Tư tâm của Trần Ngọc Thành

thai binh (1)

Trích  từ “Thiên Quốc này chẳng thái bình

Tác giả Đào Đoản Phòng

Đỗ Trung Thành dịch

Trần Ngọc Thành là danh tướng của Thái Bình Thiên Quốc, có một dạo trên danh nghĩa là tổng tư lệnh toàn quân, cũng là một trong số ít lãnh tụ đầu não, đã trải qua phong vân biến ảo của lịch sử cận đương đại mà trước sau chưa hề bị “đánh đổ” của Thái Bình Thiên Quốc.

Rất nhiều nhà lý luận so sánh ông với Lý Tú Thành, một tướng lĩnh số một khác ở giai đoạn sau của Thái Bình Thiên Quốc, cho rằng Lý Tú Thành có lòng riêng rất nặng, còn Trần Ngọc Thành thì đại công vô tư. Thậm chí có người nói, Lý Tú Thành lòng mang đố kỵ với Trần Ngọc Thành, chần chừ do dự trong chiến dịch cứu viện An Khánh của Trần Ngọc Thành, còn Trần thì nhiều lần cứu nguy cho Lý, trình độ của hai người đã có sự khác biệt trên dưới rõ ràng.

Rốt cuộc thì có phải như vậy không? Trần Ngọc Thành lẽ nào thật sự chẳng có chút tư tâm? Ông rốt cuộc là người như thế nào?

Mười năm thanh xuân rực sáng như sao băng.

Trần Ngọc Thành là người Khách Gia, ngụ tại một thôn thuộc bờ tây Đại Lê Lý, huyện Đằng, tỉnh Quảng Tây, tổ tiên nghe nói là từ huyện Thượng Hàng, Phúc Kiến di cư tới thôn Phong Thụ Tỉnh, huyện Ông Nguyên, Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông, thời Khang Hy lại di cư tới thôn Bằng Hóa, huyện Bình Nam, Quảng Tây, rồi tiếp tục chuyển đến vùng núi của huyện Đằng. Ông sinh năm 1837, năm 1850 khi cùng toàn tộc tham gia cuộc khởi nghĩa Kim Điền, mới chỉ 14 tuổi, được biên chế vào “Bài vĩ”, cũng tức là lão ấu ngoài biên chế, ông bước trên con đường vạn lý như vậy đó.   

Theo như lời truyền khẩu, tháng 8 Tân Khai nguyên niên (1851), khi quân Thái Bình hành quân tới Đại Lê Lý (cũng tức là nơi quê hương ông), ông đã tới tìm Hữu nhị quân soái La Đại Cương, xin dẫn đường tấn công châu Vĩnh An, tòa thành trì đầu tiên mà Thái Bình Thiên Quốc đánh hạ được, từ đó nhẹ bước thanh vân.

Cách nói này e rằng chưa được xác minh: La Đại Cương là nguyên lão của Thiên địa hội, năm 1847 ông ta đã phối hợp với nhóm Hồ Hữu Phúc, Hồ Hữu Lộc đánh úp Dương Sóc, bất ngờ tập kích châu Vĩnh An, rất thông thạo đường lối nơi đây, lại cần một đứa nhỏ dẫn đường sao? Thái Bình Thiên Quốc thời kỳ đầu thưởng phạt phân minh, Trần Ngọc Thành nếu như lập được công lớn như vậy, lẽ nào cho tới khi đến Nam Kinh vẫn chỉ là Bài vĩ?

Bất luận Trần Ngọc Thành là Bài vĩ cho cơ quân nào, nha nào, tóm lại là ông ta trong cuộc hành quân đường dài cực kỳ gian khó, rất nhiều người giữa đường tử trận hoặc đào ngũ, bình an tới được Thiên Kinh ngày mùng 2 tháng 2 năm thứ 3 Quý Hảo (1853). Hai tháng sau, ông từ Bài vĩ nhẹ bước thanh vân, được phong làm Tả tứ quân chính điển thánh lương, theo quốc tông, danh tướng hiệu xưng “gà trống sắt” Thạch Tường Trinh tây chinh. 

Nói là nhẹ bước thanh vân chẳng ngoa chút nào. Chính điển thánh lương chức đồng giám quân, còn cao hơn quân soái một cấp, Trần Ngọc Thành từ một Bài vĩ, thánh binh còn chẳng bằng thăng thẳng lên chức đồng giám quân, tương đương với thăng liền tám cấp. Khi đó quân Thái Bình mở rộng biên chế, từ 10 cơ quân mở rộng tới 25 cơ quân, lại lên tới 50 cơ quân, 95 cơ quân, quan quân các cấp thiếu hụt, Trần Ngọc Thành tuy chức vụ thấp, tuổi nhỏ nhưng nói thế nào cũng là “lão cách mạng”, đảm nhiệm chức vụ chủ quản hậu cần quân nhu này, cũng không coi là chuyện gì quá đặc biệt, huống hồ ông nhanh chóng dùng chiến tích chứng minh, “đề bạt kiểu hỏa tiễn” là hoàn toàn xứng đáng.

Tháng 4 năm thứ 4 Giáp Dần (1854), ông theo Vi Tuấn, em trai của Vi Xương Huy (khi đó hiệu xưng Quốc tông huynh, đồng cấp với Yến Vương Tần Nhật Cương) tiến công Vũ Xương, tỉnh lỵ của Hồ Bắc. Dưới sự chỉ huy của Vi Tuấn, ông từ huyện Vũ Xương lách qua Lương Tử Hồ, tới được phía đông thành Vũ Xương. Ngày 21 tháng 5, dẫn 500 thiếu niên “Bài vĩ” leo lên tường thành Vũ Xương, giết lính giữ thành, đưa đại đội quân Thái Bình vào thành, sừ sách ghi là “quân Thái Bình hạ thành Vũ Xương lần thứ hai”.

Trận này Trần Ngọc Thành lập công đầu, không chỉ khiến “Đồng Tử quân” của Thái Bình Thiên Quốc (thực ra không hề tồn tại tổ chức như vậy) uy danh vang dội, ngay đến người nước ngoài cũng biết tiếng, mà còn khiến ông được Hồng Tú Toàn ở sâu trong thâm cung chú ý. Tháng 8 năm này, ông nhảy liền ba cấp, được thăng làm Điện hữu thập bát chỉ huy, trấn thủ Kỳ Châu Hồ Bắc. Một tháng sau được thăng làm Điện hữu thập tam kiểm điểm, chỉ huy Hậu thập tam quân và thủy doanh Tiền tứ quân, phụ trách quân vụ hai quận Kỳ Châu và Hoàng Châu, trở thành đại tướng độc giữ một mặt. Lúc này ông mới chỉ 18 tuổi.

Do quân phòng ngự núi Bán Bích và trấn Điền Gia của Tần Nhật Cương thất bại, Trần Ngọc Thành đành phải bỏ hai thành, lui về Hoàng Mai, và tham gia cầm chân quân địch ở ngoại vi chiến dịch Hồ Khẩu nổi tiếng sau đó phản kích Tương quân, ông lần lượt lấy lại được Hoàng Mai, Hoàng Châu, Kỳ Châu và Vũ Xương, đánh bại tổng đốc Hồ Quảng Dương Bái, nhưng đều là dưới sự chỉ huy của Vi Tuấn, nên nói, vẫn chỉ là vai thứ chính trong vở kịch.

Tháng 7 năm thứ 5 Ất Vinh (1855), ông nhận lệnh rời khỏi đội hình của Vi Tuấn, sang phía đông cứu viện cho Lư Châu (nay là Hợp Phì tỉnh An Huy), giữa đường chuyển qua cứu viện Vu Hồ, không lâu sau đó thăng làm Đông quan hựu chính thừa tướng, gia nhập hàng ngũ “cán bộ cao cấp”.

Đầu năm thứ 6 Bình Thìn (1856), ông là một trong “ngũ thừa tướng” trứ danh (Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành, Đồ Chấn Hưng, Trần Sĩ Chương, Chu Thắng Khôn), dưới sự chỉ huy thống nhất của Đỉnh Thiên Yến Tần Nhật Cương, người vừa được phục chức, tham gia vào chiến dịch cứu viện Trấn Giang. Khi đó Trấn Giang bị quân Thanh vây khốn trùng trùng, tướng giữ thành là Ngô Như Hiếu cố thủ, đạn hết lương cạn, Trần Ngọc Thành chỉ dùng một chiếc thuyền nhỏ liều chết đột phá vòng phong tỏa trên mặt sông của quân Thanh, xông vào Trấn Giang, thuận lợi hoàn thành việc nội ứng ngoại hợp, phá tan kế hoạch vây thành của quân Thanh.

Sau đó cánh quân này tấn công tiêu diệt tuần phủ Giang Tô Cát Nhĩ Kháng Khả, công phá đại doanh Giang Bắc, Giang Nam, ép chết khâm sai đại thần Hướng Vinh, tạo dựng lên chiến công hiển hách nhất trong lịch sử Thái Bình Thiên Quốc.

Nhưng sau đó sự biến Thiên Kinh bùng nổ, Tần Nhật Cương bị cuốn vào trong đó, mất mạng oan uổng, Trần Ngọc Thành do ở lại tiền tuyến Đan Dương nên may mắn thoát nạn, lập tức chuyển chiến tới vùng Hoản Giang. Tháng 10 năm đó, ông được phong là Thành Thiên Hầu.

Cuối năm đó, ông hội ngộ với người bạn thân Lý Tú Thành tại Tung Dương (sử sách gọi là cuộc hội ngộ Tung Dương lần thứ nhất), đạt được ý định hợp tác phát triển vùng Hoản Bắc, hai cánh quân lập tức từ Hoản Bắc phát động thế tấn công, liên tiếp hạ các nơi như Vô Vi, huyện Sào, Đồng Thành, Lư Giang, là khu chiến lược đầu tiên chuyển sang phản công sau sự kiện Thiên Kinh sự biến, vực dậy được sĩ khí của Thiên Quốc vốn suy sụp hoàn toàn sau sự biến.

Đầu mùa hạ năm thứ 7 Đinh Tị (1857), Thạch Đạt Khai do bị Hồng Tú Toàn nghi kị, gạt bỏ nên phẫn nộ bỏ đi viễn chinh, Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành bị bỏ lại ở An Khánh. Do binh lực không đủ, từng một dạo hợp binh với cánh quân rút về từ Vũ Hán của Vi Tuấn, tiến về đánh du kích, chiêu binh ở vùng Quang Sơn, Cố Thủy thuộc Hà Nam.

Tháng 9 năm đó, do nhiều biến cố, nhân tài thiếu hụt, Hồng Tú Toàn phong Trần Ngọc Thành làm Hựu chính chưởng soái, phụ tá cho Chính chưởng soái Mông Đắc Ân tổng lý triều chính, từ đó Trần Ngọc Thành trở thành nhân vật số một trong hàng tướng lĩnh bên ngoài, ngoại trừ Thạch Đạt Khai đã ly khai viễn chinh, quan tước cũng từ Thành Thiên Hầu, Thành Thiên Yến, Thành Thiên Phúc, Thành Thiên An, thăng thẳng lên tới chức vị cao nhất lúc đó là Thành Thiên Nghĩa.

 Tháng 4 năm thứ 8 Mậu Ngọ (1858), Cửu Giang thất thủ, Thiên Kinh lại bị vây khốn. Tháng 6, Lý Tú Thành triệu tập đại hội giải vây ở Tung Dương, Trần Ngọc Thành là chủ lực, sử sách gọi là đại hội Tung Dương lần thứ hai, kế hoạch là trước tiên giải vây cho Lư Châu sau đó là Giang Bắc, đến tháng 8 thì đại phá đại doanh Giang Bắc. Trong khoảng thời gian này Hồng Tú Toàn khôi phục lại chế độ chủ tướng của 5 cánh quân, Trần Ngọc Thành được phong làm tiền quân chủ tướng.

Tháng 9 cùng năm, ông phối hợp với Lý Tú Thành, Ngô Như Hiếu, Ngô Định Quy và cánh Niệm quân cờ trắng của Cung Đắc Thụ tiêu diệt toàn bộ hơn 5000 quân tinh nhuệ nhất của Tương quân do Lý Tục Tân cầm đầu tại trấn Tam Hà, thừa thắng đánh cuốn chiếu Hoản Bắc, đạt được đỉnh cao cá nhân trong cuộc đời quân sự.

Sau đó khí thế của ông không hề giảm sút, tuy nhiên do khinh địch nên bị thua Đa Long A ở Nhị Lang Hà, nhưng liền đó lại liên tiếp phá Thắng Bảo, bắt sống khâm sai đại thần Lý Mạnh Quần, khống chế chặt chẽ tuyến An Khánh – Lư Châu, trở thành phái thực lực địa phương lớn nhất của Thái Bình Thiên Quốc.

Tháng 4 năm thứ 9 Kỷ Mùi, Hồng Tú Toàn phong cho Hồng Nhân Can, người vừa đến Thiên Kinh hơn 40 ngày làm Can Vương, phá bỏ lời hứa “vĩnh viễn không phong vương nữa”, dẫn tới việc mọi người bất phục. Với kiến nghị của Hồng Nhân Can, Hồng Tú Toàn phong Trần Ngọc Thành, khi đó địa vị cao nhất, chiến công hiển hách nhất làm Anh Vương, đồng thời hạ chiếu chỉ “việc ngoài không quyết được thì hỏi Anh Vương, việc trong không quyết được thì hỏi Can Vương, hai việc mà không quyết được thì hỏi Thiên Vương”.

Không lâu sau, con người vốn không nhiều chữ nghĩa Trần Ngọc Thành được phong làm Khâm mệnh văn hành hựu chính tổng tài một cách tượng trưng, hỗ trợ Hồng Nhân Can phụ trách sự vụ khoa cử khảo thí. Trần Ngọc Thành trước nay tôn trọng người đọc sách nên rất hài lòng với hư hàm này, từ đó cho tới khi bị bắt, đều nhất mực tự xưng là “bản tổng tài” chứ không chịu sửa.

Tháng 2 năm thứ 10 Canh Thân (1860), Trần Ngọc Thành đông tiến theo sự điều động của Hồng Nhân Can, và vào tháng 3 nhuận hiệp trợ Lý Tú Thành đại phá đại doanh Giang Nam. Sau đó chuyển chiến Tô Nam, Tô Bắc, một dạo bao vây Dương Châu, ép sát Hàng Châu. Tuy nhiên lúc này Tương quân lợi dụng khi ông đông hạ, mật tập Tung Dương, tiến vây An Khánh, ông đành phải mang thương tích vượt sông vào tháng 8, ý định đánh chặn Tương quân, nhưng liên tiếp gặp bất lợi.

Mùa xuân năm thứ 11 Tân Dậu (1861), sau nhiều lần trực tiếp giải vây cho An Khánh không thành công, ông cùng Hồng Nhân Can thương nghị kế hoạch “vây Ngụy cứu Triệu”, dẫn quân đột kích Hồ Bắc. Ngày 21 tháng 2, Hồng Tú Toàn hạ chiếu chỉ “trao tinh kỳ cho Ngọc bào”, giao toàn quyền chỉ huy toàn quân chiến dịch này cho Trần Ngọc Thành.

Theo như kế hoạch, lúc này quân của Lý Tú Thành phải đồng thời từ Giang Tây tấn công Hồ Bắc, hai cánh quân sẽ đánh Vũ Hán, ép khiến cho Tương quân phải bỏ An Khánh quay về cứu viện. Trần Ngọc Thành liên tục trong hơn 20 ngày hạ Anh Sơn, Kỳ Thủy, Hoàng Châu, trực tiếp uy hiếp Hán Khẩu, Hán Dương, tới mức tuần phủ Hồ Bắc tự mắng chửi mình là “kẻ ngu chơi cờ, chết không giữ nhà”, tức tốc điều Tăng Quốc Thuyên, Đa Long A quay về cứu viện nhưng bị Tăng Quốc Phiên trì trọng ngăn trở.

Do cánh quân của Lý Tú Thành hành động chậm trễ, thêm vào đó việc viên lãnh sự Anh đóng tại Hán Khẩu là Baxiali cố ý giấu bức thư mà Lý Tú Thành nhở ông ta chuyển cho Trần Ngọc Thành, giấu đi tin tình báo quân của Lý sắp tới, khuyên Trần Ngọc Thành rút quân, để tránh phá hoại mối quan hệ với liệt cường, Trần Ngọc Thành tin là thực, rút quân về An Khánh, đồng thời gửi thư về Thiên Kinh, thúc giục điều các lộ viện binh tới.

Cho dù Trần Ngọc Thành thành công thu hồi được Tập Hiền Quan và một dạo có được ưu thế về binh lực với cánh quân vây An Khánh của Tăng Quốc Thuyên, nhưng thiếu hụt thủy sư, không cách nào cắt đứt được đường viện trợ của Tương quân, tự mình lại rơi vào cảnh thiếu lương, đành phải dẫn đại quân rút lui, để lại bọn Lưu Xương Lâm, Lý Tứ Phúc và 4000 quân tinh nhuệ nhất giữ bốn lũy của Xích Cương Lĩnh trong Tập Hiền Quan, kết quả bị Tương quân nuốt sạch.

Ngày 26 tháng 7 năm thứ 11 Tân Dậu, An Khánh thất thủ, Trần Ngọc Thành mất hết tinh nhuệ, lui về giữ Lư Châu, không lâu sau bị cách chức lưu nhiệm. Ông càng cảm thấy uất ức, không muốn trở về Thiên Kinh nương nhờ kẻ khác, biết rõ Hoản Bắc khó có thể trú chân vẫn tử thủ Lư Châu, đồng thời phái Trần Đắc Tài, Lại Văn Quang, Lương Thành Phú, Lam Thành Xuân, Mã Dung Hòa, Phạm Lập Xuyên bắc thượng, ý định liên hiệp với Niệm Quân và phái thực lực địa phương Miêu Bái Lâm để phát triển Hoản Bắc, nhưng mấy cánh quân này sau khi vây đánh Dĩnh Châu không hạ được lại nhất lộ bắc thượng đến Thiểm Nam Hán Trung, dẫn tới việc nguyên khí của Trần Ngọc Thành vốn đã bị tổn thương lại càng suy yếu.

Mùa xuân năm thứ 12 Nhâm Tuất (1862), tướng Thanh Đa Long A đem quân áp sát Lư Châu, hợp vây ba cửa Đông, Tây, Nam, “chỉ cách một tầm pháo”, mặt bắc cũng có quân địa phương Định Viễn kềm chân cách thành hơn 10 dặm, Trần Ngọc Thành nhiều lần khẩn cầu các lộ quân Thái Bình về cứu, nhưng ngoại trừ quân của Trần Khôn Thư từ Thường Châu ngày đêm về cứu, giữa đường bại trận quay về, các nơi khác hoặc có lòng mà không có sức, hoặc nhắm mắt làm ngơ, mà quân do Trần phái đi viễn chinh cũng không thể trở về kịp lúc.

Tháng 4 cùng năm, Miêu Bái Lâm, đã bí mật đầu hàng Thắng Bảo, gửi thư cho Trần Ngọc Thành, nói có thể điều động 4 kỳ, 120 vạn đại quân, cùng Trần phối hợp tiến đánh Trung nguyên. Trần vui mừng khôn xiết, bất chấp bộ hạ phản đối, quyết ý phá vây chạy lên phía bắc với Miêu Bái Lâm.

Ngày mùng 1 tháng 4, Trần Ngọc Thành dẫn bộ hạ đột phá trùng vây, do lòng quân ly tán, mấy vạn quân mã nhất lộ tan rã, lúc tới được bên ngoài thành Thọ Châu chỉ còn hơn 4000 người, Miêu Bái Lâm trốn không gặp, để cháu là Miêu Cảnh Khai lừa bọn Trần Ngọc Thành hơn 20 người vào thành rồi bắt giữ, thu nạp tàn quân bên ngoài thành, lập tức đem áp giải Trần Ngọc Thành đến doanh trại của Thắng Bảo.

Trong doanh trại của Thắng Bảo, Trần Ngọc Thành lời nói bất khuất, nói rằng “Thiên triều ân trọng, không thể đầu hàng”, “hình phạt đao búa, một người gánh chịu”, bị áp giải về Bắc Kinh. Do dọc đường không ngừng có Niệm quân và bộ thuộc cũ của Trần Ngọc Thành muốn giải cứu, Thanh đình lo sợ có chuyện nên hạ lệnh “xử lăng trì tại chỗ”. Ngày 23 tháng 4, ông tử nạn tại giáo trường Diên Tân, Hà Nam, tuổi mới 26.

Trần Ngọc Thành hiệu xưng “tam tẩy Hồ Bắc, cửu hạ Giang Nam”, phá 3 tòa tỉnh thành, hơn 150 châu huyện, “bắt sống 4 vị đại khâm sai”, chiến tích chói lọi trong quân Thái Bình. Trước khi chết ông từng nói, “Thái Bình Thiên Quốc mất đi ta, có thể nói là mất đi một nửa giang sơn”, hai năm hai tháng sau khi ông mất, Thiên Kinh thất thủ, Thái Bình Thiên Quốc diệt vong, đúng là không may nói trúng. 

Ông ta có đại công vô tư không?

Trần Ngọc Thành có đại công vô tư không? E rằng chưa chắc.

Tại Hoản Bắc, ông đã giúp đỡ Lý Tú Thành không ít, nhưng Lý cũng không phải là Quản Trọng chỉ nhận lễ mà không trả lễ, trận chiến Tam Hà quan trọng nhất của Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành tới vào thời khắc quan trọng nhất, khiến cho thế giằng co giữa Trần và Lý Tục Tân lập tức phân thắng bại, xem là một sự giúp đỡ rất lớn. Đương nhiên, lúc đó Trần Ngọc Thành địa bàn rộng, người ngựa nhiều, Lý Tú Thành lúc đó địa bàn chỉ có ba huyện (Trừ Châu, Lai An, Thiên Trường) thua chị kém em, việc Trần Ngọc Thành “đổ máu” nhiều hơn cũng là điều hiển nhiên.

Chiến dịch đại phá đại doanh Giang Nam, rất nhiều người cho rằng là Trần Ngọc Thành giúp đỡ Lý Tú Thành nhiều nhất, nhưng Lý lại chẳng chút cảm kích, trong cung từ ông ta nói vốn không muốn để Trần Ngọc Thành trợ chiến, sau khi khai chiến, Trần “không hẹn mà tới” còn khiến ông giật nảy mình.

Trận này Lý Tú Thành tại Vu Hồ quy định cùng Lý Thế Hiền, Dương Phụ Thanh hư công Hàng Châu, theo cách vây Ngụy cứu Triệu, và bẩm báo về cho Hồng Nhân Can ở Thiên Kinh, đích xác là không có hẹn với Trần Ngọc Thành đương ở xa mãi tận Hoản Bắc mà còn phải luôn đề phòng Tương quân đánh úp An Khánh, Trần đến có lẽ là hẹn với quân sư Hồng Nhân Can, không thể tính là “giúp Lý Tú Thành”, đại doanh Giang Nam đã trúng kế, Lý Tú Thành dùng hơn 10 vạn quân Thái Bình tinh nhuệ ở Giang Nam để đối phó với chưa đầy 3 vạn quân Thanh mỏi mệt, vốn không cần thêm trợ giúp.

Trần Ngọc Thành tích cực “giúp đỡ” như vậy, còn có mục đích nhân cơ hội mở rộng địa bàn, tăng thêm nguồn cung cấp quân nhu hậu cần. Ông ta để mãnh tướng số một của mình là Lưu Xương Lâm theo Lý Tú Thành nhất lộ đánh tới Thường Châu, Hoàng Văn Kim chiếm Thường Thục, còn tự mình giúp đi đánh Dương Châu, đánh Hàng Châu, đều là vì địa bàn và vật lực. Hoàng Văn Kim do quấy rối quá đáng nên bị Lý Tú Thành đuổi đi, Trần Ngọc Thành không cam lòng, lại phái Hầu Dụ Điền thay thế, kiên quyết muốn đóng cái đinh tại Tô Nam.

Theo như sử liệu ghi lại, cho dù “tỉnh Tô Phúc” ở Tô Nam được cho là “đất phân” của Lý Tú Thành. Nhưng Trần Ngọc Thành lại chiếm cứ một vùng Đan Dương, Cú Dung, cho tới khi thất thủ. Để tranh giảnh lợi ích, ông ta không ngại trở mặt với người bạn thân Lý Tú Thành, chạy tới Tô Châu tranh cãi, khiến cho Hồng Nhân Can phải tới Tô Châu điều đình.

Ngược lại, ba huyện mà Lý Tú Thành giữ lại ở Hoản Bắc, ông ta lại xem như cây kim dưới gối. Vốn khi Lý Tú Thành nam hạ, lưu lại ba người Chu Hưng Long, Hoàng Kim Ái, Ngô Định Thái trợ thủ. Trần Ngọc Thành dựa vào uy thế, điều Ngô Định Thái đi hỗ trợ phòng thủ An Khánh, để Hoàng Kim Ái đi hành động cùng với mình, kết quả là mất cả ba huyện.

Trận chiến Xích Cương Lĩnh, ông sai Hoàng Kim Ái đi đoạn hậu, không phái binh tiếp ứng, kết quả là Hoàng Kim Ái bị ưu thế của quân Thanh ép cho phải bỏ ngựa trốn vào trong ruộng bùn lầy, toàn quân bị tiêu diệt gần hết, còn Ngô Định Thái thì khi An Khánh thất thủ kiên cường tử chiến. Hoàng Kim Ái là con rể và là ái tướng của Trung Vương Lý Tú Thành, Ngô Định Thái tên xếp trước cả tứ đại tướng dưới trướng Trung Vương,

Rất nhiều nhà lý luận cho rằng An Khánh là cửa ngõ của Thiên Kinh, Hoản Bắc thì là căn cứ địa quan trọng nhất của Thái Bình Thiên Quốc. Trần Ngọc Thành trước sau tích cực cứu viện An Khánh, còn Lý Tú Thành lại chần chừ do dự, công tư cao thấp đã hai năm rõ mười.

Những nhà lý luận này đã coi nhẹ một sự thật, đó là An Khánh là “đất phân” và là đại bản doanh của Anh Vương Trần Ngọc Thành, cũng là cứ địa hậu cần của ông ta. Sau khi thất thủ, mạc liêu của Tăng Quốc Phiên là Triệu Liệt Văn từng nói “vàng bạc quần áo không đếm xuể”, Trần Ngọc Thành cứu An Khánh kỳ thực cũng là “vị kỷ”, do đó không chỉ thời gian đầu có thể giải vây thì liều chết cứu viện , thời gian sau biết rõ là không thể tiếp cứu, khi quân Thanh đã bày ra kế vây thành diệt viện binh. Ông ta bất kể sống chết, kiên quyết tập trung các đạo quân Thái Bình tinh nhuệ, nhảy vào lò lửa An Khánh.

“Tính vị kỷ” của ông ta còn có thể nhìn ra từ thái độ đối xử của ông ta với Vi Tuấn.

Vi Tuấn từng là thượng cấp của ông ta, sau sự biến Thiên Kinh, Vi Tuấn là Hữu quân chủ tướng, Định Thiên Hầu, địa vị chỉ thấp hơn ông ta một chút (cấp bậc như nhau). Năm 1859, Vi Tuấn đóng quân ở vùng Vu Hồ, Trì Châu của Hoản Nam, em kết nghĩa của Dương Tú Thanh là Dương Phụ Thanh, Dương Nghi Thanh từ Giang Tây bắc thượng, cũng đóng quân ở vùng này. Do có huyết hải thâm thù, hai bên không ngừng mạt sát, Vi Tuấn nuốt giận, chuẩn bị vượt sông bắc thượng, đi theo Lý Tú Thành.

Chẳng ngờ người trước giờ từng nhiều lần phối hợp tác chiến là Trần Ngọc Thành bỗng dưng trở mặt, phong tỏa mặt sông, không để Vi Tuấn qua sông, thậm chí còn truyền lời ra là muốn “bắn pháo cản trở”, kiên quyết ép Vi Tuấn đến mức phải đầu hàng Thanh triều. Sau này “mắt xích” đầu tiên thất thủ của An Khánh chính là Tung Dương, mà người công hạ Tung Dương, chính là Vi Tuấn, quốc tông của Thái Bình Thiên Quốc trước kia, nay làm chức quan nhỏ cho Thanh triều.

Trần Ngọc Thành sở dĩ trở mặt không nhận người, một mặt có thể là nhận mật chỉ từ Thiên Kinh, mặt khác cũng là sợ Vi Tuấn hội quân với Lý Tú Thành, sẽ trở thành một thế lực lớn, uy hiếp tới “đất phân” của mình tại Giang Bắc. Nhìn từ điểm này, ông ta cảnh giới chẳng thể cao bằng Lý Tú Thành được.  

Lý Tú Thành “tây chinh” cùng nhau đánh Vũ Hán cố nhiên là có sự chậm trễ, nhưng nói ông ta không chấp hành kế hoạch “vây Ngụy cứu Triệu” thì có chút oan uổng. Xem xét từ sử liệu, ban đầu vốn không có kế hoạch “vây Ngụy cứu Triệu”, Lý Tú Thành không chấp hành là do Hồng Tú Toàn bảo ông ta thực hiện kế hoạch “tảo bắc” (nhân việc liên quân Anh Pháp khai chiến với quân Thanh tấn công Bắc Kinh) còn tự mình nam hạ Giang Tây tiếp ứng cho hành động của binh đoàn bạn; Lúc này bản thân Trần Ngọc Thành cũng không có “vây Ngụy cứu Triệu” mà là đánh thốc vào Tăng Quốc Thuyên, Đa Long A, chuẩn bị trực tiếp giải vây.

Sau khi An Khánh thất thủ, Trần Ngọc Thành nếu “chí công vô tư” thì lý nên dựa sát vào Thiên Kinh, nhưng ông ta lại giận dỗi tử thủ cô thành Lư Châu, lại không ngừng phát triển vè phía bắc, khiến cho thế cục Giang Bắc hoàn toàn không thể thu dọn được, cho dù trách nhiệm chính không phải do ông ta gánh nhưng nói rằng cách làm này là “chú ý đến đại cục” thì e rằng là sự phụ họa miễn cưỡng – giống như Lý Tú Thành chịu đủ mọi oan khuất, sau khi nhiều lần khuyên can Hồng Tú Toàn không được, lại không nghe lời người em họ Lý Thế Hiền mà bỏ đi, cuối cùng đồng quy ư tận bên cạnh Hồng Tú Toàn.

Lý Hồng Chương, bản thân là người huyện Hợp Phì Lư Châu, từng làm Đoàn luyện mấy năm ở Hoản Bắc, từng nói, “các vương như Trung, Thị (Lý Thế Hiền), Chương (Lâm Thiệu Chương), Can đều không hợp với cẩu nghịch (Trần Ngọc Thành ngoại hiệu là tứ nhãn cẩu), ngoài sợ mà trong hận”, còn người nhiều năm kề vai chiến đấu với Trần Ngọc Thành là chủ soái Niệm quân Trương Lạc Hành sau khi bị bắt thì nói Trần Ngọc Thành “đối đãi với người không tốt”.

Để cứu An Khánh, vùng “đất phân” của mình, Trần Ngọc Thành bất chấp lợi ích của các cánh quân khác, ép bọn họ đổi chủ làm khách, chiến tử liều lĩnh. Các lộ quân Thái Bình thì không nói, quê hương của Niệm quân là Hoản Bắc bị Thanh đình cướp phá tàn sát, các thủ lĩnh thỉnh cầu Trần Ngọc Thành gửi quân tiếp cứu, Trần không những không cứu ngược lại còn ép Niệm quân phải phối hợp với ông ta viễn chinh Hồ Bắc, chiến tử An Khánh, kết quả là Lưu Ngạ Lang, thủ lĩnh Lam kỳ của Niệm quân, khăng khăng muốn về quê bị Trương Lạc Hành âm mưu giết chết, cả đạo Lam kỳ trở mặt thành thù. Hai chủ soái của Bạch kỳ Niệm quân là Cung Đắc Thụ, Tôn Quỳ Tâm đều chết trên chiến trường Thái Bình Thiên Quốc, dẫn đến việc nguyên khí của đạo Bạch kỳ bị tổn thương trầm trọng, Niệm quân cũng vì thế mà rơi vào biến cố chia năm xẻ bảy. Những điều này đương nhiên đều có thể trở thành chứng cớ chống lại thuyết Trần Ngọc Thành “chí công vô tư”.

Nên thấy rằng, là thống soái một phương, tư lệnh toàn quân, tuổi đời của Trần Ngọc Thành thực còn quá trẻ, trên chiến trường xung phong hãm trận thì không có vấn đề, nhưng ý tưởng chiến lược khoáng đạt, quan hệ giao tế phức tạp lại không phải là thứ mà con người lịch duyệt như ông có thể đảm đương hoàn toàn được, cuối cùng khi ông mất cũng chỉ mới 26 tuổi.

Sở trường và sở đoản.

Có một văn nhân tên là Triệu Vũ Thôn, từng bị ép phải sống một thời gian với quân của Trần Ngọc Thành. Ông ta đã trần thuật lại rằng bộ thuộc ca ngợi Trần có ba sở trường: thứ nhất là yêu quý người đọc sách, thứ hai là thương yêu bách tính, thứ ba là không háo sắc.

Là một nhân sĩ trung lập, ghi chép của Triệu Vũ Thôn đương nhiên là có căn cứ. Trần Ngọc Thành tuyệt đối không “đốt sách chôn sống học trò” như một số trước tác viết cách đây mấy chục năm, trong thư phòng của ông chất đầy điển tích, rất nhiều quan viên Thanh triều bị ông bắt làm tù binh đều được ưu đãi, thậm chí ngay cả quan lại cấp cao như Lý Mạnh Quần tuần phủ An Huy sau khi bị bắt cũng được ưu đãi một thời gian dài, cho tới khi Thiên Kinh hạ chiếu chỉ mới bị xử tử.

Lý Tú Thành cũng ưu đãi quan viên Thanh triều như vậy, nhưng kẻ được ưu đãi thông thường sẽ xử sự “mềm mỏng” chứ không trực tiếp “chửi giặc”, mà kẻ “chửi giặc” thì sẽ không được giữ lại, nhưng trong đám “tiên sinh” của Trần Ngọc Thành lại có người vừa phục dịch vừa công khai chửi quân Thái Bình là “con cháu lũ rùa”, chính là Cát Năng Đạt, người trước đó là mạc liêu của Lý Mạnh Quần.

Bản thân Trần Ngọc Thành không phải là người học hành nhiều, nhưng sau khi ông bị bắt làm tù binh, mạc liêu của Thắng Bảo là Dụ Lang Tây từng bắt chuyện với ông, ông thuận miệng trích dẫn binh thư điển tịch, thẳng thắn đàm luận, khiến cho kẻ văn nhân này vô cùng khâm phục. Trần Ngọc Thành từng dâng thư “khâm định công lao bộ chương trình” lên Hồng Nhân Can, đề xuất tăng cường chế độ thưởng phạt, đủ thấy ông đã bỏ rất nhiều công sức vào việc học tập văn hóa.

Có điều, ông ta “yêu quý người đọc sách”, cũng giống như Lý Tú Thành, chỉ hạn chế ở việc kính trọng, cấp dưỡng chứ tuyệt đối không dám to gan trọng dụng. Những ghi chép còn lại đến ngày nay cho thấy những người đọc sách được ông ta kính lễ đều đảm nhiệm những chức vụ nhàn hạ như mạc liêu, thư ký, thầy thuốc; Nhìn lại người trấn thủ An Huy trước ông là Thạch Đạt Khai, dám mạnh tay trọng dụng người đọc sách, những bộ hạ dưới trướng như Lý Lam Cốc, Phan Hợp Phù, Đào Kim Thang, Hà Danh Tiêu đều xuất thân nho sinh, sau này đều trở thành đại tướng, quan lại quan trọng. 

Trần Ngọc Thành thương yêu bách tính cũng chỉ là cách nói tương đối. Tại Hoản Bắc, ông không chút tơ hào, giảm nhẹ thuế khóa, nhưng tại Tô Nam, bộ hạ của ông kỷ luật lỏng lẻo, bóc lột tàn nhẫn, tới mức người Tô Châu nghe nói giặc tóc dài tới thuộc hạ của Trung Vương thì còn dám buôn bán chứ nghe nói là thuộc hạ của Anh Vương thì vội vàng đóng cửa. Rất hiển nhiên, Trần Ngọc Thành thương yêu là bách tính trên địa bàn của mình thôi, còn với bách tính ở địa bàn của người khác thì vị tất có nhiều tình cảm như vậy, cho dù địa bàn đó là của cánh quân bạn.

  Trần Ngọc Thành không háo sắc, là nói ông ta không cưỡng đoạt dân nữ. Có một truyền thuyết không đáng tin cậy lắm, nói ông ta ngủ lại phủ Trung Vương ở Tô Châu, người của phủ Trung Vương tìm “tám người ca nữ” ân cần tiếp đãi, kết quả là Trần Ngọc Thành nửa đêm xuất phát, để lại câu nói “nữ binh của đất Ngô, thế không thể cản”, chuyển lời tới Lý Tú Thành tuyệt đối đừng sa chân vào chốn ngọt ngào    không thể nhấc chân ra được, muốn làm nên sự nghiệp lớn thì phải nhanh chóng rời xa Tô Châu.

Tuy không háo sắc, ông ta lại có không ít vợ. An Khánh, Lư Châu, Thiên Kinh đều có phủ Anh Vương, cũng đều có “Anh Vương nương” lưu lại. Một vương nương tuyệt sắc của ông ta sau khi bị bắt làm tù binh bị Thắng Bảo chiếm đoạt, Thắng Bảo bị Thanh đình trị tội. “Cưỡng chiếm gia quyến của giặc phỉ” là một trong những tội danh, có thể người vương nương này sau này cũng bị viên quan bắt và trừng trị Thắng Bảo chiếm đoạt.

Nghe đồn rằng ông ta còn một vị vương nương họ Tưởng lưu lại Thiên Kinh, sau khi thành bị phá thì được tướng Tương quân là Bào Dật cưới về quê cũ. Đứa con còn trong bụng mẹ khi Trần qua đời khi đó hơn hai tuổi cũng được Bào Dật nhận nuôi, sau này lớn lên biết được thân thế đã bỏ đi xuất gia, sau này tới thời Dân Quốc còn ra làm nghị viên tỉnh.

Sử sách chép lại rằng, Trần Ngọc Thành “chẳng hơn gì người thường”, nhưng dung mạo thanh tú đẹp đẽ, dưới viền mắt có hai vết sẹo do năm xưa dùng ngải hun để trị bệnh sốt rét còn lưu lại (đây cũng là lí do ông có ngoại hiệu là tứ nhãn cẩu), thường cưỡi con bạch mã, cực kỳ uy võ, thiếu niên anh hùng, cho dù là không háo sắc, chung quanh cũng khó tránh khỏi mấy người đẹp xúm lại, xem ra cũng không tiện trách sâu.

Trần Ngọc Thành sở trường nhất là đánh dã chiến. Bộ hạ của ông nói  giỏi nhất là dùng lực lượng mũi nhọn, bày ra thế trận hình nón trước ít sau đông, “lớp lớp tiến lên, chỉ có tiến chứ không lui”; Lại càng giỏi hơn trong việc bố trí lực lượng mũi nhọn trong đội ngũ, giả bại rút lui, chờ khi quân địch đuổi tới gần thì đột nhiên đánh quật trở lại. Dân gian một dải Hồ Bắc, An Huy gọi cách đánh này là “Tam thập kiểm điểm hồi mã thương”, Tam thập kiểm điểm chính là chức quan mà Trần Ngọc Thành đã từng đảm nhiệm.

Song khả năng đánh giá về tổng thể chiến trường của Trần Ngọc Thành lại không được tốt cho lắm, thường sau một trận đại thắng lại quên hết tất cả hoặc do chủ quan mà để mất cứ điểm quan trọng. Tướng Thanh mà ông ta kiêng dè nhất là Đa Long A, Bào Siêu, hai người này có cùng đặc điểm là không liều mạng đối đầu với ông mà tránh né trung lộ, đánh bọc sườn từ hai bên cánh. Thủ hạ của ông sau trận Anh Khánh quy thất bại là do số trời, nói “Anh Vương khi gặp may thì muốn sao được vậy, khi rủi ro thì nghĩ một nước sai một nước”, kỳ thực làm gì có cái gì gọi là số trời, chẳng qua chỉ là “con người vạch ra mưu kế không được tốt” mà thôi.

Sở đoản lớn nhất của Trần Ngọc Thành, e rằng là dùng người.

Đại tướng thủ hạ của Trần Ngọc Thành có rất ít “người ngoài”, không phải người nhà bạn hữu thì là người cũ Quảng Tây. Thủ hạ nổi tiếng của ông có ngũ đại đội, ngũ tiểu đội, chủ tướng có Trần Thời Vĩnh, Bốc Chiếm Khôi, Khang Chính Tài, Lương Thành Phú, Lưu Xương Lâm, Mã Dung Hòa. Trong đó Trần Thời Vĩnh là chú của ông ta,  Khang Chính Tài là người phụ trách thủy doanh của quân Thái Bình từ trước, Lưu Xương Lâm là bạn với ông từ thuở nhỏ, Bốc Chiếm Khôi thì là bạn nhập doanh với ông từ thời còn là Bài vĩ. Trần Tụ Thành, Trâu Lâm Bảo đi đồn trú ở Đan Dương thì người trước là em, người sau là dượng của ông. Tướng lĩnh quan trọng trong đám thủ hạ của ông có “người họ Trần” như Trần Sĩ Vinh, Trần Thời An, Trần Đắc Tài, Trần An Thành, có ngoại thích của Thiên Vương như  Lại Văn Quang, em họ Trương Triều Tước, có “hoàng thân quốc thích” như Trần Đắc Long là cháu trai của Dương Tú Thanh, còn có các nguyên lão như Ngụy Siêu Thành, Hầu Dụ Khoan, Hầu Thục Tiền.

Trong số những người này cố nhiên cũng có năng lực xuất chúng, nhưng do bọn họ là vì mối quan hệ, lai lịch, huyết thống nên được mà có được vị trí cao, tất nhiên có nhiều người không xứng với chức. Trần Tụ Thành là em nhỏ của Trần Ngọc Thành, sau khi bị bắt làm tù binh, Thắng Bảo cho là “còn nhỏ tuổi” nên đã thả đi. Trương Triều Tước do thân phận cao quý, ở An Khánh chức cao hơn Diệp Vân Lai, Ngô Định Thái, sau khi thành bị phá bỏ trốn mất dạng, khi đó toàn thành An Khánh bị tuyệt lương, tướng sĩ phải nấu bao kiếm, rương bằng da để ăn cho đỡ đói, nhưng trong nhà Trương Triều Tước lại giấu hai thạch gạo.

Trong số những cựu thần có công, Ngụy Siêu Thành là thân thích của Dương Tú Thanh, trước đây là quan giám trảm, Hầu Dụ Khoan là đầu bếp của Hồng Tú Toàn, Hầu Thục Tiền là quản kho, Khang Chính Tài lại là xuất thân đánh trận nhưng vốn là nắm thủy quân, những người này được trọng dụng cầm lục quân, giữ thành trì, lẽ nào lại có thể không nhỡ việc.

Nếu như không có quan hệ, lai lịch, huyết thống muốn xuất đầu ở chỗ Trần Ngọc Thành thì thật là khó. Trình Học Khải, người Đồng Thành, An Huy kiêu dũng tuyệt luân gia nhập cánh quân của Trần Ngọc Thành từ năm 1853, nhưng đánh trận đã bảy tám năm mới vào được chức vụ nhỏ bé “tiên phong”, cuối cùng vị Trình đại gia này đầu hàng Tăng Quốc Thuyên, trở thành cấp tiên phong tiến đánh An Khánh; Sau này lại đầu nhập Hoài quân của Lý Hồng Chương, phá Tô Châu, Gia Hưng đều là hành vi của người này.

Ngược lại cùng là đồng hương An Huy, nhập doanh trước và sau Trình Học Khải nhưng lại có tương lai tươi sáng, Trần Bính Văn đầu nhập dưới trướng của Lý Tú Thành, vào năm 1861 giữ chức Điện hậu quân chính tổng đề, lãng thiên an, lãnh trung điện đại tiền đội, đã là đại tướng hàng đầu của Lý Tú Thành; Đồng Dung Hải gia nhập binh đoàn Thạch Đạt Khai, năm 1861 là Điện tả đông phá khái quân chủ tướng, quan thiên nghĩa, sớm cũng đã nắm giữ một phương.

Rất có lí lịch và tài năng cũng không được. Danh tướng Ngô Như Hiếu, Hoàng Văn Kim đều đã từng là hạ cấp lệ thuộc Trần Ngọc Thanh, người trước từng là trợ thủ của La Đại Cương, chức vị một thời còn cao hơn Trần Ngọc Thành rất nhiều, kẻ sau còn là thủ lãnh hội Thượng đế ở Bình Nam, Quảng Tây khi Kim Điền khởi nghĩa, hơn nữa hai người này một giỏi phòng thủ, một mạnh về tấn công, đều là lão tướng nổi danh, nhưng mối quan hệ của Trần Ngọc Thành với hai người này như gần như xa, phần lớn thời gian Ngô Như Hiếu chiến đấu bên ngoài đội ngũ của Trần Ngọc Thành, thậm chí còn phối hợp hành động với Lý Tú Thành, còn Hoàng Văn Kim thì bị bỏ tại Tô Nam, Hoản Bắc “khổ sở chịu tội”.

Không khó để nhìn ra, Trần Ngọc Thành vẫn là người có tư tâm, khi ông ta biểu hiện ra mặt “chí công”, thường là do công tư có thể chiếu cố; một khi lợi ích công tư mâu thuẫn nhau thì cách tư duy của ông ta so với các tướng lĩnh khác cầm quân bên ngoài ở thời kỳ sau của Thái Bình Thiên Quốc như Lý Tú Thành, Lý Thế Hiền, Dương Phụ Thanh không có sự khác biệt về mặt bản chất.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s