Vì sao không công nhận Nam Việt là nhà nước chính thống của Việt Nam

33

Tác giả: Wolley Nogard

I

      Thưa độc giả. Dạo gần đây trên không gian mạng xảy ra rất nhiều cuộc tranh luận liên quan đến việc có nên công nhận nhà nước Nam Việt của Triệu Đà là nhà nước chính thống của nước ta hay không. Nhiều cuộc tranh luận rất sôi nổi, thậm chí còn dẫn tới miệt thị, chửi bới lẫn nhau chỉ vì bất đồng quan điểm. Nhận thấy chủ đề này thực sự rất khó nhằn. Nay, từ những hiểu biết có phần nông cạn của mình, xin thử phân tích tính đúng sai của chủ đề này, mong phần nào kết lại, tránh gây mất đoàn kết trong cộng đồng. Bài viết này chỉ là ý kiến chủ quan nên còn nhiều thiếu sót. Mong các bạn góp ý.

Thứ nhất, thế nào là một triều đại chính thống? Để đi đến vấn đề này thì cần lật ngược lại mà hỏi rằng, tại sao lại phải phân biệt triều đại chính thống với triều đại ngoại thuộc. Để giảm tải chương trình học lịch sử cho học sinh ư? Không. Không phải như vậy. Mọi quốc gia trên thế giới này, từ khi hình thành nhà nước đều luôn phân biệt đâu là chính thống, đâu là không chính thống. Bởi vậy mới có khái niệm chính sử để phân biệt với ngoại sử. Việc phân định này vốn thuộc phạm trù quan điểm lịch sử, và nó gần gũi với mảng chính trị triết học hơn là so với bộ môn khoa học lịch sử. Lịch sử đơn thuần chỉ bao gồm và đúng ra nên chỉ bao gồm các dòng sự kiện đi kèm theo các mốc thời gian. Nhưng nếu như vậy thì còn có gì để mà nghiên cứu, cái đó chỉ có thể gọi là khảo cứu vì các nhà sử học chỉ đi tìm sự thật, không lôi kéo các vấn đề chính trị vào lịch sử. Và như bao ngành khoa học khác, lịch sử cũng bị cuốn vào guồng quay của thời đại. Nó luôn đi song hành với từng triều đại, từng nhà nước, trở thành công cụ của nhà nước hiện thời. Vấn đề nhà nước Nam Việt cũng vậy. Dù có công nhận là nhà nước chính thống hay không thì trong  thời kỳ đó, đã có một triều đại ngự trị trên mảnh đất này. Đã đến đây rồi, bạn nào còn giữ tư duy nghiên cứu lịch sử thuần lịch sử có thể dừng đọc bài này đi mà làm việc có ích hơn. Còn bạn nào muốn tiếp tục đi sâu vào chủ đề rối rắm này thì xin mời tiếp tục.

Từ tiền đề trên mới thấy, các triều đại phân biệt chính thống hay không chính thống chủ yếu là ở tính kế thừa. Khi một nhà nước công nhận một triều đại là chính thống, nghĩa là nhà nước đó muốn kế thừa di sản mà triều đại đi trước kia để lại. Thường là đất đai và truyền thống văn hóa.

Thứ hai, sự thật lịch sử. Trước hết, trong thời phong kiến ở nước ta, chí ít là ở ba triều đại lớn: Trần, Hậu Lê và Nguyễn, nhà nước Nam Việt luôn là nhà nước chính thống được công nhận. Như trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi có viết từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương. Trong Đại Việt sử ký đời Trần, Đại Việt sử ký toàn thư đời Hậu Lê hay các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạnđều ghi như vậy. Các triều đại trước như nhà Lý, Đinh, vân vân thì không rõ có như vậy không. Một phần vì không có thư tịch từ các đời đó truyền lại, phần vì theo suy đoán, các triều đại đó mới dựng nền tự chủ, có lẽ chưa có quan điểm lịch sử rõ ràng. Vậy thì tại sao đến ngày nay nhà nước Nam Việt lại bị bác bỏ khỏi dòng chảy chính thống trong lịch sử Việt Nam.

Ở đây có bạn nào học các môn khoa học chắc đều biết. Để phân loại bất kỳ một danh sách nào, chúng ta đều phải đưa ra các tiêu chí để lọc chúng. Lịch sử cũng là một môn khoa học, và thực sự đó là cách mà việc phân loại chính thống hay ngoại thuộc hoạt động. Các cụ nhà ta xưa dù có lạc hậu, song cũng biết đưa ra các tiêu chí để nhặt chọn đâu là triều đại của ta, đâu là triều đại của người phương Bắc. Ngày nay cũng vậy. Các nhà sử học ngày nay cũng có những tiêu chí của riêng mình. Vậy thì hẳn là bộ tiêu chí của chúng ta ngày nay phải khác với các cụ ngày xưa nên Nam Việt mới bị bay màu. Vậy thì, xưa kia các cụ đã phân loại như thế nào. Để giải đáp vấn đề này chúng ta phải quay ngược thời gian mới mong hiểu được.

Thuyết Thiên Mệnh

Học thuyết thiên mệnh là một học thuyết cổ xưa phản ánh thế giới quan của con người cổ đại. Không biết nó ra đời từ khi nào nhưng có thể chắc chắn đó là học thuyết đầu tiên được các bậc đế vương sử dụng để nâng cao tính chính danh của triều đại mình. Theo học thuyết này, mọi vật đều vận động theo các quy luật tự nhiên, vốn đã có sự an bài của thiên ý hay ý trời. Thuận trời thì sống, chống trời thì chết. Mọi cuộc khởi nghĩa, binh biến đều dựa vào 2 chữ này mà thu phục nhân tâm. Đây là học thuyết chủ đạo của cả nền văn hóa Á Đông nói chung chứ không chỉ ở Việt Nam ta. Dù vậy chúng ta cũng có thể suy đoán rằng học thuyết này du nhập vào nước ta từ các cuộc xâm lăng của người phương Bắc. Tuy nhiên, càng về sau này, các triều đại phong kiến phương Bắc bắt đầu nhận ra những điểm yếu chí tử trong học thuyết này. Một thế lực nào đó hoàn toàn có thể lợi dụng thiên mệnh để làm phản. Không từ thủ đoạn, tất cả đều có thể lấy danh nghĩa là tuân theo thiên mệnh để biện minh. Từ đó, học thuyết này được phát triển lên trở thành thiên mệnh chính thống. Ban đầu Thiên mệnh chính thống được hiểu là nắm giữ vùng đất trung nguyên rộng lớn với ý nghĩa giữ được trung nguyên là chiếm được thiên hạ, được quyền hiệu triệu thần linh quỷ thần. Bởi vậy, trong lịch sử hàng ngàn năm của Trung Hoa, các thế lực cát cứ luôn chăm chăm mục tiêu chiếm được vùng đất ở trung tâm vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn để mưu cầu đại nghiệp. Khi du nhập vào nước ta, vùng đất linh thiêng nắm giữ thiên mệnh chính là thành Thăng Long hay rộng hơn là vùng đồng bằng sông Hồng màu mỡ dân cư đông đúc. Tuy nhiên, đến thế kỷ 12, với việc triều đình nhà Tống phải lui khỏi vùng đồng bằng phía bắc, lui về vùng đồng bằng Hoa Nam lập ra nhà Nam Tống. Học thuyết này có một sự biến đổi mạnh mẽ. Không còn là Thiên mệnh gắn liền với đất đai nữa mà là thiên mệnh gắn liền với huyết thống. Theo đó, việc chiếm được vùng đất kinh đô cũng không đảm bảo cho tính chính danh của triều đại. Chính huyết thống đế vương mới là điều kiện hàng đầu. Học thuyết này dù ra đời sau nhưng lại được cổ vũ bởi giới sử quan khắp cả đông Á từ đó đến sau này và trở thành học thuyết quan trọng bậc nhất nhằm xác định tính chính danh của một triều đại. Minh chứng rõ nhất chính là trong bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa nổi tiếng của La Quán Trung. Trước La Quán Trung, đã có rất nhiều bộ sách viết về thời kỳ tam quốc, tất cả đều lấy nhà Ngụy làm chính thống, các nhà Ngô, Thục chỉ được coi là các thế lực cát cứ. Chỉ đến Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhà Thục Hán mới được tính là chính danh vì huyết thống đế vương của họ Lưu. Chắc các bạn còn nhớ cuộc đối luận trong bộ tiểu thuyết này khi Gia Cát Lượng biện luận trước ba quân với Quan tư đồ Vương Lãng. Dù chi tiết này chỉ là hư cấu, song nó là đoạn đối luận kinh điển thể hiện sự đối trọi giữa hai học thuyết Thiên mệnh trung tâm và thiên mệnh huyết thống.

Khi du nhập vào nước ta, học thuyết này cũng được các triều đại phong kiến nước ta triệt để sử dụng. Chẳng phải thế mà Lê Lợi phải tôn một người họ Trần làm vua để chính danh đánh giặc. Rồi khi đã nắm quyền, mỗi triều đại ở nước ta đều phải vội vã phái người sang thiên triều phương Bắc để xin cho được một sắc phong vương, lấy đó làm chính danh để bố cáo với thiên hạ trong nước.

Tư duy nhị nguyên: Phi Hoa tất Việt

Đây có lẽ là điều đáng trăn trở nhất trong nếp nghĩ của dân ta từ xưa đến nay. Có lẽ vì phải tiếp xúc với người Trung Hoa quá nhiều, tiếp nhận quá nhiều ảnh hưởng của họ. Đến mức vừa kiêng nể, vừa khinh thường mà sinh ra tâm lý nếu có một cái gì đó mà người Hán Hoa Hạ không nhận là của họ thì ắt nó thuộc về ta. Trong chuyện phân loại chính thống cũng vậy. Trong tất cả các triều đại đã từng cai trị trên đất nước ta, các sử quan đời trước hễ cứ thấy một triều đại nào đó không phải thiên triều thường nhận luôn đó là triều đại chính thống của mình. Và ngẫu nhiên thay, trong suốt quá trình lịch sử nước ta, chỉ duy nhất nhà nước Nam Việt nằm vào vị thế như vậy.

Nhận thức sai lầm về nguồn gốc dân tộc.

Dưới triều Nguyễn, có một bộ sách được dày công biên soạn là Đại Nam Thực lục. Bộ sách này phản ánh lịch sử triều đại nhà Nguyễn trải qua các triều vua. Đồng thời, như tiêu đề bộ sách, nó còn ghi chép rất nhiều điều về xã hội nước ta dưới triều đại ấy. Có thể kể đến như dân cư, xã hội, kinh tế, một chút về đặc sắc văn hóa, danh lam thắng cảnh. Như vua Tự Đức từng ra chỉ dụ: Đã gọi là Thực lục, thì các việc cứ thực mà chép, cho có trước sau thứ tự, mới là tín sử. Đáng chú ý là thông qua các ghi chép trong bộ sách này, các nhà sử học hiện nay đã gián tiếp hiểu được thế giới quan nhận thức của các tầng lớp tinh hoa lãnh đạo nước ta trong thời kỳ phong kiến. Cụ thể, tầng lớp vua quan ta ngày trước dù là người Kinh, song lại không tự nhận như vậy. Họ tự gọi mình là “Hán nhân”, cho rằng người Kinh vốn di cư từ phương Bắc xuống, văn hóa cũng có gốc từ thời Hán mà làm dựng nên. Trong khi đó, những người gốc Hoa lại được gọi là những người Minh Hương, theo quê hương nhà Minh của họ. Còn đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Nam bộ như Ê đê, Gia rai, Khơ me, vân vân thì lại được gọi bằng những cái tên là thổ, man, di và coi các cuộc đi chinh phạt mở đất là đi khai phá văn minh cho các dân tộc đó.

Hiện tượng tâm lý kỳ lạ này không chỉ được tìm thấy trong chính sử. Trong các ghi chép lẻ tẻ của các nhà truyền giáo phương Tây, các thương buôn nước ngoài và các sứ quan cũng cho thấy điều tương tự.

Nó cho thấy một xã hội bị phân hóa rất sâu về nhận thức giữa tầng lớp vua quan thống trị với tầng lớp bần nông áo vải. Trong khi vua quan xưa trọng nho giáo, luôn đề cao chữ Hán, lễ nghi thì trong dân gian lại thích dùng chữ Nôm, thờ đạo tứ phủ và tự cải biên các nề thói nho giáo cho phù hợp với nếp nghĩ của mình. Có thể thấy rõ sự khác biệt giai tầng này thông qua các chỉ dấu. Tất cả các bộ quốc sử đều dùng chữ Hán để ghi lại. Trong khi văn học dân gian lại hay dùng chữ nôm vì tính nôm na dễ hiểu của nó. Giới văn nhân mặc khách bình thường thơ phú họa với nhau thì nôm na, đến khi gặp việc trọng đại, in thơ, viết điếu lại đều dùng chữ Hán. Họ cho rằng chữ Hán mới là thượng đẳng. Ai đó dù có tài năng thơ phú đến đâu mà chưa có một tập Hán văn để lưu truyền thì chưa thể gọi là tài tử. Trong tín ngưỡng dân gian cũng vậy, dù cho tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ mới là tín ngưỡng thuần Việt. Song vì đề cao nho giáo, tín ngưỡng này từng nhiều lần bị liệt vào dị giáo tín mê.

Nguyên nhân của hiện tượng tâm lý sùng Hán bài Việt này trong giới vua quan quý tộc là do:

Một, các tồn dư Hán hóa suốt một nghìn năm Bắc Thuộc chưa gột sạch hết.

Hai là sự phụ thuộc vào hệ tư tưởng của người phương Bắc. Sự phụ thuộc này còn thấy rõ qua độ trễ trong tiếp nhận hệ tư tưởng. Đời Lý Trần coi văn hóa đời Đường là mẫu mực, đời Lê thích lấy văn hóa Tống để noi theo, trong khi thời Nguyễn lại nhìn vào Minh triều để học tập

Ba là do dòng người phương Bắc chạy nạn xuống nước ta. Họ vốn tinh thông Hán học nên dễ dàng len lỏi vào bộ máy quan lại. Từ đó mà dần củng cố cho quan điểm dân tộc ta từ phương Bắc di cư xuống, văn hóa ta cũng gốc văn hóa Hán mà gây dựng nên.

Rõ ràng, những nhận thức đó ngày nay đã bị bác bỏ hoàn toàn, coi là cổ hủ. Người viết nhận thấy, với việc các cụ nhà ta tự nhận mình là Hán nhân thì việc công nhận nhà nước Nam Việt cũng chẳng có gì là lạ. Dù cho đó chỉ là nhận thức ở tầng lớp vua quan quý tộc vốn chỉ là thiểu số trong cộng đồng. Nhưng dù sao, đó cũng là tầng lớp tinh hoa của dân tộc, quan điểm của họ là chính thống trong thời kỳ đó.

Như vậy, nguyên nhân khiến Nam Việt trở thành một nhà nước chính thống chính là mối quan hệ tương hỗ bổ trợ của thuyết Thiên mệnh, tư duy nhị nguyên Phi Hoa Tất Việt và nhận thức sai về nguồn gốc và bản chất dân tộc.

II.

Ở phần trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về hệ thống phân loại chính thống – ngoại thuộc dưới thời phong kiến. Phần này sẽ nói về hệ thống phân loại của nền sử học của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay và giải thích cho câu hỏi chủ đề của cả sê ri này. Nào chúng ta cùng bắt đầu.

Như đã đề cập đến ở phần trước, việc phân định chính thống hay ngoại thuộc nhằm chọn lựa ra yếu tố muốn kế thừa từ một triều đại. Điều này liên quan mật thiết đến các yếu tố mà nhà nước hiện tại muốn đề cao, cũng như muốn trở thành đặc tính của cả dân tộc mà phát triển lên.

Cũng như các thời kỳ trước, chúng ta lại phải bám sát vào các đặc tính của dân tộc mà nhà nước hiện nay muốn gìn giữ và phát triển để đi sâu phân tích thì mới ra được vấn đề. Trong nhiều đặc tính của dân tộc, những đặc tính quan trọng nhất có thể kể đến là yêu nước, tự lực tự cường, hoà hiếu, bất khuất và chăm chỉ lao động. Hệ thống phân loại phải luôn bám sát vào các đặc tính dân tộc đó xây dựng lên các tiêu chí để làm chuẩn.

Hệ thống phân loại hiện nay kể lể thì dài dòng nhưng nếu tóm gọn lại thì chỉ còn có ba chữ: Dân Làm Gốc. Nó trở thành nền tảng và là kim chỉ nam cho mọi sự phát triển văn hoá mà nhà nước hiện nay muốn định hướng. Và người đặt nền tảng cho hệ thống nhận thức văn hoá này không ai khác, chính là chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Theo đó một triều đại muốn được công nhận là chính thống thì triều đại đó phải có:

Thứ nhất, nền tảng văn hoá phải lấy nền văn hoá dân tộc ta để phát triển. Khi suy tàn thì dân tộc ta cũng phải là người được thừa kế di sản văn hoá đó. Nói cách khác, đây là sự tự chủ về văn hoá. Nhưng nó thường gắn liền với sự tự chủ của giới cầm quyền. Nghĩa là tầng lớp vua quan của ta phải có nguồn gốc từ chính dân tộc ta.

Thứ hai, tầng lớp lãnh đạo phải gắn bó với lợi ích dân tộc, lấy dân làm trọng tâm cho mọi hành động.

Thứ ba, phải để lại cho hậu thế những bài học truyền thống hoặc đức tính quý báu dần trở thành đặc trưng của dân tộc.

Có thể thấy, hệ thống tiêu chí này bao quát hơn. Nó chú trọng vào yếu tố văn hoá và kế thừa truyền thống tốt đẹp. Các yếu tố như đất đai lãnh thổ hay hệ thống tư tưởng dần mờ nhạt và được cài cắm vào những tiêu chí rộng lớn hơn. Nó bám sát vào tinh thần chủ đạo lấy Dân Làm Gốc.

Giờ chúng ta cùng phân tích để thấy rõ vì sao nhà nước Nam Việt của nhà Triệu bị bác bỏ khỏi dòng chính thống.

Nguyên nhân đầu tiên dễ nhận thấy nhất chính là nền văn hoá mà triều đại này mang đến cho nước ta là một nền văn hoá ngoại lại hoàn toàn đến từ phương Bắc. Từ phong tục tập quán đến mô hình nhà nước đều khác xa hoàn toàn nếu so với hai nhà nước tiền nhiệm là Văn Lang và Âu Lạc. Đáng chú ý nhất, dù đây có coi là sự phát triển nhưng không phải từ nội tại dân tộc ta phát triển nên mà là du nhập từ bên ngoài vào.

Thứ hai, là tính kế thừa. Điều này có dính dáng một chút tới vấn đề lãnh thổ. Như ta đã biết, kinh đô của Nam Việt nằm tại thành Phiên Ngung tận bên đất Quảng Đông. Không nằm trong địa giới nước ta hiện nay và cũng tất nhiên không nằm trong vùng đất của hai dân tộc Âu Việt và Lạc Việt xưa. Trong khi  kinh đô của một quốc gia luôn là nơi tập trung tầng lớp lãnh đạo của một quốc gia hay còn gọi là giới tinh hoa. Là nơi kết tụ những gì tinh túy nhất về mọi mặt. Mọi sự phát triển đều khởi đầu từ đây. Điều này dẫn đến hai hệ quả. Thứ nhất, vì không nằm trong đất của dân tộc ta nên trong thời kỳ tồn tại của Nam Việt, sự can thiệp của dân ta vào nội trị của triều đại này rất hạn chế. Điều này vi phạm về tính tự chủ của dân tộc. Thứ hai là về sự kế thừa văn hoá. Cũng giống như tinh hoa con người, tính hoa văn hoá cũng sẽ ngưng tụ tại kinh đô. Việc kinh đô Phiên Ngung nằm ngoài địa hạt của tộc Lạc Việt vừa cho thấy văn hoá triều đại này không phải được phát triển trực tiếp từ văn hoá Lạc Việt. Mặt khác, mọi tinh hoa văn hoá mà trong chín mươi ba năm mà nhà nước này phát triển được, đến khi suy tàn thì cũng không phải được tộc Lạc Việt trở thành những người kế thừa. Người thừa kế nền văn minh Nam Việt nói rộng thì là nhân dân vùng Quảng Đông, hẹp thì là dân cư kinh đô Phiên Ngung thời đó. Hãy thử tưởng tượng thế này. Nếu như công nhận Nam Việt, thì trong lịch sử văn hoá của nước ta sẽ xuất hiện một vết đứt gãy lớn. Có một triều đại tồn tại nhưng lại không thể tìm được vết tích văn hoá. Ngược lại, nếu bác bỏ Nam Việt, coi như ngoại thuộc, mạch văn hoá coi như liền mạch nối từ Âu Lạc tới Trưng nữ Vương. Điều này vô cùng hợp lý.

Nguyên nhân thứ ba là về các truyền thống tốt đẹp lưu lại cho hậu thế. Phải thừa nhận là tất cả các triều đại, dù là tự chủ hay ngoại thuộc, đều ít nhiều có những truyền thống tốt đẹp đáng để lưu truyền. Song, nhà nước Nam Việt trong suốt quá trình tồn tại của nó lại để lại một vài đặc tính không tốt, từ đó làm vị thế chính thống của nó bị lung lay.

Một là tính phản trắc. Nguồn gốc của Nam Việt, vốn được dựng lên từ một bộ tướng nhà Tần, đi chính phạt mà tự lập nước xưng vương. Trong khi nhà Tần đang trong cơn hoạn nạn, chính quyền Nam Việt không những không cứu giá mà còn lợi dụng thời cơ để tăng cường ảnh hưởng, chiếm thêm đất đai lãnh thổ. Hơn thế, khi tiến hành các cuộc chính phạt lại luôn lấy danh nghĩa nhà Tần để tiến quân. (Triệu Đà lập Nam Việt trước sau mới đánh Âu Lạc. Dù đã tự lập là Nam Việt Vương nhưng khi đánh Âu Lạc vẫn dùng cờ xí nhà Tần).Xét theo tiêu chuẩn nho giáo xưa, đây là tội lớn. Còn như ngày nay, điều này cũng là không tốt, không nên học theo. Các sự kiện ly khai đang là mối hoạ bất ổn trên thế giới mà nhà nước ta luôn kịch liệt phản đối.

Tính hiếu chiến, tham lam, gian giảo. Trong thời kỳ đầu tồn tại, dưới sự lãnh đạo của Triệu Đà, quân Nam Việt không ít lần chủ động phát động tiến đánh vùng đất của nhà Hán. Khi đó nhà Hán mới lập, thế đứng còn chưa vững. Sau này, nhận ra không đủ lực đối chọi, bèn quay ra xin thần phục. Điều này không hợp với đạo nghĩa hoà hiếu của dân tộc ta và cùng có chút thủ đoạn, ma giáo.

Tính bất tín. Nam Việt cho kết thông gia với Âu Lạc nhằm liên minh chống Hán, Sở. Rồi lại cất quân diệt Âu Lạc. Đó là điều bất tín. Ngày này giới sử học cho rằng, cuộc hôn nhân chính trị này nằm trong toan tính của Triệu Đà. Khiến cho  An Dương Vương lơi lỏng mặt đông, đưa quân trấn thủ mặt bắc rồi bị đánh úp mà bại trận.

Tính bất nhất, thiếu trung thực, dùng người lại không tin người. Triệu Đà khi mới lập nước Nam Việt, thân tín đi cùng vốn cũng xuất thân từ phương Bắc, theo Triệu Đà đi chinh phạt. Sau vì Triệu Đà có hành động phản trắc, tự ý xưng vương, đánh mất lòng trung. Quan quân dưới quyền luôn tỏ ra bất mãn. Triệu Đà nhận ra, sợ bị họ nổi dậy giành binh quyền mà dần dần thay thế họ bằng các tộc trưởng địa phương. Ông đề ra chính sách Hoà Tập Bách Việt để thu phục lòng dân sở tại. Tuy nhiên, Triệu Đà lại tỏ rõ thái độ khinh miệt đối với nhân dân các bộ tộc này. Trong sử ký của Tư Mã Thiên có trích lại lá thư Triệu Đà gửi cho Lã Hậu. Trong đó, ông đã tỏ rõ sự miệt thị, gọi dân xứ đó là man di và xin Lữ Hậu cho dân phương Bắc di cư xuống để đồng hoá. Chính bằng chứng này là nguyên nhân căn bản nhất khiến Nam Việt không thể được công nhận. Bởi nó đi ngược lại hoàn toàn cái cốt văn hoá Dân Làm Gốc mà nhà nước hiện nay muốn xây dựng.

Phân tích đến đây, người viết nhận thấy, với những đặc tính kể trên, thật khó để một quốc gia nào hiện nay có thể công nhận Nam Việt như là một nhà nước chính thống của mình. Bởi không một nhà nước nào muốn nhân dân của mình dựa vào những dấu ấn đó làm tiêu chuẩn của hành động.

Như vậy. Nguyên nhân khiến Nam Việt bị bác bỏ khỏi dòng chảy chính thống của Việt Nam bao gồm: có nguồn gốc ngoại lai, không kế thừa được văn hoá và sở hữu những đặc tính mà thời đại hiện nay không muốn nói theo.

Con người Việt Nam luôn trân trọng quá khứ. Nhưng để đưa lên bàn cân thì dân ta vẫn luôn coi trọng tương lai hơn là những dĩ vãng xa xôi. Việc phân định hiện nay có lợi cho sự phát triển của đất nước trong cả hiện tại và tương lai.

III

Ở phần trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về nguyên nhân khiến nhà nước Nam Việt bị đẩy ra khỏi dòng chảy chính thống của nước ta. Ở phần này, người viết sẽ giải đáp một vài câu hỏi và phản biện một vài quan điểm về chủ đề này. Nào, chúng ta cùng bắt đầu.

Hỏi:

Nếu không công nhận Nam Việt chỉ vì lý do ngoại lai thì có bất công với triều đại này không? Trung Quốc hiện nay cũng công nhận những triều đại như nhà Nguyên hay Mãn Thanh làm triều đại chính thống của họ. Dù người Thát và người Mãn vốn cũng chỉ là những kẻ ngoại lai xâm lược vùng đất của người Hán.

Trả lời:

Quan điểm này sai ở hai điểm cơ bản.

Thứ nhất, mỗi nước có một hệ thống phân loại của riêng mình. Nước ta khác, nước Tàu khác. Cái thời nước ta phải phụ thuộc vào hệ tư tưởng của người Trung Hoa đã qua rồi. Cha ông ta dưới thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại đã phải đánh đổi biết bao nhiêu xương máu, chả nhẽ không thể đổi được một sự tự chủ trong tư tưởng hay sao, mà giờ đây lại nghĩ: nhất nhất gì cũng nghe theo người Trung Quốc, học theo họ cả ở nếp nghĩ.

Thứ hai, sai ở cách hiểu. Hệ thống phân loại của Trung Quốc khác nước ta. Tuy nhiên, nếu cố tình bê vào để áp dụng ở nước ta thì nhà nước Nam Việt vẫn không thể trụ lại trong dòng chảy chính thống. Nguyên do là bởi:

Thứ nhất,  trong cộng đồng nhân dân Trung Quốc hiện nay vẫn còn con cháu trực hệ của hai triều đại Nguyên, Thanh.

Thứ hai, Người Mãn và người Thát vốn cũng đã góp mặt trong tiến trình lịch sử Trung Hoa từ trước khi hai triều đại Nguyên, Thanh thành lập.

Thứ ba, trong suốt quá trình phát triển của hai triều đại này, họ cũng luôn khẳng định họ kế thừa hai triều đại trước đó, là nhà Tống và nhà Minh trong việc nắm giữ vai trò thiên triều.

Ngược lại, nhà nước Nam Việt không có được điều đó.

Thứ nhất, trước khi Triệu Đà cất quân đến Âu Lạc, người Hoa Hạ chưa từng ở đây.

Thứ hai, ngày nay, tại đất Việt Nam này, không hề tồn tại con cháu trực hệ của triều đại này. Những người gốc Trung Hoa ở nước ta, phần lớn đến từ triều đại nhà Minh, xưa gọi là người Minh Hương. Họ không hề nhận là con dân dưới sự cai trị của nhà nước Nam Việt.

Thứ ba, trong quá trình tồn tại của Nam Việt, triều đại này chưa hề khẳng định sự kế thừa đối với nhà nước Âu Lạc. Coi Âu Lạc là chính thống.Từ đó mà mất đi sự tiếp nối tính chính thống.

Tất nhiên đây chỉ là luận giải theo học thuyết của Trung Quốc hiện đại nếu như nước ta áp dụng. Trên thực tế, nước ta có hệ thống tư tưởng của riêng mình. Không phải vay mượn. Chúng ta chỉ giống họ ở điểm, dần dần loại bỏ yếu tố nguồn gốc dân tộc về di truyền trong hệ thống phân loại. Bởi ngày nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài và phức tạp, nhà nước hiện đại nào cũng từng có dấu vết của ngoại tộc. Làm lu mờ và dần thay thế nó bằng yếu tố văn hoá là một xu thế tất yếu.

Hỏi:

Nên công nhận nhà nước Nam Việt vì cuộc chiến Âu Lạc – Nam Việt nên coi là cuộc nội chiến của các dân tộc Bách Việt. Nếu coi Nam Việt xâm lược Âu Lạc thì cuộc chiến Âu Việt – Lạc Việt phải hiểu thế nào?

Trả lời:

Đúng như câu hỏi,  một cuộc chiến tranh muốn được công nhận là nội chiến phải được diễn ra trên nền tảng một nhà nước thống nhất từ trước. Điều này dẫn tới hai vấn đề.

 Thứ nhất, cái nhà nước thống nhất được lấy làm nền tảng để tính ở đây là nhà nước nào? Cộng đồng Bách Việt chưa từng có một nhà nước thống nhất. Nhà nước Xích Quỷ trong huyền sử đến nay vẫn chưa có đủ cơ sở để khẳng định sự tồn tại của nó. Chủ yếu là do thiếu các thông tin cơ bản như: tổ chức bộ máy nhà nước, các hoạt động thể hiện quyền lực nhà nước và đặc tính văn hoá đặc trưng. Thậm chí, khoa học hiện đại còn bác bỏ sự tồn tại của nó, xếp nó vào huyền sử. Bởi theo ngành khoa học chuyên nghiên cứu  về các mô hình tổ chức nhà nước, ở thời kỳ đó, với mật độ dân số thấp và cách tổ chức cộng đồng còn ban sơ, không thể tồn tại được một nhà nước có đất đai rộng lớn như thế. Phía bắc thì tới Động Đình hồ, phía nam giáp với nước Hồ Tôn, phía tây giáp với Ba Thục, đông giáp biển Nam Hải. Các địa danh được nhắc đến vốn chỉ là ước lệ với nhiều giả thuyết xung quanh. Minh chứng rõ nét nhất cho luận điểm này là các nhà nước hình thành sau này trên lãnh thổ Trung Quốc. Các nhà Hạ, Thương, Chu ban đầu đều sở hữu đất đai nhỏ hơn rất nhiều lần so với diện tích Xích Quỷ theo huyền sử. Nhà Chu sau này mở rộng đất đai đến cực đại tuy nhiên kéo theo đó là sự suy yếu quyền lực của chính nhà Chu. Họ dần dần phải san sẻ quyền lực và cuối cùng chỉ còn quyền lực trên danh nghĩa. Thường xuyên phải thực hiện cắt đất phong Vương, chia sẻ quyền lực mới mong giữ được. Đến thời Tần, dù đã thống nhất được nhưng không thể cai quản được, dẫn tới biến loạn và sụp đổ. Phải đến nhà Hán, với sự cải cách mô hình nhà nước, mới có thể dần dần làm chủ được một vùng diện tích rộng lớn tương đương như vậy.

Vấn đề thứ hai là về niên đại và tính chính danh. Đặt giả sử sau này nhà nước  Xích Quỷ được công nhận là có thật, không còn là huyền sử tưởng tượng thì cũng không thể dùng nhà nước này làm nền tảng để biến cuộc chiến Âu Lạc – Nam thành một cuộc nội chiến, bởi:

Thứ nhất, nhà nước Xích Quỷ tồn tại trong giai đoạn từ năm  2879 đến năm 2524 trước Công Nguyên. Xét theo niên biểu, cuộc chiến Âu Lạc – Nam Việt diễn ra khoảng năm 208 trước Công nguyên hoặc năm 179 trước Công nguyên tùy tài liệu. Các mốc thời gian của cuộc chiến này cách rất xa thời điểm tồn tại của nhà nước Xích Quỷ. Nói cho dễ hình dung thì cuộc chiến tranh Âu Lạc – Nam Việt còn gần chúng ta ngày nay hơn thời kỳ Xích Quỷ. Có nghĩa là, tại thời điểm cuộc chiến tranh nổ ra, nhà nước Xích Quỷ đã tan rã từ rất lâu. Cuộc chiến không nổ ra trên nền tảng của một nhà nước sẵn có nên không thể gọi là nội chiến.

Thứ hai, nhà nước Xích Quỷ sau khi tan rã đã hình thành nên một loạt các quốc gia nhỏ hơn. Trong các nhà nước ấy, thì đâu là nhà nước hậu duệ chính danh của Xích Quỷ? Chúng ta không biết. Nhưng chúng ta biết một điều. Cả hai nhà nước Âu Lạc và Nam Việt đều không tự nhận là hậu duệ chính thống của Xích Quỷ. Đồng thời cũng không giơ cao ngọn cờ nhân danh Xích Quỷ để thống nhất đất đai lãnh thổ. Vậy thì làm sao có thể coi là nội chiến cho được.

Nói thêm về việc phân loại nội chiến với xâm lược. Các cuộc chiến Âu Việt – Văn Lang và  Âu Lạc – Nam Việt, xét theo tiêu chuẩn hiện nay đều phải coi là xâm lược. Duy chỉ có cuộc chiến Âu Việt – Văn Lang là có những đặc trưng khiến tính chất xâm lược bị giảm nhẹ. Đó là:

Thứ nhất, tại thời điểm cuộc chiến nổ ra, ranh giới giữa hai quốc gia cổ này không rõ ràng, nhiều vùng chồng lấn, xen kẽ lẫn nhau. Dân cư cũng sinh sống xen kẽ nhau nhiều đời. Bằng chứng là các di chỉ khảo cổ cho thấy người Lạc Việt và Âu Việt đã sống cạnh nhau từ rất lâu. Thậm chí cố đô của Âu Việt còn nằm ở tỉnh Cao Bằng nước ta ngày nay.

Thứ hai, nền văn hoá của hai quốc gia này có nhiều điểm tương đồng, nhất là về tổ chức bộ máy nhà nước và nền văn hoá đồng thau phát triển rực rỡ.

Thứ ba là tính kế tục. Âu Lạc kế thừa toàn bộ nét văn hoá của Văn Lang, thậm chí còn chuyển đô về Cổ Loa, nơi vốn thuộc lãnh thổ của Văn Lang cũ. Như vậy, tinh hoa văn hoá mà Âu Lạc phát triển được đều được truyền lại cho dân cư ở đây. Tiêu biểu là kiến trúc thành Cổ loa, truyền thống chống giặc, truyền thuyết nỏ thần, vân vân, tràn ngập trong văn hoá dân gian của tộc Lạc Việt.

Thứ tư, trong cuộc chiến này, theo nhiều tài liệu sử học, một phần cư dân Lạc Việt đã ủng hộ và giúp sức cho Thục Phán chiếm ngôi của Hùng Vương. Đây là nơi học thuyết Dân làm gốc lên tiếng. Dữ kiện lịch sử này khiến cho cuộc chiến Âu Việt – Lạc Việt giống như một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trên một nền văn hoá tương đồng, dân cư hoà thuận, triều đại sau kế thừa lại triều đại bị lật đổ, nên tính xâm lược bị mất đi.

Điều quan trọng nhất, trong xã hội Việt Nam hiện tại, cộng đồng dân tộc Tày, Nùng vốn là hậu duệ của dân tộc Âu Việt xưa, có số lượng đáng kể, chỉ đứng sau hai dân tộc Kinh, Mường vốn là hậu duệ của Lạc Việt.

Hỏi:

Có rất nhiều kênh về lịch sử  yêu nước có trích dẫn bài thơ Lịch sử nước ta của chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có hai câu thơ nói về Triệu Đà là:

Triệu Đà là đấng hiền quân.

Có công dựng nước trị dân năm đời

Chẳng phải Bác Hồ cũng công nhận Nam Việt là nhà nước chính thống của nước ta hay sao? Tại sao giới sử học hiện nay lại làm trái ý Bác?

Trả lời:

Vấn đề này không khó và có chút bịp bợp ở đây.

Thứ nhất, phải khẳng định là một áng thơ, một bài văn hay ý kiến phát biểu của một ai đó, dù là người nổi tiếng cũng chỉ có thể coi là quan điểm cá nhân của riêng người đó, không phải là quan điểm của nhà nước hay một tổ chức mà người đó tham gia. Do đó bài thơ Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù có nội dung gì cũng không thể hiện quan điểm của Nhà nước ta.

Thứ hai, sự nhập nhèm về thông tin. Người nêu ra câu hỏi đã đưa sót thông tin dẫn tới hiểu sai về quan điểm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể như sau:

Bài thơ Lịch sử nước ta được Bác Hồ viết năm 1941, xuất bản lần đầu năm 1942 với đầy đủ nội dung. Sau năm 1945, bài thơ được in lại nhiều lần và bị lược bỏ hai câu thơ nói về Triệu Đà. Bây giờ hãy phân tích một chút.

Lúc Bác Hồ sáng tác bài thơ này, nước ta vẫn chưa giành được độc lập. Trên danh nghĩa, nước ta vẫn ở dưới triều đại phong kiến của nhà Nguyễn, và Bác Hồ khi đó cũng chỉ là một người dân áo vải bình thường mà thôi. Như ở vi đê ô đầu tiên đã đề cập, nhà Nguyễn công nhận Nam Việt là một triều đại chính thống. Nên khi Bác Hồ viết bài thơ này để cổ vũ tinh thần yêu nước, thì việc phải viết theo quan điểm lịch sử của nhà Nguyễn là điều bắt buộc.

Sau năm 1945, nước ta đã giành được độc lập, hệ thống tư tưởng của thời đại mới bắt đầu được xây dựng. Bài thơ bắt đầu bị cắt bỏ hai câu thơ nêu trên ở thời kỳ này. Đáng chú ý, lúc đó, Bác vẫn còn sống và đang là chủ tịch nước.

Ở đây, bạn nào làm trong ngành xuất bản chắc điều biết. Một bài thơ, một bản văn khi đã đến với nhà xuất bản thì họ chỉ có hai lựa chọn là: in, hoặc không in. Mọi sửa đổi về nội dung đều phải được tác giả đồng ý mới được phép thực hiện. Chưa kể đến việc lúc đó Bác đang là người quyền lực nhất nước ta. Cho nên không bao giờ có chuyện một ai đó dám tự ý sửa thơ của Bác. Việc bài thơ bị cắt bỏ hai câu thơ phải được hiểu rằng đó chính là ý của Bác, tác giả của bài thơ. Còn việc Bác cắt bỏ đi để làm gì thì như ở bài viết thứ hai cũng đã giải thích. Đó là để phù hợp với hệ thống tư tưởng mới của đất nước mà Bác đã dày công xây dựng.

Đây chính là sự bịp bợp. Hãy tưởng tượng, việc này giống như bạn bị bạn bè mang một sai lầm trong quá khứ từ rất xa xưa để lấy làm đại diện cho bạn ở hiện tại.

Có một câu nói nổi tiếng rằng. Một nửa cái bánh mì thì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không bao giờ là sự thật. Tôi không biết kênh lịch sử nào lại dẫn bài thơ này làm dẫn chứng để chứng minh Bác Hồ công nhận nhà nước Nam Việt nhưng việc cung cấp chỉ một phần nhỏ sự thật hòng lợi dụng Bác để chia rẽ người xem với nhà nước thì không thể gọi là yêu nước được. Các bạn nên cảnh giác với những kênh như vậy. Riêng cá nhân tác giả thấy mấy kênh như vậy có hơi hướm bị phản động giật dây.

Nói thêm một chút ngoài lề. Cái dấu mốc mùng 2 tháng 9 năm 1945 không chỉ là cái khẩu hiệu suông, được tô vẽ cho đẹp. Đó là dấu mốc sang trang mới của cả dân tộc ta theo đúng nghĩa đen của nó. Từ thời điểm đó, chúng ta đã thực sự rũ bùn đứng dậy sáng loà. Thoát khỏi xiềng xích kìm kẹp thân xác là ở bên ngoài. Còn thoát khỏi cái xiềng xích kìm kẹp bên trong tâm hồn, nhận thức mới thật sự là vĩ đại. Sau mấy nghìn năm, chúng ta mới thực sự được giải phóng trong đầu óc, tâm hồn, không còn phải chịu ảnh hưởng hay nghe theo những hệ tư tưởng của người Trung Quốc. Chúng ta tự xây dựng nên một hệ thống tư tưởng lý luận của riêng mình. Không còn coi nguồn gốc dân tộc là từ người phương Bắc, không còn dùng  thứ chữ của họ như là quốc văn. Và nhất là, không còn gọi Triệu Đà là vua. Đối với nền khoa học lịch sử hiện nay, việc công nhận Triệu Đà trước kia là tàn dư của việc chưa gột sạch hết ảnh hưởng của  Hán hoá. Việc bác bỏ Nam Việt khỏi dòng chảy chính thống là sửa sai cho tiền nhân, để trở về đúng với gốc gác, bản ngã dân tộc.

Hỏi:

Có quan điểm cho rằng: Việc không công nhận tính chính thống của nhà nước Nam Việt chẳng qua là muốn làm vừa lòng Trung Quốc. Họ sợ chúng ta dựa vào Nam Việt để đòi lại đất ở vùng lưỡng Quảng của họ. Việc đề ra các tiêu chí chỉ là tấm bình phong che đậy sự yếu kém của Nhà nước ta hiện tại mà thôi. Ét min bình luận thế nào về quan điểm này?

Trả lời:

Quan điểm này sai cơ bản về mặt nhận thức và có thể dễ dàng bác bỏ như sau.

Năm 1990, Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về vấn đề phân định biên giới trên bộ. Trong quá trình đàm phán, hai bên đã nhất trí lấy Công ước Pháp – Thanh 1887 và Công ước Pháp – Thanh 1895 làm căn cứ chính để tiến hành phân định. Đây là hai văn bản pháp lý duy nhất có kèm bản đồ được quốc tế công nhận lúc bấy giờ.

Như vậy, có thể thấy quan điểm nêu trên sai ở hai điểm như sau:

Thứ nhất, việc phân định biên giới đã có một bản Công ước kèm bản đồ làm chuẩn. Việc công nhận hay không công nhận nhà nước Nam Việt không làm thay đổi việc phân định này. Chúng ta có thể công nhận bất cứ nhà nước nào mà chúng ta muốn, với lãnh thổ bao trùm đến đâu cũng được. Nhưng một khi đã đặt lên bàn đàm phán, mọi thứ đó đều vô giá trị vì chúng ta đã xác định được căn cứ để đàm phán từ đầu. Đã không dựa vào bản đồ nhà nước Nam Việt  để phân định, thì có công nhận hay không cũng không hề ảnh hưởng.

Thứ hai, nói rằng nhà nước hiện tại chỉ vì lãnh thổ Nam Việt chồng lấn với lãnh thổ Trung Quốc ngày nay mà bác bỏ là không biết gì về lịch sử. Các bạn chỉ cần lên gu gồ và tìm kiếm bản đồ của nước ta qua các thời kỳ sẽ thấy. Dù lãnh thổ đất đai nhiều lúc biến động rộng hẹp khác nhau, nhưng lúc nào cũng có những   vùng lãnh thổ chồng lấn với các quốc gia  xung quanh. Đặc biệt là với Trung Quốc, từ thời nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, tới thời Nguyễn, lãnh thổ nước ta đều vượt ra ngoài biên giới hiện nay mà lẻm vào lãnh thổ Trung Quốc, Lào hay Căm Pu chia. Nếu theo quan điểm trên, thì còn các triều đại khác chúng ta vẫn đang công nhận sẽ phải hiểu thế nào cho đúng đây?

Sau cùng, tôi muốn kết lại vấn đề bằng nhận xét. Luận điểm trên thực chất chỉ là suy nghĩ nông cạn của những người bất mãn với chế độ, hay cho rằng nhà nước ta không giữ được đất của cha ông, phải bán đất, bán biển cho Trung Quốc.

Người Việt Nam ta vốn thực thà, có sao nói vậy. Cái gì của mình thì bằng mọi giá phải bảo vệ. Còn cái gì không phải của mình thì tuyệt đối không dòm ngó. Vùng đất bên lưỡng Quảng cũng từng một thời được ghi vào bản đồ cổ của nước ta. Song, đó chỉ được coi là vùng chịu ảnh hưởng. Chủ nhân thực sự của vùng đất đó là nhân dân lưỡng Quảng. Họ cũng sở hữu một nền văn minh rực rỡ không kém gì người Hoa Hạ và người Lạc Việt. Trong suốt quá trình lịch sử của Việt Nam, người Lạc Việt luôn giữ vị thế là dân tộc chủ đạo trong mọi biến cố. Hệ quy chiếu lịch sử luôn phải lấy điểm nhìn là tộc Lạc Việt để đánh giá mọi việc. Các dân tộc ở lưỡng Quảng vốn không đồng cam cộng khổ với chúng ta trong phần lớn thời gian bốn ngàn năm qua. Làm sao có thể coi họ là con dân của ta được.

Hỏi:

Tại sao lại phải mất công đập đi xây lại hệ tư tưởng làm gì? Cứ lấy tư tưởng của cha ông ta thời phong kiến truyền lại làm chuẩn mực có phải hơn không? Như trong Bình Ngô đại cáo có viết:

Từ: Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập.

Cùng: Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Rõ ràng, nhà Triệu nước Nam Việt từng được cha ông ta vào những thời kỳ huy hoàng nhất công nhận. Nay lại bác bỏ thì khác gì chửi thẳng vào mặt tổ tiên? Tại sao không làm như thế này: công nhận mọi triều đại đã được công nhận trong sách chính sử đời trước, sau đó luận công tội mà công nhận thêm các triều đại khác không có trong chính sử?

Trả lời:

Trước hết phải nói rằng, quan điểm này được khá nhiều người Việt hiện nay đồng tình một phần vì nó dễ dàng thực hiện lại không bị mang tiếng là cãi lời tổ tiên. Nay xin phân tích đôi điều để mọi thứ được rõ ràng.

Thứ nhất, như bài viết đầu tiên trong series này đã đề cập. Việc xây dựng một hệ thống tư tưởng của thời đại mới là cần thiết, thậm chí là cấp thiết ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, bởi các yếu tố sau:

Một là, hệ tư tưởng của cha ông ta đời trước đã lạc hậu với thời cuộc, trở thành vật cản đối với sự phát triển đi lên của dân tộc, đất nước. Đó là hệ tư tưởng đề cao và tôn sùng nho giáo đã kéo nước nhà tụt hậu, trở thành miếng mồi ngon của các thế lực thực dân, và thực tế nước ta đã phải trở thành thuộc địa, hậu quả sâu xa là do sự trì trệ của nho giáo gây nên.

Hai là, đó là một nền tư tưởng vay mượn, luôn luôn chịu sự phụ thuộc vào người Trung Hoa, lấy các triều đại bên thiên triều làm chuẩn mực. Điều này một mặt không phù hợp với thực tế tâm lý xã hội của dân tộc ta, mặt khác về lâu dài sẽ là mầm hoạ gây mất nước.

Bà là, hệ tư tưởng đó đầy rẫy những mâu thuẫn. Mỗi triều đại phong kiến lại có chút khác biệt, chính các sự quan đời sau cũng hay phê phán các sự quan đời trước. Như giữa Ngô Sỹ Liên với Lê Văn Hưu hay giữa Ngô Thì Sỹ với cả hai vị tiền bối kia. Bây giờ, nếu bảo lấy một hệ tư tưởng làm chuẩn để học theo thì lấy của thời nào? Lấy kiểu gì cũng bị chê trách. Lấy ở đâu cũng không hoàn toàn phù hợp với nhận thức của xã hội lúc bấy giờ. Chớ quên, việc loại bỏ nhà Triệu khỏi dòng chính đã manh nha xuất hiện từ thời hậu Lê với Việt Sử Tiêu Án. Đến cuối thời Nguyễn, với việc phong trào dân tộc độc lập nên cao, sự ủng hộ đối với việc loại bỏ nhà Triệu còn lớn hơn nhiều. Một ví dụ khác, nếu như lấy trọn vẹn hệ thống phân loại của triều đại phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn, triều đại được coi là mang những giá trị tiến bộ văn minh hơn cả,  thì cũng sẽ phát sinh các vấn đề lịch sử sau: khi đó các triều đại như nhà Hồ, nhà Mạc và nhà Tây Sơn sẽ phải coi là giặc, hoàn toàn bay màu khỏi dòng chính thống. Công lao của họ đối với đất nước sẽ không được ghi nhận, khiến cho nền tảng văn hoá, lịch sử dân tộc xuất hiện những vết đứt gãy lớn.

Như vậy, chúng ta không thể bê nguyên si hệ thống tư tưởng nhận thức của bất kỳ một triều đại phong kiến nào vào thời hiện đại bởi sự lạc hậu, mâu thuẫn lẫn nhau của các hệ tư tưởng đó.

Lật lại vấn đề, hãy đặt giả sử chúng ta làm theo cách mà câu hỏi đã đặt ra. Chúng ta sẽ công nhận mọi triều đại mà tổ tiên đã thừa nhận. Sau đó sẽ luận công tội của các triều đại Hồ, Mạc, Tây Sơn để công nhận họ hay sao? Vấn đề là, nếu làm như thế thì chúng ta dựa vào cơ sở nào để luận công định tội họ? Dùng hệ tư tưởng nho giáo thì họ có mà mang tội tày đình, nghìn năm không gột sạch. Chả nhẽ lại dùng cách hiểu của xã hội thời nay để đánh giá? Không thể được. Đó là việc làm đầy cảm tính, sẽ dẫn đến một hệ tư tưởng đầy mâu thuẫn và rối như mớ bòng bong. Sau này, chúng ta sẽ không thể trả lời được câu hỏi của hậu thế, vì sao nhà Nguyễn bác bỏ nhà Tây Sơn mà chúng ta lại công nhận họ? Vì nhà Tây Sơn có công thống nhất đất nước ư? Thế vì sao nhà Hán lại không được công nhận? Vì họ là người Trung Quốc ư? Nhưng họ cũng có công thống nhất đất đai cơ mà?

Một vòng luẩn quẩn sẽ khiến tư duy chúng ta không còn mạch lạc. Và theo tôi, đó là một cách làm cực kỳ phản khoa học. Lịch sử là một bộ môn khoa học. Nó cũng cần có những nền móng vững chắc và phải được xây dựng bằng những tư duy mạch lạc. Từ đó cho thấy việc xây dựng hệ thống nhận thức tư tưởng mới của nhà nước hiện nay là hoàn toàn đúng.

Vấn đề thứ hai, việc không công nhận nhà nước Nam Việt như vậy có làm nhà nước ta mang tiếng là không nghe theo tổ tiên hay nặng hơn là vả thẳng vào mặt tổ tiên hãy không? Theo người viết thì không. Dựa vào các nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất, nhà nước hiện tại không dùng tới hệ lý luận nhận thức của các triều đại trước chứ không hề vứt bỏ. Chúng ta coi đó là quá khứ, và trân trọng nó, biểu hiện là việc chúng ta trân trọng các giá trị nhân văn tốt đẹp mà các triều đại trước để lại.

Bình Ngô đại cáo viết ra không phải để nhằm công nhận nhà nước Nam Việt. Chính cái tư tưởng Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân của nó mới là thứ khiến tác phẩm này được người đời sau ca tụng. Là câu đề mục ăn tiền, ăn giải của cả tác phẩm. Cái câu trích về nhà Triệu trên chỉ là dẫn chứng cho một mệnh đề khác mà thôi. Tương tự như vậy, ở thời Trần, Hưng Đạo đại Vương từng nói một câu để đời, đó là: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước.” Có thể thấy, nhà nước hiện nay đang kế thừa cái căn cốt gốc rễ của truyền thống dân tộc là lấy dân làm gốc. Việc công nhận hay không công nhận nhà nước Nam Việt chẳng qua chỉ là phần ngọn của cả một nền văn hoá. Người không hiểu gì mới lấy đó làm cái cớ để bôi xấu nhà nước.

Thứ hai, theo quan điểm lịch sử của giới sử học hiện nay, việc các triều đại phong kiến trước kia công nhận nhà nước Nam Việt chính là hệ quả tàn dư của quá trình Hán hoá dân tộc ta chưa được gột sạch hết. Các học thuyết được sử dụng để công nhận Nam Việt đều từ người phương Bắc truyền tới, một vài đặc tính tâm lý cũng do họ ảnh hưởng mà ra. Nếu quay ngược lịch sử mà nhìn nhận, tổ tiên xa hơn của chúng ta không hề coi Triệu Đà là vua. Như Trưng Trắc từng muốn dựng lại nghiệp xưa họ Hùng, chứ không phải họ Triệu, dù rằng đất đai lãnh thổ dưới thời Nam Việt rộng lớn hơn thời Văn  Lang khá nhiều. Còn hiện nay, các đền thờ Triều Đà ở Việt Nam đều có niên đại còn khá mới, tất cả đều chỉ mới được xây dựng dưới những thời kỳ chịu ảnh hưởng sâu của Hán hoá. Các thời kỳ  trước  quá trình Hán hoá thì không hề có. Nói một cách hình tượng, chính giới sử gia hiện tại đang sửa lỗi cho các vị tiền nhân đã chót công nhận Nam Việt.

Hỏi:

Có thuyết cho rằng, Triệu Đà vốn dòng dõi Hùng Vương, lưu lạc đất Bắc, sau về đòi lại đất của tổ tiên. Nếu thuyết này là đúng thì công nhận Nam Việt là hợp lẽ vì đã có công giành lại đất từ tộc Âu Việt. Cho nên, vấn đề này nên hiểu là đang tranh cãi chứ không nên loại bỏ thẳng thừng như hiện nay. Ý kiến của kênh ra sao?

Trả lời:

Câu hỏi này đặt ra một vấn đề hết sức cơ bản của bộ môn nghiên cứu lịch sử. Đó là việc minh định sử liệu.

Trước hết phải nói rằng, người viết cũng đã từng đọc qua rất nhiều tài liệu có đề cập tới giả thuyết này. Khi đi tra ngược để tìm nguồn sử liệu thì mọi tài liệu đó dù dẫn trực tiếp hay gián tiếp đều đưa đến một tài liệu duy nhất. Đó là cuốn Cổ Lôi Ngọc Phả truyền thư. Đây vốn là cuốn ngọc phả của một dòng họ Nguyễn ở làng Cổ Lôi, Đông Anh, Hà Nội.

Điều đáng nói là mặc dù cuốn ngọc phả này đã bị bác bỏ tính sử liệu, coi là ngụy thư, đồng thời các sách sử dụng nội dung của nó làm sử liệu đều đã bị thu hồi và tiêu hủy. Song, sức ảnh hưởng của nó vẫn rất lớn, và nhiều người vẫn tin vào những gì được viết trong cuốn ngọc phả này. Đây là một sự kiện có thật, đã làm chấn động giới sử học nước nhà cách đây chỉ chục năm. Khi mà một loạt các tựa sách lịch sử đã bị thu hồi và tiêu hủy. Các bạn có thể lên mạng tra cứu để có thêm thông tin. [1]

Trở lại vấn đề chính, nước Việt Nam ta có một dòng chảy lịch sử trên bốn ngàn năm. Tuy nhiên, những tài liệu chính sử chỉ bao quát được một phẩn rất nhỏ của quá trình lịch sử lâu dài đó. Chủ yếu là do thất thoát qua chiến tranh, loạn lạc.

Từ đó, các nhà sử học nước ta từ xưa đã phải tìm thêm các nguồn ghi chép khác ngoài chính sử để bổ sung thêm cho các khoảng trống lịch sử. Tuy nhiên, các nguồn sử liệu ngoài chính sử lại có nhược điểm là tính chính xác không cao, rời rạc và nhuốm màu thần thoại lẫn định kiến cá nhân. Việc minh định sử liệu trở thành việc đầu tiên trong nghiên cứu lịch sử, và là bài học vỡ lòng của bất kỳ sử gia nào muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu.

Nguồn tư liệu ngoài chính sử ở nước ta vốn rất phong phú, như các truyện truyền thuyết dân gian của các dân tộc; bút ký, thơ, văn  của những tao nhân mặc khách, quan lại, lái buôn, vân vân. Ngoài ra, các cuốn ngọc phả của các dòng họ lớn cũng có nhiều dữ liệu lịch sử có giá trị.

Này xin cung cấp một số thông tin về việc này. Việc phân định sử liệu được diễn ra theo quy trình: lấy chính sử làm cột trụ, các tài liệu khác sẽ bổ khuyết cho những phần mà chính sử còn thiếu. Các tài liệu lịch sử ngoài chính sử, được mổ xẻ phân tích để triết lấy các yếu tố lịch sử theo các tiêu chí rất cụ thể, có thể kể đến như:

Một là niên đại, một tài liệu đề cập đến sự kiện lịch sử càng gần thời gian nó được viết nên thì càng chính xác. Ví như một cuốn sách thời Lê viết về tình hình nước ta thời Trần hẳn sẽ đáng tin cậy hơn một cuốn sách ở thời Nguyễn viết về cùng nội dung đó.

Hai là tính đối chiếu chéo. Các tài liệu sẽ được đối chiếu chéo lẫn nhau ở từng sự kiện. Ở đây việc đối chiếu với chính sử là quan trọng nhất. Sự kiện nào được ghi chép đồng nhất ở nhiều tài liệu sẽ coi như sự thật lịch sử hiển nhiên, không cần phải tranh cãi.

Ba là, dựa vào những dữ kiện đã được minh định để đánh giá một tài liệu lịch sử. Một tài liệu lịch sử thường chứa trong nó nhiều dữ kiện lịch sử. Khi càng nhiều dữ kiện được xác minh là đúng thì tài liệu đó cũng tăng tính tin cậy của nó. Từ đó mà các dữ kiện khác có trong tài liệu, dù chưa được xác minh, cũng được tăng độ tin cậy phần nào.

Bốn là độ phổ quát của tài liệu lịch sử. Theo đó, một tài liệu lịch sử càng được phổ biến rộng rãi, được nhiều người biết đến thì càng đáng tin cậy. Nguyên do là bởi, càng có nhiều người biết tới thì càng có nhiều sự giám định nội dung bên trong, nhận được nhiều sự phản biện. Từ đó mà tin cậy hơn. Mặt trái của việc này là sự xuất hiện của các dị bản, tiêu biểu là các truyền thuyết dân gian.

Năm là về quan điểm, mục đích cá nhân của người viết, mỗi tài liệu lịch sử đều hàm chứa góc nhìn của riêng cá nhân người viết ra nó. Do góc nhìn, cảm nhận của mỗi người khác nhau, có thể không đồng nhất với góc nhìn, quan điểm của cả cộng đồng, cả dân tộc nên dễ xảy ra trường hợp một số dữ kiện lịch sử bị thêm bớt, sửa đổi cho phù hợp với quan điểm cá nhân. Khi minh định phải luôn chú ý tới điểm này để tránh dẫn sử một cách tùy tiện. Minh chứng rõ ràng nhất là trong các bộ chính sử, các sự kiện luôn được viết theo thiên kiến củng cố sự tốt đẹp của triều đại, trong khi các sự kiện như binh biến, giặc cướp, thiên tai thường chỉ được viết giản lược đến mức qua loa.

Bây giờ, nếu đặt cuốn Cổ Lôi ngọc phả truyền thư vào để minh định tính sử liệu, có thể thấy một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về niên đại, cuốn ngọc phả này được viết vào khoảng thế kỷ 15 đến 16, vào thời hậu Lê. Tức là khá xa thời Triệu Đà, còn so với thời Hùng Vương thì còn xa hơn nữa. Trước cuốn ngọc phả này, đã có rất nhiều tài liệu lịch sử của các thời kỳ trước viết về Nam Việt với nội dung khá thống nhất nhau và khác xa nội dung trong ngọc phả.

Thứ hai, nội dung bên trong cuốn ngọc phả không chỉ có giả thuyết nêu trên. Có nhiều giả thuyết khác cũng được đề cập đến, như tên họ, gốc gác của các anh hùng trong lịch sử nước ta. Khi đối chiếu chéo với các tài liệu lịch sử khác, các thông tin này có một độ vênh rất lớn. Còn đối với một số dữ kiện lịch sử có thể minh định bằng khai quật khảo cổ như mộ chí của một vài nhân vật lịch sử, các dữ kiện lịch sử bên trong cuốn ngọc phả được xác định là sai sự thật. Từ đó làm giảm tính tin cậy của các dữ kiện còn lại.

Thứ ba, cuốn ngọc phả này từ khi ra đời vốn chỉ được lưu truyền trong dòng tộc, gần như không được phổ biến ra bên ngoài. Nó không được nhiều người biết đến, cũng vì vậy mà trong suốt thời gian tồn tại nó gần như không được xã hội giám định lại các nội dung được viết bên trong. Từ đó mà giảm tính tin cậy. Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất khiến nó bị bác bỏ. Xin nói thêm rằng, chính sử thời xưa hay như sách giáo khoa thời nay, được công nhận là đúng không phải vì có nhiều người công nhận mà là do có nhiều người giám sát, thẩm định. Chúng dù chỉ được một nhóm rất ít người viết lên nhưng chính vì chúng được công khai, chịu sự giám sát của cộng đồng, hằng năm luôn được chỉnh lý nên luôn là tài liệu có độ tin cậy cao nhất.

Thứ tư, là do bản chất sử liệu của các cuốn ngọc phả từ lâu đã nhuốm màu thiên kiến. Đó đều là những tài liệu nhằm tôn vinh chính dòng họ của mình, việc tự nâng cao nguồn gốc lịch sử hay truyền thống hào hùng của dòng tộc trong các cuốn ngọc phả là điều dễ hiểu. Có thể thấy điều này qua các cuốn ngọc phả của các dòng họ khác ở Việt Nam.

Chốt lại, thuyết nêu ra vốn đã bị bác bỏ vì không có nguồn sử liệu đáng tin cậy để chứng minh. Từ đó mà vấn đề tính chính thống của nhà nước Nam Việt không cần phải bàn cãi.

Đọc đến đây, chắc nhiều bạn cũng chưa thoả mãn. Vậy người viết xin mở rộng vấn đề thêm một chút để làm sáng tỏ. Sau này, nếu đặt giả sử rằng thuyết lịch sử kia được chứng minh là đúng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Xin thưa với các bạn rằng, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Nhà nước Nam Việt vẫn bị gạt khỏi dòng chảy chính thống của lịch sử nước ta như thường. Bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, dù Triệu Đà có là dòng dõi Vua Hùng thì bản chất ngoại lai của nhà nước Nam Việt đối với người dân Lạc Việt vẫn không thấy đổi. Một mình Triệu Vũ Đế không thể đại diện cho cả giới tinh hoa cầm quyền của Nam Việt. Khi đó, bộ máy lãnh đạo của Nam Việt vẫn gồm đa số là dân phương bắc từ xa tới. Cả văn hoá lẫn mô hình nhà nước là học theo mô hình bên ngoài, không phải từ nội tại phát triển nên, và nhất là, người dân Lạc Việt vẫn phải đứng ngoài cuộc trong việc trị nước của Nam Việt vì kinh đô của nhà nước này nằm ngoài địa bàn sinh sống của dân tộc này.

Thứ hai là tính kế thừa, nhà nước Nam Việt không hề thể hiện một sự kế thừa nào đối với nhà nước Văn Lang. Minh chứng là trong cuộc chiến với An Dương Vương, Triệu Đà không hề giơ cao ngọn cờ phục hưng Văn Lang để lấy tính chính danh. Đến khi đã bình định xong, Triệu Đà cũng chưa từng một lần tiến vào đất cũ, cũng chẳng lấy văn minh Lạc Việt làm căn bản để xây dựng lên nhà nước mới. Trong ngọc phả dòng dõi Hùng Vương cũng không hề nhắc tên Triệu Đà, và trong phả hệ họ Triệu cũng không hề có vị tổ tiên nào ở đất Phong Châu. Thay vào đó là ngọn cờ của đế quốc đại Tần đã được Triệu Đà triệt để sử dụng trong cuộc chiến với Âu Lạc. Một danh nghĩa của ngoại bang.

Nói cách khác, nếu Triệu Đà thực là con dân của Lạc Việt thì ông ta cũng là kẻ đã mất gốc và hành động có thể xem như cõng rắn cắn gà nhà. Không khác gì Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống sau này. Vì vậy vẫn bị bác bỏ là điều có thể hiểu được.

Hỏi:

Nên công nhận Nam Việt vì phần đông dân cư Nam Việt là người Bách Việt, chỉ có thiểu số những kẻ cầm quyền là người phương bắc, sau này cũng dần bị Việt hoá cả. Kênh phản biện ra sao với quan điểm này?

Trả lời:

Quan điểm này sai ở hai điều rất cơ bản.

Thứ nhất, đó là nhận thức nhà nước thuộc về ai. Phải nói rằng cái quan niệm nhà nước là của dân, do dân và vì dân chỉ mới là tiền đề xây dựng đất nước của nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám. Dù rằng tư tưởng dựa vào dân để giữ nước đã manh nha từ thời phong kiến, song nó không phải tư tưởng chủ đạo. Qua các thời kỳ lịch sử, một quốc gia luôn được quan niệm rằng nó thuộc về giai tầng thống trị. Đến ngày nay vẫn còn hiện hữu. Ví dụ để minh chứng như hai đế quốc Đại Nguyên và Đại Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Đó vốn đều là các nhà nước của các bộ tộc chiếm thiểu số trong dân cư xuất đế quốc mà nó cai trị. Nhưng dưới góc nhìn của thời đại, nhà Nguyên vẫn là nhà nước của các bộ tộc Thát, nhà Thanh vẫn là nhà nước của người Mãn Châu. Gần hơn, có thể lấy chính cục diện nước ta dưới thời thực dân Pháp. Những người Pháp ở nước ta chiếm bao nhiêu phần so với dân Việt Nam, mà chính chúng ta lại không thể bằng lòng với thời cuộc. Tới thời hiện đại, tư tưởng này vẫn còn, vẫn giữ sự chi phối trong tư duy của các nhà lãnh đạo ngày nay. Chẳng thế mà Liên bang Mã Lai đã phải đá đít Sinh ga po ra khỏi liên bang vì sợ sự nắm quyền của cộng đồng thiểu số người gốc Hoa.

Nói tóm lại, chính thế lực cầm quyền mới quyết định tính dân tộc của một nhà nước. Nhà nước Nam Việt có giới tính hoa là ngoại bang phương bắc, nên là nhà nước của người phương bắc. Và thực tế nó đã phát triển theo mô hình như vậy.

Thứ hai, nước ta là nước Việt Nam, dòng chảy lịch sử của nước ta luôn gắn với dân tộc Lạc Việt, mọi thăng trầm lịch sử đều gắn với dân tộc này. Cho nên, mọi vấn đề lịch sử đều phải dùng hệ quy chiếu lấy dân tộc Lạc Việt làm gốc để xem xét, đánh giá. Nước Nam Việt xưa, dân cư thuộc ba bộ tộc lớn là Âu Việt, Lạc Việt và Đông Việt. Trong quá trình tồn tại của nhà nước Nam Việt, dấu ấn của cả ba bộ tộc này đều rất mờ nhạt. Dấu ấn của tộc Lạc Việt thậm chí còn mờ nhạt hơn. Tạo ra một vết đứt gãy lớn trong văn hoá dân tộc ta. Trong thời kỳ này, dân tộc ta vừa mất sự tự chủ, vừa dần dần đánh mất bản sắc văn hoá. Nên không thể nhận là nhà nước của tộc Lạc Việt, hay của bất kỳ dân tộc nào trong ba dân tộc kể trên được. Có lẽ đây là quan niệm sai lầm của đa số người hiện nay.

Ở đây xin nói thêm một chút về chủ đề bách Việt. Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn rằng nước ta thời cổ rộng tới miền đồng bằng Hoa Nam, bách Việt chính là dân ta, là trăm dòng Việt nở ra từ trăm trứng.

Xin thưa đây là nhận thức sai lầm và cực kỳ tai hại, có nguy cơ làm sói mòn nhận thức dân tộc, và tiềm tàng nguy cơ mất nước sau này. Xin nói thêm để làm rõ.

Thứ nhất, khái niệm Việt tộc là một khái niệm tù mù trong cổ sử. Trong khi đó danh xưng bách Việt vốn là tên gọi của người phương bắc dùng để gọi các dân tộc ở phía nam của họ. Trong các thư tịch cổ, bách Việt được dùng để chỉ gần năm trăm bộ tộc khác nhau sống ở đồng bằng Hoa Nam và miền Bắc nước ta ngày nay. Thời kỳ này rơi vào khoảng trước và trong thời kỳ Hùng Vương ở nước ta. Trong gần năm trăm dân tộc này, đã có khoảng hai mươi dân tộc đã xây dựng được những nhà nước sơ khai. Phần lớn đều có chữ Việt trong tên gọi, như: Điền Việt, Mân Việt, Dương Việt, Âu Việt, Lạc Việt, vân vân. Đây chính là yếu tố gây hiểu nhầm. Chữ Việt vốn là triết tự hình cái rìu mà thành, sau được dùng để chỉ các bộ tộc dùng rìu làm công cụ lao động chính.

Khi người Hoa Hạ tiến xuống phương nam, vì lười biếng mà họ gọi gộp tất cả các dân tộc trên là bách Việt. Coi tất cả là giống Nam man tăm tối. Gọi nhiều thành quen, dẫn tới lầm tưởng như trên.

Sự thật là trong gần năm trăm bộ tộc đó, mỗi bộ tộc là một dân tộc riêng, có bản sắc văn hoá riêng vô cùng đặc sắc, không thể trộn lẫn, đánh đồng với nhau được. Họ có tiếng nói riêng, một số có chữ viết riêng, và hệ thống tín ngưỡng đặc thù, và nhất là danh xưng bách Việt này không hề xuất hiện trong bất cứ truyền thuyết cổ nào của các dân tộc trong Bách Việt, cho thấy các dân tộc trong bách Việt vốn đã không coi tất cả là một cộng đồng đồng nhất. Bách Việt chỉ là tên gọi của người ngoài gọi họ mà thôi, tự họ không tự nhận như vậy. Minh chứng rõ nhất chính là truyền thuyết Con rồng cháu Tiên chỉ duy nhất người Lạc Việt có. Các dân tộc khác trong bách Việt, mỗi dân tộc đều có một truyền thuyết dựng tộc của riêng mình. Sự tương đồng giữa một vài dân tộc như Âu Việt với Lạc Việt, hay một vài dân tộc khác là điều hết sức bình thường. Điều này xảy ra khi hai dân tộc có địa bàn sinh sống giáp nhau, từ đó nảy sinh sự giao lưu văn hoá và vốn gien. Và khác biệt lớn dần đối với các dân tộc ở cách xa. Điều này có thể thấy ở mọi nơi trên thế giới, nơi có các dân tộc khác nhau nhưng sống cạnh nhau một thời gian dài.

Người Lạc Việt mình là cốt lõi dân tộc của lịch sử đất nước với nhà nước đầu tiên là Văn Lang. Nền lịch sử và nghiên cứu văn hoá nước ta cũng luôn lấy văn minh Lạc Việt là trụ cột của việc nghiên cứu hay phát triển nền tảng văn hoá. Đó mới là nhận thức đúng.

Còn nói, việc nhận thức sai như trên là tiềm ẩn nguy cơ mất nước là bởi hiện nay có rất nhiều kênh và diễn đàn tuyên truyền quan điểm này với mục đích bài Tàu, hạ thấp nền văn minh Trung Hoa, nhưng lại không biết rằng quan điểm lịch sử này lại chính là quan điểm lịch sử mà giới sử học Trung Quốc đang tích cực sử dụng trong nghiên cứu và tuyên truyền, được thao túng đằng sau bởi một động cơ chính trị không mấy tốt đẹp. Đó là muốn nước ta từ việc thừa nhận nguồn gốc bách Việt mà trở lại với đại gia đình bách Việt với họ. Tức là sáp nhập, trở lại thành một tỉnh của Trung Hoa. Các bạn có thể lên mạng và tìm kiếm từ khoá Trung Quốc nghiên cứu lịch sử phục vụ mục đích chính trị hoặc Trung Quốc khuyên Việt Nam lãng tử hồi đầu thì sẽ rõ. [2]

Kết lại, quan điểm nêu trên sai về nhiều mặt. Nó được nhiều kênh mạng và diễn đàn lịch sử sử dụng như một bức bình phong để che đậy mưu đồ chính trị đằng sau.


Chú thích:

[1] https://phanduykha.wordpress.com/2013/09/15/cau-chuyen-lum-xum-ve-mot-cuon-nguy-thu-sach-dom/

[2] https://hrc.org.vn/bac-bo-luan-dieu-trung-quoc-khuyen-viet-nam-lang-tu-hoi-dau/

29 thoughts on “Vì sao không công nhận Nam Việt là nhà nước chính thống của Việt Nam

  1. Thưa tác giả.
    * Cái tên của tác giả làm bản nhân hết sức bối rối vì mình sẽ phải đối thoại với ai đây, MỸ đểu, THỤY ĐIỂN đểu hay là TẦU đểu?
    * Vì thế, hân hạnh xin tác giả lộ rõ danh tính để bản nhân có vinh dự để hầu tiếp, vì, chuyên đề này (nhà Nam Việt của Triệu Đà) cũng có nhiều chuyện để bàn luận đấy ạ!?

    Thích

    • Thưa bạn, tôi là người Việt Nam chính gốc. Cái tên tác giả tôi muốn hiển thị chỉ là một cách chơi chữ của tôi mà thôi. Tên vốn cũng chỉ là để gọi, bạn không nên quá để ý. Nếu muốn tranh luận gì thì xin mời cứ để lại bình luận. Tôi sẵn sàng tiếp chuyện.

      Thích

  2. Nhà Nguyên của Mông Cổ và nhà Thanh của người Nữ Chân thống trị Trung Quốc là phản khách vi chủ, là kẻ cướp vào nước đó rồi chiếm quyền cai trị nước đó, gần như giữ nguyên chế độ phong tục của nước đó (ngoại trừ một số quy định về trang phục và đầu tóc).

    Nước Nam Việt vốn là quận huyện của nhà Tần và chư hầu của nhà Hán, coi nước Âu Lạc của An Dương Vương là Man Di “cởi trần”, thôn tính đánh đuổi An Dương Vương mà đặt Âu Lạc thành chư hầu hoặc quận huyện. Vậy thì cũng như các nhà Hán đặt Âu Lạc thành Giao Châu, nhà Đường đặt thành An Nam đô hộ phủ, nhà Minh đặt thành Giao Chỉ thống sứ ty, nước Pháp Lang Sa đặt thành Nam Bắc Trung Kỳ vậy.

    Những nước Nam Việt, Hán, Đường, Pháp Lang Sa đều xem nước ta là chư hầu thuộc địa, dùng binh đao mà cướp nước ta, hoặc khai thác tô thuế, đặt chức Điển sứ, Đô hộ, Toàn quyền mà thống trị nước ta, có phong vương cho nước ta đâu mà xem họ là chính thống được?

    Thích

  3. Lần này Lão Tiên Sinh phản hồi thấy có HỒN rồi đấy !
    Các sử sách từ thời hậu Lê trở về sau lấy điểm mốc ban đầu là từ triều đại của Triệu Đà đó là đánh dấu nước VN ta khi xưa bị kẻ thù từ phương bắc xuống xâm lược. Là nỗi nhục lớn nhất của dân tộc. Nó kéo dài đến tận 1000 năm bị làm nô lệ ==》 Đây là nỗi đau và khổ nhục của cả dân tộc VN chứ chẳng có gì là vinh dự hay liên quan thân thiết v v Với bọn thống trị ấy cả ! Xin đừng có suy diễn lệch lạc .Còn từ Triệu ở trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyên Trãi xin lỗi đừng có quá LÚ. LẪN cho rằng đây là từ nói đến Triệu Đà ( vì có quá nhiều kẻ quá DỐT cho răng từ Triệu này là nói về Triệu Đà ) Xin thưa từ Triệu này là nói về Triệu Việt Vương tức là Triệu Quang Phục . Ông được vua Lý Bí ( Lý Bôn ) trao quyền lãnh đạo lại từ sau thất bại ở Hồ Điển Triệt vào năm 546 . Sau khi lên ngôi ông xưng là TRIỆU VIỆT VƯƠNG và đưa toàn quân từ vùng Vĩnh Phúc về đầm Dạ Trạch nay thuộc Châu Giang – tỉnh Hưng Yên. Đến năm 571 bị một vị tướng của cánh quân thứ 2 của Lý Bí trước bỏ chạy trốn về Thanh Hóa đó là tên Lý Phật mã giả vờ kết thông gia rồi bất ngờ đánh úp và giết chết vua Triệu Việt Vương vào năm 571
    ==》 Không biết cái 《 Ê KIẾP 》 nào NGU VÀ DỐT đã biến đền thờ của ông Triệu Việt Vương trở thành đền thờ Triệu Vũ ( Võ ) Đế như hình minh họa của bài viết. Thật là một đám hậu sinh KHẢ Ố ! Không có một ai lại tôn thờ kẻ thù của dân tộc mình và tổ tiên của mình cả ! Ngoại trừ những tên Việt Gian bán nước mới làm như vậy ! ( Không biết những người sống ở nơi đây lại khom lưng mà chấp nhận việc đổi TRẮNG thành ra ĐEN như thế này được nhỉ ?? ? Họ có biết tại mảnh đất ấy vua Triệu Việt Vương và biết bao nhiêu người là bậc tổ tiên của họ đã đổ biết bao nhiêu là XƯƠNG – MÁU để giành lại độc lập và chủ quyền cho cả một dân tộc v v hay không ? Vậy mà họ lại nhẫn tâm đem tên của một kẻ thù của dân tộc vào thay thế và thờ cúng v v ==》 Truyền thống yêu nước thương nói hay uống nước nhớ nguồn của những người nơi đây nói riêng và cả dân tộc VN nói chung đã bị vứt bỏ hết rồi chăng ?? ?
    TÔI RẤT MONG TẤT CẢ MỌI NGƯỜI CÙNG CHUNG VAI SÁT CÁNH ĐỂ LÀM SÁNG TÕ VẤN ĐỀ NÀY VÀ SỚM TRẢ LẠI SỰ THẬT CỦA NGÔI ĐỀN NÀY ! ! !
    Bài viết được lấy từ trong giáo án ra nên sặc mùi gõ đầu trẻ và cũng sặc mùi tuyên giáo của cs ( nhưng mà thuộc lớp lỗi thời , vì ngày nay họ đang gấp rút tái hoà nhập vào Trung Cộng qua hiệp ước với các mỹ từ sau MỘT VÀNH ĐAI – MỘT CON ĐƯỜNG. ● ● ● )
    Phú Tiên – TN : 31/08/2021

    Thích

    • Đại Việt sử ký toàn thư [Hậu Lê – Ngô Sĩ Liên chủ biên]

      按舊史不載趙越王、桃郎王,今釆野史及他書,始載越王位號,附桃郎王以補之。
      Xét sử cũ không chép Triệu Việt Vương và Đào Lang Vương, nay nhặt trong dã sử và các sách khác, bắt đầu chép vị hiệu của Triệu Việt Vương và chép Đào Lang Vương để bổ sung ghép vào đây.

      黎文休曰:遼東微箕子不能成衣冠之俗,吳會非泰伯不能躋王覇之強。大舜,東夷人也,為五帝之英主。文王,西夷人也,為三代之賢君。則知善為國者,不限地之廣狹,人之華夷,惟德是視也。趙武帝能開拓我越,而自帝其國,與漢抗衡,書稱老夫,為我越倡始帝王之基業,其功可謂大矣。後之帝越者能法趙武,固安封圻,設立軍國,交鄰有道,守位以仁,則長保境土,北人不得復恣睢也。
      Lê Văn Hưu nói: “Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ [như Trung Hoa], đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác nước Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là ‘lão phu’, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này có thể bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được.

      壬申十五年宋咸淳八年,元至元九年春正月,翰林院學士兼國史院監修黎文休奉勑編成《大越史記》,自趙武帝至李昭皇,凣三十卷上進。詔加奬諭。
      Tuế thứ Nhâm Thân, năm [Thiệu Long] thứ mười lăm [năm 1272], (nhà Tống là năm Hàm Thuần thứ tám, nhà Nguyên là năm Chí Nguyên thứ chín), mùa xuân, tháng giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu là Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký, chép từ thời Triệu Vũ Đế đến thời Lý Chiêu Hoàng, gồm ba mươi quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi.

      興道大王臥病。帝幸其第問曰:「如有不諱,北寇來侵,其策安在?」對曰:「昔趙武立國,漢帝加兵,小民清野,大軍出廉、欽,擊長沙,短兵覆後,此一時也…。」
      Hưng Đạo Vương ốm nằm giường. Vua [Trần Anh Tông] tới nhà thăm, hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?” Vương đáp rằng: “Ngày xưa vua Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, người dân làm kế ‘cánh đồng hết sạch’, đại quân ra Khâm-Liêm, đánh nước Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời…”

      _______________

      Như vậy vào thời ông Nguyễn Trãi soạn Bình Ngô đại cáo là thời vua Lê Thái Tổ thì chưa có sách Đại Việt sử ký toàn thư. Nguyễn Trãi sinh trưởng ở cuối thời Trần, trải thời Hồ và thuộc Minh, theo lối học sử thời Trần xem Triệu Vũ Đế là chính thống, thời này cũng chắc gì đã biết Triệu Việt Vương vì là dã sử. Cho nên nhà Triệu trong Bình Ngô đại cáo phải là Triệu Vũ Đê, là đối xứng với nhà Hán.

      Phải thôi. Thời xưa không phải người Việt nào kể cả các nhà sử học Lê Văn Hưu hay Nguyễn Trãi đều được đọc hết sử Tàu có chép về vua Hùng và An Dương Vương. Các sách sử Tàu phổ biến như Sử ký, Hán thư chỉ chép về Triệu Vũ Đế, cho nên các nhà sử học nước ta mới nghĩ Triệu Vũ dựng nước ta, mà không biết rằng nước ta đã có An Dương Vương rồi. Chuyện về An Dương Vương được chép trong sách Thủy kinh chú (水經注) và một số sách nhỏ khác, các nhà sử học nước ta thời đó chắc không phải ai cũng được đọc qua, có lẽ ông Lê Văn Hưu lúc soạn Đại Việt sử ký không biết là có An Dương Vương mới chép từ Triệu Vũ Đế. Đến thời vua Trần Phế Đế mới có Việt sử lược của Trần Chu Phổ mới có chép An Dương Vương.

      Thích

  4. Lão Tiên Sinh luận giải hay nhỉ ! Vậy chắc Tiên sinh quá là rõ thời gian Lê Văn Hươu soạn Đại Việt sử ký toàn thư thư trước quyển Lĩnh Nam Chích Quái là bao nhiêu năm chứ ? ? ? Mà Lĩnh Nam Chích Quái lại có 13 truyện hoàn toàn trùng khớp với quyết sách Việt Điện U Linh ( Nghi là sao chép lại ) ==》 Vậy thì chẳng lẽ Lê Văn Hươu lại quá là kém kiến thức lắm à ? ? ? Và cả triều đại lại không ai biết hết à ? ? ? Ông ta lấy cái mốc này là đánh dấu mốc thời gian gian đầu tiên của nước Việt bị mất chủ quyền và bị bọn giặc ở phương bắc cai trị .
    Chính sự hung hăng và quá tham lam của Triệu Đà mà gây họa về sau và làm cho nước Việt lại rơi vào tay nhà Hán ( Nếu hắn không xâm chiếm đất Mân Việt , đất Trường Sa, đất Dạ Lang, đất Tây Âu v v )
    Khi xưa xâm chiếm nước Việt nhưng họ đóng đô ở tại Phiên Ngung nay là Hoành Phố chứ đâu có đóng đô ở MB của VN đâu, và cũng chẳng có sử sách Việt nào ghi chép lại CỐNG ĐỨC hay việc làm nào của hắn ta có ÍCH cho dân tộc Việt Nam cả !
    Còn nếu có dựng đền thờ thì sao không dựng ở các trung tâm ở thời ấy chứ ? Và sau chỉ có mỗi một cái ở tỉnh Hưng Yên vậy ? ? ? Các nơi khác thì không có ? ? ? CHẲNG LẼ CÁC VỊ KHÔNG CÓ BIẾT TƯ DUY À ? ? ?
    SAO LẠI DỰNG ĐỀN THỜ CỦA TRIỆU ĐÀ LẠI NGAY VÙNG ĐÓNG ĐÔ CỦA VUA TRIỆU VIỆT VƯƠNG CHỨ ? ? ? ( LÝ DO GÌ ? ? ? )
    Riêng về đọc giả Tuấn Lê không biết đọc giả có hiểu biêt qui luật viết Văn, Thơ theo dạng BÌÊN NGẪU , ” SONG MÃ LƯỚT CÂU ” Không vậy ? ? ? Nếu biết thì cũng nên biết Ngyuên Trãi đã dùng thể loại ấy ở đoạn văn này ! Ý VÀ NGHĨA CỦA 2 CÂU LUÔN ĐỐI LẬP NHAU
    Có nghĩa là câu văn trên mang tính chính nghĩa của người Việt xưa , còn câu dưới là mang tính phi nghĩa của bọn giặc ở phương bắc .
    Hơn nửa Triệu Đà đã thần phục nhà Hán, thì không thể nào hợp với lòng dân của người Việt xưa được ! ! !
    Phú Tiên – TN :03/09/2021

    Thích

    • Hán thư – Cao Đế kỷ [Hán – Ban Cố soạn]

      五月,詔曰:「粵人之俗,好相攻擊,前時秦徙中縣之民南方三郡,使與百粵雜處。會天下誅秦,南海尉它居南方長治之,甚有文理,中縣人以故不耗減,粵人相攻擊之俗益止,俱賴其力。今立它為南粵王。」 使陸賈即授璽綬。它稽首稱臣。

      Tháng năm [năm thứ mười một thời Cao Đế tức năm 196 trước Công nguyên], hạ chiếu rằng:

      – “Thói quen của người Việt là hay đánh đấm nhau, khi trước nhà Tần dời dân của Trung Huyện [tức Trung Quốc] đến ở ba quận [tức Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận] miền nam, sai ở lẫn với Bách Việt. Gặp lúc thiên hạ diệt nhà Tần, quan Úy quận Nam Hải tên là Đà đứng đầu thống trị ở miền nam, rất có văn lý [phép tắc], do đó người Trung Huyện không bị giảm tổn, mà thói quen đánh đấm nhau của người Việt cũng ngày càng dừng, đều là nhờ sức của Đà. Nay lập Đà làm vua nước Nam Việt.”

      Liền sai Lục Giả đi sứ trao cho ấn thao. Đà rập đầu xưng thần.

      _______________

      Lĩnh Nam trích quái của Trần Thế Pháp được cho là ở thời Trần nhưng không rõ cụ thể đầu hay cuối thời. Việt điện u linh tập cũng vậy.

      Lê Văn Hưu soạn Đại Việt sử ký vào năm Thiệu Long thứ mười lăm thời vua Trần Thánh Tông tức năm 1272, chép từ Triệu Vũ Đế trở về sau mà không chép thời Hùng Vương. Đây là một thiếu sót rất căn bản. Chỉ có thể giải thích là thời Trần vì thiếu thư tịch, thời Hùng Vương chỉ được chép trong các sách nhỏ, chứ không chép trong chính sử của Tàu. Thời ấy sách vở không phổ biến như đời sau, không phải người Việt Nam thời Trần như các ông Lê Văn Hưu có thể được đọc hết.

      Chỉ dựa theo chính sử từ Sử ký-Hán thư thì nước ta là quận Giao Chỉ được nói đến khi nhà Hán bình định nước Nam Việt. Từ đó sử gia mới nghĩ Triệu Đà dựng nước ta. Đương thời các ông Trần Hưng Đạo cũng xem Triệu Đà là người dựng nước. Cuối thời Trần [khoảng thời vuaTrần Phế Đế ]có lẽ mới khác, bộ Việt sử lược mới bắt đầu chép về thời Hùng Vương. Cũng có ông Lê Trắc hàng nhà Nguyên sang Tàu cũng đọc nhiều sách Tàu mà soạn An Nam chí lược cũng có chép về An Dương Vương và Lạc Vương [tức Hùng Vương].

      Lời bàn của Lê Văn Hưu sánh Triệu Đà với Cơ Tử, tức có ý nói Triệu Đà mở nền văn hiến ở nước ta, như Cơ Tử với nước Triều Tiên vậy. Cho nên thời Hậu Lê ông Nguyễn Trãi nói nước Đại Việt xưng nền văn hiến đã lâu tức Triệu Đinh Lý Trần đối ứng với Hán Đường Tống Nguyên của Trung Quốc.

      Thích

  5. NEW ATLAS ngày 01/09/2021 đưa tin : ,Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS ONE : Nhóm nghiên cứu – khảo cổ hoc khai quật một gò đất dài 80 m rộng 50 m cao 3m , bao quanh gò đất là một cái hào nhân tạo rộng 2m và sâu 15 m , ở thị trấn Qiao Tou thành phố Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang. Họ thu được 2 bộ hài cốt và hàng chục chiếc bình gốm với nhiều kích cỡ và có hình dáng khác nhau, một số được vẽ trang trí . BÊN TRONG LÀ SẢN PHẨM BIA ( ngọt ) họ ủ từ lúa và ý dī v v
    Ngôi mộ này được xác định là có niên đại 9000 năm . Khu vực này xưa kia là thuộc nhà nước Lương Chữ và cũng là nước NGÔ thời Xuân Thu. Những người sống ở đây văn minh đến như vậy ! Bản chất của họ luôn tôn trọng và giữ hoà hiếu v v Chứ họ không có tham – tàng – hiếu sát như bọn người từ phương Bắc xuống . Bọn Ngô Thái Bá là dòng tộc của nhà Chu từ đất kỳ Sơn trốn xuống vì quá tham tàng nên cuối cùng cũng bị diệt vong . Họ Châu là hậu dụê của Châu Tử Đan con trai thứ hai của Phục Hy xưa đóng đô ở thành Xích Đế sau bị ông nội của Đế Minh đánh chiếm và đổi tên thành thành Bạch Đế ==》 LÀ GIỐNG MAN DI DU MỤC TỪ VÙNG THANH HẢI -TÂY TẠNG TIẾN VÀO TRUNG NGUYÊN ● ● ●
    《 CÓ HAY HO TỐT ĐẸP GÌ CHỨ ? ? ? 》
    Phú Tiên – TN :03/09/2021

    Thích

    • Lữ thị xuân thu [Chiến quốc – Lữ Bất Vi chủ biên]

      古者丈夫不耕,草木之實足食也;婦人不織,禽獸之皮足衣也。不事力而養足,人民少而財有餘,故民不爭。是以厚賞不行,重罰不用而民自治。今人有五子不為多,子又有五子,大父未死而有二十五孫,是以人民眾而貨財寡,事力勞而供養薄,故民爭,雖倍賞累罰而不免於亂。

      Thời xưa, đàn ông không phải cày ruộng, quả của cây cỏ đủ để ăn vậy, đàn ba không cần dệt vải, da của cầm thú đủ để mặc vậy. Bấy giờ người dân không cần gắng sức mà vẫn đủ ăn mặc. Người dân đã ít mà của cải còn thừa, cho nên người dân không tranh giành. Cho nên không cần thưởng nhiều, không phải phạt nặng mà người dân tự yên ổn.

      Thời nay, người dân có năm người con trai không phải là nhiều, năm người con trai lại mỗi người sinh ra năm người con trai nữa, ông nội chưa chết mà đã có hai mươi lăm người cháu trai rồi. Cho nên dân ngày càng đông mà của cải lại ít, dùng nhiều sức mà của cải chia ra lại thiếu, cho nên người dân tranh giành, dù có thưởng to phạt nặng đến mấy thì cũng không tránh được nhiễu loạn.

      ____________

      Thời xưa còn dùng lối thắt nút, bộ lạc láng giềng nghe tiếng gà chó được từ lúc sinh ra đến lúc chết cũng không qua lại thăm hỏi lẫn nhau. Rừng già sông rộng, bãi cỏ bát ngát, tha hồ thỏa thích, không phải tranh giành.

      Từ thời Hoàng Đế về sau, cày ruộng, dệt vải, làm gốm, luyện kim, bắt đầu làm binh khí, đánh Xi Vưu ở cánh đồng Trác Lộc, thưởng nhiều phạt nặng, Ngũ Đế-Tam Vương đều như thế là khó tránh được. Thương Hiệt làm nên chữ viết thì kỹ xảo ngày càng gay gắt. Chữ viết có thể truyền tải đạo đức của thánh nhân, cũng là thứ để truyền tải bạo loạn. Đến nỗi trời ngày phải trổ mưa thóc, quỷ đêm phải khóc để cảnh báo.

      Do đó trải đến thời Xuân thu Chiến quốc, chiến tranh phi nghĩa ngày càng khốc liệt, máu chảy thành sông, thây chất thành núi. Trải qua Hán Đường đến nay, cũng không tránh được nhiễu loạn. Cho nên thầy tôi là Lão Tử mới chủ trương vô vi, phải về bản tính trong sạch thời xưa, phải như thời thắt nút.

      Thái Bá dù có đức nhường nhịn mà trốn tránh ở Kinh Man, đem theo văn minh của nhà Châu mở mang ở Ngô Việt thì cũng không tránh được diệt vong. Là thời thế đã an bài, Ngô Việt đã thấm nhuần văn hóa Trung Hoa, từ hạt giống đầu tiên là Thái Bá, sau nữa là dòng dõi vua Thiếu Khang nhà Hạ.

      Nước ta liền kề ở sông biển, cũng không tránh khỏi văn hóa Trung Hoa, kể từ lúc Triệu Đà dựng nước ở Nam Việt cũng vì thế.

      Thích

  6. ● Lão Tiên Sinh luận giải hay quá nhỉ ? Họ xâm chiếm ở thời xưa không phải vì họ thiếu thốn hay bị đói khác và ngày nay cũng như thế đấy ! Chẳng hạn như nước Nga cách nay mấy năm họ xâm chiếm bán đảo Craimia , và toan chiếm vùng Don bass của nước Ukraina =》 Người Nga đâu có đói khát hay thiếu đất đâu chứ ? ? ?
    Chẳng qua là bản chất hoang dã + sự tham lam + sự ích kỷ và bản chất lười lao động mà thích hưởng thų cao sang v v mà họ ra tay tàn bạo v v Để thỏa mãn cho bản thân của họ mà thôi ! ! !
    ● Năm 196 TCN nhà Hán cử Lųc Giả xuống Nam Việt trước là chiêu dų Triệu Đà, còn sau là Cảnh cáo Triệu Đà là không được đem quân đánh chiếm các nước láng giềng vì họ là các nước chư hầu của nhà Hán . Vì biết nhà Hán suy yếu bị bọn Hung Nô bắt làm chư hầu nên Triệu Đà mới tác oai tác quáiở vùng nam sông Trường Giang nên bị các nước khác đầu cáo với nhà Hán mà chống lại Triệu Đà . Đến khi nhà Hán phục hưng lại và tiến đánh Nam Việt và tiêu diệt nước Nam Việt vào mùa đông của năm 111 TCN
    ● Lê Văn Hưu, người Thanh Hoá sinh 1230 mất 1322 , Ông đậu tiến sĩ năm 1247 thời vua Trần Thánh Tông ( làm vua từ 1258 đến năm 1278 ) Năm 127, Ông nhận được chỉ dų định biên soạn bộ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, gồm 30 quyển soạn theo phương pháp của Tư Mã Quang , tác giả của bộ sách Tư Trị Thông Giám của TQ . Nội dung bắt đầu từ khi Triệu Đà trị vì và chấm hết ở thời Lý Chiêu Hoàng ( 1225 ) ( nay chỉ còn 15 quyển )
    ● Quyển sách Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên viết vào năm 1329 , Quyển Lĩnh Nam Chích Quái ( cho rằng của Trần Thế Pháp viết vào năm 1397 )
    Còn trước đó thời nhà Lý thì có quyển sách Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên viết
    ==》 Như vây cho chúng ta thấy rõ rằng việc Lê Văn Hưu viết bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lấy mốc khởi đầu là từ thời của Triệu Đà CAI TRỊ là do Ý ĐỊNH CỦA VUA TRẦN THÁNH TÔNG VÀ HOÀNG TỘC CỦA NHÀ TRẦN chứ không phải là Ông không biết hay không có sách viết về thời kỳ Hùng Vương và An Dương Vương .
    VẬY THÌ LÝ DO GÌ MÀ NHÀ TRẦN LẠI CHỌN MỐC KHỞI ĐẦU CỦA NƯỚC ĐẠI VIỆT VÀO THỜI CAI TRỊ CỦA TRIỆU ĐÀ ? ? ? ( Lão Tiên Sinh hoặc vị Cao Nhân nào có Cao kiến luận giải ☆ ☆ ☆ )
    ● Do đó khi viết bài Bình Ngô Đại Cáo thì không có lý do gì mà nói là Nguyên Trãi cũng không biết thời Hùng Vương dựng nước và càng VÔ LÝ hơn là nói rằng NguyênTrãi không biết về vị vua Triệu Việt Vương.
    ● Vào thời Vua Triệu Việt Vương dời căn cứ từ Vĩnh Phúc về vùng Hưng Yên thì nơi đây còn là vùng hoang du xung quanh toàn là đầm lầy v v đó là năm 546 SCN còn Triệu Đà chết là năm 137 TCN khoảng cách là 683 năm =》 Vậy vào thời điểm Triệu Đà xâm chiếm và cai trị thì vùng đất của Tỉnh Hưng Yên là như thế nào ? ? Liệu có người sinh sống được ở đó hay không vậy ? ? ? Chắc ai cũng biết tỉnh Hưng Yên ngày xưa ở hạ nguồn của con sông Hồng và sông Thái Bình mà con sông Hồng lại nằm ở tốp đầu của những con sông có tỉ lệ chất Phù sa xếp vào loại cao nhất về lựu lượng nước thì ở mức trung bình =》 do đó tốc độ bồi đắp hàng năm cho vùng đất này thật là to lớn v v
    ● Nếu nói Triệu Đà anh minh Nhân TỪ vậy thì ở khắp mọi nơi trên đất Nam Việt kể cả bên TQ cũng không có lập đền thờ , Vậy Triệu Đà có Công Đức gì ở nơi ấy mà để cho người ta phải lập đền thờ chứ CÁC VỊ CHẲNG THẤY LẠ HAY SAO CHỨ. ? ? ?

    Thích

  7. nếu nói lịch sử Việt nam chủ yếu xoay trên trục Lạc việt,không dính líu nhiều tới nước Việt cổ sao người dân Việt nam nào cũng nằm lòng câu;’ công cha như núi Thái sơn….’ (thuộc nước Việt cổ)hay trong truyện Thánh Gióng ;đời hùng vương thứ 6,giặc Ân sang xâm chiếm nước ta….; hình như biên giới nước Việt cổ trùng với biên giới nhà Ân,tôi là người ngoại đạo,xin được chỉ giáo

    Thích

  8. Hỏi rất hay !.Núi Thái Sơn là một trong những dãy núi cao và lớn vào bậc nhất của TQ. Núi nằm ở hướng tây của tỉnh Sơn Đông của TQ ngày nay . QUÊ CỦA Khổng Tử ở hướng đông của dãy núi này thuộc nước Lỗ ( 551 TCN – 479 TCN ) Ông là người sáng lập ra Nho giáo và chữ ĐIỂU TRÙNG THƯ vì ông họ Khổng tức là CHIM CÔNG nên người đời mới gọi loại chữ của ông là như vậy !
    Trước đây người Việt đa số điều học theo nho giáo. Bên cạnh đó phần đông người sinh sống ở miền bắc VN khi xưa là những người chạy trốn từ phương bắc xuống và sống với người Việt bản địa ( cụ thể là vị tổ của các vua Trần cũng có nguồn ở nước Trần ở phía nam của tỉnh Hà Nam TQ ngày nay. năm 478 TCN bị nước Sở đánh chiếm . Không biết tổ tiên của các vua Trần di cư xuống phía nam là từ khi nào, Nhưng đến đời Trần Kinh thì mới vào miền bắc của VN và sống bằng nghề đánh bắt cá sống trên sông nước , vào khoảng giữa thế kỷ thứ Xl ( thời kỳ đầu của nhà Lý )
    Do đó bài ca dao được người dân VN biết và thuộc lòng là không có gì là lạ cả ! v v
    Nhà Ân do vua Bàn Canh đời thứ 8 của nhà Thương khi ông ta đánh chiếm lên vùng đất của nước Ân nơi giáp ranh của tỉnh Hà Nam và Sơn Tây của TQ ngày nay và ông đã dời kinh đô từ đất Thương Khẩu lên đất Ân nên mới có tên là nhà Ân hay còn được gọi là Thương – Ân, vào năm 1358 TCN . Các triều đại sau không ngừng đánh chiếm các nước giáp biên giới để nhập vào nước Ân đến giai đoạn cuối thì đánh chiếm nước Dương Việt và lại dời kinh đô xuống phía nam ở đất Dương Việt. Nay là thành phố Vũ Hán của TQ ngày nay. =》 các vua nhà Ân chỉ đánh chiếm các nước giáp với nước mình khi các nước này không chịu hoà nhập vào nước Ân. Họ không có đánh các nước ở xa nước Ân cả !
    =》 Nếu như vào thời Vua Hùng Vương thứ 6 thật sự có xảy ra thì chắc chắn nó không xảy ra ở miền Bắc của VN mà là nó ở một nơi nào đó ở bên TQ. .
    =》 Nếu vào thời Bàn Canh có xảy ra ra cuộc chiến với Vua Hùng Vương thứ 6 thì cho ta thấy rằng Lộc Tục cũng sống vào thời điểm của vua Thành Thang người sáng lập lập ra nhà Thương 1566 TCN mà thôi ! ( Vì từ Hùng Vương thứ 6 lên đến Lộc Tục có 8 đời = từ Thành Thang xuống đến Bàn Canh cũng 8 đời
    ==》 Do đó cái học thuyết từ 2889TCN của lịch sử bị sụp đổ hoàn toàn toàn. ● ● ●
    Thật ra về vấn đề lịch sử của nước Việt ở miền Bắc của VN còn có nhiều điều bị che khuất của sự thật . Nó không phải như những gì trong sách sử của ta hay của TQ cả !
    Phú Tiên – TN :07/09/2021

    Thích

    • Hoàng Đế nội kinh (黃帝內經) [Tiên Tần – Y gia soạn]

      昔在黃帝,生而神靈,弱而能言,幼而徇齊,長而敦敏,成而登天。迺問於天師曰:余聞上古之人,春秋皆度百歲,而動作不衰;今時之人,年半百而動作皆衰者,時世異耶,人將失之耶?歧伯對曰:上古之人,其知道者,法於陰陽,和於術數,食飲有節,起居有常,不妄作勞,故能形與神俱,而盡終其天年,度百歲乃去。今時之人不然也,以酒為漿,以妄為常,醉以入房,以欲竭其精,以耗散其真,不知持滿,不時御神,務快其心,逆於生樂,起居無節,故半百而衰也。

      Ngày xưa Hoàng Đế khi sinh ra đã như thần linh, từ nhỏ đã giỏi ăn nói, tuổi thơ đã rất thông minh, tuổi trẻ thì nhanh nhẹn, lớn lên thì tháo vát, tuổi trưởng thành thì lên ngôi thiên tử. Bèn đến hỏi thầy thuốc của nhà trời rằng:

      – “Tôi nghe nói người thượng cổ sống đến trăm tuổi mà động tác không suy yếu. Người ngày nay, tuổi mới năm mươi mà động tác đã suy yếu, là thời thế khác biệt thì con người cũng khác sao?”

      Kỳ Bá đáp rằng:

      – “Người thượng cổ đều là người biết đạo, thuận theo âm dương, hòa với thuật số, ăn uống có tiết chế, nằm dậy có quy luật, không tự ý làm việc lao lực, do đó hình và thần đều đầy đủ mà sống hết tuổi trời, ngoài trăm tuổi mới chết. Con người ngày nay thì không như thế, lấy rượu làm canh, tùy ý không theo quy luật, say rượu vào phòng the, vắt kiệt tinh lực, hao tán hết chân khí, không biết giữ cho đầy, không chế ngự được tinh thần, chỉ mong muốn giải trí vui vẻ cái tâm, trái ngược với niềm vui sống, nằm dậy không tiết chế, do đó mới nửa trăm tuổi mà đã suy yếu rồi.”

      ______________

      Đại Việt sử ký toàn thư [Hậu Lê – Ngô Sĩ Liên chủ biên]

      鴻厖氏,自涇陽王壬戌受封,與帝宜同時,傳至雄王季世,當周赧王五十七年癸卯終,該二千六百二十二年。

      Dòng họ Hồng Bàng từ lúc Kinh Dương Vương nhận phong tước cùng thời với Đế Nghi về sau, truyền đến cuối thời Hùng Vương là năm thứ năm mươi bảy của vua Châu Noản Vương tuế thứ Quý Mão, cả thảy khoảng hai nghìn sáu trăm hai mươi hai năm.

      _________________

      – Thời xưa sống chậm mà chắc, thọ đến hơn trăm tuổi là chuyện thường. Do đó họ Hồng Bàng mười tám đời vua Hùng hơn hai nghìn năm cũng có thể, trung bình mỗi đời hơn 100 năm, vô vi mà trị thiên hạ yên vui, không có tranh giành thì mới được.

      – Nhà Ân thời vua Cao Tông xâm lược Văn Lang ở đồng bằng sông Hồng cũng có thể. Thời Đào Đường họ Việt Thường đem cống rùa thần nghìn tuổi, thời Châu Thành Vương, họ Việt Thường cũng đến cống chim trĩ. Việt Thường là nước ở phía nam Giao Chỉ. Cũng có thể Việt Thường là bộ lạc của Văn Lang vâng mệnh vua Hùng mà đi sứ. Bằng cách nào đó, đã có con đường liên lạc giữa Giao Chỉ và Trung Nguyên dù cách xa vạn dặm. Con đường ấy cũng là để nhà Ân vua Cao Tông đến xâm lược Văn Lang. Chứ không nhất thiết Văn Lang phải ở sát vách biên giới nhà Ân.

      Câu ca dao núi Thái Sơn ra đời thời nào, nhưng thơ lục bát thì vào thời Hậu Lê về sau. Thời này Việt Nam thịnh hành Nho học, mới biết đến núi Thái Sơn trong sử Tàu mà thôi. Núi thiêng Việt Nam được nhắc đến nhiều chắc chắn là núi Tản Viên của thần Sơn Tinh và núi Sóc Sơn của Thánh Gióng, đều ở Giao Chỉ.

      Thích

  9. Tất cả sách Lịch Sử đầu tiên của nước ta đều coi nhà Triệu là “ta”. Được xếp riêng thành một “KỶ”.

    Đọc Kỷ nhà Triệu, ta thấy các cụ xưa nói rõ các đời vua thuộc “kỷ này” – mở đầu là Triệu Đà.
    Tư liệu chình ình ra đó, tha hồ đọc. Hà cớ gì nhầm lẫn với Triệu Quang Phục (vị này làm vua 3 năm, hiệu là Triệu Việt Vương), rồi chê thiên hạ là ngu dốt.

    Từ khi nào có chuyện “không công nhận Kỷ nhà Triệu”?

    Không kể đám hậu sinh, ngay cả những vị thích khoe chữ (như Tích Dã) cũng không biết rằng: Từ khi Sử Việt được viết lại dưới quan điểm (ngọn) Mác và (lưỡi) Lê thì mời có chuyện lộn tùng phèo. Ví dụ, coi đám giặc Tây Sơn là “khởi nghĩa nông dân”, coi Gia Long là “bán nước”…

    Đố ai tìm được tài liệu trước 1945 coi nhà Triệu là kẻ thù của VN.

    Thích

    • Sử Tàu cũng có tranh cái chính và ngụy. Nền sử học non trẻ của Việt Nam bắt đầu thời Lý Trần chép Nam Việt vào bản kỷ như các nhà Đinh Lý Trần Lê Nguyễn. Tuy nhiên cũng có học giả phê phán trong Việt sử tiêu án (越史標案) của Ngô Thì Sĩ thời Hậu Lê.

      大書趙紀、武帝,後人相沿,莫知其非,夫南海桂林之越非交趾、九真、日南之越。
      Sách cũ chép vua Vũ Đế kỷ nhà Triệu, người đời sau chép theo đó mà chẳng ai biết cái sai ấy là người Việt của các xứ Nam Hai-Quế Lâm không phải là người Việt của các xứ Giao Chỉ-Cửu Chân-Nhật Nam.

      Có lẽ từ thời Lê Văn Hưu chép sử Việt bắt đầu từ Triệu Vũ Đế là vì khởi đầu tên nước Việt và mở đầu văn hiến cho nước Việt.

      Thích

  10. Có mấy điều xin được bổ sung:
    1- Thời Hai bà Trưng khởi nghĩa, cương vực nước ta rất rộng, nằm ở phía nam dãy Ngũ Lĩnh (tên là Lĩnh Nam). Câu thơ trong Đại Nam quốc sử diễn ca: “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”
    2- Trước khi Ngô Quyền khởi nghĩa, nước ta gồm 12 quận, có 4 quận giáp nui Ngũ Lĩnh. Khi khởi nghĩa thành công, chỉ còn 8 quận. Dãy Ngũ Lĩnh lúc này cách biên giới phía Bắc nước ta (thời Ngô Quyền) hàng ngàn kilomet
    3- Lịch Sử thành văn chính thức từ thời Triệu Đà. Thừa tướng Lữ Gia (thờ 3 đời vua) lãnh đạo kháng chiến, lui quân và thất bại, chết ở đất Giao Chỉ.
    4- Thời Hùng Vương, chưa có ghi chép chính thức, chỉ chắp nhặt để cố viết thành Sử.

    Thích

    • Xin lỗi, tôi phải kéo ông về với mặt đất, vì ông bay bổng trên mây cao quá.

      1. Bà Trưng khởi ở Giao Chỉ, bọn Man Lý các quận Cửu Chân Nhật Nam Hợp Phố hưởng ứng theo, đánh cướp sáu mươi lăm thành, xưng vương. Đánh cướp thì chắc gì đã thống trị được? Thủy kinh chú ghi Bà Trưng thu thuế được hai quận Giao Chỉ Cửu Chân mà thôi. Tên gọi Lĩnh Nam là địa lý từ Ngũ Lĩnh về nam, Giao Chỉ cũng thuộc vào đó, thì Bà Trưng không hẳn là chiếm được cả Lĩnh Nam. Hơn nữa Diễn ca ra đời sau này do các nhà văn sáng tác.

      2. Ngô Quyền khởi nghĩa nối tiếp họ Khúc họ Dương là đất An Nam đô hộ phủ thời Đường, có 12 châu, trong đó có các châu lớn là Giao, Ái, Hoan, Phong, còn lại là các châu ki mi lỏng lẻo của các bộ tộc Lý Lão. Từ phủ thành Đại La tức Hà Nội lên Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn đã là đất Lý Lão tức người Tày Nùng rồi, xưa là các khê động họ Hoàng, họ Nùng đã là dân tộc khác rồi. Sau này 12 sứ quân cũng chỉ chiếm giữ đồng bằng là người Kinh ngày nay ở xung quanh Hà Nội và Thanh Hóa. Các xứ biên giới Lạng Sơn xưa nay vẫn là vùng dân tộc thiểu số.

      3. Lịch sử Nam Việt là người Dương Việt (揚越) với người Hán, trở thành người Hán ở Quảng Đông và các dân tộc Choang-Đồng nói tiếng Tày Thái ngày nay. Lịch sử Giao Chỉ là người Lạc Việt (駱越) nói tiếng Nam Á. Ông về tỉnh Quảng Đông huyện Thuận Đức mà nghe kể về sự tích của thừa tướng Nam Việt là Lữ Gia nhé, Lữ Gia thua ở Phiên Ngung rút chạy về và bị bắt ở đấy.

      4. Thời Hùng Vương có chép trong sách Tàu. Sử Việt do các sử gia thời đầu như Lê.Văn Hưu đã không phát hiện ra. Sau mới có các Việt sử lược chép mới chép đến.

      Thích

  11. ●《 TỪ khi ,Thục An Dương Vương ( – 257 ) vào làm vua nước ta, đã mở đường cho nước ngoài đến cướp chủ quyền nước ta . Kế đến Triệu Úy Đà ( -179 ) người Chân Định nhà Hán luôn kiêm cả đất nước ta. Người nước ta NGU DẠI không biết , cam tâm cuối đầu theo mà TÔN là ĐẾ là VƯƠNG ● ● ● ( trích trong Việt Nam quốc sử khảo của Phan Bội Châu viết năm 1909 .)
    ● Từ nhà hậu Lê thì các sách sử điều có ghi lại việc của Triệu Đà đích thân cùng với Nhâm Ngao đem quân qua xâm chiếm nước Âu Lạc và bị đánh bại ở Tiên Du Bắc Ninh ngày nay. Và giai đoạn sau này nữa ! =》 Nhưng lý do gì mà các vua quan từ thời Trần cho đến thời Nguyēn mà không xem Triệu Đà là tên xâm lược ? ? ?
    NẾU ==》 ? ? ? I ●

    Phú Tiên – TN : 09/09/2021

    Thích

  12. Quảng Đông tân ngữ (廣東新語) [Thanh (清) – Khuất Đại Quân (屈大均) soạn]

    順德桂洲堡有呂相祠,神甚赫。相傳為宋呂文煥於甲子門與元人戰敗赴水死,屍溯流至,鄉民祠之。咸平間,封忠湣武靈侯。考《通鑒》,文煥以襄陽絳元,為參知政事,每導元人入寇,德祐初,籍其家。宋亡,入見太后,尚出怨言。乃宋叛臣,無戰甲子門事,況咸平乃真宗年號,先文煥二百餘年,則所傳者訛也。邑西南有地名石湧,南越相呂嘉故鄉也。當漢兵南下,嘉於其鄉築石湧、金鬥二城以為守。敗後伏波追奔至此,編橋度兵,既獲嘉,橋遂以伏波名。桂洲與石湧一水相連,溯流而至必嘉也。為南越相故稱相,此乃嘉之子孫,居於石湧者之所祠也。嘉本越人之雄,尉佗得之,因越人之所服而相之,而南越以治。佗之能用越人如此。秦將屠雎不能用桀駿以敗,番君吳芮能用梅鋗以興。越人之不可忽也如此。嗟夫!越人固多六千君子之遺烈者哉!

    Lũy Quế Châu (桂洲) huyện Thuận Đức (順德) có đền thờ Thừa tướng họ Lữ (呂), thần được thờ trong đền ấy rất linh thiêng. Tương truyền vị thần ấy là người thời Tống (宋) tên là Lữ Văn Hoán (呂文煥) đánh chống quân Nguyên (元) ở cửa Giáp Tý (甲子), thua trận phải nhảy xuống sông mà chết, thây trôi ngược dòng đến đấy, người làng bên sông ấy nhân đó mà dựng đền thờ ngài. Giữa năm Hàm Bình (咸平) phong cho vị thần ấy là Trung Mẫn Vũ Linh Hầu (忠湣武靈侯). Xét sách Thông giám (通鑒) chép Văn Hoán đem thành Tương Dương (襄陽) hàng quân Nguyên, làm Tham tri chính sự (參知政事), thường dẫn đường cho quân Nguyên vào cướp. Đầu năm Đức Hữu (德祐), bắt thu người nhà của y. Khi nhà Tống mất, y vào gặp Thái hậu (太后) mà còn nói lời giận. Y là bề tôi phản lại nhà Tống, không có chuyện đánh chống quân Nguyên ở cửa Giáp Tý, huống chi năm Hàm Bình là niên hiệu của vua Chân Tông (真宗) trước thời Văn Hoán hơn hai trăm năm. Vậy thì lời truyền ấy là lầm vậy. Phía tây nam huyện có tên đất gọi là Thạch Dũng (石湧), là làng cũ của Thừa tướng nước Nam Việt (南越) là Lữ Gia (呂嘉). Thời ấy quân Hán (漢) xuống miền nam, Gia đắp hai tòa thành Thạch Dũng (石湧)-Kim Đấu (金鬥) ở làng mình để chống giữ. Sau khi thua trận [ở thành Phiên Ngung] bị Phục Ba [tức Lộ Bác Đức] đuổi thì chạy đến đấy, buộc cầu để cho quân qua sông, sau khi bắt được Gia, bèn gọi tên là cầu Phục Ba (伏波). Quế Châu và Thạch Dũng liền nhau một dòng sông, vậy thì người ngược dòng mà đến đấy tất là Gia vậy. Gia làm Thừa tướng của nước Nam Việt cho nên gọi là đền thờ Thừa tướng, đấy là đền thờ mà con cháu của Gia sống ở Thạch Dũng dựng nên vậy. Gia vốn là bậc hùng trưởng của người Việt (越), được Úy Đà (尉佗) thu nạp, vì được người Việt theo phục mà cho làm Thừa tướng để thống trị nước Nam Việt. Úy Đà biết dùng người Việt như thế. Tướng của nhà Tần (秦) là Đồ Thư (屠雎) không biết dùng bậc kiệt tuấn nên mới thua, quân trưởng huyện Bà (番) là Ngô Nhuế (吳芮) biết dùng Mai Viên (梅鋗) nên mới thắng. Đối với người Việt thì không nên xem thường đến như thế. Than ôi! Đấy là người Việt vốn có anh linh của rất nhiều bậc quân tử giúp đỡ chăng!

    _____________

    Mọi người đọc sử phải cẩn trọng khi đọc các bài thần tích hay thần phả ở các đền miếu nhé. Không phải thần tích nào cũng hợp với chính sử. Phải đối chiếu ngẫm kỹ mới được.

    Ví dụ ở trên tác giả thời Thanh là Khuất Đại Quân vốn là thổ dân tỉnh Quảng Đông đã cho biết ở lũy Quế Châu huyện Thuận Đức có đền thờ Thừa tướng họ Lữ [Lữ Tướng từ (呂相祠)], tương truyền (theo thần tích trong đền) là thờ tướng nhà Tống là Lữ Văn Hoán (呂文煥). Nhưng tác giả phân tích bác bỏ đi, cho rằng đền ấy vốn thờ Thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia (呂嘉). Có lẽ vì hai người đều họ Lữ (呂), lại vì đền miếu qua nhiều đời mưa nắng hư hỏng xây đi dựng lại nhiều lần, lại do sử gia trường làng hoặc nghiệp dư soạn nên thần tích nên mới có chuyện nhập nhèm như vậy.

    Chuyện này cũng không phải hiếm, ví như ở Việt Nam có đền Bạch Mã vốn thờ thần Bạch Mã giúp xây thành Đại La (Thăng Long) thời Lý, nhưng sau này thời Hậu Lê có lần tu sửa lại đền thì thần tích lại nhầm lẫn thờ Mã Phục Ba. Vì cái tên thần Bạch Mã và Mã Phục Ba giống nhau ở chữ Mã (馬) nên như vậy.

    Thích

  13. Đọc kỹ Nam Việt Uý Đà liệt truyện thì thấy Triệu Đà lập nước Nam việt năm 204 TCN và thần phục nhà Hán. 196 TCN sứ giả nhà Hán sang khuyên Nam Việt phải hoà hợp với Bách Việt.năm . Năm 180TCN trong lần tiếp sứ giả nhà Hán Triệu Đà nói: “Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”; ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng, cũng xưng là “vương”. ( Và TĐ đã nhiều lần mua chuộc bắt hai nước trên thần phục mình).
    Nếu dựa vào Sử ký trên cho ta có quyền nghi vấn một số sự kiên sau:
    1. Nhà nước Văn Lang chưa từng bi Nam Việt xâm lược !
    Nam việt là nước chư hầu của nhà Hán.Nhà nước Văn Lang vào thời kỳ đó lệ thuộc ( yếu hơn) Nam Việt của TĐ. Như thể là chư hầu của chư hầu. Nhưng chua từng bị Nam Việt thôn tính và sáp nhập vào họ. ” Thái sử công nói:

    Úy Đà làm vương vốn do ở Ngâm Ngao, gặp lúc nhà Hán mới bình định thiên hạ, ông được liệt vào hàng chư hầu. Lâm Lư Hầu ngại khí thấp, bệnh dịch, không đi đánh, Đà càng được thể kiêu căng. Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước Nam Việt. Quân nhà Hán tới cõi. Anh Tề vào chầu, sau đó mất nước,…”.

    khi nhà Hán tiêu diệt Nam Việt vào năm 111 TCN có lẽ lúc này Văn lang mới bị đô hộ. và nhà Hán vẫn duy trì chế độ Lạc Hầu , Lạc Tướng có từ thời Văn Lang ( bảo hộ ). Có như thế Hai Bà Trưng vào những năm 40 sau công nguyên mới đươc ghi nhận là con cháu Lạc Tướng, Lạc Hầu. Sau khi Hai Bà Trưng thất bại, chế độ giao quyền cai quản cấp huyện ở Bộ Giao Chỉ cho các Lạc tướng không còn, quyền lực của các Lạc tướng, Lạc hầu bị thủ tiêu. Theo như cách gọi của sử gia Madrolle thì chế độ bảo hộ chấm dứt, bắt đầu chế độ cai trị trực tiếp. Nhà Hán đặt quan lại cai trị đến cấp huyện[36].

    2. Giả sử Văn Lang đã bị thôn tính, sáp nhập vào Nam Viêt ( Điều đã không xẩy ra và hãy xem Nam Việt xử lý Mân Việt càng rõ hơn). Bỏ qua nghi vấn tại sao mãi sau thời Hai Bà Trưng nhà Hán mới chuyển sang cai trị trực tiếp.Và cho dù nhà nước Nam Việt có tốt đến đâu, đã từng tồn tại trên đất Bách Việt , đã từng chống lại nhà Hán Thì việc nước ta bị xâm lược, đất nước chỉ còn là châu quận trong nước họ, tổ tiên ta là dân ” hạng hai” của nước họ. Mà ta lại nhận Nam Việt là nhà nước chính thống của mình thì quả là không thuận. Nếu coi họ là chính thống thì những năm tháng khác cũng bị sáp nhập vào nước khác thì tính sao cho đặng?

    Mấy dòng suy nghĩ nghi vấn nông cạn những mong được tác giả chỉ giáo.

    Thích

  14. các cao nhân thật nhiều công tìm hiểu lịch sử, cả chính sử và dã sử nhưng đích cuối cùng là phải hướng người đọc đến cái phục vụ cho ai, cho lợi ích gì? nếu không mạn đàm khuây khoả tháng ngày..chờ khi hưởng chuối ngắm gà khoả thân!

    Thích

  15. Tổ Tiên dùng câu chuyện thương tâm An Dương Vương, Mỵ Châu và Trọng Thủy – thành một câu chuyện công chúa làm mất nước, để dạy chúng ta về bài học Giữ Nước, tức là phải (1) giữ Hồn Nước (2) giữ Dân Nước (3) giữ Sức Nước (4) và giữ Đất Nước.
    Dương Vương muốn dựng Cổ Loa
    Ước mong chống giặc Triệu Ðà xâm lăng
    Nhưng thành luôn mất thăng bằng
    [755] Xây xong lại xập – bởi rằng yêu tinh
    Vương liền cầu khẩn thần linh
    Kim Quy – đế quốc nể tình giúp cho
    Từ đây – thành ốc khỏi lo
    Thần còn tặng móng – làm cò cung tên
    [760] Bắn ra một phát – sướng rên
    Giết ngay vạn giặc lền khên ngoài thành
    Triệu Ðà – mưu chước khôn ranh
    Cầu hòa – xin tặng thêm cành thiên hương
    Mỵ Châu Trọng Thủy – uyên ương
    [765] Thương chồng – nàng lộ hiến chương quốc phòng
    Giúp chàng nội gián vào trong
    Tráo ngay lãy nỏ – việc xong là về
    Cùng cha – qua đánh nhạc thê
    Cổ Loa thất thủ ê chề đắng cay
    [770] Vương cùng con gái cao bay
    Ôm lưng tuấn mã mơ ngày thoát thân
    Ngàn trùng đào tẩu tảo tần
    Ðối phương lại cứ rần rần rượt theo
    Vì nàng – lông ngỗng rắc gieo
    [775] Giúp chồng Trọng Thủy – bám đeo đuổi hoài!
    “Triệu Đà Trọng Thủy” – cả hai
    Biểu trưng “đế quốc” – chuỗi dài xâm lăng
    Tiên Rồng – vì mất quân bằng
    Bởi không “song hiệp” – gia tăng đối thù
    [780] Tích truyền lịch sử nghìn thu
    Một lần duy nhất trùng tu vương thành
    Tuyên xưng chống giặc đã đành
    Nhưng vì thành ốc chỉ dành cho vua
    Nguyên nhân công cuộc thắng thua
    [785] Tốn hao công quỹ – theo hùa ngọai bang
    Chẳng màng cải tiến Nước – Làng
    Đã không chăm sóc – lại càng hại dân
    Rồi thành sập đổ nhiều lần
    Sưu cao thuế nặng – muôn phần tốn hao
    [790] Bắt dân đắp lũy vét hào
    Ruộng nương hoang phế – tăng cao đói nghèo
    Tạo ra xã hội cheo leo
    Lòng dân than oán – rắc gieo tương tàn
    Người người cơ cực lầm than
    [795] Tham quan nhũng nhiễu lan tràn khắp nơi
    Nước – Dân thành chuyện xa vời
    Còn chi lý tưởng với lời nói suông
    Tướng binh dù có bổng lương
    Nhưng vì “hồn nước” đã ruồng bỏ đi
    [800] Dân thì “hồn giặc” ám ghi
    Mong thay chế độ – thị phi bất cần
    An Dương – lại sống xa dân
    Chui vào ốc đảo – vinh thân lợi nhà
    Kết bè – nhận giặc thông gia
    [810] Môn đăng hộ đối – để mà khinh dân
    Hôn nhân đình đám rần rần
    Xe bao trăm cỗ tỏ phần xa hoa
    Tiệc tùng quà cáp lụa là
    Vui trên xương máu nước nhà – mà thôi
    [815] Nỏ thần thành ốc – đủ rồi
    Tăng tàu phi pháo – yên ngôi trị vì
    Mặc dân – ai khổ can chi
    Tin vào vũ khí – cậy vì đồng minh
    Giặc kia – mà ngỡ thâm tình
    [820] Rước tên nội gían – rập rình săn tin
    Còn đâu quân sự giữ gìn
    Còn chi bảo mật – thiếu nhìn thanh tra
    Việc công – vua đã lơ là
    Quên lời Dựng Nước – để mà An Dân
    [825] Xa lìa truyền thống tiền nhân
    Chạy theo Duy Lợi – vong thân cầu ngoài
    Mộng mơ khoa bảng làm “tài”
    Cam tâm nô lệ – Chẳng hòai “nước non”
    Nuôi thân trả nợ chưa mòn
    [830] Sớm khuya hia mão bon chen việc làm
    Lâu lâu có buổi họp quan
    Vua ngồi vua phán – lam nham ích gì
    Toàn dân – xa lánh khinh khi
    Vua thời chờ phút sinh thì – mất ngôi
    [835] Việc vua việc nước – đơn côi
    Một người con gái – thành đôi nghịch thù
    Gả nàng – trao đổi – đền bù
    Biến con thành giặc cho dù giữ ngai
    Hỡi ơi! Tham lợi háo tài
    [840] Bán buôn máu huyết hình hài Tổ Tiên
    Nhận làm phương tiện – ngang nhiên
    Giúp cho giặc chiếm trọn miền quê hương
    Ngây thơ chính trị – dẫn đường
    Lộ điều bí mật – vì thương người chồng
    [845] Cướp xong vào buổi chiều đông
    Anh chàng gián điệp – thong dong về nhà
    Cùng cha – qua đánh nhạc gia
    Phép công là trọng – lọ là niềm riêng
    Đất bằng nổi sóng binh khiên
    [850] Dân cư tan tác – xóm giềng điêu linh
    Dương Vương nay rõ sự tình
    Nỏ thần hết nghiệm – tướng binh đầu hàng
    Pháo phi thiết kỵ – mọi đàng
    Lọt về tay giặc – phũ phàng – hận căm
    [855] Ba mươi tháng bốn bảy lăm
    Mặc dân sống chết – vua nhằm thoát thân
    Ẵm con – ôm bạc – nhanh chân
    Tìm đường tỵ nạn – cầu ân xứ người
    Nào đâu chẳng thấy tiếng cười
    [860] Con dân địch vận là người ngu ngơ
    Lệnh truyền từ “cục e – rờ”
    Áo choàng lông ngỗng – phất phơ chỉ đường
    Chạy qua bao ải dặm trường
    Địch quân sao mãi tinh tường rượt theo
    [865] An Dương lâm cảnh hiểm nghèo
    Truy ra nguyên cớ – Giặc đèo sau lưng
    Than ôi – nàng Mỵ – con cưng
    Lông chim đã nhổ – biểu trưng Tiên tàn
    Nhát gươm oan nghiệt – chém tan
    [870] Máu nàng – vung vãi lan tràn biển khơi
    Đau thương khổ lụy chưa vơi
    Chết theo vua chúa – chết đời nước dân
    Triệu Đà chiến thắng khắp phần
    Chủ trương vô sản – phi nhân phơi bày
    [875] Tòan dân cùng cực đọa đày
    Người người căm phẫn – chờ ngày vùng lên
    Giúp Dân Cứu Nước – xứng tên
    Học bài Phù Đổng làm nền dựng xây
    Mỵ Châu – dẫn chứng nơi đây
    [880] Trước là Hồn Nước – từ rầy chớ quên
    Tổ là biểu tượng nói lên
    Tiên Rồng Chánh Thuyết – dựng nên nước nhà
    Tinh thần kết hiệp hài hòa
    Tòan Dân Giữ Nước – chính là việc công
    [885] An Dương – phản bội Tổ Tông
    Không cầu khấn Tổ – cậy trông người ngòai
    Kim Quy – biểu tượng thần tài
    Đại cuộc giữ nước – đã sai từ đầu
    Hồn lìa trước – Nước mất sau
    [890] Nỗi đau mất nước – lụy sầu nhà tan
    Nước Dân – Đời sống liên can
    Mất theo Hồn Nước – lụi tàn Lòng Dân
    Mất Dân – thì mất mọi phần
    Kể chi thành ốc nỏ thần – thị uy
    [895] Cổ Loa – bài học dễ suy
    Biểu trưng thành chết – xụp tùy thời gian
    Lòng Dân – Sức Nước tương quan
    Quốc phòng quân sự – bảo an nước nhà
    Phải luôn cải tiến, kiểm tra
    [900] Là phần cơ mật – để mà phòng nguy
    Tuyệt tin vũ khí Kim Quy
    Dương Vương ỷ lại – tiện tùy ngủ quên
    Say men chiến thắng – ngỡ bền
    Quên điều cập nhật – sót tên bảo trì!
    [905] Nhận con rể giặc – làm gì
    Rước vào cung cấm – còn chi quốc phòng
    Dương Vương – dầu hưởng thong dong
    Nhưng về tay giặc đã xong mọi phần
    Chỉ chờ khi giặc xuất quân
    [910] Nhà tan nước mất – thóat thân chạy dài
    Đồng minh – trở mặt ly khai
    Quốc gia xụp đổ – như bài học trên
    Tích truyền minh chứng – nói lên:
    Phát huy truyền thống – giữ bền non sông
    [915] Sống theo Đạo Đức Tiên Rồng
    Giúp Dân Giữ Nước – thành công sáng ngời
    Hồn – Dân – Sức – Đất ai ơi
    Giữ tòan vẹn bốn – Nước thời thịnh an
    Mỗi khi nạn nước tràn lan
    [920] Giữ Hồn – Dân – Sức phá tan giặc thù
    Hồn – Dân – mất Sức cho dù
    Muốn mong quật khởi – cần cù có ngay
    Mất Dân – Sức – Đất chờ ngày
    Giữ Hồn tụ điểm – tỏ bày thành công
    [925] Mất Hồn – mọi sự tang bồng
    Nước thành xác chết – đừng mong phục hòan
    Mất Hồn – Dân mãi lo toan
    Cũng thành công cụ – hòan tòan gây nguy
    Mất Hồn – Dân – Sức ích chi
    [930] Thuộc về tay giặc – cũng tùy thời gian
    Giữ – Hồn – Dân – Sức liên quan
    Theo bài Phù Đổng – ta bàn sâu hơn
    Mỵ Châu – phá họai giang sơn
    Tội đền xử chém – làm ơn răn đời
    [935] Nước – Nàng không sống trọn lời
    Tình Nhà chung thủy – đồng thời thưởng công
    Tổ Tiên – phán xử minh thông
    Tội làm mất nước – thương chồng mà ra
    Máu nàng – được hóa ngọc ngà
    [940] Chính là Máu Đá – Tình Nhà thăng hoa
    Ngọc trai nước giếng – tẩm hòa
    Trở nên sáng đẹp – nhạt nhòa Thân Thương
    Trầu Cau – tích dẫn tỏ tường
    Thương nhau trọn vẹn – con đường quang vinh
    [945] Nước Nhà sống thực – trọn tình
    Tiên Rồng Song Hiệp – chứng minh tuyệt vời

    Thích

Bình luận về bài viết này