Người La Mã- Phần 2

Phần II: Sống Đời Đáng Sống

1

Guy de la Bedoyere

Trần Quang Nghĩa dịch

Trong phần này . . .

Thế giới La Mã là một hệ thống __ đúng ra, là hệ thống đầu tiên trong lịch sử nhân loại __ tác động hầu như đến mỗi người thuộc Đế chế La Mã. Hệ thống đó bao gồm việc sinh sống tại đó và thăm viếng các thành phố nơi ban có thể trầm trồ những thành tựu của kiến trúc La Mã và thưởng thức hoa trái của hoạt động mậu dịch quốc tế và thậm chí nguồn nước sạch tiêu dùng, thưởng ngoạn ngành công nghệ giải trí quần chúng đầu tiên mà thế giới từng chứng kiến, hoàn thiện với đấu trường và trường đua và hơn thế nữa; tìm nguồn an ủi nơi các đấng thần linh trong một thời đại mà lòng bao dung đối với  tôn giáo rất cao cả.

Điều quan trọng là phải nhớ rằng, ngoài tất cả những điều tuyệt vời mà nó đem lại, thế giới La Mã cũng là một miền đất bạo tàn đã nô dịch hóa hàng triệu người, với một số ít người trở nên rất giàu có và nắm nhiều quyền hành bằng sự hi sinh của đông đảo người khác.

Cuộc sống tốt đẹp phải mua bằng một giá rất đắt.      

Chương 6 :Rừng Đô Thị

Trong Chương Này

  • Thiên tài của kiến trúc La Mã
  • Cách thức các thành phố La Mã vận hành
  • Đường xá La Mã và tìm đường đi của bạn

 Đế chế La Mã là đế chế của các thành phố. La Mã là một thành phố, và nó sử dụng các thành phố khác để điều hành Đế chế. Nếu ta nhìn vào sự lớn mạnh của La Mã, ta có thể hiểu được phần lớn về nguyên nhân khiến La Mã hoạt động được. Không quá lời khi nói rằng nếu không có thành phố, quyền lực La Mã không thể tồn tại. Trong quyển sách này xuyên suốt một chủ đề: Người La Mã là những thiên tài trong việc thuyết phục người khác rằng ‘làm người La Mã’ là một điều tốt đẹp. Các thành phố tạo ấn tượng cho dân chúng về quyền lực La Mã, nhưng chúng cũng tạo ra ý thức về trật tự, sự trường tồn, và tính an toàn, và là một thành phần cốt lõi của chính quyền và kinh tế.

Chương này sẽ đề cập đến những điểm tinh túy vể thành phố La Mã và vai trò của nó trong xã hội La Mã, các kỹ thuật kiến trúc tạo nên những công trình, cách thức vận hành và mục đích sử dụng của chúng, và bằng cách nào trên khắp Đế chế La Mã mỗi thị trấn quan trọng đều giống một La Mã thu nhỏ. Ta cũng đề cập đến sự giao thông đã giúp gắn kết thế giới La Mã với những thành phố lại với nhau: đường xá.

Ý Tưởng về Thành Phố

Thiết yếu của thế giới La Mã là thành phố. Chính La Mã cũng thường được biết đơn giản là Urbs, ‘Thành phố’.

Trong thế giới Địa Trung Hải cổ đại của thiên niên kỷ đầu tiên BC, ý tưởng về thành phố đã đồng nghĩa với một cộng đồng. Nền văn minh lâu đời hơn và hùng mạnh của Ai Cập được cai trị từ những thành phố lớn như Thebes và Memphis, không chỉ là nơi ở của một số lớn gia đình dân cư và nơi làm ăn của họ mà còn nơi tọa lạc những phức hợp đền thờ và cung điện hoàng gia. Hy Lạp cũng được phân chia thành những thành bang nơi đó có những thành bang như Athens cai trị những vùng đất khác. Thuộc địa xứ Phoenicia của Carthage ở Bắc Phi là một thành phố mậu dịch quan trọng, được trông đợi trở nên một đối thủ cạnh tranh lớn nhất của La Mã.

La Mã đã vụt lớn lên từ một nhóm các làng mạc quần tụ quanh những nhà vua thuở sơ khai nhờ có một nền văn hóa được chia sẻ và một lợi ích chung trong việc phòng vệ chống lại kẻ thù trong vùng. Những vì vua đầu tiên này bày ra những ý tưởng về dịch vụ công cộng và về chính quyền cho dân La Mã xa xưa và lấy cảm hứng từ những thành phố đã tồn tại trong vùng Địa Trung Hải trong đó có những thuộc địa của Hy Lạp ở Sicily và nam Ý.

Người La Mã cũng tin rằng thành phố của họ được giao cho thiên mệnh qua thần thoại Aeneas và các hậu duệ Romulus và Remus (xem Chương 10 để biết thểm về việc ra đời của La Mã). Vì thế La Mã không chỉ là một tiện ích thực tiễn, nó còn là nơi thiêng liêng mà dân chúng được giao phó thiên mệnh phải cai trị thế giới. Điều này dấy lên một quan niệm say sưa về cộng đồng đúc kết thành cách thức người La Mã hình dung ra thành phố như một người nữ ngồi trên bộ giáp sắt, đầu đội mũ sắt, và cầm một biểu hiệu Chiến Thắng (một nữ thần có cánh) trong bàn tay.

Tác động trong thời cổ đại là tạo ra quan niệm cho rằng nền văn minh đô thị La Mã là nền đá tảng của sự an toàn. Thế giới thiên nhiên nguy hiểm và khó dự đoán. Các thành phố cung ứng những nhu cầu của con người __ đó là lý do tại sao ngày nay nhiều người chúng ta thích sống trong thành phố. Đối với người La Mã, việc này tạo ra một nghịch lý: Họ cảm nhận rằng La Mã và Đế chế của họ là món quà của thần linh ban thưởng cho một nền văn minh vượt bậc, nhưng đồng thời những tiện nghi và cuộc sống dễ dàng cũng làm họ yếu mềm không sao sánh được với những con người dạn dày cam khổ đã khai sinh ra La Mã và dựng nghiệp lớn. Khi áp lực đè lên nền văn minh La Mã tăng cao do các cuộc xâm chiếm của người man rợ vào thế kỷ thứ ba AD và sau đó, người La Mã bổng thấy vô cùng khiếp đảm khi nghĩ đến viễn cảnh La Mã sẽ biến mất.

St Jerome, một thầy giáo theo Cơ đốc, viết như thế này trong một bức thư năm 413, chỉ ba năm sau khi vua Hung nô Atiila cướp bóc thành Rome (Chương 21). Là người Cơ đốc, ông ta nghĩ đó là hậu quả của tội lỗi do người La Mã gây ra, như nhắc lại những cảm xúc của sử gia Tacitus trước đó ba thế kỷ nói về sự sa đọa của thời đại hoàng đế, nhưng điểm chính là Jerome cho rằng ông đang chứng kiến ngày tận cùng của thế giới: ‘Thật tủi hổ cho chúng ta. Thế giới đang tan thành mảnh vụn, nhưng tội lỗi chúng ta thì đầy dẫy. Thành phố vinh quang một thời là đầu não của Đế chế La Mã giờ đây bị nuốt trọn trong ngọn lửa hung tàn.’

La Mã: Kiểu mẫu đô thị

La Mã có thể chỉ là một trong nhiều thành phố trong vùng Địa Trung Hải vào thời cổ, nhưng không có một nền văn minh cổ đại nào khác phát triển thành phố hoàn toàn theo kiểu như người La Mã đã làm. Thành phố La Mã phải mất nhiều thế kỷ để vươn vai thành con quái vật nằm sóng soài trong thời những hoàng đế, lúc đó La Mã đã là một cơ chế liên hoàn giữa chính quyền, dịch vụ công cộng, và giao thông.

Quyền lực và của cải La Mã đã lôi kéo nhiều người đến sống, vì ai cũng cần được quản lý, cho ăn, và giải trí. Càng có thêm dân, thêm mậu dịch và kỹ nghệ, uy tín những người cai trị càng tăng lên. Vào thế kỷ thứ nhất BC, một số những nhân vật cự phách (xem Chương 15) như Caesar và Pompey khuynh đảo quyền kiểm soát La Mã, một phần vì họ chịu cung ứng những tiện ích công cộng và những trò tiêu khiển. Khi hoàng đế Augustus liệt kê những thành tựu của đời mình, ông kể vanh vách hàng chục công trình ông đã xây dựng hoặc tu bổ để khoa trương quyền lực và lòng cao thượng của mình (liệt kê trong mục ‘Tu bổ thành phố kiểu mẫu’ trong chương  này). Những nhân vật này muốn La Mã là nơi trưng bày quyền lực của La Mã và của riêng họ với sự hổ trợ của thần linh. Họ thành công một cách xuất sắc.      

Cho đến tận hôm nay lịch sử hào hùng và các phế tích hoành tráng của La Mã còn cho ta thấy được vị thế vượt trội của nó so với các thành phố khác trên thế giới. La Mã có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển thành phố từ đó đến nay. Nhà Ga Trung Tâm của New York và Nhà Ga Union của Washington DC lấy theo hình mẫu của kiến trúc La Mã. Sự hưng thịnh nhờ thương mại của Liverpool trong thế kỷ mười chín đã tạo ra một chuỗi những tòa nhà công cộng dựa ngay trên các thiết kế La Mã.

Người La Mã đã phát triển La Mã thành một khuôn mẫu lớn lao cho nền văn minh của họ. Ở ngay trung tâm là các tòa nhà công cộng, những quảng trường dành cho mậu dịch và thương mại, các pháp đình, và đền thờ dành cho các tôn giáo nhà nước cũng như các cung điện hoàng gia. Rải rác đây đó là những hí viện, đấu trường, và trường đua Circus Maximus. Một mạng lưới các con đường tỏa ra từ trung tâm qua các khu nhà ở, trong khi ở phía trên thành phố, những đường ống dẫn nước sinh hoạt vào, và bên dưới thành phố, là hệ thống cống rãnh thoát nước thải đi. Hệ thống các quan chức dân sự của La Mã từ chấp chính xuống đến quan thị chính được sử dụng để cai trị không chỉ La Mã và vùng phụ cận mà còn toàn cõi Đế chế. Những giám quan khác nhau thuộc giới kỵ sĩ được cắt đặt để kiểm soát những dịch vụ then chốt như cung cấp lương thực, bố trí lực lượng đồn trú thành phố, lực lượng cứu hỏa, và giao thông vận tải. Mặc dù phải mất nhiều thế kỷ tiến hóa, ở đỉnh cao của mình, La Mã có những đặc điểm sau:

  • Đấu trường: Nơi trình diễn các cuộc đánh nhau của bọn giác đấu và thú dữ.
  • Pháp đình: Tòa án và nhà quản trị.
  • Nhà tắm công cộng: Những cơ ngơi rộng lớn dành cho chỗ tắm công cộng do nhà nước dựng lên, cũng như một số nhà tắm tư nhân nhỏ hơn.
  • Trường đua: Nơi tổ chức đua chiến mã xa.
  • Curia: Tòa nhà của Viện nguyên lão.
  • Quảng trường: Nơi công cộng dành cho mậu dịch và trao đổi chính kiến, chung quanh là tiệm ăn và cửa hàng.
  • Dịch vụ công cộng: Phòng vệ, cấp nước, thoát nước, cứu hỏa, và đường xá.
  • Các đền thờ và giáo khu: Đền thờ do các hoàng đế, các công dân giàu có, hoặc các đoàn thể tài trợ, để trông coi nhu cầu tâm linh của họ và của dân chúng La Mã, cùng những giáo phái phương đông, bản địa.
  • Hí viện: Nới trình diện hài kịch, bi kịch, và đọc thơ.

 Không có gì ngạc nhiên khi sử gia Pliny Lớn nói ‘Không có thành phố nào trên thế giới có thể so sánh về tầm vóc với La Mã’. Viết về năm AD 73, ông cho biết La Mã có 14 khu hành chính, hệ thống đường xá có 265 giao lộ, và 60 dặm đại lộ bên trong La Mã tỏa ra từ một điểm ở Quảng trường trung tâm dẫn đến 37 cổng thành trên vòng tường thành dài 13 dặm.

Tu bổ thành phố kiểu mẫu

Hoàng đế Augustus (27 BC-AD 14) rất quan tâm đến việc biến La Mã thành nơi xiển dương quyền lực của đế chế, nhưng ông chỉ noi theo bước chân người tiền nhiệm. Vào thế kỷ đầu tiên BC tướng Pompey đã xây nên một hí viện bề thế, và Julius Caesar là người cho xây dựng nhiều toà nhà như Pháp đình Julia.

Augustus nhờ bạn mình Agrippa bố trí nhiều công trình mới, và đây là một số thành tựu của họ (những thành tựu bạn còn có thể chiêm ngưỡng hiện nay được đánh dấu sao):

  • Hoàn tất quảng trường và pháp đình * Julius Caesar.
  • Phục hồi các đền thờ cũ và xây dựng các đền thờ mới, như các đền thờ bề thế thờ Mars Ultor (Người báo thù) * hoàn thành tâm nguyện của Augustus trước Trận Philippi vào năm 42 BC, và một đền thờ khác thờ Julius Caesar được phong thần.
  • Xây dựng quảng trường mới, Quảng trường Augusti *. Quảng trường ở La Mã hư hại nặng thành ra bạn có quyền thắc mắc không biết người La Mã có phải là một tay xây dựng cừ khôi như được tuyên bố hay không. Vâng, chuyện xảy ra là vào năm 667, hoàng đế Byzantine Constans II cho rằng các móc sắt và đồng giữ chặt các khối đá của toà nhà Forum với nhau sẽ hữu ích hơn nếu được nấu chảy để đúc thành vũ khí dùng cho chiến tranh phòng vệ Đế chế Byzantine. Vì thế ông ta rút chúng ra hết, và những trận động đất (không phải là sự kiện bất thường trong vùng này) xảy ra sau đó đã làm hầu hết tòa nhà sụp đổ.
  • Chủ trì việc xây Điện thờ nữ thần Hòa Bình (Augustan Peace) do Viện nguyên lão ra lệnh và bắt đầu thờ cúng vào 9 BC.
  • Xây dựng Hí viện Marcellus * để tưởng niệm cháu của Augustus (chết năm 23 BC)
  • Lắp đặt các cống dẫn nước mới.
  • Xây dựng điện Pantheon (sau này được xây lại theo thiết kế mới của Hadrian) *
  • Xây lăng mộ bề thế cho Augustus và gia đình ông *

1

Quảng trường và pháp đình Julius Caesar

2

Phế tích Quảng trường Augusti

3

Điện Pantheon La Mã

4

Lăng mộ Augustus

Nhiều vị hoàng đế đến sau Augustus mang đến cho La Mã những tòa nhà công cộng ấn tượng hơn và to rộng hơn. Dưới đây là một số trong đó:

  • Claudius (41-54) lắp đặt cống dẫn nước.
  • Vespasian (69-79) bắt đầu cho xây Đấu trường Colosseum *.
  • Titus (79-81) hoàn tất Colosseum và xây dựng các nhà tắm công cộng.
  • Domitian (81-96) xây dựng một trường đua.
  • Trajan (98-117) xây cất nhiều nhà tắm công cộng hơn và một quảng trường nhiều bậc mới và rộng hơn *.
  • Hadrian (117-138) xây dựng Đền thờ Venus và Rome * lớn gấp đôi và xây dựng lại Điện Pantheon *.
  • Caracalla (211-217) xây dựng một phức hợp nhà tắm * rộng lớn vẫn còn khống chế phần phía nam La Mã.
  • Maximian (286-305) xây dựng Nhà Tắm Diocletian. Phòng lạnh rộng có mái vòm vẫn còn tốt để sau này vào thời Phục hưng Michelangelo (1474-1564) cải tạo thành Nhà thờ Santa Maria, và ngày nay đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của La Mã.
  • Maxentius (306-312) xây dựng một pháp đình có mái vòm rộng *, một phần của nó vươn cao qua Quảng trường đến tận ngày nay.

5

Đấu trường Colosseum

6

Đền thờ nữ thần Venus 

7

Pháp đình Maxentius

Những La Mã được sao chép

Khám phá thế giới La Mã ngày này nghĩa là thăm viếng các nơi như Pompeii và Ostia ở Ý, Ephesus và Aspendos ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thuburbo Majus và Dougga ở Tunisia, Arles và Nimes ở Pháp, và London và Cirencester ở Anh __ tất cả đều mang những đặc thù đô thị La Mã quen thuộc. Mỗi một thị trấn này đều có lịch sử riêng của nó, được xây dựng trong thời Đế chế La Mã, chúng đều khớp với kiểu mẫu đô thị La Mã cơ bản. Mỗi thị trấn đều có quảng trường, pháp đình, đền thờ Jupiter riêng của nó và điện thờ hoàng đế, hí viện, tòa thị chính, nhà thổ, quán rượu, và nhà vệ sinh công cộng. Bất cứ ai từ thời kỳ La Mã đều nhận ra những tiện ích và cách bố trí này.

Nhưng đừng nghĩ là mọi thứ đều được sao chép từ La Mã. Chính La Mã cũng sao chép những ý tưởng từ nơi khác. Người La Mã lấy nhiều ý tưởng về kiến trúc cổ điển từ Hy Lạp. Ở nam Ý, họ tìm thấy ở những thành phố như Pompeii đã có một đấu trường bằng đá, hí viện bằng đá, và một pháp đình rất lâu trước người La Mã. Thiên tài của người La Mã là kết hợp tất cả những công trình này với ý tưởng của họ về chính quyền thành phố để tạo ra thành phố La Mã.

Trong mỗi thành phố chủ yếu, hội đồng dân sự địa phương đều theo khuôn mẫu của Viện nguyên lão La Mã, cũng bầu cử các quan chức bản địa như La Mã bầu ra các quan chấp chính, hộ dân quan, quan thị chính và quan quốc khố của họ. La Mã có hai quan chấp chính trong khi Pompeii, như nhiều thành phố khác trong Đế chế, có hai quan chức bầu ra hàng năm. Những ông quan này có trách vụ ủy thác và chi trả cho những tòa nhà công.

Trong Đế chế miền Đông, cuộc sống đô thị đã được định hình, và các thành phố có nguồn gốc Hy Lạp như Ephesus ở Tiểu Á được trang trí thêm những đặc điểm La Mã. Ở phần Đế chế miền Tây, cuộc sống đô thị cũng ít nhiều mới mẻ, nhất là ở Anh và bắc xứ Gaul. Người La Mã phải thành lập những thị trấn và xây dựng chúng phù hợp với kiểu mẫu La Mã. Trong những vùng xa xôi, chính hoàng đế là người phải ra lệnh và chi trả cho việc xây cất những toà nhà công, hơn là những ông quan địa phương.

Hai Ý Tưởng Kiệt Xuất

Người La Mã không phải là những kiến trúc sư độc đáo nhất. Nhiều thiết kế của họ được vay mượn từ Hy Lạp và Etruscan. Nhưng họ đã phát minh ra hai kỹ thuật nền tảng: bê tông và khung vòm.

Bê tông

Bê tông là phép mầu của kỹ thuật xây dựng La Mã. Bê tông La Mã chứa bốn thành tố:

  • Nước
  • Vôi
  • Tro cát núi lửa, đầu tiên tìm được gần Pozzuoli (Naples ngày nay)
  • Xà bần (những khối vụn gạch và đá)

Điều tuyệt vời của bê tông là nó có thể được trộn trên công trường từ những nguyên liệu kiếm được dễ dàng và sau đó được đổ vào khuôn có hình thể bất kỳ để tạo ra bất kỳ loại cấu kết nào. Nó cũng cực kỳ cứng và rất bền. Người La Mã xây tường bằng ruột là bê tông và bên ngoài lót gạch hoặc đá. Nó cho phép dựng được những tòa nhà phức tạp cao to một cách nhanh chóng vì nó cứng gần như bê tông ngày nay. Bê tông được sử dụng ở La Mã chậm nhất là vào thế kỷ thứ hai BC.

Bằng cách thay đổi lượng xà bần phù hợp với yêu cầu, chất bê tông đơn giản này có thể tạo thành cốt lõi của các bức tường hoặc mái vòm bề thế và chúng được tìm thấy mọi nơi trong Đế chế La Mã. Trong hình thức cao cấp hơn, bê tông La Mã đủ tốt để trở thành vật liệu duy nhất được sử dụng trong mái vòm, tạo ra bằng cách đổ bê tông vào khuôn gỗ. Đây quả là tác động ấn tượng vì từ đây các trần gỗ hoặc đá có thể không cần nữa. Trong khắp thế giới La Mã, bê tông được sử dụng để xậy cất những tòa nhà chủ yếu và thậm chí những ngôi nhà khiêm tốn. Bê tông được sử dụng trong cổng vòm, mái vòm là một thành tố hoàn hảo.

Ví dụ đỉnh cao của tòa nhà xây bằng bê tông La Mã là Điện Pantheon, được Hadrian (AD 117-138) xây dựng và đến nay hoàn toàn còn nguyên vẹn ở La Mã. Đặc điểm chính của Pantheon là mái vòm khổng lồ rộng 43 mét, nằm trên trống hình trụ có chiều cao toàn phần bằng với chiều rộng của mái vòm. Bí quyết là sự thanh thoát và sức mạnh. Càng lên cao vật liệu được sử dụng càng nhẹ hơn, cuối cùng ở trên chóp bê tông được trộn bằng khoáng chất xốp. Các khuông lõm hình vuông trên mái vòm vừa để trang trí vừa để làm giảm sức nặng của mái vòm. Các khuôn gỗ lớn được gia cố để giữ mái vòm đứng yên trong khi đợi bê tông khô cứng. Đây thực sự là mái vòm bằng nề lớn nhất từng được xây dựng, và các kiến trúc sư từ khắp nơi trên thế giới và từ xưa đến nay đã đến đây trầm trồ ngưỡng mộ. 

8

Cổng vòm và khung vòm

Cổng vòm và khung vòm được sử dụng trong hầu hết các tòa nhà La Mã quan trọng. Chúng làm giảm bớt sức nặng, tiết kiệm đá, và gia tăng sức mạnh tòa nhà.

Nguời Etruscan mang đến cho La Mã cổng vòm, nhưng chính người La Mã mới thực sự làm chủ kỹ thuật xây cổng vòm và kiến trúc liên quan mật thiết là khung vòm. Thật ra kỹ thuật này đã được người Assyria và Babylonia xây dựng bằng gạch bùn. Người Hy Lạp học cách thiết kế chúng, rồi mang chúng vào Ý. Vào thế kỷ thứ ba BC những cổng vòm và khung vòm hoành tráng đã được xây dựng ở Ý như Porat Rosa tại Velia (Elia ngày nay), miền nam Naples.

Cách thức cổng vòm hoạt động

Cổng vòm không chỉ là cách tạo ra lối vào mà còn là một khung cửa mạnh hơn khung cửa chữ nhật. Nếu xếp thành hàng, chúng là cách tốt nhất có thể để làm toàn bộ bức tường nhẹ hơn. Vì cong, nên cổng vòm truyền tất cả sức nặng bên trên xuống dưới và qua mống bê tông giữ chân cổng vòm. Một khung vòm đơn giản chỉ là một cổng vòm chạy dài và khiến các tòa nhà đồ sộ vững chãi hơn và mạnh mẽ hơn những khối vữa bình thường. Khung vòm thùng là phần chủ yếu trong nhà tắm công cộng __ chúng cực kỳ khỏe và, không như mái gỗ, chống được mối mọt và không khí ẩm ướt.  

9

Cổng vòm  Vòm thùng   Vòm nhọn                                         

Cung điện của Nero (Domus Aurea, ‘Nhà Vàng’) trong La Mã một phần tồn tại được là nhờ các phòng lớn và hành lang có khung vòm được Trajan (98-117) sử dụng như cấu trúc bên dưới cho phòng tắm của ông. Không thể tin được, ngày nay bạn có thể đi quanh quẩn trong chính các căn phòng mà Nero đã khệnh khạng cách đây 19 thế kỷ.

Sử dụng cổng vòm và khung vòm

Người La Mã sử dụng cổng vòm cùng với tất cả các thành phần của kiến trúc Hy lạp như cột, đầu cột, trán tường . . . để tạo ra một phong cách kiến trúc xuất sắc cho những thành phố, điền trang, cung điện, tòa nhà công, pháo đài, và mọi loại công trình công cộng như cống dẫn nước, cống xả thải. Tôi chỉ không thể đề cao đủ tác động của những điều này đã làm thay đổi thế giới ra sao và có thể tìm thấy trong kiến trúc hiện đại ngày nay.

Người La Mã phát triển toàn bộ ý tưởng về cổng vòm và khung vòm quá xuất sắc đến nổi chẳng bao lâu họ có thể dựng lên những tòa nhà hoành tráng nhất. Đấu trường Colosseum, do Vespasian và Titus (69-81) xây dựng, được xây dựng bằng những hàng cổng vòm chồng lên nhau ở bên ngoài và những khung vòm thùng tỏa ra ở bên trong. Sở dĩ hôm nay nó chỉ còn là phế tích đổ nát là do nạn ăn cắp đá trong thời Trung cổ, không phải vì nó sụp đổ.

Cổng vòm chỉ để khoa trương

Cổng vòm và khung vòm đẹp và thiết thực, nhưng có lẽ cách sử dụng nổi bật nhất là cổng vòm khải hoàn. Các hoàng đế cho dựng những cổng vòm nghi thức này để chào mừng những thắng lợi khải hoàn vĩ đại trong lãnh vực quân sự. Domitian (AD 81-96) đặc biệt yêu thích chúng. Một số cổng thật đơn giản, một số có một cặp cổng nhỏ hơn kèm hai bên một cổng vòm lớn, và một số là cổng vòm bốn đường. Nhưng tất cả đều được trang trí bằng hình chạm nổi các hoàng đế quang vinh và những câu khắc ghi chép chiến công lẫm liệt của họ. Ngày nay ở La Mã, Cổng Titus (79-81), như trong Hình 6-1, Septimius Severus (193-211), và Constantine I (307-337) đều còn lưu lại, không kể nhiều cổng khác trên khắp thế giới La Mã.

10

Hình 6-1: Cổng Titus

11

Tranh khắc nổi trên vách cổng

 

Tất Cả Con Đường Đều Dẫn Đến La Mã

Nếu có một điều mà nhờ đó người ta biết đến La Mã, đó là việc xây dựng những cung đường dài thẳng tắp. Đó là quan niệm sai lầm. Họ chắc chắn có xây dựng đường xá, nhưng họ thường xây lên những lối đi có sẵn từ thời tiền sử, và trong khi đường xá La Mã có những đoạn dài thẳng tấp, họ cũng bẻ góc và đổi hướng khi cần thiết.

Trước khi đường ray xe lửa và động cơ chạy xăng ra đời, đi lại bằng đường biển thường là rẻ hơn, và vùng Địa Trung Hải đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa. Nhưng đường xá La Mã vẫn còn cực kỳ quan trọng. Chất lượng của đường xá La Mã đã cải tiến khả năng chuyên chở hàng hóa của họ. Họ kết nối các thành phố và tỉnh lỵ thành một mạng lưới rộng khắp, chứng kiến một lượng lưu thông liên tục người và hàng hóa. Nói mọi con đường đều dẫn đến La Mã là thực sự không sai. Strabo, nhà địa lý La Mã, nói, ‘Người La Mã đã xây dựng đường xá qua khắp vùng nông thôn, cắt ngang những ngọn đồi và lấp đầy những chỗ trũng, thành ra giờ đây các xe chở hàng có thể vận chuyển một tải trọng lớn như thuyền.’

Kỹ thuật cơ bản xây dựng đường xá

Người La Mã không phải là người đầu tiên xây dựng đường xá, và họ cũng không phải là người đầu tiên làm đường có mặt đường bằng kim loại. Nhưng họ là người đầu tiên xây dựng một số lượng lớn đường xá, kết quả là lần đầu tiên trong lịch sử châu Âu nhiều nơi chốn được liên kết được với nhau.

Bố trí một con đường

Bố trí một con đường nghĩa là chọn ra một bề mặt chắn chắn và có khoảng cách ngắn nhất nối điểm A tới điểm B. Vì người La Mã yêu thích tính hệ thống và trật tự, những đường thẳng tắp được ưa thích nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được. Nếu độ dốc của mặt đất lớn hơn 10 phần trăm, thế thì con đường phải chạy ngoằn ngoèo lên mặt dốc. Một số con đường chạy quanh chân đồi hoặc theo những bình diện được san bằng trong những vùng đất lồi lõm. Nếu tuyệt đối cần thiết, phải xây những đường hầm chui qua đồi.

Các nhà vẽ bản đồ địa chính La Mã sử dụng groma để bố trí các con đường. Groma có một trụ trung tâm và bên trên cùng là bốn cánh tay vuông góc nhau, mỗi đầu tay treo một dây dọi. Hai cánh tay đối diện dùng để nhắm một con đường thẳng tắp với sự trợ giúp của một người thợ đứng đằng xa cầm một cây gậy đánh dấu. Khi xây dựng đường phố trong một thị trấn hoặc pháo đài  mới, bốn cánh tay của groma giúp tạo ra những giao lộ vuông góc sao cho đường phố tạo ra mạng lưới dể bố trí việc xây dựng các khu dân cư.

Các phân tích gần đây về các vết lún sâu bánh xe trong đường phố ở Pompeii cho thấy người La Mã lái xe về bên phải đường để tránh ùn tắc. Người La Mã rất mê tín và e sợ những gì dính líu với phía trái, đó là lý do các từ chỉ bên trái và tay trái của họ, sinister sinistra, là nguồn gốc của chữ ‘sinister’ của chúng ta có nghĩa là ‘mang điềm gỡ’ hay  ‘nham hiểm’.

12

Làm đường

Đôi khi các binh lính quân đoàn đảm nhiệm việc làm đường, nhưng cũng có khi sử dụng lực lượng nô lệ cùng lao động cưỡng bách tại địa phương. Đường phải bảo đảm luôn vững chắc trong mọi thời tiết, và không úng nước. Vì thế một bờ chắn nâng cao bằng xà bần được dầm với các thanh gỗ chôn trong đất sau đó là những lớp đá, sỏi, đá nhỏ, đất sét, và rồi đến mặt đường cũng đắp nện bằng đá cuội nhỏ, hơi nhô cao ở khoảng giữa để nước mưa có thể chảy thoát qua cống thoát ở hai bên lề.

Là người thực tiễn hết mực, người La Mã sử dụng bất cứ vật liệu gì có sẵn tại bản địa để xây dựng đường xá. Ở Pompeii, các miếng dung nham núi lửa được sử dụng lót mặt đường. Ở các vùng có quặng sắt, các thỏi sắt được sử dụng để lót bề mặt. Sắt rỉ sét khiến mặt đường cứng như đá.

Giúp đỡ người đi đường: Bản đồ lưu thông, lộ trình, và hơn thế nữa

Cách duy nhất để hệ thống đường xá La Mã có thể hữu ích là giúp dân chúng dự tính được lộ trình của mình. Vì thế người La Mã lập ra các bản đồ lưu thông __ không chính xác như các bản đồ ngày nay nhưng cũng đủ cho việc lưu thông được dễ dàng hơn. Bản đồ cũng liệt kê những địa danh nằm trên một cung đường đặc biệt với khoảng cách giữa các nơi ấy. Vì một số bản thảo còn sót lại được sao chép trong thời Trung cổ, nên chúng ta mới biết được điều này.

Cuốn Lộ trình Antonine chắc hẳn được soạn thảo cho Caracalla (211-217), và được bổ sung dưới thời các hoàng đế về sau. Cẩm nang này ghi lại 225 lộ trình soạn sẵn trên khắp Đế chế với nơi đi và nơi đến và tổng số chiều dài của lộ trình. Đối với nhà khảo cổ và sử gia những cung đường này là những chỉ dẫn quan trọng để tìm ra tên cổ của những thị trấn.

Một cách khác giúp đỡ người đi đường là các trụ cây số, được dựng dọc theo các con đường chính lẫn phụ. Hình thức thay đổi nhiều, nhưng phần lớn các trụ cây số đều là cột trụ đá thô có hình ống trên đó khắc tên vị hoàng đế đương thời, danh hiệu của ông, và đôi khi ghi thêm khoảng cách đến thị trấn gần nhất (hình dưới). 

13

Cầu

Tất nhiên, đường xá không thể đến mọi nơi. Các con sông hoặc khe vực sẽ ngăn chận đường đi. Nhưng từ ngày La Mã đã làm chủ bê tông và cổng vòm, các con sông không còn cản trở nhiều nữa, mặc dù trong những vùng đất hẻo lánh các cầu gỗ thường được xây dựng. Một vài cây cầu La Mã còn nguyên vẹn và vẫn còn được sử dụng. Cầu Fabricius được bắc qua sông Tiber vào năm 62 BC làm bằng các khối đá khoáng xốp của núi lửa và bên ngoài ốp đá. Nó có hai nhịp chính dài 24 mét.

Một trong những cây cầu nổi tiếng nhất từng được người La Mã xây dựng là cầu bắc qua sông Danube do Trajan (98-117) hoàn thành, dùng để kiểm soát dân Dacia ở phía bên kia. Nó chắc chắn được Apollodorus ở Damascus thiết kế và nó được minh họa trong Cột Trụ Trajan ở La Mã (xem Chương 17). Sử gia Dio mô tả nó như sau:

  • Cầu có 20 trụ đá cao 40 mét
  • Mỗi trụ cách nhau 50 mét
  • Phần thân cầu được làm bằng gỗ

Dio nói hơi quá vì bề rộng con sông chỉ là 800 mét, nhưng dù sao đó vẫn là một cây cầu hoành tráng. Hadrian (117-138) tháo bỏ thân cầu để ngăn quân Dacia tràn qua Đế chế và Dio nói rằng phần trụ cầu vẫn còn đứng vững trong thời ông sau hơn một thế kỷ (vào đầu AD 200).

  Bên dưới là hình một cây cầu La Mã trong số nhiều cầu còn sót lại ngày nay trên khắp Đế chế La Mã.

14

Bưu tín đế chế

Sự giao thông nhanh chóng qua khắp Đế chế là điều trọng yếu vì hoàng đế phải bảo đảm các chỉ dụ mới ban hành đến tay các người liên hệ, và nhận được nhanh chóng tin tức từ những thống đốc địa phương và nhất là các tư lệnh đang đánh trận ở vùng xa. Augustus đưa ra hệ thống bưu tín đế chế, bắt buộc các thị trấn và khu định cư dọc theo đường xá phải có xe hoặc ngựa luôn ứng trực sẵn sàng. Ở đó tất nhiên mọc lên những quán trọ cung cấp những chỗ nghỉ chân và ăn uống cho người qua đường.

Dịch vụ này chỉ dành cho các người đưa tin đế chế hoặc những viên chức đi vì công vụ chính thức. Tất nhiên, cũng có khi được lạm dụng cho những mục đích đưa tin cá nhân. Như Pliny Trẻ cho vợ sử dụng phương tiện này để đi thăm người dì của bà sau khi ông nội bà chết. Đó là một dịch vụ đắt đỏ và Nerva (96-98) chuyển phí tổn cho nhà nước gánh vác.

       

Chương 7

 Vận Hành Guồng Máy La Mã

 Trong Chương Này

  • Các cảng biển La Mã và các cung đường mậu dịch
  • Công trình thủy của La Mã: cống cấp nước, hồ chứa, hệ thống thoát nước
  • Cách thức người La Mã giữ gìn sức khỏe

Mậu dịch và kỹ nghệ là thiết yếu cho bất kỳ thành phố vận hành nào, vì theo định nghĩa các dân cư hiếm khi sản xuất những hàng hóa căn bản như thực phẩm. Vì thế thành phố mưu sinh bằng những hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho phần còn lại của dân chúng cần đến.

La Mã hơi khác một chút. Nó không chỉ là thành phố lớn nhất trong thời cổ đại __ với một dân số hơn 1 triệu người, gấp hai lần dân số của đối thủ gần nhất, Carthage và Alexandria, và 50 đến 100 đông dân hơn hầu hết các thành phố khác trên khắp Đế chế La Mã __ nhưng là thủ đô của một Đế chế bao la, La Mã chỉ đơn giản thu lấy bất cứ tài nguyên nào nó muốn hoặc cần đến từ những vùng khác nhau trong vùng kiểm soát của nó, như ngũ cốc từ Ai cập, đá từ Hy lạp, hoặc chì từ Anh. Nhưng điều đó còn có nghĩa nó sở hữu tất cả bộ máy vận tải và các cảng biển, các nhà buôn, và tiền bạc, để cung ứng không chỉ cho La Mã, nhưng còn cho phần còn lại của Đế chế và quân đội La Mã đóng ở những vùng xa xôi.

Chương này giải thích cách thức người La Mã sử dụng các tuyến đường mậu dịch và công nghệ để giữ cho guồng máy của Đế chế hoạt động. Ta cũng khảo sát cách thức người La Mã quản lí nguồn cung cấp nước đô thị, sử dụng sự làm chủ vô song của thủy lực học và dóng thẳng đứng.

Mậu Dịch Quanh Đế Chế

Aelius Aristides (AD 117-181) là nhà hùng biện Hy lạp có cuộc sống trải dài qua những năm tháng vinh quang của Hoàng đế (xem chi tiết ở Chương 17). Aristides yêu La Mã và viết những lới tán thán ca ngợi thành phố. Trong đó có nhận xét sau:

                ‘Các lục địa rộng lớn quanh vùng Địa Trung Hải và những nguồn cung cấp vô tận hàng hóa chảy từ đó đến bạn (dân La Mã). Mọi thứ từ mỗi vùng miền và vùng biển khác nhau đều được chở đến đây. . . sao cho nếu có ai muốn nhìn thấy tất cả những sản vật này thì hoặc bạn phải đi chu du thế giới hoặc ban chỉ cần sinh sống tại La Mã.’

   La Mã quản lý nguồn hàng hóa dồi dào này từ khắp Đế chế qua các cảng của nó. Mục này sẽ cho bạn những chi tiết.

Ostia: Cảng La Mã

Ostia tổng kết nền thương mại của La Mã. La Mã nằm trong lục địa trên sông Tiber, vốn quá hẹp và nhiều gió để  đương đầu với tất cả tàu bè và phương tiện neo đậu mà La Mã cần. Từ Ostia, tàu có thể được lai dắt ngược dòng đến La Mã.

Ostia nằm trên bờ biển, và vào giữa thế kỷ thứ tư BC, nó hoạt động như một cảng của La Mã. Vào 267 BC, Ostia có quan quốc khố của riêng nó. Vào 217 BC, các nguồn cung cấp cho quân đội La Mã đang chiến đấu với Hannibal ở Tây Ban Nha được chở đến từ Ostia. Ostia đủ quan trọng cho Marius đánh chiếm thành phố vào 87 BC, và vào 67 BC, Pompey sử dụng nó như căn cứ cho hạm đội được phái đi tiêu diệt bọn hải tặc Cilicia.

Phố kinh doanh của Ostia, được xây dựng trong thời đầu trị vì của Augustus (27 BC-AD 14), chứa hơn 70 văn phòng của các công ty mậu dịch. Bên ngoài mỗi văn phòng là một sàn khảm đá cho ta biết xuất xứ của các thương gia và loại hàng hóa họ bán, trong đó có một công ty từ thành phố Sabratha (Sabart) ở Lybia buôn bán thú rừng và ngà voi, nhà buôn bán ngũ cốc từ Calares (Cagliari) ở Tây Ban Nha, và các nhà buôn Algerie bán chà là và cá.

Do sự trớ trêu của lịch sử, Ostia còn tồn tại được như một phế tích được bảo tồn tốt đẹp. Con sông Tiber tràn ngập bùn, khiến cảng cao và khô, nên không thể sử dụng được phải bỏ đi. Ostia đã được khai quật, và bây giờ du khách có thể thơ thẩn quanh các đường phố với nhà ở, cửa hàng, khu cư xá, đền thờ, và nhà kho (hình dưới).

15

Giao thương quốc tế

Tất nhiên, Ostia không phải là cảng duy nhất. Trong khắp thế giới La Mã cảng và thị trấn phát triển bởi vì có sự luân chuyển liên tục của hàng hóa. Là một thành viên trong Đế chế La Mã có nghĩa là phải chia sẻ cách sống La Mã, và có nghĩa là giao thương, hoặc bạn ở miền Đông hay ở những góc trời xa xôi nhất của các tỉnh lỵ đông bắc. Đông Palmyra, cho đến khi bị Aurelian (AD 270-175; xem Chương 19) phá hủy, đã vươn lên thành một trong những thành phố giàu có nhất trên con đường mậu dịch ra vùng Viễn Đông.

London

London ngày nay là một trong những thành phố lớn nhất thế giới và là một trung tâm tài chính quốc tế. Trước khi người La Mã đến Britain (thuộc Anh ngày nay), trên vùng đất ấy chả có gì. Nhưng người La Mã thấy được vị trí này là một địa điểm lý tưởng để bắc cầu qua sông Thames. Và họ đã bắt tay thực hiện. Khi thủy triều lên, tàu thuyền có thể cặp bến dễ dàng. Trong một vài năm sau cuộc xâm lăng của quân La Mã, một khu giao thương đã tự phát mọc lên __ chính cách thức thế giới La Mã vận hành đã biến các trung tâm giao dịch trở nên thiết yếu. Vào thập niên 70 AD, 30 năm sau cuộc xâm chiếm và mặc dù bị tàn phá trong cuộc nổi dậy Boudican vào AD 60-61 (xem Chương 16), London có một thương cảng nhấp nhô các cầu tàu và nhà kho. Hàng hóa từ khắp nơi trên Đế chế được chở đến địa điểm giờ đây đã trở thành thủ phủ của tỉnh lỵ mới. Mặc dù London suy yếu sau thời đại La Mã, nó bắt đầu tăng trưởng trở lại lần nữa vào thời Trung cổ và từ đó đến nay không ngừng hưng thịnh, cho dù không còn là một thương cảng.

Tất nhiên, London không phải là cảng lớn duy nhất trong Đế chế Tây La Mã. Những cảng khác bao gồm Massillia (Marseilles) và Burdigala (Bordeaux) ở Gaul (Pháp), và Gades (Cadiz) ổ Tây Ban Nha, nhưng chỉ London là cảng có xuất phát điểm là số không trước khi biến thành một cảng La Mã và rồi tiến hóa như ta thấy ngày nay.

 

Các trạm mậu dịch bên ngoài Đế chế

Các nhà buôn La Mã cũng vượt qua biên giới của Đế chế và dựng lên những trạm mậu dịch trong những vùng xa xôi như Muziris (có thể là Kerala ngày nay) ở Ấn độ. Họ kiếm tiền, nhưng đồng thời lôi kéo những nơi khác theo lối suy nghĩ của người La Mã. Một số vùng này sau đó bị chinh phục và biến thành các tỉnh lỵ của La Mã, rồi sau đó các dân bản địa cũng làm quen với rượu vang Ý, sốt cá Tây Ban Nha, và đồ gốm tinh xảo của Gaul  và Ý. Các nhà buôn La Mã và nhà phân phối bản địa cũng tụ tập quanh các pháo đài La Mã và dựng lên những khu định cư nhếch nhác không chính thức để giúp binh lính tiêu tiền. Khi pháo đài bị giải thể, nơi này thường vẫn còn tồn tại và trở thành một khu định cư sầm uất đúng nghĩa.

Các thương gia và các nghiệp đoàn

Nhiều thương gia ở Ostia và những cảng khác thuộc giới kỵ sĩ hoặc là người được giải phóng, và họ thường có những mối làm ăn cá nhân trong vài tỉnh lỵ khác nhau __ không khác những doanh nhân ngày nay làm việc ở New York và London, hoặc Paris và Munich. Marcus Aurerelius Lunaris là một người được giải phóng có văn phòng ở các thuộc địa ở Lincoln và York ở Anh. Nhưng trong một chuyến giao dịch đến Bordeaux ở Gaul, ông dựng một điện thờ để cảm tạ thần linh phù hộ ông thượng lộ bình an, nhờ đó ta biết về ông.

Các thương gia ở Ostia tự lập ra những nghiệp đoàn, và những tổ chức khác tương tự mọc lên khắp Đế chế. Những nghiệp đoàn này gắn kết với nhau, tương trợ các thành viênthoát khỏi khó khăn, và hiến tế cho những thần linh mình ưa chuộng. Các nghiệp đoàn cũng có ích cho chính quyền. Khi cuộc sống càng lúc càng bị kiểm soát gắt gao như dưới thời Dominate (Chương 20), chính quyền bắt buộc các nghiệp đoàn bán đúng giá và ngăn cấm nhân viên bỏ việc.

Món Ngon từ Khắp Nơi

Chúng ta có thể biết được người La Mã buôn bán những gì từ các tài liệu của họ hoặc từ những gì nhà khảo cổ tìm được. Nhưng thực phẩm thì hầu hết đã phân hủy. Chứng cứ tốt nhất tiếp theo là các bình chứa dùng để vận chuyển hàng hóa, và phổ biến là các bình amphora (xem Hình 7-1). Bình amphora là một loại kiện hàng bằng gốm, thường là hình trụ hoặc có dáng tròn, với đáy là hình nón và một cổ dài có hai quai. Trên khắp thế giới La Mã bình amphora là chứng cứ cho thấy có dấu chân nhà buôn La Mã đã đến đây, hoặc là trong một ốc đảo nơi sa mạc hắt hiu ở Ai cập hoặc một phần trong lô hàng của một con tàu bị đắm tìm thấy dưới lòng biển khơi.

16

Amphora được sản xuất hàng triệu chiếc để chứa dầu cá, ngũ cốc, chà là, dầu ô liu, rượu vang . . . Đôi khi các hảng sản xuất đóng logo của mình lên amphora, hoặc các thuyền vận tải viết lên võ bình cho biết vật chứa bên trong. Một bình xuất phát từ Antipolis (Antibes ngày nay trên Cote D’Azur ở miền nam nước Pháp) nhưng được tìm thấy ở London mang dòng chữ:

Liquam(en) Antipol(itanum) exc(ellens) L(uci) Tett(i)I Africani

Dịch là: ‘Sốt cá hảo hạng của Lucius Tettius Africanus từ Antipolis.

Tất nhiên, người La Mã không chỉ buôn bán thực phẩm và thức uống. Có đầy dẫy những món hàng khác: vải dệt, thủy tinh, men sứ, gia vị, kim loại như sắt, đồng, kẽm, vàng và bạc, đá ngoại dùng để trang trí nhà cửa và các toà nhà công cộng.

Thực phẩm, thực phẩm quang vinh: Nguồn cung cấp ngũ cốc

Tại đỉnh cao quyền lực, La Mã có dân số lên đến 1 triệu người, trở thành một thành phố lớn nhất thời cổ đại. Nuôi sống một số dân như thế là một nhiệm vụ nặng nề nhưng La Mã có quyền lực và phương tiện để đảm đương. Trong số những phương tiện quan trọng nhất là các tàu thuyền vận tải ngũ cốc từ Ai Cập, Bắc Phi, và Sicily, bên cạnh chúng là những tàu thuyền từ Tây Ban Nha chở dầu ô liu, từ nhiều vùng trên đất Ý và Địa Trung Hải chở rượu vang, và từ Ấn là những món gia vị xa xỉ và hổ phách từ vùng Baltic.

Các thủ lĩnh chính trị La Mã khám phá được giá trị của việc mua lương thực rồi phát không cho dân chúng. Gaius Gracchus đưa ra sắc luật bảo đảm giá ngũ cốc phải rẻ và cố định. Tên Publius Clodius Pulcher gian manh (xem thêm Chương 14)  cấp miễn phí ngũ cốc khi y làm Hộ dân quan vào 58 BC.

Vào thời Augustus (27 BC-AD 14), 200,000 người ở La Mã nhận được trợ cấp gạo miễn phí, tức khoảng 20 phần trăm dân số), và việc cung ứng gạo giờ đây là trách vụ của hoàng đế. Hàng chục các viên chức đảm nhiệm việc phát gạo, và hoàng đế biết rằng một khi nguồn cung cấp lương thực bị cắt đứt, giặc giã sẽ nổi lên.

Việc phát chẩn ngũ cốc được một chức quan quản lý, và trách vụ của họ là một trong những trách vụ quan trọng nhất ở La Mã. Vào thời Septimius Severus (AD 193-211), để mua lòng trung thành của các quân nhân, binh lính được trợ cấp lương thực miễn phí và một sắc thuế được lập ra đánh vào toàn Đế chế để đài thọ cho việc này.

Khai thác mỏ kim loại

Khi người La Mã mở rộng Đế chế của họ, các tài nguyên họ kiên quyết phải chiếm giữ là các tài nguyên khoáng sản. Đế chế có nhu cầu rất lớn về kim loại:

  • Bạc và vàng là chất liệu để làm tiền đồng La Mã, dùng để trả lương cho quân đội và các quan chức đế chế. Nhưng vàng và bạc cũng được sử dụng để chế tác những vật dụng xa xỉ cho các nhà giàu hoặc hoàng đế, từ việc tích trữ to lớn vàng miếng đến đồ trang sức.
  • Sắt là nguyên liệu sống còn để đúc vũ khí và công cụ lao động.
  • Đồng, kẽm, và thiếc được pha trộn để tạo ra hợp kim đồng thiếc và đồng thau, sử dụng để chế tác vô số vật dụng hằng ngày như vòi nước, trâm, kẹp, áo giáp, yên ngựa, đồng tiền mệnh giá nhỏ, và đồ trang sức rẻ tiền.
  • Chì là nhựa của Đế chế La Mã, được sử dụng làm ống nước, mái nhà không thấm nước, và bể chứa nước. Nó được pha với thiếc để làm ra hợp kim thiếc, một chất thay thế rẻ tiền cho bạc miếng, và pha với đồng và thiếc để làm ra một dạng đồng thiếc khác.

Người ta xục xạo những tỉnh lỵ mới chinh phục để săn tìm tài nguyên khoáng sản. Thường thường, nhờ vào thông tin do các nhà buôn cung cấp, người La Mã biết rất rõ vị trí các quặng mỏ. Nhanh chóng tiếp sau cuộc chinh phục Tây Ban Nha và Dacia là hoạt động khai thác mỏ có tổ chức. Tây Ban Nha đặc biệt hấp dẫn. Không ở đâu vàng, bạc, sắt, và đồng được khai thác dễ dàng hơn là ở Tây Ban Nha. Một số mỏ đồng Tây Ban Nha cho ra 25 phần trăm đồng nguyên chất từ mỗi khối lượng quặng được đào lên; trong mỏ bạc, khoảng 26 kí lô thoi bạc có thể thu được mỗi ba ngày. Anh bị xâm chiếm vào AD 43. Trong vòng sáu năm cuối cùng những thoi chì cũng được vận chuyển khỏi tỉnh lỵ mới. Một số được sử dụng làm ống nước ở Pompeii, và theo Pliny Lớn, chì xứ Anh được khai thác dễ dàng, một sắc luật đã được ban hành giới hạn tốc độ sản xuất để tránh giá chì không sụp đổ.

Việc khai thác mỏ thường do các nô lệ đảm đương, và không phải nói, điều kiện sức khỏe và an toàn không hề được quan tâm. Quặng mỏ làm ra rất nhiều tiền, nên dễ dàng mua được thêm nô lệ mới khi cần. Dưới thời Cộng hòa, các quặng mỏ được vận hành bởi các nhà thầu, nhưng dưới thời các hoàng đế, chính quyền ủy quyền cho các viên chức điều hành các khu mỏ thường là khá gần thị trấn. Các viên chức này vừa là người giám sát, cảnh sát, thị trưởng, chủ ngân hàng, và ông chủ. Các công ty tư cũng có thể khai thác một phần mỏ, nhưng họ phải nộp cho nhà nước một phần sản lượng khai thác được.

Tiền, Tiền và Tiền

Thế giới mậu dịch La Mã phụ thuộc vào tiền mặt (dùng kim loại làm tiền là một lý do chính để khai thác mỏ). Các đồng tiền La Mã đến này vẫn còn lưu lại rất nhiều, cho thấy chúng là một phần của hoạt động buôn bán hằng ngày.

Ngày nay tiền bạc có tính biểu hiện. Giấy bạc đô la, những đồng 25 xu có giá trị hơn nhiều so với giá vật liệu, giấy hay kim loại, dùng để làm ra chúng. Nhưng chúng ta chấp nhận giá trị bề mặt này vì giá trị đó qui định bởi luật pháp và bởi vì chúng ta đã quen với quan niệm biểu hiện của tiền tệ.

Tiền đồng La Mã, và thật ra hầu hết mọi đồng tiền xưa, đều căn cứ trên giá trị tự thân của nó. Điều đó có nghĩa là đồng tiền phải làm bằng kim loại có giá trị bằng mệnh giá của nó. Tức là, đồng tiền có thể trao đổi bằng với giá trị kim loại dùng để đúc ra nó. Các kim loại quan trọng nhất của tiền đồng thời cổ đại là bạc và vàng, còn đồng được sử dụng cho tiền nhỏ dùng để thối lại.

Việc đúc tiền đồng phát triển ở Tiểu Á vào thiên niên kỷ thứ nhất BC vì nó là cách thuận tiện để cất giữ. Người La Mã bắt đầu dùng các thỏi đồng lớn làm tiền đồng, nhưng vào thời Augustus hệ thống tiền đồng được xây dựng quanh một đồng tiền bạc nhỏ tên là denarius. Đây là những loại đồng tiền chính được đưa vào sử dụng cho đến đầu thế kỷ thứ tư và kim loại dùng để chế tác bắt đầu với mệnh giá thấp nhất (tham khảo Hình 7-2):

                Quadrans (đồng thiếc) = ½ đồng semis

                Semis (đồng thiếc) = ½ đồng as

                As (đồng thiếc) = ½ đồng dupondius

                Dupondius (đồng thau) = ½ đồng sestertius

                Sestertius (đồng thau) = ¼  đồng denarius

                Denarius (bạc) = 1/25 đồng aureus

                Aureus (vàng)

17

Hình 7-2: Các đồng tiền La Mã.

Hàng trên từ trái qua: vàng aureus, bạc denarius, đồng thiếc quadrans

Hàng giữa từ trái qua: đồng thiếc sestertius, đồng thiếc dupondius, đồng thiếc 

Hàng cuối (để đối chiếu kích cỡ): Đồng 10 xu Anh, đồng 25 xu Mỹ

Việc quan trọng nhất về hệ thống tiền đồng là tiền đồng thường là tốt trong toàn cõi Đế chế La Mã. Hầu hết tiền đồng được đúc tại La Mã và Lugdunum (Lyons) ở Pháp. Ai Cập có hệ thống tiền đồng La Mã đặc biệt của riêng nó, và các thành phố miền Đông có thể phát hành tiền đồng lẻ có mệnh giá nhỏ của riêng mình. Từ thời Diocletian (284-305) các xưởng đúc tiền trên khắp thế giới La Mã đều đúc những đồng tiền giống hệt nhau.

Những đồng tiền tuyên truyền

Trong một thế giới không có truyền thông đại chúng, các đồng tiền là một phương tiện tuyệt vời để ‘quảng cáo’ hoàng đế, những thành tựu của ông, và gia đình ông. Trong vòng vài tuần hoặc có khi vài ngày sau khi một hoàng đế mới lên nắm quyền, những đồng tiền mang chân dung của ông được phát hành để mọi người đều biết ông là ai. Không giống những đồng tiền ngày nay, mỗi mệnh giá được phát hành với nhiều phiên bản có mặt trái khác nhau, thể hiện bất cứ thứ gì từ một phẩm chất nghe rất ấn tượng như ‘libertas (‘tự do’) đến những bức hình các dinh thự công cộng, hoặc tưởng niệm các chiến thắng. Các đồng tiền khác có thể mang hình vợ hoàng đế, con trai ông, và có khi chân dung mẹ ông ở mặt phải thay cho chân dung hoàng đế. Augustus mở đầu khuynh hướng đặt hình người sẽ kế vị ông lên mặt sau của đồng tiên để dân chúng quen dần.

Những giá trị đối chiếu

Thực sự thì không thể soạn ra một bảng so sánh các giá trị, chỉ biết vào cuối thế kỷ thứ nhất AD, một binh sĩ của quân đoàn kiếm được một mức lương căn bản là 300 denarii một năm. Phân nửa để mua sắm vật dụng và nuôi gia đình, phân nửa còn lại tiêu cho bản thân. Những ít ỏi ta biết được về giá cả cho biết là một người lao động bình thường La Mã phải làm việc nặng nhọc hơn chúng ta nhiều mới thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Chẳng hạn, một nông dân cần phải làm lụng suốt ngày trời mới mua được nửa lít dầu ô liu, trong khi một đôi giày ủng chất lượng tốt có giá bằng bốn ngày công hay hơn nữa.    

Lạm phát

Người La Mã tất nhiên không hiểu rõ cách vận hành của tiền tệ. Vì thế khi Hoàng đế như Septimius Severus (193-211) cần thêm đồng tiền bằng bạc để trả lương cho bính lính nhưng không đủ nguyên liệu bạc, ông chỉ việc thêm chất đồng thay thế để đúc được nhiều đồng tiền bạc hơn. Vì Đế chế không mở rộng thêm từ thời Trajan cách đó một thế kỷ, nên không có thêm nguồn cung cấp bạc từ những lãnh thổ được chinh phục.

Người lính La Mã và dân chúng tinh ý sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa hai thứ đồng tiền cũ và mới, và lập tức tích trữ đồng tiền cũ, có nhiều chất bạc hơn. Các nhà buôn tăng giá lên để bù lại sự mất giá của đồng tiền mới, và vòng lẩn quẩn giữa đồng tiền mất giá và giá cả tăng lên cứ tiếp diễn. Hết hoàng đế quân nhân này đến hoàng đế quân nhân khác cố mua lấy sự yêu quí của dân chúng, thì bạc càng hiếm dần. Vào thập niên 270 đồng tiền ‘bạc’ chỉ toàn là đồng áo lớp bạc bên ngoài mà thôi.

Vói nạn lạm phát ngoài tầm kiểm soát, Diocletian (AD 284-305) đưa vào đủ loại đo lường để cố giải quyết bài toán, kể cả đưa vào đơn vị tiền tệ mới như đồng nummus. 

Constantine (307-337) ổn định vàng, sử dụng một đồng tiền mới có tên solidus, nhưng bạc thì thực sự biến mất, và chúng ta biết rất ít về đồng tiền bằng đồng của thế kỷ thứ tư.

Mở Vòi Nước

Ngoài đường xá, một kỳ công lừng danh khác mà người La Mã làm được là khả năng huyền thoại về việc quản lý nguồn cung cấp nước sạch. Bạn có thể nghĩ có con sông Tiber cạnh bên là dễ dàng giải quyết vấn đề rồi. Thực ra không phải vậy. Sông chủ yếu sử dụng cho việc vận chuyển và chứa nước thải. Đưa nước lên và phân phối với một số lượng lớn là điều vô cùng khó khăn và tốn nhiều công sức.

Đưa nước vào thành phố và pháo đài là bài toán về trọng lực: tìm một nguồn nước ở trên cao hơn chỗ tiêu thụ và dẫn nó đến nơi với độ chảy vừa phải.

Dẫn nước vào thành phố: Cống dẫn nước

Appius Claudius, người xây dựng Con Đường Qua Appia vào 312 BC (xem Chương 6), cũng là người xây dựng cống dẫn nước sạch đầu tiên của La Mã. Appius lấy nguồn nước từ một con suối cách La Mã 16 km và dẫn nó chảy xuống qua một đường hầm dưới mặt đất. Chỉ khi đến gần La Mã nó mới chảy qua một kênh xây cao hơn mặt đất trên những cổng vòm bằng gạch (xem hình dưới).

18

 Khi nước đến thành phố, nó đổ vào một hồ chứa gồm nhiều ngăn. Bùn và cát bụi sẽ lắng xuống đáy. Bồn chứa làm giảm áp lực khi nước đổ dốc một đoạn đường dài, rồi sau đó chảy qua một hệ thống ống tỏa đi đến:

  • Các phương tiện công cộng như đấu trường và phòng tắm công cộng
  • Các giếng nước trên đường phố
  • Nhà các người giàu có

Vì áp lực nước có thể làm vỡ ống, nên nước cho chảy vào các bồn chứa ở các góc phố được treo trên các tháp để cho dân chúng sử dụng. Những bồn treo này sẽ không tràn vì lượng nước dư sẽ chảy đến những nơi cần dùng toàn thời gian. Dưới thời Domitian (81-96) có khoảng 1,350 giếng nước trong thành phố La Mã.

Khi dân số La Mã tăng lên, nhiều cống dẫn nước sạch hơn được xây dựng, mang một lượng nước dồi dào, theo Strobo, như nước của dòng sông. Sau đây là một số cống quan trọng:

  • Cống Marcia: Do Quintus Marcius Rex xây 144-140 BC. Cống chạy ngầm dưới mặt đất 48 km và 9.7 km trên các cổng vòm.
  • Cống Vergine: Do Agrippa xây dựng năm 19 BC, dài 21 km để cung cấp nước cho các nhà tắm công cộng của Agrippa.
  • Cống Claudia: Do Claudius xây dựng năm 52 AD để cung cấp nước cho cung điện hoàng đế. Đến thế kỷ thứ năm cống vẫn còn chảy khi bọn man rợ xâm lăng và cuối cùng phá sập nó.

Giếng và hồ dự trữ

Cổng không phải là phương tiện cung cấp nước duy nhất. Đôi khi những guồng xoay gồm những thùng kết nối nhau được hạ xuống lòng giếng đào đến mạch nước ngầm.  Các nô lệ hoặc bò quay guồng để lấy nước từ giếng đưa tới những phòng tắm nhỏ hoặc hảng xưởng.

Ở những nơi xa xôi khô hạn, người La Mã hứng nước mưa cho chảy qua các đường hầm ngầm dẫn đến các hầm chứa. Người ta tìm được một hầm chứa lớn xây gạch ở thành phố Thuburbo Majus thuộc xứ Tunisia ngày nay. Một hệ thống tương tự ở thành phố Androna (Al Anderin), Syria có cả kênh tưới tiêu ngầm vẫn còn hoạt động được trong thập niên 1960 cho đến khi những hệ thống mới được thiết lập đã làm ngưng lớp nước ngầm. Sử dụng tất cả kinh nghiệm xử lý nước, vào thế kỷ thứ sáu AD, người Byzantine xây dựng một hầm chứa ngầm rộng lớn (140 x 70 m) bên dưới Trường Đua Ngựa của Constantinople. Được nâng đỡ bằng 336 cột, với dung lượng 100,000 tấn nước, nó vẫn còn đứng vững, và bạn có thể ghé thăm (hình dưới)

19

Phòng tắm

Việc tắm rửa là hoạt động căn bản của lối sống La Mã trong thời Đế chế. Những phòng tắm công cộng rộng lớn được xây dựng ở La Mã (như Phòng tắm của Titus, của Trajan, của Caracalla, và của Diocletian), trong mỗi thành phố trong Đế chế La Mã (Pompeii có ít nhất ba phòng tắm công cộng), và trong hầu hết các khu định cư nhỏ. Những nhà giàu có thể xây dựng những phòng tắm riêng của mình trong nhà và các điền trang.

Tắm là trình tự hàng ngày (thường vào buổi chiều) cho hầu hết mọi người và gồm một chuỗi những hoạt động theo thứ tự nghiêm nhặt. Trong hầu hết lịch sử La Mã  việc tắm táp được thực hiện riêng biệt giữa nam và nữ. Người đến tắm đi qua một dãy phòng gồm:

  • Apodyterium: Phòng thay đồ.
  • Tepidarium: Phòng tắm ấm để thân thể bắt đầu ra mồ hôi.
  • Caldarium: Phòng xông hơi, tại đó người tắm ngồi quanh trong làn hơi nóng bốc ra, lỗ chân lông nở rộng, khiến mồ hôi tiết ra tống đi chất dơ trên da. Người nô lệ dùng bàn chải cọ rửa da, và xức dầu thơm chà xát lên làn da.
  • Frigidarium: Tắm lạnh tại đó người tắm có thể bơi trong làn nước mát, lỗ chân lông khép lại, và thư giãn.
  • Palaestra: Khu tập luyện thể dục như chạy, nhảy, và các trò vận động khác.

20

Phòng tắm không chỉ là nơi để tắm táp sạch sẽ, mà còn là nơi bàn chuyện làm ăn, tán gẫu, giao tiếp, và mời đi ăn tối. Tóm lại, đó là nơi mở rộng quan hệ quan trọng nhất trong cuộc sống La Mã, và việc chúng được xây khắp mọi nơi trong Đế chế cho thấy tác động của văn hóa La Mã (xem hình trên).

 

Xử lý nước thải: Cống rãnh La Mã

Phòng tắm sinh ra nước thải, cũng như các nhà xí công cộng, các cửa hàng, cửa tiệm (như tiệm giặt ủi, cửa hàng ăn) và các tư gia. Người La Mã sử dụng những kỹ năng của mình về cổng vòm, bê tông, đá, và gạch để xây dựng mạng lưới cống rãnh ngầm dẫn nước thải đổ vào sông Tiber. Hệ thống thoát nước ít nhất là có từ thời Tarquinius Superbus (535-509 BC), người đã xây Cloaca Maxima,  ‘Cống Lớn’ (xem hình dưới).

21

Một số cống rãnh ở La Mã lớn đến nổi có thể cho thuyền đi trong lòng cống, và đó là điều Agrippa đã làm vào năm 33 BC trong một lần đi khảo sát khi ông làm quan thị chính. Những thành phố khác cũng có cống rãnh nhưng chất lượng thay đổi từ những máng nước thoát lộ thiên đến hệ thống cống tinh vi như ở La Mã.

Giữ Gìn Sức Khỏe: Thuốc Men

Người thời cổ, trong đó có người La Mã, chịu nhiều bệnh tật và tai nạn nhiều hơn chúng ta ngày nay. Họ không biết gì về các vi sinh vật như vi khuẩn, vi trùng, nhưng họ thích tắm táp, sử dụng nước sạch, và lắp đặt hệ thống cống rãnh cho thấy một số thành phố của họ vệ sinh nhiều hơn các xứ khác trong thời trung cổ. Thật ra có thể nói không ngoa rằng không ở đâu vệ sinh như ở La Mã cho đến khi những người Anh trong thời Victoria bắt đầu xây dựng những hệ thống thoát nước thải ở London và các thành phố phương Tây khác.

Về trung bình, người cổ đại nói chung có tuổi thọ ngắn hơn tuổi thọ chúng ta nhiều. Nhưng tất nhiên cũng có những người La Mã sống đến hơn 80, trong đó có những nhân vật tiếng tăm. Cato Lớn thọ đến 85 tuổi . Hoàng đế Gordian I (238) sống hơn 80 khi ông tự tử. Một người lính trong quân đoàn XX ở Wales sống đến 100 tuổi. Đối với phần đông dân chúng, bệnh tật, chiến tranh, và tai nạn khiến tuổi thọ số đông rút ngắn lại. Nhưng những điều này không ngăn cản người La Mã trung bình đặt lòng tin vào thuốc men.

Y khoa trong thời cổ La Mã

Y khoa hầu như hoàn toàn do người Hy Lạp làm chủ, đến độ nếu một thầy thuốc không phải là người Hy Lạp, bệnh nhân sẽ không thấy tin tưởng mấy __ cũng tương tự như hiện nay bạn đi châm cứu mà không gặp thầy thuốc là người Trung Hoa. Rất ít người La Mã thực hành nghề thuốc, và thậm chí nếu có, họ phải dùng tiếng Hy Lạp. Thầy thuốc Hy lạp có mặt khắp nơi trong Đế chế La Mã, bao gồm các nô lệ, và người được giải phóng. Không tồn tại những khóa đào tạo chính thức hoặc những qui chế hành nghề nghiêm nhặt, điều đó có nghĩa ít nhiều bất kỳ người Hy Lạp nào cũng có thể tự xưng mình là thầy thuốc và hành nghề y.

Không cần phải nói, xuất hiện không ít những lang băm đi khắp Đế chế bán đủ loại thuốc men ‘gia truyền’ cho các thầy thuốc bản địa, như thuốc dán chữa đau mắt.

Nhà giải phẫu và thầy thuốc

Y khoa La Mã không chỉ có lang băm. Pliny Lớn chỉ là một trong số những nhà khoa học La Mã nghiêm túc. Cornelius Celsus, sống trong thời Tiberius (AD 14-37) soạn một bách khoa bàn về mọi thứ. Phần duy nhất còn lưu lại  là De Medicina (‘Về Y khoa’). Celsus bàn luận về những trường phái khác nhau của y học Hy Lạp:

  • Phái Thực nghiệm tin tưởng vào giá trị thực nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân, hơn là băn khoăn về nguyên nhân gây bệnh (họ nghĩ là việc đó là không thể, nên không cần phí thời gian về việc đó).
  • Phái Phương pháp đặt căn bản trên việc chữa trị tùy theo loại bệnh.
  • Phái Giáo điều công nhận, không cần truy vấn, những giải thích về bệnh tật do các thầy thuốc cổ đại Hy lạp như Hippocartes truyền lại.

Celsus cho thấy là những thầy thuốc La Mã nghiêm túc biết rất rõ về giá trị của dinh dưỡng lành mạnh và rèn luyện thể dục. Họ biết về mọi loại bệnh, mà họ có thể nhận ra từ các triệu chứng, và có ý thức tốt về việc tiên lượng bệnh. Các cách điều trị đa dạng được hiểu rõ, từ việc cho thuốc và cây thuốc đến việc trích máu. Đây là điều mà Celsus nói về việc trích máu:

   ‘Khi vỡ đầu, máu nên được trích ra từ cánh tay . . . máu đôi khi cũng được chuyển            hướng khi, đã vọt ra chỗ này, nó được trích ra ở chỗ khác.’

  Mặc dù các thầy thuốc cổ đại có những ý tưởng đúng đắn, họ vẫn còn nhiều sai lầm. Mỉa mai thay, cuốn Khoa học Tự nhiên của ông cũng đầy dẫy sự kiện phi lý như một số tác phẩm y học mà ông chỉ trích. Và do có những người như Celsus, các thầy thuốc vẫn còn thực hành việc trích máu vì tin rằng đó là việc tốt cho đến thế kỷ thứ mười chín.

Thật là điều ngạc nhiên khi dân chúng La Mã vẫn sống sót ngon lành, bất chấp những nguy cơ bị nhiễm trùng do thầy thuốc cắt hở khi trích máu. Không ngạc nhiên khi thi sĩ Martial nói rằng ông đang ổn trước khi thầy thuốc và các sinh viên y khoa khám bệnh, nhưng sau đó lại lên cơn sốt.

Giải phẫu học thực hành

Các thầy thuốc La Mã bị hạn chế vì không biết nhiều về giải phẫu học __  cách thức thân thể hoạt động. Celsius đề nghị xem xét một đấu sĩ bị thương đổ ruột vì đó là cách lý tưởng để tìm hiểu cách thức thân thể hoạt động trong khi nó còn sống, thay vì chỉ xem xét các thi thể.

Celsius không phải là thầy thuốc như Claudius Galenus (AD 129-199), một người Hy Lạp từ Pergamum. Galenus, cũng như Pliny Lớn, luôn bị các tên lang băm dè bĩu và cuối cùng ông bị đuổi khỏi La Mã vì quá công khai ý kiến của mình. Ông soạn một tác phẩm bằng tiếng Hy Lạp có tên Bàn về Tự nhiên khoa, kết hợp khám phá của mình với kiến thức của những thầy thuốc đi trước. Ông quan tâm chủ yếu vào quan sát lâm sàng và suy luận diễn dịch rút ra từ đó. Rủi thay, các kết luận của ông thường là sai lầm __ chẳng hạn, ông cho rằng máu đi tới đi lui __ chứng tỏ Galenus đã sai, cũng như William Harvey (1578-1657) tiền phong, người đã khám phá ra sự tuần hoàn máu, cũng đã sai, nhưng là một tia sáng dù yếu ớt trong bình minh của nền khoa học hiện đại.

Thuốc cho quảng đại quần chúng

Người La Mã trung bình có rất ít phương tiện chăm sóc y tế có chất lượng theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Tất nhiên, người La Mã không mắc những chứng bệnh do ăn uống thức ăn béo ngậy, ngọt lịm, và chứa nhiếu chất hóa học độc hại như chúng ta ngày nay, và họ cũng chắc chắn cường tráng hơn chúng ta. Nhưng đối với phần đông, một cái chân gãy là cả một vấn đề, và với mọi loại bệnh cùng tình trạng nhiễm trùng, không có phương thuốc chữa nào đáng tin cậy cả, cho dù bạn có nhiều tiền. Đối với những người này, lựa chọn duy nhất là lối chữa trị dân gian, những phương thuốc gia truyền rẻ tiền do các lang băm rao bán cộng thêm một chuyến đi cúng tế ở một đền thờ gần nhất.

Thuốc men thường được vo viên hoặc ép thành thỏi, trên đó có in nổi bằng con dấu đá cho biết nhà sản xuất hay tên ‘bác sĩ’. Một số những con dấu đá này còn lưu lại, với dòng chữ nổi: ‘Thuốc bôi mỡ của Tiberius Claudius M chữa mọi bệnh về mắt. Dùng với trứng.’ Một con dấu khắc khác còn nổ: ‘Thuốc mỡ oxyt đồng của Gaius Junius Tertuillus chữa bệnh mí mắt nổi hạt và sẹo.’

 

Chương 8 

Trò Giải Trí: Ngoài Trường Đấu  và Ở Nhà

 

Trong Chương Này

  • Các trò thi đấu nơi đấu trường
  • Cuộc đời bi đát của võ sĩ giác đấu
  • Giết dã thú, đánh trận giả, và những xô ngoạn mục
  • Đua chiến mã xa kiểu La Mã
  • Khán giả La Mã xem gì ở nhà hát
  • Người La Mã giải trí ở nhà như thế nào

Hai bộ phim La Mã nổi tiếng nhất, Spartacus (1960) và Gladiator (Võ sĩ giác đấu, 2000), có một điểm chung: thế giới tàn nhẫn của các võ sĩ giác đấu La Mã và cuộc đời ngắn ngũi, đầy hiễm nguy của họ. Chương này bắt đầu ở các đấu trường với các võ sĩ giác đấu, một hình thức giải trí đặc biệt Ý có nguồn gốc cổ xưa và thu hút một số khán giả trung thành tại những vùng khác nhau trong Đế chế La Mã.

Cũng phải kể đến các cuộc đua chiến mã xa khốc liệt. Được các tay đua siêu sao lái với tốc độ khủng khiếp, chúng đem đến sự gay cấn cùng tột cho các tay đua La Mã trẻ tuổi. Đối với số người có khẩu vị tao nhã hơn, và số này khá đông, thì có nhà hát trình diễn kịch và múa rối, và những buổi đọc thơ tao nhã. Và ngoài ra là những lạc thú mà các buổi thù tạc hoặc chè chén say sưa mang lại.

Giới Thiệu các Trò Thi Đấu

Đối với hầu hết dân chúng trong Đế chế La Mã, cuộc sống con người rất bạc bẽo, tàn nhẫn, và ngắn ngủi. Trong một thế giới luôn có chiến tranh, luôn có những tai nạn thảm khốc xảy ra trên công trường, và nơi con người sinh ra với đủ loại khuyết tật vô phương cứu chữa, thì bạo lực thể xác và các hành xử tàn bạo được coi là đương nhiên.

Đó là lý do tại sao phần đông người tham gia vào các trò giải trí công cộng đều là nô lệ. Nếu những người được giải phóng không mấy quan trọng, thì người nô lệ không quan trọng gì hết. Nô lệ chỉ được coi là một thứ tài nguyên, và đứng trên góc độ trị an La Mã, một trong những cách sử dụng họ tốt nhất là giải trí cho đám đông để đám đông không la cà ngoài đường phố.

Nhóm từ nổi tiếng ‘bánh mì và đấu trường’ do nhà châm biếm La Mã Juvenal sống khoảng AD 60-130 đúc kết cho thấy dân La Mã chỉ có hai mối quan tâm trong cuộc sống: một cái bụng no đủ và hoạt động sôi nổi trên trường đấu. Nói chung, ông quả không sai.

 

Gắn kết dân chúng

Người La Mã giai cấp trên coi thường các trò giải trí công cộng, cho nó là một thói xấu vì các trò thi đấu không được xem là cao quý và không liên quan gì đến ‘phẩm chất cao quý của La Mã’ như tính tự chế và kỷ luật. Vì thế ngay cả khi họ tổ chức một sự kiện thi đấu trong những ngày đầu thành lập La Mã, các quý tộc cũng cố gắng giảm bớt nhiều như có thể sự hấp dẫn đối với khán giả. Chẳng hạn họ không sắp xếp ghế ngồi trong những trận so tài giữa các võ sĩ giác đấu, bắt buộc mọi người phải đứng coi. Khi người La Mã dựng chỗ trình diễn cho những sự kiện này, buổi biểu diễn vừa kết thúc là họ nhanh chóng sắp xếp lại như cũ, chẳng những vì xấu hổ mà còn ngán ngại khi có dân đen tụ họp quá đông cùng một nơi.

Dù vậy, các trò thi đấu thể hiện một hình thức văn hóa chủ yếu để kết nối dân chúng, vì chúng giúp củng cố sự kết nối tôn giáo và giữ cho đám đông tránh gây ra rắc rối. Không lạ khi ta biết những ngày khủng khiếp của Chiến tranh Punic lần hai cũng là thời gian mà các cuộc thi đấu công cộng trở nên càng lúc càng nhộn nhịp.

Trong thời về sau của nền Cộng hòa, những người như Sulla và Caesar sớm nhận ra rằng, bằng cách tài trợ để đám đông được xem thi đấu miễn phí,  họ có thể ‘tiếp thị’ hình ảnh của mình trong mắt quần chúng. Các hoàng đế về sau cũng đi theo chiều hướng này, cũng như các chính trị gia bản địa trên khắp Đế chế. Không có gì ngạc nhiên, các sử gia La Mã thời đó đổ lỗi cho các trò giải trí tập thể này đã làm đánh mất ‘các phẩm chất La Mã cao quý’, mặc dù họ không tự hỏi đám đông biết sẽ làm gì nếu họ không xã stress tại các đấu trường hay tại các trường đua.

Lịch thi đấu

Các trò giải trí công cộng La Mã là một phần quan trọng của bộ lịch tôn giáo hàng năm. Lễ Ludi Consualia (Hội đấu Consualia) là để tôn vinh Consus, một tên khác của thần Neptune, thần biển cả. Trong thần thoại Hy Lạp, vị thần tương đương là Poseidon, cũng dính líu đến ngựa. Vì thế ban có thể biết được tại sao đua ngựa rốt cục là để tôn vinh thần Neptune.

Trong thời kỳ Đế chế, các lễ hội tôn giáo hàng năm luôn gắn kết với chương trình thi đấu một cách bài bản. Những trận thi đấu bao gồm từ đua ngựa đến đánh nhau với thú dữ và võ sĩ giác đấu tranh tài. Sau đây là những sự kiện chính ngoài những sự kiện khác có thể được tổ chức vì bất cứ lý do nào:

  • Hội đấu Megalian: Tổ chức vào 4 đến 10 tháng tư, bắt nguồn từ 204 BC nhằm tôn vinh Thần Mẹ, Cybele, ở La Mã vào 204 BC.
  • Hội đấu Cereales: Tổ chức vào 12 đến 19 tháng tư vinh danh Ceres, nữ thần thu hoạch và các con gái của bà, Liber và Libera, nữ thần trồng trọt.
  • Hội đấu Florales: Tổ chức 28 tháng tư đến 3 tháng năm, vinh danh Flora, nữ thần hoa và cũng liên hệ với dục tình.
  • Hội đấu Apollinares: Tổ chức vào 6 đến 13 tháng bảy, lần đầu tiên là vào năm 212 BC để ăn mừng chiến thắng trước Hannibal ở Cannae. Vinh danh thần Apollo.
  • Hội đấu Consualia): Tổ chức mỗi năm hai lần, vào 21/8 và 15/12.
  • Hội đấu La Mã: Tổ chức vào 5 đến 19 tháng chín vinh danh thần Jupiter Optimus Maximus, vua các vị thần, và quyền năng tối thượng đối với vận mệnh La Mã.
  • Hội đấu Thứ dân: Tổ chức vào 4 đến 17 tháng 11. Lễ được bắt đầu trong thời gian Chiến tranh Punic lần hai (218-202 BC) để nâng cao tinh thần dân chúng.

 

Trường Đấu và Trường Đua

Trong những ngày đầu của La Mã, hầu như bất kỳ không gian trống nào cũng có thể là nơi tổ chức trò thi đấu. Xuống đến thời Augustus, Quảng trường ở La Mã thường được sử dụng. Các nhà khảo cổ đã phát hiện những ghế gỗ tạm thời được sắp xếp quanh một khu đất trống ở giữa Quảng trường tại đó có lắp đặt những đường hầm được thiết kế đặc biệt với các trang thiết bị dùng để nâng vũ khí, phông màn, và các phụ tùng khác lên sân đấu cho đấu sĩ sử dụng. Khi cuộc thi đấu kết thúc, ghế được dọn cất và các phòng ngầm được đóng lại cho đến lần trình diễn sau. Đấu trường Colosseum đã khai thác kỹ thuật này đến tối đa và thường xuyên.

Mãi cho đến 29 BC La Mã mới có đấu trường bằng đá khi Statllius Taurus xây dựng ở Mars Field. Hơi lạ là đấu trường thường trực xưa nhất được biết đến không phải ở La Mã mà ở tại Pompeii. Nó được xây vào năm 80 BC và có sức chứa 20,000 người. Như mọi đấu trường, đấu trường Pompeii hình êlip (bầu dục) bao quanh là các hàng ghế lên cao dần để mọi khán giả đều không bị áng tầm nhìn (xem Hình 8-1). Để đề phòng đấu sĩ và các thú dữ có thể gây nguy hiểm cho khán giả, một bức tường cao chia cách khu vực khán giả với người thi đấu.

22

Hình 8-1

 

Đấu trường có thể được sử dụng cho một số sự kiện:

  • Các trận thi tài giữa các võ sĩ giác đấu
  • Săn giết thú dữ
  • Diễn lại những trận đánh lớn trên bộ và trên biển
  • Các lễ hội tôn giáo

Xây dựng một đấu trường

Đấu trường thường được xây dựng ở vùng ven của thành phố hoặc có khi bên ngoài tường thành. Các binh lính cũng có khi xây dựng những đấu trường ở bên ngoài pháo đài của họ. Chúng cũng thường xuất hiện tại những khu vực có điện thờ các thần trong miền quê. Chúng có thể là những kiến trúc khổng lồ bằng gạch như ở El-Djem ở Tunisia, cũng có khi chỉ là những ghế gỗ gắn vào những bục đất bao quanh một đấu trường được đào sâu, như tại Silchester ở Anh.

Đấu trường chủ yếu được biết đến ở Ý, Gaul, một vài nơi ở Bắc Phi, Tây Ban Nha, và Anh, nhưng hiếm khi xuất hiện ở miền Đông nơi truyền thống kịch nghệ Hy lạp khống chế, trừ một ngoại lệ là đấu trường tại thành phố Hy lạp Pergamon ở Tiểu Á. Các đấu trường bề thế nhất có khu vực ngầm để nuôi nhốt thú dữ, tù nhân, và chỗ ở của bọn đấu sĩ, có dụng cụ nâng để đưa họ lên mặt đất. Chúng cũng được trang bị hệ thống thủy lực nhằm bơm ngập đấu trường trong các cuộc diễn tập hải chiến, và hệ thống thoát nước __ nước cũng có thể được sử dụng để rửa sạch máu tươi và máu đông sau khi cuộc chém giết đã kết thúc.

Xã hội La Mã được phân tầng một cách nghiêm nhặt, điều đó phản ảnh trong việc sắp xếp ghế ngồi. Hoàng đế, gia đình ông ta, và đoàn tùy tùng ngồi trong những khu hoàng gia. Các nghị sĩ ngồi ở hàng ghế trước, đằng sau họ là hàng ghế dành cho giới kỵ sĩ, rồi đến  các công dân. Sau nữa là ghế dành cho phụ nữ, và tiếp theo các giai cấp thấp kém hơn ngồi ở ghế trên cao và rất xa và cuối cùng là khu vực đứng xem.

Colosseum

Đấu trường lừng danh và ấn tượng hơn tất cả là Colosseum ở La Mã, một phần rất lớn của nó vẫn còn đứng vững và khống chế trung tâm thành phố (xem Hình 8-2). Nó được Vespasian (AD 69-79) khởi công ngay tại nơi trước đây là Cung điện vàng của Nero. Vì Nero (AD 56-68) đã tùy tiện chiếm lấy nhiều vùng rộng lớn của La Mã để xây cất cung điện nguy nga, Vespasian biết rằng xây dựng một trung tâm giải trí công cộng trên cùng một địa điểm là cách tuyệt hảo đễ mua lòng dân chúng.

Điểm son của Colosseum là thiết kế, đặc trưng tiêu biểu của La Mã điển hình: bề thế, đầy năng lượng, và hoàn toàn thực dụng. Được trang bị đầy đủ những gian phòng ngầm và hệ thống thủy lực tiên tiến nhất, một mái che di động có thể vươn ra che nắng cho khán giả. Các vận hành ngầm dưới đất xảy ra trong chính khu đường hầm, tỏa ra đến các phòng làm việc. Một khu vực trên đấu trường có sàn di động, dùng làm mái che đường hầm. 

  Chúng được xoay quanh bản lề và được hạ thấp bằng dây thừng và ròng rọc vào đường hầm tại đó cảnh trí được chuẩn bị. Sau đó chúng được nâng lên trong khi các đấu sĩ và thú dữ được thả lên trên qua cửa sập và thang nâng. Để có được ý niệm về qui mô các cảnh tượng chém giết mà Colosseum có thể tổ chức, dưới thời Trajan (AD 98-117), các cuộc thi đấu được trình diễn để chào mừng chiến công chinh phục Dacia của ông với một số lượng lớn đến khó tin các võ sĩ giác đấu là 10,000 người.

23

Đọc thêm: Những sự kiện thú vị của Colosseum 

  • Phải mất 12 năm mới xây xong Colosseum với hàng ngàn khối đá 5 tấn.
  • Các sử dụng hiệu quả của cổng vòm và mái vòm khiến chỉ có 9,198 mét khối đá được sử dụng.
  • Các khối dính chặc vào nhau bằng 300 tấn kẹp sắt.
  • Colosseum dài 186 mét và rộng 154 mét và có thể chứa 70,000 khán giả, nghĩa là so với ngày nay, nó vẫn được xếp trong tốp 20 sân vận động ờ châu Âu.
  • Có 76 lối vào có đánh số. Vé được phát hành trên có ghi số thứ tự của cổng phải vào, vì thế đám đông 70,000 người biết rõ họ phải vào bằng cổng nào và thoát hiểm ở đâu.
  • Ước tính thời gian 70,000 khán giả vào hết đấu trường là ba phút!
  • Colosseum chỉ hoàn tất vào thời Titus (AD 79-81), con của Vespasian và được khánh thành năm AD 80.
  • Nó có tên Colosseum vì cạnh nó có một bức tượng đồng khổng lồ của Nero đứng sát bên, và Pliny Lớn đã gọi bức tượng là Colossus (gã khổng lồ), cao 32 mét và choáng ngợp. Vì mọi người đều biết vị trí của bức tượng, cho nên về sau nó nghiểm nhiên trở thành chỉ dấu cho đấu trường mới xây dựng và chết tên Colosseum luôn.
  • Năm 217 Colosseum bị hư hỏng nặng do sét đánh. Việc tu bổ kéo dài cho đến thời trị vì của Gordian III (238-244).
  • Trận đấu cuối cùng với thú dữ trong đấu trường do Eutharich, rể của Theodoric Vĩ Đại, ghi chép lại được tổ chức vào năm 523 (đến Chương 21 xem chi tiết về ông).
  • Khu cư trú của võ sĩ giác đấu nằm kế cận Colosseum và một phần lớn vẫn còn thấy được ngày nay.

 

Đọc thêm: Những sự kiện thú vị về Trường đua Maximus 

  • Nền đá đầu tiên được xây dựng vào 174 BC
  • Vào thế kỷ đầu tiên BC, 100,000 khán giả đều có chỗ ngồi
  • Vào thời Nero (AD 54-68), 250,000 người hâm mộ có thể vào xem, bằng với vận động trường lớn nhất ngày nay là Indianapolis Speedway (xây 1909). Một số người tin rằng có đến 320,000 có thể được dồn nén vào sau đó.
  • Trường đua Maximus dài 594 mét và rộng 201 mét.
  • Xương sống ngăn chia hai phần có cột xoay tại mỗi đầu.
  • Mỗi cuộc đua có bảy vòng (khoảng 5 dặm). Bảy con cá heo bằng đồng đứng trên cột xoay tại một đầu của xương sống và bảy quả trứng bằng đồng ở đầu kia được dùng để đếm số vòng chạy.
  • Những mảnh thạch cao đen được rắc trên đường đua để làm nó trông nổi bật hơn.
  • Trên phần xương sống có đặt các điện thờ
  • Xương sống cũng có những đài kỷ niệm được chở thẳng từ Ai Cập để biểu dương quyền lực tối thượng của La Mã.
  • Trong các lối ra và cổng vòm bên dưới chỗ ngồi, các đầu bếp, nhà chiêm tinh, và gái bán hoa tiếp tế những nhu cầu khác nhau cho người hâm mộ.
  • Dưới thời Antoninus Pius (AD 138-161) số khán giả quá đông gây ra cái chết cho hơn 1,000 người.

Trường đua

Trường đua được sử dụng để đua chiến mã xa. Một trường đua có hình chữ nhật, một đầu cong, với những chỗ ngồi sắp xếp vòng quanh trừ ở một đầu là mức xuất phát cuộc đua. Trường đua được chia hai đường chạy bằng dãy xương sống (spina) ở giữa. Các tay đua sẽ chạy quanh spina, vòng này đến vòng khác, ép và chận đầu  nhau khi quẹo qua khúc quanh.       

24

Hình 8-3: Trường đua Maxentius ở La Mã

La Mã có đến tám trường đua, và hầu như mỗi thành phố lớn đều có một trường đua thường trực hoặc một khoảng trống khi cần có thể dựng tạm làm trường đua. Chỉ mới gần đây, những tưởng ở xứ sương mù xa xôi như Anh không thể có trường đua, nhưng giờ người ta đã tìm thấy một trường đua tại Colchester.

Trường đua lớn nhất La Mã là Trường đua Maximus hoành tráng. Nó là một trong những công trình lớn nhất, nếu không muốn nói là công trình lớn nhất, được xây dựng trong lịch sử thế giới dành cho một sự kiện giải trí. Những cuộc đua đầu tiên được tổ chức ở đây trong những ngày bán-thần thoại của các vì vua La Mã. Vào thời kỳ các hoàng đế, nó đã được mở rộng. Ngày nay Trường đua Maximus vẫn còn thấy được ở La Mã, nhưng phần lớn kiến trúc vẫn còn bị chôn vùi. Một trong những trường đua được bảo tồn tốt nhất là Trường đua Maxentius ngay ngoài tường thành La Mã cạnh Appian Way; Hình 8-3 cho thấy thiết kế của nó.       

Dân chúng bắt đầu tề tựu vào khoảng giữa đêm để giữ chỗ ngồi tốt. Không có gì ngạc nhiên khi tác giả Pliny Trẻ vẫn mong chờ những ngày có tổ chức đua ngựa. Ông ghét các trò thi đấu này, nhưng với nửa triệu người La Mã bận rộn theo dõi trận đấu, như vậy đường phố sẽ vắng tanh và ông có thể được một khoảng thời gian yên tĩnh ngồi viết lách.

Các đấu sĩ: Võ sĩ giác đấu

Là trò giải trí La Mã được biết đến nhiều nhất ngày nay nhờ phim ảnh, các trận đấu giữa các võ sĩ giác đấu là một trong những hình thức hấp dẫn nhất để mua vui cho đám đông trong lịch sử. Các đấu sĩ đều chuyên nghiệp và được trang bị đến tận răng, chiến đấu nhau từng cặp cho đến chết. Người Etruscan chắc chắn đã đề ra ý tưởng bắt các tù nhân đánh nhau đến chết trong lễ tang của các nhà quý tộc, nhưng chính người Samnite mới thực sự phát triển các trận giác đấu. Họ mô tả các trận giác đấu trên các bức tường lăng mộ sau 400 BC. Chính người La Mã cũng gọi các võ sĩ giác đấu là ‘samnite’. Trận giác đầu đầu tiên biểu diễn ở La Mã là vào năm 264 BC khi Decimus Junius Brutus cho ba cặp nô lệ chiến đấu nhau để vinh danh người cha quá cố của mình. Đó là một hình thức thay thế cho việc hiến tế người có từ lâu đời. Sau việc đó, võ sĩ giác đấu tiến hóa thành một hình thức giải trí tư nhân của giới quý tộc trước khi trở thành món kinh doanh trò tiêu khiển béo bở có thu tiền cho quần chúng thành thị ở miển Tây và Bắc Phi, còn ở miền Đông Đế chế đấu trường cho các trò giác đấu rất hiếm gặp. Ephesus ở Tiểu Á không có đấu trường nhưng việc phát hiện một nghĩa địa lớn của những võ sĩ giác đấu (các văn bia và các vết thương trên xương chứng tỏ điều ấy) cho thấy thậm chí ở đây các trò giác đấu cũng là một trò tiêu khiển của địa phương.

Võ sĩ giác đấu: Họ là ai

Từ ‘võ sĩ giác đấu (gladiator)’ đến từ tiếng La tinh gladius có nghĩa là thanh gươm, vì thế gladiator có nghĩa đen là ‘kiếm sĩ’. Cách tốt nhất để bắt một người đánh nhau đến chết là sử dụng một người không có gì để mất, đó là lý do tại sao người nô lệ, tội phạm, và tù binh chiến tranh là những ứng viên hoàn hảo. Nếu một người giỏi thực sự, y sẽ thắng liên tục nhiều trận và được trả tự do. Xét toàn cục, đó là một phần thưởng y không thể từ chối cho dù cơ may không có gì tươi sáng.

Nô lệ không phải là các võ sĩ giác đấu duy nhất. Một số người được giải phóng cũng muốn tình nguyện làm võ sĩ giác đấu nếu cuộc sống họ có nhiều khó khăn. Nero (AD 54-68), vốn tình tình hơi điên, bổng nảy ý cuồng ngông, ra lệnh cho 400 nghị sĩ và 600 kỵ sĩ đánh nhau như võ sĩ giác đấu. Đây là cách y sử dụng để làm họ bẽ mặt, và chắc chắn dân chúng La Mã cho đây là một việc cực kỳ buồn cười. Nhưng có lẽ người nổi bật hơn tất cả là hoàng đế Commodus (AD 180-192; Chương 18), một tay giác đấu thứ thiệt (không kể việc nào có ai dám giết y). Y khoác loác là mình đã đấu 735 lần mà chưa hề bị thương tích lần nào và đã đánh bại 12,000 đối thủ.

Trường học cho bọn côn đồ

Không có việc ném bất kỳ ai vào đấu trường và gọi đó là võ sĩ giác đấu. Các trận giác đấu là hoạt động mua vui, vì thế hành động phải ngoạn mục. Chỉ những người có tiềm năng đánh nhau đầy bản lãnh mới được lựa chọn, gởi đến huấn luyện ở một trường đặc biệt đào tạo võ sĩ giác đấu, được các doanh nhân điều hành. Việc huấn luyện rất cam go, nhưng võ sĩ giác đấu được bồi dưỡng tốt và được huấn luyện đạt đến đỉnh cao của thể lực và kỹ năng chiến đấu. Pompeii cũng có một trường giác đấu lớn nổi tiếng, bị chôn vùi khi Núi Vesuvius phun trào vào năm AD 79. Hơn 60 võ sĩ giác đấu bị chôn vùi ở đó, nhưng người ta cũng tình cờ phát hiện một tàn tích bất ngờ nằm lẫn lộn trong đó. Đó là hài cốt của một phụ nữ quý tộc giàu có __ hình như bà ta đang ‘thăm viếng’ họ theo kiểu gì đó, khi thảm kịch xảy ra. Điều này nhắc nhở rằng những võ sĩ giác đấu giỏi giang có rất nhiều fan và không chỉ vì việc y làm ở đấu trường.

Sự đáng sợ của các võ sĩ giác đấu

Julius Caesar cho trình diễn 320 cặp võ sĩ giác đấu trong dịp tưởng niệm cái chết của thân phụ mình, vì biết rõ là nhờ thế sẽ gây ấn tượng mạnh cho dân chúng và làm gia tăng sự ủng hộ của họ. Các kẻ thù của ông hoàn toàn khiếp sợ trước cảnh tượng của 640 kẻ giết người được huấn luyện được ông trả lương nên nhanh chóng thông qua một sắc luật giới hạn số võ sĩ giác đấu được phép sử dụng trong cùng một lúc.

Cuộc nổi dậy của các nô lệ do Spartacus cầm đầu vào 73 BC bùng nổ trong một trường huấn luyện đấu sĩ __ nhớ rằng các gã trai trẻ này biết sử dụng vũ khí và không có gì để mất __ đã gây khiếp đảm cho Ý (xem Chương 14 vể vụ nổi dậy và Chương 25 về Spartacus).

Trang phục thi đấu của võ sĩ giác đấu

Các cuộc giác đấu được loan báo rộng rãi trước để kích động sự hào hứng lên đến tột đỉnh vào ngày biểu diễn. Một tờ quảng cáo màu mè ở Pompeii thông báo rằng có tổng cộng 30 cặp võ sĩ giác đấu sẽ quần nhau mỗi ngày từ 8-12 tháng tư năm đó, cùng với màn săn giết thú. Các trận đấu luôn là sự kiện lớn trong ngày. Trong Colosseum, các võ sĩ giác đấu tiến vào đấu trường và dừng lại trước mặt hoàng đế và dõng dạc hô to Ave Imperator, morituri te salutant (‘Tâu Hoàng đế, những người sắp chết xin chào đón ngài!)

 Các loại võ sĩ giác đấu

Sẽ không vui nếu mọi võ sĩ giác đấu đều giống nhau, vì thế cần có nhiều loại khác nhau để khuấy động đấu trường. Sáng kiến nhằm tận dụng sự kiện là các võ sĩ giác đấu xuất thân từ nhiều vùng khác nhau của Đế chế La Mã và do đó họ có những kỹ thuật chiến đấu đa dạng. Dưới đây là một số hình thức:

  • Võ sĩ đội mũ da cá, trang bị kiếm và khiên lớn.
  • Võ sĩ sử dụng đinh ba và lưới.
  • Võ sĩ cầm cung và tên.
  • Võ sĩ có khiên, kiếm, mũ sắt, và áo giáp che một cánh tay.
  • Võ sĩ trang bị loại kiếm cong và khiên nhỏ.

Không phải chỉ có đàn ông mới làm võ sĩ giác đấu. Một đôi khi có đấu sĩ là phụ nữ. Domitian (81-96) cho phụ nữ vào đấu trường, nhưng Septimius Serverus (193-211) cho rằng việc này là ghê tởm và bãi bỏ tục ấy. Để thêm tính đa dạng, có khi võ sĩ giác đấu lùn thỉnh thoảng xuất hiện.

25

Kẻ thắng lấy tất cả

Cực điểm của mỗi trận đấu là khi một võ sĩ giác đấu ngả xuống. Lúc đó tùy thuộc vào khán giả. Nếu y đã chiến đấu tệ hại, họ sẽ đồng hô to Lugula, ‘Giết nó’, nhưng nếu y đã chiến đấu can trường, họ sẽ hô Mitte, ‘Tha nó đi’. Quyền quyết định sẽ tùy thuộc vào người tổ chức trận đấu. Nếu đấu sĩ ngả xuống được tha, y sẽ đứng dậy tiếp tục đấu. Nếu không, y sẽ bị giết và xác y sẽ được kéo ra khỏi đấu trường để trận đấu tiếp theo có thể tiến hành.

Trong lúc đó, kẻ chiến thắng nhận được tiền và một cành cọ, một biểu tượng của chiến thắng có nguồn gốc từ Hy Lạp khi các vận động viên chiến thắng trong một môn thi thể thao. Nếu võ sĩ giác đấu đã đạt thành tích xuất sắc, y sẽ nhận được phần thưởng chung cuộc: một thanh kiếm gỗ, biểu tượng cho sự tự do của y. Đáng ngạc nhiên là một số võ sĩ giác đấu sau khi có được tự do vẫn tiếp tục thi đấu, rõ ràng chính họ cũng thích việc làm bạc bẽo này. Hoặc có thể họ không còn biết làm việc gì khác để mưu sinh.

Đấu với thú

Thú dữ là một phần giải trí chết chóc khác của La Mã. Giết thú dữ là tiết mục mở màn của đấu trường. Trong những trận đấu khai mạc ở Colosseum vào AD 80, có đến 5,000 thú bị giết chết trong chỉ một ngày. Trong cuộc chinh phục Dacia, Trajan (AD 98-117) sắp xếp trong năm 107 cho 11,000 con vật ra mắt trong đấu trường. Toàn bộ đều bị giết, thậm chí các con vật đã thuần hóa. Để chào mừng ngày sinh thứ một ngàn của La Mã vào AD 247, hoàng đế Philip người  Ả rập (AD 244-249) sắp xếp một màn trình diễn trong đó có:

  • 60 sư tử
  • 40 ngựa hoang
  • 32 chú voi
  • 6 hà mã
  • 1 tê giác

Nguồn cung cấp thú

Tất nhiên, một phần của mục đích buổi giải trí là trình diễn những con vật xa lạ, nhằm phô trương quyền làm chủ của La Mã trên một vùng lãnh thổ bao la của địa cầu. Các con sư tử, tê giác, và hưu cao cổ đã từ lâu biến mất khỏi châu Âu, nhưng trong thời cổ Bắc Phi vẫn còn là một lục địa đông đúc những động vật hơn ngày nay nhiều. Một khi mà người La Mã đã kiểm soát được Bắc Phi, họ làm chủ cuộc sống hoang dã sôi động mà ngày nay có thể vẫn không sinh sống được nếu người La Mã đã không cật lực quét sạch chúng đi hết.

Các cuộc thám hiểm được phái đi để bắt sống các loài thú dữ và mang đến các hải cảng ở Bắc Phi từ đó chúng được chở tàu về La Mã. Tất nhiên, không thể cung cấp cho các đấu trường đều đặn các động vật hoang dã của châu Phi, cho nên chắc chắn địa phương phải bổ sung thêm các con vật ít hấp dẫn hơn như hưu, chó sói, và heo rừng.

Thả thú vào đấu trường

Thú được nhốt trong lồng trong những chuồng ngầm của Colosseum và cho ăn bằng thịt của gia súc, hoặc, có một lần, dưới triều Caligula, bằng thịt các phạm nhân. Vào ngày biểu diễn, chúng được nâng lên và lùa vào  sân đấu để bắt đầu cuộc vui đẫm máu.

Mặc dù xô đơn giản nhất là cho các thú dữ cắn xé nhau, nhưng như vậy thì không thực sự hấp dẫn vì kịch bản của màn giải trí không được phối hợp tốt và thiếu kịch tính. Để tăng thêm tính hấp dẫn và sôi động, những tay săn thú chuyên nghiệp được đưa vào sân đấu để tạo gay cấn cho khán giả. Cũng như các võ sĩ giác đấu, những tay săn này được tuyển chọn từ bọn tội phạm, nô lệ, và tù binh chiến tranh. Nhưng không có gì sánh được với võ sĩ giác đấu.

Julius Caesar là người đầu tiên giới thiệu môn giết bò rừng đặc biệt vào đấu trường. Các tay săn thú cởi ngựa rượt theo các con bò chạy điên cuồng và giết chúng bằng cách nắm hai sừng vặn đầu chúng. Thật vô cùng ghê tởm.

Các Xô Diễn Tập Đánh Trận Giả

Ngày nay, chúng ta dựng lại những sự kiện lịch sử lớn lao bằng cách quay những bộ phim bom tấn về chúng. Ở La Mã, các thiên anh hùng ca đến từ các câu chuyện vĩ đại của những trận chiến và thần thoại của các anh hùng. Những màn trình diễn ngoạn mục nhất trong đấu trường là để diễn lại những sự kiện lớn này, với nhiều hành động được cường điệu hơn là có thật. Đây cũng là một thể loại để tận dụng khả năng của các võ sĩ giác đấu.

Julius Caesar dàn dựng một trận đánh giả giữa hai binh đoàn. Mỗi bên có 500 bộ binh, 20 voi, và 30 kỵ binh. Ông cũng dàn dựng một trận hải chiến giả bằng cách xả nước vào ngập đấu trường và có một số chiến thuyền được mang vào sân với hai, ba, và bốn hàng chèo. Chúng đóng vai những chiến thuyền đối thủ  Ai Cập và thành phố Tyre. Sự kiện quá hấp dẫn đến nổi dân chúng từ các vùng xa xôi đổ về La Mã để xem cho tận mắt.

Nero đạo diễn một một trận hải chiến với các quái vật giả bơi lội quanh chiến thuyền. Nhưng y còn có ý tưởng tốn kém hơn hầu làm mình nổi tiếng. Y định ra Ludi Maximi, ‘Các Trò Chơi Lớn Nhất’, trong đó y tổ chức những lượt luân phiên phân phát quà tặng suốt ngày dài, quà đủ hạng loại từ 1,000 con chim, thức ăn, kim loại quí, và đồ trang sức cho đến thuyền, nhà cửa, và nông trại.

Một Ngày ở Trường Đua __ Đua Chiến Mã Xa

Đua chiến mã xa là môn thể thao vô cùng phổ biến trong Đế chế La Mã. Truyền thống có nguồn gốc từ lúc khởi thuỷ. Người sáng lập La Mã huyền thoại, Romulus, được kể là đã mời người láng giềng của mình, dân Sabine, tạt qua và tham dự một cuộc đua chiến mã xa từ khoảng 753 BC. Thật ra, La Mã đã bày mưu với họ, đợi cho người Sabine đang mê mãi vào cuộc đua, ông ra lệnh cho đội cận vệ đi bắt cóc các phụ nữ Sabine.

Chiến mã xa La Mã

Chiến mã xa La Mã siêu nhẹ chỉ vừa đủ chỗ đứng cho một người cầm cương. Khi gặp tai nạn, chiến mã xa sẽ rơi tan tành từng mảnh và hất văng người cầm cương ra ngoài, chắc chắn là dưới bánh xe của một chiến mã xa khác đang lao tới. Chiến mã xa có ba loại căn bản:

  • Song mã xa
  • Tam mã xa
  • Tứ mã xa

Nếu bạn đã từng xem phim Ben Hur (1959) thì hãy quên những chiến mã xa đó đi __ chúng chẳng khác nào những con tàu chiến khi so sánh với những chiến mã xa trong thực tế do người La Mã sử dụng. Nhưng bộ phim tuyệt vời trong cách thể hiện sự gay cấn và nguy hiểm chết người của cuôc đua chiến mã xa, vì thế nếu bạn chưa xem, thì hãy tìm xem.

Người cầm lái chiến mã xa thường là những nô lệ, người được trả tự do, hoặc người cầm lái chuyên nghiệp vì không một công dân La Mã tự trọng nào tự hạ phẩm giá mình vào một trò bẩn thỉu như vậy. Điều khiển một chiến mã xa đòi hỏi một kỹ năng siêu hạng và phản ứng nhanh nhạy. Càng thắng nhiều ngựa càng khó lèo lái. Vì cuộc đua chạy quanh sân nên con ngựa chạy chậm nhất trong nhóm phải bị buộc chạy vào phía trong. Chỉ một sai sót nhỏ là chiến mã xa sẽ lật nhào hoặc bị hất khỏi đường đua và đụng vào bức tường ngoài.

Người cầm cương chiến mã xa thuộc một trong bốn đội chính: Đỏ, Trắng, Xanh, hoặc Xanh Lá. Và đã là một người đua chiến mã xa thì thân phận bạn sẽ giống ít nhiều như James Dean: Bạn sống nhanh, dữ dội, và thường không được lâu.

26

Các fan hâm mộ

Quần chúng thành thị trên khắp thế giới La Mã là những người ủng hộ cuồng nhiệt với trò đua chiến mã xa. Cổ động viên của mỗi đội sẽ hết lòng tìm cách quấy nhiễu những cổ động viên của đội địch. Họ có rất nhiều cơ hội và cảnh sát thường sẵn sàng hành động để giữ gìn trật tự. Hoàng đế điên Caligula (AD 37-41) là một fan cuồng nhiệt của đội Xanh Lá, quá hâm mộ đến nổi đến ăn uống với đội ngay tại chuồng ngựa và đôi khi ngủ qua đêm ở đó. Thậm chí ông đã từng biếu tặng cho một tay đua ngựa, Eutychus, cả một gia tài bằng tiền mặt.

Như võ sĩ giác đấu, tay đua chiến mã xa là những ngôi sao lớn trong ngày đua. Các bà quý tộc chỉ nghĩ đến các tay đua lẫm liệt là mê mẫn cả người. Một số tay đua trở thành siêu sao quốc tế, điều đó giải thích tại sao một số ít vẫn tiếp tục hành nghề nguy hiểm này cho dù đã được giải phóng.

Trò đua chiến mã xa là một trong những môn thể thao La Mã sống lâu nhất. Trong thủ đô Constantinople của Đế chế La Mã Miền Đông Byzantine, rất lâu sau khi La Mã đã sụp đổ, những cổ động viên trường đua còn đấm đá nhau túi bụi bất cứ khi nào có thể.

Kịch câm và Kịch nói: Hí viện La Mã

Cùng với đấu trường và trường đua, thành phố La Mã trung bình có ít nhất một nhà hát và đôi khi nhiều hơn. Cũng giống như đấu trường và trường đua, lúc đầu đây chỉ là những sinh hoạt tạm thời. Chỉ cho đến thời kỳ cuối của nền Cộng Hòa các nhà hát bề thế bằng đá mới được xây dựng. Nguồn gốc nhà hát La Mã xuất thân từ vùng Đông Hy lạp nơi đã có nhiều nhà hát được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ tư BC, như nhà hát ở Epidauros. Nhưng cơ chế La Mã không tán thành nhà hát, họ cho rằng chúng là nguồn gốc của những rối ren và tác hại xấu đến đạo đức. Vào 209 BC, Giám quan Cassius thử xây dựng một nhà hát tại La Mã, nhưng ông bị bắt buộc dừng lại theo lệnh của các quan chấp chính và sự chống đối chung.

Trong khi đó, ảnh hưởng của La Mã còn mạnh ở miền nam Ý, vì thế Pompeii có một nhà hát bằng đá vào cuối thế kỷ thứ ba BC, với một phòng nhỏ để đọc thơ và diễn thuyết ở ngay sát bên vào 80 BC. Nhà hát bằng gỗ đầu tiên của La Mã được cất vào 179 BC. Phiên bản bằng đá đầu tiên của La Mã, Nhà hát Pompeii,  dựng lên vào 55 BC, nhưng có thể nó thay thế một nhà hát bằng đá có sớm hơn mà đến nay chưa được tìm thấy. Vào thời kỳ hoàng đế một số nhà hát này thực sự là hoành tráng. Nhưng qui mô của chúng tất nhiên nhỏ hơn đấu trường và trường đua nhiều. Theo Pliny Lớn, Nhà hát Pompeii khổng lồ có sức chứa đến 40,000 khán giả, mặc dù theo ước tính hiện nay số đó hơi thấp hơn.

Cũng như đấu trường và trường đua, nhà hát thường trình diễn trong các lễ hội tôn giáo. Vì thế điều chắc chắn là bạn thường bắt gặp một đền thờ nằm sát bên nhà hát.

Bố trí sàn nhà hát

Nhà hát La Mã có ba phần (xem Hình 8-4): sân khấu, dàn nhạc, và thính phòng. Thính phòng hình bán nguyệt với những vòng cung chỗ ngồi đồng tâm lên cao dần, bắt đầu từ một nền hình bán nguyệt bên dưới cùng làm khu vực đồng ca. Bất cứ khi nào có thể, người La Mã xây dựng nhà hát dựa vào sườn đồi để việc xây dựng đỡ phức tạp hơn. Nếu không có sẵn đồi, thì khu vực ngồi được xây bên trên một chuỗi các cổng vòm, mái vòm, và tường. Sân khấu đối diện thính phòng và nằm phía kia của dàn đồng ca. Trong những nhà hát sang trọng nhất, sân khấu có một bức tường thẳng đứng án ngữ phía sau, trang trí với mọi loại tiết mục kiến trúc tạo thành một phần của cảnh trí.

Một trong những nhà hát choáng ngợp, được bảo tồn tốt là nhà hát tại Aspendos ở Tiểu Á (hình 8.4 dưới), khánh thành dưới triều Marcus Aurelius (AD 161-180). Sân khấu của nó dài 110 mét và cao 24 mét. Nhiều nhà hát khác vẫn còn lưu lại, như phế tích tuyện vời tại Dougga ở Tunisia, và Orange và Arles ở Gaul. Ở La Mã một phần của Nhà hát Aurelius, do Augustus xây dựng, hiện này vẫn còn đứng vững.

27

Hình 8-4

 

Âm nhạc La Mã

Không ai biết âm nhạc La Mã thực sự nghe ra sao vì người La Mã không ký âm theo hình thức chúng ta có thể hiểu được hoặc còn lưu lại. Nhưng âm nhạc có ở mọi nơi: trong đường phố, trong chợ búa, trong các lễ hội tôn giáo, và trong các nhà hát. Các cuộc thi âm nhạc được sử dụng để lấp đầy khoảng trống giữa các pha hành động trong đấu trường hoặc trường đua. Binh lính La Mã dùng kèn khi đánh trận hoặc khi hành lễ. Những nhạc cụ khác mà người La Mã chơi bao gồm:

  • Đàn hạc nhỏ gọi là lyrae và phức tạp hơn là
  • Các nhạc cụ gõ như catanhet, chập chả, trống lục lạc, và trống lắc Ai cập.
  • Khí nhạc như sáo, tiêu, kèn túi.
  • Organ nước, do Ktesibios chế tạo vào thế kỷ thứ ba BC. Nó sử dụng bơm nước ép hơi qua ống đàn. Theo Pliny Lớn cá heo đặc biệt bị cuốn hút bởi âm thanh này!

Kịch sĩ và ông bầu

Người La Mã tầng lớp cao giàu có không quan tâm nhiều đến nhà hát và kịch sĩ. Thậm chí có một đạo luật ngăn cấm một nghị sĩ, con trai, cháu nội, hoặc chít nội của ông ta cưới một phụ nữ có cha mẹ từng là kịch sĩ. Vị thế xã hội của một kịch sĩ thấp kém đến nổi y được liệt cùng với các đấu sĩ, nô lệ, và bọn tội phạm, và là người mà một ông chồng bị vợ cắm sừng có quyền giết.

Điều duy nhất còn tệ hơn là việc một người thuộc tầng lớp cao lại yêu thích nhà hát. Caligula (AD 37-41) đặc biệt ưa thích một kịch sĩ có tên Mnester và thẳng tay đánh đập bất cứ khán giả nào gây ồn ào khi Mnester đang nhảy múa.

Xô diễn phải tiếp tục: Hội thi trình diễn và diễn thuyết

Các vở kịch hầu hết phổ biến trong quần chúng bình thường ít quan tậm đến điều gọi là ‘giải trí La Mã chuẩn mực’ hoặc trong nhóm quý tộc không hợm hĩnh. Cơ bản có hai loại trình diễn chính trong nhà hát: hài kịch và bi kịch. Bi kịch, như phần lớn đặc điểm văn hóa tốt đẹp nhất của La Mã, được vay mượn từ người Hy Lạp.

Các hài kịch La Mã cũng vay mượn những ý tưởng, và đôi khi toàn bộ cốt chuyện, từ người Hy Lạp, nhất là tập trung vào nô lệ là những vai chính.

Người La Mã cũng thưởng thức những thể loại sau:

  • Hành động-phiêu lưu: Màn trình diễn của một vở kịch Đám lửa trong thời trị vì của Nero giống như xem một bộ phim hành động đang quay. Một ngôi nhà được dựng trên sân khấu và bốc cháy thực sự.
  • Diễn lại thần thoại: Thần thoại cung cấp nhiều cơ hội cho màn phô bày xác thịt. Một tác giả La Mã tên Apuleius mô tả một màn kịch câm xảy ra vào thế kỷ thứ hai AD, kể về sự Phán xét của Paris (khi Paris phải chọn ra nữ thần đẹp nhất trong số Juno, Minerva, và Venus). Nữ diễn viên đóng vai Venus xuất hiện trên sân khấu không mặc gì trừ một tấm lụa vắt qua hông cô và sau đó nhảy một điệu hương xa với các vũ công khác.
  • Kịch điệu bộ và kịch câm: Vào cuối thời Cộng Hòa, kịch điệu bộ và kịch câm cũng được trình diễn trên sân khấu. Người La Mã không mảy may chống đối sự thể hiện sống động các màn bạo lực, tình dục, và khỏa thân.
  • Hội thi diễn thuyết: Một trong những hình thức lạ lùng nhất của thể loại giải trí của người La Mã là thi diễn thuyết. Nói trước công chúng là một phần quan trọng trong kỹ năng của một người La Mã có học vấn, và các diễn giả Hy lạp nào đi theo phong thái của những nhà hùng biện thành Athens của thế kỷ thứ năm BC đều được ca tụng nhiều nhất. Thường các thính giả nêu ra các đề tài gợi ý (có thể là những chủ đề lịch sử như những ngày vinh quang của Athens, hoặc những chủ đề trần trụi hơn như ca tụng sự hói đầu), và sau đó các diễn giả sẽ thao thao bất tuyệt những bài diễn thuyết ứng khẩu, độc đáo, sống động trước sự vỗ tay rầm rộ của khán giả mỗi khi nghe được một câu đặc biệt trí tuệ hoặc hóm hỉnh.

Trò trình diễn hí trường hình như không phổ biến được lâu dài đối với người La Mã, vốn thích những trò hành động dữ dội trong đấu trường hay trường đua. Nhà hát Marcellus ở La Mã rơi vào hoang phế vào thế kỷ thứ ba AD và vào thế kỷ thứ bốn hoàn toàn bị phá bỏ để sửa chữa cầu. Vì nhà hát liên kết với các lễ hội tôn giáo truyền thống, mà Đế chế sắp theo đạo Cơ đốc, nên nhà hát không còn đất sống, mặc dù hình như không ảnh hưởng gì đến nhiệt tình đối với trường đua.

Đêm ở Nhà: Giải Trí tại Nhà

Người La Mã không tiêu hết thời gian cho các trò giải trí công cộng. Họ có việc để làm và những nghi thức tôn giáo phải thực hành, nhưng họ cũng thưởng ngoạn trò tiêu khiển tại nhà.

Cách tốt nhất để khoe ngôi nhà của mình là tổ chức một bữa tiệc chiều. Tiệc chiều đặc biệt phổ biến, và hoàn toàn thích hợp để mời khách sau một buổi thưởng ngoạn ở nhà hát hoặc đấu trường. Nhưng mục đích chính là để khẳng định bạn là ai, bè bạn của bạn là ai, và bạn đứng ở đâu trong nấc thang xã hội. Chẳng hạn, các ông chủ mời các cộng sự của mình như một phần thưởng dành cho sự trung thành của họ. Là khách có địa vị thấp hơn, các cộng sự nhận được thức ăn và thức uống kém chất lượng hơn.

Trong buổi tiệc chiều, khách khứa nằm dài trên những ghế dài quanh ba mặt của phòng ăn. Mặt còn lại để trống cho bọn nô lệ mang thức ăn, đồ uống đến các thực khách. Trong các nhà cực giàu, còn phân biệt loại phòng ăn mùa hè và phòng ăn mùa đông (hình dưới)

28

Một trong những tư liệu danh tiếng nhất từ thế giới La Mã được khai quật từ một hầm ngập nước cạnh phế tích của một pháo đài tên Vindolanda ở bắc Anh. Có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất AD, đó là tờ giấy viết bằng tiếng La tinh xưa nhất của một phụ nữ từng được tìm thấy. Phụ nữ tên Claudia Severa, vợ của viên chỉ huy ở một pháo đài khác, viết gởi cho Sulpicia Lepidina, vợ của viên chỉ huy ở Vindolanda, mời bạn mình đến dự tiệc sinh nhật vào ngày 3 tháng chín. Thư viết:

Claudia Severa thân gởi Lepidina. Em à, vào ngày thứ ba trước Ides của tháng chín, nhân ngày mừng sinh nhật của chị, chị thân mời em đến chung vui với gia đình chị. Sự có mặt của em sẽ làm buổi lễ thêm phần vui vẻ.’

  Đây là một tư liệu nhỏ đáng kinh ngạc vì ngay tại vùng hoang vắng trên miền biên giới, cách La Mã hàng trăm dặm nơi các nhà quý tộc nằm ưỡn mình trên ghế dài tiệc tùng xa hoa, thì ở đây hai bà vợ của chiến binh (chắc chắn chưa từng đến La Mã) cũng đang hết sức theo kịp chuẩn mực giải trí và lòng hiếu khách của La Mã. Thật đáng kinh ngạc.

Bộ bàn ăn

Bộ bàn ăn đỉnh được chế tác bằng vàng và bạc. Cốc, đĩa, chén, và đĩa lớn được sử dụng. Những vật dụng sang trọng được các thợ bạc tiếng tăm thiết kế theo phong cách trang trí riêng của họ. Không cần phải nói những bộ bàn ăn hào nhoáng nhất là thuộc cung điện của hoàng đế. Claudius (AD 41-54) có một nô lệ tên Drusillanus sở hữu một đĩa bạc cân nặng 163 kí, và y không đơn độc. Các hoàng đế thường cho các hầu cận sủng ái vàng và bạc.

Nếu không có bạc, sử dụng hợp kim làm từ thiếc và chì cũng trông giống như bạc nếu được đánh bóng. Rồi đồ gốm nữa. Người La Mã sử dụng nhiều hạng loại đồ gốm khác nhau, nhưng trong các bữa tiệc chiều, đồ gốm chỉ dùng cho khách thuộc tầng lớp thấp, thường có màu đỏ rực rỡ.

Thủy tinh cũng được đánh giá cao, nhất là nó là sản phẩm cách tân gần đây của Ai Cập. Thủy tinh càng trong suốt càng có giá trị.

Thực đơn

Một tuyển tập các cách chế biến món ăn được biên tập vào thế kỷ thứ tư và xuất bản dưới tên Apicius. Nhiều công thức chế biến dùng đến mật ong, dấm, và sốt cá, là những chất chủ yếu có sẵn làm tăng hương vị của thức ăn. Nhưng người La Mã cũng biết về muối, tiêu, mù tạt, và những gia vị đắt kinh khủng được nhập từ Viễn đông. Người La Mã đặc biệt yêu thích một thứ sốt gọi là garum, được chế tạo từ cá ương lên men.

Ngày nay bạn có thể mua một một bản dịch của Apicius và thử nghiệm chế biến món ăn! Đây là thực đơn mà khách khứa tiệc chiều La Mã có thể mong đợi: Món khai vị có thể là rau diếp với ốc và trứng, súp lúa mạch, và rượu vang ướp lạnh bằng tuyết kéo từ núi xuống, hoặc có thể là cá ngừ ngâm dấm. Món ăn chính có thể là cá, heo, vú heo nái, thỏ, gà dồn thịt, ốc được vỗ béo bằng sữa đến nổi chúng không thể thụt đầu vào vỏ, và nhím biển.

Rượu vang được vận chuyển đi khắp thế giới La Mã, có giá cả tùy theo chất lượng. Rượu sabine là một trong những loại rượu đắt nhất và có giá gấp bốn lần loại rượu vang rẻ nhất. Rượu vang có thể uống ấm hay lạnh.

                         

Chương 9

 Sự Can Thiệp của  Thần Thánh

Trong Chương Này

  • Sự vào ra của tôn giáo La Mã
  • Cách thức người La Mã sử dụng đền thờ và điện thờ
  • Sự đa dạng của hệ thần linh La Mã
  • Bằng cách nào người La Mã đồng hóa thần linh của các dân tộc khác
  • Tác động của Cơ đốc giáo
  • Cách thức người La Mã đi đến gặp Đấng sáng tạo 

Người La Mã không chỉ tin vào thiên mệnh cai trị thế giới của mình, mà nhiều người còn nhìn thấy thần linh hiện diện trong mọi vật, mọi nơi, và mọi lúc. Họ tin rằng thần linh quyết định và kiểm soát mọi thứ cho đến làn gió thổi hoặc một lá cỏ. Trong thế giới La Mã, các nơi thờ cúng tồn tại dưới mọi dáng vẻ và kích cỡ, từ các đền thờ to lớn ở La Mã và tại khắp các thành phố lớn, cho đến các điện thờ bên đường nhỏ bé, bàn thờ trong nhà, và thậm chí các bàn thờ mang đi được, cho đến các đồng xu in hình các nam thần và nữ thần ở mặt sau.

Danh sách thần La Mã  đi từ hệ thần cổ điển vĩ đại gồm Jupiter, Juno, và Minerva cho đến những vị thần bản địa ít tiếng tăm (có khi chỉ là vị thần ống khóa trên cửa vào nhà bạn). Rồi những vị thần xa xôi tận miền Đông, và vị thần dân Celtic hoang dã từ phương Tây.)

Ngoại lệ duy nhất là Cơ đốc giáo. Người La Mã có thể rất sẵn lòng bổ sung Christ vào danh sách thần linh của họ, nhưng người Cơ đốc giáo không chịu điều ấy. Và vậy mà kỳ lạ thay Cơ đốc giáo lại trở thành quốc giáo. Điều này cũng quan trọng: Tôn giáo trong thế giới La Mã là một vấn đề tín ngưỡng và mê tín cá nhân, nhưng cũng mang tính chính trị. Tuân theo quốc giáo, trong đó có việc thờ cúng hoàng đế, là một phần trong việc bày tỏ lòng trung thành đối với Đế chế. Bất kỳ ai khước từ việc này đều có thể gặp nguy khốn.

Thỏa Thuận: Tôn Giáo La Mã

Tôn giáo La Mã, như hầu hết các tôn giáo ngoài đạo Cơ đốc, cơ bản là một hành động thỏa thuận với thần linh. Người La Mã trung bình muốn thần linh ban cho mình một dịch vụ, có thể là một sự hổ trợ để được thắng lợi trong một cuộc chiến hoặc một vụ mùa, hoặc mang cái chết và sự hủy diệt đến với người đã lấy cắp áo choàng của mình (theo nghĩa đen). Để đáp lại cho việc làm ấy, người La Mã hứa cúng thần linh một món lễ vật __ thường là vật hiến tế hoặc tiền cúng. Đây là tiến trình mà thỏa thuận được thực hiện:

  • Bước 1: Khấn nguyện. Người ta liên lạc với thần và cầu xin một sự giúp đỡ. Tùy theo nam thần hay nữ thần, việc này có thể tiến hành tại một điện thờ lớn, điện thờ nhỏ, hoặc bàn thờ tại nhà, dưới dạng viết tay lên một tờ sớ được cất giữ tại đền thờ hoặc điện thờ, ghi rõ mình muốn thần giúp gì và sẽ tạ lễ gì đáp lại: đây là bước khấn nguyện. Cũng có khi gọi là bùa nguyền rủa nếu nội dung là yêu cầu thần trừng phạt, xâm hại một người nào đó mình muốn.
  • Bước 2: Trả lễ. Nếu thần đã thi hành lời nguyện cầu của mình (hoặc mình nghĩ là như vậy), việc hiến tế hoặc cúng lễ vật được thực hiện, và sớ ghi chép tường trình lời khấn nguyện đã được hoàn thành được đặt tại điện thờ: thường dưới hình thức một bàn hương án bằng đá, đất hay gỗ, hoặc một thẻ bài tạ ơn bằng đồng hay bạc được treo trên tường đền thờ, trên đó có ghi tên người cúng, tên vị thần được dâng cúng, và một thể thức như VSLM là chữ tắt của Votum Soluit Libens Merito, ‘Người đã vui lòng thực hiện đúng đắn lời nguyện cầu’.

Các điện thờ La Mã lúc nào cũng ngập tràn lễ vật dâng cúng, được chôn vùi xuống hố hoặc ném vào ao hồ. Đồng tiền là phẩm vật thông thường nhất, nhưng người La Mã trung bình thường thận trọng chọn những đồng tiền cũ mòn có giá trị thấp dâng cúng __ vâng, của ít mà lòng nhiều, phải không nào?

Điều cốt lõi là nghi thức. Mỗi cuộc hiến tế, mỗi hình thức thờ cúng, mỗi tiếp xúc với thần linh nhất nhất đều phải tuân theo một thể thức chính xác những lời trình và chuỗi sự kiện. Nếu làm sai, phép mầu sẽ không được thực hiện. Cho dù nếu nghi thức được thực hiện đúng mà kết quả không như ý, thì người La Mã mê tín chỉ đơn giản kết luận rằng nghi thức đã trục trặc tại một khâu nào đó. Những người La Mã ít mê tín hơn, và số người này rất đông, kết luận là như vậy thì thần linh không tồn tại rồi đi tìm một thần khác linh hơn.

Tiên đoán tương lai

Người La Mã muốn biết chuyện gì xảy đến ở tương lai. Mà ai không muốn chứ? Nhưng người La Mã sống trong một thế giới khó dự đoán hơn chúng ta. Không có nhiều hoặc không có kiến thức nào về thảm họa khí hậu đang đe dọa, động đất, bệnh tật, hoặc cái chết của chính mình, họ tự thuyết phục mình rằng phải có những điềm báo tiên đoán được tương lai.

Điềm báo

Người La Mã bị điềm báo, tốt hay xấu, ám ảnh. Họ trông chừng những dấu hiệu mà thần linh bày ra. Trong thời nội chiến AD 68-69, Hoàng đế vắn số Vitellius chuẫn bị binh đoàn để nắm giữ Ý chống lại quân đội của Vespasian đang rầm rộ tiến đến (xem Chương 16).

Vitellius rất lo lắng vì một số những dấu hiệu bất ngờ hiện ra:

  • Một đám dày đặc chim kền kền bay trên trời, che hết ánh sáng mặt trời.
  • Con bò đang chuẩn bị hiến tế bổng chạy thoát, đạp đổ các vật dụng thờ cúng, và người ta phải săn đuổi rồi giết nó không đúng theo nghi thức.

 Sử gia Tacitus kể lại như thế. Sự kiện đó có thể là thật, nhưng điều quan trọng  đúng là trong trận đó Vitellius  bị đánh bại và bị giết chết. Người La Mã cũng nhìn thấy những điềm báo trước vụ mưu sát Julius Caesar (xem Chương 15). Septimius Severus cho rằng mình có sứ mạng làm hoàng đế, căn cứ vào những điềm báo (xem Chương 18).

Thầy bói toán

Thầy bói toán (haruspex) là một trong những tu sĩ đặc biệt chuyên tiên đoán tương lai. Có hai kỹ thuật:

  • Augurium: Lý giải các hiện tượng thiên nhiên như bão tố hoặc hành vi các con vật
  • Extispicium: Lý giải bộ đồ lòng các con vật bị hiến tế

Đây là một ví dụ đặc biệt ghê tởm về bói toán. Vào ngày 15 tháng tư, những nghi thức đặc biệt chào mừng những hạt mầm hé nở trong đất và những con bò mang bầu. Các con bê bị xé toạc ra từ bụng mẹ chúng, bộ lòng chúng bị cắt ra để xem xét và bói toán, thân thể sau đó đem đốt.

Đoán mộng

Một số người La Mã sốt sắng tin rằng người ta có thể đạt đến tầm nhận thức cao hơn, chỉ khi trong tình trạng cực kỳ say xỉn.

Một số giáo phái La Mã phát triển quanh ý tưởng này, họ xây dựng các đền thờ để các tín đồ có thể uống đến say mềm và ngủ vùi trong các gian phòng thờ dưới sự hiện diện của thần linh. Họ tỉnh dậy vào ngày hôm sau và kể lại giấc mơ của mình cho các nhà đoán mộng và người này sẽ lý giải những ý nghĩa bí ẩn bên dưới các giấc mơ. Một nơi như thế là điện thờ chữa bệnh của một vị thần tên Mars-Nodons ở Anh tại một nơi bây giờ là Lydney. Điều khôi hài là điện thờ này hoạt động rôm rả nhất khi Đế chế La Mã theo đạo Cơ đốc, cho thấy một số người vẫn còn tin vào những trò ngoại giáo.

Sấm truyền

Sấm truyền là lời phán của thần linh với con người thông qua một cá nhân. Thường thường sấm truyền được nói dưới hình thức những câu đố bí ẩn, cần phải được lý giải. Đền sấm truyền nổi tiếng nhất là tại Delphi ở Hy Lạp, ngoài ra còn có đền sấm truyền thần Juno Caelestis tại Carthage, hoặc đền thần Carmel ở Judaea. Vespasian đến xin sấm truyền tại đền Carmel trước khi ông hiện thực giấc mơ trở thành hoàng đế năm AD 69. Ông xin được một thông điệp rất phấn khích: Bất kỳ điều gì ông muốn chắc chắn sẽ xảy ra.

Người không tín ngưỡng và bọn bịp bợm

Không phải tất cả người La Mã đều tin vào những giáo phái ngoại đạo đã có từ lâu đời. Một số người cho rằng các nghi thức đều là thứ rơm rác và phi lý. Một số thậm chí còn độc địa hơn khi nhận ra cơ hội làm giàu nhanh bằng cách lợi dụng tính dễ tin của người khác.

Những kẻ hoài nghi

Không phải mọi người La Mã đều mê muội tin tưởng vào nghi thức tôn giáo, điềm báo, và mê tín:

  • Cicero tự hỏi liệu những điều này có thể dẫn tới một hình thức tự giam cầm, với những con người bị mắc kẹt trong nỗi sợ hải những ý nghĩa của điềm báo và sự tiến hành sai sót các nghi thức.
  • Pliny Trẻ nghĩ rằng đó là thứ vô nghĩa phục vụ cho chính bản thân và thấy kỳ lạ tại sao người ta có thể tin vào nữ thần Fortuna đứng đằng sau vận may của mình hay chịu trách nhiệm cho những tai ách và đau khổ của mình.

Một trong những đóng góp vĩ đại nhất của Pliny Trẻ cho lịch sử là bức thư của ông gởi cho sử gia Tacitus về sự phun trào núi Vesuvius vào AD 79. Mô tả đám đông đang khiếp đảm, ông nói, ‘Nhiều người khấn cầu thần linh cứu giúp, nhưng còn có nhiều người hơn tưởng rằng không thần linh nào còn ở lại và rằng vũ trụ đã bị nhấn chìm trong cảnh tối tăm vĩnh viễn.’

Các Đền Thờ và Điện Thờ La Mã

Có vài loại đền thờ khác nhau ở La Mã, nhưng trong hầu hết các trường hợp điều quan trọng cần nhớ là, không giống nhà thờ, các đền thờ thần linh này không phải là nơi các tín đồ tụ họp. Đó là những nơi thiêng liêng để cất giữ các tượng thờ và những báu vật thờ cúng khác, chỉ mở cửa cho các tu sĩ. Các hoạt động thờ cúng xảy ra bên ngoài trong các khu vực riêng bày những bàn thờ dành cho các lễ hiến tế, bói toán, và thực hiện nghi thức.

Đền thờ tọa lạc tại những nơi sau đây:

  • Trên quảng trường ở trung tâm thị trấn và thường gần nhà hát vì hai hoạt động có mối liên kết nhau trong nghi thức. Đôi khi toàn thị trấn, như Bath ở Anh, phát triển chung quanh một đền thờ.
  • Bất kỳ chỗ nào khác trong một thị trấn, thường ở các giao lộ hoặc như một phần của một phức hợp khác như phòng tắm công cộng.
  • Tại các trung tâm tôn giáo thôn quê đặc biệt, như một ngọn cây thiêng hoặc một suối nước thiêng, ở đó có gì đó rất đặc biệt được mỗi người tin tưởng đang tồn tại.
  • Tại những điền trang, do các trang chủ chăm sóc, phục vụ tín ngưỡng của dân địa phương.

Chỉ một khu vực có thể có một, hai, hay vài đền thờ thờ cúng cùng một vị thần hoặc một nhóm các vị thần. Giáo khu Altbachtal ở Trier chứa đến 70 đền thờ có hình dáng và kích cỡ khác nhau. Những điện thờ nhỏ xuất hiện trong nhà, góc đường, bên lề đường, hoặc lưng chừng núi. Tóm lại, các đền thờ La Mã ở khắp mọi nơi và bất cứ đâu.

 

Các đền thờ cổ điển

Đền Fortuna Virilis ở La Mã, như trong Hình 9-1, là kiểu mẫu mọi người đều biết về một đền thờ La Mã: một tòa nhà hình hộp với các cột đứng bao quanh bên ngoài, tiến lên các bậc thang ở mặt trước để bước đến những cột chống đỡ một trán tường hình tam giác trên đó chạm nổi các hình. Qua hết bậc thang là một hay hai hàng cột dẫn đến một cửa đi vào nội điện (cella), là phần lớn nhất của đền thờ. Tượng thờ đứng bên trong nội điện. Một số ít đền thờ hình tròn, có cột bao quanh và một nội điện hình trống ở trung tâm.

29

Hình 9-1

Các đền thờ cổ điển có thể là những tòa nhà nhỏ đứng ở góc đường với chỉ bốn cột ở mặt trước, chúng có thể là tòa nhà bề thế, hoặc có thể ở khoảng giữa hai thái cực đó. Những đền thờ này có mặt trên khắp Đế chế La Mã. Một trong những đền thờ lớn nhất là Đền Jupiter Heliopolitanus tại Baalbek trong tỉnh lỵ Syria của La Mã, giờ là ở Lebanon. Mặc dù có kích cỡ lớn, đền Baalbek chỉ là một thành phần của một phức hợp tôn giáo rộng lớn của nhiều đền thờ và tòa án kế bên.

Đền thờ địa phương

Các đền thờ cổ điển La Mã có mặt hầu như khắp Đế chế La Mã, nhưng chúng chịu ảnh hưởng phong cách của những nơi chúng được xây dựng, và trong một số tỉnh chúng hoàn toàn theo hình thức đền thờ bản địa.

Ai Cập luôn là một trường hợp đặc biệt trong Đế chế La Mã. Ở Ai Cập __ không giống ở bất cứ nơi nào khác __ các hoàng đế La Mã thường được mô tả với y trang bản địa, trong trường hợp này là các pha-ra-ông và theo phong cách điêu khắc kiểu Ai Cập. Các đền thờ kiểu Ai Cập được bảo tồn tốt nhất là Đền Hathor tại Dendarah, khởi công dưới thời Augustus và Tiberius. Nó hoàn toàn theo phong cách Ai Cập, không có nét gì về phong cách La Mã cổ điển.

Trong các tỉnh lỵ tây-bắc như ở xứ Gaul và Anh, đền thờ kiểu Romano-Celtic là kiểu thống trị. Không giống như các đền thờ cổ điển, chúng chỉ là những tòa nhà vuông vức đơn giản với một hành lang có mái che bao quanh một tháp trung tâm tạo thành nội điện.

Các đền thờ ở Basilicia lại rất khác. Dựa trên thiết kế các sảnh công cộng gồm gian giữa và gian cánh, các đền thờ này chỉ thích hợp cho các tôn giáo kiểu tụ tập, chủ yếu là đạo Cơ đốc.

Điện thờ

Các điện thờ có thể theo bất kỳ hình thức nào, từ một ghế dài ngoài trời bao quanh những bệ thờ đến những tòa nhà có mái che nhỏ có dạng đền thờ. Người La Mã thậm chí có thể sử dụng những điện thờ mang đi được có hình thần bên trong.

Sứ Mạng Thiêng Liêng:

Các Vị Thần La Mã

Các vị thần La Mã tồn tại trong hệ thống phân cấp bắt đầu trên cùng là nhóm thần chủ dẫn đầu là Jupiter, vua của các vị thần. Ngài có một gia đình những thần phụ trợ, nhiều người trong số họ tương đương với các vị thần Hy Lạp và cũng có nguồn gốc Etrusca, được khắp nơi trong Đế chế La Mã tôn thờ. Nhưng có nhiều vị thần khác từ hệ thần cổ điển ít vai vế hơn như thần rừng của Ý là Faunus và nữ thần Burdigala (Bourdeaux), đến các vị thần phù trợ gia đạo, hoặc các vị thần suối nước nóng, ao hồ, hoặc cây cối. Thường thường người La Mã bắt gặp những vị thần bản địa khi họ đến một vùng lạ và sau đó chấp nhận họ như là thần của chính mình.

Giờ là lúc gặp gỡ các vị thần La Mã. Tôi sẽ bắt đầu bằng các vị thần chủ và mô tả những vị thần ít vai vế hơn.

 

Tôn giáo quần chúng: Jupiter, Juno, Mars __ những vị thần nổi tiếng

Người La Mã nhìn thấy những vị thần vĩ đại dưới hình dạng con người, nhưng không giống con người, các vị thần là bất tử và dành thời gian để kiểm soát thế giới. Jupiter là một lão già có râu, thân hình đồ sộ, trang bị lưỡi tầm sét; Minerva là nữ chiến binh; thần lữa Vulcan là một người thợ rèn (xem hình dưới). Mỗi người đều có cá tính riêng, các quyền năng đặc biệt, các sở thích riêng, và các tật xấu __ cũng giống như con người __ và một số có liên hệ gia đình. Juno là vợ của Jupiter, Mars là con trai của Juno, và Venus là vợ của Mars, chẳng hạn. Họ hợp tác nhau lúc này và cải cọ nhau lúc khác. Họ được mô tả trong các tượng, tranh điêu khắc, hình chạm nổi, tranh khảm, và trong tranh vẽ, luôn được thể hiện bằng những thuộc tính nhận diện, như cái khiêng của Minerva, hoặc búa của Vulcan.

30

Thần Jupiter

31

Nữ thần Minerva

32

Thần Vulcan

Chính sự phù trợ La Mã của các vị thần này đặc biệt có ý nghĩa trong sứ mạng của La Mã. Nhưng người La Mã không coi sự phù trợ này là đương nhiên, mà phải được nhắm đến, xin xỏ, và giành được.

-Bảng 91 liệt kê danh sách các vị thần La Mã chủ yếu.

                Bảng 9-1                               Các Vị Thần La Mã

            Thần La Mã     Tên Hy lạp      Vai trò

                Jupiter                  Zeus                      Chúa tể các vị thần, thường được viết tắt là IOM                                                                               trên bia khắc. Chồng của Juno, cha của Mercury.                                                                               Thờ cúng Jupiter là công việc thường ngày của    

                                                                                nhà nước và quân đội.

                Juno                      Hera                      Nữ chúa các thần, vợ của Jupiter và mẹ của Mars.                                                                             Bà liên hệ mật thiết với tính mẫu. Lễ chính : 1                                                                                      tháng 6, 13 tháng 9.

                Minerva               Athena                 Có nguồn gốc từ Menvra của dân Etrusca, bà là                                                                                  nữ thần mậu dịch và thủ công cũng như chiến                                                                                    tranh, và thường được mô tả đội mũ sắt và mang                                                                    giáo, với tấm che ngực bằng sắt khắc hình Medusa tóc rắn. Lễ chính: 19                                                                               tháng 3.

                Apollo                  Apollo                   Người La Mã nhận vị thần Hy lạp này và giữ                                                                                          nguyên tên. Thần bảo trợ săn bắn và âm nhạc,                                                                                   cũng liên hệ với sấm truyền và chữa bệnh, và với                                                                      mặt trời. Lễ chính: 6-13 tháng 6 (với các trò tranh                                                                                                                     đua thể thao), và 23 tháng 9.

                Ceres                    Demeter              Nữ thần mùa màng (từ đó có danh từ ‘cerael’,                                                                                   bột ngũ cốc) và sự đổi mới của thiên nhiên. Lễ hội                                                                            có tên Cerealia (12-19 tháng 4).

                Diana                    Artemis                Nữ thần săn bắn và mặt trăng. Lễ chính: 13 tháng

                                                                                8.

                Janus                     (không có)          Thần của sự khởi đầu và bậc cửa, người đã giải                                                                                   cứu Saturn khi ông bị Jupiter ném ra. Đền thờ ông                                                                            bị đóng cửa trong thời bình, và mở cửa trong thời                                                                                                                 chiến. Lễ chính: 17 tháng 8.

                Mars                      Ares                       Thần chiến tranh và thường được mô tả có trang                                                                              bị vũ khí. Là con của Juno, Mars thường liên hệ                                                                                  với các vị thần khu vực ở các tỉnh phía tây bắc,                                                                                              như là những vị thần săn bắn và chiến binh,                                                                                                       nhưng ông cũng liên hệ với sự chữa bệnh. Mars                                                                                                cũng là vị thần của nông nghiệp. Lễ chính: 1 tháng                                                                             6 và 19 tháng 10.

                Mercury               Hermes                                Con trai của Jupiter và Maia (nữ thần sinh sản). Là

                                                                                thần đưa tin, ông cũng chăm sóc việc mậu dịch và                                                                             ‘bội thu’. Ông cũng rất được ưa chuộng ở Anh                                                                                                                     và Gaul nơi ông thường được thờ chung với các vị                                                                                 thần bản địa. Lễ chính: 15 tháng 5.

                Neptune              Poseidon             Thần biển cũng liên hệ với ngựa, vì thế người La                                                                                mã cũng liên hệ ông với thần ngựa, Consus. Lễ  

                                                                                chính: 23 tháng 6, 1 thàng 12.

                Saturn                   Chronos               Cha của Jupiter (Zeus). Trong thần thoại Saturn                                                                                                 cai quản trong thời hoàng kim và dạy người                                                                                         La Mã làm nông. Saturn bị con mình là Jupiter                                                                                       ném ra và được Janus nhận vào. Đền thờ của ông                                                                                 tại quảng trường La Mã là một trong những đền                                                                                thờ cổ nhất và được bảo tồn tốt nhất, nhờ được                                                                               được tái thiết trong thế kỷ thứ tư AD. Lễ chính:                                                                                        ngày đông chí.

                Venus                   Aphrodite           Nữ thần ái tình, vợ của Mars, và tổ tiên huyền                                                                                    thoại của dòng họ Lulus mà Julius Caesar là một                                                                                                 thành viên. Lễ chính: 23 tháng 4.

                Vesta                    Hestia                   Nữ thần của lò sưởi, được nhà nhà thờ cúng và                                                                                  cũng được thờ tại đền Vesta ở La Mã bởi các Nữ                                                                               Đồng Trinh Vestal, có bổn phận giữ ngọn lửa luôn cháy.

                Vulcan                  Hephaestus        Thần lửa và nghề rèn. Lễ chính: 23 tháng 5, 23                                                                                     tháng 8. 

Các vị thần gia đường

Khi tôi nói người La Mã có một vị thần cho mọi thứ và mọi nơi, ý tôi là đúng như vậy. Nếu tôi liệt kê ra hết sách sẽ không còn chỗ để viết điều gì khác, vì thế sau đây chỉ là điểm qua cho có chút hương vị mà thôi.

 

Thần bản mệnh, thần số phận, và nữ thần Mẫu

Thần phổ biến nhất trong số các vị thần thuộc gia đình là thần bản mệnh, tức là thần bảo hộ cho từng cá nhân (hơi giống khái niệm về thiên thần bảo hộ trong đạo Cơ đốc) nhưng mở rộng ra cho đến thần bản mệnh của hầu như mọi sự vật. Chẳng hạn như địa thần là thần trông coi bất kì địa điểm nào từ một góc ruộng đến một lề đường. Tất nhiên là có thần của quân đoàn, của hoàng đế, của bất kỳ thành phố, thị trấn nào, rồi các thần nghề nghiệp, hội đoàn.

Bộ ba thần là một đặc điểm quan trọng của một hệ thần. Như Thần Số Mệnh là gồm ba nữ thần, cũng như Thần Mẫu. Và hình thức này truyền đến quan niệm Chúa Ba Ngôi trong Cơ đốc giáo.

Các vị thần gia đường

Mỗi nhà đều có có một vị thần cư trú, bảo hộ (giống như Ông Bà Táo của truyền thống Đông phương: ND). Gia chủ của mọi nhà đều phải bày một bệ thờ để cúng kiến những vị thần này đặt trong sảnh vào nhà. Người La Mã cũng có thần cho mỗi giao lộ, như vậy riêng ở La Mã có đến 265 vị thần này vì La Mã có 265 giao lộ.

Thần cho mọi sự vật

Thấp hơn thần nhà còn có nhiều thần nữa. Bạn có tin hay không, có đến ba vị thần khác nhau bảo hộ cửa ra vào của người La Mã:

  • Thần Forculus bảo hộ cánh cửa
  • Thần Cardea bảo hộ bản lề cửa
  • Thần Limentinus bảo hộ thềm cửa. 

Ngoài ra có thần Fabulinus giúp trẻ nhỏ mau học nói, nữ thần Fornax bảo hộ ngũ cốc không bị cháy khi được sấy khô, thần Robigus bảo vệ lương thực không bị ẩm mốc. Và còn vô số thần thánh nữa.

Thờ phụng hoàng đế

Tôn thờ các hoàng đế trị vì như những ông thần sống là tập quán trong thời cổ đại. Chẳng hạn, người Ai cập nhìn nhận các pha-ra-ông đang sống là thần Horus, con trai của Isis và Osiris, và các pha-ra-ông đã băng hà là thần Osiris bị mưu sát, và được Isis phục sinh.

Ở miền Đông Hy Lạp, tôn thờ các hoàng đế như những vị thần sống đã là một sự kiện chính trị của cuộc sống. Alexander Đại Đế cũng muốn mình được tôn thờ như một vị thần, tuyên bố mình là con trai của Ammon (Zeus).

Người La Mã không tha thiết với ý tưởng các nhà cai trị đang sống là các vị thần, và hầu hết các hoàng đế đầu đời cũng vậy. Augustus (27 BC-AD14) phải chấp nhận được tôn thờ ở các tỉnh lỵ miền Đông vì khu vực đó quen với tập quán này. Tiberius thì không chịu làm thần với bất cứ giá nào. Tất nhiên, một số hoàng đế (như Elagabalus; xem Chương 19) luôn tưởng mình là các vị thần sống, nhưng họ thường phải trả giá cho cuồng vọng ấy bằng mạng sống của mình. Chắc không có nhiều người thực sự tin hoàng đế là một vị thần, nhưng những người duy nhất gặp rắc rối thực sự với việc đó là các tín đồ Cơ đốc.

Tất nhiên, thậm chí những Hoàng đế như Augustus cũng tìm một cách tế nhị để liên hệ mình với thần thánh mà không thực sự tự nhận mình là thần thánh (cho đến khi ông qua đời). Huyền thoại trung tâm của sứ mệnh La Mã cho rằng Aeneas là con trai của Venus (xem Chương 10 về huyền thoại bao quanh việc sáng lập La Mã), một thành viên của hệ thần cổ điển. Điều đó không có nghĩa là những người được cho là hậu duệ của bà, như thị tộc Iulus, dòng họ của Julius, là những vị thần. Nhưng là hậu duệ của một nữ thần là mối liên hệ vô cùng tiện lợi  được các hoàng đế lợi dụng tối đa.

Hành động này càng tỏ ra hiệu quả hơn khi phong thần các hoàng đế sau khi họ băng hà. Nhờ đó các con trai kế vị của một hoàng đế vừa băng hà cũng là con trai một vị thần, và dân chúng, chủ yếu binh lính và các quan chức, sẽ bày tỏ lòng trung thành với anh linh của hoàng đế và hoàng gia thần thánh.

Tích Hợp các Thần từ Nơi Khác

Người La Mã có thái độ vô cùng bao dung đối với các tôn giáo, vì họ tin là mọi vị thần đều có quyền năng, và người La Mã muốn các vị thần đều hộ trì cho mình chứ không cho kẻ thù. Vì thế họ công nhận các hình thức tôn thờ từ khắp nơi trên Đế chế và xa hơn nữa, và tích hợp họ vào hệ thần của mình.

Kết nối thần La Mã với thần nước ngoài

Một trong những lý do người La Mã có thể thuyết phục quá nhiều người rằng việc gia nhập vào Đế chế là một lợi ích là vì họ thường không ngăn cấm các tôn giáo của các dân tộc mà họ chinh phục. Trừ hai ngoại lệ là đạo Do thái và đạo Cơ đốc, nhưng trong những tình huống đó, vấn đề với người La Mã chủ yếu có tính chính trị, chứ không thuộc tôn giáo.

Người La Mã đặc biệt khéo léo trong việc tạo ra những vị thần tích hợp từ những vị thần La Mã với thần bản địa. Sau đây là một số ví dụ:

  • Ở Đức, người La Mã chạm trán với một vị thần đứng đầu khu vực có tên là Lenus. Họ tích hợp ông ta với thần Mars tại Trier và tạo ra trung tâm thờ cúng chữa bệnh có tên Lenus-Mars.
  • Một vị thần chữa bệnh xứ Celtic tên Grannus được tích hợp với Apollo tạo ra thần Apollo-Grannus, được thờ cúng ở nhiều nơi.
  • Vua pha-ra-ông thời Ptolemy ở Ai cập kết hợp việc thờ thần Orisis và Apis và tạo ra thần Serapis, một vị thần ở cõi âm có thể tạo ra phép mầu chữa lành bịnh dân chúng. Người La Mã thích Serapis, trong đó có các hoàng đế Septimius Severus (193-211) và Caracalla (211-217).

Các dân tỉnh lẻ mang theo các vị thần của họ khi họ gia nhập quân đội và được tự do thờ cúng khi họ hành quân khắp Đế chế. Đây chỉ là một ít ví dụ nhưng đủ cho bạn hình dung được bức tranh. Không thể có nhiều thời điểm trong lịch sử nhân loại mà tự do tôn giáo được cho phép ở mức độ như vậy.

Tôn Giáo Từ Khước Việc Bị Đồng Hóa: Cơ Đốc Giáo

Về lý thuyết, Cơ đốc giáo chỉ là một giáo phái bí ẩn vì trong hình thức sơ khai của nó, và đứng theo quan điểm của người La Mã, nó chỉ là một giáo phái lạ lẫm từ miền Đông, hứa hẹn với con chiên một cuộc sống vĩnh hằng. Thật ra, chỉ đến khi Cơ đốc giáo trở thành quốc giáo, đối với nhiều người La Mã ý niệm về Christ là một vị thần để bổ sung vào danh sách những vị thần đã được tôn thờ là một ý niệm hoàn hảo. Hoàng đế Severus Alexander (222-235) có giữ một bộ sưu tập các tượng thần đủ mọi loại, trong đó có thần Christ của Cơ đốc giáo trong cung điện và tôn thờ tất cả. Nhưng Cơ đốc giáo khác biệt một cách căn bản với những tôn giáo khác mà người La Mã đồng hóa:

  • Đó là thứ tôn giáo mở cửa cho mọi người, vào mọi lúc và ở mọi nơi. Đây không phải là vấn đề đối với người La Mã, điều sau đây mới là vấn đề.
  • Các tín đồ phải chối bỏ tất cả các vị thần khác. Điều này như phỉ nhổ vào thái độ đối với tôn giáo của các người La Mã bình thường. Chính quyền La Mã, do đó, đâm ra ngờ vực các tín đồ Cơ đốc giáo.

Các vấn đề đối với Cơ đốc giáo

Đủ thứ chuyện gây băn khoăn rỉ tai dân chúng La Mã. Khi các tín đồ Cơ đốc giáo ăn bánh mì và uống rượu vang, họ coi chúng như là biểu tượng của thân xác và máu của Christ, và tin đồn biến thành họ thực sự đang thực hành một hình thức ăn thịt đồng loại. Các tín đồ Cơ đốc giáo cũng là kẻ giơ đầu chịu báng cho Nero (54-68) khi y muốn có người chịu tội cho vụ Cháy Lớn ở La Mã. Tacitus gọi Cơ đốc giáo là một hình thức ‘mê tín độc hại’ và cho rằng các tín đồ đạo này đáng ‘ghê tởm vì các tật xấu của họ’.

Người La Mã cũng bối rối khi những con chiên ngoan đạo của một giáo phái không chịu nghe theo cho dù chỉ ở ngoài cửa miệng đối với quốc giáo. Pliny Trẻ, trong khi làm Thống đốc xứ Bithynia và Pontus dưới triều Trajan (98-117), phải tự mình đi thẩm vấn những tín đồ Cơ đốc giáo khước từ không chịu bỏ đạo và cũng khước từ dâng cúng các vị thần và tượng của Trajan. Cũng có một số tín đồ thực sự phục tùng và chịu dâng cúng lễ vật cho thần linh, nhưng phần đông đều từ khước. Pliny ra lệnh tra tấn hai nữ trợ tế  để họ khai ra những tín đồ khác, vì ông rất lo lắng trước sự lan tràn của Cơ đốc giáo. Trajan viết thư cho Pliny bảo ông đừng săn lùng người Cơ đốc giáo nữa, đừng nghe lời những người đưa tin nặc danh, và chỉ trừng phạt các tín đồ Cơ đốc giáo khi chẳng đặng đừng. Nói cách khác, Trajan hoàn toàn tha thiết với cách xử lý nhẹ nhàng.

Sự ngược đãi

Qua hai thế kỷ sau, Cơ đốc giáo tiếp tục lớn mạnh. Sự bất mãn đối với các vị thần truyền thống càng sâu rộng khi dân chúng càng ngày càng thấy là những lễ vật cúng tế ở đền thờ chẳng mang lại kết quả gì. Khi người La Mã càng giàu có hơn, người ta nhìn quanh quất tìm kiếm những điều có ý nghĩa hơn. Ngày nay cũng thế thôi, con người cũng luôn săn tìm điều gì đó để tin tưởng. Thế rồi những rắc rối nơi miền biên ải tăng dần. Có vẻ như là hệ thống La Mã không còn có thể đứng vững. Cơ đốc giáo hứa hẹn một cuộc sống mới với ân phước vĩnh hằng trong một thế giới sau khi chết. Nghe rất hấp dẫn __ trừ ra là, đối với nhà nước La Mã, nó có vẻ như một thách thức trực tiếp với vương quyền.

Những cuộc bức hại chính yếu do Trajan Decius (249-251), Diocletian (284-305), và Maximian (286-305) tiến hành, nhưng thật ra đã bắt đầu từ thời Nero. Ngay cả Marcus Aurelius (161-180), vị Hoàng đế minh triết, cũng ra lệnh một vụ bức hại vào năm 177. Các vụ ngược đãi xảy ra dưới nhiều hình thức, trong đó có tra tấn bắt các tín đồ bỏ đạo, hành hình những tín đồ ngoan cố, tịch biên tài sản nhà thờ, ngăn cấm các giám mục hội họp, và thiêu đốt kinh thánh. Các vụ bức hại mang đến một số thành công vì một số người chịu bỏ đạo, nhưng đa số thì không vì họ sẵn sàng noi gương chịu chết như Christ để được lên thiên đường. Vì thế họ coi việc nếm trải tra tấn và hành hình mà vẫn không từ bỏ đạo là thước đo lòng sùng tín của mình vào Chúa Ki tô.    

 

Sự bao dung và thế cờ lật ngược

Một sự thay đổi lớn lao xảy ra dưới triều Constantine (307-337). Constantine không chỉ tin rằng Chúa Cứu Thế đã đứng sau sự thành tựu của mình, mà ông còn thấy ra những lợi lộc to lớn về mặt chính trị nếu sử dụng Cơ đốc giáo trong việc kết nối Đế chế. (Bạn có thể xem thêm cách Cơ đốc giáo cắm được cội rễ vào Đế chế trong Chương 20 và 21.)

Một khi Cơ đốc giáo trở nên hợp pháp, nhà thờ hoạt động không mệt mõi để bắt người La Mã bỏ đi các tập quán thờ cúng cũ. Việc thuyết phục những người ngoại đạo dẹp đi những điện thờ cũ và thay thế bằng nhà thờ là một công việc gian nan.

Nhưng rồi những giáo phái không phải Cơ đốc giáo dần dần cũng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Thậm chí tập quán ướp xác của người Ai Cập cũng bị ngăn cấm. Cơ đốc giáo hoàn toàn thống trị, nhưng nếu đọc qua Chương 21 bạn có thế thấy là ngay trong bản thân nhà thờ cũng gặp những rạn nứt làm chao đảo cả thế giới La Mã đến tận nền tảng từ thế kỷ thứ tư trở đi.

Thiêu và Chôn:

Hình Thức An Táng của người La Mã

Chết và chôn là một cách thích hợp để kết thúc chương này. Người La Mã sống một cuộc sống đầy đặn và phi thường. Thường thường qua những gì được ghi lại trên mộ chí của họ, mà ta biết được người La Mã là ai và họ đã làm gì. Chúng nhắc nhở hùng hồn rằng quyển sách này là viết về những con người thật có cuộc sống thực. Cho dù nếu ta không  thể tạo được mối liên kết trực tiếp ngay bây giờ, vì các tư liệu không tồn tại, nhiều người trong chúng ta có thể chắc chắn nhận họ là các tổ tiên xa xưa của mình.

Kiếp sau của người La Mã: Cõi Âm

Linh hồn của người chết được cho là sống dưới Cõi Âm (Địa Ngục), mặc dù người La Mã cũng dành một chỗ trong Cõi Âm, có thể ví như thiên đường, gọi là Elysium, dành riêng cho những con người ưu tú. Theo thần thoại, Cõi Âm do Pluto (Hy lạp là Hades) và vợ là Persephone, cai quản. Muốn đến được Cõi Âm, người chết phải lên đò vượt sông Stix do người lái đò Charon điều khiển.

Nghĩa trang và mồ mã

Người La Mã tiến hành an táng bằng hỏa thiêu hoặc chôn cất. Hỏa thiêu có từ lâu, nhưng chôn cất càng ngày càng phổ biến. Vào khoảng thế kỷ thứ ba AD, nó trở thành tập quán chuẩn.

Hỏa thiêu

Hỏa thiêu là đốt cháy thi thể trên dàn hỏa, cùng với vật dụng cá nhân của người chết, tại nơi thi thể sẽ được chôn cất hoặc tại một vị trí đặc biệt trong nghĩa trang. Tro cốt được đặt vào một bình gốm, chai thủy tinh, ấm chì, hộp gỗ, hoặc thậm chí chỉ gói trong vải. Tùy theo người chết giàu nghèo, những đồ tùy táng nhiều ít được chôn theo __ thường là những bình bằng kim loại, thủy tinh, hoặc gốm chứa những thức ăn, nước uống cho chuyến đi sang thế giới bên kia, và những đồng tiền để trả cho người lái đò Charon đưa mình qua sông Styx đến Cõi Âm.

33

Hình ảnh sông Styx và con đò của Charon dưới mắt một nghệ sĩ

 Chôn cất

Người nghèo nhất được chôn trong tấm vải liệm hoặc chôn trần, còn người giàu thì có hòm bằng chì hoặc thậm chí quách bằng đá hoa có chạm khắc công phu. Đến thế kỷ thứ tư thì chôn cất là hình thức an táng chuẩn mực khi người La Mã đã theo Cơ đốc giáo, và không có chôn theo đồ tùy táng nhiêu khê như trước nữa. Đôi khi dân chúng cố gắng bảo quản thi thể bằng cách bọc chúng với chất thạch cao để làm khô thi thể, hoặc trong một số ít trường hợp thậm chí còn ướp xác theo kiểu Ai Cập xưa, nhưng tất nhiên không kỹ lưỡng bằng (việc này vẫn còn áp dụng trong Ai Cập thuộc La Mã cho đến khi bị cấm hẳn vào cuối thế kỷ thứ tư).    

Nghĩa trang và mộ phần

Theo luật, người La Mã phải được chôn bên ngoài khu vực định cư vì lý do vệ sinh. Nghĩa trang thường được xây dựng dọc theo lề đường khi vừa ra khỏi thị trấn. Ví dụ dễ nhận thấy nhất ngày nay là ở La Mã, Ostia, và Pompeii. Trên hai vùng ven đường đối diện nhau ở La Mã qua cổng thành phố, bạn còn có thể xuống xe và bước ngang qua những mộ phần ngổn ngang đủ hình dáng và kích cỡ.

Người giàu có thể xây cất những mộ phần có kiến trúc tinh xảo với tượng hoặc tranh điêu khắc hình ảnh người quá cố, cùng với những lời văn bia kể cho chúng ta biết tên người nằm bên dưới, họ bao nhiêu niên kỷ, có khi họ làm nghề gì và nguyên quán nơi đâu. Người nghèo thì an phận với tro cốt của mình được tọng vào bình gốm rồi chôn đâu đó. Nhưng tất cả đều muốn chôn cất bên cạnh những người thân, hoặc những người trong cùng một hội đoàn.

Một trong những mộ phần kỳ lạ nhất ở La Mã là Kim Tự Tháp có mặt đá hoa của Gaius Cestius, được các nô lệ của ông xây cất vào 12 BC, và họ được trả tự do sau khi ông mất theo di chúc của ông. Mộ phần cao 35 mét và rộng 79 mét, là bản sao của các kim tự tháp  cổ Ai Cập, vốn khi sinh tiền ông rất có ấn tượng trong thời gian sống ở Ai cập. Lúc đầu nó xây dựng bên ngoài La Mã nhưng về sau được gắn kết vào tường thành La Mã do Aurelian (AD 270-275) xây dựng.

Hầm mộ

Hầm mộ là nghĩa trang ngầm được tạo bởi những đường hầm nhiều tầng với các hốc tường, nhà nguyện, và phòng an táng được đục từ vách hầm để chôn cất. Loại hầm mộ này rất được ưa chuộng đối với người Cơ đốc giáo ở La Mã. Hầm mộ Sant’Agnese ở La Mã có 800 mét đường hầm và 8,500 ngôi mộ, nhưng các hầm mộ của La Mã trước đây chắc hẳn chạy dài hàng trăm dặm.

Thờ cúng tổ tiên và lễ giỗ

Tôn kính tổ tiên là một phần quan trọng trong cuộc sống người La Mã. Tại nhà, con cháu tưởng nhớ tổ tiên bằng các tượng thờ bán thân. Người La Mã cũng đến viếng mộ và cúng kiến để củng cố mối liên hệ với tổ tiên.

Tôn kính và tưởng nhớ người chết là một phần thiết yếu của cuộc sống La Mã. Hai trong số đài tưởng niệm lớn nhất ở La Mã ngày nay là Lăng Augustus và Lăng nhà Antonine do Hadrian xây dựng.

Lễ tổ tiên được tổ chức từ 13 đến 21 tháng 2. Để tỏ lòng kính trọng với người chết, các đền thờ đóng cửa, và lễ cưới không được cử hành. Gia quyến tụ họp và lên đường thăm mộ tổ tiên bên ngoài thị trấn, ở đó họ ăn uống, tất nhiên, người quá cố cũng được tham dự: đồ ăn và thức uống được đổ vào những ống đi vào hố huyệt dưới đất. Vào ngày cuối cùng, người ta tổ chức lễ hội công cộng. Ngày lễ Rosalia được tổ chức vào ngày 10 tháng 5 khi đó người La Mã trang trí mộ phần bằng hoa hồng, lúc đó đang mùa nở rộ.

Một trong những nghĩa địa La Mã được bảo tồn tốt nhất nằm sát bên phế tích Ostia, một cảng cổ của La Mã, tại một nơi gọi là Isola Sacra (‘đảo thiêng’) chỉ cách phi trưởng chính của La Mã khoảng một dặm. Đó là nơi tụ tập những ngôi mộ còn nguyên vẹn, có cả những mộ bia ghi rõ thân thế người quá cố đã từng sống và làm việc tại Ostia. Bạn có thể bước vào lăng mộ và ngắm những hốc tường trong đó cất giữ tro cốt của các thành viên trong gia đình. Bên ngoài, một số chủ lăng mộ còn xây những bản sao của ghế dài trong phòng ăn để gia quyến có thể nằm xuống ăn uống chung với tổ tiên, như đang ở nhà (xem hình dưới).

34


    

Bình luận về bài viết này