Vào một buổi chiều ngập nắng, khi đang lang thang qua những khối nhà rợp bóng cây ở phố West 82 Street gần công viên Centre Park thì tôi đến số nhà 155, một toà nhà đá nâu thời Victoria trang nghiêm với hiên đá được chạm khắc. Trông không khác lắm so với cả ngàn địa chỉ khác ở vùng Upper West Side của Manhattan, tôi nghĩ – ngoại trừ đây là nơi chàng trai trẻ Fidel Castro năm đó, một sinh viên luật Cuba 22 tuổi chưa được biết đến, đã có tuần trăng mật vào năm 1948.
Fidel Castro đã từng là một lãnh đạo sinh viên có tiếng ở Havana, nhưng vào năm 1948 thì chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ sớm cầm đầu cuộc cách mạng trên hòn đảo quê hương và trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất, gây chia rẽ nhất trong Thế kỷ 20, đẩy Cuba vào mối thù cay đắng Chiến tranh Lạnh với Hoa Kỳ vốn đến nay vẫn chưa dứt. Đó là lần đầu tiên Castro đến Mỹ, và chàng thanh niên đã yêu New York ngay lập tức. Anh bị mê hoặc bởi tàu điện ngầm, những tòa nhà chọc trời, kích thước của những miếng bít tết, và thực tế là, bất chấp thái độ chống cộng điên cuồng của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh, anh vẫn có thể tìm thấy cuốn sách lên án chủ nghĩa tư bản của Karl Marx, cuốn Tư bản Luận (Da Kapital), trong bất kỳ hiệu sách nào.
Castro và Mirta Diaz-Balart, người vợ đầu quyến rũ của ông, vốn xuất thân từ tầng lớp trên trong xã hội, đã ở ba tháng trong tòa nhà chung cư duyên dáng này, nằm đối diện với một nhà thờ Chính thống giáo Ukraine và gần các quán bar nơi có đầy các sinh viên Đại học Columbia ghé vô. Không có gì thay đổi mấy ở khối nhà yên tĩnh này trong suốt bảy thập kỷ qua – tất nhiên là trừ giá tiền thuê nhà. Tổ ấm tình yêu này là điểm dừng chân quan trọng đầu tiên trong hành trình của tôi, đi theo dấu vết một loạt các chuyến đi đã bị lãng quên của Fidel tại thị trấn quê tôi trước khi ông trở thành ác mộng của người Mỹ hồi thập niên 1960.
Những cải cách của ông sẽ sớm đưa ông vào vòng tay của Liên Xô – một liên minh dẫn đến Khủng hoảng Tên lửa Cuba vào tháng 10/1962, sự kiện hầu như suýt đẩy thế giới tới tình trạng bị hủy diệt bởi hạt nhân. Nhưng sự phấn khích của tôi khi tìm thấy xấp giấy bị thất lạc từ lâu của Fidel Castro đã trở nên nhạt nhẽo so với những gì tôi sắp khám phá ra ở nơi chỉ cách đại lộ Amsterdam Avenue một quãng đi bộ ngắn: văn phòng làm cách mạng của ông.
Khi Fidel quay trở lại Manhattan vào năm 1955, bảy năm sau cuộc lưu trú lãng mạn đầu tiên của mình, ông đã trở nên nổi tiếng trong giới lưu vong Cuba như một người đầy nhiệt huyết lý tưởng và hơi điên rồ khi tổ chức một cuộc nổi dậy bất thành, chống lại nhà độc tài đang nắm quyền tại hòn đảo Cuba là Fulgencio Batista. Khi đó, ở vào tuổi 29 và ly hôn với Diaz-Balart (cô đã tìm thấy những bức thư tình ông gửi cho một người phụ nữ khác trong thời gian ông đang ngồi tù vì cầm đầu một cuộc nổi dậy có vũ trang và một cuộc tấn công vào doanh trại ở thành phố phía đông Santiago), Castro đến New York để gây quỹ cho một cuộc cách mạng từ cộng đồng Cuba ở thành phố, vốn đông đảo hơn so với Miami tại thời điểm đó.
Được quyên tặng rất nhiều, nhà lãnh đạo kháng chiến có sức hấp dẫn đã mở một văn phòng cho tổ chức phiến quân của mình, M-26-7 (Phong trào ngày 26 tháng 7 – Movement 26/7 – được đặt tên theo ngày khởi nghĩa thất bại của ông), ở Upper West Side, nơi khi đó được biết đến như một pháo đài ồn ào của những tư tưởng tiến bộ. Nhân viên treo lá cờ đỏ đen của Phong trào từ cửa sổ trên cùng và phát tờ rơi cho các cảm tình viên người Mỹ, những người đã tăng số lượng sau khi Fidel và một đội du kích vũ trang – trong đó có một bác sĩ trẻ tên là Che Guevara – đã đổ bộ lên Cuba vào ngày 2/12/1956.
Tìm thấy địa chỉ văn phòng trên một tờ rơi cũ, tôi háo hức tìm theo các số nhà dọc đường Amsterdam Avenue cho đến khi phát hiện ra số nhà 305 nằm ở giữa các phố 74 và 75. Tòa nhà là một tiệm massage Trung Quốc. Không vấn đề. Nó giống hệt như mô tả của các nhân chứng. Tôi lao lên các bậc thang và xông qua cửa, nơi tiếp viên nhìn tôi mỉm cười lịch sự. Cô ấy có biết không, tôi hỏi đứt hơi, rằng đây là nơi mà nhóm người thân cận của Castro từng chào đón những người dân New York bị cuộc nổi dậy lãng mạn của ông quyến rũ?
Theo luật pháp Hoa Kỳ, phiến quân Cuba được phép nhận tiền quyên góp cho cách mạng nhưng không tuyển mộ binh sĩ. Mặc dù vậy, nhiều sinh viên Columbia đã đến đây tình nguyện làm du kích – nhưng chỉ trong thời gian nghỉ hè, họ nhấn mạnh. Họ phải trở lại khi lớp học bắt đầu vào mùa thu. Người phục vụ mỉm cười với tôi như thể tôi bị mất trí và nói rất chậm rãi: “Tôi không biết tiếng Anh.” Một người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi sau đó xông ra từ một phòng mát xa. “Im ngay!” ông ta rít lên. “Anh đang quấy rầy các khách hàng! Anh muốn massage hay muốn gì?”
Một trong những thú vui du lịch kinh điển là đi theo dấu chân của những nhân vật lịch sử hoặc văn học nổi tiếng. Tôi đã lần theo hành trình của nhiều người, trong đó có Georgia O’Keeffe vòng quanh Hawaii, Huân tước Byron ở Thụy Sĩ và Leon Trotsky ở Mexico City. Đối với tôi, đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi. Nếu cuộc theo đuổi dẫn đến một địa điểm đã nhẵn mặt du khách, thì câu chuyện lịch sử này đem đến thêm một tầng quyến rũ, cho phép tôi nhìn nó bằng cái nhìn mới mẻ.
Thế nhưng đa phần là nó dẫn tôi đến những nơi tôi chưa từng nghe đến chứ đừng nói là đã tới. Có những điều bất ngờ được tiết lộ, có thể mỉa mai hoặc thậm chí là khôi hài – chẳng hạn như phát hiện ra rằng nhà thổ yêu thích của Victor Hugo ở Belle Époque Paris đã biến thành ký túc xá đại học. Nhưng không có gì khiến tôi chuẩn bị tâm lý tiếp nhận sự khó lường trong việc theo dõi vị thủ lĩnh trẻ tuổi Castro ở quanh New York. Ý tưởng nảy ra trong đầu khi tôi nghiên cứu cuốn sách “¡Cuba Libre!: Che, Fidel và cuộc cách mạng làm thay đổi lịch sử thế giới”.
Trong hai năm, tôi đi lại từ căn hộ East Village của mình đến Havana để đào bới những tài liệu lưu trữ và phỏng vấn những người du kích nay đã ngoài 90. Nhưng để hiểu về chính bản thân Castro – một trong những nhân vật phi thường và lôi cuốn nhất Thế kỷ 20 – tôi ngạc nhiên khi thấy rằng những địa điểm phong phú nhất thực sự chỉ nằm cách nhà tôi vài phút, trong chính tòa thành của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Khám phá này làm tôi tỉnh cả ngủ. Vào thời điểm đó, vốn đang vùi đầu vào những ghi chép về Cuba, tôi đã trở nên hơi thờ ơ với New York và có xu hướng chỉ đi lại loanh quanh trong phạm vi 10 khối nhà quanh căn hộ của mình. Nay thì tôi đã có một lý do để khám phá thành phố một lần nữa, hướng đến những khu vực ở xa, kỳ lạ như Upper West Side.
Đứng bên ngoài tiệm mát-xa Trung Quốc, tôi có thể bất ngờ tưởng tượng ra Castro trước khi ông được gắn chặt với hình ảnh biểu tượng cho Chiến tranh Lạnh. Thay vào đó, tôi có thể nhìn mường tượng ra chàng trai ở độ tuổi mới ngoài 20, dáng người cao lớn, lực lưỡng – mà đáng kinh ngạc là lại cạo râu, chỉ để một chút ria mép mỏng – tràn đầy năng lượng phấn khích ở New York, khiến những người xa lạ phải kinh ngạc với khả năng thiên bẩm nói không biết mệt của mình. Và chuyến đi tới New York vào 1948 và 1955 của ông chỉ là khởi đầu cho mối tình của ông với thành phố. Mọi thứ đã thay đổi đối với sau chiến thắng bất ngờ của ông ở Cuba vào ngày Năm Mới 1959, khi Batista và những người thân cận nhất chạy trốn khỏi Havana như những tên trộm trong đêm.
Một tuần sau, Castro đắc thắng tiến vào Havana trước đám đông hân hoan cuồng nhiệt, hứa hẹn sẽ buông bỏ quyền lực một khi sự ổn định được khôi phục, và sẽ đưa hòn đảo vào một tương lai dân chủ. Castro trở thành một người nổi tiếng quốc tế; ông và các du kích quân của ông – được biết đến với cái tên Los Barbudos (“người râu quai nón”) – trở thành thần tượng của yanquis (‘người Mỹ’) như những giải phóng trẻ trung, gợi cảm. Kết quả là, chuyến thăm hư ảo nhất của ông tới New York chỉ diễn ra bốn tháng sau khi giành chiến thắng, vào tháng 4/1959, khi “El Comandante” – Nhà Chỉ Huy, từ mọi người dùng để gọi Castro, tiến vào thành phố năm ngày trong tư thế của người hùng đi chinh phục.
Nay thì Castro đã là tên tuổi sánh ngang với Elvis và được người dân New York vây quanh ngay từ khi ông vừa tới ga Penn. Báo chí so sánh ông với George Washington; giới phụ nữ thì ngất ngây. (“Fidel là điều tốt đẹp nhất trong mắt phụ nữ Bắc Mỹ, kể từ sau Rudolph Valentino,” một người cảm thán thốt lên.)
Phải mất 20 phút để Sở cảnh sát New York mới đưa được người hùng 32 tuổi – vốn bị thiên hạ phát hiện ra ngay lập tức trong bộ đồ kaki, chiếc mũ lưỡi trai và điếu xì-gà trên môi đã trở thành dấu ấn cá nhân – đi được độ trăm mét qua đường Eighth Avenue đến khách sạn, một phần là bởi ông liên tục nhảy qua hàng rào cảnh sát để tới bắt tay đám đông và nói, “Tôi phải chào hỏi mọi người!”. Giờ đây thì việc đi theo hành trình của Castro thật đơn giản.
Pen Station, nhà ga cũ kỹ hùng vĩ nơi ông đến đã bị phá hủy khét tiếng vào thời thập niên 1960, nhưng Khách sạn Pennsylvania, nơi ông ở và được thiết kế để bắt chước nhà ga nổi tiếng bên kia đường, vẫn hiện ra trước mắt. Mặt tiền bao quanh của nó hầu như không thay đổi, và nội thất được bảo quản trong không gian của thời Mad Men-esque.
Bảy mươi năm trước, Castro là một du khách tới New York City. Ông đã leo lên Tòa nhà Empire State Building, và tôi cũng vậy, qua mặt đám đông bằng cách đến vào lúc 11 giờ đêm để chìm vào bầu không khí Art Deco. Và ở công viên Centre Park, tôi đã bày tỏ sự kính trọng của mình tại Naumburg Bandshell, nơi ông từng diễn thuyết trước đám đông có ít nhất là 16.000 người.
Tuy nhiên, các bảo tàng huyền thoại của New York không nằm trong lịch trình thăm viếng: Castro rất yêu thích đọc sách nhưng lại thờ ơ với nghệ thuật hình ảnh. Thay vì đến Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, ông đã đến Sở thú Bronx, nơi ông khiến cho các phóng viên thích thú bằng cách thọc tay vào chuồng cọp và ăn chiếc xúc xích hotdog rồi tuyên bố “sở thú là điều thú vị nhất ở New York”.
Tôi cũng tới đó. Những con hổ bây giờ sống trong một môi trường cảnh quan rộng lớn, vì vậy tôi không thể đến bất cứ nơi nào gần chúng để bắt chước cử chỉ hảo hán của Castro. Tuy nhiên, món hotdog nơi sở thú thì vẫn delicioso – thơm ngon như ngày nào. Tình yêu của New York đối với Castro không kéo dài – ít nhất là trong số những cư dân da trắng trung lưu của thành phố.
Khi Castro trở lại để phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 9/1960, sự chia rẽ cay đắng giữa Hoa Kỳ và Cuba, vốn bắt đầu chủ yếu là do các chính sách kinh tế của Castro, đã trở nên rất rõ ràng: Castro trở nên cực đoan hơn và Washington trừng phạt nặng hơn. Sang tháng tiếp đó, Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower ban hành lệnh cấm vận kinh tế kéo dài nhất thế giới đối với Cuba, và bắt đầu bật đèn xanh cho rất nhiều các nỗ lực bất thành nhằm ám sát Castro và lật đổ chế độ của ông.
Khi Castro đến phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, báo chí New York đã chế giễu ông là tên “El Beardo” (tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là “Gã Rậm Râu”). Và chỉ một năm sau khi được rất nhiều người ở Midtown Manhattan ngưỡng mộ, ông đã bị la ó, giận dữ phản đối khi đi trên xe hơi. Sau cuộc chiến với nhân viên tại Khách sạn Shelburne ở khu Murray Hill, Castro dọa sẽ cắm trại ở Công viên Central Park, rồi chuyển toàn bộ đoàn tùy tùng của mình đến Harlem, nơi từ lâu được coi là thủ phủ của người Mỹ da đen. Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên từng ở trong khu vực này, và nhiều người Mỹ gốc Phi, những người ngưỡng mộ việc ông tuyên bố chấm dứt phân biệt chủng tộc ở Cuba ngay sau khi nắm quyền, đã chào đón ông với vòng tay rộng mở.
Tôi vui vẻ khi thấy Khách sạn Shelburne vẫn tồn tại gần Trụ sở Liên Hiệp Quốc. Tôi thực hiện cuộc hành hương đến đại lộ Lexington Avenue và thấy vẻ bề ngoài của nó vẫn không đổi. Đó hẳn là một nơi rất thân thiện vào lúc tôi đến: lúc 17:00, nhân viên lễ tân trực cửa chào đón tôi bằng một nụ cười sảng khoái: “Vừa đúng lúc!” Tôi không chắc lắm là anh chàng có ý gì, cho tới khi tôi nhìn thấy một nhân viên mang rượu mời miễn phí trong giờ khuyến mại ‘happy hour’. Có vẻ như anh chàng chẳng quan tâm gì tới chuyện tôi không phải là khách trú trong khách sạn, vì vậy tôi vui vẻ ngồi xuống với ly Chardonnay giữa những du khách đang giết thời gian trước khi đáp chuyến bay buổi tối.
Tôi hỏi người gác cửa, một người nhập cư châu Phi tên là Raymond Larry, rằng ông có biết là señor Casro đã từng gây ra một vụ ẩu đả trong khách sạn hay không. “Tất nhiên rồi,” ông cười. “Người Cuba họ nuôi gà trong phòng!”. Larry nói ông đã làm việc tại khách sạn trong 15 năm và đã nghe những câu chuyện thời thập niên 1960 từ người gác cửa tiền nhiệm, người đã có mặt tại thời điểm đó. “Castro đã nấu chúng và ném xương ra ngoài cửa sổ. Xương gà đáp xuống đầu người dân! Thật là điên rồ!”
Một cuộc đối đầu khôi hài xảy ra sau đó, Larry giải thích, khi các nhà quản lý khách sạn được cho là đã đòi một khoản tiền gửi bảo đảm 20.000 đô la (khoảng 165.000 đô la theo thời giá hiện nay) cho những thiệt hại có thể phát sinh. Bực mình, Fidel đã đem cả đoàn Cuba gồm 60 người của mình bỏ đi, tới Khách sạn Theresa nằm ở góc phố tính từ phía nhà hát Apollo trên Đường 125 của khu Harlem. Đó là một cú làm mất mặt nhà cầm quyền và là lời tuyên bố ủng hộ cho người Mỹ gốc Phi vào lúc Phong trào Dân quyền đang dâng lên tới đỉnh điểm. Ông cảm thấy như ở nhà khi sống giữa “những người nghèo và khiêm tốn ở Harlem”, ông tuyên bố.
El Comandante một lần nữa thể hiện sự tinh tế của mình trong công tác PR với việc gặp gỡ Malcolm X vào lúc 2.000 thành viên của tổ chức Quốc gia Hồi giáo tập hợp trên các đường phố bên ngoài khách sạn. Đám đông khổng lồ của Castro tiếp tục được nhắc đến trong các hàng tít báo mỗi ngày, tới mức Tổng thống Mỹ Eisenhower phát bực mình.
Người Cuba đã tổ chức một bữa tiệc sang trọng với sự tham gia của các nghệ sĩ như nhà thơ Allen Ginsberg và nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson, và khi Eisenhower không mời Castro tới dự bữa tiệc trưa cho các nguyên thủ quốc gia Mỹ Latinh, và thế là Castro tổ chức bữa đại tiệc của riêng mình – đãi đằng các nhân viên Mỹ gốc Phi “vô sản” của Khách sạn Theresa món bít tết. Những ảnh chụp cho thấy các nhân viên phục vụ chuông và bàn làm việc đều ngồi cả bên cạnh Castro tại bàn ăn trưa, vẫn mặc nguyên đồng phục. Ngày nay, tòa nhà Theresa 13 tầng được đưa vào danh sách Các Địa danh Lịch sử Quốc gia.
Tôi đi đến Đường Số 7, nơi có những người bán hàng mặc trang phục châu Phi sặc sỡ, tôi thấy tòa nhà bên ngoài lộng lẫy hơn bao giờ hết, không còn dấu vết gì của nơi từng được gọi là ‘The Waldorf of Harlem’. Đáng tiếc là phía bên trong, nơi từng là khách sạn huy hoàng này nay đã bị biến thành căn hộ và văn phòng từ thời 1960 và được đổi tên thành Theresa Towers. Một người gác cửa cho tôi hay là phòng khiêu vũ và phòng ăn cũ hoành tráng nay đã bị dọn sạch sau khi toà nhà được cải tạo. “Thực sự là không còn gì để xem,” ông nói.
Tuy nhiên, tôi nghĩ là có lẽ tôi nên thử chìm mình vào khu Harlem cũ để cảm giác được “cơn sốt Fidel” hồi 69 năm trước. Vào ban đêm, Castro và những người ủng hộ ông – trong đó có nhiều người là những thanh niên Cuba trẻ tuổi, gồm cả người đứng đầu lực lượng vũ trang, Juan Almeida – ra ngoài để ăn món bánh mì kẹp thịt rẻ tiền của Harlem, và có những bức ảnh tuyệt vời về các nữ nhân viên phục vụ tán tỉnh, cười nói với họ. Có một lần, Ngoại trưởng Cuba Raúl Roa đứng chụp ảnh khi đang ăn một chiếc xúc xích hotdog tại quán Chock-Full-o’-Nuts nơi góc phố.
Bài phát biểu của Fidel hồi năm 1960 tại Liên Hiệp Quốc cho đến nay vẫn là một kỷ lục. Nói suốt gần 4 giờ 29 phút, ông tố cáo chủ nghĩa đế quốc. Từ đó trở đi, quan hệ với Mỹ tuột dốc. Cuộc đổ bộ Vịnh Con Lợn được CIA hậu thuẫn vào năm sau đó đánh dấu sự rạn vỡ rõ ràng, và Castro ngả hoàn toàn vào Liên Xô và mô hình Xã hội Chủ nghĩa. Castro trở lại New York ba lần nữa vào năm 1979, 1995 và 2000, luôn với lý do đến Liên Hiệp Quốc – khiến Hoa Kỳ buộc phải cấp visa cho ông.
Nhưng ông không bao giờ quên những ngày tưng bừng trong chuyến đi hồi năm 1960 của mình. Bốn thập niên sau, vào năm 2000, ông đã có bài phát biểu hùng hồn trước một hội nghị 3.000 người tại Riverside Church, nằm cách không xa nơi chốn cũ, Khách sạn Theresa, trong đó ông nói rằng “Harlem là nơi tôi có những người bạn thân thiết nhất”. Tuy nhiên, khi rời bước khỏi Theresa, tôi sớm nhận ra rằng nhiều cửa hàng cũ của Harlem thời Fidel và thân hữu có thể đã ghé hồi 1960, như Lenox Lounge, nay đã biến mất. Một số hàng quán khác ở Harlem, như Nhà hàng Sylvia, – được mệnh danh là Nữ hoàng Linh hồn Thực phẩm – thì mở cửa hoạt động ngay sau chuyến thăm của Castro, vào năm 1962.
Tôi quyết định ghé vào quán Red Rooster gần đó làm một ly. Nằm cách Theresa chỉ một khối nhà, nó là biểu tượng của Harlem mới: quán được lấy tên từ một khu phố huyền thoại đã từng thu hút những người vĩ đại nhạc jazz và tiểu thuyết gia, nhà viết kịch và nhà hoạt động xã hội Harlem; bây giờ, nó là một phòng ăn đẹp, giống như gác xép, do một đầu bếp nổi tiếng phụ trách. Rất nhiều điều đã được viết về New York – giá thuê nhà rất đắt đỏ đã làm mất đi vẻ quyến rũ của thành phố. Nhưng thật nhẹ cả người khi ta phát hiện ra rằng sự thực hoàn toàn ngược lại: thành phố có thể không như chúng ta mong đợi, nhưng nó vẫn là nơi không thể dò biết được đến tận cùng.
Link: