Jason Ho
Vardan Mamikonian là một lãnh đạo quân sự người Armenia sống vào giữa thế kỷ 4 và 5 Công Nguyên. Ông nổi tiếng vì đã dẫn dắt người dân Armenia chống lại người Sassanid tại Trận Avarayr vào năm 451 Công Nguyên. Mặc dù người Sassanid đạt được thắng lợi, nhưng đó là một trận thảm thắng. Về lâu dài, thì đó là chiến thắng cho người Armenia, vì trận đánh là tiền đề cho việc ký kết Hiệp Ước Nvarsak vào năm 484 Công Nguyên.
Gia tộc Mamikonian là một gia tộc quyền quý có tầm ảnh hưởng ở Armenia vào khoảng từ thế kỷ 4 tới 7 Công Nguyên. Nhưng hầu hết các thành viên trong gia tộc không được ghi chép nhiều trong lịch sử. Ngoài Vardan ra, thành viên nổi tiếng còn lại trong Gia tộc Mamikonian chỉ có Vahan, người ký Hiệp Ước Nvarsak với người Sassanid.
CÁC BƯỚC KHỞI ĐẦU CỦA GIA TỘC MAMIKONIAN
Khởi thủy của Vương triều Mamikonian bao phủ bởi một bức màn bí ẩn. Theo Lịch sử Armenia, bản truyền thống của Moses xứ Khoren, Gia tộc Mamikonian là hậu duệ của hai quý tộc “Chem” người Trung Quốc. Một trong hai quý tộc tên là Mamik, từ đó lấy tên cho Gia tộc.
Hai quý tộc này nổi dậy chống lại người anh em cùng cha khác mẹ của mình, và sau khi bại trận, đã bỏ chạy tới Ba Tư. Cuối cùng, Vua Ba Tư cho họ tới Armenia, nơi họ lập nên Gia tộc Mamikonian. Tuy nhiên, tác phẩm của Moses xứ Khoren hầu hết bị các học giả từ chối.
Thuật ngữ “Chem” thu hút rất nhiều người nghiên cứu. Thuật ngữ này thường được gán cho là những người sáng lập Gia tộc Mamikonian bắt nguồn từ Trung Quốc, cụ thể hơn là từ nhà Hán. Tuy nhiên, hầu hết học giả đều không đồng ý với ý kiến này. Ví dụ như, sử gia người Anh thế kỷ 18 là Edward Gibbon, nổi tiếng với tác phẩm “The History of Decline” và “Fall of the Roman Empire”, đã viết rằng người sáng lập Gia tộc Mamikonian là Mamgo, không phải là một người Trung Quốc thời nhà Hán, chỉ là một thần dân của Hoàng đế Trung Hoa. Ông là một người Scythia, vì đã chọc giận Hoàng đế nên phải bỏ chạy tới triều đình của người Sassanid.
Mặc dù Hoàng đế muốn Mamgo bị dẫn độ về, nhưng người cai trị Sassanid lúc đó là Shapur, muốn tỏ ra hiếu khách. Shapur hứa sẽ trục xuất Mamgo tới biên giới phía Tây, do đó tránh được một cuộc chiến với người Trung Hoa. Gibbon kể tiếp rằng Mamgo và người của mình bị gởi đi Armenia để đối phó với cuộc xâm lược của Tiridates, Vua của Armenia.
Tuy nhiên, Mamgo, sau khi cân nhắc cẩn thận, quyết định ông nên gia nhập với Tiridates còn hơn là chống lại đức vua. Còn về phần mình, Tiridates nhận thấy giá trị của Mamgo, liền chào đón Mamgo tới vương quốc, kết quả là hình thành nên Gia tộc Mamikonian. Các học giả hiện nay vẫn chưa đi tới kết luận cuối cùng về nguồn gốc của Gia tộc Mamikonian.
TỪ MỜ NHẠT TỚI GIA TỘC QUYỀN QUÝ CỦA ARMENIA
Bất chấp quá khứ nguồn gốc, Gia tộc Mamikonian vẫn trở thành quý tộc hùng mạnh của Armenia. Quyền lực của Gia tộc này tới từ hai nguồn chính, đầu tiên là số đất đai mà họ nắm giữ. Có thể kể tới như là tỉnh Tayk ở phía Tây Bắc, và khu vực Tarawn ở phía Tây Nam.
Gia tộc này còn chiếm giữ nhiều đất đai hơn nữa từ cuộc hôn phối giữa Hamazasp Mamikonian với con gái độc nhất của Giáo trưởng Sahak Vĩ Đại. Vị giáo trưởng này là hậu nhân nam cuối cùng của Giáo trưởng Gregory Người Khai Sáng. Sau khi ông qua đời vào năm 438 Công Nguyên, đất đai của ông, bao gồm Bagrewand, Daranalik, và Ekeleacin, đều được truyền lại cho con rể. Do đó, Gia tộc Mamikonian trở thành chúa đất lớn nhất Armenia.
Nguồn thứ hai tới từ việc Gia tộc này nắm giữ chức vụ “sparapet”, tức là chỉ huy tối cao của lực lượng quân đội Armenia. Chức vụ này chỉ truyền thừa trong Gia tộc Mamikonian. Ví dụ như, nếu người nhận nắm giữ chức vụ chưa thành niên, những người đại diện tạm thời (tương tự như nhiếp chính) sẽ được chỉ định để thực hiện nghĩa vụ của một “sparapet”. Hơn nữa, ngay cả người cai trị Armenia cũng không có quyền tước bỏ chức vụ này của Gia tộc Mamikonian. Gia tộc Mamikonian còn nắm giữ một chức vụ truyền thừa nữa, là “dayeak”, tức là một giám hộ hoàng gia.
Mặc dù Gia tộc Mamikonian là những chủ đất lớn và có được rất nhiều uy tín nhờ sở hữu chức vụ “sparapet”, nhưng họ không bao giờ có thể trở thành những người thống trị Armenia, là do Luật lệ Armenia về chức vụ cha truyền con nối.
Tuy nhiên, khi Vương triều đang cai trị Arsacid dần suy tàn, Gia tộc Mamikonian gây áp lực để kiểm soát toàn bộ vương quốc. Chẳng hạn như, khi người Sassanid cướp phá Armenia vào năm 364, chính Mushegh Mamikonian là người đứng ra dàn xếp với kẻ thù, để bảo đảm cho đức vua Pap, khi đó còn là một đứa trẻ, quay về an toàn. Người thừa kế của Mushegh, Manuel, làm nhiếp chính cho hai người con trai của Pap là Arshak và Vologases.
VARDAN MAMIKONIAN — NGÔI SAO SÁNG CỦA GIA TỘC
Thành viên nổi tiếng nhất trong Gia tộc Mamikonian là Vardan Mamikonian, sống vào khoảng giữa thế kỷ 4 và 5 Công Nguyên. Vardan ra đời vào khoảng năm 387 ở Artaxata, trong khu vực Daron, về phía Bắc thành Moosh. Vào lúc ông ra đời, người Armenia vẫn có vương quốc riêng, nhưng chỉ còn được tính bằng ngày.
Năm 432, Vardan trở thành “sparapet”. Lúc này đây, Armenia không còn là một vương quốc nữa, chỉ còn là một tỉnh của Đế chế Sassanid. Theo các tài liệu cổ, người Sassanid ép buộc người Armenia, những người theo Cơ Đốc giáo, phải cải đạo sang Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism), là quốc giáo của họ. Tuy nhiên, Giáo hội Armenia từ chối.
Người Sassanid gởi một bức thư cho người Armenia, nói rằng niềm tin vào Cơ Đốc giáo của họ là sai lầm, và thúc giục họ cải đạo. Để đáp lại, lời khước từ Bái Hỏa giáo và một lời xin lỗi của Giáo hội Cơ Đốc đã được gởi tới cho Vua của người Sassanid. Bức thư ký tên bởi Giáo trưởng Yovsep và 17 vị giám mục. Tiếp theo, Vua người Sassanid triệu tập một số lãnh đạo của Armenia, Georgia, và Albania tới triều đình, tại đây, ông yêu cầu họ phải tôn kính Bái Hỏa giáo, nếu không sẽ bị trừng phạt. Một trong những người được triệu tập tới triều đình của Vua người Sassanid là Vardan, khi này đang là “sparapet”.
Vardan từ chối cải đạo, và công khai tuyên xưng đức tin Cơ đốc của mình. Trong khi những người còn lại cũng từ chối cải đạo, họ giả vờ theo Bái Hỏa giáo, để tự cứu mình khỏi sự trừng phạt. Vardan chọn không làm theo, nhưng cuối cùng lại bị thuyết phục để giả mạo cải đạo. Vua người Sassanian hài lòng với sự cải đạo của người Armenia và ban cho họ đất đai với tước hiệu. Khi quay về, một đội quân cùng với 700 pháp sư Bái Hỏa giáo tháp tùng theo để truyền bá Bái Hỏa giáo trong dân chúng. Điều này gây ra nỗi thất vọng cho những người Cơ Đốc, và khi Vardan và đồng đội trở về nhà, họ đã bị gia đình chối bỏ.
Vardan giải thích rằng ông không thật sự cải đạo, và rằng ông vẫn còn là một người Cơ Đốc trong tâm. Ông quyết định rời bỏ phần quê nhà thuộc Đế chế Sassanid để sang bên phần thuộc La Mã. Nhưng các nhà lãnh đạo của người Armenia thuyết phục ông ở lại để nổi dậy chống lại người Sassanid. Cuộc nổi dậy bắt đầu với mục tiêu là các pháp sư được gởi tới Armenia.
Theo “Lịch Sử Armenia” của Ghazar Parpetsi, một nhóm các pháp sư yêu cầu thắp một ngọn thánh hỏa bên trong một nhà thờ, nhưng vấp phải sự phản đối. Đối với các Cơ Đốc nhân, điều này gây ô uế tới thánh đường của họ.
Vardam và các đồng đội giết các pháp sư, phá hủy bàn thờ thánh Hỏa giáo, và chiến đấu chống lại các người Armenia đã cải đạo. Để đáp lại, các pháp sư còn sống sót viết một bức mật thư gởi cho Vua người Sassanid để báo cáo về cuộc nổi loạn của người Armenia.
Cuộc nổi dậy lên tới đỉnh điểm vào ngày 2 tháng 6 năm 451 Công Nguyên, khi Trận Avarayr diễn ra. Tình cờ là ngày diễn ra trận đánh trùng với ngày Lễ Pentecost (Lễ Ngũ Tuần, đánh dấu 50 ngày sau Lễ Phục Sinh). Người Sassanid, sau khi nhận được tin người Armenia nổi dậy, tập hợp đội quân lên tới 20 vạn người để đối phó. Còn về phía đội quân của người Armenia chỉ có 6 vạn. Hơn nữa, trước khi diễn ra trận đánh, một quý tộc là Vasak, Hoàng tử xứ Syunik, lại đào thoát sang bên phía người Sassanid, làm sụt giảm sức mạnh của quân đội Armenia. Mặc dù Vardan đã gởi thư tới Constantinople cầu viện Đế chế Đông La Mã, nhưng không thành công.
Mặc dù gặp nhiều bất lợi, nhưng người Armenia vẫn chiến đấu anh dũng. Nhưng sự thật là, người Sassanid chỉ thực sự dành được ưu thế khi họ tung voi chiến ra chiến trường. Nhiều người Armenia đã thiệt mạng khi đụng độ những con quái vật này. Trong số những người thiệt mạng còn có Vardan, 8 vị chỉ huy, và nhiều quý tộc Armenia khác. Bức họa voi chiến Sassanid trong thánh ca tập thế kỷ 15 mô tả Trận Avarayr vẫn còn được bảo quản tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.
Mặc dù bị đánh bại, người Armenia vẫn gây thiệt hại lớn cho người Sassanid, nên có thể coi đây là một trận thảm thắng cho người Sassanid. Ghazar Parpetsi ghi nhận rằng người Sassanid tổn thất 3500 nhân mã, trong khi người Armenia mất gần 1000 người. Hơn nữa, rắc rối thừa dịp nổi lên khắp nơi trong Đế chế Sassanid. Kết quả là, Vua người Sassanid không thể tiếp tục cuộc chiến tại Armenia.
TRẬN AVARAYR LÀ MỘT “CHIẾN THẮNG” CHO NGƯỜI ARMENIA
Do đó, đối với người Armenia, Trận Avarayr không phải là một thất bại. Thay vào đó, được coi là một chiến thắng, vì có nghĩa là họ có thể tiếp tục thực hành đức tin Cơ Đốc của mình. Ngày diễn ra trận đánh là một ngày lễ lớn của người Armenia, của Giáo hội Armenia. Hơn nữa, vì đã hy sanh trong Trận Avarayr, Vardan được phong thánh bởi Giáo hội Armenia.
Cuộc xung đột giữa người Armenia và người Sassanid vẫn chưa chấm dứt sau Trận Avarayr. Thay vào đó, nó vẫn tiếp diễn cho tới một thập kỷ sau. Mặc dù người Sassanid thất bại trong việc nghiền nát người Armenia, nhưng vẫn tiếp tục hành hạ họ.
Một cuộc nổi dậy khác của người Armenia nổ ra vào năm 480, được dẫn dắt bởi Vahan Mamikonian, cháu của Vardan, kết thúc vào năm 484 Công Nguyên. Cuộc nổi dậy này khác với lần trước bởi vì không chỉ có giới quý tộc, và Giáo hội, mà còn có thường dân ủng hộ.
Không rõ là người Armenia hay người Sassanid chiến thắng trong trận này. Ngay cả khi bị đánh bại trong trận đánh gần sông Kura, người Armenia vẫn tiếp tục chiến tranh du kích chống lại người Sassanid.
Bước ngoặt của cuộc nổi dậy xảy ra vào năm 484 Công Nguyên, khi Vua người Sassanid là Peroz qua đời trong chiến dịch chống lại người Hephthalite (sử Trung Hoa gọi là Bạch Hung Nô) ở biên giới phía Đông. Người thừa kế của Peroz là Balash bắt buộc phải đàm phán với người Armenia. Đỉnh điểm là việc ký Hiệp Ước Nvarsak giữa hai bên. Điều khoản Hiệp Ước cho phép người Armenia tiếp tục thực hành đức tin Cơ Đốc của mình. Bên cạnh đó, Vahan được chỉ định làm “marzpan” của Armenia, tương tự như Thống đốc. Đây là bước tiến xa của Gia tộc Mamikonian.
Gia tộc Mamikonian bắt đầu suy tàn dần từ thế kỷ 6 Công Nguyên. Sau cuộc nổi dậy thất bại vào năm 572, Vardan II phải bỏ chạy tới Constantinople, sau đó định cư tại Pergamon, gần Anatolia. Tuy nhiên, Gia tộc Mamikonian vẫn còn sức ảnh hưởng đặc biệt và được ban tặng tước hiệu “Vương công Armenia” bởi các đời Hoàng đế Byzantine trong khoảng thời gian từ thế kỷ 7 tới 8 Công Nguyên.
Hơn nữa, tại Aruč, chếch về phía Tây thủ phủ Yerevan của Armenia ngày nay, vẫn còn tàn tích của một cung điện rộng lớn, và một vương cung thánh đường có mái liền kề. Các công trình này thuộc về Grigor Mamikonian, sống vào thế kỷ 7, và vợ ông là Helen, minh chứng cho sự giàu có của họ ngay trong thời kỳ suy tàn.
Gia tộc Mamikonian chánh thức chấm dứt vào thế kỷ 8 Công Nguyên, khi người Sassanid bị người Ả Rập thay thế cai trị Ba Tư. Gia tộc Mamikonian nổi dậy chống lại những người cai trị mới này nhưng hoàn toàn bị dập tắt. Theo nhiều tài liệu cổ, hậu nhân cuối cùng của Gia tộc Mamikonian bị ép phải kết hôn với một người Ả Rập theo chủ nghĩa tự do là Jahhaf.
Mặc dù Gia tộc Mamikonian gặp phải kết cục tồi tệ, nhưng họ vẫn được coi trọng ở Armenia ngày nay. Đặc biệt là đối với Vardan Mamikonian, khi nhiều bức tượng vị anh hùng dân tộc này đã được dựng trên khắp Armenia.
Nguồn tham khảo
Mamikonean Family. https://iranicaonline.org/articles/mamikonean
The History Of The Decline And Fall Of The Roman Empire. https://www.gutenberg.org/files/25717/25717-h/25717-h.htm
Łazar Pʿarpecʿi. https://iranicaonline.org/articles/lazar-parpeci
Armenia: The marzpāns. https://www.britannica.com/place/Armenia/The-marzpans
Moses of Khoren. https://www.britannica.com/biography/Moses-of-Khoren
Saint Vardan Mamikonian. https://www.britannica.com/biography/Saint-Vardan-Mamikonian
Hymnal Depicting the Battle of Avarayr. https://www.metmuseum.org/art/collection/search/680897