Ở bên ngoài các SVĐ khắp nơi trên thế giới, các CLB thường đặt những bức tượng. Đó có thể là chân dung của một HLV huyền thoại, đội trưởng vĩ đại hay chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử đội bóng. Thông thường là thế. Bức tượng ca sĩ Michael Jackson ở bên ngoài sân Craven Cottage đã là điều hiếm thấy trong thế giới bóng đá. Thế nhưng, nếu đến thăm sân Maksimir tại Zagred, Croatia, sân nhà Dinamo Zagreb, bạn sẽ thấy một bức tượng còn kỳ lạ hơn. Đó là bức điêu khắc 3 người lính, sống động đến nỗi bất kỳ ai nhìn vào cũng cảm thấy bức tượng sắp tấn công mình. Bức tượng nhắc nhở đến một sự kiện lịch sử của người Croatia nói chung, và danh thủ Zvonimir Boban nói riêng.
Bóng đá Nam Tư có 4 ông lớn: Dinamo Zagreb , Hajduk Split , Red Star Belgrade và Partizan Belgrade. Trong đó, Dinamo Zagreb và Red Star Belgrade được coi là trận Siêu kinh điển, giữa hai động bóng mạnh nhất thuộc 2 nước Cộng hòa Serbia và Croatia. Nhưng vào năm 1990, trận đấu này không chỉ kinh điển mà còn kinh hoàng.
Những mâu thuẫn âm ỉ cháy trong lòng liên bang. Và sau khi lãnh tụ Tito qua đời năm 1980, ngọn lửa mâu thuẫn bắt đầu bùng cháy. Khi lãnh đạo cộng sản của Serbia Slobodan Milošević lên nắm quyền, các chính sách có lợi cho người Serb được thực thi. Lo ngại việc phục hồi của ”chủ nghĩa bá chủ Serbia” tăng lên trong các nước Cộng hòa khác, đặc biệt là Slovenia và Croatia, nơi người Serbia chiếm rất ít dân số nhưng lại chiếm nhiều vị trí trong cơ quan chính quyền.
Trước trận đấu giữa Dinamo và Red Star, Croatia đã chứng kiến một cuộc bầu cử mang tính biểu tượng. Sau hai vòng bỏ phiếu từ ngày 22 tháng 4 đến ngày 7 tháng 5 năm 1990, trong cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên của quốc gia kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, các cử tri lựa chọn Liên minh Dân chủ Croatia nắm quyền. Đó là kết quả cho thấy mong muốn ly khai của Croatia, khi Đảng thất bại là Đảng theo chủ nghĩa dân tộc của những người Serbia chủ trương muốn Croatia tiếp tục nằm trong quyền thống trị của Nam Tư. Ở một quốc gia nơi bóng đá từ lâu đã là một đấu trường chính trị, căng thẳng đã lên cao khi đội bóng ở Belgrade đến Zagreb gần 1 tuần sau cuộc bầu cử.
Ngày 13/5, không khí trước trận đấu căng thẳng khủng khiếp. Hậu thuẫn Dinamo Zagreb là lực lượng hooligan khét tiếng “Bad Blue Boys”, những cổ động viên trung thành của đội bóng. Franjo Tudjman là hội viên danh dự của nhóm này. Và nếu ai đó cảm thấy cái tên Tudjman “có vẻ quen quen” thì đó chính là người cầm đầu phe Croatia trong cuộc chiến tranh Croatia, cũng là Tổng thống đầu tiên của nước Croatia độc lập.
Lực lượng “Delije” hậu thuẫn Red Star còn ghê gớm hơn. Đó là các CĐV được hỗ trợ về mặt “kỹ thuật” bởi các thủ lĩnh trong lực lượng bán quân sự. Cụ thể hơn, khái niệm “kỹ thuật” ở đây chính là “kỹ thuật chiến đấu cận chiến”, biến các cổ động viên thành các võ sĩ đúng nghĩa.
Khoảng 3.000 thành viên Delije, những CĐV của Red Star, tiến về phía tây dưới sự “lãnh đạo” của Zeljko Raznatovic – một người theo chủ nghĩa quốc gia Serbia, người có tên trong danh sách truy nã của Interpol vào thời điểm đó với chiến tích 19 lần phạm tội và vượt ngục ở cả Liên Xô lẫn Tây Âu vì đủ loại tội: trộm cắp, cướp ngân hàng, giết người,… Raznatovic nổi tiếng với biệt danh Arkan là một tội phạm chiến tranh khét tiếng, cánh tay mặt của Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic – đối thủ số 1 của Tudjman trong cuộc chiến Croatia. Hắn đã bị truy tố vì tội ác chống lại nhân loại trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Croatia, nhưng đã bị giết trước khi ra tòa
Các Delije của Red Star thoải mái mang dao, gậy, gạch đá vào sân. Lý do đơn giản là vì cảnh sát ngày hôm đó tuyệt đại đa số là người Serb, vốn nắm các vị trí cao cấp trong cơ quan công quyền ở Croatia lúc đó. Khi trận đấu còn đang diễn ra, các nhóm “Delije” và “Bad Blue Boys” ném đá và dao về phía nhau. Rồi họ xé toạc những dãy ghế gỗ để làm hung khí, tiếp tục chiến đấu. Ai không trực tiếp “lâm trận” thì cũng tích cực cổ vũ phe mình bằng những khẩu hiệu sặc mùi chính trị “Zagreb là của Nam Tư”, hoặc “Bọn Serbia hãy cút khỏi Croatia”, ”Bọn tao sẽ giết Tudjman”,…
Cho đến khi một người Serb đạp đổ hàng rào, xé các quảng cáo, xông thẳng vào các cổ động viên chủ nhà thì cuộc đụng độ thực sự diễn ra. Khi máy quay còn đang trực tiếp trên truyền hình, các đám đông hỗn loạn lao vào nhau, trong khi dưới sân các cầu thủ cũng nhanh chóng rời sân. Chỉ duy nhất một người ở lại để làm nên lịch sử: Zvonimir Boban, đội trưởng 21 tuổi của Dinamo Zagreb.
Lực lượng cảnh sát số đông là người Serb hôm đó, gần như không ngăn chặn bạo loạn, mà ngược lại ”tiếp tay” cho người Serb tấn công các cổ động viên Croatia. Chàng cầu thủ Zvonimir Boban 21 tuổi trong khung cảnh hỗn loạn, nhìn thấy một cậu bé Croat bị cảnh sát bị cảnh sát Serb đuổi đánh. Trong máy quay, người ta thấy Boban hét to: ”Cảnh sát đâu, lũ cảnh sát đẫm máu đâu” cùng với đó là một cú kung-fu vào đầu viên cảnh sát đang đuổi theo cậu bé. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Boban sút trúng viên cảnh sát, trở thành biểu tượng của cuộc bạo loạn.
Ngay sau cú đá đó, các cổ động viên Dinamo đã xuống sân tạo thành vòng tròn bảo vệ đội trưởng trẻ và đưa anh rời khỏi sân.
Cảnh sát được tăng viện với xe bọc thép, vòi rồng và đạn hơi cay sau đó đã dẹp yên cuộc bạo động. Khoảng 60 đến hàng trăm người bị thương, chủ yếu là người Croatia, một số người bị đâm trọng thương tử vong ở bệnh viện. Mặc dù vậy, cuộc đụng độ ngày 13/5 đã cổ động cho tinh thần độc lập của người Croatia, và đôi khi được coi là khởi đầu không chính thức cho chiến tranh giành độc lập của Croatia. Trên thực tế, sau cuộc đụng độ này, xung đột giữa người Serb và Croat đã tăng lên và dẫn đến cuộc chiến độc lập của Croatia chỉ một năm sau, kết thúc vào năm 1995 với kết quả là Croatia khôi phục độc lập, trở thành quốc gia mới.
Zvonimir Boban sau sự kiện bị chính quyền Nam Tư truy nã và phải trốn khỏi Nam Tư. Tuy nhiên điều này không hủy hoại sự nghiệp của anh, mà ngược lại đưa anh đến đỉnh cao của Châu Âu. Cùng với AC Milan, Boban giành 4 Seria A, 3 cúp quốc gia Ý và đỉnh cao là UEFA Champions League danh giá 1993-1994, trở thành huyền thoại của đội bóng này.
Với sự nghiệp quốc tế, cú đá khiến Boban bị đuổi khỏi đội tuyển quốc gia Nam Tư, và vì thế bỏ lỡ World Cup 1990. Tuy nhiên, 8 năm sau anh đã có cơ hội góp mặt ở World Cup với tư cách đáng tự hào hơn nhiều: đội trưởng đội tuyển quốc gia Croatia mới lần đầu dự World Cup. Và ở giải đấu này, anh và đồng đội đã tạo nên cú sốc chưa từng có, với vị trí thứ 3, thành tích cao nhất một đội bóng mới tham dự đạt được.
Tuy nhiên, bản thân Boban, World Cup 1998 lại ám ảnh anh. Lẽ ra, Croatia đã có thể tiến xa hơn thế. Nhưng trong trận bán kết với Pháp, chính Boban đã phạm sai lầm, chuyền lỗi vào chân Thuram, giúp huyền thoại người Pháp ghi cú đúp giúp Pháp đánh bại Croatia. Đến tận sau này, Boban vẫn chưa hết day dứt về sai lầm ngày hôm đó.
20 năm sau, cũng từ một thế hệ bước ra từ chiến tranh, Luka Mordic dẫn dắt Croatia, vào đến chung kết World Cup, nhưng một lần nữa lại gục ngã trước người Pháp.
Dù Boban và cú đá ngày 13/5/1990 rất nổi tiếng, tuy nhiên chính Boban và rất nhiều người không hề biết, viên cảnh sát mà Boban đá ngày hôm đó, lại là một người Hồi giáo Bosnia. Refik Ahmetović, viên cảnh sát Bosnia, đã tuyên bố tha thứ cho Boban, và đã không kiện Boban sau năm 1990. Ông nói “Tôi hoàn toàn hiểu được tại sao Boban lại hành động như thế.” Chính người Bosnia, sau đó cũng hứng chịu sự đàn áp của người Serb, và cũng rơi vào cuộc chiến để giành được độc lập như người Croatia.
-Long Vũ / ncls group-