Nguyễn Duy Chính
Khác hẳn với việc bênh/chống của các nhà nghiên cứu đã nêu ra để khen/chê về tư đức hay công hạnh, Winston Phan Đào Nguyên tìm đến một luận đề khác hẳn. Đó là ông đi tìm xem cái gốc tích của vấn đề khen chê đó từ đâu và đi đến kết luận rằng đây chỉ là một bản án xuất hiện sau này, được dàn dựng để thành một tấm “bìa giấy” đeo lên cổ những tội nhân mà chúng ta đã thấy trong những cuộc đấu tố của Hồng Vệ Binh thời Cách Mạng Văn Hoá. Winston Phan đã đội rất nhiều mũ và đóng rất nhiều vai, cả vai trò thám tử, điều tra viên, thẩm phán công tố, thẩm phán xử án, luật sư và luôn cả vai trò một hội thẩm đoàn để hoàn thành công việc “lật từng viên gạch” này.
Mở đầu
Mặc dầu tác giả đã có nhiều công trình được phổ biến trên tạp chí hay báo mạng, lưu truyền rộng rãi trong giới nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước, đây là ấn phẩm đầu tiên của Winston Phan Đào Nguyên tại Nam California. Lược qua cuốn sách, chúng ta có thể đưa ra một nhận xét cơ bản. Tác phẩm của Winston Phan được thực hiện rất bài bản trên cả hai mặt, 1/ trước hết là công phu sưu tầm và đánh giá tài liệu, 2/ là cách lập luận để bênh hay chống một quan điểm. Quyển sách cũng thể hiện được sở trường của tác giả, ông không những tốt nghiệp ngành chuyên môn sử mà còn là một luật sư hành nghề đã lâu năm.
Với nhan đề Phan Thanh Giản và vụ án “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” (384 trang) do nhà xuất bản Nhân Ảnh (Cali. USA) ấn hành năm 2021, quyển sách được chia ra thành ba phần chính (không kể phần Dẫn Nhập và Thay Lời Kết).
- Phần 1 (98 trang) gồm 3 chương tìm hiểu về quá trình xuất hiện của nhóm 8 chữ này. Tác giả khẳng định rằng bản án chính trị không được phổ biến trước năm 1954, dù ở miền nam hay miền bắc. Sự loan truyền và qui chụp tội danh là chủ đề của những buổi hội thảo để định hướng cho giới sử gia miền Bắc trong khoảng từ 1963 trở về sau, không nhằm mục tiêu làm sáng tỏ một sự kiện lịch sử mà phục vụ cho chủ trương chính trị xuyên suốt của miền bắc để khích động tinh thần chống xâm lăng, triệt hạ và tấn công những phe phái chủ hoà.
- Phần 2 (138 trang) gồm 8 chương có thể coi là chủ đề chính của cuốn sách, nghiên cứu trực tiếp về tình hình chính trị đưa đến việc mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay người Pháp. Sự lạc hậu kỹ thuật và chính trị đưa đến thất bại quân sự khiến triều đình Huế phải nhường đứt 6 tỉnh mặc dầu chính bản thân Phan Thanh Giản và các quan chức ở phía nam đã tận lực trong nhiệm vụ, kể cả việc phải chết theo thành. Có thể nói, những nhiệm vụ được giao phó là trọng trách bất khả thi hành và trong tình hình suy yếu của Việt Nam lúc ấy, việc giữ được toàn vẹn lãnh thổ không thể nào làm được. Qua tài liệu lịch sử và văn chương còn tồn tại, dân chúng miền Nam không hề chê trách hay đổ trách nhiệm lên đầu các văn quan và hai chữ “mãi quốc” không xuất hiện ngay trong thời kỳ đó.
- Phần 3 (112 trang) gồm 5 chương phân tích về những văn bản cận đại và Winston Phan đã tìm ra một số liên kết giữa sự chê trách hai ông Phan, Lâm và một số văn chương ở miền bắc vào khoảng cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX. Với những chứng cứ và phân tích kỹ càng, tác giả đã khá chắc chắn khi đưa ra một kết luận rằng việc qui trách cho một số nhà nho và triều đình Huế bỏ mất 6 tỉnh Nam Kỳ chỉ xuất hiện khi ý niệm tôn quân đã lắng xuống trong cao trào chủ nghĩa dân tộc ở khắp vùng Đông Á. Cũng trong làn sóng cải cách này, một sự kiện lịch sử vốn dĩ chỉ coi như bất hạnh cho đất nước nay được nhào nặn lại thành một mũi nhọn tuyên truyền đưa đến nỗi oan khuất còn dư hưởng tới ngày nay.
Tác giả
Winston Phan Đào Nguyên là một luật sư hành nghề tại Nam California. Ông tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật Khoa ở UC Berkeley (1990) và trước đó theo học ngành Lịch Sử tại UCLA (1987). Cái tên Phan Đào Nguyên được nhiều người biết đến qua biên khảo Minh Oan cho Petrus Trương Vĩnh Ký về câu “Ở Với Họ Mà Không Theo Họ” (2017).
Nhận định
Khi có trong tay một cuốn sách mới, nhất là về một đề tài đáng quan tâm, việc đọc và chia sẻ kinh nghiệm cũng là một cách học vì chỉ có khi nào chúng ta đi sâu vào những gì tác giả đã tìm hiểu, phân tích chúng ta mới đọc cuốn sách đó một cách đích thực.
Mỗi cuốn sách thường mang một chủ đề, đôi khi hàm chứa một thông điệp chính trị hay văn học. Riêng sách về một đề tài nghiên cứu, dù đồng ý hay không, chúng ta không những phải tìm hiểu nội dung mà cũng cần một bề dày kiến thức để đánh giá và trân trọng những công sức của tác giả.
Chủ đề
Chủ đề chính của tập biên khảo nào là việc tìm hiểu xuất xứ, diễn tiến việc kết án hai ông Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp và triều đình Huế đã cam tâm bán nước, bỏ dân khi ký nhường 3 tỉnh Nam Kỳ cho người Pháp.
Theo bản án được lập đi lập lại trong nhiều năm, xuất hiện ở nhiều tác phẩm và là then chốt của nhiều kỳ hội luận thì việc Phan Thanh Giản giao ba tỉnh miền tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) cho Pháp là một hành vi bạc nhược và sai lầm, một hành vi bán nước cho ngoại bang. Nhân dân Nam Kỳ lúc đó đã thể hiện khí thế đó qua tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” thêu trên lá cờ của nghĩa quân Trương Định. [1]
Để xác định tính chất trung thực của bản án này, Phan Đào Nguyên đã bỏ công đi tìm tất cả các nguồn tài liệu có thể có được để đưa ra những chứng cớ ngoại phạm, khẳng định rằng bản án mà người ta cho rằng là phát biểu của nhân dân miền nam không có thật, nếu không phải là dàn dựng thì cũng là râu ông nọ cắm cằm bà kia.
TIẾN TRÌNH ĐIỀU TRA
Đây không phải là một công trình lịch sử mang tính tường thuật (narrative) mặc dầu để phân tích cho khúc chiết, tác giả vẫn phải dựa trên một khung thời gian để miêu tả sự việc. Tuy nhiên, chủ đề cuốn sách này không phải nhằm vào việc chép lại giai đoạn người Pháp tấn chiếm ba tỉnh miền đông rồi sau đó tiếp tục xâm lấn ba tỉnh miền tây Nam Kỳ đẩy Phan Thanh Giản vào nước đường cùng. Từ những sự kiện có thật (việc ký kết hoà ước nhường đất, giao thành cho Pháp, việc tự tận …) Phan Đào Nguyên phân tích từng việc một để đưa Phan Thanh Giản và những người có trách nhiệm lúc đó vào hoàn cảnh đích thực của họ, và việc xử sự như thế đã thoả đáng chưa? Mỗi hành vi, mỗi cách giải quyết có điểm nào đúng, điểm nào sai đều được trình bày rất chu đáo.
Những biên khảo lịch sử, nhất là đặt lại một vấn đề lâu nay được coi như một “lý sở đương nhiên” không tranh cãi, là một việc làm nhiều thách đố. Ít có ai dám đổ ly nước mình có trong tay để có thể tiếp nhận một nội dung hoàn toàn mới và khi đối diện với những kiến thức sơ cứng, việc làm thay đổi một quan niệm có sẵn thường không mấy khi dễ dàng. Đó chỉ là nói đến một người bình thường còn những nhân vật tên tuổi – đôi khi xây dựng cả sự nghiệp của mình trên một định kiến sai lầm – thì việc phủ nhận điều cũ, công nhận điều mới thường khó xảy ra. Những ai còn có chút tư cách thì giữ yên không nhắc tới, những ai có chút lương tâm thì chỉ nêu ra sự dày vò lúc cuối đời, còn những kẻ yếu đuối hơn thì lên tiếng công kích ngược lại người đã nêu ra một sự thật.
Phương pháp
Phải nói rằng việc biện minh cho Phan Thanh Giản không phải chỉ Winston Phan Đào Nguyên mới nêu lên. Trong khoảng 100 năm qua, ít nhất chúng ta cũng có hàng chục quyển sách, hàng trăm biên khảo viết về cụ, khen cũng nhiều mà chê cũng không ít. Tuy nhiên, hầu hết các tác giả chỉ tường thuật về cuộc đời và tình hình chính trị lúc đó để nêu lên sự chọn lựa của cụ Phan đúng hay sai mà không đi thẳng vào tâm điểm của sự chỉ trích, vốn dĩ được coi như chứng cớ “tiên nguyên” để khẳng định bản án “mãi quốc”. Đó là tám chữ thêu trên lá cờ nghĩa ngay khi người Pháp mới chiếm Nam Kỳ, minh chứng rằng triều đình và hai vị đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã đi ngược lại tinh thần chung của “nhân dân” lúc đó.
Việc phủ nhận một sự kiện đã lưu truyền trong nhiều đời, nhiều năm để công nhận rằng toà lâu đài của mình đã được xây trên một cái nền bằng cát cần phải có những tài liệu tiên nguyên (primary sources) đủ chắc chắn để phủ nhận những lập luận có sẵn. Một tài liệu có giá trị tương đương hay kém hơn những gì đã nêu ra sẽ không đủ sức đánh đổ một luận đề.
Cũng may, người nghiên cứu hiện nay tuy đối mặt với khó khăn to lớn hơn nhưng bù lại cũng có nhiều lợi điểm. Đó là nhờ công nghệ thông tin và sự mở rộng của các ngành thư viện học, thư tịch học giúp chúng ta có thể có được những tài liệu từ nhiều nơi trên thế giới. Riêng với nghiên cứu lịch sử, nếu có điều kiện chúng ta có thể tìm được tài liệu quí hiếm từ những kho tài liệu ở những khu vực có liên hệ trực hay gián tiếp với Việt Nam trong vài thế kỷ qua như Trung Hoa, Nhật Bản, Âu châu, Mỹ, Anh … mà cách đây chưa lâu không ai dám nghĩ đến.
Trong biên khảo lịch sử Phan Thanh Giản và vụ án Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân, tác giả Winston Phan Đào Nguyên đã đi lần từng bước một và có thể không ngoa khi nói ông đã đào xới mọi góc cạnh vi tế nhất, nói theo kiểu ngày nay là “lật từng cục gạch” để kết luận rằng tội danh dành cho Phan Thanh Giản trên “lá cờ nghĩa quân Trương Định” tuy không phải hoàn toàn vô căn cứ nhưng không xuất xứ từ miền nam mà là một truyền ngôn xuất hiện sau này [ít nhất cũng vài chục năm] ở miền bắc hay bắc Trung Kỳ rồi gần đây được nhào nặn trong một mục tiêu chính trị.
Nói đến phương pháp biên khảo, ngoài những kỹ thuật và nghệ thuật dàn xếp tài liệu để chứng minh/phản bác một vấn đề, tác giả đã đi sát những bộ môn căn bản (critical thinkings) được đào tạo trong các trường học ở Hoa Kỳ, tránh được những “nguỵ biện” (fallacies) vốn là những cái bẫy rất phổ biến, từng hiện hữu trong nhiều công trình không phải chỉ của giới sinh viên mà cả những người đã có nhiều năm viết lách.
Những nghi án lịch sử – Nhiều vấn đề đã được giải mã
Không phải lần đầu tiên một vấn đề lịch sử được đặt lại mà trong quá khứ đã có nhiều nghi án được nêu ra với những lập luận khác nhau để nhìn về cùng một vấn đề. Tuy nhiên những tranh luận đó đều nặng về tìm hiểu một sự kiện nên tuy quan điểm bất đồng nhưng không bao giờ đi đến chỗ gay gắt, kết án những người khác với ý kiến của mình một cách qui chụp như thời hiện tại. Quan trọng nhất, nếu muốn bác bỏ một lập luận, người ta phải tìm ra những chứng cớ, chi tiết lịch sử mới thuộc loại tiên nguyên/đầu tay/ sơ cấp (primary sources) có giá trị hơn. Đó cũng chính là câu hỏi quan trọng nhất mà Winston Phan Đào Nguyên đưa ra về nguồn gốc đã đưa đến xuất hiện của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” vẫn được gán ghép là đã thêu trên lá cờ của lãnh tụ khởi nghĩa Trương Định ở Nam Kỳ, rồi được đồng hoá đó là quan điểm chung của toàn thể nhân dân miền Nam.
Trước 1975, nếu ai theo dõi và quan tâm đến sinh hoạt học thuật miền Nam Việt Nam cũng thấy những cuộc “bút chiến”, bênh và chống. Những tranh luận ấy tuy có làm sôi động văn đàn nhưng chỉ hạn chế trong góc nhìn của cá nhân, không bao giờ có sự can thiệp của chính quyền để định hướng lịch sử. Sách giáo khoa hay tiểu truyện danh nhân dùng trong học đường vẫn hàm ý một bài học công dân như tinh thần ái quốc, lòng hiếu đễ trong mục tiêu hướng thiện. Đó cũng là sự khác biệt trong cách thức giáo dục của hai miền và nếu không tiếp thu sinh hoạt cởi mở hơn của miền nam sau này, có lẽ một bộ phận lớn của người Việt sẽ không bao giờ được tiếp cận với những góc nhìn khác với đường lối sử học một chiều ở miền bắc.
Tác giả Winston Phan Đào Nguyên đã tìm hiểu rất chu đáo về phong khí “cúc vạn thọ” và nhân danh một nhà nghiên cứu đứng ngoài những kiềm toả tinh thần, ông đã nêu lên được tất cả những bất cập trong quá trình kết án Phan Thanh Giản hay nói khác đi, cách thức người ta “cắt chân cho vừa với chiếc giường”, một sử đàn mà không ai có quyền lỗi nhịp với người nhạc trưởng.
Hai phát hiện được dùng như nút thắt của sử gia Việt Nam
Sau khi tìm hiểu ngọn ngành vấn đề, Winston Phan đã nêu ra đầy đủ lý do để chúng ta có thể tin chắc rằng tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” không xuất hiện trong bất cứ tài liệu chính thức nào mà “nếu có” chỉ là một truyền ngôn trong dân gian. Xuất xứ của tám chữ này cũng chưa chắc đã từ quần chúng “nhân dân” như người ta khẳng định mà có thể từ giới nho gia Đàng Ngoài phẫn khích khi thấy đất nước bị người Pháp đô hộ. Tuy không chính thức nêu ra, Winston Phan Đào Nguyên quả đã đưa ra một thách đố, không riêng cho những tác giả thành danh trước đây đã nặng lời kết án hai ông Phan, Lâm mà bất cứ nhà nghiên cứu nào nếu có thể đưa ra được một chứng cứ vững chắc (hard evidence) để khẳng định tám chữ này quả thực đã xuất hiện trong các đoàn thể chống Pháp ngay từ khi Phan Thanh Giản còn sinh tiền.
Lần tìm và loại suy từng trường hợp một, Phan Đào Nguyên đã thu hẹp dần vùng đất khai sinh ra tội danh này. Trong tình thế địa lý cách bức, thông tin hạn chế, những lời kết án đó có thể muộn hơn và chỉ xuất hiện khi người Pháp xâm chiếm Bắc và Trung Kỳ. Phải tới lúc đó, giới văn thân Đàng Ngoài mới kết nối được tiến trình chiếm đóng của thực dân và một đối tượng để kết tội là những người đầu tiên trực tiếp có liên quan đến sự mất Nam Kỳ, điển hình là Phan Thanh Giản. Cũng nên thêm, các phong trào chống Pháp cuối thế kỷ thứ XIX ở Bắc và Trung Kỳ luôn luôn gắn liền với nhóm văn thân trong đó mục tiêu xa là đánh đuổi người Pháp nhưng đối tượng gần là những người Việt Nam cộng tác với Pháp để chống lại triều đình. Vô hình trung, một số đông đồng bào theo đạo Chúa nay trở thành kẻ thù của người Việt, nhất là họ luôn luôn có những linh mục Tây phương ở bên cạnh dìu dắt tinh thần. Đa số lính dõng mà người Pháp sử dụng như một đội quân bản xứ bán chính qui là những người lính được đưa ra từ Nam Kỳ và số còn lại được tuyển mộ và huấn luyện là thanh niên từ các giáo khu ở miền bắc. Tuy không phải là tất cả nhưng số lượng giáo dân gia nhập các đoàn quân bản xứ do người Pháp đào tạo thường chiếm một tỉ lệ cao.
Bản án trong Việt Nam Vong Quốc Sử
Việt Nam Vong Quốc Sử là tác phẩm do Sào Nam Phan Bội Châu soạn khi ông đang lưu vong ở bên ngoài, được soạn ra do sự đề nghị của Lương Khải Siêu, một nhà cải cách cuối đời Thanh. Ở những tô giới dưới quyền cai trị của người ngoại quốc, nhiều loại sách trước đây coi như hàng cấm được ấn loát, phần nhiều là các loại bùa chú, dị đoan, các môn huyền học … các sách phòng trung và những loại dâm thư nhưng cũng có rất nhiều sách chính trị, quân sự. Các sách nhập vào nước ta theo phong trào đổi mới mà các cụ gọi là “tân thư” giai đoạn này do các thuyền buôn đem sang nước ta cũng có mà do các nhà nho có dịp sang nước ngoài tìm mua đem về cũng có. Trong một truyện gần như tự thuật nhan đề Ông Năm Chuột, tác giả Phan Khôi có nhắc đến một người thợ bạc kể rằng y đã xem một cuốn sách nhan đề Kim Thạch Chí Biệt (phân biệt các loại kim loại và đất đá cho rõ ràng) nên biết nhiều về vàng bạc. Đây chính là một quyển sách thuộc loại luyện kim (metallurgy) của Tây phương được dịch sang tiếng Trung Hoa thời kỳ đó.
Việt Nam vong mệnh khách Sào Nam Tử thuật
VIỆT NAM VONG QUỐC SỬ
Thượng Hải: Quảng Trí thư tập, Quang Tự 34 (1908)
Khi sang nước ngoài, cụ Phan Bội Châu đã soạn quyển Việt Nam Vong Quốc Sử nhằm gửi về trong nước đánh thức thanh niên lúc ấy vẫn còn mê man trong cái học cử nghiệp bát cổ[2] như sự lên án của Phan Chu Trinh. Tuy tựa là sử nhưng thực chất là một bản hiệu triệu quốc dân tỉnh giấc để đấu tranh cho nền độc lập. Trong bản in lần đầu năm 1908 ở Thượng Hải, trang 4-5 có một đoạn như sau:
[4] 嗣德十五年。法人以重兵厚集於西貢。要越南講盟。越國君以欽差大臣往會。越大臣奉國章如西貢。法人以兵劫盟。使紀盟詞曰。越南國君臣順情,願大法國保護。乞以六省爲讓地 (嘉定,邊和,[賨]定祥,永隆,安江,河僊) 。 押國章。訖又定約章。有越南旣願大法國保護。不得更與他外國交涉一條。是爲法人取越南之滔天。
其時三十省全轄未動。兵財充裕。苟奉命講和之人。有膽氣,有機略。但依通商,講道前約。諤諤與爭。亦未至權利盡失。最可恨者。
當時,潘清簡,林維義爲欽差大臣。二人羊豚其肝。狐鼠其技。一見法人。便戰戰慄慄。汗出如雨。倘法人要將 [5] 其父母,獻其供宰。敬敬雙手獻之。何况六省。
Tự Đức năm thứ 15. Người Pháp đem trọng binh hùng hậu đánh Saigon. Yêu cầu Việt Nam giảng hoà kết minh. Vua nước Việt mới sai khâm sai đại thần đến họp. Đại thần Việt Nam mang quốc ấn đến Saigon. Người Pháp đem quân uy hiếp để ký hoà ước. Lời trong hoà ước ghi rằng: Vua tôi nước Việt Nam thuận tình, mong được nước Đại Pháp bảo hộ. Vậy xin nhường đất sáu tỉnh. (Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Đóng quốc ấn. Rồi sau lại định các điều ước, [trong đó] có một điều là Việt Nam xin được nước Đại Pháp bảo hộ, không được giao thiệp với nước khác.
Đấy là tội ác ngút trời người Pháp lấy Việt Nam vậy.
Khi đó ba mươi tỉnh trên toàn hạt chưa hành động gì. Quân lính, tiền bạc đều sung túc. Nếu như những kẻ phụng mệnh giảng hoà. Có đảm khí, có cơ lược. Cứ như điều ước trước đòi thông thương, giảng đạo thẳng thắn mà tranh biện. Thì chắc chưa đến nỗi mất hết quyền lợi. Thật là hận lắm thay.
Đương thời, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Nghĩa [Thiếp] là khâm sai đại thần. Hai người gan dạ thì như dê như lợn, khôn khéo thì như chuột như chồn. Vừa thấy người Pháp đã lẩy bẩy run sợ, mồ hôi vã ra như mưa. Ví như người Pháp có đòi đưa cha mẹ ra cho họ chém giết, chắc cũng hai tay kính cẩn dâng lên, huống chi là sáu tỉnh …
Tự Đức 15 là năm 1862, năm ký hoà ước Nhâm Tuất nhường ba tỉnh và việc còn giằng giai chưa xong. Còn việc nói rằng “quân lính, tiền bạc đều sung túc” thì thật là ảo tưởng. Với lối tổ chức rập theo kiểu nhà Thanh, các tỉnh đều giữ quân bản bộ rất ít, số quân thiện chiến nhất đa số bảo hộ kinh thành, số còn lại rải rác các tỉnh nên khi cần tập hợp để đốc chiến thì rất khó khăn nên đánh đâu thua đấy. Cái tâm lý tự mãn của các nhà nho quen với lối văn chiếu biểu,[3] nên luôn luôn có ý niệm sai lầm về thực lực của mình.[4]
Không ai phủ nhận lòng yêu nước nhiệt tình của cụ Phan Bội Châu nhưng sự hiểu biết về thời thế cũng không qua khỏi những quan điểm đương thời của các nhà nho cải cách ở Trung Hoa. Chính vì thế, tuy có thổi lên được một số luồng gió mới, các vận động của các cụ cũng không tiến được xa hơn. Còn nhận định thời thế thì các cụ vẫn chỉ chủ trương cầu viện nhà Thanh mà không biết rằng hậu quả chỉ chuốc lấy ê chề.
Bản án trong Việt Nam Chính Khí Ca
Trong số 73 tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử có đăng một bài văn theo thể lục bát nhưng lại viết bằng chữ Hán có nhan đề Chính Khí Ca Việt Nam (越南正氣歌),được một bậc túc nho nổi tiếng trước đây là cụ Lê Thước phiên âm và dịch thành thơ cũng theo thể trên sáu dưới tám. Bài thơ dài 231 câu miêu tả chủ yếu về nhà Nguyễn nhưng đặt nặng vào tình hình nước ta từ khi vua Tự Đức lên ngôi và sự xâm lăng của người Pháp. Việc mất 6 tỉnh Nam Kỳ được ghi lại như sau:
…無端漢浪翻揚 | … Vô đoan Hán lãng phiên dương, | … Không có mối manh gì mà bỗng nhiên sóng gió nổi lên, |
沱江忽報西洋來船 | Đà giang hốt báo Tây dương lai thuyền. | Sông Đà Nẵng bất ngờ có tin báo là thuyền của Tây dương đến. |
溯從嗣德二年 | Tố tòng Tự Đức nhị niên, | Khởi đầu từ năm Tự Đức thứ hai, |
南圻六省幾番戰塲 | Nam Kỳ lục tỉnh kỷ phiên chiến trường. | Sáu tỉnh Nam Kỳ mấy lần là bãi chiến trường. |
非無士厲兵强 | Phi vô sĩ lệ binh cường, | Đâu phải không có quan giỏi, binh mạnh, |
奸臣注措乖方若何 | Gian thần chú thác quai phương nhược hà. | Giao cho bọn gian thần nên đã làm hỏng việc đấy thôi. |
潘林何處人耶 | Phan Lâm hà xứ nhân da, | Phan Lâm ấy là người xứ nào thế? |
甘心賣國求和欺君[5] | Cam tâm mại quốc cầu hoà khi quân. | Sao cam tâm bán nước, cầu hoà coi thường mệnh vua… |
Cũng theo bản Chính Khí Ca này, một số mốc thời gian và nhiều cuộc khởi nghĩa được nhắc đến cho thấy bài trường ca này được trước tác trong xu hướng chống Pháp và kết án triều đình đã “bán nước” trong các phong trào văn thân ở miền Bắc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nhằm tạo nên một làn sóng canh tân.[6] Đây có lẽ cũng chỉ là tiếng vọng của những nhà nho ở trong nước đáp ứng với những vận động từ bên ngoài.
Tuy nhiên trước khi có những thanh niên sang các nước Tây phương học tập thì việc đổi mới ở trong tay các nhà nho, mà các nhà nho thì luôn luôn trông vào khuôn mẫu của Trung Hoa, vốn được coi như cái nôi của văn hoá Khổng Mạnh và từng được coi như đỉnh cao của thế giới. Trong một văn bản của nhà Thanh, chính Nguyễn Văn Tường đã phát biểu “người Pháp thường khuyên hạ quốc tự mình lo toan việc giàu mạnh, đừng có qua lại với thiên triều. Ngoài ra không còn lời nào khác. Thế nhưng hạ quốc đã trong vòng phiên phong vun bón từ lâu, lẽ nào lại đi theo cái nước dê chó mà không về với phụ mẫu chi bang ư”.[7]
Vua Tự Đức trong một lá thư cầu cứu nhà Thanh cũng từng so sánh với những quốc gia cải cách theo lối Tây phương mà không đi qua khuôn mẫu của Trung Hoa là “Nhật Bản, Xiêm La, Miến Điện thì phong tục hung hãn, cũng chẳng khác chúng mấy tí nên học tập dễ dàng hơn, cũng vì thế mà có thể tự bảo vệ được. Còn nước tôi thì dân chúng kiệm phác, chuyên về nông tang, lại bị chúng ngăn trở nên giao thiệp không được rộng, học tập chưa xong, đâu có thể dùng tay không mà trêu mãnh thú, không chống nổi cũng thật rõ ràng”.[8]
Với phong khí của sĩ phu miền Bắc và quan lại trong triều đình Huế đều ngả theo Trung Hoa để vừa là chỗ tựa, vừa học hỏi đường lối canh tân, chúng ta không ngạc nhiên khi Việt Nam mới mất về tay người Pháp lại bùng lên nhiều phong trào khởi nghĩa và đổi mới ở miền bắc và miền trung nhưng chỉ tập trung vào việc học hỏi cải cách theo lối Trung Hoa và quá lắm thì tìm đường chạy sang Tàu cầu cứu. Phong cách suy nghĩ của Việt Nam hầu như giống hệt sĩ phu Trung Hoa trong thời kỳ cuối đời Thanh còn triều đình Huế thì cũng muốn mình vẫn là một “con rồng nhỏ”, làm phên giậu cho nhà Thanh ở phương nam và tiếp tục chứng tỏ là một phiên thuộc trung thành dù rằng người Pháp cũng muốn Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập về ngoại giao.
Mãi (mại) quốc và khí dân là thế nào?
Đọc lịch sử, chúng ta gặp hai chữ mãi quốc rất nhiều, dịch nôm ra là bán nước, mặc dù như tác giả Winston Phan Đào Nguyên đã nêu ra nghi vấn mãi hay mại[9]. Tuỳ theo cách đọc và âm điệu từng vùng, chúng ta cứ tạm chấp nhận cái nghĩa bình thường nhất. Theo định nghĩa trong từ điển thì mãi quốc (賣國), là bán nước, là phản bội tổ quốc hay cắt nhường đất đai, lãnh thổ cho người ngoài.[10] Từ ngữ này được dùng khá rộng rãi, nhiều khi không liên quan gì đến mua bán hay nhượng địa cả.
Còn khí dân là sao? Khí dân ( 棄民) nghĩa đen là từ bỏ người dân.[11] Khí dân vốn không được dùng nhiều trong văn chương và sách vở Việt Nam nhưng xuất hiện trong lịch sử Trung Hoa (chủ yếu dưới đời Thanh) qua hai nghĩa chính:
1/ Nếu dùng khí như một động từ với nghĩa là từ bỏ thì khí dân nghĩa đen là từ bỏ người dân, không nhận họ là người của mình nữa.
2/ Nếu dùng khí như một tĩnh từ thì khí dân có nghĩa là những người dân bị triều đình bỏ rơi, vô thừa nhận bất kể họ gốc gác từ đâu nhưng đang sống ở một vùng đất thuộc nước này nay đem giao cho nước khác cai trị.
Chính ra hai chữ này cũng ít xuất hiện nhưng vào cuối đời Thanh khi có những phong trào vận động canh tân, sĩ phu Trung Hoa mới lên tiếng chỉ trích một số chính sách và thi hành của Thanh triều và “khí dân” nay được đưa ra để gắn liền với những việc đáng chê trách của triều đình.
- Khí dân theo nghĩa bỏ dân, không bênh vực cho họ, giống như cha mẹ từ con, không nhận đứa nghịch tử ấy là con mình nữa. Việc này xảy ra đời Càn Long vì thời kỳ đó một số đông dân chúng trốn ra khỏi nước, đi thuyền sang các vùng biển nam mà họ gọi là Nam Dương (bây giờ gọi chung là vùng Đông Nam Á), trong đó có cả Nam Kỳ của nước ta. Vì là dân ngụ cư, họ không được coi như người bản xứ, mỗi khi có việc bất bình thường bị chính quyền địa phương tàn sát, triều đình Trung Hoa nghe thấy nhưng cũng không can thiệp hay bênh vực, có khi còn cho là đáng đời những kẻ phản bội. Vào đời Thanh, dân chúng ra khỏi nước không có phép của triều đình, nhẹ thì coi là bỏ nước ra đi, một dạng phản quốc, nặng thì bị kết án là tư thông ngoại phiên, một dạng mưu phản. Những bản án này đều thuộc vào bạn nghịch trong “thập ác” tức là mười điều ác bị tử hình.
- Khí dân theo nghĩa người dân bị bỏ rơi, được nhắc đến khi nhà Thanh nhường đứt một số khu vực cho nước ngoài, được đề cập quan trọng nhất là việc từ bỏ chủ quyền giao quần đảo Đài Loan cho Nhật Bản nên những người dân đang sống trên những hòn đảo đó nay trở thành người nước khác. Việc “khí dân” này có khác với việc không can thiệp vào Hoa kiều sống ở hải ngoại trước đây.
Hoà ước Mã Quan (Shimonoseki) năm 1895 kết thúc chiến tranh Nhật – Hoa là biến cố lớn khiến các dân tộc Đông Á tỉnh mộng khi một nước nhỏ đánh bại một nước lớn xưa nay vẫn coi như chúa tể trong vùng. Sự trỗi dậy của Nhật Bản làm thay đổi cục diện nhưng cũng làm cho sĩ phu Trung Hoa hiểu được rằng nhà Thanh dù cải cách nhưng vẫn chỉ là con rồng tre và mối quốc nhục này so với các hiệp ước mở cửa còn to lớn gấp bội, vì nhà Thanh phải nhường đứt quần đảo Đài Loan cho Nhật Bản.[12] Những nhà nho Việt Nam có lẽ đã “nhập cảng” hai chữ khí dân từ lúc này và so sánh với cục diện Trung Hoa để nhìn lại việc bỏ đất, bỏ dân Nam Kỳ được chính thức hoá bằng hiệp ước năm Giáp Tuất (1874). Chính từ thời điểm này, uy tín của triều đình không còn như xưa và một số nhà nho thức thời đã chỉ trích vua quan thời đó đưa đến một bước ngoặt tấn công chế độ quân chủ.
Cũng từ năm 1895 về sau, các nhà ái quốc Việt Nam biết rằng sự trông đợi của họ vào Trung Hoa nay cũng không còn thích hợp nữa và chuyển hướng sang kêu gọi duy tân đem những vận động gửi vào trong nước để hình thành một phong trào cải cách. Việc để mất Nam Kỳ vài chục năm trước vốn không được quan tâm [lắm khi không biết đến] ở Đàng Ngoài thì nay lại trở thành một mồi lửa thổi vào sự công phẫn của sĩ phu Bắc Hà.
Cái khí thế “triều đình khí dân” bùng lên ở Trung Hoa khiến dân chúng Đài Loan cũng nổi lên giành chủ quyền, tự lập thành một nước. Lưu Vĩnh Phúc, tướng Cờ Đen nổi tiếng ở nước ta khi đó đang ở Đài Loan cũng là một nhân vật lừng lẫy. Tuy không biết chữ, đã có hồi ông làm quyền tổng thống chính phủ Đài Loan Dân Chủ Quốc.
Nếu quả có câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” thì đây cũng chính là một khẩu hiệu tuyên truyền của các nhà nho buổi giao thời thế kỷ XIX-XX muốn chống Pháp bằng bạo lực ở miền bắc, có khác với một số chương trình cải lương của giới tân học ở trong nam.
Cũng nên thêm rằng, tuy người trong nước ta ra vào nam bắc (và cả Miên Lào) không mấy khó khăn, cũng chẳng ai coi như mình đã đi sang một nước khác nhưng đối với triều đình Huế thì miền trung (Annam) và miền bắc (Tonkin) vẫn còn là cương thổ của nhà Nguyễn, trái lại Nam Kỳ nay là một nước láng giềng (lân quốc), giao thiệp trong tương quan ngang hàng, một nước với một nước. Triều đình Huế cử lãnh sự vào ở Saigon, giống như một quốc gia và khi giao thiệp với nhà Thanh, chính vua Tự Đức cũng đề cập đến đất Nam Kỳ như một cường địch ở kế bên mình.
Có hiểu rõ tương quan giữa nơi này với nơi khác, chúng ta dễ dàng thông cảm hơn khi nếu có việc gì tranh chấp thì triều đình lại kháng cáo với soái phủ Saigon (chứ không phải Paris) và rồi sau này trong công văn cũng thoải mái dùng những danh từ Đại Pháp, mẫu quốc khi chỉ kẻ sang chiếm nước mình. Vô hình trung, nước ta đã coi nước Pháp là một dạng “thiên triều” mà Đông Dương là những thuộc quốc theo mô hình đồng tâm của Trung Hoa ngày trước.
Vụ án đã kết thúc chưa?
Tuy đã xuất bản một công trình lớn – ít nhất trong thời điểm này – nhưng tác phẩm của Winston Phan Đào Nguyên vẫn chưa phải là kết luận sau cùng. Không ai dám nói chắc rằng tám chữ Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân không hề có trong văn chương hay tài liệu lịch sử Việt Nam mặc dầu cho đến nay, các sử gia (ít nhất là giới sử học quan phương của miền bắc) chưa đưa ra được một văn bản chính thức nào có nội dung chính xác hay tương tự như thế để khẳng định đây là một sự kiện có thật mặc dầu đã có người chất vấn về nguồn gốc của nó.
Trước hết, có thực lá cờ Trương Định có thêu 8 chữ hay không? Nếu có thì không còn gì để bàn cãi nhưng nếu không thì vấn đề lại chưa chấm dứt ở đây vì có thể tám chữ này xuất hiện ở một thời điểm khác, ở một nơi khác, do một thành phần khác không phải là nghĩa quân ở miền nam. Nếu thế, chúng ta vẫn không dám khẳng định một cách tuyệt đối về sự khai sinh của tám chữ này, ở đâu? lúc nào? có ngay khi mới ký hoà ước Nhâm Tuất (1862), khi Phan Thanh Giản quyên sinh (1867) hay khi đã giao hẳn 6 tỉnh cho người Pháp (1874)?
Chính vì còn một kẽ hở trong việc đi tìm nguồn gốc của nó, chúng ta lại phải thêm vào đó một số công trình phụ để loại trừ những cơ sở mà “có lẽ” giới sử gia miền bắc đã dùng đó như những đòn bẩy mặc dù họ không công khai xác nhận rằng những ý niệm mãi quốc, khí dân chỉ được hình thành sau này ở một nơi khác của Việt Nam, được nêu ra với một mục tiêu chính trị hoàn toàn mới. Sở dĩ người ta lấy thứ cấp (secondary sources) dùng làm sơ cấp (primary sources) vì nội dung đó phù hợp với công tác tuyên truyền nên tuy đã từng nhiều phen đăng đàn, hội thảo về giá trị của sử liệu, về nguyên tắc và cách thức phán đoán nhưng người ta vẫn úp úp mở mở để bỏ qua những cơ sở căn bản khi đánh giá nhân vật Phan Thanh Giản.
Có lẽ, sau tác phẩm Phan Thanh Giản và vụ án Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân của Winston Phan Đào Nguyên, những nhà nghiên cứu trong tương lai nếu muốn lập lại bản kết tội này thì cần phải đưa ra một chứng cớ tiên nguyên để hỗ trợ nếu không muốn phát biểu của mình bị rơi vào vu khoát. Nếu ngăn ngừa được những vu cáo mơ hồ để cảnh giác người đi sau thì đó kể là thành công của tác giả vậy.
KẾT LUẬN
Khi lược qua sách vở, bài viết về giai đoạn này, đã có những nghiên cứu khá kỹ lưỡng và công bình, tuy không đồng ý với hai ông Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu nhưng phần nhiều chỉ biện minh và coi Phan Thanh Giản như một nạn nhân của thời cuộc. Nó có vẻ như một vụ xử án ta thường thấy trong các quốc gia độc tài mà nhiệm vụ của luật sư chỉ là người thay mặt bị cáo để “xin khoan hồng bằng những tình tiết giảm khinh”. Đức độ cá nhân được coi như những chi tiết quan trọng khi biện hộ cho cụ Phan. Cho nên không thể đánh đồng tác giả Winston Phan với những “thầy cãi” ở trong nước, phần nhiều có mặt theo thủ tục.
Thành phần kết án hai ông Phan Lâm mãi quốc phần lớn là giới sử gia trong nước với ý định phục vụ cho một mục tiêu chính trị nhiều hơn. Do đó, việc “minh oan” cho cụ Phan không phải là mục tiêu chính của luận đề mà việc đi tìm ngọn ngành của phiên toà hay bản án Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân mới là trọng tâm của tác giả Winston Phan Đào Nguyên.
Nói tóm lại, tác giả Winston Phan Đào Nguyên đã tìm hiểu rất kỹ về tình hình thực tế của đất Nam Kỳ trong thời kỳ mới bị mất vào tay người Pháp để xác định rằng việc kết án Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp không xuất phát từ miền nam, cũng không phải xuất hiện ngay khi hai ông thay mặt triều đình ký kết hoà ước năm Nhâm Tuất (1862).
Cũng nên thêm rằng việc nhường đứt cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ chỉ được chính thức minh định trong hoà ước năm Giáp Tuất (1874), 7 năm sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết. Nếu có bảo rằng đầu hàng dâng đất cho người Pháp thì phải nhắc đến hoà ước 1874, được ký kết sau khi Pháp chiếm Hà Nội và Nguyễn Tri Phương phải chết theo thành chứ không phải vào năm 1862 mà sau đó còn giằng dai nhiều lần đàm phán xin chuộc lại và trong tình hình sôi động trải qua nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp của dân chúng miền nam. Hoà ước 1874 do Nguyễn Văn Tường ký ở Saigon nhưng đến năm 1875 mới đưa ra Huế để triều đình chính thức công nhận (certify) dưới sự chứng kiến của vua Tự Đức.
Người ta thường kể câu chuyện “Tăng Sâm giết người” ý nói một việc được lập đi lập lại thì lâu dần người ta sẽ coi như thật và không ai bận tâm đến việc tìm xem có thực đã xảy ra như thế hay không? Trong kho tàng văn chương và truyện kể dân gian của nước ta, nhiều sai lầm hiển nhiên nhưng vẫn tiếp tục tồn tại cũng bởi vì chúng ta bị “thôi miên” hay “ám thị” bởi cái tên của tác giả.
Trong khi Trung Hoa tạo nên những phong trào “hướng dẫn lịch sử” để nghiên cứu về 100 năm quốc nhục mà mở đầu là những hiệp ước “mãi quốc” của nhà Thanh. Một số nhân vật được đề cao như Lâm Tắc Từ, Quan Thiên Bồi … thì lại cũng có những người vì ký tên trên những hiệp ước như Kỳ Anh, Kỳ Thiện … bị kết án chủ hoà và đem ra phỉ nhổ. Lập luận và mẫu hình đó cũng được lập lại ở Việt Nam nên không ít nhân vật cũng bị gán cái tội danh “bán nước”chứ không phải là một sản phẩm cá biệt xuất phát từ nghiên cứu lịch sử riêng của nước ta. Chỉ có điều, để cho vừa với tình hình cụ thể, các loại tài liệu được cắt xén theo từng giai đoạn mà thôi.
Như tác giả Winston Phan Đào Nguyên đã tìm ra, lập luận đổ tội này xuất hiện khá muộn được manh nha và hình thành vào một giai đoạn sau, ít ra cũng vài chục năm trong giới sĩ phu miền bắc, nhằm vận động quần chúng có lẽ vào khoảng đầu thế kỷ XX. Những vận động cải cách cuối đời Thanh và tiếp tục càng mạnh mẽ hơn sau cách mạng Tân Hợi (1911) đã lan xuống nước ta nên cũng nẩy sinh việc đặt lại nhiều vấn đề với chế độ quân chủ và đánh giá lại những biến cố. Khi ở Trung Hoa thành lập chính quyền Dân Quốc, nước ta vẫn còn vua chúa nhưng uy tín kém đi nhiều. Đó là lý do mà tác giả của 8 chữ này dám lên tiếng tấn công triều đình, một việc thuộc hàng “bạn nghịch”không thể xảy ra dưới thời toàn trị đời Tự Đức.[13]
Tuy chưa có gì chắc chắn để khẳng định rằng tám chữ này hoàn toàn không thể có hay có nhưng tài liệu gốc chưa tìm thấy, chúng ta có thể đồng ý với tác giả Winston Phan Đào Nguyên rằng đây không phải là một sự kiện lịch sử có thật ở Nam Kỳ trong khoảng 1862-1864 là khi Trương Định còn tại thế. Trong lịch sử Việt Nam, nhiều sự kiện được lập đi lập lại không bàn cãi đã khiến được người ta nhắc đến như một chân lý nhưng nếu được soi sáng bằng phương pháp khoa học hơn thì cũng đều là “hàng giả”. Không nói đâu xa, một nhân vật hư cấu là nhân vật Lê Kim trong cuốn tiểu thuyết giả tưởng Con Đường Thiên Lý của Nguyễn Hiến Lê nay không những được coi như thật mà còn có tên đường ở Việt Nam.[14]
Nhiều việc mà chính mắt chúng ta đã chứng kiến nay đã được miêu tả hoàn toàn khác hẳn tưởng như ở một thời đại xa xưa nào đó trong quá khứ. Chúng ta không thể quên được thảm trạng của đoàn người tranh giành sự sống trên những tuyến đường chạy loạn từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Nha Trang, Đà Nẵng đầu năm 1975, không giống như miêu tả về sự phấn khởi của nhân dân trong những bài học, bài thi cấp trung học hiện nay.
Còn cái cảnh cánh cửa Dinh Độc Lập bị húc đổ ngày 30-4-1975 là việc thực xảy ra ngay lúc đó hay chỉ được dàn dựng sau này để tô điểm cho thắng lợi thêm oai hùng? Những mồ chôn tập thể ở Huế hồi Tết Mậu Thân nay được giải thích ra sao? Có thực sự đó là bản án dành cho những kẻ “phản động” hay không?
Không chỉ một giai đoạn, một sự kiện bị bóp méo, lịch sử Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải xét lại. Đấy chỉ là những việc gần đây nói gì những việc đã xưa chỉ dựa trên truyền khẩu. Rồi sau này chúng ta sẽ phải nói thế nào khi những thế hệ sau đặt câu hỏi về nhiều “sự thật” khác nhau, cùng một việc mà miêu tả hoàn toàn trái ngược tuỳ góc nhìn. Lịch sử được viết bởi kẻ chiến thắng nhưng đôi khi chúng ta phải hiểu ngược lại những gì đã ghi trong sách vở, nhất là khi một triều đại, một chính thể đã qua đi và không còn ai biện minh hay đòi hỏi tái thẩm nữa.
Cho nên, việc nghiên cứu lịch sử không thể dựa vào những tin tưởng bâng quơ, lại càng không thể bóp méo trong một định hướng cá nhân hay tập thể. Nhờ vào kỹ thuật và thiện chí chia xẻ tài liệu của thời đại, việc đi tìm sự thật tuy có dễ dàng hơn nhưng việc thoát ra khỏi những bức tường định kiến vẫn không phải là dễ dàng.
Nói tóm lại, Winston Phan Đào Nguyên đã phân tích rất kỹ lưỡng và đưa ra chứng cứ từ nhiều mặt để bác bỏ lập luận rằng tám chữ Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân xuất phát từ miền nam, cụ thể hơn là thêu trên lá cờ khởi nghĩa của Trương Định mà nhiều sử gia tên tuổi của Việt Nam vẫn khẳng định để cho rằng đây là phản ứng của quần chúng trước sự hèn nhát của quan lại và triều đình. Tuy ông không hướng dẫn dư luận để đưa ra một quan điểm cá nhân về Phan Thanh Giản, việc phê phán dành cho độc giả nhưng dù sao chăng nữa, đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc đánh giá lại lịch sử, không phải để bênh hay chống mà là để chúng ta có cái nhìn rõ ràng, minh bạch hơn.
Khác hẳn với việc bênh/chống của các nhà nghiên cứu đã nêu ra để khen/chê về tư đức hay công hạnh, Winston Phan Đào Nguyên tìm đến một luận đề khác hẳn. Đó là ông đi tìm xem cái gốc tích của vấn đề khen chê đó từ đâu và đi đến kết luận rằng đây chỉ là một bản án xuất hiện sau này, được dàn dựng để thành một tấm “bìa giấy” đeo lên cổ những tội nhân mà chúng ta đã thấy trong những cuộc đấu tố của Hồng Vệ Binh thời Cách Mạng Văn Hoá.
Tuy nhiên, công trình này không phải nhằm tố cáo sự bất cập của những sử gia hàng đầu của chế độ mà ngược lại, nếu đọc kỹ chúng ta sẽ thấy họ cũng là nạn nhân. Cũng như những nông dân phải đứng ra đấu tố chủ mình, cả người chỉ tay vào người khác lẫn người quì trước mặt đều đáng thương và cái tâm lý phải phản bội chính những nguyên tắc mà mình giảng dạy chắc cũng là một ám ảnh lớn. Chỉ hai trang mà tác giả trích trong bài “Rượu Đắng Chén Xuân Thu” của Cao Tự Thanh (tr. 31-32) nói lên cái trăn trở và chua chát của những người không dám công khai nói lên một sự thật, dù vụ án nay đã là quá khứ. Thủ phạm đầu tiên và cuối cùng khai sinh ra vụ án oan khuất này vẫn chính là cái chế độ đã nhào nặn con người theo hướng đó.
Winston Phan đã đội rất nhiều mũ và đóng rất nhiều vai, cả vai trò thám tử, điều tra viên, thẩm phán công tố, thẩm phán xử án, luật sư và luôn cả vai trò một hội thẩm đoàn để hoàn thành công việc “lật từng viên gạch” này.
ĐỀ NGHỊ
Tuy nội dung cũng như hình thức khá hoàn chỉnh, đối với một biên khảo lịch sử độc giả không dừng lại ở việc đọc một lần từ đầu đến cuối mà sẽ còn dùng như một tài liệu tham khảo để tra cứu, người viết có hai đề nghị:
Thứ nhất, tác giả nên bỏ công làm thêm một Thư Mục hay Tài Liệu Tham Khảo để người đọc có thể biết đầy đủ ông đã sử dụng những loại tài liệu nào, có đáng tin cậy hay không? Nhìn vào danh sách tham khảo, người đọc dễ dàng đánh giá được công phu nghiên cứu nhất là trong đó có nhiều văn bản nay đã trở thành hiếm hoi cho thấy đây không phải là một công trình được hình thành do nhu cầu của người Việt hải ngoại đang chuẩn bị một buổi hội thảo về Phan Thanh Giản.[15]
Thứ hai, tác giả cũng nên làm thêm một mục Sách Dẫn (Index) để người đọc có thể biết được nhân vật, sự việc đó xuất hiện ở đâu trong tập sách để không phải mất nhiều công phu lục tìm. Việc thực hiện hai chuyên mục này hiện nay rất dễ dàng bằng máy điện toán và nhu liệu viết, không mất nhiều công lao và cũng dễ dàng bổ túc hay cập nhật khi tái bản hay bổ sung.
Ngoài ra, tập sách này liên hệ đến rất nhiều nhân vật trong lịch sử, tác giả có thể chọn ra độ vài mươi người quan trọng nhất để làm một Danh Mục Nhân Vật (glossary), với đôi hàng chi tiết ngắn gọn để người dùng sách không phải tra cứu thêm.
Một điểm nữa, bài thơ Đường luật hoạ lại bài thơ của án sát Phạm Viết Chánh ở trang 375 quả thực rất xuất sắc như “phát hiện” của một thân hữu, rất xứng đáng để lên một trang trắng mở đầu thay lời biện hộ cho “bị cáo” của tác giả.
Nguyễn Duy Chính
Tháng 8-2021
[1] Cũng cần xác định, Trương Định khởi nghĩa từ 1862-1864 còn Phan Thanh Giản tự tận năm 1867, sau Trương Định 3 năm.
[2] Bài thơ Chí Thành Thông Thánh của Phan Chu Trinh (萬民奴隸強權下,八股文章睡夢中。) Vạn dân nô lệ cường quyền hạ, Bát cổ văn chương thuỵ mộng trung. Vạn dân nô lệ dưới ách cường quyền, Vẫn còn ngủ mê trong văn chương tám vế (một loại văn cử nghiệp).
[3] Ngày xưa viết văn lúc nào cũng phải thêm mấy câu “Sĩ giả, hạnh phùng thịnh thế, tòng sự văn tràng, quản kiến như tư, vị chi khả phủ, nguyện chấp sự kỳ trạch nhi tiến chi” (tôi đây may gặp đời thịnh, theo việc văn tràng, kiến thức hẹp hòi như vậy, chưa biết có phải hay không, xin quan trường coi việc kén lựa mà cất nhắc cho tôi). Theo Phan Kế Bính, Việt-Hán Văn-Khảo (Editions Nam-Ky, 1938) tr. 60
[4] Lúc nào cũng tưởng rằng “triều đình ủng bách vạn chi tinh binh, kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (triều đình có trăm vạn lính giỏi, thấy việc nghĩa không làm thì không phải là dũng vậy). Theo Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho (Zieleks, 1985) truyện Vũ Duy Tuân (1840-1915) tr. 576
[5] Đoạn này cụ Lê Thước dịch ra thơ lục bát như sau:
… Bỗng đâu sóng gió một phương, Cửa Hàn tin báo Tây dương chiến thuyền. Kể từ Tự-đức nhị niên, Nam kỳ lục tỉnh mấy phen chiến trường. Há không tướng mạnh binh cường, Nào ngờ phó thác phải phường tôi gian. Người xứ nào bọn Lâm, Phan, Cam tâm bán nước mưu toan cầu hoà …
[6] Câu 165 nhắc đến năm Thành Thái 7 (1895) nên văn bản này phải sau thời điểm này.
[7] Quách Đình Dĩ, Vương Duật Quân (郭廷以,王聿均) (chủ biên). Trung Pháp Việt Nam Giao Thiệp Đáng 中法越南交涉檔 (tái bản) 7 tập. Đài Bắc: Trung Ương Nghiên Cứu Viện, 1983, tập 1, văn kiện 140, tr. 272.
[8] Trung Pháp Việt Nam Giao Thiệp Đáng 中法越南交涉檔 (1983) tập 2, văn kiện 333, tr. 700
[9] Vì đọc là mãi quốc đã quen nên chúng tôi chấp nhận cả hai cách đọc nhưng đều hiểu chung là “bán nước”. Từ nghĩa mãi quốc là mua nước hầu như không ai dùng đến.
[10] Bách Độ từ điển, Mại quốc (賣國) bán đi chủ quyền quốc gia hay lãnh thổ (出賣國家主權、領土)
[11] Bách Độ từ điển, Phao khí dân chúng (拋棄民衆) từ bỏ dân chúng. Chúng tôi đã tìm trên nhiều bộ từ điển lớn của Trung Hoa, đại lục cũng như Đài Loan nhưng đều không thấy từ này mà chỉ thấy nhắc đến trong tài liệu lịch sử đời Thanh nên nghĩ rằng không phải là một từ ngữ đã lưu hành từ lâu.
[12] Khoảng 1885-1887, khi nhà Thanh đàm phán biên giới, người Pháp cũng phải cắt vài trăm dặm vuông dọc biên giới phía bắc nước ta cho Trung Hoa.
[13] Ngay cả vấn đề đưa triều đại Tây Sơn vào chính sử như một thời kỳ riêng [dẫu chưa thoát được hai tiếng nguỵ triều] cũng chỉ mới được nêu lên ở đời Thành Thái trở về sau. Trong hàng trăm bài thơ tổng vịnh lịch sử của vua Tự Đức có hàng chục bài nhắc đến vua Chiêu Thống và những người đi theo, kể cả người dắt ngựa của vua Lê nhưng không có một dòng về Tây Sơn hay chiến thắng Kỷ Dậu đủ biết triều Nguyễn muốn xoá bỏ hoàn toàn một giai đoạn không nhắc tới. Lịch sử triều đại Tây Sơn chúng ta biết hôm nay phần lớn là gom góp từ những trận đánh của chúa Nguyễn trong tiến trình phục quốc. Chúng ta có thể so sánh với chính quyền VNCH, sau năm 1975 những thành tựu chính trị, kinh tế, văn học, ngoại giao … đều bị bỏ quên cho tới gần đây mới được nhắc đến tuy vẫn chưa chính xác và đầy đủ.
[14] Con Ðường Thiên Lý (California: Văn Nghệ, 1987) kể chuyện một người Việt Nam tên là Lê Kim (Trần Trọng Khiêm) qua Mỹ khoảng 1850. Đây chỉ là một sản phẩm tưởng tượng như chính tác giả Nguyễn Hiến Lê đã trình bày trong Ðời Viết Văn Của Tôi (California: Văn Nghệ, 1986): Tôi dùng hồi ký của tôi và những tài liệu về cuộc tìm vàng ở miền Tây nước Mỹ giữa thế kỷ trước để tạo ra nhân vật Lê Kim (quê ở Phú Thọ-Bắc Việt), người Việt đầu tiên trôi nổi qua Mỹ, theo một đoàn tìm vàng, khi tìm được rồi thì chán, trở về Nam Việt lập gia đình, khai hoang và giúp Thiên Hộ Dương “bình Tây sát Tả” trong Ðồng Tháp Mười. (tr. 231-232).
Chi tiết hư cấu này được nhiều người tin rằng thật và nghiễm nhiên coi Lê Kim (tức Trần Trong Khiêm) là người Việt Nam đầu tiên sang Mỹ. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Tr%E1%BB%8Dng_Khi%C3%AAm
[15] Buổi Hội Thảo và Triển Lãm về nhân vật Phan Thanh Giản. Chủ Nhật 15-8-2021 tại Houston, Texas (Trung tâm sinh hoạt Mai Vàng).