Jason Ho
John xứ Bohemia là một vị vua của xứ Bohemia sống vào khoảng giữa thế kỷ 13 và thế kỷ 14. Ông còn được gọi là John xứ Luxembourg vì John thuộc về Vương triều Limburg-Luxembourg (còn gọi là Gia tộc Luxembourg), hay John Mù Lòa vì trên thực tế ông bị mù trong 10 năm cuối đời.
John là một trong những nhân vật anh hùng nổi tiếng trong thời đại của ông, vì các chiến dịch khắp Châu Âu, do đó tạo dựng danh tiếng cho ông như là một ví dụ hoàn hảo của một “hiệp sĩ lang thang”. Tuy nhiên, đối với ngày nay, John nổi tiếng vì tham gia vào Trận Crécy, một trong những trận đánh quyết định trong Chiến Tranh Trăm Năm.
AI LÀ JOHN XỨ BOHEMIA?
John xứ Bohemia ra đời vào ngày 10 tháng 8 năm 1296 ở Luxembourg. Cha ông là Henry VII, Bá tước Luxembourg và mẹ ông là một phụ nữ quý tộc tên Margaret xứ Brabant. John thuộc về Vương triều Limburg-Luxembourg, được thành lập bởi Henry IV, ông cố của ông, vào năm 1240.
Henry tự coi mình là người sáng lập ra một vương triều mới khi con trai và người kế thừa của ông, Henry VI, ra đời cùng năm đó. Trong khi Henry V và Henry VI cùng nắm giữ tước hiệu “Bá tước xứ Luxembourg”, Henry VII tiến hai bước xa hơn, trở thành Vua xứ German — chánh thức trở thành “Vua của toàn người La Mã” năm 1308 và Hoàng đế La Mã Thần Thánh vào năm 1312. Henry là thành viên đầu tiên của vương triều được đưa lên làm hoàng đế và rất nhiều hậu duệ của ông giữ tước hiệu này.
Khi còn là một đứa trẻ, John được mang tới Paris và được dạy dỗ theo phong cách quý tộc cổ điển Pháp. Do đó, việc nuôi dưỡng và giáo dục của John khiến ông trở thành người Pháp. Tuy nhiên, John lại không dính dáng gì tới chánh trường nước Pháp, nhưng lại ảnh hưởng sâu rộng tại Đức. Như đã đề cập, cha của John là Vua của người La Mã và sau đó Hoàng đế La Mã Thần Thánh.
Thành tựu của Henry ở những vị trí này có nghĩa là John trẻ tuổi sẽ được mang từ Pháp về lại Đế chế La Mã Thần Thánh. Tuy nhiên, mối liên quan của John với nước Pháp vẫn chưa hoàn toàn bị cắt đứt. Với tư cách là một vị vua (sau này là hoàng đế), một trong những nhiệm vụ của Henry là bảo đảm vị trí cho gia đình của ông, và bảo toàn ngai vàng xứ Bohemia cho John.
CHIẾN ĐẤU VÌ VƯƠNG QUỐC BOHEMIA
Vương quốc Bohemia là một vương quốc nhỏ nằm trong lòng Đế chế La Mã Thần Thánh, mà ngày nay là vùng cực Tây, là phần lớn nhất của Cộng Hòa Séc. Năm 1306, Vương triều Přemyslid, mà có khởi nguồn từ thế kỷ 9 Công Nguyên, tiến tới sụp đổ khi thành viên nam cuối cùng, Wenceslaus III, bị ám sát, gây nên bất ổn cho vương quốc, khi nhiều đối thủ ra sức tranh dành ngai vàng Bohemia.
Mặc dù Wenceslaus là thành viên nam cuối cùng của Vương triều Přemyslid, ông lại có nhiều người chị em gái, trong đó có Anne xứ Bohemia và Elizabeth xứ Bohemia. Hơn nữa còn có bà góa phụ của Wenceslaus II, Elizabeth Richeza xứ Ba Lan. Tính sơ sơ là đã có 3 người phụ nữ có liên quan tới ngai vàng xứ Bohemia.
Anne kết hôn với Henry xứ Carinthia, trong khi Elizabeth Richeza tái hôn với Rudolf xứ Habsburg chỉ một năm sau khi chồng trước của bà qua đời. Năm 1306, ngai vàng xứ Bohemia được trao cho Henry. Cùng năm đó, ông bị phế truất và Rudolf trở thành vị tân vương. Rudolf qua đời vào năm tiếp theo và Henry quay trở lại nắm quyền. Lần này, ông cai trị cho tới tận năm 1310.
Năm 1306, Elizabeth xứ Bohemia là công chúa duy nhất trong gia tộc chưa có kết hôn. Lúc đó, Elizabeth chỉ mới 14 tuổi, là độ tuổi phù hợp để kết hôn. Những năm tiếp theo, Elizabeth vẫn chưa có vai trò gì nhiều trong tình hình chánh trị tại Bohemia. Tuy nhiên, sau sự kiện Henry quay trở lại ngai vàng vào năm 1307, vị thế của ông ngày càng phát triển, và Elizabeth trở thành một nhân vật quan trọng.
JOHN LÀ MỘT VỊ VUA CÓ NĂNG LỰC XỨ BOHEMIA
Henry cố gắng tranh dành với Otto xứ Löbdaburg quyền được kết hôn với Elizabeth vì lý do chánh trị, nhưng công chúa từ chối. Năm 1310, Elizabeth ủng hộ vị vua nước Đức. Đổi lại sự hỗ trợ của ông để đối phó với ông anh rể, Elizabeth yêu cầu được kết hôn với con trai ông, John, người vừa được phong làm Bá tước xứ Luxembourg cùng năm. Nhà vua đồng ý với yêu cầu của công chúa, và cậu bé John 14 tuổi tiến hành kết hôn với cô bé Elizabeth 18 tuổi vào ngày 30 tháng 8 năm 1310.
Không lâu sau, đôi vợ chồng mới cưới, kết hợp với quân đội Đức-Bohemia, trực chỉ Prague và bao vây thành phố này vào ngày 19 tháng 12 năm 1310. John được tôn vinh là Vua xứ Bohemia và đăng cơ vào ngày 7 tháng 2 năm 1311 tại Prague.
John đã chứng minh được bản thân là một vị vua có năng lực. Cùng với đội ngũ cố vấn của mình, nhà vua thấu hiểu tất cả các vấn đề ảnh hưởng tới vương quốc và tiến hành giải quyết nó. Chỉ trong thời gian ngắn, vương quốc dần ổn định lại. Vì thành tựu này, John được chỉ định là 1 trong 7 “hoàng công đại cử tri” của Đế chế La Mã Thần Thánh. Đây là một vị trí rất danh giá, do “hoàng công đại cử tri” có đặc quyền (từ thế kỷ 13) bầu chọn ra vị “Vua của người La Mã”, người sau này sẽ đăng cơ làm Hoàng đế La Mã Thần Thánh do Giáo Hoàng quyết định.
NHƯNG THẦN DÂN CỦA ÔNG KHÔNG THÍCH ÔNG
John còn là một ứng viên cho ngai vàng của Ba Lan và Hungary, do vị thế là “người thừa kế của Wenceslaus” của ông. John còn mở rộng biên giới phía Bắc của vương quốc bằng cách sát nhập vùng Thượng Lusatia và Silesia trong suốt thập niên 1320. Bên cạnh các việc ông làm cho vương quốc, John lại không được các thần dân của mình yêu thích.
Điều này là do ông tiêu xài quá hoang phí, dẫn tới việc thuế má đè nặng lên người Bohemia. Hơn nữa, John còn là một vị vua ngoại quốc, đặc biệt là đối với giới quý tộc, nhiều người còn không biết tới ông. Hơn nữa, cuộc hôn nhân của John không êm ái gì. Mặc dù John và Elizabeth có với nhau 7 người con, nhưng cặp đôi này lại sống tách biệt với nhau.
Tình hình còn tồi tệ hơn, có tin đồn nói rằng Elizabeth tham gia đảo chánh lật đổ chồng bà nổi lên từ năm 1323. John lo ngại cho ngai vàng của mình, quyết định bắt cóc 3 người con lớn là Margaret, Bonne, và Charles, và gởi họ tới Pháp. 3 đứa trẻ này không bao giờ được gặp lại mẹ nữa.
John cũng tham gia vào tình hình chánh trị trên khắp Châu Âu bên ngoài vương quốc của mình. Năm 1313, cha của John mở một chiến dịch quân sự nhắm mở rộng lãnh thổ chống lại Vương quốc Naples từ Pisa. Ông nỗ lực chiếm thành Siena nhưng không thành công. Một thời gian ngắn sau đó, hoàng đế ngã bệnh và qua đời.
HAI VƯƠNG TRIỀU, HAI VỊ VUA
Khi Henry qua đời, Đế chế La Mã Thần Thánh bị chi phối bởi 2 vương triều lớn — Gia tộc Luxembourg và Gia tộc Habsburg. Năm 1314, khi người thừa kế của Henry được bầu chọn, John lúc này đã 18 tuổi và trở thành một ứng viên nhỏ tuổi khác. Do đó, Gia tộc Luxembourg đề cử Louis IV (nổi tiếng với biệt danh “Người Bavaria”) từ Gia tộc Wittlesbach.
Mặc dù Louis được bầu chọn là “Vua của người La Mã”, và gần như chuẩn bị đăng quang là Hoàng đế La Mã Thần Thánh vào năm 1328, vị trí của ông không phải là không có phe đối lập. Trên thực tế, có tới hai cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1314, và ứng cử viên của Gia tộc Habsburg, Frederick Tuấn Tú, đã được bầu chọn ở vòng đầu tiên. Ở vòng bầu cử thứ 2, (với các “hoàng công đại cử tri” khác nhau) được tổ chức vào ngày tiếp theo bởi phe Luxembourg, những người không chấp nhận kết quả của ngày trước.
Kết quả là, có tới hai vị vua của nước Đức, mỗi người đều tuyên bố là nhà cai trị hợp pháp. Cuộc xung đột kéo dài tới năm 1325, khi Frederick cuối cùng thừa nhận Louis là vị vua hợp pháp. Trong cuộc xung đột giữa Louis và Frederick, John đứng sau hỗ trợ cho Louis. John được tưởng thưởng xứng đáng khi Louis dành chiến thắng.
CÁC CHIẾN DỊCH QUÂN SỰ VÀ DANH HIỆU JOHN MÙ LÒA
Sự tham gia của John vào chánh trường khắp Châu Âu không chỉ giới hạn trong cuộc xung đột trong Đế chế La Mã Thần Thánh, mà ông còn tổ chức nhiều chiến dịch quân sự lên khắp Châu Âu, do đó mà ông có được danh tiếng là “hiệp sĩ lang thang”. Do tình hình phải thường xuyên vắng mặt tại Bohemia, John quyết định trao quyền điều hành vương quốc cho các phó vương của mình.
Một trong các chiến dịch nổi tiếng mà John tham gia là Cuộc Thập Tự Chinh Phương Bắc, trong đó ông hỗ trợ Hội Hiệp Sĩ Teuton chống lại người Lithuania ngoại đạo. Cũng trong thời gian này John bị mù. Năm 1316, trong chiến dịch cùng với các Hiệp Sĩ Teuton, John bị nhiễm trùng mắt (viêm giác mạc), khiến ông bị mù. Theo một câu chuyện khác (được chứng minh là ngụy thư), ông mất thị giác vì bị đục thủy tinh thể.
Ngự y được mời về chữa bệnh cho nhà vua, nhưng đều không thành công và do đó bị dìm cho chết đuối. Sau đó, nhà vua được đưa tới Avignon, nơi Guy de Chauliac, một thầy thuốc nổi tiếng chữa bệnh về mắt đang sống. Tuy nhiên, de Chauliac vẫn không chữa được bệnh cho nhà vua mà còn làm mù luôn mắt còn lại. May mắn là de Chauliac không bị dìm chết vì dựa trên thực tế là ông vẫn còn làm ngự y riêng cho Giáo hoàng. Người ta đồn rằng ông bị mù là do Chúa trừng phạt, nhưng John vẫn bỏ ngoài tai.
JOHN XỨ LUXEMBOURG TRONG CHIẾN TRANH TRĂM NĂM
Năm 1337, Chiến Tranh Trăm Năm nổ ra và John quyết định hỗ trợ cho nước Pháp. Tuy nhiên, Hoàng đế lại hỗ trợ cho người Anh, và mối quan hệ giữa John và Louis trở nên căng thẳng những năm tiếp theo. Cuối cùng, vào năm 1346, John kết minh với Giáo hoàng Clement VI, và tiến hành truất phế hoàng đế. Louis được thay bằng con trai của John, Charles, người vừa được bầu làm “Vua của người La Mã”. Năm 1355, Charles đăng quang làm Hoàng đế La Mã Thần Thánh với tước hiệu Charles IV.
John qua đời cùng năm với việc Charles được bầu làm “Vua của người La Mã”. Năm 1346, lúc này Chiến Tranh Trăm Năm đã trải qua được 10 năm rồi. Vào ngày 12 tháng 7, Vua nước Anh khi đó là Edward III, xâm lược bờ biển Normandy. Mục tiêu của Edward là tiến hành một cuộc đột kích diện rộng thông qua phía Bắc nước Pháp nhằm tuyên bố tính hợp pháp của mình trên ngai vàng nước Pháp.
Quan đội Anh, khi đó vào khoảng 1 vạn 4000 người, đột kích vào vùng ngoại ô Norman, và chiếm thành Caen vào ngày 26 tháng 7. Vua nước Pháp khi đó là Philip VI, tập hợp một đội quân gồm 2 vạn người ở Paris. Khi Edward hay tin người Pháp đang tập hợp quân đội, ông cho hành quân về phía Bắc dọc theo đường bờ biển.
NHÀ VUA XỨ BOHEMIA TẠI TRẬN CRÉCY
Vào ngày 24 tháng 8, người Anh thắng Trận Blanchetaque và vượt sông Somme. Sau đó, quân đội Anh cắm trại gần rừng Crécy. Cùng lúc đó, Philip nhanh chóng hành quân tới Crécy, vì ông háo hức muốn đánh bại người Anh. Hơn nữa, vì người Anh đã vượt qua sông Somme, nên chiến thuật của Philip nhằm bẫy người Anh ở giữa sông Seine và sông Somme đã thất bại.
Vào ngày 26 tháng 8, 2 ngày sau khi Edward vượt qua sông Somme, người Anh và người Pháp đụng độ nhau. Philip khơi mào trận đánh bằng cách tấn công người Anh bằng đội nỗ thủ 4000 lính đánh thuê người Genoese. Tuy nhiên, đội lính thuê này không phải đối thủ của đội trường cung thủ 1 vạn người của Edward. Những trường cung thủ này bắn và lắp tên với tốc độ nhanh hơn nhiều.
Một phần là do trước trận đánh đã xảy ra một trận bão lớn, nỏ bị nước mưa làm ướt dây nỏ khiến nó bị chùng xuống, giảm hiệu quả hoạt động hơn so với bình thường. Phía bên kia, các trường cung thủ chỉ đơn giản là tháo dây cung ra và giữ cho chúng được khô ráo. Khi đội nỗ thủ bị đánh bại, các hiệp sĩ Pháp xông lên tiền tuyến.
Các hiệp sĩ này chiến đấu cũng không hiệu quả hơn đội nỗ thủ. Họ tấn công ngẫu hứng và vô tổ chức. Hỗn loạn càng trở nên phức tạp khi các hiệp sĩ bị đội nỗ thủ chạy ngược chiều làm vướng tay vướng chân.
Bước tiến của đội hiệp sĩ Pháp bị lớp bùn đất sau cơn mưa làm chậm lại, trong khi đó vị trí của người Anh lại là ở trên đồi cao, ngăn cách bằng các công sự do người Anh xây dựng. Các trường cung thủ Anh tiếp tục bắn tên, tiêu diệt rất nhiều hiệp sĩ Pháp. Tới buổi tối, người Anh đã đẩy lùi 16 đợt tiến công của người Pháp. Philip, đã bị thương trong trận đánh, nhận ra thất bại và ra lệnh rút lui.
DI SẢN CỦA JOHN XỨ BOHEMIA
Người Anh thiệt hại khoảng 100 tới 300 lính trong Trận Crécy, trong khi đó thiệt hại của người Pháp ước tính vào khoảng 1 vạn 3000 tới 1 vạn 4000 người. Trong số người thiệt mạng còn có vô số quý tộc Pháp, trong đó có anh trai của nhà vua, Charles II xứ Alençon, Công tước xứ Lorraine, và Bá tước xứ Blois. John cũng nằm trong nhóm này.
Ghi nhận về hành động cuối cùng của John được ghi lại trong cuốn “Biên Niên Sử” của Jean Froissart. Theo Froissart, khi John nhận được yêu cầu tham chiến, ông đã đồng ý. Tuy nhiên, vì bị mù, nhà vua dễ dàng lạc đường trên chiến trường. Do đó, người của John buộc dây cương ngựa của họ vào dây cương của nhà vua để dẫn dắt ông trên chiến trường.
Trong một tài liệu khác là “Biên Niên Sử xứ Prague”, John được cho biết là đã thua trận đánh và ông nên rút lui. Tuy nhiên, ông đã trả lời rằng, “Còn lâu một vị Vua xứ Bohemia mới bỏ chạy khỏi trận đánh. Thay vào đó, hãy dẫn ta tới nơi náo nhiệt nhất trên chiến trường. Chúa sẽ phù hộ chúng ta. Không có gì phải sợ. Chỉ cần, hãy chăm sóc con ta thật cẩn thận.”
Tàn tích của John được lưu giữ trước tiên ở Kloster Altmünster (Cựu Viện) ở Luxembourg. Khi tu viện này bị phá hủy vào năm 1543, họ dời tàn tích của ông tới Kloster Neumünster (Tân Viện). Trong suốt Cuộc Cách Mạng Pháp, các tu sĩ của tu viện giao phó hài cốt của nhà vua cho Gia tộc Boch, họ đem dấu trên một tầng áp mái một căn nhà ở Mettlach trên sông Saar.
Sau đó, hài cốt của ông được Jean-Francois Boch trao lại cho Frederick William III, Vua nước Phổ, người tự nhận là hậu duệ của John, khi ông viếng thăm Rhineland vào năm 1833. Frederick chôn hài cốt của John trong một buổi tang lễ ở một nhà nguyện gần Kastel-Staadt, biên giới với Luxembourg.
Hài cốt của John cuối cùng được mang về Luxembourg năm 1945. Cùng năm đó, Đức Quốc Xã bị đánh bại, và chánh phủ Luxembourg nắm lấy cơ hội để mang hài cốt của nhà vua về (trong một điệp vụ bí mật) và an táng trong một hầm một thuộc Vương Cung Thánh Đường Đức Bà cho tới tận ngày nay.