Lịch Sử Nghệ Thuật- Phần 8

Untitled

Jesse Bryant Wilder

Trần Quang Nghĩa dịch

Chương 13

Nghệ Thuật Kéo Dài Cổ Bạn: Chủ nghĩa Mannerism

 Trong Chương Này

  • Kéo dài quy luật
  • Xem lại phối cảnh
  • Điều chỉnh theo kiến trúc kiểu Mannerism

Thời Phục hưng Hưng thịnh (xem Chương 11) nâng tầm các nghệ sĩ từ chức danh phận nghệ nhân sang chức danh người sáng tạo nghệ thuật. Trong sự thức tỉnh của sự trân trọng này, các nghệ sĩ bắt đầu khẳng định cá tính của mình. Sau khi tất cả học trò của Raphael và Andrea del Sarto làm chủ mọi quy luật của thời Phục hưng Hưng thịnh như phép phối cảnh khoa học và bố cục hình học, thứ tự, họ bắt đầu bẽ gãy quy luật để làm nghệ thuật đa phong cách và biểu cảm hơn. Các học giả thường gọi phong cách này là chủ nghĩa Mannerism (Kiểu cách), nhưng họ không nhất trí xem nghệ sĩ nào nên được dán nhãn hiệu theo Mannerism hoặc phong cách này kéo dài bao lâu. Phần lớn học giả tin rằng chủ nghĩa Mannerism kéo dài từ 1520 đến 1600.

Chủ nghĩa Mannerism trông như thế nào? Khi bạn vinh danh cái nhân tạo hơn cái tự nhiên bằng cách tăng quá mức tỷ lệ, bóp méo phối cảnh, hoặc ngay cả biến hàng dậu sau nhà thành lối vào có cổng vòm, bạn là người theo chủ nghĩa Mannerism.

Nếu các nghệ sĩ lớn theo Mannerism còn sống đến hôm nay, nhiều người trong số họ sẽ chắc chắn lui tới các sô thời trang ở Paris hoặc Milan. Các nghệ sĩ như Francosco Primaticcio hay Parmigianino ắt hẳn sẽ tự nhiên như ở nhà khi phác họa những người mẫu cao khều, với những bộ phận cơ thể độn collagen và ăn vận xa hoa. Các Đức Mẹ theo kiểu Mannerism đều có nét giả tạo phong cách, và đôi khi các nhân vật tùy tùng ăn vận bó sát như thời trang lót của Calvin Klein. Các đặc điểm của gương mặt góc cạnh và vẻ mặt ảm đạm kiểu Mannerism hình như truyền đạt sự tao nhã hợm hĩnh ngay cả khi họ xin xỏ lòng trắc ẩn.

Một phần lý do chủ nghĩa Mannerism có vẻ giống một bộ môn nghệ thuật quý phái là bởi vì nó phục vụ cho khẩu vị của gia đình Medici ở Florence, các vua Pháp ở Fontainebleau, và Hoàng đế Rudolf II ở Prague. Những bức tranh mà các ông chủ này bảo trợ thường che dấu các biểu tượng tình dục mà chỉ số ít chọn lọc có thể hiểu được.

Ở Ý, vào cuối thời Phục hưng Hưng thịnh, phong cách Michelangelo chuyển hướng về chủ nghĩa Mannerism. Những hình thể kéo dài ra trong tác phẩm Pietà Rondanini (1556-1564) là những minh họa cổ điển của phong cách Mannerism muộn màng của ông.

Trong chương này, tôi xem xét các bức tranh trong đó tứ chi được kéo dài ra, các tình cảm được tăng cường, và các hậu cảnh biến thành những phong cảnh hư ảo hay biểu tượng. Sau đó tôi cho bạn thấy bằng cách nào chủ nghĩa Mannerism kéo dài kiến trúc đến giới hạn của nó.

Pontormo: Trước và Giữa

 Pontormo (1494-1557) là một trong những họa sĩ Mannerism đầu tiên. Ông có thể đã học tập với Leonardo da Vinci. Các học giả biết chắc là vào năm 1512, Pontormo trở thành phụ tá của Andrea del Sarto, từ đó ông học được cách làm chủ phong cách Phục hưng Hưng thịnh. Năm năm sau, Pontormo tiếp tay phát động chủ nghĩa Mannerism.

Bức Đỡ Xuống Thập Giá (1525-1528) là một  trong những tuyệt tác kiểu Mannerism sớm nhất. Nó vẽ hai người đàn ông mang xác Christ xuống thập giá chung quanh là những phụ nữ than khóc. Pontormo thực sự loại bỏ chiều sâu khỏi bức tranh, hầu như đem tất cả nhân vật ra tiền cảnh và chồng chất họ lên nhau như một màn xiếc chồng tháp người, bức tranh có chiều cao. Mang hành động ra tiền cảnh khiến Pontormo gia tăng cường độ cảm xúc. Nó cho người xem một cận cảnh của cảm xúc. 

1

Hơn nữa, ông còn loại bỏ ra khỏi sự kiện những thực tại thông thường bằng cách ăn mặc cho các nhân vật những màu xanh dịu, màu hồng nhạt mềm, và xanh ô liu __không phải những màu sắc dành cho tang tóc. Một số nhân vật mặc y phục bó sát người màu hồng – xanh lộ ra những tư thế và thân thể biểu cảm. Màu sắc giả tạo và phối cảnh kiểu mannerism khiến bức họa có  tính thi vị nhiều hơn là bi kịch. Pontormo làm dịu thảm kịch thành một bài thơ trữ tình thị giác (tính thi ca kèm theo những đường  nét duyên dáng). Toàn cảnh nằm yên tinh tế trong không gian và, như đám mây ở hậu cảnh, hình như có thể bay đi bềnh bồng.

Các Biểu Tượng Hậu Cảnh và Vẽ Lớp Phong Cảnh của Bronzino

2

 Con nuôi và học trò của Pontormo, Agnolo Bronzino (1503-1572), trở thành một trong những họa sĩ Mannerism vĩ đại nhất. Từ 1539 đến 1560, Bronzino phục vụ dưới trướng của Cosimo I de Medici, Công tước Florence. Các tác phẩm của Bronzino giàu tính biểu tượng, điều không có gì ngạc nhiên nếu biết rằng Bronzino cũng là một thi sĩ.

Cosimo giao cho Bronzino vẽ một bức tranh làm quà tặng cho Francis I, vua nước Pháp. Bức tranh hóa ra là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của ông, bức Ngụ Ngôn về Vinh Quang của Venus (xem Hình 13-1).

Những nhân vật trung tâm trong tranh là Venus và con trai là Cupid. Venus xoáy mũi tên của Cupid và chỉ vào người Cupid. Thế là y đáp ứng bằng cách làm tình với mẹ ruột của mình. Những nhân vật khác phản ứng nửa sửng sốt nửa hí hửng.

Lão già hói đầu liếc mắt ở góc phải phía trên với một đồng hồ cát trên lưng biểu thị Thời gian. Danh tính của những nhân vật còn lại các học giả không nhứt trí với nhau. Có thể nhà Medici muốn bức tranh có kết thúc mở để triều đình Pháp có thể tranh cãi. Ông già Thời gian và nhân vật như mặt nạ ở góc trái vén một bức màn xanh để tiết lộ việc xảy ra trong hậu trường này.

Hai chiếc mặt nạ trên sàn nhà gợi ý rằng toàn cảnh tượng chỉ là một cảnh sân khấu. Trong thời Phục hưng, các nhà quý tộc thường dựng kịch về những vụ tình ái huyền thoại tại tư dinh của họ. Chiếc mặt nạ tháo bỏ cũng có thể gợi ý hai nhân vật trong bức tranh đang trong tiến trình tiết lộ bản chất thực sự của mình.

Đứa bé vô tư bên phải, có thể biểu thị Sự Điên Rồ, ném đùa cợt những cánh hoa hồng (biểu tượng của Venus) vào những người yêu nhau để cổ vũ họ. Cô gái nhỏ bí ẩn trao cho Venus một tàng mật ong được nhận diện là Fraud vì thân thể cô biến hình thành quái vật có móng vuốt và đuôi bò cạp. Một chim bồ câu (theo truyền thống là một trong những phụ tá của Venus) đậu trên góc trái kế bàn chân phải của Cupid.

Bức tranh bao gồm một hình ảnh càng bất hòa hơn hình cô gái nhỏ: một mụ già (hay mụ phù thủy) bị dày vò tru tréo phía sau thân hình xinh đẹp của Cupid và mẹ y. Chúng ta không biết cái gì khiến mụ già  khổ sở hay ai đã mời mụ đến dự tiệc. Mụ thường được nhận diện là Đố kỵ hay Tuyệt vọng. Nước da tối và bộ răng xấu đã khiến một số học giả cho rằng mụ hiện thân của bệnh dương mai, một căn bệnh mà vua Pháp đang mắc phải.     

Vẻ mặt gớm ghiếc của mụ già tạo một nền đẹp cho Venus, tay cầm quả táo vàng mà bà thắng được trong cuộc thi sắc đẹp do Paris chủ trì, người đã châm ngòi cho cuộc chiến thành Troy. Quả táo Vàng chỉ ra rằng Venus là một sinh vật được thèm muốn nhất trong mọi sinh vật. Nó cũng chứng tỏ là lòng tự phụ của bà là không giới hạn; bà bóp dẹp quả táo khi đang quyến rũ con trai mình. Lẽ dĩ nhiên, phân phát tình yêu là công việc của Venus lẫn Cupid. Bronzino chỉ đơn giản đẫy sự kiện này lên một kết cục hợp lý dẫu là tột cùng. Nói cách khác, bức họa có một dáng vẻ Mannerism vượt xa ranh giới của khuôn khổ Phục hưng.

Còn gì khác khiến tác phẩm này có tính Mannerism? Tính biểu tượng bí ẩn chỉ một số người biết, phối cảnh nén lại (các nhân vật ở hậu cảnh thực tế chồm lên các nhân vật tiền cảnh. Nhưng bức tranh cũng nói về sự tự phụ __ không chỉ sự tự phụ của chỉ mình Venus: Bronzino cũng đang khoe khoang. Ông trình diện xuất sắc cách đi cọ bóng bảy, mượt mà thiện xảo của mình, làm hả hê khẩu vị tinh tế của khán giả cao cấp của mình. Ông làm họ vui mắt đồng thời đưa ra một thông điệp luân lý nghịch lý: Hãy kềm chế đam mê của mình.

Parmigianino: Ông Ta Không Phải là Phô Mai

 Parmigianino (1503-1540) nghe như tên của một nhãn hiệu phô mai ngon lành, nhưng đúng ra là tên một họa sĩ sành sõi mà Giáo hoàng Clement VII mệnh danh là “Raphael tái sinh”.

3

Hình 13-2 

Tác phẩm lừng danh của ông là Đức Mẹ Cổ Dài (xem Hình 13-2). Thân hình dài và rộng của bà tương phản đáng kinh ngạc với bờ vai nhỏ nhắn, đầu bé, và cổ dài. Dù vậy, những bóp méo này không làm giảm vẻ đẹp của bà. Thay vào đó, chúng phát triển thành một vẻ tao nhã hiếm có.

Trong nghệ thuật Mannerism, vẻ đẹp nhân tạo chiến thắng tự nhiên. Phối cảnh kỳ lạ trong Đức Mẹ với Cổ Dài là một đặc điểm Mannerism khác. Hậu cảnh với người đàn ông nhỏ con, cột trụ màu trắng, và núi non mờ sương trông siêu thực như cảnh trong mơ của Salvador Dali (xem Chương 23). Người đàn ông nhỏ thó ở hậu cảnh mở ra một cuộn giấy trong khi quay mặt đi, gợi ý sự trưng bày thuần túy ưu tiên hơn chức năng. Nhớ là trong chủ nghĩa Mannerism, sự phô trương và kỹ xảo luôn chiếm ưu tiên.                           

Arcimboldo: Nghệ Thuật Theo Món

Kiểu cách nhất trong các họa sĩ phái Mannerism (Kiểu Cách) là Arcimboldo ở Milan (1527-1593). Bắt đầu là một họa sĩ vẽ bích họa tôn giáo và nhà thiết kế thảm, Arcimboldo cũng vẽ những chân dung truyền thống, nhưng các tác phẩm này không được biết đến. Năm 1562, Hoàng đế Ferdinand I thuê ông làm họa sĩ chân dung cho triều đình ở Vienna và Prague. Không lâu sau, Arcimboldo sáng chế “chân dung ăn được.” Mặc dù bạn thực sự không thể ăn được nghệ thuật của Arcimboldo, nhưng có vẻ như bạn có thể làm được điều ấy.

Sự đột nhập đầu tiên của ông trong thể loại này là một sê ri dựa theo các mùa, được vẽ vào năm 1563. Các tác phẩm trở thành hit ngay lập tức, và nhiều nghệ sĩ bắt đầu bắt chước ông. Trong bức tranh Mùa hè, Arcimboldo nhân cách hóa mùa này bằng một người mặc áo khoác đan bằng cây lúa mì với nút bằng hoa atisô mọc trong ngực y. Một quả lê vàng tạo thành cằm; gò má là những trái táo hồng hào; một củ dưa chua nhô ra làm mũi; và môi răng làm từ quả đậu. Dĩ nhiên, táo và lê không phải sản phẩm của mùa hè. Dù sao, gã cây trái này chuyên chở ý nghĩa sung mãn của mùa hè với hứa hẹn một mùa bội thu (xem hình).

4

Arcimboldo vẽ các chân dung tổng hợp làm từ trái cây, rau cải, cá, thịt, và ngay cả rễ cây. Chẳng hạn, ông thiết kế một quý bà là giỏ trái cây, quý ông những bộ phận của một con gà luộc, và tượng bán thân của một thủ thư bằng một kệ sách (xem hình trên).

El Greco: Kéo Dài đến Giới Hạn

El Greco (1541-1614) sinh trên đảo Crete của Hy Lạp, lúc đó là một phần của Cộng hòa Venice. Khi còn trẻ, ông học vẽ tranh biểu tượng thánh Chính thống Hy Lạp (xem Chương 9), và điều này ảnh hưởng đến các tác phẩm về sau của ông. Trong những năm cuối của thập niên 1560, El Greco dời đến Venice để học vẽ với Titian tuổi đã xế chiều. Những tác phẩm ban đầu của El Greco cho thấy ông hoàn toàn bị phong cách và kỹ thuật của Titian và Tintoretto thu hút. Trong 1570, ông định cư tại La Mã, hy vọng sẽ được giáo hoàng thuê vẽ, nhưng ông chỉ gặt hái được những thành tựu khiêm tốn. Trong năm 1577, ông chuyển đến Toledo, Tây Ban Nha, nơi đó ông phát triển một phong cách Mannerism riêng biệt của mình.

5

Ở Tây ban nha, El Greco bắt đầu kéo dài các hình thể của mình. Nhiều hình thể trông giống như được kéo căng trên bàn tra tấn. Hơn nữa, mặt trời ngừng chiếu sáng trong tranh ông. Bầu trời giông bão, đen kịt trở thành chữ ký của ông. Những đám mây đen, vần vũ trong các tác phẩm của El Greco không chỉ báo hiệu một thời tiết xấu __ nó có vẻ tối sầm của một ngày tận thế. Ông nói ông muốn “phản ánh sự Hiện Thân bằng tự nhiên tâm linh hóa.” Dù vậy, trong nghệ thuật ông không có nhiều chất liệu “tự nhiên”. Ông luôn luôn vẽ cảnh người. Khi El greco vẽ thêm phong cảnh và thị thành, chúng hình như bị lây nhiễm bởi bầu trời khải huyền. Trong Tang Lễ của Bá Tước Orgaz (1586), thiên đường   __ phần phía trên của tranh __ là một vùng xoáy của những năng lượng tâm linh. Tương phản với nó, tang lễ ở phần ba bên dưới tranh là vùng trang nghiêm, cứng nhắc; hầu như xảy ra trong mơ khi so sánh hai cảnh với nhau (xem hình dưới).

6

Sự bắt bớ và giam cầm viên tu sĩ ở Andalusia sau này được phong là Thánh John Thập Giá ở Toledo vào năm El Greco đến chắc hẳn đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ cho người mới đến. Thánh John, người đã bị tống giam vì cố chấn chỉnh giáo phận Carmelite bản địa, đã bị phạt đánh roi công khai mỗi tuần một lần trong suốt chín tháng!

7

Trong tác phẩm Điềm Báo Thứ Năm về Sự Khải Huyền, sự khải huyền mà nhiều tác phẩm của ông báo trước sẽ đến. Mặc khải 6:9 nói: “Và khi ông ta mở dấu niêm phong thứ năm, tôi trông thấy bên dưới bệ thờ các linh hồn của những kẻ bị tàn sát vì nói ra những lời của Chúa, và vì chứng cứ mà họ nắm giữ.” Trong bức tranh, hồn các thánh tử đạo mặc áo trắng đứng lên và đưa tay cầu khẩn về phía những thiên thần nhí đang đáp xuống. Hai thiên thần nhí ở thấp hơn trông như máy bay ném bom bỏ những áo choàng màu xanh và vàng (áo choàng cứu rỗi) cho những người còn khỏa thân.

Chú ý là những thành tử đạo bên phải nắm lấy một tấm trải trắng do một thiên thần ở phía trên trải ra. Tấm trải nối thiên đường  với mặt đất, vốn là chủ đề chính của El Greco: “trên mặt đất cũng như nó ở trên thiên đường .”

Sau khi mất, tiếng tăm của El Greco rơi thẳng xuống. Các nhà phê bình khắp thế giới chỉ trích ông hàng thế kỷ là “xa hoa”, “quái đản”, và “tức cười.” Một số cho rằng ông điên. Trong đầu thế kỷ 20, các học giả đưa ra một quan điểm khoa học hơn. Họ gán cho các tứ chi bị kéo dài và vặn vẹo của ông là hậu quả của chứng loạn thị! Nhưng các họa sĩ Biểu Hiện kính nể ông và coi tác phẩm của ông là tiền phong của trường phái Biểu Hiện. Họ nhận ra rằng ông sử dụng sự bóp méo hình thể để diễn tả trạng thái tinh thần và tình cảm lên đến cùng cực. Phái Biểu Hiện có thể đã dạy cho phần còn lại của thế giới cách thức đọc ra những tác phẩm của ông. Ngay này El Greco chắc chắn là nghệ sĩ theo chủ nghĩa Mannerism được nhiều người biết đến nhất.

   

Tìm chỗ đứng của bạn ở Palazzo Te của Giulio Romano

8

Matua thường không phải là điểm tham quan không thể thiếu của các tua du lịch __ lẽ ra nó phải thế. Giữa những bích họa rực rỡ của Andrea Mantegna ở Lâu đài Công Tước và Palazzo Te của Giulio Romano, Mantua là một trong những thánh địa văn hóa của Ý.

Như các đồng nghiệp bên hội họa, các kiến trúc sư phái Mannerism bẽ cong quy luật. Và không ai làm điều này vui vẻ hơn Giulio Romano (1499-1546), người  học trò giỏi nhất và con nuôi của Raphael. Sau khi Raphael mất sớm vào năm 1520, Romano trở thành trưởng xưởng của Raphael và hoàn tất những công trình được ủy nhiệm quan trọng nhất của ông, trong đó có phòng của Hoàng đế Constantine ở La Mã. Ngay cả trước khi Raph mất, bậc thầy thời Phục hưng Hưng thịnh này đã tin tưởng giao cho Romano  hoàn tất một số tác phẩm của ông, trong đó có Joanna ở Aragon Thánh Margaret (cả hai đều ở Bảo tàng Louvre).

Sau cái chết của Raphael, tiếng tăm của Romano dần dần lan khắp châu Âu. Ông quá nổi tiếng trong thế kỷ sau khi ông mất đến nổi Shakepeare đã nhắc đến tên ông trong vở kịch Câu Chuyện Mùa Đông, gọi ông là “bậc thầy Ý hiếm có”.    

Năm 1524, hầu tước xứ Mantua mời Romano làm họa sĩ và kiến trúc sư hoàng gia. Trong nhiều thành tựu của Romano, Palazzo Te là thành tựu nổi bật nhất. Romano biến chuồng ngựa của Hầu tước (Các ngựa đua của Hầu tước nổi tiếng nhất châu Âu) thành một lâu đài, theo kiểu một vi la La Mã cổ. Các chuồng ngựa tọa lạc trên Đảo Te ngay bên ngoài bức thành phía nam của thành phố. Lâu đài gồm bốn khối phòng xen kẻ với bốn hành lang ngoài bao bọc một sân vuông.

Là một người theo chủ nghĩa Mannerism, Romano bẽ gãy chủ nghĩa cổ điển thuần túy bằng cách cho vào thiết kế Palazzo của ông những kiến trúc gây ngạc nhiên và vui thích. Chẳng hạn, giữa các cột trụ ở mặt tiền sân phía đông và tây, mỗi triglyph thứ ba (xem Chương 7 về chi tiết triglyph trong kiến trúc cột) được dựng lệch hàng, như thể lâu đài đã trải qua một trận động đất có tuyển chọn chỉ ảnh hưởng đến đúng hai bên lâu đài.

Thêm vào đó, các đá đỉnh vòm cỡ lớn ló vào các pediment (khoảng không gian tam giác) ở phía trên cung vòm, như thể chúng đã trượt lên trên. Đá đỉnh vòm là đá hình nêm ở chính giữa cung vòm dùng để cố định các đá khác. Sự cách tân này bẽ gãy trật tự cổ điển và cho ta cảm giác tòa nhà không vững __ ngay cả các đá đỉnh vòm còn không thể giữ nó với nhau.

Cũng vậy, Romano cho lâu đài một bề mặt lớp đá tạp sắc.Ông ta kết hợp những đá to tròn với đá cỡ trung hẹp mảnh; một số trơn láng, một số thô vênh; một số nhô ra, một số bằng phẳng. Sự đa dạng này cho lâu đài một dáng vẻ Mannerism xáo động hơn là trầm mặc cổ điển như trong các tòa nhà thời Phục hưng Hưng thịnh của Palladio.

Bên trong, Palazzo Te còn ấn tượng hơn nữa. Hầu như mỗi phần là một tuyệt tác của thiết kế. Cái nổi bật nhất là “Phòng của những Người Khổng Lồ”. Trong thần thoại Hy Lạp, sau khi đám người trên núi Olympia (thần Zeus và đám bạn) đánh bại và thay thế các Titan (các vị thần già), bọn Khổng lồ cố lật đổ những cư dân Olympia. Romano cho thấy Zeus đẩy lui cuộc đột kích của chúng và ném chúng xuông mặt đất. Khi bạn bước vào căn phòng này, bạn cảm thấy như mình đang bước vào một trận ẩu đã khủng khiếp kéo từ trời và nhấn chìm trái đất. Các tên khổng lồ và những cột trụ kéo tường đổ xuống nền (xem hình dưới.)

9

Romano truyền lại phong cách Mannerism cho các đồ đệ của mình, nhất là Francesco Primaticcio, sau này mang chủ nghĩa Mannerism đến Fontainebleau, tại đó ông làm việc cho vua Francis I, ông vua Phục hưng vĩ đại của nước Pháp. Từ Pháp, chủ nghĩa Mannerism tràn khắp châu Âu.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s