
Du kích Cộng sản Iran
Long Vũ
Nếu ai đã đọc qua cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ”Ông lão 100 tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”, chắc sẽ nhớ đoạn nhân vật chính Allan Karlsson được sống sót vượt qua 2000km trên dãy Himalaya lạnh -40 độ C nhờ sự giúp đỡ của 3 người Cộng sản Iran. Kết cục đoạn đó là cái chết rất lãng xẹt của 3 người Cộng sản Iran vì ”lỡ” mang theo quyển ”Tuyên ngôn Cộng sản” bằng tiếng Ba Tư (dù họ đọc được tiếng Anh).
Tóm lại, câu chuyện trên muốn thể hiện rằng trong suốt lịch sử của mình, cuộc đấu tranh của những người Cộng sản Iran luôn chỉ le lói như một đốm lửa yếu ớt. Lần duy nhất đốm lửa này có cơ hội bùng cháy là vào năm 1982 – với cuộc nổi dậy ở căn cứ Amol cực bắc Iran.
*Liên minh những người Cộng sản Iran (Sarbedaran).
Nòng cốt trong cuộc đấu tranh của những người Cộng sản Iran – như trong tiểu thuyết ”Ông lão 100 tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” đã nói – là những người Iran cộng sản lưu vong ở Trung Quốc và Afghanistan. Đa phần họ theo đường lối Maoist của Trung Quốc. Nếu ai hỏi lý do tại sao họ không theo đường lối Marxist của Liên Xô thì có thể xem lại sự kiện ”Khủng hoảng Iran” năm 1946, khi mà Iran suýt nữa trở thành một tỉnh của Liên Xô.
Thành lập vào khoảng năm 1970, đến năm 1976, những nhóm Cộng sản Iran trong và ngoài nước thống nhất thành ”Liên minh những người Cộng sản Iran” và gọi nhau bằng biệt danh ”Sarbedaran” (سربداران). Ý nghĩa của cái tên ”Sarbedaran” – đó là một triều đại thế tục từng lãnh đạo kháng chiến chống lại quân Mông Cổ ở miền Bắc Iran vào thế kỷ 14.
Cho đến trước năm 1979, Liên minh này đã lãnh đạo các cuộc đấu tranh của giới thợ và sinh viên rộng khắp miền Bắc Iran. Họ chủ trương lật đổ chế độ quân chủ của Vua Pahlavi mà họ cho là ”tay sai đế quốc”. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh với chế độ quân chủ, họ cũng cạnh tranh ảnh hưởng với một nhóm Marxist là ”Đảng Nhân dân Mujahedin”.
Đảng Nhân dân Mujahedin, là một nhóm Marxist liên hệ mật thiết với Liên Xô và chế độ Đảng Ba’ath của Saddam Hussein ở Iraq. Nhóm này có đường lối đấu tranh chủ trương bạo động, gây ra nhiều vụ đánh bom và ám sát trên khắp Iran. Do vậy, nó bị chính quyền vua Shah ở Iran đàn áp khốc liệt hơn và đến năm 1980 đã phải dạt hầu hết sang Iraq lánh nạn. Cuộc đấu tranh ở Iran từ đó thiên về đường lối Maoist của ”Sarbedaran”.
*Chỉ trích Cách mạng Hồi giáo.
Chế độ quân chủ của vua Shah bị Cách mạng Hồi giáo của giáo chủ Ruhollah Khomeini lật đổ. Tuy nhiên, cuối cùng thì những người Cộng sản Iran sau đó đã phê phán chế độ Hồi giáo còn gay gắt hơn cả nền quân chủ. Theo họ, chỉ sau 2 năm, ”sự hưng phấn cách mạng đã nhường chỗ cho cuộc đảo chính phản cách mạng do tay giáo sĩ Ayatollah Khomeini đứng đầu”. Chỉ trích việc chế độ Hồi giáo của Ayatollah Khomeini thủ tiêu sự tự do trong dân chúng và đàn áp cuộc đấu tranh của các lực lượng dân chủ trong nước Iran, những người Cộng sản Iran nhận định rằng ”chế độ Hồi giáo đã đánh mất tất cả các đặc điểm tiến bộ của nó, mà mặc dù chế độ này thách thức Hoa Kỳ, để trở thành thế lực phản cách mạng chống lại nhân dân”. Từ đó, tức từ năm 1981, những người ”Sarbedaran” quyết định thực hiện một cuộc nổi dậy, và lần này là nổi dậy vũ trang, với súng đạn và đổ máu để chống lại chế độ Hồi giáo cầm quyền.
*Xây dựng căn cứ ”chiến tranh nhân dân”
Nhóm ”Sarbedaran” xác định rõ ràng ”chiến tranh nhân dân” là con đường duy nhất của họ. Để làm được điều đó, họ cần tạo ra một căn cứ địa vững chắc để xây dựng nó, tập hợp sự ủng hộ của nhân dân. Và họ quyết định chọn thành phố Amol – một thành phố 200.000 dân bên biển Caspi ở vùng cực bắc Iran. Họ làm hẳn một tuyên bố những lý do tại sao chọn Amol làm ”căn cứ địa cách mạng”:
-Có lịch sử nổi dậy sớm: Amol nằm gần Siahkal – nơi vào năm 1970 diễn ra cuộc nổi dậy vũ trang đầu tiên trong lịch sử Iran hiện đại.
-Giáp với Liên Xô: từ Amol có thể đi tới Azerbaijan hoặc Turkmenistan, đều thuộc Liên Xô. Ngoài ra có thể đào thoát bằng đường biển qua Caspi.
-Kiểm soát được Quốc lộ Haraz – tuyến đường quan trọng nhất cả nước Iran – nối Teheran với tất cả các địa phương phía Bắc Iran.
-Rừng Amol rất dày, che phủ cao. Ngoài ra nhiều hang động ngầm dưới đất.
-Tiếp cận dễ dàng nguồn nước sông Haraz.
-Cách Teheran chỉ khoảng 100km.
…vv
Do đó, từ tháng 9/1981, lợi dụng việc chế độ Saddam Hussein ở Iraq mang quân tấn công Iran, những người Cộng sản ”Sarbedaran” đã tập trung về Amol để dựng căn cứ. Họ lập căn cứ bí mật sâu trong rừng, nhưng ở bên ngoài ra sức kêu gọi sự ủng hộ của người dân, thu nhận nhiều cảm tình viên cách mạng.
Theo các tài liệu của Cộng hòa Hồi giáo Iran, chính quyền Iran đã biết rõ kế hoạch này của những người Cộng sản và ghi chép rất chi tiết về tình hình lực lượng của họ ở Amol. Cụ thể như:
-Các hoạt động quân sự ở Amol bắt đầu từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 1360 theo lịch Iran (tức năm 1981 dương lịch).
-Có khoảng 200 quân ”Sarbedaran” được xác định trong rừng, ngoài ra còn số lượng lớn quân không rõ danh tính. Ngoài ra lực lượng Cộng hòa Hồi giáo Iran xác định được 9 thành viên cấp cao của quân nổi dậy Cộng sản, cần tiêu diệt ngay.
-Quân Iran biết tất cả vũ khí của quân Cộng sản, gồm: 50 tới 55 khẩu súng trường Koch G3 của Đức; 3-4 khẩu súng trường Kalashnikov (chắc ám chỉ AK); 1 khẩu súng trường M1 Grand; 3-4 khẩu Uzi; 4 khẩu súng lục M1911; 5-6 khẩu phóng lựu RPG-7; 1 khẩu súng máy MG3 và gần 200 lựu đạn. Ngoài ra, quân nổi dậy tự chế bom bằng nồi áp suất, và thậm chí thiết lập đường dây điện thoại trong rừng. Thậm chí họ còn biết có 2 máy Photo, 1 máy đánh chữ, 2 xe tải, 2 xe khách, 2 xe máy và vài con lạc đà trong rừng Amol.
-Quân du kích tịch thu lương thực của người dân. Có tài liệu kể rằng họ đã cướp lương thực từ nhà của một mullah (thầy tu Hồi giáo) nổi tiếng ở làng Ghaznasra. Không may cho họ, con trai của thầy tu đó là lãnh đạo quân sự cao cấp của Vệ binh Hồi giáo Iran.
-Một thành viên tên Siamak Zaeem của quân nổi dậy đầu thú, cho biết rằng quân Cộng sản có nguồn tài chính bằng cách: thu phí thành viên; cướp ngân hàng và thương nhân qua cao tốc Haraz; thậm chí ”kinh doanh” bằng cách mua vườn cây và bán lại trái cây; sau cùng được tài trợ bởi những người ủng hộ,…
*Nổi dậy ở Amol (1981-1982).
Từ năm 1981 đến giữa năm 1982, những người ”Sarbedaran” đã 3 lần phong tỏa cao tốc Haraz, cắt đứt liên lạc giữa Teheran và các tỉnh phía Bắc Iran. Khi quân Vệ binh Hồi giáo đưa lực lượng lớn lên giải tỏa cao tốc Haraz, quân ”Sarbedaran” quyết định phát động tấn công.
Theo tài liệu, ngày 9/11/1360 (tức năm 1981 dương lịch), quân Cộng sản Iran phát động tấn công vào thành phố Amol. Cuộc tấn công bất ngờ thắng lớn, khi quân nổi dậy tiêu diệt được 2 tướng cao cấp của Vệ binh Hồi giáo là Valiullah Kargar và Behnam Rudgarmi. Tuy nhiên, sau này theo lời thú nhận của Mahmoud Azadi – một thành viên Cộng sản bị bắt sau này – cuộc tấn công ngày 9/11/1981 là cuộc tấn công tùy tiện ngoài kế hoạch, điều gây ra xung đột trong nội bộ quân ”Sarbedaran”.
Đến ngày 12/11/1360, cuộc đụng độ lớn thứ 2 diễn ra. Trận chiến giết chết 44 thành viên của Vệ binh Hồi giáo, nhưng cũng khiến gần một nửa thành viên ”Sarbedaran” thương vong. Sau đó, ngày 15/11/1360, Vệ binh Hồi giáo ghi nhận một vụ tấn công do một nhóm Cộng sản không phải ”Sarbedaran” thực hiện trên cao tốc Haraz nối Teheran với Amol. Lực lượng tấn công đã chặn đường nhiều xe qua lại và giết bất cứ ai nghi là lính của vệ binh Hồi giáo.
Đến ngày 20/12/1360, quân ”Saberdaran” đánh úp căn cứ mới thành lập của quân Vệ binh Hồi giáo ở làng Rozkeh gần thành phố Amol. Theo tuyên truyền của họ, người dân Amol đã hỗ trợ quân Cộng sản chiếm căn cứ của Vệ binh Hồi giáo. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, quân Vệ binh Cách mạng đã đạt được một thắng lợi lớn khi ngày 4/1/1361 (tức năm 1982) tiêu diệt được Akbar Isfahani – thủ lĩnh chính trị (dạng Chính trị viên) của quân ”Saberdaran”. Mặc dù theo tài liệu, chỉ để tiêu diệt được Akbar Isfahani – Vệ binh Hồi giáo đã hy sinh tới 7 người.
Sau tổn thất này, quân ”Saberdaran” rút sâu vào rừng trong thời gian dài. Họ gặp khó khăn vì thiếu lương thực, tuyết rơi và đường dây điện thoại bị phá hủy. Đến ngày 5 và 6 tháng 2 năm 1361, họ mới quyết định thực hiện cuộc tấn công gây tiếng vang lớn vào tòa nhà của ”quân Basij”. Quân Basij là gì? Là lính trẻ em cảm tử từ 12 tới 15 tuổi trong lực lượng Vệ binh cách mạng Iran. Theo các tài liệu ghi lại, thì việc tấn công trẻ em khiến người dân Amol quay sang chống lại quân ”Saberdaran” và ủng hộ các thiếu niên Basij chống lại cuộc tấn công. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, quân Basij đẩy lùi được quân ”Saberdaran” và tiêu diệt hàng chục thành viên Cộng sản.
Sau cuộc tấn công bất thành này, ”Saberdaran” đã mất hầu hết lực lượng của họ. Đến ngày 26/2/1361, Vệ binh Hồi giáo tuyên bố đánh bại hoàn toàn quân ”Saberdaran”.
*”Lịch sử sẽ chứng minh ai là tay sai Đế quốc!”
Cuộc nổi dậy của người Cộng sản Iran ở Amol năm 1982 cuối cùng thất bại. Để kỷ niệm chiến thắng, chính quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran chọn ngày 26/2 hàng năm là ”Ngày sử thi anh hùng của nhân dân Amol”. Cho đến ngày nay, họ vẫn hay chiếu lại các tư liệu về cuộc chiến chống lại quân Cộng sản Iran ở Amol mỗi khi đến dịp 26/2 và thậm chí còn làm phim truyện về nó.
Những người Cộng sản Iran sau đó đã trải qua thời kỳ đàn áp khắc nghiệt. Theo ước tính của họ, chỉ trong mùa hè năm 1983 đã có từ 4.000 tới 5.000 người bị chính quyền Hồi giáo hành quyết, trong đó có nhiều lãnh đạo hàng đầu. Từ năm 1984, hầu hết các thành viên Cộng sản Iran đã phải dạt sang nước ngoài.
Theo những giai thoại kể lại, Behrooz Fathi – một lãnh tụ cao cấp của Saberdaran – trước khi bị hành quyết đã bị quân Vệ binh Hồi giáo buộc tối rằng bị nước ngoài giật dây chống lại Cách mạng Hồi giáo. Behrooz Fathi thẳng thừng đáp lại ”Rồi lịch sử sẽ chứng minh ai là tay sai Đế quốc!”.
Sau hàng chục năm, những người Cộng sản Iran vẫn chỉ trích nặng nề chế độ Hồi giáo, rằng ”chế độ phản động Hồi giáo đang cai trị ở Iran không gì khác ngoài việc áp đặt một phiên bản khủng khiếp hơn của cùng một hệ thống áp bức và bóc lột tồn tại dưới thời vua Shah”. Mặc dù vậy, cuộc đấu tranh của họ đã không được duy trì đủ mạnh. Người ta coi rằng, đến năm 2001, cơ bản các nhóm Cộng sản Iran tồn tại trước kia đều đã giải thể.
*** Mujahedin Nhân dân (MEK) và phong trào kháng chiến đô thị (Urban guerrilla) ở Iran.
Trước đây, đã có một bài viết về cuộc nổi dậy của một liên minh những người Cộng sản Maoist ở Iran chống lại chính quyền Cộng hòa Hồi giáo. Kỳ thực thì cuộc nổi dậy đó chỉ là một hạt cát trong sa mạc nếu so sánh với phong trào kháng chiến (mà chủ yếu ở đây là du kích trong đô thị – Urban guerrilla) do tổ chức ”Mujahedin Nhân dân” lãnh đạo. Đại loại nếu chúng ta có Biệt động Sài Gòn thì ở Iran có Biệt động Teheran như thế. Cho đến tận ngày nay, ở Iran người ta vẫn coi ”Mujahedin Nhân dân” là tổ chức chống đối lớn nhất và nguy hiểm nhất mà nước Cộng hòa Hồi giáo phải đối mặt.
Vậy ”Mujahedin nhân dân” là ai? Và tại sao họ lại khiến chính quyền Hồi giáo Iran ”sợ xanh mặt” đến vậy?
*”Mujahedin nhân dân là ai”?
Thành lập năm 1965, bản chất ”Mujahedin nhân dân” là một tổ chức dân quân cực tả ở Iran. Họ không thừa nhận liên kết với bất kỳ tổ chức Cộng sản nào ở Iran lúc đó, mặc dù các thành viên của nhóm ban đầu đều là những sinh viên Iran theo đuổi chủ nghĩa Marx trong các trường đại học. Nó được một nhóm các sinh viên đối lập thành lập ngày 5/9/1965, lấy tên là ”Mujahedin-e-Khalq” (Mujahedin của Nhân dân) và vì vậy được viết tắt là MEK.
MEK ban đầu chống đối chính quyền thân Mỹ của vua Shah Pahlavi. Khác với các nhóm đối lập khác theo đuổi đường lối đấu tranh ôn hòa hoặc kháng chiến ở các khu vực hẻo lánh, đường lối đấu tranh của ”Mujahedin nhân dân” rõ ràng là liều lĩnh hơn rất nhiều, đánh thẳng vào đầu não chính quyền quân chủ trong các đô thị, thậm chí đánh thẳng vào quân đội Mỹ đóng ở Iran.
Từ năm 1970, MEK đã thực hiện hàng trăm vụ đánh b.om và ám s.át lớn nhỏ nhằm vào chính quyền quân chủ Iran và quân đội Mỹ. Nhiều cái tên đình đám của chính quyền Iran và Mỹ đã nằm trong danh sách bị MEK tiêu diệt:
-Tháng 5/1972: ám sát chuẩn tướng Không quân Harold Price. Tướng này bị thương thoát chết được đưa về nước.
-Ngày 13/8/1972: tiêu diệt Chuẩn tướng Saeed Taheri – Cảnh sát trưởng thủ đô Teheran, Iran.
-Ngày 2/6/1973: ám sát Trung tá Mỹ Lewis Lee Hawkins
-Tháng 3/1975: tiêu diệt chuẩn tướng Cảnh sát Reza Zandipoor
-Ngày 21/5/1975: tiêu diệt Đại tá Paul R. Shaffer và trung tá Jack H. Turner của quân đội Mỹ.
-Ngày 28/6/1976: ám sát 3 quân nhân Mỹ Robert R. Krongrad, William C. Cottrell và Jr., Donald G. Smith.
Các cuộc tấn công của MEK đánh vào đầu não Iran lúc đó đã góp phần rất lớn là sụp đổ chế độ quân chủ của vua Shah. Chính vì vậy, sau khi cách mạng Hồi giáo thành công năm 1979, Giáo chủ Ruhollah Khomeini đã mới nhóm MEK tham dự cuộc tuyển cử quốc gia sau đó. Nhưng MEK đã từ chối.
*Chống đối Cộng hòa Hồi giáo
Giống như các nhóm Cộng sản khác ở Iran lúc đó, ”Mujahedin nhân dân” coi chính quyền Cộng hòa Hồi giáo do Giáo sĩ Ruhollah Khomeini đứng đầu thậm chí còn áp bức và phản cách mạng hơn cả chính quyền vua Shah. Do vậy, khi giáo sĩ Ruhollah Khomeini mời họ tham gia tuyển cử, MEK đã bác bỏ và quay súng tấn công chính quyền mới của Iran. Từ đó, MEK trở thành nhóm đối lập chính và kẻ thù lớn thứ 2 của Cộng hòa Hồi giáo Iran, chỉ sau quân xâm lược Iraq đang lăm le tấn công xâm chiếm Iran lúc đó.
Cũng giống như cuộc chiến chống lại vua Shah trước đó, nhóm MEK tiếp tục thể hiện đường lối đấu tranh bạo lực và liều lĩnh, tấn công thẳng không ngần ngại vào các quan chức hàng đầu và giáo sĩ chóp bu của chính quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran. Khác với nhóm Cộng sản Maoist lúc đó, lên rừng núi phía Bắc Iran lập căn cứ kháng chiến rồi bị dẹp trong 1 năm, phong trào kháng chiến của MEK nhấn mạnh việc tấn công cảm tử trong đô thị và nhờ đó kéo dài trong hàng chục năm. Từ năm 1980 đến 1982, hàng nghìn vụ tấn công đã được MEK tiến hành, làm thiệt mạng hàng chục nghìn binh lính, quan chức, giáo sĩ, dân thường Iran,… lẫn các thành viên của MEK.
Tuy nhiên, từ năm 1983, MEK tuyên bố ủng hộ chính quyền Iraq của Saddam Hussein tấn công Iran. Điều này khiến MEK bị nhiều người dân Iran coi là ”phản quốc” và quay lưng chống lại. Sai lầm này làm cho MEK bị suy giảm ảnh hưởng và chịu nhiều thiệt hại từ năm 1983 trở về sau. Các lãnh đạo MEK lần lượt phải di tản sang châu Âu tị nạn, nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy các vụ tấn công nhỏ lẻ nhằm vào chính quyền Iran từ đó tới năm 2003.
Trong hàng nghìn vụ tấn công vào Cộng hòa Hồi giáo Iran của nhóm MEK, có những vụ tấn công đặc biệt gây tiếng vang lớn như sau:
-Ngày 28/6/1981: ”thổi bay màu” chính phủ Iran khi ám sát hàng loạt Bộ trưởng Mousa Kalantari – Bộ trưởng Xây dựng và Nhà ở Iran; Mahmoud Ghand – Bộ trưởng Điện báo và Điện thoại; Hassan Abbaspour – Bộ trưởng Năng lượng và Mohammad-Ali Fayyazbakhsh – Bộ trưởng đang chờ chỉ định. Tổng cộng cả ngày hôm đó, MEK giết 73 người gồm 4 bộ trưởng, 10 thứ trưởng và 27 thành viên Quốc hội Iran.
Cho đến nay đây vẫn là vụ tấn công đẫm máu nhất Iran phải hứng chịu. Lịch sử gọi nó là ”Vụ đánh b.om Hafte Tir”
-Ngày 30/8/1981: tiếp tục ”thảm sát” chính quyền Iran khi ám sát cả Tổng thống Mohammad-Ali Rajai lẫn Thủ tướng Mohammad-Javad Bahonar. Chỉ trong vài tháng, gần một nửa chính phủ và quốc hội Iran bị MEK cho về chầu Allah. Cho đến nay, chưa có bất kỳ ai làm được điều này, kể cả Mỹ hay Iraq.
-Ngày 6/7/1981: ám sát Thống đốc tỉnh Gilan – Mohammad-Ali Ansari.
-Ngày 5/9/1981: ám sát Ali Qoddousi – Tổng công tố viên Quân đội Iran và Houshang Vahid-Dastjerdi – Cảnh sát trưởng toàn Iran.
-Ngày 15/6/1982: ám sát thất bại Ahmad Khomeini – con trai cả lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini. Ám sát thất bại nhưng nó đã cảnh cáo lãnh tụ tối cao rằng ”gia đình Giáo chủ không còn an toàn”
-Tháng 6/1998: ám sát một giáo sĩ cấp cao dòng Shia ngay giữa thánh địa Najaf của Iraq.
-Ngày 10/4/1999: ám sát Ali Sayyad Shirazi – Phó Tổng tư lệnh Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
-Ngày 1/5/2000: tiêu diệt 1 tướng cấp cao của Vệ binh Cách mạng Iran ngay giữa thủ đô Teheran (nhục quá phải giấu tên). Lúc nay người ta tưởng MEK đã bị tiêu diệt, nhưng vụ tấn công vả cho Iran tỉnh ngộ.
*Suy tàn sau năm 2003.
Như đã nói ở trên, năm 1983 MEK ”lỡ mồm” ủng hộ chính quyền Iraq của Saddam Hussein đang xâm lược Iran, khiến người dân Iran coi MEK là phản quốc. Do đó từ năm 1983 MEK gặp nhiều khó khăn và phải lánh sang Iraq lánh nạn. Ở Iraq, MEK vẫn tiếp tục tiến hành tấn công chống lại Cộng hòa Hồi giáo Iran từ biên giới Iraq. Và có thể bạn chưa biết, MEK đứng hàng 2 trong danh sách các tổ chức ám sát các nhà khoa học Iran, chỉ sau tình báo MOSSAD của Israel.
Nhưng vào năm 2003, quân đội Mỹ đã lật đổ chế độ Saddam Hussein. Khi tiến vào Iraq, quân đội Mỹ bắt sống hơn 6.000 thành viên ”Mujahedin Nhân dân” của Iran đang tị nạn ở đây. Chính quyền Mỹ lẽ ra định tiêu diệt họ vì là một tổ chức cực tả, nhưng sau đó quyết định rằng ”tù binh Iran ở Iraq được bảo vệ theo công ước Geneva”. Thực sự thì người Mỹ định lợi dụng các tù nhân Iran này vào mục đích tình báo chống lại Cộng hòa Hồi giáo Iran. Trong đó, thủ lĩnh MEK là Masoud Rajavi sau khi rơi vào tay Hoa Kỳ đã biến mất bí ẩn. Không ai biết số phận chỉ huy MEK này ra sao, đã chết hay đang làm việc cho tình báo Hoa Kỳ, tất cả đều được phía Hoa Kỳ giấu bí mật.
Nhiều tù nhân MEK sau đó di cư sang Hoa Kỳ, số còn lại dạt sang các nước Đông Âu, đặc biệt nhiều ở Albania, Ukraine, Nga, Azerbaijan (ông này ở Kavkaz, không phải Đông Âu nhưng cơ bản vẫn là team Nga),… Hiện nay họ trở thành các tổ chức đối lập với chính quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran, được các quốc gia này tài trợ để chống lại Cộng Hòa Hồi giáo.
Từ đó đến nay, không có thêm vụ tấn công lớn nào nhằm vào Iran được xác định là do nhóm ”Mujahedin nhân dân” tiến hành. Mặc dù vậy, các nhánh MEK tị nạn ở khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là ở Đông Âu vẫn tiến hành chống đối chính quyền Iran trên nhiều mặt và vì thế bị Iran coi là ”tổ chức khủng bố”. Iraq cũng làm điều này, ngoài ra không có quốc gia nào khác làm như vậy. Đó là do bản chất đặc biệt của MAK: một tổ chức cánh tả nhưng chống đối kịch liệt chế độ Hồi giáo Iran, nên được lòng hầu hết các nước trên thế giới.
*Vụ tấn công Hafte Tir tháng 6/1981 – Quốc hội Iran bay màu.
Ảnh: hiện trường vụ nổ Văn phòng thủ tướng Iran ngày 30/8/1981 khiến Tổng thống và thủ tướng Iran thiệt mạng
Vào thời đầu cách mạng Hồi giáo, các nhân vật cao cấp nhất của Cách mạng hầu hết đều gia nhập ”Đảng Cộng hòa Hồi giáo” (Islamic Republic Party – IRP). Điều này có nghĩa, tuyệt đại đa số thành viên Quốc hội Iran đều thuộc đảng này.
Vào ngày 28/6/1981, hơn 400 người, khoảng một nửa là thành viên Đảng Cộng hòa Hồi giáo Iran tụ họp ở trụ sở Đảng. Cuộc họp có sự tham dự của Mohammad Beheshti – nhân vật được coi là ”anh hai của Cách mạng Hồi giáo”, cánh tay phải của Giáo chủ Ruhollah Khomeini. Vào lúc 8h30 tối hôm đó, khi Mohammad Beheshti vừa mới bắt đầu bài phát biểu của mình cho cuộc họp sắp tới, thì một vụ nổ cực lớn xảy ra. Theo các nhân chứng, thiết bị nổ đặt ngay dưới khán đài mà Mohammad Beheshti đang phát biểu.
Vụ nổ đã gây ra thiệt hại rất nặng nề: 73 người chết và rất nhiều số còn lại bị thương. Điều quan trọng là 73 người chết đó, đại đa số là những thành viên cao cấp của Quốc hội Iran, khiến Quốc hội Iran mất gần một nửa thành viên sau vụ tấn công này. Trong đó, có Mohammad Beheshti – kiến trúc sư Cách mạng Hồi giáo, 4 bộ trưởng và 10 thứ trưởng của Iran. 4 bộ trưởng đó gồm:
-Mousa Kalantari – Bộ trưởng Xây dựng và Nhà ở
– Mahmoud Ghand – Bộ trưởng Thông tin
-Hassan Abbaspour – Bộ trưởng Năng lượng
-Mohammad-Ali Fayyazbakhsh – Bộ trưởng Y tế đang chờ chỉ định.
Thủ phạm nghi ngờ nhanh chóng bị bắt giữ. Đó là Mohammad Reza Kolahi – một sinh viên ngành Kỹ thuật điện làm việc như Kỹ sư âm thanh trong trụ sở Đảng Cộng hòa Hồi giáo lúc đó và được xác minh là thành viên của ”Mujahedin nhân dân” (MEK). Do đó Cộng hòa Hồi giáo Iran xác định MEK là thủ phạm. Sau 1 năm xử án, Mohammad Reza Kolahi bị kết án tử hình cùng 4 điệp viên Iraq đầu năm 1985, nhưng đúng phút chót thì được chính quyền Iran giữ lại để đàm phán với các nhóm Cộng sản khác. Mohammad Reza Kolahi sau này được thả khi nhóm ”Mujahedin Nhân dân” đầu hàng và sang Hà Lan tị nạn. Nhưng đến năm 2015, anh đã bị ám sát ở Hà Lan, mà chính phủ Hà Lan cáo buộc Iran đứng sau.
Cho đến nay, vụ tấn công ngày 28/6/1981 (Iran gọi là đánh bom “Hafte Tir”) vẫn là vụ tấn công kh*ng bố lớn nhất mà Iran phải hứng chịu. Để tưởng niệm, chính phủ Iran hàng năm tổ chức tưởng niệm vụ “Hafte Tir”, bao gồm cầu nguyện và đặt tên các nạn nhân cho các con đường lớn ở thủ đô Teheran.
*Tấn công văn phòng Thủ tướng tháng 8/1981 – Tổng thống, thủ tướng về chầu Allah.
Chưa để Iran hết sốc sau khi thổi bay một nửa Quốc hội, MEK tiếp tục giáng đòn choáng váng vào chính quyền Iran. Lần này, họ diệt luôn Tổng thống và Thủ tướng của Iran không chút nương tay.
Vào ngày 30/8/1981, Tổng thống Iran Mohammad Ali Rajai đến văn phòng của Thủ tướng Mohammad Javad Bahonar để bàn chuyện. Biết được việc này, các du kích MEK lên kế hoạch tiêu diệt cả 2. Thế là một thành viên của MEK tên là Masoud Keshmiri, người đã che giấu thân phận mình và leo đến chức ”Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia”, đã ngang nhiên đi vào văn phòng thủ tướng Mohammad Javad Bahonar mà không bị phát hiện. Masoud Keshmiri đặt một vali chứa chất nổ vào phòng Thủ tướng và nhẹ nhàng đi ra.
Chẳng bao lâu sau, có người mở vali và dĩ nhiên, Tổng thống Mohammad Ali Rajai, Thủ tướng Mohammad Javad Bahonar cùng nhiều người khác thiệt mạng. Theo cảnh sát Teheran, thì chất nổ và kẻ tấn công sử dụng được chế tạo mạnh đến nỗi làm thi thể nhiều nạn nhân bị hủy hoại đến mức không thể nào nhận dạng được nữa, chỉ còn sót lại răng để xác định. Trong số những người thiệt mạng và bị thương, có thêm nhiều bộ trưởng, lãnh đạo quân đội, cảnh sát Iran,… tiếp tục làm chính phủ Iran chịu thêm thiệt hại nặng nề sau khi đã gánh chịu mất mát lớn sau vụ tấn công “Hafte Tir” hồi tháng 6.
Sau vụ tấn công, thủ phạm Masoud Keshmiri thậm chí còn khéo léo ngụy trang xác của mình và trốn khỏi Iran. Chính quyền Iran sau đó mắc lừa đến mức họ coi Masoud Keshmiri là liệt sĩ đã thiệt mạng. Phải mãi sau đó mới phát hiện Masoud Keshmiri đã dùng hộ chiếu giả trốn khỏi đất nước, và Iran đã truy nã Masoud Keshmiri từ đó đến nay những vẫn chưa tìm được. Nói chung là một vố quá đau cho chính quyền Iran.
Sau vụ tấn công văn phòng thủ tướng, Iran tổ chức quốc tang 5 ngày. Giờ đây, chính phủ và quốc hội Iran đã ”tơi tả” không còn gì sau 2 cuộc tấn công tháng 6 và tháng 8: Tổng thống, thủ tướng ôm nhau chết, quốc hội mất một nửa. Iran sau đó giải quyết bằng cách giao cho giáo chủ Ruhollah Khomeini quyền chỉ định thủ tướng, tổng thống và bầu gấp lại một Quốc hội mới.
Tham khảo:
”New flying bird” (پرندة نو پرواز) do chính những người Cộng sản Iran biên soạn. Ngoài ra, để tìm hiểu từ quan điểm ngược lại thì có phim ”Little Black Fish” (ماهی سیاه کوچولو) do chính phủ Iran làm.
”Ideology and Power in the Middle East” của Peter Chelkowski, phần “The Non-Communist Left in Iran: The Case of the Mujahidin”.