năm sau này  sau trận diệt chủng của người Mông cổ vào thế kỷ 13, chẳng hạn, khi bọn xâm lược du cư từ Trung Á tràn ngập hầu hết thế giới Hồi giáo, và một lần nữa để trả lời cho sự thống trị của phương Tây, bắt đầu vào thế kỷ 18 và tiếp tục đến tận ngày nay.

Bọn Quraysh mất hai năm lên kế hoạch cho cuộc tấn công tiếp theo của họ. Kêu gọi các đồng minh từ các bộ tộc khác, họ thành lập một đạo quân một vạn người – vào thời đó và nơi đó con số là vô cùng hùng hậu. Khi Mohammed nghe tin báo về lực lượng này đang rầm rộ tiền về Medina, ông cho binh lính đào một chiến hào bao quanh thị trấn. Quân Quraysh tiến đến trên lưng lạc đà, nên không thể vượt qua chiến hào. Lúng túng, họ quyết định vây hãm nhằm bỏ đói Medina.

Tuy nhiên, chiến lược vây hãm làm phá sản một âm mưu bí mật mà người Quraysh đang trông cậy. Sau thảm bại ở trận Uhud, một bộ tộc Do Thái khác ở Medina bị bại lộ việc hợp tác với quân Mecca. Như bộ tộc Do Thái trước đây, họ bị xét xử và bị trục xuất. Bộ tộc Do Thái thứ ba còn lại,  Banu Qurayza, sau đó vẫn tuyên bố trung thành với Hiệp ước Medina. Tuy  nhiên, trong cơn chạy nước rút trước Trận Chiến Hào, các thủ lĩnh của họ đã ngầm âm mưu với người Quraysh làm nội ứng chống lực lượng Hồi ngay khi lực lượng Mecca tấn công trực diện ở mặt trước.

Khi cuộc tấn công trực diện bị khựng lại, bọn âm mưu bên trong thành Medina mất tính thần. Trong lúc đó, lực lượng vây hãm bắt đầu tan rã, vì đó là một liên minh giữa các bộ tộc, phần đông đều tham gia như đặc ân dành cho đồng minh Qurayshi của họ. Nhưng khi không thấy có đánh đấm gì, họ chột dạ. Nên khi một con bão cát nổi lên – một sự cố bình thường trong vùng đó – họ bèn tản đi hết, và chẳng bao lâu bọn Quraysh cũng bỏ cuộc và lũ lượt về nhà.

Tất cả sự kiện này khiến cho bộ tộc Banu Qurayza rơi vào tình trạng tồi tệ. Âm mưu của họ bị bại lộ và giờ đồng minh của họ đã bỏ đi. Mohammed đưa toàn bộ tộc ra xét xử và bổ nhiệm một trong các bộ tộc kết giao với họ trước đây ở Medina làm quan tòa. Khi bộ tộc bị quan tòa kết án là có tội phản bội, và mức trừng phạt tương xứng là cái chết. Một số người theo dõi phản đối mức trừng phạt này, nhưng Mohammed khẳng định phải trừng phạt, theo đó khoảng 800 người Do Thái bị hành hình tại nơi công cộng, nhưng các phụ nữ và trẻ em được gửi đến cho hai bộ tộc Do Thái bị trục xuất chăm sóc.

Toàn bộ bi kịch này như một làn sóng gây sốc cho khắp Ả Rập. Việc xét xử và hành hình bộ tộc Banu Qurayza nói lên sự quyết tâm không lay chuyển của người Hồi Medina. Theo thuật ngữ thuần túy quân sự Trận Chiến Hào là một thế bế tắc, nhưng bọn Quraysh đã tập kết lực lượng một vạn quân với kèn trống inh ỏi như thế thành ra không thắng được cũng không khác nào bại trận, và sự bại trận này giúp củng cố thêm huyền thoại đang lớn dần về tính vô địch của người Hồi, truyền đi một ấn tượng lớn lao là cộng đồng này không chỉ là một bộ tộc hùng mạnh thông thường đầy ngang ngạnh mà còn là điều gì đó kỳ lạ và mới mẻ. Người Hồi sống một lối sống hoàn toàn khác biệt, họ thực hành các nghi thức phụng thờ của riêng mình, và họ có một nhà lãnh đạo mà, khi có vấn đề khó khăn xảy ra, lại đi vào trầm định và khai thông tuệ nhãn, ông nói, nhờ sự trợ giúp siêu nhiên quá hùng mạnh đến độ người Hồi không sợ ra trận dù quân số bị áp đảo gấp ba lần.

Ai là người trợ giúp này?

Lúc đầu, nhiều kẻ ngoại đạo có thể đã nghĩ, đó là một vị thần thực sự hùng mạnh. Nhưng dần dần thông điệp của người Hồi được hiểu rõ: không phải một thần linh mà là Đấng Thượng Đế, độc nhất. Và nếu những gì Mohammed tuyên bố là chính xác thì ông đúng là người duy nhất kết nối được với đấng sáng tạo toàn thể vũ trụ.

Tập kết kẻ đi giết nhân vật đó càng trở nên khó khăn. Tập kết chiến binh tiến lên đánh tan lực lượng ông càng khó hơn. Sau Trận Chiến Hào, dòng người cải sang đạo Hồi trước đây nhỏ giọt nay thành một cơn lũ. Dễ dàng để cho rằng người ta cải đạo chỉ vì tư lợi lo cho an nguy bản thân, một ý muốn gia nhập vào phe thắng. Tuy nhiên, người Hồi tin rằng có điều gì hơn thế nữa. Dưới sự hiện diện của Mohammed, họ tin rằng mình đang kinh qua một trải nghiệm tôn giáo.

Mohammed chưa hề tuyên bố mình có quyền năng siêu phàm. Ông chưa hề tuyên bố mình có khả năng làm người chết sống lại, đi được trên mặt nước, hoặc làm người mù sáng mắt (như Christ của Cơ đốc). Ông chỉ tuyên bố mình thuyết giảng thay Thượng Đế và ông không tuyên bố mọi lời ông thốt ra từ miệng mình là lời của Thượng Đế. Đôi khi đó chỉ là Mohammed nói. Làm sao người ta biết được khi nào Moham nói và khi nào Thượng Đế nói.

Vào thời điểm đó, điều đó dường như là hiển nhiên. Người Hồi ngày nay có một cách đặc biệt khi đọc Kinh Qur’an gọi là qira’ut. Đó là một giọng không giống giọng nói con người. Nó có âm điệu ngân nga, nhưng không phải hát. Nó giống như niệm chú, nhưng không phải đọc kinh. Nó khêu gợi cảm xúc thậm chí trong lòng những người ngoại đạo không hiểu nói gì. Mỗi người thực hành qira’ut đều khác nhau, nhưng mỗi lời đọc kinh đều giống như bắt chước hoặc gợi lên hoặc lý giải một điều gì đó độc đáo mạnh mẽ. Khi Mohammed giảng kinh Qur’an, ắt hẳn ông đã làm như thế theo giọng nói cảm xúc và đi sâu vào lòng người. Khi tín đồ nghe Qur’an từ chính miệng Mohammed, họ không chỉ lắng nghe lời mà còn trải nghiêm một năng lượng cảm xúc. Có lẽ đây là lý do tại sao người Hồi nhấn mạnh rằng không có bản dịch Kinh Qur’an nào đúng là Qur’an. Kinh Qur’an thực thụ là một gói có tính toàn bộ, bất khả phân chia: lời kinh và ý kinh, vâng, nhưng cũng ngay chính âm thanh, ngay cả hình ảnh chữ viết của Kinh Qur’an dưới dạng văn bản. Đối với người Hồi, không phải con người Mohammed  mà là Kinh Qur’an thông qua Mohammed đã cải đạo người ta.

Một nhân tố khác lôi kéo dân chúng đến với cộng đồng và gây cảm hứng cho họ tin tưởng vào những lời tuyên bố của Mohammed. Trong khu vực này của thế giới, chiến tranh quy mô nhỏ vốn có tính đặc hữu, cũng như trong bất cứ vùng nào có nhiều bộ tộc du cư sinh sống trong đó mậu dịch trộn lẫn với cướp bóc (như vùng rừng núi miền đông Bắc Mỹ trước khi Columbus đến, hoặc vùng Đồng bằng Lớn không lâu sau đó). Hãy thêm vào truyền thống máu đền máu qua nhiều thời đại của người Ả Rập, thêm vào tấm thảm những liên minh mong manh đặc trưng của bán đảo trong thời kỳ này, và bạn có một  thế giới sôi sục bạo lực không ngừng và khắp mọi nơi.

Chỗ nào Mohammed chiếm được, ông dạy dỗ dân chúng cùng nhau chung sống hòa bình và người cải đạo tuân theo. Không khi nào ông bảo người Hồi từ bỏ bạo lực, vì cộng đồng này không hề do dự để tự vệ. Người Hồi vẫn tham gia chiến tranh, nhưng không còn chống lại nhau; họ tiêu hao năng lượng hung hăng của mình cho việc đánh nhau với mối đe doạ từ bên ngoài một cách không khoan nhượng vì sự sống còn của mình. Những ai gia nhập Umma ngay lập tức bước vào Dar al-Islam, có nghĩa “cảnh giới quy phục (đến Thượng Đế” nhưng cũng là, bằng cách ám chỉ, một “cảnh giới hòa bình.”  Mọi người khác sống bên ngoài đó là sống trong Dar al-Harb, cảnh giới của chiến tranh. Những ai gia nhập Umma không phải nhìn lại sau lưng mình nữa, vì ai cũng là anh em Hồi của mình.

Cải đạo cũng có nghĩa tham gia một dự án xã hội đầy cảm hứng: thiết lập một công đồng công chính những người bình đẳng về mặt xã hội. Để giữ cho cộng đồng đó sống mạnh, bạn phải chiến đấu, vì Umma và dự án của nó có nhiều kẻ thù không thể khuyên giải. Jihad không hề có nghĩa “thánh chiến” hoặc “bạo lực”. Những từ Ả Rập khác có nghĩa “đánh nhau” rõ ràng hơn (và được sử dụng trong Kinh Qur’an). Từ jihad  tốt hơn nên dịch là “đấu tranh”, với cùng hàm ý mà từ nay mang lại trong ngôn từ của các phong trào công lý xã hội ở phương Tây: đấu tranh được cho là cao quý khi đấu tranh cho chính nghĩa và nếu đấu tranh đòi hỏi vũ khí, điều đó cũng OK, nó đã được lý tưởng làm cho thiêng liêng.

Hơn hai năm sau, các bộ tộc trên khắp bán đảo Ả Rập bắt đầu chấp nhận tài lãnh đạo của Mohammed, cải sang đạo Hồi, và gia nhập cộng đồng. Một đêm Mohammed nằm mơ thấy mình trở lại Mecca và tìm thấy mọi người ở đó đều tôn thờ Allah. Đến sáng, ông bảo các đệ tử khăn gói hành hương. Ông dẫn đầu 1400 tín đồ Hồi vượt quãng đường 200 dặm về Mecca. Họ đến không vũ trang, mặc dù sự cố thù địch gần đây, nhưng không có trận đánh nào xảy ra. Thành phố đóng cổng trước mặt người Hồi, nhưng các trưởng lão Quraysh bước ra và thương thảo một hiệp ước với Mohammed: người Hồi không thể bước vào Mecca năm nay nhưng có thể trở lại vào năm tới và thực hành nghi thức hành hương sang năm. Rõ ràng, người Quraysh biết rằng cuộc chơi đã kết thúc.

Vào năm 6 SH, người Hồi trở lại Mecca và thăm viếng Ka’ba mà không hề xảy ra bạo lực. Hai năm sau, các trưởng lão Mecca giao thành phố cho Mohammed mà không cần đánh nhau. Hành động đầu tiên của Nhà Tiên Tri là phá hủy tất cả các ngẫu tượng ở Ka’ba và tuyên bố điện thờ hình lập phương với tảng đá nền đen là chốn thiêng liêng nhất trên thế giới. Một số kẻ thù trước đây của Mohammed gầm gừ và lẩm bẩm những lời đe doạ, nhưng gió đã đổi chiều. Đúng là mọi bộ tộc đã đoàn kết dưới lá cờ của Mohammed và toàn thể Ả Rập sống trong hài hòa lần đầu tiên trong ký ức mọi người.

Vào năm 10 SH (632 CN), Mohammed đi thêm một chuyến hành hương nữa đến Mecca và tại đó thuyết giáo bài giảng cuối cùng. Ông bảo tín đồ tụ tập hãy coi cuộc sống và tài sản của mỗi người Hồi là thiêng liêng, hãy tôn trọng quyền lợi của mọi người kể cả nô lệ, hãy nhận thức phụ nữ cũng có quyền đối với các ông cũng như các ông có quyền đối với phụ nữ, và phải nhìn nhận rằng giữa những người Hồi không ai đứng cao hơn hoặc thấp hơn người khác trừ ra về đức hạnh. Ông cũng nói rằng mình là Sứ giả cuối cùng của Thượng Đế và sau ông không còn mặc khải nào xảy ra cho nhân loại.

Không lâu sau khi trở lại Medina, ông lâm bệnh. Người sốt nóng, ông đi từ nhà này đến nhà khác, thăm các bà vợ và bạn bè, dành thời gian mỗi người một chút, và nói lời tạm biệt. Cuối cùng ông đến với bà vợ Ayesha, con gái của ông bạn già Abu Bakr, và ở đó, tựa đầu trong lòng bà, ông qua đời.

Ai đó bước ra và loan báo tin buồn đến đám đông. Ngay lập tức, Omar trung thành, một trong những bạn đồng hành dữ dằn, gan lỳ và nóng tính nhất của Mohammed, nhảy chồm lên và cảnh cáo rằng ai mà lan truyền cái tin vụ khống này sẽ bị bẽ giò nếu lời dối trá của hắn bị bại lộ. Mohammed mà chết ư? Vô lý.

Rồi các bậc trưởng thượng và Abu Bakr vào trong để kiểm tra. Một lúc sau, ông trở ra và nói, “Ôi hỡi các tín đồ Hồi! Ai trong các bạn đang tôn sùng Mohammed, hãy biết rằng Mohammed đã chết.  Ai trong các bạn đang tôn sùng Allah, hãy biết rằng Allah vẫn sống và bất tử.”

Lời lẽ này quét băng đi cơn phẫn nộ và chối bỏ của Omar. Ông cảm thấy, ông bảo với bạn bè sau đó, mặt đất như sụp xuống chân ông. Rồi ông cũng sụp xuống khóc rống, người to sầm như con bò rừng này giờ sực nhận ra rằng tin tức đó là sự thật: Sứ giả của Thượng Đế đã chết.


Bình luận về bài viết này