Jerusalem: Những thăng trầm lịch sử- Phần 3

jerusalem

Simon Sebag Montefiore

 Trần Quang Nghĩa dịch

  PHẦN 2

ĐA THẦN GIÁO

 Thành nầy xưa vốn đông dân lắm, kìa nay ngồi một mình! Xưa vốn làm lớn giữa các dân, nay như đờn bà góa! Xưa vốn làm nữ chủ các quận, nay phải nộp thuế khóa.Nó khóc nức nở ban đêm, nước mắt tràn đôi má. Mọi kẻ yêu mến nó, chẳng ai yên ủi nó. Bạn bè nó phản nó, đều trở nên nghịch thù.

Ai Ca, 1.1–2

Cho dù khi Jerusalem còn đó và người Do Thái sống hòa bình với chúng ta, việc họ cứ hành nghi lễ linh thiêng vẫn xung đột với vinh quang của đế chế chúng ta và tập quán của tổ tiên chúng ta.

Cicero, Pro L. Flacco

Đối với một người sống trong Đất Israel ở một thành phố hoàn toàn không có người Do Thái thì tốt hơn sống bên ngoài Đất Israel ở một thành phố toàn là người Do Thái. Ai được chôn cất ở đó như thể y được sinh ra ở Jerusalem và ai được chôn cất ở Jerusalem, thì như thể y được sinh ra dưới ngôi báu vinh hiển. 

Judah ha Nasi, Talmud

Mười phân lượng của cái đẹp được ban xuống trần thế, thì chín phần được tặng cho Jerusalem và một phần dành cho vùng còn lại của trần thế.

Midrash Tanhuma, Kedoshim 10

Vì tự do của Jerusalem

Simon bar Kochba, trên đồng tiền

Và Jerusalem bị hủy diệt như thế vào chính ngày của thần Saturn (ngày thứ bảy), ngày mà đến tận bây giờ người Do Thái tôn kính nhiều nhất. 

Dio Cassius, Lịch Sử La Mã

CHƯƠNG 14

AELIA CAPITOLINA  70–312 TCN

KHÚC KHẢI HOÀN CỦA TITUS: JERUSALEM Ở LA MÃ

Một vài tuần sau, ngay khi thành phố đã bị phá hủy và ông đã đi một vòng thăm chiến trường đẫm máu, một lần nữa Titus đi qua Jerusalem, so sánh những đổ nát tang thương hiện giờ với vẻ vinh hiển đã biến mất của nó. Rồi ông giong buồm về La Mã, mang theo những nhà lãnh đạo Do Thái bị bắt, nhân tình hoàng gia Berenice, và tên phản bội được yêu thích của mình Josephus, cùng kho báu của Jerusalem. Vepasian và Titus, đội vương miện nguyệt quế, vận hoàng bào màu tím, bước ra khỏi Đền thờ Isis, và được Viện Nguyên Lão chào đón và ngồi vào chỗ vinh dự nhất trên khán đài Quảng trường để chứng kiến lễ diễu hành Khải Hoàn hoành tráng nhất trong lịch sử La Mã.

Đám rước các tượng thần và những chiếc thuyền mạ vàng, cao ba bốn tầng, chất đầy của cải chiến lợi phẩm, khiến khán giả trầm trồ vì ‘thích thú và ngạc nhiên’, như Josephus ghi nhận một cách khô khan, ‘vì có nhiều điều để chiêm ngưỡng khi một xứ sở hạnh phúc bị tan hoang’. Sự kiện Jerusalem bị thất thủ được diễn ra trên những phù điêu sống động – các quân đoàn xông tới, quân Do Thái bị tàn sát, Đền Thờ bốc cháy – và trên chóp mỗi con thuyền đứng chễm chệ những vị chỉ huy La Mã đã đánh chiếm các thị trấn. Tiếp theo đó là cảnh tượng đau lòng nhất đối với Josephus, những vật thiêng liêng nhất của Nơi Chí Thánh: chiếc bàn bằng vàng, giá đèn và Bộ Giáo Luật. Tù binh ngôi sao, Simon ben Giora, được dẫn đi diễu hành bằng một thòng lọng quấn quanh cổ.

Khi đám rước dừng lại trước Đền Thờ Jupiter, Simon và các tộc trưởng nổi loạn bị hành hình trước tiếng reo hò của dân chúng; những người hiến tế được dâng cúng. Jerusalem đã chết như thể, Josephus trầm ngâm: ‘Tính cổ xưa của nó, sự giàu có của nó, dân tộc có mặt trên khắp thế giới của nó, niềm vinh hiển của các nghi thức tôn giáo của nó, không có điều nào ngăn cản được sự tàn hủy của nó.’

Khúc  Khải Hoàn được tưởng niệm bằng việc xây dựng Cổng Vòm Titus, hiện giờ còn đứng tại La Mã. * Các chiến lợi phẩm lấy ở Do Thái dùng để trang trải việc xây dựng Đấu trường Colosseum và Đền Thờ Hòa Bình, tại đó Vepasian cho trưng bày những bảo vật của Jerusalem – trừ cuộn Giáo Luật và những bức màn tím ở Nơi Chí Thánh giờ được cất giữ ở hoàng cung.

*  Về phần Vespasian, ở Ý ông chỉ được nhớ nhiều nhất vì có công tạo ra nhà vệ sinh công cộng, vẫn còn được biết dưới tên  vespasianos.

Cuộc diễu hành Khải Hoàn và việc tu bổ trung tâm La Mã không chỉ để chào mừng một triều đại mới mà còn là sự cống hiến lại của đế chế bằng thắng lợi trước người Do Thái. Thuế mà mọi người Do Thái nộp cho Đền Thờ giờ được thay bằng Fiscus Judaicus, được trả cho nhà nước La Mã để tài trợ cho việc tái thiết Đền Thờ Jupiter, một sự sỉ nhục cưỡng chế thật gay gắt. * Vậy mà phần đông người Do Thái, còn sống ở Judaea và Galilee, và trong những cộng đồng đông đúc ở Địa Trung Hải và Babylon, vẫn sống như họ đã từng sống, chấp nhận ách cai trị của La Mã và Parthia. 

* Những đồng tiền Vespasian phát hành có khắc cụm từ phô trương ‘JUDAEA CAPTA’ có hình một người nữ xứ Judaea bị trói, đang ngồi dưới một cây cọ trong khi một tên lính La Mã dựa người vào ngọn giáo bên trên nàng. Số phận của bảo vật Jerusalem còn là điều bí ẩn. Năm 455, Genseric, Vua dân Vandal, cướp phá La Mã và lấy đi những bảo vật Đền Thờ đem về Carthage. Sau đó chúng bị Tướng Belisarius của Hoàng đế Justinian chiếm đoạt lại, đem về Constantinople. Justinian trả giá đèn về lại Jerusalem, nhưng về sau ắt hẳn nó đã bị quân Ba Tư cướp đi vào năm 614. Dù thế nào thì nó đã biến mất. Cổng Vòm của Titus, do em trai Domitian của Titus hoàn thành, cho thấy cánh tay của giá đèn kéo dài ra và lật lên trên giống như một đinh ba: có thể nó đã bị thay đổi hoặc do lỗi của nghệ sĩ. Mỉa mai thay giá đèn kiểu La Mã (trừ những biểu tượng đa thần giáo) trở thành cơ sở cho chiếc đàn nhiều nhánh Do Thái hiện đại, giá đèn sử dụng ở Hanukkah (lễ hội Ánh sáng) và được coi là một biểu hiệu của Israel.

Giá đèn  (trên) và biểu hiệu Israel

Trận Chiến Do Thái vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Pháo đài Masada còn giữ vững đến ba năm, dưới quyền chỉ huy của Eleazar xứ Galilee, rồi quân La Mã bắc thang tràn vào. Vào tháng 4 73, thủ lĩnh của họ nói với binh lính và gia đình họ thực trạng đen tối mới: ‘Thành phố này còn đâu để ta có thể tin là còn Chúa Trời ngự ở bên trong?’ Jerusalem đã mất rồi và giờ đây họ phải đối mặt với thân phận làm nô lệ:

Các huynh đệ cao cả của ta, đã từ lâu chúng ta đã quyết tâm không bao giờ chịu làm tôi tớ cho bọn La Mã hay cho bất kỳ ai khác ngoài Chúa Trời. Chúng ta chính là những người đầu tiên nổi dậy chống lại chúng; chúng ta sẽ là người cuối cùng chống lại chúng. Ta không thể nào không cảm kích khi Chúa Trời ban cho chúng ta ân huệ là có quyền chết một cách dũng cảm trong khi còn được tự do, theo một cách vinh hiển cùng với những đồng chí thân yêu nhất của chúng ta. Hãy để các người vợ chúng ta chết trước khi bị làm nhục và con cái chúng ta chết trước khi nếm mùi nô lệ.

Vì thế ‘những người chồng âu yếm ôm choàng lấy vợ và con cái mình, gởi đến họ những nụ hôn dài vĩnh biệt mà nước mắt đầm đìa’. Mỗi người đàn ông phải giết vợ con mình; mười người được chọn ra bằng cách rút thăm có bổn phận giết những người còn lại cho đến khi tất cả 960 người đều bỏ mạng.

Đối với phần đông người La Mã, vụ tự sát Masada càng khẳng định dân Do Thái là những kẻ cuồng tín điên cuồng. Tacitus, dù kể lại sau đó 30 năm, vẫn biểu lộ quan điểm thông thường là người Do Thái là bọn mù quáng ‘độc ác và kinh tởm’, với những trò mê tín kỳ quặc như chủ nghĩa độc thần và tục cắt bao qui đầu, khinh khí các thần linh La Mã, ‘chối bỏ lòng ái quốc’ và ‘tự cô lập bằng tính độc ác của mình’. Josephus truy tầm những chi tiết về Masada từ một nhóm nhỏ người còn sống sót nhờ ẩn nấp trong cuộc tự sát và ông không thể nào dấu được lòng khâm phục khí phách Do Thái.

BERENICE: CLEOPATRA DO THÁI

Josephus sống trong dinh thự cũ của Vepasian ở La Mã. Titus trao lại cho ông một số cuộn văn bản của Đền Thờ, một số tiền trợ cấp và đất đai ở Judaea, và ủy thác ông soạn quyến sách đầu tiên của mình, Cuộc Chiến Do Thái. Hoàng đế và Titus không phải là nguồn tư liệu duy nhất của Josephus. ‘Khi anh đến ta,’ Vua Herod Agrippa ‘bạn thân’ của ông đã viết, ‘ta sẽ cho anh biết rất nhiều chuyện.’ Nhưng Josephus biết rằng ‘vị thế đặc quyền của tôi gây ra đố kỵ và mang đến hiểm họa’: ông cần sự che chở của hoàng đế và nhận được cho đến thời trị vì của Domitian, người đã lo lắng hành hình một số kẻ thù của ông. Cho dù ông hưởng ơn mưa mốc của triều đại Flavian (triều đại của Vepasian và hai con trai là Titus và Domitian) trong những năm cuối cùng của mình – ông mất khoảng năm 100 SCN – ông vẫn nuôi hi vọng Đền Thờ sẽ được tái tạo, và niềm tự hào của ông đối với công cuộc đóng góp của người Do Thái cho nền văn minh sẽ vươn cao: ‘Chúng tôi đã giới thiệu với phần còn lại của thế giới rất nhiều ý tưởng đẹp đẽ. Có cái đẹp nào lớn hơn lòng mộ đạo không gì có thể lay chuyển được? Có chân lý nào cao hơn sự tuân phục đối với Giáo Luật?’

Berenice, bà hoàng dòng Herod, vẫn ở lại La Mã với Titus nhưng bà xúc phạm người La Mã với kim cương sáng rực, kiểu cách quý phái vương giả và những tin đồn bà loạn luân với anh ruột. ‘Bà sống chung như vợ chồng với Titus trong cung điện. Bà mong đợi kết hôn với ông và đã xử sự trong mọi tình huống như thế là vợ đã cưới của ông.’ Người ta đồn rằng Titus cho người giết Tướng Caecina vì dám cợt nhả với bà. Titus yêu bà nhưng người La Mã so sánh bà với người đàn bà định mệnh của Antony, Cleopatra – hoặc tệ hơn, vì người Do Thái giờ đây bị khinh bỉ vì bại trận. Titus phải tổng khứ bà đi. Khi ông lên kế vị cha mình vào năm 79, bà lại trở về La Mã, giờ đã ở tuổi ngũ tuần, nhưng bị dư luận phản đối dữ dội khiến ông lại một lần nữa chia tay với Cleopatra Do Thái, biết rằng nhà Flavian khó mà vững chắc trên ngai vàng. Có lẽ bà quay về với ông anh mình, gần như là người cuối cùng của dòng dõi Herod. *

Herod Agrippa II được ban thưởng một vương quốc mở rộng ở Lebanon. Có lẽ ông không muốn cai trị lãnh thổ Judaea điêu tàn nhưng cũng có thể ông tính đến một sự nghiệp chính trị ở La Mã. Khi vào năm 75 ông đến dự lễ khánh thành Đền Thờ Hoà Bình (trưng bày một số bình cúng ở Đền Thờ Do Thái), ông được ban chức praetor (phán quan). Đã trị vì dưới mười đời hoàng đế, ông mất khoảng năm 100. Các thân nhân của ông trở thành vua xứ Armenia và Cilicia và cao tột là đến chức chấp chính La Mã (chỉ sau hoàng đế).

Thời trị vì của Titus ngắn ngủi. Ông chết hai năm sau với lời để lại: ‘Ta chỉ làm một việc sai lầm.’ Có phải đó là việc phá hủy Jerusalem? Người Do Thái tin tưởng rằng ông chết yểu là do sự trừng phạt của Chúa Trời. Trong 40 năm, một tình trạng kiệt quệ căng thẳng ngự trị một Jerusalem điêu tàn trước khi Judaea nổ tung lần nữa trong một cơn phẫn nộ cuối cùng và thảm khốc.

CÁI CHẾT CỦA TRIỀU ĐẠI JESUS: SỰ KIỆN ĐÓNG ĐINH BỊ QUÊN LẮNG

Jerusalem là bộ chỉ huy của Quân đoàn 10, với các doanh trại đóng ở Khu Armenia ngày nay bao quanh ba tháp canh của Thành Lũy Herod – nền móng của tháp cuối cùng, tháp Hippicus, vẫn còn sót lại đến nay. Mái ngói và tường gạch của Quân đoàn, luôn trang trí biểu tượng chống Do Thái, con lợn đực, đã được phát hiện khắp thành phố. Jerusalem không hoàn toàn vắng vẻ mà có những cựu binh Syria và Hy Lạp, vốn có truyền thống căm ghét người Do Thái. Về đêm cảnh tượng hoang vu với những đống đá cao ngất chắc hẳn trông rất ma quái. Nhưng người Do Thái có lẽ vẫn trông đợi ngày Đền Thờ sẽ được xây dựng lại như từng có lần trước đây.

Vespasian cho phép giáo sĩ  Yohanan ben Zakkai, người đã trốn thoát khỏi Jerusalem trong quan tài, giảng dạy Giáo Luật tại Yavneh (Jamnia) trên bờ Địa Trung Hải, và dân Do Thái không bị chính thức cấm ra khỏi Jerusalem.  Đúng ra nhiều người Do Thái giàu có chắc chắn đã nối gót theo người La Mã, như Josephus và Agrippa đã làm. Dù sao thì họ không được lên Núi Đền. Các khách hành hương phải than khóc Đền Thờ một cách đắng cay, và cầu nguyện kế bên Lăng mộ Zechariah* trong Thung lũng Kidron. Một số hi vọng ngày Khải Huyền sẽ đến phục dựng nước Chúa, nhưng đối với

ben Zakkai thành phố biến mất khoác một vẻ thần bí phí vật chất. Khi ông thăm phế tích, đệ tử ông khóc rống lên,’Khổ biết bao cho chúng ta!’ ‘Đừng khổ não,’ giáo sĩ trả lời (theo kinh Talmud, được soạn vài thế kỷ sau đó). ‘Chúng ta có cách chuộc tội khác. Đó là những hành động vì tình thương và lòng tốt.’ Vào thời điểm đó không ai biết rằng đó là thời điểm bắt đầu của đạo Do Thái giáo mới – không có Đền Thờ.

* Đây là một lăng mộ gia đình xây chưa hoàn tất. Gia đình ấy chắc hẳn đã bị chết trong cuộc vây hãm, vì thế đó là một nơi thích hợp cho người Do Thái tụ tập để than khóc số phận của Đền Thờ. Những khách hành hương này khắc những dòng chữ tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ) đến nay còn nhận ra được.

Các tin đồ Cơ đốc người Do Thái, do Simon, con trai của Cleophas, em một mẹ khác cha hay em họ của  Jesus, trở về Jerusalem. Tại đấy họ bắt đầu tôn vinh Phòng Thượng (nơi Jesus cùng đệ tử ruột ăn bữa tối cuối cùng), trên Núi Zion ngày nay. Bên dưới  tòa nhà hiện thời là một nhà thờ Do Thái, ắt hẳn xây từ vật đổ nát của Đền Thờ do Herod xây dựng. Một số lớn dần các tin đồ Cơ đốc phi Do Thái quanh vùng Địa Trung Hải không còn tôn kính Jerusalem vật chất nữa. Thảm họa của người Do Thái đã chia cách họ mãi mãi với tôn giáo mẹ, chứng nghiệm chân lý trong lời tiên tri của Jesus và sự tiếp nối của một khải thị mới. Jerusalem chỉ là chốn hoang tàn của một niềm tin đã thất bại. Sách Khải Huyền thay thế cho Đền Thờ với Đấng Christ Con Chiên. Vào Ngày Tận Thế, Jerusalem bằng vàng và châu báu sẽ từ thiên đường hạ giới.

Những giáo phái này phải cẩn thận: người La Mã cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu về  một vị vua tiên tri nào. Người kế vị Titus, em trai Domitian của ông, duy trì việc đánh thuế chống người Do Thái và bức hại các tin đồ Cơ đốc, như một cách tập kết sự hậu thuẫn cho chế độ đang lung lay của mình. Sau khi ông bị ám sát, Hoàng đế Nerva già cả, hiếu hòa giảm nhẹ áp bức và mức thuế đánh vào người Do Thái. Nhưng không được lâu. Ông không có con trai, vì thế ông chọn vị tướng nổi bật nhất làm người kế vị. Trajan, cao ráo, gân guốc, nghiêm khắc, là một hoàng đế lý tưởng, có lẽ vĩ đại nhất kể từ Augustus. Nhưng bản thân ông cho mình là người có nghĩa vụ  chinh phục những vùng đất mới và phục hồi những giá trị cũ – tin tức không lành cho người Cơ đốc, và tệ hơn cho người Do Thái. Năm 106 ông ra lệnh đóng đinh Simon,người Giám sát Tín đồ Cơ đốc ở Jerusalem, vì, cũng như Jesus, ông này tuyên bố mình thuộc dòng dõi Vua David. Và triều đại Jesus đã kết thúc như thế.

Trajan, tự hào rằng cha mình đã nêu được tên tuổi trong cuộc chiến Do Thái dưới quyền lãnh đạo của Titus, nên phục hồi Fiscus Judaicus, nhưng ông là người tôn thờ chủ nghĩa anh hùng Alexander Đại Đế: ông muốn xâm lược Parthia, bành trướng La Mã vào Iraq, quê hương của người Do Thái Babylon. Trong cuộc chiến, chắc chắn họ cầu cứu đến người anh em La Mã của mình. Khi Trajan tiến vào Iraq, người Do Thái ở Phi châu, Ai Cập và Cyprus, cầm đầu bởi các ‘nhà vua’ nổi loạn, tàn sát hàng ngàn người La Mã và Hy Lạp, sự trả thù cuối cùng, có thể được phối hợp bởi người Do Thái ở Parthia.

Trajan, sợ bị người Do Thái phản bội ở hậu quân và đòn tấn công từ người Do Thái ở Babylon khi ông tiến vào Iraq, ‘quyết tâm nếu được sẽ hủy diệt hoàn toàn quốc gia’. Trajan ra lệnh giết sạch người Do Thái từ Iraq đến Ai Cập, tại đó, sử gia Appian viết, ‘Trajan đang tận diệt hoàn toàn chủng tộc Do Thái.’ Người Do Thái hiện giờ được xem là thù địch với Đế chế La Mã: họ ‘coi mọi điều chúng tôi tôn kính là báng bổ,’ Tacitus viết, ‘trong khi họ cho phép mọi thứ chúng tôi ghê tởm’.

Vấn đề Do Thái của người La Mã được chứng kiến bởi Thống đốc mới xứ Syria, Aelius Hadrian, người đã kết hôn với cháu gái của Trajan. Khi Trajan mất bất ngờ mà không có người kế vị, hoàng hậu của ông loan báo rằng ông đã nhận một đứa con nuôi khi hấp hối: vị hoàng đế mới là Hadrian, người nghĩ ra được giải pháp để giải quyết bài toán Do Thái một lần cho tất cả. Ông là một hoàng đế đáng nể, một trong những người tạo dựng Jerusalem và một trong những con quái vật siêu đẳng trong lịch sử Do Thái.

HADRIAN: GIẢI PHÁP JERUSALEM

Năm 130, hoàng đế đến thăm Jerusalem, tháp tùng có người tình trẻ Antonius, và quyết tâm hủy diệt thành phố, thậm chí đến cái tên của nó. Ông ra lệnh xây dựng một thành phố mới tại địa điểm thành phố cũ, đặt tên là Aelia Capitolina, theo họ ông và  Jupiter Capitolinus (vị thần được đế chế trân trọng nhất ),và ngăn cấm tục cắt bao qui đầu, dấu hiệu của giao ước giữa Chúa Trời với dân Do Thái, ai vi phạm sẽ chịu tội chết. Người Do Thái, nhận ra rằng điều này có nghĩa Đền Thờ sẽ không bao giờ được tái dựng, nhức nhối trước đòn choáng váng này, trong khi hoàng đế đi tiếp đến Ai Cập.

Hadrian, giờ đã 54, ra đời ở Tây Ban Nha trong một gia đình giàu có nhờ sản xuất dầu ô liu, là một người hình như sinh ra để cai trị đế chế. Được trời ban cho một sức cường ký của một máy chụp ảnh, ông có thể vừa đọc cho thư ký viết, vừa lắng nghe và góp ý cũng một lúc; ông tự mình thiết kế các công trình kiến tạo và làm thơ và soạn nhạc. Ông đi chuyển liên tục, không ngừng đi đến các tỉnh lỵ để tái tổ chức và củng cố đế chế. Ông bị chỉ trích vì rút khỏi những vùng lãnh thổ mà trước đây Trajan đã nhọc sức chinh phục ở Dacia và Iraq. Thay vào đó ông nhắm đến một đế chế bền vững, thống nhất với nền văn hóa Hy Lạp, một khẩu vị nổi bật của ông khiến ông có biết hiệu là Ngài Greekling (Người Hy Lạp hạ cấp). (Bộ râu và kiểu tóc Hy Lạp của ông được uốn bằng sắt nóng bởi những nô lệ được huấn luyện đặc biệt.) Năm 123, trên một chuyến đi kinh lý ở Tiểu Á, ông gặp được duyên kỳ ngộ của đời ông, chàng thiếu niên Hy Lạp Antinous, người trở thành gần như là hoàng hậu của ông.*  Vị hoàng đế hoàn hảo này cũng là một kẻ độc địa khó dự đoán. Có lần trong một cơn nổi doá, ông cầm viết đâm vào mắt một tên nô lệ; và ông mở đầu và kết thúc thời trị vì của mình bằng những cuộc thanh trừng đẫm máu.

* Việc này không làm vừa lòng người La Mã. Tình yêu kiểu Hy Lạp là qui ước và không được xem là yếu nhớt:  Caesar, Antony, Titus và Trajan đều có tính cách mà chúng ta gọi là lưỡng tính. Tuy nhiên, ngược với luân lý ngày nay, người La Mã cho rằng làm tình với bọn trai trẻ nhưng không với người lớn là điều chấp nhận được. Vậy mà thậm chí khi Antinous đã trưởng thành, Hadrian vẫn cứ phớt lờ bà vợ mình và đối xử với người tình của mình như người đối tác.

Giờ ở Jerusalem, trên chốn hoang tàn của thành phố Do Thái, ông thiết kế một thị trấn La Mã cổ điển, được xây dựng chung quanh những đền thờ các thần linh La Mã, Hy Lạp và Ai Cập. Lối vào ba cổng lộng lẫy, Cổng  Neapolis (ngày nay Damascus), được xây bằng đá thời Herod, mở ra một không gian bốn phía, trang trí với các cột đá, từ đó hai đường phố chính, Cardine – trục – dẫn đến hai quảng trường,một sát bên Pháo đài Antonia bị phá hủy và quảng trường kia ở phía Mộ Thánh ngày nay. Tại đó Hadrian cho xây dựng Đền Jupiter bên ngoài là bức tượng thần Aphrodite (Vệ Nữ), ngay trên chính bệ đá mà Jesus bị đóng đinh, có thể là một lựa chọn cố tình nhằm xóa mất một thánh tích của Cơ đốc giáo Do Thái. Tệ hơn, Hadrian thiết kế một điện thờ trên Núi Đền, đánh dấu bằng một bức tượng hùng vĩ của ông trên lưng ngựa. * Hadrian cố tình xóa sạch mọi dấu vết Do Thái của Jerusalem. Thật ra ông đã nghiên cứu người khoe mẽ yêu-Hy Lạp khác, Antiochus Epiphanes, làm sống lại dự án xây dựng một đền thờ các vị thần Olympia ở Athens.

Các công trình của Hadrian vẫn còn sót lại tại một vài chỗ kỳ cục: Tiệm Bánh Kẹo Zalatimo, số 9 đường Hanzeit, kết hợp tàn tích của cổng Đền Jupiter của Hadrian và lối vào quảng trường chính. Tiệm khai trương vào năm 1860, chủ là Muhammad Zalatimo, một trung sĩ người Ottoman; nó vẫn còn hoạt động bởi chủ gia đình của triều đại bánh ngọt người Palestine này Samir Zalatimo. Bức tường của Hadrian chui vào một doanh nghiệp gia đình Palestine lâu đời khác – tiệm bán nước ép hoa quả của Abu Assab – và rồi rồi chui vào Nhà Thờ Alexander Nevsky của Nga. Lối đi có vòm của quảng trường nhỏ hơn của Hadrian còn sót lại trên Đoạn đường Khổ nạn Via Dolorosa, mà nhiều người Cơ đốc lầm tưởng là nơi Pilate trình diện Jesus trước đám đông với hàng chữ ‘Ecce homo’ (Người Đó Đây). Thật ra, đường vòm này chỉ xuất hiện 100 năm sau. Nền móng của Cổng Damascus đã được khai quật để lộ ra nét huy hoàng của thời Hadrian. Sử gia Cassius Dio và nguồn tư liệu Cơ đốc Chronicon Paschale sau này cho rằng một Đền Thờ Jupiter được  xây dựng trên Núi Đền. Điều này là có thể, nhưng không có tàn tích nào được tìm thấy.

Hadrian

Vào ngày 24 tháng 10, lễ hội  Ai Cập tưởng niệm cái chết của thần Osiris, người tình Antinous của Hadrian, bị chết đuối một cách bí ẩn trên sông Nile. Anh ấy đã tự sát? Hadrian hay người Ai Cập đã hiến tế anh ta? Đó có phải là một tai nạn? Hadrian vốn là người thường  khó dò rất đau lòng, phong chàng trai là Osiris, thành lập một thị trấn mang tên Antinopolis và một giáo phái Antinous, cho dựng những bức tượng có khuôn mặt duyên dáng và vóc dáng tuyệt đẹp của chàng ta rải rác khắp vùng Địa Trung Hải.

Trên đường trở về nhà từ Ai Cập, Hadrian đi qua Jerusalem, nơi có lẽ ông đã làm điều gì khác lạ quanh vùng ven thành phố Aelia Capitolina. Phẫn nộ vì bị đàn áp, vì tình trạng Jerusalem bị ô uế do những bức tượng thần linh ngoại giáo và gần đây tượng khoả thân của chàng trai Antinous, người Do Thái đã tích trữ vũ khí và xây dựng những khu phức hợp dưới lòng đất ở vùng đồi Judaea.

Ngay khi Hadrian đã đi khỏi một khoảng cách an toàn, một lãnh tụ bí ẩn được gọi là Hoàng tử  Israel đã phát động cuộc kháng chiến khủng khiếp nhất của người Do Thái.

SIMON BAR KOCHBA: CON TRAI CỦA VÌ TINH TÚ

 Lúc đầu, người La Mã không để ý gì đến người Do Thái, nhưng lần này người Do Thái đã chuẩn bị kỹ lưỡng dưới sự chỉ huy của Simon bar Kochba tài ba, Hoàng tử tự xưng của Israel và Con của  Vì Tinh tú, cùng một dấu hiệu huyền bí của vương quyền đánh dấu sự ra đời của Jesus, đã được tiên tri trong Dân số ký: ‘Sẽ có một ngôi sao từ Jacob, và vương trượng sẽ giơ cao từ Israel và sẽ đánh chết Moab.’ Nhiều người ca ngợi ông là David mới. Vị giáo sĩ đáng kính Akiba (trong Kinh Talmud viết vào thế kỷ thứ tư) khẳng định: ‘Đây là Nhà Vua Tiên tri’, nhưng không phải ai cũng đồng ý. Một giáo sĩ Do Thái khác trả lời: ‘Cỏ sẽ mọc trên cằm ngươi, Akiba, và Con vua David sẽ vẫn chưa xuất hiện.’ Kochba tên thật là bar Kosiba; những kẻ hoài nghi chơi chữ, đổi tên ông thành bar Koziba, Con trai của Sự Nói Dối.

Simon thần tốc đánh bại thống đốc La Mã và hai quân đoàn của y. Mệnh lệnh của ông, được phát hiện trong một hang động Judaea, tiết lộ năng lực khốc liệt của ông: ‘Ta sẽ chết chung với bọn La Mã’ – và quả ông đã làm thế. Ông dẹp tan nguyên một quân đoàn. ‘Ông chụp lấy các pháo đá bắn tới giữa hai đầu gối rồi quăng ném trả và giết được một số kẻ thù.’ Hoàng tử không tha thứ cho bất kỳ sự bất đồng nào: ‘Simon bar Kosiba nói với Yehonatan và Masabala. Hãy cho tất cả đàn ông ở Tekoa và những nơi khác đang ở cùng ngươi đến đây với ta không được chậm trễ. Còn nếu ngươi không gửi họ đến, ngươi sẽ bị trừng trị.’ Là người sùng đạo nhiệt thành,  ông được cho là ‘ra lệnh trừng phạt các tín đồ Cơ đốc nghiêm khắc nếu họ không chối bỏ Jesus là Nhà Tiên Tri’, theo Justin, một tín đồ Cơ đốc đương thời. Ông ‘giết người Cơ đốc khi họ không chịu giúp ông đối kháng La Mã,’ một người Cơ đốc khác, Eusebius, thêm vào, rất lâu về sau này. ‘Gã đàn ông này hiếu sát và là một tên cướp nhưng dựa vào tên mình,  tuyên bố mình là người ban phát ánh sáng.’ ông được cho là đã thử thách mức độ trung thành của chiến binh mình bằng cách yêu cầu mỗi người cắt đứt một ngón tay.

Con Trai Vì Tinh tú cai trị Nhà nước Israel của mình từ pháo đài Herodium, ngay phía nam Jerusalem: đồng tiền của ông công bố ‘Năm Một: Giải Cứu Israel’. Nhưng liệu ông có cúng bái Đền Thờ và phục hồi lễ hiến tế? Đồng tiền của ông phô trương ‘Vì Nền Tự Do Jerusalem’, và tô điểm bằng hình Đền Thờ, nhưng không có đồng tiền nào của ông được tìm thấy ở Jerusalem. Appian viết rằng Hadrian, như Titus, đã tận diệt Jerusalem, ám chỉ là có thứ gì đó để phá hủy, và những kẻ nổi dậy, quét sạch bất kỳ thứ gì cản đường họ, ắt hẳn đã vây hãm Quân đoàn 10 trong Thành lũy và thờ cúng trên Núi Đền nếu họ có cơ hội, nhưng chúng ta không biết họ có làm như thế không.

Đồng tiền do Simon Bar Kochba phát hành có khắc hình Đền Thờ được phục dựng

Hadrian vội vàng quay trở lại Judaea, triệu tập chỉ huy giỏi nhất của mình là Julius Severus từ Anh quốc, và tập hợp bảy hoặc thậm chí mười hai quân đoàn ‘tấn công chống lại người Do Thái, đáp trả không thương xót sự điên cuồng của họ’, theo Cassius Dio, một trong số ít sử gia viết về cuộc chiến mờ mịt này. ‘Gã đã tiêu diệt hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em và nô lệ hóa vùng đất dưới luật thời chiến.’ Khi Severus đến, y áp dụng chiến thuật của người Do Thái, ‘cắt quân địch ra từng nhóm nhỏ, chận đường lương thảo của họ và bao vây’ để có thể ‘nghiền nát và tiêu diệt họ’. Khi quân La Mã khép vòng vây, chiến binh của bar Kochba cần những lời đe dọa nghiêm khắc để giữ vững kỷ luật: ‘Nếu các ngươi ngược đãi người Galilê bên ngươi,’ ông ta nói với một sĩ quan, ‘Ta sẽ đặt xiềng xích vào chân ngươi như  đã làm với ben Aphlul!’

Người Do Thái rút lui đến các hang động của Judaea, đó là lý do tại sao các bức thư của Simon và những đồ đạc thân yêu của họ đã được tìm thấy ở đó. Dân tị nạn và chiến binh này mang theo bên mình chìa khóa những ngôi nhà mà họ bỏ hoang phía sau – như niềm an ủi cho những người không bao giờ trở lại – và những kỷ vật kỷ thân yêu – một chiếc đĩa thủy tinh, một chiếc gương trang điểm trong hộp da, một hộp đồ trang sức bằng gỗ, một chiếc xẻng hương. Và cùng với những đồ vật ấy họ đã chết vì của cải được tìm thấy nằm bên cạnh nắm xương tàn của họ. Những bức thư rời rạc ghi lại những phút giây ngắn ngủi trước thảm họa: ‘Cho đến cuối cùng … họ không còn hy vọng … những người anh em của tôi ở phía nam … những thứ này đã bị mất bởi thanh kiếm …’

Người La Mã tiến lên pháo đài cuối cùng của bar Kochba, Betar, 6 dặm về phía nam Jerusalem. Bản thân Simon đã tử trận trong chốt phòng ngự cuối cùng tại Betar, với một con rắn quấn quanh cổ theo truyền thuyết của người Do Thái. ‘Mang xác hắn đến cho ta!’ Hadrian nói, và  ấn tượng trước thủ cấp và con rắn. ‘Nếu Chúa không giết anh ta, ai sẽ trấn áp được hắn?’ Hadrian có lẽ đã trở về Rome nhưng dù sao đi nữa, ông cũng đã báo thù được bằng một cuộc chiến gần như là diệt chủng.

Cassius Dio viết: “Rất ít người sống sót. ‘Năm mươi tiền đồn và 985 ngôi làng của họ đã bị san bằng. 585.000 người đã thiệt mạng trong các trận chiến và nhiều hơn nữa do ‘đói khát, bệnh tật và hỏa hoạn’. Bảy mươi lăm khu định cư Do Thái được biết đến chỉ đơn giản là biến mất. Người Do Thái bị bắt làm nô lệ nhiều đến nỗi tại chợ nô lệ Hebron họ đáng giá không bằng một con ngựa. Người Do Thái tiếp tục sống ở nông thôn, nhưng bản thân Judaea không bao giờ hồi phục được sau trận tàn phá của Hadrian. Hadrian không chỉ thực thi lệnh cấm cắt bao quy đầu mà còn cấm người Do Thái đến gần Aelia, vi phạm sẽ bị tử hình. Jerusalem đã biến mất. Hadrian xóa sạch Judaea khỏi bản đồ, cố tình đổi tên nó thành Palaestina, theo tên kẻ thù truyền kiếp của người Do Thái, người Philistines.

Hadrianus được tung hô với tư cách một  imperum (hoàng đế La Mã), nhưng lần này không có Lễ Khải Hoàn: vị hoàng đế đã bị lu mờ và kiệt sức vì những tổn thất của mình ở Judaea. Khi báo cáo với Viện Nguyên Lão, ông không thể đưa ra lời trấn an thông thường, ‘Ta khỏe, và quân đội cũng vậy.’ Bị chứng xơ cứng động mạch (nhận ra được ở  dái tai chẻ đôi được miêu tả trong các bức tượng của ông), người sưng lên vì bệnh phù, Hadrian giết chết bất kỳ người kế vị nào, ngay cả người anh rể chín mươi tuổi của mình, đã dám nguyền rủa mình: ‘Cầu cho ông ta chết mà không chết.’ Lời nguyền đã thành hiện thực: không chết được, nên Hadrian đã cố tự sát. Nhưng chưa có kẻ chuyên quyền nào viết một cách dí dỏm và hóm hỉnh về cái chết như Hadrian:

Tâm hồn nhỏ bé, kẻ lang thang, kẻ quyến rũ nhỏ bé,

 Khách viếng và đồng hành của Thể xác,

 Giờ đây bạn sẽ lên đường đến nơi nào?

 Đến những nơi tối tăm, lạnh lẽo và âm u –

 Và bạn sẽ thôi làm những trò đùa quen thuộc của mình.

Cuối cùng khi ông qua đời – ‘bị mọi người ghét bỏ’ – Viện Nguyên Lão từ chối phong thần cho ông. Văn học Do Thái không bao giờ đề cập đến Hadrian mà không chua thêm, ‘Cầu mong xương cốt ông ta thối rữa dưới địa ngục!’

Người kế vị ông, Antoninus Pius, đã nới lỏng một chút mức đàn áp người Do Thái, cho phép cắt bì trở lại, nhưng vẫn giữ nguyên các bức tượng của Antoninus cùng với Hadrian trên Núi Đền * để nhấn mạnh rằng Đền thờ sẽ không bao giờ được xây dựng lại. Những tín đồ Cơ đốc, hiện đã hoàn toàn tách biệt khỏi người Do Thái, không thể không hớn hở. ‘Nơi Linh Thiêng’, Christian Justin viết cho Antoninus, ‘đã trở thành một lời nguyền, và sự vinh hiển mà tổ phụ chúng ta ban cho đã bị thiêu rụi bằng lửa.’ Thật không may cho người Do Thái, nền chính trị ổn định của đế chế trong suốt phần còn lại của thế kỷ đã không khuyến khích bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Hadrian.

*   Nằm lật ngược ngay phía trên phần được trang trí của Cổng Bậc Hai ở tường thành phía nam của Núi Đền là một bảng khắc chữ ‘DÂNG TẶNG HOÀNG ĐẾ CAESAR TITUS AELIUS HADRIANUS ANTONINUS AUGUSTUS PIUS’, gần như chắc chắn là đế của bức tượng cưỡi ngựa của Antoninus Pius cũng đứng trên Núi Đền. Ắt hẳn nó đã bị cướp và sau đó được  các kha-lip dòng Umayyad, người đã xây dựng cổng, dùng lại.

Aelia Capitolina là một thuộc địa nhỏ của La Mã gồm 10.000 người, không có tường, chỉ bằng hai phần năm kích thước trước đây, chỉ chạy dài từ Cổng Damascus ngày nay đến Cổng Dây xích với hai quảng trường, Đền thờ Jupiter trên địa điểm Golgotha, hai. bồn tắm nước nóng, một nhà hát, một nymphaeum (tượng các tiên nữ xung quanh hồ nước) và một giảng đường, tất cả đều được trang trí bằng cột, dãy cột và tượng, bao gồm cả một con lợn rừng rất hung dữ của Quân đoàn thứ mười. Dần dần Quân đoàn thứ mười di chuyển khỏi Jerusalem vì người Do Thái, giờ không còn được coi là mối đe dọa, mà chỉ là những kẻ tức tối thôi. Khi đi ngang  qua Jerusalem trên đường đến Ai Cập, Hoàng đế Marcus Aurelius, ‘người thường không ưa dân Do Thái xấu tính và mất trật tự’, ông đã nói đùa so sánh họ với các bộ lạc nổi loạn khác: ‘Ôi Quadi, ôi Samaritan, cuối cùng ta đã tìm thấy một dân tộc ngỗ ngược hơn các ngươi!’

Khi việc kế vị ở La Mã không diễn tiến hòa bình mà dẫn đến  cuộc nội chiến vào năm 193, người Do Thái, hiện sống chủ yếu ở Galilee và xung quanh bờ biển Địa Trung Hải, bắt đầu khuấy động, hoặc chống lại kẻ thù địa phương của họ là người xứ Samaria hoặc có thể gia tăng sự hậu thuẫn cho người cuối cùng giành được ngai vàng, Septimus Severus. Điều này khiến chính sách chống Do Thái bớt gay gắt: vị hoàng đế mới và con trai của ông là Caracalla đến thăm Aelia vào năm 201 và dường như đã gặp nhà lãnh đạo Do Thái, Judah haNasi, được gọi là ‘Ông Hoàng’. Khi Caracalla lên ngôi, ông ban thưởng cho Judah các điền trang ở Golan và Lydda (gần Jerusalem) và quyền cha truyền con nối để phân xử các tranh chấp tôn giáo và thiết lập lịch, công nhận ông là thủ lĩnh cộng đồng – Thượng phụ của người Do Thái.

Ngài Judah giàu có, dường như đã kết hợp được học thuật Do Thái giáo với tính xa hoa quý phái, đã tổ chức hội họp ở Galilee cùng với đội vệ sĩ  người Goth trong khi ông biên soạn Mishnah, truyền thống truyền miệng của Do Thái giáo hậu Đền thờ. Nhờ Judah có những mối liên hệ với triều đình, và theo thời gian, người Do Thái sau khi hối lộ quân đồn trú đã được phép cầu nguyện đối diện với Đền thờ đổ nát trên Núi Olives hoặc trong Thung lũng Kidron. Ở đó, họ tin rằng, shekinah – thánh linh – đang cư ngụ. Người ta nói rằng Judah đã được phép cho một ‘cộng đồng thánh thiện’ nhỏ của người Do Thái đến sống ở Jerusalem, cầu nguyện trong một nhà thờ Do Thái duy nhất trên núi Zion ngày nay. Tuy nhiên, các hoàng đế Severan không bao giờ xem xét lại chính sách của Hadrian.

Dù vậy, niềm khao khát Jerusalem của người Do Thái không bao giờ lung lay. Trong những thế kỷ sau đó, dù sống ở bất cứ đâu, người Do Thái cũng cầu nguyện ba lần một ngày: ‘Cầu mong rằng Đền thờ sớm được xây dựng lại trong thời chúng ta.’ Ở Mishnah, họ đã biên soạn mọi chi tiết về nghi lễ Đền thờ, sẵn sàng khi nó được phục hồi. Tosefta, một biên soạn khác về truyền khẩu, chỉ dẫn: “Một người phụ nữ có thể đeo tất cả đồ trang sức của mình, nhưng nên bỏ đi một món nhỏ để tưởng nhớ đến Jerusalem.” Bữa ăn chiều trong ngày lễ Vượt Qua kết thúc với lời chúc: ‘Năm tới ở Jerusalem’. Nếu đến gần Giê-ru-sa-lem, họ nghĩ ra một nghi thức mặc lại quần áo của mình khi nhìn thấy thành phố đổ nát. Ngay cả những người Do Thái sống ở xa cũng muốn được chôn cất gần Đền thờ để mình là những người đầu tiên sống lại vào Ngày Phán xét. Do đó, bắt đầu có nghĩa trang Do Thái trên Núi Olives.

Có mọi khả năng là Đền Thờ sẽ được xây dựng lại – thực sự nó đã từng xảy ra trước đây và gần như đã trở lại. Trong khi người Do Thái vẫn chính thức bị cấm đến Jerusalem, thì giờ đây những tín đồ Cơ đốc mới là mối nguy hiểm rõ ràng  đối với La Mã.

 Từ năm 235, đế chế trải qua một cuộc khủng hoảng 30 năm, lung lay từ trong ra ngoài. Ở phía đông, một đế chế Ba Tư mới năng động, thay thế Parthia, thách thức La Mã. Trong thời kỳ khủng hoảng, các hoàng đế La Mã đổ tội cho các tín đồ Cơ đốc là những kẻ vô thần, không chịu hiến tế cho các vị thần của họ, từ đó họ ra tay bức hại giáo dân một cách dã man, cho dù đạo Cơ đốc chi là một tôn giáo đơn lẻ với một nhúm các tín điều khác nhau. Người Cơ đốc nhất trí về những điều cơ bản: sự cứu rỗi và cuộc sống sau khi chết cho những người được Jesus Christ cứu vớt. Jesus là người đã khẳng định những lời tiên tri Do Thái cổ đại mà các tín đồ trưng dụng lấy đó là của tôn giáo mình. Giáo chủ của họ đã bị người La Mã giết vì kết tội nổi loạn, nhưng người Cơ đốc tự dán lại nhãn hiệu cho niềm tin của mình thù nghịch với người Do Thái, chứ không phải với người La Mã. Từ đó La Mã trở thành thành phố thánh của họ; phần đông tín đồ Cơ đốc ở Palestine sống tại Caesarea trên bờ biển; Jerusalem trở thành ‘thành phố thiên đường’, trong khi địa điểm thực sự, Aelia, chỉ là một thị trấn mờ mịt nơi Jesus đã chết. Tuy vậy các giáo dân Cơ đốc địa phương vẫn giữ duy trì truyền thống về nơi Đóng Đinh và Phục Sinh, giờ đã bị chôn vùi dưới Đền Thờ Jupiter của Hadrian, và thậm chí họ còn bò vào bên trong đế cầu nguyện và rạch những tranh tường.*

* Trong khi khai quật Nhà Nguyện St Helena Armenian cổ đại, các nhà khảo cổ người  Armenia phát hiện một khoảng không gian (giờ là Nhà Nguyện Varda) chứa một tranh vẽ đầy mê hoặc: một con thuyền và dòng chữ Latinh ‘Domine ivimus’ (Thưa Chúa chúng con đã tới), Hình vẽ này có niên đại từ thế kỷ 2, chứng tỏ tín đồ Cơ đốc đã lén lút đến cầu nguyện bên dưới Đền Jupiter ở Aelia đa thần giáo (hình dưới).

Tại thời điểm mạt trị nhất của La Mã vào năm 260, người Ba Tư bắt được hoàng đế (ông bị ép uống vàng lõng, rồi sau đó móc ruột và nhồi rơm) trong lúc toàn bộ phía đông, kể cả thị trấn không tường thành Aelia, bị mất vào tay một đế chế Palmyran non yểu do một phụ nữ trẻ cầm đầu, Zenobia. Nhưng trong vòng 12 năm La Mã đã thu hồi lại miền Đông. Vào cuối thế kỷ, hoàng đế Diocletian phục hưng thành công quyền lực La Mã và tái lập việc thờ cúng các vị thần cũ. Nhưng người Cơ đốc dường như đang phá hỏng sự trỗi dậy này. Năm 299, Diocletian đang làm lễ hiến tế thần linh tại một đám rước ở Syria thì một số binh lính đạo Cơ đốc làm dấu thánh. Thấy vậy các thầy tế đa thần giáo tuyên bố sự linh thiêng không còn nữa. Khi cung điện của Diocletian bị hỏa hoạn ông đổ tội cho người Cơ đốc và tiến hành một loạt các vụ bức hại tàn bạo, biến các tín đồ Cơ đốc thành kẻ tử đạo, đốt kinh sách và phá hủy nhà thờ.

Khi Diocletian thoái vị vào năm 305, chia đế chế ra làm đôi, Galerius, hoàng đế phía đông, càng tăng cường việc tàn sát người Cơ đốc bằng rìu, thiêu sống và phanh thây. Nhưng hoàng đế miền Tây là Constantius Chlorus, một quân nhân người xứ Ilyaria vạm vỡ, người đã lên nắm quyền ở York. Đã mắc bệnh,ông mất chẳng bao lâu sau đó nhưng vào tháng 7 306 các quân đoàn xứ Anh tung hô con trai trẻ của ông, Constantine, lên làm hoàng đế. Ông phải mất 15 năm để chính phục trước tiên là miền Tây rồi miền Đông, nhưng Constantine, giống như Vua David, sẽ thay đổi lịch sử của thế giới và số phận của Jerusalem bằng một quyết định duy nhất.


Bình luận về bài viết này