Agathocles xứ Syracuse — Hình mẫu bạo vương của Machiavelli

Untitled

Jason Ho

Agathocles xứ Syracuse có một khởi đầu khá khiêm tốn nhưng sự quyết tâm và tham vọng đã biến ông thành một nhà cai trị chuyên chế khi trưởng thành. Nhưng sự chuyên chế của ông không hẳn là tàn bạo và thiếu tính toán, và phong cách đặc biệt này của ông, là chất liệu để sau này Machiavelli viết lại trong tác phẩm “The Prince” (Quân Vương), đã mang lại cho ông danh tiếng, của cải và cả Vương quốc Sicily của riêng ông. Mặc dù mục tiêu giữ vững Đế chế Sicily – Italy thất bại, nhưng ông vẫn thành công khi trở thành mối kinh hoàng cho Carthage.

THỜI ĐẠI CHUYÊN CHẾ QUÂN VƯƠNG

Từ “tyrant” ngày nay thường diễn tả một bạo chúa tàn nhẫn và vô lương, nhưng nghĩa gốc của nó thì khác nhiều. Thuật ngữ này bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại, từ nguyên “tyrant” là thuật ngữ chuyên môn để chỉ một người lên nắm quyền bằng những cách độc đáo và không nhằm để ám chỉ một cách khách quan ai là nhà cai trị tốt hay xấu.

Vở bi kịch Hy Lạp Oedipus nổi tiếng ngày nay với cái tên Latin là Oedipus Rex (Vua Oedipus) nhưng cái tên Hy Lạp nguyên gốc của nó lại là Oedipus Tyrannus và sự thay đổi thuật ngữ này theo thời gian đã chỉ ra cách quân vương hay bạo vương chỉ đơn thuần biểu thị cách mà một người đang cai trị.

Chỉ khi sau này trong văn hóa Hy Lạp cổ đại, các triết gia như Aristotle và Plato bắt đầu suy luận rằng một vị quân vương là một người cai trị tốt và một bạo vương là một người cai trị tồi. Để mô tả cách thức một người cai trị, một vị quân vương là người cai trị chăm lo cho thần dân của mình, trong khi một kẻ bạo vương chỉ phục vụ cho lợi ích bản thân mình.

Có hàng trăm ví dụ các nhà lãnh đạo được dán nhãn bạo vương trải dài trong lịch sử Hy Lạp cổ đại và qua nhiều giai đoạn, thế kỷ khác nhau. Vài người trong số đó thèm khát quyền lực và nhiều người bị ám sát, đầu độc hay thậm chí tra tấn cho tới chết.

Nhưng không bàn tới cách họ chết, nguồn gốc đa dạng của họ cho thấy một bạo chúa khác như thế nào với một vị quân vương. Tiêu biểu là Agathocles — một người đàn ông xuất thân bình phàm trở thành một vị vua tự phong của Sicily và bạo chúa của Syracuse, dành được trái tim của người dân trong khi tiến hành chiến tranh ở những vùng đất xa xôi.

CUỘC ĐỜI TRƯỚC ĐÂY CỦA AGATHOCLES

Agathocles ra đời vào năm 361 trước Công Nguyên tại Thermae Himerae ở Sicily. Ông là con trai của Carcinus, một thợ làm gốm xuất thân từ Rhegium. Cuối cùng thì Carcinus cũng trở thành công dân của Syracuse và xưởng gốm của ông cũng phát triển mạnh. Agathocles lúc đầu được huấn luyện nghề cha truyền và sẽ kế thừa công việc làm ăn của gia đình cho tới khi ông nhập ngũ cùng với em trai, Antander.

Vào khoảng năm 330 trước Công Nguyên, Agathocles tận hưởng thành công. Ông vừa kết hôn với quả phụ giàu có của người bảo trợ quá cố là Damas và khi còn phục vụ cho quân đội, ông đã tỏ ra làm một người có tham vọng chánh trị. Nhưng tham vọng này đồng nghĩa với việc ông trở thành mối đe dọa tới đầu não chánh quyền xứ Syracuse khi đó và ông bị lưu đày khỏi thành phố để hạn chế bớt tham vọng của mình.

Ông định cư tại phía Nam Italy sau khi lưu đày và dành cả thập kỷ làm lính đánh thuê ở Croton và Tarentum, mặc dù ông đã trở lại Syracuse vào một thời điểm nào đó, nhưng ông lại bị lưu đày lần thứ 2 vì cố gắng lật đổ chế độ tập quyền này.

AGATHOCLES QUAY TRỞ LẠI SYRACUSE

Agathocles quay lại Sicily một lần nữa vào năm 317 trước Công Nguyên, lần này là cùng một đội quân lính đánh thuê bằng hữu. Rhegium đang bị tấn công bởi Syracuse, và Agathocles cùng với đội quân của ông đã giúp đỡ họ đánh bại Syracuse. Chiến thắng này là lần “may mắn” thứ ba của Agathocles và ông cuối cùng cũng thành công trong việc lật đổ chế độ tập quyền ở Syracuse.

Vài tháng sau đã xảy ra một cuộc tranh dành quyền lực lớn trong thành, với việc chánh quyền từ chối trao trả quyền lực. Đội quân đánh thuê đã giúp đỡ Agathocles tiếp quản Syracuse đã tuyên thệ duy trì hiến pháp dân chủ ở thành này, và cuộc đấu tranh này cuối cùng cũng dẫn tới việc Agathocles lưu đày hoặc xử tử toàn bộ, vào khoảng 600 người, giới tinh hoa cầm quyền vào năm 316 trước Công Nguyên.

Ông củng cố quyền lực bằng cách trừng phạt hay xử tử những ai chống đối ông — ước tính lên tới 1 vạn người kể cả giới cầm quyền — và tự nhận mình là “strategos autokrator”, tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “người tự mình cai trị”, ngày nay gọi là “Hoàng đế”. Việc tự nhận mình là người cai trị độc nhất ở Syracuse, Agathocles tiến lên con đường quyền lực bằng các cách thức độc đáo — có nghĩa là giờ đây ông chính thức trở thành một “tyrant”.

CÁC CUỘC XUNG ĐỘT Ở SICILY

Với chế độ chuyên chế ở Syracuse, Agathocles giờ đây đang hưởng nhiều quyền lực. Ông tiến hành hàng loạt các cuộc xung đột, tấn công các thành bang ủng hộ chế độ tập quyền khác, ngăn họ hỗ trợ đoạt quyền ở Syracuse.

Các trận đánh chống lại các thành bang khác như Messana, Acragas, và Gela, mang các thành bang này nằm dưới quyền cai trị của ông, mở rộng tầm ảnh hưởng ra khắp Sicily. Kết cục lại không thuận lợi cho Agathocles vì các cuộc xung đột này đã gây sự chú ý cho Đế chế Carthage, lúc này đang dời tầm mắt tới phía Tây Sicily.

Năm 311 trước Công Nguyên, Agathocles dẫn dắt người Syracuse trong trận đánh với Carthage, do Hamilcar lãnh đạo. Trận đánh được biết tới với cái tên Trận Sông Himera vì nó diễn ra ngay cửa sông Himera.

Agathocles bị vượt trội về mặt quân số khi người Carthage mang tới 4 vạn 5000 quân, trong khi quân số chính xác của ông thì chưa biết. Hamilcar và người cha của ông còn có lợi thế về mặt chiến thuật khi đóng quân trên ngọn đồi Ecnomus. Kết quả là Agathocles tổn thất 7000 quân trong khi đó bên Hamilcar chỉ mất có 500.

TÁI CHIẾM QUYỀN LỰC TỪ CARTHAGE

Thất bại mà Agathocles phải chịu đựng dưới tay người Carthage là một điều sỉ nhục và nó có thể đánh dấu cho sự sụp đổ của ông. Nhưng trong một nước đi táo bạo và liều lĩnh thường thấy, ông cho em trai mình là Antander cai quản Syracuse thay và đẩy lùi đợt tấn công của quân Carthage. Còn bản thân ông đột phá vòng vây của hạm đội Carthage bên ngoài, với một hạm đội nhỏ chừng 60 thuyền.

Ông cập bờ Châu Phi với đội quân 1 vạn 4000 người và mở chiến dịch thẳng vào Đế chế Carthage với mục tiêu khiến họ phải quay về. Trong khoảng năm 307 trước Công Nguyên, ông nhận được sự hỗ trợ từ Ophellas, người cai trị xứ Cyrenaica (Libya ngày nay). Ông dễ dàng nhận được hỗ trợ vì ông đưa ra lời đề nghị hấp dẫn khi sẵn sàng trao cho Ophellas toàn bộ lãnh thổ chiếm được thành công ở Châu Phi, ông chỉ giữ lại Sicily cho mình.

Ophellas đã chứng tỏ mình là một đồng minh hùng mạnh. Ông tận dụng tình hình bất ổn tại quê hương của vợ là Athens và dễ dàng tập hợp được một đội quân khổng lồ.

AGATHOCLES — VUA SICILY

Phải mất 2 tháng thì đội quân hùng mạnh và tân trang đầy đủ của Ophellas mới tới được. Cuộc hành quân không hề dễ dàng, vì địa hình quá gồ ghề và khó đi, nhưng một khi đã đến ông được chào đón như là một đồng minh thân cận, hah thậm chí là một người bạn của Agathocles. Hai đội quân lập doanh gần nhau, và chuẩn bị sẵn sàng để hợp kích Carthage.

Bất chấp tình bạn ban đầu, chỉ mất vài ngày để Agathocles phản bội đồng minh mới này. Thay vì hợp tác với Ophellas và kết thúc cuộc thương lượng, Agathocles và người của ông đã tấn công doanh trại của đội quân Cyrenaica. Agathocles ngay lập tức giết chết Ophellas.

Đội quân còn lại của Cyrenaica chọn gia nhập với Agathocles còn hơn đối đấu với ông và chuốc lấy cái chết. Không có Ophellas, họ chỉ là một đội quân vô chủ và nhiều người trong số đó không thích người Carthage, sẵn sàng đối đầu với họ.

Chiến dịch quân sự chống lại Đế chế Carthage đi từ mạnh tới mạnh, và đội quân của ông hành quân tới thẳng thủ phủ của Carthage, đoạt lấy mọi chiến lợi phẩm trên đường. Thành này được gia cố vững chắc, và Agathocles không có cơ hội nào để bao vây thành công. Nhưng người Carthage vẫn bị đe dọa bởi một đối thủ hùng mạnh như vậy. Theo sử gia Diodorus họ đã hiến tế 500 đứa trẻ để cầu xin thần linh bảo vệ thành.

Năm 307 trước Công Nguyên, cuộc tấn công bất ngờ vào Carthage của ông chưa hoàn thành xong thì đã cạn kiệt quân lương, khiến ông cuối cùng phải rút về. Ông âm thầm quay trở lại Sicily. Một năm sau, hòa bình được lập lại giữa hai thế lực. Hòa ước là một điều có lợi cho Agathocles và vào năm 304 trước Công Nguyên, ông tuyên bố mình là “Vua của Sicily”. Tầm ảnh hưởng của ông lên toàn hòn đảo giờ đây lớn hên bao giờ hết.

AGATHOCLES — NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Agathocles, ngoài việc là mối nguy thường trực của người Carthage, còn là cha của vô số đứa trẻ và kết hôn ba lần. Hai đứa con trai đầu là con với người vợ cả, Damas, đều bị ám sát vào năm 307 trước Công Nguyên. Cô con gái có với người thứ hai thì kết hôn với vị vua người Hy Lạp là Pyrrhus xứ Epirus. Người vợ thứ ba của ông là công chúa của Vương triều Ptolemaic (người nổi tiếng nhất của vương triều này là Cleopatra VII).

Ông là một người đầy tham vọng và không ngơi nghỉ. Ông là một nhà lãnh đạo bẩm sinh, đặc biệt là rất giỏi trong việc điều động lính đánh thuê. Người ta nói rằng ngay cả khi hấp hối, ông vẫn còn vạch kế hoạch để tấn công người Carthage, mặc dù những năm cuối đời ông bị bệnh tật hành hạ. Nhiều người tin rằng ông chết là do cháu mình là Archagathus đầu độc, số còn lại thì nói ông qua đời do tuổi già sức yếu.

Mặc dù được coi là một bạo vương, nhưng ông lại coi mình là một người cai trị công bằng và không đối xử tàn nhẫn với người dân của mình. Ông là một bạo vương theo nghĩa gốc của từ này hơn là theo nghĩa hiện đại. Ông đã chọn khôi phục nền dân chủ cho Syracuse sau cái chết thay vì truyền lại danh hiệu “Vua” cho con trai.

DI SẢN CỦA AGATHOCLES

Nhiều người ngày nay không biết nhiều về Agathocles, nhưng các sử gia xuyên thế kỷ lại biết ông rất rõ. Sử gia và là chánh trị gia nổi tiếng nhất thế kỷ 16 là Machiavelli đã viết về ông trong khái luận chánh trị “The Prince” của mình. Ông mô tả Agathocles như là một ví dụ của hà lãnh đạo vươn lên nắm quyền bằng cách gây tội ác.

Machiavelli tin rằng Agathocles là một tên tội phạm trong suốt quảng đời của mình và rằng ông trở thành Vua của Sicily mặc dù xuất thân bình phàm của mình. Ông tin rằng Agathocles trở nên nổi tiếng trong suốt cuộc đời của mình và rằng ông cực kỳ tài năng, điều đó cho phép ông tiến bộ vượt bậc mà đáng lẽ ông chỉ là con trai của một thợ gốm.

Cuối cùng, Machiavelli cho rằng nhờ khả năng thực hiện các hành vi tàn nhẫn bất cứ khi nào cần thiết mà Agathocles có thể vươn lên tới đỉnh cao quyền lực, nhưng lại không phạm tội ác nào chỉ để củng cố vị trí.

Ông là một người có khả năng tàn nhẫn khi cần thiết, nhưng đồng thời không phải là người cai trị chuyên quyền mà chúng ta sẽ nghĩ đến khi hình dung về một bạo vương. Triều đại của ông ở Syracuse là một thời kỳ yên bình đáng ngạc nhiên trong lịch sử thành bang này, đồng thời tiến hành một số dự án xây dựng giúp cải thiện cuộc sống của thần dân của mình.

Theo những khái niệm đạo đức do Aristotle và Plato đưa ra, Agathocles không phải là một bạo vương. Ông không chỉ cai trị cho bản thân mình; ông luôn nghĩ tới thần dân của mình. Ông luôn đầy tham vọng, và chắc chắn là ông muốn có nhiều quyền lực hơn nữa, nhưng có thể nói rằng tất cả những điều ông làm để có nhiều quyền lực hơn cũng là vì lợi ích lớn hơn của Syracuse và cả Sicily nói chung.

Ông có thể cho xử tử giới tinh hoa tập quyền để thâu tóm quyền lực, nhưng ông lại được lòng của người dân thành Syracuse. Người dân Syracuse nói riêng, và cả đảo Sicily nói chung đều không hài lòng về cách điều hành của giới tinh hoa tập quyền hủ bại.

Họ không thất vong hay lo lắng vì những gì Agathocles đã làm; họ còn tỏ ra vui mừng khi ông lật đổ được giới tinh hoa tập quyền. Điều đó chính xác, việc bảo vệ Sicily khỏi cuộc xâm lược của người Carthage không chỉ là một cuộc chiếm đoạt lòng người, điều đó còn có nghĩa là Carthage đã chuyển sự chú ý ra khỏi Sicily trong thời kỳ cai trị của ông và điều này chắc chắn đã cứu được hàng ngàn mạng sống người dân thành Syracuse.

Ông quyết định đưa Syracuse quay lại nền dân chủ cũng vì lợi ích lớn của thành bang. Nhưng không may là khi ông qua đời, không còn ai đủ năng lực để thay thế lãnh đạo nữa. Thành bang Syracuse trở nên bất ổn và là miếng mồi ngon chờ đợi người Carthage quay lại.


Nguồn tham khảo:

Agathocles of Syracuse. Ancient History Encyclopedia. https://www.ancient.eu/Agathocles_of_Syracuse/

Agathocles Tyrant of Syracuse. Encyclopaedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Agathocles

The Greek State At War. University of California Press.

Bình luận về bài viết này