Song ứng tuyệt tác ‘Cuộc tranh luận về Bí Tích Thánh Thể – Học tràng Athens’ của danh họa Raphael

Untitled

Lạc Vũ Thái Bình

Thiên Chúa Ba Ngôi là một chủ đề quan trọng trong nghệ thuật Công giáo. Có rất nhiều họa sĩ đã vẽ về đề tài này và nhiều tác phẩm chủ đề này cũng đã được xếp vào hàng bất hủ. Tuy nhiên, nếu chỉ chọn một tác phẩm duy nhất, thì gần như hầu hết các nhà phê bình mỹ thuật phương Tây đều chọn ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể’ (Disputation of the Holy Sacrament, còn được gọi là Disputation over the Holy Sacrament, hoặc Revelation of Religion) vẽ vào những năm 1510 – 1511 của danh họa Raphael (1483-1520). Trong thần học Kitô giáo, thuật ngữ ” Holy – mầu nhiệm ” nói đến những chân lý do Thiên Chúa mạc khải vượt quá khả năng lĩnh hội của lý trí thuần túy, là những chân lý mà lý trí con người không thể hiểu thấu, và chỉ bằng đức tin mà con người chấp nhận những gì Thiên Chúa phán dạy.

‘CUỘC TRANH LUẬN VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ’, cao 5m và rộng 7m7, là một trong hai bức bích họa nổi tiếng mà Raphael đã vẽ ở Stanza della Segnatura trong điện Vatican theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Julius II (1453-1513), bức họa song ứng với nó là ‘HỌC TRÀNG ATHENS’. Mặc dù ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể không phải là hình ảnh đầu tiên người ta nhìn thấy khi bước vào Stanza della Segnatura, mà là ‘Học tràng Athens’, nhưng thông qua hai bức bích họa này, người ta có thể hiểu được logic tổng thể trong kế hoạch do Raphael vạch ra nhằm mục đích kết nối hai truyền thống lớn nhất nhì của nhân loại thành một hình ảnh duy nhất mà du khách có thể đi đi lại lại giữa hai tuyệt tác để ngắm nhìn và suy tưởng.

  1. VỊ TỔNG LÃNH THIÊN THẦN THỨ HAI CỦA HỘI HỌA PHỤC HƯNG

rafael

Raffaello Sanzio sinh năm 1483, là con của Giovanni Santi, họa sĩ số một ở Urbino. Ông được đặt tên theo vị Tổng lãnh thiên thần Raphael, và quả thật, tài năng hội họa của ông được đánh giá là một chín một mười so với một danh họa đường thời cũng mang tên một vị Tổng lãnh thiên thần khác: Michelangelo. Sau thời gian tuổi trẻ hạnh phúc với người cha ở quê nhà, Raphael chuyển đến Perugia, nơi ông đã có thời gian ba năm rèn luyện dưới sự dẫn dắt của Perugino và đã tạo được đôi chút tiếng tăm với những bức họa Đức Mẹ Maria đầy tinh thần mộ đạo.

Năm 1508, từ Florence, Raphael nhận được lời mời tới Rome làm việc từ Đức Giáo Hoàng Julius II. Ông vui vẻ lên đường, bởi khi ấy chính Rome chứ không phải Florence mới là trung tâm của Phục Hưng. Đức Giáo Hoàng Julius II đã lập ra ở Vatican một phòng quản trị trung tâm mang tên ‘Stanza della Segnatura’, và những bức tường của phòng này có vẻ cần được trang trí cho tương xứng với những công việc quan trọng được thực hiện trong đó. Sau một cuộc hội ý giữa các vị chức trách trong giáo triều và các học giả, một kế hoạch đã được lên để làm sao thể hiện được sự hòa hợp giữa hai chủ đề lớn thần học Kitô giới và triết học cổ giới, thống nhất trong vẻ huy hoàng của thời đại Phục Hưng.

2. NHỮNG CON NGƯỜI TRUY TẦM CHÂN LÝ

2

Raphael đã làm việc với dự án này trong suốt bốn năm trời, nhưng liệu vị họa sĩ chỉ mới trạc ba mươi này có thể thể hiện được những chủ đề hoàng tráng và đầy hóc búa như sự hòa hợp giữa triết học và thần học, giữa khoa học và tôn giáo?

Hai bức bích họa trong Stanza della Segnatura thể hiện một quan niệm về quan hệ “đối đáp” phức tạp giữa các kiến thức triết học cổ điển và tín lý Công giáo. Quả vậy, khi đặt hai tác phẩm này bên cạnh nhau và so sánh bố cục hai tác phẩm, chúng ta có thể thấy một chiều kích thâm sâu tiềm ẩn trong nghệ thuật Raphael ở cả hai tác phẩm, bởi lẽ ngay từ trong cách bố cục, hai bức họa đã mang nhiều tư tưởng, đã thể hiện cách nhìn của tác giả về chủ đề lớn lao này.

Chúng ta không có bằng chứng nào về việc Raphael đã đọc nhiều, ông nói bằng cây cọ và lắng nghe bằng đôi mắt, ông sống trong một thế giới của hình khối và màu sắc, một thế giới trong đó từ ngữ dường như không đóng một vai trò to tát nào. Tuy nhiên, ông hẳn đã phải chuẩn bị cho bức bích họa ‘Học tràng Athens’ bằng cách gấp rút nghiên cứu, bằng cách vùi đầu và các tài liệu về Plato và Diogenes, về Laertius và Marsilio Ficino, và bằng những cuộc đàm luận khiêm nhường với các trí thức, để có thể vươn tới khả năng làm cho thế giới triết học cổ thời hiện hình và trở nên bất tử của những nét cọ của mình.

Ở ‘Học tràng Athens’, ta thấy được sự tôn vinh dành cho triết học Tây Phương. Ở trung tâm là triết gia Plato với cặp lông mày như của thần Zeus, đôi mắt sâu, mái tóc trắng và bộ râu của một bậc trí giả, với một ngón tay chỉ lên trên trời, về phía ‘Nhà nước hoàn hảo’ được mô tả trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là ‘Cộng Hòa’. Triết gia Aristotle lặng lẽ đi bên cạnh Plato, trẻ hơn khoảng 30 tuổi, đẹp đẽ và vui tươi, đang đưa bàn tay úp xuống ra phía trước, như thể để đưa những tư tưởng duy tâm bay bổng của thầy ông từ cõi miền của những Ý Niệm về với mặt đất và những điều khả dĩ đo đếm. Chúng ta cũng có thể thấy triết gia Socartes đang diễn tả những cuộc tranh luận của mình trên đầu ngón tay với Alcibiades, gã học trò lắm tài nhiều tật đã gây nhiều tai họa cho Athen trong Chiến tranh Peloponnese, đang cầm vũ khí trong tay, và lắng nghe thầy mình với tất cả trìu mến. Pythagoras đang cố gắng giam các giai điệu của các hành tinh vào trong những thang hòa âm đơn giản mà hài hòa của mình. Heracleitus viết những ẩn ngữ của người Ephesus, Diogenes nằm một cách vô lo trên bộ lễ phục được cởi ra của mình bên những bậc thềm bằng đá cẩm thạch. Archimedes đang vẽ những kí hiệu hình học phức tạp lên lên một tấm bảng cho bốn thanh niên khác, những người đang hoàn toàn bị thu hút bởi trí tuệ kì lạ của vị học giả thành Syracuse. Ptolemy và Zarathustra đang bàn luận với nhau về chuyển động bất tận của các tinh cầu trên vòm trời đêm. Một cậu bé ở bên trái bức họa đang chạy một cách hăm hở cũng những cuốn sách trên tay, hẳn là đang tìm xin một chữ kí của những bậc học giả kì tài? Và cũng ở góc trái, ẩn mình một cách khiêm tốn đến mức khó nhận ra, là Raphael, lúc này đang để ria mép. Còn rất nhiều nhân vật nữa, và chúng ta sẽ thư thả để những học giả uyên thâm tranh luận về danh tính những nhân vật này.

Xét một cách tổng quát, trước đó người ta chưa bao giờ vẽ một nghị viện về trí tuệ như trong bức họa ‘Học tràng Athens’ của Raphael, có lẽ còn chưa bao giờ thai nghén ý tưởng về nó. Ở đây, không có một lời nào nói về dị giáo, ở đây, dưới sự bảo trợ của một Giáo Hoàng quá vĩ đại để làm ầm lên về những khác biệt có thể hiểu được, Kitô hữu trẻ tuổi là Raphael đã có thể đưa tất cả những con người theo tư tưởng đa thần này của cổ thời về một chỗ, vẽ họ ra với các tính của từng người bằng sự thấu hiểu và đồng cảm phi thường. Raphael đã khéo léo đặt những con người đó ở nơi mà các thành viên giáo triều của Vatican có thể nhìn thấy họ và trao đổi về những đúng đắn trong tư tưởng cũng như những sai lầm mà có thể họ đã phạm phải. Đó cũng là nơi mà các Giáo Hoàng, giữa lúc xem xét một bản văn nào đó, có thể sẽ ngẫm nghĩ về quá trình xử lý và kiến tạo tư tưởng mang tính hợp tác tân-cổ và triết-thần, để cùng với những suy niệm Kinh Thánh và cầu nguyện cá nhân của ngài, đưa ra được những giải pháp tối ưu cho Giáo Hội hoàn vũ.

Ở họa phẩm ‘Học tràng Athens’, ta đã thấy hình ảnh các triết gia cổ đại như Plato và Aristoteles ở vị trí trung tâm và chung quanh là những tên tuổi lẫy lừng khác như Socrates, Diogenes, Ptolemy v.v… Tất cả, tuy ở trong một phối cảnh kiến trúc hùng vĩ, nhưng lại kéo tầm nhìn người xem hướng nội và tạo cảm giác về một sự hạn hẹp. Còn họa phẩm “Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể” ở phía đối diện, lại cho người xem những cảm xúc khác …

3.GLORIA PATRI ET FILIO ET SPIRITUI SANCTO
(Vinh quang của Cha và Con và Thánh Thần)

3

Những người phục chế Bảo tàng Vatican thế kỉ XX đã tìm thấy ‘Cuộc tranh luận về bí tích Thánh Thể’ trong tình trạng tương đối tốt. Tuy nhiên, ở bức tường phía sau bức bích họa ban đầu người ta có lắp một cái lò sưởi, sức nóng từ lò sưởi khiến bức tường phồng lên và đã tạo ra nhiều vết nứt, lò sưởi này sau đó đã được người ta dỡ bỏ. Ở bức họa ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể’, không giống như các nhà triết học của ‘Học tràng Athens’, những người ở gần nhau mà rời rạc mỗi người mỗi phách dưới mái vòm ngôi đền đa thần giáo Pantheon, các nhân vật trong ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể’ đã hội họp bên Bàn Thờ và Thánh Thể như năm xưa dân Israel đã tụ tập dưới chân núi Sinai để nghe ông Moses tuyên đọc về Thập điều (x.Xh 20) hay như các môn đệ và dân chúng đã quy tụ dưới chân Chúa Giêsu để nghe Người rao giảng về Nước Trời trong Bài giảng trên núi (x.Mt 5). Đó chính là Giáo Hội – thực thể vừa mang tính thần thiêng vừa mang tính thế tục, hợp nhất những người tin vào Chúa Giêsu Kitô thành một thân thể trong Thánh Thể, nguồn mạch và đỉnh cao của Giáo hội, qua đó hợp nhất vũ hoàn vào trong bản thể đỉnh cao vô lượng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ý nghĩa trọng tâm hướng về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi của tác phẩm được thể hiện ở trung tâm bức họa. Raphael đã tạo ra một Trục Thần Thánh xuyên suốt cả trên trời và dưới đất. Ở trên cùng là hình ảnh Chúa Cha, trung tâm là Chúa Con, phía dưới là Chúa Thánh Thần trong hình tượng chim bồ câu với những tia sáng tỏa ra chung quanh, và dưới cùng là Thánh Thể, ẩn mình trong hình bánh nhỏ hèn, nhưng thực sự là Emmanuel – Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta.

Một khía cạnh nghệ thuật cần được ghi nhận trong hai họa phẩm song đối này: nếu như trong ‘Học tràng Athens’, Raphael đã ứng dụng triệt để các chuẩn mực của nghệ thuật Hy-La trong từng chi tiết, đặc biệt trong cách kết cấu không gian, thì ở trong “Cuộc tranh luận về Bí Tích Thánh Thể” ông đã hòa trộn một cách nhuần nhuyễn các chuẩn mực của nghệ thuật Hy-La với các nguyên tắc của nghệ thuật Byzantium. Chúng ta sẽ không thể nào hiểu được trọn vẹn ý nghĩa tiên khởi của Rafael trong ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể’ nếu không thấy rõ sự hòa trộn này.

Việc trình bày theo lối tuyến tính của nghệ thuật Hy-La tạo nên cách hiểu về sự tương quan mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng thời Rafael sử dụng lại các biểu tượng vòng tròn quen thuộc trong nghệ thuật Byzantium. Sau lưng Chúa Cha là một khối tròn vĩ đại bao la đang tỏa ánh quang huy rực rỡ, là điều mà Raphael đã diễn tả bằng hình ảnh còn Pascal thì diễn tả bằng lời: “Thiên Chúa là một khối cầu mà điểm nào cũng là tâm và chu vi thì bất khả đo đếm”. Bao quanh trọn vẹn Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần cũng là những hình tròn óng vàng chói sáng. Các hình tròn này, tuy đều là những hình tròn hoàn hảo nhưng khác nhau về chu vi, biểu thị cho sự Đồng Bản Thể Thiên Tính nơi Ba Ngôi Thiên Chúa và sự quy phục của Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần đối với Ngôi Cha.

Chúa Giêsu trong họa phẩm được thể hiện trong hình ảnh Đấng Phục Sinh với thân thể còn mang những dấu vết của cuộc Thương Khó. Tạo hình đó đã trình bày ý nghĩa của sự hiệp nhất hai bản thể, Bản Thể Thiên Chúa và bản thể nhân loại, trong một ngôi vị duy nhất của Ngôi Hai Thiên Chúa, như là một cầu nối hoàn hảo giữa nhân loại và Thiên Chúa. Vị trí ngự ngay dưới Chúa Cha đã chứng thực cho lời Chúa phán trong Bữa tiệc ly năm xưa: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Khung cảnh lớn lao được vẽ trong ‘Cuộc tranh luận về bí tích Thánh Thể’, với Chúa Kitô Phục Sinh được đặt ở trung tâm bức họa, có thể được coi như là một lời nhắc nhở mang tính biểu tượng về Ngày Phán Xét, từ đó, người ta nhận định rằng thông điệp của bức tranh chủ yếu mang tính cánh chung.

4

Hình ảnh các tiểu thiên thần tỏa sáng đang nâng trên tay Bốn sách Tin Mừng ở hai bên Chúa Thánh Thần trong hình chim bồ câu đang bay giữa trời và đất cho thấy mối liên hệ không thể phá vỡ giữa Thánh Thể và Lời Chúa, cả hai điều này đều phải được hiểu dưới sự hướng dẫn của ơn soi sáng do Chúa Thánh Thần ban cho. Bốn sách Tin Mừng đều được mở ra, thể hiện việc Thiên Chúa đã nói hết tất cả mọi điều nơi Con Một yêu dấu của Ngài, thế nên nếu ai mong chờ một mạc khải nào khác ngoài Ngôi Lời làm người, là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Chúng tôi quan sát thấy những dòng chữ trong bốn cuốn sách là những dòng đầu tiên của Bốn Tin Mừng, nội dung của nó giải thích vì sao mà hình ảnh của bốn thánh sử thường được ví với bốn linh vật xuất hiện trong Khải huyền: con người, sư tử, bò mộng và đại bàng.

4.PLENI SUNT CELI ET TERRA MAJESTATIS GLORIAE TUAE

(Trời đất rạng ngời vinh quang Thiên Chúa)
5

Nếu ở trục dọc trung tâm bức họa là Thiên Chúa Ba Ngôi ngàn trùng chí thánh, thì ngồi hai bên tả hữu Chúa Giêsu là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và thánh Gioan Tẩy Giả, người theo lời Chúa Giêsu là ‘cao trọng nhất trong Nước Trời’. Đang bay lượn phía trên là các tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Selaphiel, và Jegudiel đang không ngừng xướng lên những lời chúc tụng ‘Thánh! Thánh! Chí Thánh! Chúa tể càn khôn là Ðấng Thánh!’. Ngồi bao quanh Thiên Chúa Ba Ngôi là Giáo hội vinh thắng mà ta có thể thấy có các tổ phụ, ngôn sứ, thánh tông đồ, thánh tử đạo, và thánh hiển tu. Bản thân sự hiện diện của các thành phần đa dạng này là một minh chứng cho sự hiệp thông trọn vẹn của nhân loại nơi Thiên Chúa. Theo quan sát của chúng tôi, người ngồi ngoài cùng bên trái là thánh Phêrô với hai chìa khóa trên tay, người thứ hai là nguyên tổ Adam, kế đó là thánh Gioan Tông đồ với Tin Mừng thứ tư trên tay, tiếp theo là vua tư tế Melchizedek. Cánh phải bắt đầu từ ngoài vào với thánh Phaolô Tông đồ dân ngoại đang cầm gươm, tức là quá khứ từng bắt hại đạo của ngài, tiếp liền đó là tổ phụ Abraham với con dao suýt hiến tế người con Isaac, người thứ tư là ông Moses với hai bia đá đang cầm tay, người thứ năm là thánh Đan phụ Anton Ẩn tu, người trong cùng là thánh vương David, ba người còn lại rất tiếc chúng tôi chưa xác định được.

6

Ở tầng dưới họa phẩm là các giáo phẩm và giáo dân đang chiêm bái và bàn luận về Thánh Thể. Có một sự phân chia khá rõ ràng giữa các Giáo hội, được thể hiện một cách đối nghịch giữa sự ưu tư và đối kháng trong giáo hội lữ hành ở trần thế so với sự thanh thản và đồng thuận của giáo hội vinh thắng trên thiên đàng. Phần dưới này của bức tranh thể hiện các cuộc tranh luận trong nỗ lực minh định đó là của Giáo hội. Ở đây, ngay sát bàn thờ Thánh Thể, có sự hiện diện của thánh Augustino, vị tiến sĩ ân sủng trong chiếc áo xanh đang đứng bên phải và thánh Thomas Aquino, vị tiến sĩ thiên thần đang đứng bên trái và chỉ tay về Thánh Thể. Hai vị đại diện cho những nỗ lực tột bật đào sâu thần học của Giáo hội. Raphael đã có một dụng ý rõ ràng khi đặt đối xứng hai vị tiến sĩ Hội Thánh với hai vị triết gia vĩ đại cổ thời Plato-Aristotle ở bức họa ‘Học viện Athens’ phía đối diện, vì thánh Augustino đã có công ‘rửa tội’ cho triết thuyết của Plato, còn thánh Thomas đã làm điều tương tự với triết thuyết của Aristotle. Những tư tưởng cổ thời đã được sử dụng để làm vinh danh Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan cai quản toàn thể vũ hoàn.

7

Chung quanh bàn thờ, chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh đại diện của Giáo hội là các Giáo hoàng, các tiến sĩ Hội Thánh, các nhà thần học và các giáo dân. Theo mô tả của Vasari, trong số người hiện diện đó có Đức Giáo Hoàng Julius II, người mặc áo vàng nổi bật ở dưới cùng là Đức Giáo Hoàng Sixtus IV (1414- 1484) – chú của Giáo Hoàng Julius II. Ngoài ra còn có Savonarola người Florence; người mặc áo đỏ là nhà thơ vĩ đại Dante Alighieri (1265-1321) – tác giả của “Thần khúc”; ở góc bên tay trái, có một bóng người hói đang đọc sách dựa vào lan can là kiến ​​trúc sư thời Phục hưng Bramante. Chúng tôi thoáng thấy hình ảnh của một người nữ đang chăm chú ghi chép theo lời đọc của một vị giáo phẩm, hình ảnh đó thể hiện tư tưởng thịnh hành trong thời Trung cổ: triết học chỉ là nữ tỳ của thần học, luôn chăm chỉ nghe thần học giảng dạy.

7

Trong một khung cảnh mà giáo hoàng đứng lẫn lộn với các giáo mục, linh mục, và các nhân vật của Giáo hội thời kỳ đầu và thời trung cổ mà không có bất kỳ một sự phân cách địa vị nào, quả thực đã cho thấy một điều: đứng trước mầu nhiệm quá đỗi cao vời và trỗi vượt mà Thiên Chúa ban cho con người, những phân biệt địa vị giữa con người với nhau, quả chỉ là phù vân.

Ngoài ra còn có một thiết kế ẩn trong bức họa, mặc dù không quá nổi bật để được chú ý, theo đó Raphael đã tạo nên một cây thánh giá vĩ đại được tạo nên từ hai cánh ngang của các vị tổ phụ và các ngôn sứ, các vị thánh tông đồ, tử đạo và hiển tu trên mây cùng với hàng dọc của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và Bí tích Thánh Thể. Nhìn từ trên xuống dưới, ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể’ trình bày minh nhiên mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo Hội hằng tuyên xưng. Đồng thời khi chiêm ngưỡng trục hình Thiên Chúa Ba Ngôi này, chiều ngang trong tác phẩm của Raphael lại cho thấy tương lai của nhân loại trên thiên đàng với Mẹ Maria và tất cả các thánh, tập trung quanh Thiên Chúa Toàn Năng.

5.NHỮNG Ý NGHĨA THÂM SÂU CỦA ‘CUỘC TRANH LUẬN VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ’

‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể’ lấy cảm hứng từ những cố gắng của Giáo hội trong nỗ lực minh định về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi – bắt đầu từ Công Đồng Nicaea I (nhóm họp năm 325) và Công Đồng Constantinople I (nhóm họp năm 381) liên tục cho đến thời đương đại của tác giả (thế kỷ XVI). Trong bức họa của Raphael, chúng tôi thấy nội dung bức họa không chỉ đơn giản trình bày một hành động thuần túy tôn giáo là việc tôn thờ Thánh Thể, mà ý hướng của bức tranh còn muốn vẽ ra những trào lưu thần học năng động đang tụ hội và khoe tài khoe sắc xung quanh Thánh Thể, với ước muốn thấu hiểu càng xa càng tốt ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mối liên kết đến ‘Học tràng Athens’ ở đây là rõ ràng. Những tiến sĩ Kitô giáo trong ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể’ cũng có sự hoạt náo trong việc tìm kiếm chân lý như những người tiền nhiệm ngoại giáo của họ ở bức họa ‘Học tràng Athens’ được vẽ ở bức tường đối diện, nhưng phương thế của họ không phải là những luận lý mông lung nào đó, mà là chính Thánh Thể.

Đối với Giorgio Vasari, nhà bình luận đầu tiên về ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể’ trong thế kỷ XVI, hoạt động trí tuệ cường độ cao được vẽ trong bức tranh của Raphael thể hiện sự cộng tác giữa các trí tuệ siêu vời của Giáo hội trong việc bàn luận về Thánh lễ và về vai trò của linh mục chủ tế trên bàn thờ. Theo giáo lý chính thống của Giáo hội Công Giáo, thánh lễ hiện thực hóa một cách không đổ máu sự hy sinh của Chúa Giêsu Kitô trên thánh giá, là hoạt động phụng vụ, mà trong đó, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn Giáo hội sống trọn vẹn sự hiệp nhất với Chúa Kitô.

Sự tranh luận về Thánh lễ cũng diễn tả nỗ lực không mệt mỏi và lâu đời để khám phá, thấu hiểu và sống tốt hơn mầu nhiệm hiệp thông, được trao phó cho Giáo hội, thực thể được Thiên Chúa đặt đứng trung gian giữa trời và đất. Nếu người ta chấp nhận quan điểm này, những bức hình trong Stanza della Segnatura cho thấy những biểu hiện của việc Giáo hội thế kỉ XVI đang thiết tha xác quyết về chính mình trong kỷ nguyên Phục Hưng như một Giáo hội phổ quát và chính thống trên khắp hoàn cầu.

6. NGHỆ THUẬT TRONG CỐ GẮNG VƯƠN TỚI LÝ TƯỞNG

Không phải ngẫu nhiên Rafael được xem là họa sĩ quan trọng nhất của nghệ thuật Công giáo. Qua các tác phẩm của ông mà chúng ta đã từng biết cũng như qua tác phẩm ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể’ này, chúng ta có thể đồng ý với nhận định của Vasari: “Ngoài tài năng nghệ thuật xuất chúng, Rafael còn có những suy nghiệm thâm sâu vô tiền khoáng hậu với một niềm tin tôn giáo sốt mến và chân thành”.

Cho đến thế kỷ XIX, nhiều nhà phê bình vẫn cho Rafael là họa sĩ vĩ đại nhất từ xưa đến nay – người họa sĩ đã diễn đạt các học thuyết của Giáo hội Công giáo qua những bức họa tuyệt tác với các nhân vật được họa hình ở một đẳng cấp ngang ngữa với đỉnh cao nghệ thuật Hy-La cổ đại. Họa sĩ Joshua Reynolds nói:” Rafael đã trở thành một mẫu mực cho tất cả các họa sĩ kế tục vì chính ông đã hằng noi theo rất nhiều chuẩn mực: luôn luôn bắt chước nhưng lại cũng luôn luôn độc đáo”. Nghệ thuật của Raphael quả đã đến rất gần lý tưởng về Chân-Thiện-Mĩ.


Huế, 9-2020

Bình luận về bài viết này