Iraq cổ đại (Phần 1)

 Chương 1 : BỐI CẢNH ĐỊA LÝ

aa

  Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

Có lẽ không ở đâu mà địa lý có ảnh hưởng đối với lịch sử rõ ràng được minh chứng như trong nhóm các xứ sở trải dài từ Biển Địa Trung Hải đến bình nguyên và bộ phận thuộc  Iran mà chúng ta gọi là vùng Cận Đông. Trong những vùng sa mạc rừng nhiệt đới mênh mông, hoặc những miền gần hai cực, con người bị nhấn chìm trong một môi trường tự nhiên thù địch đe doạ ngay đến sự tồn tại của mình. Ngược lại, tại những vùng ôn đới, con người gần như thoải mái ở mọi nơi trong một môi trường thuận lợi và thử thách. Nhưng trong vùng Cận Đông tiểu nhiệt đới, khô khan sự cân bằng giữa con người và tự nhiên ở một vị thế bấp bênh hơn. Con người có thể sống tại đó và thậm chí thịnh vượng, vậy mà những hoạt động khác nhau của con người vẫn phần lớn bị điều kiện hóa bởi địa hình của vùng miền, thổ nhưỡng, lượng mưa, sự phân phối của suối và nước ngầm, dòng chảy và lưu lượng sông ngòi. Những yếu tố này có tác động mạnh mẽ đến con người: chúng vạch ra các con đường mậu dịch và các cuộc phiêu lưu quân sự, khiến y định cư làm một nông dân hay buộc y phải sống đời lang bạt của dân du mục, góp phần tạo nên các phẩm chất đạo đức và thể trạng của y và, theo một mức độ nào đó, chỉ đạo những tư tưởng và niềm tin tôn giáo của y. Do đó lịch sử của bất kỳ một xứ sở Cận Đông nào cũng phải bắt đầu bằng một khảo sát địa lý, vùng đất cổ xưa của Iraq cũng không ngoại lệ.

Vì chúng ta không có tài liệu cổ đại nào về địa lý, mô tả sau đây nhất thiết phải dựa vào Iraq hiện nay, ắt hẳn chắc chắn nó cũng đúng như vào thời cổ đại với vài điều chỉnh nhỏ. Trong khi tại một số khu vực của đất nước có những dòng sông không theo đúng chính xác lộ trình như thuở trước, và trong khi có những vùng trước đây phì nhiêu màu mỡ giờ khô cằn hoang hóa và ngược lại, nhưng kiểu dạng của núi non, đồng bằng và thung lũng nói chung rõ ràng là không thay đổi, và một sự đổi chiếu giữa hệ động và thực vật thời cổ đại và hiện đại, cũng như chứng cứ thu góp được từ những nghiên cứu khí tượng và địa chất, chỉ ra rằng những dao động khí hậu qua 5,000 năm qua quá nhỏ bé để có thể coi như là không đáng kể. Vì vậy những chứng cứ khoa học thuộc loại này gần như là không cần thiết, vì bất kỳ ai có chút kiến thức về lịch sử đã từng đến thăm Iraq đều cảm thấy rất đỗi thân thiết với khung cảnh chung quanh. Không chỉ núi non trơ trọi, sa mạc đầy đá, cánh đồng lúa mạch, các rặng cọ, bụi lau sậy và những khu đầm lầy tạo nên phong cảnh mà các văn bản cổ và  đài tưởng niệm từng mô tả, mà những điều kiện sống bên ngoài các thành phố lớn còn gợi nhớ đến điều kiện sống của ngày xa xưa. Trên lưng đồi những người chăn cừu như từ thời kinh thánh bước ra thả cứu và dê ăn cỏ; trong sa mạc các bộ tộc du cư vẫn lang thang không ngừng nghỉ từ giếng nước này đến giếng nước khác, như thuở xưa; trên đồng bằng nông dân lam lũ vẫn cư ngụ trong ngôi nhà đất bùn không khác với các nông dân Babylon và thường sử dụng cùng các loại nông cụ tương tự; trong khi đó các ngư dân sống quanh đầm lầy vẫn chui rúc trong túp lều tranh và di chuyển trên những con thuyền thúng mũi cao như tổ tiên Sumer của họ. Nếu mặt trăng, mặt trời, gió, sông ngòi không còn được thờ phụng, mãnh lực của chúng vẫn còn được kính sợ hoặc chào đón, và nhiều tập quán và tín ngưỡng cổ xưa có thể được lý giải bằng cách tham chiếu với các điều kiện hiện tại. Thật ra, có ít xứ sở trên thế giới tại đó quá khứ  sống động một cách kỳ lạ hơn đất nước này, nơi những sử liệu chết được minh họa một cách thích hợp hơn.

Thực địa nghiên cứu của chúng tôi là một tam giác có diện tích khoảng 240,000 dặm vuông, giới hạn bởi các đường tưởng tượng kẻ giữa Aleppo, Hồ Urmiah và cửa sông  Shatt-el-‘Arab. Những biên giới chính trị hiện nay chia sẻ khu tam giác này giữa hai nước Syria và Iraq, phần trên Iraq trội hơn, trong khi những vùng đất thuộc Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhô ra ở phía bắc và đông. Nhưng những đường biển này chỉ có gần đây, và toàn bộ vùng này thực sự hình thành một đơn vị địa lý rộng lớn có trục chính là các thung lũng của hai sông Tigris và Euphrates. Do đó chúng ta gọi nó là ‘Mesopotamia’, mặc dù thuật ngữ, được các sử gia Hy Lạp cổ đại đặt ra, phần nào bị hạn chế, có nghĩa ‘(vùng đất) giữa hai sông’ (còn gọi là vùng Lưỡng Hà). Dường như có vẻ ngạc nhiên, các dân cư cổ đại của ‘Mesopotamia’ không có cái tên nào chỉ toàn bộ đất nước trong đó họ sống, và những thuật ngữ họ dùng hoặc quá mơ hồ (‘Vùng đất’) hoặc quá chính xác (‘Sumer’,‘Akkad’, ‘Assur’, ‘Babylon’). Tâm thức họ quá ăn sâu những khái niệm về thành bang và những khu vực chính trị-tôn giáo nhỏ hẹp đến nỗi họ rõ ràng là không nhận ra sự tồn tại của tính thống nhất lãnh thổ mà đối với chúng ta là hiển nhiên.

Tính thống nhất địa lý của Mes trong những thời kỳ tiền-Cơ đốc ăn khớp với tính thống nhất nổi bật về văn hóa. Bên trong vùng tam giác của chúng ta nảy nở một nền văn minh mà về chất lượng và tầm quan trọng chỉ có nền văn minh Ai Cập là sánh bằng. Theo phong cách bây giờ, chúng ta gọi nó là văn minh ‘Chaldaea’, ‘Assyria-Babylonia’, ‘Sumer-Akkad’ hoặc ‘Mesopotamia’, tất cả đều là một. Từ những cội nguồn bắt rễ ăn sâu vào đêm đen của thời tiền sử, nó dần dần tăng trưởng, bừng nở trong ánh sáng bình minh của lịch sử và kéo dài non ba ngàn năm, duy trì sự đồng nhất rộng khắp một cách đáng kể, cho dù nhiều lần bị rung chuyển bởi những biến động chính trị và nhiều lần được trẻ hóa nhờ tiếp thu ảnh hưởng và huyết thống ngoại nhân. Những trung tâm được khai sinh, lớn mạnh và giúp lan tỏa nền văn minh này qua khắp vùng Cận Đông là những thị trấn như Ur, Uruk, Nippur, Agade, Babylon, Assur và Nineveh, tất cả đều toạ lạc trên hoặc gần các Sông Tigris hoặc Euphrates, bên trong biên giới của nước Iraq hiện đại. Tuy nhiên, ngay buổi ban đầu của kỷ nguyên Cơ đốc, nền văn minh Mes dần dần suy thoái và biến mất do những lý do sẽ được trình bày trong hành trình. Một số thành tựu văn hóa và khoa học của nó được người Hy Lạp cứu vớt và đâu đó trở thành một bộ phận trong di sản của chúng ta, phần còn lại hoặc tiêu vong hoặc bị chôn vùi qua hằng bao thế kỷ, đợi nhát cuốc khai quật của các nhà khảo cổ. Một quá khứ huy hoàng bị lãng quên. Trong ký ức ngắn ngủi của con người về những thành phố phồn vinh này, về những đấng thần linh lẫm liệt này, về những vương quốc hùng mạnh này, chỉ còn một ít tên, thường bị gọi lệch đi, còn sót lại. Những cơn mưa nhạt nhòa, những trận gió cát, ánh mặt trời thiêu đốt cùng âm mưu bôi xóa mọi dấu vết còn lại, và những gò đống hoang vu từ đó che giấu những phế tích của Babylon và Nineveh có lẽ dâng hiến bài học tốt nhất về tính khiêm cung mà chúng ta luôn nhận được từ lịch sử.

Vùng Lưỡng Hà

2

Bản đồ Mes Cổ Đại

Câu nói nổi tiếng của Herodotus ‘Ai Cập là quà tặng của Sông Nile’ thường được trích dẫn. Về nhiều phương diện, có thể nói như vậy về Mes rằng nó là quà tặng của hai con sông. Từ khởi thủy vượt quá ký ức con người Tigris và Euphrates đã bồi tích lớp phù sa trên lớp đá trầm tích giữa thềm địa chất Ả Rập và cao nguyên Iran, tạo thành giữa vùng sa mạc một đồng bằng  có kích thước và độ phì nhiêu không đâu sánh bằng trong vùng 2,300 dặm mênh mông đất đai khô cằn kéo dài từ Sông Indus đến Sông Nile. Có phải bình nguyên này cũng xuất xứ từ biển cả? Nói cách khác, có phải đầu mút của Vịnh Ba Tư vươn đến vĩ tuyến Baghdad trong thời tiền sử, rồi dần dần bị đẩy lùi về phía nam qua hằng thiên niên kỷ? Đó là lý thuyết cổ điển đã được giảng dạy từ lâu như một học thuyết và giờ còn được tìm thấy trong các sách giáo khoa. Vào năm 1952, tuy nhiên, một lý thuyết mới được đưa ra, cho rằng Tigris và Euphrates đổ chất trầm tích của chúng vào một lưu vực lún xuống chậm chạp và kết quả là đường bờ biển ắt hẳn thay đổi rất ít theo thời gian.

Tuy nhiên, những cuộc khảo sát xa hơn tiến hành trong thập niên 1970, chủ yếu trên các thềm đại dương và trầm tích dưới biển đã cho thấy lý thuyết này chỉ đúng một phần trong một quá trình rất phức tạp và rằng  những biến đổi Kỷ Băng hà và Thế Toàn Tân (Holocene) trong khí hậu thế giới cũng là những nhân tố chính, có trách nhiệm với những biến động lớn của mực nước vùng Vịnh, tất nhiên ảnh hưởng đến vị trí của bờ biển và độ dốc dòng chảy của sông. Giờ đây hầu hết các khoa học gia đều đồng ý rằng khoảng 14,000 TCN, tại đỉnh cao của Thời kỳ Băng hà cuối cùng, Vịnh là một thung lũng sâu và rộng mà Tigris và Euphrates chảy qua hợp nhất thành một con sông duy nhất, và thung lũng này dần dần chứa đầy nước biển khi chỏm băng tan chảy. Vào khoảng 4000 – 3000 TCN mực nước vùng Vịnh cao hơn mức nước bây giờ khoảng một đến hai mét, thành ra đường bờ biển nằm trong vùng lân cận Ur và Êridu. Sự thoái lui dần dần kết hợp với bồi lắng từ những con sông mang nó đến vị trí bây giờ. Có một số chứng cứ khảo cổ cho biết khoảng 1500 TCN bờ biển xấp xỉ nửa đường giữa Ur và Basrah bây giờ. Nhưng ắt hẳn còn nhiều nhân tố khác can thiệp, và chúng ta chắc chắn không bao giờ biết được toàn bộ câu chuyện.

Cả hai Sông Tigris và Euphrates đều có cội nguồn ở Armenia, sông trước từ phía nam Hồ Van, sông sau gần Núi Ararat. Euphrates, dài 2,780 km, thoạt đầu chảy theo đường zíc-zắc băng qua Thổ Nhĩ Kỳ, còn Tigris, ngắn hơn nhiều (1,950 km), gần như ngay lập tức chảy theo hướng nam. Khi chúng ló ra từ vùng núi Taurus hai con sông cách nhau ra khoảng 400 km giữa là thảo nguyên rộng mở. Sông Euphrates, tại Jerablus chỉ cách Địa Trung Hải 150 km, chạy theo hướng đông-nam và tiến về phía Tigris. Gần Baghdad chúng gần như chạm nhau, chỉ cách nhau 32 km, nhưng rồi chúng lại quay xa nhau và không hòa nhập cho đến Qurnah, cách bắc Basrah 100 km, để tạo thành Sông  Shatt-el-‘Arab. Vào thời cổ đại, tuy nhiên, con sông rộng lớn, đường bệ này không tồn tại, Tigris và Euphrates khi đó chảy riêng lẻ đổ vào biển. Kiểu dạng tổng quát của lộ trình hai sông có thể chia thành hai phân khúc. Ở phía bắc của đường Hit-Samarra thung lũng Lưỡng Hà riêng biệt. Hai dòng sông cắt đường qua một cao nguyên đá vôi rắn và đá phiến sét và hai bên là ghềnh đá, kết quả là lòng sông đã di chuyển rất ít theo thời gian, các thành phố cổ đại – như Karkemish, Mari, Nineveh, Nimrud hoặc  Assur – vẫn còn nằm trên, hoặc sát bên, bờ sông, như cách đây hàng ngàn năm. Nhưng ở phía nam của đường đó hai thung lũng hoà lẫn nhau và tạo thành một đồng bằng phù sa rộng rãi, bằng phẳng – đôi khi được gọi là Châu thổ Mes – tại đó các con sông chảy với độ dốc thấp đến nỗi chúng uốn khúc nhiều và đâm ra nhiều nhánh phụ. Như mọi con sông uốn khúc khác chúng bồi đắp cao lòng sông, thành ra chúng thường tràn qua đồng bằng, tạo ra những hồ và đầm vĩnh cửu, và chúng đôi khi đổi hướng dòng chảy. Điều này lý giải tại sao các thành phố nam Mes, từng có lần toạ lạc trên Euphrates hay nhánh của nó, giờ đây chỉ là những gò đống phế tích điêu tàn trong một sa mạc bùn lầy, cách đường lưu thông thủy hiện giờ vài dặm. Những thay đổi trước đây trong lòng sông cực kỳ khó khăn để khảo sát và xác định niên đại một cách chính xác, nhưng chúng chắc chắn đã xảy ra trong thời cổ. Tuy nhiên, đáng ghi nhận là việc người Mes thời cổ đã xoay sở để kiểm soát được các con sông của mình, vì hai nhánh sông chính ở hạ lưu Euphrates đi theo xấp xỉ cùng một lộ trình trong ba ngàn năm, ngang qua Sippar, Babylon, Nippur, Shuruppak, Uruk, Larsa và Ur, nghĩa là từ 25 đến 80 km về phía đông con kênh chính hiện giờ. Về phần Tigris, tất cả điều có thể nói về lộ trình cổ xưa của nó ở phía nam Mes là chắc chắn nó theo cùng một lộ trình như Shatt el-Gharraf, một trong những nhánh hiện thời của nó: thẳng một mạch từ Kut el-Imara đến vùng lân cận của Nasriyah. Nó dường như đóng một vai trò tương đối nhỏ trong vùng đó, hoặc bởi vì lòng sông được đào quá sâu vào lớp phù sa đối với một kênh dẫn thủy đơn giản hoặc bởi vì nó bị bao vây – đúng như bây giờ – bởi những đầm lầy mênh mông.  

Khí hậu của trung tâm và nam Iraq thuộc dạng ‘khô, tiểu nhiệt đới’, với nhiệt độ có thể đến 120 độ F. (50 độ C.) vào mùa hè và lượng mưa trung bình về mùa đông thấp hơn 10 in-xơ. Nông nghiệp do đó phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thủy lợi, mặc dù kích thước và bản chất của đồng bằng, cũng như lưu lượng của các sông, khiến không thể thực hiện việc dẫn thủy thuộc ‘loại lưu vực’ dễ làm và ít tốn kém như đã được tiến hành ở Ai Cập chẳng hạn, nơi lũ sông Nile tự do tràn ngập thung lũng trong một thời gian rồi rút đi. Vì thời kỳ lũ lụt phối hợp giữa của sông Tigris và Euphrates xảy ra giữa tháng 4 và 6, quá muộn cho vụ đông và quá sớm cho vụ hè, ruộng đồng phải được tưới nước chủ động, và việc này được thực hiện bằng một hệ thống phức tạp các kênh thủy lợi, hồ chứa, đê điều và cống điều tiết. . . (‘việc thủy lợi vĩnh viễn’). Tạo ra một mạng lưới hiệu quả các kênh đào  và  duy trì chúng chống lại việc bồi đắp rõ ràng là một công việc đồ sộ và vô tận đòi hỏi lực lượng lao động khổng lồ và sự hợp tác của nhiều cộng đồng – nhân tố những mầm mống của đồng thời sự xung đột khu vực và tính thống nhất chính trị. Nhưng điều này không phải là tất cả: hết năm này sang năm khác, hai mối  hiểm họa nghiêm trọng rình rập các nông dân Mes. Hiểm họa nham hiểm hơn trong hai là sự tích tụ muối trong những khu vực thấp, bằng phẳng do thủy lợi mang lại và xâm nhập xuống mực nước ngầm nằm ngay dưới bề mặt đất. Nếu không lắp đặt hệ thống tiêu thoát nhân tạo – và dường như hệ thống như thế người cổ đại không biết – những cảnh đồng phì nhiêu có thể trở nên cằn cỗi  sau một thời gian tương đối ngắn, và theo kịch bản này, trong suốt lịch sử những mảnh ruộng kích cỡ càng ngày càng lớn phải bị bỏ hoang và biến thành sa mạc. Hiểm họa khác nằm trong tỉ lệ thất thường của lưu lượng hai sông sinh đôi. Trong khi sông Nile, được các hồ ở Đông Phi nuôi dưỡng hoạt động vai trò điều tiết, tạo đợt lũ hàng năm có khối lượng nhất định, khối lượng lũ phối hợp của Tigris và Euphrates thì lại không lường trước được, vì nó phụ thuộc vào số lượng biến thiên của mưa hoặc tuyết rơi trên vùng núi ở Armenia và Kurdistan. Nếu những mức nước thấp vài năm liền sẽ sinh ra hạn hán và đói kém, một trận lũ lớn thường gây ra thảm họa. Các con sông phá vỡ đê điều; nhận chìm vùng đất thấp dài đến ngút mắt; những ngôi nhà bằng đất bùn, túp lều tranh mong manh bị lũ cuốn đi; mùa màng mất trắng dưới những ao hồ mênh mông sình lầy, cùng với gia súc và đồ đạc của đa số dân cư. Đó là một cảnh tượng khủng khiếp mà những ai chứng kiến không thể nào quên như trong trận lũ lớn vừa qua ở Iraq, vào mùa xuân 1954. Do đó khu vực Mes luôn treo lơ lửng giữa sa mạc và đầm lầy. Hiểm họa kép và tình trạng bập bênh mà nó tạo ra cho tương lai này được một số tác giả tin là nguồn gốc sinh ra ‘thái độ yếm thế bi quan cố hữu’ của người Mes cổ đại.

Mặc dù có những hạn chế này, vùng đồng bằng được hai sông Tigris và Euphrates bồi đắp là vùng đất canh tác màu mỡ và vào thời cổ còn màu mỡ hơn trước khi đất bị muối xâm lấn. Toàn bộ dân số Iraq cổ có thể được nuôi ăn và một số lượng ngũ cốc dư thừa có thể được trao đổi để lấy kim loại, gỗ và đá nhập khẩu từ nước ngoài. Mặc dù lúa mì, lúa mì đỏ, hạt kê và mè được trồng nhiều, lúa mạch đã là – và còn là ngũ cốc chính, vì nó chịu được đất mặn nhẹ. Kỹ thuật canh tác đương nhiên là nguyên thủy, nhưng đồng thời hoàn hảo. Chúng được mô tả khá chi tiết trong một văn bản thú vị được biết dưới tên ‘Niên giám Nhà Nông Sumer’, được soạn ra khoảng 1700 TCN Theo văn bản này – của một nông dân dùng để hướng dẫn con trai mình – trước tiên phải cho nước vào ruộng vừa phải, rồi cho bò giẫm đạp, sau đó xới kỹ lưỡng bằng rìu để làm mặt đất bằng phẳng. Cày và gieo hạt được tiến hành đồng thời với công cụ bằng gỗ có ‘hai ngón tay’ chọc sâu vào đất, các luống cày cách nhau khoảng hai bộ. Sau đó, trong khi lúa mạch đang tăng trưởng, ruộng lại được cho nước vào ba bốn lần nữa. Cũng tài liệu đó mô tả cách thu hoạch và đập lúa bằng xe ngựa và xe trượt, rồi đến giai đoạn sàng sẫy. Như trong Sách của Ruth, người nông dân cũng được kêu gọi ‘cho đất nuôi dưỡng bọn trẻ và người mót lúa’ bằng cách để lại trên mặt đất một số bông lúa rơi rụng.

Việc dẫn nước và cày bừa ban đầu được tiến hành vào tháng 5-tháng 6, và kỳ thu hoạch chính thường xảy ra vào tháng 4 năm sau; nhưng một vụ mùa phụ thường có thể thu hoạch được sau những trận mưa mùa đông. Ruộng được dưỡng sức cách năm. Không có nghi ngờ gì đất phù sa của vùng Mes phía nam và trung tâm rất phì nhiêu vào thời cổ, nhưng số liệu gấp 200 hoặc 300 lần mà Herodotus và Strabo đưa ra cho lượng thu hoạch bắp phóng đại một cách quá thô thiển, và phát biểu rằng lượng thu hoạch lúa mì ở cực nam Iraq khoảng 2400 B.C có thể so sánh ngang ngửa với lượng thu hoạch của những cảnh đồng lúa mì ở xứ Canada hiện nay thì có vẻ quá lạc quan. Thật ra, mọi con số do các tác giả hiện đại đưa ra phải được xem xét thận trọng vì chúng dựa vào những văn bản bằng chữ hình nêm rất ít ỏi, và một số có thể sai lầm; hơn nữa, chúng chỉ áp dụng cho một thời kỳ nào đó và một vùng miền nào đó. Tuy nhiên, ước tính toàn bộ được đề nghị gần đây là gấp từ 40 đến 50 (tức khoảng hai lần sản lượng trung bình ở trung tâm Iraq vào thập niên 50) có vẻ chấp nhận được. Khi hậu nóng và ẩm của nam Mes và lượng nước dư thừa có được trong vùng đó cũng là những điều kiện thuận lợi cao cho việc canh tác cây chà là được trồng dọc theo sông và kênh rạch, ‘đầu đội trời nắng chang và chân đạp trong nước’, như một thành ngữ Ả Rập. Chúng ta biết được nhờ những văn bản cổ rằng ngay từ thiên niên kỷ thứ ba TCN trong xứ sở Sumer đã có bạt ngàn những rặng chà là, và việc thụ phấn nhân tạo đã được thực hiện. Bột mì và chà là – cái sau có giá trị ca lô rỉ rất cao – tạo nên lương thực chính của của người Irraq cổ, nhưng gia súc, cứu và dê cũng được nuôi và cho ăn có trên những vùng không được canh tác và trên những cánh đồng bỏ hóa, trong khi sông ngòi, kênh rạch, hồ ao và biến cả mang lại lượng cá thừa thãi. Đa dạng cây trái và hoa màu, như mận, nho, sung, đậu, đậu lăng,  củ hành, dưa leo, cải bắp, cải xoong,  củ hành , củ cải, rau diếp, và tỏi, cũng được trồng trọt trong vườn dưới bóng mát của những rặng cọ và được tưới tiêu bằng công cụ gàu đơn giản (dâlu) ngày nay vẫn còn được sử dụng dưới tên cũ của nó. Không còn nghi ngờ gì, nếu không bị nạn đói thỉnh thoảng hoành hành do chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên, thì dân Mes nói chung hưởng thụ một chế độ ăn đa dạng và giàu dinh dưỡng và về phương diện này tốt hơn nhiều so với người láng giềng Syria, Iran hoặc Tiểu Á.

Đa dạng vùng miền

Từ đầu đến giờ ta chỉ tập trung chú ý vào trục chính tam giác Mes, bình nguyên giữa hai sông; nhưng nếu ta quay sang phần ngoại vi lập tức ta sẽ quan sát thấy có sự khác biệt đáng kể về khí hậu và phong cảnh. Gác sang một bên những biến thể cục bộ nhỏ bé, có thể phân chia ra bốn khu vực chính: sa mạc, thảo nguyên, vùng đồi và đầm lầy.

Vùng phía bắc nhiều đồi, bị cắt xẻ ở trung tâm bởi những con sông cạn, phía nam thì bằng phẳng và trơ trọi, sa mạc giáp ranh toàn bộ lộ trình sông Euphrates về phía tây và trải dài hàng trăm cây số đến tận trung tâm Arabia. Sa mạc Syro-Ả Rập, tuy nhiên, là nước ngoài đối với dân cư Mes, và đường sắc bén chia nó khỏi thung lũng Euphrates cũng đánh dấu giới hạn của các khu định cư tiền-Hồi giáo. Người Sumer và Babylon thực chất là những nông dân; không giống như người Ả Rập, họ quay lưng với sa mạc và gắn chặt với ‘đất lành’, vùng phù sa màu mỡ. Nhưng họ phải tính đến người du mục hoang dã luôn tấn công những đoàn xe của họ, cướp phá thị trấn và làng mạc và thậm chí xâm lăng xứ sở họ, như người Amorite đã làm vào đầu thiên niên kỷ thứ 2 và người Aramaea 800 năm sau. Như ta sẽ thấy, những chương dài trong lịch sử Iraq cổ đại chứa đầy những đoạn xung đột lâu đời giữa xã hội định cư của đồng bằng phù sa với các bộ tộc thù địch của sa mạc phía tây. Cũng phải nói thêm rằng những điều kiện sa mạc có thể được tìm thấy trong những phần khác nhau của chính vùng Mes. Sa mạc không chỉ luôn có tiềm năng chực chờ giữa hai sông sinh đôi, sẵn sàng lẻn vào và chiếm chỗ của những ruộng ngô và rặng cọ ngay khi sông đổi hướng hoặc kênh rạch bị bồi nghẽn bùn, mà những diện tích rộng lớn trên bờ trái sông Tigris và trên  đoạn giữa sông Euphrates cũng luôn là những khu vực bỏ hoang thê lương rải rác những con sông cạn khô và hồ muối, dân cư thời nào cũng thưa thớt và hiếm khi có các đường buôn bán chính đi qua đó.

Trong phần tây-bắc Mes, phía bên kia dãy núi thưa tạo thành bởi Jabal ‘Abd-al-Aziz và Jabal Sinjar và đến tận chân Taurus, bình nguyên mà người Ả Rập gọi là ‘hòn đảo’, vươn dài đến 400 km ngăn cách Tigris và Euphrates. Nhiều dòng suối hội tụ và tạo thành sông Balikh và Khabur, phụ lưu của sông Euphrates, xòe ra như hình rẻ quạt trên khu vực này, trong khi lượng mưa mùa đông dư dả được bổ sung thêm nguồn nước ngầm mênh mông ngay dưới mặt đất do tuyết của những ngọn núi gần đó nuôi dưỡng. Những đồng ngô và vườn cây ăn quả trải dài dọc theo bờ sông hoặc quần tụ quanh các suối và giếng nước, mạng lưới cây xanh này được hoàn tất bằng một thảo nguyên xanh cỏ vào mùa xuân và tạo điều kiện lý tưởng để chăn nuôi gia súc, cừu và ngựa. Bình nguyên màu mỡ này tạo thành một ‘hành lang’ thiên nhiên, một vùng chuyển tiếp giữa thung lũng Thượng Tigris và đồng bằng bắc Syria, và một quần tụ đáng kinh ngạc của các ‘tell’ (mô gò) biểu thị những thành phố và làng mạc bị chôn vùi minh chứng rằng vào thời cổ đại nó đông đúc người ở.

Đặc biệt được sử gia quan tâm là góc đông-bắc Iraq, vùng đồi giữa sông Tigris và núi non Kurdistan. Ở đó lượng mưa thay đổi trong khoảng 30 đến 60 cm. Từ đồng bằng thoai thoải dọc theo con sông mặt đất dâng cao qua những chuỗi nếp gấp song song có độ cao tăng dần cho đến những chõm núi tuyết phủ của dãy Zagros (cao độ từ 2,500 đến 3,600 mét) ngăn cách Iraq với Iran. Bốn phụ lưu của sông Tigris, sông Zab Lớn, sông Zab Nhỏ, sông Adhem và Diyala, chảy chéo góc ngang qua khu vực, đôi khi cắt thành những khe sâu qua sườn đá vôi lởm chởm, đôi khi chảy zíc-zắc quanh chúng. Khí hậu nóng bức vào mùa hè nhưng mát mẻ vào mùa đông. Vùng đồi bây giờ khá trơ trọi, nhưng đây đó trên sườn đồi có thể trông thấy một cánh đồng hoặc một cánh rừng nhỏ cây sồi hoặc thông, trong khi lúa mì, lúa mạch, cây ăn trái, nho và rau củ trồng dễ dàng trong những thung lũng trên cao. Lần lượt là ngôi nhà của những người hang động tiền sử, cái nôi – hoặc, đúng ra, một trong cái nôi, của hoạt động canh tác trong vùng Cận Đông Đồ Đá Mới, và bên rìa của vương quốc Assyria, khu vực hấp dẫn này đóng một phần quan trọng trong lịch sử Mes. Vậy mà thậm chí trong thời kỳ Assyria nền văn minh vẫn bó hẹp trong vùng đất canh tác được dưới chân đồi. Chính các ngọn núi, vốn khó đi xuyên qua và thuận tiện để phòng thủ, luôn tạo thành một vùng biên giới bị tranh cãi giữa các quân đội của các nhà cai trị Mes và người cao nguyên ‘man rợ’ mà, như dân Bedouin ở sa mạc phía tây, thèm muốn và hăm he các thành phố giàu có của đồng bằng.

Ở đầu kia của Iraq, những đầm lầy mênh mông che phủ phần phía nam của châu thổ Tigris-Euphrates cũng tạo ra một khu vực đặc biệt rất khác với phần còn lại của Mes. Với vô số các hồ nông, những rạch hẹp uốn khúc qua những bãi lau sậy chằng chịt, hệ động vật gồm trâu, heo rừng và chim rừng, muỗi mòng và cái nóng ngột ngạt, chúng tạo ra một trong những vùng miền kỳ lạ, khắc nghiệt và mê hoặc nhất của thế giới. Mặc dù chúng có thể thay đổi về kích cỡ và cấu hình, những đài tưởng niệm và văn bản cổ đại đã chứng tỏ rằng chúng đã từng tồn tại, và thật ra, Ma’dan, hoặc đầm lầy Ả Rập, có vẻ như đã gìn giữ đến một mức độ nào đó lối sống của người cổ Sumer trên bờ rìa của vùng đầm lầy cách đây hơn 5000 năm. Theo quan điểm khảo cổ, các vùng đầm lầy Iraq vẫn phần lớn còn là vùng đất vô danh. Báo cáo của những người du lịch gợi ý những dấu vết những khu định cư cổ đại vô cùng hiếm gặp, chắc chắn bởi vì chúng chỉ gồm những làng nhà tranh vách đất giống như hiện nay, đã hoàn toàn biến mất hoặc bị chôn vùi dưới cả mét bùn và nước. Tuy nhiên, hy vọng rằng với những phương pháp hiện đại, như việc sử dụng trực thăng – sẽ cuối cùng khai phá một vùng miền không hề kém phần hứng thú về mặt lịch sử.

Do đó, bên dưới một vẻ đồng nhất hiển hiện Iraq là một đất nước của những tương phản. Nếu thảo nguyên phía bắc và các đầm lầy phía nam có thể được coi là biến thể cục bộ của bình nguyên Mes, tồn tại một khác biệt nổi bật về địa hình, khí hậu và thực vật giữa đồng bằng và vùng chân đồi, và sự khác biệt này có đối trọng của nó trong lịch sử. Trong suốt thời cổ đại, một tình trạng đối kháng xác định giữa Bắc và Nam – hay, nói theo thuật ngữ địa chính trị, giữa Sumer-và-Akkad (hoặc Babylonia) và Assyria – có thể được phát hiện, đôi khi hiện ra yếu ớt và chỉ bộc lộ qua sự khác biệt văn hóa, đôi khi công khai và thể hiện qua những xung đột dữ dội.

Các Tuyến Đường Mậu Dịch

Lâu trước khi họ biết có cả một kho báu dầu hoả nằm dưới chân mình, người dân Iraq đã biết khai thác một nguyên liệu mẹ, bitum, mà họ có được từ những lỗ dầu rỉ ra tại những vùng khác nhau của xứ sở, đặc biệt tại đoạn giữa Euphrates, giữa Hít và Ramadi. Họ sử dụng bitum theo nhiều cách, không chỉ trong kiến trúc (làm chất vữa xây gạch và lót chống thấm trong phòng tắm và cống), mà còn trong điêu khắc và khảm, dùng làm vật liệu trét đáy thuyền, làm chất đốt và thậm chí làm thuốc. Có chứng cứ cho thấy, ít nhất trong một số giai đoạn nào đó trong lịch sử của họ, họ đã xuất khẩu nó.

Nhưng nếu Mes giàu bitum, đất sét và nông sản, nó lại thiếu quặng kim loại cũng như đá cứng và gỗ tốt. Những vật liệu này đã được nhập khẩu từ nước ngoài trong những thời kỳ sơ sử, nhờ đó khiến một nền văn hóa Đồng Đá có thể phát triển trong một xứ sở rõ ràng thiếu vắng kim loại. Đồng được khám phá trước tiên, thường được cho là ở Iran phía tây-bắc hoặc trong vùng Caucasus, và có lẽ xuất hiện ban đầu từ Azerbaijan hoặc Armenia. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau những nguồn nguyên liệu thay thế được tìm thấy, chẳng hạn ở Anatolia (mà sau đó sản xuất ra sắt), Cyprus và xứ trong văn bản chữ tượng hình gọi là Magan, đã được gợi ý là khu vực vùng núi Oman. Thiếc dường như được nhập khẩu từ Iran, Caucasus, hoặc thậm chí có thể Afghanistan, trước khi người Phoenicia mang nó từ Tây Ban Nha đến trong thiên niên kỷ thứ 1 TCN. Bạc phần lớn đến từ  vùng núi Taurus, vàng từ những mỏ khác nhau rải rác giữa Ai Cập và Ấn. Một vài khu vực ở Iran có thể cung cấp đá cứng, và Magan nổi tiếng với đá điorit đen đẹp được các thợ điêu khắc sử dụng trong Triều đại Ur Thứ Ba. Gỗ thường có thể tìm thấy trong vùng núi Zavros gần đó, nhưng gỗ tuyết tùng quý giá được chở đến từ Lebanon hay Amanus, trong khi những loại gỗ khác đến bằng đường biển từ xứ bí ẩn có tên Meluhha – có thể là tên cổ của thung lũng Sông Ấn. Do đó, tại một thời điểm rất sớm, một mạng lưới đường mậu dịch đã được phát triển, liên kết những khu vực khác nhau của Mes với phần còn lại của Cận Đông. 

Còn việc vận chuyển bên trong Mes từ địa phương này đến địa phương khác thường theo đường thủy. Tigris và Euphrates tạo nên một hệ thống đi lại thuận tiện từ bắc xuống nam, và những con kênh thủy lợi cũng có thể được sử dụng như những kênh rạch di chuyển giữa những làng mạc và thành phố. Những lợi ích mà những phương tiện giao thông này đem lại có thể dễ dàng được đánh giá nếu ta nhớ rằng chính những con kênh chằng chịt là trở ngại cho lưu thông bộ, và hầu hết đồng bằng đều ngập bùn vào mùa đông và mùa xuân thì có nguy cơ bị ngập lũ, và lừa là con vật chuyên chở hành lý duy nhất trước khi lạc đà được đưa vào sử dụng trên quy mô lớn trong thiên niên kỷ thứ 1 TCN.

Bên ngoài Mes hai đường lớn đi theo hướng tây về phía Syria và bờ biển Địa Trung Hải. Tất nhiên những con đường này chỉ là  những đường mòn sa mạc thô sơ, vì những xa lộ có lót đá được tìm thấy bên ngoài cổng vài thành phố chắc chắn không đi xa trong nội địa. Đường đầu tiên bắt đầu từ Sippar (gần Fallujah, tại vĩ độ của Baghdad), đi theo sông Euphrates đến tận Mari hoặc nơi họp chợ nào đó ở vùng Abu-Kemal–Deir-ez-Zor, rồi cắt thẳng qua sa mạc ngang qua Tidmur, tại đó nó phân làm vài nhánh đi đến các cảng Phoenicia, Damascus hay Palestine. Việc băng qua sa mạc – rộng không hơn 500 km – bất tiện vào mùa hè và lúc nào cũng phơi mình cho bọn du mục tha hồ tấn công; vì vậy các đoàn xe vận tải và quân đội thích chọn con đường thứ hai, dài hơn nhiều nhưng an toàn hơn và dễ kiếm được nước và rơm rạ cho lừa. Đường đó khởi hành từ Tigris ở Nineveh, đối diện Mosul, chạy qua thảo nguyên Jazirah từ đông sang tây qua Shubat-Enlil (có lẽ là Tell Leilan), Guzana (Tell Halaf), Harranu (Harran), băng qua sông Euphrates – afKarkemish (Jerablus) hoặc ở Emar (Meskene), băng qua hoặc đến gần Aleppo và kết thúc ở thung lũng Orontes, với những nhánh tận cùng đến bờ biển Địa Trung Hải và trung tâm Syria. Tại những điểm khác nhau trên lộ trình này phân nhánh những đường mòn khác đi theo hướng tây-bắc, cuối cùng kết thúc tại Cilicia và Anatolia. Từ Nineveh cũng có thể đến tận Armenia và đông Antolia bằng cách đi theo sông Tigris đến tận Diarbakr và rồi băng qua Taurus theo những đường độc đạo.

Giao thông với phương đông còn khó khăn hơn nhiều. Các bộ tộc sinh sống ở vùng núi Zagros thường thù địch, và núi bản thân nó cũng là chướng ngại khủng khiếp chỉ có thể vượt qua tại ba điểm: ở Raiat, gần Rowanduz, ở Halabja, về phía đông-nam Suleimaniyah, và ở Khanaqin, trên vùng thượng Diyala.

Điểm Raiat và Halabja đi đến Azerbaijan và Hồ Urmiah, điểm Khanaqin đi đến Kermanshah, Hamadan và, bên kia Hamadan, là cao nguyên Iran. Một con đường thứ tư, xa hơn về phía nam, chạy song song với Zagros từ Dêr (gần Badrah) đến Susa (Shush, gần Dizful), thủ phủ của Elan. Nó không gặp trở ngại vật chất nào, những thung lũng thấp hơn của các sông Kerkha và Karun, tạo thành lãnh địa Elam, chỉ là phần kéo dài về phía đông của bình nguyên Mes, nhưng người Elam là những kẻ thù truyền thống của dân Mes, và con đường này thường được các đạo quân xâm lăng sử dụng hơn là những đoàn xe hòa bình.

Tuyến đường mậu dịch lớn cuối cùng giữa Iraq cổ đại và phần còn lại của thế giới là qua Vịnh Ả Rập-Ba Tư, ‘Con Sông Cay Đắng’, ‘Biển Chìm’ hoặc ‘Biển Phía Mặt Trời Mọc’, như thời đó nó được gọi. Từ thời kỳ đầu của Hồi giáo trở đi Vịnh đã là ‘lá phổi’ của Iraq, cửa sổ rộng mở vào Ấn Độ và, sau đó, vào Viễn Đông và các xứ Tây phương. Vào thời cổ đại, các thuyền buôn dong buồm trên nó từ Ur tới Dilmun (Bahrain) rồi từ đó đến Magan (Oman) và/hoặc Meluhha (thung lũng sông Ấn), ắt hẳn có dẫn vào vài cảng trên lộ trình của nó nhưng hiện nay chưa được nhận diện. Từ lâu qua các văn bản hình nêm và một số đồ tạo tác được biết là mối quan hệ buôn bán của Mes và thung lũng Sông Ấn đã hình thành ngay từ thiên niên kỷ thứ ba, nhưng chỉ đến những năm gần đây bờ biển Ả Rập của Vịnh không còn là miền đất vô danh trên các bản đồ khảo cổ. Vào năm 1953, tuy nhiên, những khai quật khởi đầu ở Bahrain và sau đó mở rộng đến Saudi Arabia, Kuwait (Đảo Failakka), Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Oman, với những kết quả không ngờ. Không chỉ những khai quật mang ra ánh sáng những chứng cứ vật chất về sự giao thoa thương mại và văn hóa giữa những xứ sở này với Mes (cũng như Iran và Pakistan phía đông-nam) từ thiên niên kỷ thứ 5, nhưng chúng cũng phát lộ những nền văn hóa địa phương có mối hứng thú đáng kể. Về sau, trong một vài thời kỳ Vịnh tấp nập qua lại những tàu thuyền chở binh lính và có thể các sứ đoàn, vì chúng ta biết rằng các vua  Akkad, khoảng 2200 TCN, và các vua Assyria, trong thiên niên kỷ thứ 1, nỗ lực lôi kéo ít nhất là Dilmun và Magan vào trong vùng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình. 

Phần mô tả ngắn ngủi và nhiều thiếu xót này muốn làm sáng tỏ rằng Mes, trái với nhiều người tin tưởng, không có được những điều kiện lý tưởng cho sự phát triển một nền văn minh độc đáo. Hai con sông của nó tạo thành một châu thổ phì nhiêu, nhưng chúng cũng có thể mang lại thảm họa cũng như sự phồn thịnh. Qua nỗ lực đáng kể và bền vững việc canh tác có thể tiến hành trên một quy mô lớn, nhưng kim loại, đá và gỗ thiếu thốn một cách trầm trọng. Sa mạc và núi cao, cả hai đều khó vượt qua và là nơi cư trú của bọn cướp bóc, bao quanh đồng bằng khắp mọi phía, chỉ chừa lại một lối đi hẹp ra hướng biển – một biển có đường biên 500 dặm bờ biển không ở được của xứ Arabia và Ba Tư. Xét chung, thảo nguyên phía bắc và vùng chân đồi Kurdistan có vẻ như cho ta một môi trường thuận lợi hơn đồng bằng phù sa lớn, và không phải ngẫu nhiên mà những vùng này chính là di chỉ của nền văn hóa Đồ Đá Mới và Đồng Đá Sớm của Mes. Vậy mà chính trên khu vực cực nam của xứ sở đó, trên bờ rìa của vùng đầm lầy, mà nền văn minh Mes đã hình thành. Mọi việc mà con người thành tựu tại Iraq cổ đại, họ thành tựu với cái giá của cuộc phấn đấu thường xuyên chống chọi với thiên nhiên và với những người khác, và cuộc phấn đấu này tạo thành sợi chỉ xuyên suốt lịch sử trong phần đó của thế giới. Trước đi xa hơn, tuy nhiên, ta phải trước tiên khảo sát những nguồn tư liệu từ đó các sử gia rút ra dữ liệu thô của mình.


 

Bình luận về bài viết này